Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 25/2020/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 25/2020/DS-PT NGÀY 14/05/2020 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Ngày 14 tháng 5 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm, xét xử công khai vụ án dân sự thụ lý số 64/2019/TLPT - DS ngày 16 tháng 12 năm 2019 về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản” do Bản án dân sự sơ thẩm số 100/2019/DS-ST ngày 06 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân quận C, thành phố Đà Nẵng bị kháng cáo, kháng nghị.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 06/2020/QĐ-PT ngày 10 tháng 02 năm 2019 và Thông báo thời gian mở lại phiên tòa số 67/TB-TA ngày 17 tháng 4 năm 2020 giữa:

* Nguyên đơn: Ông Trần H, sinh năm: 1972; Địa chỉ: Số 04 đường L, phường H, quận C, thành phố Đà Nẵng (có mặt);

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Trần H có ông Trần Ngọc A và ông Phạm Văn N, Luật sư của Văn phòng Luật sư Q thuộc Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng (ông A, ông N có mặt);

* Bị đơn: Ông Trần A, sinh năm: 1966; Địa chỉ: Tổ 5, phường H, quận C, thành phố Đà Nẵng (có mặt);

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Trần A có ông Nguyễn Thành Đ, Luật sư của Công ty Luật TNHH HTV S thuộc Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng (có mặt);

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Trần Thị U, sinh năm 1968; Địa chỉ: 523/71 đường C, tổ 24, phường H, quận C, thành phố Đà Nẵng (có mặt);

2. Bà Trần Thị B, sinh năm 1963; Địa chỉ: Tổ 44, phường K, quận C, thành phố Đà Nẵng (có mặt);

3. Bà Trần Thị M, sinh năm 1959; Địa chỉ: Tổ 12, phường H, quận C, thành phố Đà Nẵng (có mặt);

4. Ủy ban nhân dân phường H; Địa chỉ: 92 đường N, phường H, quận C, thành phố Đà Nẵng; Đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Phước S, chức vụ: Chủ tịch (vắng mặt);

Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Trần H và bị đơn ông Trần A.

Kháng nghị: Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm thì nội dung vụ án như sau:

Nguyên đơn ông Trần H trình bày:

Cha mẹ ông là ông Trần N (chết ngày 23/09/2018) và bà Phan Thị T (chết ngày 20/12/2018) có 05 người con gồm: bà Trần Thị M, ông Trần A, bà Trần Thị U, bà Trần Thị B và ông. Quá trình chung sống cha mẹ ông có tạo lập được khối tài sản chung là nhà và đất thuộc thửa đất số C1- 1, tờ bản đồ số 00, diện tích đất 166,1m2, loại đất ở tại khu tái định cư P thuộc phường H, quận C, thành phố Đà Nẵng đã được Uỷ ban nhân dân quận C cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AI 358940 ngày 09 tháng 05 năm 2007.

Ông Trần A cùng chung sống với cha mẹ ông tại ngôi nhà nêu trên. Tuy nhiên, trong quá trình chung sống ông Hai đã không làm tròn trách nhiệm nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ khi tuổi già sức yếu mà thường xuyên có những lời lẽ chửi bới, ngược đãi đối với cha mẹ. Thời gian gần đây cha ông ốm nặng, nhưng ông A không quan tâm, chăm sóc cho cha. Vì vậy, bệnh tình ông N ngày càng thêm trầm trọng nên tháng 8 năm 2018 ông đã đón cha mẹ về tại nhà ông để chăm sóc, phụng dưỡng. Thời gian cha mẹ ở với ông, ông A vẫn không đến hỏi thăm, chăm sóc, lúc đó cha ông lâm bệnh nặng nằm tại chỗ còn mẹ thì tuổi cao sức yếu.

Ngày 23/09/2018 cha ông qua đời, nhưng ông Trần A vẫn thờ ơ vô trách nhiệm, vợ ông Trần A còn có những lời nói xúc phạm đến chị em ông và ông A còn có hành vi lừa dối cha mẹ để chiếm giữ lấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên. Những việc làm của ông A là trái pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tài sản của cha mẹ ông. Hiện nay, ông A đang tìm kiếm mọi thủ đoạn để chiếm đoạt toàn bộ tài sản của cha mẹ ông. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho ông cũng như các đồng thừa kế khác, nay ông Trần H yêu cầu Tòa án giả quyết hủy toàn bộ di chúc do cha mẹ ông lập ngày 28/12/2012 và chia di sản thừa kế theo pháp luật đối với nhà và đất tại thửa đất số C1-1, tờ bản đồ số 00, diện tích đất 166,1m2 loại đất ở tại địa chỉ khu tái định cư P, phường H, quận C, thành phố Đà Nẵng trị giá 5.565.049.597 đồng. Đồng thời ông đề nghị Tòa án tước bỏ quyền thừa kế hưởng di sản của ông Trần A vì trong quá trình chung sống với cha mẹ, ông A đã đối xử ngược đãi cha mẹ.

