Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản và yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu số 166/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

BẢN ÁN 166/2023/DS-PT NGÀY 18/09/2023 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN VÀ YÊU CẦU TUYÊN BỐ VĂN BẢN CÔNG CHỨNG VÔ HIỆU

Ngày 18-9-2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 142/2022/TLPT-DS ngày 11 tháng 11 năm 2022 về việc: “Tranh chấp về thừa kế tài sản và yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 36/2022/DS-ST ngày 13-6-2022 của Tòa án nhân dân thành phố Vũng Tàu bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 06/2023/QĐ-PT ngày 16-01-2023; Quyết định hoãn phiên tòa số 13/2023/QĐ-PT ngày 10-02-2023, số 39/2023/QĐ-PT ngày 14-3-2023, số 177/2023/QĐ-PT ngày 18- 8-2023; Thông báo mở lại phiên tòa số 17/TB-TA ngày 22-02-2023 và số 107/2023/TB-TA ngày 18-7-2023; Quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng số 133A/2023/QĐ-TA ngày 17-8-2023 và số 162/2023/QĐ-TA ngày 18-9-2023; giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Hồ Như H, sinh năm 1951, địa chỉ: Số A T, Phường C, thành phố V, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông H: Ông Nguyễn Đức C, địa chỉ: Số B B, Phường H, thành phố V, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. (có mặt)

2. Bị đơn: Ông Hồ Như B, sinh năm 1956, địa chỉ: Số A Ter L, Phường G, Quận C, thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

Người đại diện hợp pháp của ông B: Bà Nguyễn Thị Phương T, sinh năm 1958, địa chỉ: Số A T L, Phường G, Quận C, thành phố Hồ Chí Minh, là đại diện ủy quyền theo Giấy ủy quyền ngày 06-11-2019 (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông B: Ông Vũ Quang Đ, sinh năm 1954 và ông Cao Ngọc S, sinh năm 1955 – Luật sư thuộc Đoàn luật sư Thành phố H; cùng địa chỉ: Văn phòng luật sư Vũ Quang Đ – B H, Phường A, Quận A, TP Hồ Chí Minh (có mặt).

3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà Phạm Thị Bích L, sinh năm 1969, địa chỉ: Số F đường N, Phường A, thành phố V, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, địa chỉ liên hệ: Số A đường L, Phường A, thành phố V, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (vắng mặt).

3.2. Bà Phạm Thanh G, sinh năm 1971, địa chỉ: Số B Khu tập thể K, phường K, quận Đ, thành phố Hà Nội, địa chỉ liên hệ: Công ty cổ phần F, thị trấn V, huyện T, Thành phố Hà Nội (vắng mặt).

3.3. Ông Hồ Như L1, sinh năm 1947 (đã chết).

Người kế thừa quyền nghĩa vụ tố tụng của ông L1 gồm:

- Bà Hoàng Thị T1, sinh năm 1953 và bà Hồ Như Y, sinh năm 1974; Cùng địa chỉ: Số C đường B, Phường A, quận T, thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt).

- Ông Hồ Hoài N, sinh năm 1980; Địa chỉ: D, tổ A T, quận Đ, Hà Nội. Địa chỉ liên lạc: Số nhà G, ngõ B đường K, Tổ B, phường Đ, quận H, Hà Nội (vắng mặt).

3.4. Ông Hồ Như P, sinh năm 1949, địa chỉ: P Chung cư A, đường T, phường T, Quận G, thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt có đơn xin xét xử vắng mặt).

3.5. Ông Hồ Như P1, sinh năm 1954; Địa chỉ: A Ter L, Phường G, Quận C, thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt có đơn xét xử vắng mặt).

3.6. Phòng C2, địa chỉ: Số H đường Đ, Phường C, thành phố V, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Người đại diện theo pháp luật: Bà Phạm Thị Ánh N1 (vắng mặt).

3.7. Bà Trần Ngọc T2, sinh năm 1981, địa chỉ: Số C đường T, Phường A, thành phố V, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (vắng mặt).

4. Người làm chứng:

4.1. Bà Trần Thị Kim C1, sinh năm 1934, địa chỉ tại 1 đường H, thành phố Q, tỉnh Bình Định (vắng mặt).

4.2. Ông Trần Minh T3, sinh năm 1963, địa chỉ tại C Ấp C, xã V, huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt có đơn xin xét xử vắng mặt).

5. Người kháng cáo: Ông Hồ Như H – là nguyên đơn; ông Hồ Như P và chị Phạm Thị Bích L – là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và các lời khai tại Tòa án, nguyên đơn là ông Hồ Như H trình bày:

Ba mẹ ông là các cụ Hồ Như P2 và Trần Thị L2 có tài sản là nhà và 229m2 đất thửa số 81, tờ bản đồ số 06 tại địa chỉ D T, Phường A, thành phố V được Ủy ban nhân dân tỉnh B cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 7201010232 ngày 30-6-1998.

Cụ P2 và cụ L2 có 06 người con là: Bà Hồ Như M (mất năm 2017, có 02 người con là bà Phạm Thị Bích L và bà Phạm Thanh G); ông Hồ Như L1; ông Hồ Như P; ông Hồ Như H; ông Hồ Như P1; ông Hồ Như B.

Từ năm 1982, ông Hồ Như L1 sống chung với cụ P2 và cụ L2 tại nhà đất trên. Năm 1999 cụ L2 mất, năm 2005 cụ P2 mất. Sau đó ông L1 tiếp tục sống tại nhà đất trên để thờ cúng ông bà tổ tiên.

