Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 39/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

BẢN ÁN 39/2023/DS-PT NGÀY 31/05/2023 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Trong các ngày 26 và 31 tháng 5 năm 2023, tại Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 43/2022/TLPT-DS ngày 17 tháng 10 năm 2022 về “Tranh chấp về thừa kế tài sản”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 11/2022/DS-ST, ngày 16 tháng 8 năm 2022 của Toà án nhân dân thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 29/2023/QĐ-PT ngày 17 tháng 3 năm 2023 và Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số 31/2023/QĐ- PT ngày 30/3/2023; Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số 46/2023/QĐ-PT ngày 17/4/2023, Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số 51/2023/QĐ-PT ngày 27/4/2023, Thông báo về việc chuyển lịch xét xử số 06/TB-TA ngày 15/5/2023, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn:

1/Ông Bùi Văn O. Sinh năm 1964

2/Ông Bùi Văn B. Sinh năm 1966

Cùng địa chỉ: khu ĐL, phường MT, thị xã QY, tỉnh Quảng Ninh. có mặt ngày 26/5/2023 vắng mặt ngày 31/5/2023.

- Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Anh Bùi Huy Đ, sinh năm 1998. Nơi cư trú: tổ 8, khu TL 4, phường CT, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh; Địa chỉ: Văn phòng Luật sư 365 chi nhánh miền Bắc, số 150 TKD, khu 7, phường QY, thị xã QY, tỉnh Quảng Ninh, có mặt

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn:

Ông Bùi QT, sinh năm 1993. Địa chỉ: Văn phòng luật sư 365 chi nhánh miền Bắc, số 150 TKD, khu 7, phường QY, thị xã QY, tỉnh Quảng Ninh, có mặt ngày 26/5/2023 vắng mặt ngày 31/5/2023.

- Bị đơn:

1/Bà Bùi Thị L, sinh năm 1956; địa chỉ: khu ĐL, phường MT, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, vắng mặt. (Có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

2/Bà Bùi Thị S, sinh năm 1962; địa chỉ: khu TT, phường ĐM, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, vắng mặt (Có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

- Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: bà Nguyễn Thị Trà M, địa chỉ:

tổ 3, khu 5, phường QH, thành phố CP, tỉnh Quảng Ninh. Có mặt.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn bà Bùi Thị L, Bùi Thị S: bà Nguyễn Thị Trà M – Luật sư Công ty Luật TNHH một thành viên BA – Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh và ông Lê QL – Luật sư Văn phòng Luật sư KL – Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh. (Bà My có mặt, ông Lâm có mặt ngày 26/5/2023 vắng mặt ngày 31/5/2023)

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1/Ông Bùi Văn T, sinh năm 1952, có mặt.

2/Bà Bùi Thị H, sinh năm 1961. Vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

3/Ông Bùi Văn B1, sinh năm 1970. Có mặt ngày 26/5/2023, vắng mặt ngày 31/5/2023.

4/Ông Bùi Văn V, sinh năm 1952. Có mặt ngày 26/5/2023, vắng mặt ngày 31/5/2023.

Cùng địa chỉ: khu ĐL, phường MT, thị xã QY, tỉnh Quảng Ninh.

5/Anh Vũ AH. Sinh năm 1987 Địa chỉ: khu Tân Thành, phường MT, thị xã QY, tỉnh Quảng Ninh. Vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt ngày 26/5/2023, có mặt ngày 31/5/2023.

6/Ông Vũ VY, sinh năm 1955 Địa chỉ: khu Tân Thành, phường MT, thị xã QY, tỉnh Quảng Ninh. Vắng mặt (có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

7/Chị Vũ Thị MH, sinh năm 1991 Địa chỉ: khu TM, phường NK, thành phố UB, tỉnh Quảng Ninh. Vắng mặt (có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

- Người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Bùi Thị H, ông Vũ VY, chị Vũ Thị MH, anh Vũ AH: bà Nguyễn Thị Trà M, địa chỉ: tổ 3, khu 5, phường QH, thành phố CP, tỉnh Quảng Ninh. Có mặt.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Bùi Thị H, ông Vũ VY, chị Vũ Thị MH và anh Vũ AH: bà Nguyễn Thị Trà M - Luật sư Công ty Luật TNHH một thành viên BA - Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh. Có mặt.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Bùi Thị H, ông Bùi Văn T và anh Vũ AH: ông Lê QL - Luật sư Văn phòng Luật sư KL - Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh. Có mặt ngày 26/5/2023, vắng mặt ngày 31/5/2023.

- Người làm chứng: Ông Trần Xuân B, sinh năm 1958 Địa chỉ: khu ĐL, phường MT, thị xã QY, tỉnh Quảng Ninh, vắng mặt.

Người kháng cáo: bị đơn bà Bùi Thị L, bà Bùi Thị S; những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Bùi Văn T, bà Bùi Thị H, anh Vũ AH, chị Vũ Thị MH, ông Vũ VY.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện đề ngày 24/10/2020, bản tự khai, biên bản hòa giải và tại phiên tòa nguyên đơn ông Bùi Văn O và ông Bùi Văn B trình bày:

Bà Nguyễn Thị S1, sinh năm 1932 (đã chết năm 2013) và ông Bùi Văn T2, sinh năm 1929 (đã chết năm 2014). Sinh thời bố mẹ chúng tôi sinh được 09 người con gồm: Bùi Văn O, Bùi Văn B, Bùi Văn T, Bùi Văn V, Bùi Văn B1, Bùi Thị L, Bùi Thị H, Bùi Thị S và Bùi Thị H1 (bà H1 chết năm 2017, có chồng là Vũ VY và sinh được 02 người con Vũ AH, Vũ Thị MH).

Khi ông T2 và bà S1 còn sống vào ngày 10/12/2008 đã viết di chúc định đoạt tài sản của mình cho các con với nội dung sau: Thửa đất bố mẹ chúng tôi đang ở để lại cho ông T, ông V và ông B1. Thửa đất ở trên đồi để lại cho 03 người con gái là bà L, bà H1 (mẹ anh AH, chị MH) và bà S. Đối với thửa đất diện tích 2.270m2 được UBND huyện YH cấp GCNQSD đất số AB386989 ngày 16/8/2006 tại khu ĐL, phường MT, thị xã QY, tỉnh Quảng Ninh thì di chúc cho chúng tôi gồm Bùi Văn O, Bùi Văn B và cô Bùi Thị H. Khi lập di chúc có mặt đầy đủ các con trai, con gái cùng ký làm chứng công nhận trong bản di chúc, thời điểm lập di chúc bố mẹ chứng tôi hoàn toàn tự nguyện, minh mẫn. Sau khi di chúc được lập thì mọi người đã tôn trọng di chúc, sử dụng phần tài sản mà ông T2 và bà S1 đã định đoạt chúng tôi không tranh chấp, phần di sản mà bố mẹ để lại cho chúng tôi theo di chúc thì bị đơn bà Bùi Thị L; Bùi Thị S và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan anh Vũ AH (con bà H1) đã tranh chấp và đòi tiếp tục yêu cầu chia phần của chúng tôi theo di chúc mà bố mẹ để lại. Bố mẹ rất công bằng đối với các con, đã chia cho từng người theo từng phần trong di chúc rất rõ ràng. Nhưng nay các bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan còn đòi chia phần của chúng tôi theo biên bản họp gia đình lập ngày 01/4/2012 chúng tôi không đồng ý.

Quan điểm của chúng tôi là đề nghị Tòa án công nhận di chúc do bố mẹ chúng tôi lập ngày 10/12/2008 là hợp pháp (thực tế đã được các anh chị em tự nguyện thực hiện theo) và chia phần di sản mà bố mẹ chúng tôi đã định đoạt phân chia cho chúng tôi như theo nội dung di chúc đã lập ngày 10/12/2008.

Tại phiên tòa nguyên đơn ông O và ông B rút yêu cầu chia di sản thừa kế, chỉ yêu cầu Tòa án giải quyết công nhận bản di chúc lập ngày 10/12/2008 có hiệu lực pháp luật.

- Về chi phí giám định, xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản ông Bùi Văn O và ông Bùi Văn B tự nguyện chịu toàn bộ.

*Người đại diện theo ủy quyền của Nguyên đơn ông Bùi Huy Đ: Đồng ý với quan điểm của ông Bùi Văn O và ông Bùi Văn B đã trình bày.

*Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nguyên đơn ông Bùi QT: Đồng ý với quan điểm của ông Bùi Văn O và ông Bùi Văn B đã trình bày và đề nghị Tòa án công nhận bản di chúc được lập ngày 10/12/2008 có hiệu lực pháp luật.

* Bị đơn bà Bùi Thị L, bà Bùi Thị S trình bày trong bản tự khai, biên bản hòa giải và tại phiên tòa:

Bố mẹ chúng tôi là Nguyễn Thị S1 sinh năm 1932 chết năm 2013 và Bùi Văn T2 sinh năm 1929 chết năm 2014. Bố mẹ chúng tôi sinh được 09 người con gồm: Bùi Thị L, Bùi Thị S, Bùi Văn T, Bùi Văn V, Bùi Văn B1, Bùi Văn O, Bùi Thị H, Bùi Văn B, Bùi Thị H1 (bà H1 chết năm 2017, có chồng là Vũ VY và sinh được 02 người con Vũ AH, Vũ Thị MH).

