TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
BẢN ÁN 25/2022/DS-PT NGÀY 05/05/2022 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN
Trong các ngày 29 tháng 4 và ngày 05 tháng 5 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố H xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 57/2021/TLPT-DS ngày 11 tháng 10 năm 2021 về tranh chấp thừa kế tài sản.
Do Bản án Dân sự sơ thẩm số 04/2021/DS-ST ngày 27 tháng 7 năm 2021 của Toà án nhân dân huyện TL, thành phố H bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 04/2022/QĐ-PT ngày 07 tháng 01 năm 2022 và Quyết định hoãn phiên toà phúc thẩm số 48/2022/QĐ-PT ngày 01 tháng 4 năm 2022, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn:
1. Ông Phạm Công C, sinh năm 1950; nơi cư trú: Số 254B TK, quận T, thành phố Hà Nội; có mặt;
2. Bà Phạm Thị Đ, sinh năm 1956; nơi cư trú: Số 6 dãy B151, Tổ 4 phường TT, quận HA, thành phố H; có mặt;
- Bị đơn:
1. Ông Phạm Công T2, sinh năm 1954 và bà Đào Thị T3, sinh năm 1957; cùng nơi cư trú: Thôn CKL, xã CT, huyện TL, thành phố H; ông T2 vắng mặt; bà T3 có mặt;
Người đại diện hợp pháp của ông Phạm Công T2: Bà Đào Thị T3, sinh năm 1957; cùng nơi cư trú: Thôn CKL, xã CT, huyện TL, thành phố H (theo Giấy uỷ quyền ngày 13/11/2020); có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Đồng Duyên TH và bà Lê Thị Bích BH – đều là Luật sư Công ty Luật TNHH MTV S thuộc G luật sư thành phố H; đều có mặt;
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Phạm Thị Nh, sinh năm 1970; nơi cư trú: Số 3 B145, tổ 12 (cũ tổ 4) phường TT, quận HA, thành phố H; có mặt tại phiên toà, vắng mặt khi tuyên án;
2. Anh Nguyễn Thành V, sinh năm 1979; nơi cư trú: Thôn Tiên Đôi Nội, xã ĐL, huyện TL, thành phố H; vắng mặt;
Người đại diện theo uỷ quyền của anh Nguyễn Thành V: Ông Phạm Công C, sinh năm 1950; nơi cư trú: Số 254B TK, quận T, thành phố Hà Nội (theo Giấy uỷ quyền tham gia tố tụng ngày 02/10/2019); có mặt;
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của anh Nguyễn Thành V: Bà Trương Thị HH – Trợ giúp viên pháp lý Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố H; có mặt tại phiên toà vắng mặt khi tuyên án;
3. Chị Nguyễn Thị H4, sinh năm 1981; nơi cư trú: Thôn Phú Xuân, xã CT, huyện TL, thành phố H; có mặt tại phiên toà, vắng mặt khi tuyên án;
4. Anh Phạm Công E, sinh năm 1987; nơi cư trú: Đội 4, Thôn CKL, xã CT, huyện TL, thành phố H; có mặt;
5. Anh Phạm Công G, sinh năm 1990; nơi cư trú: Đội 4, Thôn CKL, xã CT, huyện TL, thành phố H; có mặt;
6. Bà Nguyễn Thị H5, sinh năm 1973; nơi cư trú: Đội 4, Thôn CKL, xã CT, huyện TL, thành phố H; có mặt;
7. Anh Phạm Công HHi G, sinh năm 2001; nơi cư trú: Đội 4, Thôn CKL, xã CT, huyện TL, thành phố H; vắng mặt;
Người đại diện hợp pháp của anh Phạm Công HHi G: Bà Nguyễn Thị H5, sinh năm 1973; nơi cư trú: Đội 4, Thôn CKL, xã CT, huyện TL, thành phố H (theo Giấy uỷ quyền tham gia tố tụng ngày 10/10/2019); có mặt;
8. Ông Phạm Công H6, sinh năm 1965; nơi cư trú: Đội 4, Thôn CKL, xã CT, huyện TL, thành phố H; có mặt tại phiên toà, vắng mặt khi tuyên án;
- Người kháng cáo: Ông Phạm Công T2 và bà Đào Thị T3 là bị đơn
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 03/10/2019 và ngày 02/01/2020; bản tự khai và quá trình giải quyết vụ án tại tòa án cấp sơ thẩm, các nguyên đơn ông Phạm Công C, bà Phạm Thị Đ và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - bà Phạm Thị Nh, anh Nguyễn Thành V, chị Nguyễn Thị H4, anh Phạm Công E, anh Phạm Công G, bà Nguyễn Thị H5, anh Phạm Công HHi G thống nhất trình bày:
Cụ Phạm Công T và cụ HHng Thị N sinh được 06 người con là bà Phạm Thị N, ông Phạm Công C, ông Phạm Công T2, bà Phạm Thị Đ, ông Phạm Công T, bà Phạm Thị Nh. Bà N (chết năm 1995), có chồng là ông Nguyễn Văn HH và hai con là anh Nguyễn Thành V và chị Nguyễn Thị H4. Ông Phạm Công T (chết năm 2002). Ông T và vợ thứ nhất là bà Vũ Thị Xuân Đà. Ông T và bà Đà có hai con chung là anh Phạm Công E và anh Phạm Công G. Ông T và Đà đã ly hôn năm 1999. Cùng năm ông T kết hôn với bà Nguyễn Thị H5 và có một con chung là anh Phạm Công HHi G. cụ T7 và cụ N chết không để lại di chúc. Tài sản chung của cụ T7 và cụ N để lại là 02 thửa đất; địa chỉ: Thôn CKL, xã CT, huyện TL, thành phố H. Thửa đất thứ nhất diện tích 230m2 trên đất có ngôi nhà cấp 4 khoảng 40m2. Năm 1984, khi còn sống các cụ đã giao cho vợ chồng ông T2 sử dụng, quản lý thửa đất này. Năm 1995 vợ chồng ông T2 phá ngôi nhà cũ để xây ngôi nhà mới. Thửa đất thứ hai có diện tích 708,4m2, trong đó có 464m2 đất ở đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên cụ HHng Thị N; còn 244,1m2 đất nông nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2004, cụ N cho bà H5 vợ của ông T diện tích đất 110m2 trong tổng diện tích 708,4m2 để xây nhà ở riêng. cụ T7 và cụ N chết đều không để lại di chúc.
