TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH NĐ
BẢN ÁN 60/2023/DS-PT NGÀY 24/05/2023 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN
Từ ngày 18 đến ngày 24 tháng 5 năm 2023, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh NĐ mở phiên toà xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 77/2022/TLPT- DS ngày 04/11/2022 về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản” Do bản án dân sự sơ thẩm số 44/2022/DS-ST ngày 16 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện XT bị kháng cáo.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 78/2022/QĐXX-PT ngày 13/4/2023 1. Nguyên đơn: Bà Hoàng Thị V, sinh năm 1948; địa chỉ; Khu tập thể Công ty xây dựng công trình giao thông 810, xã Vĩnh Quỳnh, huyện TT, TP HN;
Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Bà Hoàng Thị T, sinh năm 1964; địa chỉ: Thôn Phương Cù, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, TP HN.
2. Bị đơn: Bà Trịnh Thị H, sinh năm 1959; nơi đăng ký hộ khẩu: Xóm 6, xã Xuân Tân, huyện XT, tỉnh NĐ;
Nơi ở hiện nay: Phòng 12, A18, Tập thể Quân đội Bắc Nghĩa Tân, ngõ 120, Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Tân, quận CG, Thành phố HN;
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà H: Ông Lê Văn B - Luật sư thuộc Văn phòng luật sư D - Đoàn luật sư T Thái B
3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
- Bà Hoàng Thị Đ, sinh năm 1945; địa chỉ: Tổ dân phố Tân Mai, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, TP HN;
- Bà Hoàng Thị T, sinh năm 1947; địa chỉ: 32L, phố Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, TP HN;
Người đại diện theo ủy quyền của bà Hoàng Thị T: Chị Lê Thị Thu T, sinh năm 1971; địa chỉ: Số 21 ngách 55/13 ngõ 55 Hoàng Hoa Thám, phường Nc Hà, quận Ba Đình, Tp HN.
- Bà Hoàng Thị T, sinh năm 1956; địa chỉ: Xóm 6, xã Xuân Tân, huyện XT, tỉnh NĐ;
- Bà Hoàng Thị T, sinh năm 1964; địa chỉ: Thôn Phương Cù, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Tp HN;
- Chị Hoàng Thị T, sinh năm 1982; địa chỉ: Căn hộ B2202 Chung cư Tân Việt, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, TP HN;
- Anh Hoàng Văn T, sinh năm 1987; nơi đăng ký hộ khẩu: xóm 6, xã Xuân Tân, huyện XT, tỉnh NĐ; Nơi ở hiện nay: Phòng 12, A18, Tập thể Quân đội Bắc Nghĩa Tân, ngõ 120, Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Tân, quận CG, Thành phố HN;
- Anh Hoàng Văn T, sinh năm 1985; nơi đăng ký hộ khẩu: Xóm 6, xã Xuân Tân, huyện XT, tỉnh NĐ; Nơi ở hiện nay: Số 41, ngách 94/87, tổ 13, phường Thượng Thành, quận Long Biên, TP HN;
- Bà Phạm Thị C, sinh năm 1961; địa chỉ: Tổ 4, khu phố 2, Mạo Khê, Đông Triều, T Quảng Ninh;
- Ông Phạm Văn C, sinh năm 1962; địa chỉ: Xóm 6, xã Xân Tân, huyện Xuân Trưởng, tỉnh NĐ;
- Ông Phạm Công T, sinh năm 1965; địa chỉ: Xóm 6, xã Xuân Tân, huyện XT, tỉnh NĐ;
- Anh Phạm Công C, sinh năm 1976; địa chỉ: Xóm 6, xã Xuân Tân, huyên XT, tinh NĐ;
- Chị Phạm Thị C, sinh năm 1979; địa chỉ: Xóm 8, xã Xuân Đài, huyện XT, tỉnh NĐ;
- Chị Phạm Thị C2, sinh năm 1980; địa chỉ: Tổ dân phố 5, La Khê, quận Hà Đông, Tp HN;
Người đại diện theo ủy quyền của bà Hoàng Thị Đ, bà Hoàng Thị T, bà Phạm Thị C, ông Phạm Văn C, ông Phạm Công T, anh Phạm Công C, chị Phạm Thị C, chị Phạm Thị C2 là: Bà Hoàng Thị T, sinh năm 1964; địa chỉ: Thôn Phương Cù, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, TP HN;
4. Người làm chứng :
- Ông Trần Văn Đ, sinh năm 1959 ; địa chỉ: Xóm 6, xã Xuân Tân, huyện XT, tỉnh NĐ; tỉnh NĐ; tỉnh NĐ;
- Ông Trần Văn T, sinh năm 1955; địa chỉ : Xóm 6, xã Xuân Tân, huyện XT, - Ông Phạm Văn K, sinh năm 1960; địa chỉ: Xóm 6, xã Xuân Tân, huyện XT,
5. Người kháng cáo: Bà Trịnh Thị H là bị đơn trong vụ án.
Tại phiên tòa có mặt bà T, bà H, ông B, chị Trang, anh Th, ông Chủng, ông Trình; những người còn lại vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Theo đơn khởi kiện và lời khai trong quá trình giải quyết vụ án tại tòa án, bà Hoàng Thị T là người đại diện ủy quyền của nguyên đơn (bà Hoàng Thị V) và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (bà Hoàng Thị T, bà Hoàng Thị Đ, bà Hoàng Thị T, bà Phạm Thị C, ông Phạm Văn C, ông Phạm Công T, anh Phạm Công C, chị Phạm Thị C, chị Phạm Thị C) trình bày:
Bố bà là cụ Hoàng Văn B sinh năm 1921 chết năm 1987, mẹ bà là cụ Đinh Thị N, sinh năm 1921, chết năm 1993; Bố mẹ bà sinh được 7 người con gồm: Hoàng Thị N (chết năm 2013), Hoàng Thị Đ, Hoàng Thị T, Hoàng Thị V, Hoàng An T (Hoàng Văn T) chết năm 1995, Hoàng Thị T, Hoàng Thị T. Bà Hoàng Thị N có chồng là Phạm Công Hiến, sinh năm 1939, chết năm 2000, ông Hiến và bà N có 6 người con đẻ gồm: Phạm Thị C, Phạm Văn C, Phạm Công T, Phạm Công C, Phạm Thị C, Phạm Thị C2. Ông T và bà H có 3 người con gồm: Hoàng Thị T, Hoàng Văn T, Hoàng Văn T. Cụ B và cụ N chết không để lại di chúc.
