TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
BẢN ÁN 11/2023/DS-PT NGÀY 13/03/2023 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN VÀ CHIA TÀI SẢN CHUNG
Ngày 13 tháng 3 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 63/2022/TLPT-DS ngày 11 tháng 10 năm 2022 về “Tranh chấp về thừa kế tài sản và chia tài sản chung”.Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 104/2022/DS-ST ngày 17 tháng 8 năm 2022 của Tòa án nhân dân thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 01/2023/QĐ- PT ngày 09 tháng 01 năm 2023, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: bà Lương Thị L, sinh năm 1953.
Địa chỉ: thôn T, xã Đ, thị xã Đ, tỉnh Quảng Nam. Có mặt.
2. Bị đơn: ông Lương Vĩnh H, sinh năm 1955.
Địa chỉ: thôn T, xã Đ, thị xã Đ, tỉnh Quảng Nam. Có mặt.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Ông Lê T, sinh năm 1950.
Địa chỉ: thôn B, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Quảng Nam. Có mặt.
- Bà Lương Thị L1, sinh năm 1958.
Địa chỉ: thôn T, xã Đ, thị xã Đ, tỉnh Quảng Nam. Có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
- Bà Lương Thị V, sinh năm 1961.
Địa chỉ: thôn Đ, xã Đ, thị xã Đ, tỉnh Quảng Nam. Có mặt.
4. Người kháng cáo: bị đơn ông Lương Vĩnh H.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện, các văn bản có trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn bà Lương Thị L trình bày:
Cha, mẹ bà là ông Lương C (Lương T1), chết năm 1965 và bà Lê Thị K, chết năm 2019. Cha, mẹ bà có 4 người con chung là: bà (Lương Thị L), ông Lương Vĩnh H, bà Lương Thị L1, bà Lương Thị V. Ngoài 04 người con chung nêu trên thì mẹ bà có một người con riêng là ông Lê T. Ngoài ra, cha, mẹ bà không có con nuôi, con riêng nào khác nên hàng thừa kế thứ nhất của mẹ bà là 05 người con nêu trên.
Khi bà Lê Thị K chết, không để lại di chúc. Di sản bà Lê Thị K để lại là 01 ngôi nhà cấp 4 cùng các công trình khác gắn liền trên thửa đất số 1062, tờ bản đồ số 01, diện tích 1.201m2, loại đất ở và đất trồng cây lâu năm; thửa đất số 1057, tờ bản đồ số 01, diện tích 624m2, loại đất lúa và thửa đất số 681, tờ bản đồ số 02, diện tích 97m2, loại đất mạ.
- Về nguồn gốc đất ở: thửa đất số 1062, tờ bản đồ số 01, tại thôn T, xã Đ, thị xã Đ, tỉnh Quảng Nam do ông bà để lại cho cha mẹ bà. Năm 1965, sau khi cha bà chết thì mẹ bà tiếp tục sinh sống trên khu vườn này cho đến khi qua đời vào năm 2019. Khi Nhà nước thống nhất quản lý ruộng đất thì mẹ bà là bà Lê Thị K đứng tên đăng ký theo Chỉ thị 299/TTg thuộc thửa đất số 374, tờ bản đồ số 2, diện tích 1.428m2 và theo Nghị định 64/CP thuộc thửa đất số 1062, tờ bản đồ số 01, diện tích 1.201m2, trong đó có 1.000m2 đất ở và 201m2 đất trồng cây lâu năm.
- Về đất nông nghiệp, gồm:
+ Thửa đất số 1057, tờ bản đồ số 01, diện tích 624m2, loại đất 3 lúa nhưng khi làm đường bê tông với chương trình Nhà nước và nhân dân cùng làm đã mở rộng đường nên gia đình bà đã hiến đất hết 10,4m2; do đó, thửa đất này diện tích thực tế còn lại là 613,6m2.
+ Thửa đất số 681, tờ bản đồ số 02, diện tích 97m2, loại đất mạ. Đến năm 2003, Nhà nước làm đường tránh Vĩnh Điện thì giải tỏa trắng 97m2 và ông Lương Vĩnh H nhận toàn bộ tiền đền bù là 3.026.417 đồng.
Toàn bộ 03 thửa đất nêu trên, mẹ bà đã được UBND huyện Đ (cũ) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất số E 710626 ngày 05/4/1995.