Khi bố mẹ chúng tôi còn sống thì vào ngày 10/12/2008 bố mẹ chúng tôi đã nhờ bà Bùi Thị H1 lập bản di chúc định đoạt các thửa đất: Thửa đất bố mẹ tôi đang ở nguồn gốc mua của nhà ông P; thửa đất vỡ hoang trồng cây lấy gỗ (đất đồi núi) và đất vườn bờ mương (đồng re). 03 phần đất: đất bố mẹ tôi đang ở; đất vỡ hoang trồng cây lấy gỗ (đất đồi núi) và đất vườn bờ mương (đồng re) đã được chia cho các con khi bố mẹ chúng tôi còn sống, không xảy ra tranh chấp gì. Bố mẹ chúng tôi đã thay đổi. Lý do để bố mẹ chúng tôi thay đổi là vì các cụ thấy đất đồi núi không có giá trị mà chỉ là đất trồng cây lấy gỗ, đồng thời trong thời gian đó vợ chồng ông B đã cầm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bố mẹ chúng tôi (Giấy CNQSDĐ mang tên Bùi Văn T2 và Nguyễn Thị S1). Ngày 01/4/2012, bố chúng tôi có gọi các con về họp gia đình để lấy ý kiến chia đất cho các con. Biên bản họp gia đình do bà Nguyễn Thị C (vợ của ông B) viết. Trong biên bản có ghi phần chia đất như thế nào, đồng thời trong năm 2012 bố, mẹ chúng tôi có yêu cầu vợ chồng ông B trả lại Giấy CNQSDĐ cho bố tôi để chia đất cho các con nhưng bà C (vợ ông B) cố tình không trả, nên bố chúng tôi đã ủy quyền cho anh trai trưởng là Bùi Văn T nhờ UBND phường MT can thiệp nhưng bà C vẫn cố tình không trả, nên ý nguyện chia thửa đất 2.270m2 được UBND huyện YH cấp GCNQSD đất số AB386989 ngày 16/8/2006 không thực hiện được. Năm 2020 ông Bùi Văn T đã gọi các em về họp gia đình giải quyết chia đất theo tình cảm nội bộ nhưng ông B và ông O không đồng ý, ông B và ông O khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu công nhận bản di chúc có hiệu lực pháp luật và chia di sản thừa kế trên theo bản di chúc của bố mẹ chúng tôi lập ngày 10/12/2008.

Quan điểm của chúng tôi, bản Di chúc lập ngày 10/12/2008 của bố mẹ chúng tôi không có giá trị về mặt pháp lý. Bố mẹ chúng tôi không biết chữ nên Di chúc phải có ít nhất 02 người làm chứng nhưng trong Di chúc lại không có; bản thân chúng tôi thuộc hàng thừa kế thứ nhất liên quan trực tiếp đến nội dung Di chúc mà không được ký làm chứng; Di chúc có sự tẩy xóa. Khi lập xong Di chúc, bố tôi có giao lại Di chúc cho bà Bùi Thị H1 để đến UBND phường MT công chứng và xác nhận nhưng không được và UBND phường MT xác nhận và yêu cầu sửa lại Di chúc nên bố chúng tôi bảo không thực hiện theo Di chúc năm 2008 nữa mà thực hiện theo biên bản họp gia đình ngày 01/4/2012.

Nay ông O và ông B yêu cầu Tòa án công nhận di chúc của bố mẹ chúng tôi lập ngày 10/12/2008 có hiệu lực pháp luật chúng tôi không đồng ý. Chúng tôi đề nghị Tòa án không công nhận di chúc của bố mẹ chúng tôi là hợp pháp. Tại phiên tòa bà L đề nghị chia di sản thừa kế trên cho 06 người gồm: Bà Bùi Thị L, Bùi Thị S, Bùi Thị H, Bùi Thị H1, Bùi Văn O và Bùi Văn B.

- Về chi phí giám định, xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản chúng tôi nhất trí để ông Bùi Văn O và ông Bùi Văn B tự nguyện chịu.

- Về án phí đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Bùi Thị S, bà Bùi Thị L trình bày: Đồng ý với quan điểm của bị đơn bà Bùi Thị L và bà Bùi Thị S.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Ông Bùi Văn T trình bày:

Bố mẹ chúng tôi là Nguyễn Thị S1 sinh năm 1932 chết năm 2013 và Bùi Văn T2 sinh năm 1929 chết năm 2014. Bố mẹ tôi sinh được 09 người con gồm tôi và: Bùi Thị L, Bùi Thị S, Bùi Văn V, Bùi Văn B1, Bùi Văn O, Bùi Thị H, Bùi Văn B, Bùi Thị H1 (bà H1 chết năm 2017, có chồng là Vũ VY và sinh được 02 người con Vũ AH, Vũ Thị MH).

Khi bố mẹ tôi chết có để lại thửa đất diện tích 2.270m2 thuộc Thửa số 214, tờ bản đồ số 43 được UBND huyện YH cấp GCNQSD đất số AB386989 ngày 16/8/2006 mang tên Bùi Văn T2 và Nguyễn Thị S1 tại khu ĐL, phường MT, thị xã QY, tỉnh Quảng Ninh. Đây là tài sản mà ông O và ông B yêu cầu Tòa án chia theo Di chúc của bố mẹ tôi lập năm 2008.

Khi bố mẹ tôi còn sống thì vào ngày 10/12/2008 do bố mẹ tôi không biết chữ nên bố mẹ tôi đã nhờ bà Bùi Thị H1 viết bản di chúc định đoạt các thửa đất: Đất bố mẹ tôi đang ở, đất vườn ông P, đất vỡ hoang trồng cây lấy gỗ (đất đồi núi) và đất vườn bờ mương (đồng re). 03 phần đất: Đất bố mẹ tôi đang ở; đất vỡ hoang trồng cây lấy gỗ (đất đồi núi) và đất vườn bờ mương (đồng re) đã được thực hiện xong khi bố mẹ tôi còn sống, không xảy ra tranh chấp gì. Chỉ còn lại thửa đất có diện tích 2.270m2 thuộc thửa số 214, tờ bản đồ số 43 được UBND huyện YH cấp GCNQSD đất số AB386989 ngày 16/8/2006 mang tên Bùi Văn T2 và Nguyễn Thị S1 tại khu ĐL, phường MT, thị xã QY, tỉnh Quảng Ninh để lại chưa giải quyết xong. Bố mẹ tôi đã thay đổi. Lý do để bố mẹ chúng tôi thay đổi là vì các cụ thấy đất đồi núi không có giá trị mà chỉ là đất trồng cây lấy gỗ, đồng thời trong thời gian đó vợ chồng ông B bày trò lấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bố mẹ tôi (Giấy CNQSDĐ mang tên Bùi Văn T2 và Nguyễn Thị S1). Ngày 01/4/2012, bố tôi có gọi các con về họp gia đình để lấy ý kiến chia đất cho các con. Biên bản họp gia đình do bà Nguyễn Thị C viết. Trong biên bản có ghi phần chia đất như thế nào, đồng thời trong năm 2012 bố tôi có yêu cầu vợ chồng ông B trả lại Giấy CNQSDĐ cho bố tôi để chia đất cho các con nhưng bà C (vợ ông B) cố tình không trả nên bố tôi đã ủy quyền cho tôi là con trai trưởng nhờ UBND phường MT can thiệp nhưng bà C vẫn cố tình không trả, nên ý nguyện chia thửa đất trên không thành. Năm 2020 tôi đã gọi các em về họp gia đình giải quyết chia đất theo tình cảm nội bộ, nhưng ông B và ông O không đồng ý mà ông B và ông O lại khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu chia theo bản di chúc lập ngày 10/12/2008.

Theo quan điểm của tôi, bản Di chúc năm 2008 của bố mẹ tôi không có giá trị về mặt pháp lý. Bố mẹ tôi không biết chữ nên Di chúc phải có ít nhất 02 người làm chứng nhưng trong Di chúc lại không có; bản thân tôi thuộc hàng thừa kế thứ nhất liên quan trực tiếp đến nội dung Di chúc mà không được ký làm chứng; Di chúc có sự tẩy xóa. Khi lập xong Di chúc, bố tôi có giao lại Di chúc cho bà Bùi Thị H1 để đến UBND phường MT công chứng và xác nhận nhưng không được và UBND phường MT yêu cầu sửa lại Di chúc nên bố tôi bảo không thực hiện theo Di chúc năm 2008 nữa mà thực hiện theo Biên bản họp gia đình năm 2012.

Nay ông O và ông B đề nghị Tòa án công nhận di chúc của bố mẹ chúng tôi đề ngày 10/12/2008 là có hiệu lực pháp luật. Tôi đã có nhà, đất riêng nên tôi không có tranh chấp gì, tôi đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

- Về chi phí giám định, xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản tôi nhất trí để ông Bùi Văn O và ông Bùi Văn B tự nguyện chịu.

- Về án phí đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Ông Bùi Văn B1, ông Bùi Văn V vắng mặt nên không có quan điểm trình bày.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Bùi Thị H trình bày:

Bà H nhất trí với nội dung mà bị đơn trình bày. Bà đề nghị Tòa án chia diện tích đất 2.270m2 thuộc Thửa số 214, tờ bản đồ số 43 được UBND huyện YH cấp GCNQSD đất số AB386989 ngày 16/8/2006 mang tên Bùi Văn T2 và Nguyễn Thị S1 tại khu ĐL, phường MT, thị xã QY, tỉnh Quảng Ninh cho 06 người con gồm: Ông Bùi Văn O, ông Bùi Văn B, bà Bùi Thị L, Bùi Thị H1, Bùi Thị H và Bùi Thị S.

