Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 463/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH B

BẢN ÁN 463/2023/DS-PT NGÀY 13/12/2023 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Ngày 13 tháng 12 năm 2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh B xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 318/2023/TLPT-DS ngày 12 tháng 10 năm 2023 về tranh chấp thừa kế tài sản”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 28/2023/DS-ST ngày 09 tháng 5 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện Bình Đại bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 3778/2023/QĐ – PT ngày 13 tháng 11 năm 2023, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Trần Phương L, sinh năm 1955 (có mặt).

Địa chỉ: ấp B, xã Đ, huyện B, tỉnh B.

2. Bị đơn: Ông Trần Văn C, sinh năm 1953 (có mặt). Địa chỉ: ấp B, xã Đ, huyện B, tỉnh B.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Võ Tấn T - Văn phòng luật sư Võ Tấn T. Địa chỉ: số A N, Khu phố A, Phường H, thành phố B, tỉnh B (có mặt).

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của bà Trần Thị Đ:

3.1.1. Ông Võ Tấn M, sinh năm 1958 (có mặt);

3.1.2. Ông Võ Văn L1, sinh năm 1961 (có mặt);

Cùng địa chỉ: ấp B, xã T, huyện B, tỉnh B.

3.1.3. Ông Võ Đạt D, sinh năm 1964 (từ chối tham gia tố tụng và yêu cầu giải quyết vắng mặt);

Địa chỉ: thị trấn T, huyện T, tỉnh Đồng Nai.

3.1.4. Bà Võ Thị M1, sinh năm 1965 (từ chối tham gia tố tụng và yêu cầu giải quyết vắng mặt);

3.1.5. Ông Võ Văn K, sinh năm 1978 (từ chối tham gia tố tụng và yêu cầu giải quyết vắng mặt);

3.1.6. Bà Võ Thị D1, sinh năm 1978 (từ chối tham gia tố tụng và yêu cầu giải quyết vắng mặt);

3.1.7. Ông Võ Tấn Đ1, sinh năm 1964 (từ chối tham gia tố tụng và yêu cầu giải quyết vắng mặt);

Cùng địa chỉ: ấp B, xã P, huyện T, tỉnh Đồng Nai.

3.2. Người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Trần Văn C1:

3.2.1. Bà Nguyễn Thị D2, sinh năm 1946 (yêu cầu giải quyết vắng mặt);

3.2.2. Ông Trần Đạt H, sinh năm 1968 (yêu cầu giải quyết vắng mặt);

3.2.3. Ông Trần Đạt T1, sinh năm 1968 (yêu cầu giải quyết vắng mặt); Cùng địa chỉ: ấp B, xã Đ, huyện B, tỉnh B.

3.2.4. Bà Trần Thị L2, sinh năm 1966 (yêu cầu giải quyết vắng mặt); Địa chỉ: ấp C, xã Đ, huyện B, tỉnh B.

3.2.5. Bà Trần Thị P, sinh năm 1970 (yêu cầu giải quyết vắng mặt); Địa chỉ: Khu phố B, thị trấn C, huyện C, tỉnh B.

3.2.6. Bà Trần Thị T2, sinh năm 1972 (yêu cầu giải quyết vắng mặt); Địa chỉ: ấp A, xã P, huyện T, tỉnh Đồng Nai.

3.4. Bà Trần Thị N, sinh năm 1944 (yêu cầu giải quyết vắng mặt); Địa chỉ: ấp R, xã P, huyện B, tỉnh B.

3.5. Bà Trần Thị T3, sinh năm 1945 (yêu cầu giải quyết vắng mặt); Địa chỉ: ấp B, xã Đ, huyện B, tỉnh B.

3.6. Bà Trần Thị Ú, sinh năm 1950 (yêu cầu giải quyết vắng mặt); Địa chỉ: ấp B, xã B, huyện B, tỉnh B.

3.7. Ông Trần Văn M2, sinh năm 1975 (có mặt);

3.8. Bà Trần Thị Kiều N1, sinh năm 1981;

3.9. Bà Phan Thị C2, sinh năm 1954;

Cùng địa chỉ: ấp B, xã Đ, huyện B, tỉnh B.

Người đại diện theo ủy quyền của bà Phan Thị C2: ông Trần Văn Đ2, sinh năm 1984. Địa chỉ: ấp B, xã Đ, huyện B, tỉnh B (có mặt).

Người đại diện theo ủy quyền của bà Trần Thị Kiều N1: ông Trần Văn M2, sinh năm 1975. Địa chỉ: ấp B, xã Đ, huyện B, tỉnh B.

3.10. Ông Nguyễn Hoài Minh L3, sinh năm 1979 (yêu cầu giải quyết vắng mặt);

3.11. Ông Nguyễn Văn T4, sinh năm 1950 (yêu cầu giải quyết vắng mặt);

3.12. Ông Đỗ Văn L4, sinh năm 1939 (yêu cầu giải quyết vắng mặt);

Cùng địa chỉ: ấp Bình Trung, xã Định Trung, huyện Bình Đại, tỉnh B 4. Người làm chứng (do bị đơn mời):

4.1. Ông Nguyễn Văn T4, sinh năm 1950. Địa chỉ: ấp B, xã Đ, huyện B, tỉnh B.

