Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 23/2024/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

BẢN ÁN 23/2024/DS-PT NGÀY 01/03/2024 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Ngày 01 tháng 3 năm 2024, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 67/2023/TLPT-DS ngày 05/10/2023 về việc Tranh chấp về thừa kế tài sản.

Do bản án dân sự sơ thẩm số: 17/2023/DS-ST ngày 02/8/2023 của Tòa án nhân dân huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 87/2023/QĐXX-PT ngày 04/12/2023, giữa:

1. Nguyên đơn: Ông Phạm Đức Th, sinh năm 1959. Địa chỉ: thôn D, xã N, huyện K, tỉnh Hải Dương.

2. Bị đơn: Ông Phạm Văn Tr, sinh năm 1971 Người đại diện hợp pháp của ông Tr: Bà Vũ Thị H, sinh năm 1972 (là vợ ông Tr, là đại diện theo ủy quyền).

Cùng địa chỉ: thôn D, xã N, huyện K, tỉnh Hải Dương.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà Phạm Thị U, sinh năm 1956

3.2. Ông Phạm Ngọc T, sinh năm 1963

3.3. Ông Phạm Văn L, sinh năm 1969 Đều có địa chỉ: thôn D, xã N, huyện K, tỉnh Hải Dương.

3.4. Bà Phạm Thị Nh, sinh năm 1965. Địa chỉ: số 277 L, phường L, TP.H, tỉnh Hải Dương.

Bà U, ông T, ông L và bà Nh ủy quyền cho ông Phạm Đức Th là nguyên đơn làm người đại diện.

3.5. Bà Vũ Thị H, sinh năm 1972. Địa chỉ: thôn D, xã N, huyện K, tỉnh Hải Dương.

3.6. UBND xã N, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Người đại diện hợp pháp: Ông Nguyễn Tiến D - Chức vụ: Chủ tịch UBND xã

4. Người kháng cáo: Người đại diện hợp pháp của bị đơn ông Phạm Văn Tr. mặt.

Ông Th, ông Tr, bà H, bà U, ông T, ông L, bà Nh có mặt; đương sự khác vắng

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án dân sự sơ thẩm số: 17/2023/DS-ST ngày 02/8/2023 của Tòa án nhân dân huyện Kim Thành, vụ án có nội dung tóm tắt như sau:

Nguyên đơn ông Th trình bày:

Bố mẹ đẻ ông Th là cụ Phạm Văn V, sinh năm 1934, chết năm 2011 và cụ Đặng Thị B, sinh năm 1932, chết năm 2018. Cụ V và cụ B sinh được 06 người con, gồm: bà Phạm Thị U, ông Phạm Ngọc T, bà Phạm Thị Nh, ông Phạm Đức Th, ông Phạm Văn L và ông Phạm Văn Tr. Các cụ không còn con đẻ, con nuôi nào khác. Khi còn sống, cụ V và cụ B có khối tài sản chung là quyền sử dụng đất diện tích 796m2 tại thửa đất số 194, 211, tờ bản đồ số 5, địa chỉ tại đội 10, thôn D, xã N, huyện K, tỉnh Hải Dương. Đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mang tên Phạm Văn V và Đặng Thị B, theo ông biết hiện GCNQSDĐ do vợ chồng ông là Phạm Văn Tr và Vũ Thị H quản lý. Trên diện tích đất này, trước đó các cụ có xây dựng 01 căn nhà gỗ 5 gian, sau đó căn nhà xuống cấp, nên năm 1989 các cụ đứng ra và anh em đóng góp thêm kinh phí để xây dựng lại 01 căn nhà mái bằng diện tích khoảng hơn 50m2 để các cụ sinh sống. Năm 1995, các cụ đứng ra và anh em ông đóng góp kinh phí để xây dựng 01 căn nhà thờ khoảng 30m2. Ngoài ra trên diện tích đất này còn có 02 bể nước; 01 gian bếp đã cũ hỏng; 01 sân bê tông diện tích khoảng trên 50m2; tường bao thì trước đó bố mẹ ông xây. Đối với đoạn tường bao giáp nhà bà U, do vợ chồng ông Tr xây năm 2020. Trên diện tích đất này còn 02 cây vải, 01 cây nhãn là do bố mẹ ông trồng; các cây còn lại thì vợ chồng ông Tr đã chặt hết để trồng cây thanh long; 01 cổng sắt cũ do bố mẹ ông để lại.

Ngày 05/5/2007, cụ V lập di chúc có nội dung: “…hiện nay vợ chồng tôi đang quyền sở hữu vườn đất ở với diện tích 796m2 thuc tờ bản đồ số 5, thửa 194 và 211. Trên diện tích đất vườn ở, vợ chồng tôi đã xây dựng 01 căn nhà thờ các cụ gồm 03 gian đang được sử dụng hương khói thờ các cụ. 05 người con chúng tôi đã có vườn đất ở riêng và vợ chồng chúng tôi cũng đã có trách nhiệm đầu tư vật chất để xây dựng vườn đất nhà ở. Riêng đối với con út là Phạm Văn Tr vợ chồng tôi chưa có điều kiện đầu tư vật chất để xây dựng cuộc sống. Nay vợ chồng tôi thống nhất quyết định lập di chúc để lại tài sản vườn đất ở với diện tích 796m2 cho vợ chồng con là Phạm Văn Tr toàn quyền sử dụng và không phải làm bất kỳ nghĩa vụ dân sự nào sau khi vợ chồng tôi chết đi. Còn nhà thờ tổ đường nằm trên diện tích đất vườn không được phá dỡ mà các anh chị em phải có trách nhiệm hương khói, thờ cúng và cùng nhau bàn bạc tu sửa khi nhà thờ hư hỏng, xuống cấp…”. Di chúc do cụ V tự viết, ký có xác nhận, đóng dấu của Chủ tịch UBND xã N. Ông Th xác định bản di chúc này không hợp pháp, vì chữ ký B, Đặng Thị B trong bản di chúc là chữ của cụ V, không phải chữ ký của cụ B.

