Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 24/2021/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

BẢN ÁN 24/2021/DS-PT NGÀY 06/08/2021 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Trong các ngày từ ngày 04/8/2021 đến ngày 06/8/2021, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh D xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 18/2021/TLPT-DS ngày 06/5/2021 về việc ‘‘Tranh chấp về thừa kế tài sản";

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 03/2021/DS-ST ngày 12/3/2021 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh D bị kháng cáo;

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 19/2021/QĐ-PT ngày 19/7/2021 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Trịnh Văn Đ, sinh năm 1955. Địa chỉ: Xóm 5, thôn LX, xã D, huyện P, tỉnh D.

2. Bị đơn: Ông Trịnh Văn T, sinh năm 1965.

Địa chỉ: Xóm 5, thôn LX, xã D, huyện P, tỉnh D.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan :

3.1. Bà Lê Thị N, sinh năm 1962.

Người đại diện theo ủy quyền của bà N: Ông Trịnh Văn Đ, sinh năm 1955.

3.2. Bà Bùi Thị S, sinh năm 1964.

3.3. Anh Trịnh Quyết T1, sinh năm 1989.

3.4. Chị Đỗ Thị T2, sinh năm 1991.

3.5. Chị Lê Thị T3, sinh năm 1993.

Người đại diện theo ủy quyền của anh T1, chị T2, chị T3: Bà Bùi Thị S, sinh năm 1964.

3.6. Anh Trịnh Ngọc T4, sinh năm 1991.

Đều ở địa chỉ: Xóm 5, thôn LX, xã D, huyện P, tỉnh D.

3.7. Bà Trịnh Thị H, sinh năm 1954.

Địa chỉ: Số 01/426, phố ĐP, phường BH, thành phố H, tỉnh D.

Người đại diện theo ủy quyền của bà H: Ông Trịnh Văn Đ, sinh năm 1955. Địa chỉ: Xóm 5, thôn LX, xã D, huyện P, tỉnh D.

3.8. Bà Trịnh Thị B, sinh năm 1962. Địa chỉ: Thôn XA, xã TX, huyện P, tỉnh D.

3.9. Chị Trịnh Thị H1, sinh năm 1986. Địa chỉ: Thôn 4, xã XT, huyện P, tỉnh D.

3.10. Cháu Trịnh Thị Thúy H2, sinh ngày 28/3/2004.

Người đại diện hợp pháp của cháu H2: Ông Trịnh Văn T, sinh năm 1965 và bà Bùi Thị S, sinh năm 1964.

Đều ở địa chỉ: Xóm 5, thôn LX, xã D, huyện P, tỉnh D.

3. Người kháng cáo: Nguyên đơn là ông Trịnh Văn Đ, bị đơn là ông Trịnh Văn T, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Bùi Thị S.

4. Viện kiểm sát kháng nghị: Viện kiểm sát nhân dân huyện T, tỉnh D.

Tại phiên tòa có mặt ông Đ, ông T, bà S, bà N, bà B, anh T4; vắng mặt anh T1, chị T2, chị T3, bà H, chị H1, cháu H2.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án dân sự sơ thẩm và các tài liệu trong hồ sơ, vụ án có nội dung tóm tắt như sau:

Tại đơn khởi kiện và trong quá trình giải quyết vụ án, ông Trịnh Văn Đ là nguyên đơn, đồng thời là người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lê Thị N, bà Trịnh Thị H trình bày:

Bố ông là cụ Trịnh Văn K, mẹ ông là cụ Nguyễn Thị Y (tên gọi khác Nguyễn Thị Y1). Hai cụ có 7 người con là: Trịnh Thị X, Trịnh Thị H, Trịnh Văn Đ, Trịnh Thị B, Trịnh Văn T, Trịnh Văn S1, Trịnh Thị B1 (Ông S1, bà B1 chết trẻ, chưa lập gia đình, chưa có con). Ngoài ra, hai cụ không có con chung hoặc con riêng khác.

Năm 1973, bố ông đi chữa bệnh phong tại Bệnh viện phong Chí Linh, D. Sau khi khỏi, bố ông xin làm hộ lý và ở hẳn tại bệnh viện phong Chí Linh đến khi chết vào năm 2000. Trong thời gian bố ông đi chữa bệnh thì mẹ ông ở với anh chị em ông. Năm 1977, bà H lập gia đình, bà X đi làm công nhân mỳ sợi D. Bà X không lấy chồng, có một người con là chị Trịnh Thị H1. Năm 1987, ông lập gia đình ra ở riêng. Mẹ ông ở với ông T và bà B. Năm 1992, mẹ ông chết. Đến năm 1995, bà B đi lấy chồng. Năm 2005, bà X chết. Trước khi chết, bố mẹ ông không để lại di chúc.

