TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
BẢN ÁN 57/2022/DS-PT NGÀY 21/11/2022 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN
Trong các ngày 15 tháng 11 và ngày 21 tháng 11 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 29/2022/TLPT-DS ngày 10 tháng 5 năm 2022 về “Tranh chấp về thừa kế tài sản”. Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 05/2021/DS-ST ngày 18 tháng 10 năm 2021 của Toà án nhân dân huyện A, tỉnh Nghệ An bị kháng cáo, kháng nghị. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 98/2022/QĐPT-DS ngày 28 tháng 10 năm 2022, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Bà Võ Thị Th, sinh năm 1949. Địa chỉ: Xóm A, xã A, huyện A, tỉnh Nghệ An. Có mặt.
Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bà Th: Ông Phạm Thế K - Trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Nghệ An. Có mặt khi xét xử, vắng mặt khi tuyên án.
Bị đơn: Ông Võ Đình K (tên gọi khác Võ Trọng K), sinh năm 1945. Địa chỉ:
Xóm A (xóm B cũ), xã B, huyện C, tỉnh Nghệ An. Có mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của ông Võ Đình K: Bà Đào Thị H, sinh năm 1978. Địa chỉ: Xóm A xã H, thành phố A, tỉnh Nghệ An. Có mặt.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Bà Võ Thị Q, sinh năm 1937; nơi ở: Khối B, Phường A, quận B, thành phố HN. Vắng mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của bà Q: ông Võ Trọng Ph (tên gọi khác Võ Hồng Ph), sinh năm 1947 (là người có quyền lợi nghĩa vụ, liên quan trong vụ án). Có mặt.
- Bà Võ Thị Kh, sinh năm 1939 (bà Kh chết trong quá trình xét xử phúc thẩm). Người thừa kế quyền và nghĩa vụ của Bà Võ Thị Kh:
+ Ông Nguyễn Thanh H, sinh năm 1961. Địa chỉ: thôn A, xã B, huyện C, thành phố HN. Vắng mặt (đề nghị xét xử vắng mặt).
+ Ông Nguyễn Thanh H1, sinh năm 1975. Địa chỉ: khu tập thể trường A, phường B, Quận C, thành phố HN. Vắng mặt (đề nghị xét xử vắng mặt).
- Bà Võ Thị L, sinh năm 1941. Địa chỉ: Xóm A, xã B, huyện A, tỉnh Nghệ An. Vắng mặt.
- Bà Võ Thị X, sinh năm 1944. Địa chỉ: Xóm A (xóm B cũ), xã B, huyện C tỉnh Nghệ An. Vắng mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của bà Võ Thị X: Bà Võ Thị Th, sinh năm 1949 (nguyên đơn trong vụ án). Có mặt.
- Ông Võ Trọng Ph (tên gọi khác Võ Hồng Ph), sinh năm 1947. Địa chỉ: Khối A, phường B, thành phố A, tỉnh Nghệ An. Có mặt.
- Bà Võ Thị H, sinh năm 1954. Địa chỉ: khối A, phường B, tỉnh HD. Vắng mặt.
- Bà Võ Thị H1, sinh năm: 1958. Địa chỉ: phố A, phường B, quận C, thành phố HN. Vắng mặt.
Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Võ Đình K và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Võ Trọng Ph kháng cáo.
Người kháng nghị: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An kháng nghị.
NỘI DUNG VỤ ÁN
1. Ý kiến của nguyên đơn bà Võ Thị Th và người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của nguyên đơn:
Bố mẹ bà Võ Thị Th là cụ Võ Trọng N, chết năm 1985 và cụ Lê Thị Đ, chết năm 2014; cụ N chết không để lại di chúc, cụ Đ để lại di chúc. Cụ N và cụ Đ có 09 người con chung là: Bà Võ Thị Q, sinh 1937; Bà Võ Thị Kh, sinh 1939 (bà Kh chết trong quá trình xét xử phúc thẩm); bà Võ Thị L, sinh năm 1941; ông Võ Đình K, sinh năm 1945; bà Võ Thị X, sinh năm 1944; ông Võ Trọng Ph, sinh năm 1947; bà Võ Thị Th, sinh năm 1949; bà Võ Thị H, sinh năm 1954 và bà Võ Thị H1, sinh năm 1958. Ngoài ra cụ N, cụ Đ không có con nuôi, con riêng nào khác.
