Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 484/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 484/2023/DS-PT NGÀY 11/12/2023 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Trong các ngày 04 và 11 tháng 12 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 341/2023/TLPT-DS ngày 05 tháng 10 năm 2023, về việc: “tranh chấp về thừa kế tài sản”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 51/2023/DS-ST ngày 03 tháng 7 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 375/2023/QĐ-PT ngày 31 tháng 10 năm 2023, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Lâm Văn S, sinh năm 1959; địa chỉ: ấp B, xã T, huyện D, tỉnh Bình Dương, có mặt.

- Bị đơn: Ông Lâm Văn M, sinh năm 1961; địa chỉ: ấp B, xã T, huyện D, tỉnh Bình Dương, có mặt.

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của ông Lâm Văn M: Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1985, là Luật sư của Công ty L2 thuộc Đoàn Luật sư Thành phố H, có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Lý Thị G, sinh năm 1964, có mặt.

2. Ông Lâm Văn T1, sinh năm 1989, có yêu cầu vắng mặt.

3. Bà Lâm Thị B, sinh năm 1990, có mặt.

4. Ông Lâm Văn T2, sinh năm 1993, vắng mặt.

Cùng địa chỉ: ấp B, xã T, huyện D, tỉnh Bình Dương.

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bà Lý Thị G: Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1985, là Luật sư của Công ty L2 thuộc Đoàn Luật sư Thành phố H, có mặt.

5. Ủy ban nhân dân huyện D, tỉnh Bình Dương; địa chỉ: khu phố D, thị trấn D, huyện D, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Phương L – Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện D, tỉnh Bình Dương, có yêu cầu vắng mặt.

- Người làm chứng:

1. Ông Bùi Văn N, sinh năm 1967; hộ khẩu thường trú: ấp B, xã T, huyện D, tỉnh Bình Dương.

2. Ông Bùi Văn K, sinh năm 1960; hộ khẩu thường trú: ấp B, xã T, huyện D, tỉnh Bình Dương.

3. Ông Đồng Văn G1, sinh năm 1962; hộ khẩu thường trú: ấp B, xã T, huyện D, tỉnh Bình Dương.

4. Bà Trần Thị N1, sinh năm 1945; hộ khẩu thường trú: ấp B, xã T, huyện D, tỉnh Bình Dương.

5. Bà Huỳnh Thị Kim T3, sinh năm 1962; hộ khẩu thường trú: ấp B, xã T, huyện D, tỉnh Bình Dương.

6. Bà Bùi Thị N2, sinh năm 1962; hộ khẩu thường trú: ấp B, xã T, huyện D, tỉnh Bình Dương.

7. Ông Bùi Ngọc T4, sinh năm 1953; hộ khẩu thường trú: ấp B, xã T, huyện D, tỉnh Bình Dương.

8. Ông Mai Văn T5, sinh năm 1973; hộ khẩu thường trú: ấp B, xã T, huyện D, tỉnh Bình Dương.

9. Ông Bùi Văn L1, sinh năm 1977; hộ khẩu thường trú: ấp B, xã T, huyện D, tỉnh Bình Dương.

10. Bà Đoàn Thị H, sinh năm 1969; hộ khẩu thường trú: ấp B, xã T, huyện D, tỉnh Bình Dương.

11. Ông Nguyễn Văn T6, sinh năm 1975; hộ khẩu thường trú: ấp B, xã T, huyện D, tỉnh Bình Dương.

12. Ông Nguyễn Văn T7, sinh năm 1948; hộ khẩu thường trú: ấp B, xã T, huyện D, tỉnh Bình Dương.

- Người kháng cáo: bị đơn ông Lâm Văn M.

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Nguyên đơn ông Lâm Văn S trình bày:

Cha mẹ của ông Lâm Văn S là cụ Lâm Văn T8, sinh năm 1937 (chết năm 1970) và cụ Bùi Thị N3, sinh năm 1940 (chết năm 1995). Cụ T8 và cụ N3 sinh được 02 người con là ông Lâm Văn S, sinh năm 1959 và ông Lâm Văn M, sinh năm 1961.

Khi còn sống, cụ N3 và các con cùng canh tác sử dụng diện tích đất 6.000m2 tại ấp B, xã T, huyện D, tỉnh Bình Dương. Phần đất này có nguồn gốc trước giải phóng năm 1975, cha mẹ của cụ N3 là cụ Bùi Văn S1 và cụ Nguyễn Thị T9 chia cho con cụ Bùi Thị T10 (mẹ ông Bùi Văn N) và cụ Bùi Thị N3 (mẹ ông Lâm Văn S, ông Lâm Văn M) tọa lạc tại ấp B, xã T, huyện D, tỉnh Bình Dương. Phần đất bà Bùi Thị T10 được cha mẹ chia cho nhưng không sử dụng nên cụ T10 tự nguyện cho cụ N3 sử dụng. Cụ N3 cùng với ông S, ông M làm nhà ở sinh sống và cùng canh tác trồng mì, trồng điều.