Năm 2019, ông B có ý định thuê nhà cho ông L1 ở để ông Bình bán nhà đất nêu trên của ba mẹ. Gia đình họp bàn thì ông B đưa ra “Tờ di chúc” do Phòng C2 số 1 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lập ngày 13-7-1999 với nội dung: Sau khi cụ P2 và cụ L2 mất, ông B được thừa kế toàn bộ căn nhà số D đường T, Phường A, thành phố V gắn với diện tích đất 229m2. Đồng thời ông B đưa ra Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở của ba mẹ đã sang tên nhà đất này cho ông B từ năm 2002. Lúc này anh em trong gia đình mới biết đến “Tờ di chúc” ngày 13-7- 1999.

Sau khi xem xét “Tờ di chúc”, ông thấy tờ di chúc này là vô hiệu với lý do: Chữ ký có tên Trần Thị L2 không phải là do mẹ ông ký.

Về hình thức của di chúc không tuân thủ theo quy định của Điều 28 Nghị Định 31/1996/NĐ-CP ngày 18-5-1996 về Tổ chức và hoạt động của công chứng nhà nước. Công chứng viên không ghi chép, không ký vào bản di chúc của ba mẹ ông, không có dấu đóng giáp lai của Phòng Công chứng.

Theo quy định thì người đi công chứng phải xuất trình chứng minh nhân dân (CMND), nhưng thời điểm này CMND của ba mẹ ông đã hết giá trị sử dụng, số CMND của ba ông ghi trong di chúc không đúng, số đúng của ba ông là 100440230. Hơn nữa theo Nghị định 05/1999/NĐ-CP ngày 03-02-1999 về CMND thì khi đi khỏi tỉnh khác cần phải đổi chứng minh nhân dân, ba mẹ ông đã đi khỏi tỉnh Quảng Nam-Quảng Ngãi nhưng vẫn chưa đổi CMND.

Địa chỉ của ông B trong Di chúc cũng ghi sai số nhà, nhà ông B là “129 Ter L”, di chúc ghi là “120tre Lý Chiến T4”.

Theo quy định của Nghị định 75/2000/NĐ-CP ngày 08-12-2000 thì khi người lập di chúc chết, công chứng viên phải công bố di chúc, biên bản công bố di chúc phải ghi rõ thời gian địa điểm công bố di chúc, họ tên công chứng viên công bố di chúc; họ tên và địa chỉ của từng người thừa kế và người khác có liên quan đến nội dung di chúc có mặt cũng như vắng mặt, những người có mặt đã kiểm tra dấu niêm phong di chúc; công chứng viên mở và đọc di chúc cho những người có mặt nghe, nếu có người thừa kế, người khác có liên quan đến nội dung di chúc mà vắng mặt thì phải ghi lý do vắng mặt của người đó, từng người có mặt và công chứng viên ký vào biên bản. Do đó di chúc của ba mẹ ông hoàn toàn không được công bố nên chưa có hiệu lực pháp luật.

Di chúc này trái đạo đức xã hội vì ba mẹ ông có 06 người con nhưng ba mẹ ông lại chỉ cho mình ông B. Hơn nữa, tại thời điểm hóa giá nhà, ba mẹ ông còn thiếu 47.000.000đ, chị gái ông là bà Hồ Như M gửi cho ba mẹ ông 50.000.000đ để ba mẹ đóng cho đủ tiền; anh trai ông là Hồ Như L1 không có tài sản lại là người chung sống cùng ba mẹ ông từ năm 1982 tới khi ba mẹ ông mất mà ba mẹ lại không để lại tài sản này cho ông L1 là không phù hợp. Hơn nữa, ba mẹ ông đã lập di ảnh của hai bên nội ngoại để thờ cúng tại căn nhà này, nghĩa là nhà để thờ cúng của gia đình, không phải để chia riêng cho một người con.

Vì vậy, ông H yêu cầu Tòa án tuyên bố Di chúc ngày 13-7-1999 và Hợp đồng chuyển quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất do Phòng C2, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lập ngày 25-02-2002 vô hiệu, lý do vì di chúc không hợp pháp nên việc sử dụng di chúc để lập hợp đồng tặng cho là không đúng về nội dung, còn về hình thức hợp đồng chuyển quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất cũng không tuân thủ theo mẫu của Bộ Tư pháp nên không hợp pháp. Đồng thời ông H yêu cầu Tòa tuyên xử cho tất cả những người con của cụ L2, cụ P2 được đồng sở hữu để tài sản này sử dụng vào mục đích thờ tự.

Bị đơn là ông Hồ Như B trình bày:

Ông B là em ruột ông Hồ Như H. Về quan hệ gia đình của ông H và ông B đúng như ông H trình bày. Khi ba mẹ của ông còn sống đã phân chia tài sản cho các con như sau:

Cho bà Hồ Như M 01 căn hộ ở Khu tập thể K, Hà Nội;

Cho ông Hồ Như H và ông Hồ Như L1 căn nhà số C L, Phường A, thành phố V. Căn nhà này trước đây do ba ông và ông H cùng đứng tên đồng sở hữu, khi mẹ ông mất, ông H đã lừa ba ông làm giấy tờ sang tên, sau đó đã bán mất căn nhà, trong đó có cả phần tài sản của ông L1;

Cho ông Hồ Như P1 đứng tên chủ quyền căn nhà số A T L, Phường G, Quận C, thành phố Hồ Chí Minh;

Ông Hồ Như P đã được ba mẹ hỗ trợ trong công việc làm ăn.

Như vậy, khi ba mẹ ông còn sống đã phân chia tài sản rất công bằng cho các con.