Di sản thừa kế cụ Võ Trọng N, cụ Lê Thị Đ để lại là thửa đất tại xã B, huyện A tỉnh Nghệ An được Ủy ban nhân dân huyện A, tỉnh Nghệ An (gọi tắt UBND huyện A) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt GCNQSDĐ) năm 1996. Diện tích thực tế sử dụng hiện tại là 439,4m2. Ngày 16/12/2011, cụ Đ lập di chúc tặng cho bà Th 140m2 đất (trong đó đất ở 100m2, đất vườn 40m2) tại thửa đất số 372, tờ bản đồ số 2, được UBND huyện A cấp GCNQSDĐ năm 1996 (đo đạc bản đồ địa chính mới là thửa 155, tờ bản đồ số 10).
Ông Võ Đình K là anh trai của bà Th không đồng ý với di chúc của cụ Lê Thị Đ. Vì vậy, bà Võ Thị Th khởi kiện yêu cầu Tòa án chia tài sản thừa kế của cụ Võ Trọng N theo pháp luật và chia tài sản thừa kế của cụ Lê Thị Đ theo di chúc; tài sản trên đất và cây cối bà Th không yêu cầu chia.
2. Ý kiến của bị đơn ông Võ Đình K:
Về họ tên, ngày sinh, ngày chết và các con của cụ N và cụ Đ đúng như bà Th trình bày. Tài sản của cụ N, cụ Đ để lại là thửa đất có diện tích khoảng trên 336m2; năm 1999, cụ Đ và bà Th đã bán cho vợ chồng anh HT diện tích 196m2; còn lại 140m2 được UBND huyện A cấp GCNQSDĐ vào ngày 18 tháng 5 năm 2004.
Cụ N chết không để lại di chúc; sau khi cụ N chết, năm 2005, gia đình gồm toàn bộ hàng thừa kế thứ nhất của cụ N là cụ Đ, bà Q, bà Kh, bà L, ông K, bà X, ông Ph, bà Th, bà H và bà H1 làm văn bản cam kết tài sản còn lại của cụ N, cụ Đ để làm nhà thờ và 09 người con cùng ký vào; năm 2011, gia đình làm lại một bản khác cũng nội dung để lại tài sản chung của bố mẹ để làm nhà thờ và 09 người con cùng ký vào.
Cụ Đ chết không để lại di chúc; di chúc của cụ Đ do bà Th cung cấp không đúng với quy định tại các Điều 633, 634, điểm 3 Điều 361 Bộ luật dân sự năm 2015, di chúc này không phải là di chúc của cụ Đ; cụ N, cụ Đ có 09 người con, cụ Đ chỉ để lại đất cho 01 người và không để đất làm nhà thờ là không đúng; di chúc lập ngày 16/12/2011 đến ngày 19/12/2011 mới có xác nhận của UBND xã; di chúc phải có 02 người làm chứng và người làm chứng phải xác nhận nội dung làm chứng nhưng chỉ có 01 người làm chứng; trong di chúc viết bỏ trống GCNQSD và ngày, tháng, năm; nội dung của trang trước không liên quan đến trang sau; GCNQSDĐ đã thu hồi năm 1999 và được cấp lại năm 2004 nhưng di chúc vẫn ghi thửa đất cấp năm 1996; di chúc viết không trung thực, tài sản của cụ N, cụ Đ để lại phía Đông giáp nhà thờ họ V chứ không phải giáp đất nhà vợ chồng anh HT; năm 1996, cụ Đ và bà Th đã bán cho vợ chồng anh T 196m2 và nhà trên đất là của cụ N, cụ Đ nhưng không được giải quyết; phần đất còn lại là của cụ N, vì đất của cụ Đ đã bán cho anh T rồi. Đề nghị Tòa án không công nhận di chúc ngày 16/12/2011 do bà Th cung cấp; chấp nhận văn bản của cụ Đ được 09 anh chị em đã ký để đất làm nhà thờ.