4.2. Ông Nguyễn Văn Q, sinh năm 1946. Địa chỉ: ấp B, xã Đ, huyện B, tỉnh B;

4.3. Ông Đỗ Văn D3, sinh năm 1946. Địa chỉ: ấp C B, xã Đ, huyện B, tỉnh B.

5. Người kháng cáo: bị đơn ông Trần Văn C.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và quá trình tố tụng, nguyên đơn ông Trần Phương L trình bày:

Cụ Trần Văn Đ3 (chết năm 1984) và cụ Nguyễn Thị S (chết năm 2010) có 08 người con gồm: bà Trần Thị Đ, chết năm 1978 (bà Đ có 08 người con: ông Võ Tấn M, ông Võ Văn L1, ông Võ Tấn Đ1, ông Võ Đạt D, bà Võ Thị M1, ông Võ Văn K, bà Võ Thị D1), ông Trần Văn C1 chết tháng 11/2022 (ông C1 có vợ là bà Nguyễn Thị D2 và các con là các ông bà Trần Đạt H, Trần Đạt T1, Trần Thị L2, Trần Thị P, Trần Thị T2), bà Trần Thị N, bà Trần Thị T3, ông Trần Văn Đ4 (Liệt sĩ hy sinh năm 1974, không vợ con), bà Trần Thị Ú, ông Trần Văn C, ông Trần Phương L.

Khi còn sống cụ Đ3 và cụ S có tạo lập tài sản là 20.576m2 đất thuộc các thửa 642, 647, 648, 649, tờ bản đồ số 3 và căn nhà gỗ lợp lá (trên thửa 648), tọa lạc tại ấp B, xã Đ, huyện B, tỉnh B. Toàn bộ đất và nhà nêu trên do cụ Nguyễn Thị S đứng tên. Ngày 17/9/2002, ông Trần Văn C tự lập tờ thuận phân nội dung giao cho ông C được thừa hưởng toàn bộ tài sản và đến ngày 23/01/2003 ông C được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đại diện cho cụ S đứng tên chủ sử dụng đối với toàn bộ các phần đất nêu trên. Cụ Đ3 và cụ S chết đều không để lại di chúc.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông C không đúng quy định của pháp luật vì:

Thời điểm ông C là Trưởng ấp B, ông lợi dụng cụ Sẽ lớn tuổi, không biết chữ, nhiều bệnh không làm chủ được bản thân cho cụ S điểm chỉ vào tờ thuận phân và đưa ông Bùi Văn B (nay đã chết) ký thay cho T5 ấp. Tất cả anh chị em ông đều không biết việc ông C lập tờ thuận phân, các chữ ký của các anh chị em trong tờ thuận phân đều do ông C giả mạo ký, có người không biết chữ vẫn có chữ ký.

Cụ Đ3 và cụ S có 8 người con nhưng tại tờ thuận phân chỉ có 6 người, không ghi bà Trần Thị Đ có 7 người con thế vị và ông Trần Văn Đ4; ngoài ra năm sinh của một số anh chị em ông ghi không đúng.

Gia đình ông C sống ở bên vợ nên ông ghi sống chung với cụ S là sai. Sau khi nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2003 thì ngày 13/7/2007 ông C tách và chuyển hộ khẩu. Sau khi cụ S chết, từ năm 2014 ông L là chủ hộ cho đến nay. Trong tổng diện tích đất cha mẹ để lại thì ông C đã tự ý chuyển nhượng 10.700m2.

Do cha mẹ của ông chết không để lại di chúc, nay ông khởi kiện yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật di sản của cha mẹ ông để lại gồm các thửa đất số 642, 647, 648, 649, tờ 3, có tổng diện tích 20.576m2, tại xã Đ, huyện B (theo số liệu mới là thửa 340, 341, 57, 280, tờ bản đồ số 24). Qua đo đạc thực tế có tổng diện tích 17.231,6m2, trong đó có thửa 341-1, diện tích 503,3m2 và thửa 341-2, diện tích 430,2m2 hiện ông C đã chuyển nhượng cho người khác nên ông không tranh chấp. Ông chỉ yêu cầu được chia phần diện tích còn lại là 16.298,1m2 (17.231,6m2 - 503,3m2 - 430,2m2) thành 06 phần bằng nhau (do vợ con ông C1 từ chối nhận di sản), ông yêu cầu được nhận 01 kỷ phần và yêu cầu được nhận chung phần đất với bà T3, bà Ú, bà N, bà Đ (các con bà Đ thế vị).

Ông rút yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân huyện B cấp ngày 23/01/ 2003 cho hộ ông Trần Văn C đối với các thửa 642, 647, 648, 649, cùng tờ bản đồ số 3, tọa lạc tại ấp B, xã Đ, huyện B, tỉnh B.

Quá trình tố tụng, bị đơn ông Trần Văn C trình bày như sau:

Ông thống nhất với trình bày của nguyên đơn về quan hệ gia đình. Trước đây ông và cụ Đ3 mua của địa chủ Võ Nhựt Tân phần đất diện tích 32.000m2 (tại phiên tòa sơ thẩm ông trình bày chỉ một mình ông mua); ông giao bà T3 8.500m2, bán bà N 5000m2, bán ông L5 5000m2. Phần còn lại là đất đang tranh chấp ông quản lý, trước khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ông để cho cụ S đứng tên sổ mục kê. Đất tranh chấp là của ông, ông phải làm để trả nợ tiền mua đất, các anh chị em khác không đóng góp công sức, cha mẹ ông cũng không đăng ký kê khai quyền sử dụng đất vì tài sản này do ông tạo nên.