- Về chi phí giám định, xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản tôi đồng ý để ông Bùi Văn O và ông Bùi Văn B tự nguyện chịu.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Vũ AH trình bày:

Ông bà ngoại tôi là Nguyễn Thị S1 sinh năm 1932 chết năm 2013 và Bùi Văn T2 sinh năm 1929 chết năm 2014. Ông bà ngoại tôi sinh được 09 người con gồm: Bùi Thị L, Bùi Thị S, Bùi Văn T, Bùi Văn O, Bùi Thị H, Bùi Văn B, Bùi Văn B1, Bùi Văn V, Bùi Thị H1 (tôi là con của bà H1, mẹ tôi chết năm 2017).

Trước khi ông bà ngoại tôi mất, có để lại Di chúc trong đó thửa đất diện tích 2.270m2 thuộc Thửa số 214, tờ bản đồ số 43 được UBND huyện YH cấp GCNQSD đất số AB386989 ngày 16/8/2006 mang tên Bùi Văn T2 và Nguyễn Thị S1 tại khu ĐL, phường MT, thị xã QY, tỉnh Quảng Ninh. Đây là tài sản mà ông O và ông B yêu cầu Tòa án chia theo Di chúc của ông bà ngoại tôi lập ngày 10/12/2008. Vì ông bà ngoại tôi không biết chữ nên ông bà đã nhờ mẹ tôi viết bản Di chúc này. Nhưng đây chỉ là bản Di chúc nháp, không có giá trị về mặt pháp lý. Ông bà tôi không biết chữ nên Di chúc phải có ít nhất 02 người làm chứng nhưng trong Di chúc lại chỉ có một người làm chứng; bản thân mẹ tôi thuộc hàng thừa kế thứ nhất liên quan trực tiếp đến nội dung Di chúc không được ký làm chứng; Di chúc có sự tẩy xóa. Khi lập xong Di chúc, ông tôi có giao lại Di chúc cho mẹ tôi Bùi Thị H1 để đến UBND phường MT công chứng và xác nhận nhưng không được và UBND phường MT yêu cầu sửa lại Di chúc nên ông ngoại tôi bảo không thực hiện theo Di chúc năm 2008 nữa mà thực hiện theo Biên bản họp gia đình năm 2012.

Nay, ông O và ông B đề nghị Tòa án công nhận di chúc của ông bà ngoại tôi có hiệu lực pháp luật. Tôi đề nghị Tòa án không công nhận di chúc của ông bà ngoại tôi đề ngày 10/12/2008.

- Về chi phí giám định, xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản tôi đồng ý để ông Bùi Văn O và ông Bùi Văn B tự nguyện chịu.

* Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Ông Vũ VY và chị Vũ Thị MH trình bày trong bản tự khai đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

*Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Đồng ý với quan điểm của bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã trình bày.

Với nội dung trên, tại bản án số 11/2022/DS-ST ngày 16/8/2022 của Tòa án nhân dân thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã quyết định:

Căn cứ vào: Điều 26; Điều 35; Điều 39; Điều 147; Điều 227; Điều 271 và Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 631; Điều 632; Điều 633; Điều 646; Điều 647; Điều 648; Điều 650; Điều 652; Điều 653 và Điều 655 Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 15 Luật hôn nhân gia đình năm 1959; khoản 1 Điều 24; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội 14 quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Bùi Văn O và ông Bùi Văn B về việc "Yêu cầu công nhận bản di chúc có hiệu lực pháp luật”.

Tuyên xử:

1. Công nhận bản di chúc được lập ngày 10/12/2008 với nội dung cho tặng toàn bộ quyền sử dụng diện tích thửa đất 2.270m2 tại thửa số 214, tờ bản đồ số 43 (thửa mới 17+ 21, tờ bản đồ 158) được UBND huyện YH cấp GCNQSD đất số AB386989 ngày 16/8/2006 mang tên ông Bùi Văn T2 và bà Nguyễn Thị S1, tại địa chỉ khu ĐL, phường MT, thị xã QY, tỉnh Quảng Ninh tặng cho ông Bùi Văn O, Bùi Văn B và bà Bùi Thị H có hiệu lực pháp luật.

2. Đình chỉ yêu cầu của nguyên đơn ông Bùi Văn O, Bùi Văn B về phần chia di sản theo di chúc.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về chi phí tố tụng, nghĩa vụ chịu án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 22/8/2022 bị đơn bà Bùi Thị L, bà Bùi Thị S và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Bùi Văn T, bà Bùi Thị H, ông Vũ VY, anh Vũ AH, chị Vũ Thị MH có đơn kháng cáo với nội dung kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Đề nghị xem xét các quy định về điều kiện có hiệu lực của di chúc bảo đảm tuân thủ pháp luật, trên cơ sở đó không công nhận hiệu lực của di chúc ngày 10/12/2008, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thị xã Quảng Yên đảm bảo giải quyết các vấn đề khách quan, toàn diện.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Bùi Thị H, ông Vũ VY, anh Vũ AH, chị Vũ Thị MH là bà Nguyễn Thị Trà M và ông Bùi Văn T vẫn giữ nguyên yêu cầu nội dung kháng cáo, nguyên đơn và người đại diện theo ủy quyền và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền đồng thời là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Bùi Thị H, ông Vũ VY, anh Vũ AH, chị Vũ Thị MH là Luật sư Nguyễn Thị Trà M, Luật sư Lê QL bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Bùi Thị H, ông Bùi Văn T và anh Vũ AH trình bày các căn cứ chứng minh cho nội dung kháng cáo với nội dung:

- Bản án quyết định công nhận di chúc lập ngày 10/12/2008 có hiệu lực pháp luật là không tuân thủ quy định tại điểm d khoản 1, khoản 2 Điều 653 và Điều 656 Bộ luật Dân sự năm 2005 vì Bản di chúc này do bà Bùi Thị H viết.

- Tại mục II bản di chúc nêu “đất ở vườn ông P chia cho ba người con H trai một gái là ông O, ông B và bà H” nội dung này không rõ ràng không có cách để hiểu là ông P ở đâu quan hệ như thế nào di sản để lại là cái gì thông tin về di sản cũng như địa điểm xác lập di sản như vậy căn cứ nào để nguyên đơn và Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng đương nhiên đất nhà ông P là đất có diện tích 2270m2.

- Sau năm 2008 thì ngày 21 tháng 10 năm 2010 ông B đã đến gặp bà H1 để lấy H giấy chứng nhận đứng tên bà H và ông bà T2, S1 và quản lý luôn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không cho mọi người thực hiện quyền của mình mà người đó chính là bố mẹ của ông B là ông bà T2, S1. Ngày 12 tháng 10 năm 2012 ông bà T2, S1 đã phải thực hiện ý chí của mình bằng việc trực tiếp đến Ủy ban nhân dân phường MT thị xã QY đề nghị Ủy ban lập lập giấy ủy quyền cho ông T đòi lại bìa đỏ mà ông B đã tự ý chiếm giữ trái pháp luật nội dung này bị đơn đã nộp cho tòa án cấp phúc thẩm chứng minh rằng ông bà T2, S1 là người có tài sản không đồng ý với việc ông B cầm giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình và ngăn cản quyền sử dụng đất của ông bà T2, S1 trong thời điểm ông bà T2, S1 đang còn sống, Ngoài ra ngày 18 tháng 10 năm 2016 bà H và các đồng thừa kế khác đến Ủy ban nhân dân phường MT yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai. Và tại buổi làm việc thì yêu cầu ông B phải cung cấp sổ đỏ của bố mẹ để phân chia di sản theo quy định của pháp luật. Ở trang số 6 bản án sơ thẩm thể hiện đất vỡ hoang là phần đồi núi được cho ba người con gái là L, S, Hồi đến bây giờ nội dung này vẫn chưa thực hiện được vì ngày 14 tháng 7 năm 2012 ông T2 bà S1 đã chuyển nhượng phần diện tích đất này cho ông Bùi Văn T với diện tích 0,6 hécta.

Tiếp theo tại mục I điều 2 bản di chúc này nêu “đất tôi đang ở chia cho ba người con trai là Tấn, B1, V”: Đến nay phần diện tích đất này ông bà T2, S1 đã làm thủ tục xin cấp giấy sau đó ngày 12 tháng 6 năm 2010, 9 người con đã họp và thống nhất đề nghị ủy ban nhân dân thị xã QY cấp giấy chứng nhận cho ông T được đại diện cho những người thừa kế đứng tên trên đất với toàn bộ 2391m2 và toàn bộ tài sản trên đất do vậy bản án dân sự sơ thẩm nêu ông T, ông V, ông B1 đã thực hiện di chúc xong là không có căn cứ.

Phần nội dung đất bờ mương Đồng Re giao cho cậu B1 thì đối với nội dung này 9 anh em phải ký đồng ý thì mới được thực hiện được. Do đó, căn cứ vào các quy định của pháp luật cần phải xem xét chấp nhận kháng cáo của bà H với nội dung di chúc là không hợp pháp.

Đối với quan điểm kháng cáo của những người kháng cáo còn lại về cơ bản tương tự với nội dung của bài H tuy nhiên những người còn lại với vai trò là người không được nhận di sản, chỉ có bà H là người được nhận tài sản nhưng lại kháng cáo không chấp nhận bản án sơ thẩm tất cả những người còn lại đều khẳng định đất này là của bố mẹ để lại và họ không đồng ý với nội dung của bản án đề nghị tòa án không chấp nhận di chúc là hợp pháp đề nghị hủy bản án để xét xử lại.