Ngoài thửa đất và tài sản trên đất nêu trên cụ N, cụ Đ không còn tài sản nào khác. Bà Th yêu cầu chia thừa kế ông K không đồng ý vì thực hiện mong muốn của cụ Đ khi còn sống để đất để làm nhà thờ; phần di sản thừa kế của cụ N đã hết thời hạn thừa kế 30 năm; bà Q là người bỏ tiền ra sửa lại nhà, xây lại cổng, nhà vệ sinh, anh em là người bỏ công sửa lại; ngoài ra không có ai có công sức đóng góp với tài sản của cụ N, cụ Đ; ông K không yêu cầu trích công sức đóng góp, tôn tạo di sản; đối với các cây cối và nhà trên đất không liên quan đến bà Th, đây là do ông K và ông Ph trồng.
3. Ý kiến của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Ý kiến của ông Võ Trọng Ph, bà Vũ Thị Quế và bà Võ Thị L:
Ông Ph, bà Q, bà L đồng ý với ý kiến của ông K; ngoài ra ông Ph, bà Q, bà L trình bày bổ sung các năm 2004, cụ Đ không đồng ý cho bà Th đất vì khi đo đạc đất chồng bà Th đánh ông Ph gây thương tích.
Ông Ph, bà Q, bà L cho rằng di chúc của cụ Đ ngày 16/12/2011 do bà Th cung cấp là sai vì nếu công chứng trong nhà cụ Đ thì việc ông Hạ lấy dấu ra khỏi cơ quan là sai; không biết ai là người viết di chúc, di chúc được viết sẵn; di chúc phải có hai người làm chứng và phải làm chứng nội dung của người lập di chúc nhưng chỉ 01 người làm chứng; tài sản chung của cụ N và cụ Đ mà một mình cụ Đ định đoạt là không đúng khi chưa có ý kiến của 9 người con của cụ N, cụ Đ; do chồng bà Th đánh ông Ph nên cụ Đ đã nói “không cho nữa, đã xảy ra như thế là không cho nữa” và con bà Th đã nói “Xin lỗi các cậu hành động của ba cháu như thế là không chấp nhận được đừng đưa ra ủy ban làm gì cho khổ bà ra”; như vậy, cụ Đ đã khẳng định không cho bà Th đất nữa.
Ông Ph, bà Q, bà L đề nghị Tòa án công nhận văn bản được điểm chỉ của cụ Đ và 09 người con đã ký tên; về công sức đóng góp ông Ph, bà Q, bà L không yêu cầu; năm 1996, cụ Đ, bà Th đã bán cho vợ chồng anh HT diện tích 196m2; về cây cối trên đất không liên quan đến bà Th, nhà bếp và bờ rào đã thanh toán cho bà Th 14.000.000 đồng để bà Th ra khỏi nhà.
- Ý kiến của bà Võ Thị X: Bà X đồng ý với ý kiến trình bày của bà Th; phần di sản thừa kế của bà X được hưởng bà X đồng ý để lại làm tài sản chung của các đồng thừa kế khác để làm nơi thờ cúng.
- Ý kiến của Bà Võ Thị Kh (khi còn sống): Trong di chúc cụ Đ lập ngày 16/12/2011 để lại cho bà Th thửa đất diện tích 140m2 (trong đó đất ở 100m2, đất vườn 40m2) tại thửa số 372, tờ bản đồ số 02 được UBND huyện A cấp GCNQSDĐ năm 1996 (đo đạc mới thửa số 155 tờ bản đồ số 10). Bà Kh đồng ý chia di sản thừa kế của cụ Đ theo di chúc bà Th cung cấp và di sản thừa kế của cụ N theo pháp luật. Về phần di sản mà bà Kh được hưởng bà Kh tặng cho phần thừa kế của mình cho bà Th.
- Bà Võ Thị H, bà Võ Thị H1: Đề nghị Tòa án chia thừa kế của cụ N, cụ Đ theo quy định của pháp luật. Bà H, bà H1 không có yêu cầu gì Với nội dung trên, Bản án số 05/2021/DS-ST ngày 18/10/2021 của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Nghệ An đã quyết định:
Căn cứ vào các Điều 197, 214, 215, 217, 219, 223, 631, 633, 634, 646, 648, 649, 650, 652, 653, 654, 657, 658, 661, 667, 674, 675, 676, 685 Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 609, 623, 649, 650, 651, 660 và Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015. Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của UBTVQH xử: Xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Võ Thị Th.
