Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 76/2024/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 76/2024/DS-PT NGÀY 07/03/2024 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Ngày 07 tháng 3 năm 2024 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, xét xử phúc thẩm công khai, vụ án thụ lý số: 194/2023/TLPT-DS ngày 03 tháng 4 năm 2023 về việc “Tranh chấp thừa kế tài sản”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2023/DS-ST ngày 20 tháng 02 năm 2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 321/2023/QĐ-PT ngày 20 tháng 02 năm 2024, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Phạm Văn D - Sinh năm 1963; Cư trú tại: Số E, ấp H, xã H, huyện L, tỉnh Vĩnh Long (Có mặt).

Người đại diện hợp pháp của ông Phạm Văn D: Ông Bùi Văn K - Sinh năm 1992; Cư trú tại: số B, P, Phường D, thành phố V, tỉnh Vĩnh Long (theo văn bản ủy quyền ngày 18/01/2021 – Có mặt).

- Bị đơn:

1. Bà Phạm Thị H - Sinh năm 1950; Cư trú tại: Số D, đường H, Phường A, thành phố V, tỉnh Vĩnh Long (Có mặt).

2. Bà Phạm Thị B - Sinh năm 1950; Cư trú tại: Số E, ấp H, xã H, huyện L, tỉnh Vĩnh Long (Có mặt).

3. Ông Phạm Văn T - Sinh năm 1956; chết ngày 29/01/2023; nơi cư trú trước khi chết: Số A, ấp H, xã H, huyện L, tỉnh Vĩnh Long.

Những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông T:

3.1. Bà Lê Thị M – Sinh năm 1959; Cư trú tại: Số A ấp H, xã H, huyện L, tỉnh Vĩnh Long (Vợ ông T, Có mặt).

3.2. Ông Phạm Thành N – Sinh năm 1980; Cư trú tại: Số A Ấp H, xã H, huyện L, tỉnh Vĩnh Long (Con ông T, Vắng mặt).

3.3. Bà Phạm Lê Thủy K1 – Sinh năm 1981; Cư trú tại: Số D B, Phường A, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh (Con ông T, Vắng mặt).

3.4. Ông Phạm Quang H1 – Sinh năm 1986; Cư trú tại: Số A ấp H, xã H, huyện L, tỉnh Vĩnh Long (Con ông T, Vắng mặt).

Người đại diện hợp pháp của ông N, bà K1 và ông H1: Bà Lê Thị M - Sinh năm 1959; Cư trú tại: Số A ấp H, xã H, huyện L, tỉnh Vĩnh Long (theo văn bản ủy quyền ngày 03/02/2023 – Có mặt).

4. Bà Phạm Thị Bé C - Sinh năm 1965; Cư trú tại: Số E, ấp H, xã H, huyện L, tỉnh Vĩnh Long (Có mặt).

Người đại diện hợp pháp của bà Phạm Thị Bé C: Bà Phạm Thị B - Sinh năm 1950; Cư trú tại: Số E, ấp H, xã H, huyện L, tỉnh Vĩnh Long (theo văn bản ủy quyền ngày 07/02/2022 – Có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị đơn: Luật sư Trần Hoàng T1, Văn phòng luật sư Trần Bá T2 thuộc Đoàn luật sư tỉnh V (Có mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Trần Thị Mai L - Sinh năm 1965; Cư trú tại: Số E, ấp H, xã H, huyện L, tỉnh Vĩnh Long (Có mặt).

2. Bà Phạm Thị H2 - Sinh năm 1955; Cư trú tại: Số A, L, Phường A, thành phố V, tỉnh Vĩnh Long (Có mặt).

3. Ông Phạm Văn Q - Sinh năm 1954; Cư trú tại: Số E, R, F, Australia (Vắng mặt).

Người đại diện hợp pháp của ông Phạm Văn Q: Bà Nguyễn Thị Hồng P - Sinh năm 1960; Cư trú tại: Số G, đường C, Phường A, thành phố V, tỉnh Vĩnh Long (theo văn bản ủy quyền ngày 01/5/2022 – Có mặt).

- Người kháng cáo: Bị đơn Phạm Thị H, Phạm Thị B, Phạm Thị Bé C và những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bị đơn Phạm Văn T và bà Phạm Thị H2 là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Trong đơn khởi kiện ngày 19/01/2021, đơn khởi kiện sửa đổi, bổ sung ngày 30/11/2022 và trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án, nguyên đơn ông Phạm Văn D (do ông Bùi Văn K đại diện) trình bày:

Cha ông D là cụ Phạm Văn M1 (chết năm 2017) và mẹ là cụ Nguyễn Thị T3 (chết năm 2010) có tất cả 07 người con ruột gồm: bà Phạm Thị H, bà Phạm Thị B, bà Phạm Thị H2, ông Phạm Văn T, ông Phạm Văn D, bà Phạm Thị Bé C và ông Phạm Văn Q. Ông M1 và bà T3 không có con nuôi. Sinh thời, cụ M1 và cụ T3 có các quyền sử dụng đất cụ thể như sau:

- Thửa đất số 55, tờ bản đồ số 0002, diện tích 797m2, loại đất thổ quả, tọa lạc tại ấp H, xã H, huyện L, tỉnh Vĩnh Long và thửa đất số 56, tờ bản đồ số 0002, diện tích 5.970m2, loại đất thổ quả, tọa lạc tại ấp H, xã H, huyện L, tỉnh Vĩnh Long. Sau khi cụ T3 chết, hai thửa đất 55 và 56 bà Phạm Thị B đã lập thủ tục sang tên từ cụ M1 sang bà B và bà B đã chuyển nhượng cho người khác.