Bị đơn ông Trần A trình bày:

Cha ông là Trần N, sinh năm 1922 và mẹ là Phan Thị T, sinh năm 1928. Ông bà có 05 người con gồm có ông, bà Trần Thị M, bà Trần Thị B, bà Trần Thị U và ông Trần H. Tất cả đều lập gia đình và ở riêng chỉ còn ông Trần A lập gia đình sau nên ở cùng với cha mẹ tại tổ 25, phường K, quận C, TP. Đà Nẵng.

Đến năm 2002 thì địa chỉ trên giải tỏa, ông và cha mẹ ông chuyển đến thuê nhà gần phường H được dự án cấp lại 03 lô đất. Riêng em gái là Trần Thị U có chồng nhưng vẫn còn hộ khẩu và có con khuyết tật nên xin được cấp 01 lô; ông Trần H có nhà trên đất cha mẹ nên được cấp 01 lô; còn lại cha mẹ, bà T và ông chỉ có 02 lô; sau đó cha mẹ ông bán 01 lô để ông mua đất làm nhà và ở chung với ông, còn một lô cha mẹ ông cũng đã bán để cho con gái và các cháu nội ngoại. Số tiền dư còn lại cha mẹ ông gửi vào Ngân hàng để lo thuốc thang trong lúc tuổi già.

Năm 2007 ông đã tìm mua được đất để làm nhà và ở cùng cha mẹ tại phường H, quận C cho đến nay; còn về việc đứng tên chủ sở hữu cha mẹ có bàn với ông nếu ông đứng tên thì cha mẹ không yên tâm vì ông đã có một đời vợ và chia tay, đến đời thứ hai không biết có bền chặt không, nếu vợ chồng còn lục đục nữa thì còn nhà đâu mà ở nên để cha mẹ đứng tên rồi cha mẹ sẽ để di chúc lại cho ông, sau này còn thờ phụng ông bà cha mẹ.

Cha mẹ ông bán 01 lô đất được 220.000.000 đồng, số tiền bán được cha mẹ giao hết cho ông để ông mua đất và ông có bỏ thêm 80.000.000 đồng để mua lô đất mà ông đang ở, ông mua đất năm 2007 đến năm 2008 thì cha mẹ ông đến Ủy ban nhân dân phường H lập di chúc để lại cho ông.

Năm 2011 cha mẹ ông lại đến Ủy ban nhân dân phường H hủy di chúc với lý do anh em trong gia đình biết được la lối, tạo áp lực cho cha mẹ. Đến năm 2012 cha mẹ ông lại đến Ủy ban nhân dân phường lập lại di chúc lần nữa cho đến nay. Ông chung sống với cha mẹ rất nhiều năm, còn anh chị em ông không quan tâm gì đến cha mẹ. Khi cha ông yếu, con trai út là ông Trần H giả vờ đem về chăm sóc được vài ngày thì cha ông qua đời, khi cha ông qua đời ông Hựu không cho ông đem về lo hậu sự. Đến mẹ ông cũng vậy, bà T đòi về chung sống với ông nhưng ông H không cho nên bà cũng qua đời vào ngày 20/12/2018. Vì vậy, việc ông Trần H cho rằng ông ngược đãi cha mẹ để tước quyền thừa hưởng di sản của ông là không có cơ sở.

Đối với yêu cầu khởi kiện của ông Trần H cũng như ý kiến của các bà Trần Thị M, bà Trần Thị U, bà Trần Thị B yêu cầu Tòa án nhân dân quận C hủy di chúc do ông Trần N và bà Phan Thị T lập ngày 28/12/2012 được Ủy ban nhân dân phường H chứng thực và yêu cầu chia di sản thừa kế theo pháp luật đối với nhà và đất thộc thửa đất số C1-1, tờ bản đồ số 00, diện tích đất 166,1 m2 tại địa chỉ khu tái định cư Phong Bắc 2, phường H quận C, thành phố Đà Nẵng thì ông không đồng ý, đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông H.

Đối với kết quả định giá của Công ty cổ phần thẩm định giá B chi nhánh Đà Nẵng về giá trị nhà và đất nêu trên là 5.565.049.597 đồng (trong đó đất là 5.448.210.222 đồng và nhà ở là 95.099.200 đồng) thì ông hoàn toàn đồng ý.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị B trình bày:

Cha mẹ của bà là ông Trần N (chết tháng 9 năm 2012) và bà Phan Thị T (chết tháng 12 năm 2012), có 05 người con gồm có Trần A, Trần Thị M, Trần Thị B, Trần Thị U và Trần H.

