Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản và đề nghị hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 321/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 321/2023/DS-PT NGÀY 29/06/2023 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN VÀ ĐỀ NGHỊ HỦY GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Trong các ngày 26 và 29 tháng 6 năm 2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 68/2022/TLPT- DS ngày 06 tháng 4 năm 2022 về việc “Tranh chấp thừa kế tài sản và đề nghị hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, do có kháng cáo của bị đơn và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 56/2021/DS-ST ngày 18 tháng 11 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 6871/2023/QĐPT-DS ngày 08 tháng 6 năm 2023, giữa các đương sự:

* Nguyên đơn:

1. Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1946, nơi cư trú: Tổ dân phố Lý Thường Kiệt 2, phường P, quận K, thành phố Hải Phòng. Vắng mặt.

2. Bà Nguyễn Thị Ph, sinh năm 1956, địa chỉ: Xóm 2, thôn R, xã Đ, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Có mặt.

3. Ông Nguyễn Văn Đ, sinh năm 1963, địa chỉ: Xóm 2, thôn R, xã Đ, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Có mặt.

Người đại diện theo uỷ quyền của bà Nguyễn Thị H và bà Nguyễn Thị Ph:

Ông Nguyễn Văn Đ (là nguyên đơn trong vụ án).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Lê Thúy Q - Công ty Luật TNHH MTV PQD, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng. Có mặt.

* Bị đơn: Ông Nguyễn Văn Ph, sinh năm 1960, địa chỉ: Xóm 2, thôn R, xã Đ, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Lê Bá C - Công ty luật TNHH MTV CMA, Đoàn luật sư thành phố Hải Phòng. Có mặt.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Nguyễn Thị P, sinh năm 1949, địa chỉ: Thôn Tân Thanh, xã Đ, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

2. Bà Nguyễn Thị B; địa chỉ: Xóm 2, thôn R, xã Đ, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

3. Ủy ban nhân dân huyện AD, thành phố HP. Có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện và quá trình giải quyết vụ án, các đồng nguyên đơn thống nhất trình bày:

Cụ Nguyễn Văn Hạnh (chết năm 1986) có vợ là cụ Nguyễn Thị Vo (chết năm 1969); vợ chồng cụ có 05 người con chung là: Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1946, bà Nguyễn Thị P, sinh năm 1949, bà Nguyễn Thị Ph, sinh năm 1956, ông Nguyễn Văn Ph, sinh năm 1960, ông Nguyễn Văn Đ, sinh năm 1963. Ngoài ra các cụ không có con nuôi, con riêng nào khác.

Khi còn sống vợ chồng cụ H4, cụ V tạo dựng được khối tài sản chung là diện tích 1.109m2 đất tại thửa đất số 700 tờ Bản đồ số 30, Xóm 2, thôn R, xã Đ, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng (hiện nay đo thực tế là 998,1m2). Quá trình sử dụng diện tích đất trên, cụ H4, cụ V làm nhà, sinh sống cùng các con trên đất đó và chưa chuyển nhượng, không phân chia cho ai. Trước lúc chết, các cụ cũng không để lại di chúc. Các anh chị em con của hai cụ đều sinh ra và lớn lên tại diện tích đất này, đến lúc lớn bà H2 là chị cả đi làm công nhân tại huyện K; bà Phúc đi lấy chồng xa; còn lại bà P3, ông Đức, ông P1 cùng sinh sống và quản lý diện tích đất của bố mẹ để lại. Cụ thể việc sử dụng đất và xây dựng các công trình trên đất của các anh chị em như sau:

- Đối với phần diện tích 450m2 ông P1 đang sử dụng:

Cụ Vo chết từ năm 1969 nên tài sản là nhà trên đất do cụ H4 và các con cùng quản lý, sinh sống trên nhà đất đó. Đến năm 1986, ông P1 lấy vợ thì vợ chồng ông P1 ở cùng với cụ H4 và ông Đức, còn bà P3 đã có 02 con nên bà P3 ở gian nhà khoảng 16m2 phía dưới. Hiện bà P3 không nhớ tên tuổi của chồng, chồng bà P3 ở nơi xa và hiện không biết đang ở đâu, chồng bà cũng không ở trên diện tích đất của bố mẹ. Năm 1988, ông Đức lấy vợ nên ông Đức và vợ ở trên gian nhà thụt mái ngói do ông Đức xây và ông Đức cũng xây dựng thêm công trình phụ, bếp, chuồng lợn, còn ông P1 ở gian nhà thò mái bằng và sử dụng công trình phụ, bếp cũ do bố mẹ xây dựng từ trước. Năm 1992 ông Đức có mua của ông L6 180m2 đất với giá 8.500.000 đồng. Năm 1995, ông Đức chuyển ra ở trên diện tích đất đã mua của ông L6, ông P1 có đưa cho ông Đức 8.000.000 đồng là tiền chuyển nhượng lại căn nhà của ông Đức đã xây. Không có việc ông Đức nhận 11 triệu đồng của ông P1, cũng không có việc ông Đức phá chuồng lợn, công trình phụ để lấy vật liệu làm nhà. Số tiền 8 triệu đồng chỉ là tiền để lại căn nhà cho ông P1 sử dụng, không phải là tiền chuyển nhượng đất. Năm 2001, ông P1 tự ý làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông P1 được quyền sử dụng 450m2 nhưng không thông báo cho các anh chị em biết. Hiện trên diện tích 450m2 đất ông P1 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có các công trình xây dựng là nhà mái bằng, bể nước, bếp, lán tôn, sân, vườn do vợ chồng ông P1 xây dựng, còn 1 căn nhà cấp 4 diện tích 38,5m2 được xây dựng trên đất của ông P1 là của bà H2 xây, và bà H2 hiện đang ở tại căn nhà này.

- Đối với phần diện tích 206m2 bà P3 đang sử dụng: Sau khi cụ H4 chết, năm 1993 bà P3 xây dựng nhà bếp trên diện tích 206m2 (khi đó diện tích bếp vẫn thuộc diện tích đất chung của bố mẹ để lại, chưa xây tường bao). Năm 1995, bà P3 xây căn nhà chính để ở trên diện tích 206m2 như hiện nay, còn căn nhà cũ để cho ông P1 sau này ông P1 đã phá đi. Đến năm 2011 bà P3 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng diện tích 206m2 đất, sau này các anh chị em có biết nhưng không có ý kiến gì. Hiện trên diện tích đất của bà P3 có 2 gian nhà mái bằng do bà P3 xây dựng lên.

- Đối với phần diện tích đất 339m2 của bà H2 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2019: Do bà H2 làm việc và ở tại huyện K nên phần diện tích này ông P1 quản lý, ông P1 có cải tạo rãnh nước khoảng 50m2, và xây dựng một số công trình trên đất như một phần bếp ăn, nhà vệ sinh và bể nước. Ngày 31/12/2019 bà H2 được cấp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích 339m2. Sau đó, ông P1 đưa bà H2 đến Phòng công chứng và làm thủ tục tặng cho lại ông P1 diện tích đất trên. Mục đích của ông P1 muốn bán diện tích đất đi không để cho bà H2 ở trên đất đó nữa.

Nay các nguyên đơn khởi kiện yêu cầu: Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà UBND huyện An Dưong đã cấp cho ông Nguyễn Văn Ph được quyền sử dụng 450m2 đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất UBND huyện An Dương đã cấp cho bà Nguyễn Thị H (đã tặng cho ông P1), tuyên vô hiệu hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất ngày 11/3/2020 tại Văn phòng công chứng Phùng Thị Tuyết giữa bà Nguyễn Thị H và ông Nguyễn Văn Ph và chia di sản thừa kế đối với 783,4m2 đất của cụ H4, cụ V để lại hiện do ông P1 bà H2 đang quản lý, sử dụng. Đối với diện tích 214,7m2 đất bà P3 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hiện bà P3 đang sử dụng, các nguyên đơn nhất trí để bà P3 sử dụng, không yêu cầu chia thừa kế.

* Bị đơn là ông Nguyễn Văn Ph và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị B thống nhất trình bày: Thống nhất với lời trình bày của các nguyên đơn về họ tên, năm mất của bố mẹ, họ tên các anh chị em, nguồn gốc đất tranh chấp là của bố mẹ. Và trình bày thêm:

- Năm 1986, ông P1 lấy vợ thì được bố cho ra ở tại “gian nhà thò” của căn nhà trên đất của bố mẹ, còn bố ông và ông Đức ở “gian nhà thụt” còn lại. Bà P3 ở nhà dưới và cùng sử dụng chung công trình phụ, sân, vườn cho đến khi bố chết. Khoảng năm 1989 các anh chị em phân chia toàn bộ phần diện tích đất làm 4 phần như sau:

- Một phần cho ông Đức, trên đất có “gian nhà thụt”, ông Đức đã xây tường bao ngăn cách với phần diện tích còn lại của ông P1, bà P3 và của bà H2. Ông Đức xây công trình phụ, bếp riêng, chuồng lợn (hiện trên diện tích đất này bà H2 mới làm nhà và đang ở) và có lối đi riêng ở phía Tây là ngõ chính để đi ra đường làng.