Năm 1981, ông S kết hôn với bà Bùi Thị D ra riêng sinh sống độc lập tại ấp B, xã T, huyện D, tỉnh Bình Dương (gần phần đất tranh chấp) nhưng vẫn tiếp tục canh tác trồng mì, trồng điều cùng với bà N3, ông M nhưng ông S không xây dựng công trình gì trên phần này.

Năm 1995, cụ N3 chết không để lại di chúc nhưng khi còn sống trước đó năm 1977 - 1978 thì cụ N3 có nói miệng với 02 người con là cho ông S diện tích đất 1000m2 (chiều ngang 20, chiều dài 50m), còn lại là cho thằng út là ông Lâm Văn M. Việc tặng cho tài sản này chỉ nói miệng, không có lập văn bản gì và nội dung này phía ông M đồng ý không có ý kiến. Vì vậy, ông S vẫn tiếp tục canh tác, sử dụng phần đất này cho đến khi phát sinh tranh chấp.

Đến đầu năm 1998, ông S tiến hành xây dựng căn nhà cấp 4C trên phần đất 1.000m2 bà N3 cho thì ông M phản đối và đồng thời ông S phát hiện ông M đã tự ý đăng ký kê khai toàn bộ khu đất trên để được Ủy ban nhân dân huyện B cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00220 QSDĐ cấp ngày 13/11/1997 mà không có ý kiến của ông S. Sau đó, ông S có yêu cầu ông M tách quyền sử dụng đất trên cho ông S thì ông M đồng ý hứa hẹn tách sổ diện tích đất trên cho ông S. Đến năm 2008-2009 thì ông M trồng cây cao su, lúc này ông S có hỏi tại sao lại trồng cây cao su trên phần đất của ông S thì ông M cho rằng là đất để trống không canh tác gì thì phí nếu sau này ông M tách thửa đất cho ông S thì ông S được hưởng khai thác mủ cây cao su này nên ông S tin tưởng đồng ý, vì tình nghĩa anh em trong gia đình nên ông S không có yêu cầu ông M lập văn bản giấy tờ. Sau đó ông S bị bệnh ung thu dạ dày cần thời gian điều trị lâu dài và đến năm 2012 thì bệnh viện yêu cầu mổ để đảm bảo sức khỏe. Từ năm 2012 cho đến nay, sau nhiều lần thỏa thuận không thành, ông S vô cùng bức xúc vì tài sản này các thành viên trong gia đình đều có công sức tạo dựng, duy trì và phát triển và là di sản thừa kế của cha mẹ để lại cho hai anh em nhưng phía ông M đã tự ý chiếm đoạt toàn bộ quyền sử dụng đất nói trên là vi phạm pháp luật.

Vì vậy, ông S khởi kiện yêu cầu chia thừa kế tài sản đối với ông Lâm Văn M và yêu cầu được hưởng phần đất diện tích qua đo đạc thực tế 1.148,1m2 (1/2 diện tích đất 2.956m2) thuộc một phần thửa đất số 101, tờ bản đồ số 24, tọa lạc tại ấp B, xã T, huyện D, tỉnh Bình Dương bởi những căn cứ pháp lý sau:

1. Nguồn gốc đất là do cụ Bùi Văn S1 và cụ Nguyễn Thị T9 cho cụ Bùi Thị N3 canh tác, sử dụng trước năm 1975 cho đến khi cụ Bùi Thị N3 chết năm 1995. Điều này thể hiện rõ nguồn gốc đất cấp giấy chứng nhận cho ông Lâm Văn M có nội dung là “Đất gốc cha ông để lại” và hồ sơ cấp đất là “Đất cha mẹ để lại”.

2. Mặc dù bà Bùi Thị N3 chết không để lại di chúc hay văn bản thỏa thuận gì liên quan đến phần đất này nhưng sự thật là ông S được hưởng phần đất diện tích 1.148,1m2 và được sự đồng ý của ông M.

3. Việc ông Lâm Văn M được Ủy ban nhân dân huyện B cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00220 QSDĐ ngày 13/11/1997 mà không có sự đồng ý của ông Lâm Văn S là không đúng pháp luật.

4. Quá trình canh tác, sử dụng phần đất diện tích 1.148,1m2 của cụ Bùi Thị N3 cho ông Lâm Văn S là liên tục từ năm 1977 đến khi xảy ra tranh chấp năm 2019.

5. Yêu cầu Tòa án tiến hành xác minh, thu thập đối với những người có quan hệ bà con giữa ông S và ông M để xác định nguồn gốc đất như thế nào.

Còn đối với phần tài sản 75 cây cao su và 25 cây măng cục mà ông Lâm Văn M trồng trên phần đất đang tranh chấp thì S đồng ý bồi thường theo giá trị đã định giá của Nhà nước quy định cho ông M.

Ngoài ra, nguyên đơn không có yêu cầu, tranh chấp gì khác.

- Bị đơn ông Lâm Văn M trình bày:

Cha của ông S, ông M là cụ Lâm Văn T8, sinh năm 1937 (chết năm 1970) và cụ Bùi Thị N3, sinh năm 1940 (chết năm 1995). Cụ T8 và cụ N3 sinh được 02 người con là ông Lâm Văn S, sinh năm 1959 và ông Lâm Văn M, sinh năm 1961.

