TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI
BẢN ÁN 08/2023/DS-PT NGÀY 07/01/2023 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN VÀ YÊU CẦU HỦY GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Ngày 07/01/2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 96/2020/TLPT-DS ngày 23/3/2020 về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, do có kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với Bản án Dân sự sơ thẩm số 50A/2019/DS-ST ngày 28/11/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 11965/2022/QĐ-PT ngày 23/12/2022, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Bà Cao Thị T, sinh năm 1951; nơi cư trú: Số nhà 152, Tổ số 30, khu phố 1, phường L, thành phố B, tỉnh Đồng Nai; vắng mặt tại phiên tòa Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Trọng Q – Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư A, Đoàn luật sư tỉnh Hải Dương; địa chỉ: Số 332, phố L, phường H, thành phố H, tỉnh Hải Dương; có mặt.
- Bị đơn: Bà Cao Thị C, sinh năm 1959; nơi cư trú: Thôn X, xã K, huyện H, tỉnh Hải Dương; có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Đinh Vinh D - Luật sư thuộc Văn phòng luật sư H, Đoàn luật sư tỉnh Hải Dương; địa chỉ: số 77B, phố A, Khu 2, phường B, thành phố H, tỉnh Hải Dương; có mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. UBND huyện H, tỉnh Hải Dương;
Người đại diện theo pháp luật: Ông Trịnh Văn Th – Chủ tịch UBND huyện H.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Phạm Văn Ch; chức vụ: Trưởng phòng tài nguyên và môi trường huyện H, tỉnh Hải Dương; vắng mặt và có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
2. Ông Bùi Mạnh H, sinh năm 1954; nơi cư trú: Thôn X, xã K, huyện H, tỉnh Hải Dương; có mặt.
Người đại diện hợp pháp của ông H: Bà Cao Thị C, sinh năm 1959; Nơi cư trú: Thôn X, xã K, huyện H, tỉnh Hải Dương (Là người đại diện theo ủy quyền, văn bản ủy quyền ngày 24/5/2019); có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo án sơ thẩm và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Tại đơn khởi kiện và trong quá trình giải quyết, nguyên đơn là bà Cao Thị T, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông Cao Văn T trình bày:
Bố mẹ bà T là cụ Cao Xuân R và cụ Đặng Thị T1 sinh được một người con là bà Cao Thị T. Năm 1951 cụ R chết, năm 2008 cụ T1 chết, đều không để lại di chúc. Sau khi cụ R chết, cụ T1 không lấy chồng nhưng năm 1959 sinh thêm một người con là Cao Thị C. Ngoài bà T và bà C, cụ T1 không có người con nuôi hay con riêng nào khác. Trước đây, bố mẹ bà T được bên nội cho nhà đất tại thôn X, xã K, huyện H, tỉnh Hải Dương. Sau khi cụ R hy sinh, cụ T1 đã bán nhà đất này cho cụ Cao Văn S (sau đó cụ S bán lại cho bà Nguyễn Thị V) để lấy tiền mua một khu đất hiện đang tranh chấp rồi làm nhà cấp 4 hai gian. Khi còn nhỏ, bà T và bà C đều cùng cụ T1 sinh sống trên nhà đất này. Năm 1973, bà T lập gia đình, năm 1980 - 1981 bà C lấy chồng, cụ T1 ở một mình trên nhà đất này. Năm 2008, cụ T1 chết, nhà đất để trống, không ai quản lý, sử dụng. Thỉnh thoảng, bà T về quê để dọn dẹp nhà cửa và thắp hương tổ tiên. Tháng 6 năm 2018, bà T từ miền Nam về huyện H, tỉnh Hải Dương để trao đổi với bà C về việc chia di sản thừa kế của cụ T1 theo hướng chia đôi nhà đất, mỗi người một nửa nhưng bà C không đồng ý và đưa cho bà T xem Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện H, tỉnh Hải Dương cấp ngày 03/02/2005 có nội dung xác định cụ T1 và bà C là đồng chủ sử dụng thửa đất nêu trên. Bà T không đồng ý việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ T1 và bà C vì đất là tài sản riêng của cụ T1, được hình thành bằng nguồn tiền do cụ T1 bán nhà đất của vợ chồng nên không phải là tài sản chung của cụ T1 và bà C; khi còn sống, cụ T1 là người trực tiếp quản lý, sử dụng và chưa khi nào thực hiện chuyển quyền sử dụng một phần thửa đất này cho bà C thông qua việc xác lập giao dịch, thực hiện các thủ tục hành chính tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. UBND xã K, huyện H không có hồ sơ, tài liệu nào thể hiện cụ T1 đồng ý cho bà C đứng tên chung trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bà T khởi kiện yêu cầu giải quyết:
(1) Đề nghị xác định quyền sử dụng thửa đất số 78, tờ bản đồ số 4, địa chỉ: thôn X, xã K, huyện H, tỉnh Hải Dương và tài sản trên đất (nhà ở, công trình phụ và cây cối) là di sản thừa kế của cụ T1.
(2) Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số Đ928948 ngày 03/02/2005 do UBND huyện H, tỉnh Hải Dương cấp cho cụ T1 và bà C.
(3) Phân chia di sản thừa kế của cụ T1 cho bà T và bà C theo quy định pháp luật.
Bà T xác định cụ T1 có cho bà 06 chỉ vàng làm của hồi môn nên số vàng không phải là di sản của cụ T1.
Khi cụ T1 đau ốm, bà T và bà C đều có trách nhiệm nuôi dưỡng cụ; bà T không biết bà C đã chi phí những khoản nào vì không có căn cứ chứng minh. Tiền mai táng phí do bà lấy từ tiền phúng viếng nên bà T không phải chi phí. Bà T đồng ý trả cho bà C tiền xây tường bao, đóng thuế, làm đường máng nước, đóng góp tiền làm đường của xóm; đối với những khoản công sức trông nom, tôn tạo đất, sửa chữa nhà, tiền công chăm sóc mẹ, thuê bác sĩ, tiền thuốc, mai táng phí, xây mộ, tiền cúng 49 ngày, giỗ đầu, giỗ năm thứ hai, sang cát thì bà T không đồng ý trả. Vì đất của cụ T1 là đất thổ cư, không phải san lấp; những khoản khác giữa bà và bà C đã thanh toán xong.
Về lệ phí xem xét thẩm định, định giá tài sản: Bà T đề nghị giải quyết theo quy định pháp luật đối với số tiền 5.000.000đ lệ phí xem xét thẩm định, định giá tài sản.