Đến năm 2018 vợ chồng ông T2 tự ý xây dựng 01 ngôi nhà trên phần diện tích đất của thửa đất thứ hai lấn chiếm phần lối đi vào thửa đất này. Các đồng thừa kế đều ở xa nên không biết việc vợ chồng ông T2 xây nhà. Năm 2019, các đồng thừa kế tháo dỡ ngôi nhà cũ của cụ T7, cụ N trên thửa đất thứ hai để xây nhà thờ tổ tiên thì vợ chồng ông T2 ngăn cản, không cho xây dựng và có lời nói không hay xúc phạm đến các đồng thừa kế đồng thời làm đơn đề nghị Uỷ ban nhân dân xã CT dừng việc xây dựng. Do vậy, từ đó cho đến nay gia đình nguyên đơn không có chỗ thờ cúng bố mẹ, tổ tiên. Vì vậy, nguyên đơn làm đơn khởi kiện yêu cầu Toà án chia di sản thừa kế của cụ T7 và cụ N theo quy định của pháp luật, cụ thể: Chia cho ông Phạm Công T2 được quyền sử dụng thửa đất thứ nhất có diện tích 230m2, hiện vợ chồng ông T2 đang quản lý, sử dụng. Chia cho 05 đồng thừa kế còn lại diện tích đất 708,4m2 (trong đó diện tích đất 464,3m2 đất ở đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên cụ N và diện tích đất 244,1m2 đất 03 chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), thửa số 385, tờ bản đồ số 06.
Ngoài ra, bà H5 còn trình bày: Bà H5 kết hôn với ông T năm 1999 và vợ chồng bà H5 cùng chung sống với cụ N tại ngôi nhà trên diện tích đất 708,4m2. Còn vợ chồng ông T2 ở thửa đất bên trong có ngõ đi vào. Ngõ đi chung này có ba gia đình sử dụng là gia đình cụ N, gia đình ông T2 và gia đình ông H6. Đến năm 2000, gia đình ông H6 làm nhà mới quay ra mặt đường chính nên không sử dụng ngõ đi chung này. Năm 2018, vợ chồng ông T2 xây dựng nhà trên ngõ đi chung nên đã xảy ra tranh chấp, sau đó hai bên đã thoả thuận chia ngõ làm 03 phần tính theo chiều ngang. Ông H6 được quyền sử dụng 1/3 tương ứng với 60cm chiều rộng liền với thửa đất của ông H6. Tại phiên HH giải ngày 11/6/2011, nguyên đơn trình bày: Di sản thừa kế của cụ T7, cụ N để lại là phần diện tích đất còn lại của thửa đất số 385, tờ bản đồ số 06, trừ đi phần diện tích đất đã cho bà H5, anh E; diện tích đất hiện ông T2, bà T3 đang quản lý, sử dụng và tài sản trên diện tích đất này cho 05 đồng thừa kế trừ bà H5 và anh E.
Bà H5 và ông T có một con chung là anh G. Cụ N khi còn sống đã đồng ý và có ý kiến với các thành viên trong gia đình cho bà H5 ra ở riêng tại phần diện tích phía Đông của thửa đất số 385, tờ bản đồ 06. Đến năm 2006, bà H5 đã xây nhà có Biên bản họp gia đình, Đơn xin chuyển quyền sử dụng đất do bà T3 lập. Sau khi xây xong nhà thì bà H5 cùng cháu G về nhà mới ở còn cụ N và cháu E vẫn ở nhà cũ của các cụ. Sau khi cụ N chết, từ năm 2014 đến nay toàn bộ diện tích đất của cụ N do vợ chồng ông T2, bà T3 quản lý, sử dụng. Đến năm 2019 thì căn nhà của cụ T7, cụ N hư hỏng, không còn giá trị sử dụng nên ông C cùng các đồng thừa kế phá bỏ. Quan điểm của bà H5 là di sản thừa kế của cụ T7 và cụ N để lại là phần diện tích còn lại của của thửa đất 385, tờ bản đồ số 06, sau khi trừ đi phần diện tích cụ N đã cho bà H5 từ năm 2004. Còn thửa đất bên trong hiện vợ chồng ông T2 đang quản lý cũng đã được các cụ cho ông vợ chồng ông T2 nên không còn là di sản. Di sản thừa kế của các cụ đề nghị Toà án chia cho các con của các cụ là ông C, bà N, bà Đ và bà Nh. Còn bà H5, ông T2 và anh E đã được các cụ chia phần nên không được hưởng di sản nữa. Nếu bà H5 được hưởng thừa kế thì bà H5 đồng ý nhập vào phần di sản của nguyên đơn được hưởng để xây dựng nhà thờ. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thống nhất quan điểm: Nếu được hưởng di sản thừa kế họ đồng ý nhập vào phần của ông C bà Đ để làm nhà thờ.
Tại bản tự khai ngày 10 tháng 6; ngày 28 tháng 7; ngày 10 tháng 12 và quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, bị đơn – ông Phạm Công T2 và bà Đào Thị T3 thống nhất trình bày:
Bị đơn xác nhận lời trình bày của nguyên đơn về quan hệ huyết thống trong gia đình ông T2 là đúng. cụ T7 và cụ N có 02 thửa đất liền kề nhau tại thôn CKL, xã CT, huyện TL. Năm 1980, sau khi đi bộ đội trở về địa phương, ông T2 kết hôn với bà T3. Đến năm 1982 thì vợ chồng ông T2 được cụ T7 và cụ N tách cho diện tích đất 230m2. Cùng thời điểm đó thì Hợp tác xã nông nghiệp cũng chia tách cho gia đình ông T2 04 sào 10 thước đất canh tác từ phần diện tích đất canh tác của cụ T7 và cụ N. Từ đó cho đến nay, gia đình ông T2 sinh sống ổn định trên diện tích đất này mà không có tranh chấp với ai. Qua nhiều đợt điều tra về đất của Nhà nước thì ông T2 đều là chủ sử dụng diện tích đất. Còn thửa đất giáp đường thôn có 01 ngôi nhà cấp 4 do các cụ xây dựng, hai cụ cùng ông T, bà Nh ở. Sau khi bà Nh đi lấy chồng, ông T lấy vợ cả là bà Đà thì các cụ ở cùng với vợ chồng ông T. Năm 1997, ông T ly hôn với bà Đà và kết hôn với bà H5.