Ông Lâm Văn M kết hôn với bà Lý Thị G, sinh năm 1964, có 03 người con chung là Lâm Văn T1, sinh năm 1989; Lâm Thị B, sinh năm 1990; Lâm Văn T2, sinh năm 1993. Phần đất tranh chấp này có nguồn gốc là do trước giải phóng năm 1975 vợ chồng cụ Bùi Văn S1 và cụ Nguyễn Thị T9 (cha mẹ cụ Bùi Thị N3) có chia cho cụ Bùi Thị N3 (mẹ ông Lâm Văn S, ông Lâm Văn M) một phần đất tọa lạc tại ấp B, xã T, huyện D, tỉnh Bình Dương.

Sau khi được cụ Bùi Văn S1 và cụ Nguyễn Thị T9 cho cụ Bùi Thị N3 phần đất này thì các thành viên trong gia đình gồm cụ N3, ông S, ông M cùng nhau sinh sống trên phần đất này và tiến hành phát cây cỏ, kẽm gai và trồng cây mì, trồng điều. Phần đất mà hiện nay ông Lâm Văn M đang canh tác và sử dụng là phần đất của cụ Bùi Thị N3. Đến năm 1995, thì cụ N3 chết và được chôn cất trên phần đất này. Cụ N3 chết không để lại di chúc nhưng khi còn sống trước đó thì cụ N3 nói rằng phần đất này tặng cho ông M quản lý, sử dụng không tặng cho ông S. Vì vậy, ông M vẫn tiếp tục canh tác, sử dụng phần đất này cho đến khi phát sinh tranh chấp. Đến năm 1981 – 1982 thì ông S lập gia đình ra ở riêng và không còn sinh sống trên phần đất đang tranh chấp. Sau khi cụ N3 chết thì ông M đã đi làm thủ tục đăng ký kê khai toàn bộ khu đất trên để được Ủy ban nhân dân huyện B cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00220 QSDĐ ngày 13/11/1997 cho hộ ông Lâm Văn M. Như vậy, từ năm 1995 đến năm 2019 thì ông Lâm Văn S không có canh tác, xây dựng công trình gì trên phần đất tranh chấp.

Trước yêu cầu khởi kiện chia thừa kế tài sản của nguyên đơn ông S thì ông M không đồng ý bởi những căn cứ sau đây:

1. Nguồn gốc đất là do cụ Bùi Văn S1 và cụ Nguyễn Thị T9 cho con là cụ Bùi Thị N3 canh tác, sử dụng trước năm 1975 và khi bà Bùi Thị N3 còn sống thì có cho và giao lại cho ông M quản lý, sử dụng ổn định cho đến nay.

2. Sau khi cụ Bùi Thị N3 chết năm 1995 thì phía ông S hoàn toàn không có canh tác, sử dụng gì trên phần trên phần đất tranh chấp.

3. Việc ông M được Ủy ban nhân dân huyện B cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00220 QSDĐ ngày 13/11/1997 là đúng pháp luật và phía ông S không phản đối gì.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lý Thị G, ông Lâm Văn T2, bà Lâm Thị B, ông Lâm Văn T1 thể hiện:

Hộ gia đình ông Lâm Văn M gồm có bà Lý Thị G, sinh năm 1964, ông Lâm Văn T1, sinh năm 1989, bà Lâm Thị B, sinh năm 1990, ông Lâm Văn T2, sinh năm 1993 đã sống tại tổ E, ấp B, xã T, huyện D, tỉnh Bình Dương từ trước năm 1982 cho đến nay và sống rất ổn định lâu dài và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00220 QSDĐ ngày 13/11/1997.

Trước giờ gia đình ông M vẫn sinh sống ổn định không phát sinh tranh chấp, tuy nhiên ông S gần đây có về và yêu cầu gia đình ông M chia đất cho ông S là không có căn cứ. Vì vậy, kính mong quý Tòa án xem xét giải quyết không chấp nhận yêu cầu của ông S. Công nhận quyền sử dụng đất trên thuộc quyền sử dụng đất hợp pháp của gia đình ông M.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ủy ban nhân dân huyện D trình bày tại Công văn số 2152/UBND-BTCD ngày 08/12/2020 như sau:

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00220 QSDĐ do Ủy ban nhân dân huyện B cấp ngày 13/11/1997 cho hộ ông Lâm Văn M có nguồn gốc: “Đất gốc cha ông để lại”. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp theo đúng trình tự và thủ tục quy định tại Luật Đất đai ngày 15/10/1993 và Quyết định số 201/QĐ-ĐTK ngày 14/7/1989 của T11 về việc ban hành quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Quyền sử dụng đất được cấp theo bản đồ địa chính chính quy, có đo đạc thực tế. Hồ sơ lưu tại Văn phòng đăng ký đất đai huyện D không tìm thấy sổ hộ khẩu trong hồ sơ gốc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00220 QSDĐ do Ủy ban nhân dân huyện B cấp ngày 13/11/1997 cho hộ ông Lâm Văn M nên không xác định được các thành viên trong hộ.