Bà Cao Thị C là bị đơn và là người đại diện theo ủy quyền của ông H trình bày:
Bà C và bà T là chị em cùng mẹ khác cha. Cụ T1 kết hôn với ông Cao Văn R và sinh ra bà T. Năm 1950, ông R chết. Năm 1958, cụ T1 kết hôn với cụ Cao Văn Đ (không nhớ cụ Đ chết năm nào) và sinh ra bà C. Hiện bà C không có tài liệu chứng minh cụ T1 kết hôn với cụ Đ. Cụ T1 mang bà T và bà C đến ở cùng nhà với cụ Đ. Nhà cũ của cụ T1 và cụ R đã bán đi để chữa bệnh cho bà T. Năm 1956, cụ T1 được chia đất tại thôn X, xã K, huyện H, tỉnh Hải Dương, cụ đã làm gian nhà tre để ở cùng các con từ năm 1959. Năm 1980, bà C xây dựng gia đình và ở nhà chồng nhưng do gần nhà cụ T1 nên bà C vẫn thường xuyên qua lại trông nom cụ T1. Năm 2008, trước khi cụ T1 chết 2-3 ngày, cụ nói sau khi chết sẽ để lại cho bà C toàn bộ nhà đất của cụ. Sự việc này có sự chứng kiến của ông T, bà T2, bà O. Khi cụ T1 chết được khoảng 10 ngày thì cán bộ thôn là ông Bùi Ngọc T mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến đưa cho ông H (là chồng bà C), khi đó bà C mới biết giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng mang tên cụ T1 và bà C. Việc cụ T1 làm thủ tục để cho bà C cùng sử dụng chung mảnh đất từ khi nào bà C không biết. Khi cụ T1 chết thì bà T mới về; các khoản mai táng phí 38.015.000đ, xây mộ 50.000.000đ, tiền cúng 49 ngày 39.000.000đ, tiền giỗ đầu 40.500.000đ, tiền giỗ năm thứ hai 8.500.000đ, tiền sang cát 36.900.000đ cho cụ T1 đều do vợ chồng bà C lo liệu, bà T không đóng góp gì.
Trên diện tích đất tranh chấp có 1 nhà cấp 4, hai gian lợp ngói. Năm 1997, Nhà nước cho 3.000.000đ để sửa chữa nhà, cụ T1 có 150.000đ, bà C có gọi bà T về để thêm vào sửa chữa nhà cho mẹ nhưng bà T không đóng góp, vợ chồng bà C đã bán đi 9 chỉ vàng = 3.168.000đ đóng góp, vào để làm nhà. Bà C tính công phụ vữa, phụ xây của vợ chồng bà xây nhà cho cụ T1 là 1.000.000đ. 2 gian bếp đã hỏng phải xây lại. Chi phí vợ chồng bà đóng góp để xây nhà bếp và nhà vệ sinh là 2.700.000đ, xây tường bao phía tây 1.400.000đ, mua cây giống hết 2.000.000đ. Một số cây cối do cụ T1 trồng trên đất hiện nay đã chết hết, chỉ còn một số cây cối do vợ chồng bà C mới trồng. Bà C không nhớ vào thời gian nào, cụ T1 đưa cho bà T 06 chỉ vàng 9999 để giữ hộ cụ. Ngoài ra, cụ T1 không còn tài sản khác.
Từ năm 1991 đến năm 1999, cụ T1 ở một mình, sức khỏe yếu, vợ chồng bà C phải thường xuyên cơm nước, tối ngủ trông cụ nên bà C đề nghị tính công sức chăm sóc là 50.000.000đ.
Năm 2000, cụ T1 già yếu cần người phục vụ, vợ chồng bà C đã đón cụ T1 lên ở và đến năm 2008 cụ chết. Trong thời gian đó, vợ chồng bà là người trực tiếp chăm sóc cụ T1, thỉnh thoảng bà T mới về, không chăm sóc được ngày nào, chỉ mua thuốc được một lần. Do vậy, bà C tính công chăm sóc cụ T1 7 năm là 144.000.000đ.
Từ năm 1991 đến năm 2007, vợ chồng bà C thuê bác sỹ là ông Vũ Văn N chăm sóc cho cụ T1 hết 12.000.000đ, mua thêm thuốc điều trị cho cụ T1 là 15.000.000đ.
Sau khi cụ T1 chết, vợ chồng bà là người trông nom, tôn tạo đất và đóng thuế hàng năm. Vợ chồng bà đã chi phí 46.000.000đ để mua đất vượt lập, 10.750.000đ xây mương, đóng góp tiền làm đường của xóm. Bà C đóng tiền thuế đất của cụ T1 từ năm 1997 đến năm 2018 là 62.650đ, tiền thuế sản lượng, thủy lợi, đóng góp các loại địa phương thu là 633.330đ.
Quan điểm của bà C xác định tuy cụ T1 có di chúc miệng cho bà toàn bộ nhà đất nhưng nay bà T yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật, bà C xác định di sản thừa kế cụ T1 là ½ giá trị quyền sử dụng đất, ½ công trình trên đất, 6 chỉ vàng, bà đồng ý chia đôi, xin hưởng bằng hiện vật nhưng phải trả vợ chồng bà giá trị cây cối trên đất, công sức trông nom, tôn tạo, san lấp đất, số tiền đóng thuế, sửa chữa nhà, xây tường bao phía, làm máng nước, đóng góp tiền làm đường của xóm, tiền thuốc, thuê bác sĩ, mai táng phí, xây mộ, tiền cúng 49 ngày, giỗ đầu, giỗ năm thứ hai, sang cát. Đối với tiền công chăm sóc mẹ thì bà T phải có trách nhiệm chịu một nửa. Những số tiền này phải tính quy đổi ra vàng vào thời điểm vợ chồng bà C chi phí để trả cho vợ chồng bà C (tổng là 242 chỉ vàng 9999) hoặc tính theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước. Riêng công sức giữ gìn, quản lý đất bà C đề nghị trích trả cho vợ chồng bà 100m2 đất.
Bà C không đồng ý yêu cầu của bà T đề nghị hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số Đ928948 ngày 03/02/2005 do UBND huyện H, tỉnh Hải Dương cấp cho cụ T1 và bà C vì cụ T1 làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện, có sự chứng kiến của ông T, ông C và đã được xét duyệt đảm bảo thủ tục.
Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan UBND huyện H, tỉnh Hải Dương trình bày:
Thực hiện kế hoạch cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở trong khu dân cư của UBND huyện H cho các hộ gia đình cá nhân trên địa bàn. Năm 2005, UBND xã K, Hội đồng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xã căn cứ vào nguồn gốc sử dụng đất, kết quả đo đạc bản đồ địa chính năm 1997 đã hướng dẫn các hộ gia đình tự kiểm tra hình thể, kích thước, loại đất và hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân viết đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong đó, có bà Đặng Thị T1 và bà Cao Thị C lập hồ sơ để đề nghị UBND huyện H cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 334, tờ bản đồ số 5, diện tích 919,2m2, loại đất ở. Hộ gia đình bà T1, bà C nhất trí với số liệu, diện tích, loại đất đề nghị cấp theo đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Căn cứ vào đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân tại xã K, UBND xã K, Hội đồng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã xét duyệt và hoàn thiện các thủ tục theo quy định trình Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm tra, đề nghị UBND huyện H cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân. Ngày 03/02/2005 UBND huyện H cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Đặng Thị T1 và Cao Thị C tại thửa đất số 334, tờ bản đồ số 5, diện tích 919,2m2, số phát hành Đ928948. Tuy nhiên, hiện Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện H không còn hồ sơ, sổ sách lưu giữ về thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà T1, bà C.
Qua hồ sơ thẩm tra cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà T1, bà C dựa trên tài liệu đo đạc năm 1997, hồ sơ gồm có: Bản đồ và sổ đăng ký theo chỉ thị 299 của Chính phủ (năm 1980); bản đồ, sổ mục kê đo năm 1997; Danh sách theo dõi cấp giấy và trả giấy chứng nhận của UBND xã K. Căn cứ vào nguồn gốc sử dụng đất, quá trình sử dụng đất và các quy định của pháp luật đất đai tại thời kỳ đó, UBND xã K, Hội đồng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xã lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ tại xã K năm 2005, trong đó cho bà T1 và bà C.
Về quá trình biến động đất qua các thời kỳ: Diện tích đất tại thời điểm có số liệu khác nhau do sai số trong quá trình đo đạc, hiện trạng đất vẫn không thay đổi. Nguồn gốc đất theo hồ sơ 299 xác định toàn bộ diện tích đất là đất thổ cư nên sau này khi xem xét, giải quyết cho các đương sự thì căn cứ vào nguồn gốc đất theo hồ sơ 299 để xác định toàn bộ diện tích đất là đất thổ cư. Do hồ sơ lưu giữ về thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà T1 và bà C không còn nên đề nghị Tòa án căn cứ trên cơ sở pháp luật để giải quyết.
Kết quả xác minh tại UBND xã K, huyện H, tỉnh Hải Dương:
Căn cứ sổ mục kê lập theo Chỉ thị 299 xác định nguồn gốc diện tích đất của cụ T1 là 201m2 ở thôn X, xã K, huyện H, tỉnh Hải Dương được đăng ký năm 1983-1986, bản đồ đo vẽ năm 1986 thể hiện tại số thửa 78, tờ bản đồ số 4, diện tích 842m2, loại đất thổ cư. Theo sổ mục kê và bản đồ năm 1997 thể hiện: Thửa số 334, diện tích 919,2m2, loại đất thổ cư, sổ ghi vắng chủ. Theo tài liệu, sổ sách lập để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thời kỳ năm 2005 thể hiện số thửa 43, tờ bản đồ số 5, diện tích 919,2m2 mang tên cụ T1 và bà C, trong đó có 300m2 đất ở, 619,2m2 đất vườn. Theo hồ sơ địa chính năm 2010 thể hiện: Thửa số 208, tờ bản đồ số 12, diện tích 1.024m2, loại đất thổ cư, tên chủ sử dụng bà C.
Về quá trình biến động đất qua các thời kỳ là do sai số đo đạc, hiện trạng sử dụng đất vẫn không thay đổi, không bị trừ diện tích đất ngoài đồng vào đất vườn. Hiện nay, UBND xã K không còn lưu giữ hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ T1 và bà C.
Tại biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ, biên bản định giá tài sản xác định:
1. Về đất: Diện tích đất hiện trạng là 938,1m2. Giá đất ở: 3.000.000 đồng/m2, giá đất vườn: 75.000 đồng/m2.
2. Về giá trị tài sản trên đất: 01 bếp mất mái (nhà số 1) 982.000đ, 01 nhà cấp 4 (nhà số 2) 4.320.000đ, 01 nhà vệ sinh 123.000đ, 06 cây cau 1.800.000đ, 01 cây xoài đường kính 25cm 550.000đ, 01 cây trứng gà đường kính 30cm 350.000đ, 01 cây xoài đường kính 35cm 650.000đ, 12 cây cau đường kính 15cm 3.600.000đ, 01 cây cau đường kính 30cm 600.000đ, 01 cây xoan đường kính 15cm 60.000đ, 01 cây xoan đường kính 25cm 100.000đ, 01 cây hồng xiêm đường kính 20cm 350.000đ, 01 cây vải tán 9m 2.800.000đ, 01 cây vải tán 7,8m 1.700.000đ, 02 cây vải tán 2,2m 660.000đ, 02 cây vải tán 3,2m 800.000đ, 01 cây mít đường kính 35cm 650.000đ, 01 cây vối đường kính 20cm 130.000đ, 01 cây vải tán 2,5m 330.000đ, 20 cây tre đường kính 10cm 320.000đ, 25 cây tre đường kính 7cm 300.000đ, 16 cây tre đường kính 5cm 128.000đ, 01 cây chay đường kính 10cm 190.000đ, 01 cây dừa đường kính 60cm 600.000đ, 02 cây vải tán 1,5m 540.000đ, 01 cây vải tán 2,8m 330.000đ, 01 cây mít đường kính 40cm 650.000đ, 01 cây vải tán 3,3m 400.000đ, 01 cây vải tán 4,5m 520.000đ, 02 cây vải tán 2,6m 660.000đ, 01 cây vải tán 4,5m 520.000đ, 01 cây roi tán 6,5m 490.000đ. Giếng không còn giá trị sử dụng. Tổng giá trị tài sản trên đất là 26.603.000đ.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Ông T (người đại diện của nguyên đơn) và bà C, ông H giữ nguyên ý kiến đã trình bày, không yêu cầu giải quyết các công trình trên đất. Bà C, ông H không yêu cầu giải quyết về cây cối trên đất, nếu sau này chia di sản, cây nằm trên phần đất của ai thì người đó được hưởng; bà C đề nghị nhập chung các diện tích đất được chia vào một thửa đế ông H đồng sử dụng cùng bà.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà T đề nghị: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà T. Xác định quyền sử dụng thửa đất số 78, tờ bản đồ số 4, địa chỉ: thôn X, xã K, huyện H, tỉnh Hải Dương, diện tích 938,lm2 là di sản thừa kế của cụ T1 do không có tài liệu thể hiện cụ T1 đã định đoạt cho bà C 1/2 quyền sử dụng đất. Mặt khác, sau khi cụ T1 chết thì bà C mới biết việc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có tên bà C. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không có cơ sở, không đảm bảo trình tự, thủ tục, hiện không có hồ sơ cấp nên đề nghị hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ T1 và bà C. Do các công trình xây dựng trên đất đã xuống cấp, giá trị không lớn nên không yêu cầu giải quyết, nếu sau này chia đất thừa kế, tài sản này nằm trên đất của ai thì người đó được hưởng, về chia di sản thừa kế của cụ T1 theo pháp luật: Bà T và bà C mỗi người được 1/2 quyền sử dụng đất. Bà C có đóng góp nhiều hơn trong việc trông nom, chăm sóc cụ T1 nên cần cân nhắc chia cho nhiều hơn theo tỷ lệ hợp lý. Đối với các khoản do bà C nêu ra là yêu cầu phản tố chưa được thụ lý nên không xem xét.
