Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 38/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 38/2023/DS-PT NGÀY 08/02/2023 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN VÀ YÊU CẦU HỦY GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 08 tháng 02 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, mở phiên tòa xét xử công khai vụ án dân sự thụ lý số 124/2021/TLPT-DS ngày 12 tháng 4 năm 2021 về việc “Tranh chấp thừa kế tài sản và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, do có kháng cáo của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn và bị đơn đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 43/2020/DS-ST ngày 23 tháng 10 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 616/2023/QĐ-PT ngày 16 tháng 01 năm 2023 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, giữa các đương sự sau:

* Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1957; địa chỉ: Tân Lọi, Đăk Gằn, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông; vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1966; địa chỉ: xóm A, thôn 3 Cát Lại, xã B, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam; có mặt.

* Bị đơn: Ông Nguyễn Văn Đ, sinh năm 1975 và bà Đào Thị L1, sinh năm 1974; cùng địa chỉ: xóm A, thôn 3 Cát Lại, xã B, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam; đều có mặt.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ủy ban nhân dân huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam; địa chỉ: tiểu khu Bình Long, thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam; Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Đăng Đ1 - Phó Chủ tịch; có đơn xin xét xử vắng mặt.

2. Ủy ban nhân dân xã B, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam; địa chỉ: xã B, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam; Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Quang Th - Chủ tịch; vắng mặt.

3. Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1966; địa chỉ: xóm A, thôn 3 Cát Lại, xã B, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam; có mặt.

4. Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1959; địa chỉ: thôn L, xã C, huyện Iapa, tỉnh Gia Lai; vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của bà H: Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1966; địa chỉ: xóm A, thôn 3 Cát Lại, xã B, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam; có mặt.

5. Bà Nguyễn Thị Ch, sinh năm 1972; địa chỉ: xóm 4 Ngô Khê, xã B, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam; vắng mặt.

6. Bà Nguyễn Thị S, sinh năm 1975; địa chỉ: xóm 2 Cát Lại, Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam; vắng mặt.

7. Bà Nguyễn Thị O, sinh năm 1965; địa chỉ: xóm A, thôn 3 Cát Lại, Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, hiện đang ở Trung Quốc, không rõ địa chỉ; vắng mặt.

8. Anh Nguyễn Văn L2, sinh năm 1998; vắng mặt.

9. Anh Nguyễn Công D, sinh năm 2000; vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của anh L2, anh D: Ông Nguyễn Văn Đ, sinh năm 1975; địa chỉ: xóm A, thôn 3 Cát Lại, xã B, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện, bản tự khai và các tài liệu có trong hồ sơ cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn bà Nguyễn Thị L, người đại diện theo ủy quyền đồng thời là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Văn T và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan khác đứng về phía nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Ch, bà Nguyễn Thị S trình bày:

Cụ Nguyễn Văn M (chết năm 2018) và cụ Vũ Thị Thiện (chết năm 1992) sinh được 09 người con, trong đó có 02 người đã chết từ khi còn nhỏ, còn lại 07 người con là: bà Nguyễn Thị L, ông Nguyễn Văn T, bà Nguyễn Thị H, bà Nguyễn Thị Ch, bà Nguyễn Thị S, bà Nguyễn Thị O, ông Nguyễn Văn Đ.

Di sản của cụ M và cụ Thiện để lại là nhà đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (viết tắt là GCNQSDĐ) số G345582 ngày 25/12/1995 do Ủy ban nhân dân (viết tắt là UBND) huyện Bình Lục cấp cho cụ M có tổng diện tích 1.571m2, gồm các thửa: Thửa 124, tờ bản đồ 33, diện tích 597m2 (304m2 đất ở, 163m2 đất vườn); Thửa 121, tờ bản đồ 33, diện tích 240m2 đất vườn; Thửa 126, 165/5 tờ bản đồ 33; Thửa 9/63, 17/35, 14/10, 27/10 tờ bản đồ 32 có tổng diện tích 864m2 đất nông nghiệp.

Ngoài ra, ngày 11/11/1984 cụ M nhận chuyển nhượng của cụ Nguyễn Văn H (anh trai cụ M) 01 sào đất ao, hai bên có lập “Giấy nhượng lại ao thả cá” và được UBND xã B xác nhận. Tại Bản đồ địa chính năm 1986 và Sổ mục kê tại xã B thì diện tích đất ao là 320m2.

Tài sản trên đất thổ cư có 04 gian nhà cấp bốn và 04 gian bếp làm bằng gỗ bương, lợp ngói đỏ và bể nước ăn. Ông Đ đã phá 4 gian bếp mà không được sự đồng ý của các anh chị em. Cây cối của các cụ trồng trên đất gồm: 15 cây nhãn cổ thụ và 10 cây mít lai to hiện nay ông Đ đã tự ý chặt phá.

Khi cụ M còn sống, vợ chồng ông Đ, bà L1 đã tự ý làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất của các cụ đối với diện tích đất ở, đất vườn và đất ao. Ông Đ, bà L1 đã tự ý kê khai và được UBND huyện Bình Lục cấp GCNQSDĐ số AE 919356 ngày 26/5/2006 mang tên Nguyễn Văn Đ, Đào Thị L1, diện tích được cấp là 163m2 được hợp pháp hóa thành đất ở.

Ngày 04/5/2020, với tư cách là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn bà Nguyễn Thị L, ông T đã có đơn xin rút một phần yêu cầu khởi kiện, cụ thể: rút yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế đối với diện tích 864m2 đất ruộng (tại thửa số 126, 165/5 tờ bản đồ số 33; thửa số 9/63, 17/35, 14/10, 27/10 tờ bản đồ số 32) và 240m2 đất vườn thửa số 121 tờ bản đồ số 33 (do xác định cụ M đã chuyển nhượng cho ông Hùng).

cụ M có viết di chúc để lại cho ông T toàn bộ nhà đất nhưng di chúc không có công chứng, chứng thực. Vì vậy, bà L, ông T, bà H, bà S, bà Ch đề nghị:

(1) Chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn M và cụ Vũ Thị Thiện theo quy định của pháp luật gồm: 304m2 đất ở, 163m2 đất vườn ở thửa số 124, tờ bản đồ 33 tại thôn 3 Cát Lại, xã B, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam theo GCNQSDĐ số G345582 do UBND huyện Bình Lục cấp ngày 25/12/1995 cho ông Nguyễn Văn M và 320m2 đất ao (mua của ông Hoan).

(2) Hủy GCNQSDĐ tại thửa số AE 919356 do UBND huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam cấp ngày 26/5/2006 cho ông Nguyễn Văn Đ.