Do ông Lê T và bà Lương Thị V nhận phần di sản của mẹ bà để lại và tặng cho riêng ông Lương Vĩnh H; còn bà Lương Thị L1 tặng cho bà và ông Lương Vĩnh H mỗi người ½ kỷ phần của mình nên bà đồng ý nhận phần được tặng cho của bà Lương Thị L1. Bà đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế cụ thể như sau:
* Phần đất:
- Đối với đất thổ cư: thửa đất số 1062, tờ bản đồ số 1, diện tích 1.201m2 :
5 = 240,2m2/kỷ phần. Trong đó, bà được nhận 1,5 kỷ phần (01 kỷ phần của bà và 0,5 kỷ phần của bà Lương Thị L1) tương ứng: 240,2m2 x 1,5 = 360,3m2.
- Đối với đất nông nghiệp: do khi chia đất nông nghiệp cho người dân, thời điểm đó hộ của mẹ bà là bà Lê Thị K chỉ có 02 nhân khẩu là bà và bà Lê Thị K nên bà đề nghị chia đôi thửa đất số 1057 (theo kết quả đo đạc thực tế còn L là 613,6m2 ) như sau: 613,6m2 : 2 phần = 306,8m2/phần. Lấy 01 phần của mẹ bà là 306,8m2 : 5 phần = 61,36m2/phần. Trong đó, bà được nhận 1,5 kỷ phần (01 kỷ phần của bà và 0,5 kỷ phần của bà Lương Thị L1) tương ứng: 61,36m2/ kỷ phần x 1,5 = 92,04 m2. Như vậy, phần bà được nhận tổng cộng là: 306,8m2 + 92,04m2 = 398,84m2. Hiện nay, bà không có đất sản xuất nên bà yêu cầu nhận quyền sử dụng đất để sản xuất.
- Đối với thửa đất số 681, tờ bản đồ số 02, diện tích 97m2, loại đất mạ: Năm 2003, do Nhà nước làm đường tránh Vĩnh Điện nên đã giải tỏa trắng thửa đất này. Ông Lương Vĩnh H nhận toàn bộ số tiền đền bù là 3.026.417 đồng. Bà yêu cầu chia giá trị như sau: 3.026.417 đồng : 2 phần = 1.513.208 đồng/ phần. Lấy 01 phần của mẹ bà là 1.513.208 đồng : 5 phần = 302.641 đồng/phần; phần bà được nhận từ di sản của mẹ bà là 302.641 đồng x 1,5 = 453.962 đồng. Như vậy, bà được nhận tổng cộng là: 1.513.208 đồng + 453.962 đồng = 1.967.170 đồng. Bà yêu cầu ông H thối trả phần chênh lệch này cho bà.
* Phần tài sản trên đất:
- Giá trị công trình xây dựng trên đất, gồm: nhà cấp 4, sân xi măng, khung sắt, hàng rào, cổng ngõ trị giá tổng cộng: 117.084.972 đồng, bà đề nghị chia:
117.084.972 : 5 = 23.416.994 đồng. Bà được nhận: 23.416.994 đồng x 1,5 kỷ phần = 35.125.491 đồng.
Một số cây trồng, gồm: cây mít, cau do ông H trồng nên toàn bộ là của ông H; khi chia đất, nếu nằm trên phần đất bà được chia thì bà yêu cầu ông H di chuyển đi trồng nơi khác, bà không đồng ý thối trả giá trị và không nhận các loại cây này.
Đối với số lượng đất, cát ông H bồi trúc vào khu vườn của mẹ bà như ông H khai, bà không đồng ý tính công bồi trúc của ông H, vì ông H bồi trúc vào để canh tác bao nhiêu năm nay đã thu lợi cho mình.
Bà hoàn toàn đồng ý với kết quả đo đạc của Chi nhánh Công ty Cổ phần đo đạc bản đồ và kiến trúc quy hoạch Việt Nam tại Quảng Nam và kết quả thẩm định giá tài sản của Công ty Cổ phần thẩm định giá và dịch vụ tài chính BTC Miền Trung.
Đối với số tiền tạm ứng chi phí đo đạc, xem xét thẩm định giá bà đã nộp là 24.761.00 đồng, bà yêu cầu chia đôi, buộc ông Lương Vĩnh H phải hoàn trả cho bà một ½ số tiền này.