Tại Bản án Dân sự sơ thẩm số 50A/2019/DS-ST ngày 28/11/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương đã quyết định:
Áp dụng các điều 217, 634, 635, 651, 652, 674, 675, 676, 677, 683, 685 Bộ luật Dân sự năm 2005, các điều 357, 468, 623 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 166, Điều 170, Luật Đất đai năm 2013; Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990; Điều 34, Điều 147, Điều 157, Điều 158, Điều 165, Điều 166, khoản 1 Điều 227, khoản 1, khoản 2 Điều 228, khoản 2 Điều 229 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Luật Phí và Lệ phí năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, tuyên xử:
1. Không chấp nhận yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số Đ928948 do UBND huyện H, tỉnh Hải Dương cấp ngày 03/02/2005 mang tên cụ Đặng Thị T1 và bà Cao Thị C.
Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền quản lý đất đai huyện H, tỉnh Hải Dương xử lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cụ Đặng Thị T1 và bà Cao Thị C theo quy định pháp luật đất đai về mục đích sử dụng đất.
2. Xác định bà Cao Thị C được quyền sử dụng 469,05m2 đất ở tại số thửa 43, tờ bản đồ số 5, địa chỉ: thôn X, xã K, huyện H, tỉnh Hải Dương (số liệu về số thửa, tờ bản đồ lấy theo hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).
3. Không chấp nhận yêu cầu của bà Cao Thị C xác định di chúc miệng của cụ Đặng Thị T1 là hợp pháp.
4. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Cao Thị T:
Xác định di sản thừa kế của cụ Đặng Thị T1 gồm giá trị quyền sử dụng 469,05m2 đất ở tại số thửa 43, tờ bản đồ số 5, địa chỉ: thôn X, xã K, huyện H, tỉnh Hải Dương (số liệu về số thửa, tờ bản đồ lấy theo hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) là 1.407.150.000đ, 06 chỉ vàng 9999 là 24.720.000đ, tổng là 1.431.870.000đ. Trên đất có công trình xây dựng của cụ T1 và cây cối thuộc quyền sở hữu của vợ chồng bà C, ông H.
Xác định những người được hưởng thừa kế của cụ T1 là bà Cao Thị T và bà Cao Thị C.
Trích trả bà C, ông H các khoản gồm: mai táng phí 11.400.000đ, thuế 695.980đ, tiền điều trị 27.000.000đ, tiền xây công trình trên đất và mua cây 7.100.000đ, tiền xây mương, làm đường xóm 10.750.000đ, tiền san lấp 23.000.000đ, công quản lý, duy trì 110.000.000đ, tổng là 189.945.980đ.
Di sản còn lại của cụ T1 chia theo pháp luật, bà T và bà C mỗi người được hưởng 620.962.010đ.
Giao cho bà Cao Thị T được sở hữu 06 chỉ vàng là 24.720.000đ (bà T đang giữ) và quyền sử dụng 198,75m2 đất ở được giới hạn bởi các điểm mốc A3, A4, A5, A6, A7, B3, B2, B1 (hình thể và kích thước các cạnh theo sơ đồ kèm theo), trên đất có một số cây của ông H và bà C. Chấp nhận sự tự nguyện của bà C và ông H không yêu cầu bà T trả giá trị cây cối trên đất.
Chấp nhận sự tự nguyện của bà Cao Thị C để ông Bùi Mạnh H sở hữu, sử dụng chung cùng bà diện tích đất được chia và các tài sản trên đất.
Giao cho bà Cao Thị C và ông Bùi Mạnh H sử dụng chung diện tích 739,35m2 đất ở (trong đó có 206,99m2 đất là phần di sản chia cho bà C;
469,05m2 đất thuộc quyền sử dụng của bà C; 63,31m2 đất do quy đổi từ các khoản thanh toán cho ông H, bà C khi chia thừa kế) được giới hạn bởi các điểm mốc A1, A2, B1, B2, B3, A8 (hình thể và kích thước các cạnh theo sơ đồ kèm theo), trên đất có công trình xây dựng của cụ T1 và các cây cối thuộc sở hữu của ông H, bà C.
Khi phân chia đất, trên diện tích đất mà bà T, ông H và bà C được quyền sử dụng có các cây cối thì các bên được sở hữu những cây này, nếu cây nằm vào ranh giới phân chia thì các bên phải chặt bỏ hoặc di dời.
Các đương sự phải có trách nhiệm thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, làm thủ tục tại cơ quan có thẩm quyền để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
5. Không chấp nhận yêu cầu của bà C về việc thanh toán các khoản tiền ông H và bà C đã chi phí gồm tiền cúng phục hồn 1.200.000đ, tiền cúng và cỗ tuần đầu 5.300.000đ, tiền cỗ mặn 20.000.000đ, tiền cúng 49 ngày 39.000.000đ, tiền giỗ đầu 40.500.000đ, tiền giỗ năm thứ hai 8.500.000đ, tiền sang cát 36.900.000đ, xây mộ 50.000.000đ vào chi phí liên quan đến thừa kế. Sau này giữa vợ chồng bà C và bà T có tranh chấp có quyền khởi kiện vụ án dân sự khác.