Tại thời điểm đăng ký kê khai quyền sử dụng đất thì ông đang sử dụng đất ổn định, không ai tranh chấp, hộ chỉ có 2 nhân khẩu là ông và cụ S.

Trước khi ông kê khai đăng ký quyền sử dụng đất, năm 1975 ông bán cho bà Trần Thị N 5.000m2, năm 1997 bán cho Lê Văn L6 là 5.000m2 được ông Trần Văn C1 xác nhận là người anh cả nếu sau này có ai tranh chấp ông hoàn toàn chịu trách nhiệm. Đến năm 2003, ông đăng ký diện tích 20.575m2 trong đó còn 5.000m2 ông chưa sang tên cho Lê Văn L6, ông bán hai lần là 10.000m2 lúc đó mẹ ông còn minh mẫn, cũng xác định là đất của ông thì ông được quyền bán, anh em không ai được ngăn cản. Ông đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2003, sử dụng đất ổn định, không có ai khiếu nại.

Những lời khai của nguyên đơn là không đúng sự thật, cụ Đ3 không tạo lập ra phần đất tranh chấp, cụ Đ3 chỉ có nhà cột dừa đã hư hiện không còn, nhà trên đất là ông xây dựng. Ông không đồng ý yêu cầu của nguyên đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về việc chia thừa kế đối với các thửa 642, 647, 648, 649, tờ 3, xã Đ (theo số liệu mới là các thửa 340, 57, 280, tờ bản đồ số 24).

Theo đơn khởi kiện và quá trình tố tụng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan các bà Trần Thị Ú, Trần Thị N, Trần Thị T3 trình bày:

Các bà không ký tên vào tờ thuận phân và thống nhất với lời trình bày của nguyên đơn.

Cha mẹ các bà là cụ Trần Văn Đ3 và cụ Nguyễn Thị S để lại di sản là 20.576m2 thuộc các thửa 642, 647, 648, 649 do ông Trần Văn C đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các bà yêu cầu được chia mỗi người một kỷ phần thừa kế tương đương với diện tích 2.939m2 (chiếm 1/7 của diện tích 20.576m2).

Theo đơn khởi kiện và quá trình tố tụng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Võ Tấn M, ông Võ Văn L1 trình bày:

Cụ Trần Văn Đ3 và cụ Nguyễn Thị S chết không để lại di chúc, tài sản của hai cụ để lại là phần đất qua đo đạc thực tế có diện tích 17.231,6m2 thuộc các thửa có ký hiệu 340, 341, 56-1, 70-1, 81-1, 280, 57, cùng tờ bản đồ số 24, tọa lạc ấp B, xã Đ, huyện B, tỉnh B do ông Trần Văn C đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mẹ các ông là bà Trần Thị Đ (chết năm 1978) là con ruột của cụ Đ3 và cụ S, do mẹ các ông đã chết trước hai cụ nên các con của bà Đ là những người được thừa kế thế vị (các anh em còn lại trong gia đình đều có đơn xin từ chối nhận di sản).

Ông M và ông L1 yêu cầu được nhận kỷ phần bà Đ được chia thừa kế, cụ thể các ông được nhận 1/7 của diện tích đất 17.231,6m2 (khoảng 2461,7m2) thuộc một phần các thửa đất tranh chấp.

Quá trình tố tụng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần Văn M2, bà Trần Thị Kiều N1, người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Phan Thị C2 trình bày:

Ông M2, bà N1, bà C2 thống nhất toàn bộ lời trình bày của ông Trần Văn C. Ông M2 và bà N1 được ông C cho một phần đất tranh chấp nên không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Theo văn bản từ chối nhận di sản thừa kế của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan các ông (bà) Võ Thị M1, Võ Đạt D, Võ Tấn Đ1, Võ Thị D1, Võ Văn K trình bày:

Các ông bà từ chối nhận di sản thừa kế thuộc kỷ phần thừa kế của bà Trần Thị Đ đối với phần đất thuộc các thửa 642, 647, 648, 649, tờ bản đồ số 3, tọa lạc xã Đ, huyện B, tỉnh B.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 28/2023/DS-ST ngày 09/5/2023 của Tòa án nhân dân huyện Bình Đại đã căn cứ khoản 5 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, các điều 157, 159, 165, 217, 271, 273 Bộ luật tố tụng dân sự; các điều 610, 611, 612, 613, 614, 623, 649, 650, 651, 652, 660 Bộ luật Dân sự; Điều 100 Luật Đất đai; Điểm a khoản 7 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội. Tuyên xử:

[1] Công nhận quyền sử dụng đất thuộc các thửa 642, 647, 648, 649, tờ 3 xã Đ, huyện B, tỉnh B theo số liệu mới 340, 57, 280, tờ bản đồ số 24 là di sản thừa kế của cụ Trần Văn Đ3 và cụ Nguyễn Thị S.