- Thửa đất 365, tờ bản đồ số 0002, diện tích 1.770m2, loại đất thổ quả (nay là thửa đất 313, tờ bản đồ số 6, diện tích 1.603,1m2), loại đất ở và đất trồng cây lâu năm, tọa lạc tại ấp H, xã H, huyện L, tỉnh Vĩnh Long.

Trên thửa đất 365 này có căn nhà cấp 4 của cụ T3 và cụ M1; ông D và vợ ông D là bà Trần Thị Mai L đã sinh sống, chăm sóc, phụng dưỡng cụ T3 và cụ M1 tại căn nhà này cho đến khi cụ T3 và cụ M1 chết. Trong quá trình sống tại căn nhà này, ông D và bà L đã có cải tạo, sửa chữa lại căn nhà và có xây dựng công trình phụ trên đất. Hiện tại, ông D và bà L đang quản lý, sử dụng nhà, đất này và thờ cúng ông bà, tổ tiên; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì do bà B quản lý. Cụ T3 chết không để lại di chúc. Cụ M1 chết có để lại di chúc ngày 15/10/2013 nhưng di chúc của cụ M1 là không hợp pháp. Bà H, bà B, ông T và bà C cho rằng thửa đất 365 (nay là thửa 313) thuộc quyền sử dụng hợp pháp của các ông bà theo Bản di chúc này và thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông D nên ông D khởi kiện yêu cầu:

1. Vô hiệu Bản di chúc của cụ Phạm Văn M1 lập tại Văn phòng C1, công chứng ngày 15/10/2013.

2. Yêu cầu chia di sản thừa kế thửa đất số 365, tờ bản đồ số 0002, diện tích 1.770m2, loại đất thổ quả, tọa lạc tại ấp H, xã H, huyện L, tỉnh Vĩnh Long (nay là thửa 313, tờ bản đồ số 6, diện tích 1.603,1m2, loại đất ở và đất trồng cây lâu năm) như sau:

- Trong diện tích 1.603,1m2 có 53,1m2 là đất có mồ mả, loại đất trồng cây lâu năm, ông D không yêu cầu chia. Diện tích còn lại là 1.550m2, loại đất ở và đất trồng cây lâu năm, yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật thành 07 phần bằng nhau cho 07 người gồm: Bà H, bà B, ông T, bà C, ông Q, bà H2 và ông D, mỗi phần là 221m2, tương ứng giá trị là 50.830.000đ (theo kết quả định giá là 230.000đ/m2). Do ông D đang sinh sống và canh tác trên thửa đất này, các đồng thừa kế đều có nơi ở ổn định nên ông D yêu cầu được nhận toàn bộ quyền sử dụng đất và ông sẽ hoàn giá trị lại cho các đồng thừa kế.

- Đối với căn nhà của cụ M1 và cụ T3 để lại thì ông D đồng ý để dùng vào thờ cúng ông bà tổ tiên, không yêu cầu chia thừa kế, nếu căn nhà nằm trên phần đất của ai được chia thừa kế thì người đó quản lý.

* Tại các văn bản nêu ý kiến ngày 18/11/2021 và ngày 28/12/2022 và trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án, các bị đơn là bà Phạm Thị H, bà Phạm Thị B, ông Phạm Văn T, bà Phạm Thị Bé C trình bày:

Bà H, bà B, ông T và bà Chính xác n những người ở hàng thừa kế thứ nhất của cụ Phạm Văn M1 và cụ Nguyễn Thị T3 đúng như ông Phạm Văn D đã trình bày. Tài sản chung của của M1 và cụ T3 có quyền sử dụng đất là 1.770m2, loại đất thổ quả (nay là thửa đất 313, tờ bản đồ số 6, diện tích 1.603,1m2, loại đất ở và đất trồng cây lâu năm), tọa lạc tại ấp H, xã H, huyện L, tỉnh Vĩnh Long; ngoài ra còn có 01 căn nhà để thờ cúng tổ tiên. Thửa đất 313 hiện do cụ Phạm Văn M1 đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; còn căn nhà trên đất không có giấy chứng nhận quyền sở hữu. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa 313 hiện do bà Phạm Thị B giữ. Cụ T3 chết năm 2010, không để lại di chúc. Cụ M1 chết năm 2017, có để lại di chúc ngày 15/10/2013. Theo nội dung di chúc, cụ M1 để lại toàn bộ thửa đất 313 cho 04 người con gồm: Bà H, bà B, ông T và bà C; đối với căn nhà cấp 4 trên đất thì cụ M1 không để lại di chúc.

Ông D cho rằng ông D và bà L là người chăm sóc cha mẹ khi cha mẹ còn sống là không đúng. Qua yêu cầu khởi kiện của ông D, các bị đơn không đồng ý. Các bị đơn yêu cầu thực hiện chia thừa kế theo di chúc của cụ M1 để lại và theo quy định của pháp luật. Trường hợp buộc phải chia thừa kế theo pháp luật đối với thửa đất 313 thì các bị đơn yêu cầu được nhận bằng hiện vật và đồng ý hoàn trả cho ông D giá trị kỷ phần thừa kế mà ông D được nhận. Đối với căn nhà trên thửa đất 313 do cụ T3 và cụ M1 để lại thì các bị đơn không yêu cầu chia thừa kế mà đề nghị để cho bà H, bà B, ông T và bà C đồng quản lý để thờ cúng tổ tiên.

* Ngày 29/01/2023, ông T chết. Những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông T là bà Lê Thị M, ông Phạm Thành N, bà Phạm Lê Thủy K1 và ông Phạm Quang H1 có văn bản xác định các ông, bà vẫn giữ nguyên toàn bộ ý kiến và yêu cầu của ông T khi ông còn sống.