Sau khi cụ V chết, ngày 02/10/2016 cụ Đặng Thị B có lập bản di chúc sửa đổi có nội dung: “… vợ chồng tôi đã lập di chúc ngày 05/5/2007 về tài sản vườn đất và nhà thờ tổ đường thuộc tờ bản đồ số 05, thửa 194 và 211 với tổng diện tích là 796m2 cho con trai út Phạm Văn Tr. Sau khi chồng tôi mất đi, tôi nhận thấy để thuận tiện cho việc quy hoạch và xây dựng nhà cửa của con út sau này nên tôi sửa lại di chúc lập ngày 05/5/2007 như sau (vì nhà thờ tổ đường là nhà thờ chung cho con cháu): Phần đất của tôi sẽ tách riêng cùng với nhà thờ hiện nay để làm nhà thờ chung cho con cháu sau này. Cụ thể: Phía đông sau nhà thờ (nhà N) và phía nam giáp nhà 02 tầng hiện tôi đang ở (nhà U) mỗi bên lùi lại cách tường nhà thờ hiện tại bằng 0,5m. Cắt thẳng từ bê tông giáp nhà Lâm sang phía nhà 02 tầng (giáp nhà U) bằng 10m.Từ đầu hồi giáp nhà 02 tầng cắt vuông góc với bờ gô sân (lối đi ra cổng) hiện tại bằng 11,5m. Cắt từ phía hè cổng thẳng ra bếp là nhà thờ và sân nhà thờ với diện tích bằng 11,5mx10m= 115m2Vì nhà thờ chung nên tôi phải tách riêng biệt để 06 người con không ai có quyền sử dụng riêng trên đất nhà thờ tổ đường. Như vậy, tổng diện tích đất tôi tách riêng để làm nhà thờ là: 115m2 + 66m2 = 35m2 = 216m2. Số còn lại, con út tôi là Phạm Văn Tr được hưởng là: 796m2-216m2= 580m2….”. Di chúc này do bà Phạm Thị Nh lập, chữ ký và dấu vân tay trong bản di chúc này là của cụ B. Ông Th không được bàn bạc, trao đổi gì, không được chứng kiến việc cụ B lập bản di chúc này. Ông Th xác định bản di chúc này của cụ B cũng không hợp pháp, nhưng ông nhất trí với nguyện vọng của mẹ ông trong bản di chúc này về việc tách riêng nhà thờ.

Ngày 14/12/2018, sáu anh chị em tổ chức buổi họp gia đình công bố di chúc. Công chức tư pháp - hộ tịch UBND xã N tham gia chứng kiến buổi họp. Cả 5 anh chị em ông đều có ý kiến phải tách phần nhà thờ và có lối đi riêng để ông Tr tiện quy hoạch sau này nhưng ông Tr không đồng ý. Ngày 04/4/2019, UBND xã N đã tổ chức buổi hòa giải tranh chấp đất đai nhưng không thành. Trong các ngày 06-08/7/2019 ông Tr đã xây dựng bịt các lối đi của anh chị em đi sang nhà thờ và ngày 26/7/2019 tiến hành xây dựng, tiếp tục chặt phá cây cối. Ông Th gửi đơn đến UBND xã, ngày 31/7/2019, UBND xã tiến hành buổi hòa giải tranh chấp đất đai lần thứ 2 nhưng vẫn không thành. Ngày 05/8/2019, UBND xã đã ra thông báo số 27/TB-UBND yêu cầu các bên giữ nguyên hiện trạng thửa đất và ngôi nhà đó là của 6 anh chị em, không ai được thay đổi hiện trạng khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép. Ông Tr còn thay khóa cổng, khóa cửa nhà của các cụ không cho anh chị em vào.

Ông Th xác định cả 2 bản di chúc nêu trên đều không đảm bảo theo quy định của pháp luật, ông đề nghị Tòa án hủy bỏ hai bản di chúc và phân chia di sản của cụ V, cụ B theo quy định của pháp luật.

Bị đơn và người đại diện hợp pháp trình bày:

Về thành phần, lý lịch gia đình như nguyên đơn trình bày. Cụ V cụ B có để lại diện tích đất 796m2. Đất đã được UBND huyện Kim Thành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 08/9/2008 mang tên Phạm Văn V và Đặng Thị B, số AI 972645; vào Sổ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H00826-NP/KT. Trên đất, có căn nhà mái bằng do cụ V và cụ B xây dựng năm 1989; 01 căn nhà thờ 03 gian; căn nhà này do cụ V và cụ B đứng ra xây dựng, còn gạch ba banh xây dựng căn nhà này do vợ chồng bà tự đóng để xây; 02 bể nước; 01 gian bếp đã cũ hỏng; 01 sân bê tông diện tích khoảng trên 50m2; tường bao do vợ chồng bà mua gạch và nguyên vật liệu để xây dựng; đoạn tường bao giáp nhà bà U thì do vợ chồng bà xây năm 2020; 01 cây vải, 01 cây nhãn và 01 cây hồng xiêm là do cụ V và cụ B trồng; 01 cổng sắt cũ do bố mẹ chồng bà để lại. Ngoài những di sản nêu trên thì cụ V và cụ B không để lại gì khác.