[2] Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn ông Trần Phương L và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị N, bà Trần Thị T3, bà Trần Thị Ú, ông Võ Văn L1 và ông Võ Tấn M đối với bị đơn Trần Văn C về việc chia di sản thừa kế.

[3] Buộc ông Trần Văn C phải chia di sản thừa kế của cụ Trần Văn Đ3 và cụ Nguyễn Thị S để lại đối với các thửa 642, 647, 648, 649, tờ 3, xã Đ, huyện B, tỉnh B theo số liệu mới 340, 57, 280, tờ bản đồ số 24, diện tích đất 16.297,5m2 được chia thành 06 phần tương ứng 2.716,25m2. Trong mỗi kỷ phần được chia gồm 01 phần đất thổ cư diện tích 50m2 và 01 phần đất trồng lúa diện tích 2.666,25m2, cụ thể:

[3.1] Ông Trần Văn C được nhận diện tích 8.185m2 (trong đó có 50m2 thổ cư và 8.135m2 đất trồng lúa) thuộc các thửa cụ thể thửa 340-2 diện tích là 759,9m2, thửa 280-3 diện tích là 5.463,9m2, thửa 70-1 diện tích 1.724,6m2, thửa 81-1 diện tích 237,2m2 xã Đ, huyện B, tỉnh B, được xác định bởi các điểm R, Q, P, O, N, M, L, K, J, I , S3, S2, S1, T, R có tứ cận cụ thể:

Phía Đông giáp thửa 280-1, 81-2 Phía Nam giáp các thửa 81-2, 70-2, 336, 337 Phía Tây giáp đường và thửa 341-2 Phía Bắc giáp thửa 341-2, 340-1, 280-2 [3.2] Bà Trần Thị N, bà Trần Thị T3, bà Trần Thị Ú, ông Trần Phương L, ông L1 và ông M (chung 01 kỷ phần bà Đ) được nhận diện tích đất 8.112,5m2 (trong đó có 250m2 đất thổ cư và 7.862,5m2 đất trồng lúa) thuộc các thửa cụ thể thửa 340 -1 diện tích là 804,7m2, thửa 57 diện tích 113m2, thửa 280-2 diện tích là 7001,7m2, thửa 56-1 diện tích 193,1m2, xã Đ, huyện B, tỉnh B, được xác định bởi các điểm B, C, D, E, F, G, H, S3, S2, S1, B có tứ cận cụ thể:

Phía Đông giáp thửa 281-1, kênh Phía Nam giáp 340-2, 280-3 Phía Tây giáp 341-1 Phía Bắc giáp thửa 52, 56 (Có họa đồ hiện trạng sử dụng đất kèm theo) [4] Bà Trần Thị N, bà Trần Thị T3, bà Trần Thị Ú, ông Trần Phương L, ông Võ Tấn L7 và ông Võ Tấn M có quyền liên hệ với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất, với diện tích đất, vị trí, thửa đất, tờ bản đồ và tứ cận được nhận nêu trên.

[5] Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ hộ (hộ vào năm 2002 gồm Nguyễn Thị S, cụ S chết năm 2010 và ông Trần Văn C) ông Trần Văn C sang tên bà Trần Thị N, bà Trần Thị T3, bà Trần Thị Ú, ông Trần Phương L, ông Võ Tấn L7, ông Võ Tấn M (ông L7 và ông M chung 01 kỷ phần) với diện tích, vị trí, thửa đất, tờ bản đồ và tứ cận nêu trên.

[6] Buộc ông Trần Văn C có nghĩa vụ phải trả tiền chênh lệch tăng so với diện tích đất được chia 5.468,75m2. Cụ thể:

Ông C có nghĩa vụ phải trả bà N, bà T3, bà Ú, ông L, ông M và ông L7 (ông L7 và ông M chung 01 kỷ phần của bà Đ) tiền chênh lệch mỗi người số tiền là 76.562.500 đồng (bảy mươi sáu triệu năm trăm sáu mươi hai nghìn năm trăm đồng).

[7] Ghi nhận các bên đương sự không yêu cầu nhà, các công trình kiến trúc và cây trồng trên đất.

[8] Buộc ông Trần Văn M2 và bà Trần Thị Kiều N1 phải tháo dỡ chuồng dê 1 và chòi tôm khỏi thửa đất 280-2, tờ bản đồ số 24, tọa lạc xã Đ, huyện B, tỉnh B.

[9] Buộc bà N, bà T3, bà Ú, ông L, ông M và ông L7 phải liên đới bồi thường chi phí di dời chòi tôm cho ông M2 và bà N1 là 7.300.000 đồng (bảy triệu ba trăm nghìn đồng).