Năm 1999 sau đám tang mẹ, chị gái ông là bà Hồ Như M trực tiếp nói với ông là mẹ ông có để di chúc căn nhà cho ông, sau đó bà M cầm toàn bộ giấy tờ liên quan đến căn nhà số D (số mới 39) đường Trương Công Định đến gửi nhà con gái bà M là Phạm Thị Bích L. Sau sự việc ông H lừa ba ông bán nhà số C đường L, ba ông yêu cầu sát sao nên bà L phải đưa “Tờ di chúc ngày 13-7-1999” sang trả lại cho ba ông.

Ngày 25-02-2002, ông B được ba gọi về để làm thủ tục sang tên nhà đất theo ý nguyện của mẹ ông trong di chúc. Ba ông đã ký hợp đồng chuyển quyền toàn bộ nhà ở đất ở tại địa chỉ số D đường T cho ông, được Phòng C2, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác nhận.

Lý do năm 2002 ba ông lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông vì có những biến cố trong gia đình, cụ thể như sau:

- Năm 1991-1992 vợ chồng ông Hải ly h nhưng không chia tài sản vì nhà đất 3/7 Lý Thường K vợ chồng ông H ở, diện tích được cấp 300m2, trong đó có 1 phần cấp cho ba ông, còn tiền xây nhà do ba mẹ ông bỏ ra toàn bộ. Đến cuối năm 1999 khi mẹ ông mất, ông H lừa ba ông làm ủy quyền rồi làm thủ tục sang tên cho ông H phần đất của ba mẹ. Sau đó vợ chồng ông H chia tài sản sau ly hôn và vợ chồng ông H bán nhà trên.

- Năm 1998, vợ chồng ông P lừa đảo ở Hải Phòng, vợ ông P bị Tòa án nhân dân tỉnh Hải Phòng xử phạt 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong thời gian ông P trốn vào Vũng Tàu ở, các chủ nợ tìm đến nhà ba ông để thúc ép trả nợ. Lo ngại rắc rối phiền phức sẽ xảy ra nên sau Tết âm lịch năm 2002, ba ông đã gọi ông về để làm thủ tục sang tên nhà đất 426 đườngTrương Công Định theo di chúc của ba mẹ.

Từ năm 2002 đến nay ông B đóng thuế đất, từ năm 2007 ông là người thu tiền cho thuê nhà mỗi tháng.

Di chúc ngày 13-7-1999 của ba mẹ ông đã được công chứng viên Phòng C2 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chứng nhận, là bản di chúc hợp pháp. Phần nhà 426 đường T là ba mẹ dành riêng cho ông, ông được nhận tài sản của ba mẹ tặng cho hoàn toàn hợp pháp và ngay tình nên không ai được quyền đòi chia thừa kế căn nhà này hoặc yêu cầu dùng căn nhà này vào việc thờ tự. Ông đề nghị phải thực hiện theo đúng ý nguyện của ba mẹ ông trong di chúc, đề nghị Tòa án không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Hồ Như H.

Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

- Phòng C2, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có ý kiến tại Văn bản số 166/PCCS1 ngày 12 tháng 8 năm 2020: Tờ di chúc số 166, quyển số 02/DC ngày 13-7-1999 có thành phần hồ sơ công chứng phù hợp với các quy định của pháp luật tại thời điểm công chứng. Do điều kiện công tác, Phòng C2 không thể cử người tham gia tố tụng trong suốt quá trình giải quyết vụ án, đề nghị Tòa án giải quyết vắng mặt của đại diện Phòng C2, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

- Ông Hồ Như P trình bày:

Khoảng cuối năm 2001, đầu năm 2002 khi ông đến nhà ông B tại thành phố Hồ Chí Minh chơi thì ông B, bà T đưa cho ông một lá thư nhờ đem về cho ba ông là Hồ Như P2, ba ông có để cho ông đọc, nội dung thư là cháu Q (con của ông B, bà T) sắp đi du học ở Canada nên nhờ ba ông cho ông B, bà T đứng tên tài sản là nhà đất tại số D (số mới 39) đường Trương Công Định để chứng minh ông B, bà T có tài sản bảo đảm cho con du học.

Sau đó ông gọi điện cho chị gái là bà Hồ Như M ở Hà Nội trao đổi nội dung này, bà M cũng nói đã được vợ chồng ông B trao đổi và vợ chồng ông B nói sẽ viết giấy cam kết về việc chỉ mượn tài sản của ba mẹ. Ông gọi điện cho ông L1, ông L1 cũng đồng ý để tạo điều kiện cho cháu đi học.

Năm 2005, khi ba ông mất gia đình có họp lại, bà M nói mọi việc gia đình sẽ giao cho em B-Thu lo liệu, tất cả đều thống nhất.

Tháng 4-2019, ông nghe tin ông Bình đ bán căn nhà này nên điện thoại nói rõ nhà này không phải của ông B. Lúc này ông B mới nói có di chúc ba để lại nhà cho ông B. Khoảng 1 tuần sau, ông gặp ông B ở S, ông B đưa cho ông bản di chúc photo và nói ông là người đầu tiên ông B cho xem di chúc, nếu muốn xem di chúc thì lên xem ở Phòng Công chứng. Ông thông báo lại nội dung này cho các anh em trong gia đình, gia đình họp lại nhưng vợ chồng ông B, bà T không về họp.

Ông đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông H về việc tuyên Di chúc ngày 13- 7-1999 do Phòng C2, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lập là vô hiệu với các lý do như ông H đã nêu và cho tất cả những người con của ba mẹ được đồng sở hữu để tài sản này sử dụng vào mục đích thờ tự.

- Ông Hồ Như L1:

Tại Đơn đề nghị ngày 06-02-2020 ông L1 trình bày: Ông Hồ Như H làm đơn kiện là không phù hợp vì Ba mẹ có để lại di chúc cho ông Hồ Như B làm chủ và toàn quyền sử dụng căn nhà số D (số mới 39) đường T.