Về hàng thừa kế: Hàng thừa kế thứ nhất của cụ Võ Trọng N gồm có cụ Lê Thị Đ, bà Vũ Thị Q, bà Võ Thị Kh, bà Võ Thị L, ông Võ Đình K, bà Võ Thị X, ông Võ Trọng Ph, bà Võ Thị Th, bà Võ Thị H, bà Võ Thị H1.
Về chia di sản thừa kế: Chia di sản thừa kế của cụ Lê Thị Đ theo di chúc;
chia di sản thừa kế của cụ Võ Trọng N theo pháp luật.
Bà Võ Thị Th được thừa kế tài sản của cụ Lê Thị Đ và cụ Võ Trọng N gồm các tài sản sau: Phần đất có diện tích 180m2 (có 50m2 đất ở), thửa đất số 372 tờ bản đồ số 2 (nay là thửa đất số 155 tờ bản đồ số 10) tại B, huyện A, tỉnh Nghệ An. Cụ thể: phía Nam giáp đường xóm dài 6 m; phía Đông giáp hộ ông Lê Minh T dài 26,21 m; phía Bắc giáp hộ ông Võ Trọng L là đường gấp khúc dài 4,16 m + dài 3,9 m; phía Tây giáp phần đất giao cho các đồng thừa kế khác dài 25 m. Giá trị tài sản bà Võ Thị Th được thừa kế là 270.000.000 đồng (hai trăm bảy mươi triệu đồng).
- Bà Vũ Thị Q, Võ Thị Kh, Võ Thị L, ông Võ Đình K, bà Võ Thị X, ông Võ Trọng Ph, bà Võ Thị H, bà Võ Thị H1 được thừa kế và sở hữu chung tài sản của cụ Lê Thị Đ và cụ Võ Trọng N gồm các tài sản sau: Phần đất có diện tích 259,4m2 (có 50m2 đất ở), thửa đất số 372 tờ bản đồ số 2 (nay là thửa đất số 155 tờ bản đồ số 10) tại xã B, huyện A, tỉnh Nghệ An. Cụ thể: phía Nam giáp đường xóm dài 11,10 m; phía Đông giáp phần đất giao cho bà Võ Thị Th dài 25 m; phía Bắc giáp hộ ông Võ Trọng L dài 11,36 m; phía Tây giáp đường xóm là đường gấp khúc dài 1,06 m + 16,73 m + 0,53 m + 4,27 m.
Giá trị tài sản bà Vũ Thị Q, Võ Thị Kh, Võ Thị L, ông Võ Đình K, bà Võ Thị X, ông Võ Trọng Ph, bà Võ Thị H, bà Võ Thị H1 được thừa kế là 389.550.000 đồng (ba trăm tám mươi chín triệu năm trăm năm mươi nghìn đồng).
Ngoài ra bản án còn tuyên về nghĩa vụ chịu án phí, chi phí tố tụng và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 02/11/2021, bị đơn ông Võ Đình K và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông Võ Trọng Ph kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, với lý do:
- Cụ Võ Trọng N chết năm 1985 nên thời hiệu khởi kiện chia di sản của cụ N đã hết vì đã quá 30 năm (30 năm 29 ngày), Tòa án cấp sơ thẩm vẫn chia thừa kế di sản của cụ N khi đã hết thời hiệu khởi kiện là không đúng.
- Di chúc cụ Lê Thị Đ lập ngày 16/12/2011 là không hợp pháp; Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào di chúc ngày 16/12/2011 mang tên cụ Đ được lập vi phạm về hình thức và nội dung giao cho bà Võ Thị Th được hưởng toàn bộ thừa kế của cụ Đ là trái pháp luật vì di chúc vô hiệu; xem xét trách nhiệm việc chứng thực di chúc và việc cấp GCNQSDĐ năm 1996 của UBND huyện A cho cụ Lê Thị Đ sau khi cụ Võ Trọng N chết.