Phần nhận định và phần quyết định của bản án là không có căn cứ. Để xem xét việc ban hành bản án có căn cứ hay không việc nhận định của tòa án cấp sơ thẩm có đúng pháp luật hay không thì cần căn cứ vào các chứng cứ hiện có trong hồ sơ vụ án. Bản án sơ thẩm nhận định các con thống nhất ký trước đến trang thứ 3 mới xuất hiện chữ ký của ông T2 và trên trang 3 không có nội dung gì vì vậy có thể xác định đây là chữ ký của ông T2 và bà S1 để xác nhận chữ ký của ông O và ông B chứ không phải ký nội dung di chúc. Nếu các con không thống nhất không ký trước thì người để lại di chúc có ký không? Ông T2 có được thực hiện quyền tối thiểu của mình không? Vì vậy căn cứ vào Điều 641 thì nhận định của Tòa sơ thẩm là trái quy định. Tòa sơ thẩm căn cứ Điều 631 nhưng phần nhận định và quyết định lại trái với điều 632 BLDS về quyền bình đẳng thừa kế của cá nhân; phần đầu di chúc có ghi “Tôi là và vợ là” chứ không phải “cùng vợ là”; “đất tôi đang ở” chứ không phải “vợ chồng tôi đang ở”; về nhà: “nhà tôi đang ở” thể hiện ông T2 có nhà; phần 2 có ghi “ tôi quyết định: đất tôi đang ở chia cho ông T, ông V, ông O; … Về cấu trúc và nội dung thể hiện không có quyền bình đẳng với bà S1, Bà S1 ký chỉ là xác nhận chữ ký của ông B, ông B1 chứ không thể hiện quyền định đoạt đối với phần di sản của mình.

Tại mục I “số đất còn lại tôi để làm từ đường cho dòng họ”, về cấu trúc đã khẳng định di chúc này không thể hiện quyền bình đẳng là tài sản chung của bà S1 với ông T2 nếu như di chúc có hiệu lực hợp pháp ngay tại di chúc đã tước đi quyền của bà S1 vì bà S1 có chữ ký ở trang 3 và không có quyền tự định đoạt của mình.

Về Đơn khởi kiện ngày 24 tháng 10 năm 2020 và đơn khởi kiện bổ sung của nguyên đơn ngày 14 tháng 4 năm 2021, xét về quyền khởi kiện của nguyên đơn là có “ yêu cầu công nhận di chúc hợp pháp và yêu cầu chia thừa kế đối với diện tích đất 2270 m2 đứng tên ông T2 bà S1” nhưng tài liệu chứng cứ gửi kèm hiện tại chưa thấy có tài liệu nào thể hiện ông P là ai cấp sơ thẩm thụ lý vụ án là không có căn cứ. Di chúc không được nêu cụ thể về tài sản không phân định từng người diện tích bao nhiêu không rõ ràng. Đáng ra phải xem xét trả lại đơn vì chưa có đủ điều kiện để khởi kiện nhưng cấp sơ thẩm đã cố ý tiếp nhận đơn là vi phạm nghiêm trọng thủ tục. Nếu như bản án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn tức là đã chủ động tấn công và tự ý sửa di chúc. Cấp sơ thẩm không có thẩm quyền sửa di chúc vì di chúc là thiêng liêng, phản ánh ý chí của người để lại di sản.

Tại phần quyết định bản án nêu công nhận cho tặng theo di chúc ông T2 bà S1 đã lập thì chiểu theo di chúc nội dung tuyên này không có trong di chúc; Cách hiểu tại mục II là có lợi cho nguyên đơn và bất lợi cho bị đơn tuy nhiên điều này là trái với quy định của pháp luật vì đã công nhận di chúc thì lại tuyên phần nội dung không có trong di chúc, tước đi quyền của các đồng thừa kế khác. Việc 9 người con không chấp nhận di chúc là có thật nên phải cử 1 người đại diện đề nghị UBND thị xã cấp giấy chứng nhận đứng tên ông T. Ông T chỉ là người đại diện đứng tên chứ không có quyền quyết định, định đoạt. Ngày 25/6/2014, UBND cấp diện tích đất nằm trong mục 1 đứng tên Bùi Văn T là người đại diện cho những người được thừa kế. Ông Bùi Văn B1 đang sử dụng diện tích 755,4m2 là do phải nhận chuyển nhượng lại của các đồng thừa kế với giá 40 triệu. Việc chuyển nhượng được thực hiện đúng quy định của pháp luật và ông B1 được cấp Giấy chứng nhận với diện tích đất trên. Như vậy đối với phần diện tích này thì di chúc không tồn tại. Phần diện tích của ông T được thực hiện theo hợp đồng tặng cho theo điểm e điểm c Điều 179 Luật Đất Đai 2013 cũng là phần diện tích nằm trong di chúc.

Tòa án sơ thẩm từ khi thụ lý đến khi xét xử có 4 tên gọi của bản án bị lẫn lộn: Theo hồ sơ và biên bản phiên tòa ngày 16 tháng 8 năm 2022 thì đến ngày xét xử nguyên đơn thay đổi nội dung khởi kiện từ “yêu cầu tuyên di chúc hợp pháp” thành “yêu cầu tuyên di chúc có hiệu lực pháp luật” đồng thời rút yêu cầu phân chia di sản. Như vậy đến phiên tòa mới phát sinh ra tên gọi của bản án là “yêu cầu công nhận di chúc có hiệu lực pháp luật và phân chia di sản thừa kế” được ghi rõ trong biên bản phiên tòa và bản án tuy nhiên trong cả quá trình tố tụng từ ngày 30 tháng 3 năm 2022 thì tên gọi này đã được ghi nhận trong các biên bản phiên tòa sơ thẩm và các văn bản tố tụng khác ở trong vụ án như: Biên bản phiên tòa sơ thẩm ngày 30/3/2022 (bút lục 271A) đã xác định quan hệ tranh chấp là yêu cầu công nhận di chúc có hiệu lực pháp luật và phân chia di sản thừa kế tại thời điểm này chị H ông Y anh H chưa tham gia tố tụng sau đó trong quyết định hoãn phiên tòa lại ghi là vụ án tranh chấp di sản thừa kế như vậy trong cùng một ngày xuất hiện H tên gọi khác nhau về nội dung tranh chấp của vụ án. Đến 27/4/ 2022 tại quyết định tạm ngừng phiên tòa là tranh chấp chia thừa kế cùng ngày thẩm phán ban hành quyết định trưng cầu giám định bổ sung thì tên gọi lại là chia thừa kế (bút lục 328); Tại thông báo thụ lý vụ án số 56 thì xác định là tranh chấp về thừa kế tài sản. Như vậy việc thẩm phán xác định quan hệ pháp luật không chính xác thì không thể đưa ra bản án chính xác được.

Ngoài ra theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự khi tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ thì tòa án không được làm bất cứ việc gì để thực hiện việc xét xử như là lấy lời khai hay thu thập chứng cứ nhưng Tòa án nhân dân thị xã QY tại biên bản phiên tòa sơ thẩm 26/5/2022 (BL 340) quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự và vụ án tiếp tục khi lý do tạm đình chỉ không còn và có quyết định tiếp tục giải quyết vụ án. Tuy nhiên khi chưa có thông báo mở lại phiên tòa tòa án đã ban hành công văn số 10 ngày 27 tháng 6 năm 2022 đề nghị Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thị xã QY cung cấp hồ sơ cấp bìa đỏ của ông B1 ông V và ông T và Ủy ban nhân dân đã cung cấp theo yêu cầu của tòa án như vậy việc thu thập chứng cứ trong giai đoạn tạm đình chỉ của tòa sơ thẩm đã đúng hay chưa giá trị chứng cứ có được chấp nhận hay không. Đến ngày 27/5/2022, Tòa án nhân dân thị xã QY mới ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án.

Đối với hồ sơ yêu cầu giám định số 138 và 124: việc thu thập chứng cứ là không đúng vì phải ban hành quyết định thu thập chứng cứ chứ không phải công văn. Việc thu thập không theo quy định pháp luật nên đề nghị không được sử dụng là chứng cứ.

Ông T bà S không biết chữ, tuy nhiên Tòa án sơ thẩm chỉ xem xét đến phần chữ ký của ông T mà không xem xét chữ ký của bà S. Do đó, không có căn cứ để xác định bản di chúc đã được lập đúng theo nguyện vọng của ông T và bà S, trái với quy định tại Điều 663 BLDS năm 2005.

Tại phần tranh luận, người đại diện theo ủy quyền và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp luật sư Nguyễn Thị Trà M và Lê QL đề nghị:

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2006 nêu rõ nguồn gốc là đất sử dụng ổn định từ năm 1976; phần kê khai nguồn gốc xây nhà ở năm 1976 thì theo giấy mua bán năm 1991 nguyên đơn mới cung cấp; hồ sơ chưa được kiểm chứng, sai lệch với hồ sơ cấp giấy nên về nguồn gốc thửa đất cần được xem xét nên đề nghị xem xét hủy GCN quyền sử dụng đất số AB 386989 hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi và hủy giấy do xuất hiện tình tiết không đúng nguồn gốc của thửa đất. Tại phiên tòa nguyên đơn và mọi người khẳng định rằng đã thực hiện theo di chúc nên đề nghị hủy hợp đồng chuyển nhượng và giấy chứng nhận đứng tên ông T; hủy hợp đồng chuyển nhượng và giấy chứng nhận đứng tên ông B1 để quay lại vị trí ban đầu nếu như có thể, tiếp theo phải hủy việc chuyển nhượng giao đất giao rừng giữa ông T2, bà S1 với ông T 4/7/2012 do liên quan đến việc đất đai được cấp Giấy chứng nhận theo từng thời kỳ.

+ Di chúc không hợp pháp không đảm bảo theo điều 656 BLDS 2005; nội dung di chúc không có phần nào ghi diện tích 2270m2 Giấy chứng nhận không phải là nguồn gốc từ ông P là tính liên quan giữa các chứng cứ.