Ngoài ra, bà không có ý kiến và trình bày gì thêm.
Theo các văn bản có trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa, bị đơn ông Lương Vĩnh H trình bày:
Về quan hệ gia đình: cha, mẹ ông là ông Lương C, chết năm 1965 và bà Lê Thị K, chết năm 2019. Cha, mẹ ông có 4 người con là: bà Lương Thị L, ông Lương Vĩnh H, bà Lương Thị L1, bà Lương Thị V. Mẹ ông có một người con riêng là ông Lê T. Ngoài ra, cha, mẹ ông không có con nuôi, con riêng nào khác. Hàng thừa kế thứ nhất của mẹ ông là 05 người con như đã nêu trên.
Khi mẹ ông chết không để lại di chúc. Di sản mẹ ông để lại là 01 ngôi nhà cấp 4 cùng các công trình khác gắn liền trên thửa đất số 1062, tờ bản đố số 1, diện tích 1.201m2, loại đất ở và đất trồng cây lâu năm; thửa đất số 1057, tờ bản đồ số 01, diện tích 624m2, loại đất lúa và thửa đất số 681, tờ bản đồ số 02, diện tích 97m2 loại đất mạ.
Về nguồn gốc đất thổ cư: thửa đất số 1062, tờ bản đồ số 1, tại thôn T, xã Đ, thị xã Đ, tỉnh Quảng Nam được Nhà nước cấp Giấy CNQSDĐ cho hộ bà Lê Thị K ngày 05/4/1995 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số E 710626 của UBND huyện Đ (nay là thị xã Đ) là đất của ông bà để lại, cha, mẹ ông sinh sống tại khu vườn này từ năm 1953. Năm 1965, cha ông chết, đến năm 2019 thì mẹ ông chết.
Quá trình sử dụng đất, mẹ ông có kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật và được UBND huyện Đ (nay là thị xã Đ) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số E 710626 ngày 05/4/1995, gồm có: thửa đất số 1062, tờ bản đố số 1, diện tích 1. 201m2, mục đích sử dụng: thổ cư; thửa đất số 681, tờ bản đồ số 2, diện tích 97m2, mục đích sử dụng: mạ; thửa đất số 1057, tờ bản đồ số 1, diện tích 624m2, mục đích sử dụng: lúa, tại xã Đ, thị xã Đ, tỉnh Quảng Nam.
Nay, bà Lương Thị L khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế và chia tài sản chung là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho 05 đồng thừa kế theo pháp luật thì ông đồng ý theo yêu cầu của bà L. Do ông Lê T và bà Lương Thị V nhận phần di sản và tặng cho riêng ông thì ông đồng ý nhận toàn bộ; bà Lương Thị L1 tặng cho ông và bà L mỗi người ½ nên ông đồng ý nhận phần được tặng cho của bà Lương Thị L1. Ông thống nhất với ý kiến của bà Lương Thị L về đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế cụ thể:
- Đối với đất thổ cư: thửa đất số 1062, tờ bản đồ số 1, diện tích 1.201m2: 5 = 240,2m2/kỷ phần. Trong đó, ông được nhận 3,5 kỷ phần (01 kỷ phần của ông và 2,5 kỷ phần của ông T, bà V, bà L1) tương ứng: 240,2m2 x 3,5 = 840,7m2.
- Đối với đất nông nghiệp: chia thửa đất số 1057, tờ bản đồ số 2, diện tích thực tế còn lại là 613,6m2.
Năm 2003, Nhà nước giải tỏa thửa đất số 681, tờ bản đồ số 2, diện tích 97m2, loại đất mạ và đền bù tổng cộng số tiền 3.026.417 đồng. Ông là người nhận tiền đền bù nhưng về ông đưa lại toàn bộ cho mẹ ông là Lê Thị K để mẹ ông chi tiêu, nhưng ông không có chứng cứ để chứng minh là ông đã đưa tiền cho mẹ. Nay, bà Lương Thị L yêu cầu ông thối trả phần của bà L thì ông đồng ý.
Năm 2016, do ngôi nhà mẹ ông xuống cấp nên làm lại ngôi nhà mới như hiện nay để mẹ ông sinh sống những năm cuối đời và đồng thời để làm nhà thờ cúng ông bà, cha mẹ. Hiện nay, ngôi nhà này ông vẫn đang quản lý, sử dụng để thờ cúng. Nếu bà L yêu cầu chia giá trị ngôi nhà thì ông đồng ý chia phần bà L được hưởng theo quy định của pháp luật, nhưng đề nghị Tòa án xem xét công tôn tạo, giữ gìn đối với ngôi nhà này cho ông.