- Cụ Lê Thị Đ đã chuyển nhượng 196m2 vào năm 2004 cho anh T khi khi chưa có sự đồng ý của những người đồng thừa kế; Tòa án cấp sơ thẩm xác định chưa đúng di sản thừa kế của cụ N, cụ Đ để lại.
- Không triệu tập bị đơn và người có quyền nghĩa vụ liên quan trong vụ án đến tham gia định giá, thẩm định tại chỗ; các phiên họp, hòa giải lập trái pháp luật vì Thẩm phan không tham gia nhưng vẫn ký vào biên bản.
- Không xem xét chia di sản thừa kế của cụ N, cụ Đ để lại là ngôi nhà trên đất mà chỉ chia di sản thừa kế là đất; xác định không đầy đủ di sản thừa kế của cụ N, cụ Đ để lại; di sản của cụ N, cụ Đ là 635,4m2 và ngôi nhà gỗ cấp 4 trên đất, trong đó một nửa là của cụ N, một nửa là của cụ Đ, sau khi cụ N chết, cụ Đ đã chuyển nhượng 196m2 đất cho vợ chồng anh HT nên di sản của cụ Đ chỉ còn 121,7m2;
Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm tuyên di chúc ngày 16/12/2011 của cụ Đ vô hiệu; đình chỉ yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ N vì hết thời hiệu khởi kiện; chia di sản thừa kế của cụ Đ theo quy định pháp luật.
Tại phiên tòa ông Võ Đình K, ông Võ Trọng Ph và người đại diện theo ủy quyền của ông K đề nghị hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại.
Ngày 27/12/2021, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã có quyết định kháng nghị số 1191/QĐKNPT-VKS-DS với nội dung:
Tòa án cấp sơ thẩm xác định di chúc ngày 16/12/2011 của cụ Đ có hiệu lực pháp lý và phân chia di sản thừa kế theo di chúc là chưa đủ cơ sở; di sản thừa của cụ N đã hết thời hiệu chia thừa kế nhưng bản án sơ thẩm chia phần di sản thừa kế của cụ N theo pháp luật là không có căn cứ.
Ngoài ra, biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 03/11/2020 thể hiện trên thửa đất tranh chấp còn có các tài sản gồm nhà, công trình vệ sinh và một số cây cối nhưng bản án sơ thẩm không nhận định và quyết định; phần nhận định của bản án sơ thẩm mâu thuẫn với phần quyết định.
Đề nghị áp dụng khoản 3 Điều 308, Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự xử hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại theo thủ tục chung.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát và các đương sự có mặt tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
1. Về tố tụng: Tại phiên tòa vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Võ Thị Q, bà Võ Thị L, bà Võ Thị X, bà Võ Thị H, bà Võ Thị H1; anh Nguyễn Thanh H, anh Nguyễn Phúc H1. Tuy nhiên bà Q đã ủy quyền cho ông Ph, bà X ủy quyền cho bà Th, anh H, anh H1 đề nghị xét xử vắng mặt; những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan khác đã được Tòa án triệu tập hợp lệ. Vì vậy, Hội đồng xét xử quyết định xét xử vắng mặt những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Người kháng cáo, nội dung và hình thức đơn kháng cáo, thời hạn kháng cáo đúng quy định tại các Điều 271, 272, 273 Bộ luật tố tụng dân sự nên kháng cáo hợp lệ; kháng nghị của của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An trong hạn luật định. Vì vậy kháng cáo của đương sự và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An được chấp nhận xem xét theo trình tự phúc thẩm.
2. Xét kháng cáo của bị đơn ông Võ Đình K, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Võ Trọng Ph và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An, Hội đồng xét xử xét thấy:
2.1. Về nội dung kháng cáo các phiên họp, hòa giải lập trái pháp luật vì Thẩm phan không tham gia nhưng vẫn ký vào biên bản; không triệu tập bị đơn và người có quyền nghĩa vụ liên quan đến tham gia định giá, thẩm định tại chỗ.
