Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản, tài sản chung và hủy quyết định cá biệt số 262/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 262/2022/DS-PT NGÀY 25/04/2022 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN, TÀI SẢN CHUNG VÀ HỦY QUYẾT ĐỊNH CÁ BIỆT

Trong các ngày 21 và 25 tháng 4 năm 2022, tại trụ sở, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 225/2021/TLDS-PT ngày 16/3/2021 về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản, tranh chấp tài sản chung và hủy quyết định cá biệt”. Do Bản án dân sự sơ thẩm số 1764/2020/DS-ST ngày 01/10/2020 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 12/2022/QĐ-PT ngày 03/01/2022 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thu N, sinh năm 1982 (Có mặt). Địa chỉ: Phường H, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh.

Địa chỉ liên lạc: xã M, huyện T, tỉnh Long An.

2. Bị đơn: Bà Trần Thị H, sinh năm 1952.

Địa chỉ: phường H, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh (Vắng mặt).

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Ông Phạm Bính K, sinh năm 1976 (Có mặt).

Địa chỉ: Phường 3, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1/ Bà Nguyễn Thị H1, sinh năm 1982 (Có mặt).

Địa chỉ: phường H, thành phố T, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo ủy quyền của bà H1: Ông Trần Trung N1; Địa chỉ:

phường H, thành phố T, Thành phố Hồ Chí Minh (Có mặt).

3.2/ Ông Nguyễn Văn C, sinh năm 1935.

Địa chỉ: phường H, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh (Vắng mặt).

Người đại diện hợp pháp của ông C: Bà Nguyễn Thị C1, sinh năm 1963 (Có mặt).

Địa chỉ: quận B, Thành phố Hồ Chí Minh.

3.3/ Ủy ban nhân dân Quận T (nay là thành phố T), Thành phố Hồ Chí Minh.

Địa chỉ: phường H, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Thị Kim P – chuyên viên phòng Tài nguyên môi trường (Vắng mặt, có đơn xin xét xử vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện đề ngày 07/7/2014 và quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn bà Nguyễn Thu N trình bày:

Phần đất tọa lạc tại 6/246A ấp Gò Cát, phường Tân Phú, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh có nguồn gốc của bà ngoại bà là cụ Nguyễn Thị T cho mẹ bà là bà Phạm Thị T1, được thể hiện trong Tờ đăng ký nhà đất lập ngày 07/8/1999, bà Phạm Thị T1 là chủ đăng ký ghi rõ “đất do mẹ là bà Nguyễn Thị T cho”. Nhà tự cất từ năm 1975. Năm 1977, bà Phạm Thị T1 kết hôn với ông Nguyễn Văn B. Như vậy miếng đất này là tài sản riêng của mẹ bà N vì đất được cho trước lúc kết hôn. Bà T1 chung sống với ông B có 03 người con chung: Ông Nguyễn Hữu T2 (chết năm 2003, có vợ là bà Nguyễn Thị H1, không có con chung), ông Nguyễn Thanh H2 (chết năm 2001, độc thân) và bà Nguyễn Thu N. Năm 2001, bà T1 chết. Năm 2003, ông Nguyễn V kết hôn với bà Trần Thị H và sống tại nhà đất trên.

Năm 2004, do đất nằm trong dự án xây dựng Khu Công nghệ cao Quận 9 nên hộ gia đình ông B được bồi thường 691.440.000 đồng. Đến ngày 15/9/2008, hộ gia đình ông B được hỗ trợ thêm là 508.410.000 đồng. Như vậy tổng số tiền bồi thường là 1.199.850.000 đồng. Để ổn định chỗ ở cho người bị thu hồi đất, Nhà nước đã bán cho mỗi hộ một nền đất để cất nhà với giá tiền 120.000.000 đồng/100m2. Ông B đã dùng số tiền bồi thường để mua đất và xây nhà tại địa chỉ: Số 122 đường D1 Khu phố 6, phường Hiệp Phú, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh. Bà H vẫn ở chung với ông B tại căn nhà này nhưng không có đóng góp gì. Như vậy, căn nhà 122 đường D1, KP6, phường Hiệp Phú, Quận 9 là tài sản riêng của bà T1, ông B chỉ là người nhận tiền bồi thường mua đất xây dựng và quản lý căn nhà.

Ông B mất năm 2011, hàng thừa kế thứ nhất của ông B là: Cụ Nguyễn Văn C (cha ông B), bà Trần Thị H (vợ ông B) và bà Nguyễn Thu N (con ông B). Bà N yêu cầu chia di sản do bà T1 và ông B để lại là nhà đất 122 đường D1, KP6, phường Hiệp Phú, Quận 9 và hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BB662256, số vào sổ cấp GCN: CH00562 ngày 25/3/2011 do Ủy ban nhân dân Quận 9 cấp cho bà H và ông B. Phần thừa kế bà N được hưởng là 8/15 giá trị căn nhà. Quá trình giải quyết vụ án, bà N đề nghị trường hợp bà H có nguyện vọng ở lại căn nhà nêu trên thì bà N sẽ giao phần thừa kế của bà trong căn nhà này cho bà H và bà H giao cho bà N 2.000.000.000 đồng. Trường hợp bà H không đồng ý thì bà N yêu cầu chia tài sản thừa kế theo quy định của pháp luật.

Theo kết quả thẩm định giá của Công ty TNHH Thẩm định giá Sài Gòn thì giá trị nhà đất tranh chấp là 7.617.112.400 đồng, trong đó giá trị đất là 6.761.224.000 đồng, giá trị công trình trên đất là 855.888.000 đồng. Bà N nhất trí với kết quả thẩm định này.

Bị đơn bà Trần Thị H do ông Phạm Bính K là người đại diện theo ủy quyền trình bày: Ông Nguyễn Văn B và bà Trần Thị H là vợ chồng theo Giấy chứng nhận kết hôn số 30 quyển số 01, do Ủy ban nhân dân phường Tân Phú, Quận 9 cấp ngày 27/3/2003. Ông Nguyễn Văn B và bà Trần Thị H không có con chung.