Năm 2004, cụ N có họp gia đình, hỏi ông C có về quê không thì ông C nói là không về ở. Vì thế cụ N đã quyết định chia diện tích đất 464m2 giáp mặt đường thành 04 phần mỗi phần có chiều rộng giáp mặt đường là 5,7m. Ông C gọi điện về đồng ý chia cho bà H5 và ông T2 phần mỗi người một phần diện tích đất có chiều rộng giáp mặt đường là 5,7m, cho ông T2 cả ngõ đi, không chia ao cho bà H5; còn 02 phần thì ông T2 quản lý, sau này có cháu nào làm nhà trên đất thì cho cháu đó. Vì vậy năm 2004, bà H5 đã tiến hành xây dựng nhà ở, thực tế thì bà H5 đã xây thành 6,2m chiều rộng giáp mặt đường. Năm 2006, ông T2 tiến hành xây cổng và khuôn viên cổng giáp mặt đường đồng thời sửa sang một gian của ngôi nhà 04 gian của các cụ làm nơi bán hàng thuộc phần diện tích đất cụ N đã cho ông T2. Sau khi cụ N chết thì vợ chồng ông T2 quản lý diện tích đất và hương khói cho các cụ. Đến năm 2018, vợ chồng ông T2 đã tiến hành xây dựng ngôi nhà hai tầng tại vị trí đất của cụ N cho cả trên phần diện tích đất ngõ cũ rộng 1,4m và có trao đổi với ông C. Cả quá trình ông T2 xây dựng nhà, các đồng thừa kế đều biết nhưng không ai có ý kiến gì. Đến tháng 6 năm 2019, ông C tự ý phá dỡ ngôi nhà cũ của các cụ để lại, tháo dỡ cổng, tháo dỡ lán tôn của cửa hàng nhà ông T2, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình ông T2 nên ông T2 đã đề nghị Uỷ ban nhân dân xã CT giải quyết. Tại phiên HH giải ngày 11/6/2011, bà T3 xác nhận cụ N đã cho bà H5 phần diện tích đất hiện bà H5 đang quản lý, sử dụng. Sau khi cụ T7 chết, việc thống nhất chia đất trong gia đình không lập thành văn bản và ông C thay đổi quan điểm, làm đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế diện tích đất có nguồn gốc của các cụ, bị đơn không chấp nhận vì diện tích đất ông T2, bà T3 đang quản lý, sử dụng đã được các cụ cho từ năm 1982; ngoài ra, cụ N còn cho bị đơn diện tích đất có chiều ngang 5,75m giáp đường thôn, chiều dài 20m và phần diện tích ngõ đi chung có chiều rộng dài 1,2m.
Tại văn bản ngày 08 tháng 10 năm 2020 và quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – ông Phạm Công H6 trình bày:
Ông H6 và các con của cụ T7, cụ N là anh em con chú con bác (bố ông H6 và cụ T7 là anh em ruột). Đất của gia đình ông H6, và 02 thửa đất của cụ T7, cụ N có nguồn gốc là đất của cha ông để lại. Để thuận tiện cho việc đi lại, gia đình ông H6 có để một phần diện tích đất làm ngõ đi và cho gia đình cụ N, ông T2 đi nhờ. Đến năm 1999, ông H6 xây lại nhà quay ra mặt đường, nhưng vẫn sử dụng ngõ đi. Đến năm 2003 thì gia đình ông H6 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng phần diện tích ngõ lại ghi nhận trong giấy chứng nhận là ngõ xóm. Ông H6 làm đơn khiếu nại nhưng sau đó thấy gia đình cụ N cũng là họ hàng nên cũng đồng ý là ngõ đi chung của ba gia đình. Đến năm 2018, gia đình ông T2 xây nhà trên cả diện tích ngõ nên ông H6 đã làm đơn khiếu nại đề nghị chính quyền địa phương giải quyết. Uỷ ban nhân dân xã đã HH giải và các bên thống nhất thoả thuận phân chia ngõ thành 03 phần, gia đình ông H6 được quyền sử dụng phần ngõ có chiều rộng trung bình 60cm tính từ chân móng dưới nhà và công trình phụ của gia đình ông H6 sang nhà ông T2 chạy dọc hết ngõ tương ứng với chiều dài đất của ông H6, phần diện tích đất còn lại của gia đình ông T2. Uỷ ban nhân dân xã đã đo đạc, lập biên bản về thoả thuận của các bên. Nay ông H6 không còn ý kiến gì về ngõ đi chung nữa.