Ngoài ra bản án còn tuyên về chi phí tố tụng khác, án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 22/5/2023, bị đơn Trần Văn C kháng cáo, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn với lý do đất tranh chấp do ông tạo lập, không phải tài sản do cha mẹ để lại.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Bị đơn ông Trần Văn C giữ nguyên kháng cáo. Nguyên đơn ông Trần Thanh L8, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Võ Tấn M, ông Võ Văn L1 không đồng ý với kháng cáo của bị đơn, đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trình bày: đất tranh chấp có nguồn gốc do bị đơn mua của địa chỉ Võ Nhựt T6, do khi mua đất bị đơn chỉ mới 16 tuổi nên đã nhờ cụ Đ3 đứng tên bảo lãnh. Nguyên đơn không có chứng cứ xác định cụ Đ3 và cụ S là người mua phần đất này, chỉ có lời khai của 2 người làm chứng. Tòa án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào lời khai của người làm chứng cho nguyên đơn là không khách quan. Nguyên đơn cho rằng vợ chồng cụ Đ3 tạo lập được phần đất hơn 20.000m2, thực tế bị đơn đã bán 10.000m2 như vậy không phù hợp diện tích còn lại đang tranh chấp là hơn 16.000m2. Ông C tuy chưa thành niên nhưng vẫn có khả năng kiếm tiền, toà sơ thẩm nhận định ông sống phụ thuộc vào gia đình là không đúng. Tại phiên toà sơ thẩm, ông C chỉ thừa nhận để cho cụ S đứng tên sổ mục kê vì chung hộ khẩu, không phải cụ S có quyền sử dụng đất. Đồng thời, thời hiệu chia thừa kế của cụ Đ3 đã hết, trường hợp đất tranh chấp là di sản của cụ Đ3 thì ông C đang quản lý nên sẽ thuộc về ông, phần di sản của cụ S phải chia thừa kế theo pháp luật. Mặt khác, tờ thuận phân không phải phân chia di sản mà để xác định cụ S cho con đất ở chung những người con khác không có tranh chấp. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị đơn, sửa bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh B tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:

- Về tố tụng: những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự;

- Về nội dung: theo các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án thể hiện cụ S là người đăng ký kê khai đất tranh chấp, hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ông C ghi nguồn gốc đất của cụ S để lại, biên bản xét duyệt thể hiện nguồn gốc ông bà để lại, đồng thời ông C khai phần đất tranh chấp được ông nhận chuyển nhượng từ năm 1969 khi ông 16 tuổi nhưng không có chứng cứ chứng minh do đó có căn cứ xác định đất tranh chấp của cụ Đ3 và cụ S. Mặt khác, tờ thuận phân ngày 17/9/2002 cũng không có giá trị do các con của cụ Đ3 và cụ S không ký tên. Vì vậy tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của nguyên đơn là phù hợp.

Tuy nhiên, các thửa 70-1 diện tích 1.724,6m2; thửa 81-1 diện tích 237,2m2; thửa 56-1 diện tích 193,1m2 thuộc quyền sử dụng của các ông Đỗ Văn L4, Nguyễn Hoài Minh L3, Nguyễn Văn T4, không thuộc di sản thừa kế nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chia thừa kế đối với các phần đất này là không đúng các nên cần thiết phải sửa một phần bản án sơ thẩm cho phù hợp.

Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông Trần Văn C; sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng: xác định di sản của cụ Đ3 và cụ S là diện tích 14.143,2m2. Chia di sản thành 06 kỷ phần bằng nhau, các người thừa kế là bà Đ (do ông L1, ông M hưởng thế vị), bà N, bà T3, bà Ú, ông C và ông L8 mỗi người được thừa hưởng một kỷ phần tương đương diện tích 2.357,2m2 (gồm 50m2 đất thổ cư và 2.307,2m2 đất trồng lúa). Ông C được nhận diện tích 6.223,8m2 (trong đó có 50m2 thổ cư và 6.173,8m2 đất trồng lúa), thuộc các thửa thửa 340-2, diện tích 759,9m2; thửa 280-3, diện tích là 5.463,9m2, tại xã Đ, huyện B, tỉnh B. Bà N, bà T3, bà Ú, ông L8, ông L1 và ông M (ông L1, ông M chung 01 kỷ phần của bà Đ) được nhận diện tích đất 7.919,4m2 (trong đó có 250m2 đất thổ cư và 7.669,4m2 đất trồng lúa) thuộc các thửa 340-1, diện tích 804,7m2; thửa 57 diện tích 113m2; thửa 280-2, diện tích 7.001,7m2, tại xã Đ, huyện B, tỉnh B. Buộc ông C có nghĩa vụ phải trả tiền chênh lệch tăng so với diện tích đất được chia cho những người thừa kế khác.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa; ý kiến đề nghị của Kiểm sát viên; xét kháng cáo của bị đơn ông Trần Văn C, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Phần đất tranh chấp qua đo đạc thực tế có diện tích là 17.231,6 m2 thuộc các thửa 340, 341, 57, 280, 56-1, 81-1, 70-1, cùng tờ bản đồ số 24, xã Đ, huyện B, tỉnh B (thửa cũ là các thửa 642, 647, 648, 649, cùng tờ bản đồ số 3). Trên đất tranh chấp có nhà, công trình kiến trúc của gia đình ông Trần Văn C.

Nguyên đơn ông L8 và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà T3, bà N, bà Ú, ông L1, ông M trình bày phần đất tranh chấp là di sản chưa chia của cụ Trần Văn Đ3 và cụ Nguyễn Thị S, nên yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với phần đất tranh chấp và các ông bà yêu cầu được nhận chung di sản.