Khi mẹ ông còn sống, ông là người canh tác trên khu vườn của mẹ ông, nhưng do khu vườn trũng, đọng nước nên trong các năm 2010 và 2016 ông có thuê ông Phạm H đổ đất nâng cao khu vườn và ông là người trả tiền cho ông H. Cụ thể, năm 2010: 25 xe x 3,5m3/xe = 87,5m3 x 75.000đ/m3 = 6.562.000 đồng và năm 2016: 35 xe x 3,5m3/xe = 122,5m3 x 125.000đ/m3 = 15.312.500 đồng. Ông yêu cầu tính tiền ông đã đổ đất bồi trúc này khi chia di sản.
Ngoài ra, ông còn trồng một số cây cau và mít trên vườn của mẹ ông, nếu chia đất cho bà L có các cây trồng này, ông yêu cầu bà L thối trả giá trị cho ông theo giá đã được định giá.
Ngày 20/10/1998, mẹ ông có viết giấy ủy quyền thừa kế đối với khối di sản mẹ ông để lại, ông đề nghị Tòa án xem xét tính hợp pháp của văn bản này.
Ông hoàn toàn đồng ý với kết quả đo đạc của Chi nhánh Công ty Cổ phần đo đạc bản đồ và kiến trúc quy hoạch Việt Nam tại Quảng Nam và kết quả thẩm định giá tài sản của Công ty Cổ phần thẩm định giá và dịch vụ tài chính BTC Miền Trung.
Đối với số tiền bà Lương Thị L đã tạm ứng chi phí đo đạc, xem xét thẩm định giá là 24.761.00 đồng, ông không phải là người khởi kiện nên ông không đồng ý với ý kiến chia đôi của bà L.
Ngoài ra, ông không có ý kiến và trình bày gì thêm.
Theo các văn bản có trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:
Ông Lê T và bà Lương Thị V có cùng ý kiến: ông Lê T và bà Lương Thị V thống nhất với lời khai của bà Lương Thị L và ông Lương Vĩnh H về quan hệ gia đình, thời gian cha, mẹ chết, về quan hệ hàng thừa kế thứ nhất, về di sản của bà Lê Thị K để lại và nguồn gốc thửa đất số 1062, tờ bản đố số 1, diện tích 1.201m2, mục đích sử dụng: thổ cư; thửa đất số 681, tờ bản đồ số 2, diện tích 97m2, mục đích sử dụng: mạ; thửa đất số 1057, tờ bản đồ số 1, diện tích 624m2, mục đích sử dụng: 3 lúa, tại xã Đ, thị xã Đ, tỉnh Quảng Nam. Về yêu cầu chia tài sản chung và chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, ông Lê T và bà Lương Thị V đồng ý nhận kỷ phần mình được hưởng trong di sản bà Lê Thị K để lại. Tại biên bản lấy lời khai ngày 19/11/2021, ông Lê T và bà Lương Thị V tự nguyện giao lại toàn bộ phần di sản cho ông Lương Vĩnh H và bà Lương Thị L được toàn quyền quản lý, sử dụng và định đoạt. Tuy nhiên, đến ngày 29/7/2022, ông Lê T và bà Lương Thị V có lời khai thay đổi ý kiến, tự nguyện tặng cho lại toàn bộ kỷ phần mà mình được nhận cho riêng ông Lương Vĩnh H.
Tại biên bản lấy lời khai ngày 12/11/2021, bà Lương Thị L1 tự nguyện giao lại toàn bộ phần di sản cho ông Lương Vĩnh H và Lương Thị L được toàn quyền quản lý, sử dụng và định đoạt.
Với nội dung vụ án như trên, tại Bản án dân sự sơ thẩm số 104/2022/DS- ST ngày 17/8/2022 của Tòa án nhân dân thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã căn cứ vào các Điều 26, 35, 39 và 227 Bộ luật Tố tụng dân sự; các Điều 166, 170, 179 và 188 của Luật Đất đai; các Điều 609, 610, 611, 612, 613, 614, 623, 649, 650, 651 Bộ luật Dân sự và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lương Thị L đối với ông Lương Vĩnh H về việc “Yêu cầu chia tài sản chung và chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất”.