Tại Biên bản lấy lời khai ngày 07-8-2020 ông L1 khai: Ông L1 chưa được ba mẹ cho tài sản gì, ông ở chung với ba mẹ từ năm 1980 tại căn nhà này cho đến nay. Ba mẹ ông không để lại nhà đất này cho ông B mà việc sang tên chỉ để thuận tiện cho con của ông B đi du học. Ông đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông H về việc tuyên Tờ di chúc ngày 13-7-1999 do Phòng C2, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lập là vô hiệu với các lý do nhưng ông H đã nêu và cho tất cả những người con của cụ L2, cụ P2 được đồng sở hữu để tài sản này sử dụng vào mục đích thờ tự.

Tại Biên bản lấy lời khai ngày 05-10-2020 ông L1 khai: Từ năm 2002, anh em trong gia đình đã biết việc ông B được bố mẹ cho đứng tên nhà đất này và đều đồng ý về việc này. Việc tranh chấp tài sản giữa anh em trong gia đình là không đúng, ông không đồng ý.

Tại Bản tường trình và cam kết ngày 17-01-2022 ông L1 trình bày: Khi còn sống, ba ông đã tặng cho ông B toàn bộ căn nhà số D (số mới 39) đường T nên ông B được toàn quyền định đoạt tài sản trên. Việc ông H khởi kiện ông không đồng ý. Ông L1 không có đóng góp gì đối với căn nhà này. Với bản tường trình này ông xin phép không tiếp tục tham gia vào vụ kiện này, không đòi hỏi bất kỳ quyền lợi nào liên quan đến việc thừa kế căn nhà, ông không tham gia các buổi xét xử của Tòa án.

Những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Hồ Như L1 gồm bà Hoàng Thị T1, bà Hồ Như Y, ông Hồ Hoài N đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt nên không ghi nhận được ý kiến.

- Ông Hồ Như P1: Tại Bản tường trình và cam kết ngày 19-10-2021 ông P1 trình bày: Căn nhà số D (số mới 39) đường T, Phường A, Thành phố V là tài sản của ba mẹ ông. Ba mẹ ông có đầy đủ quyền để tặng, cho tài sản riêng của mình. Bản thân ông không đóng góp cũng không phụ giúp gì cho ba mẹ vì vậy ông không tham gia vào vụ kiện này, không đòi hỏi quyền lợi liên quan đến việc thừa kế căn nhà này.

- Chị Phạm Thị Bích L và chị Phạm Thanh G trình bày:

Chị L và chị G là con ruột của bà Hồ Như M.

Theo chị L thì từ năm 1992 đến năm 1994, chị sống cùng với ông bà (cụ P2 và cụ L2). Sau khi lập gia đình riêng, chị ở cách nhà ông bà khoảng 300m. Khoảng cuối năm 1997 khi chị sinh con, chị lại về sống cùng ông bà và nghe ông bà nói sẽ để phần nhà đất ông L1 đang ở cho vợ chồng chị. Tuy nhiên, do diện tích nhà này hơi nhỏ nên chồng chị không đồng ý mà mua nhà gần nhà ông bà để ở. Khoảng tháng 4, tháng 5 năm 1998, nhà nước làm thủ tục hóa giá nhà này, do ông bà không đủ tiền nên mẹ chị đã gửi vào cho ông bà 50.000.000đ để ông bà hoàn thiện thủ tục. Chị L là người sống gần gũi với ông bà nên nhận thấy ý chí của ông bà là để tài sản này lại làm nơi thờ tự, để con cháu tụ họp. Do đó, di chúc hoàn toàn không thể hiện đúng ý chí của ông bà, vì thời điểm đó ông bà đã rất già.

Chị L đề nghị Tòa án xem xét tính hợp pháp của Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông ngoại Hồ Như P2 với ông Hồ Như B do năm 2002 ông ngoại đã 88 tuổi, không còn minh mẫn, sau khi bà ngoại mất thì ông ngoại rất buồn và có dấu hiệu bị lẫn nên lúc nào chị L cũng phải ghi tờ giấy đề số nhà, số điện thoại trong túi của ông để phòng khi ông đi lạc thì có người thông báo cho gia đình.

Theo chị L và chị G, nguyện vọng của bà M là nhà đất số D (số mới 39) đường T được sử dụng làm nhà thờ tự. Do đó, chị L và chị G đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông H về việc tuyên Di chúc ngày 13-7-1999 do Phòng C2, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lập là vô hiệu với các lý do nhưng ông H đã trình bày và cho tất cả những người con của cụ L2, cụ P2 được đồng sở hữu để tài sản này sử dụng vào mục đích thờ tự.

- Bà Trần Ngọc T2 trình bày: Bà T2 là người thuê nhà số D (số mới 39) đường T, Phường A, thành phố V của ông Hồ Như B để kinh doanh. Việc thuê nhà đã có các điều khoản rõ ràng, bà không có ý kiến và yêu cầu gì trong vụ kiện này.

Người làm chứng:

- Bà Trần Thị Kim C1 trình bày: Bà là em ruột của bà Trần Thị L2, vào ngày tổ chức đám tang bà L2, khi trò chuyện với anh rể là ông Hồ Như P2, bà hỏi ông P2 về căn nhà 426 (số mới 39) T, Phường A, thành phố V sau này sẽ định thế nào thì ông P2 nói: Khi chị (bà L2) còn sống anh chị đã thống nhất cho con trai là B toàn bộ căn nhà vì những người khác đã có phần rồi, giấy tờ đã xong xuôi rồi.