Bà H và ông Tr kết hôn vào năm 1992, sau kết hôn, ông bà chung sống cùng cụ V và cụ B nhưng riêng và sống tại căn nhà cũ của các cụ. Khoảng 2 - 3 năm sau, thì ông bà ra ở riêng tại diện tích đất khác khoảng hơn 200m2 do ông bà mua, cách nhà cụ V và cụ B ở khoảng 200 - 300m. Khi cụ V và cụ B còn sống thì có tuyên bố cho vợ chồng bà diện tích đất và tài sản nêu trên, nên từ thời điểm đó thì vợ chồng bà đã tự bỏ kinh phí để xây tường bao quanh diện tích đất nêu trên; đoạn tường bao giáp nhà bà U thì có đoạn xây năm 2006, còn 01 đoạn xây dựng năm 2020. Sân bê tông cũng do vợ chồng bà bỏ tiền ra để làm vào năm 2009. Khi cụ B ốm yếu thì các anh chị của ông Tr đã tự lập bản di chúc sửa đổi mang tên cụ B và lăn dấu vân tay của cụ B vào bản di chúc này. Bà H không đồng ý vì bản di chúc này không phải là ý nguyện của cụ B, mà do các anh chị của ông Tr, sau khi ép vợ chồng bà tách đất làm nhà thờ không được thì lợi dụng khi cụ B ốm yếu, không kiểm soát được hành vi đã tự lập bản sửa đổi di chúc, lăn vân tay cụ B vào; còn chữ ký không phải của cụ B. Cụ B không thể đánh máy, lập sơ đồ; hơn nữa bản di chúc này không có người chứng kiến, không được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật.

Nay, ông Phạm Đức Th khởi kiện, yêu cầu Tòa án hủy bản di chúc ngày 05/5/2007 của cụ V và cụ B và phân chia di sản là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất, bà H không đồng ý.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà U, ông T và ông L trình bày: Về thành phần, lý lịch gia đình, di sản của cụ V và cụ B như nguyên đơn và bị đơn trình bày. Nhất trí quan điểm và trình bày của nguyên đơn ông Th. Bà U, ông L, ông T, bà Nh đều được cụ B bàn bạc, trao đổi về nội dung tách đất làm nhà thờ; nhưng khi lập di chúc tại gia đình ở N thì chỉ có bà Nh là người trực tiếp chứng kiến việc mẹ ông bà lập bản di chúc.

Các ông bà đều yêu cầu Tòa án tuyên bố di chúc lập ngày 05/5/2007 và di chúc năm 2016 của cụ B là vô hiệu và phân chia di sản là phần diện tích đất và tài sản trên đất theo quy định của pháp luật.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà Phạm Thị Nh trình bày:

Năm 2016, cụ B vẫn khỏe mạnh, có lên thành phố Hải Dương chơi tại gia đình bà 1 - 2 tuần. Cụ B có nói chuyện về việc vợ ông Tr (Vũ Thị H) có những ứng xử không đúng, có ý định bán diện tích đất của các cụ. Cụ B bàn với bà Nh và các anh chị em trong gia đình chuyện thay đổi di chúc, tách riêng diện tích đất cho ông Tr và diện tích đất nơi có nhà thờ để các anh chị em trong gia đình làm nơi thờ cúng. Sau đó một thời gian, khi bà Nh về quê chơi thì cụ B có dẫn ra vườn, chỉ vị trí phân chia đất cho vợ chồng ông Tr và vị trí đất để làm nhà thờ. Trên cơ sở ý nguyện của cụ B thì bà Nh có soạn thảo bản di chúc, vẽ phác thảo sơ đồ đọc cho cụ B nghe lại. Cụ B nhất trí nội dung thì bà Nh đem bản di chúc này nhờ cháu văn thư Nguyễn Thị Thanh H đánh máy và vẽ sơ đồ hộ. Ngày 02/10/2016 bà Nh đem bản di chúc sửa đổi này về đưa cho cụ B ký tên, điểm chỉ; bà khẳng định chữ ký, dấu vân tay trong bản di chúc này là của cụ B. Khi đó, có cụ B, bà U và bà (Nh); ngoài ra còn có bà B, là hàng xóm (bà không nhớ rõ họ tên) sang chơi có chứng kiến. Khi cụ B ký, điểm chỉ xong thì có em trai bà là Phạm Văn L đến và có biết sự việc. Cụ B là người cất giữ bản di chúc này. Đến khoảng tháng 5/2017 (âm lịch) năm 2017, cụ B bị tai biến, nằm điều trị đến tháng 12/2017 (âm lịch) thì cụ B chết. Khi cụ B bị bệnh, chìa khóa tủ cụ B vẫn treo ở chiếc ghế ở đầu giường. Do có nhiều người qua lại, thăm nom nên bà đã lấy toàn bộ giấy tờ trong tủ của cụ B cho vào một chiếc túi nilon và gửi chị gái bà là Phạm Thị U cất giữ. Đến năm 2018, khi anh em họp bàn bạc việc tách phần diện tích đất nhà thờ và cải tạo, sửa chữa lại nhà thờ thì vợ chồng ông Tr không nhất trí. Ông Tr công bố bản di chúc ngày 05/5/2007. Lúc đó, anh chị em vẫn hòa thuận, không có vấn đề gì về việc thờ cúng. Sau đó, giữa anh em phát sinh tranh chấp, không thỏa thuận được và UBND xã N tiến hành hòa giải thì ông Th mới công bố bản di chúc của cụ B để làm căn cứ về việc cụ B đã thay đổi nguyện vọng trong bản di chúc. Bà Nh xác định bản di chúc của cụ V là vô hiệu. Bà có nguyện vọng được nhận di sản bằng hiện vật (đất) để sử dụng.