Với nội dung như trên, tại Bản án Dân sự sơ thẩm số 04/2021/DS-ST ngày 27/7/2021, Tòa án nhân dân huyện TL, thành phố H đã căn cứ vào các Điều 612, 613, 614, 623, 649, 650, 651, 652, 653, 688 của Bộ luật Dân sự, tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chia di sản thừa kế của cụ T7, cụ N: Ông T2 được quyền sử dụng diện tích đất 146,3m2, thửa số 385, tờ bản đồ số 06; địa chỉ: thôn CKL, xã CT, huyện TL (trong đó có 105,6m2 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 40,7m2 đất nông nghiệp) và toàn bộ tài sản gắn liền trên đất. Ông C, bà Đ, bà Nh, anh V, chị H4, bà H5, anh E, anh G, anh G được quyền sử dụng diện tích đất 401,5m2 (trong đó 241,4m2 đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 160,1m2 đất nông nghiệp) cùng toàn bộ tài sản gắn liền trên đất. Ghi nhận sự tự nguyện của các đương sự giao toàn bộ tài sản trên cho ông C. Ông T2, bà T3 có nghĩa vụ tháo dỡ phần tường bao có chiều dài 07m, chiều cao 1,4m trên phần diện tích đất ông C quản lý. Ông T2 có nghĩa vụ trả số tiền chênh lệch từ việc phân chia: Trả cho ông C, bà Đ, bà Nh mỗi người 65.150.100 đồng; trả cho anh V, chị H4 mỗi người 32.575.050 đồng; trả cho anh E, anh G, anh G mỗi người 16.287.525 đồng. Tổng cộng:
325.750.500 đồng.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí và tuyên quyền kháng cáo đối với các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 09 tháng 8 năm 2021, ông Phạm Công T2 và bà Đào Thị T3 kháng cáo bản án sơ thẩm, đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xét xử công nhận việc cụ N đã cho ông T2 diện tích đất có chiều rộng khoảng 5,75m giáp đường thôn, chiều rộng giáp đất canh tác của cụ N dài 6,0m; chiều dài 20m tương ứng với diện tích 117,5m2.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Các nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện; nguyên đơn - ông C, bà Đ và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – bà Nh, chị H4, anh E, anh G, bà H5 giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và nhất trí với quyết định của bản án sơ thẩm. Nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không yêu cầu Toà án phân chia di sản của các cụ có trên đất và thống nhất đồng ý đề nghị Toà án phân chia diện tích đất nông nghiệp của ông T được giao cho bà H5 liền kề với phần diện tích đất hiện trạng bà H5 đang quản lý cho đến hết chiều dài của thừa đất 385, tờ bản đồ số 06. Nếu diện tích đất nông nghiệp giao cho ông T còn thừa thì đồng ý nhập vào phần diện tích đất nông nghiệp các đồng thừa kế được hưởng của cụ T7 và cụ N. Các đồng thừa kế đều trình bày, trên diện tích đất yêu cầu chia di sản thừa kế của các cụ tại thửa đất số 385, tờ bản đồ số 06 có một số cây cối, có giá trị nhỏ nên không yêu cầu Toà án phân chia.
Bị đơn và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn trình bày: Đề nghị Toà án tính công sức trông coi, bảo quản di sản cho bị đơn vì sau khi cụ N chết, bị đơn đã có công trông coi thửa đất, tôn tạo và trồng các cây cối trên đất. Đề nghị Toà án xem xét công nhận việc cụ N đã cho bị đơn phần diện tích đất tại thửa 385, tờ bản đồ số 06, có chiều rộng giáp mặt đường thôn khoảng 5,75m và chiều dài hết thửa đất.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố H phát biểu ý kiến:
Về tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa phúc thẩm, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã chấp hành và thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự.
Quan điểm của Kiểm sát viên đối với kháng cáo: Việc bị đơn đề nghị Toà án tính công sức trông coi, bảo quản di sản thừa kế là có cơ sở vì các đương sự đều xác nhận sau khi cụ N chết thì vợ chồng ông T2, bà T3 đã quản lý di sản nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của bị đơn, căn cứ khoản 2 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự sửa bản án sơ thẩm về nội dung này.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
- Về tố tụng:
[1] Quan hệ tranh chấp trong vụ án là tranh chấp về thừa kế tài sản thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Do vụ án có kháng cáo nên thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân thành phố H - quy định tại khoản 5 Điều 26; điểm b khoản 1 Điều 38 của Bộ luật Tố tụng dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố H.
[2] Về thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế: cụ T7 chết năm 1997, cụ N chết năm 2014 nên theo quy định tại khoản 1 Điều 623 của Bộ luật Dân sự năm 2015 còn thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế.
- Xét kháng cáo của các bị đơn – ông Phạm Công T2 và bà Đào Thị T3:
[3] Nghiên cứu lời trình bày của các đương sự, những người liên quan đến vụ án và các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng:
[4.1] Về quan hệ huyết thống: Cụ Phạm Công T và cụ HHng Thị N sinh được 06 người con là bà Phạm Thị N, ông Phạm Công C, ông Phạm Công T2, bà Phạm Thị Đ, ông Phạm Công T, bà Phạm Thị Nh. Các cụ không có con nuôi, con riêng.
[4.2] Bà N (chết năm 1995), có chồng là ông Nguyễn Văn HH và hai con là anh Nguyễn Thành V và chị Nguyễn Thị H4.
[4.3] Ông Phạm Công T (chết năm 2002). Ông T và vợ thứ nhất là bà Vũ Thị Xuân Đà. Ông T và bà Đà có hai con chung là anh Phạm Công E và anh Phạm Công G. Ông T và bà Đà đã ly hôn năm 1999. Cùng năm ông T kết hôn với bà Nguyễn Thị H5 và có một con chung là anh Phạm Công HHi G.
[5] Về nguồn gốc các thửa đất nguyên đơn yêu cầu chia di sản thừa kế:
[5.1] Theo hồ sơ quản lý đất đai tại Uỷ ban nhân dân xã CT thể hiện: Theo sổ mục kê kiêm thống kê năm 1972: Thửa đất số 234, diện tích 1.344m2 đứng tên chủ sử dụng: Tờ (là chồng của cụ HHng Thị N). Theo sổ mục kê ruộng đất năm 1984 thì thửa đất số 243 được tách thành 02 thửa: Thửa số 989 và thửa số 989b; địa chỉ: Thôn CKL, xã CT, huyện TL, thành phố H. Thửa số 989 đứng tên chủ sử dụng Phạm Công T diện tích 449m2. Thửa đất này được chia làm 02 mảnh, trong đó 01 mảnh ghi diện tích 449m2, còn một mảnh không ghi diện tích cụ thể là bao nhiêu. Theo sổ mục kê năm 2006 thì thửa đất này được ghi là thửa số 385, tờ bản đồ số 06 có tổng diện tích là 708,4m2, trong đó diện tích đất ở đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 464,3m2 (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AO 577202, số vào sổ H 00684 ngày 27/10/2006 đứng tên cụ HHng Thị N). Diện tích đất còn lại là 244,1m2 là đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64/NĐ-CP ngày 27/9/1993 của Chính Phủ (chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Diện tích đất này được giao cho hộ cụ HHng Thị N gồm 03 nhân khẩu là cụ HHng Thị N, cụ Phạm Công T (chồng của cụ N) và ông Phạm Công T (con của cụ N). Phía Tây diện tích đất đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cụ N có ngõ xóm rộng 1,75m là ngõ đi của gia đình ông T2, bà N và ông H6. Hiện ông H6 không sử dụng ngõ đi này và bà T3 đã xây dựng công trình lên một phần của ngõ xóm.