Căn cứ vào Bản đồ kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của huyện D thì thửa đất số 101, tờ bản đồ số 24 phù hợp với đất ở nông thôn (ONT) nên việc tách thửa đối với diện tích 1.148,1m2 CLN đề nghị quý cơ quan liên hệ Ủy ban nhân dân xã T xác minh tuyến đường thửa số 101, tờ bản đồ số 24 có nằm trong danh mục các tuyến đường được phép tách thửa theo quy định tại khoản 3, Điều 1 của Quyết định số 28/2019/QĐ-UB ngày 03/12/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh B về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quyết định số 25/2017/QĐ-UBND ngày 27/9/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh B quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với các loại đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Hiện nay chưa tìm thấy thông tin thế chấp tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện D đối với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00220 QSDĐ do Ủy ban nhân dân huyện B cấp ngày 13/11/1997 cho hộ ông Lâm Văn M.

- Người làm chứng ông Bùi Văn N trình bày: phía ông Lâm Văn S gọi ông Bùi Văn N bằng anh bà con thân thuộc. Ông Bùi Văn N là con của bà Bùi Thị T10. Bà Bùi Thị T10 là con ruột của cụ Bùi Văn S1 và cụ Nguyễn Thị T9 (ông Lâm Văn S và ông Lâm Văn M gọi cụ S1, cụ T9 là ông bà ngoại). Về nguồn gốc đất tranh chấp thì trước giải phóng năm 1975 vợ chồng cụ S1 và cụ T9 có chia cho cụ T10 (mẹ ông Bùi Văn N) và cụ N3 (mẹ ông S, ông M) một phần đất tọa lạc tại ấp B, xã T, huyện D, tỉnh Bình Dương. Phần đất mà hiện nay ông M đang canh tác và sử dụng là phần đất của cụ N3 cùng với 02 người con là ông S, ông M sinh sống và cùng canh tác trồng điều. Đến năm 1995, cụ N3 chết thì ông S, ông M tiếp tục trồng cao su. Bên cạnh đó, phía ông S sau khi lập gia đình thì có mua một phần đất khác để sinh sống cùng gia đình của ông S, không còn sinh sống trên phần đất của cụ N3. Sau khi cụ N3 chết thì ông M có hứa chia cho ông S phần đất, cụ thể diện tích bao nhiêu thì ông N không biết rõ, nội dung thỏa thuận chia đất này ông S, ông M có trao đổi cho ông N biết. Mặc dù cụ N3 chết không để lại di chúc nhưng đây là tài sản của cha mẹ để lại cho 02 người con không phải là tài sản riêng khai phá của ông M, điều này thể hiện rõ về nguồn gốc đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ ông M thể hiện là đất gốc cha ông để lại. Việc ông S khởi kiện yêu cầu chia thừa kế tài sản là có căn cứ vì ông S có công sức đóng góp vào phần đất của gia đình cụ N3. Nếu như ý kiến của ông M không đồng ý nội dung này thì yêu cầu Tòa án tiến hành đối chất giữa các đương sự để làm rõ nội dung vụ án.

- Người làm chứng ông Bùi Văn K trình bày: Ông Bùi Văn K là anh em trong dòng họ với ông S, ông M. Ông K có phần đất giáp với đất tranh chấp. Nguồn gốc đất ông S, ông M đang tranh chấp thì ông K thống nhất ý kiến của ông N. Nếu như ý kiến của ông Lâm Văn M không đồng ý nội dung này thì yêu cầu Tòa án tiến hành đối chất giữa các đương sự để làm rõ nội dung vụ án.

- Người làm chứng ông Đồng Văn G1 trình bày: Ông Lâm Văn S và ông Lâm Văn M gọi ông Đồng Văn G1 bằng cậu. Năm 1975, gia đình ông G1 về sinh sống tại ấp B, xã T cho đến nay. Về nguồn gốc đất tranh chấp và nội dung thỏa thuận chia đất giữa 02 người cháu là ông S, ông M thì ông G1 thống nhất trình bày của ông Bùi Văn N. Mặc dù cụ N3 chết không để lại di chúc nhưng đây là tài sản của cha mẹ để lại cho 02 người con không phải là tài sản riêng khai phá của ông M, điều này thể hiện rõ về nguồn gốc đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ ông Lâm Văn M là đất gốc cha ông để lại. Nếu như ý kiến của ông Lâm Văn M không đồng ý nội dung này thì yêu cầu Tòa án tiến hành đối chất giữa các đương sự để làm rõ nội dung vụ án.

- Người làm chứng ông Nguyễn Văn T7 trình bày: Ông Nguyễn Văn T7 hoàn toàn không có quan hệ gì đối với ông Lâm Văn S, ông Lâm Văn M. Năm 1981 gia đình ông Nguyễn Văn T7 từ xã P, huyện D, tỉnh Tây Ninh về khu vực ấp B, xã T để sinh sống và làm công nhân cạo mủ của Nông trường cao su T12. Thời điểm năm 1990 thì phần đất của ông Nguyễn Văn T7 giáp phần đất của bà Bùi Thị N3 (mẹ của ông S, ông M) khi đó bà Bùi Thị N3 làm nghề bán chuối chiên. Nguồn gốc đất và quan hệ tranh chấp thì ông Nguyễn Văn T7 thống nhất ý kiến trình bày của ông Bùi Văn N và ông Đồng Văn G1.