- Ông Trần Minh T3 trình bày: Ông là con trai của ông Trần Đức Q1 (em ruột cụ L2). Hiện nay sức khỏe của ông Q1 đã yếu, không còn minh mẫn, nên không thể nhớ được những chuyện đã xảy ra trước đây. Trước khi bà L2 mất ông T3 có nghe nói nhà đất số số 426 (số mới 39) đường T, Phường A, thành phố V để cho ông B. Sau khi bà L2 mất, ông hỏi thì được ông B cho biết ông P2 và bà L2 đã chuyển tên nhà đất trên sang cho ông B.

Bản án dân sự sơ thẩm số 36/2022/DS-ST ngày 13-6-2022 của Tòa án nhân dân thành phố Vũng Tàu đã tuyên xử:

Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Hồ Như H về việc tuyên Tờ di chúc ngày 13-7-1999 và Hợp đồng chuyển quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở ngày 25-02-2002 được Phòng C2, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác nhận là vô hiệu; không chấp nhận yêu cầu chia di sản thừa kế là nhà đất số D (số mới 39) T, Phường A, thành phố V để dùng làm nhà thờ tự.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Kháng cáo:

- Ngày 23-6-2022, nguyên đơn là ông Hồ Như H kháng cáo toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm với lý do nội dung trong bản án dân sự sơ thẩm không chính xác và không đúng với những yêu cầu của nguyên đơn. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông.

- Ngày 23-6-2022, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Hồ Như P kháng cáo toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm với lý do Hợp đồng chuyển quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở ngày 25-02-2002 được Phòng C2, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác nhận và Tờ di chúc ngày 13-7-1999 thực hiện không đúng trình tự, không có giá trị, không tuân thủ đúng quy định pháp luật nên vô hiệu. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm tuyên bố Hợp đồng chuyển quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở và Di chúc nêu trên vô hiệu; công nhận quyền thừa kế của ông đối với nhà đất số C T trên.

- Ngày 23-6-2022, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là chị Phạm Thị Bích L kháng cáo toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm với lý do Hợp đồng chuyển quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở ngày 25-02-2002 được Phòng C2, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác nhận và Tờ di chúc ngày 13-7-1999 thực hiện không đúng trình tự, không tuân thủ đúng quy định pháp luật. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm tuyên bố Hợp đồng chuyển quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở và Di chúc nêu trên vô hiệu; công nhận quyền thừa kế của bà và bà G đối với nhà đất số C T trên.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo.

- Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có ý kiến:

Việc chấp hành pháp luật của Thẩm phán và Hội đồng xét xử phúc thẩm đúng quy định. Các đương sự có mặt tại phiên tòa phúc thẩm chấp hành tốt quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Đối với chị Phạm Thị Bích L có đơn kháng cáo, đã được Toà án triệu tập hợp lệ 04 lần nhưng phiên toà này chị L vắng mặt, đề nghị Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo của chị L; ông P vắng mặt tuy nhiên đã có đơn xin xét xử vắng mặt.

Về nội dung vụ án:

Các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án thể hiện nhà đất số 39 (426 cũ) T, Phường A, thành phố V thuộc quyền sở hữu, sử dụng của cụ P2 và cụ L2. Sau khi cụ L2 mất thì cụ P2 đã ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất này cho ông B và đã sang tên xong. Việc sang tên nhà dất cho ông B phù hợp với di chúc chung của cụ L2 và cụ P2 ngày 13-7-1999. Bản di chúc này tuy có một số sai sót như nguyên đơn nêu nhưng chỉ là sai về chính tả, không làm thay đổi ý chí định đoạt tài sản của cụ P2 và cụ L2 đã được thể hiện rõ và đầy đủ nên những sai sót này không ảnh hưởng đến hiệu lực của di chúc. Cũng không có căn cứ để xác định chữ ký của cụ L2 trong bản di chúc là giả, kết luận giám định của cơ quan công an cũng không xác định được đó không phải là chữ ký của cụ L2.

Bản di chúc là hợp pháp nên hợp đồng chuyển nhượng nhà đất cho ông B cũng là hợp pháp. Do vậy đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của ông H, ông P giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, vắng mặt một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, trong đó có ông Hồ Như P và chị Phạm Thị Bích L là những người có đơn kháng cáo. Đây là phiên tòa lần thứ 2 sau khi vụ án tạm đình chỉ, Tòa án đã tống đạt hợp lệ; ông Hồ Như P, ông Hồ Như P1 đã có đơn xin xét xử vắng mặt tại các cấp xét xử, Tòa án không nhận được lý do vắng mặt của chị L và các đương sự khác. Do vậy, Hội đồng xét xử căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự tiếp tục xét xử vắng mặt các ông bà Phạm Thị G1; Trần Ngọc T2; người đại diện hợp pháp của Phòng C2 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; những người kế thừa quyền nghĩa vụ tố tụng của ông Hồ Như L1 gồm ông Hồ Hoài N, bà Hoàng Thị T1, bà Hồ Như Y và đình chỉ xét xử phúc thẩm phần kháng cáo của chị L.

Xét kháng cáo của ông Hồ Như H và ông Hồ Như P, như sau:

[2] Cụ Hồ Như P3 sinh năm 1914, chết năm 2005 và cụ Trần Thị L2 sinh năm 1926, chết năm 1999. Cụ P3 và cụ L2 có 06 người con là các ông bà: Hồ Như M, sinh năm 1946 (chết năm 2017), Hồ Như L1 sinh năm 1947 (chết năm 2022), Hồ Như P sinh năm 1949, Hồ Như H sinh năm 1951, Hồ Như P1 sinh năm 1954, Hồ Như Bình sinh năm 1956. Ngoài ra các cụ không có con riêng, con nuôi nào khác. Cha mẹ các cụ đã chết khi các cụ còn sống. Do vậy hàng thừa kế của cụ P3 và cụ L2 là 06 người con nêu trên.

