Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 46A/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 46A/2023/DS-PT NGÀY 09/02/2023 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN VÀ HỦY GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 09 tháng 02 năm 2023, tại trụ sở Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự phúc thẩm thụ lý số 202/2022/TLPT- DS ngày 06 tháng 7 năm 2022 về việc “Tranh chấp thừa kế tài sản và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” do có kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2021/DS-ST ngày 24 tháng 6 năm 2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 418/2023/QĐ-PT ngày 13 tháng 01 năm 2023 giữa các đương sự:

* Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1956; trú tại: Số nhà 4, ngách 59/25, thôn V, xã Thanh L, huyện Thanh T, thành phố Hà Nội; có mặt.

* Bị đơn: Bà Phạm Thị S, sinh năm 1952; trú tại: Xóm 2, Phù L, xã Kim B, thành phố Phủ L, tỉnh Hà Nam; vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của bà S: Anh Nguyễn Hồng H, sinh năm 1975;

trú tại: Xóm 2, Phù L, xã Kim B, thành phố Phủ L, tỉnh Hà Nam; có mặt.

* Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

- Ủy ban nhân dân huyện Kim B, tỉnh Hà Nam. Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Thành T1 - Chủ tịch UBND huyện Kim B. Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Hùng S1 - Phó Chủ tịch UBND huyện Kim B; vắng mặt và có đơn đề nghị xét xử vắng mặt (Văn bản ủy quyền số 5010/QĐ-UBND ngày 30/11/2022 của UBND huyện Kim Bảng).

- Ủy ban nhân dân thành phố Phủ L, tỉnh Hà Nam. Người đại diện theo pháp luật: Ông Trương Quốc B - Chủ tịch UBND thành phố Phủ L. Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Trung D - Phó Chủ tịch UBND thành phố Phủ L; vắng mặt và có đơn đề nghị xét xử vắng mặt (Văn bản ủy quyền số 1976/QĐ-UBND ngày 05/12/2022 của UBND huyện Kim B).

- Ủy ban nhân dân xã Kim B, thành phố Phủ L, tỉnh Hà Nam; vắng mặt.

- Ông Nguyễn Văn B1, sinh năm 1937; địa chỉ: Xóm 2, Phù L, xã Kim B, thành phố Phủ L, tỉnh Hà Nam; vắng mặt.

- Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1940; địa chỉ: Thôn Tạ B, xã Tạ B, huyện Mường L, tỉnh Sơn La; vắng mặt.

- Ông Nguyễn Văn L1, sinh năm 1945; địa chỉ: Khối 9, thị trấn Phù Y, huyện Phù Y, tỉnh Sơn La; vắng mặt.

- Ông Nguyễn Văn T2, sinh năm 1949; địa chỉ: Số nhà 27B, đường Trần Hưng Đ, phường Phan Chu T, quận Hoàn K, thành phố Hà Nội; vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của ông B1, bà L, ông L1, ông T2: Ông Nguyễn Văn T; sinh năm 1956; trú tại: Số nhà 4, ngách 59/25, thôn V, xã Thanh L, huyện Thanh T, thành phố Hà Nội; có mặt.

- Anh Nguyễn Hồng H, sinh năm 1975 và chị Nguyễn Thị Q, sinh năm 1980; cùng địa chỉ: Xóm 2, Phù L, xã Kim B, thành phố Phủ L, tỉnh Hà Nam (có mặt anh H; vắng mặt chị Q).

- Chị Nguyễn Thị Lệ D1, sinh năm 1974 và anh Lê Quý C, sinh năm 1977; cùng địa chỉ: Xóm 2, Kim T, xã Kim B, thành phố Phủ L, tỉnh Hà Nam (có mặt chị D1, vắng mặt anh C).

- Chị Nguyễn Thị H1, sinh năm 1974 và anh Nguyễn Tuấn A, sinh năm 1975; cùng địa chỉ: 361/60/203, tổ 21, ấp 6, Đông T, huyện Hóc M, thành phố Hồ Chí Minh; vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện ngày 24/01/2018 và quá trình tố tụng, nguyên đơn là ông Nguyễn Văn T trình bày:

Bố mẹ ông là cụ Nguyễn Văn T3 (chết năm 1992) và cụ Phạm Thị T4 (chết năm 1969) đều không để lại di chúc. Cụ T3 và cụ T4 sinh được 05 người con gồm: Ông Nguyễn Văn B1, bà Nguyễn Thị L, ông Nguyễn Văn L1, ông Nguyễn Văn T2, ông Nguyễn Văn T. Hai cụ không có con nuôi, con ngoài giá thú. Di sản hai cụ để lại là diện tích 659m2 đất (trong đó 347m2 đất thổ cư và 312m2 đất thổ canh) thuộc thửa số 357 tại xóm 2, thôn Phù L, xã Kim B, thành phố Phủ L, tỉnh Hà Nam. Năm 1971, ông Nguyễn Văn T2 kết hôn với bà Phạm Thị S, sinh được 03 người con gồm: Anh Nguyễn Hồng H, chị Nguyễn Thị H1, chị Nguyễn Thị Lệ D1 và sống trên diện tích 659m2 đất của bố mẹ. Năm 2012, ông T2 ly hôn với bà S và chuyển lên Hà Nội sinh sống, còn bà S cùng 03 người con sống trên đất của bố mẹ. Năm 2008, ông T (là con út) cũng làm nhà ở trên một phần mảnh đất của bố mẹ để lại.

Khi Nhà nước có chủ trương kê khai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà S không thông báo cho các anh, em trong gia đình biết mà tự ý kê khai và được Ủy ban nhân dân (sau đây viết tắt là UBND) huyện Kim B cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ bà Phạm Thị S diện tích 653m2 thuộc thửa đất số 55, tờ bản đồ PL12 ở xóm 2, thôn Phù L, xã Kim B, huyện Kim B, tỉnh Hà Nam.

Ông và các anh chị trong gia đình chưa bao giờ nghe bố cho riêng ông T2 diện tích 40m2 - 60m2 đất và chưa được nghe bố chia đất riêng cho một người con nào khác. Việc ông T2 được làm nhà trước là bố cho phép và anh em cùng nhất trí thống nhất cắt 01 gian trong ngôi nhà 04 gian của bố mẹ để vợ chồng ông T2 xây nhà ở riêng. Đây là phần đất chia cho ông T2, phần còn lại chia cho những người con còn lại, ban đầu ông T2 làm nhà là đúng, sau này anh H (con ông T2) tự ý cơi nới, xây thêm một phần đất nữa khi chưa có sự đồng ý của các anh em ông nên mẹ con bà S phải có trách nhiệm tháo dỡ phần xây lấn sai trái đó và chỉ được làm trong phạm vi được chia.

Do thửa đất này là tài sản của bố mẹ ông để lại, không có di chúc nên việc UBND huyện Kim B cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ bà Phạm Thị S là không đúng pháp luật. Ông khởi kiện yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số X124280 do UBND huyện Kim B cấp ngày 16/4/2003 cho hộ bà Phạm Thị S và chia diện tích 653m2 đất tại thửa số 55, tờ bản đồ PL12 của cụ T3, cụ T4 để lại cho 05 người con theo quy định của pháp luật.