- Người làm chứng bà Trần Thị N1 trình bày: Bà Trần Thị N1 là hàng xóm với ông S, ông M. Trước giải phóng năm 1975 thì gia đình bà Trần Thị N1 về sinh sống ở khu vực ấp B và tiếp giáp phần đất của cụ N1. Trước khi cụ N1 chết năm 1995 thì bà Trần Thị N1 có thấy ông S, ông M cùng canh tác trên phần đất tranh chấp nhưng phía ông S không sinh sống trên phần đất này. Nội dung phía ông S, ông M thỏa thuận với nhau chia cho ông S một phần đất, cụ thể diện tích bao nhiêu là có thật nhưng hiện nay phía ông M không đồng ý chia cho ông S phần đất được hưởng là không đúng vì đây là tài sản có nguồn gốc do cha mẹ để lại, không phải là tài sản riêng của ông M. Đồng thời bà Trần Thị N1 cũng thống nhất ý kiến trình bày của ông Bùi Văn N. Nếu Tòa án tiến hành đối chất giữa các đương sự để làm rõ nội dung vụ án thì bà Trần Thị N1 đồng ý đối chất với nhau.

- Người làm chứng bà Huỳnh Thị Kim T3 trình bày: Bà Huỳnh Thị Kim T3 hoàn toàn không có mối quan hệ gì đối với ông Lâm Văn S, ông Lâm Văn M. Năm 1975, gia đình bà Huỳnh Thị Kim T3 về ấp B, xã T để sinh sống về biết rõ nguồn gốc đất của gia đình cụ Bùi Thị N3 vì phần đất của gia đình bà T3 ở gần đất của cụ Bùi Thị N3. Nội dung phía ông S, ông M thỏa thuận với nhau chia cho ông S một phần đất, cụ thể diện tích bao nhiêu là có thật nhưng hiện nay phía ông M không đồng ý chia cho ông S phần đất được hưởng là không đúng, vì đây là tài sản có nguồn gốc do cha mẹ để lại, không phải là tài sản riêng của ông M. Đồng thời bà T3 cũng thống nhất ý kiến trình bày của ông Bùi Văn N.

- Người làm chứng bà Bùi Thị N2 trình bày: Bà Bùi Thị N2 là chị ruột của ông Bùi Văn N. Ông Lâm Văn S, ông Lâm Văn M gọi bà N2 bằng chị bà con. Phần đất của gia đình bà N2 giáp phần đất của cụ Bùi Thị N3 mà hiện nay gia đình ông M đang cư ngụ. Về nguồn đất và nội dung tranh chấp thì bà N2 thống nhất ý kiến trình bày của ông N, đồng thời phía bà N2 khẳng định về nguồn đất mà hiện nay giữa ông S, ông M tranh chấp là của cha mẹ để lại không phải là tài sản riêng của ông M. Việc ông S khởi kiện yêu cầu được hưởng thừa kế tài sản do cha mẹ để lại là có căn cứ. Vì vậy, bà N2 yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

- Người làm chứng ông Mai Văn T5 trình bày: Ông Mai Văn T5 và ông S, ông M là cậu cháu. Nguồn gốc đất tranh chấp diện tích 1.148,1m2 là do cụ Bùi Thị N3 mẹ ruột của ông S, ông M chết để lại cho hai anh em. Thời điểm năm 1981-1982, khi đó ông T5 khoảng 8-9 tuổi có đi chăn trâu, bò đi qua phần đất của cụ N3 thì thấy cụ N3 cùng với hai người con là ông S, ông M cùng sinh sống và canh tác trồng lúa, mì trên phần đất này. Thời điểm đó khu đất này còn hoang sơ, cây cỏ mọc um tùm mà muốn canh tác trồng lúa, mì, đậu thì phải rẫy cõ phát hoang, cày cấy. Sau khi cụ N3 chết năm 1995 thì chỉ thấy ông M ở trên phần đất này, còn ông S sinh sống gần phần đất tranh chấp nhưng vẫn thấy ông S phát cỏ, dọn dẹp và sử dụng phần đất này. Việc cụ N3 có nói miệng cho ông S phần đất 1.000m2 thì ông T5 không biết nhưng sau khi cụ N3 chết thì phía ông S, ông M có nói cho ông T5 biết nội dung cụ N3 cho ông S một phần đất trong tổng diện tích mà ông M được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đúng sự thật. Đến năm nào thì ông T5 không nhớ rõ phía ông S có tiến hành xây dựng căn nhà cấp 4C trên phần đất tranh chấp thì gia đình vợ chồng ông M, bà G ngăn cản, tuy nhiên phía ông S có giải thích là chỉ xây dựng nhà trên phần đất mà mẹ cho khi còn sống nhưng ông M vẫn không đồng ý. Việc ông M đăng ký kê khai phần đất này để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1997 mà chưa có ý kiến của ông S đối với diện tích đất mẹ cho là chưa đúng pháp luật.