[3] Các đương sự cung cấp một bản di chúc lập ngày 13-7-1999, người ký là cụ P3 và cụ L2. Tuy nhiên nguyên đơn cho rằng đây là bản di chúc không hợp pháp, giả mạo nên không công nhận và khởi kiện bị đơn, yêu cầu tuyên vô hiệu bản di chúc.

[4] Xét yêu cầu của nguyên đơn và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn về việc tuyên Tờ di chúc ngày 13-7-1999 vô hiệu như sau:

[4.1] Nhà đất số 39 (426 cũ) đường T, Phường A, thành phố V thuộc quyền sở hữu, sử dụng của cụ Hồ Như P3 và cụ Trần Thị L2, theo Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 7201010232 do Ủy ban nhân dân tỉnh B cấp ngày 30-6-1998. Căn nhà có diện tích sử dụng 153,44m2 trên diện tích đất 229m2, thuộc thửa số 81, tờ bản đồ số 06 cũ, nay là thửa số 4+12, tờ bản đồ số 33, Phường A, thành phố V (gọi tắt là nhà đất 39 Trương Công Định).

[4.2] Nguyên đơn và chị Phạm Thị Bích L cho rằng vào thời điểm cụ P3, cụ L2 được mua hóa giá căn nhà thì bà Hồ Như M có gửi 50.000.000đ để các cụ mua nhà này. Ý kiến này không có chứng cứ chứng minh kèm theo và không được sự thừa nhận của tất cả các thừa kế khác nên không có cơ sở xem xét. Với các tài liệu chứng cứ thu thập được thì có cơ sở để xác định nhà đất 39 Trương Công Định chính thức thuộc quyền sở hữu, sử dụng của cụ P3 và cụ L2 kể từ ngày hai cụ được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 7201010232 ngày 30-6-1998. Vì thế theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự năm 1995, hai cụ có toàn quyền định đoạt tài sản này cho tất cả các con hay chỉ cho một người đều là hợp pháp, không có cơ sở để kết luận hai cụ chỉ để tài sản cho một người trong số các con là trái đạo đức xã hội như ý kiến của nguyên đơn.

[4.3] Ngày 13-7-1999, cụ P3 và cụ L2 lập Tờ di chúc với nội dung: “Sau khi chúng tôi qua đời, con trai là Hồ Như B được thừa kế toàn bộ căn nhà số D (số mới C) đường T, Phường A, thành phố V và quyền sử dụng đất 229m2 trên. Nếu như một trong hai chúng tôi có người nào qua đời trước thì người còn lại được hưởng toàn bộ phần tài sản của người đã chết (tức được toàn quyền định đoạt căn nhà nói trên” (BL 140).

[4.4] Nội dung di chúc được đánh máy thành văn bản có chữ ký của cụ P3, cụ L2 và có công chứng viên ký ở phần chứng nhận, có đóng dấu của Phòng Công chứng. Về nguyên tắc, văn bản đã có công chứng là tài liệu chứng cứ không cần chứng minh. Tuy nhiên nguyên đơn cho rằng công chứng viên công chứng không đúng nên Hội đồng xét xử xem xét như sau:

[4.4.1] Tờ di chúc chỉ có hai trang, trang sau là phần chứng nhận và chữ ký của công chứng viên, đóng dấu của Phòng C2. Tại thời điểm chứng nhận di chúc, không có quy định bắt buộc công chứng viên phải ký từng trang. Qua xem xét thấy rằng tờ di chúc lưu trữ tại Phòng Công chứng không đóng dấu giáp lai, tuy nhiên bản di chúc lưu trữ của Phòng quản lý đô thị Thành phố V lưu từ khi cụ P3 còn sống thì có đóng dấu giáp lai của Phòng C2 và nội dung của hai bản di chúc này là giống nhau. Vì vậy cho dù công chứng viên không ký vào từng trang thì vẫn có cơ sở để xác định Tờ di chúc không có trang nào bị thay thế hay giả mạo (BL 140).

[4.4.2] Di chúc nêu trên được Phòng C2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chứng nhận theo quy định tại các Điều 660, 661, 662 Bộ luật dân sự 1995 và các Điều 7, 18, 28 Nghị định số 31/CP ngày 18-5-1996 của Chính phủ quy định về việc chứng nhận di chúc. Nội dung di chúc thể hiện ý chí của cụ P3 và cụ L2 nhằm chuyển tài sản của hai cụ cho người khác sau khi hai cụ chết. Không có gì chứng minh thời điểm lập di chúc hai cụ bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép hay bị xác định là người không minh mẫn, không thể nhận thức và làm chủ được hành vi. Nội dung di chúc rõ ràng, đầy đủ các nội dung cần có của bản di chúc. Trong số người thừa kế của hai cụ không có ai thuộc trường hợp được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Do đó, di chúc này là hợp pháp theo quy định tại các Điều 649, 650, 655, 656, 672 Bộ luật dân sự 1995.