Nhà đất số 122 đường D1, Khu phố 6, phường Hiệp Phú, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Văn B và bà Trần Thị H theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BB662256, số vào sổ cấp GCN: CH00562 do Ủy ban nhân dân Quận 9 cấp ngày 25/3/2011. Do đó, bà H không đồng ý với nguyên đơn rằng căn nhà là của bà Phạm Thị T1.

Ông Nguyễn Văn B chết ngày 28/7/2011 theo Giấy chứng tử số 55, quyển số 01/2011 do Ủy ban nhân dân phường Hiệp Phú, Quận 9 cấp ngày 28/7/2011. Di sản do ông Nguyễn Văn B để lại là ½ quyền sở hữu căn nhà số 122 đường D1, Khu phố 6, phường Hiệp Phú, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông B chết, không để lại di chúc. Trước khi kết hôn với bà H, ông B đã có vợ và 03 người con riêng nhưng có 02 người con đã chết trước ông B. Do đó, tại thời điểm ông B chết, những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông B là: Cụ Nguyễn Văn C, bà Trần Thị H, bà Nguyễn Thu N.

Bà H không có nguyện vọng nhận nhà nên bà đề nghị phát mãi nhà đất, ½ giá trị nhà và đất thuộc sở hữu của bà, ½ còn lại thì các đồng thừa kế của ông B tự chia với nhau, bà không có tranh chấp. Nếu bà N không đồng ý thì bà H yêu cầu chia di sản thừa kế của ông Nguyễn Văn B theo quy định của pháp luật.

Về kết quả thẩm định giá của Công ty TNHH Thẩm định giá Sài Gòn, bà H không có ý kiến gì khác và không yêu cầu định giá lại.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cụ Nguyễn Văn C do bà Nguyễn Thị C1 là người đại diện theo ủy quyền trình bày: Bà thống nhất với lời trình bày của nguyên đơn về nguồn gốc nhà đất và quan hệ nhân thân. Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, cụ C yêu cầu chia thừa kế theo quy định của pháp luật.

Về kết quả thẩm định giá của Công ty TNHH Thẩm định giá Sài Gòn, ông C không có ý kiến gì khác và không yêu cầu định giá lại.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị H1 trình bày: Chồng bà tên là Nguyễn Hữu T2, sinh năm 1978, qua đời năm 2003 do tai nạn giao thông. Mẹ chồng: Phạm Thị T1 (mất năm 2001), cha chồng: ông Nguyễn Văn B (mất năm 2012). Tất cả 03 người trên đã qua đời và không để lại di chúc. Bà và ông Nguyễn Hữu T2 kết hôn năm 2002, không có con chung. Sau khi ông T2 chết đến nay bà H1 vẫn chưa tái giá nên yêu cầu được hưởng thừa kế thế vị của chồng.

Nguồn gốc hình thành căn nhà số 122 đường D1, KP6, phường Hiệp Phú, Quận 9 là từ nhà đất 6/246A ấp Gò Cát, phường Tân Phú, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh bị giải tỏa trắng mà có. Đây là tài sản riêng của mẹ chồng bà. Căn cứ theo Biên bản hòa giải lập tại Ủy ban nhân dân phường Tân Phú số 11BB ngày 14/3/2003 thì chồng bà H1 được hưởng 1/5 giá trị tài sản căn nhà số 122 đường D1, KP6, phường Hiệp Phú, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh, còn 2/5 ông B sau khi chết sẽ giao lại cho chồng bà và bà N mỗi người 1/5 tài sản. Nay ông B đã chết, bà H1 yêu cầu người đang quản lý tài sản là nhà đất trên thực hiện theo thỏa thuận trên.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 1764/2020/DS-ST ngày 01/10/2020 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

Tuyên xử: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn bà Nguyễn Thu N; Chấp nhận một phần yêu cầu của bà Nguyễn Thị H1.

1. Đình chỉ yêu cầu của bà Nguyễn Thu N về việc hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BB662256, số vào sổ cấp GCN:CH00562 ngày 25/3/2011 do Ủy ban nhân dân Quận 9 cấp cho ông Nguyễn Văn B và bà Trần Thị H.

2. Xác định hàng thừa kế của bà Phạm Thị T1 gồm: Ông NguyễnVăn B, ông Nguyễn Hữu T2, ông Nguyễn Thanh H2, bà Nguyễn Thu N.

- Xác định hàng thừa kế của ông Nguyễn Văn B gồm: Cụ Nguyễn Văn C, bà Trần Thị H, bà Nguyễn Thu N.

- Không chấp nhận yêu cầu của bà Nguyễn Thị H1 là di sản của bà Phạm Thị T1 là nhà và đất số 122 đường D1, Khu phố 6, phường Hiệp Phú, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Xác định di sản của bà Phạm Thị T1 để lại là ½ số tiền được đền bù thu hồi nhà đất là 599.925.000 (Năm trăm chín mươi chín triệu chín trăm hai mươi lăm ngàn) đồng.

- Bà Nguyễn Thị H1 được nhận phần thừa kế của ông Nguyễn Văn T2 được hưởng từ bà Phạm Thị T1 là 74.990.625 (Bảy mươi bốn triệu chín trăm chín mươi ngàn sáu trăm hai mươi lăm) đồng. Theo đó, bà N có trách nhiệm thanh toán cho bà H1 số tiền là 49.993.750 (Bốn mươi chín triệu chín trăm chín mươi ba ngàn bảy trăm năm mươi) đồng, cụ C có trách nhiệm thanh toán cho bà H1 số tiền là 24.996.875 (Hai mươi bốn triệu chín trăm chín mươi sáu ngàn tám trăm bảy mươi lăm) đồng.