Di sản thừa kế của bố mẹ ông để lại theo Bản đồ năm 2010 là quyền sử dụng 880m2 đất ở nông tại thửa 228, tờ bản đồ số 16, thuộc xóm 5, xã D, huyện P, tỉnh D. Thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bố ông vào năm 1993. Hiện nay, thửa đất trên do vợ chồng ông T đang sử dụng. Trong thời gian sử dụng, vợ chồng ông T đã xây dựng 03 ngôi nhà trên phần diện tích đất di sản. Năm 2020, Nhà nước thu hồi 36,6 m2 đất để làm đường, ông T đang quản lí số tiền được đền bù, ông xác định là di sản thừa kế. Ngoài ra, bố mẹ ông không để lại di sản khác.

Đối với quyền sử dụng đất ở, ông và chị Trịnh Thị H1 đang sử dụng, nguồn gốc là đất thùng trão trâu của Hợp tác xã, do ông khai hoang và đứng ra kê khai từ năm 1992. Lúc đó, bố mẹ ông còn sống. Ông và bà X đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không ai có ý kiến gì, không phải là di sản thừa kế.

Đối với quyền sử dụng đất tiêu chuẩn 721 của cụ Y, ông xác định ông đang sử dụng 11 thước, ông T sử dụng 13 thước. Tiêu chuẩn đất 721 của cụ Y đã được phân chia, các bên sử dụng ổn định, không có tranh chấp, ông không yêu cầu giải quyết.

Nay ông đề nghị chia di sản thừa kế của bố mẹ ông theo quyền sử dụng đất đã được xác định trong Sơ đồ hiện trạng kèm theo Biên bản thẩm định ngày 08/12/2020 là 797,2 m2 đất (trong đó có số tiền được đền bù khi nhà nước thu hồi 36,6 m2 đất làm đường) cho 05 kỷ phần gồm bà X, bà H, ông Đ, bà B, ông T. Ngoài ra, ông không yêu cầu giải quyết di sản nào khác. Ông đề nghị chia di sản thừa kế bằng hiện vật cho ông và bà H, không đồng ý tách trả tiêu chuẩn 721 của gia đình ông T nhập vào vườn, không đồng ý thanh toán công sức và giá trị công trình, cây trồng cho gia đình ông T khi được chia di sản bằng hiện vật vì khi ông T, bà S xây dựng không được sự đồng ý của ông và bà H. Ông tự nguyện chịu toàn bộ chi phí thẩm định, định giá tài sản. (Bà Trịnh Thị H nhất trí lời khai của ông Trịnh Văn Đ).

Tại biên bản ghi lời khai đương sự và quá trình giải quyết vụ án, ông Trịnh Văn T là bị đơn, đồng thời là người đại diện hợp pháp của cháu Trịnh Thị Thúy H2 trình bày: Thống nhất với lời trình bày của ông Trịnh Văn Đ về thời điểm cụ Trịnh Văn K, cụ Nguyễn Thị Y chết, về diện hàng thừa kế, về khối di sản của cụ K, cụ Y để lại. Ông nhất trí di sản thừa kế của bố mẹ ông để lại chỉ còn 797,2 m2 đất do vợ chồng ông đang sử dụng (trong đó có số tiền nhà nước đền bù).

Tuy nhiên, ông không chấp nhận yêu cầu chia di sản thừa kế của ông Đ. Vì ông cho rằng khi bố mẹ ông còn sống, bố mẹ ông đã phân định tài sản cho các con, tách cho ông Đ và bà X mỗi người một thửa đất. Nguồn gốc thửa đất ông Đ, chị H1 (con bà X) đang sử dụng là do cụ Y, cụ K cho. Bà H không được chia đất là do bà H nhường cho các em. Đối với quyền sử dụng đất ở ông đang sử dụng, bố mẹ ông cho ông và bà B mỗi người 1/2. Đối với phần diện tích đất của bà B, bà B đã cho vợ chồng ông sử dụng nên di sản thừa kế của bố mẹ ông không còn.

Nếu có căn cứ phải chia di sản thừa kế, ông chỉ đề nghị Tòa án giải quyết quyền sử dụng đất theo sơ đồ hiện trạng là 797,2 m2 sau khi tách trả gia đình ông đất tiêu chuẩn 721 trừ vào vườn; công sức duy trì, tôn tạo, phát triển di sản thừa kế, còn lại bao nhiêu giải quyết theo quy định của pháp luật. Đối với quyền sử dụng đất ở của ông Đ và chị H1; tiêu chuẩn đất 721 của cụ Y, ông không yêu cầu giải quyết trong vụ án này. Nếu có căn cứ xác định là di sản, ông sẽ khởi kiện một vụ án dân sự khác. Ông đề nghị nhập phần di sản ông được hưởng vào khối tài sản chung vợ chồng.

Ông xác định anh Trịnh Ngọc T4 có xây được 01 nhà gạch chỉ diện tích 52,1 m2 (bao gồm hệ thống điện, mái tôn kết cấu sắt), đề nghị giao mọi quyền lợi của anh T4 cho ông tạm quản lý, giữa ông và vợ chồng anh T4 sẽ giải quyết sau. Nếu không giải quyết được đồng ý giành quyền khởi kiện cho vợ chồng anh T4 trong một vụ án dân sự khác. Ông tự nguyện chịu thay án phí cho bà Trịnh Thị B, chị Trịnh Thị H1. Ngoài ra, ông không yêu cầu giải quyết nội dung nào khác. (Bà Bùi Thị S nhất trí lời khai của ông Trịnh Văn T).