[4.4.3] Về một số chi tiết nguyên đơn cho rằng có sai sót trong Tờ di chúc, Hội đồng xét xử thấy rằng:

- Số chứng minh nhân dân (CMND) của cụ P3 theo bản CMND lưu trữ tại Phòng C2 và ghi trong Tờ di chúc đều là 010448430, không có bản CMND nào khác của cụ P3 có số như ghi trong Sổ hộ khẩu nên không có căn cứ cho rằng số CMND của cụ P3 trong Tờ di chúc là sai. Chứng minh nhân dân của cụ P3 và cụ L2 được cấp trong thời gian Quyết định số 143/CP ngày 09-8-1976 về cấp CMND có hiệu lực, sau khi có quy định mới về cấp CMND là Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03-02- 1999 thì hai cụ thuộc trường hợp đổi lại CMND nhưng theo quy định tại mục 3 phần II Thông tư 04/1999/BCA ngày 29-4-1999 thì việc đổi CMND sẽ theo lộ trình, kế hoạch thông báo của Bộ C3 và không cần phải làm đơn xin đổi, trong thời gian chưa được thông báo cấp đổi thì vẫn được dùng CMND cũ. Do vậy, CMND của hai cụ vẫn có giá trị sử dụng tại thời điểm công chứng Tờ di chúc ngày 13-7-1999.

- Trong Tờ di chúc có một số chi tiết như: Ngày cấp CMND của cụ P3 là 04- 11-1978 lại ghi thành 04-11-1078; địa chỉ của cụ L2 ở đường T ghi thành Trương Công Đ1; hộ khẩu thường trú của ông Hồ Như B là 120 Ter Chính Thắng ghi thành 120tre Lý Chiến T4. So sánh với các bản lưu trữ tại Phòng Công chứng thấy rằng đây chỉ là những sai sót do lỗi cẩu thả của người đánh máy.

Thấy rằng các vấn đề nêu trên không làm thay đổi bản chất ý chí của cụ P3 và cụ L2 về quyền định đoạt tài sản của hai cụ, không phải là căn cứ xác đáng để hủy Tờ di chúc.

[4.5] Đối với ý kiến của nguyên đơn về việc di chúc không được công bố theo quy định:

[4.5.1] Theo quy định tại Điều 668, 675 Bộ luật dân sự 1995 thì người lập di chúc có thể lưu giữ di chúc tại Phòng Công chứng để công chứng viên công bố di chúc hoặc người lập di chúc chỉ định người công bố di chúc sau khi người lập di chúc chết. Theo Điều 30 Nghị định 31/CP ngày 18-5-1996 của Chính phủ và phần C, mục III Thông tư 1411/TT.CC ngày 03-10-1996 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện Nghị định 31 nêu trên thì công chứng viên chỉ có trách nhiệm công bố di chúc nếu: Ngoài bản di chúc đã được lưu trữ tại Phòng Công chứng, người lập di chúc có yêu cầu Phòng Công chứng giữ bản di chúc của mình và bản di chúc gửi giữ này phải được niêm phong ghi vào sổ và có lập Giấy nhận giữ theo mẫu. Theo hồ sơ lưu trữ tại Phòng C2 và theo nội dung bản di chúc thì không có việc cụ P3 và cụ L2 yêu cầu Phòng Công chứng giữ di chúc hoặc hai cụ chỉ định người công bố di chúc. Do vậy, Phòng Công chứng có bản di chúc của cụ P3 và cụ L2 là do thực hiện theo quy định về lưu trữ của hoạt động công chứng, không phải là do nhận giữ di chúc theo quy định về nhận giữ di chúc đã nêu trên. Vì lẽ đó, Công chứng viên không buộc phải có trách nhiệm công bố di chúc.

[4.5.2] Bản di chúc của cụ P3 và cụ L2 chưa được một trong số những người thừa kế công bố và cấp bản sao cho những người liên quan đến nội dung di chúc là chưa thực hiện đầy đủ, kịp thời các bước theo quy định tại Khoản 2 Điều 675 Bộ luật dân sự 1995 để các thừa kế khác xem và đối chiếu di chúc. Tuy nhiên khi các đương sự tranh chấp tại Toà án, việc di chúc có giả mạo hay không cũng đã được xem xét thông qua giám định đối với Tờ di chúc. Tại Kết luận giám định số 448/PC09-Đ2 ngày 08-4-2020, Phòng K1 Công an tỉnh B đã kết luận: “Không đủ cơ sở kết luận chữ ký mang tên Hồ Như P3 và Trần Thị L2 trên mẫu cần giám định với mẫu cần so sánh có phải do cùng một người ký ra hay không”. Như vậy, kết quả giám định không chứng minh được chữ ký có tên Hồ Như P3 và Trần Thị L2 là giả. Trong khi đó, căn cứ quy định tại Điều 1 Nghị định 31/CP ngày 18-5-1996 của Chính phủ về hoạt động công chứng và điểm c khoản 1 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự thì bản di chúc của cụ P3 và cụ L2 đã được Công chứng nhà nước chứng nhận là thuộc tình tiết, sự kiện không phải chứng minh. Do vậy, di chúc không được công bố cũng không phải điều kiện làm mất đi ý chí định đoạt tài sản của người lập di chúc.

[4.6] Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử thấy rằng không có căn cứ để tuyên bố Di chúc của cụ P3 và cụ L2 ký ngày 13-7-1999 là vô hiệu.

[5] Xét việc cụ P3 ký Hợp đồng chuyển quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở nêu trên cho ông B vào năm 2002 như sau:

[5.1] Do Tờ di chúc hợp pháp nên theo quy định tại Điều 671 Bộ luật dân sự năm 1995 và theo di chúc ngày 13-7-1999 thì ý chí của cụ P3 và cụ L2 là để lại nhà đất 39 Trương Công Đ2 cho ông B, nhưng nếu một trong hai cụ chết trước thì người còn lại sẽ được hưởng toàn bộ tài sản của người đã chết. Do đó, tại thời điểm cụ L2 chết thì phần tài sản của cụ L2 đã được chuyển sang cho cụ P3. Vì vậy sau khi cụ L2 mất vào tháng 12-1999, cụ P3 đương nhiên được hưởng toàn bộ di sản của cụ L2 là ½ giá trị của nhà đất số C đường T theo ý chí của cụ L2 và cụ P3 có toàn quyền đối với tài sản này. Sau đó cụ P3 đã làm thủ tục chuyển toàn bộ quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà nêu trên cho ông B vào năm 2002 là đúng theo ý chí của cụ L2, cũng như thể hiện ý chí của cụ P3 vẫn theo tinh thần Tờ di chúc chung của vợ chồng lập ngày 13- 7-1999.