UBND xã N, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương cung cấp: Theo sổ mục kê và trích lục bản đồ địa chính năm 1985, diện tích đất tranh chấp thuộc thửa đất số 164, tờ bản đồ số 14, diện tích 834m2, nguồn gốc đất là của ông cha để lại, đất do cụ V, cụ B quản lý, sử dụng. Theo sổ mục kê và trích lục bản đồ năm 1993, là thửa đất số 194, 211 tờ bản đồ số 05, diện tích 731m2. Diện tích đất có thay đổi là do cụ V, cụ B đã tách đất cho con trai là ông Phạm Văn L sử dụng. Năm 2008, khi cấp GCN quyền sử dụng đất, xác định đất có diện tích là 796m2. Việc cấp GCN quyền sử dụng đất dựa theo các số liệu đo năm 1993. Theo hồ sơ kỹ thuật thửa đất năm 2008 cho đến thời điểm hiện tại, đất thuộc thửa số 16, tờ bản đồ số 31 xã N mang tên cụ V, cụ B có diện tích 831m2. Đất có thay đổi tăng lên so với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là do sai số khi đo đạc. Sau khi nhận được đề nghị của công dân về việc tranh chấp thừa kế giữa các anh chị trong gia đình ông Th, ông Tr vào năm 2019, UBND xã đã tiến hành hòa giải 02 lần vào các ngày 04/7/2019 và ngày 07/7/2019 nhưng các bên không thống nhất. UBND xã đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Đình V, sinh năm 1959, địa chỉ thôn B, xã N, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương (nguyên Chủ tịch UBND xã N) trình bày: Khi chứng thực di chúc của cụ V và cụ B ngày 05/5/2007, ông Vụ là Chủ tịch UBND xã N. Khi đó, cụ Phạm Văn V đến UBND xã N để làm thủ tục lập di chúc để lại di sản thừa kế là diện tích đất của cụ V. Cụ V đi một mình, để đảm bảo cho bản di chúc đúng theo quy định, ông đã trực tiếp giao cho ông Nguyễn Quang Đ - nguyên là cán bộ tư pháp xã N vào gặp trực tiếp cụ B để xác nhận lại chữ ký trong bản di chúc trên có đúng là chữ ký của cụ B hay không. Ông Đà xuống trực tiếp gặp hỏi cụ B, thì xác định chữ ký trong bản di chúc ngày 05/5/2007 trên là chữ ký, chữ viết của cụ B. Sau khi ông Đ báo cáo, ông đã ký xác nhận vào bản di chúc trên. Ông Vụ xác định, việc lập bản di chúc trên là đúng theo nguyện vọng và ý chí của cụ V, cụ B. Các con của cụ V, cụ B cho rằng cụ B không ký vào di chúc, ông đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tại bản kết luận giám định số: 23/KL-KTHS ngày 15/7/2022, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Hải Dương kết luận: Dấu vân tay giáp lai in ở mép lề bên phải Bản di chúc sửa đổi, đề ngày 02/10/2016 của cụ Đặng Thị B, trú tại đội 10, thôn D, xã N, huyện K, tỉnh Hải Dương (ký hiệu A4) (mẫu cần giám định) với dấu vân tay in tại ô “ngón trỏ cái” trong giấy CMND số 140441667, mang tên Đặng Thị B (mẫu so sánh) là của cùng một người.

Tại bản kết luận giám định số: 11/KL-KTHS ngày 25/7/2022, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Hải Dương kết luận: Chữ viết và chữ “B - Đặng Thị B” trên Bản di chúc (ký hiệu A1) là do cùng một người viết ra. Không đủ cơ sở để kết luận chữ “B - Đặng Thị B” trên 03 Bản di chúc sửa đổi (ký hiệu A2-A4) với chữ “B - Đặng Thị B” trên Giấy đề nghị (ký hiệu M) có phải do cùng một người viết ra không.

Tại biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 14/12/2022 đối với thửa đất số 194, 211, tờ bản đồ số 05, địa chỉ thôn D, xã N, huyện K, tỉnh Hải Dương cùng toàn bộ tài sản, công trình trên đất, thể hiện: Tổng diện tích hiện trạng sử dụng 820,5m2. Trên đất gồm có các tài sản: 01 nhà chính có diện tích 44,7m2; 01 nhà thờ có diện tích 27,4m2; 01 nhà bếp 14,4m2; 01 bể nước giáp nhà chính có diện tích 9,7m2; 01 bể nước phía trước cửa nhà thờ có diện tích 3,7m2; 01 giếng khơi;

01 nhà vệ sinh phía sau nhà thờ giáp nhà bà Nháng đã bị phá chỉ còn phần thân móng diện tích 3,2m2; 01 sân và đường đi vào nhà có diện tích 195m2 được trát bê tông; 01 sân lát gạch có diện tích 23m2; tường xây bao quanh vườn có chiều dài 5,9m +12,89m+4,80m + 4,21m + 6,53m; cao 1m. 01 đoạn tường xây giáp cầu ao có chiều dài 4,75m + 1,96m, cao 1m; 02 trụ cổng có kích thước 0,5x0,5m; 02 cánh cổng làm bằng tuýp sắt lan hoa có độ rộng 1,7m cao; 01 cổng vườn 80x1m, quây lưới B40. Ngoài ra, trên đất còn có các loại cây: Thanh long 28 cây; vải 3 cây; nhãn 4 cây; hồng xiêm 4 cây; mẫu đơn 2 cây; trạng nguyên 4 cây; đào 3 cây; tranh 2 cây; bưởi 4 cây; cau 5 cây; đu đủ 5 cây; vạn tuế 2 cây; mai tứ quý 4 cây; na 4 cây; mít 6 cây; duối 1 cây; ngâu 1 cây, đinh lăng 4 cây; chậu cây lộc vừng 1 chậu; mai tứ quý 1 chậu; chậu cây dành dành 1 chậu; bia đá 1, chó đá 1.