Sau khi cha mẹ bà chết có để lại tài sản là nhà và đất thuộc thửa đất số C1-1, tờ bản đồ số 00, diện tích đất 166,1m2 tại địa chỉ khu tái định cư P, phường H, quận C, thành phố Đà Nẵng (nay là số 04 đường N, tổ 8, phường H, quận C, thành phố Đà Nẵng).

Khi còn sống mẹ bà đã có đơn khởi kiện yêu cầu hủy di chúc và phân chia tài sản thừa kế theo quy định của pháp luật là phần tài sản của mẹ bà sẽ chia cho 04 người con là bà Trần Thị U, ông Trần H, bà Trần Thị M và bà, không có phần của ông A với lý do là ông A đã được cha mẹ cho riêng 300m2 đất, còn 04 người con còn lại thì không được nhận bất cứ tài sản nào từ cha mẹ nên mẹ bà đã có nguyện vọng là phần tài sản của bà chia cho 04 người con nêu trên.

Về di chúc ngày 28/12/2012, bà nhận thấy việc lập di chúc này của cha mẹ bà là do ông A dựng nên và di chúc đó không phải là ý chí của cha mẹ bà. Do đó bà hoàn toàn đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông Trần H về việc hủy di chúc và chia đều di sản là nhà đất tại số 04 đường N, tổ 8, phường H, quận C, thành phố Đà Nẵng cho hàng thừa kế thứ nhất theo quy định của pháp luật.

Về giá trị nhà đất thì bà thống nhất với kết quả định giá của Công ty cổ phần thẩm định giá B, chi nhánh Đà Nẵng.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị M và bà Trần Thị U trình bày:

Các bà thống nhất với lời trình bày của bà Trần Thị B và đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Trần H về việc đề nghị Tòa án hủy Di chúc do ông Trần N và bà Phan Thị T lập ngày 28/12/2012 chia thừa kế cho những người thừa kế của ông N bà T theo pháp luật đối với nhà đất tại số 04 đường N, tổ 8, phường H, quận C, thành phố Đà Nẵng.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Uỷ ban nhân dân phường H có đại diện theo ủy quyền bà Mai Thị Thanh T trình bày:

Năm 2008, ông Trần N và bà P đến Ủy ban nhân dân phường H lập di chúc để lại cho ông Trần A ngôi nhà và đất tại thửa đất số C1-1, tờ bản đồ số 00, diện tích đất 166,1m2 loại đất ở tại địa chỉ khu tái định cư P, phường H, quận C, thành phố Đà Nẵng nay là số 4 đường N, tổ 8, phường H, quận C, thành phố Đà Nẵng), được Uỷ ban nhân dân quận C cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AI 358940 ngày 09 tháng 05 năm 2007.

Năm 2011, ông N và bà T lại đến Ủy ban nhân dân phường H hủy di chúc về việc không cho ông A thừa hưởng ngôi nhà và đất nêu trên. Đến năm 2012 ông N và bà T lại đến Ủy ban nhân dân phường lập lại di chúc lần nữa để lại ngôi nhà và đất trên cho ông A cho đến nay. Ông N và bà T lập di chúc để tài sản lại cho ông A là hoàn toàn tự nguyện. Tại thời điểm lập di chúc bà T và ông N minh mẫn, sáng suốt, có năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; nội dung và mục đích của di chúc không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội; ông N và bà T đã đọc lại toàn bộ di chúc, đã đồng ý toàn bộ nội dung ghi trong di chúc và đã ký (điểm chỉ) vào di chúc trước sự có mặt của ông Phùng Văn T - Đại diện cho Uỷ ban nhân dân phường H nên đây là di chúc hợp pháp.

Ngày 04/9/2018, bà T có đơn trình bày gửi Uỷ ban nhân dân phường H yêu cầu hủy toàn bộ di chúc đã lập cho ông Trần A. Tuy nhiên, Uỷ ban nhân dân phường H căn cứ vào quy định tại Điều 38 Nghị định 23/2015/NĐ- CP ngày 16/02/2015 Nghị định của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch trả lời: “Việc bà T yêu cầu hủy bỏ di chúc là không thực hiện được”. Sau đó Ủy ban có hướng dẫn bằng miệng cho bà T biết bà chỉ có quyền hủy bỏ di chúc liên quan đến phần tài sản của mình nhưng sau đó bà T không yêu cầu hủy ½ di chúc nữa mà khởi kiện ra Tòa án.

Quyết định của bản án sơ thẩm:

Căn cứ: Điều 624, 635, 636, 640, 649, 650 và 651 của Bộ luật Dân sự; khoản 2 Điều 171, 254, 271 Bộ luật Tố tụng dân sự và Nghị quyết về án phí, lệ phí Toà án.