Bị đơn là bà Phạm Thị S và người đại diện theo ủy quyền đồng thời là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh Nguyễn Hồng H trình bày: Thống nhất nguồn gốc diện tích 653m2 đất ở thửa số 55, tờ bản đồ PL12, tại xóm 2, thôn Phù L, xã Kim B là của cụ Nguyễn Văn T3, cụ Phạm Thị T4. Năm 1972 bà S kết hôn với ông T2 và sống chung với bố chồng. Năm 1992, bố chồng chết không để lại di chúc, sau đó anh em nhà chồng họp gia đình nhất trí bằng văn bản cho gia đình bà toàn quyền sử dụng thửa đất trên. Bà đã nộp văn bản này cho UBND xã Kim B khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận, còn việc quản lý văn bản đó như thế nào thì bà S và anh H không nắm được. Gia đình bà S tiếp tục sử dụng đất, thực hiện nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước và làm đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Quá trình làm đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gia đình bà không nhận được bất cứ ý kiến phản đối hay tranh chấp của anh em nhà chồng, ông B1 ở bên cạnh cũng không có ý kiến gì. Thực tế ông T2 sống ở Hà Nội từ năm 1991, không phải sau khi ly hôn (năm 2012) nên ông T2 không có tên trong sổ hộ khẩu và không sống cùng mẹ con bà. Khi ly hôn, bà S và ông T2 không định đoạt về nhà đất, tài sản. Ông T xây nhà trên đất của bố mẹ là do thời điểm đó ông T bị tai biến, không có người chăm sóc nên bà S và gia đình đồng ý cho ông T xây dựng nhà ở để tiện chăm sóc. Năm 1990, bà xây 45m2 nhà mái bằng, nay đã cải tạo thành bếp và công trình phụ. Về thời hiệu khởi kiện chia thừa kế là 10 năm, đề nghị bác đơn khởi kiện của ông T để bảo vệ quyền lợi của bà. Bà không nhất trí yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn T. Nếu phải chia thừa kế, bà yêu cầu phải trả tiền thuế, công sức tôn tạo đất với tổng số tiền là 822.600.000 đồng và tiền công sức chăm sóc, phụng dưỡng cụ Nguyễn Văn T3 khi còn sống với số tiền là 320.000.000 đồng.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Văn B1, bà Nguyễn Thị L, ông Nguyễn Văn T2, ông Nguyễn Văn L1 đều ủy quyền toàn bộ việc giải quyết vụ án cho ông T và thống nhất nếu chia thừa kế thì các anh em sẽ tự thỏa thuận, đứng tên chung đối với phần di sản được chia. Riêng ông T2 đề nghị nếu được chia thừa kế sẽ giao cho bà S quản lý, sử dụng kỷ phần thừa kế được hưởng. Ngoài ra, ông L1 có đơn thừa nhận việc cụ T3 cho vợ chồng ông T2, bà S 01 gian nhà trong tổng số 04 gian nhà cụ T3 đang ở và đề nghị chia đều diện tích 653m2 đất của bố mẹ để lại cho 05 anh em, bà S phải tháo dỡ các công trình xây dựng trên đất ngoài gian nhà cụ T3 cho để trả lại đất cho những người được hưởng mà không phải thanh toán giá trị cho bà S vì bà S không hỏi ý kiến anh em nhà chồng khi xây dựng.

UBND xã Kim B, thành phố Phủ L do người đại diện theo ủy quyền có quan điểm trình bày: Theo Bản đồ địa chính năm 1988 và sổ mục kê năm 1986 của xã Kim B thì diện tích 659 m2 đất đang tranh chấp thuộc thửa số 357; trong đó 347m2 đất thổ cư và 312m2 đất thổ canh đứng tên cụ Nguyễn Văn T3. Năm 2000 khi đo đạc lại đất trong khu dân cư bằng máy thì thuộc thửa số 55, tờ bản đồ PL12 diện tích 653m2 (trong đó 285m2 đất thổ cư; 368m2 đất vườn). Năm 2003, hộ bà S làm đơn kê khai và được UBND huyện Kim B cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc thực hiện quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa có ý kiến của các con cụ T3. UBND xã không lưu giữ biên bản họp gia đình về việc phân chia đất của gia đình bà S. Tại thời điểm đó hộ bà S gồm bà S, ông T2 (chồng bà S) và 03 người con là anh H, chị H1 và chị D1. Bà S và anh H có công sức tôn tạo thửa đất vì diện tích 653m2 đất trước kia nền thấp nên phải tôn tạo nâng cao nền đất, nhưng địa phương không rõ khối lượng và vật liệu tôn tạo nên đề nghị yêu cầu đương sự cung cấp căn cứ chứng minh. Khi còn sống cụ T3 ở cùng gia đình bà S nên bà S có công sức trông nom, chăm sóc cụ T3. UBND xã không biết được cụ T3 có cho vợ chồng ông T2, bà S đất hay không nên không nắm được vị trí, diện tích đất đương sự khai được cho và không nắm được hiện trạng nhà.

Về việc xác định vị trí, diện tích, loại đất của thửa đất tranh chấp: Trên cơ sở trích đo thửa đất của chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai xác định 285m2 đất thổ cư nằm tại vị trí bà S, anh H đã xây nhà 02 tầng kiên cố cùng công trình phụ; diện tích 368m2 đất vườn chưa xây dựng công trình gì.

Hiện thửa đất có 03 ngôi nhà gồm: 01 ngôi nhà cũ (đã phá một phần) của các cụ để lại, 01 ngôi nhà do anh H xây dựng gần ngõ vào và 01 ngôi nhà do ông T xây dựng. Ông T thỉnh thoảng vẫn đi đi về về ở nhà trên đất này.

UBND thành phố Phủ L xác định: UBND thành phố Phủ L chỉ lưu Quyết định số 478/QĐ-UB về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ, trong đó có hộ của bà Phạm Thị S. Ngoài ra, UBND thành phố Phủ L không còn được bàn giao tài liệu nào khác liên quan đến hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ bà S. Đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

UBND huyện Kim B xác định: Các tài liệu liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ bà S gồm có: Trích lục bản đồ năm 1988, sổ mục kê năm 1986, bản photo đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất của bà Phạm Thị S (có chữ ký bà S, không có chữ ký của anh em bên chồng), bản photo danh sách chủ sử dụng đất hợp pháp đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, trích lục bản đồ địa chính năm 2000. Ngày 16/4/2003, UBND huyện Kim B đã ban hành Quyết định số 478/QĐ-UB về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ, trong đó có hộ của bà Phạm Thị S. Do hồ sơ của UBND xã Kim B bàn giao cho UBND huyện Kim B sau đó bàn giao tiếp cho UBND thành phố Phủ L theo Nghị quyết phân chia lại địa giới hành chính của thành phố Phủ L và huyện Kim B. Đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 15/2019/DS-ST ngày 09/9/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam đã quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn T về việc chia di sản thừa kế và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Kim B cấp ngày 16/4/2003 cho hộ bà Phạm Thị S. Theo đó, xác định thửa số 55, tờ bản đồ PL12, diện tích 653m2 đất tại xã Kim B, thành phố Phủ L, tỉnh Hà Nam là di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn T3, xác định chi phí quản lý di sản của hộ bà S là 10.000.000 đồng và xác định ngõ đi chung diện tích 53m2; diện tích 600m2 đất còn lại chia thừa kế theo pháp luật. Giao kỷ phần thừa kế ông T2 được hưởng cho bà S quản lý, sử dụng (theo sự tự nguyện của ông T2) diện tích 134m2 đất tại vị trí có nhà ở của bà S; chia cho các ông, bà B1, L1, T và L 04 kỷ phần là 466m2 đất và buộc các ông, bà có tên nêu trên phải thanh toán giá trị công trình, cây cối trên phần đất được chia cho bà S số tiền 21.069.000 đồng; hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 55, tờ bản đồ PL12 kèm theo Quyết định số 478/QĐ-UBND ngày 16/4/2003 của UBND huyện Kim B cấp mang tên hộ bà Phạm Thị S.

Sau khi xét xử sơ thẩm, bà S và ông T có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm nêu trên.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 180/2020/DS-PT ngày 15/9/2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã quyết định: Hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 15/2019/DS-ST ngày 09/9/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam để giải quyết lại do thu thập chứng cứ chưa đầy đủ liên quan đến xác định loại đất tại thửa đất tranh chấp; có hay không có công sức tôn tạo đất, trông nom chăm sóc cụ T3; hiện trạng nhà đất tranh chấp.

Sau khi Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam thụ lý lại vụ án theo trình tự sơ thẩm, bị đơn không nhất trí với kết quả định giá, Tòa án đã yêu cầu bị đơn, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn nộp tạm ứng lệ phí định giá, lệ phí thẩm định nhưng các đương sự đều không nộp. Tòa án nhiều lần báo gọi bị đơn, cũng như đại diện theo ủy quyền của bị đơn đến Tòa án và có mặt tại gia đình để giải quyết vụ án nhưng các đương sự đều không chấp hành. Do vậy, Tòa án không tiến hành định giá, thẩm định lại theo quy định.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2021/DS-ST ngày 24/6/2021, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam đã quyết định:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Kim B, tỉnh Hà Nam cấp cho hộ bà Phạm Thị S ngày 16/4/2003 của ông Nguyễn Văn T.

1.1. Về yêu cầu chia thừa kế:

- Xác định cụ Nguyễn Văn T3 chết năm 1992. Di sản thừa kế của cụ T3 để lại là thửa đất số 55, tờ bản đồ PL12, với diện tích 653m2 tại xóm 2, Phù L, xã Kim B, thành phố Phủ L, tỉnh Hà Nam có tổng giá trị là 225.260.000 đồng, sau khi trừ diện tích lối đi chung là 53m2 còn lại 600m2 để chia di sản thừa kế.

- Xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ Nguyễn Văn T3 gồm: Ông Nguyễn Văn B1, ông Nguyễn Văn L1, ông Nguyễn Văn T2, bà Nguyễn Thị L và ông Nguyễn Văn T.

- Xác định công sức tôn tạo di sản của hộ bà S là 51.600.000 đồng.

- Xác định ngõ đi chung có diện tích là 53m2, vị trí cụ thể: Bắt đầu từ cổng hiện nay nhà bà S, hướng Bắc - Tây Bắc giáp một phần lô đất số 54 và tường phía Nam - Đông Nam nhà bà S; phía Đông Nam giáp phần lô đất số 61 cho đến hết phần đất chia di sản cho ông B1, ông L1, ông T và bà L với kích thước cụ thể: 7,30m + l,59m + 10,75m + l,30m + 2,50m + 12,30m.

Về phân chia di sản cụ thể như sau:

- Phân chia kỷ phần cho ông T2, nhưng giao cho hộ bà Phạm Thị S quản lý, sử dụng (theo sự tự nguyện của ông T2) phần đất tại vị trí nhà bà S đang xây dựng nhà ở hiện nay là 134m2 đất ONT, trị giá 93.800.000 đồng; cụ thể có kích thước và tứ cận như sau: Phía Bắc giáp một phần đất ONT và phần đất CLN của hộ bà S dài 9,85m; phía Tây Bắc cạnh lô đất số 54, cạnh dài 16,35m + 0,56m; phía Đông Nam giáp ngõ đi chung sau phân chia phía lô đất số 61, dài 12,30m + 3,97m; phía Nam giáp cổng vào nhà bà S hiện nay dài 9,11m và toàn bộ tài sản trên diện tích đất được phân chia.

Buộc bà Phạm Thị S phải thanh toán chênh lệch tài sản cho các ông Nguyễn Văn B1, Nguyễn Văn L1, Nguyễn Văn T và bà Nguyễn Thị L số tiền 9.800.000 đồng (Chín triệu tám trăm nghìn đồng).

- Phân chia quản lý, sử dụng chung cho ông B1, ông L1, ông T và bà L gồm 04 kỷ phần đất với diện tích 466m2 (Trong đó đất ONT 98m2; đất CLN 368m2) trị giá 94.360.000 đồng, có kích thước và tứ cận như sau: Phía Bắc giáp lô đất số 45, dài 12,41 + 2,25m; phía Tây Bắc giáp lô đất số 50, dài 9,54m + 14,68m + 4,17m + 8,63m + 0,67m + 2,96m; phía Đông Nam giáp lô đất số 56, dài 24,07m + 2,42m + 2,80m + 2,1m + 1,50m + 2,11m + 9,83m + 2,50m + 3,97m + 9,85m và toàn bộ tài sản trên diện tích đất được phân chia. Đối với căn nhà ông T đã xây dựng trên diện tích đất đã chia do các ông T, B1, L1 và bà L thì các đương sự tự thỏa thuận giải quyết, không giải quyết trong vụ án này.

Các ông Nguyễn Văn B1, Nguyễn Văn L1, Nguyễn Văn T và bà Nguyễn Thị L được nhận số tiền 9.800.000 đồng (Chín triệu tám trăm nghìn đồng) từ bà Phạm Thị S (Kèm theo trích đo thửa đất tỷ lệ 1/500, số 1840 ngày 27/8/2019 của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Phủ L và trích đo phân chia di sản thửa kế thửa đất).

Buộc các ông Nguyễn Văn B1, Nguyễn Văn L1, Nguyễn Văn T và bà Nguyễn Thị L phải thanh toán cho bà Phạm Thị S các khoản san lấp, công sức tôn tạo di sản (số tiền 51.600.000 đồng) và các công trình xây dựng, cây cối trên diện tích đất được hưởng thừa kế (số tiền 24.424.800 đồng). Đối trừ số tiền 9.800.000 đồng mà bà S phải thanh toán chênh lệch tài sản cho ông B1, ông L1, ông T và bà L; buộc ông Nguyễn Văn B1, ông Nguyễn Văn L1, ông Nguyễn Văn T và bà Nguyễn Thị L mỗi người còn phải thanh toán tiếp cho bà Phạm Thị S số tiền 16.556.200 đồng (Mười sáu triệu, năm trăm năm mươi sáu nghìn, hai trăm đồng).

Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số X 124280 ngày 16/4/2003 tại vị trí thửa đất số 55, tờ bản đồ PL12 kèm theo Quyết định số 478/QĐ-UB ngày 16/4/2003 của UBND huyện Kim B, tỉnh Hà Nam về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu dân cư xã Kim B (Phần đối với hộ gia đình bà Phạm Thị S tại thôn Phù L, xã Kim B, huyện Kim B, tỉnh Hà Nam).

Ngoài ra, bản án còn quyết định về án phí, chi phí thẩm định, định giá tài sản và thông báo quyền kháng cáo của đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 07/7/2021, bị đơn là bà Phạm Thị S có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm đề nghị xem xét thời hiệu thừa kế của cụ Phạm Thị T4 để xác lập quyền sở hữu phần tài sản của cụ T4 cho bà S do bà S đã quản lý, sử dụng hơn 30 năm, ông Nguyễn Văn B1 (anh trai ông T) ký giáp ranh chủ sử dụng đất liền kề tại biên bản xác định ranh giới thửa đất khi bà S làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác định phần đất mà cụ T3 đã cho vợ chồng bà khi còn sống đã xây dựng nhà kiên cố, các anh em trong gia đình đều công nhận; đề nghị chia ngõ đi chung ở phía sau vườn là ao của Hợp tác xã, có lối đi ra đường chính; xem xét lối đi cho phần đất gia đình bà mua trước cửa nhà để mở rộng sân; tính thiếu giá trị các tài sản sau: Tường bao xung quanh, cổng bằng thép hộp, láng tôn trước cổng, nắp bể nước mưa, nhà vệ sinh sau bếp, 05 cây cau và 4 cây bưởi. Đối với cây xưa và cây lộc vừng không có trong bảng giá đền bù của tỉnh nên yêu cầu đền bù cây xưa đường kính 17cm trị giá 20 triệu đồng, cây lộc vừng đường kính 20cm trị giá 02 triệu đồng và đề nghị trích công sức chăm sóc cụ T3, tôn tạo đất và các công trình, tài sản trên đất bằng tiền.

Ngày 08/7/2021, nguyên đơn là ông Nguyễn Văn T có đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm, đề nghị bà S phải thanh toán giá trị chênh lệch giữa đất ở với đất vườn cho các đồng thừa kế khác số tiền 46.368.000 đồng do bà S được nhận diện tích đất thổ cư; không đồng ý trích công sức tôn tạo, san lấp di sản thừa kế cho bà S; các công trình phụ như bể nước, nhà tắm, giếng khoan… do gia đình bà S tự xây dựng đã khấu hao, không còn giá trị sử dụng nên không đồng ý thanh toán giá trị tài sản này cho bà S; đề nghị phân chia thừa kế cho bà S 120m2 đất, không đồng ý sơ đồ phân chia của bản án sơ thẩm.