Về công sức vượt lập: Ông T xác định vượt lập đối với phần đất ao của cụ Hoan chuyển nhượng cho cụ M hết 100 triệu đồng, ông vượt lập khoảng năm 1990. Tuy nhiên, do thời gian rất lâu nên ông không có giấy tờ gì chứng minh cho việc ông đã vượt lập đất. Sau khi vượt lập, ông đã trồng 10 cây nhãn, 3 đến 4 cây mít trên đất và làm nhà trên đất ở một thời gian. Nay ông Đ đã chặt toàn bộ số cây của ông để làm nhà trên đất, còn gốc nhãn vẫn còn nguyên, ông đề nghị ông Đ phải trả ông 30.000.000 đồng vì ông Đ đã chặt cây của ông và tiền công ông đã san lấp đất.

Về công sức trông nom, quản lý di sản của cụ M, cụ Thiện: Do ông Đ quản lý, trông nom và không cho anh chị em ông đến nên không ai có công sức gì trong việc trông nom, quản lý di sản của cụ M và cụ Thiện.

Về công sức chăm sóc, nuôi dưỡng các cụ khi các cụ còn sống; các khoản chi phí ma chay, mai táng khi các cụ chết: Ông T là người có công chăm sóc và lo mai táng cho các cụ, tuy nhiên ông không đề nghị giải quyết vì xác định đây là nghĩa vụ của con cái đối với bố mẹ. Còn các khoản chi phí khác, ông cũng không đề nghị Tòa án giải quyết.

Về công nợ của cụ M: Năm 1997, cụ M có vay nợ của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bình Lục tiền gốc 1.500.000 đồng, nợ các cụ 300.000 đồng, anh Mạt 100.000 đồng, bà Bảy 70.000 đồng, Nga Quảng 70.000 đồng.

Về khoản tiền cụ M vay của Ngân hàng nông nghiệp, cụ M không trả được ông Đ đã đứng lên trả thay cả gốc và lãi. Nay ông T có quan điểm nếu ông Đ đề nghị trả số tiền này thì ông sẽ thay mặt gia đình trả cho ông Đ và lãi suất tính theo Ngân hàng Nhà nước quy định. Nếu ông Đ đề nghị trả số tiền trên và tính lãi theo Ngân hàng Nhà nước thì ông đề nghị ông Đ phải xây trả lại 04 gian bếp của các cụ và tiền ông Đ đã thu hoạch mít và nhãn của các cụ đã trồng là từ năm 2002 mỗi năm 2.000.000đồng. Còn nếu ông Đ không đề nghị trả tiền lãi thì ông cũng không đề nghị ông Đ xây trả 04 gian bếp của các cụ và tiền thu hoạch đối với cây cối trên đất.

Các khoản nợ cá nhân khác ông T đã thanh toán xong, ông T không yêu cầu giải quyết.

Về nghĩa vụ nộp thuế: Ông T xác định ông nộp toàn bộ thuế đối toàn bộ diện tích đất trên của cụ M và cụ Thiện. Ông T nộp một số biên lai, giấy báo nộp thuế liên quan đến đất nông nghiệp.

Về cách chia: Ông T đề nghị chia di sản thừa kế của cụ M và cụ Thiện theo quy định của pháp luật và nhận kỷ phần thừa kế bằng đất. Suất thừa kế của bà L, bà H, bà S, bà O, bà Ch, và ông được hưởng sẽ chia gộp chung vào 01 thửa và giao cho ông quản lý, sử dụng. Suất thừa kế của bà Nguyễn Thị O hiện đang ở Trung Quốc chưa về được thì ông đề nghị giao cho ông quản lý, khi nào bà O về ông sẽ có trách nhiệm giao cho bà O. Nếu Tòa án chia phần đất cho anh chị em ông mà có tài sản của ông Đ đã xây dựng thì ông đề nghị gia đình ông Đ phải tháo dỡ tài sản để trả lại diện tích đất cho ông; ông không đồng ý thanh toán giá trị tài sản cho gia đình ông Đồng vì khi ông Đ xây dựng ông đã không đồng ý vào báo với UBND xã B và làm đơn gửi UBND huyện Bình Lục, tuy nhiên không được giải quyết.

* Bị đơn ông Nguyễn Văn Đ và bà Đào Thị L1 và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan khác đứng về phía bị đơn là anh Nguyễn Văn L2 và anh Nguyễn Công D có quan điểm:

Về quan hệ gia đình: Nhất trí như nguyên đơn đã trình bày.

Về nguồn gốc đất: cụ M và cụ Thiện có diện tích đất như trong GCNQSDĐ cấp cho cụ M năm 1995 và diện tích đất ao mua của ông Hoan. Do năm 2002, cụ M có nợ Ngân hàng Nông nghiệp huyện Bình Lục 1.500.000 đồng, nợ Hợp tác xã 500.000 đồng và không trả được; vợ chồng ông bà đã đứng ra trả cho cụ M nên ngày 02/01/2002, cụ M đã viết Giấy nhượng tài sản gia đình cho ông, bà. Theo đó, cụ M đã chuyển nhượng tất cả tài sản là đất, công trình xây dựng và cây cối hoa màu trên đất cho ông bà sử dụng và ông có nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước; ông cũng được quyền bán, chuyển nhượng cho người khác. Việc chuyển nhượng này được lập thành văn bản và có xác nhận của UBND xã B. Căn cứ vào giấy chuyển nhượng này thì UBND xã B đã giao sổ đỏ của cụ M (bản chính) cho ông và gia đình ông đã nộp thuế đối với toàn bộ diện tích đất (cả 320m2 đất ao) từ năm 2002 đến nay. Vì vậy, ông xác định toàn bộ diện tích đất trên của cụ Nguyễn Văn M đã chuyển nhượng cho gia đình ông thuộc quyền quản lý, sử dụng của gia đình ông.

Năm 1997, gia đình ông đã vượt lập đất ao và làm nhà trên đất, hộ gia đình ông đã nộp phạt số tiền 3.660.000 đồng năm 1998. Ngày 26/5/2006, gia đình ông được UBND huyện Bình Lục cấp GCNQSDĐ số AE 919356 đối với diện tích 163m2 đất ao được hợp pháp hóa thành đất ở theo phương án giải quyết và cấp GCNQSDĐ cho các trường hợp sử dụng đất chưa hợp pháp xã B đã được phê duyệt.

Năm 2013, thực hiện việc dồn đổi ruộng đất thì gia đình ông đã được quy đổi hết đất phần trăm và đất nông nghiệp ngoài đồng vào diện tích đất ao.

Về công sức vượt lập: Gia đình ông, bà có công sức vượt lập đối với toàn bộ diện tích đất ao mua của cụ Hoan để làm nhà và đã nộp phạt để được hợp pháp hóa. Từ năm 2002, gia đình ông đã quản lý, sử dụng toàn bộ tài sản trên của cụ M đã chuyển nhượng cho gia đình ông.