[5.2] Thửa số 989b sau này là thửa số 405 đứng tên Phạm Công T2, diện tích ở 708,8m2 trong đó diện tích 313m2 có nguồn gốc từ thửa 898b và diện tích 395m2 do ông T2, bà T3 nhận chuyển nhượng của cụ Phạm Thị Sấn từ khoảng năm 1985. Diện tích 313m2 đứng tên Phạm Công T2 (con trai cụ T7 và cụ N) hiện do vợ chồng ông T2, bà T3 đang quản lý, sử dụng ổn định từ năm 1984 cho đến nay. Hiện ông T2, bà T3 chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
[5.3] Lý do có sự thay đổi về số thửa đất cũng như diện tích và việc ghi sót số liệu một số mảnh trong các thửa đất nêu trên là do có sự điều chỉnh bản đồ giải thửa dẫn đến việc thay đổi số thửa đất và sai số trong đo đạc. Tuy nhiên, lần điều chỉnh kích thước cuối cùng - năm 2006, các hộ dân liền kề gia đình cụ N vẫn sử dụng ổn định, không có việc tranh chấp. Vì vậy chính quyền địa phương đề nghị Toà án căn cứ Sổ mục kê và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho cụ N năm 2006 làm căn cứ giải quyết vụ án.
[6] Trưởng thôn CKL cho biết: Khi cụ T7, cụ N và gia đình cụ Phạm Công Đạn (bố của ông H6) là anh em ruột có dành một phần diện tích để làm ngõ đi chung cho hai gia đình vào đến thửa đất của ông T2, bà T3 đang quản lý, sử dụng có chiều rộng trung bình 1,8m. Đến năm 2018 ông H6 làm nhà quay ra mặt đường nên không sử dụng ngõ đi chung này. Năm 2018, ông T2, bà T3 có ý định xây dựng nhà trên một phần diện tích ngõ đi chung nên đã xảy ra tranh chấp. Sau đó, các bên đã thoả thuận phân chia theo chiều ngang của ngõ đi chung làm 03 phần. Ông H6 được quyền sử dụng phần diện tích ngõ tính từ sát tường nhà ông H6 ra là 60cm; phần diện tích đất ngõ còn lại thì ông T2, bà T3 được quyền sử dụng. Việc thoả thuận này của các bên có sự chứng kiến của Uỷ ban nhân dân xã CT. Sau đó thì ông T2, bà T3 đã xây dựng nhà trên một phần diện tích của ngõ đi chung. Sau khi cụ N chết, thì vợ chồng ông T2, bà T3 quản lý, sử dụng thửa đất đứng tên cụ N.
[7.1] Tài liệu do bà H5 giao nộp cho Toà án là bản phô tô Biên bản họp gia đình ngày 02/5/2006 (bản gốc bà H5 cho biết đã bị thất lạc), có nội dung: cụ T7 và cụ N có diện tích đất 464,3m2 và 242m2 đất canh tác liền kề với đất ở. Nay cụ N đã già nên có nguyện vọng tặng đất cho cháu Phạm Công HHi G 05 tuổi (mẹ là Nguyễn Thị H5). Do cháu G còn nhỏ nên mẹ cháu nhận thay. Số đất còn lại vẫn mang tên cụ N. Văn bản này có chữ ký, chữ viết HHng Thị N, Phạm Công C, Phạm Công T2, Phạm Thị Đ, Phạm Thị Nh, Nguyễn Thị H5, Đào Thị T3, Phạm Công E và Phạm Công HHi G. Tại mục người ghi biên bản có chữ ký, chữ viết Đào Thị T3. Ngoài ra, văn bản này còn có chữ ký, chữ viết của ông Nguyễn Hữu Cán (Trưởng thôn).
[7.2] Bản phô tô Đơn xin chuyển quyền sử dụng đất ở đứng tên người viết là HHng Thị N, nhưng không có chữ ký.
[8] Kết quả xem xét thẩm định tại chỗ và kết quả định giá tài sản:
[8.1] Theo sơ đồ hiện trạng, Toà án cấp phúc thẩm tiến hành xem xét, thẩm định ngày 17/3/2022 và ngày 04/5/2022:
[8.1.1] Diện tích đất ở hiện trạng của thửa đất số 385, tờ bản đồ số 06 là 431,3m2 (diện tích theo GCN là 464,3m2); giảm 33,0m2. Lý do diện tích đất giảm là vì nhà nước làm đường và gia đình đã hiến một phần diện tích đất. Còn diện tích đất hiện trạng do Toà án cấp sơ thẩm tiến hành đo vẽ là 464,0m2. Việc hiến đất không được nhận bồi thường, còn tài sản trên đất nhà nước bồi thường thì bà T3 và bà H5 đã nhận đủ, các đương sự không có ý kiến gì về việc này.
[8.1.2] Diện tích đất nông nghiệp, ao vườn hiện trạng của thửa đất số 385, tờ bản đồ số 06 là 238,0m2. Còn diện tích đất hiện trạng do Toà án cấp sơ thẩm tiến hành đo vẽ là 251,0m2. Diện tích đất ở hiện trạng bà H5 đang quản lý, sử dụng tại thửa đất 385, tờ bản đồ số 06 là 111,2m2; diện tích đất ở và nhà hiện trạng ông T2, bà T3 đang quản lý, sử dụng tại thửa đất 385, tờ bản đồ số 06 là 31,8m2. Diện tích nhà bà T3 đã xây nằm trên diện tích ngõ đi chung của ba gia đình là 6,5m2. Các đương sự đều thống nhất xác định số liệu đo đạc ngày 17/3/2022 và ngày 04/5/2022 là chính xác.