Ngày 09/7/2021, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam có Quyết định số 428/QĐKNPT-VKS-DS ngày 09/7/2021 kháng nghị bản án dân sự sơ thẩm nêu trên theo hướng sửa bản án sơ thẩm, bổ sung nhận định đánh giá để không công nhận việc cụ T3 cho vợ chồng ông T2, bà S một phần diện tích đất; chia lại di sản cho các kỷ phần thừa kế sau khi trừ công sức tôn tạo, vượt lập trả cho bà S; buộc ông T, ông B1, ông L1, bà L thanh toán cho hộ bà S giá trị đáy bể nước và tường bao.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông T và người đại diện theo ủy quyền của bà S đều giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Anh H là người đại diện theo ủy quyền của bà Phạm Thị S và là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày: Thực tế mẹ con anh cũng chỉ yêu cầu sử dụng diện tích đất trên đó có nhà của gia đình anh đã xây dựng như Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết và đồng ý thỏa thuận việc giải quyết vụ án nếu ông T và các người con khác của hai cụ đồng ý mở lối đi khác ở phía sau là đất ao của Hợp tác xã. Đồng thời, anh H cho rằng theo quy định của Bộ luật Dân sự thì mẹ anh đã quản lý, sử dụng phần tài sản của cụ T4 30 năm để đề nghị xác lập quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp cho bà S đối với phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của cụ T4. Đối với phần tài sản của cụ T3 đã cho bố mẹ anh xây dựng nhà, các anh em trong gia đình đều đồng ý, thời điểm hộ gia đình bà S được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cụ T3 đã chết được hơn 10 năm là đã hết thời hiệu thừa kế (10 năm) nên việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình bà S là đúng. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam kháng nghị đề nghị bà S thanh toán chênh lệch giá trị đất ở và đất vườn là không có căn cứ vì đất của gia đình anh cấp cho hộ gia đình, không có ai tranh chấp, bà S được ông T2 tặng cho kỷ phần thừa kế nên bà S không phải thanh toán giá trị chênh lệch. Đối với các tài sản của gia đình anh có trên diện tích đất chia cho ông B1, ông L1, ông T và bà L mà Tòa án sơ thẩm còn bỏ sót, đề nghị ông B1, ông L1, ông T và bà L thanh toán giá trị các tài sản còn thiếu cho mẹ anh là bà S. Riêng nhà vệ sinh sau bếp, anh H đã phá trước khi có tranh chấp nên không yêu cầu thanh toán giá trị nhà vệ sinh. Đối với 08 cây cau trên đất, Tòa án cấp sơ thẩm đã buộc ông B1, ông L1, ông T và bà L thanh toán giá trị 03 cây cau, còn thiếu 05 cây cau. Từ đó, đề nghị hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại.

Ông T trình bày khi bố ông còn sống chưa phân chia đất cho người con nào, việc ông T2, bà S được bố cắt cho 01 gian nhà trong ngôi nhà 04 gian của bố mẹ và kéo thêm một phần đất có tổng diện tích khoảng 40m2 đến 60m2 để vợ chồng ông T2 ở riêng là do vợ chồng ông T2 đông con nên cho ông T2 được nhận phần của bố mẹ chia cho sử dụng trước, phần còn lại là của các anh, em chưa được chia, không phải cho riêng nhà đất cho vợ chồng ông T2 vì tài sản của bố mẹ được bố chia đều cho các con. Hiện trạng thửa đất hiện nay không thay đổi, mẹ con bà S chỉ tôn tạo thêm một phần vào diện tích đất mẹ con bà S đang ở. Ông T đồng ý thanh toán giá trị 05 cây cau còn thiếu theo kết quả định giá của Tòa án và đề nghị giải quyết theo đúng pháp luật.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội sau khi phân tích nội dung vụ án, trình bày của các bên đương sự đã kết luận: Kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam là có căn cứ. Bà S cho rằng đã được cụ T3 cho đất, nhưng quá trình giải quyết vụ án các anh em khác trong gia đình lại xác định tài sản của bố mẹ được chia đều cho tất cả các con và ông T2 được bố cho nhận phần của T2 trước để xây nhà ở, diện tích còn lại là của các anh em khác nên cần làm rõ có việc cụ T3 cho vợ chồng ông T2, bà S đất; diện tích đất được cho để xác định di sản thừa kế cho chính xác. Đồng thời, Tòa án cấp sơ thẩm còn một số thiếu sót như xác định thiếu giá trị chênh lệch loại đất và bỏ sót chưa xem xét một số tài sản của hộ bà S xây dựng trên đất được giao cho ông B1, ông T, ông L1 và bà L, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã thẩm tra tại phiên tòa, kết quả tranh luận của các bên đương sự và ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy:

[I] Về thủ tục tố tụng:

[1] Về thời hạn và thủ tục kháng cáo, kháng nghị: Đơn kháng cáo của bà Phạm Thị S và ông Nguyễn Văn T; kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam đảm bảo thời hạn. Bà S và ông T đều là người cao tuổi, có đơn xin miễn nộp tạm ứng án phí theo quy định của pháp luật nên được chấp nhận xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

Đối với kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Văn B1, Nguyễn Văn L1 và bà Nguyễn Thị L thấy: Hồ sơ vụ án thể hiện ông B1, ông L1 và bà L ủy quyền cho ông Nguyễn Văn T thay mặt giải quyết tranh chấp tài sản của bố mẹ để lại liên quan đến quyền lợi của các ông, bà. Ông T có mặt tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 24/6/2021, nhưng đến ngày 12/7/2021 và ngày 14/7/2021 ông B1, ông L1 và bà L mới gửi đơn kháng cáo Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2021/DS-ST ngày 24/6/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam là quá thời hạn quy định. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án không có bản giải trình đơn kháng cáo quá hạn của các ông, bà về lý do kháng cáo quá hạn cùng các tài liệu, chứng cứ kèm theo là không đúng quy định tại khoản 2 Điều 274 Bộ luật Tố tụng dân sự. Ngày 05/5/2022, ngày 11/5/2022 và ngày 16/5/2022 Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam nhận được đơn xin rút kháng cáo của ông B1, ông L1 và bà L. Các đơn này không có xác nhận của chính quyền địa phương để làm căn cứ xác nhận chữ ký của các đương sự. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 07/12/2022, ông T là người đại diện theo ủy quyền của ông B1, ông L1 và bà L xác nhận việc rút kháng cáo của ông B1, ông L1 và bà L là đúng. Xét thấy đơn kháng cáo của ông B1, ông L1 và bà L có nội dung kháng cáo giống nội dung đơn kháng cáo của ông T; thủ tục kháng cáo quá hạn của ông B1, ông L1 và bà L không hợp lệ, không được xem xét theo thủ tục xét kháng cáo quá hạn. Sau đó ông B1, ông L1 và bà L đều đã rút đơn kháng cáo nên Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét.

[2] Về người tham gia tố tụng: Tại phiên tòa phúc thẩm, một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không kháng cáo là UBND xã Kim B, chị Nguyễn Thị Q, anh Lê Quý C đã được triệu tập hợp lệ lần 2, nhưng vẫn vắng mặt không có lý do. Đối với chị Nguyễn Thị H1 và anh Nguyễn Tuấn A (là con bà S) sống ở thành phố Hồ Chí Minh, Tòa án cấp sơ thẩm đã ủy thác lấy lời khai và tống đạt giấy triệu tập, nhưng chị H1 và anh Tuấn A thay đổi nơi cư trú nên không thực hiện được. Tòa án cấp phúc thẩm cũng gửi giấy triệu tập chị H1 và anh Tuấn A theo địa chỉ do đương sự cung cấp nhưng kết quả báo phát của bưu điện thể hiện chị H1 và anh Tuấn A đã thay đổi địa chỉ. UBND huyện Kim B và UBND thành phố Phủ L đều có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Các đương sự có mặt tham gia phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đều đề nghị tiến hành xét xử. Hội đồng xét xử phúc thẩm thảo luận thấy đây là phiên tòa mở lần thứ 2, những người vắng mặt không có kháng cáo và sự vắng mặt của những người này không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án nên quyết định tiến hành xét xử.

[II] Về nội dung:

[1] Thời điểm mở thừa kế, hàng thừa kế:

Cụ Nguyễn Văn T3, chết năm 1992 và cụ Phạm Thị T4, chết năm 1969 đều không để lại di chúc. Hai cụ có 05 người con chung là ông Nguyễn Văn B1, bà Nguyễn Thị L, ông Nguyễn Văn L1, ông Nguyễn Văn T2 (có vợ là bà Phạm Thị S, đã ly hôn năm 2012 và có 3 con là anh Nguyễn Hồng H, chị Nguyễn Thị Lệ D1 và chị Nguyễn Thị H1) và ông Nguyễn Văn T. Quá trình chung sống, vợ chồng cụ T3, cụ T4 tạo lập được diện tích 659m2 đất thuộc thửa số 357 Bản đồ và sổ mục kê năm 1986, 1988. Năm 2000 đo đạc lại đất, thuộc thửa số 55 diện tích 653m2 gồm 285m2 đất thổ cư và 368m2 đất vườn. Ngày 16/4/2003, UBND huyện Kim B cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa số 55, tờ bản đồ PL12 diện tích 653m2 đất gồm 285m2 đất thổ cư và 368m2 đất vườn tại xã Kim B, thành phố Phủ L, tỉnh Hà Nam mang tên hộ bà Phạm Thị S. Theo sơ đồ hiện trạng thì diện tích thực tế là 653m2 đất.