Xét thấy, căn cứ tài liệu có tại hồ sơ thể hiện quá trình giải quyết vụ án Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành các phiên họp tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải có thẩm phán tham gia; các biên bản hòa giải, công khai chứng cứ đều có chữ ký của Thẩm phán, Thư ký và đương sự tham gia; ông K, ông Ph cho rằng Thẩm phán không tham gia nhưng vẫn ký vào biên bản và ông K, ông Ph cũng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình nên Hội đồng xét xử không có cơ sở để xem xét.
Tại biên bản xem xét thẩm định, biên bản định giá ngày 03/11/2020 thể hiện ông K, ông Ph có tham gia nhưng không ký vào biên bản; tại biên bản phiên tòa thể hiện ông K thừa nhận ông có mặt nhưng không ký vào biên bản vì không được Tòa án triệu tập tham gia; tài liệu có trong hồ sơ thể thể hiện Tòa án chỉ thông báo cho ông Lê Minh T, ông Võ Trọng Ch, ông Võ Trọng L và mời đại diện Ban cán sự xóm A, đại diện UBND xã B, Cán bộ địa chính xã mà không có văn bản lưu tại hồ sơ thể hiện Tòa án triệu tập ông K, ông Ph cũng như các đương sự khác tham gia thẩm định, định giá tài sản tranh chấp là chưa đúng quy định tại Điều 101 và Điều 102 Bộ luật tố tụng dân sự.
2.2. Nội dung kháng cáo không xem xét chia di sản thừa kế là ngôi nhà trên đất; xác định không đầy đủ di sản thừa kế của cụ N, cụ Đ để lại; chưa xem xét phần đất mà cụ Đ đã chuyển nhượng cho ông Lê Minh T khi không có sự đồng ý của đồng thừa kế.
Xét thấy, bà Th khởi kiện yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế là quyền sử dụng thửa đất số 372 tờ bản đồ số 2, nay là thửa đất số 155 tờ bản đồ số 10 tại xã B, huyện A, tỉnh Nghệ An theo di chúc và theo pháp luật; không yêu cầu chia nhà và các công trình, cây cối trên đất.
Kết quả xem xét thẩm định tại chỗ trên đất có 01 nhà ở diện tích 64,68m2; 1 khu vệ sinh và một số cây cối. Đối với 01 nhà ở diện tích 64,68m2; 1 khu vệ sinh theo sơ đồ thẩm định kèm theo thì diện tích nhà và các công trình là 80,9m2; ông K, ông Ph đều trình bày là tài sản do các anh chị em góp xây dựng sửa sang làm nơi thờ cúng cha mẹ, bà Th không yêu cầu chia. Tuy nhiên, căn cứ vào sơ đồ giao đất kèm theo bản án thì trên 180m2 đất giao cho bà Th có một phần công trình, làm ảnh hưởng đến giá trị sử dụng tài sản đang sử dụng, Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét giải quyết là không đúng quy định.
Về cây trồng trên đất, ông K và ông Ph đều trình bày cây cối do ông K, ông Ph tự trồng nên đây không phải là di sản thừa kế, bà Th không yêu cầu chia; tuy nhiên khi giải quyết phân chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất có tài sản của người khác trên đất, Tòa án sơ thẩm không hỏi ý kiến của người có tài sản đối với tài sản này được giải quyết như thế nào là chưa đầy đủ, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người có tài sản.
Quá trình giải quyết vụ án bà Th trình bày năm 2004, cụ Đ chuyển nhượng cho anh T 196m2, diện tích đất này không liên quan đến di sản thừa kế của cụ N, cụ Đ mà do cụ Đ mua của bà Ch sau đó bà Th và cụ Đ thống nhất bán cho anh T với 10 triệu đồng; ông K, ông Ph cho rằng đây là tài sản chung của cụ N, cụ Đ. Tòa án cấp sơ thẩm chưa xác minh làm rõ nội dung này để có căn cứ giải quyết vụ án là chưa đầy đủ.