Tại biên bản định giá tài sản ngày 06/4/2023, Hội đồng định giá kết luận: Đất diện tích 820,5m2 x 3 triệu đồng/m2= 2.461.500.000 đồng. Về tài sản: Nhà chính diện tích 44,7m2, trị giá 93.090.360 đồng; Nhà thờ diện tích 27,4m2 xây dựng năm 1989 mái ngói, trị giá 29.356.497 đồng; Nhà bếp 14,4m2 hiện đã hỏng, không có giá trị; bể nước 9,7m2 trị giá 5.598.840 đồng; bể nước 3,7m2 trị giá 2.135.000 đồng; Giếng khơi, nhà vệ sinh đã hỏng không có giá trị; sân bê tông 195m2 trị giá 8.470.191 đồng; sân lát gạch 23m2 trị giá 844.484 đồng; Tường rào ông Tr xây dựng, trị giá 15.237.137 đồng; tường rào ông Tr xây dựng cao 0,6cm, tường 110 trị giá 475.000 đồng; Tường rào gạch chỉ 110, cao 1m trị giá 27.315.000 đồng; tường xây ba banh 110, cao 1,2m trị giá 23.203.000 đồng; trụ cổng trị giá 973.000 đồng; các cây trên đất, gồm: Thanh long 28 cây trị giá 2.590.000 đồng;

vải 3 cây trị giá 1.590.000 đồng; nhãn 4 cây trị giá 1060.000 đồng; hồng xiêm 4 cây trị giá 445.000 đồng; mẫu đơn 2 cây trị giá 800.000 đồng; đào 3 cây trị giá 450.000 đồng; chanh 2 cây trị giá 160.000 đồng; bưởi 4 cây trị giá 160.000 đồng; cau 5 cây trị giá 50.000 đồng; đu đủ 5 cây trị giá 150.000 đồng; vạn tuế 2 cây trị giá 204.000 đồng; mai tứ quý 4 cây trị giá 28.000 đồng; na 5 cây trị giá 350.000 đồng; mít 6 cây trị giá 840.000 đồng; ngâu 1 cây trị giá 50.000 đồng, đinh lăng 4 cây trị giá 60.000 đồng; chậu cây lộc vừng 1 chậu trị giá 45.000 đồng; chậu cây dành dành 1 chậu trị giá 9.000 đồng.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 17/2023/DS-ST ngày 02/8/2023, Tòa án nhân dân huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương đã quyết định:

Căn cứ Điều 649; khoản 1, 4 Điều 652; 657; 658; 653; khoản 4 Điều 667 của Bộ luật dân sự 2005. Điều 14, Điều 15 Luật hôn nhân và gia đình năm 1986. Điều 9; Điều 11; khoản 5 Điều 38; khoản 1 Điều 39; Điều 50 của Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính Phủ về công chứng, chứng thực.

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Đức Th.

- Xác định bản di chúc ngày ngày 05/5/2007 có hiệu lực pháp luật đối với phần di sản do cụ Phạm Văn V để lại.

- Xác định phần di sản của cụ Đặng Thị B tại bản di chúc ngày 05/5/2007 và bản di chúc sửa đổi ngày 02/10/2016 đều không có hiệu lực pháp luật.

- Xác định di sản thừa kế của cụ V và cụ B là 820.5m2 đất tại thửa đất số 194 và 211, tờ bản đồ số 05 tại đội 10, thôn D, xã N, huyện K, tỉnh Hải Dương.

- Trong tổng diện tích đất 820.5m2 trích 84,5 m2 đất làm lối đi chung cho vào phần diện tích đất phân chia di sản thừa kế. Trên phần lối đi chung có di sản của 2 cụ là 01 cây mít trị giá là 140.000 đồng; trụ cổng trị giá 973.000 đồng. Phần di sản thừa kế của cụ V và cụ B còn lại là 736 m2 đất và trị giá tài sản trên đất là 142.800.000 đồng.

- Trích 3% giá trị di sản là phần diện tích đất của cụ B, tương ứng với 11 m2 đất cho ông Phạm Văn Tr và bà Vũ Thị H về công sức trong việc giữ gìn, bảo quản tài sản là di sản thừa kế của cụ B.

- Giao cho ông Phạm Văn Tr và bà Vũ Thị H được quản lý, sử dụng 379m2 đất có trị giá là 1.137.000.000 đồng (gồm: 368m2 đt là di sản của cụ V và 11m2 đt là công sức việc giữ gìn, bảo quản tài sản là di sản thừa kế của cụ B). Trên diện tích đất có tài sản của cụ V và cụ B trị giá là 99.864.000 đồng (gồm: căn nhà chính trị giá 93.090.360 đồng; bể nước 9,7m2 trị giá 5.598.840 đồng; 02 cây cau, 02 cây mít và 03 cây nhãn, trị giá 1.175.000 đồng). Tổng trị giá tài sản được phân chia là: 1.236.864.000 đồng.