- Một phần diện tích đất vợ chồng ông P1 sử dụng bao gồm “gian nhà thò” giáp ranh với diện tích đất chia cho bà H2, bà P3 và của ông Đức; có ngõ đi ra phía Bắc (đi chung với hàng xóm là nhà bà Nụ, ông Luận) vợ chồng ông P1 đã xây tường bao ngăn cách, xây nhà vệ sinh, bếp, chuồng chăn nuôi riêng.

- Một phần diện tích đất bà P3 sử dụng đã xây tường bao ngăn cách từ trước, trên có công trình xây dựng của bà P3.

- Một phần chia cho bà H2 là đất ao, không ai sử dụng gì. Do bà H2 ở bên K nên ông P1 có cải tạo, san lấp và nộp thuế hàng năm cho phần diện tích đất của bà H2.

- Bà Phúc không đòi hỏi gì về việc được chia đất của bố mẹ để lại.

Khoảng năm 1995, ông Đức mua diện tích 180m2 đất của cụ Lập ở ngoài ngõ, cách thửa đất của gia đình khoảng 200m2 và là ra mặt đường ở với giá 8,5 triệu đồng nên đã nhượng lại cho ông P1 phần diện tích nhà và tài sản trên đất ông Đức được chia và đang sử dụng với giá 8 triệu đồng. Năm 1997, ông Đức làm nhà nên ông P1 trả thêm 2 triệu đồng cho ông Đức xây nhà. Sau khi ông Đức xây nhà xong thì trả thêm 1 triệu đồng tiền mặt. Khi chuyển nhượng cho ông P1 thì ông Đức đã phá chuồng lợn, công trình phụ nhà ông Đức để lấy vật liệu làm nhà. Việc mua bán không lập thành văn bản. Sau khi nhận chuyển nhượng đất của ông Đức vợ chồng ông P1 đã phá tường bao ngăn cách giữa hai nhà, xây bịt lối đi cũ ở hướng Tây để đi về lối đi chính, phá bỏ căn nhà thụt đã cũ, để lại tường bao xây ngăn cách với nhà bà P3. Trên diện tích đất ông Đức chuyển nhượng lại, vợ chồng ông P1 san lấp, cải tạo, trồng cây lâu năm. Năm 2000 xây cổng, ngõ, làm sân, xây bể nước, công trình phụ, nhà tắm và kê khai đứng tên. Năm 2001, vợ chồng ông P1 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 450m2 trong đó có cả phần đã nhận từ ông Đức. Năm 2007, ông P1 xây lại nhà chính diện tích 60m2, làm thêm nhà ăn, nhà bếp vào năm 2010 với diện tích 20m2, làm lán tôn khoảng 60m2. Quá trình sử dụng đất không có tranh chấp với các anh chị em. Vợ chồng ông P1 đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế với Nhà nước.

Phần diện tích đất của bà P3 được chia cũng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng.

Đối với và H2: Sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng phần đất được chia thì bà H2 đã làm hợp đồng tặng cho ông P1 và đầu năm 2020 bà H2 về xây nhà trên diện tích đất của vợ chồng ông P1. Do bà H2 không có chồng con nên ông P1 đồng ý nên bà H2 đã xây dựng căn nhà có diện tích khoảng gần 40m2 cạnh nhà của vợ chồng ông P1, sử dụng chung cổng, ngõ với gia đình ông P1 để chị em tiện chăm sóc lúc về già.

Phần diện tích đất của bà H2 trên đó có toàn bộ công trình xây dựng trên đất bao gồm nhà vệ sinh, chuồng chăn nuôi, bể nước, nhà tắm, một phần nhà bếp, nhà ăn là do ông P1 xây dựng. Năm 2019 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 339m2. Ngày 11/3/2020 bà H2 đã làm hợp đồng tặng cho lại diện tích 339m2 cho ông P1, hợp đồng đã được công chứng và sang tên cho ông P1. Do vậy, ông P1, bà Biển không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị P thống nhất với trình bày của bị đơn, và trình bày thêm: Bà không đồng ý với đơn khởi kiện của các nguyên đơn vì diện tích đất của bố mẹ đã được chia đều cho các anh chị em. Bà P3 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Đức đã được ông P1 trả cho 11 triệu đồng để đi mua đất khác, bà H2 đã xây nhà trên đất của ông P1. Nếu phải chia thừa kế, bà Phúc nhường lại phần di sản được hưởng cho ông P1 làm nơi thờ cúng.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan UBND huyện An Dương trình bày: Căn cứ vào sổ mục kê, bản đồ giải thửa hiện lưu trữ tại UBND xã Đ thửa đất 700 tờ Bản đồ 30 đứng tên bà H2, thửa đất số 700A đứng tến ông P1, thửa số 701 đứng tên bà Nguyễn Thị Ph. Các thửa đất trên, đã được ông P1, bà P3, bà H2 quản lý, sử dụng và nộp các khoản thuế từ trước năm 1993 và đã được cấp giấy chúng nhận quyền sử dụng đất. UBND huyện An Dương không đồng ý với yêu cầu hủy các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên.

