TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
BẢN ÁN 49/2023/DS-PT NGÀY 05/07/2023 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN
Ngày 05 tháng 7 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 35/2022/TLPT - DS ngày 18 tháng 7 năm 2022 về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 65/2022/DS-ST ngày 02 tháng 6 năm 2022 của Tòa án nhân dân thị xã Đ, tỉnh Quảng Nam bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 40a/2022/QĐ - PT ngày 30 tháng 8 năm 2022, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: bà Lê Thị B, sinh năm 1952;
Địa chỉ: khối H, phường Đ, thị xã Đ, tỉnh Quảng Nam;
Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: ông Nguyễn Trí B1, Trợ giúp viên pháp lý Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Q.
- Bị đơn: ông Lê Hữu S, sinh năm 1986;
Địa chỉ: khối H, phường Đ, thị xã Đ, tỉnh Quảng Nam;
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Luật sư Hồ Thành A, Công ty L, Chi nhánh Đ1; địa chỉ: Số A D, phường H, quận C, thành phố Đà Nẵng.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Lê Thị B2, sinh năm 1957;
2. Ông Lê Văn S1, sinh năm 1964;
Người phiên dịch cho ông S1 (khuyết tật nghe, nói): ông Lê Hữu H, sinh năm 1991;
3. Bà Lê Thị H1, sinh năm 1978;
4. Ông Nguyễn Văn M, sinh năm 1977;
5. Bà Nguyễn Thị V, sinh năm 1944;
6. Bà Lê Thị B3, sinh năm 1969;
7. Bà Mai Thị H2, sinh năm 1985;
Cùng địa chỉ: khối H, phường Đ, thị xã Đ, Quảng Nam;
8. Bà Lê Thị N, sinh năm 1983;
9. Ông Lê Công Đ, sinh năm 1979;
Cùng địa chỉ: khối Hà Bản, phường DD, thị xã Đ, Quảng Nam
10. Bà Lê Thị M1, sinh năm 1970;
Địa chỉ: khối Hà Quảng Bắc, phường DD, thị xã Đ, Quảng Nam
11. Bà Lê Thị P, sinh năm 1958;
Địa chỉ: khối Viêm Đông, phường DN, thị xã Đ, Quảng Nam
12. Bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1931 (đã chết ngày 30/7/2020) Người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bà T: các ông, bà Lê Thị B, Lê Thị B2, Lê Văn S1, Lê Thị B3, Lê Thị M1 và Lê Thị P.
13. Bà Phùng Thị Ánh T1, sinh năm 1986; địa chỉ:Tổ I, phường H, quận N, thành phố Đà Nẵng;
14. Ông Huỳnh Đức N1, sinh năm 1985; địa chỉ: Số E L, phường H, quận N, thành phố Đà Nẵng.
Bà T1 và ông N1 ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Út H3, sinh năm 1993; địa chỉ:
thôn N, phường Đ, thị xã Đ, tỉnh Quảng Nam (văn bản ủy quyền ngày 03 tháng 7 năm 2023).
Người kháng cáo: bị đơn Lê Hữu S.
Các ông bà: Bướm, B3, Sông, A, Ba, S1, H, H1, H3, M, N, Đ, Mơ, P có mặt;
người tham gia tố tụng khác vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo nguyên đơn: cha, mẹ bà B là ông Lê H4 (chết ngày 18/10/2018) và bà Nguyễn Thị T (chết ngày 30/7/2020) là vợ chồng hợp pháp, có 6 con chung gồm các ông, bà: Lê Thị B, Lê Thị B2, Lê Văn S1, Lê Thị B3, Lê Thị M1, Lê Thị P. Đến năm 1979 ông H4 chung sống như vợ chồng với bà Nguyễn Thị V, có 2 con chung là bà Lê Thị N và ông Lê Hữu S, đồng thời ông H4 xem bà Lê Thị H1 (con riêng của bà V) như con ruột vì bà H1 đã sống cùng ông H4 từ nhỏ. Ông H4, bà V và bà T không có con nuôi và con riêng nào khác. Khi còn sống, ông H4 và bà V ở chung với bà T trong thời gian đầu, sau đó ông H4 và bà V ở riêng nhưng vẫn giữ mối quan hệ với bà T, vì hai nhà cách nhau khoảng 100m.
Năm 1979, ông H4 và bà V xây nhà cấp 4 trên khu vườn do ông H4 và bà T đã khai hoang. Quá trình sử dụng đất ông H4 kê khai, đăng ký và hộ ông Lê H4 được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1998, thửa đất số 109, diện tích 2.588m2 (đất ở 830,1m2 và đất trồng cây lâu năm 1757,9m2). Năm 2018, ông H4 chết. Năm 2020, bà T chết. Ông H4 và bà T không để lại di chúc. Bà B yêu cầu chia di sản thừa kế của ông H4 và bà T để lại theo pháp luật là nhà chính 3 gian, nhà dưới, nhà bếp và quyền sử dụng đất diện tích 2.588m2, thuộc thửa đất số 109, tờ bản đồ số 3 và yêu cầu được nhận đất để làm nhà thờ ông, bà, cha mẹ. Không yêu cầu giải quyết tài sản trên đất.
Phía bị đơn đồng ý với các thông tin do nguyên đơn đưa ra về họ tên, năm sinh, năm chết, các con của ông H4, bà T và các con của ông H4, bà V. Xác nhận việc ông H4 giữ mối quan hệ với bà T khi sống chung với bà V và việc bà Lê Thị H1 là con riêng của bà V, nhưng đã sống cùng ông H4 từ nhỏ, được ông H4 nuôi dưỡng như con ruột. Bị đơn không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì: nhà và đất tranh chấp là do ông H4 và bà V cùng khai hoang, tạo lập và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình. Trong quá trình sử dụng đất, hộ gia đình đã tặng cho vợ chồng và N một nền nhà, vợ chồng bà N đã làm nhà trên phần đất này sinh sống từ năm 2006 đến nay; năm 2010, gia đình tiếp tục tặng cho bà H1 200m2 đất nhưng vợ chồng bà H1 chưa nhận đất. Ngày 10 tháng 4 năm 2018, gia đình lập văn bản thỏa thuận giao toàn bộ thửa đất cho ông H4 quản lý, định đoạt; ngày 12 tháng 4 năm 2018, ông H4 lập di chúc giao toàn bộ nhà đất cho ông S trọn quyền sở hữu, sử dụng, tuy nhiên ông S chưa lập thủ tục sang tên. Năm 2019, bà V lập thủ tục, được cơ quan có thẩm quyền công nhận đất ở diện tích 250m2 và sau đó tiếp tục lập thủ tục sang đất ở tại đô thị với diện tích 580,1m2. Hiện nay bà V và ông S đang quản lý, sử dụng thửa đất 109 và tài sản trên đất. Ông Lê Hữu S yêu cầu chia di sản thừa kế của ông Lê H4 trong phần tài sản của bà Nguyễn Thị T để lại liên quan đến 2.092m2 đất cấp cho hộ Nguyễn Thị T, nhưng đã tự nguyện rút lại yêu cầu này.
Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có ý kiến như sau:
- Bà Mai Thị H2 là vợ của ông S, ở cùng bà V. Năm 2018 vợ chồng bà H2 có xây dựng nhà chái và một số công trình kiến trúc khác trên thửa đất các bên tranh chấp. Bà H2 không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
- Các ông, bà: Lê Thị B2, Lê Thị P, Lê Thị M1, Lê Thị B3, Lê Văn S1 đồng ý với yêu cầu, quan điểm của nguyên đơn và đề nghị được nhận chung quyền sử dụng đất để sử dụng.
- Bà Lê Thị N và ông Lê Công Đ không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, đề nghị bảo vệ quyền lợi của vợ chồng ông, bà đối với diện tích đất được gia đình cho năm 2006 và nhà ở trên đất đã quản lý, sử dụng từ năm 2006 đến nay.
- Ông Nguyễn Văn M và bà Lê Thị H1 trình bày: khoảng năm 2010 gia đình cha, mẹ bà H1 có tặng cho vợ chồng bà H1 một lô đất trong vườn, diện tích 200m2. Việc tặng cho có viết giấy, các thành viên trong gia đình cùng ký, nhưng do đất nằm trong khu quy hoạch nên không sang tên được và vợ chồng bà H1 chưa nhận đất sử dụng. Ông M, bà H1 không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu bảo vệ quyền lợi theo pháp luật.
- Bà Nguyễn Thị V xác nhận việc ông H4 đã có vợ là bà Nguyễn Thị T và giữ mối quan hệ với bà T trong thời kỳ sống chung với bà V; từ năm 1979, ông H4 và bà V sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn. Sau khi về chung sống, ông H4 và bà V đã tự khai hoang lập vườn và làm một ngôi nhà xây trên mảnh vườn này đến nay. Việc gia đình cho đất bà N, lập thủ tục giao quyền cho ông H4 và ông H4 để lại di chúc cho ông S là đúng. Nhà và đất diện tích 2.588m2 là tài sản chung của bà V và ông H4 tạo lập, vào thời điểm tạo lập tài sản các con còn nhỏ nên không có sự đóng góp công sức, tiền bạc. Tuy nhiên tài sản của bà V đã giao cho ông H4 và ông H4 lập di chúc cho ông S nên bà V không yêu cầu chia sản chung.
Với nội dung như trên, tại Bản án dân sự sơ thẩm số 65/2022/DS - ST ngày 02 tháng 6 năm 2022 của Tòa án nhân dân thị xã Đ, tỉnh Quảng Nam đã căn cứ khoản 5 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm c khoản 1 Điều 39, Điều 157, 158, 161, 162, 227 Bộ luật Tố tụng dân sự, các Điều 613, 618, 623, 634, 649, 650, 651, 654, 660, 468 Bộ luật Dân sự, Điều 167 Luật Đất đai, điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xử: chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị B đối với ông Lê Hữu S về việc: “Tranh chấp về thừa kế tài sản”; hủy bản di chúc do ông Lê H4 lập ngày 12 tháng 4 năm 2018; đình chỉ xét xử yêu cầu của ông Lê Hữu S về việc chia thừa kế của ông Lê H4 để lại là quyền sử dụng đất thửa đất số 114, tờ bản đồ số 03, diện tích 1.046m2, tại khối H, phường Đ, thị xã Đ; di sản của ông Lê H4 và bà Nguyễn Thị T là quyền sử dụng đất diện tích 1.196,9m2 được chia cho bà Lê Thị B nhận 171,98m2 đất, trị giá 1.382.167.500 đồng (đất ở tại đô thị diện tích 12,308m2, đất trồng cây lâu năm (vườn ao) diện tích 159,673m2; bà Lê Thị B được quyền sở hữu tài sản trên diện tích 171,98m2 gồm: Hàng rào trụ bê tông có kích thước 12x12x200cm, lưới thép b40 cao 1,5m, chiều dài hàng rào 36,12m, trị giá: 2.317.200 đồng và 03 bụi tre trị giá:
1.500.000 đồng, tổng cộng giá trị tài sản trên đất là: 3.817.200 đồng); chia cho ông Lê Hữu S được nhận 164,97m2 đất, trị giá: 1.273.882.500 đồng (đất ở tại đô thị diện tích 4,881m2, đất trồng cây lâu năm (vườn ao) diện tích 160,089m2; thửa đất số 109; tờ bản đồ số 03; trên diện tích 164,97m2 được chia cho ông Lê Hữu S có tài sản của ông Lê Hữu S và bà Mai Thị H2 gồm: Hàng rào trụ bê tông có kích thước 12x12x200cm, lưới thép b40 cao 1,5m, chiều dài hàng rào 4.1m, trị giá 263.000 đồng); chia cho ông Lê Văn S1, bà Lê Thị M1 và bà Lê Thị P nhận chung diện tích 515,94m2, trị giá 4.146.547.500 đồng (đất ở tại đô thị diện tích 36,927m2, đất trồng cây lâu năm (vườn ao) diện tích 479,019m2; thửa đất số 109, tờ bản đồ số 03; ông Lê Văn S1, bà Lê Thị M1 và bà Lê Thị P được quyền sở hữu tài sản trên diện tích 515,94m2 gồm: Hàng rào trụ bê tông có kích thước 12x12x200cm, lưới thép b40 cao 1,5m, chiều dài hàng rào 49,46m trị giá: 3.173.100 đồng; 02 cây xoài trị giá:
2.200.000 đồng; 01 chái để xe trị giá: 1.000.000 đồng; chuồng bò trị giá: 1.306.800 đồng. Tổng cộng tài sản trên đất: 7.679.900 đồng); chia cho bà Lê Thị B2 và Lê Thị B3 nhận chung diện tích đất 343,96m2 trị giá 2.764.335.000 đồng (đất ở tại đô thị diện tích 24,616m2, đất trồng cây lâu năm (vườn ao) diện tích 319,346m2; thửa đất số 109, tờ bản đồ số 03; Bà Lê Thị B2 và Lê Thị B3 được quyền sở hữu tài sản trên diện tích 343,96m2 gồm: Hàng rào trụ bê tông có kích thước 12x12x200cm, lưới thép b40 cao 1,5m, chiều dài hàng rào 44,51m trị giá: 2.855.500 đồng và 01 cây dương liễu trị giá 500.000 đồng Tổng cộng tài sản trên đất: 3.355.500 đồng); các ông, bà: Lê Văn S1, Lê Thị B, Lê Thị M1, Lê Hữu S, Lê Thị B2, Lê Thị B3, Lê Thị P có nghĩa vụ liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất được chia thừa kế theo quy định của pháp luật; bà Nguyễn Thị V được quyền sở hữu 01 (một) nhà chính 3 gian diện tích 42m2 trị giá 47.775.000 đồng;
01 (một) nhà dưới diện tích 25m2 trị giá 22.500.000 đồng và 01 (một) nhà bếp diện tích 10m2 trị giá 2.775.000 đồng (tổng cộng: 73.050.000 đồng), gắn liền với phần đất còn lại diện tích 1.391,1m2; thửa đất số 109, tờ bản đồ số 03; các ông, bà: Lê Văn S1, Lê Thị B, Lê Thị B2, Lê Thị B3, Lê Thị P, Lê Thị M1 mỗi người thanh toán cho bà Nguyễn Thị V chi phí công sức bảo quản di sản thừa kế là 23.617.900 đồng; các ông, bà: Lê Hữu S, Lê Thị N, Lê Thị H1 mỗi người phải có nghĩa vụ thanh toán cho bà Nguyễn Thị V chi phí công sức bảo quản di sản thừa kế số tiền 7.255.800 đồng. Ông Lê Hữu S phải có nghĩa vụ thanh toán kỷ phần thừa kế cho bà Lê Thị N và bà Lê Thị H1 mỗi người số tiền 424.627.500 đồng; bà Lê Thị B phải có nghĩa vụ thanh toán cho ông Lê Hữu S và bà Mai Thị H2 số tiền 3.817.200 đồng; ông Lê Văn S1, bà Lê Thị M1 và bà Lê Thị P phải có nghĩa vụ liên đới thanh toán cho ông Lê Hữu S và bà Mai Thị H2 số tiền 7.679.900 đồng; bà Lê Thị B2 và bà Lê Thị B3 phải có nghĩa vụ liên đới thanh toán cho ông Lê Hữu S và bà Mai Thị H2 số tiền 3.355.500 đồng.
Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về tứ cận các diện tích đất, án phí, chi phí tố tụng, nghĩa vụ thi hành án, nghĩa vụ chậm trả tiền và quyền kháng cáo của các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 15 tháng 6 năm 2022, bị đơn Lê Hữu S kháng cáo toàn bản án sơ thẩm.
Tại cấp phúc thẩm, bà Phùng Thị Ánh T1 và ông Huỳnh Đức N1 yêu cầu bảo vệ quyền lợi của ông, bà theo hợp đồng đặt cọc mà ông, bà đã thỏa thuận với gia đình ông S, đối với một phần thửa đất số 109 và số tiền mà phía gia đình ông S đã nhận đặt cọc 1.100.000.000 đồng. Ông, bà đề nghị Tòa án giao phần đất 580,1m2 đất ở đã chuyển mục đích năm 2019 cho phía gia đình ông S nhận để tiếp tục thực hiện hợp đồng đặt cọc.
Tại phiên tòa, người bảo vệ quyền lợi cho bị đơn cho rằng nhà, đất mà nguyên đơn yêu cầu chia di sản thừa kế là tài sản của các thành viên trong hộ gia đình ông Lê H4 nên cần xác minh, làm rõ các thành viên hộ gia đình, xác định quyền tài sản của từng thành viên trong hộ, sau đó lấy phần tài sản của ông H4 chia di sản thừa kế.
Ngoài ra, bà V và ông S cải tạo, mở rộng, nâng nền đất trong quá trình sử dụng đất. Theo đó, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị đơn, sửa Bản án sơ thẩm, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chia di sản thừa kế đối với nhà, đất tranh chấp sau khi trừ đi phần của các thành viên hộ gia đình và công sức tôn tạo, quản lý di sản của bà V, ông S.
Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét, giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đúng pháp luật; đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc chia di sản theo hiện vật sao cho đúng quy định về diện tích đất tối thiểu khi tách thửa và đảm bảo quyền lợi của người đặt cọc phần diện tích đất liên quan đến vụ án.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam phát biểu ý kiến:
- Về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm: Tòa án, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự trong quá trình thụ lý, giải quyết, xét xử phúc thẩm.
- Về việc giải quyết vụ án: đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, sửa Bản án sơ thẩm số 65/2022/DS - ST ngày 02 tháng 6 năm 2022 của Tòa án nhân dân thị xã Đ, tỉnh Quảng Nam theo hướng tăng công sức tôn tạo, quản lý di sản của bà V, chia lại di sản về hiện vật để đảm bảo quy định của pháp luật về điều kiện tách thửa, bảo vệ quyền lợi của bà T1 và ông N1.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:
[1]. Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn không rút đơn khởi kiện; bị đơn không rút đơn kháng cáo, yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm; các đương sự không thỏa thuận được việc giải quyết vụ án.
[2]. Xét kháng cáo của bị đơn
[2.1]. Về thủ tục tố tụng
[2.1.1]. Việc kháng cáo của bị đơn được thụ lý đúng điều kiện, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nên kháng cáo của bị đơn Lê Hữu S là hợp pháp.