Khi còn sống hai cụ có tạo lập được thửa đất theo bản đồ lập năm 1987 là thửa số 31, tờ bản đồ số 4 diện tích đất 1.140m2 đứng tên B. Theo bản đồ lập năm 2002 là thửa số 146, tờ bản đồ số 36 diện tích đất 1.110m2 (trong đó đất ở 295m2, đất vườn 475m2, đất ao 340m2) mang tên H. Trên thửa đất này hai cụ đã xây dựng nhà ngói 4 gian cấp 4 hướng tây Nam và dãy nhà ngang hướng Nam. Năm 1981 ông T lấy bà Trịnh Thị H, bà H ở với hai cụ, còn ông T công tác ở huyện đội Hoàng Su Ph thỉnh thoảng mới về với gia đình. Năm 1988 ông T nghỉ chế độ quân ngũ về quê ở với bà H cùng với cụ Đinh Thị N, cụ N và ông T có tu sửa lại nhà, rỡ mái nhà ra xây tường cao lên khoảng 20cm, đổ hiên mái bằng, đổ 1 gian buồng mái bằng, thay một số mè rui trên mái rồi lợp lại mái ngói cũ chứ không phải là phá dỡ toàn bộ nhà đi để xây mới. Trong thời gian ở với cụ N vợ chồng ông T còn kiến thiết thêm như xây giếng khơi, nhà tắm, xây kè bờ ao, xây chuồng lợn, tường hoa. Toàn bộ các công trình này đều đã hết khấu hao theo như kết quả định giá tài sản ngày 10/8/2022 của Tòa án nhân dân huyện XT. Năm 1999 bà H đi lên HN làm ăn và đến năm 2003 thì đưa các con đi cùng nên nhà cửa, đất đai của hai cụ không ai quản lý, trông coi. Bà Hoàng Thị T là con gái của cụ B nhà ở gần đó đã đến quản lý, trông coi, trồng cây trên thửa đất của hai cụ để lại. Bà H thỉnh thoảng có giỗ hoặc vào dịp tết với về quê chốc lát rồi lại đi, có năm thậm chí không về giỗ bố, mẹ. Năm 2013 bà H làm văn bản ra xã Xuân Tân nói là chị em bà từ chối di sản của hai cụ, khi chị em bà phát hiện ra, chị em bà nói đây là đất của bố mẹ không có chuyện chị em bà từ chối di sản này, do vậy chị em có xảy xích mích, sau đó bà H không làm gì được. Đến năm 2019, bà H đi đâu về lại tiếp tục có ý kiến gọi điện cho chị em bà nói là từ chối di sản của bố mẹ để cho bà được làm sổ đỏ đứng tên đất của bố mẹ các bà, chị em bà không đồng ý. Sau đó bà H thấy chị em bà phản đối nên không làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thửa đất của bố mẹ bà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trên bản đồ năm 2002 ghi tên H vì trước đó bà H là người sử dụng thửa đất này chứ không phải thửa đất của bà H, thửa đất này vẫn thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cụ B và cụ N. Nay bà Hoàng Thị V khởi kiện chia di sản thừa kế chia thửa đất của cụ B và cụ N để lại, bà V đã ủy quyền cho bà để tham gia giải quyết. Ban đầu bà V khởi kiện chia di sản thừa của cụ B, cụ N là toàn bộ diện tích đất 1.110m2, còn nhà cửa không còn giá trị nên không yêu cầu giải quyết. Sau khi tìm hiểu luật pháp thì được biết do cụ B đã chết năm 1987 nên hết thời hiệu chia di sản của cụ B, cụ N chết năm 1993 vẫn còn thời hiệu giải quyết. Căn cứ vào kết quả đo đạc thực tế diện tích đất 1.072m2 chia đôi mỗi cụ được 536m2, vì vậy chỉ chia thừa kế diện tích đất của cụ N là 536m2, còn diện tích đất của cụ B là 536m2 hết thời hiệu thì giải quyết theo quy định của pháp luật. Theo quy định của pháp luật thì bà T là người đang trực tiếp quản lý trông coi di sản của hai cụ để lại nên phần đất hết thời hiệu thuộc về bà T. Tuy nhiên bà T có quan điểm là bà không muốn mất đoàn kết chị em trong gia đình, nên bà đề nghị phần di sản mà bà được hưởng của cụ B (do hết thời hiệu) phân chia đều cho các đồng thừa kế khác. Các bà xin được chia kỷ phần thừa kế là quyền sử dụng đất; trong đó kỷ phần của bà T riêng, của bà N riêng (các con bà N được hưởng), của ông T thì bà H và các con bà H được hưởng, đối với kỷ phần của bà V, bà Đ, bà Th thống nhất tặng cho cho bà T được quyền sử dụng để sau này bà T làm từ đường chung để thờ cúng bố mẹ. Đối với phần chênh lệch tài sản bà, bà T, các con bà N tự thỏa thuận giải quyết với nhau không yêu cầu Tòa án xem xét.
* Theo đơn trình bày và lời khai trong quá trình giải quyết vụ án tại tòa án, bị đơn bà Trịnh Thị H trình bày: Về quan hệ huyết thống gia đình như nguyên đơn trình bày là đúng.
Năm 1981 bà đăng ký kết hôn với ông Hoàng Văn T, sinh năm 1950, chết năm 1995, thời điểm đó chồng bà còn đang công tác tại huyện đội Hoàng Su Ph. Sau khi kết hôn với ông T thì bà ở cùng với bố mẹ chồng là cụ Hoàng Văn B và cụ Đinh Thị N. Các chị em gái bên chồng người thì đi thoát ly khỏi địa phương, người thì đi lấy chồng. Bố mẹ chồng và bà sống tại căn nhà cấp 4 gồm 3 gian (mái thì bên dưới có lợp một ít ngói còn lại bên trên thì lợp rạ tường xây gạch); bên cạnh đó có dãy nhà ngang, mái lợp rạ Tháng 4/1987 bố chồng bà là cụ Hoàng Văn B chết, đến tháng 8/1987, vợ chồng bà sinh tiếp người con thứ 3 là Hoàng Văn T. Sau đó ngôi nhà xuống cấp, dột nát nên năm 1988 vợ chồng bà đã phá bỏ ngôi nhà 03 gian cấp 4 và dãy nhà ngang mái lợp rạ của bố mẹ chồng xây dựng trước đó để xây dựng ngôi nhà 04 gian cấp bốn (gồm 01 gian mái bằng có diện tích khoảng 20m2, 03 gian nhà mái ngói có diện tích khoảng 28m2, mái hiên bằng có diện tích khoảng 10m2, tổng khoảng 58m2), đồng thời xây dựng lại dãy nhà ngang (gồm bếp, nhà ăn, chuồng chăn nuôi lợn gà) tường xây gạch, lợp ngói. Nhà chính 04 gian vẫn còn như hiện trạng hiện nay, còn nhà ngang đã bị phá dỡ.
Năm 1991 chồng bà nghỉ hưu về địa phương, sinh sống cùng mẹ con bà và trực tiếp nuôi dưỡng mẹ già là cụ Đinh Thị N. Đến năm 1993 thì mẹ chồng bà chết, năm 1995 chồng bà là ông Hoàng Văn T chết. Bố mẹ chồng bà chết không để lại di chúc.
Thời gian đó các chị, em của chồng bà đi lấy chồng, người chưa lấy chồng thì cũng đi thoát ly khỏi nhà, chỉ còn bà cùng sinh sống phụng dưỡng cha mẹ chồng, cùng góp sức tạo lập mảnh đất và ngôi nhà tại địa phương. Theo phong tục tập quán truyền thống của người Việt Nam tại địa phương thì gia đình có nhiều con và nếu chỉ có một người con trai thì khi sinh sống cùng bố mẹ thì vợ chồng người con trai phải phụng dưỡng bố mẹ già, cùng góp sức tạo dựng nhà và đất, khi bố mẹ mất đi thì người con trai sinh sống cùng sẽ là người được tiếp tục quản lý, sử dụng, duy trì, tôn tạo và phát triển tiếp- đó là truyền thống bao đời cha ông để lại. Ngôi nhà 4 gian cấp 4 mà bố mẹ chồng cùng vợ chồng bà góp sức giữ gìn, cùng tôn tạo cũng không thể tồn tại mãi, trong quá trình sử dụng đã xuống cấp và dột nát. Chính vì vậy năm 1988, sau khi bố chồng bà chết mặc dù chưa mãn tang bố nhưng vì nhà dột nát nên vợ chồng bà được sử đồng ý của mẹ chồng bà đã đập phá toàn bộ công trình nhà do bố mẹ chồng tạo lập để xây dựng toàn bộ nhà ở và công trình phụ như đã nêu trên và còn lại như hiện trạng đến ngày nay. Tại thời điểm xây dựng nhà và công trình phụ đất thì mẹ chồng bà không phản đối, các chị em chồng cũng không ai phản đối. Vì trên thực tế quyền sử dụng đất này đã được bố mẹ chồng truyền lại cho vợ chồng bà và theo tập quán địa phương thì cũng chỉ duy nhất vợ chồng bà là người trực tiếp quản lý sử dụng nhà đất đó. Nếu không cho vợ chồng bà thì tại sao khi vợ chồng bà tiến hành đập phá bỏ ngôi nhà cũ, cùng toàn bộ dãy nhà ngang của bố mẹ chồng tạo lập mà mẹ chồng cũng như các chị em bên chồng không ai phản đối gì.
Nay bà Hoàng Thị V yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ Hoàng Văn B và cụ Đinh Thị N thì bà yêu cầu Tòa án xác định rõ hiện nay cụ Hoàng Văn B và cụ Đinh Thị N có di sản bao gồm những gì và giải quyết theo quy định của pháp luật.
* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà H là ông Lê Văn B trình bày: Đối với yêu cầu chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất của cụ Hoàng Văn B thì ông yêu cầu Tòa án phải áp dụng thời hiệu thừa kế được quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015 để giải quyết đối với phần quyền sử dụng đất của cụ Hoàng Văn B (nếu xác định cụ có tài sản là quyền sử dụng đất) đồng thời bác yêu cầu phần quyền sử dụng đất của nguyên đơn Hoàng Thị V đối với yêu cầu chia thừa kế phần quyền sử dụng đất của cụ Hoàng Văn B. Vì đã hết thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế.