* Tại các văn bản nêu ý kiến ngày 19/11/2021 và ngày 28/12/2022 và trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Phạm Thị H2 trình bày:

Bà H2 thống nhất theo trình bày của các bị đơn. Trường hợp buộc phải chia thừa kế nhà đất thuộc thửa 313 theo pháp luật thì bà H2 yêu cầu được nhận bằng hiện vật, kỷ phần thừa kế của bà H2 thì bà H2 đồng ý gộp chung với kỷ phần thừa kế của các bị đơn; đối với căn nhà trên thửa đất 313 do cụ T3 và cụ M1 để lại thì bà H2 thống nhất với ý kiến của các bị đơn.

* Tại các văn bản nêu ý kiến ngày 07/01/2022 và ngày 28/12/2022 và trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Phạm Văn Q (do bà Nguyễn Thị Hồng P đại diện) trình bày:

Ông Q thống nhất theo trình bày của các bị đơn. Trường hợp buộc phải chia thừa kế nhà đất thuộc thửa 313 theo pháp luật thì ông Q yêu cầu được nhận bằng hiện vật, kỷ phần thừa kế của ông Q thì ông Q đồng ý gộp chung với kỷ phần thừa kế của các bị đơn; đối với căn nhà trên thửa đất 313 do cụ T3 và cụ M1 để lại thì ông Q thống nhất với ý kiến của các bị đơn.

* Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Trần Thị Mai L trình bày:

Bà thống nhất với trình bày của chồng bà là ông Phạm Văn D.

* Sau khi Tòa án ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử, ngày 28/12/2022, các đương sự là bà Phạm Thị H, Phạm Thị B, Phạm Văn Q, Phạm Thị H2, Phạm Văn T và Phạm Thị Bé C có văn bảy trình bày:

Các ông bà trình bày căn nhà số E ấp H, xã H, huyện L, tỉnh Vĩnh Long nằm trên thửa đất 313 là của cụ T3 và cụ M1 xây cất năm 1971. Các ông bà yêu cầu Tòa án xem xét chấp nhận cho các ông bà được quản lý và được hưởng thừa kế theo di chúc và theo pháp luật đối với căn nhà và đất này để các ông bà có nơi thờ cúng ông bà, cha mẹ và có nơi để con cháu của gia tộc được hội tụ về đốt nhang, cúng giỗ, chăm sóc mồ mả ông bà, cha mẹ. Nếu Tòa án xử buộc phải chia thừa kế cho ông D thì các ông bà đồng ý hoàn trả bằng tiền tương ứng với giá trị phần hưởng thừa kế của ông D, đồng ý trả cho ông D phần mà ông đã xây thêm và sửa chữa nhà và đồng ý hoàn trả toàn bộ số cây trồng mà ông D trồng trên đất theo giá mà Hội đồng định giá đã định.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 02/2023/DS-ST ngày 20/02/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn D.

1.1. Công nhận Bản di chúc của cụ Phạm Văn M1, được công chứng ngày 15/10/2013 tại Văn phòng C1, hợp pháp một phần đối với phần di sản của cụ Phạm Văn M1.

1.2. Chia thừa kế theo pháp luật đối với di sản của cụ Nguyễn Thị T3 và chia thừa kế theo di chúc đối với di sản của cụ Phạm Văn M1 là quyền sử dụng đất thuộc tách thửa số 313, tờ bản đồ số 6, diện tích 1.550m2, loại đất ở và đất trồng cây lâu năm, tọa lạc tại ấp H, xã H, huyện L, tỉnh Vĩnh Long. Cụ thể:

- Chia cho ông Phạm Văn D phần đất diện tích 804m2, trong đó có 150m2 đất ở và 654m2 đất trồng cây lâu năm, gồm các mốc c, b, 3, d, c, tách thửa 313-2, tờ bản đồ số 6, tọa lạc tại ấp H, xã H, huyện L, tỉnh Vĩnh Long, do cụ Phạm Văn M1 đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trên đất có căn nhà cấp 4 của cụ Nguyễn Thị T3 và cụ Phạm Văn M1 (đã được ông D cải tạo, sửa chữa lại), sân gạch, sân xi măng, cây trồng do ông Phạm Văn D và bà Trần Thị Mai L đang quản lý, sử dụng.

- Buộc ông Phạm Văn D có nghĩa vụ hoàn lại giá trị phần chênh lệch cho các đồng thừa kế, cụ thể:

+ H3 lại cho bà Phạm Thị H, bà Phạm Thị B, bà Phạm Thị Bé C và ông Phạm Văn T (có người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng là bà Lê Thị M, ông Phạm Thành N, bà Phạm Lê Thủy K1 và ông Phạm Quang H1) mỗi người 29.520.000đ (Hai mươi chín triệu năm trăm hai mươi nghìn đồng).

+ H3 lại cho ông Phạm Văn Q và bà Phạm Thị H2 mỗi người 22.280.000đ (Hai mươi hai triệu hai trăm tám mươi nghìn đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

- Chia cho bà Phạm Thị H, bà Phạm Thị B, bà Phạm Thị Bé C và ông Phạm Văn T (có người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng là bà Lê Thị M, ông Phạm Thành N, bà Phạm Lê Thủy K1 và ông Phạm Quang H1) phần đất diện tích 746,0m2, trong đó có 150m2 đất ở và 596m2 đất trồng cây lâu năm, gồm các mốc a, c, d, 4, a (không bao gồm các mốc 5, 6, 7, 8, 9, 10, 5), tách thửa 313-1, tờ bản đồ số 6, tọa lạc tại ấp H, xã H, huyện L, tỉnh Vĩnh Long, do cụ Phạm Văn M1 đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trên đất có các cây trồng của do ông Phạm Văn D trồng.