[2.1.2]. Ông Lê Văn S1 khuyết tật nghe, nói. Theo đề nghị của ông Lê Hữu H (con ruột ông S1; người biết được ký hiệu của ông S1 khi nghe, nói) và sự đồng ý của các đương sự có mặt tại phiên tòa, Hội đồng xét xử xác định ông Lê Hữu H là người phiên dịch cho ông Lê Văn S1 theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[2.1.3]. Bà Phùng Thị Ánh T1 có đơn và cung cấp chứng cứ chứng minh quyền, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Theo đó, Tòa án cấp phúc thẩm bổ sung bà T1 và ông Huỳnh Đức N1 là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là đảm bảo quyền lợi của đương sự. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đơn xin xét xử vắng mặt nên Hội đồng xét xử căn cứ Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 xét xử vắng mặt họ.
[2.2]. Về nội dung vụ án
[2.2.1]. Về việc rút một phần yêu cầu phản tố của bị đơn Ông Lê Hữu S tự nguyện rút yêu cầu phản tố về chia di sản thừa kế của ông Lê H4 trong phần tài sản của bà Nguyễn Thị T để lại liên quan đến 2.092m2 đất cấp cho hộ Nguyễn Thị T nên Tòa án cấp sơ thẩm đình chỉ xét xử yêu cầu này là đúng pháp luật.
[2.2.2]. Các tình tiết, sự việc không phải chứng minh và pháp luật áp dụng Thứ nhất, các đương sự thống nhất các tình tiết, sự việc về nhân thân, năm sinh, năm chết, mối quan hệ giữa các ông bà Lê H4, Nguyễn Thị T, Nguyễn Thị V và các con của ông H4 là các ông, bà: Bướm, Ba, P, Mơ, S1, B3, N, S, H1; các con của bà T là các ông, bà B, Ba, P, Mơ, S1, B3; các đương sự xác định bà T chết không để lại di chúc; thỏa thuận giá trị quyền sử dụng 01m2 đất ở là 15.000.000 đồng, 01m2 đất trồng cây lâu năm (có nguồn gốc là đất vườn ao) là 7.500.000 đồng. Đây là các tình tiết, sự việc không phải chứng minh theo Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, và là cơ sở để Hội đồng xét xử kết luận về người để lại di sản, người hưởng di sản, thời điểm mở thừa kế, giá trị di sản và các nội dung khác có liên quan đến vụ án.
Thứ hai, thời điểm sống chung với nhau như vợ chồng của ông H4, bà T và ông H4, bà V phát sinh trước ngày 03 tháng 01 năm 1987; thời điểm mở thừa kế của ông H4, bà T sau khi Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực. Theo đó, Hội đồng xét xử xác định pháp luật làm căn cứ để xem xét, yêu cầu khởi kiện của đương sự về nội dung vụ án là Bộ luật Dân sự năm 2015, pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xét xử và tại thời điểm các mối quan hệ hôn nhân được xác lập.
[2.2.3]. Về xác định quan hệ hôn nhân hợp pháp Kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa cho thấy: ông H4 và bà T sống chung như vợ chồng trước năm 1975, không đăng ký kết hôn; ông H4 và bà V sống chung với nhau như vợ chồng sau năm 1975, không đăng ký kết hôn. Nhà ông H4 và bà V gần nhà bà T (cùng thôn); bà V, ông S và các con của bà T xác nhận bà V sống chung với ông H4, bà T thời gian đầu, sau đó khi sống với bà V thì ông H4 vẫn còn giữ mối quan hệ với bà T (BL 154, 159, 162, 175, 179, 181, 333); năm 2009, ông H4 và bà T cùng đứng tên chuyển quyền sử dụng đất thuộc vườn ở của hộ bà Nguyễn Thị T (BL 217 – 224). Theo đó, Hội đồng xét xử có cơ sở để xác định: mối quan hệ hôn nhân thực tế giữa ông H4 và bà T và giữ ông H4 và bà V vẫn tồn tại từ khi họ sống chung đến khi ông H4 chết, nên Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng Án lệ số 41/2021/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 23 tháng 02 năm 2021và được công bố theo Quyết định 42/QĐ - CA 12 tháng 3 năm 2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; xác định bà T là vợ hợp pháp của ông H4, bà V không phải là vợ hợp pháp của ông H4 là có cơ sở thực tiễn và đúng pháp luật.
[2.2.4]. Về tính hợp pháp của di chúc Các đương sự thừa nhận tại thời điểm lập di chúc thì ông H4 đang bị bệnh, di chúc do người khác viết hộ nhưng không được chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền. Mặt khác, tại phiên tòa phúc thẩm, phía bị đơn không có ý kiến gì về tính hợp pháp của di chúc. Theo đó, Hội đồng xét xử xác định: Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ các điều 630, 634 Bộ luật Dân sự, xác định di chúc do ông Lê H4 lập ngày 12 tháng 8 năm 2018 không có hiệu lực là đúng pháp luật.
[2.2.5]. Về xác định di sản và chia di sản theo giá trị Các bên tranh chấp di sản là nhà ở và quyền sử dụng thửa đất số 109, tờ bản đồ số 3, tại khối phố H, phường Đ, thị xã Đ, tỉnh Quảng Nam. Hội đồng xét xử thấy:
Thứ nhất, bị đơn kháng cáo cho rằng thửa đất số 109, tờ bản đồ số 3 là tài sản chung của các thành viên trong gia đình, nhưng thừa nhận nhà đất là của bà V và ông H4 khai hoang, các con không đóng góp công sức, tài sản gì ở thời điểm hình thành nhà đất này. Điều 118 Bộ luật Dân sự năm 1995 (pháp luật thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình ông Lê H4) quy định “Tài sản chung của hộ gia đình gồm tài sản do các thành viên cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung và các tài sản khác mà các thành viên thoả thuận là tài sản chung của hộ”. Mặt khác, Nghị định số 64/CP ngày 27 tháng 9 năm 1993 quy định việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích nông nghiệp, nhưng Ủy ban nhân dân huyện Đ căn cứ Nghị định 64/CP, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Lê H4 đối với thửa đất thổ cư số 109 là không có căn cứ pháp luật. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xác định nhà, đất tranh chấp là tài sản của ông H4, bà V tạo lập là có sơ sở thực tiễn và đúng pháp luật nên Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, quan điểm của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị đơn về nội dung kháng cáo này.