Đề nghị Tòa án vận dụng Án lệ số 03/2016 được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06/4/2016 để bác yêu cầu chia di sản thừa kế của bà Hoàng Thị V, vì toàn bộ quyền sử dụng đất này đã được vợ chồng bà H xây dựng công trình nhà ở, công trình phụ cũng như các đồng thừa kế khác không ai phản đối.
Trường hợp không được chấp nhận thì đề nghị Tòa án xác minh làm rõ công sức quản lý, tôn tạo phần quyền sử dung đất của cụ Đinh Thị N còn lại mà vợ chồng bà H đã tôn tạo khi cụ còn sống, đồng thời xác định công sức quản lý tôn tạo của bà và các con bà sau khi cụ Đinh Thị N chết năm 1993.
Sau khi đã trừ phần quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng của cụ Hoàng Văn B thuộc về mẹ con bà H với phần diện tích đất có nhà ở, các công trình xây dựng mà vợ chồng bà H đã xây dựng sau khi cụ Hoàng Văn B chết và trong thời gian cụ Đinh Thị N còn sống đã thuộc quyền sử dụng của vợ chồng bà H, phần quyền sử dụng đất riêng của cụ Đinh Thị N còn lại sẽ được coi là đồng sở hữu với bà H thì bà H là ½ đất, còn cụ N ½ đất, phần của cụ N chia cho các đồng thừa kế thì mới đúng theo quy định của pháp luật.
Vì vậy bà Hoàng Thị V chỉ có quyền yêu cầu chia thừa kế phần quyền sử dụng đất còn lại của cụ Đinh Thị N theo quy định của pháp luật vì khi cụ Đinh Thi N chết năm 1993 không để lại di chúc.
* Ông Phạm Văn C trình bày: Ông là con bà Hoàng Thị N, là cháu bà Hoàng Thị V và bà Trịnh Thị H; mẹ ông là là chị gái bà Hoàng Thị V và ông Hoàng An T (chồng bà Trịnh Thị H). Bố ông là Phạm Công Hiến, sinh năm 1939, chết năm 2000, mẹ ông là Hoàng Thị N, sinh năm 1942, chết năm 2013. Bố mẹ ông sinh 6 người con gồm: Phạm Thị C, Phạm Văn C, Phạm Công T, Phạm Công C, Phạm Thị C, Phạm Thị C2.
Năm 1984, ông xuất ngũ về địa phương và làm ăn tại quê hương, thời điểm đó cụ Hoàng Văn B có khoán cho ông và ông Cao Thanh Kh là chồng bà T đào đất đóng gạch, ông và ông Kh đóng 1,1 vạn gạch lục, 1500 viên gạch màn và đốt tại vườn của nhà cụ B. Năm 1985 cụ B có thuê bố ông và ông, ông Phan Văn H, ông Phan Văn Nhân xây dãy nhà ngang hướng nam, tiền công hồi đó khoảng từ 8 - 10đ/công. Cụ B xây hết bao nhiêu tiền thì không nắm được, thời điểm này ông T vẫn đang công tác ở huyện Hoàng Su Ph, tiền bỏ ra xây dãy nhà ngang là của cụ B.
Năm 1987 cụ B chết, năm 1988 ông T rời quân ngũ về quê, ông T có sữa chữa lại nhà chính hướng Tây Nam; thời điểm đó có thuê ông Trần Văn Đ, Trần Văn T đều ở xóm Đông An (nay là xóm 6), xã Xuân Tân và ông Dục (đã chết) dỡ mái nhà cũ ra xây cơi nới tường lên khoảng 40 cm, đổ mái bằng hiên, và 1 gian buồng mái bằng, còn mái thì thay thế một số vì kèo đòn tay bằng gỗ, ông T khi rời quân ngũ có mang ít gỗ về xẻ ra, còn toàn bộ ngói vẫn dùng ngói cũ của cụ B để lợp lại, chứ không phải dỡ toàn bộ căn nhà của hai cụ B đã xây từ trước để xây lại nhà mới, dãy nhà ngang không sửa chữa gì, năm 2012 do bão gió toàn bộ nhà ngang bị sập hết mái còn lại tường.
Năm 1989 ông T có xây thêm giếng khơi, dậu tường hoa, nhà tắm, sau khi ông T chết (năm 1995), ông và ông Đáo là người trực tiếp xây những công trình này, bà H có xây thêm một chuồng lợn nhỏ giáp đầu hồi dãy nhà hướng Nam. Toàn bộ các công trình này hiện nay đã xuống cấp hết khấu hao không còn giá trị Năm 1999 bà H đi HN làm ăn, đến năm 2003 đưa các con đi cùng, nhà cửa, đất đai của vợ chồng cụ B để lại không ai trông coi. Vợ chồng ông ở nhờ khoảng vài năm sau đó bà Hoàng Thị T là con gái cụ B đã trông coi, quản lý tài sản của hai cụ, thắp hương tuần tự cho bố mẹ và cả ông T, bà H thỉnh thoảng tết mới về chốc lát rồi lại đi chứ không ở quê, bao nhiêu năm nay vẫn thế. Nhà ông ở cùng xóm và gần nhà hai cụ nên bà H về thời gian nào, năm nào ông đều biết rõ. Chị em ông là người được hưởng kỷ phần thừa kế của mẹ ông, chị em ông đã thống nhất ủy quyền cho bà Hoàng Thị T để tham gia tố tụng và có toàn quyền quyết định trong việc giải quyết vụ án. Đối với kỷ phần thừa kế mà chị em ông được hưởng xin nhận là quyền sử dụng đất. Phần đất đó nhiều đất thổ cư hay ít đất thổ cư thì chị em ông và bà T tự thỏa thuận giải quyết với nhau không đề nghị Tòa án điều chỉnh giá trị quyền sử dụng.
* Anh Hoàng Văn T trình bày: Anh nhất trí với lời trình bày của bà Trịnh Thị H. Trước khi khởi kiện ra Tòa án, các bác, các cô không thông báo hay gọi điện gì cho mẹ con anh. Việc này bản thân mẹ con anh cũng mong muốn gia đình tự giải quyết với nhau. Anh mới làm nhà nên kinh tế gia đình còn khó khăn chưa có điều kiện để sửa chữa căn nhà của ông bà để khỏi xuống cấp, mong muốn của anh sau này xây dựng từ đường để thờ cúng tổ tiên, ông bà và bố anh nên mẹ con anh không muốn tranh chấp với các bác, các cô, mong các bác, các cô suy nghĩ lại rút đơn.
* Chị Hoàng Thị T, anh Hoàng Văn T trình bày; Anh, chị hoàn toàn nhất trí với lời trình bày của bà Trịnh Thị H.
* Ông Trần Văn Kiều trình bày: Ông và cụ Hoàng Văn B, cụ Đinh Thị N, ông Hoàng Văn T, bà Trịnh Thị H là quan hệ hàng xóm với nhau, không có anh em. Thửa đất nhà ông sát với thửa đất của hai cụ Hoàng Văn B, Đinh Thị N. Cụ Hoàng Văn B mất ngày 17/4/1987, cụ Đinh Thị N mất ngày 22/6/1993, ông Hoàng Văn T mất ngày 12/01/1995. Khi ông còn nhỏ và lớn lên thì ông đã thấy căn nhà 3 gian cấp 4 cấp và dãy nhà ngang hiện trạng đúng như hiện nay, các công trình này đã xuống cấp. Năm 1988 cụ Đinh Thị N và ông Hoàng Văn T là con trai có sửa chữa nâng cấp căn nhà 3 gian cấp 4 như đổ mái bằng hiên, đổ mái bằng buồng và sửa lại mái ngói, không phá dỡ toàn bộ nhà. Việc cụ Đinh Thị N và ông T sửa chữa nâng cấp nhà ai là người bỏ tiền ra thì ông không nắm được nội bộ gia đình của cụ Đinh Thị N.