Bị đơn ông C cho rằng đất tranh chấp do ông nhận chuyển nhượng của ông Võ Nhựt T6 từ năm 1969. Ông sử dụng đất ổn định, không ai tranh chấp và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu vào năm 2003. Đất tranh chấp không phải tài sản của cha mẹ ông nên ông không đồng ý chia thừa kế theo yêu cầu của nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

[2] Căn cứ vào sổ mục kê và lời thừa nhận của ông C thì cụ Nguyễn Thị S là người đứng tên kê khai đối với các thửa đất 642, 647, 648, 649, cùng tờ bản đồ số 3. Đồng thời, tại đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất đề ngày 19/11/2002 của ông C thể hiện nguồn gốc quyền sử dụng đất thuộc thửa 642, 647, 648, 649, tờ 3, xã Đ là của mẹ ông cụ S để lại. Tại biên bản xét duyệt của hội đồng đăng ký đất đai ngày 21/11/2002 cũng có nội dung phần đất ông C yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hiện là phần đất đang tranh chấp) có nguồn gốc ông bà để lại.

Ông C cho rằng phần đất nêu trên do ông mua của ông Võ Nhựt T6 từ năm 1969 nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh và tại thời điểm này ông C mới 16 tuổi, chưa thành niên, không có chứng cứ nào thể hiện ông không sống phụ thuộc vào gia đình. Như vậy, lời trình bày của ông C có sự mâu thuẫn với các tài liệu, chứng cứ xác định nguồn gốc đất theo hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông vào năm 2003.

Ngoài ra, theo đơn xin xác nhận chữ ký đề ngày 12/01/2021, ông Hồ Văn L9 và ông Nguyễn Văn M3 đều xác nhận cụ Trần Văn Đ3 có mua phần đất diện tích 20.000m2 (02 ha) từ ông Võ Nhựt T6 vào khoảng năm 1965, hiện là phần đất đang tranh chấp. Như vậy, có cơ sở xác định phần đất tranh chấp có nguồn gốc do cụ Trần Văn Đ3 và cụ Nguyễn Thị S tạo lập, là tài sản chung của hai cụ.

[3] Ông C được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các thửa 642, 647, 648, 649, cùng tờ bản đồ số 3 vào năm 2003. Hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thể hiện nguồn gốc đất là của cụ Nguyễn Thị S để lại; hồ sơ cấp bao gồm tờ thuận phân đề ngày 17/9/2002 của cụ S, có chữ ký của những người thừa kế của cụ Đ3 và cụ S là ông Trần Văn C1, Trần Thị T3, Trần Thị N, Trần Thị Ú, Trần Văn C, Trần Phương L. Tuy nhiên, ông L, bà Ú, bà T3, bà N không thừa nhận có ký tên vào văn bản này.

Theo Kết luận giám định số 248/2020/GĐTL ngày 19/10/2020 của Phòng K1 Công an tỉnh B thì không có đủ cơ sở kết luận chữ ký ghi tên Trần Thị N, Trần Thị Ú, Trần Phương L tại mục “Các con đứng tên dưới đây” trên tờ thuận phân ngày 17/9/2002 so với các chữ ký mẫu tương ứng của Trần Thị N, Trần Thị Ú, Trần Phương L có phải do cùng một người ký hay không.

Đồng thời, theo đơn xin xác nhận đề ngày 30/6/2020 Ủy ban nhân dân xã Đ đã xác nhận bà Trần Thị T3, ông Trần Văn C1 không biết chữ, mọi thủ tục giấy tờ giao dịch bà T3 đều điểm chỉ. Ông C thừa nhận các chữ ký trong tờ thuận phân không phải do anh chị em của ông ký tên mà theo sự hướng dẫn của xã nên ông đem về nhà, ai ký tên thì ông không nhớ. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông C cho rằng tờ thuận phân do cán bộ xã yêu cầu ông làm để thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phù hợp với hồ sơ ông đã kê khai nhưng không có chứng cứ chứng minh cho lời trình bày của ông.

Vì vậy, có căn cứ xác định tờ thuận phân đề ngày 17/9/2002 là không hợp pháp, các con của cụ Đ3 và cụ S không có thỏa thuận phân chia di sản của cụ Đ3 để ông C được quyền sử dụng đối với đất đang tranh chấp. Ông C cũng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh ông đã được cụ Đ3, cụ S tặng cho các thửa đất nêu trên nên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông C vào năm 2003 là không đúng quy định pháp luật. Sau khi cụ Đ3 chết năm 1984 thì cụ S là người kê khai đăng ký đối với các thửa đất trên, năm 2010 cụ S chết không để lại di chúc. Do đó, phần đất tranh chấp là di sản của cụ Đ3 và cụ S chưa chia, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chia thừa kế theo pháp luật phần đất đang tranh chấp là có căn cứ.

[4] Về hàng thừa kế: các đương sự đều thống nhất cụ Đ3 và cụ S có 07 người con gồm: bà Trần Thị Đ (chết năm 1978), ông Trần Văn C1 (chết năm 2022), ông Trần Văn Đ4 (hy sinh năm 1974, không vợ con), bà Trần Thị N, bà Trần Thị T3, bà Trần Thị Ú, ông Trần Văn C, ông Trần Phương L.

Hàng thừa kế thứ nhất của ông C1 gồm vợ và các con là: bà Nguyễn Thị D2, ông Trần Đạt H, ông Trần Đạt T1, bà Trần Thị L2, bà Trần Thị P, bà Trần Thị T2 đều chối nhận phần di sản thừa kế mà ông C1 được hưởng.