Tại biên bản ghi lời khai và quá trình giải quyết vụ án, người có quyền lợi liên quan bà Trịnh Thị B trình bày: Bà B nhất trí với lời khai của ông T và bà cũng chỉ yêu cầu giải quyết quyền sử dụng đất theo sơ đồ hiện trạng là 797,2 m2 (trong đó có số diện tích đất được đền bù) theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, bà không yêu cầu giải quyết di sản nào khác. Nếu bà được hưởng thừa kế của bố mẹ để lại, bà nhường kỷ phần của bà cho ông T sử dụng. Ông T phải chịu án phí thay bà. Đối với tiêu chuẩn đất 721 nhập vào vườn, bà đồng ý cho ông T sử dụng.

Tại biên bản ghi lời khai, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Trịnh Thị H1 trình bày: Chị là con gái của bà Trịnh Thị X, là cháu ngoại của cụ Trịnh Văn K, cụ Nguyễn Thị Y. Chị xác nhận lời khai của ông Trịnh Văn Đ và Trịnh Văn T về thời điểm cụ K, cụ Y chết, về diện hàng thừa kế, về khối di sản của cụ Y, cụ K là chính xác. Hiện nay, di sản do ông Trịnh Văn T (vợ là Bùi Thị S) đang quản lý, sử dụng. Nếu được chia di sản thừa kế (kỷ phần của mẹ), chị nhường kỷ phần của mình cho ông Trịnh Văn T. Ông T phải nộp án phí thay chị. Do công việc bận, chị ủy quyền cho ông T thay mặt chị giải quyết mọi vấn đề trong vụ án.

Tại biên bản ghi lời khai, người có quyền lợi liên quan anh Trịnh Quyết T1 trình bày: Anh là con đẻ của ông Trịnh Văn T, bà Bùi Thị S. Chị Đỗ Thị T2 là vợ anh. Mặc dù Tòa án xác định vợ chồng anh là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng anh xác định vợ chồng anh không có quyền lợi gì đối với khối di sản của ông bà anh để lại, cũng như đối với khối tài sản của bố mẹ anh tạo dựng. Toàn bộ tài sản, công trình, vật kiến trúc, cây trồng trên đất đều là tài sản của bố mẹ anh. Nếu Tòa án có căn cứ xác định vợ chồng anh có quyền lợi liên quan đến di sản thừa kế thì đề nghị Tòa án giao phần quyền lợi của vợ chồng anh cho bố mẹ anh sử dụng; sau này giữa vợ chồng anh và bố mẹ anh sẽ giải quyết với nhau sau. (Chị Đỗ Thị T2 nhất trí với quan điểm của anh Trịnh Quyết T1).

Tại biên bản ghi lời khai đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị T3 trình bày: Chị và anh Trịnh Ngọc T4 là vợ chồng, ông Trịnh Văn T và bà Bùi Thị S là bố mẹ chồng. Do công việc bận nên vợ chồng chị ủy quyền cho mẹ chồng chị là bà Bùi Thị S giải quyết mọi vấn đề trong vụ án. Mặc dù Tòa án xác định vợ chồng chị là người có quyền lợi liên quan trong vụ án nhưng chị xác định vợ chồng chị không có quyền lợi liên quan đến khối di sản thừa kế và khối tài sản chung của bố mẹ chồng. Mọi công trình, vật kiến trúc, cây trồng trên đất đang tranh chấp là của bố mẹ chồng, ngay cả ngôi nhà vợ chồng chị đang ở. Trong quá trình giải quyết vụ án, nếu Tòa án xác định vợ chồng chị có quyền lợi gì thì giao quyền lợi đó cho ông Trịnh Văn T quản lý sử dụng, giữa vợ chồng chị và ông Trịnh Văn T sẽ giải quyết với nhau sau.

Tại biên bản xác minh ngày 11/01/2021 và ngày 14/01/2021, UBND xã Thanh Thủy cung cấp:

Theo tài liệu 299 (từ năm 1980 - 1986) thể hiện ông Trịnh Văn K đăng ký sử dụng thửa 275, tờ số 03, diện tích 685m2, loại đất thổ cư; thửa 274, tờ số 03, diện tích 169m2, loại đất ao; thửa 101, tờ số 08, diện tích 783m2, loại đất trồng lúa.

Năm 1992, đo bản đồ cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Trịnh Văn K đứng tên chứng nhận thửa 124, tờ 06, diện tích 688m2, loại đất thổ cư; thửa 169, tờ 06, diện tích 120m2, loại đất ao (Hai thửa này theo bản đồ 299 là thửa 275, 274). Ông Trịnh Văn Đ được đứng tên sử dụng và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa 301, tờ 06, diện tích 468 m2, loại đất thổ cư. Bà Trịnh Thị X đứng tên cấp Giấy chứng nhận thửa 308, tờ 06 diện tích 528 m2 (Hai thửa trên theo Bản đồ 299 là thửa 101).