Vợ chồng ông T, bà H khi ở với hai cụ có kiến thiết thêm nhà tắm, giếng khơi, chuồng lợn nhưng những công trình này hiện nay đều xuống cấp không sử dụng được nữa. Khi ông T lấy bà H thì ông T đang công tác ở huyện đội Hoàng Su Ph, thỉnh thoảng ông T mới về quê, còn chủ yếu bà H ở với cụ N.
Sau khi cụ B chết thì cụ N ở căn nhà và trên thửa đất này, vợ chồng ông T và con các ông T ở cùng. Cụ N sống khỏe mạnh minh mẫn không ai phải chăm sóc cụ. Chỉ trước khi cụ N chết thì cụ N ốm đau khoảng 20 ngày, ông là người đưa cụ N đi viện (cụ bị não). Sau khi cụ N chết năm 1993, ông T chết năm 1995 thì bà H cùng các con vẫn ở nhà của hai cụ.
Khoảng năm 1999 bà H đi lên HN để làm ăn, sau đó đưa các con đi cùng. Anh Chủng là cháu hai cụ có ở nhà đất của hai cụ một thời gian rồi không ai ở; bà Hoàng Thị T là con gái hai cụ nhà ở cạnh nhà ông là người quản lý trông coi nhà đất của hai cụ, trồng chuối, rào dậu, quét dọn và tuần tự thắp hương cho các cụ. Bà H có năm về nhưng chỉ về chốc lát rồi lại đi, có năm không về. Bà V, bà Th, bà Đ, bà T thỉnh thoảng mới về khi có công việc, khi giỗ hai cụ, lễ tết.
* Ông Trần Văn Đ trình bày: Ông và cụ Hoàng Văn B, cụ Đinh Thị N là người cùng xóm không có quan hệ anh em gì. Năm 1988 cụ Đinh Thị N có đến nhà ông Cao Văn Rục (ông Rục đã chết) ở xóm B (xóm 5), xã Xuân Tân, huyện XT, tỉnh NĐ để nhờ ông Rục sửa chữa nhà. Ông là thành viên của tổ thợ ông Rục, tham gia sửa chữa nhà như sau: Dỡ mái nhà xuống, xây cao từ phần tàu non nên cao khoảng 40 cm (toàn bộ tường nhà vẫn giữ nguyên) và thay đôi xà Xoan bằng đôi xã gỗ, mè rui nào hỏng thì thay, đổ hiên mái bằng, buồng mái bằn. Căn nhà của hai cụ không phải là phá toàn bộ đi để xây mới mà chỉ sửa chữa. Khi sửa chữa căn nhà của hai cụ thì ông Hoàng Văn T đang công tác ở huyện đội Hoàng Su Ph có mang về ít gỗ để sửa chữa. Ngoài căn nhà 4 gian cấp 4 ra thì ông không sửa chữa gì nữa. Cách đây mấy hôm có một anh đến nhà ông nói anh là con rể bà H xưng là luật sư mang văn bản đến nói với ông xác nhận cho là bà H xây dựng mới toàn bộ căn nhà đó, ông có bảo lại là ông không xác nhận vì không đúng sự thật, ông bảo sự thật khách quan là sự thật ông không làm điều gian dối được, do vậy ông không xác nhận văn bản đó (hôm đó có anh Kiên xóm trưởng đi cùng).
* Ông Trần Văn T trình bày: Ông là người cùng xóm với vợ chồng cụ B, ông có tham gia sửa chữa nhà của cụ N được một vài hôm, ông Cao Văn Rung là người nhận làm công trình cho cụ Đinh Thị N. Khi ông tham gia sửa chữa nhà cụ N thì không thấy ông Hoàng Văn T ở nhà, nghe nói ông T đang làm ở huyện đội, tiền công thời điểm đó tính có mấy đồng.
* Kết quả xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản:
Theo kết quả đo đạc thực tế ngày 10/8/2022 thì diện tích đất là 1.072m2, (trong đó đất ở 300m2, đất vườn 475m2, đất ao 297m2). Trên thửa đất này có các công trình xây dựng nhưng đều đã hết khấu khao và một số cây trồng trên đất các đương sự không yêu cầu chia.
Giá đất ở 1.500.000đ/m2; giá đất vườn, ao 600.000đ/m2.
* Ủy ban nhân dân xã Xuân Tân cung cấp:
Về đăng ký hộ khẩu: Qua kiểm tra trên hệ thống dân cư dữ liệu tại xã Xuân Tân thể hiện bà Trịnh Thị H, sinh năm 1959 là chủ hộ các thành viên là Hoàng Văn T, sinh năm 1985, Hoàng Văn T 1987; Hoàng Thị T; hiện bà H, anh Th, anh Thọ hộ khẩu vẫn thuộc xã Xuân Tân, huyện XT, tỉnh NĐ, bà H, anh Thọ, anh Th chưa làm thủ tục cắt khẩu đi đâu, chỉ biết bà H, anh Thọ, anh Th hiện đang ở HN. Đối với chị Hoàng Thị T khi đi lấy chồng đã làm thủ tục chuyển khẩu nên không còn khẩu ở xã Xuân Tân nữa.
Về quan hệ gia đình: như các đương sự trình bày là đúng Về nguồn gốc đất đang tranh chấp: Thửa đất bà Hoàng Thị V khởi kiện đối với bà Trịnh Thị H về chia di sản thừa kế có nguồn gốc của cụ Hoàng Văn B, cụ Đinh Thị N, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo bản đồ lập năm 1987, thửa đất số 313, tờ bản đồ số 4B, mang tên B diện tích 1.140m2, trong đó đất cư 315m2, đất vườn 494m2, đất ao 331m2;
Theo bản đồ lập năm 2002, thửa đất số 146, tờ bản đồ số 36 mang tên H diện tích đất 1.110m2, trong đó đất ở 295m2, đất vườn 475m2, đất ao 340m2.
So sánh bản đồ lập năm 1987 với bản đồ lập năm 2002 thì diện tích đất ở bản đồ lập năm 2002 giảm là 30m2, lý do giảm do sai số khi đo đạc.
Kết quả đo đạc thực tế ngày 10/8/2022 thì diện tích đất 1.072m2, trong đó đất ở 300m2, đất vườn 475m2, đất ao 297m2. So sánh diện tích thực tế đo đạc với bản đổ lập năm 2002 thì diện tích giảm đi 38m2, lý do giảm do sai số khi đo đạc.
Lý do bà H đứng tên trên bản đồ năm 2002: Thời điểm đó bà H là người đang sử dụng thửa đất của cụ B và cụ N, do vậy trên bản đồ đã ghi tên H nhưng không phải bà H là người có quyền định đoạt thửa đất của cụ B và cụ N.
Khi cụ B, cụ N còn sống có kiến thiết xây dựng 3 gian nhà cấp 4 vào năm 1964 và dãy nhà ngang. Đến năm 1988 cụ Đinh Thị N và ông Hoàng Văn T (thời điểm này cụ B đã chết) có tu sửa chữa nâng cấp nhà 3 gian cấp 4, xây tường cao lên và sửa chữa phần mái ngói, đổ mái bằng gian buồng và mái hiên, chứ không phải xây mới. Khi vợ chồng ông T ở cùng với cụ N còn xây dựng thêm nhà tắm, giếng khơi, chuồng lợn, bể nước, kè một đoạn bờ ao lối đi vào ngõ.
Về quản lý tài sản: Năm 1999 bà Trịnh Thị H đi lên HN để làm ăn sinh sống, đến năm 2003 thì đưa các con lên ở cùng, toàn bộ nhà cửa, đất đai của cụ B và N cho ông Chủng mượn ở nhờ từ 2004 đến 2007, từ năm 2007 đến nay không có ai ở. Bà Hoàng Thị T là con gái của cụ B và N ở cùng xóm 6 cách đó một thổ đất là người đã trực tiếp quản lý, trông coi đất đai, nhà cửa của hai cụ, đồng thời là người tuần tự thắp hương cho hai cụ và quét dọn cũng như trồng cây cối (cây chuối) từ đó cho đến nay. Bà H cũng như các con bà H thỉnh thoảng mới về chốc lát rồi lại đi, có năm về, có năm không về, về chủ yếu vào dịp tết hoặc khi có giỗ cụ B, cụ N.