1. Về đất ở và đất trồng cây lâu năm của thửa đất số 1062, tờ bản đồ số 1, diện tích 1.201m2:
- Bà Lương Thị L được nhận quyền sử dụng đất diện tích 360,3m2; (trong đó, có 300m2 đất ở và 60,3m2 đất trồng cây lâu năm), (tạm gọi là thửa 1062/1) có tứ cận như sau:
+ Đông giáp thửa 1063, dài: 25,32 m + 18,7m + 2,19m;
+ Nam giáp đường bê tông, dài: 7,58m;
+ Tây giáp phần còn lại của thửa 1062, dài: 46,63m;
+ Bắc giáp thửa 1061, dài: 7,71m.
(Trị giá đất ở được nhận là 1.338.314.700 đồng, đất trồng cây lâu năm là 175.234.091 đồng). (Có sơ đồ kèm theo).
- Ông Lương Vĩnh H được nhận quyền sử dụng đất diện tích 840,7m2 còn lại của thửa 1062, (trong đó, có 700m2 đất ở và 140,7m2 đất trồng cây lâu năm), có tứ cận như sau:
+ Đông giáp thửa 1062/1, dài: 46,63m;
+ Nam giáp đường bê tông, dài: 15,71m;
+ Tây giáp thửa 1060, dài: 46,11m;
+ Bắc giáp thửa 1061, dài: 12,83m+ 5,21m+ 2,48m.
(Trị giá đất ở được nhận là 3.122.734.300 đồng, đất trồng cây lâu năm là 408.879.546 đồng).(Có sơ đồ kèm theo).
2. Tài sản trên đất: ông Lương Vĩnh H được nhận 01 ngôi nhà cấp 4, diện tích 30,36m2; nhà bếp 4,04m2; sân xi măng và khung sắt 57,96m2 và hàng rào, cổng ngõ 82,46m. Tổng giá trị: 117.084.972 đồng.
Ông Lương Vĩnh H phải có nghĩa vụ thối trả cho bà Lương Thị L số tiền 31.612.942 đồng chênh lệch trong khối tài sản trên đất được nhận.
3. Đất nông nghiệp:
3.1. Bà Lương Thị L được nhận quyền sử dụng thửa đất số 1057, tờ bản đồ số 1, diện tích 613,6m2, mục đích sử dụng: 3 lúa, trị giá là 50.402.945 đồng.
Bà Lương Thị L có nghĩa vụ thối trả lại số tiền chênh lệch cho ông Lương Vĩnh H số tiền 17.641.030 đồng.
3.2. Giá trị thửa số 681, tờ bản đồ số 02, diện tích 97m2, loại đất mạ (đã giải tỏa trắng): ông Lương Vĩnh H phải có nghĩa vụ thối trả cho bà Lương Thị L số tiền 1.967.170 đồng.
4. Cây trồng trên đất được giao cho bà Lương Thị L: bà Lương Thị L được nhận 21 cây cau lớn và 11 cây mít. Tổng cộng giá trị cây trồng trên đất là 29.100.000 đồng.
Bà Lương Thị L phải có nghĩa vụ thối trả cho ông Lương Vĩnh H số tiền 29.100.000 đồng.
5. Tiền đổ cát bồi trúc: bà Lương Thị L phải có nghĩa vụ trả lại cho ông Lương Vĩnh H số tiền 6.562.350 đồng.
6. Ông Lương Vĩnh H phải có nghĩa vụ hoàn trả cho bà Lương Thị L số tiền 12.380.500 đồng (1/2 số tiền bà L đã tạm ứng chi phí đo đạc, xem xét thẩm định tại chỗ).
Tổng cộng (tại các mục 2 + 3.2 + 6) ông Lương Vĩnh H phải có nghĩa vụ thối trả cho bà Lương Thị L số tiền là: 31.612.942 + 1.967.170 + 12.380.500 = 45.960.612 đồng.
Tổng cộng (tại các mục 3.1 + 4 + 5) bà Lương Thị L phải có nghĩa vụ thối trả cho ông Lương Vĩnh H số tiền là: 17.641.030 + 29.100.000 + 6.562.350 = 53.303.380 đồng.