- Người làm chứng ông Bùi Ngọc T4 trình bày: Ông Lâm Văn M, ông Lâm Văn S gọi ông Bùi Ngọc T4 bằng cậu. Về nguồn gốc đất đang tranh chấp thì trước giải phóng năm 1975, cụ Bùi Văn S1 và cụ Nguyễn Thị T9 cho con là cụ Bùi Thị N3 phần đất tọa lạc tại ấp B, xã T, huyện D, tỉnh Bình Dương. Thời điểm trước năm 1995, gia đình cụ N3 cùng với 02 người con là ông S, ông M canh tác trồng điều trên phần đất này. Mặc dù phía ông S không cùng sinh sống trên phần đất này sau khi lập gia đình nhưng ông S vẫn thường xuyên chăm sóc, nuôi dưỡng cụ N3 và canh tác, sử dụng phần đất này. Khi cụ N3 chết thì ông Bùi Ngọc T4 là người dùng xe kéo vật liệu xây dựng mồ mã cho cụ N3. Vì vậy, nguồn gốc đất của cụ N3 cũng như quá trình canh tác, sử dụng thì ông T4 biết rất rõ và đây là tài sản thừa kế của cụ N3 chết để lại, không phải là tài sản riêng của ông M. Thời điểm năm 1998 và năm 2012 thì ông S có tiến hành mua vật liệu xây dựng để xây cất căn nhà cấp 4C trên phần đất hiện tranh chấp thì hai lần đều bị gia đình ông M ngăn cản là đúng sự thật. Khi cụ N3 còn sống thì có nói miệng với ông S, ông M là cho ông S diện tích 1.000m2, vì khi đó có lần ông T4 đến nhà cụ N4 cụ N3 nói lại nội dung này cho ông T4 nghe và ông T4 có trao đổi với cụ N3 là nếu cho con thì bà phải lập giấy tờ để sau này anh em ruột không mích lòng nhau.

- Người làm chứng ông Nguyễn Văn T6 trình bày: Ông Nguyễn Văn T6 và ông Lâm Văn S, Lân Văn M1 là anh em bà con. Phần đất tranh chấp có nguồn gốc do cha mẹ của ông S, ông M1 là cụ Bùi Thị N3, cụ Lâm Văn T8 chết để lại vì thời điểm đó ông Nguyễn Văn T6 là người đi chăn bò đi qua phần đất của cụ Bùi Thị N3 và thấy ông S, ông M1 cùng sinh sống, canh tác trồng củ mì, trồng điều trên phần đất này. Thời điểm năm 1995, thì gia đình cụ N3 cùng 02 người con là ông S, ông M1 vẫn canh tác và sử dụng phần đất này và phía ông T6 có nghe cụ N3 nói là chia phần đất này cho ông S diện tích khoảng 1.000m2, khi đó cụ N3 bán bánh cam, chuối chiên thì ông T6 có ghé nhà và nói chuyện cùng với bà N3. Sau khi bà N3 chết năm 1995, thì ông S không ở trên phần đất tranh chấp nhưng vẫn thường xuyên phát cỏ, dọn dẹp phần đất này và vợ chồng ông M1, bà G không phản đối gì. Năm nào thì ông T6 không nhớ rõ ông S có tiến hành xây dựng căn nhà cấp 4C trên phần đất tranh chấp là đúng sự thật nhưng bị gia đình ông M1, bà G ngăn cản, tuy nhiên ông S có giải thích là chỉ xây nhà trên phần đất mẹ cho khi còn sống nhưng ông M1 vẫn không đồng ý.

- Người làm chứng bà Đoàn Thị H trình bày: Bà Đoàn Thị H gọi ông Lâm Văn S, ông Lâm Văn M là anh bà con. Gia đình bà Đoàn Thị H sinh sống tại ấp B, xã T từ năm 1975 đến nay. Về nguồn gốc đất mà hiện nay các bên đương sự đang tranh chấp thì cha mẹ của ông S, ông M là cụ Bùi Thị N3, cụ Lâm Văn T8 chết để lại. Khi cụ Bùi Thị N3 còn sống thì ông S, ông M cùng canh tác, sử dụng phần đất này nhưng sau đó ông S không còn ở trên phần đất này nữa vì lập gia đình và sinh sống ở chỗ khác cùng ấp B, xã T. Năm 1995, cụ N3 chết đến năm 2012 thì thấy ông S có canh tác trồng cao su trên phần đất này. Còn nội dung thông tin thỏa thuận về việc ông S, ông M chia phần đất của cha mẹ để lại thì phía bà H không biết. Tuy nhiên xét về nguồn gốc đất thì đây không phải là tài sản riêng của ông M.Việc ông M làm thủ tục đăng ký kê khai để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1997 (trong đó có diện tích đất tranh chấp mà ông S đang quản lý, sử dụng) mà không có ý của ông S là chưa phù hợp. Do đó, bà H yêu cầu Tòa án xem xét, xác minh nguồn gốc đất có phải của cha mẹ để lại hay không, có sự việc cụ N3 cho ông S phần đất 1.000m2 hay không để có cơ sở giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 51/2023/DS-ST ngày 03/7/2023 của Tòa án nhân dân huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đã quyết định như sau:

1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Lâm Văn S đối với bị đơn ông Lâm Văn M về việc “tranh chấp về thừa kế tài sản”.