Về công sức: Năm 1981 ông T kết hôn với bà H, thời điểm đó ông T đang công tác tại huyện đội Hoàng Su Ph, thỉnh thoảng mới về quê. Sau một thời gian thì ông T được nghỉ chế độ và về quê sống cùng vợ con và cụ Đinh Thị N, đến năm 1995 thì ông T chết. Thời gian vợ chồng ông T, bà H ở cùng với cụ N có công sức tôn tạo vào nhà cửa của hai cụ, sau khi cụ N chết vợ chồng ông T còn xây dựng thêm nhà tắm, giếng khơi, chuồng lợn, bể nước, kè một đoạn bờ ao lối đi. Từ khi mẹ con bà H đi HN làm ăn sinh sống đến nay thì bà H không kiến thiết gì thêm trên thửa đất này.
Khi bà Hoàng Thị V có đơn khởi kiện đối với bà Trịnh Thị H ra Tòa án nhân dân huyện XT về chia di sản thừa kế. Do bà H anh Th, anh Thọ có hộ khẩu tại địa phương nhưng không có mặt tại địa phương, địa phương không biết được địa chỉnh chính xác mà chỉ biết là bà H, anh Th, anh Thọ đang làm ăn sinh sống trên HN. Tòa án đã làm thủ tục niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã cũng như niêm yết công khai tại nhà văn hóa cơ sở xóm 6, xã Xuân Tân để bà H cũng như các con bà H nếu về quê biết được yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế của bà Hoàng Thị V. Sau đó bà H đã về quê và biết được thông tin là bà Hoàng Thị V khởi kiện chia di sản thừa kế.
Về việc thực hiện nghĩa vụ với nhà nước: Lâu rồi nhà nước không thu thuế mà chỉ thu thuế phi nông nghiệp, nhà bà H không phải nộp thuế phi nông nghiệp vì không có đất phi nông nghiệp.
Địa phương chưa bao giờ nhận được bất kỳ môt văn bản, giấy tờ nào từ việc hai cụ B, cụ N cho đất các con hay cho vợ chồng ông T, bà H.
* Bản án dân sự sơ thẩm số 44/2021/DS – ST ngày 16 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện XT quyết định.
1. Căn cứ vào: Điều 609, 612, 613, 623, 651, 660 của Bộ luật Dân sự; Điều 147 của Bộ luật Tố tụng Dân sự; điểm đ khoản 1 Điều 12, điểm a khoản 7 Điều 27 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
2. Xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Hoàng Thị V về chia di sản thừa kế của cụ Đinh Thị N cũng như chấp yêu cầu của bà Hoàng Thị T về chia phần tài sản của cụ Hoàng Văn B đã hết thời hiệu cho các đồng thừa kế.
Giao cho bà Hoàng Thị T được quyền sử dụng diện tích đất 580.21m2, trị giá 522.621.000đ (trong đó đất ở 191.97m2; đất vườn 328.58m2; đất ao 62.53m2) tại thửa số 146, tờ bản đồ số 36 cùng các công trình xây dựng đã hết khấu hao trên diện tích đất này ở xã Xuân Tân, huyện XT, tỉnh NĐ.
Giao cho bà Trịnh Thị H, anh Hoàng Văn T, anh Hoàng Văn T, chị Hoàng Thị T được quyền sử dụng diện tích đất 204.59m2, trị giá 179. 454.000đ, (trong đó đất ở 63.0m2, đất vườn 54.82m2, đất ao 86.77m2) tại thửa số 146, tờ bản đồ số 36 cùng các công trình xây dựng đã hết khấu hao trên phần đất này ở xã Xuân Tân, huyện XT, tỉnh NĐ.
Giao bà Hoàng Thị T được quyền sử dụng diện tích đất là 143.60m2, trị giá 108.030.000đ, (trong đó đất ở 24.30m2, đất vườn 45.70m2, đất ao 73.60m2) tại thửa số 146, tờ bản đồ số 36 ở xã Xuân Tân, huyện XT, tỉnh NĐ.
Giao cho bà Phạm Thị C, ông Phạm Văn C, ông Phạm Công T, ông Phạm Công C, bà Phạm Thị C, bà Phạm Thị C2 được quyền sử dụng diện tích đất 143.60m2, trị giá 108.030.000đ. (trong đó đất ở 23.60m2, đất vườn 45.90m2, đất ao 74.10m2) tại thửa số 146, tờ bản đồ số 36 ở xã Xuân Tân, huyện XT, tỉnh NĐ. Buộc bà Hoàng Thị T có trách nhiệm giao lại đất như ở trên cho, bà T, bà H, anh Thọ, anh Th, chị Thu; bà Chung, ông Chủng, ông Công, ông Trình, ông Chuyển, bà Chiên, bà Cúc.
(Về diện tích, ranh giới, độ dài các cạnh của thửa đất được mô tả chi tiết trong sơ đồ kèm theo).
Đương sự có trách nhiệm liên hệ đăng ký quyền sử dụng đất với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về quản lý đất đai để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quyết định của bản án.
3. Về án phí dân sự sơ thẩm:
Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho bà Hoàng Thị T, bà Hoàng Thị V, bà Hoàng Thị Đ, bà Hoàng Thị T. Bà Hoàng Thị T phải chịu án dân sự sơ thẩm là 6.114.000đ.
Bà Phạm Thị C, ông Phạm Văn C, ông Phạm Công T, ông Phạm Công C, bà Phạm Thị C, bà Phạm Thị C2 phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 5.401.000đ.
Bà Trịnh Thị H, anh Hoàng Văn T, anh Hoàng Văn T, chị Hoàng Thị T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm 8.972.000đ.
* Ngày 16/9/2022 bà Trịnh Thị H kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
* Tại phiên tòa: Các đương sự vẫn giữ nguyên quan điểm, yêu cầu như đã nêu trên.
- Bà Trịnh Thị H vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và có lời khai xác định: Bà và các con chuyển đi HN làm ăn sinh sống từ năm 2003 đến nay, sau khi bà chuyển đi thì nhà đất cho vợ chồng anh Chủng ở nhờ đến năm 2008, từ đó nhà đất không ai ở, bà có nhờ ông Anh (là anh em họ) trông coi giúp, bà cũng có nhờ bà T gần đó thỉnh thoảng sang quét dọn và thắp hương tuần tự và cúng giỗ ông bà cha mẹ, bà T có trồng một số cây chuối trên thửa đất nhưng khi bà sửa nhà (cuối năm 2022) thì bà đã chặt phá hết. Mẹ con bà làm ăn sinh sống trên HN, mặc dù phải đi thuê nhà nhưng bà vẫn tổ chức cúng giỗ chồng và bố mẹ trên HN. Nếu phải chia thừa kế thì mẹ con bà xin nhận kỷ phần là đất, cây cối trên đất bà không yêu cầu chia. Đối với những tài sản mẹ con bà đầu tư sửa chữa thêm vào ngôi nhà (khoảng hơn 30 triệu đồng), nếu chia cho ai thì người đó phải thanh toán lại cho mẹ con bà.
- Luật sư B đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ các Điều 623 Bộ luật dân sự 2015, các quy định về thừa kế của Bộ luật dân sự 2015, Án lệ 03/2016 của HĐTP TANDTC, các Điều 308, 309 của Bộ luật tố tụng dân sự, chấp nhận kháng cáo của bị đơn Trịnh Thị H, quyết định sửa Bản án sơ thẩm theo hướng:
Giao 537,4 m2 = ½ quyền sử dụng đất chung của vợ chồng cụ Hoàng Văn B, Đinh Thị N - là phần di sản thừa kế của cụ Hoàng Văn B đã hết thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế, cho bà Trịnh Thị H và các con của bà tiếp tục quản lý, sử dụng (theo đúng quy định tại Điều 623 BLDS). Vì bà H và các con của bà mới chính là người đang trực tiếp quản lý phần di sản của cụ Hoàng Văn B;
Vận dụng những tình tiết của Án lệ số 03/2016, cùng với “lẽ công bằng” để công nhận toàn bộ phần diện tích đất ở (151,47 m2), đất ao (148,5 m2) là phần sử dụng đất của cụ Đinh Thị N trong khối tài sản chung (quyền sử dụng đất chung vợ chồng) với cụ Hoàng Văn B thuộc quyền sử dụng của bà H và các con của bà H và ông T;
Xác định di sản thừa kế của cụ Đinh Thị N là quyền sử dụng 237,5 m2 đất vườn phải được chia làm 8 phần cho các đồng thừa kế: Bà Hoàng Thị N, Hoàng Thị T, Hoàng Thị V, Hoàng An T, Hoàng Thị Đ, Hoàng Thị T, Hoàng Thị T và 01 kỷ phần cho công sức đóng góp của vợ chồng, con cái bà H. Mỗi kỷ phần = 29,6875 m2.