Bà Lương Thị L còn phải có nghĩa vụ thối trả cho ông Lương Vĩnh H số tiền 7.343.000 đồng.
Bà Lương Thị L và ông Lương Vĩnh H phải có nghĩa vụ làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất đối với diện tích đất được nhận theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, bị đơn ông Lương Vĩnh H kháng cáo một phần bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại các nội dung sau:
- Đối với đất ở và đất trồng cây lâu năm của thửa đất số 1062, tờ bản đồ số 1, diện tích 1.201m2: ông thống nhất về diện tích đất chia cho bà L, nhưng không thống nhất về chiều dài của cạnh phía Nam và phía Bắc;
Tài sản gắn liền trên thửa đất:
+ Đối với 01 ngôi nhà cấp 4, diện tích 30,36m2; nhà bếp 4,04m2; sân xi măng và khung sắt 57,96m2 và hàng rào, cổng ngõ 82,46m: theo ông, đây là tài sản riêng của ông nên ông không đồng ý thối cho bà L số tiền 31.612.942 đồng;
+ Đối với căn nhà bà Lương Thị L xây trên thửa đất: ông đề nghị xem xét lại căn nhà này cấp cho ai (cấp cho mẹ ông hay bà Lương Thị L).
- Đối với thửa đất số 1057, tờ bản đồ số 1, diện tích 613,6m2, mục đích sử dụng 3 lúa: ông không đồng ý giao phần đất mà ông đang canh tác cho bà Lương Thị L; đề nghị xem xét giao thửa đất này cho ông canh tác và ông thối trả lại số tiền cho bà L theo quy định của pháp luật; nếu không được thì đề nghị giao cho ông và bà L canh tác theo hiện trạng.
- Ông không đồng ý với quyết định buộc ông phải có nghĩa vụ hoàn trả cho bà Lương Thị L số tiền 12.380.500 đồng (1/2 số tiền bà L đã tạm ứng chi phí đo đạc, xem xét thẩm định tại chỗ).
- Ông yêu cầu xem xét phân chia tài sản cho con ông là Lương Minh T với tư cách là người có quyền thừa kế.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam phát biểu ý kiến:
- Về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm: Thẩm phán được phân công trực tiếp giải quyết vụ án đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc thụ lý vụ án, về thời hạn giải quyết vụ án, về việc chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nghiên cứu để tham gia xét xử. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Các đương sự đã thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.
- Về việc giải quyết vụ án: đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 3 Điều 308 và Điều 310 của Bộ luật Tố tụng dân sự, hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:
[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn bà Lương Thị L không rút đơn khởi kiện, bị đơn ông Lương Vĩnh H giữ nguyên kháng cáo; các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
[2] Xét kháng cáo của bị đơn ông Lương Vĩnh H thì thấy:
[2.1] Bà Lương Thị L khởi kiện yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế và chia tài sản chung. Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản. Theo kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 04/12/2020 và sự thừa nhận của các đương sự, thể hiện: trên thửa đất số 1062, tờ bản đồ số 1, diện tích 1.201m2 có 118 cây cau và 16 cây mít không phải là tài sản chung hoặc di sản thừa kế mà nguyên đơn yêu cầu giải quyết; đồng thời, theo lời khai của các đương sự thì trong quá trình quản lý, sử dụng một phần thửa đất tranh chấp, ông H có bồi trúc đất, cát để trồng hoa màu. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm chưa xác minh, thu thập chứng cứ làm rõ các tài sản nêu trên (cây cối và đất, cát bồi trúc) là tài sản riêng của ông H hay là tài sản chung của vợ chồng ông H trong thời kỳ hôn nhân để xem xét đưa vợ ông H (bà Phạm Thị N) vào tham gia tố tụng nếu có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là thiếu sót. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông H thừa nhận các tài sản này là tài sản chung của vợ chồng ông trong thời kỳ hôn nhân. Ngoài ra, theo nội dung đơn kháng cáo và tại phiên tòa phúc thẩm, ông H trình bày: trong quá trình sử dụng một phần diện tích đất thuộc thửa đất số 1057, tờ bản đồ số 1, diện tích 613,6m2, ông H có đổ đất bồi đắp để trồng cây cau (hiện nay trên đất vẫn còn cây cau, đã có quả) và làm hồ nuôi ốc bươu. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà L cũng thừa nhận việc này. Tuy nhiên, khi xem xét, thẩm định tại chỗ, Tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành xác định rõ trên đất có tài sản gì hay không; hơn nữa, kết quả thẩm định giá (BL 196) ghi nhận hiện trạng: đất trống, là không đúng như nguyên đơn và bị đơn đã khai. Do đó, cần phải xác minh, thu thập chứng cứ để làm rõ nội dung này.