2.3. Về nội dung kháng cáo và kháng nghị Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng thời hiện khởi kiện đối với phần di sản thừa kế của cụ N:
Quá trình giải quyết vụ án bị đơn ông Võ Đình K yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với phần di sản thừa kế của cụ N; căn cứ tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án và ý kiến của các đương sự thể hiện thửa đất số 372, tờ bản đồ số 02, diện tích 336m2 (nay là thửa số 155, tờ bản đồ số 10, diện tích 439,4m2) tại xã B, huyện A là tài sản chung của cụ N và cụ Đ; cụ N chết ngày 16/5/1985, cụ Đ chết ngày 19/5/2014 nên thời điểm mở thừa kế đối với phần di sản thừa kế của cụ N là ngày 16/5/1985, thời điểm mở thừa kế đối với phần di sản thừa kế của cụ Đ là ngày 19/5/2014.
Ngày 09/10/2019, bà Th khởi kiện yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế cụ Niêm, cụ Đ đến ngày 29/9/2020, bà Th rút đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án; ngày 29/9/2020, Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 16/2020/QĐST-DS đình chỉ giải quyết vụ án; quyết định đình chỉ vụ án của Tòa án nhân dân huyện A không bị kháng cáo, kháng nghị nên có hiệu lực pháp luật. Như vậy, bà Th khởi kiện ngày 09/10/2019 yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế cụ N để lại thì thời hiệu vẫn còn nhưng do bà Th rút đơn khởi kiện và Tòa án đã định đình chỉ giải quyết vụ án, quyết định có hiệu lực pháp luật nên việc giải quyết vụ án đã chấm dứt.
Ngày 09/10/2020, bà Th làm đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế cụ N, cụ Đ để lại. Xét thấy căn cứ Điều 623 Bộ luật dân sự; Án lệ số 26/2018 ngày 17/10/2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06/11/2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì người để lại di sản thừa kế là bất động sản chết trước ngày công bố Pháp lệnh Thừa kế ngày 30/8/1990 thì thời hiệu mở thừa kế là 30 năm (tính từ ngày 10/9/1990 là ngày Pháp lệnh thừa kế được công bố). Như vậy, tính từ ngày 10/9/1990 đến ngày 09/10/2020 (ngày bà Th làm đơn khởi kiện) thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế cụ N để lại đã quá 30 năm. Bản án sơ thẩm nhận định nguyên đơn khởi kiện lần đầu ngày 09/10/2019, sau đó rút đơn khởi kiện để đi điều trị bệnh và khởi kiện lần 2 ngày 20/10/2020 nên phần di sản thừa kế của cụ N trong thời hạn khởi kiện và chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn chia thừa kế là không có căn cứ.
2.4. Về việc xác định hiệu lực pháp luật của di chúc:
Quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn Võ Thị Th xuất trình bản Di chúc ngày 16/12/2011 của cụ Lê Thị Đ với nội dung cụ Đ "để lại toàn bộ phần diện tích đất đai của tôi bao gồm cả đất ở và đất vườn cho con gái tôi là Võ Thị Th", di chúc chỉ có 1 chữ ký của người làm chứng là ông Lê Tất Th và chứng thực của ông Hoàng Văn H - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã B.
Theo các Điều 655, 656, Điều 657, Điều 658, Điều 661 Bộ luật dân sự năm 2005 thì hình thức và thủ tục lập di chúc được quy định như sau: Đối với di chúc bằng văn bản không có người làm chứng thì người lập di chúc phải tự tay viết và ký vào bản di chúc. Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 653 của Bộ luật dân sự năm 2005.
Đối với di chúc bằng văn bản có người làm chứng: Trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc. Việc lập di chúc phải tuân theo quy định tại Điều 653 và Điều 654 BLDS.
Đối với di chúc có chứng thực của Ủy ban: Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban. Người có thẩm quyền chứng thực phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban ký vào bản di chúc;
Trong trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban; người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.
Đối chiếu với các quy định trên thì bản di chúc ngày 16/12/2011 của cụ Đ không được xác định là di chúc bằng văn bản có người làm chứng vì chỉ có chữ ký của 01 người làm chứng là ông Lê Tất Th và cũng không thể xác định đây là di chúc có chứng thực của Uỷ ban nhân dân theo quy định tại Điều 658 BLDS năm 2005 vì nội dung di chúc không phải do ông Lê Văn Kh - Công chức tư pháp hộ tịch Ủy ban nhân dân xã B thời điểm năm 2011 ghi chép lại nội dung cụ Lê Thị Đ đã tuyên bố.