Bà Đ chết năm 1984 có con gồm: ông Võ Tấn M, ông Võ Văn L1, ông Võ Tấn Đ1, ông Võ Đạt D, bà Võ Thị M1, ông Võ Văn K, bà Võ Thị D1. Trong đó ông Đ1, ông D, bà M1, ông K, bà D1 từ chối nhận di sản thừa kế bà Đ được hưởng. Vì vậy, kỷ phần của bà Đ do ông L1, ông M hưởng thế vị.

Như vậy, những người được hưởng di sản của cụ Đ3 và cụ S gồm: bà T3, bà Ú, bà N, ông C, ông L, ông M và ông L1 (là người thừa kế thế vị nhận phần di sản bà Đ được chia).

[5] Về chia di sản: hiện phần đất tranh chấp do gia đình bị đơn quản lý, ông C và các con đã xây nhà, công trình kiến trúc, đào ao nuôi tôm và chăn nuôi trên đất; phía nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu chia thừa kế bằng hiện vật và được nhận chung phần đất để có chỗ ở.

Thấy rằng, ông C có công quản lý, giữ gìn di sản, tuy nhiên, ông đã chuyển nhượng một phần diện tích đất trong khối di sản của cha mẹ để lại, nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không yêu cầu chia thừa kế phần đất đã chuyển nhượng, nên Toà án cấp sơ thẩm chia di sản thừa kế thành 06 phần, mỗi người thừa kế nhận một kỷ phần mà không xem xét công sức của ông C là phù hợp.

Đối với các thửa 56-1 diện tích 193,1m2, thửa 70-1 diện tích 1724,6m2, thửa 81-1 diện tích 237-2 thì ông Đỗ Văn L4 (chủ sử dụng thửa 56), ông Nguyễn Hoài Minh L3 (chủ sử dụng đất thửa 70), ông Nguyễn Văn T4 (chủ sử dụng thửa 81) đều thống nhất với ranh theo hiện trạng sử dụng đất, xác định các thửa đất này do phía ông C đang quản lý sử dụng, các bên không tranh chấp đối nên Tòa án cấp sơ thẩm xác định diện tích đất nêu trên là di sản để thừa kế là có căn cứ. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị không chia thừa kế đối với diện tích đất này là chưa phù hợp với thực tế sử dụng đất và thỏa thuận về ranh đất của các chủ sử dụng đất.

Như đã nhận định nêu trên, bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia thừa kế của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cụ thể chia phần đất tranh chấp thành 2 phần tương đối bằng nhau, một phần giao chung cho ông L, bà T3, bà N, bà Ú, ông L1, ông M, một phần giao cho ông C và buộc ông C hoàn lại giá trị chênh lệch cho những người thừa kế khác là có căn cứ. Ông C kháng cáo nhưng không có chứng cứ chứng minh nên không được chấp nhận.

[6] Tuy nhiên, bản án sơ thẩm có sai sót về xác định diện tích đất là di sản của cụ S và cụ Đ3 (sau khi trừ diện tích thửa 341-1, 341-2 ông C chuyển nhượng cho người khác phía nguyên đơn không tranh chấp) và diện tích đất ông C được nhận thừa kế, nên cần điều chỉnh lại diện tích đúng với họa đồ hiện trạng sử dụng đất ngày 18/5/2022, cụ thể di sản là phần đất có diện tích 16.298,1m2, diện tích ông C được nhận là 8.185,6m2. Ngoài ra, bản án sơ thẩm không tuyên về lãi chậm thi hành án là thiếu sót cần khắc phục.

[7] Ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn không phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên không được chấp nhận.

[8] Đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh B phù hợp một phần với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận một phần.

[9] Ông C phải chịu án phí phúc thẩm do kháng cáo không được chấp nhận nhưng ông là người cao tuổi nên được miễn nộp án phí theo quy định pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng Dân sự; Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn Trần Văn C;

Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số: 28/2023/DS-ST ngày 09 tháng 5 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện Bình Đại.

Áp dụng các điều 610, 611, 612, 613, 614, 623, 649, 650, 651, 652, 660 Bộ luật Dân sự; Điều 100 Luật Đất đai; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

[1] Công nhận quyền sử dụng đất thuộc các thửa 642, 647, 648, 649, tờ 3, xã Đ, huyện B, tỉnh B theo số liệu mới là các thửa 340, 57, 280, 56-1, 70-1, 81- 1, tờ bản đồ số 24 là di sản thừa kế của cụ Trần Văn Đ3 và cụ Nguyễn Thị S.

[2] Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Trần Phương L và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị N, bà Trần Thị T3, bà Trần Thị Ú, ông Võ Văn L1 và ông Võ Tấn M đối với bị đơn Trần Văn C về việc chia di sản thừa kế.