- Buộc ông Phạm Văn D và bà Trần Thị Mai L có nghĩa vụ giao phần đất tách thửa 313-1 nêu trên cho bà Phạm Thị H, bà Phạm Thị B, bà Phạm Thị Bé C và ông Phạm Văn T (có người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng là bà Lê Thị M, ông Phạm Thành N, bà Phạm Lê Thủy K1 và ông Phạm Quang H1) quản lý, sử dụng.

1.3. Giao căn nhà cấp 4 gắn liền tách thửa 313-2, tờ bản đồ số 6, tọa lạc tại ấp H, xã H, huyện L, tỉnh Vĩnh Long cho ông Phạm Văn D quản lý để làm nơi thờ cúng tổ tiên. Ghi nhận sự tự nguyện của ông D: Ông D không cản trở các anh chị em trong gia đình khi các anh chị em đến thắp hương cho ông bà, cha mẹ.

1.4. Giao phần đất có mồ mả diện tích 53,1m2, loại đất trồng cây lâu năm, gồm các mốc 5, 6, 7, 8, 9, 10, 5, thuộc tách thửa 313, tờ bản đồ số 6, tọa lạc tại ấp H, xã H, huyện L, tỉnh Vĩnh Long cho bà Phạm Thị H, bà Phạm Thị B, bà Phạm Thị Bé C, ông Phạm Văn T (có người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng là bà Lê Thị M, ông Phạm Thành N, bà Phạm Lê Thủy K1 và ông Phạm Quang H1), ông Phạm Văn D và bà Phạm Thị H2 cùng quản lý để chăm sóc mồ mả ông bà, cha mẹ của các đương sự.

1.5. Đối với cây trồng trên đất tranh chấp, các đương sự thống nhất tự thương lượng giải quyết nên Hội đồng xét xử không đặt ra giải quyết.

1.6. Ông D có quyền và nghĩa vụ kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất tách thửa 313-2; bà H, bà B, bà C và những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông T có quyền và nghĩa vụ kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất tách thửa 313-1; bà H, bà B, bà C, những người kế thừa quyền, nghĩa cụ tố tụng của ông T, bà H2 và ông D có quyền và nghĩa vụ kê khai, đăng ký quyền sử dụng tách thửa 313 (phần đất có mồ mả, diện tích 53,1m2) theo quy định của pháp luật.

(Theo Trích đo bản đồ địa chính khu đất ngày 29/8/2022 và ngày 12/12/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh V).

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên chi phí tố tụng, án phí dân sự sơ thẩm và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Ngày 06/3/2023, bị đơn Phạm Thị H, Phạm Thị B, Phạm Thị Bé C và những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bị đơn Phạm Văn T gồm Lê Thị M, Phạm Thành N, Phạm Lê Thủy K1, Phạm Quang H1 kháng cáo yêu cầu sửa bản án sơ thẩm phần chia di sản thừa kế theo pháp luật của Mẹ để lại mỗi kỷ phần là 96,87m2 và đồng ý cho thêm ông D hưởng tròn 200m2; yêu cầu giao quyền quản lý căn nhà của Ba M2 cho Phạm Thị Bé C quản lý làm nơi thờ cúng, không đồng ý cho ông D quản lý; đồng ý bồi hoàn những tài sản ông D xây dựng trên đất. Bà Phạm Thị H2 là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan kháng cáo yêu cầu giao phần di sản được hưởng bằng đất để làm lối đi, không đồng ý nhận giá trị đất.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Phạm Thị H, Phạm Thị B, Phạm Thị Bé C và những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bị đơn Phạm Văn T gồm Lê Thị M, Phạm Thành N, Phạm Lê Thủy K1, Phạm Quang H1; bà Phạm Thị H2 vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và trình bày: đối với phần đất ông D được nhận thừa kế 96m2 phía các bị đơn đồng ý cho thêm ông D cho đủ 300m2 trong đó có 100m2 đất ở, còn lại là đất vườn theo vị trí đã đo đạc và thẩm định tại chỗ. Toàn bộ phần đất còn lại các bị đơn nhận toàn bộ sử dụng chung và sẽ trả lại giá trị cho các đồng thừa kế khác; đối với căn nhà thì giao cho bà B1 Chính quản lý làm nơi thờ cúng, các bị đơn đồng ý trả lại giá trị các nhà công trình trên đất cho ông D theo định giá.

Bà Phạm Thị H trình bày: khi còn nhỏ ông D sống chung cha mẹ, đến năm 1984 ông D cưới vợ thì mẹ không sống chung được nên ra ở riêng; năm 1990 vợ chồng ông D về Phường C, thành phố V ở. Từ năm 2012- 2019 ông D đi chấp hành án tù nên các chị em cùng lo, ông D không có chăm sóc cha mẹ, khi mẹ mất thì bà B1 Chính trực tiếp chăm sóc cho cha cho đến khi mất. Chúng tôi yêu cầu nhận nhà thờ của cha mẹ để lại làm nơi thờ cúng và thống nhất giao cho bà Bé C quản lý.

Bà Phạm Thị H2 trình bày: xin thay đổi một phần kháng cáo đồng ý giao phần đất chia thừa kế 96m2 cho các bị đơn quản lý, không nhận giá trị, và các bị đơn có trách nhiệm dành lối đi thuận tiện cho gia đình đi ra đường công cộng trên phần đất này.

Bà Nguyễn Thị Hồng P trình bày: thống nhất theo án sơ thẩm.