Bà Trịnh Thị H đã trên 60 tuổi và có đơn xin miễn án phí. Vì vậy đề nghị Hội đồng xét xư giải quyết vấn đề án phí theo quy định của pháp luật.
- Bà H và anh Th nhất trí với quan điểm của luật sư B.
- Bà T trình bày: Sau khi mẹ con bà H đi HN thì anh Chủng mượn nhà đất ở đến năm 2008, từ đó nhà đất không ai ở. Chị em bà giao cho bà T nhà ở gần đó trông coi quản lý nhà đất, giữ chìa khoá nhà và tuần tự giỗ tết thắp hương cúng các cụ. Mẹ con bà H rất ít về, có khi giỗ hai cụ cũng không về vì mẹ con bà H tự cúng giỗ trên HN. Do nhà của hai cụ xuống cấp nghiêm trọng nên khi giỗ hai cụ chị em bà làm mâm cơm ở nhà bà T mang sang cúng giỗ hai cụ rồi lại mang về nhà bà T ăn. Trong quá trình quản lý trông coi nhà đất của hai cụ, bà T đã trồng rất nhiều chuối và cho thu hoạch quả nhưng khi xảy ra tranh chấp mẹ con bà H đã chặt phá hết. Bà không chấp nhận quan điểm của bị đơn đưa ra, đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
- Chị Trang nhất trí với quan điểm của bà T và có ý kiến: Mẹ con bà H sửa chữa nhà trái phép khi chưa được sự đồng ý của các chị em bà Th, ngôi nhà đang là tài sản tranh chấp, vì vậy mẹ con bà H phải tự chịu trách nhiệm. Các chị em bà Th không có nhu cầu sử dụng những tài sản do mẹ con bà H sửa chữa, không chấp nhận thanh toán giá trị tài sản sửa chữa cho mẹ con bà H.
- Anh Chủng có lời khai xác nhận nội dung trình bày của nguyên đơn là đúng, vợ chồng anh ở nhờ nhà đất của hai cụ từ 2003 đến 2008, khi đó vợ anh mượn chìa khoá của bà T. Sau khi vợ chồng anh không ở thì nhà đất để không, bà T nhà gần đó trông coi quản lý và trồng nhiều cây chuối trên đất. Anh không nhất trí quan điểm của bị đơn.
- Anh Trình nhất trí với nội dung trình bày của bà T, chị Trang, anh Chủng;
không nhất trí quan điểm của bị đơn.
* Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh NĐ phát biểu quan điểm:
- Về tố tụng: Những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
- Về nội dung: Bản án sơ thẩm xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ và phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên bản án sơ thẩm tính toán sai về số liệu dẫn đến kỷ phần thừa kế của bà Hoàng Thị T được hưởng thừa 5,93m2 đất, của mẹ con bà Trịnh Thị H thiếu 6,02m2 đất. Do tính toán sai về giá trị kỷ phần thừa kế nên quyết định về án phí cũng không chính xác. Vì vậy căn cứ Khoản 2 Điều 308, Điều 309 đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án dân sự sơ thẩm số 44/2021/DS – ST ngày 16 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện XT theo hướng trên.
- Về án phí: Đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Đơn kháng cáo của bà Trịnh Thị H làm trong thời hạn luật định nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.
[2] Xét kháng cáo của bị đơn:
[2.1] Về thời hiệu khởi kiện: Cụ Hoàng Văn B chết năm 1987, cụ Đinh Thị N chết năm 1993. Căn cứ vào khoản 1 Điều 623 của Bộ luật Dân sự 2015 thì phần di sản của cụ Hoàng Văn B đã hết thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế mà chỉ còn phần di sản của cụ Đinh Thị N còn thời hiệu chia di sản thừa kế. Phần hết thời hiệu chia di sản thừa kế sẽ thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
[2.2] Về diện và hàng thừa kế: Cụ Hoàng Văn B và cụ Đinh Thị N sinh được 7 người con đẻ không có con nuôi gồm: Hoàng Thị N (chết năm 2013), Hoàng Thị Đ, Hoàng Thị T, Hoàng Thị V, Hoàng An T (Hoàng Văn T) - đã chết năm 1995, Hoàng Thị T, Hoàng Thị T. Bà Hoàng Thị N có chồng là Phạm Công Hiến, sinh năm 1939 chết năm 2000, ông Hiến và bà N có 6 người con đẻ không có con nuôi gồm: Phạm Thị C, Phạm Văn C, Phạm Công T, Phạm Công C, Phạm Thị C, Phạm Thị C2. Ông T và bà H có 3 người con gồm: Hoàng Thị T, Hoàng Văn T, Hoàng Văn T. Những người con của bà N được hưởng kỷ phần của bà N để lại, vợ con con của ông T được hưởng kỷ phần của ông T để lại.
[2.3] Về di sản thừa kế:
Theo bản đồ lập năm 1987, thửa đất số 313, tờ bản đồ số 4B, mang tên B diện tích 1.140m2, (trong đó đất cư 315m2, đất vườn 494m2, đất ao 331m2). Theo bản đồ lập năm 2002, thửa đất số 146, tờ bản đồ số 36 mang tên H diện tích đất 1.110m2, trong đó đất ở 295m2, đất vườn 475m2, đất ao 340m2. Lý do đứng tên H là tại thời điểm đó bà H đang ở trên thửa đất đó. Theo kết quả đo đạc thực tế ngày 10/8/2022 thì diện tích đất là 1.072m2, (trong đó đất ở 300m2, đất vườn 475m2, đất ao 297m2). Các đương sự đều thống nhất xác định nguồn gốc thửa đất nêu trên là của cụ B và cụ N để lại. Trên thửa đất này có các công trình xây dựng nhưng đều đã hết khấu khao và một số cây trồng trên đất các đương sự không yêu cầu giải quyết.
Theo lời trình bày của bà Hoàng Thị T là người đại diện theo uỷ quyền của bà V, bà Th, bà Đ, bà T, bà Chung, ông Chủng, ông Trình, anh Chuyển, chị Chiên, chị Cúc thì: Năm 1964 bố mẹ bà xây dựng ngôi nhà 4 gian cấp 4 và dãy nhà ngang xây năm 1985. Năm 1988 cụ N có sửa chữa nâng cấp nhà, tường cũ xây cao lên khoảng từ 20- 40 cm, thay một số mè rui bị hỏng, đổ hiên mái bằng và 01 gian buồng mái bằng, tiền sữa chữa nâng cấp nhà do tiền của cụ N bỏ ra, thời điểm đó ông T đang công tác tại huyện đội Hoàng Su Ph.
Còn bà Trịnh Thị H trình bày: Sau khi kết hôn thì vợ chồng bà sống chung với cụ B và cụ N, năm 1987 cụ B chết, năm 1988 chồng bà là ông T đã về phá hết phần tường nhà 4 gian cấp 4 còn để lại phần móng nhà cũ của hai cụ và xây dựng lại toàn bộ căn nhà như hiện tại bây giờ. Còn căn nhà ngang (đã bị phá dỡ) là do ông T đưa tiền cho cụ B để thuê người đóng gạch, đốt ngạch để xây dựng căn nhà này. Ngoài ra sau khi hai cụ chết vợ chồng bà còn xây dựng thêm một số công trình trên đất như nhà tắm, bể nước, giếng khơi, tường hoa, chuồng lợn, kè ao. Vì vậy bà H cho rằng cụ B cụ N đã cho vợ chồng bà thửa đất, vợ chồng bà làm nhà và xây dựng các công trình trên đất sinh sống từ đó đến nay, cụ N và các con của hai cụ biết nhưng không phản đối gì.