+ Về chữ ký của bà S1: chưa làm rõ được nội dung bà S1 có ký hay không? Tất cả các lời khai và chứng cứ và được ghi tại biên bản phiên tòa sơ thẩm đều nói rõ ông bà không biết chữ. Nguyên đơn cho rằng ông T2 biết chữ là không có căn cứ + Nội dung Di chúc chỉ thể hiện ý chí của ông T2, không thể hiện ý chí và chữ ký của bà S1, cũng chưa có tài liệu hay kết luận giám định nào kết luận là chữ ký của bà S1.

+ Các tài sản trong di chúc không cụ thể không rõ ràng không có vị trí; Di chúc có 3 trang, ông T2 bà S1 không kí được vào từng trang thể hiện ý chí của mình; bản án sơ thẩm nhận đinh bản di chúc được các con bàn bạc và thống nhất ký thì di chúc này thể hiện ý chí của các con chứ không phải ý chí của ông T2 và bà S1, con lại ký trước bố mẹ là vi phạm đi ngược và không đúng quy định Điều 654 BLDS.

+ Không có tài liệu nào cho rằng ông T2 bà S1 biết chữ. Nếu bà H1 viết hộ thì phải áp dụng theo Điều 656; phải có ít nhất 2 người làm chứng; chỉ có người làm chứng Nguyễn Duy Đông chỉ có tên không có chữ ký; trong di chúc không có phần nào xác nhận đó là chữ ký của ông T2; do vậy cấp sơ thẩm chưa xem xét tính hợp pháp của di chúc.

+ Hình thức di chúc trái quy định của pháp luật khoản 2 điều 653; điều 646, điều 648 tước đi quyền định đoạt tối thiểu của ông T2 bà S1 .

Từ các phân tích về di chúc: Hình thức không hợp pháp, snội dung không rõ ràng, các con ký trước nên thì di chúc không hợp pháp; phần tuyên của BAST không nằm trong di chúc. Tòa án căn cứ Điều 655 về việc ông T2 biết chữ, nguyên đơn cho là chữ ông T2, nhận định của tòa là bà H1 viết hộ như vậy là mâu thuẫn. Nếu áp dụng Điều 655 thì phải tuân thủ khoản 2 Điều 653: đây không phải ông T2 lập di chúc không được ký hoặc điểm chỉ trước mà các con ký trước, người làm chứng không ký không có điểm chỉ, không xác nhận chữ ký của ông T2. Di chúc là không tồn tại. Tòa cấp sơ thẩm thu thập tài liệu nhưng thiếu hồ sơ cấp đất của ông T, ông B1 đang ở và thửa đất ông V đang ở không thuộc thửa trong di chúc; ông V tặng cho ông T năm 2003 thì 2391m2 là do ông T đứng tên hộ chứ không phải thực hiện theo di chúc. Diện tích 0,6ha ông T nhận chuyển nhượng từ bố mẹ chưa rõ nằm ở đâu có thuộc phần đất trong di chúc không. Tài liệu ông O cung cấp thừa nhận đất rừng nhà ông O nằm bên cạnh nhà ông T2, chưa làm rõ vị trí thửa đất.

Bản án sơ thẩm sử dụng tài liệu giám định kết luận chữ viết là viết thêm, chưa làm rõ thời gian viết trước hay sau thời gian các cụ chết; giám định bổ sung trước đó chưa giám định nhưng lại ban hành trưng cầu giám định bổ sung là trái khoản 4 điều 102 Bộ luật tố tụng. Nguyên đơn khai bà H1 viết thêm nhưng chưa có tài liệu chứng minh.

Vì các căn cứ trên, đề nghị hủy bản án sơ thẩm để làm rõ các tình tiết vụ án do các tài liệu mới cấp phúc thẩm không làm rõ được.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn và đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn cũng như người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn có quan điểm không nhất trí với toàn bộ nội dung kháng cáo của những người kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh tại phiên tòa phúc thẩm phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm: Hội đồng xét xử phúc thẩm đã thực hiện chức năng, nhiệm vụ đúng quy định, các đương sự đã thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.

Về nội dung: đề nghị Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa để làm rõ nội dung diện tích đất 0,6ha ông Bùi Văn T nhận chuyển nhượng từ cụ T cụ S có phải là phần diện tích đất khai hoang trồng cây lấy gỗ đã phân chia cho 3 người là bà Bùi Thị L, bà Bùi Thị S và bà Bùi Thị H1 không. Do chưa đủ căn cứ nên đại diện Viện kiểm sát không phát biểu quan điểm giải quyết vụ án.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định: [1] Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của bị đơn bà Bùi Thị L, bà Bùi Thị S và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Bùi Thị H, ông Bùi Văn T, ông Vũ VY, anh Vũ AH, chị Vũ Thị MH nằm trong thời hạn luật định, nội dung kháng cáo nằm trong phạm vi bản án sơ thẩm nên được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

[2] Về sự vắng mặt của các đương sự: bị đơn bà Bùi Thị L, bà Bùi Thị S và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Bùi Thị H, ông Vũ VY, anh Vũ AH, chị Vũ Thị MH vắng mặt nhưng có đơn đề nghị xét xử vắng mặt và đã có người đại diện theo ủy quyền là bà Nguyễn Thị Trà M có mặt tại phiên tòa nên căn cứ khoản 2 Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vụ án theo quy định.

[3] Xét kháng cáo của bị đơn bà Bùi Thị L, bà Bùi Thị S và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Bùi Thị H, ông Bùi Văn T, ông Vũ VY, anh Vũ AH, chị Vũ Thị MH với nội dung kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Đề nghị xem xét các quy định về điều kiện có hiệu lực của di chúc bảo đảm tuân thủ pháp luật, trên cơ sở đó không công nhận hiệu lực của di chúc ngày 10/12/2008, hủy toàn bộ bản bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thị xã Quảng Yên đảm bảo giải quyết các vấn đề khách quan, toàn diện, Hội đồng xét xử xét thấy:

Căn cứ vào lời khai của các bên đương sự, các tài liệu, chứng cứ do các bên đương sự cung cấp và Tòa án thu thập có đủ căn cứ xác định: ông Bùi Văn T2, sinh năm 1929 (chết năm 2014) và bà Nguyễn Thị S1, sinh năm 1932 (chết năm 2013) kết hôn với nhau và sinh được 09 người con gồm: ông Bùi Văn O, Bùi Văn B, Bùi Văn T, Bùi Văn V, Bùi Văn B1, bà Bùi Thị L, Bùi Thị H, Bùi Thị S, Bùi Thị H1 (bà H1 chết năm 2017, có chồng là ông Vũ VY và 02 người con là anh Vũ AH và chị Vũ Thị MH). Ông Bùi Văn T2 và bà Nguyễn Thị S1 có tạo dựng được khối tài sản chung là thửa đất số 214, tờ bản đồ số 43 (thửa mới 17+21, tờ bản đồ 158) diện tích diện tích 2.270m2 tại địa chỉ khu ĐL, phường MT, thị xã QY, tỉnh Quảng Ninh đã được UBND huyện YH cấp GCNQSD đất số AB386989 ngày 16/8/2006 mang tên ông Bùi Văn T2 và bà Nguyễn Thị S1. Ngày 10/12/2008 ông T2 và bà S1 đã lập di chúc thừa kế toàn bộ diện tích đất trên đất cho ba người con là ông O, ông B và bà H. Khi ông T2 và bà S1 lập di chúc thì có mặt đầy đủ các con gồm có ông O, ông B, ông T, ông V, ông B1, bà L, bà H, bà S và bà H1 (bà H1 là người viết bản di chúc) với nội dung thể hiện trong bản Di chúc như sau:

- Thửa đất ông T2, bà S1 đang ở để lại cho ông T, ông V và ông B1. Thửa đất ở trên đồi để lại cho 03 người con gái là bà L, bà H1 (mẹ của anh H; chị H) và bà S. Đối với thửa đất số 214, tờ bản đồ số 43 (thửa mới 17+ 21, tờ bản đồ 158) diện tích 2.270m2 được UBND huyện YH cấp GCNQSD đất số AB386989 ngày 16/8/2006 tại địa chỉ khu ĐL, phường MT, thị xã QY, tỉnh Quảng Ninh, ông T2, bà S1 di chúc cho ông O, ông B và bà H (tại thời điểm lập di chúc do không ghi rõ diện tích đất cụ thể cho từng người được bao nhiêu m2 mà phần ghi m2 để trống). Nội dung bản di chúc sau khi lập xong đã thông qua cho tất cả các thành viên trong gia đình nghe nhất trí cùng ký tên vào bản di chúc, các đương sự đều thừa nhận chữ ký trong bản di chúc là chữ ký của mình và tất cả các thành viên trong gia đình đều ký.

Quan điểm của nguyên đơn đề nghị Tòa án công nhận di chúc của ông T2 bà S1 lập ngày 10/12/2008 là hợp pháp (thực tế đã được các anh chị em tự nguyện thực hiện theo) và chia phần di sản mà ông T2 bà S1 đã định đoạt phân chia như theo nội dung di chúc đã lập ngày 10/12/2008.

Tại phiên tòa sơ thẩm nguyên đơn ông O và ông B rút yêu cầu chia di sản thừa kế, chỉ yêu cầu Tòa án giải quyết công nhận bản di chúc lập ngày 10/12/2008 có hiệu lực pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của những người kháng cáo, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đề nghị Tòa án công nhận bản di chúc lập ngày 10/12/2008 có hiệu lực pháp luật.