Thứ hai, Tòa án cấp sơ thẩm xác định bà T không có công sức tạo lập nên nhà, đất đang tranh chấp nhưng quyết định phần tài sản của bà T bằng phần tài sản của ông H4 trong khối tài sản chung giữa ông H4 với bà V là không đảm bảo quyền lợi của các đồng thừa kế của ông H4 (là con của bà V). Theo đó, Hội đồng xét xử thấy cần tính công sức của ông H4 trong việc tạo lập, tôn tạo, quản lý tài sản nhiều hơn trong khối tài sản chung của vợ chồng (với bà T), chấp nhận kháng cáo của bị đơn, xác định ông H4 có 70%, bà T có 30% giá trị di sản do ông H4 để lại liên quan đến nhà, đất tranh chấp.
Thứ ba, Tòa án cấp sơ thẩm tính công tôn tạo, quản lý di sản của bà V đối với phần tài sản của ông H4 là có cơ sở, nhưng tính cùng tỷ lệ với phần tài sản của bà T chia ra từ tài sản của ông H4 là không đảm bảo quyền lợi của bà V, bởi vì bà V quản lý, sử dụng, tôn tạo tài sản này đã hơn 40 năm, bà T hoàn toàn không quản lý, tôn tạo tài sản này. Theo đó, Hội đồng xét xử xác định công tôn tạo, quản lý của bà V đối với di sản của bà T để lại là 15% giá trị di sản.
Thứ tư, bà T và các con của ông H4, bà T sống gần nhà ông H4, bà V, biết rõ việc xây nhà, sử dụng đất của bà N sau khi hộ ông H4 tặng cho quyền sử dụng 194,2m2 đất cho vợ chồng bà N, ông Đ nhưng không khiếu nại, phản đối gì. Tại phiên tòa, nguyên đơn và các con của bà T và ông H4 xác nhận nội dung này. Theo đó, Tòa án cấp sơ thẩm công nhận hiệu lực giao dịch tặng cho quyền sử dụng đất này là có căn cứ, nhưng trừ phần diện tích đất này vào tài sản của ông H4, bà V là không phù hợp với nhận định tính hợp pháp của giao dịch. Bởi lẽ, các chủ thể có quyền lợi liên quan đến quyền sử dụng đất, không trực tiếp ký kết giao dịch nhưng không phản đối, không khiếu nại, khởi kiện về giao dịch chuyển quyền sử dụng đất đã xảy ra nên được xem là đồng ý việc chuyển quyền tài sản có liên quan đến quyền lợi của mình. Theo đó, Hội đồng xét xử thấy cần trừ phần diện tích đất đã tặng cho bà N, và ông Đ (194,2m2, có 92,46m2 đất ở) trước khi xác định phần tài sản chung của ông H4, bà V và xác định phần tài sản chung của ông H4, bà T trong khối tài sản này.
Thứ năm, việc tặng cho quyền sử dụng đất giữa các thành viên trong hộ gia đình ông H4 với bà H5 bằng giấy viết tay, không được công chứng, chứng thực, nội dung tặng cho không thể hiện rõ vị trí, diện tích đất và chưa được giao đất trên thực tế. Theo đó, Tòa án cấp sơ thẩm xác định việc tặng cho này vô hiệu là đúng quy định của pháp luật.
Từ các nhận định trên, Hội đồng xét xử xác định: có 2.393,8m2 đất (157,54m2 đất ở) và ngôi nhà (nhà chính diện tích 42m2, nhà dưới diện tích 25m2, nhà bếp diện tích 10m2) trị giá 73.050.000 đồng là tài sản chung của ông H4, bà V. Phần bà V có 1.196,9m2 đất (có 78,77m2 + 580,1m2 = 658,87m2 đất ở) và 36.525.000 đồng giá trị nhà. Phần ông H4 có 1.196,9m2 đất (có 78,77m2 đất ở và 1.118.13m2 cây lâu năm trong vườn ao) và 36.525.000 đồng giá trị nhà. Tổng giá trị tài sản của ông H4 trong khối tài sản chung với bà V là 9.604.050.000 đồng (đất ở 1.181.550.000 đồng + đất trồng cây lâu năm trong vườn ao 8.385.975.000 đồng + nhà 36.525.000 đồng); phần tài sản của ông H4 là 6.722.835.000 đồng, phần tài sản của bà T là 2.881.215.000 đồng.
Trừ công tôn tạo, quản lý di sản của bà V 200.000.000 đồng trong tài sản của ông H4, phần di sản của ông H4 để lại là 6.522.835.000 đồng, một kỷ phần thừa kế do ông H4 để lại cho 10 người (09 con và vợ) là 652.283.500 đồng.
Phần tài sản của bà T (cộng kỷ phần thừa kế nhận của ông H4) là 3.533.498.500 đồng, trừ công tôn tạo, quản lý di sản của bà V 530.024.775 đồng trong tài sản của bà T, phần di sản của bà T để lại là 3.003.473.725 đồng, một kỷ phần thừa kế do bà T để lại cho 06 người con là 500.578.954 đồng.
Như vậy, các ông, bà N, S, H1 được nhận kỷ phần thừa kế của ông H4 có giá trị 652.283.500 đồng; các ông, bà B, Ba, P, Mơ, S1, B3 được nhận kỷ phần thừa kế của ông H4 và bà T có giá trị là 1.152.862.454 đồng. Bà V được nhận giá trị công tôn tạo, quản lý di sản do ông H4 và bà T để lại là 730.024.775 đồng.
[2.2.6]. Chia di sản theo hiện vật Thứ nhất, Tòa án cấp sơ thẩm chia di sản theo hiện vật nhưng tính diện tích đất ở trong mỗi phần diện tích đất giao cho người hưởng di sản thừa kế dưới 50m2 là không tuân thủ Điều 14 của Quyết định số 15/2020/QĐ – UBND ngày 05 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Q về “diện tích đất tối thiểu được tách thửa”. Theo đó, Hội đồng xét xử sửa lại nội dung này của bản án sơ thẩm.