6. Về án phí: Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho bà Cao Thị T, bà Cao Thị C.
Lệ phí xem xét thẩm định, định giá: Bà T và bà C mỗi người phải chịu 2.500.000đ tiền lệ phí xem xét thẩm định, định giá (bà T đã nộp). Bà C phải trả cho bà T 2.500.000đ tiền lệ phí xem xét thẩm định, định giá.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong đối với số tiền trên, người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 09/12/2019, bà Cao Thị T có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm; đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm: (1) Hủy bỏ phần nhận định và phán quyết của bản án sơ thẩm liên quan đến yêu cầu phản tố của bà Cao Thị C; (2) Sửa phần nhận định và phán quyết của bản án sơ thẩm liên quan đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số Đ928948 theo hướng hủy Giấy chứng nhận này và công nhận toàn bộ diện tích đất theo kết quả xem xét thẩm định tại chỗ là di sản của cụ Đặng Thị T1; (3) Khắc phục những sai sót của bản án sơ thẩm để bảo đảm kết quả giải quyết vừa đúng sự thật, vừa đúng pháp luật.
Ngày 12/12/2019, bà Cao Thị C và ông Bùi Mạnh H có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm; ngày 30/12/2019, bà C và ông H có đơn kháng cáo bổ sung đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm buộc bà T phải chịu 50% chi phí chăm sóc, lo hậu sự cho cụ T1 mà bà đã trình bày ở phiên tòa sơ thẩm; xác định giá 3.000.000đ/m2 đối với 300 m2 đất ở, 75.000.000đ/m2 đối với 638,1 m2 đất vườn; xem xét chấp nhận việc vợ chồng bà đã bán 09 chỉ vàng (3.150.000 đồng) để xây dựng nhà cho cụ T1; tính công sức tu tạo giữ gìn đất là 10% diện tích đất di sản; quy đổi ra vàng hoặc tính lãi theo lãi suất cơ bản của ngân hàng (9%/năm) những khoản mà vợ chồng bà đã chi phí; chia lại đất trên thực địa để bảo đảm hợp lý (nếu vẫn có chia đất).
Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện của bà Cao Thị T giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo và đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận toàn bộ kháng cáo của Nguyên đơn, xác định quyền sử dụng thửa đất số 78, diện tích 938,1 m2 tại thôn X, xã K, huyện H, tỉnh Hải Dương là di sản thừa kế của cụ T1; bác toàn bộ các yêu cầu phản tố của bị đơn vì không có căn cứ và không được thụ lý phản tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Bên cạnh đó, việc Tòa án cấp sơ thẩm công nhận các khoản chi phí xây dựng công trình trên đất, chi phí san lấp đất theo yêu cầu của bị đơn, nhưng lại chấp nhận thanh toán cho bị đơn một khoản tiền công sức quản lý, duy trì, tu tạo đất là không hợp lý.
Bà Cao Thị C giữ nguyên yêu cầu kháng cáo; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị đơn.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phát biểu quan điểm: Tòa án cấp sơ thẩm xác định 938,1 m2 đất tại thôn X, xã K, huyện H, tỉnh Hải Dương thuộc quyền sử dụng của cụ T1 và bà C, từ đó, xác định di sản của cụ T1 là 1/2 diện tích thửa đất này để chia cho các thừa kế là có căn cứ. Việc Tòa án cấp sơ thẩm xem xét các yêu cầu của bị đơn trong vụ án để thanh toán cho bị đơn từ di sản thừa kế là phù hợp. Đối với khoản 6 chỉ vàng, các bên đương sự đều thừa nhận việc cụ T1 đưa cho bà T 06 chỉ vàng, nhưng theo trình bày của bà T thì đây là khoản cụ T1 cho bà T làm của hồi môn. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của Nguyên đơn, không xác định 06 chỉ vàng là di sản của cụ T1.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào kết quả tranh tụng, các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được xem xét tại phiên tòa, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy:
[1] Về thời hạn kháng cáo, sau khi xét xử sơ thẩm, bà Cao Thị T, bà Cao Thị C và ông Bùi Mạnh H có đơn kháng cáo trong thời hạn luật định, phù hợp với quy định tại các điều 271, 272 và 273 Bộ luật Tố tụng dân sự nên kháng cáo là hợp lệ, được chấp nhận xem xét theo thủ tục phúc thẩm.
[2] Về quan hệ tranh chấp và thẩm quyền giải quyết, ngày 24/9/2018, bà Cao Thị T có đơn khởi kiện đề nghị Tòa án xác nhận quyền sử dụng thửa đất số 78, tờ bản đồ số 4 (theo bản đồ 299) tại thôn X, xã K, huyện H, tỉnh Hải Dương và tài sản trên đất là di sản của cụ Đặng Thị T1; đề nghị chia di sản cho các thừa kế và hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số Đ928948 ngày 03/02/2005 do UBND huyện H cấp cho cụ Đặng Thị T1 và bà Cao Thị C. Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương xác định quan hệ tranh chấp là “Tranh chấp về thừa kế tài sản và hủy giấy chứng nhận QSDĐ”, tiến hành thụ lý giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền, phù hợp với quy định của pháp luật.
[3] Về thời hiệu khởi kiện, theo quy định tại Điều 623, điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện về thừa kế đối với bất động sản là 30 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Tòa án cấp sơ thẩm xác định đơn khởi kiện của bà Cao Thị T bảo đảm yêu cầu về thời hiệu là chính xác.
[4] Về thời điểm mở thừa kế và hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật, cụ T1 có 2 người con là bà Cao Thị T và bà Cao Thị C, không có con riêng, con nuôi khác; chồng cụ T1 là cụ R chết năm 1951. Bà C khai năm 1958 cụ T1 kết hôn với cụ Đ nhưng không có căn cứ chứng minh. Thời điểm mở thừa kế của cụ T1 là ngày 05/02/2008. Tòa án cấp sơ thẩm xác định hàng thừa kế thứ nhất được hưởng di sản thừa kế của cụ T1 là bà T và bà C là đúng.
[5] Về di sản thừa kế, theo đơn khởi kiện và trình bày của phía nguyên đơn thì di sản thừa kế của cụ Đặng Thị T1 là toàn bộ diện tích thửa đất số 78, tờ bản đồ số 4 (theo bản đồ 299) tại thôn X, xã K, huyện H, tỉnh Hải Dương.