Tại Bản án dân sơ dân sự thẩm số 56/2021/DS-ST ngày 18/11/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đã quyết định: Căn cứ các khoản 5 Điều 26, khoản 4 Điều 34, Điều 228, Điều 147, Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 117, Điều 122, Điều 123, Điều 609, Điều 613, Điều 614, Điều 623, Điều 649, Điều 650, Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; Xử:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

1. Giao cho ông Nguyễn Văn Ph được quyền sử dụng diện tích 475,4m2 đất tại thôn R, xã Đ, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng trên đất có 01 nhà 1 tầng bao gồm 1 gian mái bằng, 1 gian mái ngói, nhà bếp, lán tôn, sân, bể nước, vườn cau; và 01 căn nhà có diện tích 38,5m2 do bà Nguyễn Thị H xây dựng và hiện đang ở: mốc giới 18-18(1)- 18(2)- 19-20-15-16-17-18, vị trí, kích thước thửa đất (có sơ đồ kèm theo). Ông Nguyễn Văn Ph phải trả cho bà Nguyễn Thị H giá trị căn nhà cấp 4 có diện tích 38,5m2 là 181.688.872 đồng.

Giao cho ông Nguyễn Văn Đ được quyền sử dụng 308m2 đất tại thôn R, xã Đ, huyện An Dưong, thành phố Hải Phòng trên đất có công trình nhà vệ sinh, bể nước, chuồng lợn đã cũ không còn giá trị, 1,2m2 nhà bếp do ông Nguyễn Văn Ph và bà Nguyễn Thị B xây dựng mốc giới 18(2)-1-2-3-4-5-6-7-8- 9-10-11- 21-19-18(2), vị trí, kích thước thửa đất (có sơ đồ kèm theo). Ông Nguyễn Văn Đ phải trả cho ông Nguyễn Văn Ph, bà Nguyễn Thị B giá trị l,2m2 nhà bếp, nhà vệ sinh, bể nước là 20.689.519 đồng.

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự.

2. Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CU 406177 do UBND huyện An Dương cấp ngày 31/12/2019 cho bà Nguyễn Thị H được quyền sử dụng 339m2 đất tại thửa số 700 tờ Bản đồ số 30 tại thôn R, xã Đ, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng.

3. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc đề nghị hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số R710489 do UBND huyện An Dương cấp ngày 29/6/2001 cho ông Nguyễn Văn Ph được quyền sử dụng 450m2 đất tại thửa 700A tờ Bản đồ số 30 tại xã Đ, huyện An Hải, thành phố Hải Phòng.

4. Tuyên Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất ngày 11/3/2020 tại Văn phòng công chứng Phùng Thị Tuyết, thành phố Hải Phòng giữa bà Nguyễn Thị H và ông Nguyễn Văn Ph vô hiệu.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 03/12/2021, bị đơn ông Nguyễn Văn Ph kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Cùng ngày, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng có Quyết định kháng nghị số 01/2021/QĐ-VKS-DS, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử theo hướng sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 56/2021/DS-ST ngày 18/11/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng.

Tại phiên toà phúc thẩm:

Bị đơn và là người kháng cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo không đồng ý với toàn bộ bản án sơ thẩm và ủy quyền cho Luật sư trình bày căn cứ kháng cáo. Cụ thể: Toàn bộ diện tích đất bố mẹ để lại đã được anh em ông P1 cùng thống nhất chia cho từng người từ năm 1989 sau khi cụ H4 chết; phần bà P3 đã xây nhà, xây tường bao sử dụng riêng; phần ao chia cho bà H2 thì bà H2 chưa về sử dụng nên vẫn để trống, sau đó ông P1 san lấp làm vườn trồng cây; phần của ông Đức là gian nhà “thụt” và đất gắn liền đều đã có lối đi riêng. Đối với phần của ông Đức thì năm 1995 ông Đức mua đất của cụ Lập bằng 8,5 triệu đồng nên đã chuyển nhượng lại toàn bộ đất được chia cho ông P1, ông P1 đã trả cho ông Đức 8 triệu đồng tiền mặt và nguyên vật liệu để ông Đức xây nhà tổng cộng là 11 triệu đồng. Việc ông P1 nhận đất, sử dụng ổn định từ đó và đã kê khai được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy việc mua bán vì là anh em ruột nên không lập giấy tờ nhưng ông Đức vẫn thừa nhận. Bà H2, bà Phúc, bà P3 đều biết và không có ý kiến gì. Bà Phúc tuy không được chia nhưng không có ý kiến gì và nay cũng không có yêu cầu chia mà vẫn đồng ý với việc phân chia này. Ông P1, bà P3 đều đã kê khai và do nguồn gốc sử dụng từ trước năm 1993 ổn định, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo Án lệ số 24/2018/HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì di sản đã được phân chia xong, không ảnh hưởng đến ai khác vì vậy cần được công nhận.