[8.2] Kết quả định giá tài sản: Giá trị đất ở là 7.000.000 đồng/m2. Giá trị đất nông nghiệp là 1.000.000 đồng/m2. Giá trị tài sản trên đất: Tài sản trên đất của gia đình ông T2, bà T3: Nhà 02 tầng cọc bê tông cốt thép móng bè, mái bê tông cốt thép tường chịu lực, xây dựng năm 2018; trị giá: 325.419.705 đồng. Nhà kho xây gạch chỉ 220 mái tôn froximang cao 2,8m do cụ N xây dựng, trị giá: 16.116.011 đồng. Nhà 01 tầng xây gạch chỉ 220, mái bê tông cốt thép chống nóng tôn mạ màu cao 3,7m xây dựng năm 2006 do bà H5 xây dựng, trị giá: 136.922.813 đồng; bếp xây gạch chỉ 110 mái tôn froximang cao 2,6 m, trị giá: 6.549.610 đồng.
[8.3] Ngôi nhà cấp 4, 03 gian thụt, 01 gian thò, xây gạch chỉ, gạch babanh, mái lợp ngói, xà gồ bê tông, nóc nhà xà gồ, đòn tay bằng tre và gỗ được cụ T7 và cụ N xây trước năm 1981. Năm 2019, ông C đã phá dỡ hiện còn lại bức tường. Các đương sự thống nhất diện tích của ngôi nhà là 50m2, nếu ngôi nhà còn thì giá trị sử dụng còn 30% tương đương 77.426.115 đồng.
[8.4] Theo sơ đồ hiện trạng, Toà án cấp phúc thẩm tiến hành xem xét, thẩm định ngày 17/3/2022 và ngày 04/5/2022 thì thửa đất số 405, tờ bản đồ số 06, diện tích đất hiện trạng là 313m2 (phù hợp với diện tích tại hồ sơ quản lý đất đai năm 2006 là 313m2). Sơ đồ hiện trạng do Toà án cấp sơ thẩm tiến hành xem xét thẩm định diện tích đất là 230,0m2. Các đương sự đều thống nhất xác định số liệu đo đạc ngày 17/3/2022 và ngày 04/5/2022 là chính xác. Tài sản trên đất hiện vợ chồng ông T2, bà T3 đang quản lý, sử dụng: Nhà 01 tầng xây dựng năm 1982, sửa chữa năm 1990, trị giá: 132.247.400 đồng; nhà xây gạch chỉ 220 mái tôn mạ màu, nền gạch men 30x30, có khu phụ, cao trung bình 2,7m xây dựng năm 2000, trị giá:
94.166.432 đồng; nhà 01 tầng xây gạch chỉ mái tôn froximang, cao 2,8m nền gạch men 20x20 xây dựng năm 1995, trị giá: 63.509.206 đồng.
[8.5] Ngoài ra, trên thửa đất số 385, tờ bản đồ số 06 còn có 01 cây vải, trị giá: 270.000 đồng; 03 cây dừa, trị giá: 6.600.000 đồng (2.200.000đồng/cây), 01 cây Xoài trị giá: 400.000 đồng, 01 cây Khế, trị giá: 400.000 đồng, 03 cây cau trị giá: 1.350.000 đồng (450.000 đồng/cây), 01 cây Sấu, trị giá: 900.000 đồng. tại phiên toà phúc thẩm các đương sự đều thống nhất không đề nghị Toà án phân chia cây cối có trên thửa đất số 385, tờ bản đồ số 06.
[9] Từ những những nội dung trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng: cụ T7 và cụ N sinh được 06 người con như nêu trên. Các cụ không có con nuôi, con riêng. Nguồn gốc thửa đất số 234 và sau này là thửa đất số 385 và số 405 cùng tờ bản đồ số 06; địa chỉ: Thôn CKL, xã CT, huyện TL, thành phố H là của cụ T7 và cụ N. Nguyên đơn cho rằng các cụ chưa cho bị đơn và bị đơn cũng không xuất trình được văn bản về việc cụ T7 cụ N đã cho bị đơn thửa đất này nhưng năm 1984 ông T2, bà T3 đã đứng tên quyền sử dụng thửa đất số 405, tờ bản đồ số 06; đã xây dựng nhà ở và sinh sống ổn định trên thửa đất này từ khi cả hai cụ đều còn sống nên cần xác định các cụ đã đồng ý cho ông T2, bà T3 thửa đất số 405, tờ bản đồ số 06. Do vậy, thửa đất này không còn là di sản thừa kế của cụ T7 và cụ N để lại. Diện tích đất hiện trạng bà H5 đang quản lý, sử dụng là 111,2m2 đất ở. Bà H5 trình bày cụ N đã cho bà H5. Mặc dù bà H5 không xuất trình được tài liệu, chứng cứ chứng minh việc cụ N đã đồng ý cho bà H5 nhưng các đồng thừa kế đều xác định điều này nên diện tích đất này cũng không còn là di sản thừa kế của cụ T7 và cụ N. Bị đơn trình bày, ngoài việc cụ N cho bà H5 đất thì cụ N còn cho bị đơn diện tích đất tại vị trí đã xây nhà hai tầng tại thửa 385, tờ bản đồ 06, có chiều rộng giáp đường thôn dài khoảng 5,75m. Tuy nhiên, các đồng thừa kế không xác nhận điều này và bị đơn cũng không đưa ra được tài liệu, chứng cứ có cơ sở pháp lý để chứng minh điều này nên không có căn cứ để chấp nhận lời trình bày của bị đơn. Các cụ chết không để lại di chúc nên di sản thừa kế của cụ T7 và cụ N được chia theo quy định của pháp luật. Các đồng thừa kế đều xác định, vợ chồng ông T, bà H5 ở cùng cụ N trên thửa đất số 385, tờ bản đồ số 06 cho đến năm 2006 thì bà H5 xây nhà ở riêng trên một phần diện tích đất của thửa đất số 385, tờ bản đồ số 06. Sau khi cụ N chết – năm 2014 thì ông T2, bà T3 tiếp tục quản lý, trông coi thửa đất này nên phân chia cho ông T2 thêm 01 suất thừa kế theo luật cũng là phù hợp.