Theo Bản đồ 2010, ông Trịnh Văn T đăng ký sử dụng thửa 228, tờ bản đồ số 16, diện tích 880m2, loại đất ở (theo bản đồ 299 là thửa 274, 275). Ông Trịnh Văn Đ đăng ký sử dụng thửa 166, tờ bản đồ số 21, diện tích 415m2, loại đất ở. Bà Trịnh Thị H1 (con bà X) đăng ký sử dụng thửa 177, tờ 21, diện tích 525m2, loại đất ở (theo bản đồ 299 cả hai thửa trên thuộc thửa 101).

Kết quả đo đạc hiện trạng đất ông Trịnh Văn T đang sử dụng lấy theo kết quả của đơn vị tư vấn đo cho Tòa án vì có sự chứng kiến và ký giáp ranh của các hộ liền kề, tổng diện tích là 797,2m2 chưa trừ diện tích đền bù đường. Diện tích, phương án, số tiền đền bù cho hộ ông Trịnh Văn T theo số liệu của Ban giải phóng mặt bằng huyện T.

Căn cứ vào sổ giao ruộng năm 1992, hộ cụ Nguyễn Thị Y1 (vợ ông Trịnh Văn K) ở xóm 5, xã Thanh Thủy có 06 khẩu được chia ruộng gồm: Cụ Nguyễn Thị Y1, bà Trịnh Thị B, ông Trịnh Văn T, bà Bùi Thị S, anh Trịnh Ngọc T4, anh Trịnh Quyết T1 (con ông T), tổng diện tích 3744m2 (trong đó trừ vào vườn thổ cư tại thửa 124, 169 tờ bản đồ số 06 là 96m2). Theo tiêu chuẩn cụ Y1 được giao 624m2 đất 721, trừ vào vườn là 16m2, thực chia của cụ Y1 là 608m2.

Tại Biên bản xác minh ngày 04/01/2021, Phòng Tài nguyên môi trường huyện T cung cấp: Căn cứ vào hồ sơ bồi thường hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất giải phóng mặt bằng thực hiện công trình nâng cấp mở rộng tỉnh lộ 390 đoạn thuộc địa phận xã Thanh Thủy của giai đoạn 3 thể hiện diện tích nhà nước thu hồi của hộ ông Trịnh Văn T tại thửa 228, tờ bản đồ số 16 là 36,6 m2, loại đất ở nông thôn, số tiền được đền bù là 274.500.000 đồng.

Tại Bản án số 03/2021/DS-ST ngày 12/3/2021, Tòa án nhân dân huyện T đã quyết định: Căn cứ Điều 611, 623, 649, 650, 651, 652, 660, khoản 2 Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự; khoản 5 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147; Điều 157; Điều 158, Điều 165; Điều 166; điểm a,b khoản 2 Điều 227, khoản 1,2 Điều 228, Điều 229, Điều 271, Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 103 Luật đất đai năm 2013; Luật phí, lệ phí; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, tuyên xử:

1. Ghi nhận sự tự nguyện của các đương sự chỉ yêu cầu giải quyết di sản thừa kế là quyền sử dụng 797,2 m2 đất tại thửa 124, 169 tờ bản đồ số 06 xã D, huyện P, tỉnh D sau khi tách trả ông T, bà S, bà B, anh T1, anh T4 (do ông T đại diện) 80 m2 đất tiêu chuẩn 721 trừ vào vườn.

2. Tách trả ông Trịnh Văn T, bà Bùi Thị S, bà Trịnh Thị B, anh Trịnh Quyết T1, anh Trịnh Ngọc T4 mỗi người 16m2 đất tiêu chuẩn 721 nhập vào vườn tại thửa 124, 169 tờ bản đồ số 06 xã D, huyện P, tỉnh D. Ghi nhận sự tự nguyện của của bà Trịnh Thị B, anh Trịnh Quyết T1 giao tiêu chuẩn đất 721 nhập vào vườn tại thửa 124, 169 tờ bản đồ số 06 xã D, huyện P, tỉnh D cho ông T sử dụng. Tạm giao giá trị quyền sử dụng đất 721 nhập vào vườn tại thửa 124, 169 tờ bản đồ số 06 xã D, huyện P, tỉnh D của anh Trịnh Ngọc T4 cho ông Trịnh Văn T sử dụng. Nếu có tranh chấp giành quyền khởi kiện cho anh T4 trong một vụ án dân sự khác.

3. Áng trích công sức tôn tạo di sản cho ông Trịnh Văn T và bà Bùi Thị S bằng quyền sử dụng 98 m2 đất vườn trị giá 735.000.000 đồng đồng từ di sản của cụ Y, cụ K tại thửa 124, 169 tờ bản đồ số 06 xã D, huyện P, tỉnh D. Ghi nhận sự tự nguyện của ông T, bà S nhập số tài sản được chia vào kỷ phần thừa kế gia đình được hưởng.

4. Xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ Y gồm 6 kỷ phần là cụ K, bà X, bà H, ông Đ, bà B, ông T; hàng thừa kế thứ nhất của cụ K gồm 5 kỷ phần: bà X (do chị H1 hưởng), bà H, ông Đ, bà B, ông T.

5. Xác định di sản thừa kế của cụ Y, cụ K sau khi trừ đi phần áng trích công sức cho vợ chồng ông T 98 m2 đất, tách trả ông T 80 m2 đất tiêu chuẩn 721 trừ vào vườn là 582,6 m2 đất (trong đó có 263,4 m2 đất ở, 199,2 đất vườn,120 m2 đất ao thừa,) tại thửa 124, 169 tờ bản đồ số 06 xã D, huyện P, tỉnh D và 274.500.000 đồng tiền đền bù, có tổng trị giá là 3.753.000.000 đồng.

6. Xác định mỗi một kỷ phần thừa kế được hưởng là 750.600.000 đồng. Ghi nhận sự tự nguyện của bà Trịnh Thị B, chị Trịnh Thị H1 nhường kỷ phần của mình cho ông Trịnh Văn T.

7. Chia bằng hiện vật:

Chia cho ông Đ được hưởng 141,9 m2 đất (trong đó có 53 m2 đất ở, 88,9 m2 đất vườn) tại thửa 124, 169 tờ bản đồ số 06 xã D, huyện P, tỉnh D là hình MDQP trong sơ đồ phân chia có trị giá là 1.064.250.000 đồng, 01 nhà gạch chỉ diện tích 52,1 m2 (bao gồm hệ thống điện, mái tôn kết cấu sắt của anh Trịnh Ngọc T4 và chị T3 xây dựng) trị giá 188.007.179 đồng, 01 khóm thanh long trị giá 280.000 đồng, 01 cây khế trị giá 300.000 đồng, 01 cây xoài trị giá 400.000 đồng, 01 cây cau trị giá 300.000 đồng, 01 khóm dong trị giá 40.000 đồng, 10 cây chuối to trị giá 350.000 đồng, 17 cây chuối nhỏ trị giá 170.000 đồng, 01 cây đu đủ 50.000 đồng, 01 cây trứng gà trị giá 250.000 đồng, 01 nhà vệ sinh thường hết khấu hao, 01 lán tạm nuôi vịt hết khấu hao, 01 đoạn đường bao sát với nhà bà Nga gần đường tỉnh lộ 390 hết khấu hao là những tài sản của ông T, bà S, tổng cộng 1.254.397.179 đồng. Ông Đ phải có trách nhiệm trích trả phần vượt quá kỷ phần được hưởng cho bà H 313.650.000 đồng. Ông Đ phải có trách nhiệm thanh toán trả cho ông T, bà S giá trị công trình xây dựng, cây trồng trên đất là 190.147.179 đồng.

Chia cho ông T được hưởng 03 kỷ phần thừa kế ( của ông T, bà X, bà B) gồm 274.500.000 đồng tiền bồi thường, trị giá quyền sử dụng 440,7 m2 đất (trong đó có 210,7 m2 đất ở;110,3 đất vườn; 120 m2 đất ao thừa) cộng bằng 2.688.750.000 đồng; 80 m2 đất tiêu chuẩn 721 của ông T, bà S, bà B, anh T1, anh T4 trừ vào vườn trị giá 600.000.000 đồng; công sức duy trì, tôn tạo và phát triển cho ông T, bà S 98 m2 đất vườn trị giá 735.000.000 đồng tại thửa 124, 169 tờ bản đồ số 06 xã D, huyện P, tỉnh D theo Sơ đồ phân chia là hình ABCMPOGHK, tổng trị giá 4.023.750.000 đồng. Ông T phải có trách nhiệm trích trả phần vượt quá kỷ phần được hưởng cho bà H 436.950.000 đồng.

Ông T phải có trách nhiệm thanh toán cho anh T4, chị H trị giá ngôi nhà gạch chỉ, trị giá quyền sử dụng 16 m2 đất 721 của anh T4 nhập vào vườn khi anh T4, chị H có yêu cầu. Nếu có tranh chấp giành quyền khởi kiện cho anh T4, chị H trong vụ án dân sự khác Các đương sự tự mở lối đi và có trách nhiệm đến Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để hoàn tất thủ tục sử dụng đất và phải chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật trong quá trình sử dụng bất động sản được chia.

Trường hợp đường ranh giới đi vào tài sản hoặc cây cối trên đất của ai thì người đó có trách nhiệm chặt bỏ hoặc tháo dỡ.

(Việc phân chia di sản thừa kế bằng hiện vật có sơ đồ kèm theo).

8. Đối với tài sản, công trình trên quyền sử dụng đất ông T được hưởng là tài sản riêng của ông T, bà S. Gia đình ông T, bà S tiếp tục quản lý, sử dụng, không đặt ra giải quyết.

9. Về chi phí thẩm định, định giá: Không đặt ra giải quyết.

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí sơ thẩm, lãi suất chậm thi hành án, quyền kháng cáo và quyền yêu cầu thi hành án.