Tuyên bố: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Trần H về việc hủy di chúc của ông Trần N và bà Phan Thị T.

1/ Công nhận ½ di chúc của ông Trần N có hiệu lực pháp luật; ông A được hưởng di sản của ông N để lại có giá trị 2.782.524.799 đồng.

2/ Tuyên vô hiệu ½ di chúc của bà Phan Thị T, di sản của bà T được chia theo hàng thừa kế của pháp luật cho tất cả các đồng thừa kế. Mỗi đồng thừa kế được hưởng kỷ phần là 556.504.960 đồng .

3/ Giao cho ông Trần A được sở hữu 01 ngôi nhà cấp bốn có cấu trúc nhà trệt, móng đá, trụ bê tông, tường xây gạch, trát vữa sơn, nền lót gạch men, mái lợp tôn, xà gồ gỗ, trần la phong nhựa và tấm cách nhiệt có diện tích xây dựng 84,91m2 và đất tại thửa đất số C1-1, tờ bản đồ số 00, diện tích đất 166,1m2 loại đất ở tại đô thị được Uỷ ban nhân dân quận C cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AI358940 ngày 09 tháng 05 năm 2007 trị giá là 5.565.049.597 đồng, (trong đó phần giá trị di sản theo di chúc của ông N thì ông A được thừa hưởng là 2.782.524.799 đồng và phần di sản của bà T mà ông A được thừa kế 556.504.960 đồng). Ông Trần A có nghĩa vụ liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục chuyển tên quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất).

- Ông Trần A có nghĩa vụ thối trả cho ông Trần H số tiền tương đương phần di sản thừa kế là 556.504.960 đồng.

- Ông Trần H được nhận 556.504.960 đồng tiền mặt do ông A thối trả.

- Ông Trần H có nghĩa vụ thối trả cho bà Trần Thị U số tiền tương đương phần di sản thừa kế là 556.504.960 đồng.

- Bà Trần Thị U được nhận 556.504.960 đồng tiền mặt do ông A thối trả.

- Ông Trần A có nghĩa vụ thối trả cho bà Trần Thị M số tiền tương đương phần di sản thừa kế là 556.504.960 đồng.

- Bà Trần Thị M được nhận 556.504.960 đồng tiền mặt do ông A thối trả.

- Ông Trần A có nghĩa vụ thối trả cho bà Trần Thị B số tiền tương đương phần di sản thừa kế là 556.504.960 đồng.

- Bà Trần Thị B được nhận 556.504.960 đồng tiền mặt do ông A thối trả.

4/ Án phí không chấp nhận yêu cầu hủy toàn bộ di chúc ông Trần Hựu phải chịu là: 26.260.198 đồng.

Án phí dân sự sơ thẩm: ông Trần A phải chịu là: 72.000.000 đồng + (2% x 1.339.029.759 đồng) = 98.780.595 đồng.

Ông Trần H phải chịu án phí trên giá trị số tài sản được chia 556.504.960 đồng là 20.000.000 đồng + (4% x 156.504.960 đồng) = 26.260.198 đồng.

Bà Trần Thị U phải chịu án phí trên giá trị số tài sản được chia 556.504.960 đồng là 20.000.000 đồng + (4% x 156.504.960 đồng) = 26.260.198 đồng.

Bà Trần Thị B phải chịu án phí trên giá trị số tài sản được chia 556.504.960 đồng là 20.000.000 đồng + (4% x 156.504.960 đồng) = 26.260.198 đồng.

Bà Trần Thị M phải chịu án phí trên giá trị số tài sản được chia 556.504.960 đồng là 20.000.000 đồng + (4% x 156.504.960 đồng) = 26.260.198 đồng.

Ông Trần H đã nộp số tiền tạm ứng án phí 10.000.000 đồng theo biên lai thu số 0005541 ngày 04/01/2019 của Chi cục thi hành án dân sự quận C, thành phố Đà Nẵng; còn lại ông Trần H còn phải nộp số tiền án phí là 42.520.396 đồng.

Ngoài ra án sơ thẩm còn quyết định về nghĩa vụ thi hành án và thông báo quyền kháng cáo cho các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm:

Ngày 20 tháng 11 năm 2019, nguyên đơn ông Trần H nộp Đơn kháng cáo một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 100/2019/DS-ST ngày 06/11/2019 của Tòa án nhân dân quận C với nội dung yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử theo hướng tuyên Di chúc lập ngày 28/12/2012 tại Ủy ban nhân dân phường H là vô hiệu và chia thừa kế đối với ½ khối di sản của ông Trần N để lại theo quy định pháp luật cho các anh chị em của ông.