Thứ hai, Tòa án cấp sơ thẩm định vị các thửa đất giao cho các đương sự không đảm bảo hiệu quả sử dụng đất trên thực tế đối với các diện tích đất còn lại. Mặt khác, phần diện tích đất thuộc vị trí S4 nằm trong 580,1m2 đất ở của bà Nguyễn Thị V chuyển mục đích năm 2019, là đối tượng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các thành viên trong gia đình bà V với bà Phùng Thị Ánh T1 theo hợp đồng đặt cọc ký kết năm 2018 và năm 2020.
Thứ ba, các con của bà T và ông H4 đều có gia đình và chỗ ở riêng ổn định. Ông S đang sống chung với bà V và có tài sản trên đất. Bà N đã được tặng cho một phần diện tích đất thuộc thửa đất số 109 để làm nhà ở.
Theo đó, để đảm bảo quyền lợi của bà Phùng Thị Ánh T1 trong hợp đồng đặt cọc, thực hiện đúng Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Q về diện tích đất tối thiểu khi tách thửa, Hội đồng xét xử xác định: giao cho bà B quản lý, sử dụng 173,3m2 đất (vị trí số 1), trong đó có 78,77m2 đất ở, trị giá 1.890.525.000 đồng, sở hữu các tài sản trên đất là hàng rào trụ bê tông, lưới thép B40 và 03 bụi tre, so với giá trị kỷ phần thừa kế được nhận thì bà B phải trả lại số tiền 737.662.546 đồng; giao cho bà H1 quản lý, sử dụng diện tích đất 128,8m2 (vị trí số 2) loại đất trồng cây lâu năm trong cùng thửa đất có vườn ao, trị giá 966.000.000 đồng, sở hữu tài sản trên đất là hàng rào trụ bê tông, lưới thép B40, so với giá trị kỷ phần thừa kế được nhận thì bà H1 phải trả lại số tiền 313.716.500 đồng; giao cho các ông, bà S1, B3, P, Mơ, Ba cùng quản lý, sử dụng chung diện tích đất 516,9m2 (vị trí số 3), loại đất trồng cây lâu năm trong cùng thửa đất có vườn ao, trị giá 3.876.750.000 đồng (mỗi người 775.350.000 đồng), sở hữu các tài sản trên đất là hàng rào trụ bê tông, lưới thép B40, 02 cây xoài, 01 chái để xe, chuồng bò, so với giá trị kỷ phần thừa kế mà họ được nhận, mỗi người được nhận thêm số tiền 377.512.454 đồng. Bà Nguyễn Thị V được nhận toàn bộ diện tích đất còn lại của vị trí số 5 và vị trí số 4 là 1.574,8m2, trong đó có 658,87m2 đất ở và 916m2 đất trồng cây lâu năm trong cùng thửa đất có vườn ao. Ông Đ và bà N tiếp tục sử dụng phần diện tích đất ở vị trí số 6 (194,2m2, có 92,46m2 đất ở) và có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo pháp luật quy định. Bà N, ông S được nhận giá trị kỷ phần thừa kế, không nhận quyền sử dụng đất.
Bà V nhận hiện vật vượt phần tài sản được nhận là 377,9m2 đất trồng cây lâu năm trong cùng thửa đất có vườn ao, trị giá là 2.834.250.000 đồng và ½ giá trị ngôi nhà là 36.525.000 đồng = 2.870.775.000, trừ đi chi phí tôn tạo, quản lý di sản được nhận, bà V còn phải trả lại cho các đồng thừa kế số tiền 2.140.750.225 đồng.
Theo đó, bà V phải trả cho ông S, bà N, mỗi người 652.283.500 đồng, trả cho các ông, bà: Ba, S1, P, M1, B3 mỗi người 167.236.645 đồng. Bà B phải trả cho các ông, bà B2, S1, P, M1, B3 mỗi người 147.532.509 đồng. Bà H1 trả cho các ông, bà: Ba, S1, P, M1, B3 mỗi người 62.743.300 đồng.
Tại phiên tòa, ông S, bà H2 thống nhất không yêu cầu giải quyết phần tài sản của vợ chồng ông S, bà H2 trên phần đất giao cho bà V nên Hội đồng xét xử không giải quyết. Hội đồng xét xử thấy cần buộc bà B trả lại cho ông S, bà H2 giá trị tài sản trên phần đất được nhận là 3.817.200 đồng; buộc bà H1 trả lại cho ông S, bà H2 giá trị tài sản trên phần đất được nhận là 263.000 đồng; buộc các ông, bà B2, P, Mơ, S1, B3 liên đới trả cho ông S, bà H2 giá trị tài sản trên phần đất được nhận là 7.679.900 đồng (mỗi người 1.535.980 đồng).
[3]. Về án phí và chi phí tố tụng [3.1]. Về án phí dân sự sơ thẩm: các bà V, Ba, B, P được miễn án phí do người giá và có đơn xin miễn. Ông S, bà N, bà H1, mỗi người phải chịu 30.091.340 đồng;
ông S1, bà B3, bà M1, mỗi người phải chịu 46.585.875 đồng.
[3.2]. Về án phí dân sự phúc thẩm: ông S không chịu. H6 lại số tiền tạm ứng án phí cho ông S.
[3.3]. Về chi phí tố tụng [3.3.1]. Ông Lê Hữu S phải chịu và đã nộp xong 4.798.400 đồng tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ đối với yêu cầu khởi kiện liên quan đến quyền sử dụng diện tích 2.092m2 đất cấp cho hộ Nguyễn Thị T.
[3.3.2]. Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí thẩm định giá tài sản đối với di sản thuộc vụ án tại cấp sơ thẩm là 12.498.400 đồng. Các ông, bà B, B2, S1, B3, P, Mơ mỗi người phải chịu 1.805.700 đồng; các ông, bà S, H1 và N mỗi người phải chịu 554.700 đồng. Do bà B đã nộp xong số tiền trên nên các ông bà Ba, B3, P, Mơ, S, S1, H1, N phải có nghĩa vụ hoàn trả lại tiền cho bà B.