[2] Về xác định di sản thừa kế:

Căn cứ lời khai của các bên đương sự là ông Nguyễn Văn T đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Thị L, ông Nguyễn Văn B1, ông Nguyễn Văn L1 và ông Nguyễn Văn T2; bà Phạm Thị S; anh Nguyễn Hồng H (là người đại diện theo ủy quyền của bà S); các biên bản làm việc tại UBND xã Kim B, thành phố Phủ L về nguồn gốc đất; lời khai của một số người làm chứng ở cùng thôn như ông Nguyễn Văn T5, bà Nguyễn Thị H2 có cơ sở xác định: Thửa số 55, TBĐPL 12 diện tích 653m2 đất tại xã Kim B, huyện Kim B (nay là thành phố Phủ L), tỉnh Hà Nam có nguồn gốc là của cụ Nguyễn Văn T3 và cụ Phạm Thị T4 (là bố mẹ đẻ của nguyên đơn là ông T và bố mẹ chồng của bị đơn là bà S) để lại.

Tòa án cấp sơ thẩm xác định thời hiệu khởi kiện, hàng thừa kế là đúng, nhưng cho rằng cụ Phạm Thị T4 đã chết từ năm 1969 và năm 1987 cụ T3 được cấp giấy chứng nhận tạm thời, đứng tên Bản đồ và sổ mục kê năm 1986, năm 1988 đối với thửa đất này để xác định toàn bộ thửa đất trên là di sản thừa kế của cụ T3 là không đúng với nguồn gốc đất như đã phân tích nêu trên. Do đó, cần xác định thửa số 55, TBĐ PL12 diện tích 653m2 đất là di sản thừa kế của vợ chồng cụ Nguyễn Văn T3, cụ Phạm Thị T4 để chia thừa kế theo pháp luật.

Như vậy, di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn T3, cụ Phạm Thị T4 để lại là 653m2 đất gồm 285m2 đất thổ cư và 368m2 đất vườn, trị giá 225.260.000 đồng (theo biên bản định giá ngày 10/9/2018). Quá trình giải quyết vụ án, ông T2 (là chồng đã ly hôn của bà S) đồng ý giao kỷ phần thừa kế ông được hưởng cho bà S quản lý, sử dụng. Ông T đề nghị chia kỷ phần thừa kế của ông T2 vào chỗ có công trình xây dựng của gia đình bà S, còn 04 kỷ phần thừa kế còn lại đề nghị gộp chung thửa. Theo sơ đồ trích đo thửa đất thể hiện thửa đất trên có diện tích rộng nhưng có dạng hình ống; các thừa kế đều có yêu cầu được nhận thừa kế bằng hiện vật và tại biên bản làm việc ngày 08/01/2021 với UBND xã Kim B liên quan đến việc xác định vị trí loại đất thể hiện diện tích 285m2 đất thổ cư nằm tại vị trí bà S, anh H đã xây nhà 02 tầng kiên cố và công trình phụ, diện tích 368m2 đất vườn là phần đất chưa có xây dựng công trình, phần đất này nằm ở phía sau nên Tòa án cấp sơ thẩm đã cắt 53m2 đất thổ cư làm ngõ đi chung của các đồng thừa kế là phù hợp. Việc bà S đề nghị mở lối đi ở phía sau là đất của chủ sử dụng khác là không hợp lý và không có căn cứ chấp nhận.

[3] Phân chia di sản thừa kế: Sau khi cắt 53m2 đất thổ cư trong diện tích 653m2 đất (gồm 285m2 đất thổ cư và 368m2 đất vườn) làm ngõ đi chung, di sản thừa kế còn lại của vợ chồng cụ T3, cụ T4 là 600m2 đất (gồm 232m2 đất thổ cư và 368m2 đất vườn) có tổng trị giá 188.160.000 đồng được chia cho 05 thừa kế. Theo đó, mỗi kỷ phần thừa kế được hưởng 120m2 đất (gồm 46,4m2 đất thổ cư và 73,6m2 đất vườn), trị giá 37.632.000 đồng.

[4] Trích công sức san lấp, tôn tạo, quản lý di sản cho bà Phạm Thị S số tiền 51.600.000 đồng. Các thừa kế nhận bằng hiện vật là ông B1, ông L1, bà L và ông T, mỗi người sẽ có trách nhiệm thanh toán công sức tôn tạo đất cho bà S số tiền là 12.900.000 đồng.

[5] Ông Nguyễn Văn T2 (là chồng của bà S đã ly hôn) đồng ý giao kỷ phần thừa kế được hưởng cho bà S quản lý, sử dụng nên giao cho bà S quản lý, sử dụng kỷ phần thừa kế ông T2 được hưởng từ di sản của bố mẹ để lại có diện tích 120m2 đất (gồm 46,4m2 đất thổ cư và 73,6m2 đất vườn), trị giá 37.632.000 đồng. Ông T và là đại diện theo ủy quyền của các đồng thừa kế còn lại đề nghị gộp chung 04 kỷ phần thừa kế nên ông T, ông B1, ông L1 và bà L được nhận 04 kỷ phần có tổng diện tích 480m2 đất (185,6m2 đất thổ và 294,4m2 đất vườn), trị giá 150.528.000 đồng. Tuy nhiên, tại biên bản làm việc với UBND xã Kim B ngày 08/01/2021 về việc xác định loại đất thể hiện diện tích 285m2 đất thổ cư nằm tại vị trí bà S, anh H đã xây nhà 02 tầng kiên cố và công trình phụ; diện tích 368m2 đất vườn chưa xây dựng công trình gì. Tại biên bản định giá ngày 10/9/2018 thể hiện giá đất thổ cư là 700.000 đồng/m2 và giá đất vườn là 70.000đ/m2. Tại biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 10/9/2018 và trích đo thửa đất số 55 thể hiện nhà và các công trình xây dựng của gia đình bà S nằm trên diện tích đất được chính quyền địa phương xác định là đất thổ cư. Nguyên đơn là ông T và là người đại diện theo ủy quyền của các đồng thừa kế khác cũng đồng ý giao cho ông T2 nhận kỷ phần thừa kế phần đất trên đó có các công trình xây dựng của gia đình bà S nên giao cho bà S quản lý, sử dụng diện tích 134m2 đất thổ cư trị giá 93.800.000 đồng trên đó có nhà, các công trình xây dựng của gia đình bà S. Diện tích đất còn lại 466m2 đất (gồm 98m2 đất thổ cư và 368m2 đất vườn), trị giá 94.360.000 đồng được giao cho ông B1, ông L1, ông T và bà L quản lý, sử dụng. Do bà S được nhận diện tích đất có công trình xây dựng của gia đình bà S trên đất nhiều hơn kỷ phần thừa kế ông T2 được hưởng và đều là đất thổ cư, vượt quá diện tích đất thổ cư ông T2 được hưởng theo kỷ phần thừa kế, có giá trị cao hơn giá trị đất vườn các đồng thừa kế khác được nhận nên bà S là người nhận kỷ phần thừa kế của ông T2 và là người đang quản lý, sử dụng trực tiếp nhà, đất được giao phải có trách nhiệm thanh toán giá trị chênh lệch giữa đất thổ và đất vườn cho các đồng thừa kế khác là ông B1, ông L1, ông T và bà L số tiền là 56.168.000 đồng (150.528.000 đồng giá trị của 4 kỷ phần - giá trị thực tế 4 kỷ phần được chia 94.360.000 đồng) là phù hợp. Do đó, có cơ sở chấp nhận kháng cáo của ông T và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam về việc thanh toán giá trị chênh lệch giữa đất ở với đất vườn khi chia thừa kế. Đối trừ số tiền 56.168.000 đồng bà S phải thanh toán giá trị chênh lệch loại đất cho các đồng thừa kế với số tiền 51.600.000 đồng trích công sức mà các đồng thừa kế là ông B1, ông L1, ông T và bà L phải thanh toán cho bà S thì các đồng thừa kế là ông B1, ông L1, bà L và ông T còn phải thanh toán cho bà S số tiền là 4.456.000 đồng; mỗi người phải trả cho bà S số tiền là 1.142.000 đồng. Bà S được nhận của ông B1, ông L1, bà L và ông T, mỗi người 1.142.000 đồng. Đối với các tài sản trên đất được chia cho các ông L1, B1, T và bà L thì các ông, bà có tên nêu trên được quyền sở hữu, sử dụng và phải có trách nhiệm thanh toán giá trị cho bà S.