Về cây cối của các cụ trồng trên đất: Do gia đình ông đã được nhận chuyển nhượng toàn bộ tài sản trên đất bao gồm cả cây cối nên gia đình ông được quyền sử dụng. Toàn bộ cây trồng trên đất còn lại hiện nay đều do gia đình ông trồng, cây của các cụ trồng chỉ còn khoảng 04 cây mít và 04 cây nhãn. Những cây còn lại của các cụ trồng gia đình ông đã chặt phá do gia đình ông được quyền quản lý, sử dụng nên việc chặt phá là quyền của gia đình ông. Vì vậy, ông, bà không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị L vì toàn bộ diện tích đất và tài sản trên đất của cụ M đã chuyển nhượng cho ông, bà nên gia đình ông, bà được quyền quản lý sử dụng diện tích đất trên.

Ông Đ đã được Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam thông báo về việc bà Nguyễn Thị L (nguyên đơn) rút yêu cầu khởi kiện đối với yêu cầu khởi kiện chia di sản thửa kế đối với diện tích 864m2 đất ruộng và 240m2 đất vườn theo GCNQSDĐ cấp cho cụ M. Ông nhất trí với việc bà L rút yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế đối với diện tích 240m2 đất vườn của thửa số 121 vì diện tích đất này cụ M đã chuyển nhượng cho ông Hùng (hiện nay ông Hùng đã chết). Tại buổi kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải ngày 10/6/2020, ông đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn M và cụ Vũ Thị Thiện là diện tích 720m2 (02 sào) trong tổng số 864m2 đất nông nghiệp. Vì cụ M và cụ Thiện chỉ có tiêu chuẩn là 720m2 (02 sào) đất nông nghiệp, còn lại là tiêu chuẩn đất nông nghiệp của bà Nguyễn Thị O; ông cũng đã nhận được Thông báo nộp tiền tạm ứng án phí số 04/TB-TA ngày 10/6/2020 nhưng ông không nộp tiền tạm ứng án phí theo Thông báo của Tòa án vì ông cho rằng bà L là nguyên đơn nên phải nộp tiền tạm ứng án phí và ông không đồng ý với việc rút yêu cầu khởi kiện của bà L đối với việc chia di sản thừa kế là diện tích đất ruộng của cụ M và cụ Thiện.

Về công chăm sóc và các khoản chi phí mai táng: Ông không đóng góp công sức gì nên ông không có đề nghị gì.

* Quan điểm của UBND xã B và UBND huyện Bình Lục:

- Đối với diện tích đất thổ cư 304m2 là tài sản riêng của cụ M và cụ Thiện.

- Đối với diện tích đất nông nghiệp: Năm 1991, chia đất nông nghiệp theo Chỉ thị 115 của UBND tỉnh Hà Nam, xóm A Cát Lại (nay là thôn 3 Cát Lại) mỗi khẩu được 420m2, hộ cụ M có 05 khẩu (cụ M, ông Đ, bà Ch, bà O, bà S). Do hộ cụ M nợ sản phẩm nên chỉ được chia 03 khẩu diện tích 1,260m2 trong đó trừ vào đất vườn 403m2, còn lại đất ruộng ngoài đồng 864m2 được cấp GCNQSDĐ. Sau khi chia ruộng cụ M nộp sản phẩm nên được chia tiếp 02 khẩu nhưng chưa được cấp GCNQSDĐ. Năm 2002, thực hiện dồn đổi đã tách trả ông Đ 420m2 (1 khẩu 115: 360m2 và 1 khẩu %: 60m2); diện tích còn lại của hộ cụ M là 444m2.

Năm 2013, tiếp tục dồn đổi phương án thể hiện tổng diện tích của hộ cụ M là 1.740m2 (gồm 4 khẩu 115 và 5 khẩu %): trong đó đã biến động tách trả bà S 408m2, bà Ch 408m2, chuyển nhượng cho ông Hùng 240m2 đất vườn, chuyển cho ông Đ 227m2 (quy đổi trong khu dân cư) và trừ giao thông thủy lợi 47m2. Như vậy tổng diện tích hộ cụ M còn lại 409m2 đất ruộng ngoài đồng chưa được cấp GCNQSDĐ, hiện nay ông T đang quản lý, sử dụng.

- Đối với diện tích đất ao mua của cụ Hoan: Theo hồ sơ quản lý của UBND xã B, đây là diện tích ao của Hợp tác xã quản lý chỉ giao cho các hộ nhận thầu khoán để sử dụng. Việc mua bán 01 sào ao của cụ M và cụ Hoan là không đúng quy định của pháp luật. Hộ cụ M đã vượt lập và cho ông Đ xây nhà trái phép và trồng cây, diện tích còn lại vẫn nộp thuế thầu khoán hàng năm. Năm 2012, thực hiện dự án đo đạc chỉnh lý bản đồ hiện trạng sử dụng đất xã B thì diện tích đất ao trên đã đo đạc theo đúng hiện trạng còn lại là 114m2. Năm 2013, khi thực hiện dồn đổi ruộng đất đã quy đổi cho ông Đ 114m2 vào diện tích tiêu chuẩn của hộ ông Đ, diện tích này chưa được cấp GCNQSDĐ cho hộ ông Đ.

- Đối với yêu cầu hủy GCNQSDĐ cấp cho ông Đ: Hộ ông Đ đã nộp tiền phạt nên được UBND huyện Bình Lục cấp GCNQSDĐ ngày 26/5/2006 nên yêu cầu hủy GCNQSDĐ đã cấp cho ông Đ là không có cơ sở.

Quá trình giải quyết vụ án, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn có đơn yêu cầu Tòa án tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản.

Tại Biên bản kết luận định giá tài sản ngày 18/8/2020 của Hội đồng định giá xác định:

1. Giá trị đất của các thửa số 124, tờ bản đồ số 33, diện tích 467m2; thửa đất số 342, tờ bản đồ số 33, diện tích đất ao tại thửa 266, tờ bản đồ PL 26 (theo Quyết định số 25/2020/QĐ-ĐG ngày 01/6/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam) là 292.440.000 đồng.

- Các thửa đất số 266, 493 tờ bản đồ PL 26 (bản đồ đo đạc năm 2010) đã được chỉnh lý theo kết quả đo đạc hiện trạng thành 01 thửa (Thửa 266 tờ bản đồ số PL 26).

- Thửa số 266 tờ bản đồ PL 26: (theo Văn bản số 32/CV-TNMT ngày 14/8/2020 của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Lục) + Thuộc khu vực 3, vị trí 1, đoạn còn lại trong khu dân cư.