Luật sư Trần Hoàng T1 tranh luận: các bị đơn thống nhất việc chia thừa kế như án sơ thẩm nhưng không đồng ý cách chia giao hiện vật di sản không hợp lý vì ông D nhận thừa kế chỉ có 96m2 đất nhưng lại được giao 804m2 và buộc trả giá trị cho các bị đơn và giao căn nhà thờ cho ông D nhận căn nhà trong khi cha mẹ còn sống ông D không sống chung, không chăm sóc, bà Bé C là chủ hộ đang ở thì bị ông D về giành lại nhà hiện bà không có chỗ ở, không chồng con, bà Bé C có công trực tiếp chăm sóc cha mẹ. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của các bị đơn sửa một phần bản án sơ thẩm về phần thừa kế ông D được chia 96m2 các bị đơn đồng ý cho thêm để đủ 300m2 có 100m2 đất ở để tạo nơi ở mới, giao toàn bộ phần đất còn lại cho các bị đơn cùng quản lý sử dụng, đối với nhà thờ giao cho bà B1 Chính quản lý sử dụng làm nơi thờ cúng. Phần đất thừa kế của bà H2 các bị đơn có trách nhiệm tạo điều kiện lối đi thuận tiện ra đường công cộng, không phải đền bù.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Bùi Văn K tranh luận: Thống nhất các di sản do cụ M1, cụ T3 để lại. Từ năm 1984 – 2012 vợ chồng ông D sống chung và trực tiếp nuôi dưỡng cha mẹ, riêng ông D năm 2012-2019 do phải đi chấp hành án mới không lo được nhưng vợ là bà L có chăm lo. Ông D có công sửa chữa nhà, trồng trọt trên đất, có nhu cầu sử dụng đất, hiện đang quản lý nhà thờ cúng, tuy phần thừa kế được chia ít nhưng có thời gian dài quản lý, sử dụng đất có công sức nên án sơ thẩm xử giao cho ông D quản lý, sử dụng hoàn trả giá trị đất cho các thừa kế khác là phù hợp nên đề nghị giữ y án sơ thẩm.

Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm:

Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, các đương sự tham gia tố tụng chấp hành đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Nội dung: Xét kháng cáo của Phạm Thị H, Phạm Thị B, Phạm Thị Bé C và những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bị đơn Phạm Văn T gồm Lê Thị M, Phạm Thành N, Phạm Lê Thủy K1, Phạm Quang H1 thấy rằng án sơ thẩm đã xem xét điều kiện của các bên, các đương sự kháng cáo nhưng không có chứng cứ gì mới nên đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo, giữ y án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được xem xét tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ ý kiến của các bên đương sự và quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định đúng quan hệ pháp luật tranh chấp, thụ lý và giải quyết vụ án đúng thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Các đương sự được triệu tập hợp lệ, có đơn xin vắng mặt, việc vắng mặt của các đương sự không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án nên Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vắng mặt theo quy định tại Điều 226 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

[2] Xét kháng cáo của bà Phạm Thị H, Phạm Thị B, Phạm Thị Bé C và những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bị đơn Phạm Văn T gồm Lê Thị M, Phạm Thành N, Phạm Lê Thủy K1, Phạm Quang H1, Hội đồng xét xử nhận thấy:

[2.1] Về di sản thừa kế: các đương sự trong hàng thừa kế đều thống nhất xác định: Thửa đất thửa 365, diện tích 1.770m2, loại đất thổ quả (nay là thửa đất 313, tờ bản đồ số 6, diện tích 1.603,1m2, loại đất ở và đất trồng cây lâu năm tọa lạc tại ấp H, xã H, huyện L, tỉnh Vĩnh Long do Ủy ban nhân dân huyện L ký cấp cho cụ Phạm Văn M1 ngày 30/6/1995 và 01 căn nhà cấp 4 để thờ cúng tổ tiên, đã được ông D sửa chữa, cải tạo lại, gồm các phần nhà đã được định giá: Nhà chính cấp 4, xây dựng năm 1972, hiện trạng có sửa chữa, cải tạo; nhà ở cấp 4 xây dựng năm 1976, liền kề nhà chính, hiện trạng có sửa chữa, cải tạo; nhà ở cấp 4, xây dựng năm 1990, liền kề nhà ở cấp 4 xây dựng năm 1976, hiện trạng có sửa chữa, cải tạo; nhà không có giấy chứng nhận quyền sở hữu.

[2.2] Về hàng thừa kế và việc chia thừa kế: cụ Nguyễn Thị T3 chết năm 2010, cụ Phạm Văn M1 chết năm 2017; cụ T3 và cụ M1 có tất cả 07 người con chung là bà Phạm Thị H, bà Phạm Thị B, ông Phạm Văn T, bà Phạm Thị Bé C, ông Phạm Văn Q, bà Phạm Thị H2 và ông Phạm Văn D; cụ T3 và cụ M1 không có con nuôi; cha mẹ của cụ T3 và cụ M1 đã chết trước cụ T3, cụ M1. Cụ T3 chết không để lại di chúc. Cụ M1 chết để lại di chúc là Bản di chúc được công chứng ngày 15/10/2013 tại Văn phòng C1. Theo nội dung Bản di chúc này thì cụ M1 đã quyết định để lại thừa kế toàn bộ quyền sử dụng đất thửa 365, diện tích 1.770m2, loại đất thổ quả (nay là thửa đất 313, tờ bản đồ số 6, diện tích 1.603,1m2, loại đất ở và đất trồng cây lâu năm) cho 04 người con ruột của cụ M1 là bà H, bà B, ông T và bà C; Bản di chúc không đề cập đến căn nhà cấp 4 gắn liền đất. Việc cụ M1 lập di chúc định đoạt luôn phần tài sản (quyền sử dụng đất) không thuộc quyền sử dụng của cụ M1 là vượt quá quyền về tài sản và không đúng quy định tại Điều 197 và Điều 198 của Bộ luật Dân sự năm 2005 nên Bản di chúc ngày 15/10/2013 của cụ M1 chỉ có hiệu lực đối với phần tài sản của cụ M1, phần còn lại của B2 di chúc không có hiệu lực, các đương sự thống nhất theo nhận định và phân chia kỷ phần thừa kế như bản án sơ thẩm: Phần di sản của cụ T3 được chia thừa kế theo pháp luật cho 08 người thừa kế gồm: Cụ M1, bà H, bà B, ông T (có người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng là bà M, ông N, bà K1 và ông H1), bà C, bà H2, ông Q và ông D; còn phần di sản của cụ M1 được chia thừa kế theo di chúc cho 04 người con ruột của cụ là bà H, bà B, ông T và bà C.