Ngày 20 tháng 11 năm 2019, bị đơn ông Trần A nộp Đơn kháng cáo Bản án dân sự sơ thẩm số 100/2019/DS-ST ngày 06/11/2019 của Tòa án nhân dân quận C với nội dung yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Trần H.

Ngày 02 tháng 11 năm 2019, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định kháng nghị số 01/QĐKNPT-VKS-DS đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng xét xử phúc thẩm theo hướng hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 100/2019/DS-ST ngày 06/11/2019 của Tòa án nhân dân quận C với lý do: Giải quyết vượt quá phạm vi yêu cầu của đương sự dẫn đến buộc đương sự phải chịu án phí không đúng và vi phạm quy định về án phí trong trường hợp không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của đương sự.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, sau khi nghe đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng phát biểu quan điểm về vụ án, sau khi thảo luận và nghị án, Hội đồng xét xử nhận định:

Về tố tụng:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng rút một phần kháng nghị số 01/QĐKNPT-VKS-DS ngày 02 tháng 11 năm 2019 về việc bị đơn ông Trần A không có yêu cầu phản tố công nhận di chúc của cụ Trần N và cụ Phan Thị T nhưng án sơ thẩm lại quyết định “Công nhận ½ di chúc của ông Trần N có hiệu lực pháp luật, ông A được hưởng di sản của ông N để lại có giá trị 2.782.524.799 đồng” là giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện, vi phạm khoản 1 Điều 5 Bộ luật Tố tụng Dân sự dẫn đến buộc ông A phải chịu án phí trên giá trị di sản của cụ N là không đúng quy định của khoản 1 Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Trần A. Do đó căn cứ khoản 3 Điều 289 Bộ luật Tố tụng Dân sự, HĐXX đình chỉ xét xử một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Về nội dung:

Xét kháng cáo của ông Trần H và ông Trần A thì thấy:

[2] Cụ ông Trần N và cụ bà Phan Thị T trong quá trình chung sống tạo lập được ngôi nhà cấp 4, kết cấu tường xây gạch trát vữa sơn vôi, nền lót gạch men, mái tôn xà gồ gỗ, diện tích xây dựng 84,91m2 và diện tích đất 166,1m2 thuộc thửa C1-1, tờ bản đồ 00, loại đất ở đô thị tại khu tái định cư P (nay số 4 đường N) tổ 8, phường H, quận C, thành phố Đà Nẵng được Ủy ban nhân dân quận C cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AI 358940 ngày 09/5/2007. Trị giá nhà và đất là 5.565.049.597 đồng.

[3] Ngày 28/4/2008 cụ ông Trần N và cụ bà Phan Thị T lập Di chúc để lại toàn bộ nhà đất nêu trên cho con trai là ông Trần A có chứng thực của Ủy ban nhân dân phường H. Tuy nhiên đến ngày 27/6/2011 thì cụ N và cụ T lập Văn bản hủy bỏ Di chúc lập ngày 28/4/2008. Đến ngày 28/12/2012 cụ N và cụ T lại tiếp tục lập Di chúc để nhà đất nêu trên cho ông A toàn quyền sử dụng, định đoạt và lo thờ phụng ông bà, cha mẹ không ai có quyền tranh chấp nhà đất do vợ chồng hai cụ tạo lập.

[4] Ngày 04/8/2018, cụ T gởi đơn đến Ủy ban nhân dân phường H yêu cầu được hủy bỏ toàn bộ di chúc lập ngày 28/12/2012. Tuy nhiên ngày 20/9/2018 Ủy ban nhân dân phường H có Thông báo số 300/TB-UBND trả lời cho cụ T rằng việc cụ T yêu cầu hủy bỏ di chúc là không thực hiện được với lý do tại Điều 38 Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 Chính phủ quy định: “Việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực chỉ được thực hiện khi có thỏa thuận bằng văn bản của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch”.

HĐXX xét thấy: Tại Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết” và tại khoản 1 Điều 640 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào”. Như vậy nhà đất tại số 4 đường N, tổ 8, phường H, quận C, thành phố Đà Nẵng là tài sản chung của hai cụ N và T, hai cụ được quyền lập di chúc để lại cho ông A theo như nội dung di chúc và hai cụ cũng có quyền hủy bỏ di chúc đối với phần tài sản của mình cho ông A. Cụ T đã có ý chí hủy bỏ di chúc lập ngày 28/12/2012 nhưng Ủy ban nhân dân phường H không chấp nhận yêu cầu của cụ T là không phù hợp với quy định tại Điều khoản 1 Điều 640 Bộ luật Dân sự năm 2015. Do đó Tòa án cấp sơ thẩm nhận định cụ T đã có ý chí hủy bỏ di chúc, điều này đồng nghĩa với việc cụ T không đồng ý để lại di sản của mình cho ông A nên quyết định hủy một phần Di chúc lập ngày 28/12/2012 có chứng thực của Ủy ban nhân dân phường H đối với phần tài sản của cụ T để lại cho ông A là hoàn toàn có căn cứ.