+ Diện tích 884m2 (theo bản trích đo địa chính chỉnh lý hiện trạng thửa đất số 290/2020/ĐĐ-CL tỷ lệ 1/500 do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Bình Lục lập ngày 03/8/2020) + Giá đất: Đất ở: 630m2 x 440.000đ/m2 = 277.200.000đồng; đất nuôi trồng thủy sản: 88m2 x 60.000đồng/m2 = 5.280.000đồng; đất bằng trồng cây hằng năm: 166m2 x 60.000đồng/m2 = 9.960.000đồng.

2. Giá trị tài sản, vật kiến trúc trên các thửa đất số 124, tờ bản sồ số 33, diện tích 467m2; thửa đất số 342, tờ bản đồ số 33; thửa số 266, tờ bản đố PL 26 là 1.202.570.000 đồng, cụ thể:

- Tài sản trên thửa đất số 342 gia đình ông Đ đang sử dụng là 1.202.507.525 đồng.

- Tài sản trên thửa đất mang tên ông Mô: Có 01 ngôi nhà cấp 4 đã hư hỏng, đổ nát không còn giá trị sử dụng nên không định giá.

3. Giá trị cây cối trên thửa đất số số 124, tờ bản sồ số 33, diện tích 467m2; thửa đất số 342, tờ bản đồ số 33; thủa số 266, tờ bản đồ PL 26 là 14.197.000 đồng, cụ thể:

Cây cối trên thửa đất nhà ông Đ đang sử dụng là: 6.157.000đồng.

Cây cối trên thửa đất ông Mô đang sử dụng là 8.040.000đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm, các đương sự giữ nguyên quan điểm đã trình bày, ông T có quan điểm trước khi chia di sản thừa kế của các cụ để lại phải thanh toán cho ông khoản tiền 986.410.000 đồng do ông đã trả nợ UBND xã cho cụ M (tại Thông báo các khoản thu của xã năm 2014 (lần 1)) được thể hiện ở Phiếu thu ngày 08/6/2015 và tính lãi quy định của pháp luật cho đến nay.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 43/2020/DS-ST ngày 23/10/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam quyết định: Căn cứ các Điều 26, 34, 37, 38, 244, 271, 273 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 32 Luật tố tụng hành chính năm 2015; các Điều 705, 706, 707, 708 Bộ luật dân sự năm 1995; các Điều 611, 612, 613, 614, 618, 623, 649, 650, 651, 652, 658, 660 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 73 Luật đất đai năm 1993; Điều 50 Luật đất đai năm 2003; Điều 100 Luật đất đai năm 2013; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án; Án lệ số 06/2016/AL của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Xử:

1. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị L về chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn M và cụ Vũ Thị Thiện là 864m2 đất nông nghiệp ở các thửa thửa 126, 165/5 tờ bản đồ 33; thửa 9/63, 17/35, 14/10, 27/10 tờ bản đồ 32 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số G345582 ngày 25/12/1995 do UBND huyện Bình Lục cấp cho cụ Nguyễn Văn M.

2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị L về việc chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn M và cụ Vũ Thị Thiện để lại là diện tích 304m2 đất, 227m2 đất vườn (trong đó có 163m2 đất vườn tại thửa số 124, tờ bản đồ số 3 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số G345582 và 43m2 đất ao đã san lập thành đất vườn) và 05 cây mít, 06 cây nhãn tại xóm A, thôn 3 Cát Lại, xã B, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

3. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị L về việc chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn M để lại là diện tích đất ao cụ Nguyễn Văn M nhận chuyển nhượng của cụ Nguyễn Văn H.

4. Không chấp nhận yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AE 919356 của UBND huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam cấp ngày 26/5/2006 cho ông Nguyễn Văn Đ.

5. Xác định giá trị công sức trông nom, quản lý, tôn tạo, vượt lập di sản của cụ Nguyễn Văn M và cụ Vũ Thị Thiện cho gia đình ông Nguyễn Văn Đ là 5.000.000đ (năm triệu đồng).

6. Xác định ông Nguyễn Văn Đ đã trà nợ thay cho cụ Nguyễn Văn M số tiền là 2.000.000 đồng (tiền gốc) và tính lãi phải trả cho đến thời điểm hiện tại theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước là 3.387.000 đồng. Tổng cộng là 5.387.000 đồng.

7. Xác định ông Nguyễn Văn T đã trả nợ thay cho cụ M số tiền 986.410 đồng tiền gốc và tính lãi phải trả cho đến thời đìêm hiện tại theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước là 478.000 đồng. Tổng cộng là 1.464.410 đồng.

8. Xác định giá trị di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn M và cụ Vũ Thị Thiện để lại là: 304m2 đất thổ cư x 440.000đ/m2 = 133/760.000đồng; 227m2 đất vườn x 60.000đ/m2 = 13.620.000đồng. Cây cối của các cụ gồm 05 cây mít trị giá 2.100.000 đồng và 06 cây nhãn trị giá 5.940.000 đồng. Giá trị tài sản trên đất là: 8.040.000 đồng. Tổng giá trị đất và cây cối trên đất là 155.420.000 đồng.

9. Xác định về hàng thừa kế thứ nhất của cụ Nguyễn Văn M và cụ Vũ Thị Thiện gồm 07 người con là: Bà Nguyễn Thị L, ông Nguyễn Văn T, bà Nguyễn Thị H, bà Nguyễn Thị Ch, bà Nguyễn Thị S, bà Nguyễn Thị O, ông Nguyễn Văn Đ. Giá trị kỷ phần thừa kế mỗi người được hưởng là: 1720.510.000 đồng, ông T sẽ được quản lý, sử dụng kỷ phần thừa kế của bà L, ông T, bà H, bà Ch, bà S tương ứng với số tiền là 102.550.000 đồng. Tạm giao kỷ phần thừa kế của bà O cho ông T quản lý vói số tiền là 20.510.000 đồng, ông T sẽ có trách nhiệm giao trả bà O khi bà O trở về.

10. Chấp nhận sự tự nguyện của bà L, bà H, bà Ch, bà S giao cho ông Nguyễn Văn T quản lý, sử dụng toàn bộ kỷ phần thừa kế mình được hưởng và ông T sẽ chịu toàn bộ án phí và chi phí tố tụng cũng như trả tiền chênh lệch tài sản cho các đồng thừa kế khác.

11. Phân chia di sản thừa kế theo hiện trạng sử dụng:

* Giao cho ông Nguyễn Văn T quản lý, sử dụng kỷ phần thừa kế của ông T, bà Nguyễn Thị Ch, bà Nguyễn Thị S, bà Nguyễn Thị H, bà Nguyễn Thị L có tứ cận, kích thước như sau:

- Diện tích đất 261m2 đất ONT có tứ cận và kích thước như sau: Phía Tây giáp nhà ông Hùng dài 20,19m; phía Đông giáp nhà ông Đ dài 10,35m; phía Nam giáp đường giao thông dài 22,65m; phía Bắc giáp đất nhà ông T đang quản lý, sử dụng dài 15,53m (vị trí 1 theo sơ đồ kèm theo bản án) Trên đất có 05 cây mít trị giá 2.100.000 đồng và 06 cây nhãn trị giá 5.940.000 đồng. Tổng giá trị tài sản trên đất là: 8.040.000 đồng.