Khi ông P1, bà P3 kê khai để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ông P1 và bà P3 đều ký hộ giáp ranh cho nhau. Năm 1995 ông Đức mua đất của cụ Lập là đất ngoài mặt ngõ to, cách khu đất đã chuyển nhượng cho ông P1 chỉ 200m và giá mua là 8,5 triệu đồng, ông P1 trả tiền mặt cho ông Đức là 8 triệu đồng. Nay theo giá thị trường thì mảnh đất hiện ông Đức đang sử dụng có giá trị 02 tỷ đồng, còn đất đã chuyển nhượng cho ông P1 chỉ có giá trị 01 tỷ đồng vì nằm trong ngõ hẹp hơn. Vì vậy xác định năm 1995 ông P1 mua cả nhà và đất của ông Đức chứ không phải chỉ mua nhà trên đất như ông Đức trình bày; nhà trên đất thì chính ông Đức dỡ lấy gạch chuyển ra xây nhà trên đất mua của cụ Lập. Việc các anh em của ông P1 chia đất và sử dụng ổn định liên tục trên 30 năm không có tranh chấp trong ông khi Đức ở ngay gần đó, bà H2 còn kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất ao được chia sau đó mới tự nguyện ký hợp đồng tặng cho ông P1; nay ông P1 muốn chia đất cho con nên mới phát sinh tranh chấp; ban đầu bà H2 chỉ đòi lại phần đất đã tặng cho ông P1 chứ không có yêu cầu chia thừa kế. Vì vậy đề nghị áp dụng Án lệ số 24/2018/AL để sửa bản án sơ thẩm, bác yêu cầu chia thừa kế của các nguyên đơn.

Nguyên đơn ông Nguyễn Văn Đ, bà Nguyễn Thị Ph nêu ý kiến: Không đồng ý với nội dung kháng cáo và quan điểm của ông P1 tại phiên tòa phúc thẩm. Ông Đức xác định năm 1995 ông không bán đất cho ông P1 vì đất đó là di sản thừa kế, ông không có quyền bán. Ông Đức cho rằng khi cụ H4 còn sống thì ông P1 ở ½ căn nhà, còn ông và cụ H4 ở ½ căn nhà còn lại. Vì vậy khi ông đi làm nhà khác thì ông có nhận của ông P1 08 triệu đồng năm 1995 để lấy tiền xây nhà trên đất mua nhưng cho rằng đó là tiền ông bán vật liệu của căn nhà mà ông đang ở chứ không bán cả đất. Nay ông P1 đã được bà H2 cho đất nhưng không bỏ tiền làm nhà cho bà H2 ở mà còn đuổi bà H2 ra khỏi nhà do bà H2 xây trên đất di sản nên yêu cầu chia thừa kế đất của bố mẹ để lại. Nên ông và bà P3 có mặt tại phiên tòa, đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn hủy các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông Nguyễn Văn Ph và bà Nguyễn Thị H (hiện đã tặng cho ông P1); chia di sản thừa kế đối với diện tích đất 783,4m2 bởi diện tích đất trên là di sản của cụ H4 và cụ V để lại, khi chết các cụ không để lại di chúc; diện tích đất chưa được các anh em trong gia đình họp bàn để phân chia. Khi ông Đức chuyển ra diện tích đã nhận chuyển nhượng của ông L6 chỉ nhận 08 triệu đồng của ông P1 là tiền chuyển nhượng lại căn nhà chứ không phải tiền bán đất. Tháng 12/2019 ông P1 nói với bà H2 là đưa bà đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng sau đó lại làm thủ tục tặng cho lại ông P1 phần diện tích đất mà bà H2 được cấp GCNQSDĐ là không đúng với ý chí của bà H2. Đề nghị HĐXX giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao nêu quan điểm: Kháng cáo của ông P1 và Kháng nghị số 01/QĐ-VKS-DS ngày 03 tháng 12 năm 2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng còn trong thời hạn và đúng quy định nên cần được chấp nhận để xét theo thủ tục phúc thẩm.