[9.1] Tại thời điểm cụ T7 chết, những người được hưởng thừa kế của cụ T7 gồm: Cụ N; con của bà N được thừa kế thế vị là anh V, chị H4; ông C, ông T2, bà Đ, ông T và bà Nh, mỗi đồng thừa kế được hưởng: Diện tích đất thổ cư:
431,3m2 : 2 = 215,65m2 : 07 = 30,807m2. Diện tích đất nông nghiệp: 238,0m2 : 3 = 79,333m2 (cụ T7, cụ N và ông T mỗi người được quyền sử dụng 79,333m2).
Diện tích đất nông nghiệp: 79,333m2 : 7 = 11,333m2. Cụ N được quyền sử dụng:
246,457m2 đất thổ cư và 90,666m2 đất nông nghiệp. Các đồng thừa kế khác mỗi người được hưởng thừa kế của cụ T7 là 30,807m2 đất ở và 11,333m2 đất nông nghiệp (các Điều 631, 634, 635, 674, 675, 676, 677 của Bộ luật Dân sự năm 2005).
[9.2] Tại thời điểm cụ N chết, những người được hưởng thừa kế của cụ N gồm: Con của bà N được thừa kế thế vị (là anh V, chị H4); ông C; ông T2; bà Đ; anh E, anh G, anh G là những người thừa kế thế vị của ông T; bà Nh. Tuy nhiên, cụ N đã cho bà H5 phần diện tích đất là 111,2m2 nên phần di sản của cụ N chỉ còn diện tích đất ở là 246,457m2 – 111,2m2 = 135,257m2 : 7 = 19,322m2. Diện tích đất nông nghiệp: 90,666m2 : 7 = 12,952m2. Như vậy, ông T2 được hưởng di sản của cụ T7 và cụ N là: 69,451m2 diện tích đất ở; 37,237m2 diện tích đất nông nghiệp; tổng cộng: 106,688m2. Các đồng thừa kế khác, mỗi người được hưởng: 50,129m2 đất ở và 24,285m2 đất nông nghiệp; tổng cộng: 74,414m2. Ngoài ra, bà H5, anh E, anh G và anh G được quyền sử dụng 79,333m2 đất nông nghiệp. Tại giai đoạn sơ thẩm và tại phiên toà phúc thẩm, ông C; bà Đ; bà Nh; anh V, chị H4; anh E, anh G, anh G; bà H5 đều thống nhất và tự nguyện gộp phần di sản thừa kế mà họ được hưởng cho ông C đứng tên đại diện để làm nhà thờ; xét thấy những người này đều tự nguyện nên Hội đồng xét xử phúc thẩm ghi nhận nội dung này (Điều 609, 612, 613, 649, 650, 651, 652 của Bộ luật Dân sự năm 2015). Toà án cấp sơ thẩm phân chia di sản thừa kế của ông T mặc dù không có yêu cầu của đương sự và không tính công sức trông coi, bảo quản di sản cho ông T2, bà T3 là không đúng quy định của pháp luật. Mặt khác số liệu đo đạc các thửa đất chưa chính xác nên Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, sửa bản án sơ thẩm theo nội dung đã phân tích nêu trên (khoản 2 Điều 308 và Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự). Việc phân chia cụ thể như sau:
[9.2.1] Chia cho ông C; bà Đ; bà Nh; anh V, chị H4; anh E, anh G, anh G; bà H5 được quyền sử dụng diện tích đất ở là 204,0m2 và diện tích đất nông nghiệp là 127,8m2 của thửa đất số 385, tờ bản đồ số 06. Ông C đứng tên đại diện quyền sử dụng diện tích đất; tổng cộng: 331,8m2.
[9.2.2] Bà H5 được quyền sử dụng diện tích đất ở 111,2m2 và 61,6m2 đất nông nghiệp của thửa đất số 385, tờ bản đồ số 06; tổng cộng: 172,8m2. Diện tích 61,6m2 đất nông nghiệp nằm trong số diện tích đất nông nghiệp của ông T được Nhà nước giao 79,333m2, còn lại 17,733m2 bà H5 đồng ý nhập vào diện tích đất giao cho ông C đứng tên. Đối với tài sản là các cây cối trên thửa đất số 385, tờ bản đồ số 06 có giá trị không lớn, các đồng thừa kế không có yêu cầu phân chia nên không đặt vấn đề giải quyết.
[9.2.3] Chia cho ông T2, bà T3 được quyền sử dụng diện tích đất ở là 116,1m2 và diện tích đất nông nghiệp 48,5m2 của thửa đất số 385, tờ bản đồ số 06; tổng cộng: 164,6m2. Ông T2, bà T3 phải T3 toán khoản tiền chênh lệch từ việc phân chia thừa kế cho ông C; bà Đ; bà Nh; anh V, chị H4; anh E, anh G, anh G; bà H5 tương ứng diện tích đất ở là 46,649m2 x 7.000.000 đồng = 326.543.000 đồng và 11,263m2 diện tích đất nông nghiệp x 1.000.000 đồng = 11.263.000 đồng; tổng cộng: 337.806.000 đồng (Diện tích đất ở và đất nông nghiệp ông T2 được chia là 116,1m2 và 48,5m2 trừ đi diện tích đất ở và đất nông nghiệp ông T2 được hưởng 69,451m2 và 37,237m2). Ông T2, bà T3 phải trả cho ông C; bà Đ; bà Nh; những người thừa kế thế vị của bà N và ông T mỗi suất là 67.561.200 đồng.
[9.2.4] Ông T2, bà T3 được quyền sử dụng diện tích đất ở là 313,0m2 tại thửa đất số 405, tờ bản đồ số 06.