Quan điểm của bị đơn bà L, bà S đề nghị Tòa án không công nhận di chúc của ông T2 bà S1 lập ngày 10/12/2008 là hợp pháp và đề nghị Tòa án phân chia thửa đất trên cho 06 người con gồm: Bà L, bà S, bà H, bà H1, ông O và ông B. Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan về phía bị đơn ông T, bà H, ông Y, anh H và chị H đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm, những người kháng cáo đề nghị Tòa án hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại. Đối với ông B1 và ông V trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm đều vắng mặt không có lý do và không thể hiện quan điểm của mình về việc giải quyết vụ án (Tòa án đã tống đạt đầy đủ các văn bản tố tụng cho ông B1 và ông V). Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm ông V và ông B1 có mặt có quan điểm đề nghị Tòa án công nhận bản di chúc lập ngày 10/12/2008 có hiệu lực pháp luật.

[4] Xem xét, đánh giá lời khai của các bên đương sự, tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định như sau:

[4.1] Căn cứ các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đủ căn cứ xác định bản di chúc ngày 10/12/2008 đã được lập theo đúng ý chí, nguyện vọng của ông T2 và bà S1. Điều này được chứng minh bằng chính lời khai của các bên đương sự. Trong suốt quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, các bên đương sự đều xác định có sự kiện ngày 10/12/2008 gia đình có tổ chức họp lập bản di chúc theo ý chí, nguyện vọng của bố mẹ là cụ T và cụ S. Chính ông T tại phiên tòa phúc thẩm có lời khai xác định lại một lần nữa là việc lập di chúc là có thật, có đầy đủ 9 anh chị em tham gia và ông T xác định di chúc là đúng ý chí, nguyện vọng của bố mẹ ông là cụ T và cụ S, mọi người đều thống nhất và nhất trí với nội dung bản di chúc, tại thời điểm lập di chúc cụ T, cụ S hoàn toàn tỉnh táo, minh mẫn, không bị lừa dối, đe dọa cưỡng ép, di chúc được lập bằng văn bản sau đó tất cả các thành viên trong gia đình đều thống nhất và cùng ký tên vào bản di chúc. Như vậy, xét thấy Bản di chúc là hoàn toàn có thật và đúng ý chí của người có di sản để lại di chúc là cụ T và cụ S. Bị đơn và một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đứng về phía bị đơn thì cho rằng cụ T, cụ S không có mặt tại buổi lập di chúc và các cụ có ký vào bản di chúc không thì không biết. Lời khai này của bị đơn và một số người liên quan là không khách quan, mâu thuẫn bởi lẽ, việc cụ T có ký vào bản di chúc không đã được kết luận tại Kết luận Giám định xác định đúng là chữ ký của cụ T trong bản di chúc. Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn bà Nguyễn Thị Trà M và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn Luật sư Lê QL đề nghị Tòa án trưng cầu giám định chữ ký của cụ S trong bản di chúc ngày 10/12/2008 vì không có tài liệu nào thể hiện đây là chữ ký của cụ S. Hội đồng xét xử thấy rằng, các đương sự là những người được thừa kế di sản theo di chúc đều khẳng định có bản di chúc và mọi người đều ký vào bản di chúc và di chúc là đúng ý chí, nguyện vọng của cụ T, cụ S, hơn nữa quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay các bên đương sự đều xác định 4 di sản theo di chúc thì 3 di sản đã được thực hiện, chỉ tranh chấp đối với di sản là đất ông P để lại theo di chúc, và tại cấp sơ thẩm cũng không ai có ý kiến về chữ ký của cụ S ký trong di chúc nên việc đề nghị giám định chữ ký của cụ S trong bản di chúc ngày 10/12/2008 là không cần thiết. Lời khai của người đại diện theo ủy quyền của bị đơn tại phiên tòa phúc thẩm là không khách quan, không đúng với bản chất sự việc. Do đó, không chấp nhận yêu cầu đề nghị trưng cầu giám định chữ ký của cụ S trong bản di chúc của người đại diện theo ủy quyền bà My và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp luật sư Lê QL.

[4.2] Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay bị đơn cũng như một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cho rằng bản Di chúc lập năm 2008 không có giá trị về mặt pháp lý, đề nghị Tòa án không công nhận di chúc mà thực hiện theo biên bản họp gia đình năm 2012, vì cụ T và cụ S không biết chữ, nên chữ ký trong bản di chúc của cụ T cụ S là giả, nhưng như phân tích trên, trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án các đương sự đều thừa nhận toàn bộ khối di sản trên là của cụ T, cụ S để lại và chữ ký trong bản di chúc mà các thành viên trong gia đình ký là đúng. Vì vậy, đây là những tình tiết sự kiện không phải chứng minh được quy định tại khoản 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự. Mặc dù phần m2 trong bản di chúc cho mỗi người không ghi cụ thể mà để trống, sau đó được viết thêm phần chữ số 319m2 vào phần để trống. Bị đơn và một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cho rằng bản Di chúc lập ngày 10/12/2008 không có giá trị về mặt pháp lý mà phải thực hiện theo biên bản họp gia đình ngày 01.4.2012. Qua xem xét hình thức và nội dung Biên bản họp gia đình Hội đồng xét xử thấy:

Về hình thức và nội dung trong biên bản họp gia đình không thể hiện việc phân chia di sản của cụ T, cụ S cụ thể cho từng người như thế nào, nên không thể coi đây là văn bản thay thế bản di chúc đã được lập ngày 10/12/2008, ngoài ra chữ số “1.4.2012” được viết thêm nên không thể xác định Biên bản họp gia đình có phải được lập vào ngày “1.4.2012” hay không. Tòa án đã tiến hành trưng cầu giám định, tại kết luận giám định số 138/C09-P5 ngày 09/9/2021 và kết luận giám định bổ sung số 124/KL-KTHS ngày 24/6/2022 đã xác định và kết luận chữ ký “T” và “Bùi Văn T2” trong bản di chúc và biên bản họp gia đình với các mẫu so sánh do cùng một người viết ra, còn chữ số ghi ở phần “m2” bỏ trống và các chữ số “1.4.2012” trong biên bản họp gia đình là chữ số viết thêm.

Hình thức của biên bản họp này không phải là di chúc, không có nội dung nào thể hiện việc sửa đổi hủy bỏ bản di chúc năm 2008, cũng không thể hiện việc phân chia di sản, tại kết luận giám định cũng kết luận biên bản này là được viết thêm chứ không phải tại thời điểm năm 2012; về thành phần thì không đầy đủ, chỉ có ba cô con gái tham gia họp và ký tên, nguyên đơn, bị đơn và những người liên quan khác cũng không tham gia cuộc họp này. Trong hồ sơ vụ án có rất nhiều biên bản cuộc họp, thậm chí có những biên bản còn sau khi ông T2 chết. Tại kết luận giám định số 124/fKL-KTHS ngày 24/6/2022 đã chỉ ra rõ chữ ký của ông T2 không phải cùng một người viết ra so với các mẫu giám định khác điều đó chứng tỏ phía bị đơn đã có những hành động sửa đổi thỏa thuận lại việc phân chia di sản.

Hội đồng xét xử thấy trong quá trình giải quyết cũng như tại phiên họp tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải bị đơn và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan về phía bị đơn không đưa ra được chứng cứ gì ngoài biên bản họp gia đình để chứng minh cho yêu cầu của mình. Vì vậy, không có căn cứ để chấp nhận.

Từ những nhận định và phân tích trên đủ cơ sở xác định bản di chúc được lập ngày 10/12/2008 là đúng ý chí, nguyện vọng của cụ T, cụ S và nội dung của di chúc hợp pháp tuân thủ quy định của Bộ luật Dân sự, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, hình thức di chúc không trái quy định của luật, phù hợp với quy định tại các Điều 631; Điều 632; Điều 633; Điều 646; Điều 647; Điều 648; Điều 650; Điều 652; Điều 653 và Điều 655 Bộ luật Dân sự năm 2005. Tòa án cấp sơ thẩm công nhận Bản di chúc lập ngày 10/12/2008 có hiệu lực pháp luật là có căn cứ, đúng quy định pháp luật nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[5] Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị Trà M và Luật sư Lê QL đưa ra thêm các căn cứ, lý do để xem xét hủy bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy:

[5.1] Đối với các căn cứ đề nghị hủy án về vi phạm tố tụng của bị đơn và Luật sư và đề nghị hủy sổ đỏ mang tên cụ T cụ S và các sổ đỏ theo hợp đồng tặng cho cũng như hủy hợp đồng chuyển nhượng cho ông T ông B1 thì xét thấy, trong vụ án này nguyên đơn khởi kiện về việc công nhận di chúc có hiệu lực pháp luật và phân chia di sản thừa kế không khởi kiện quyết định hành chính đây đơn thuần là tranh chấp dân sự nên tất cả các yêu cầu của Luật sư phía bị đơn vượt quá phạm vi và không nằm trong phạm vi của vụ án này. Đối với yêu cầu về nội dung cần thu thập chứng cứ theo như quan điểm của Luật sư My có cho rằng cấp sơ thẩm đã đánh giá tính hợp pháp của bản di chúc không đúng thì phần nhận định của bản án sơ thẩm đã nêu rõ di chúc có hợp pháp hay không hợp pháp từ đó đưa ra quyết định công nhận di chúc có hiệu lực của pháp luật. Và một bản di chúc được công nhận có hiệu lực pháp luật phải là bản di chúc hợp pháp chứ không có trường hợp di chúc có hiệu lực pháp luật mà lại không hợp pháp và ngược lại như vậy bản án sơ thẩm tuyên là đúng phạm vi khởi kiện của nguyên đơn.