Ngày 25/3/2021, ông Trịnh Văn T và bà Bùi Thị S kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, nếu Tòa án cấp sơ thẩm xác định diện tích đất ông bà đang sử dụng là di sản thừa kế thì diện tích 468m2 đất hiện mang tên ông Đ và diện tích 528m2 đất hiện mang tên bà X cũng phải xác định là di sản thừa kế của cụ Y và cụ K để chia cho các con. Ông bà được chia phần công sức tương đương 98m2 đất vườn là thiệt thòi, lẽ ra ông bà phải được hưởng công sức tương đương 220m2 đất. Tòa án cấp sơ thẩm chia cho ông Đ phần đất xâm phạm vào ngôi nhà của anh T4 là không đúng pháp luật. Ông T, bà S đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.

Ngày 25/3/2021, ông Trịnh Văn Đ kháng cáo không chấp nhận áng trích 98m2 đất vườn trị giá 735.000.000 đồng cho gia đình ông T; không đồng ý thanh toán trả cho ông T số tiền 190.147.179 đồng là giá trị công trình xây dựng và cây trồng trên đất; đề nghị xem xét lại kết quả xác minh trong số 797,2 m2 đất có 80m2 là tiêu chuẩn đất 721 của ông T, bà S, bà B, anh T1, anh T4 trừ vào vườn; phân chia số tiền 274.500.000 đồng là tiền bồi thường đất thu hồi 36,6 m2.

Ngày 26/3/2021, Viện kiểm sát nhân dân huyện T, tỉnh D có Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 01/QĐKNPT-VKS-DS, nhận thấy bản án dân sự sơ thẩm có các vi phạm:

- Về tố tụng: Chữ ký của anh Trịnh Ngọc T4 trong giấy ủy quyền ngày 21/12/2021 không do anh T4 ký. Tòa án cấp sơ thẩm xác định anh T4 là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng không tiến hành các thủ tục tống đạt, ghi lời khai của anh T4; xác định ông T, bà S là người đại diện theo pháp luật là không phù hợp. Tại bản án đã quyết định chia cho ông Đ phần đất diện tích 141,9m2, trên đất có ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của anh T4 là ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của anh T4.

- Về nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm chưa thu thập tài liệu, chứng cứ xác định tại thời điểm cụ Y chết thì bố mẹ đẻ của cụ Y còn sống hay đã chết để xác định hàng thừa kế; không coi Biên bản họp gia đình ngày 23/4/2000 là một trong những chứng cứ và yêu cầu cung cấp bản gốc để đánh giá trong quá trình giải quyết vụ án là chưa khách quan, toàn diện dẫn đến việc giải quyết chưa đảm bảo công bằng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên đương sự.

Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh D xét xử phúc thẩm theo hướng áp dụng khoản 3 Điều 308, Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự, hủy bản án dân sự sơ thẩm 03/2021/DSST ngày 12/3/2021 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh D để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

Tại cấp phúc thẩm, chị H1 trình bày chị không ủy quyền cho ông T mà chị trực tiếp tham gia tố tụng và quyết định mọi vấn đề liên quan trong vụ án. Nếu Tòa án chỉ xác định thửa đất số 124, 169, tờ bản đồ số 6, địa chỉ: xã D, huyện P (hiện nay vợ chồng ông T đang quản lý, sử dụng) là di sản thừa kế mà cụ K, cụ Y để lại và chia theo quy định pháp luật thì chị tự nguyện cho ông T kỷ phần chị được hưởng. Nếu Tòa án đồng thời xác định thửa đất 308, tờ bản đồ số 6, địa chỉ: xã D, huyện P, D mà mẹ chị là bà X được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hiện đã sang tên chị) và thửa đất vợ chồng ông T đang quản lý, sử dụng đều là di sản thừa kế và chia theo pháp luật thì chị đề nghị Tòa án chia cho chị được hưởng quyền lợi, chị không cho ông T kỷ phần mà chị được hưởng. Chị đề nghị Tòa án giải quyết vắng mặt.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Viện kiểm sát giữ nguyên nội dung kháng nghị.

Ông Đ xin rút nội dung kháng cáo phân chia số tiền 274.500.000 đồng là tiền bồi thường thu hồi 36,6m2 đất, giữ nguyên các nội dung kháng cáo khác; không đồng ý kháng nghị và kháng cáo của ông T, bà S. Ông Đ xác định không có việc lập biên bản họp gia đình vào ngày 23/4/2000, chữ ký trong biên bản không phải chữ ký của ông. Việc vợ chồng ông T đưa cho bà B số tiền 5.000.000 đồng là tiền mua lại ngôi nhà mà bà B đã xây nhờ trên đất của bố mẹ; không có việc vợ chồng ông T mua đất của bà B, nếu bà B có bán thì cũng là bất hợp pháp. Bà N nhất trí với ý kiến của ông Đ.