- Bà Nguyễn Thu N được hưởng thừa kế của bà T1 số tiền là 149.981.250 (Một trăm bốn mươi chín triệu chín trăm tám mươi mốt ngàn hai trăm năm mươi) đồng. Theo đó, cụ C phải thanh toán cho bà N là 49.993.750 (Bốn mươi chín triệu chín trăm chín mươi ba ngàn bảy trăm năm mươi) đồng. Phần còn lại, bà N tự chịu trách nhiệm.

- Xác định di sản thừa kế của ông Nguyễn Văn B là ½ giá trị quyền sở hữu nhà đất tại số 122 đường D1, Khu phố 6, phường Hiệp Phú, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh được chia làm 03 phần cho các ông bà gồm: Cụ Nguyễn Văn C, bà Trần Thị H, bà Nguyễn Thu N.

- Ghi nhận sự tự nguyện của bà H cho lại bà N phần thừa kế được hưởng của ông B.

- Xác định phần thừa kế của bà N là 2/6 giá trị căn nhà, cụ C được 1/6 căn nhà, 3/6 giá trị còn lại thuộc sở hữu của bà H.

- Ghi nhận sự thỏa thuận của bà H, bà N, cụ C giao căn nhà số 122 đường D1, Khu phố 6, phường Hiệp Phú, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh cho cơ quan thi hành án phát mãi, sau khi trừ các chi phí liên quan đến việc phát mãi, số tiền còn lại sẽ chia cho bà H, bà N, cụ C theo tỷ lệ nêu trên.

Ngoài ra Bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và dành quyền thi hành án, quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 12/10/2020 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị H1 có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị H1 có ông Trần Trung N1 là người đại diện theo ủy quyền vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Ông Trần Trung N1 trình bày: Theo Tờ kê khai nhà đất năm 1999 do bà T1 kê khai thì nhà đất tại số 6/246A ấp Gò Cát, phường Tân Phú, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh là tài sản riêng của bà T1. Bà T1 mất 2001, thì đến năm 2002, căn nhà này nằm trong diện bị giải tỏa trắng và được nhận đền bù với số tiền 1.199.850.000 đồng cộng với một suất tái định cư, ông B đã thay mặt gia đình nhận tiền đền bù và dùng số tiền này mua nền tái định cư rồi cất nhà số 122 đường D1, KP6, phường Hiệp Phú, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh nên căn nhà này là di sản của bà T1. Theo đó, năm 2003 ông B là chồng bà T1 cùng ông T2 là con đến UBND phường Tân Phú lập Biên bản hòa giải số 11BB ngày 14/3/2003 để thỏa thuận chia di sản của bà T1, có mặt bà Nguyễn Thị N2 (em ruột của bà T1) chứng kiến. Các bên thống nhất chia di sản thành 5 phần, 3 chia lần lượt cho ông B, ông T2, chị N, 2 phần còn lại do ông B giữ để gửi ngân hàng để đứng tên với tư cách thừa kế. Như vậy ông B xác định ông là thừa kế của bà T1 chứ không phải là tranh chấp nhà đất này. Cách chia như chia thừa kế, tuy bà N không ký tên trong Biên bản nhưng bà N có mặt và chứng kiến vì trong thỏa thuận có quyền lợi của bà N, bà N không có ý kiến phản đối. Như vậy, thỏa thuận giữa ông B và ông T2 ký với nhau vì quyền lợi của người thứ 3 là bà N, nên Biên bản này được coi là sự thỏa thuận của ông B – ông T2 – bà N. Biên bản hòa giải số 11BB ngày 14/3/2003 được UBND phường Tân Phú lập theo đúng quy định, khi khởi kiện đã nộp bản sao cho Tòa án nhân dân Quận 9 và được Tòa án giao nhận đúng quy định (BL 188), có lập biên bản giao nhận, Tòa án xem xong thì trả lại cho chính Luật sư, trong hồ sơ có thể hiện biên bản giao nhận bản chính Biên bản hòa giải này nên được xem là chứng cứ hợp pháp. Nhưng tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử hỏi bà N có bản chính hoặc bản sao của Biên bản hòa giải không, thì bà N đáp bà chỉ có bản photo mà không hỏi bà H1 để yêu cầu cung cấp, trong khi Tòa án đã từng được nhận và kiểm tra Biên bản hòa giải này rồi, sau đó lại căn cứ vào lời khai chỉ có bản photo của bà N để kết luận Biên bản hòa giải này không có giá trị vì là bản photo là không khách quan. Theo diễn biến phiên tòa sơ thẩm, khi Hội đồng xét xử hỏi bà H1 căn cứ vào Biên bản hòa giải yêu cầu chia tài sản phải không thì bà H1 trả lời đúng, và hỏi vậy bà có biết tờ khai nhà đất có biết do ai là người đứng tên kê khai không thì lúc đó bà H1 không nhớ, thì Chủ tọa có nhắc là do bà T1, ông B đứng tên kê khai. Vậy thì hỏi tiếp bà H1 có cơ sở gì nói tài sản này là của riêng bà T1 không, thì tình huống đó bà H1 mới nói vậy là tải sản chung. Nhưng qua kiểm tra lại thì tờ khai chỉ có tên bà T1, còn ông B là trong mục vợ chồng thôi thì tại sao Tòa án, Viện kiểm sát lại ngộ nhận giống nhau vậy, mục đích là muốn chứng minh là tài sản chung để quyền lợi của bà H1 bớt đi. Từ đó chứng minh đây là tài sản riêng của bà T1, ông B cũng xác định ông là thừa kế của bà T1 thì không có căn cứ xác định đây là tài sản chung. Phải căn cứ Biên bản hòa giải số 11BB ngày 14/3/2003 thì bà H1 phải được hưởng 1/5, cụ thể là 1/5 giá trị căn nhà tranh chấp, nếu chỉ chia tiền bồi thường thì số tiền Hương được hưởng là 543.585.100 đồng (cả gốc lẫn lãi). Đồng thời, lời khai của bà N có sự mâu thuẫn khi thay đổi lập trường cùng phía với bị đơn nên mới yêu cầu rút lại yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BB662256, số vào sổ cấp GCN:CH00562 ngày 25/3/2011 do Ủy ban nhân dân Quận 9 cấp cho ông Nguyễn Văn B và bà Trần Thị H nhưng trong trường hợp GCN QSDĐ này có ảnh hưởng quyền lợi của người khác thì Tòa án có quyền giải quyết theo quy định. Từ những trình bày trên, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập, sửa toàn bộ bản án sơ thẩm theo hướng cho bà Nguyễn Thị H1 được hưởng 1/5 giá trị căn nhà và đất tranh chấp có địa chỉ tại số 122 đường D1 khu phố 6, phường Hiệp Phú, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguyên đơn bà Nguyễn Thu N trình bày: Bà N khởi kiện yêu cầu chia thừa kế nhưng căn nhà đang tranh chấp là do ông B và bà H xây, còn bà H1 là chị dâu của bà nhưng gia đình không thừa nhận, trước nay không sống chung, không liên lạc, do đó bà N không đồng ý yêu cầu kháng cáo của bà H1, đề nghị giữ nguyên Bị đơn bà Trần Thị H có ông Phạm Bính Khiêm là người đại diện theo ủy quyền trình bày: Bà H không đồng ý với yêu cầu độc lập của bà H1 vì căn nhà số 122 đường D1, KP6, phường Hiệp Phú, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh là tài sản của bà và ông B. Vì Biên bản hòa giải số 11BB ngày 14/3/2003 được lập tại UBND phường Tân Phú không có giá trị, không phải là thỏa thuận nhận di sản, không phải hợp đồng hay giao dịch nên bản chất không thi hành được, không bị bắt buộc thi hành. Lời khai của bà Nguyễn Thị Nết không có giá trị xem xét vì bà N2không phải người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan hoặc là người làm chứng trong vụ án, bà N2có ý kiến trong vụ án là do bà N2xông vào Tòa án nhân dân Quận 9 tự cung cấp lời khai và đã bị Tòa án mời ra ngoài chứ không phải được tham gia vụ án này với tư cách tố tụng nào. Hơn nữa, GCN QSDĐ năm 2011 được cấp cho ông B, bà H (BL 177) sau khi họ kết hôn nên phải được công nhận đây là tài sản chung của ông B, bà H vì nguồn gốc nhà đất này là do mua đất của nhà nước và tự bỏ tiền xây nhà. Phía bà H1 cho rằng đất này được cấp cho hộ cũng không đúng vì đất cấp năm 2011 thì cũng không có phần của ông T2 vì ông T2 đã chết từ năm 2003, ông T2 không liên quan đến phần đất này. Việc ông Trần Trung N cho rằng ông bị động ở phiên tòa sơ thẩm và không thể bảo vệ được quyền lợi của bà H1 là do bà N mời Luật sư khác là không đúng, vụ án được Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thụ lý giải quyết trong gần 2 năm, mở rất nhiều phiên hòa giải nhưng chỉ có bà H1 tham gia, đến khi mở phiên tòa thì ông Nghĩa mới xuất hiện thì không thể nói vì bà N thay đổi lời trình bày nên ông không chuẩn bị kịp bài bảo vệ được. Bà H chỉ yêu cầu được nhận phần thừa kế của bà, còn phần thừa kế của ông B thì bà H để lại cho những người thừa kế của ông B.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cụ Nguyễn Văn C có bà Nguyễn Thị C1 là người đại diện theo ủy quyền trình bày: Cụ C xác định nhà đất tại số 122 đường D1, KP6, phường Hiệp Phú, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn B và bà Trần Thị H. Cụ yêu cầu được nhận kỷ phần của cụ theo quy định của pháp luật.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm: Về thủ tục tố tụng: Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa và thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Đơn kháng cáo của bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan hợp lệ nên đề nghị được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