Tổng giá trị đất và tài sản trên đất bà L, ông T, bà Ch, bà S, bà H được hưởng là 122.880.000 đồng.

* Tạm giao cho ông T số tiền 20.510.000 đồng là kỷ phần thừa kế của bà Nguyễn Thị O.

* Giao cho hộ ông Nguyễn Văn Đ và bà Đào Thị L sử dụng diện tích 43m2 đất ONT và 227m2 đất BHK (vị trí 2 theo sơ đồ kèm theo bản án) cùng toàn bộ tài sản trên diện tích đất trên.

12. Ông Nguyễn Văn Đ phải thanh toán cho ông Nguyễn Văn T giá trị chênh lệch kỷ phần thừa kế và giá trị tài sản trên đất là 180.000 đồng.

13. Về án phí dân sự sơ thẩm: Ông Nguyễn Văn T phải nộp 4.102.000 đồng (nộp cả án phí dân sự sơ thẩm cho bà O, bà Ch, bà S), ông Đ phải chịu là 1.275.500 đồng. Bà Nguyễn Thị L và bà Nguyễn Thị H là người cao tuổi nên được miễn án phí dân sự sơ thẩm.

14. Chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản và trích đo hiện trạng thửa đất là 9.961.000 đồng. Số tiền này ông Nguyễn Văn T đã nộp và đã được quyết toán xong. Chấp nhận sự tự nguyện của ông T tự nguyện chịu thay cho bà L, bà S, bà Ch, bà H, bà O chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản và trích đo hiện trạng thửa đất. Ông Đ phải trả lại ông T số tiền là 1.423.000 đồng.

15. Bác yêu cầu khác của đương sự.

Ngoài ra Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về nghĩa vụ thi hành án và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 04/11/2020, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông Nguyễn Văn T có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Ngày 04/11/2020, bị đơn là ông Nguyễn Văn Đ và Đào Thị L1 có đơn kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và công nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đối với toàn bộ diện tích đất của cụ M cho gia đình ông, bà.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo của nguyên đơn và đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Bị đơn vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo và đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm theo hướng bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội có quan điểm: Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà L như quyết định của bản án sơ thẩm là có căn cứ, đúng pháp luật. Ông Nguyễn Văn T, ông Nguyễn Văn Đ, bà Đào Thị L1 kháng cáo là không có căn cứ chấp nhận, do vậy đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, bác kháng cáo của ông T, ông Đ, bà L, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà, sau kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Nguyên đơn bà Nguyễn Thị L khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn M và cụ Vũ Thị Thiện để lại và hủy GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số AE 919356 do UBND huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam cấp ngày 26/5/2006 cho ông Nguyễn Văn Đ, bà Đào Thị L. Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam thụ lý giải quyết là đúng thẩm quyền theo Điều 32 Luật tố tụng hành chính; khoản 5 Điều 26, Điều 34, Điều 1 37 Điều 38 Bộ luật tố tụng dân sự.

Kháng cáo của ông Nguyễn Văn T là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đồng thời là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và kháng cáo của bị đơn ông Nguyễn Văn Đ, bà Đào Thị L1 trong hạn luật định, được chấp nhận giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan UBND huyện Bình Lục có đơn xin xét xử vắng mặt, nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác đều vắng mặt và đã được triệu tập hợp lệ, Hội đồng xét xử căn cứ Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự, xét xử vắng mặt các đương sự.

[2] Về nội dung: Xét kháng cáo của ông Nguyễn Văn T, ông Nguyễn Văn Đ, bà Đào Thị L1, Hội đồng xét xử thấy:

[2.1] Về thời hiệu chia di sản thừa kế: Cụ Nguyễn Văn M chết năm 2018 và cụ Vũ Thị Thiện chết năm 1992. Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 xác định yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế của bà Nguyễn Thị L đối với di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn M và cụ Vũ Thị Thiện còn thời hiệu khởi kiện là có căn cứ, đúng pháp luật.

[2.2] Về hàng thừa kế: Tòa án cấp sơ thẩm xác định hàng thừa kế của cụ Nguyễn Văn M và cụ Vũ Thị Thiện gồm 07 người con là: Bà Nguyễn Thị L, ông Nguyễn Văn T, bà Nguyễn Thị O, bà Nguyễn Thị S, bà Nguyễn Thị Ch, bà Nguyễn Thị H, ông Nguyễn Văn Đ đúng như trình bày của các đương sự.

[2.3] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

- Về xác định di sản thừa kế:

+ Đối với yêu cầu khởi kiện yêu cầu chia 304m2 đất ở, 163m2 đất vườn ở thửa số 124 tờ bản đồ 33 theo GCNQSDĐ cấp cho cụ M ngày 25/12/1995: Theo bản đồ hiện trạng năm 1999 và sổ mục kê năm 1999 thửa 124 có diện tích 787m2 trong đó 304m2 đất thổ, 163m2 đất vườn và 320m2 đất ao HTX. Ngày 02/01/2002 cụ M đã nhượng toàn bộ diện tích đất và tài sản trên đất cho ông Đ. Hai bên lập “Giấy nhượng tài sản gia đình”, có xác nhận của UBND xã B nhưng nội dung không thể hiện rõ việc cụ M chuyển nhượng, hay tặng cho ông Đ. Nếu chuyển nhượng tài sản thì không thể hiện giá trị chuyển nhượng; không có tài liệu chứng cứ thể hiện việc giao nhận tiền giữa các bên. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đáp ứng được về nội dung và hình thức của Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo các Điều 705, 706, 707, 708 Bộ luật Dân sự năm 1995. Nếu cụ M tặng cho ông Đ toàn bộ tài sản thì năm 2011 cụ M lại có giấy tặng cho ông T và đến nay ông Đ cũng chưa làm thủ tục sang tên trước bạ. Mặt khác, mặc dù cụ M chuyển nhượng, hay tặng cho ông Đ thì việc cụ M định đoạt cả phần di sản của cụ Thiện mà không được sự đồng ý của những người con cụ Thiện là không đúng pháp luật, đồng thời trong diện tích đất vườn có cả tiêu chuẩn đất nông nghiệp của bà O nên cụ M không có quyền chuyển nhượng toàn bộ nhà đất.