Tuy nhiên căn cứ vào lời khai của các đương sự và người làm chứng là ông Đoá, ông Toàn và ông Kiều... thì xác định căn nhà chính 04 gian và nhà ngang là do cụ B và cụ N xây dựng, đến nay chỉ còn lại ngôi nhà chính (hết khấu hao), còn nhà ngang đã bị phá dỡ. Do vợ chồng ông T ở với hai cụ nên năm 1988 cụ N có sửa chữa nâng cấp nhà chính (sửa lại mái ngói, đổ mài bằng gian buồng và hiên nhà) thì vợ chồng ông T có đóng góp công sức và vật liệu xây dựng với cụ N. Sau khi cụ B, cụ N chết thì vợ chồng ông T tiếp tục sinh sống tại căn nhà đó và xây thêm nhà tắm, bể nước, giếng khơi, tường hoa, chuồng lợn, kè ao.. để để phục vụ sinh hoạt cuộc sống hàng ngày cho vợ chồng ông T và các con (Các công trình này cũng đã hết khấu hao). Bà H cho rằng cụ B cụ N đã cho vợ chồng bà thửa đất nhưng không có căn cứ chứng minh.
Như vậy có đủ căn cứ xác định di sản của cụ B và cụ N để lại là 1.072m2 đất và ngôi nhà chính 4 gian trên đất đã hết khấu hao sử dụng. Còn các công trình xây dựng khác do vợ chồng ông T bà H xây dựng trên đất của hai cụ đến nay cũng hết khấu hao sử dụng. Diện tích đất 1.072m2 là tài sản chung của cụ B và cụ N khi còn sống, vì vậy xác định di sản của cụ B để lại là một nửa diện tích đất (536m2), di sản của cụ N để lại là một nửa diện tích đất (536m2), ngoài ra không còn di sản nào khác. Phần di sản của cụ B đã hết thời hiệu chia di sản thừa kế, phần di sản của cụ N còn thời hiệu chia di sản thừa kế.
Ngoài ra cuối năm 2022 (sau khi Toà án huyện XT xét xử sơ thẩm vụ án) thì mẹ con bà H về sửa chữa làm mới một số hạng mục của ngôi nhà chính 4 gian do cụ B và cụ N để lại (gồm: lát nền nhà bằng gạch men, làm cửa sổ bằng sắt + tôn, dựng thêm cột chống bằng sắt, dựng cổng sắt - Tổng chi phí sửa chữa hết 32 triệu đồng). Ngôi nhà là di sản thừa kế đang tranh chấp, vụ án đang trong quá trình giải quyết, việc sửa chữa cải tạo ngôi nhà không được sự đồng ý của các đồng thừa kế khác. Nay các đồng thừa kế khác không nhất trí thanh toán giá trị tài sản sửa chữa cho mẹ con bà H, vì vậy mẹ con bà H tự chịu trách nhiệm về chi phí sửa chữa của mình.
[2.4] Về người quản lý di sản:
Căn cứ vào lời khai của các đương sự, người làm chứng và cung cấp của chính quyền địa phương thì khoảng năm 1999 bà H đi lên HN làm ăn sinh sống, đến khoảng năm 2003 thì đưa các con lên ở cùng. Vợ chồng ông Chủng (con bà N) ở nhờ nhà đất từ khoảng 2003 đến 2008 sau đó nhà đất không ai ở. Bà Hoàng Thị T là con gái cụ B nhà ở gần đó đã trông coi, quản lý nhà đất và trồng cây trên đất của hai cụ để lại, tuần tự, giỗ tết thắp hương cho các cụ. Mẹ con bà H thỉnh thoảng lễ tết mới về chốc lát rồi lại đi chứ không ăn ở tại nhà đất của hai cụ để lại. Điều này cũng phù hợp với chính lời trình bày của bà H tại tại phiên tòa phúc thẩm và Đơn trình bày ý kiến ngày 22/8/2022 (BL168) “...Sau khi Chủng trả nhà thì tôi khóa cửa và nhờ vợ chông Kh – T trông nom hộ nhà cửa, giúp tôi thắp hương mùng một, ngày rằm hoặc những ngày giỗ các cụ, cha, mẹ, chồng mà mẹ con tôi không về trực tiếp tổ chức tại nhà được..” Bà H cho rằng hộ khẩu của mẹ con bà vẫn ở xã Xuân Tân nên bà vẫn quản lý sử dụng nhà đất từ trước đến nay là không có căn cứ. Vì theo cung cấp của chính quyền địa phương tại Biên bản làm việc ngày 16/6/2022 thì mẹ con bà H đã đi HN làm ăn khoảng 20 năm nay, có việc gì thì bà H mới về quê nên không có mặt tại địa phương, nhưng hộ khẩu vẫn ở địa phương (Khẩu treo), từ khi bà H cùng các con đi HN thì bà T là người quản lý trông coi nhà đất.
Ngoài ra bà H còn cho rằng chính quyền địa phương và người làm chứng cung cấp không khách quan, không chính xác nhưng không có căn cứ chứng minh. Ngày 07/3/2023 Ủy ban nhân dân xã Xuân Tân đã có báo cáo gửi Tòa án về nội dung cuộc họp lấy ý kiến cơ sở xóm và người dân trong xóm (thành phần tham dự gồm ông Ánh – bí thư chi bộ, ông Kiên – xóm trưởng; ông Châu, ông Anh, ông Kh, ông Chủng – quan hệ anh em con cháu của cụ B; ông Kiều, ông Đóa, ông Toàn – hàng xóm). Trên cơ sở ý kiến của những người tham gia họp, UBND xã báo cáo như sau: Nguồn gốc đất tranh chấp là của ông cha để lại cho cụ B và cụ N; năm 1964 cụ B và cụ N xây dựng nhà 4 gian; đến năm 1988 ông T nâng cấp sửa chữa một gian buồng mái bằng và hiên trước, thuê người xây dựng mới bờ ao, dậu, nhà tắm; sau khi cụ B và cụ N chết thì vợ chồng ông T và các con vẫn sinh sống trên nhà đất này; năm 2003 mẹ con bà H đi làm ăn sinh sống trên HN, thỉnh thoảng có về; ông Chủng ở nhờ nhà đất từ năm 2004 đến năm 2007, từ năm 2007 đến nay nhà đất không ai ở; mẹ con bà H vẫn có hộ khẩu tại địa phương, có đóng góp đổ đường xóm. Như vậy nội dung báo cáo ngày 07/3/2023 và nội dung tại biên bản làm việc ngày 16/6/2022 do UBND xã Xuân Tân cung cấp là phù hợp nhau, không có điểm gì mâu thuẫn; UBND xã Xuân Tân cũng không bác bỏ những nội dung đã cung cấp cho Toà án ngày 16/6/2022 nên Hội đồng xét xử sử dụng làm chứng cứ để giải quyết vụ án là khách quan và đúng pháp luật.
Về thực tế thì mẹ con bà H đã làm ăn sinh sống ở HN từ năm 2003 đến nay. Hiện trạng nhà đất trước khi xảy ra tranh chấp (có ảnh kèm theo) thể hiện nhà và các công trình phụ rêu mốc, tường bong tróc lở loét, vườn cỏ mọc, nhà ngang và bếp đổ nát xuống cấp nghiêm trọng, vì vậy có căn cứ xác định nhà đất từ lâu không có người ở. Chỉ đến khi xảy ra tranh chấp và sau khi Toà án huyện XT xét xử sơ thẩm (cuối năm 2022) thì mẹ con bà H mới về sửa chữa cải tạo nhà.
Như vậy có căn cứ khẳng định mẹ con bà H không trực tiếp quản lý trông coi nhà đất là di sản của cụ B và cụ N để lại; bà Hoàng Thị T là trực tiếp quản lý trông coi di sản của cụ B và cụ N để lại từ khoảng năm 2008 đến khi xảy ra tranh chấp, vì bà T là người sinh sống gần đó (cách một thổ đất) mới có điều kiện để quản lý trông coi di sản. Căn cứ vào Khoản 1 Điều 623 của Bộ luật dân sự 2015 thì phần di sản của cụ B đã hết thời hiệu chia di sản thừa kế thuộc về bà Hoàng Thị T.
Tuy nhiên bà Hoàng Thị T có quan điểm là bà không muốn mất đoàn kết chị em trong gia đình nên bà đề nghị phần di sản mà bà được hưởng của cụ B (do hết thời hiệu) phân chia đều cho các đồng thừa kế khác. Xét thấy, đây là sự tự nguyện của bà Hoàng Thị T nên tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của bà T, chia đều phần di sản của cụ B cho các đồng thừa kế khác là phù hợp và có lợi cho các đồng thừa kế khác.