[6] Theo trình bày của bà Cao Thị C thì năm 1956, cụ T1 được chia đất tại thôn X, xã K, huyện H, tỉnh Hải Dương, cụ đã làm gian nhà tre để ở cùng các con từ năm 1959. Năm 1980, bà C xây dựng gia đình và ở nhà chồng nhưng do gần nhà cụ T1 nên bà C vẫn thường xuyên qua lại trông nom cụ T1. Năm 2008, trước khi cụ T1 chết 2-3 ngày, cụ nói sau khi chết sẽ để lại cho bà C toàn bộ nhà đất của cụ. Sự việc này có sự chứng kiến của ông T, bà T2, bà O. Khi cụ T1 chết được khoảng 10 ngày thì cán bộ thôn là ông Bùi Ngọc T mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến đưa cho ông H (là chồng bà C), khi đó bà C mới biết giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng mang tên cụ T1 và bà C. Việc cụ T1 làm thủ tục để cho bà C cùng sử dụng chung mảnh đất từ khi nào bà C không biết. Quan điểm của bà C xác định tuy cụ T1 có di chúc miệng cho bà toàn bộ nhà đất nhưng nay bà T yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật, bà C xác định di sản thừa kế của cụ T1 là ½ giá trị quyền sử dụng đất. Ngoài ra, cụ T1 còn đưa cho bà T 06 chỉ vàng 9999 để giữ hộ cụ, bà C đề nghị xác định 06 chỉ vàng này là di sản thừa kế của cụ T1.
[7] Tại phiên tòa sơ thẩm, phía nguyên đơn và bị đơn không yêu cầu giải quyết cây cối trên đất, nếu sau này chia di sản, cây nằm trên phần đất của ai thì người đó được hưởng; bà C đề nghị nhập chung các diện tích đất được chia vào một thửa để ông H đồng sử dụng cùng bà.
[8] Về diện tích đất tranh chấp, căn cứ sổ mục kê lập theo Chỉ thị 299 xác định nguồn gốc diện tích đất của cụ T1 là 201m2 ở thôn X, xã K, huyện H, tỉnh Hải Dương được đăng ký năm 1983-1986; bản đồ đo vẽ năm 1986 thể hiện tại số thửa 78, tờ bản đồ số 4, diện tích 842m2, loại đất thổ cư. Theo sổ mục kê và bản đồ năm 1997 thể hiện: Thửa số 334, diện tích 919,2m2, loại đất thổ cư, sổ ghi vắng chủ. Theo tài liệu, sổ sách lập để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thời kỳ năm 2005 thể hiện số thửa 43, tờ bản đồ số 5, diện tích 919,2m2 mang tên cụ T1 và bà C, trong đó có 300m2 đất ở, 619,2m2 đất vườn. Theo hồ sơ địa chính năm 2010 thể hiện: Thửa số 208, tờ bản đồ số 12, diện tích 1.024m2, loại đất thổ cư, tên chủ sử dụng bà C.
[9] Theo trình bày của Ủy ban nhân dân huyện H thì số liệu về diện tích của thửa đất tranh chấp có tăng thêm qua các thời kỳ do sai số trong quá trình đo đạc nhưng hiện trạng đất vẫn giữ nguyên, không thay đổi. Nguồn gốc đất theo hồ sơ 299 xác định toàn bộ diện tích đất là đất thổ cư nên khi xem xét, giải quyết yêu cầu của các đương sự thì căn cứ theo hồ sơ 299 để xác định toàn bộ diện tích đất là đất thổ cư.
[10] Theo kết quả xem xét thẩm định tại chỗ tổng diện tích đất tranh chấp được xác định là 938,1 m2. Theo Biên bản định giá tài sản ngày 19/6/2019 của Hội đồng định giá tài sản thì: “… thửa đất 334 được đăng ký là đất ở. Nên khi xác định lại diện tích thì toàn bộ diện tích được xác định lại là đất ở, không phải nộp tiền sử dụng đất (khi người dân có đơn yêu cầu, đề nghị)”; giá đất ở được xác định là 3.000.000đ/1 m2.
[11] Về việc Ủy ban nhân dân huyện H cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cụ Đặng Thị T1 và bà Cao Thị C, tuy hiện nay không còn lưu giữ hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng căn cứ vào lời khai của ông Bùi Ngọc T là đội trưởng đội 1 thôn X giúp việc cho Hội đồng xét duyệt cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đợt năm 2005, ông Nguyễn Văn Ch là cán bộ địa chính xã K và quy trình thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đợt năm 2005 cho các hộ tại xã K, Tòa án cấp sơ thẩm xác định cụ T1 tự nguyện cho bà C cùng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, từ đó xác định quyền sử dụng 938,1m2 đất thổ cư là tài sản chung của cụ T1 và bà C; di sản thừa kế của cụ T1 là 938,1m2/2 = 469,05m2 là có căn cứ.
[12] Về xác định giá trị của diện tích đất là di sản thừa kế, căn cứ vào hồ sơ thửa đất, ý kiến của đại diện Ủy ban nhân dân huyện H, kết quả xác minh, xem xét thẩm định tại chỗ và ý kiến của Hội đồng định giá tài sản, Tòa án cấp sơ thẩm xác định toàn bộ diện tích đất là đất ở, có giá là 3.000.000đ/m2, từ đó xác định diện tích đất là di sản của cụ T1 trị giá là 469,05m2 x 3.000.000đ = 1.407.150.000đ; đồng thời, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền quản lý đất đai huyện H, tỉnh Hải Dương xử lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cụ Đặng Thị T1 và bà Cao Thị C theo quy định của pháp luật về mục đích sử dụng đất là có cơ sở, bảo đảm quyền lợi của các bên đương sự.
[13] Về 06 chỉ vàng bà C yêu cầu xác định là di sản của cụ T1 để chia thừa kế, trước hết phải xác định đây không phải là yêu cầu phản tố thuộc trường hợp quy định tại Điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự; bởi lẽ, khi giải quyết vụ án về tranh chấp thừa kế, Tòa án phải thu thập chứng cứ, lời khai của các bên đương sự để xác định có di sản thừa kế hay không; nếu có thì gồm những tài sản gì. Yêu cầu xác định 06 chỉ vàng là di sản của cụ T1 được bà C đưa ra trước phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, không phải là yêu cầu để bù trừ nghĩa vụ với nguyên đơn. Như vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm xem xét và giải quyết yêu cầu này của bà C trong vụ án là cần thiết và phù hợp với quy định của pháp luật.