[5] Theo Đơn khởi kiện bổ sung ngày 07/6/2019, nguyên đơn ông Trần H cho rằng Di chúc lập ngày 28/12/2012 của cụ N và cụ T là vô hiệu với lý do hai cụ lập di chúc không phải do hai cụ viết, di chúc không có người làm chứng và Ủy ban nhân dân phường chứng thực không có mặt của cụ N. HĐXX xét thấy: Di chúc được lập có thể viết tay hoặc đánh máy, trường hợp của cụ N và cụ T là Di chúc được đánh máy và chứng thực tại Ủy ban nhân dân phường H; cụ N và cụ T là người trực tiếp ký ghi họ tên đồng thời có lăn tay vào bản di chúc; do đó di chúc này không phải có người làm chứng ký. Mặt khác tại thời điểm lập di chúc, những người hàng thừa kế thứ nhất của cụ N và cụ T cũng như Ủy ban nhân dân phường H đều xác định cụ N và cụ T đều minh mẫn, sáng suốt. Như vậy Di chúc lập ngày 28/12/2012 của cụ N và cụ T đảm bảo quy định tại các Điều 630, 631, 636 Bộ luật Dân sự năm 2015, về nội dung và hình thức của di chúc lập ngày 28/12/2012 là hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên như nhận định trên của HĐXX, do trước khi chết cụ T thay đổi ý chí không đồng ý để lại phần di sản của mình cho ông A, điều này còn thể hiện ở Đơn trình bày viết ngày 08/10/2018 và Đơn khởi kiện của cụ T viết ngày 10/11/2018, do đó đối với phần di sản của cụ T để lại cho ông A là không có hiệu lực pháp luật. Ông A cho rằng Di chúc có hiệu lực toàn bộ và đề nghị không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của ông H là không có cơ sở.

[6] HĐXX xét thấy, Tòa án cấp sơ thẩm xác định tài sản chung của hai cụ N cụ T có giá trị 5.565.049.597 đồng, di sản của mỗi người có giá trị là 2.782.524.799 đồng (5.565.049.597 đồng : 2 = 2.782.524.799 đồng); di sản của cụ N để di chúc cho ông A nên ông A được hưởng 2.782.524.799 đồng; còn di sản của cụ T được chia đều cho 5 người con, ông A, ông H, bà B, bà M, bà U mỗi người được hưởng 556.504.960 đồng (2.782.524.799 đồng : 5 = 556.504.956 đồng) là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật.

[7] Do ông Trần A sống chung với cụ N và cụ T khi hai cụ còn sống nên cấp sơ thẩm giao nhà đất số 4 đường N, tổ 8, phường H, quận C, thành phố Đà Nẵng cho ông A sở hữu và buộc ông A thối trả kỷ phần thừa kế cho các đồng thừa kế khác là phù hợp.

Xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng thì thấy:

[8] Đối với kháng nghị về án phí dân sự sơ thẩm: Viện kiểm sát cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm buộc ông H phải chịu án phí có giá ngạch đối với yêu cầu tuyên Di chúc lập ngày 28/12/2012 vô hiệu nhưng không được Tòa án chấp nhận với số tiền 26.260.198 đồng là không đúng quy định của pháp luật. HĐXX xét thấy đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc đề nghị Tòa án tuyên bố di chúc vô hiệu thuộc trường hợp án phí không có giá ngạch theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị quyết 326 của Quốc Hội quy định về án phí, lệ phí. Như vậy, yêu cầu của ông H được chấp nhận một phần nên ông H không phải chịu án dân sự sơ thẩm về yêu cầu này, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm buộc ông H chịu án phí có giá ngạch 26.260.198 đồng là không đúng và làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của ông H. Do vậy Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng kháng nghị phần này là có cơ sở nên HĐXX chấp nhận.

[9] Từ nhận định trên HĐXX không chấp nhận kháng cáo của ông Trần H và ông Trần A; chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát, sửa án sơ thẩm về phần án phí.

[10] Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của ông Trần H và ông Trần A, giữ nguyên nội dung như quyết định của Tòa án sơ thẩm; chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát, sửa án sơ thẩm về án phí, xét thấy đề nghị của đại diện VKS là phù hợp với nhận định của HĐXX nên chấp nhận.