Xét nội dung vụ án: Tại bản án sơ thẩm đã xác định diện tích 783,6m2 đất hiện đang có tranh chấp là di sản của cụ H4 và cụ V để lại là không có căn cứ. Vì: cụ V chết năm 1969, cụ H4 và các con vẫn tiếp tục sinh sống tại ngôi nhà trên đất đó. Năm 1986 cụ H4 chết và cũng không để lại di chúc, các cụ chưa phân chia nhà, đất cho ai. Ông P1 và ông Đức lập gia đình thì mỗi người ở ½ ngôi nhà xây dựng từ trước. Năm 1995 ông Đức mua đất của cụ Lập ở gần đó với giá 8,5 triệu đồng thì ông P1 đã đưa cho ông Đức 08 triệu đồng; việc giao nhận tiền này được các đương sự thừa nhận. Nhưng ông Đức cho rằng đó là tiền bán vật liệu của phần nhà ông được hưởng là không có căn cứ. Từ thời điểm đó ông P1 đã kê khai và đứng tên trên sổ sách của địa phương; bà P3 được sử dụng riêng một phần đất cũng kê khai và được cấp giấy đối với phần đất được chia; phần đất ao bà H2 được chia cho thì năm 2019 bà H2 sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thì mới tự nguyện ký tên tặng cho ông P1. Lời khai của bà Phúc về việc các anh chị em đã phân chia đất của bố mẹ để lại là khách quan.

Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ, căn cứ vào Án lệ số 24 để xác định di sản đã được phân chia là có căn cứ. Tại bản án sơ thẩm đã hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa bà H2 với ông P1 do vô hiệu là không có căn cứ. Khi chia di sản không tính công sức của bà Biển là vợ ông P1 là có thiếu sót. Nhưng xét diện tích đất đó đã được các đương sự phân chia trên thực tế, có lối đi riêng, sử dụng đất ổn định, đã được cấp giấy nên đề nghị chấp nhận một phần kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng, sửa bản án sơ thẩm theo hướng bác yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa và ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

[1] Về tố tụng:

Đơn kháng cáo của ông Nguyễn Văn Ph và Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng trong thời hạn luật định và đúng quy định nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.

Về tố tụng, Tòa án cấp sơ thẩm đã tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự trong việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp, thời hiệu giải quyết, xác định người tham gia tố tụng và xác minh thu thập chứng cứ đều đúng quy định.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà H2 vắng mặt nhưng đã ủy quyền cho ông Đức tham gia tố tụng tại phiên toà; bà Nguyễn Thị P, bà Nguyễn Thị B và Ủy ban nhân dân huyện AD, thành phố HP đều có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Do vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự xét xử vắng mặt theo quy định của pháp luật. Quá trình xét xử ông Đức có mặt, khi tuyên án ông Đức vắng mặt.

[2] Về nội dung: Xét kháng cáo của ông Nguyễn Văn Ph đối với toàn bộ nội dung của bản án sơ thẩm, thấy:

Các nguyên đơn là bà Nguyễn Thị H, bà Nguyễn Thị Ph và ông Nguyễn Văn Đ khởi kiện yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế đối với 783,4m2 đất của vợ chồng cụ H4 và cụ V để lại toạ lạc tại xóm 2, thôn R, xã Đ, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng theo quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã xác định:

Về nguồn gốc đất đang có tranh chấp: Căn cứ Biên bản xác minh về nguồn gốc đất tranh chấp ngày 14/01/2021 tại chính quyền địa phương, căn cứ lời khai các đương sự đều thống nhất với nhau, đủ cơ sở khẳng định diện tích đất 998,lm2 đất tại thửa 700, 701, 700A tờ Bản đồ số 30 tại thôn R, xã Đ, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Hiện nay do bà P3 sử dụng 214,7m2, ông P1 bà Biển sử dụng 450m2, bà H2 quản lý 333,4m2 (đã tặng cho ông P1) có nguồn gốc là thửa số 700 của cụ Nguyễn Văn Hạnh, cụ Nguyễn Thị Vo để lại là có căn cứ. Do đó xác định đây là di sản thừa kế của cụ H4 và cụ V.