Theo ông Đ khai do ông trả nợ Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh huyện Bình Lục và Hợp tác xã thay cụ M nên cụ M chuyển trả cho ông toàn bộ tài sản trên. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Đ xác định số tiền đã trả Ngân hàng cho cụ M là 1.350.000 đồng và trả nợ cho Hợp tác xã, tổng số tiền 2.000.000 đồng. Các đương sự đều thừa nhận cụ M có nợ Ngân hàng nhưng không nhớ rõ số tiền, phía Ngân hàng không cung cấp được tài liệu cho vay do không thể tìm được chứng từ gốc. Riêng khoản trả nợ Hợp tác xã thì theo tài liệu cung cấp của Hợp tác xã, số nợ của cụ M trước năm 2000 đã được thanh toán trong đó có Phiếu thu ngày 29/12/2000 số tiền 210.000 đồng, ghi người nộp tiền là bà S và Phiếu thu ngày 04/01/2001, số tiền 700.000 đồng không ghi người nộp tiền; số nợ từ năm 2001 đến nay chưa thanh toán.

Tại phiên tòa sơ thẩm, ông T xuất trình một phiếu thu tiền do ông nộp là 986.410 đồng trả số nợ của cụ M các khoản thu của địa phương từ trước năm 1996.

Theo ông Đ giá trị nhà đất của cụ M thời điểm chuyển nhượng cho ông năm 2002 khoảng 6 triệu đồng. Do đó, việc cụ M ký giấy chuyển nhượng cho ông để trừ số tiền ông trả nợ thay cho cụ M 2.000.000 đồng là không hơp lý.

Theo hồ sơ địa chính: Đối với diện tích 304m2 đất ở thuộc thửa đất số 124, tờ bản đồ số 33 theo GCNQSDĐ số G345582 do UBND huyện Bình Lục cấp cho hộ cụ Nguyễn Văn M ngày 25/12/1995 là tài sản chung của cụ Nguyễn Văn M và cụ Vũ Thị Thiện.

Tòa án cấp sơ thẩm xác định không có đủ căn cứ để công nhận việc chuyển nhượng hay tặng cho quyền sử dụng đất giữa cụ Nguyễn Văn M và ông Nguyễn Văn Đ toàn bộ diện tích đất trên là đúng pháp luật.

+ Đối với diện tích 163m2 đất vườn thuộc thửa 124 tờ bản đồ 33 nằm trong GCNQSDĐ số G345582 do UBND huyện Bình Lục cấp ngày 25/12/1995 cho cụ Nguyễn Văn M là tiêu chuẩn của 05 khẩu đất nông nghiệp (gồm cụ M, bà L, ông Đ, bà Ch, bà S, bà O; mỗi khẩu được 420m2). Năm 2013, theo phương án dồn đổi ruộng đất thôn 3 (xóm A Cát Lại) thể hiện tiêu chuẩn ruộng được hưởng của hộ cụ M là 1,740m2 (gồm 4 khẩu 115 là cụ M, bà Ch, bà S, bà O; diện tích tiêu chuẩn của mỗi khẩu là 360m2 và 5 khẩu đất % là cụ M, cụ Thiện, bà Ch, bà S, bà O; diện tích tiêu chuẩn của mỗi khẩu là 60m2). Ông Đ và ông T đã tách hộ nên có phương án dồn đổi riêng, không còn khẩu đất nông nghiệp trong hộ cụ M. Trong đó, đã tách biến động cho con gái là 816m2 bao gồm tách trả bà Nguyễn Thị S về xóm 1 (nay là thôn 1) Cát Lại 408m2 và tách trả tiêu chuẩn bà Nguyễn Thị Ch về xóm 4 (nay là thôn 2, Ngô Khê) 408m2 (mỗi tiêu chuẩn đóng góp làm giao thông thủy lợi 12m2). Hộ cụ M đuợc quy đổi đất nông nghiệp trong khu dân cư (theo tỷ lệ 2m2 đất vườn = 1m2 đất ruộng) đối với diện tích 240m2 đất vườn (đã chuyển nhượng cho ông Hùng) và 227m2 đất vườn (theo GCNQSDĐ của cụ M năm 1995 là 163m2 còn theo bản đồ hiện trạng năm 2013 là 227m2 do lấn ao là 43m2 và sai số kỹ thuật là 21m2). Tổng diện tích đất nông nghiệp của hộ cụ M còn lại được hưởng 409m2 đất ngoài đồng.

Vì vậy, đối với diện tích 227m2 đất vườn theo bản đồ đo đạc hiện trạng năm 2013 là tiêu chuẩn đất % của cụ M, cụ Thiện, bà O, và tiêu chuẩn đất 115 của cụ M, bà O được quy đổi từ ngoài đồng vào đất vườn trong khu dân cư. Tuy phương án đổi năm 2013 của UBND xã B chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng đều đã được triển khai thực hiện trên thực tế từ năm 2013 nên để đảm bảo quyền lợi của các đương sự cần được phân chia di sản thừa kế theo phương án trên.

Để thuận tiện cho quá trình sử dụng của đương sự, tránh sự manh mún, nhỏ lẻ nên Hội đồng xét xử xác định sẽ quy đổi toàn bộ đất tiêu chuẩn của cụ M và cụ Thiện vào 227m2 đất vườn trong khu dân cư, còn tiêu chuẩn của bà O sẽ đuợc 409m2 ở ngoài đồng (hiện ông Nguyễn Văn T đang quản lý, sử dụng).

Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xác định di sản thừa kế của cụ M và cụ Thiện để lại gồm: 304m2 đất thổ cư, 227m2 đất vườn và cây cối gồm 05 cây mít và 06 cây nhãn tại xóm A, thôn 3 Cát Lại, xã B, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam và chia di sản thừa kế theo pháp luật là có căn cứ, đúng pháp luật.

+ Đối với yêu cầu chia 320m2 đất ao mua của ông Hoan: Theo bản đồ hiện trạng năm 1999 và sổ mục kê năm 1999 diện tích đất ao 320m2 thửa số 124 thuộc hộ cụ M sử dụng là đất của Hợp tác xã quản lý, không phải diện tích đất hợp pháp của hộ cụ M. Tuy cụ M có giấy tờ mua lại ao của cụ Hoan năm 1986 nhưng việc chuyển nhưọng này chỉ có ý nghĩa về việc chuyển quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất thầu khoán, không phải trường hợp được chuyển quyền sử dụng đất. Do vậy, diện tích 320m2 đất ao không phải là di sản hợp pháp của cụ M để lại. Mặt khác, sau khi nhận chuyển nhượng cụ M đã cho ông Đồng sử dụng vượt lập trái phép một phần diện tích ao để làm nhà và vườn trồng cây cối. Năm 2003, thực hiện Kế hoạch 566/KH-UB ngày 05/8/2003 của UBND tỉnh Hà Nam, hộ ông Đ được đưa vào phương án xử lý hợp pháp hóa và nộp tiền phạt. Năm 2006, ông Đ được cấp GCNQSDĐ với diện tích 163m2. Năm 2013, thực hiện việc dồn đổi ruộng đất diện tích đất ao 114m2 tiếp tục được đối trừ vào tiêu chuẩn đất nông nghiệp của ông Đ. Như vậy, diện tích đất ao của Hợp tác xã đã được chuyển quyền quản lý, sử dụng hợp pháp của ông Đ 227m2. Diện tích đất ao còn lại là 43m2 đã san lấp thành vườn và được trừ vào tiêu chuẩn đất nông nghiệp của cụ M và cụ Thiện. Do vậy Tòa án cấp sơ thẩm xác định yêu cầu của nguyên đơn về chia thừa kế của cụ M và cụ Thiện đối với diện tích đất ao 320m2 do cụ M nhận chuyển nhượng của cụ Hoan chỉ có cơ sở chấp nhận 43m2 như đã phân tích ở trên là có căn cứ, đúng pháp luật.