[2.3] Các đương sự không thống nhất, không thỏa thuận được phương thức chia bằng giá trị đất và giao nhận đất kỷ phần thừa kế, việc giao quyền quản lý căn nhà làm nơi thờ cúng cho ông Phạm Văn D. Hội đồng xét xử xem xét điều kiện của các đương sự để phân chia di sản, cụ thể:

[2.3.1] Căn cứ yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn D yêu cầu chia di sản mỗi phần được nhận 221m2, do ông là người đang sinh sống, quản lý di sản nên yêu cầu nhận toàn bộ quyền sử dụng đất sẽ hoàn lại giá trị cho những người thừa kế khác và do các anh chị đều có nơi ở ổn định. Tuy nhiên, xét thấy phần di sản được chia cho ông D chỉ có một suất thừa kế của cụ T3 là: 96,87m2 (đất) là một diện tích rất nhỏ trên tổng số 1.550m2 đất di sản của 2 cụ M1 và cụ T3 mà các đồng thừa kế khác được nhận, các đồng thừa kế không thống nhất giao cho ông D và nhận giá trị. Tòa án cấp sơ thẩm nhận định các đồng thừa kế đều có nơi ở ổn định, ông D đang quản lý di sản lo thờ cúng, đã có công sức cải tạo, sửa chữa, làm thêm nhà và hiện không có chỗ ở nào khác để giao phần diện tích đất 804m2 và căn nhà thờ chưa hợp lý, không phù hợp với nguyện vọng, ý chí của người để lại di sản. Cụ thể: trước khi cụ T3 và cụ M1 qua đời ông D đã không cùng chung sống, chăm sóc hai cụ và không có thời gian quản lý di sản mà do bà Bé C và bà H, bà B, ông Q cùng lo; ông D đã được cha mẹ cho chổ ở khác ổn định cho đến năm 2019 khi các cụ qua đời mới về tranh giành với bà Bé C người có công sức trực tiếp nuôi dưỡng cha mẹ đang ở tại căn nhà này phải bỏ đi, hiện bà Bé C không có chỗ ở, phải đi làm thuê mướn. Căn cứ theo Tờ chúc ngôn ngày 20/6/1984 của cụ Phạm Văn M1 và bà Nguyễn Thị T3 khi phân chia di sản có ghi “… Phạm Văn D là con trai nhỏ nhứt trong gia đình không nghe lời giáo huấn vợ chồng tôi, không ở nhà làm ăn, tối ngày đi ăn nhậu, sài phá, vợ chồng tôi tuổi ngoài 64 không còn lao động nổi nên tạm thời để cho ba đứa con gái (Bé H- Bé ba – Bé Chính) quản lý nhà và số đất để thờ cúng ông, nếu sau này Phạm Văn D biết hối lỗi lo làm ăn và phục thiện gia đình tốt thì được thờ chúng ông bà, bằng không hối lỗi, không nghe lời mấy chị anh nó dạy bảo thì thì hai chị và em nó quản lý nhà đất nói trên nó không có quyền thưa kiện với pháp luật…”(BL114). Và Theo đơn từ con ngày 06/6/1984 của cụ Phạm Văn M1 và bà Nguyễn Thị T3 đối với Phạm Văn T và Phạm Văn D và giao 10 công đất vườn, và 01 cái nhà cho ba đứa con gái lo thờ cúng ông bà tổ tiên gởi cho Tòa án và có xác nhận của Tòa án nhân dân tỉnh Cửu Long ngày 20/6/1984 (BL 115) đều không thể hiện ý chí giao lại việc quản lý nhà thờ cho ông D nếu không chứng minh được việc hòa thuận, hiếu thảo, chí thú làm ăn.

[2.3.2] Do các đồng thừa kế không đồng ý giao hiện vật di sản thờ cúng và kỷ phần thừa kế là quyền sử dụng đất cho ông D để nhận giá trị và ông D không có chứng cứ nào khác để phản bác những cơ sở nêu trên nên Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của các bị đơn và sửa một phần bản án sơ thẩm đối với phần phân chia di sản như sau:

- Phần di sản của cụ T3 được chia thừa kế theo pháp luật cho 08 người thừa kế gồm: Cụ M1, bà H, bà B, ông T (có người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng là bà M, ông N, bà K1 và ông H1), bà C, bà H2, ông Q và ông D: 1.550m2 : 2 = 775m2 (đất), mỗi người được hưởng một kỷ phần bằng: 775m2 : 8 = 96,87m2 (đất). Như vậy, phần thừa kế của ông D là 96,87 m2 do không đủ điều kiện tách thửa các bị đơn đồng ý chia thêm cho ông D đủ 300m2 cạnh phần đất có nhà thờ cụ thể gồm: 100m2 đất ONT + 200m2 đất CLN thuộc thửa 313-3 và 313-4 có tứ cận các mốc:1,2,3,4,5,6,7,1 (Kết quả đo đạc hiện trạng khu đất ngày 26/10/2023 kèm theo).