Ông Lâm Văn S được quyền quản lý, sử dụng phần đất có diện tích 1.148,1m2 thuộc một phần thửa đất số 101, tờ bản đồ số 24 tọa lạc tại ấp B, xã T, huyện D, tỉnh Bình Dương.

Khu đất có tứ cận:

- Phía Đông giáp với thửa đất số 1033, 100 - Phía Tây giáp với thửa đất số 101 - Phía Bắc giáp với đường Bê tông - Phía Nam giáp với thửa đất số 1202 * Tài sản gắn liền với đất gồm có: 75 cây cao su có đường kính 25cm; 25 cây măng cụt.

(Kèm theo là M2 trích lục địa chính có đo đạc chỉnh lý tranh chấp số 54- 2020 ngày 20/02/2020 của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện D đã thực hiện và cung cấp).

Ông Lâm Văn S có trách nhiệm liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

2. Ghi nhận sự tự nguyện của ông Lâm Văn S về việc thanh toán cho ông Lâm Văn M về giá trị cây trồng trên phần đất tranh chấp với số tiền 40.475.000 đồng (bốn mươi triệu bốn trăm bảy mươi lăm ngàn đồng).

3. Kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về quản lý đất đai thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 00220 QSDĐ do Ủy ban nhân dân huyện B (nay là Ủy ban nhân dân huyện D), tỉnh Bình Dương cấp ngày 13/11/1997 cho hộ ông Lâm Văn M để điều chỉnh cấp lại theo quyết định của bản án này.

Ngoài ra, bản án còn quyết định về nghĩa vụ thi hành án, chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 03 tháng 7 năm 2023 và ngày 12 tháng 7 năm 2023, người đại diện của bị đơn và bị đơn ông Lâm Văn M kháng cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện; bị đơn giữ nguyên kháng cáo; các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương phát biểu ý kiến:

Về tố tụng: Những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự tại Tòa án cấp phúc thẩm.

Về nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết vụ án là đúng quy định của pháp luật. Bị đơn ông Lâm Văn M kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ mới làm thay đổi nội dung vụ án nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị đơn. Đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: kháng cáo của nguyên đơn trong hạn luật định. Căn cứ Điều 293 Bộ luật Tố tụng dân sự. Tòa án xét xử vụ án theo quy định của pháp luật.

[2] Về nội dung:

Nguyên đơn Lâm Văn S khởi kiện ông Lâm Văn M tranh chấp di sản của mẹ là cụ Bùi Thị N3, sinh năm 1940, chết năm 1975 để lại là quyền sử dụng đất diện tích 2.956m2 (đo thực tế 2.631m2) thuộc thửa đất 101, tờ bản đồ số 24, tại ấp B, xã T, huyện D, tỉnh Bình Dương đã được Ủy ban nhân dân huyện B (nay huyện D), tỉnh Bình Dương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00220 QSDĐ ngày 13/11/1997 cho hộ ông Lâm Văn M.

Bị đơn ông Lâm Văn M không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Ông M cho rằng tài sản nguyên đơn ông S tranh chấp là tài sản riêng của gia đình ông M khai phá mà có.

Tòa án cấp phúc thẩm nhận thấy: tại Biên bản lấy lời khai (bút lục 57) của Tòa án cấp sơ thẩm đối với bị đơn ông Lâm Văn M (do người đại diện trình bày), ông M trình bày: trước giải phóng năm 1975, cụ Bùi Văn S1 và cụ Nguyễn Thị T9 chia cho con là cụ Bùi Thị N3 (cụ N3 là mẹ của ông S, ông M) diện tích đất khoảng 6.000m2, trong đó có thửa đất tranh chấp 101, tờ bản đồ số 24, xã T, huyện D. Sau khi được cho đất thì cụ N3 cùng các con là ông S, ông M cùng cải tạo đất, trồng cây mì, cây điều. Sau khi cụ N3 chết thì cụ N3 được chôn tại thửa đất 101 này.

Tại Đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông M thể hiện: ngày 10/12/1996, bà Lý Thị G (vợ ông M) ký tên tại phần người làm đơn nhưng ghi tên người kê khai là ông Lâm Văn M đối với 12 thửa đất (trong đó có thửa 101 diện tích 2.956m2), có tổng diện tích 7.440m2, thuộc tờ bản đồ số 24, xã T, huyện B. Tại Đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 10/12/1996, bà Lý Thị G kê khai nguồn gốc 12 thửa đất là “Cha mẹ để lại” Đất gốc. Ngày 13/11/1997, Ủy ban nhân dân huyện B (nay là huyện D) ban hành quyết định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Lâm Văn M 12 thửa đất nêu trên (trong đó có thửa 101 tranh chấp), cùng ngày 13/11/1997, Ủy ban nhân dân huyện B (nay là huyện D) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Lâm Văn M diện tích 7.439m2 thuộc 12 thửa đất kê khai nêu trên, trong đó có thửa đất 101, diện tích 2.956m2.