Xác định giá trị di sản của hai cụ để lại là: 304m2 đất cư x 440.000đ/m2 = 133.760.000đ; 227m2 đất vườn x 60.000đ/m2 = 13.620.000đồng.

Cây cối của các cụ gồm 05 cây mít trị giá 2.100.000 đồng và 06 cây nhãn trị giá 5.940.000 đồng. Giá trị tài sản trên đất là: 8.040.000 đồng. Tổng giá trị 155.420.000 đồng.

- Về công sức trông nom, quản lý, tôn tạo, vượt lập di sản thừa kế: Ông T và ông Đ đều cho rằng sau khi các cụ M, cụ Thiện chết, các ông đều có công vượt lập, tôn tạo diện tích đất nhưng không có căn cứ chứng minh. Trên thực tế, từ khi các cụ chết, vợ chồng ông Đ quản lý, sử dụng toàn bộ diện tích đất trên nên xác định ông Đ, bà L là người có công trong việc trông nom, quản lý di sản của các cụ cho đến nay. Do vậy Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ Điều 618 Bộ luật dân sự, trích từ di sản thừa kế trả cho gia đình ông Đ, bà L số tiền là 5.000.000đ (năm triệu đồng) trong việc quản lý, trông nom di sản của cụ M, cụ Thiện là có căn cứ, đúng pháp luật.

- Về công sức vượt lập của ông T: Do ông T không có tài liệu, chứng cứ chứng minh nên Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu này của ông T là có căn cứ.

- Đối với các khoản tiền thuế ông T và ông Đồng đã nộp để sử dụng diện tích đất mà các ông đang quản lý nên các ông phải có nghĩa vụ nộp thuế, do vậy, khoản thuế này ông T và ông Đ phải chịu là đúng pháp luật.

- Về công nợ: Tại biên bản làm việc với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam - chi nhánh huyện Bình Lục, Hà Nam II và Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Cát Lại cung cấp: Khi còn sống cụ M có vay của Ngân hàng số tiền 1.500.000 đồng (tài sản thế chấp có giá trị là 5.000.000 đồng được xác định trong đơn xin vay vốn của cụ Nguyễn Văn M ngày 25/5/1997) và nợ sản lượng Hợp tác xã được thể hiện bằng 02 phiếu thu còn ai là người trả nợ thì không xác định được. Các đương sự đều thừa nhận ông Đ đã trả nợ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam - chi nhánh huyện Bình Lục thay cho cụ M số tiền là 1.500.000 đồng. Hội đồng xét xử nhận định, ngày 25/5/1997, cụ M có vay tiền của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam - chi nhánh huyện Bình Lục số tiền 1.500.000 đồng và có 03 lần trả lãi: Lần 1 vào ngày 04/9/1997 số tiền 70.000 đồng; lần 2 vào ngày 21/12/1997 số tiền là 90.000 đồng; lần 3 vào ngày 10/6/1998 số tiền là 300.000 đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Đ cho rằng ngày 02/01/2020 ông đã trả nợ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh huyện Bình Lục thay cho cụ M tổng số tiền là 1.350.000 đồng và trả nợ Hợp tác xã thay cụ M. Tổng số tiền ông Đ trả nợ thay cho cụ M là 2.000.000 đồng. Sau đó, UBND xã B mới đóng dấu vào Giấy chuyển nhượng tài sản của ông Mô. Vì vậy, có căn cứ chấp nhận ông Đ đã trả nợ thay cho cụ M số tiền là 2.000.000 đồng từ thời điểm 02/01/2002.

- Đối với khoản cụ M nợ của UBND xã B: Theo Thông báo các khoản thu của xã số 141/TB-UB ngày 30/10/2014: ông T đã nộp thay cho cụ M số tiền là 986.410 đồng thể hiện ở Phiếu thu ngày 08/6/2015. Vì vậy yêu cầu của ông T là phải trả ông số tiền này và tính lãi suất đối với số tiền trên từ ngày 08/6/2015 đến nay là có cơ sở chấp nhận.

Tòa án cấp sơ thẩm xác định trước khi chia di sản thừa kế của cụ M và cụ Thiện phải trích trả ông Đ và ông T số tiền ông Đ và ông T đã trả nợ thay cho cụ M và tiền lãi đối với số tiền trên theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến ngày 23/10/2020 (thời điểm xét xử sơ thẩm). Lãi suất được tính ở thời điểm hiện tại. Căn cứ Công văn số 487/HNA-THNS ngày 22/10/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Hà Nam cung cấp mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố từ tháng 11/2010 đến nay là 9%/năm. Tính từ ngày 02/01/2002 cho đến ngày 23/10/2020 (thời điểm xét xử sơ thẩm), trích từ di sản thừa kế của các cụ trả ông Đ số tiền 2.000.000 đồng tiền gốc và 3.387.000 đồng tiền lãi và trả cho ông T số tiền 986.410 đồng tiền gốc và 478.000 đồng tiền lãi là có căn cứ, đúng pháp luật.

- Về cách chia di sản thừa kế: Chia di sản thừa kế theo kỷ phần:

+ Di sản thừa kế của cụ M và cụ Thiện để lại được chia đều cho 7 kỷ phần thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất, gồm: bà L, ông T, bà O, bà H, bà Ch, bà S, ông Đồng.

Giá trị di sản còn lại (sau khi đã trừ đi công sức trông nom, quản lý di sản và các khoản nợ) là: 155.420.000đ - 5.000.000đ - 2.000.000đ - 3.387.000đ - 986.410đ - 478.000đ = 143.569.000 đồng được chia đều cho 7 kỷ phần thừa kế. Như vậy, bà L, ông T, bà O, bà H, bà Ch, bà S, anh Đ được hưởng mỗi người là 20.510.000 đồng.

Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, quan điểm của phía nguyên đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông T, bà S, bà Ch, bà H có nguyện vọng muốn được hưởng kỷ phần thừa kế bằng hiện vật, đề nghị Tòa án gộp kỷ phần của các ông bà được nhận chung một thửa, giao cho ông T quản lý, sử dụng và đứng tên chung trong GCNQSDĐ. Ông T sẽ có trách nhiệm trả toàn bộ tiền chênh lệch tài sản, các chi phí tố tụng và án phí dân sự sơ thẩm.

Đối với kỷ phần thừa kế của bà O hiện đang ở Trung Quốc, Hội đồng xét xử giao cho ông T quản lý, sử dụng và ông T sẽ có trách nhiệm quản lý cho đến khi nào bà O về và sẽ trả cho bà O là phù hợp đúng quy định của pháp luật.

* Chia di sản thừa kế bằng hiện vật: Xét thực trạng diện tích đất đang có tranh chấp, nhu cầu sử dụng kỷ phần thừa kế, cũng như không làm ảnh hưởng đến việc quản lý, sử dụng đất và tài sản trên đất của hộ ông Nguyễn Văn Đ, Tòa án cấp sơ thẩm giao cho ông T, bà Ch, bà S, bà H, bà L có tứ cận, kích thước như sau:

- Diện tích đất 261m2 đất ONT có tứ cận và kích thước như sau: Phía Tây giáp nhà ông Hùng dài 20,19m, phía Đông giáp nhà ông Đ lại dài 10,35m, phía Nam giáp đường giao thông dài 22,65m, phía Bắc giáp đất nhà ông T đang quản lý, sử dụng dài 15,53m, trên đất có 05 cây mít trị giá 2.100.000 đồng và 06 cây nhãn trị giá 5.940.000 đồng. Tổng giá trị tài sản trên đất là 8.040.000 đồng.

Tổng giá trị đất và tài sản trên đất bà L, ông T, bà Ch, bà S, bà H được hưởng là 122.880.000 đồng.

Tạm giao cho ông T số tiền 20.510.000 đồng là kỷ phần thừa kế của bà Nguyễn Thị O.

Giao cho hộ ông Nguyễn Văn Đ và bà Đào Thị L sử dụng diện tích 43m2 đất ONT và 227m2 đất BHK. Ông Đ phải thanh toán cho ông T giá trị chênh lệch kỷ phần thừa kế và giá trị các công trình xây dựng trên đất là 180.000 đồng.

+ Đối với yêu cầu chia thừa kế diện tích đất nông nghiệp: Bà Nguyễn Thị L khởi kiện đề nghị chia di sản thừa kế của cụ Thiện và cụ M theo GCNQSDĐ cấp cho cụ M năm 1995, trong đó có diện tích 864m2 đất nông nghiệp tại các thửa 126, 165/5, tờ bản đồ 33; thửa 9/63, 17/35, 14/10, 27/10 tờ bản đồ 32 và 240m2 đất vườn tại thửa 121 tờ bản đồ 33. Diện tích đất nông nghiệp này trong các lần dồn đổi đã được chính quyền địa phương lên phương án và thực hiện đối trừ một phần diện tích vườn ao trong thửa 124, diện tích còn lại hộ cụ M được chia ngoài đồng 409m2 hiện ông T đang quản lý. Trong quá trình giải quyết, ngày 04/5/2020 ông T đại diện theo ủy quyền của bà L đã có đơn rút yêu cầu chia đất nông nghiệp.

Ông Đ đề nghị chia đất nông nghiệp nhưng không nộp dự phí theo yêu cầu của Tòa án nên không xem xét giải quyết. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông T giữ nguyên quan điểm rút yêu cầu khởi kiện đối với diện tích 864m2 đất nông nghiệp và 240m2 đất vườn. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận việc tự nguyện rút đơn của ông T theo quy định tại khoản 2 Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Đối với diện tích đất 240m2 đất vườn thửa 121 các đương sự đều thừa nhận khi cụ M còn sống đã chuyển nhượng cho ông Hùng và nay các đương sự cũng không có tranh chấp với người nhận chuyển nhượng nên không còn là di sản để chia thừa kế.

+ Đối với yêu cầu hủy GCNQSDĐ cấp cho hộ ông Đ, thấy: như phân tích ở trên diện tích 163m2 đất ông Đ được cấp GCNQSDĐ là một phần diện tích đất ao cụ M nhận chuyển nhượng của cụ Hoan nhưng diện tích đất ao này là của Hợp tác xã quản lý, cụ Hoan chỉ là người nhận khoán thầu. Sau này, cụ M cho ông Đ sử dụng, ông Đ đã vượt lập trái phép một phần đất ao để xây nhà và trồng cây cối. Năm 2006, diện tích ông Đ đã vượt lập 163m2 được đưa vào phương án xử lý các trường hợp sử dụng đất trái phép. Ông Đ phải nộp tiền hợp pháp hóa đất là l.360.000 đồng nên UBND huyện Bình Lục cấp GCNQSDĐ cho ông Đ là đúng quy định tại khoản 6 Điều 50 Luật đất đai năm 2003. Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn là có căn cứ, đúng pháp luật.

Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận sự tự nguyện của bà L, bà H, bà Ch, bà S giao cho ông Nguyễn Văn T quản lý, sử dụng toàn bộ kỷ phần thừa kế mình được hưởng và ông T sẽ chịu toàn bộ án phí và chi phí tố tụng cũng như trả tiền chênh lệch tài sản cho các đồng thừa kế khác là đúng pháp luật.

Do vậy, Hội đồng xét xử thấy không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Văn T, ông Nguyễn Văn Đ, bà Đào Thị L, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

[3] Về án phí: Do kháng cáo không được chấp nhận nên ông Nguyễn Văn T, ông Nguyễn Văn Đ, bà Đào Thị L1 phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Vĩ các lẽ trên, Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

QUYẾT ĐỊNH

1. Không chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Văn T là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn và kháng cáo bị đơn ông Nguyễn Văn Đ, bà Đào Thị L1;

Giữ nguyên quyết định của Bản án dân sự sơ thẩm số 43/2020/DS-ST ngày 23 tháng 10 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam.

2. Về án phí: Ông Nguyễn Văn T phải nộp 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự phúc thẩm, được đối trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp tại Biên lai số 0005708 ngày 11/12/2020 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Hà Nam.

Ông Nguyễn Văn Đ và bà Đào Thị L1 phải nộp 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự phúc thẩm, được đối trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp tại Biên lai số 0005712 ngày 25/11/2020 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Hà Nam.

Xác nhận ông T, ông Đ, bà L1 đã nộp xong án phí dân sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của bản án dân sự sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu luật pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

68
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 38/2023/DS-PT

Số hiệu:38/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 08/02/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về