Giao cho ông Phạm Văn Tr và bà Vũ Thị H được quản lý, sử dụng tài sản của ông Tr, bà H trên diện tích đất được phân chia. Tổng trị giá tài sản là 4.359.000 đồng.

- Giao cho bà U, ông T, bà Nh, ông Th, ông L và ông Tr được quyền quản lý, sử dụng chung đối với diện tích đất 357m2 đất là di sản của cụ Đặng Thị B có trị giá 1.071.000.000 đồng, trên đất có: nhà thờ trị giá 29.356.497 đồng; bể nước 3,7m2 trị giá 2.135.000 đồng; sân bê tông 195m2 trị giá 8.470.191 đồng; sân lát gạch 23m2 trị giá 844.484 đồng; 03 cây vải trị giá 1.590.000 đồng, 01 cây mít trị giá 140.000 đồng; 01 cây hồng xiêm trị giá 400.000 đồng; trị giá tài sản trên đất là 42.936.000 đồng. Tổng trị giá tài sản là 1.113.936.000 đồng.

- Ông Tr, bà H có nghĩa vụ trả cho bà U, ông T, bà Nh, ông Th, ông L mỗi người số tiền 4.744.000 đồng (là phần giá trị chênh lệch tài sản là di sản trên đất).

- Bà U, ông T, bà Nh, ông Th, ông L mỗi người có nghĩa vụ trả cho ông Tr, bà H số tiền 232.500 đồng (là giá trị tài sản trên diện tích đất của ông Tr, bà H mà bà U, ông T, bà Nh, ông Th, ông L và ông Tr được giao).

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, chi phí tố tụng và quyền kháng cáo.

Sau khi xét xử sơ thẩm, người đại diện hợp pháp của bị đơn ông Phạm Văn Tr kháng cáo đề nghị Toà án phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm xác định 330m2 đất của ông Tr, sau khi đã trừ đi phần nhà có diện tích 27m2 vì cụ V và cụ B đã có di chúc hợp pháp giao cho vợ chồng ông Tr được quyền quản lý, sử dụng toàn bộ 796 m2 đất.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự có mặt giữ nguyên nội dung đã trình bày như nêu trên. Ông Tr bà H, giữ nguyên đơn kháng cáo, không đồng ý phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm, không đồng ý giao chung phần đất của cụ B cho sáu người. Ông Th, bà U, ông T, ông L và bà Nh nhất trí bản án sơ thẩm; phần di sản của cụ B đề nghị được giao chung cho 05 người cùng quản lý, sử dụng; phần quyền lợi của ông Tr trả cho ông Tr được hưởng.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương phát biểu: Tòa án cấp phúc thẩm đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự từ khi thụ lý đến khi xét xử. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của ông Tr, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm, người kháng cáo phải chịu án phí theo quy định.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến đề nghị của vị đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng, kháng cáo của đương sự trong thời hạn luật định nên được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

[2] Xét kháng cáo của người đại diện hợp pháp của ông Tr, thì thấy:

[3] Tại bản di chúc ngày 05/5/2007, có nội dung thể hiện cụ V và cụ B để lại diện tích đất 796m2 thuộc quyền sử dụng của 02 cụ cho vợ chồng ông Phạm Văn Tr và bà Vũ Thị H được quyền sử dụng; nhà thờ tổ đường các anh em trong gia đình cùng có trách nhiệm hương khói, tu sửa. Di chúc được lập bằng văn bản, có xác nhận của UBND xã N, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Chữ ký và chữ viết trong bản di chúc ngày 05/5/2007 là của cụ V, thể hiện ý chí của cụ V. Đối với chữ ký của cụ B tại bản di chúc, Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Hải Dương kết luận chữ viết và chữ “B - Đặng Thị B” trên Bản di chúc là do cùng một người viết ra. Như vậy, chữ viết và chữ “B - Đặng Thị B” do cụ V viết, không phải do cụ B viết, ký. Nội dung này phù hợp với lời trình bày của cán bộ tư pháp xã và đại diện ủy ban nhân dân xã xác nhận là tại thời điểm xác nhận di chúc, chỉ có một mình cụ V đến UBND xã làm thủ tục di chúc. Ngoài ra, không có tài liệu, chứng cứ nào khác thể hiện ý chí của cụ B như trong bản di chúc ngày 05/5/2007. UBND xã N chứng thực bản di chúc đã viết sẵn; không có mặt cụ B khi chứng thực. Thực tế, cụ B không ký hoặc điểm chỉ trong di chúc. Thửa đất số 194 và 211 thuộc tờ bản đồ số 5, ở thôn D, xã N, huyện K có diện tích 796m2 mà cụ V định đoạt trong bản di chúc nêu trên là tài sản chung của cụ V và cụ B. Cụ V chỉ có quyền định đoạt đối với phần tài sản của cụ V, mà không có quyền định đoạt phần tài sản của cụ B. Từ những phân tích nêu trên, chỉ có căn cứ xác định nội dung bản di chúc ngày 05/5/2007 thể hiện ý chí của cụ V mà không phải là ý chí của cụ B. Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Th, xác định di chúc chỉ có hiệu lực đối với phần tài sản của cụ V, không có hiệu lực đối với phần di sản của cụ B là đúng pháp luật. Do vậy, Kháng cáo của ông Tr không có căn cứ chấp nhận.