[3.3.3]. Chi phí xem xét, thẩm định, định giá tài sản tại cấp phúc thẩm là 12.000.000 (mười hai) triệu đồng. Các ông bà V, B, Ba, B3, P, Mơ, S, S1, H1, N, mỗi người phải chịu 1.200.000 đồng; do ông S đã nộp xong số tiền này nên các ông, bà V, B, Ba, B3, P, Mơ, S1, H1, N phải trả lại cho ông S mỗi người 1.200.000 đồng.
[3.3.4]. Chi phí giám định 4.500.000 đồng, bà B phải chịu vì kết quả giám định xác định đúng dấu vân tay của ông H4 trong di chúc và di chúc không có hiệu lực là vì nguyên nhân khác.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309, các điều 26, 35, 39, 92, 157, 165, 244 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 118 Bộ luật Dân sự năm 1995; các điều 117, 129, 613, 618, 623, 634, 643, 649, 650, 651, 654, 660, 468 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 167 Luật Đất đai năm 2013; khoản 1 Điều 131 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09 tháng 6 năm 2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000; Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT- TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03 tháng 01 năm 2001; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định “Về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án”.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn Lê Hữu S, sửa một phần Bản án sơ thẩm số 65/2022/DS - ST ngày 02 tháng 6 năm 2022 của Tòa án nhân dân thị xã Đ, tỉnh Quảng Nam.
2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Lê Thị B:
2.1. Tuyên bố bản di chúc do ông Lê H4 lập ngày 12 tháng 4 năm 2018 không có hiệu lực.
2.2. Xác định phần tài sản của ông Lê H4 trong khối tài sản chung với bà Nguyễn Thị V là một phần thửa đất số 109, tờ bản đồ số 8, có diện tích 1.196,9m2 đất (có 78,77m2 đất ở và 1.118.13m2 cây lâu năm trong cùng thửa đất có vườn ao) và ½ giá trị nhà, có giá trị là 9.604.050.000 (chín tỷ, sáu trăm lẻ tư triệu, không trăm năm mươi nghìn) đồng; phần tài sản của ông H4 có 70% là 6.722.835.000 đồng, phần tài sản của bà T có 30% là 2.881.215.000 đồng. Trừ công tôn tạo, quản lý di sản của bà Nguyễn Thị V 200.000.000 đồng, phần di sản của ông Lê H4 để lại là 6.522.835.000 đồng, một kỷ phần thừa kế do ông Lê H4 để lại cho 10 người (09 con và vợ) là 652.283.500 đồng. Phần tài sản của bà Nguyễn Thị T (cộng kỷ phần thừa kế nhận của ông H4) là 3.533.498.500 đồng, trừ công tôn tạo, quản lý di sản của bà Nguyễn Thị V 530.024.775 đồng trong tài sản của bà T, phần di sản của bà Nguyễn Thị T để lại là 3.003.473.725 đồng, một kỷ phần thừa kế do bà Nguyễn Thị T để lại cho 06 người con là 500.578.954 đồng.
2.3. Các ông, bà: Lê Thị N, Lê Hữu S, Lê Thị H1 được nhận kỷ phần thừa kế của ông Lê H4 có giá trị 652.283.500 (sáu trăm năm mươi hai triệu, hai trăm tám mươi ba nghìn, năm trăm) đồng; các ông, bà Lê Thị B, Lê Thị B2, Lê Thị P, Lê Thị M1, Lê Văn S1, Lê Thị B3 được nhận kỷ phần thừa kế của ông Lê H4 và bà Nguyễn Thị T có giá trị là 1.152.862.454 (một tỷ, một trăm năm mươi hai triệu, tám trăm sáu mươi hai nghìn, bốn trăm năm mươi bốn) đồng. Bà Nguyễn Thị V được nhận giá trị công tôn tạo, quản lý di sản do ông Lê H4 và bà Nguyễn Thị T để lại là 730.024.775 (bảy trăm ba mươi triệu, không trăm hai mươi bốn nghìn, bảy trăm bảy mươi lăm) đồng.
2.4. Giao cho bà Lê Thị B quản lý, sử dụng diện tích đất 173,3m2 (có 78,77m2 đất ở và 95m2 đất trồng cây lâu năm trong cùng thửa đất có vườn ao; tại vị trí số 1) và sở hữu các tài sản trên đất (hàng rào trụ bê tông, lưới thép b40 và 03 bụi tre). Giao cho bà Lê Thị H1 quản lý, sử dụng diện tích đất 128,8m2 (đất trồng cây lâu năm trong cùng thửa đất có vườn ao; tại vị trí số 2) và sở hữu tài sản trên đất (hàng rào trụ bê tông, lưới thép b40). Giao cho các ông, bà Lê Văn S1, Lê Thị B3, Lê Thị P, Lê Thị M1, Lê Thị Ba cùng quản lý, sử dụng chung diện tích đất 516,9m2 (đất trồng cây lâu năm trong cùng thửa đất có vườn ao, ở vị trí số 3; giá trị một phần của mỗi người 775.350.000 đồng) và sở hữu chung các tài sản trên đất (hàng rào trụ bê tông, lưới thép b40, 02 cây xoài, 01 chái để xe, chuồng bò). Bà Nguyễn Thị V được nhận toàn bộ diện tích đất còn lại tại vị trí số 5 và vị trí số 4 là 1.574,8m2 (có 658,87m2 đất ở và 916m2 đất trồng cây lâu năm trong cùng thửa đất có vườn ao) và ngôi nhà của ông Lê H4 và bà Nguyễn Thị V trên đất (nhà chính diện tích 42m2, nhà dưới diện tích 25m2, nhà bếp diện tích 10m2). Ông Lê Công Đ và bà Lê Thị N tiếp tục sử dụng phần diện tích đất ở vị trí số 6 (194,2m2, có 92,46m2 đất ở) và có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Tất cả các diện tích đất nói trên thuộc thửa đất số 109, tờ bản đồ số 3, tổng diện tích thửa đất là 2.558m2, tại khối H, phường Đ, thị xã Đ, tỉnh Quảng Nam (tọa độ, vị trí, kích thước các diện tích đất được thể hiện trên bản vẽ kèm theo bản án). Người được giao quyền sử dụng đất có nghĩa vụ liên hệ cơ quan có thẩm quyền lập thủ tục công nhận quyền sử dụng đất được giao theo pháp luật quy định.