Theo tài liệu có trong hồ sơ được các đương sự thừa nhận thì: Cụ Nguyễn Văn Hạnh và cụ Nguyễn Thị Vo là vợ chồng và có 05 người con chung là các nguyên đơn, bị đơn và bà Nguyễn Thị P. Cụ Nguyễn Thị Vo chết năm 1969 không để lại di chúc; cụ Nguyễn Văn Hạnh và các con làm nhà và tiếp tục sinh sống tại thửa đất trên. Năm 1986 ông P1 kết hôn với bà Nguyễn Thị B và cùng chung sống phần nhà trên thửa đất này như các bên thừa nhận; cũng trong năm 1986 cụ H4 chết không để lại di chúc. Năm 1988 ông Đức lấy vợ và sống tại một phần căn nhà còn lại. Các bên đều thừa nhận việc gia đình ông P1, gia đình ông Đức mỗi gia đình sống trong một nửa căn nhà cũ do cụ H4 cùng các con tạo lập; bà P3 và hai người con của bà P3 vẫn được tiếp tục ở trong căn nhà dưới nhỏ hơn trong cùng phần đất từ khi cụ H4 còn sống.

Các đương sự đều thừa nhận: Năm 1989 gia đình bà P3, gia đình ông P1, gia đình ông Đức đã tự xây tường bao ngăn cách phần nhà đất đang được sử dụng để sử dụng riêng, có lối đi riêng biệt. Phần đất nguyên là ao chia cho bà H2 vẫn do gia đình ông P1 quản lý sử dụng. Các anh chị em trong gia đình sử dụng ổn định, không ai có tranh chấp gì. Bà Nguyễn Thị P đã đi lấy chồng, ở nhà chồng và không được chia đất của bố mẹ nhưng bà Phúc không có ý kiến phản đối, nay cũng không có yêu cầu được chia tài sản.

Như vậy, có căn cứ xác định sau khi cụ V và cụ H4 chết thì các anh chị em đã tự thoả thuận phân chia di sản của bố mẹ thành 4 phần cho ông P1, bà P3, bà H2 và ông Đức. Việc phân chia trên tuy không lập thành văn bản, cũng không có ai chứng kiến nhưng thực tế những người được chia nhà, đất đều đã sử dụng ổn định, không có tranh chấp trong suốt thời gian từ năm 1989.

Nay các nguyên đơn mới khởi kiện cho rằng chưa có sự phân chia di sản. Ông Nguyễn Văn Đ cho rằng năm 1995 ông Đức mua đất của cụ Lập ở gần đó với giá 8,5 triệu đồng. Ông Đức xác nhận thời điểm đó ông P1 đã đưa cho ông số tiền 08 triệu đồng. Nhưng ông Đức xác định đó là tiền bán vật liệu của phần nhà ông được hưởng và đã xây dựng trên đất cho ông P1 chứ ông không bán phần đất được chia cho ông P1 nên nay yêu cầu chia thừa kế di sản của bố mẹ để lại.

Về vấn đề này, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã nhận định: “Xét lời khai của các đương sự về việc di sản đã được phân chia còn nhiều mâu thuẫn, bị đơn là ông P1 cho rằng có việc phân chia nhưng lại không lập thành văn bản, cũng không ai chứng kiến, trong hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà P3, ông P1 và bà H2 cũng không có văn bản thể hiện sự thỏa thuận phân chia di sản của các anh chị em, cũng không có giấy tờ, sổ sách đất đai của địa phương ghi nhận việc phân chia này; việc bà P3, ông P1 xây dựng tường bao ngăn cách phần diện tích của mình sử dụng sau khi cụ H4, cụ V chết chưa đủ căn cứ thể hiện các anh chị em đã phân chia đất cho nhau. Ngoài lời khai, ông P1, bà Biển, bà Phúc không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh di sản trên đã được phân chia nên không có cơ sở chấp nhận việc bị đơn cho rằng di sản của bố mẹ để lại đã được các anh chị em phân chia”. Như vậy, thực tế, tại thời điểm năm 1995 thì ông Đức đã mua của ông L6 diện tích 180m2 đất với giá tiền 8,5 triệu đồng như chính ông Đức thừa nhận và có đơn đề nghị đã được chính quyền xác nhận có nội dung phù hợp. Điều đó thể hiện giá trị đất ông Đức mua tương đương với giá trị số tiền mà ông Đức thừa nhận ông P1 đã trả cho ông cũng tại thời điểm 1995. Sau đó ông Đức đã xây nhà và chuyển gia đình ra ở trên phần đất mua ngoài mặt đường chỉ cách đó 200m2 sử dụng ổn định từ đó và không có tranh chấp và đều được cấp GCNQSDĐ theo đúng quy định như các bên thừa nhận tại phiên tòa phúc thẩm.