[11] Tại phiên tòa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Hựu cho rằng tại thời điểm cụ Trần N và cụ Phan Thị T lập di chúc nhưng không có phiếu yêu cầu chứng thực nhưng Ủy ban nhân dân phường H chứng thực là không đúng quy định của Nghị định 75/NĐ-CP ngày 18/12/2000. Mặt khác tại đơn khởi kiện ngày 10/11/2018, khi còn sống cụ T đã trình bày việc vợ chồng cụ lập di chúc cho ông Hai do bị ông A dụ dỗ. Do đó, theo qui định tại điểm a, khoản 1, Điều 630 Bộ luật Dân sự thì di chúc ngày 28/12/2012 do Uỷ ban nhân dân phường H chứng thực là không hợp pháp. Ngoài ra, bản án sơ thẩm buộc ông H phải chịu án phí do yêu cầu hủy toàn bộ di chúc không được chấp nhận là vi phạm quy định tại Điểm a, khoản 7, Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016. Vì vậy, đề nghị HĐXX sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, tuyên di chúc lập ngày 28/12/2012 vô hiệu và chia toàn bộ khối di sản của cụ N, cụ T để lại cho các đồng thừa kế theo qui định của pháp luật. HĐXX xét thấy: Ủy ban nhân dân phường H không yêu cầu cụ N và cụ T lập phiếu yêu cầu chứng thực là có sai sót về mặt thủ tục, tuy nhiên tại thời điểm Ủy ban nhân dân phường H chứng thực thì các thừa kế của cụ N và cụ T đều thừa nhận hai cụ đều minh mẫn, sáng suốt, như vậy hai cụ đã thể hiện ý chí là để lại nhà đất tranh chấp cho ông A. Tuy nhiên sau đó cụ T thay đổi ý chí của mình không đồng ý để lại di sản cho ông A nên di chúc này chỉ có hiệu lực một phần đối với phần di sản cụ N để lại cho ông A như HĐXX đã nhận định trên. Về án phí, Tòa án sơ thẩm buộc ông H chịu án phí có giá ngạch với số tiền 26.260.198 đồng đối với yêu cầu không chấp nhận di chúc vô hiệu là không đúng quy định pháp luật như nhận định nêu trên. Do đó HĐXX chỉ chấp nhận một phần ý kiến đề nghị của luật sư Nhung tại phiên tòa.

[12] Đối với ý kiến của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị đơn cho rằng quá trình thụ lý giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, trường hợp nguyên đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện thì phải thụ lý bổ sung và tống đạt cho các đương sự biết nội dung bổ sung yêu cầu khởi kiện về tuyên bố di chúc vô hiệu và chia thừa kế theo pháp luật toàn bộ nhà đất tại số 4 đường N, tổ 8, phường H, quận C, thành phố Đà Nẵng, như vậy cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Ngoài ra cụ N và cụ T đã để lại nhà đất tranh chấp cho ông A theo nội dung của di chúc lập ngày 28/12/2012 là hoàn toàn hợp pháp nên đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của ông A, sửa án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. HĐXX xét thấy, thể hiện tại hồ sơ vụ án thì quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn có Đơn khởi kiện bổ sung nội dung khởi kiện ngày 07/6/2019 và ngày 10/6/2019 Tòa án cấp sơ thẩm đã ban hành Thông báo thụ lý bổ sung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đồng thời đã tống đạt Thông báo này cho các đương sự biết. Tuy nhiên cấp sơ thẩm không thực hiện thủ tục hòa giải nội dung khởi kiện bổ sung của nguyên đơn là vi phạm thủ tục tố tụng. Mặc dù có thiếu sót về thủ tục tố tụng nhưng về bản chất nội dung vụ án cấp sơ thẩm giải quyết là đảm bảo quyền lợi của các đương sự. Do đó HĐXX không chấp nhận ý kiến đề nghị của luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho ông A tại phiên tòa.

[13] Về án phí dân sự sơ thẩm:

Nguyên đơn ông H được Tòa án chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện về hủy Di chúc nên ông Hựu không chịu án phí không có giá ngạch về yêu cầu này.

Theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia, được hưởng trong khối di sản thừa kế. Do vậy ông H, bà B, bà U mỗi người phải chịu trên số tiền được hưởng 556.504.956 đồng là {20.000.000 đồng + (4% x 156.504.956 đồng)} = 26.260.198 đồng; đối với ông A phải chịu án phí trên số tiền được hưởng 3.339.029.758 đồng (2.782.524.799 đồng + 556.504.956 đồng) là {72.000.000 đồng + (2% x 1.339.029.758 đồng) = 98.780.595 đồng. Riêng bà M thuộc diện người cao tuổi và có đơn xin miễn án phí, do đó căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016, HĐXX miễn án phí dân sự sơ thẩm cho bà M.