Về nội dung vụ án: Xét kháng cáo của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị H1, bà H1 căn cứ vào chứng cứ là Biên bản hòa giải số 11BB ngày 14/3/2003 được lập tại UBND phường Tân Phú nhưng thấy rằng lời trình bày này đã được cấp sơ thẩm xem xét làm rõ về hàng thừa kế, cách chia theo bản án sơ thẩm cũng đã phù hợp quy định. Ngoài ra bà H1 có kháng cáo nhưng không có chứng cứ mới nên cấp phúc thẩm không có cơ sở để xem xét cho kháng cáo của bà, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo, giữ nguyên

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm, ý kiến của các đương sự, quan điểm của vị đại diện Viện kiểm sát. Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng:

[1.1] Đơn kháng cáo của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị H1 trong hạn luật định và hợp lệ nên được Hội đồng xét xử xem xét giải quyết theo trình tự phúc thẩm.

[1.2] Về việc xét xử vắng mặt của đương sự: Bị đơn bà Trần Thị H, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Văn C vắng mặt nhưng có người đại diện theo ủy quyền có mặt tại phiên tòa, Ủy ban nhân dân Quận 9 có người đại diện theo ủy quyền là bà Nguyễn Thị Kim P có đơn xin xét xử vắng mặt nên Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1, khoản 3 Điều 228 Bộ Luật tố tụng dân sự, Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt bà H, ông C và Ủy ban nhân dân Quận 9.