2.5. Bà Nguyễn Thị V phải trả cho ông Lê Hữu S, bà Lê Thị N, mỗi người 652.283.500 (sáu trăm năm mươi hai triệu, hai trăm tám mươi ba nghìn, năm trăm) đồng và trả cho các ông, bà: Lê Thị B2, Lê Văn S1, Lê Thị P, Lê Thị M1, Lê Thị B3 mỗi người 167.236.645 (một trăm sáu mươi bảy triệu, hai trăm ba mươi sáu nghìn, sáu trăm bốn mươi lăm) đồng. Bà Lê Thị B phải trả cho các ông, bà Lê Thị B2, Lê Văn S1, Lê Thị P, Lê Thị M1, Lê Thị B3 mỗi người 147.532.509 (một trăm bốn mưới bảy triệu, năm trăm ba mươi hai nghìn, năm trăm lẻ chín) đồng. Bà Lê Thị H1 trả cho các ông, bà: Lê Thị B2, Lê Văn S1, Lê Thị P, Lê Thị M1, Lê Thị B3 mỗi người 62.743.300 (sáu mươi hai triệu, bảy trăm bốn mươi ba nghìn, ba trăm) đồng.
2.6. Bà Lê Thị B phải trả cho ông Lê Hữu S và bà Mai Thị H2 số tiền 3.817.200 (ba triệu, tám trăm mười bảy nghìn, hai trăm) đồng. Bà Lê Thị H1 trả cho ông Lê Hữu S và bà Mai Thị H2 số tiền 263.000 (hai trăm sáu mươi ba nghìn) đồng. Các ông, bà Lê Thị B2, Lê Văn S1, Lê Thị P, Lê Thị M1, Lê Thị B3 liên đới trả cho ông Lê Hữu S và bà Mai Thị H2 số tiền 7.679.900 đồng, mỗi người 1.535.980 (một triệu, năm trăm ba mươi lăm nghìn, chín trăm tám mươi) đồng.
3. Đình chỉ xét xử yêu cầu phản tố của ông Lê Hữu S về việc chia di sản thừa kế theo pháp luật đối với tài sản của ông Lê H4 để lại là quyền sử dụng diện tích đất 1.046m2, thuộc một phần thửa đất số 114, tờ bản đồ số 03, tại khối H, phường Đ, thị xã Đ, tỉnh Quảng Nam. Quyền khởi kiện lại của ông Lê Hữu S đối với yêu cầu phản tố bị đình chỉ được đảm bảo theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
4. Án phí và chi phí tố tụng 4.1. Án phí dân sự sơ thẩm: các bà Nguyễn Thị V, Lê Thị B2, Lê Thị B, Lê Thị P được miễn án phí. Ông Lê Hữu S, bà Lê Thị N, bà Lê Thị H1, mỗi người phải chịu 30.091.340 (ba mươi triệu, không trăm chín mươi mốt nghìn, ba trăm bốn mươi) đồng; ông Lê Văn S1, bà Lê Thị B3, bà Lê Thị M1, mỗi người phải chịu 46.585.875 (bốn mươi sáu triệu, năm trăm tám mươi lăm nghìn, tám trăm bảy mươi lăm) đồng. Phần án phí của ông Lê Hữu S được trừ vào số tiền tạm ứng án phí ông S đã nộp 3.900.000 đồng (ba triệu, chín trăm nghìn) đồng, tại biên lai thu số 0002559 ngày 05 tháng 6 năm 2020 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Đ, ông Lê Hữu S còn phải nộp tiếp án phí là 26.191.340 (hai mươi sáu triệu, một trăm chín mươi mốt nghìn, ba trăm bốn mươi) đồng.
4.2. Án phí dân sự phúc thẩm: ông S không chịu. H6 lại số tiền tạm ứng án phí 300.000 (ba trăm nghìn) đồng cho ông Lê Hữu S theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0001121 ngày 15 tháng 6 năm 2022 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Đ.
4.3. Chi phí tố tụng 4.3.1. Ông Lê Hữu S phải chịu và đã nộp xong 4.798.400 (bốn triệu, bảy trăm chín mươi tám nghìn, bốn trăm) đồng tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ đối với tài sản thuộc yêu cầu phản tố bị đình chỉ.
4.3.2. Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí thẩm định giá tài sản đối với di sản thuộc vụ án tại cấp sơ thẩm là 12.498.400 (mười hai triệu, bốn trăm chín mươi tám nghìn, bốn trăm) đồng. Các ông, bà: Bướm, Ba, S1, B3, P, Mơ mỗi người phải chịu 1.805.700 đồng; các ông, bà S, H1 và N mỗi người phải chịu 554.700 đồng chi phí tố tụng. Các ông, bà Lê Thị B2, Lê Thị B3, Lê Thị P, Lê Thị M1, Lê Văn S1 phải trả cho bà Lê Thị B4 1.805.700 (một triệu tám trăm lẻ năm nghìn bảy trăm) đồng; các ông, bà Lê Hữu S, Lê Thị H1, Lê Thị N phải trả cho bà Lê Thị B 554.700 (năm trăm năm mươi tư nghìn, bảy trăm) đồng.
4.3.3. Chi phí xem xét, thẩm định, định giá tài sản tại cấp phúc thẩm là 12.000.000 (mười hai) triệu đồng. Các ông bà V, B, Ba, S1, P, M1, B3, S, H1, N, mỗi người phải chịu 1.200.000 đồng; Các ông, bà Nguyễn Thị V, Lê Thị B, Lê Thị B2, Lê Văn S1, Lê Thị P, Lê Thị M1, Lê Thị B3, Lê Thị H1, Lê Thị N phải trả lại cho ông Lê Hữu S, mỗi người 1.200.000 (một triệu hai trăm nghìn) đồng.
4.3.4. Bà Lê Thị B phải chịu 4.500.000 (bốn triệu năm trăm nghìn) đồng chi phí giám định và đã nộp xong.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, mà bên phải thi hành án không thi hành khoản tiền trên thì hàng tháng phải chịu thêm khoản tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự;
thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (ngày 05/7/2023).
(Kèm theo Bản án là bản vẽ các diện tích đất liên quan).
Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 49/2023/DS-PT
Số hiệu: | 49/2023/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quảng Nam |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 05/07/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về