[5.2] Trong quá trình vụ án đã được tạm đình chỉ tuy nhiên Tòa án sơ thẩm vẫn có hoạt động thu thập chứng cứ thì trong trường hợp này là không vi phạm theo quy định tại khoản 4 điều 215 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về việc trong thời gian tạm đình chỉ thì Thẩm phán đã được phân công giải quyết vụ án vẫn phải có trách nhiệm để giải quyết nội dung vụ án. Cho nên việc thu thập tài liệu chứng cứ trong giai đoạn đã tạm đình chỉ vụ án là không trái quy định của pháp luật. Về mặt nội dung phía bị đơn và Luật sư cho rằng di chúc này không hợp pháp và vô hiệu và đề nghị phải chia theo pháp luật theo văn bản thỏa thuận họp gia đình năm 2012 với lý do chính đưa ra là di chúc không phù hợp với hình thức, không theo ý chí của cụ T cụ S vì là do các con ký trước thấy rằng, tại phiên tòa sơ thẩm tất cả các đương sự không một ai là không thừa nhận khi lập di chúc là không có mặt đầy đủ các thành viên trong gia đình và cũng không một ai phủ nhận chữ ký trong di chúc không phải là chữ ký của cụ T cụ S. Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn ông B, ông O và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông B1, ông V và chính ông T đều thừa nhận. Đây hoàn toàn là các tài liệu chứng cứ trong vụ án chứ không phải như lời trình bày của người đại diện theo ủy quyền của bị đơn và một số người liên quan bà H, ông Y, anh H, chị H. Ông T tại phiên tòa phúc thẩm xác định rõ việc này. Còn Bà L bà S vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm nhưng quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm có trình bày rất rõ khi còn sống vào ngày tháng ngày 10 tháng 12 năm 2008 bố mẹ tôi đã nhờ bà H1 lập di chúc để định đoạt toàn bộ di sản trước mặt toàn bộ các thành viên trong gia đình bao gồm phần đất bố mẹ tôi đang ở, đất ông P, đất vỡ hoang và đất Đồng Re. Ba phần đất gồm phần đất bố mẹ tôi đang ở, phần đất vỡ hoang trồng cây lấy gỗ và đất khu Đồng Re đã thực hiện xong chỉ còn mảnh đất ông P là chưa thực xong việc phân chia di sản, việc này đã thể hiện rất rõ ý chí từ cấp sơ thẩm cùng với việc xét hỏi công khai tại phiên tòa hôm nay. Tại phiên tòa, ông T đã trình bày thể hiện rõ ý chí của người lập di chúc năm 2008 là của các cụ và có sự tham gia đầy đủ của các con và đã đều được thừa nhận nên việc Luật sư bên bị đơn đưa ra quan điểm việc lập di chúc không đúng ý chí của cụ T cụ S, các cụ ký sau các con và không có người làm chứng là không khách quan, không có căn cứ.

[5.3] Đối với quan điểm của bị đơn cho rằng tại phần quyết định bản án nêu công nhận cho tặng theo di chúc cụ T cụ S đã lập thì chiểu theo di chúc nội dung tuyên này không có trong di chúc; Cách hiểu tại mục II trong di chúc là có lợi cho nguyên đơn và bất lợi cho bị đơn tuy nhiên điều này là trái với quy định của pháp luật vì đã công nhận di chúc thì lại tuyên phần nội dung không có trong di chúc, trái quy định của pháp luật tước đi quyền của các đồng thừa kế khác. Việc ông O ông B khởi kiện và mọi người đều cho rằng di chúc không hợp pháp và bố mẹ tôi không biết chữ. Tại mục II bản di chúc nêu “đất ở vườn ông P chia cho ba người con H trai một gái là ông O ông B và bà H” nội dung này không rõ ràng không có cách để hiểu là ông P ở đâu? quan hệ như thế nào? di sản để lại là cái gì? thông tin về di sản cũng như địa điểm xác lập di sản như vậy căn cứ nào để nguyên đơn và Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng đương nhiên đất nhà ông P là đất có diện tích 2270 m2.

Xét thấy, trong suốt quá trình giải quyết vụ án các đương sự đều xác định 4 phần di sản thì có 3 phần đã thực hiện xong, tại phiên tòa phúc thẩm, chính ông Bùi Văn T có lời khai phù hợp với lời khai của nguyên đơn và ông V, ông B1 . Phần còn lại đất ông P theo di chúc các đương sự đều xác định chính là phần đất đã được cấp Giấy chứng nhận 2270m2 năm 2006 mang tên ông T2 bà S1.

Quan điểm của người đại diện theo ủy quyền của bị đơn và một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan còn mâu thuẫn với chính quan điểm của ông T, bà S, bà L trong vụ án này có lời khai và hòa giải đều thể hiện di sản trong di chúc này gồm có bốn phần là di sản là đất mà các cụ đang ở, đất vườn ông P, đất vỡ hoang trồng cây lấy gỗ và đất bờ mương Đồng Re thì trong quá trình giải quyết vụ án các đương sự không ai phản đối nên nguyên đơn có yêu cầu khởi kiện yêu cầu công nhận di chúc. Các đương sự đều thừa nhận phần diện tích 2270 m2 là phần thứ H của di chúc họ không phản đối mà chỉ cho rằng việc phần đất này chưa được thực hiện phân chia và các phần khác đã được phân chia xong rồi và cho rằng phải chia thành năm phần chứ không phải thành ba phần như trong di chúc. Ông T cũng trình bày rằng ông không đòi chia cho ông mà đòi cho các cô em gái điều đó chứng tỏ rằng các đương sự tiếp tục xác định và thừa nhận mục II của di chúc. Nội dung ở phần II của di chúc không phải là khó hiểu mà các đương sự đã hiểu rất rõ về phần đất vườn ông P chính là phần đất có diện tích 2270m2 đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên xuyên suốt quá trình xét xử sơ thẩm mới không có quan điểm nào phản đối. Xét giấy bán nhà của ông P năm 1991 nguyên đơn cung cấp tại phiên tòa phúc thẩm ghi rất rõ tứ cận thửa đất là giáp với nhà ông Thuần, bà H, đất đồi cây lâu năm và đường bê tông thì tứ cận này hoàn toàn trùng khớp với tứ cận thửa đất trong biên bản xem xét thẩm định tại chỗ và cũng hoàn toàn phù hợp với tứ cận của thửa đất trong sơ đồ trích lục trích đo thực địa nằm trong hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2006 chính nguyên đơn là người giao nộp các tài liệu trên cho tòa án. Điều đó chứng tỏ rằng thửa đất vườn ông P mà các cụ nêu trong phần II của di chúc chính là thửa đất 2270m2. Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn và một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quan điểm đề nghị hủy giấy chứng nhận đối với 2270m2 đất này vì cho rằng nguồn gốc đất ghi trong hồ sơ cấp giấy chứng nhận là ở ổn định từ năm 1978 nhưng tại phiên tòa nguyên đơn cung cấp tài liệu xác định nguồn gốc đất là do mua của ông P từ năm 1991 như vậy chứng tỏ bị đơn đã thừa nhận nguồn gốc đất này là đất của ông P. Các đương sự đều thừa nhận đã thực hiện xong ¾ nội dung của bản di chúc năm 2008. Đối với phần đất tại mục I ghi là đất tôi đang ở thì tại phiên tòa hôm nay các đương sự và đặc biệt là ông Bùi Văn T đều thừa nhận rất rõ và bản thân người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị đơn cũng công nhận là ba thửa đất tương ứng với ba sổ đỏ của ông T ông V ông B1 đang quản lý sử dụng đều có nguồn gốc là đất của cụ T cụ S.

Do đó, xét thấy quan điểm của người địa diện theo ủy quyền và Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn và một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quan điểm đề nghị Tòa án tạm ngừng phiên tòa để xem xét chứng cứ là Giấy bán nhà ngày 5/10/1991 nguyên đơn xuất trình tại phiên tòa phúc thẩm đồng thời đề nghị trưng cầu giám định chữ ký và chữ viết “Bùi T” dưới mục “Người mua ký” và đề nghị triệu tập UBND phường MT và UBND thị xã QY vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là không cần thiết nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận.