Đối với ông Q là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thống nhất nhận giá trị nếu chia giá trị cho bà nên ông Q và bà H2 mỗi người được chia giá trị tương đương 01 kỷ phần bằng: 96,87m2 x 230.000đ/m2 = 22.280.100đ (tính tròn:

22.280.000đ). Bà H2 kháng cáo xin không nhận giá trị mà giao phần đất được hưởng cho bà H, bà B, bà Bé C và ông T nhận để mở lối đi trên đất cho gia đình bà H2 được các bị đơn đồng ý nên ghi nhận.

- Di sản của cụ M1: (1.550m2 : 2) + 96,87m2 = 871,87m2 (đất). Toàn bộ di sản này được chia theo di chúc cho 04 người gồm: Bà H, bà B, bà C và ông T;

mỗi người được hưởng 217,96m2 (đất). Ông T chết ngày 29/01/2023 nên những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông T là bà Lê Thị M, ông Phạm Thành N, bà Phạm Lê Thủy K1 và ông Phạm Quang H1 được nhận thừa kế phần của ông T.

Như vậy, bà H, bà B, ông T (có người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng là bà M, ông N, bà K1 và ông H1) và bà C mỗi người được hưởng: 96,87m2 + 217,96m2 = 314,83m2 (đất), 2 phần thừa kế của ông Q và bà H2 96,87m2 x 2; sau khi tặng cho thêm ông D thì tổng cộng diện tích đất 04 người được nhận 1.250m2 thuộc các thửa 313-1 diện tích 446m2 (Kết quả đo đạc hiện trạng khu đất ngày 26/10/2023 kèm theo) và thửa 313-2 diện tích 804m2 (theo Bảng trích đo bản đồ địa chính khu đất ngày 12/12/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh V).

- Đối với căn nhà cấp 4 của cụ T3 và cụ M1, các đương sự cũng thống nhất không yêu cầu chia thừa kế căn nhà này mà để làm nơi thờ cúng tổ tiên. Xét thấy, do căn nhà chính là nơi sinh sống của cụ M1 và cụ T3, hiện thờ cúng cha mẹ của các đương sự, bà Bé C được các đồng thừa kế xác định có công sức lớn từ khi cha mẹ còn sống trực tiếp chăm sóc, hiện không có chỗ ở được chỉ định quản lý nên được chấp nhận giao quyền quản lý nhà thờ cho bà Bé C cũng phù hợp với ý chí, nguyện vọng của cụ M1, cụ T3 trước khi qua đời. Đối với công sức quản lý, sửa chữa, cải tạo xây dựng của ông D bao gồm: Nhà ở cấp 4 diện tích 25,2m2 giá trị còn lại 31.970.513đồng, nhà tiền chế 33,28m2 giá trị còn lại 21.609.903đồng, một phần sân phơi được lát nền ông D trình bày sẽ tự tháo dỡ nếu giao cho bị đơn. Các bị đơn bà H, bà B, bà Bé C và thừa kế của ông T đồng ý bồi hoàn cho ông D, bà L toàn bộ giá trị nhà nêu trên tổng cộng: 53.579.416 đồng (làm tròn 53.579.500đồng) nên ghi nhận bà buộc liên đới bồi hoàn cho ông D. Ông D, bà L được quyền lưu cư 06 tháng kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật và có trách nhiệm ban giao toàn bộ phần đất 1.250m2 và nhà, vật kiến trúc trên đất cho các bị đơn quản lý sử dụng. Riêng một phần sân phơi ông D được quyền tháo dỡ vật liệu lát nền. Bà Bé C được nhận quản lý căn nhà cấp 4 gắn liền tách thửa 313-2, tờ bản đồ số 6, tọa lạc tại ấp H, xã H, huyện L, tỉnh Vĩnh Long để làm nơi thờ cúng tổ tiên. Ghi nhận sự tự nguyện của Bé C không cản trở các anh chị em trong gia đình khi các anh chị em đến thắp hương cho ông bà, cha mẹ.

[3] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do chấp nhận một phần kháng cáo, sửa một phần án sơ thẩm nên các đương sự không phải chịu án phí, tạm ứng án phí đã nộp được hoàn trả.

[4] Về chi phí tố tụng: chi phí thẩm định, đo đạc trong giai đoạn phúc thẩm tổng cộng 3.358.000đồng các bị đơn tự nguyện chịu và đã nộp xong nên ghi nhận.

[5] Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa đề nghị giữ y án sơ thẩm không phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên không được chấp nhận.

[6] Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ: khoản 2 Điều 308, khoản 2 Điều 309, khoản 2 Điều 266 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; điểm đ khoản 1 Điều 12; khoản 2, Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí và lệ phí Tòa án;

1. Chấp nhận kháng cáo của bị đơn Phạm Thị H, Phạm Thị B, Phạm Thị Bé C và những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bị đơn Phạm Văn T gồm Lê Thị M, Phạm Thành N, Phạm Lê Thủy K1, Phạm Quang H1; chấp nhận một phần kháng cáo của bà Phạm Thị H2. Sửa một phần bản án sơ thẩm về chia di sản bằng hiện vật, cụ thể tuyên:

Áp dụng: khoản 5 Điều 26, điểm c khoản 1 Điều 37, điểm a khoản 1 Điều 38, điểm c khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 157 và Điều 165 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 197 và Điều 198 của Bộ luật Dân sự năm 2005; các Điều 609, 623, 630, 635, 649, 650 và 651 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 100, Điều 166, Điều 169 và Điều 203 của Luật đất đai năm 2013; điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 26, Điều 27 của Nghị quyết số 326/UBNTVQH 14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn D:

1.1. Công nhận Bản di chúc của cụ Phạm Văn M1, được công chứng ngày 15/10/2013 tại Văn phòng C1, hợp pháp một phần đối với phần di sản của cụ Phạm Văn M1.