[6] Xét kháng cáo của bà S đề nghị xác lập quyền sở hữu tài sản theo thời hiệu đối với phần tài sản của cụ T4 và cụ T3 đã tặng cho nhà đất cho vợ chồng bà S để công nhận thửa đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng hợp pháp của hộ gia đình bà S thấy:

[6.1] Quá trình giải quyết vụ án, bà Phạm Thị S và các con của bà S, ông T2 cho rằng khi còn sống cụ T3 đã cho vợ chồng ông T2, bà S toàn bộ thửa đất trên, gia đình bà S đã xây nhà ở trên đất, các anh em trong gia đình đều biết và không có tranh chấp. Sau khi cụ T3 chết, các anh em của chồng bà S có văn bản đồng ý cho bà S toàn bộ thửa đất trên, bà S đã nộp cho UBND xã Kim B khi làm thủ tục đăng ký kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2003 để cho rằng vợ chồng bà S đã được tặng cho đất, không đồng ý yêu cầu khởi kiện chia thừa kế của ông T. Tuy nhiên, bà S không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh được cụ T3 cho thửa đất trên và UBND xã Kim B cũng khẳng định không lưu giữ biên bản họp gia đình về việc phân chia đất cho gia đình bà S nên trình bày của bà S là không có cơ sở chấp nhận.

[6.2] Ông T đồng thời cũng là người đại diện theo ủy quyền cho ông B1, ông L1, ông T2 và bà L khẳng định chưa bao giờ nghe cụ T3 nói chia đất cho người con nào; không có việc anh em trong gia đình ông họp gia đình lập biên bản cho bà S toàn bộ thửa đất trên và thừa nhận có việc cụ T3 thống nhất với các con trong gia đình cắt 01 gian nhà trong ngôi nhà 04 gian của vợ chồng cụ T3, cụ T4 và kéo thêm một phần đất ở phía ngoài, tổng diện tích khoảng 40m2 đến 60m2 để vợ chồng ông T2 làm nhà ở riêng. Đây là phần ông T2 được nhận để sử dụng trước từ việc phân chia tài sản của bố mẹ, phần diện tích đất còn lại là của các anh em khác nên các anh em ông không có ý kiến khi vợ chồng ông T2, bà S xây nhà. Sau này, mẹ con bà S xây nhà lấn thêm đất, khi anh em ông phát hiện thì sự việc đã rồi nên thống nhất để giải quyết sau. Tại biên bản họp gia đình ngày 01/7/2017, ông Nguyễn Văn T2 (là chồng bà S đã ly hôn) xác nhận khi còn sống cụ T3 cho ông 01 gian nhà và đất tiếp giáp nên ông không còn phần nữa, diện tích đất còn lại là của các anh chị khác. Tại đơn trình bày ngày 29/12/2018 và phiên tòa phúc thẩm lần 1 ngày 15/9/2020, ông T2 cũng thừa nhận được bố mẹ cho 01 gian nhà nằm trên đất của bố mẹ như ông T trình bày, năm 1990 vợ chồng ông xây nhà và tài sản của vợ chồng khi ly hôn chỉ có 01 căn nhà do vợ chồng xây trên đất của bố mẹ, nếu ông T2 được chia thừa kế sẽ giao kỷ phần thừa kế được hưởng cho bà S quản lý, sử dụng. Tại biên bản hòa giải tại UBND xã Kim B ngày 29/11/2017 và biên bản họp gia đình ngày 01/7/2017, bà S cũng đồng ý cắt một phần đất để làm nhà thờ và đề nghị các anh, em nhà chồng hỗ trợ kinh tế lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gia đình bà đang thế chấp vay tiền Ngân hàng để làm thủ tục tách giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trả lại đất cho các anh, chị chưa có. Từ những căn cứ phân tích nêu trên cho thấy lời khai của ông T2 phù hợp với lời khai của ông T có cơ sở xác định khi còn sống cụ T3 đã thống nhất với các con trong gia đình về việc chia cắt 01 gian nhà trong ngôi nhà 04 gian của vợ chồng cụ T3, cụ T4 đang quản lý, sử dụng và kéo thêm một phần diện tích đất bên cạnh, tổng diện tích khoảng 40m2 đến 60m2 để cho vợ chồng ông T2, bà S xây dựng nhà ở riêng, phần 03 gian nhà và diện tích đất còn lại là của những người con khác nên khi vợ chồng ông T2, bà S xây dựng nhà, các thành viên trong gia đình không có ai có ý kiến tranh chấp hay ngăn cản. Điều này thể hiện không phải cụ T3 tặng cho riêng vợ chồng ông T2, bà S 01 gian nhà và một phần đất để xây dựng nhà mà đã có sự thỏa thuận, thống nhất phân chia tài sản trong gia đình và ông T2 được nhận sử dụng trước phần tài sản của bố mẹ mà ông T2 được chia, phần nhà đất còn lại cũng đã được ông T2 xác định là của các anh, chị, em khác. Thực tế khi cụ T3 còn sống cũng không làm thủ tục đăng ký sang tên quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông T2, bà S mà sau khi cụ T3 chết được 11 năm thì bà S mới làm thủ tục đăng ký kê khai, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ thửa đất, nhưng không có văn bản thỏa thuận, đồng ý của các đồng thừa kế khác là không đúng quy định của pháp luật, xâm phạm quyền lợi của các đồng thừa kế khác. Do đó, không có căn cứ xác định cụ T3 tặng cho riêng vợ chồng bà S, ông T2 phần diện tích đất xây dựng nhà ban đầu khoảng 40m2 đến 60m2 đất (gồm 01 gian nhà và 01 phần đất) hay tặng cho toàn bộ thửa đất, xây dựng nhà ở ổn định, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như kháng cáo của bà S. Thực tế, năm 2012 vợ chồng bà S, ông T2 ly hôn, mẹ con bà S vẫn tiếp tục sống trên đất của vợ chồng cụ T3, cụ T4 và xây thêm nhà có diện tích rộng hơn diện tích đất được cụ T3 và các con của cụ T3 thống nhất cho xây nhà lúc ban đầu. Khi giải quyết vụ án này, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét điều kiện, hoàn cảnh và hiện trạng sử dụng thực tế để giao cho hộ gia đình bà S diện tích 134m2 đất trên phần diện tích đất được cụ T3 và gia đình thống nhất cho xây nhà và phần nhà xây thêm của gia đình bà S, nhiều hơn kỷ phần thừa kế ông T2 được hưởng và toàn bộ diện tích đất được chia cho hộ gia đình bà S là đất ở có vị trí ở phía ngoài tiếp giáp với đường có giá trị cao hơn diện tích đất ở phía trong chia cho ông B1, ông L1, ông T và bà L. Đồng thời, trích công sức san lấp, quản lý, tôn tạo di sản cho bà S có giá trị nhiều hơn giá trị 01 kỷ phần thừa kế là đã đảm bảo quyền lợi của gia đình bà S.

[6.3] Tại phiên tòa phúc thẩm anh H đề nghị xác lập quyền sở hữu tài sản theo thời hiệu đối với phần tài sản của cụ T4 cho bà S với lý do bà S đã quản lý, sử dụng tài sản này hơn 30 năm thấy: Như đã phân tích ở phần trên, thửa đất tranh chấp có nguồn gốc là của vợ chồng cụ T3, cụ T4 để lại. Năm 1972, bà S kết hôn với ông T2 và chung sống cùng với hai cụ tại thửa đất tranh chấp. Theo quy định của Bộ luật Dân sự và Phần I Văn bản số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 của Tòa án nhân dân tối cao thì thời hiệu khởi kiện chia thừa kế đối với tài sản của cụ T4 được tính từ ngày 10/9/1990 nên thời điểm ông T khởi kiện chia thừa kế là vẫn còn thời hiệu khởi kiện, do đó xác định thửa đất số 55, tờ bản đồ PL12 diện tích 653m2 đất tại xã Kim B, thành phố Phủ L, tỉnh Hà Nam là di sản thừa kế của vợ chồng cụ T3 và cụ T4 để chia thừa kế theo pháp luật. Vì vậy, bà S kháng cáo đề nghị xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu đối với phần tài sản của cụ T4 là không có cơ sở chấp nhận.