Do đó có đủ căn cứ xác định thực tế đã có sự phân chia di sản của cụ H4 và cụ V để lại cho các anh chị em; riêng bà Phúc không được chia. Phần di sản ông Đức được hưởng thì ông Đức đã nhượng cho ông P1; ông Đức đã nhận của ông P1 số tiền 08 triệu đồng để mua đất khác ngay gần đó của ông L6 để sử dụng ổn định. Phần đất của ông Đức giao lại đã được vợ chồng ông P1 nhận, sử dụng ổn định, kê khai và năm 2001 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà các anh chị em trong gia đình không ai có tranh chấp gì nhưng bản án sơ thẩm đã xác định chưa có việc phân chia di sản của các con của cụ H4, cụ V là chưa chính xác và không phù hợp với diễn biến thực tế việc phân chia sử dụng đất ổn định như phân tích trên.

Ngoài ra, thực tế đối với phần diện tích 206m2 (hiện trạng là 2l4,7m2) do bà P3 quản lý, sử dụng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng năm 2001. Các đồng thừa kế đều xác định diện tích đất trên đã được các anh chị em thống nhất chia cho bà P3 và đều không có ý kiến gì về việc bà P3 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nay các nguyên đơn và bị đơn cũng như người liên quan là bà Nguyễn Thị P cũng không yêu cầu chia thừa kế đối với diện tích đất này. Tại phiên tòa phúc thẩm và tại giai đoạn sơ thẩm bà P3 xác định đề nghị được hưởng diện tích đất này cũng tương đương với suất thừa kế nên không đề nghị chia di sản thừa kế cho bà mà chỉ yêu cầu chia đối với phần còn lại là 783,4m2 cho các thừa kế khác. Do đó việc Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định: Đối với phần di sản 214,7m2 đất các hàng thừa kế đã thống nhất chia cho bà P3, nên xác định bà P3 đã được nhận di sản của bố mẹ, không xem xét đối với diện tích đất này là có căn cứ; phần này không có kháng cáo nên HĐXX không xét.

Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm có đủ căn cứ xác định: Phần di sản còn lại là 783,4m2 của cụ H4, cụ V thực tế đã được phân chia từ năm 1989; tuy bà Nguyễn Thị P không được phân chia nhưng bà Phúc tự nguyện không nhận và nay cũng giữ nguyên quan điểm không yêu cầu chia di sản đó. Đối với phần ông Nguyễn Văn Đ được phân chia thì năm 1995 là nhận giá trị ngang giá để mua diện tích đất 180m2 đất ở vị trí thuận lợi hơn là đã đảm bảo quyền lợi của ông Đức. Phần bà Nguyễn Thị H được chia thực tế bà H2 chưa hề sử dụng mà do vợ chồng ông P1 quản lý sử dụng, đóng thuế cho Nhà nước; cuối năm 2019 bà H2 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; sau khi được cấp giấy thì bà H2 mới tự nguyện ký hợp đồng tặng cho ông P1; hợp đồng tặng cho thực hiện theo đúng thủ tục quy định, ông P1 đã được sang tên cần được pháp luật bảo vệ.

Do vậy, có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Nguyễn Văn Ph, sửa bản án sơ thẩm bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị H, bà Nguyễn Thị Ph và ông Nguyễn Văn Phúc về việc yêu cầu chia thừa kế diện tích 783,4m2 đất nguyên là di sản của cụ Nguyễn Văn Hạnh, cụ Nguyễn Thị Vo để lại mới đúng quy định của pháp luật. Nội dung một phần kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử; quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại phiên tòa có căn cứ và phù hợp với nhận định cùa Hội đồng xét xứ nên được chấp nhận để sửa bản án sơ thẩm như đã nhận định trên.

[5] Về án phí: Ông Nguyễn Văn Ph được miễn án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, Căn cứ khoản 2 Điều 308; khoản 1 Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

QUYẾT ĐỊNH

[1]. Chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông Nguyễn Văn Ph và một phần Quyết định kháng nghị số 01/QĐ-VKS-DS ngày 03 tháng 12 năm 2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng. Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 56/2021/DS-ST ngày 18 tháng 11 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng.

Xử: Bác yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn bà Nguyễn Thị H, bà Nguyễn Thị Ph và ông Nguyễn Văn Đ về việc yêu cầu chia di sản thừa kế là diện tích 783,4m2 đất tại thửa số 700, 700A tờ Bản đồ số 30 tại thôn R, xã Đ, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng của cụ Nguyễn Văn Hạnh và cụ Nguyễn Thị Vo.

[2]. Về án phí dân sự phúc thẩm: Bị đơn ông Nguyễn Văn Ph không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

[3]. Các quyết định khác của bản án dân sự sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu luật pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

11
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản và đề nghị hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 321/2023/DS-PT

Số hiệu:321/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:29/06/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về