[4] Đối với bản di chúc sửa đổi ngày 02/10/2016 của cụ Đặng Thị B: Bản di chúc được lập thành văn bản đánh máy, có chữ ký và điểm chỉ của cụ Đặng Thị B, không có chữ ký của người chứng kiến. Theo quy định tại Điều 655 Bộ luật Dân sự năm 2005, di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải do người lập di chúc tự tay viết và ký vào bản di chúc; ông Tr và bà H không chấp nhận bản di chúc này. Như vậy, bản di chúc sửa đổi ngày 02/10/2016 của cụ B vi phạm về hình thức, không hợp pháp, không có hiệu lực. Do vậy, phần di sản của cụ B được phân chia theo quy định của pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm xác định hai bản di chúc đều không có hiệu lực đối với phần di sản của cụ B, nhưng lại đánh giá di nguyện của cụ B và giao chung toàn bộ di sản của cụ B cho hàng thừa kế của cụ B quản lý, sử dụng, sở hữu chung vào việc thờ cúng; trong đó bao gồm cả nguyên đơn, bị đơn đang đối lập về quyền lợi là chưa giải quyết triệt để vụ án. Vì vậy, Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, phân chia di sản của cụ B theo pháp luật để đảm bảo quyền lợi của ông Tr.

[5] Di sản của cụ V và cụ B là quyền sử dụng đất diện tích 820,5m2 trị giá là 2.461.500.000 đồng và các các tài sản gồm: Nhà chính diện tích 44,7m2 xây dựng năm 1989 trị giá 93.090.360 đồng; Nhà thờ diện tích 27,4m2 xây dựng năm 1989 mái ngói, trị giá 29.356.497 đồng; Nhà bếp 14,4m2 hiện đã hỏng, không có giá trị; bể nước 9,7m2 trị giá 5.598.840 đồng; bể nước 3,7m2 trị giá 2.135.000 đồng; Giếng khơi, nhà vệ sinh đã hỏng không có giá trị; sân bê tông 195m2 trị giá 8.470.191 đồng; sân lát gạch 23m2 trị giá 844.484 đồng; trụ cổng trị giá 973.000 đồng; 03 cây vải trị giá 1.590.000 đồng, 03 cây nhãn trị giá 795.000 đồng; 04 cây mít trị giá 560.000 đồng; 02 cây cau trị giá 100.000 đồng và 01 cây hồng xiêm trị giá 400.000 đồng. Trị giá tài sản trên đất là 143.913.000 đồng. Tổng trị giá tài sản là 2.605.413.000 đồng.

[6] Do thửa đất chỉ có một lối đi vào, để đảm bảo việc chia, giao đất, Tòa án cấp sơ thẩm đã trích 84,5 m2 đất làm lối đi chung là phù hợp (trên phần đất làm lối đi chung có 01 cây mít trị giá 140.000 đồng, trụ cổng trị giá 973.000 đồng).

[7] Di sản của hai cụ còn lại sau khi trừ đi phần lối đi chung là 736m2, trị giá 2.208.000 đồng và tài sản trên đất trị giá 142.800.000 đồng. Tổng trị giá tài sản là 2.350.800.000 đồng.

[8] Di sản của cụ V là 1/2 (khối tài sản chung của 2 cụ) là 368m2 đất và tài sản trên đất. Trị giá là 2.350.800.000 đồng/2 = 1.175.400.000 đồng. Chia thừa kế theo di chúc phần di sản của cụ V, giao cho ông Tr bà H được hưởng.

[9] Di sản của cụ B là 368m2 đất và tài sản trên đất, trị giá là 1.175.400.000 đồng. Không đương sự nào có ý kiến về việc Tòa án cấp sơ thẩm áng trích 3% giá trị di sản là phần diện tích đất của cụ B, tương ứng với 11 m2 đất, trị giá 33.000.000 đồng cho ông Phạm Văn Tr và bà Vũ Thị H về công sức trong việc giữ gìn, bảo quản tài sản là di sản thừa kế của cụ B. Nên Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên phần áng trích công sức như Tòa án cấp sơ thẩm. Trị giá tài sản của cụ B còn lại sau khi áng trích công sức, còn lại để chia là 1.142.400.000 đồng. Chia thừa kế theo pháp luật cho những người trong hàng thừa kế thứ nhất của cụ B, gồm: bà U, ông T, bà Nh, ông Th, ông L và ông Tr; mỗi người được hưởng 1 kỷ phần thừa kế bằng nhau, trị giá là 1.142.400.000 đồng/6 = 190.400.000 đồng.

[10] Về việc phân chia bằng hiện vật: Vợ chồng ông Tr bà H được hưởng di sản thừa kế của cụ V theo di chúc, ông Tr được hưởng một phần di sản thừa kế của cụ V theo pháp luật nên Tòa án giao cho ông Tr bà H quản lý, sử dùng phần đất có nhà chính (như Tòa án cấp sơ thẩm chia). Bà U, ông T, bà Nh, ông Th, ông L có quyền lợi như nhau và không đối lập, có ý kiến đề nghị được giao chung về kỷ phần thừa kế được hưởng, để sử dụng, Hội đồng xét xử ghi nhận sự tự nguyện này và giao phần đất còn lại có nhà thờ cho bà U, ông T, bà Nh, ông Th, ông L được quản lý, sử dụng chung. Đương sự được nhận kỷ phần thừa kế là hiện vật có giá trị cao hơn giá trị kỷ phần thừa kế được hược phải có nghĩa vụ trả chênh lệch tài sản cho người nhận giá trị kỷ phần thấp. Người được giao đất mà trên đất có tài sản của ông Tr bà H phải có nghĩa vụ trả trị giá tài sản cho ông Tr bà H bằng tiền.