[2] Xét kháng cáo của bà Nguyễn Thị H: [2.1] Về hàng thừa kế:

[2.1.1] Hàng thừa kế của bà Phạm Thị T1:

Bà T1 kết hôn với ông Nguyễn Văn B vào năm 1977. Bà T1 và ông B có 03 người con chung gồm: Nguyễn Hữu T2, Nguyễn Thanh H2 và Nguyễn Thu N. Ngày 05/9/2001 bà T1 chết, không để lại di chúc. Xét hàng thừa kế thứ nhất của bà T1 theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015: cha mẹ của bà T1 chết trước bà T1, vậy những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà T1 còn lại: chồng là ông Nguyễn Văn B, các con gồm ông Nguyễn Hữu T2, ông Nguyễn Thanh H2 và bà Nguyễn Thu N. Sau khi bà T1 chết, những người nêu trên chưa di khai nhận di sản thừa kế thì đến ngày 24/10/2001 ông Nguyễn Thanh H2 chết, không có vợ con, người thừa hế hàng thứ nhất của ông H2 là cha ruột là ông Nguyễn Văn B; năm 2003 ông Nguyễn Hữu T2 chết, ông T2 có vợ là bà Nguyễn Thị H1 (theo Giấy chứng nhận kết hôn số 79 ngày 13/9/2002 của UBND phường Tân Phú), hai người không có con chung, do đó xác định người thừa kế hàng thứ nhất của ông T2 là cha ruột là ông Nguyễn Văn B và vợ là bà Nguyễn Thị H1. Như vậy xác định những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà T1 cập nhật như sau: ông Nguyễn Văn B, bà Nguyễn Thị H1 và bà Nguyễn Thu N.

[2.1.2] Hàng thừa kế của ông Nguyễn Văn B:

Năm 2003, ông B kết hôn với bà Trần Thị H, không có con chung. Ông B chết ngày 28/7/2011, không để lại di chúc. Xét hàng thừa kế thứ nhất của ông B theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015: cha của ông B là cụ Nguyễn Văn C còn sống, mẹ của ông B là cụ Dương Thị G đã chết năm 1976, vợ kế của ông B là bà Trần Thị H còn sống, các con chung với bà T1 chỉ còn bà Nguyễn Thu N vì ông Nguyễn Thanh H2, Nguyễn Hữu T2 đã chết trước ông B, những người này không có con. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ Điều 651, 652 của Bộ luật Dân sự năm 2015 xác định những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông B gồm: Cụ Nguyễn Văn C (cha ruột), bà Trần Thị H (vợ), bà Nguyễn Thu N (con ruột) là có cơ sở, đúng pháp luật.

[2.2] Về di sản thừa kế:

[2.2.1] Về nguồn gốc đất và căn nhà tại số 122 đường D1, Khu phố 6, phường Hiệp Phú, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh:

Nguồn gốc đất ban đầu được xác định tại số 6/246A ấp Gò Cát, phường Tân Phú, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh do mẹ của bà T1 là cụ Nguyễn Thị T cho bà T1, sau khi bà T1 và ông B kết hôn thì vợ chồng sinh sống tại đây cho đến khi bà T1 mất và sau đó đất được Nhà nước thu hồi toàn bộ diện tích vào năm 2003 khi làm dự án Xây dựng Khu Công nghệ cao Thành phố tại phường Tân Phú, Quận 9.

Khi thu hồi đất này, hộ ông B được Ủy ban nhân dân Quận 9 chi trả bồi thường bằng tiền theo 02 Quyết định số 1136/QĐ-UB.BBT và số 2782/QĐ- UB.BBT, tổng cộng là 1.199.850.000 đồng. Đồng thời, do trong diện giải tỏa trắng nên hộ ông B đủ điều kiện để được tái định cư tại khu tái định cư phường Hiệp Phú, Quận 9 và phải đóng tiền mua theo quy định của nhà nước là 1.000.000đ/m2. Theo đó hộ ông B đã được giao nền nhà lô số 153 có diện tích 91,7 m2 thuộc khu tái định cư theo Quyết định số 687/QĐ-UB.BBT. Ngày 15/12/2005, ông B được UBND Quận 9 cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AD 356746 đối với thửa đất này, sau đó giấy này được thay thế bằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BB662256, số vào sổ cấp GCN: CH00562 do Ủy ban nhân dân Quận 9 cấp ngày 25/3/2011 thì căn nhà số 122 đường D1, Khu phố 6, phường Hiệp Phú, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh cấp cho ông Nguyễn Văn B và bà Trần Thị H.

Hội đồng xét xử nhận thấy, GCNQSDĐ năm 2005 cấp cho ông B là sau thời điểm bà T1 chết đồng thời cũng sau thời điểm ông B kết hôn với bà H. Căn cứ nội dung Biên bản họp Hội đồng xét nguồn gốc đất, thời điểm xây dựng dự án Xây dựng Khu Công nghệ cao Thành phố (BL 60) ghi nhận thì phần đất này có nguồn gốc là do ông bà để lại cho ông B và theo Tờ đăng ký nhà đất lập ngày 07/8/1999 của bà T1 (BL 89) thì đất này cụ Nguyễn Thị T cho bà T1 nên bà T1 đứng tên tờ kê khai, tại mục họ và tên người đăng ký bà T1 đã ghi tên của bà và tên của ông B. Bà T1 cũng xác định nhà đất trên là tài sản của bà T1 và ông B.

Như vậy, lời trình bày của các đương sự trong vụ án và các lài liệu nêu trên phù hợp với nhau về nguồn gốc đất, xác định được phần đất có nguồn gốc ban đầu là đất do cụ Trâm cho bà T1 rồi ông B và bà T1 cùng quản lý, sử dụng đất từ năm 1977, đây là sự kiện không cần chứng minh. Ông B dù đã tái hôn với bà H, chung sống với bà H tại số 122 đường D1 nhưng bà H và bà N đều xác định tiền để mua đất là do ông B đóng, bà H không chứng minh được bà có góp tiền xây nhà. Nên phải xác định phần đất này là tài sản thuộc sở hữu chung của ông B và bà T1 nhưng do bà T1 đã chết nên chỉ còn ông B đứng tên GCN QSDĐ. GCN được cấp cho ông B và bà H năm 2011 là giấy thay thế cho GCN được cấp năm 2005 chứ không phải là căn cứ xác định đây là tài sản chung của ông B, bà H như lời trình bày của nguyên đơn. Vì vậy, cần xác định di sản của ông B, bà T1 chết để lại là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại địa chỉ số 122 đường D1, Khu phố 6, phường Hiệp Phú, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh theo GCN năm 2011 như lời trình bày của bà H1 là có căn cứ.