[3] Buộc ông Trần Văn C phải chia di sản thừa kế cụ Trần Văn Đ3 và cụ Nguyễn Thị S để lại là các thửa đất 642, 647, 648, 649, tờ 3, xã Đ, huyện B, tỉnh B theo số liệu mới là các thửa 340, 57, 280, 56-1, 70-1, 81-1, tờ bản đồ số 24, diện tích 16.298,1m2 được chia thành 06 phần tương ứng mỗi phần là 2.716,35m2. Trong mỗi kỷ phần được chia gồm 50m2 đất thổ cư và 2.666,35m2 đất trồng lúa, cụ thể:

[3.1] Ông Trần Văn C được nhận diện tích đất 8.185,6m2 (trong đó có 50m2 thổ cư và 8.135,6m2 đất trồng lúa) thuộc các thửa 340-2 diện tích 759,9m2, thửa 280-3 diện tích 5.463,9m2, thửa 70-1 diện tích 1.724,6m2, thửa 81-1 diện tích 237,2 m2, xã Đ, huyện B, tỉnh B, được xác định bởi các điểm R, Q, P, O, N, M, L, K, J, I , S3, S2, S1, T, R có tứ cận:

Phía Đông giáp thửa 280-1, 81-2 Phía Nam giáp các thửa 81-2, 70-2, 336, 337 Phía Tây giáp đường và thửa 341-2 Phía Bắc giáp thửa 341-2, 340-1, 280-2 [3.2] Bà Trần Thị N, bà Trần Thị T3, bà Trần Thị Ú, ông Trần Phương L, ông Võ Văn L1 và ông Võ Tấn M (ông M và ông L1 nhận chung 01 kỷ phần của bà Đ được chia) được nhận chung diện tích đất 8.112,5m2 (trong đó có 250m2 đất thổ cư và 7.862,5m2 đất trồng lúa) thuộc các thửa 340 -1 diện tích 804,7m2, thửa 57 diện tích 113m2, thửa 280-2 diện tích 7.001,7m2, thửa 56-1 diện tích 193,1m2, xã Đ, huyện B, tỉnh B, được xác định bởi các điểm B, C, D, E, F, G, H, S3, S2, S1, B có tứ cận:

Phía Đông giáp thửa 281-1, kênh Phía Nam giáp 340-2, 280-3 Phía Tây giáp 341-1 Phía Bắc giáp thửa 52, 56 (Có họa đồ hiện trạng sử dụng đất kèm theo).

[4] Bà Trần Thị N, bà Trần Thị T3, bà Trần Thị Ú, ông Trần Phương L, ông Võ Tấn L7 và ông Võ Tấn M có quyền liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất, vị trí, thửa đất, tờ bản đồ và tứ cận được nhận nêu trên.

[5] Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ hộ ông Trần Văn C [hộ vào năm 2002 gồm Nguyễn Thị S (chết năm 2010) và Trần Văn C] sang tên bà Trần Thị N, bà Trần Thị T3, bà Trần Thị Ú, ông Trần Phương L, ông Võ Văn L1, ông Võ Tấn M (ông L1 và ông M chung 01 kỷ phần) với diện tích đất, vị trí, thửa đất, tờ bản đồ và tứ cận được nhận nêu trên.

[6] Về thanh toán giá trị chênh lệch (do ông Trần Văn C nhận diện tích đất nhiều hơn kỷ phần được chia thừa kế): buộc ông Trần Văn C có nghĩa vụ phải trả bà Trần Thị N, bà Trần Thị T3, bà Trần Thị Ú, ông Trần Phương L, ông Võ Tấn M và ông Võ Văn L1 (ông L1 và ông M chung 01 kỷ phần của bà Đ) mỗi người số tiền là 76.562.500 đồng (bảy mươi sáu triệu năm trăm sáu mươi hai nghìn năm trăm đồng).

[7] Ghi nhận các đương sự không yêu cầu giải quyết nhà, các công trình kiến trúc và cây trồng trên đất.

[8] Buộc ông Trần Văn M2 và bà Trần Thị Kiều N1 phải tháo dỡ, di dời chuồng dê 1 và chòi tôm khỏi thửa đất 280-2, tờ bản đồ số 24, tọa lạc xã Đ, huyện B, tỉnh B.

[9] Buộc bà N, bà T3, bà Ú, ông L, ông M và ông L1 phải liên đới bồi thường chi phí di dời chòi tôm cho ông Trần Văn M2 và bà Trần Thị Kiều N1 là 7.300.000 đồng (bảy triệu ba trăm nghìn đồng).

[10] Chi phí tố tụng khác:

Buộc ông Trần Văn C, bà Trần Thị N, bà Trần Thị T3, bà Trần Thị Ú mỗi người có nghĩa vụ hoàn trả cho ông Trần Phương L số tiền là 2.861.500 đồng (hai triệu tám trăm sáu mươi mốt nghìn năm trăm đồng).

Buộc ông Võ Tấn M và ông Võ Văn L1 (chung 01 kỷ phần của bà Đ) có nghĩa vụ liên đới hoàn trả cho ông Trần Phương L số tiền là 2.861.500 đồng (hai triệu tám trăm sáu mươi mốt nghìn năm trăm đồng).

[11] Án phí dân sự sơ thẩm: ông Trần Thanh L8, bà Trần Thị T3, bà Trần Thị N, bà Trần Thị Ú, ông Trần Văn C, ông Võ Văn L1, ông Võ Tấn M thuộc trường hợp người cao tuổi nên được miễn nộp án phí.

[12] Án phí dân sự phúc thẩm: ông Trần Văn C được miễn nộp án phí.

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

3
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 463/2023/DS-PT

Số hiệu:463/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bến Tre
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 13/12/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về