Tại Biên bản lấy lời khai ngày 23/10/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đối với ông Lâm Văn M, ông M trình bày: sau năm 1975, cụ N3 và ông S, ông M đến ấp B, xã T, huyện B (nay là huyện D) sinh sống. Lúc đó ông M đã 14 tuổi, cùng cụ N3 khai hoang đất, trong đó ông M và cụ N3 khai hoang được khoảng 1.000m2, còn lại do vợ ông M khai hoang sau khi ông M lấy vợ; trên thửa đất 101, ông M và cụ N3 làm căn nhà tranh (nhà kê 12 cột) sinh sống. Năm 1998, Nhà nước xây dựng cho gia đình ông M 01 căn nhà “Đ". Nhà "Đ” được xây dựng trên nền nhà tranh (nhà kê 12 cột) đã tháo dỡ do hư hỏng. Quá trình sống chung với bà N3, do bà N3 bị bệnh nên ông M đã chuyển nhượng 11 thửa đất để lấy tiền chữa bệnh cho bà N3, chỉ còn lại thửa đất 101 đang tranh chấp.

Lời trình bày trên của ông M mâu thuẫn chính với lời khai của mình trong quá trình tố tụng, ông M thừa nhận đất có nguồn gốc của ông bà chia cho cụ N3 là mẹ của ông M, và tại hồ sơ kê khai, đăng ký 12 thửa đất do bà G (vợ ông M) thực hiện, chính bà G kê khai đất đã thừa nhận nguồn gốc 12 thửa đất (trong đó có thửa 101) của cha mẹ để lại, chứ không do bà G khai hóa như lời trình bày của ông M.

Quá trình tố tụng tại cấp sơ thẩm, nguyên đơn ông S và người đại diện của bị đơn ông M thừa nhận thửa đất tranh chấp 101 của cụ N3 được cha mẹ của cụ N3 cho. Ông S rằng khi còn sống cụ N3 nói cho ông S 1.000m2 đất tại thửa 101, còn ông M cho rằng cụ N3 cho ông M toàn bộ đất, chứ không cho ông S. Tuy nhiên, ông S và ông M không có chứng cứ chứng minh khi còn sống cụ N3 đã tặng cho ông S hoặc ông M quyền sử dụng đất thửa 101.

Với những tài liệu, chứng cứ trên có căn cứ xác định thửa đất 101, diện tích 2.956m2, tờ bản đồ số 24, xã T, huyện D tài sản của cụ N3 được cha mẹ tặng cho từ sau ngày giải phóng năm 1975. Cụ N3 cùng với ông S, ông M làm nhà ở tại thửa đất 101 này. Năm 1995, cụ N3 chết thì tài sản của cụ N3 gồm căn nhà tranh, gắn liền thửa đất 101, tờ bản đồ số 24, xã T, huyện D di sản thừa kế.

Cụ N3 có chồng là cụ Lâm Văn T8, sinh năm 1937, chết năm 1970. Cụ N3 và cụ T8 có 02 người con là ông Lâm Văn S, sinh năm 1959 và ông Lâm Văn M, sinh năm 1961. Từ sau năm 1975, cụ N3 được cha mẹ cho 12 thửa đất, tổng diện tích 7.439m2, trong đó có thửa đất 101, diện tích 2.956m2 (đo thực tế 2.631m2) là tài sản riêng của cụ N3. Quá trình sử dụng đất, ông M đã chuyển nhượng các thửa khác, còn lại thửa 101 trên đất còn nền nhà cũ của cụ N3. Cụ N3 chết năm 1995, không để lại di chúc, khi còn sống cụ N3 cũng không tặng cho ai thửa đất 101 này. Do đó thửa đất 101, diện tích 2.956m2 là di sản của cụ N3 để lại cho các con là ông S và ông M.

Việc ông S khởi kiện ông M chia di sản của cụ N3 yêu cầu được hưởng diện tích 1.148,1m, trong diện tích 2.631m2 là đảm bảo quyền lợi cho các bên thừa kế. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông S là đúng quy định của pháp luật. Ông M được quyền kê khai đăng ký phần đất còn lại để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật sau khi Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 00220 QSDĐ cấp ngày 13/11/1997 cho hộ ông Lâm Văn M.

[3] Tại cấp phúc thẩm, người kháng cáo ông Lâm Văn M không có tài liệu, chứng cứ khác làm thay đổi nội dung vụ án. Do đó, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của ông M.

[4] Án phí phúc thẩm: Ông Lâm Văn M, sinh năm 1961, nay đã hơn 60 tuổi được xác định là người cao tuổi và có đơn xin miễn án phí nên được miễn án phí.

[5] Ý kiến của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương là phù hợp. Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 48, 148, khoản 1 Điều 308, Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn ông Lâm Văn M; giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 51/2023/DS-ST ngày 03/7/2023 của Tòa án nhân dân huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.

2. Án phí phúc thẩm: Ông Lâm Văn M đã được miễn.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

56
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 484/2023/DS-PT

Số hiệu:484/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Dương
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 11/12/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về