[14] Về chi phí tố tụng: Chi phí thẩm định giá tài sản là 16.500.000 đồng, ông H phải chịu 9.900.000 đồng; ông A, bà B, bà M, bà U mỗi người phải chịu là 1.650.000 đồng, nhưng ông H đã nộp tạm ứng để chi nên ông A, bà B, bà M, bà U mỗi người có nghĩa vụ hoàn trả lại cho ông H là 1.650.000 đồng.

[15] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do sửa án sơ thẩm nên các đương sự không chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ: khoản 3 Điều 289; khoản 2 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 624, 630, 636, 640, 649, 650 và 651 Bộ luật Dân sự năm 2015; điểm đ khoản 1 Điều 12, điểm a khoản 7 Điều 27, khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

I. Đình chỉ xét xử phúc thẩm một phần kháng nghị; chấp nhận một phần kháng nghị số 01/QĐKNPT-VKS-DS ngày 02 tháng 11 năm 2019 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng.

II. Không chấp nhận kháng cáo của ông Trần H và ông Trần A.

III. Sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 100/2019/DS-ST ngày 06 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân quận C như sau:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Trần H đối với ông Trần A về hủy di chúc và chia thừa kế theo pháp luật.

1. Hủy một phần Di chúc lập ngày 28/12/2012 của cụ ông Trần N và cụ bà Phan Thị T được chứng thực tại Ủy ban nhân dân phường H đối với phần di sản của cụ Phan Thị T để lại ông Trần A.

2. Công nhận một phần Di chúc lập ngày 28/12/2012 của cụ ông Trần N và cụ bà Phan Thị T được chứng thực tại Ủy ban nhân dân phường H có hiệu lực pháp luật đối với di sản của cụ ông Trần N để lại cho ông Trần A.

3. Ông Trần H, bà Trần Thị M, bà Trần Thị B, bà Trần Thị U được hưởng kỷ phần thừa kế theo pháp luật đối với di sản của cụ Phan Thị T là 556.504.956 đồng.

4. Ông Trần A được hưởng kỷ phần thừa kế theo pháp luật đối với di sản của cụ Phan Thị T là 556.504.956 đồng và được hưởng kỷ phần thừa kế theo di chúc đối với di sản của cụ Trần N là 2.782.524.799 đồng.

5. Giao cho ông Trần A được sở hữu 01 ngôi nhà cấp bốn có cấu trúc nhà trệt, móng đá, trụ bê tông, tường xây gạch, trát vữa sơn vôi, nền lót gạch men, mái lợp tôn, xà gồ gỗ, trần la phong nhựa và tấm cách nhiệt, diện tích xây dựng 84,91m2 và sử dụng diện tích đất 166,1m2, loại đất ở đô thị thuộc thửa đất số C1-1, tờ bản đồ số 00 tại khu tái định cư P (nay số 4 đường N) tổ 8, phường H, quận C, thành phố Đà Nẵng. Trị giá nhà và đất là 5.565.049.597 đồng.

6. Ông Trần A có nghĩa vụ liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục xác lập quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

7. Ông Trần A có nghĩa vụ thối trả kỷ phần thừa kế cho ông Trần H, bà Trần Thị M, bà Trần Thị B, bà Trần Thị U mỗi người số tiền là 556.504.956 đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

8. Về án phí dân sự sơ thẩm:

Ông Trần H phải chịu số tiền án phí là 26.260.198 đồng, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí 10.000.000 đồng đã nộp theo Biên lai thu số 0005541 ngày 04/01/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự quận C, vậy ông H còn phải nộp tiếp số tiền 16.260.198 đồng.

Ông Trần A phải chịu số tiền án phí là 98.780.595 đồng.

Bà Trần Thị B, bà Trần Thị U mỗi người phải chịu số tiền án phí là 26.260.198 đồng.

Bà Trần Thị M được miễn án phí dân sự sơ thẩm.

9. Về chi phí tố tụng:

Chi phí thẩm định giá tài sản là 16.500.000 đồng, ông Trần H phải chịu 9.900.000 đồng; ông Trần A, bà Trần Thị B, bà Trần Thị M, bà Trần Thị U mỗi người phải chịu là 1.650.000 đồng, nhưng ông Hựu đã nộp tạm ứng để chi nên ông A, bà B, bà M, bà U mỗi người có nghĩa vụ hoàn trả lại cho ông H là 1.650.000 đồng.

IV. Về án phí dân sự phúc thẩm:

Ông Trần H và ông Trần A không phải chịu.

Hoàn trả cho ông Trần H 300.000 đồng đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí số 0000800 ngày 21/11/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự quận C, thành phố Đà Nẵng.

Hoàn trả cho ông Trần A 300.000 đồng đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí số 0000798 ngày 20/11/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự quận C, thành phố Đà Nẵng.

V. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

415
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 25/2020/DS-PT

Số hiệu:25/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đà Nẵng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 14/05/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về