[6.4] Kháng cáo của bà S đề nghị xem xét lối đi đối với phần đất gia đình bà mua trước cửa nhà bà thấy: Diện tích đất gia đình bà S mua không liên quan đến thửa đất đang tranh chấp chia thừa kế và không nằm trong phạm vi giải quyết trong vụ án này nên không xem xét.

[6.5] Đối với kháng cáo của bà S về việc ông B1 ký biên bản xác định ranh giới khi bà làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thấy: Bà S và các đương sự trong vụ án đều thừa nhận nguồn gốc thửa đất số 55 là của vợ chồng cụ T3 và cụ T4, ông B1 chỉ là một trong các đồng thừa kế. Khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà S không xuất trình được tài liệu, chứng cứ chứng minh có sự đồng ý dịch chuyển tài sản của hai cụ hoặc các đồng thừa kế khác cho bà S nên việc Tòa án sơ thẩm xác định UBND huyện Kim B cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà là không đúng pháp luật và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hộ gia đình bà là đúng. Do đó, không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bà S về vấn đề này.

[7] Xét kháng cáo của ông T không đồng ý trích công sức san lấp, tôn tạo đất và chăm sóc, nuôi dưỡng cụ T3 thấy: Căn cứ lời khai của các bên đương sự, biên bản làm việc với UBND xã Kim B ngày 08/01/2021 và những người làm chứng sống cùng thôn là ông Nguyễn Văn T5 và bà Nguyễn Thị H2 đều xác nhận mẹ con bà S có công sức đóng góp vượt lập đất và trông nom, chăm sóc cụ T3. Tại biên bản làm việc ngày 07/4/2021 tại UBND xã Kim B thể hiện do bà S và anh H không hợp tác nên Tòa án và UBND xã không vào được diện tích đất bà S và anh H đang quản lý, sử dụng để giải quyết theo pháp luật về công sức tôn tạo đất của bà S và anh H. Tuy nhiên, trên cơ sở trình bày của bà S và anh H cũng như thực tế ở địa phương xác nhận, Tòa án cấp sơ thẩm đã trích công sức tôn tạo di sản cho bà S số tiền 51.600.000 đồng. Đối với công sức trông nom, chăm sóc cụ T3, Tòa án cấp sơ thẩm xác định khi còn sống cụ T3 khỏe mạnh, tự sinh hoạt cá nhân, khi ốm đau các con của cụ T3 đều có nghĩa vụ chăm sóc, bà S không đưa ra được chứng cứ chứng minh các người con khác của cụ T3 không chăm sóc cụ T3 nên không trích công sức trông nom, chăm sóc cho bà S. Xét thấy việc trích công sức san lấp, tôn tạo, quản lý di sản cho gia đình bà S số tiền 51.600.000 đồng, nhiều hơn giá trị 01 kỷ phần thừa kế là phù hợp, đảm bảo quyền lợi của gia đình bà S. Do đó, ông T kháng cáo không đồng ý trích công sức san lấp tôn tạo đất, chăm sóc cụ T3 cho bà S là không có căn cứ chấp nhận.

[7.1] Đối với kháng cáo của ông T không đồng ý thanh toán giá trị công trình trên diện tích đất ông và các đồng thừa kế khác được chia thấy: Các tài sài sản này là vật kiến trúc và cây lâu năm không thể tháo dỡ, di dời và vẫn còn giá trị sử dụng nên Tòa án sơ thẩm buộc thanh toán giá trị là đúng. Do đó, không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của ông T.

[8] Đối với kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam và kháng cáo của bà S về việc Tòa án cấp sơ thẩm buộc các đồng thừa kế của cụ T3 và cụ T4 thanh toán còn thiếu giá trị một số tài sản của gia đình bà S trên diện tích đất được giao cho các đồng thừa kế khác là ông B1, ông L1, bà L và ông T thấy: Sau khi Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam thụ lý lại vụ án bị hủy, theo báo cáo của UBND xã Kim B thì gia đình bà S không hợp tác, không nộp tiền xem xét thẩm định, định giá và không có mặt ở nhà gây khó khăn cản trở cho Tòa án tiến hành thẩm định, định giá lại nên Tòa án cấp sơ thẩm không thực hiện được việc thẩm định, định giá lại và sử dụng kết quả thẩm định, định giá ngày 10/9/2018. Tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự đều xác định hiện trạng thửa đất không thay đổi. Sau khi xem xét biên bản thẩm định và biên bản định giá ngày 10/9/2018, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy Tòa án cấp sơ thẩm tính thiếu đáy bể nước, tường bao xung quanh và 05 cây cau có buồng của hộ gia đình bà S có trên diện tích đất chia cho ông B1, ông L1, ông T và bà L nên có căn cứ chấp nhận các khoản này như kháng cáo của bà S và kháng nghị của Viện kiểm sát tỉnh Hà Nam. Đối với nhà vệ sinh sau bếp, tại phiên tòa phúc thẩm anh H thừa nhận đã phá nhà vệ sinh này trước khi có tranh chấp, không yêu cầu thanh toán giá trị nhà vệ sinh nên ghi nhận sự tự nguyện của anh H về vấn đề này. Đối với cổng bằng thép hộp của nhà bà S được sử dụng để đảm bảo an ninh cho ngõ đi chung của gia đình bà S và các đồng thừa kế nên bà S và các đồng thừa kế khác của hai cụ là ông L1, ông B1, ông T, bà L1 nhận kỷ phần thừa kế bằng đất nên mỗi bên phải chịu một nửa giá trị cổng hộp thép theo kết quả của hội đồng định giá. Đối với cây xưa, cây lộc vừng và 04 cây bưởi đã được Hội đồng định giá xác định giá trị và Tòa án sơ thẩm đã buộc ông B1, ông L1, bà L và ông T thanh toán giá trị các cây trồng nêu trên cho bà S nên kháng cáo của bà S về vấn đề này là không có căn cứ chấp nhận. Đối với lán tôn trước cổng thể hiện là cột kèo bằng thép do gia đình bà S sử dụng nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bà S đề nghị thanh toán giá trị lán tôn trước cổng.

[9] Từ những lập luận, phân tích nêu trên thấy các thiếu sót của Tòa án cấp sơ thẩm mà kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam nêu ra đã được Tòa án cấp phúc thẩm bổ sung, khắc phục. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội cho rằng các bên đương sự còn có lời khai mâu thuẫn về việc cho riêng vợ chồng ông T2, bà S 01 gian nhà trong ngôi nhà 04 gian của vợ chồng cụ T3, cụ T4 hay là ông T2 nhận trước phần được hưởng từ việc phân chia tài sản của bố mẹ theo thỏa thuận, thống nhất trong gia đình nên việc xác định di sản thừa kế chưa vững chắc, chưa làm rõ có việc cụ T3 cho đất, diện tích đất được cho để đề nghị hủy bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy vụ án này đã bị hủy để giải quyết lại, quá trình giải quyết lại gia đình bà S không hợp tác nên không thực hiện được thẩm định, định giá lại; các vấn đề Viện kiểm sát nhân dân cấp cao đề nghị hủy đã được thể hiện rõ tại hồ sơ vụ án và quyền lợi của bà S cũng đã được đảm bảo nên việc hủy bản án sơ thẩm là không cần thiết mà chỉ làm kéo dài việc giải quyết vụ án. Do đó, có cơ sở chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam, một phần kháng cáo của ông T và một phần kháng cáo của bà S.

[10] Về án phí: Do chấp nhận một phần kháng cáo của bà Phạm Thị S, ông Nguyễn Văn T nên bà S, ông T không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chấp nhận Quyết định kháng nghị số 428/QĐKNPT-VKS-DS ngày 09/7/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam, chấp nhận một phần kháng cáo của bà Phạm Thị S về việc nhận công sức bằng tiền và phần thanh toán giá trị tài sản của gia đình bà còn thiếu; chấp nhận một phần kháng cáo của ông T về việc thanh toán giá trị chênh lệch đất ở với đất vườn; sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2021/DS-ST ngày 24/6/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam về các vấn đề nêu trên, cụ thể như sau:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là ông Nguyễn Văn T về việc chia di sản thừa kế và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Xác định diện tích 653m2 tại thửa số 55, tờ bản đồ PL12 tại xóm 2, Phù L, xã Kim B, thành phố Phủ L, tỉnh Hà Nam có tổng giá trị là 225.260.000 đồng là di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn T3 và cụ Phạm Thị T4.