[14] Xét thấy, bà T khai cụ T1 có cho bà 06 chỉ vàng làm của hồi môn nhưng không có căn cứ chứng minh, trong khi người làm chứng là bà Nguyễn Thị O khai khoảng năm 2005, cụ T1 kể chuyện với bà là cụ tiết kiệm được 6 chỉ vàng đưa cho bà T giữ hộ. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xác định giá trị 06 chỉ vàng 9999 = 6 x 4.120.000đ/chỉ = 24.720.000đ là di sản thừa kế của cụ T1 là có cơ sở.
[15] Về việc bà C trình bày năm 2008, trước khi cụ T1 chết 2-3 ngày, cụ nói sau khi chết sẽ để lại cho bà C toàn bộ nhà đất của cụ. Sự việc này có sự chứng kiến của ông Bùi Ngọc T, bà Phạm Thị T2 và bà Nguyễn Thị O; tuy nhiên, những người làm chứng là ông T, bà O, bà T2 không ghi chép lại di chúc miệng của cụ T1 nên không phải là di chúc hợp pháp theo quy định tại Điều 651 và khoản 5 Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2005. Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận di chúc này và giải quyết việc chia thừa kế theo pháp luật là chính xác.
[16] Về các khoản chi phí mai táng cho cụ T1, tiền thuế và các khoản thu đối với Nhà nước, tiền điều trị cho cụ T1, tiền xây dựng công trình trên đất, tiền công sức quản lý, duy trì, tôn tạo đất mà bà C yêu cầu - đây là những khoản phải xem xét khi giải quyết chia thừa kế theo quy định tại Điều 683 Bộ luật Dân sự năm 2005. Tòa án cấp sơ thẩm ghi nhận yêu cầu của bà C và xem xét đối với từng khoản khi giải quyết vụ án là đúng. Ở đây, cũng cần xác định các yêu cầu này không phải là yêu cầu phản tố theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự, bởi lẽ các yêu cầu này phải được Tòa án xem xét, đánh giá và quyết định khi giải quyết việc chia thừa kế.
[17] Đối với yêu cầu về tiền thuế và các khoản thu đối với Nhà nước được xác định là 695.980đ, tiền xây mương, làm đường xóm vào năm 2016 hết 10.750.000đ, bà T nhất trí và đồng ý thanh toán cho bà C. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của bà C là đúng pháp luật.
[18] Về chi phí mai táng cho cụ T1, bà C khai lo tang lễ cho cụ T1 chi phí hết 37.900.000đ bao gồm: Kèn, trống, ván, vải khăn tang, áo tang 4.700.000đ; rạp, thuê bát đĩa, bàn ghế, nấu ăn 2.800.000đ; bùa yểm thầy cúng nhập quan 700.000đ; bàn hoa mâm bồng 1.000.000đ; thuê đào huyệt 1.200.000đ; tiền cúng và cỗ tuần đầu 5.300.000đ, chè, thuốc, trầu cau, hương nến, bát hương 1.000.000đ; cúng phục hồn 1.200.000đ; cỗ mặn 20.000.000đ. Chị Bùi Thị L khai 29 Tết âm lịch năm 2007, ông H đến nhà chị thuê dịch vụ trọn gói cho đám tang cụ T1, gồm: quan tài gỗ, khăn tang, vải liệm, kèn trống, tổng là 4.700.000đ. Ông Nguyễn Tiến Tr khai ông H thuê gia đình ông làm dịch vụ đám hiếu cụ T1, gồm 1 bộ khung bạt, 45 bộ bàn ghế, bát đĩa hết 2.300.000đ. Tòa án cấp sơ thẩm xác định các khoản tiền cúng, cỗ tuần đầu, cỗ mặn cho cụ T1 không phải là chi phí mai táng nên không chấp nhận; các khoản còn lại là những chi phí tương đối hợp lý cho việc mai táng theo phong tục tập quán tại địa phương nên chấp nhận, tổng là 11.400.000đ là hợp tình, hợp lý.
[19] Về các chi phí chăm sóc, điều trị cho cụ T1: Từ năm 1991 đến năm 2007, vợ chồng bà C thuê y sỹ là ông Vũ Văn N khám và điều trị cho cụ T1 hết 12.000.000đ (có xác nhận của ông N), mua thêm thuốc điều trị cho cụ T1 là 15.000.000đ, Tòa án cấp sơ thẩm xác định đây là những chi phí hợp lý và có xác nhận của ông Vũ Văn N nên chấp nhận yêu cầu của bà C về 2 khoản này, tổng là 27.000.000đ là có cơ sở.
[20] Về việc Bà C yêu cầu thanh toán trả vợ chồng bà công sức chăm sóc cụ T1: Từ năm 1991 đến năm 2000 là 50.000.000đ; từ năm 2000 đến năm 2007 là 144.000.000đ, tổng là 194.000.000đ. Tòa án cấp sơ thẩm đã viện dẫn quy định tại Điều 35, Điều 36 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 về việc con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ ốm đau, già yếu; từ đó, không chấp nhận yêu cầu tính công chăm sóc mẹ cho bà C, ông H là phù hợp với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội.
[21] Về việc xây dựng các công trình trên đất của cụ T1: Bà C khai năm 1997, vợ chồng bà đã góp tiền và công sức để làm lại nhà cho cụ T1. Bà tính công phụ vữa, phụ xây của vợ chồng bà là 1.000.000đ, chi phí vợ chồng bà đóng góp để xây nhà bếp và nhà vệ sinh là 2.700.000đ, xây tường bao phía tây 1.400.000đ, mua cây giống hết 2.000.000đ. Liên quan đến các khoản này có bà Nguyễn Thị O khai vợ chồng bà C phá bỏ nhà tranh, tôn nền, xây nhà cho cụ T1, trồng 2 cây vải, 1 cây bưởi, 1 cây dừa; ông Bùi Văn Kh là thợ xây khai về tiền công xây nhà và tường bao, còn toàn bộ phụ nề do gia đình ông H làm; ông Nguyễn Văn Th khai đã bán vật liệu xây dựng cho ông H để xây nhà cho cụ T1, phù hợp với lời khai của bà C nên Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận khoản tiền 7.100.000 là phù hợp.