[2.2.2] Cấp sơ thẩm nhận định di sản của bà T1 để lại chỉ là số tiền bồi thường theo 02 Quyết định số 1136/QĐ-UB.BBT và số 2782/QĐ-UB.BBT, tổng cộng là 1.199.850.000 đồng và không có nền đất tái định cư vì nền đất tái định cư không nằm trong khoản đền bù khi thu hồi đất tại 6/246A ấp Gò Cát là chưa phù hợp. Bởi lẽ, quyền mua nền đất tái định cư được phát sinh từ việc thu hồi đất gốc tại 6/246A ấp Gò Cát, tức là phát sinh cùng thời điểm với di sản là tiền bồi thường. Nếu cấp sơ thẩm nhận định di sản của bà T1 chỉ có tiền bồi thường mà bỏ qua quyền mua này là chưa đánh giá nội dung vụ án một cách đầy đủ.

Mặc dù quyền mua nền tái định cư không phải là tài sản hữu hình để xem là di sản của bà T1 bằng hiện vật, nhưng quyền mua này phải được tính là nguồn gốc hình thành khối tài sản đang tranh chấp hiện tại. Bởi vì nếu không phải trường hợp thu hồi toàn bộ diện tích đất của cụ Trâm cho bà T1 thì hộ của ông B không được mua nền đất tái định cư với giá Nhà nước hỗ trợ. Hộ của ông B có quyền mua hoặc không mua phần đất được hỗ trợ có thu tiền này. Tuy nhiên, hộ của ông B nói chung và ông B nói riêng đã quyết định mua nền tái định cư, tức là sử dụng quyền mua có điều kiện nêu trên, đã biến quyền mua thành tài sản, có nghĩa là làm tăng giá trị di sản của bà T1 để lại. Do số tiền bồi thường 1.199.850.000 đồng các đương sự không có yêu cầu chia thừa kế đồng thời cũng không bên nào xác định được số tiền này hiện nay do ai quản lý, còn hay không, hàng thừa kế của ông B xác định ông B không còn tài sản nào khác nên Tòa án không có căn cứ xem xét. Do vậy Tòa án không chia phần tiền bồi thường mà xác định di sản trong vụ án này là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại địa chỉ số 122 đường D1, Khu phố 6, phường Hiệp Phú, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh như nhận định ở trên mới phù hợp.

[2.3] Về cách chia di sản thừa kế:

[2.3.1] Bà Nguyễn Thị H1 kháng cáo có nội dung xác định nhà và đất tại số 122 đường D1 là tài sản riêng của mẹ chồng bà là bà Phạm Thị T1, lập luận này là không có căn cứ như nhận định của Hội đồng xét xử tại mục [2.2.1]. Tuy vậy thì bà H1 vẫn xác định đúng di sản là nhà và đất tại số 122 đường D1. Theo đó, bà H1 và người đại diện theo ủy quyền của bà H1 căn cứ theo Biên bản hòa giải lập tại Ủy ban nhân dân phường Tân Phú số 11BB ngày 14/3/2003 để yêu cầu người đang quản lý di sản là nhà đất trên thực hiện theo thỏa thuận tại Biên bản hòa giải.

Hội đồng xét xử xét thấy, Biên bản hòa giải này được ông B, ông T2 lập có nội dung thỏa thuận theo hướng phân chia di sản của bà T1, tuy nhiên sự thỏa thuận này chỉ là sự tự nguyện ý chí tại thời điểm lập thỏa thuận chứ không có giá trị thực hiện. Bởi lẽ bà T1 mất không để lại di chúc, sau khi bà T1 mất những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà T1 chưa từng đi khai nhận di sản, việc thỏa thuận tại UBND phường Tân Phú cũng không đủ thành phần trong hàng thừa kế (thiếu ý kiến và chữ ký của bà N) nên Biên bản hòa giải không phải là thỏa thuận phân chia di sản thừa kế của bà T1 hợp pháp, đây đơn thuần chỉ là việc ghi nhận ý chí của ông B, ông T2 vì lý do cá nhân của họ. Hơn nữa, chủ thể thực hiện thỏa thuận là các bên trong thỏa thuận đã chết khi thỏa thuận chưa được thực hiện. Do đó, thỏa thuận trong Biên bản hòa giải không thể thực hiện được do chủ thể thỏa thuận không còn và không có điều kiện khác ràng buộc người nào không có tên trong Biên bản hòa giải thực hiện nghĩa vụ. Vì vậy yêu cầu của bà H1 về việc chia di sản của bà T1 theo Biên bản hòa giải là không có căn cứ nên Hội đồng xét xử không chấp nhận.

Do bà Phạm Thị T1 và ông Nguyễn Văn B chết không để lại di chúc nên căn cứ khoản 1 Điều 650 Bộ luật dân sự 2015 để chia thừa kế theo pháp luật di sản do họ chết để lại.

[2.3.2] Di sản là đất và căn nhà tại số 122 đường D1 có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BB662256, số vào sổ cấp GCN: CH00562 do Ủy ban nhân dân Quận 9 cấp ngày 25/3/2011 cấp cho ông Nguyễn Văn B và bà Trần Thi Hoa, được Công ty TNHH Thẩm định giá Sài Gòn thẩm định ngày 30/6/2020 (BL 341-355] có giá trị nhà đất tranh chấp là 7.617.112.400 đồng, trong đó giá trị đất là 6.761.224.000 đồng, giá trị công trình trên đất là 855.888.000 đồng.