1.2. Chia thừa kế theo pháp luật đối với di sản của cụ Nguyễn Thị T3 và chia thừa kế theo di chúc đối với di sản của cụ Phạm Văn M1 là quyền sử dụng đất thuộc tách thửa số 313, tờ bản đồ số 6, diện tích 1.550m2, loại đất ở và đất trồng cây lâu năm, tọa lạc tại ấp H, xã H, huyện L, tỉnh Vĩnh Long. Cụ thể:

- Chia cho ông Phạm Văn D phần đất diện tích 96,87m2 và được các bị đơn tặng cho thêm 203,13m2, tổng cộng: 300m2, trong đó có 100m2 đất ONT và 200m2 CLN, gồm các mốc 1,2,3,4,5,6,7,1, tách thửa 313-3, 313-4, tờ bản đồ số 6, tọa lạc tại ấp H, xã H, huyện L, tỉnh Vĩnh Long, do cụ Phạm Văn M1 đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (theo Kết quả đo đạc hiện trạng khu đất ngày 26/10/2023 của Văn phòng đăng ký đất đai Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh V).

- Chia Bà H, bà B, ông T (có người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng là bà M, ông N, bà K1 và ông H1) và bà Bé C 1.250m2 trong đó có 200m2 đất ONT và 1050m2 đất CLN, gồm các thửa 313-1 diện tích 446m2 và thửa 313-2 diện tích 804m2, tờ bản đồ số 6, tọa lạc tại ấp H, xã H, huyện L, tỉnh Vĩnh Long, do cụ Phạm Văn M1 đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trên đất có căn nhà cấp 4 của cụ Nguyễn Thị T3 và cụ Phạm Văn M1 (đã được ông D cải tạo, sửa chữa lại), sân gạch, sân xi măng, cây trồng do ông Phạm Văn D và bà Trần Thị Mai L đang quản lý, sử dụng.

- Buộc ông Bà H, bà B, ông T (có người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng là bà M, ông N, bà K1 và ông H1) và bà Bé C có nghĩa vụ hoàn lại giá trị cho các đồng thừa kế, cụ thể:

+ Hoàn trả lại cho ông Phạm Văn D giá trị nhà ở cấp D, nhà tiền chế tổng cộng: 53.579.500 đồng (Năm mươi ba triệu năm trăm bảy mươi chín nghìn năm trăm đồng).

+ H3 lại giá trị kỷ phần thừa kế cho ông Phạm Văn Q số tiền:

22.280.000đồng (Hai mươi hai triệu hai trăm tám mươi nghìn đồng).

+ Mở lối đi thuận tiện cho gia đình bà Phạm Thị H2 đi trên phần đất được chia tương ứng kỷ phần thừa kế 96,87m2.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

- Buộc ông Phạm Văn D và bà Trần Thị Mai L có nghĩa vụ giao phần đất tách thửa 313-1 và thửa 313-2 nêu trên cho bà Phạm Thị H, bà Phạm Thị B, bà Phạm Thị Bé C và ông Phạm Văn T (có người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng là bà Lê Thị M, ông Phạm Thành N, bà Phạm Lê Thủy K1 và ông Phạm Quang H1) quản lý, sử dụng.

1.3. Giao căn nhà cấp 4 gắn liền tách thửa 313-2, tờ bản đồ số 6, tọa lạc tại ấp H, xã H, huyện L, tỉnh Vĩnh Long cho bà Phạm Thị Bé C quản lý để làm nơi thờ cúng tổ tiên. Ghi nhận sự tự nguyện của bà Bé C không cản trở các anh chị em trong gia đình khi các anh chị em đến thắp hương cho ông bà, cha mẹ.

Ông Phạm Văn D, bà Trần Thị Mai L và những người đang quản lý di sản được quyền lưu cư 6 tháng kể từ ngày tuyên án phúc thẩm và có nghĩa vụ bàn giao toàn bộ nhà và tài sản gắn liền với đất cho các bị đơn quản lý sử dụng.

1.4. Giao phần đất có mồ mả diện tích 53,1m2, loại đất trồng cây lâu năm, gồm các mốc 5, 6, 7, 8, 9, 10, 5, thuộc tách thửa 313, tờ bản đồ số 6, tọa lạc tại ấp H, xã H, huyện L, tỉnh Vĩnh Long cho bà Phạm Thị H, bà Phạm Thị B, bà Phạm Thị Bé C, ông Phạm Văn T (có người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng là bà Lê Thị M, ông Phạm Thành N, bà Phạm Lê Thủy K1 và ông Phạm Quang H1), ông Phạm Văn D và bà Phạm Thị H2 cùng quản lý để chăm sóc mồ mả ông bà, cha mẹ của các đương sự.

1.5. Các đương sự có quyền và nghĩa vụ kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

1.6. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

2. Về án phí dân sự phúc thẩm: Các đương sự không phải chịu án phí.

3. Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc: Ghi nhận các bị đơn tự nguyện chịu toàn bộ chi phí đo đạc, thẩm định trong giai đoạn phúc thẩm tổng cộng 3.358.000đồng, các bị đơn đã nộp xong.

4. Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

356
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 76/2024/DS-PT

Số hiệu:76/2024/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:07/03/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về