[2.5] Về công sức trông coi quản lý di sản.
Các đương sự đều xác định vợ chồng ông T, bà H có thời gian chung sống cùng cụ B và cụ N, có đóng góp công sức và vật liệu xây dựng vào việc nâng cấp sửa chữa căn nhà chính 4 gian của hai cụ. Sau khi hai cụ chết thì vợ chồng bà H và các con vẫn ở trên nhà đất này, có xây dựng thêm một số công trình phụ (bếp, bể, nhà tắm, chuồng lợn, giếng, tường hoa...), đến nay các công trình xây dựng trên đất đều đã hết khấu hao. Vì vậy Toà án cấp sơ thẩm xác định vợ chồng bà H có công sức trông coi quản lý di sản từ sau khi hai cụ chết đến năm 2003 và trích chia thêm cho mẹ con bà H được hưởng một kỷ phần thừa kế của cụ N là phù hợp.
[2.6] Phân chia di sản:
Do cụ N chết không để lại di chúc nên di sản của cụ N được chia theo pháp luật cho các đồng thừa kế, mỗi thừa kế được một kỷ phần, riêng mẹ con bà H được hai kỷ phần; phần di sản của cụ B hết thời hiệu chia đều cho các đồng thừa kế theo sự tự nguyện của bà T. Bà Hoàng Thị V, bà Hoàng Thị T, bà Hoàng Thị Đ tự nguyện tặng cho kỷ phần thừa kế của mình được hưởng cho bà Hoàng Thị T được quyền sử dụng nên được Toà án sơ thẩm chấp nhận.
Căn cứ vào hiện trạng tài sản và yêu cầu của các đương sự, Toà án cấp sơ thẩm đã tính toán phân chia di sản bằng hiện vật (đất) cho các đồng thừa kế là phù hợp và có căn cứ pháp luật, đảm bảo được quyền lợi của các đương sự. Do các tài sản là công trình xây dựng trên đất đã hêt khấu hao nên cấp sơ thẩm không phân chia, cây cối trên đất các đương sự không yêu cầu chia. Vì vậy phần đất của ai được chia có công trình xây dựng thì người đó được quyền sử dụng hoặc tháo dỡ, cây cối trên phần đất của ai thì người đó được quyền sở hữu. Đối với một số tài sản do mẹ con bà H đã tự đầu tư sửa chữa (cửa sổ, cột chống, cổng sắt..) mẹ con bà H có quyền được tháo dỡ.
Tuy nhiên theo tính toán phân chia đất như nhận định nêu trên thì bà T được chia 574m2, mẹ con bà H được chia 210,57m2, nhưng do cấp sơ thẩm tính toán không chính xác dẫn đến quyết định chia cho bà T 580,21m2 (thừa 6,21m2), chia cho mẹ con bà H là 204,59m2 (thiếu 5,98m2). Vì vậy cần chỉnh sửa lại số liệu này để đảm bảo quyền lợi cho các đương sự.
[2.7] Từ những phân tích nhận định nêu trên, xét thấy quan điểm của bị đơn và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn đưa ra là không có căn cứ và không phù hợp với quy định của pháp luật, nên không chấp nhận kháng cáo của bị đơn. Tuy nhiên do cấp sơ thẩm tính toán sai về diện tích đất dẫn đến sai về giá trị kỷ phần thừa kế nên quyết định về án phí cũng không chính xác, vì vậy cần sửa một phần bản án sơ thẩm về nội dung này.
[3] Các vấn đề khác của vụ án các đương sự không yêu cầu nên Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết.
[4] Về án phí:
Các đương sự phải nộp án phí dân sự sơ thẩm theo giá trị kỷ phần tài sản được chia thừa kế. Bà Hoàng Thị T, bà Hoàng Thị V, bà Hoàng Thị Đ, bà Hoàng Thị T, bà Trịnh Thị H, bà Phạm Thị C, ông Phạm Văn C là người cao tuổi được miễn án phí. Do sửa bản án sơ thẩm nên bà H không phải nộp án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào Khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự. Sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm số 44/2022/DS – ST ngày 16 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện XT.
Căn cứ vào các Điều 609, 610, 611, 612, 613, 623, 649, 650, 651, 660 của Bộ luật Dân sự 2015; Điều 147, 148 của Bộ luật Tố tụng Dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
1. Xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Hoàng Thị V về việc chia di sản thừa kế.
2. Ghi nhận sự tự nguyên của bà Hoàng Thị T về phân chia phần di sản của cụ Hoàng Văn B đã hết thời hiệu cho các đồng thừa kế.
3. Chia cho bà Hoàng Thị T được quyền sử dụng diện tích đất 574,28m2 (trong đó 183,17m2 đất ở; 328.58m2 đất vườn; 62.53m2 đất ao) trị giá 509.421.000đ tại thửa số 146, tờ bản đồ số 36 năm 2002 cùng các công trình xây dựng đã hết khấu hao trên đất tại xóm 6, xã Xuân Tân, huyện XT, tỉnh NĐ.
4. Chia cho bà Trịnh Thị H, anh Hoàng Văn T, anh Hoàng Văn T, chị Hoàng Thị T được quyền sử dụng diện tích đất 210,57m2 (trong đó 68,98m2 đất ở, 54.82m2 đất vườn, 86.77m2 đất ao) trị giá 188.424.000đ, tại thửa số 146, tờ bản đồ số 36 năm 2002 cùng các công trình xây dựng đã hết khấu hao trên đất tại xóm 6, xã Xuân Tân, huyện XT, tỉnh NĐ.
5. Chia cho bà Hoàng Thị T được quyền sử dụng diện tích đất 143.60m2 (trong đó đất ở 24.30m2, đất vườn 45.70m2, đất ao 73.60m2) trị giá 108.030.000đ tại thửa số 146, tờ bản đồ số 36 năm 2002 tại xóm 6 xã Xuân Tân, huyện XT, tỉnh NĐ.
6. Chia cho bà Phạm Thị C, ông Phạm Văn C, ông Phạm Công T, ông Phạm Công C, bà Phạm Thị C, bà Phạm Thị C2 được quyền sử dụng diện tích đất 143.60m2 (trong đó đất ở 23.60m2, đất vườn 45.90m2, đất ao 74.10m2) trị giá 107.400.000đ tại thửa số 146, tờ bản đồ số 36 năm 2002 tại xóm 6, xã Xuân Tân, huyện XT, tỉnh NĐ.
7. Bà Hoàng Thị T có trách nhiệm bàn giao đất cho bà T, bà H, anh Thọ, anh Th, chị Thu; bà Chung, ông Chủng, ông Trình, ông Chuyển, bà Chiên, bà Cúc được quyền sử dụng theo quyết định của bản án.
(Về diện tích, ranh giới, độ dài các cạnh của thửa đất được mô tả chi tiết trong sơ đồ kèm theo).
8. Các đương sự có trách nhiệm liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về quản lý đất đai để đăng ký quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quyết định của bản án và theo quy định của pháp luật.
9. Về án phí:
Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho bà Hoàng Thị T, bà Hoàng Thị V, bà Hoàng Thị Đ, bà Hoàng Thị T, bà Trịnh Thị H, bà Phạm Thị C, ông Phạm Văn C.
Bà Hoàng Thị T phải nộp 6.094.210đ (Sáu triệu không trăm chín mươi tư nghìn hai trăm mười đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
Ông Phạm Công T, ông Phạm Công C, bà Phạm Thị C, bà Phạm Thị C2 phải nộp 3.580.000đ (Ba triệu năm trăm tám mươi nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
Anh Hoàng Văn T, anh Hoàng Văn T, chị Hoàng Thị T phải nộp 7.065.900đ (Bẩy triệu không trăm sáu mươi lăm nghìn chín trăm đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
Bà Trịnh Thị H không phải nộp án phí dân sự phúc thẩm, được trả lại số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp là 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) tại biên lai số 0003065 ngày 26/9/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện XT.
Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án và người phải thi hành án có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án (24/5/2023)
Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 60/2023/DS-PT
Số hiệu: | 60/2023/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Nam Định |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 24/05/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về