Do xác định bà Trần Thị H không phải là đồng sở hữu di sản như lập luận tại mục [2.2.1] về nguồn gốc di sản, nhưng sau khi ông B mất cho đến nay bà H đã có quá trình quản lý di sản, có công gìn giữ di sản để di sản được tăng giá trị lên như hiện nay nên Hội đồng xét xử xem xét cho bà H được hưởng phần công sức này với mức 10% giá trị di sản tại thời điểm định giá (7.617.112.400 đồng), tương đương với 761.711.240 đồng. Sau khi trừ đi số tiền công sức gìn giữ, quản lý di sản nêu trên thì di sản của ông B, bà T1 có giá trị còn lại là 6.855.401.160 đồng. Đây là giá trị tài sản chung của ông B và bà T1 nên cần xác định di sản thừa kế do từng người để lại cho các người thừa kế là ½ của 6.855.401.160 đồng, tương đương mỗi người để lại là 3.427.700.580 đồng.

[2.3.3] Chia di sản thừa kế của bà Phạm Thị T1:

Theo mục [2.1.1], di sản của bà T1 có giá trị 3.427.700.580 đồng được chia làm 04 suất thừa kế (mỗi suất là 856.925.145 đồng) cho ông B, ông H2, ông T2, bà N, tương đương mỗi người được hưởng ¼ giá trị di sản thừa kế.

Sau khi cập nhật hàng thừa kế thứ nhất của bà T1 thì các suất được chia thành 04 suất lần lượt như sau: ông Nguyễn Văn B 01 suất, ngoài ra ông B còn được hưởng 01 suất thừa kế của ông Nguyễn Thanh H2 chết để lại, ½ suất thừa kế của ông Nguyễn Hữu T2 (1⁄8 giá trị di sản thừa kế); bà Nguyễn Thị H1 được hưởng ½ suất thừa kế của ông Nguyễn Hữu T2 (1⁄8 Nguyễn Thu N 01 suất.

giá trị di sản thừa kế); bà Như vậy, di sản thừa kế của bà Phạm Thị T1 được chia như sau:

- Ông Nguyễn Văn B: 856.925.145 đồng + 856.925.145 đồng + (856.925.145 đồng ÷ 2) = 2.142.312.862,5 đồng.

- Bà Nguyễn Thị H1: 856.925.145 đồng ÷ 2 = 428.462.572,5 đồng.

- Bà Nguyễn Thu N: 856.925.145 đồng.

[2.3.4] Ông Nguyễn Văn B sau khi được nhận thừa kế từ bà T1 số tiền 2.142.312.862,5 đồng thì di sản của ông B được xác định là: 3.427.700.580 đồng + 2.142.312.862,5 đồng = 5.570.013.442,5 đồng. Được chia thành 03 suất (mỗi suất là 1.856.671.147,5 đồng) cho hàng thừa kế thứ nhất của ông B gồm cụ Nguyễn Văn C, bà Trần Thị H, bà Nguyễn Thu N, tương đương mỗi người được hưởng 1⁄3 giá trị di sản thừa kế.

Di sản thừa kế của ông Nguyễn Văn B được chia như sau:

- Cụ Nguyễn Văn C: 1.856.671.147,5 đồng.

- Bà Trần Thị H: 1.856.671.147,5 đồng.

- Bà Nguyễn Thu N: 1.856.671.147,5 đồng.

[2.3.5] Tại cấp sơ thẩm, bà H có ý kiến thống nhất để lại phần thừa kế của bà được hưởng từ ông B sẽ cho lại bà N. Theo đó suất thừa kế của bà H từ ông B có giá trị 1.856.671.147,5 đồng sẽ chuyển sang cho bà N theo nguyện vọng của bà H. Như vậy, sau khi chia thừa kế di sản của ông B, bà T1 thì bà Nguyễn Thu N được nhận phần thừa kế có giá trị: 856.925.145 đồng + 1.856.671.147,5 đồng x 2 = 4.570.267.440 đồng.

Đồng thời, tại cấp sơ thẩm, bà H đã thống nhất với hàng thừa kế của ông B về việc giao căn nhà số 122 đường D1 cho cơ quan thi hành án phát mãi, sau khi trừ các chi phí liên quan đến việc phát mãi, số tiền còn lại sẽ chia cho bà H, bà N, cụ C. Nhưng tại thời điểm thỏa thuận, các bên hiểu rằng tài sản nêu trên là tài sản chung của ông B và bà H nhưng tại cấp phúc thẩm, tài sản nêu trên được xác định là di sản do bà T1, ông B chết để lại. Hiện nay bà H là người hiện đang quản lý di sản, đã thỏa thuận được với hàng thừa kế của ông B, đây là ý chí của các đương sự cần được tôn trọng, đồng thời không ai có nguyện vọng nhận phần thừa kế bằng hiện vật, sự thỏa thuận này không trái quy định, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi ích của người có quyền thừa kế khác nên Hội đồng xét xử nhận thấy nguyện vọng phát mãi di sản để chia theo phần cho các người thừa kế sau khi trừ đi phần tiền công sức của bà H và chi phí luật định là phù hợp nên được chấp nhận.

[3] Về yêu cầu tính lãi của bà H1 đối với số tiền là phần thừa kế mà bà yêu cầu đối với di sản của bà T1 là không có căn cứ nên Hội đồng xét xử không chấp nhận.

Từ những lập luận nêu trên, xét thấy kháng cáo của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị H1 là có căn cứ, nên Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của bà, sửa một phần bản án sơ thẩm. Quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát, ý kiến của nguyên đơn và người đại diện theo ủy quyền của bị đơn là không phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên không được chấp nhận.

[4] Về án phí [4.1] Án phí dân sự sơ thẩm:

- Bà Nguyễn Thu N phải chịu án phí trên số tiền 4.570.267.440 đồng là giá trị phần thừa kế bà được nhận, tương ứng là 112.570.267,44 đồng.