[5.2] Trong quá trình giải quyết vụ án, chị L cho rằng cụ P3 khi đó đã 88 tuổi, có biểu hiện không minh mẫn nhưng không có chứng cứ nào xác định trình bày của chị L là đúng vì không có quy định nào cho phép đương nhiên kết luận tuổi cao là không minh mẫn.

[5.3] Vì vậy, Hợp đồng chuyển quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở ngày 25-02-2002 ký giữa cụ P3 với ông B không trái pháp luật, tất cả những người thừa kế khác của cụ L2, cụ P3 đều không còn quyền lợi thừa kế đối với tài sản cụ P3 đã chuyển sang cho ông B.

[5.4] Luật sư của nguyên đơn căn cứ vào một bản kê khai tài sản của cụ P3 ký ngày 20-9-2002 để cho rằng bản kê khai này lập sau khi cụ P3 đã ký hợp đồng chuyển quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở ngày 25-02-2002 cho ông B nhưng cụ vẫn kê khai nhà đất 39 đường Trương Công Định là của cụ, chứng tỏ rằng việc cụ ký hợp đồng cho ông B không phải ý chí đúng của cụ P3. Xét thấy thủ tục sang tên cho ông B đã xong trước khi có bản kê khai này và sau khi sang tên nhà đất cho ông B, cụ P3 không có bất cứ ý kiến nào muốn hủy bỏ việc này. Do đó Hội đồng xét xử không có căn cứ để cho rằng đây là chứng cứ đương nhiên có giá trị phủ nhận, hủy bỏ việc cụ P3 sang tên nhà đất cho ông B.

[6] Từ những phân tích trên thì không có căn cứ để cho rằng nhà đất là đồng sở hữu của tất cả những người con của cụ L2, cụ P3 và đây là nơi thờ cúng chung, bởi vì hai cụ không chỉ định nhà đất này dùng làm nơi thờ cúng theo quy định tại Điều 673 Bộ luật dân sự năm 1995.

[7] Qua các nội dung trên thấy rằng Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận tuyên bố vô hiệu Tờ di chúc ngày 13-7-1999, cũng như Hợp đồng chuyển quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở ngày 25-02-2002 và không chia thừa kế là có cơ sở.

[8] Những vấn đề khác như án phí dân sự sơ thẩm, chi phí tố tụng, … đã được Tòa án cấp sơ thẩm xử lý đúng quy định pháp luật.

[9] Không chấp nhận kháng cáo của ông Hồ Như H và ông Hồ Như P giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm. Ông Hồ Như H, ông Hồ Như P được miễn án phí dân sự phúc thẩm do thuộc đối tượng người cao tuổi. Nộp ngân sách nhà nước 300.000đ (ba trăm ngàn đồng) tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm của chị Phạm Thị Bích L.

Vì các lẽ trên, căn cứ Khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự;

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng Điều 26, điểm c khoản 1 Điều 92, các Điều 147, 148, 157, 165, 289, 293, 296, 313 Bộ luật Tố tụng dân sự; các Điều 649, 650, 651, 655, 656, 660, 661, 662, 668, 671, 672, 673, 675 Bộ luật dân sự 1995; các Điều 1, 7, 18, 28, 30 Nghị định số 31/CP ngày 18-5-1996 của Chính phủ về việc chứng nhận Di chúc; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 30-12-2016 quy định về án phí và lệ phí Tòa án, Tuyên xử:

1. Đình chỉ xét xử phúc thẩm phần kháng cáo của chị Phạm Thị Bích L.

2. Không chấp nhận nội dung kháng cáo của ông Hồ Như H và ông Hồ Như P, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 36/2022/DS-ST ngày 13-6-2022 của Tòa án nhân dân thành phố Vũng Tàu như sau:

2.1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Hồ Như H về các nội dung sau:

- Tuyên Tờ di chúc ngày 13-7-1999 và Hợp đồng chuyển quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở ngày 25-02-2002 có chứng nhận của Phòng C2, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là vô hiệu;

- Chia di sản thừa kế là nhà đất tại địa chỉ 39 (426 cũ) đường T, Phường A, thành phố V và dùng nhà đất làm nhà thờ tự.

2.2. Về chi phí tố tụng: Ông Hồ Như H phải chịu 4.650.000đ (Bốn triệu, sáu trăm năm mươi ngàn đồng) chi phí đo vẽ, định giá tài sản và 50.000đ (Năm mươi ngàn đồng) chi phí sao lục hồ sơ. Ông H đã nộp đủ.

3. Án phí dân sự sơ thẩm: Miễn án phí cho ông Hồ Như H.

4. Án phí dân sự phúc thẩm: Miễn án phí cho ông Hồ Như H, ông Hồ Như P. Nộp ngân sách nhà nước 300.000đ (ba trăm ngàn đồng) tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm của chị Phạm Thị Bích L theo Biên lai thu số 0002737 ngày 27-6-2023 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

5. Bản án này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (18-9-2023).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

275
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản và yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu số 166/2023/DS-PT

Số hiệu:166/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:18/09/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về