[9.3] Các đương sự được phân chia đất có nghĩa vụ đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
- Về án phí dân sự và chi phí tố tụng:
[10] Các nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật. Riêng ông C, bà Đ, ông T2, bà T3 là những người cao tuổi, anh V là người khuyết tật, có đơn đề nghị được miễn án phí nên miễn án phí dân sự sơ thẩm cho họ theo quy định của pháp luật - khoản 1 Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 7 Điều 27; điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14; Điều 2 của Luật Người cao tuổi.
[11] Về chi phí định giá tài sản và xem xét thẩm định tại chỗ - các nguyên đơn, bị đơn tự nguyện chịu, đã nộp đủ nên không đặt vấn đề giải quyết – các Điều 157, 165 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
- Về án phí dân sự phúc thẩm:
[12] Do bản án dân sự bị sửa nên bị đơn không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm - khoản 2 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
I. Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn – ông Phạm Công T2 và bà Đào Thị T3;
Sửa bản án sơ thẩm.
Căn cứ vào các các Điều 631, 634, 635, 674, 675, 676, 677 của Bộ luật Dân sự năm 2005;
Căn cứ vào các Điều 609, 612, 613, 649, 650, 651, 652 của Bộ luật Dân sự năm 2015;
Căn cứ vào khoản 1 Điều 147, khoản 2 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự; điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 7 Điều 27, khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
II. Xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn về việc chia di sản thừa kế của cụ Phạm Công T và cụ HHng Thị N.
1.1. Ông Phạm Công C; bà Phạm Thị Đ; bà Phạm Thị Nh; anh Nguyễn Thành V, chị Nguyễn Thị H4; anh Phạm Công E, anh Phạm Công G, anh Phạm Công HHi G; bà Nguyễn Thị H5 được quyền sử dụng diện tích đất ở là 204,0m2; diện tích đất nông nghiệp là 127,8m2; tổng cộng: 331,8m2 của thửa đất số 385, tờ bản đồ số 06, địa chỉ: Thôn CKL, xã CT, huyện TL, thành phố H, bao gồm các mốc: 2,4,l,c,d,e,k,2.
1.2. Ông Phạm Công C được đứng tên đại diện quyền sử dụng diện tích đất 331,8m2 của thửa đất số 385, tờ bản đồ số 06, địa chỉ: Thôn CKL, xã CT, huyện TL, thành phố H.
2.1. Ông Phạm Công T2, bà Đào Thị T3 được quyền sử dụng diện tích đất ở là 116,1m2; 48,5m2 diện tích đất nông nghiệp; tổng cộng: 164,6m2 và các tài sản trên diện tích đất này của thửa đất số 385, tờ bản đồ số 06; địa chỉ: Thôn CKL, xã CT, huyện TL, thành phố H, bao gồm các mốc a,2,k,e,f,g,h,I,m,n,o,a.
2.2. Ông Phạm Công T2, bà Đào Thị T3 phải T3 toán khoản tiền chênh lệch từ việc phân chia thừa kế cho ông Phạm Công C; bà Phạm Thị Đ; bà Phạm Thị Nh; anh Nguyễn Thành V, chị Nguyễn Thị H4; anh Phạm Công E, anh Phạm Công G, anh Phạm Công HHi G; bà Nguyễn Thị H5 trị giá chênh lệch từ việc chia di sản thừa kế là 337.806.000 đồng. Ông Phạm Công T2 và bà Đào Thị T3 phải trả cho ông Phạm Công C, bà Phạm Thị Đ, bà Phạm Thị Nh mỗi người số tiền là 67.561.200 đồng; trả anh Nguyễn Thành V và chị Nguyễn Thị H4 mỗi người số tiền là 33.780.600 đồng; trả cho anh Phạm Công E, anh Phạm Công G và anh Phạm Công HHi G mỗi người số tiền là 22.520.400 đồng.
Kể từ ngày ông Phạm Công C; bà Phạm Thị Đ; bà Phạm Thị Nh; anh Nguyễn Thành V, chị Nguyễn Thị H4; anh Phạm Công E, anh Phạm Công G, anh Phạm Công HHi G có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong khoản tiền nêu trên, hàng tháng ông Phạm Công T2 và bà Đào Thị T3 còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền chưa thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357 của Bộ luật Dân sự tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
3. Bà Nguyễn Thị H5 được quyền sử dụng diện tích đất ở 111,2m2; đất nông nghiệp 61,6m2; tổng cộng: 172,8m2 và các tài sản trên diện tích đất này của thửa đất số 385, tờ bản đồ số 06; địa chỉ: Thôn CKL, xã CT, huyện TL, thành phố H, bao gồm các mốc 4,5,6,7,8,b,9,10,c,l,4.
4. Ông Phạm Công T2, bà Đào Thị T3 được quyền sử dụng diện tích đất ở là 313m2 và các tài sản trên diện tích đất của thửa đất số 405, tờ bản đồ số 06; địa chỉ: Thôn CKL, xã CT, huyện TL, thành phố H, bao gồm các mốc 14,15,16,g,f,e,d,11,12,13,14.
(Diện tích đất phân chia cho các đương sự có sơ đồ kèm theo) 5. Các đương sự được phân chia đất nêu trên có nghĩa vụ đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
6. Về án phí dân sự sơ thẩm 6.1. Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho ông Phạm Công C; bà Phạm Thị Đ; ông Phạm Công T2, bà Đào Thị T3 và anh Nguyễn Thành V.
6.2. Bà Phạm Thị Nh phải chịu 18.759.400 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.
6.3. Chị Nguyễn Thị H4 phải chịu 9.379.700 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.
6.4. Anh Phạm Công E, anh Phạm Công G, anh Phạm Công HHi G mỗi người phải chịu 6.253.133 đồng làm tròn 6.253.000 đồng.
7. Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông Phạm Công T2 và bà Đào Thị T3 không phải chịu tiền án phí dân sự phúc thẩm.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 25/2022/DS-PT
Số hiệu: | 25/2022/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hải Phòng |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 05/05/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về