[2.2] Theo nội dung quyết định tại bản án sơ thẩm thì: ông Lương Vĩnh H được nhận 01 ngôi nhà cấp 4, diện tích 30,36m2; nhà bếp 4,04m2; sân xi măng và khung sắt 57,96m2 và hàng rào, cổng ngõ 82,46m... Tuy nhiên, tại sơ đồ kèm theo bản án sơ thẩm lại thể hiện diện tích nhà xây dựng trên phần đất giao cho ông H là 44,2m2 và không thể hiện cụ thể phần diện tích ngôi nhà cấp 4 (30,36m2), nhà bếp (4,04m2) giao cho ông H và phần diện tích xây dựng còn lại (sau khi trừ diện tích nhà ở và nhà bếp) nằm ở vị trí nào trong tổng diện tích xây dựng 44,2m2; đồng thời, Tòa án cấp sơ thẩm cũng chưa xác định rõ phần diện tích xây dựng còn lại là tài sản gì, của ai, để từ đó xem xét đến quyền và lợi ích hợp của họ trong quá giải quyết vụ án là thiếu sót. Ngoài ra, tại phiên tòa phúc thẩm, bà L thừa nhận ngôi nhà cấp 4 đang tranh chấp là do ông H tự tháo dỡ ngôi nhà cũ của bà K để làm lại (trong đó, có giữ lại 04 bộ cửa và sườn gỗ của ngôi nhà bà K). Còn ông H thì cho rằng, ngôi nhà này là do vợ chồng ông cùng với các con đóng góp tiền để xây mới hoàn toàn nên đây không phải là di sản thừa kế của bà K. Do vậy, cần phải đưa vợ, con ông H vào tham gia tố tụng để làm rõ ngôi nhà cấp 4 đang tranh chấp có phải là di sản của bà K để lại hay không, đồng thời xem xét đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ (nếu có).
[2.3] Theo biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 04/12/2020 của Tòa án cấp sơ thẩm thể hiện trên dọc bờ rào nhà bà Lương Thị L có 21 cây cau lớn và 11 cây mít, trùng với số cây bà L được nhận và thối trả giá trị cho ông H theo quyết định của bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, theo sơ đồ kèm theo bản án sơ thẩm và các phụ lục tại Chứng thư thẩm định giá, cũng như sự thừa nhận của bà L tại phiên tòa phúc thẩm, thể hiện: cạnh phía Tây của phần diện tích đất giao cho bà L nằm phía ngoài bờ rào của nhà bà L (cách bờ rào một khoảng trống về phía diện tích đất giao cho ông H) nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chưa thu thập chứng cứ làm rõ trên phần diện tích đất giao cho bà L nằm phía ngoài bờ rào của nhà bà L có tài sản gì, của ai trên đất hay không là thu thập chứng cứ chưa đầy đủ. Bởi lẽ, nếu có tài sản của người khác trên phần đất này thì cần phải xem xét đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ khi giao đất cho bà L sử dụng.
[2.4] Từ những nhận định nêu trên, xét thấy việc thu thập chứng cứ của Tòa án cấp sơ thẩm chưa được thực hiện đầy đủ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được nên Hội đồng xét xử phúc thẩm có căn cứ chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
[3] Án phí dân sự phúc thẩm: bị đơn ông Lương Vĩnh H không phải chịu. Hoàn trả lại cho ông H số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0001270 ngày 09/9/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 3 Điều 308 và khoản 1 Điều 310 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; khoản 3 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn ông Lương Vĩnh H, hủy Bản án dân sự sơ thẩm số: 104/2022/DS-ST ngày 17 tháng 8 năm 2022 của Tòa án nhân dân thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
Án phí dân sự phúc thẩm: ông Lương Vĩnh H không phải chịu. Hoàn trả lại cho ông H số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0001270 ngày 09/9/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (13/3/2023).
Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản và chia tài sản chung số 11/2023/DS-PT
Số hiệu: | 11/2023/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quảng Nam |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 13/03/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về