- Xác định hàng thừa kế theo pháp luật của cụ Nguyễn Văn T3 và cụ Phạm Thị T4 gồm: Ông Nguyễn Văn B1, ông Nguyễn Văn L1, ông Nguyễn Văn T2, bà Nguyễn Thị L và ông Nguyễn Văn T.

- Xác định diện tích 53m2 đất làm ngõ đi chung, có vị trí bắt đầu từ cổng hiện nay nhà bà S, hướng Tây Bắc giáp một phần lô đất số 54 và tường phía Nam-Đông Nam nhà bà S; phía Đông Nam giáp phần lô đất số 61 cho đến hết phần đất chia di sản cho ông B1, ông L1, ông T và bà L có kích thước 7,30m + 1,59m + 10,75m + 1,30m + 2,50m + 12,30m.

- Di sản thừa kế còn lại để chia thừa kế là 600m2 đất (gồm 232m2 đất thổ và 368m2 đất vườn), có tổng trị giá 188.160.000 đồng.

- Trích công sức san lấp, tôn tạo, quản lý di sản cho bà Phạm Thị S1 số tiền 51.600.000 đồng. Ông Nguyễn Văn B1, ông Nguyễn Văn L1, bà Nguyễn Thị L và ông Nguyễn Văn T, mỗi người có trách nhiệm thanh toán giá trị công sức tôn tạo di sản cho bà Phạm Thị S số tiền là 12.900.000 đồng. Bà Phạm Thị S1 được nhận tiền trích công sức tôn tạo di sản từ các ông bà có tên nêu trên với tổng số tiền là 51.600.000 đồng.

- Phân chia thừa kế:

+ Phân chia bằng giá trị: 188.160.000 đồng được chia làm 05 kỷ phần thừa kế, mỗi kỷ phần đưởng hưởng thừa kế trị giá 37.632.000 đồng.

+ Phân chia thừa kế bằng hiện vật: Diện tích 600m2 đất được chia thừa kế theo pháp luật cho 05 người con. Theo đó, mỗi thừa kế được nhận 120m2 đất (gồm 46,4m2 đất thổ cư và 73,6m2 đất vườn), trị giá 37.632.000 đồng.

+ Ghi nhận sự tự nguyện của ông Nguyễn Văn T2 (là chồng của bà Phạm Thị S đã ly hôn) đồng ý giao kỷ phần thừa kế được hưởng cho bà Phạm Thị S quản lý, sử dụng.

+ Giao cho bà Phạm Thị S quản lý, sử dụng diện tích 134m2 đất thổ cư trị giá 93.800.000 đồng trên đó có tài sản (gồm nhà, các công trình xây dựng, vật kiến trúc…) của gia đình bà Phạm Thị S, có tứ cận và kích thước cụ thể như sau: Phía Bắc giáp một phần đất ONT và phần đất CLN của hộ bà S dài 9,85m; phía Tây Bắc cạnh lô đất số 54 có cạnh dài 16,35m + 0,56m; phía Đông Nam giáp ngõ đi chung sau phân chia phía lô đất số 61, dài 12,30m + 3,97m; phía Nam giáp cổng vào nhà bà S hiện nay, dài 9,11m và toàn bộ tài sản trên diện tích đất được phân chia.

+ Giao cho ông Nguyễn Văn B1, ông Nguyễn Văn L1, ông Nguyễn Văn T và bà Nguyễn Thị L quản lý, sử dụng diện tích còn lại 466m2 đất (gồm 98m2 đất thổ cư và 368m2 đất vườn), trị giá 94.360.000 đồng, có tứ cận và kích thước như sau: Phía Bắc giáp lô đất số 45, dài 12.41m +2,25m; phía Tây Bắc giáp lô đất số 50, dài 9,54m + 14,68m + 4,17m + 8,63m + 0,67m + 2,96m; phía Đông Nam giáp lô đất số 56, dài 24,07m + 2,42m +2,80m + 2,11m + 9,83m +2,50m + 3,97m + 9,85m và toàn bộ tài sản trên diện tích đất được phân chia. Đối với căn nhà của ông Nguyễn Văn T đã xây dựng trên diện tích đất đã được chia cho ông Nguyễn Văn B1, ông Nguyễn Văn L1, ông Nguyễn Văn T và bà Nguyễn Thị L thì các đương sự tự thỏa thuận giải quyết, không giải quyết trong vụ án này.

(Kèm theo sơ đồ phân chia của Tòa án cấp sơ thẩm) + Bà Phạm Thị S có trách nhiệm thanh toán giá trị chệnh lệch giữa đất thổ cư và đất vườn cho các đồng thừa kế khác là ông Nguyễn Văn B1, ông Nguyễn Văn L1, ông Nguyễn Văn T và bà Nguyễn Thị L số tiền là 56.168.000 đồng.

+ Đối trừ số tiền 56.168.000 đồng bà Phạm Thị S phải thanh toán giá trị chênh lệch loại đất cho các đồng thừa kế với số tiền 51.600.000 đồng trích công sức mà các đồng thừa kế phải thanh toán cho bà Phạm Thị S thì các đồng thừa kế là ông Nguyễn Văn B1, ông Nguyễn Văn L1, bà Nguyễn Thị L và ông Nguyễn Văn T còn phải thanh toán cho bà Phạm Thị S là 4.568.000 đồng. Ông Nguyễn Văn B1, ông Nguyễn Văn L1, bà Nguyễn Thị L và ông Nguyễn Văn T, mỗi người phải trả cho bà Phạm Thị S số tiền 1.142.000 đồng (Một triệu, một trăm bốn mươi hai nghìn đồng).

+ Ông Nguyễn Văn B1, ông Nguyễn Văn L1, bà Nguyễn Thị L và ông Nguyễn Văn T phải thanh toán cho bà Phạm Thị S giá trị tài sản (các công trình xây dựng, cây trồng…) trên diện tích đất được chia (bao gồm cả một số tài sản có trên phần đất được giao mà Tòa án cấp sơ thẩm bỏ sót, còn thiếu đã được Tòa án cấp phúc thẩm bổ sung đó là: Đáy nắp bể trị giá 1.398.000 đồng, tường bao xung quanh (gồm tường bao ở đoạn cổng trị giá 2.876.000 đồng và tường bao sau vườn trị giá 2.703.000 đồng) có tổng trị giá 5.579.000 đồng, 05 cây cau có buồng trị giá 690.000 đồng và ½ giá trị cổng bằng thép hộp trị giá 1.394.000 đồng. Tổng số tiền là 33.485.800 đồng (9.061.000 đồng (bổ sung tại Tòa án cấp phúc thẩm) + 24.424.800 đồng (Tòa án cấp sơ thẩm). Theo đó, ông Nguyễn Văn B1, ông Nguyễn Văn L1, bà Nguyễn Thị L và ông Nguyễn Văn T, mỗi người phải trả cho bà Phạm Thị S số tiền 8.371.450 đồng (Tám triệu, ba trăm bảy mươi mốt triệu, bốn trăm năm mươi nghìn đồng).

- Ghi nhận sự tự nguyện của anh Nguyễn Hồng H (là người đại diện theo ủy quyền của bà Phạm Thị S) không yêu cầu thanh toán giá trị nhà vệ sinh sau bếp.

- Ông Nguyễn Văn B1, ông Nguyễn Văn L1, bà Nguyễn Thị L và ông Nguyễn Văn T được quyền sở hữu, sử dụng các tài sản (công trình xây dựng, cây trồng, vật kiến trúc…) trên diện tích đất được chia.

2. Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số X124280 ngày 16/4/2003 tại vị trí thửa đất số 55, tờ bản đồ PL12 kèm theo Quyết định số 478/QĐ-UB ngày 16/4/2003 của UBND huyện Kim B, tỉnh Hà Nam về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu dân cư xã Kim B (phần đối với hộ gia đình bà Phạm Thị S tại thôn Phù L, xã Kim B, huyện Kim B, tỉnh Hà Nam).

- Các đương sự được quyền liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để đăng ký kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất được chia theo quy định của pháp luật.

3. Về án phí: Bà Phạm Thị S và ông Nguyễn Văn T không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

4. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ thời điểm hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chưa thi hành xong khoản tiền phải thi hành án thì hàng tháng còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự cho đến khi thi hành án xong.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án Dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

168
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 46A/2023/DS-PT

Số hiệu:46A/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:09/02/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về