Ông T, bà S giữ nguyên nội dung kháng cáo, nhất trí kháng nghị, không đồng ý nội dung kháng cáo của ông Đ. Ông T, bà S xác định trên diện tích đất tranh chấp có 01 ngôi nhà của vợ chồng anh T1, chị T2, 01 ngôi nhà của anh T4, thửa đất vợ chồng ông T đang sử dụng tuy có nguồn gốc là tài sản của bố mẹ nhưng bố mẹ ông đã cho ông và bà B mỗi người ½ diện tích đất. Năm 1993, bà B xây nhà cấp bốn. Sau cuộc họp gia đình ngày 23/4/2000, ông Đ không chăm sóc được bố nên vợ chồng ông đã chăm sóc bố và trả bà B 5.000.000 đồng để lấy phần đất bà B được bố mẹ cho (trên đất có nhà của bà B), do vậy bố mẹ ông không còn di sản. Ông T, bà S đề nghị công nhận hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng nhà đất giữa bà B và vợ chồng ông.

Bà B xác định những nội dung trình bày của ông T, bà S là đúng, bà đồng ý với nội dung kháng cáo của ông T, bà S và kháng nghị của Viện kiểm sát, không đồng ý với nội dung kháng cáo của ông Đ.

Anh T4 đồng ý với nội dung kháng cáo của ông T, bà S và kháng nghị, không đồng ý với nội dung kháng cáo của ông Đ. Anh T4 trình bày anh chấp hành án tại trại tạm giam Hà Nam từ ngày 28/12/2019 đến ngày 28/5/2021 nên ngày 21/12/2020 anh không có mặt tại xã D để ký giấy ủy quyền cho mẹ anh là bà S tham gia tố tụng và quyết định mọi vấn đề trong vụ án. Anh có nghe bà S nói lại chữ ký của anh trong giấy ủy quyền do anh trai là Trịnh Quyết T1 ký hộ. Toàn bộ quá trình TAND huyện T thụ lý, giải quyết vụ án anh không được biết nên việc Tòa án quyết định giao phần đất có nhà của anh cho ông Đ là không đảm bảo quyền lợi cho anh. Năm 2012 (trước khi kết hôn với chị T3), anh được ông T, bà S cho phần đất giáp với nhà bà Nga, anh đã xây nhà nên đề nghị cấp phúc thẩm giải quyết xác định nhà đất thuộc quyền sở hữu, sử dụng của anh.

Đại diện VKSND tỉnh D phát biểu ý kiến: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Về việc giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 3 Điều 308, Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự: Chấp nhận kháng nghị của VKSND huyện T. Hủy bản án sơ thẩm số 03/2021/DS-ST ngày 12/3/2021 của TAND huyện T để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra công khai tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của đương sự, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng:

Kháng cáo của các đương sự trong hạn luật định, ông Đ được miễn nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, ông T, bà S đã nộp tạm ứng án phí nên kháng cáo là hợp lệ.

Tại phiên tòa vắng mặt anh T1, chị T2, chị T3, bà H, chị H1, cháu H2 nhưng anh T1, chị T2, chị T3 đã ủy quyền cho bà S, bà H đã ủy quyền cho ông Đ, chị H1 có yêu cầu vắng mặt, cháu H2 đã có người đại diện hợp pháp có mặt nên căn cứ khoản 2 Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử quyết định xét xử vắng mặt những người này.

[2] Xét các nội dung kháng cáo của đương sự, kháng nghị của VKSND huyện T, Hội đồng xét xử xét thấy:

[2.1] Giấy ủy quyền lập ngày 21/12/2020 (có xác nhận của UBND xã D) thể hiện nội dung anh Trịnh Ngọc T4 ủy quyền cho bà Bùi Thị S tham gia tố tụng tại Tòa án, có toàn quyền quyết định mọi vấn đề trong vụ án. Tại phiên tòa sơ thẩm, bà S trình bày chữ ký trong giấy ủy quyền không do anh T4 ký, hiện nay anh T4 đang chấp hành án tại Trại giam Nam Hà. Tại cấp phúc thẩm đã lấy lời khai của anh T4 và anh T1 (anh trai anh T4) trình bày chữ ký của anh T4 trong giấy ủy quyền do anh T1 ký, anh T4 không biết việc ông Đ khởi kiện chia thừa kế và cũng không ủy quyền cho bà S. Mặt khác, anh T4 chấp hành án tại Trại giam Nam Hà từ ngày 28/12/2019 đến ngày 28/5/2021 thì ra trại. Như vậy, có căn cứ khẳng định không có việc anh T4 ủy quyền cho bà S tham gia tố tụng. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm nhận định chị T3 (vợ anh T4) trình bày vợ chồng không có quyền lợi liên quan trong vụ án, anh T4 đang chấp hành án không thể có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án, ông T và bà S đề nghị để ông bà đại diện cho anh T4 nên việc vắng mặt của anh T4 không ảnh hưởng đến quyền lợi của anh T4, việc nhận định như trên là không đúng quy định, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi đương sự, không cho anh T4 được thực hiện các quyền tham gia tố tụng của đương sự tại cấp sơ thẩm. Cấp sơ thẩm cho rằng để đảm bảo quyền lợi cho anh T4 thì giành quyền kháng cáo cho anh T4, như vậy đã không đảm bảo các quyền tố tụng khác của anh T4, ảnh hưởng đến việc anh T4 tự bảo vệ quyền lợi của mình. Anh T4 không thuộc một trong các trường hợp là người chưa thành niên, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định tại Điều 136 Bộ luật dân sự, nên cấp sơ thẩm xác định ông T, bà S là người đại diện theo pháp luật cho anh T4 là không đúng quy định pháp luật.