[11] Về án phí: Tòa án cấp phúc thẩm chia lại thừa kế nên sẽ tính lại án phí dân sự sơ thẩm. Bản án sơ thẩm bị sửa nên người kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

[12] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, cấp phúc thẩm không xét và đã có hiệu lực kể từ khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ các Điều 147, 148, khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý, sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

2. Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Tr. Sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm số: 17/2023/DS-ST ngày 02/8/2023 của Tòa án nhân dân huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.

3. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Đức Th.

4. Xác định bản di chúc ngày ngày 05/5/2007 có hiệu lực pháp luật đối với phần di sản do cụ Phạm Văn V.

- Xác định bản di chúc ngày 05/5/2007 và bản di chúc sửa đổi ngày 02/10/2016 không có hiệu lực pháp luật đối với phần di sản của cụ Đặng Thị B - Xác định 820,5m2 đất trị giá là 2.461.500.000 đồng tại thửa số 194 và 211, tờ bản đồ số 05, tại thôn D, xã N, huyện K, tỉnh Hải Dương và nhà thờ, tài sản gắn liền với đất trị giá 143.913.000 đồng; tổng trị giá tài sản là 2.605.413.000 đồng, là tài sản chung của cụ V và cụ B.

- Trích 84,5 m2 đất làm lối đi chung vào phần diện tích đất phân chia di sản thừa kế theo hình thể giới hạn bởi các điểm A10, A9, A8, A7, A6, B1, B4, A13, A12, A11, A10 (trên phần đất lối đi chung có 01 cây mít; trụ cổng là tài sản của cụ V, cụ B); không ai được cản trở lối đi chung.

- Xác định di sản của cụ V còn lại là 368m2 đất và tài sản trên đất, trị giá là 1.175.400.000 đồng. Chia thừa kế theo di chúc, chia cho ông Tr bà H được hưởng.

- Áng trích công sức cho ông Tr bà H (đối với di sản thừa kế của cụ B) số tiền là 33.000.000 đồng (tương ứng với 11 m2 đt).

- Xác định di sản của cụ B còn lại là 357m2 đất và tài sản trên đất, trị giá là 1.142.400.000 đồng. Chia thừa kế theo pháp luật cho những người trong hàng thừa kế thứ nhất của cụ B, gồm: bà U, ông T, bà Nh, ông Th, ông L và ông Tr; mỗi người được hưởng một kỷ phần thừa kế bằng nhau, trị giá là 190.400.000 đồng.

5. Về giao hiện vật

- Giao cho ông Phạm Văn Tr và bà Vũ Thị H được quản lý, sử dụng 379m2 đất, trị giá là 1.137.000.000 đồng được giới hạn bởi các điểm A6, B1, B2, B3, A18, A19, A20, A21, A1, A2, A3, A4, A5, A6 và được sở hữu các tài sản của cụ V và cụ B trên phần đất được giao, trị giá là 99.864.000 đồng (gồm căn nhà chính trị giá 93.090.360 đồng; bể nước 9,7m2 trị giá 5.598.840 đồng; 02 cây cau, 02 cây mít và 03 cây nhãn, trị giá 1.175.000 đồng). Tổng trị giá tài sản được giao là: 1.236.864.000 đồng. Ông Phạm Văn Tr và bà Vũ Thị H tiếp tục được sở hữu các tài sản của ông Tr bà H trên phần đất được giao.

- Ghi nhận sự tự nguyện của bà U, ông T, bà Nh, ông Th, ông L về việc được giao chung kỷ phần thừa kế được hưởng. Giao cho bà U, ông T, bà Nh, ông Th, ông L được quản lý, sử dụng 357m2 đất, trị giá 1.071.000.000 đồng được giới hạn bởi các điểm B4, B1, B2, B3, A17, A16, A15, A14, B4 và được sở hữu chung các tài sản của cụ V cụ B trên phần đất được giao trị giá là 42.936.000 đồng (gồm nhà thờ tổ đường trị giá 29.356.497 đồng; bể nước 3,7m2 trị giá 2.135.000 đồng; sân bê tông 195m2 trị giá 8.470.191 đồng; sân lát gạch 23m2 trị giá 844.484 đồng; 03 cây vải trị giá 1.590.000 đồng, 01 cây mít trị giá 140.000 đồng; 01 cây hồng xiêm trị giá 400.000 đồng). Tổng trị giá tài sản được giao là 1.113.936.000 đồng. Bà U, ông T, bà Nh, ông Th, ông L được sở hữu chung các tài sản của ông Tr bà H trên phần đất được giao và có nghĩa vụ liên đới trả trị giá tài sản cho ông Tr bà H bằng tiền là 1.395.000 đồng, chia theo phần mỗi người phải trả là 279.000 đồng.

Việc chia đất có sơ đồ kèm theo (như sơ đồ phân chia kèm theo bản án sơ thẩm). Đối với tài sản, cây cối nằm trên đường ranh giới chia đất thì phá bỏ.

- Bà U, ông T, bà Nh, ông Th, ông L có nghĩa vụ liên đới trả chênh lệch tài sản kỷ phần được hưởng cho ông Tr là 161.936.000 đồng, chia theo phần mỗi người phải trả 32.387.200 đồng.

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

6. Về án phí:

- Bà H không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Hoàn trả bà H số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp là 300.000 đồng theo biên lai thu tạm ứng số: AA/2022/0001675 ngày 14/8/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kim Thành.

- Ông Tr bà H phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 48.252.000 đồng;

- Ông Tr, bà Lâm và bà Nh, mỗi người phải chị án phí dân sự sơ thẩm là 9.520.000 đồng.

- Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho ông Th, bà U, ông T.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu yêu cầu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

329
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 23/2024/DS-PT

Số hiệu:23/2024/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Dương
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:01/03/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về