Ngoài ra, ông Bùi Văn T tại phiên tòa phúc thẩm đã cam đoan lời khai là đúng sự thật thể hiện: khi làm thủ tục cấp giấy đối với phần đất chưa có sổ thì UBND phường phải hướng dẫn làm các thủ tục để đạt được các phần đất theo đúng như di chúc thì phải qua các bước như họp gia đình làm tặng cho điều này hoàn toàn phù hợp với mục đích của di chúc đối với phần đất của các cụ đang ở được chia cho ba người là ông V, ông T và ông B1. Như vậy mục I của di chúc này đã được thi hành xong. Các hợp đồng tặng cho và biên bản gia đình từ năm 2014 đến 2017 chỉ là phương thức thực hiện để hợp pháp hóa cho mục đích thực hiện theo đúng di chúc này. Trên thực tế, phải thừa nhận di chúc là không có dấu của cơ quan nhà nước, di sản để lại trong di chúc này về cơ bản là chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khi đề nghị phân chia theo di chúc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải hướng dẫn cho người dân làm các thủ tục để phù hợp với quy định của pháp luật đúng theo lời thừa nhận của ông T là được sự hướng dẫn của Ủy ban nhân dân phường MT. Các đương sự đều thừa nhận và tình tiết này không phải chứng minh tuy nhiên chỉ có Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn và một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quan điểm khẳng định rằng các nội dung tại phần I của di chúc này chưa được thực hiện. Tại phiên tòa phúc thẩm nhiều quan điểm của luật sư và người đại diện trái với chính quan điểm của người mà mình bảo vệ hoặc là đại diện, quan điểm của các đương sự đều thừa nhận thống nhất với nhau khi Hội đồng xét xử đặt câu hỏi chỉ có lời trình bày của người đại diện và luật sư là trái lại ngược lại nên đánh giá lời khai này là không khách quan, không đúng sự thật. Đối với phần đất đồi cây lâu năm chính ông Bùi Văn T đã khẳng định là bà L bà S bà H1 đã trồng cây lấy gỗ và bán gỗ được H lần chứng tỏ phần di chúc này cũng đã được thực hiện xong. Cho nên, quan điểm của Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa để làm rõ phần đất đồi núi này là không có cơ sở và không cần thiết. Đối với phần đất ở bờ mương Đồng Re của cậu B1 thì người hưởng giá trị cuối cùng vẫn là ông B1 tuy nhiên Luật sư bị đơn cho rằng việc ông B1 được hưởng diện tích đất này là do biên bản họp của 9 người anh em năm 2021 thì đây cũng là một hình thức hợp thức hóa khi nhà nước xác nhận quyền sở hữu. Ngoài ra, trong giấy ủy quyền của cụ T cho ông T chỉ ghi là đòi lại sổ đỏ để đảm bảo quyền sử dụng đất của cụ T cụ S chứ không phải để chia lại nên ý kiến của đại diện bị đơn và ý kiến của Luật sư cho rằng biên bản năm 2012 là ý chí của cụ T để chia lại di sản là không có căn cứ. Di chúc có từ năm 2008 là di chúc hợp pháp và sau cùng thì sẽ được công nhận thì đối với biên bản họp gia đình do bà C viết trong biên bản này cũng không có chữ ký của bà C và của những người con trai không hề có nội dung là chia lại vườn ông P hay là chia lại toàn bộ di sản hay là hủy phần nào của di chúc. Mọi người đã đều ký cho ông T ông B1 để cấp đối với 2391 m2 và không tranh chấp các phần còn lại thể hiện là mọi người đã tôn trọng ý chí của cụ T cụ S trong di chúc.

Các biên bản họp gia đình sau này chỉ có bà H1 bà S ký thậm chí có cả kết luận giám định cho rằng không phải là chữ ký của ông T2 nên việc đòi chia lại phần của ông O ông B là không công bằng cho nên quan điểm của Luật sư bị đơn về việc sử dụng giấy ủy quyền và biên bản họp gia đình năm 2012 để xác định ý chí của cụ T cụ S là không có căn cứ.

[5.4] Đối với yêu cầu kháng cáo về một số vi phạm tố tụng khác của Tòa án cấp sơ thẩm như về xác định quan hệ pháp luật, việc thu thập chứng cứ của Tòa án sơ thẩm và ông Y chị H chưa được đảm bảo quyền lợi khi tham gia tố tụng thấy rằng đây là thiếu sót của Tòa án cấp sơ thẩm nhưng không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, cấp sơ thẩm cần nghiêm túc rút kinh nghiệm. Do đó, chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của những người kháng cáo.

Từ những căn cứ phân tích và nhận định trên không có căn cứ chấp nhận nội dung kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm như phân tích trên.

[6] Tuy nhiên, xem xét bản án sơ thẩm thấy rằng bản án sơ thẩm áp dụng pháp luật còn có sai sót sau:

Tại phần quyết định của Bản án sơ thẩm ghi áp dụng Điều 15 Luật hôn nhân gia đình năm 1959, nhưng tại phần nhận định của Bản án sơ thẩm không nhận định về căn cứ áp dụng Điều 15 Luật hôn nhân gia đình năm 1959. Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 không quy định về quyền để lại thừa kế theo di chúc tài sản chung vợ chồng. Quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ án này được xác định là “Tranh chấp về thừa kế tài sản". Vì vậy không áp dụng Luật hôn nhân và gia đình, mà áp dụng các quy định về thừa kế theo di chúc quy định tại Chương XXIII của Bộ luật dân sự năm 2005 để giải quyết. Bản án sơ thẩm áp dụng Điều 15 Luật hôn nhân gia đình năm 1959 là không chính xác, nên cần sửa một phần bản án theo hướng không áp dụng Điều 15 Luật hôn nhân gia đình năm 1959.

Ngoài ra, nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện về việc yêu cầu chia di sản thừa kế theo di chúc, Tòa án sơ thẩm nhận định “Tại phiên tòa nguyên đơn rút yêu cầu chia di sản thừa kế, chỉ yêu cầu Tòa án công nhận bản di chúc được lập ngày 10/12/2008 có hiệu lực pháp luật. Xét thấy việc nguyên đơn xin rút một phần yêu cầu khởi kiện không vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu và việc rút yêu cầu là tự nguyện, căn cứ Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu đã rút của nguyên đơn”. Tuy nhiên, phần quyết định bản án sơ thẩm không áp dụng Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự là thiếu sót. Đồng thời, bản án sơ thẩm áp dụng chung một số các Điều luật mà không nêu rõ điểm, khoản nào của Điều luật được áp dụng là cũng không chính xác nên cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm về phần áp dụng pháp luật theo quy định.

Bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Bùi Văn T, bà Bùi Thị H, ông Vũ VY, anh Vũ AH, chị Vũ Thị MH kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm nên chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, sửa bản án sơ thẩm như phân tích trên.

[7] Về chi phí tố tụng: Toàn bộ số tiền nộp tạm ứng chi phí thẩm định tại chỗ, chi phí giám định và định giá tài sản mà ông Bùi Văn O và ông Bùi Văn B nộp đã chi phí hết, ông O và ông B tự nguyện chịu và không yêu cầu bị đơn phải hoàn trả lại nên Hội đồng xét xử không đề cập giải quyết.

[8] Về án phí:

[8.1] Án phí dân sự sơ thẩm: Do chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nên bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật với mức án phí không có giá ngạch là 300.000 đồng.

[8.2] Án phí dân sự phúc thẩm: Do cấp phúc thẩm sửa một phần bản án sơ thẩm, chấp nhận một phần kháng cáo, nên những người kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của bị đơn bà Bùi Thị L, bà Bùi Thị S và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Bùi Văn T, bà Bùi Thị H, ông Vũ VY, anh Vũ AH, chị Vũ Thị MH. Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 11/2022/DS-ST ngày 16/8/2022 của Tòa án nhân dân thị xã QY, tỉnh Quảng Ninh Căn cứ vào: khoản 5 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a, c khoản 1 Điều 39; Điều 147; Điều 227; Điều 271 và Điều 273; khoản 2 Điều 296; khoản 2 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 631; Điều 632; Điều 633; Điều 646; Điều 647; Điều 648; Điều 650; Điều 652; Điều 653 và Điều 655 Bộ luật Dân sự năm 2005; khoản 1 Điều 24; khoản 2 Điều 26, khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Bùi Văn O và ông Bùi Văn B về việc "Yêu cầu công nhận bản di chúc có hiệu lực pháp luật”.

Tuyên xử:

1. Công nhận bản di chúc được lập ngày 10/12/2008 với nội dung cho tặng toàn bộ quyền sử dụng diện tích thửa đất 2.270m 2 tại thửa số 214, tờ bản đồ số 43 (thửa mới 17+ 21, tờ bản đồ 158) được Uỷ ban nhân dân huyện YH cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB386989 ngày 16/8/2006 mang tên ông Bùi Văn T2 và bà Nguyễn Thị S1, tại địa chỉ khu ĐL, phường MT, thị xã QY, tỉnh Quảng Ninh tặng cho ông Bùi Văn O, Bùi Văn B và bà Bùi Thị H có hiệu lực pháp luật.

2. Đình chỉ xét xử yêu cầu của nguyên đơn ông Bùi Văn O, ông Bùi Văn B về phần chia di sản theo di chúc.

3. Về chi phí tố tụng: Ông Bùi Văn O và ông Bùi Văn B tự nguyện chịu toàn bộ.

4. Về án phí: Buộc bị đơn bà Bùi Thị L, Bùi Thị S mỗi người phải nộp 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm và không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm của bà Bùi Thị L đã nộp theo biên lai số 0010056 ngày 07/9/2022, của bà Bùi Thị S đã nộp theo biên lai số 0010053 ngày 07/9/2022 được trừ vào số tiền án phí dân sự sơ thẩm bà L bà S phải chịu. Bà L, bà S đã nộp đủ án phí.

Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Bùi Văn T, bà Bùi Thị H, ông Vũ VY, anh Vũ AH, chị Vũ Thị MH không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Trả lại ông Bùi Văn T 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai số 0010058 ngày 07/9/2022, trả lại bà Bùi Thị H 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai số 0010057 ngày 07/9/2022, trả lại ông Vũ VY 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai số 0010055 ngày 07/9/2022, trả lại anh Vũ AH 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai số 0010054 ngày 07/9/2022, trả lại chị Vũ Thị MH 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai số 0010059 ngày 07/9/20022. (Tất cả các biên lai thu tiền tạm ứng án phí trên đều của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã QY, tỉnh Quảng Ninh).

Trả lại cho nguyên đơn ông Bùi Văn O và ông Bùi Văn B số tiền tạm ứng án phí mỗi người đã nộp 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0001616 và 0001617 ngày 19/11/2020 của Chi cục thi hành án dân sự thị xã QY, tỉnh Quảng Ninh.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

39
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 39/2023/DS-PT

Số hiệu:39/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Ninh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:31/05/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về