- Bà Trần Thị H không phải chịu án phí trên phần 761.711.240 đồng tiền công sức đóng góp mà bà được hưởng từ di sản. Án phí của số tiền này sẽ do các người thừa kế khác chịu (theo quy định tại Khoản 7 Điều 27 của Nghị quyết số 326 và Mục 10 tại Văn bản số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao). Án phí trên phần 761.711.240 đồng là 34.468.449,6 đồng được chia đôi cho 2 phần thừa kế của ông B và bà T1. Bà H1 được hưởng kỷ phần ít hơn bà N trong phần di sản của bà T1, không có phần trong di sản của ông B; bà N nhận kỷ phần từ bà H, cụ C hưởng phần ít hơn bà N trong phần di sản của ông B. Do vậy các người thừa kế sẽ phải chịu án phí tương đương phần mình được hưởng, cụ thể nên bà H1 sẽ chịu 8.617.112,4 đồng, cụ C chịu 5.744.741,6 đồng, bà N chịu 20.106.595,6 đồng.

- Cụ Nguyễn Văn C phải chịu án phí trên số tiền 1.856.671.147,5 đồng là giá trị phần thừa kế bà được nhận, tương ứng là 67.700.134,425 đồng. Nhưng do cụ C là người cao tuổi nên được miễn nộp án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326.

- Bà Nguyễn Thị H1 phải chịu án phí trên số tiền 428.462.572,5 đồng là giá trị phần thừa kế bà được nhận, tương ứng là 21.138.502,9 đồng.

[4.2] Án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo được chấp nhận nên người có kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Áp dụng Luật Người cao tuổi năm 2009; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.

- Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị H1. Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 1764/2020/DS-ST ngày 01/10/2020 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuyên xử:

1. Đình chỉ yêu cầu của bà Nguyễn Thu N về việc hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BB662256, số vào sổ cấp GCN:CH00562 ngày 25/3/2011 do Ủy ban nhân dân Quận 9 cấp cho ông Nguyễn Văn B và bà Trần Thị H.

2. Xác định hàng thừa kế của bà Phạm Thị T1 gồm: Ông Nguyễn Văn B, ông Nguyễn Hữu T2, ông Nguyễn Thanh H2, bà Nguyễn Thu N.

- Xác định hàng thừa kế của ông Nguyễn Văn B gồm: Cụ Nguyễn Văn C, bà Trần Thị H, bà Nguyễn Thu N.

3. Xác định di sản thừa kế của bà Phạm Thị T1 và ông Nguyễn Văn B là đất và căn nhà tại số 122 đường D1 có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BB662256, số vào sổ cấp GCN: CH00562 do Ủy ban nhân dân Quận 9 cấp ngày 25/3/2011 cấp cho ông Nguyễn Văn B và bà Trần Thị H.

4. Di sản thừa kế của bà Phạm Thị T1 có giá trị 3.427.700.580 được chia như sau:

- Phần thừa kế ông Nguyễn Văn B được hưởng là ¼ giá trị di sản thừa kế là 2.142.312.862,5 đồng.

- Phần thừa kế bà Nguyễn Thị H1 được hưởng là 1⁄8 giá trị di sản thừa kế là 428.462.572,5 đồng.

- Phần thừa kế bà Nguyễn Thu N được hưởng là ¼ giá trị di sản thừa kế là 856.925.145 đồng.

5. Di sản thừa kế của ông Nguyễn Văn B có giá trị 5.570.013.442,5 đồng được chia như sau:

- Phần thừa kế cụ Nguyễn Văn C được hưởng là 1⁄3 giá trị di sản thừa kế là 1.856.671.147,5 đồng.

- Phần thừa kế bà Trần Thị H được hưởng là 1⁄3 giá trị di sản thừa kế là 1.856.671.147,5 đồng. Ghi nhận sự tự nguyện của bà H cho lại bà Nguyễn Thu N phần thừa kế được hưởng của ông Nguyễn Văn B.

- Phần thừa kế bà Nguyễn Thu N hưởng là 1⁄3 giá trị di sản thừa kế là 1.856.671.147,5 đồng. Tổng cộng giá trị thừa kế của bà Nguyễn Thu N được hưởng từ bà Phạm Thị T1 và ông Nguyễn Văn B sau khi nhận thêm phần từ bà Trần Thị H chuyển qua là 4.570.267.440 đồng.

6. Ghi nhận sự thỏa thuận của bà Trần Thị H, bà Nguyễn Thu N, cụ Nguyễn Văn C về việc giao di sản là đất và căn nhà số 122 đường D1, Khu phố 6, phường Hiệp Phú, Quận 9 (nay là thành phố Thủ Đức), Thành phố Hồ Chí Minh cho cơ quan thi hành án phát mãi, sau khi trừ các chi phí liên quan đến việc phát mãi số tiền thi hành được sẽ chia có các người thừa kế của bà Phạm Thị T1, ông Nguyễn Văn B theo tỉ lệ đã xác định nêu trên.

7. Về án phí:

7.1 Án phí dân sự sơ thẩm:

- Bà Nguyễn Thu N phải chịu 132.676.863,04 đồng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí mà bà N đã nộp là 2.575.000 đồng theo Biên lai thu số AA/2012/05416 ngày 31/7/2014 và 3.000.000 đồng theo Biên lai thu số AA/2012/06243 ngày 16/3/2015 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 9. Bà N còn phải nộp số tiền là 127.101.863,04 đồng.

- Bà Trần Thị H không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

- Bà Nguyễn Thị H1 phải chịu 29.755.615,3 đồng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí mà bà H1 đã nộp là 5.000.000 đồng theo Biên lai đã thu số AA/2012/06244 ngày 16/3/2015 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 9. Bà H1 còn phải nộp 24.755.615,3 đồng.

- Cụ Nguyễn Văn C được miễn miễn nộp án phí dân sự sơ thẩm.

7.2 Án phí dân sự phúc thẩm: Hoàn trả cho bà Nguyễn Thị H1 số tiền 300.000 đồng tạm tứng án phí phúc thẩm đã nộp theo Biên lai thu số 0092999 ngày 09/11/2020 tại Cục thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh.

Bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

200
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản, tài sản chung và hủy quyết định cá biệt số 262/2022/DS-PT

Số hiệu:262/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 25/04/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về