[22] Về tiền san lấp đất: Bà C khai vợ chồng bà đã chi phí 46.000.000đ để mua đất vượt lập; ông Nguyễn Văn Th khai năm 2008, ông H thuê ông chở đất vượt lập nền vườn, lấp ao tại thửa đất của cụ T1, thanh toán tính theo xe hết 46.000.000đ, phù hợp với lời khai của bà Nguyễn Thị O khai có thấy vợ chồng bà C lúc tự chở đất, lúc thuê xe lấp hết ao thành vườn như bây giờ. Về yêu cầu này, tuy không có chứng từ, tài liệu ghi nhận việc thanh toán, chi trả, nhưng có lời khai của các nhân chứng phù hợp với nhau, Tòa án cấp sơ thẩm xác định tiền san lấp đất hết 46.000.000đ; chấp nhận thanh toán cho bà C ½ tiền san lấp là 23.000.000đ là bảo đảm quyền lợi của bà C.
[23] Về tiền công sức quản lý, duy trì, tu tạo đất: Trong thời gian cụ T1 còn sống, vợ chồng bà C ở gần nên có nhiều công sức trong việc tu tạo đất, xây nhà cho cụ T1. Sau khi cụ T1 chết, vợ chồng bà C tiếp tục trông nom, quản lý di sản. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xác định cần trích 110.000.000đ trong khối di sản của cụ T1 để trả tiền công quản lý, duy trì di sản cho bà C, ông H là phù hợp với quy định của pháp luật.
[24] Về quan điểm cho rằng bản án sơ thẩm chấp nhận thanh toán cho bị đơn tiền công sức quản lý, duy trì, tu tạo đất, nhưng đồng thời cũng chấp nhận yêu cầu thanh toán cho bị đơn tiền san lấp đất, tiền xây dựng các công trình trên đất là chồng lấn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, Hội đồng xét xử xét thấy, việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định cụ thể những khoản thanh toán cho bị đơn có thể tính toán được và có căn cứ; đồng thời xác định thêm một khoản tiền công sức quản lý, duy trì, tu tạo đất và tổng các khoản này không vượt quá một kỷ phần thừa kế như trong vụ án này là không trái quy định của pháp luật và thực tiễn giải quyết các vụ án tranh chấp về di sản thừa kế là quyền sử dụng đất.
[25] Về việc bà C khai đã bán 9 chỉ vàng để góp làm nhà cho cụ T1 nhưng không có căn cứ chứng minh nên Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận là đúng. Đối với các khoản tiền ông H và bà C khai đã chi phí gồm tiền cúng phục hồn 1.200.000đ, tiền cúng và cỗ tuần đầu 5.300.000đ, tiền cỗ mặn 20.000.000đ, tiền cúng 49 ngày 39.000.000đ, tiền giỗ đầu 40.500.000đ, tiền giỗ năm thứ hai 8.500.000đ, tiền sang cát 36.900.000đ, xây mộ 50.000.000đ, căn cứ theo Điều 683 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì những khoản này không phải là các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế. Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận khấu trừ các chi phí này từ di sản của cụ Đặng Thị T1 là phù hợp với quy định của pháp luật.
[26] Về việc bà C và ông H yêu cầu quy đổi các khoản tiền mà ông bà đã chi phí ra vàng hoặc tính lãi theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước để khấu trừ vào di sản thừa kế của cụ T1. Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy, các khoản tiền mà bà C, ông H yêu cầu phải được tính lãi không phải là những khoản cho vay, cho mượn mà là những khoản bà C, ông H tự nguyện chi phí, đóng góp khi cụ T1 còn sống; vì vậy, không có căn cứ để chấp nhận.
[27] Như vậy, di sản của cụ T1 gồm giá trị quyền sử dụng đất 1.407.150.000đ, 06 chỉ vàng 9999 trị giá 24.720.000đ, tổng là 1.431.870.000đ; Trừ các khoản trả cho ông H, bà C gồm: mai táng phí 11.400.000đ, thuế và các khoản đóng góp cho Nhà nước 695.980đ, tiền điều trị 27.000.000đ, tiền xây công trình trên đất và mua cây 7.100.000đ, tiền xây mương, làm đường xóm 10.750.000đ, tiền san lấp 23.000.000đ, công quản lý, duy trì 110.000.000đ, tổng là 189.945.980đ. Vậy di sản còn lại trị giá 1.241.924.020đ, chia theo pháp luật bà T và bà C mỗi người được hưởng 620.962.010đ.
[28] Về chia di sản thừa kế: Do bà T và bà C đều xin hưởng bằng hiện vật, diện tích đất tranh chấp rộng, có chiều mặt đường thôn dài hơn 21m nên cần chia cho các đương sự được hưởng theo hiện vật. Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào yêu cầu của các đương sự, phần di sản thừa kế mà mỗi thừa kế được hưởng, thực trạng diện tích đất là di sản thừa kế để phân chia di sản bằng hiện vật, có sơ đồ xác định mốc giới kèm theo là đúng pháp luật, bảo đảm quyền lợi của các bên đương sự nên không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan về việc chia lại di sản thừa kế.
[29] Về yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Như phân tích ở trên, diện tích 938,1m2 đất ở tại số thửa 43, tờ bản đồ số 5, địa chỉ: thôn X, xã K, huyện H, tỉnh Hải Dương thuộc quyền sử dụng của cụ T1 và bà C. Do vậy, không có căn cứ chấp nhận yêu cầu của bà T đề nghị hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số Đ928948 do UBND huyện H cấp ngày 03/02/2005 cho bà Đặng Thị T1 và Cao Thị C tại thửa đất số 334, tờ bản đồ số 5.
[30] Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bà Cao Thị T; không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bà Cao Thị C và ông Bùi Mạnh H, cần giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
[31] Về án phí, bà Cao Thị T, bà Cao Thị C và ông Bùi Mạnh H là người cao tuổi, có đơn xin miễn án phí nên được miễn án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, bác kháng cáo của bà Cao Thị T; bác kháng cáo của bà Cao Thị C và ông Bùi Mạnh H, giữ nguyên quyết định của Bản án sơ thẩm số 50A/2019/DS-ST ngày 28/11/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương.
2. Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 14 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, bà Cao Thị T, bà Cao Thị C và ông Bùi Mạnh H được miễn án phí dân sự phúc thẩm.
3. Các quyết định khác của bản án dân sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 08/2023/DS-PT
Số hiệu: | 08/2023/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 07/01/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về