Tại cấp phúc thẩm, anh T4 trình bày năm 2012 (trước khi kết hôn với chị T3), anh được ông T, bà S cho phần đất giáp với nhà bà Nga, anh đã xây nhà nên đề nghị cấp phúc thẩm giải quyết xác định nhà đất thuộc quyền sở hữu, sử dụng của anh. Ông T, bà S cũng xác định đã cho anh T4 phần đất này. Như vậy, việc cấp sơ thẩm không tiến hành thu thập chứng cứ, ghi lời khai của anh T4 dẫn đến việc anh T4 không được trình bày ý kiến, đến nay anh T4 có yêu cầu giải quyết quyền lợi của anh nhưng chưa được xem xét, giải quyết hết các yêu cầu. Mặt khác, quyền lợi của anh T4 trong vụ án là tiêu chuẩn đất 721 và ngôi nhà trên đất tranh chấp nhưng cấp sơ thẩm lại tạm giao giá trị tiêu chuẩn 721 của anh T4 cho ông T quản lý, chia cho ông Đ phần đất có ngôi nhà của anh T4, ông Đ trả cho ông T giá trị ngôi nhà, ông T có trách nhiệm trả tiền cho vợ chồng anh T4, nếu có tranh chấp thì khởi kiện vụ án dân sự khác là không đảm bảo quyền lợi của anh T4.

[2.2] Tại cấp sơ thẩm, ông T, bà S, bà B trình bày năm 1991, cụ Y đã cho ông T và bà B mỗi người ½ diện tích đất (BL 129). Ngày 23/4/2000, gia đình đã tổ chức họp và thống nhất giao cho ông Đ, bà N có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc cho cụ K khi về già và được hưởng phần đất của bà B, phải trả cho bà B 5.000.000 đồng nhưng ông Đ không thực hiện. Các chị em đã thống nhất giao lại cho ông T trông nom bố. Vợ chồng ông T, bà S đã trả cho bà B 5.000.000 đồng nên bố mẹ không còn di sản để chia (BL 51). Tuy nhiên, cấp sơ thẩm chỉ ghi ý kiến của các đương sự nhưng không làm rõ trong trường hợp xác định diện tích đất tranh chấp là di sản thừa kế thì các đương sự có yêu cầu giải quyết đối với việc ông T, bà S đã trả bà B 5.000.000 đồng để lấy phần nhà đất của bà B không. Tại cấp phúc thẩm, ông Đ cũng xác định có việc ông T trả cho bà B 5.000.000 đồng nhưng là số tiền do ông T mua nhà của B; trong khi đó vợ chồng ông T và bà B xác định có việc chuyển nhượng đất, đề nghị công nhận hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực. Như vậy, cấp sơ thẩm khi xác định diện tích đất tranh chấp là di sản thừa kế nhưng không giải quyết hợp đồng chuyển nhượng đất giữa vợ chồng ông T và bà B là vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu là thiếu sót.

Từ những phân tích trên, xét thấy cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của VKSND huyện T và kháng cáo của ông T, bà S, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho TAND huyện T giải quyết lại theo quy định tại Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Do bản án sơ thẩm bị hủy nên không xem xét các nội dung kháng nghị khác, nội dung kháng cáo khác của ông Đ, ông T, bà S.

[3] Về án phí: Do bản án sơ thẩm bị hủy nên án phí sơ thẩm sẽ được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét giải quyết lại, ông Đ, ông T, bà S không phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 148, khoản 3 Điều 308, Điều 310, Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Chấp nhận kháng nghị của VKSND huyện T và kháng cáo của ông Trịnh Văn T, bà Bùi Thị S.

1. Hủy toàn bộ Bản án số 03/2021/DS-ST ngày 12/3/2021 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh D về vụ án “Tranh chấp về thừa kế tài sản” giữa nguyên đơn ông Trịnh Văn Đ với bị đơn ông Trịnh Văn T.

Chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh D giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

2. Về án phí sơ thẩm: Tòa án cấp sơ thẩm sẽ xác định lại khi giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Về án phí phúc thẩm: Ông Đ, ông T, bà S không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Hoàn trả ông T 300.000 đồng tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai số AA/2018/0003739 ngày 07/4/2021, hoàn trả bà S 300.000 đồng tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai số AA/2018/0003738 ngày 07/4/2021 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, tỉnh D.

3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án 06/8/2021.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

48
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 24/2021/DS-PT

Số hiệu:24/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Dương
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:06/08/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về