Mặt khác, nội dung Di chúc ngày 16/12/2011 thể hiện cụ Đ "để lại toàn bộ phần diện tích đất đai của tôi bao gồm cả đất ở và đất vườn cho con gái tôi là Võ Thị Th". Biên bản lấy lời khai ngày 09/8/2021, ông Kh trình bày tại thời điểm lập di chúc cụ Đ không đi lại được nhưng đang nói và nhận thức tỉnh táo, cụ Đ nói với ông Kh "dừ chắc con Th chưa có nhà có cửa, mà chắc con Th chăm sóc tui, một nửa phần đất của tui phía Đông (phần giáp nhà HT) tui cho con Th". Biên bản đối chất ngày 03/8/2021, ông Lê Tất Th - người làm chứng trình bày "khi tôi vào bà chỉ nói nội dung là nhờ tôi vào để làm chứng việc lập di chúc cho bà Th thửa đất, Bản di chúc đã được chuẩn bị từ trước, tôi chỉ được thông qua nội dung chứ không biết ai là người lập văn bản đó".
Như vậy, từ lời khai của ông Th và ông Kh, có cơ sở xác định di chúc ngày 16/12/2011 không được lập trước mặt ông Th, cũng không phải do ông Kh trực tiếp ghi chép lại, nội dung di chúc thể hiện tại bản di chúc ngày 16/12/2011 cũng không phù hợp với nội dung di chúc theo lời khai của ông Lê Văn Kh; quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm chưa xác minh làm rõ mâu thuẫn nêu trên nhưng vẫn xác định bản di chúc ngày 16/12/2011 có hiệu lực pháp lý và phân chia di sản thừa kế theo di chúc là chưa đủ cơ sở.
3. Ngoài ra bản án sơ thẩm nhận định "phần của cụ Lê Thị Đ đã cho bà Võ Thị Th nên bà Th được hưởng diện tích đất là 121,2m2" nhưng phần quyết định nêu "bà Vũ Thị Q, Võ Thị Kh, Võ Thị L, ông Võ Đình K, bà Võ Thị X, ông Võ Trọng Ph, bà Võ Thị H, bà Võ Thị H1 được thừa kế và sở hữu chung tài sản của cụ Lê Thị Đ và cụ Võ Trọng N..." là mâu thuẫn với nhau, di sản của cụ Đ đã cho bà Th.
Tài liệu tại hồ sơ vụ án thì tại thời điểm xét xử sơ thẩm ông Võ Trọng K, sinh năm 1945, ông Võ Trọng Ph, sinh năm 1947 đều đã trên 60 tuổi. ông Ph, ông K đều đã có đơn xin miễn nộp án phí theo quy định nhưng Tòa án cấp sơ thẩm vẫn thông báo ông K, ông Ph phải nộp tạm ứng án phí phúc thẩm là không đúng quy định của pháp luật.
Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử thấy rằng: Những thiếu sót trên cấp phúc thẩm không khắc phục được nên cần hủy án sơ thẩm để giải quyết vụ án lại nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự.
[4] Về án phí: Ông Võ Đình K và ông Võ Trọng Ph là người cao tuổi và kháng cáo được chấp nhận nên không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ khoản 3 Điều 308; khoản 1 Điều 310 của Bộ luật tố tụng dân sự, xử:
Hủy bản án dân sự sơ thẩm số 05/2021/DS-ST ngày 18/10/2021 của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Nghệ An về “Tranh chấp về thừa kế”. Giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Nghệ An giải quyết lại theo quy định của pháp luật.
2. Về án phí: Ông Võ Đình K và ông Võ Trọng Ph không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Trả lại tiền tạm ứng án phí phúc thẩm 300.000 đồng cho ông Võ Đình K đã nộp tại Chi cục thi hành án huyện A theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0003847 ngày 02/12/2021; Trả lại tiền tạm ứng án phí phúc thẩm 300.000 đồng cho ông Võ Trọng Ph đã nộp tại Chi cục thi hành án huyện A theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0003846 ngày 02/12/2021.
3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án./.
Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 57/2022/DS-PT
Số hiệu: | 57/2022/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Nghệ An |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 21/11/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về