Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 13/2023/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

BẢN ÁN 13/2023/DS-PT NGÀY 29/03/2023 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Trong các ngày 24 và 29 tháng 3 năm 2023, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hưng Yên xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 35/2022/TLPT-DS ngày 10 tháng 10 năm 2022 về việc “Tranh chấp thừa kế tài sản”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 05/2022/DS-ST ngày 27 tháng 7 năm 2022 của Toà án nhân dân huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 03/2023/QĐXX-PT ngày 16 tháng 02 năm 2023, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Trương Văn S, sinh năm: 1964; Địa chỉ: thôn A, xã V huyện A, tỉnh H.

2. Bị đơn: Ông Trương Văn Th, sinh năm: 1969; bà Phùng Thị T, sinh năm:

1969. Người đại diện theo ủy quyền của Ông Th: Bà Phùng Thị T, sinh năm: 1969.

Đều địa chỉ: thôn A, xã V huyện A, tỉnh H.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Ông Trương Tuấn Ng, sinh năm: 1959;

Địa chỉ: số 26, tổ dân cư số 1, P. Thanh B, Tp. ĐBP, tỉnh ĐB.

3.2. Ông Trương Quốc V, sinh năm: 1961;

Địa chỉ: tổ dân cư số 04, phường Thanh T, Tp. ĐBP, tỉnh ĐB.

3.3. Bà Trương Thị N, sinh năm: 1972; Địa chỉ: thôn Đ, xã B, huyện A, tỉnh H.

T).

3.4. Bà Trương Thị H, sinh năm: 1980; Địa chỉ: thôn T, xã H, huyện A, tỉnh H.

3.5. Anh Trương Văn T, sinh năm: 1992; Địa chỉ: thôn A, xã V huyện A, tỉnh H.

4. Người kháng cáo: Nguyên đơn Ông Trương Văn S.

(Có mặt ông S, bà T, Ông Ngh, Bà N, Bà H; vắng mặt Ông Th, Ông V, Anh

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện nộp ngày 17 tháng 12 năm 2021 và quá trình giải quyết tại Tòa án, nguyên đơn Ông Trương Văn S trình bày:

Vợ chồng Cụ Trương Văn T (chết trong kháng chiến chống Pháp) và cụ Nguyễn Thị D (chết năm 2008) có 01 con chung là Trương Văn Tr, ngoài ra không có con riêng, con nuôi nào. Cụ Trương Văn Tr có vợ là Nguyễn Thị L. Cụ Tr chết năm 1996, cụ Lùng chết năm 2018. Hai cụ Tr – Lùng có 06 con chung gồm: Ông Trương Tuấn Ng, Ông Trương Quốc V, Ông Trương Văn S, Ông Trương Văn Th, Bà Trương Thị N, Bà Trương Thị H. Ngoài ra không có con nuôi, con riêng nào.

Năm 1993, hộ cụ Trương Văn Tr được chia 03 tiêu chuẩn ruộng gồm: Cụ Nguyễn Thị D (mẹ đẻ của cụ Tr); cụ Trương Văn Tr, cụ Nguyễn Thị L. Mỗi tiêu chuẩn được 02 sào ruộng, tổng là 6 sào ruộng.

Năm 2000, cụ D và cụ Lùng cho vợ chồng Ông Th cấy rẽ toàn bộ 6 sào ruộng. Trước năm 2003, hộ cụ Lùng, cụ D nợ tiền sản phẩm của xã V nên bị treo 3,5 sào ruộng của hộ cụ Lùng, cụ D.

Năm 2003, chia lại ruộng cho hộ cụ Lùng thì Ông Th tự nguyện trả nợ cho hộ cụ Lùng tổng là 5.633.280 đồng để cho hộ cụ Lùng, cụ D được sử dụng 3,5 sào ruộng. Cùng trong năm 2003 tiêu chuẩn ruộng của cụ Lùng, cụ Tr, cụ D gồm 6 sào được nhận chung vào hộ Ông Th nên hộ Ông Th được chia 4.841,5 m2 gồm 6 tiêu chuẩn của cụ D, cụ Lùng, cụ Tr, Ông Th, bà T, Anh T. Mỗi người 806,9 m2 .

Năm 2014, thôn Anh Nhuệ tiến hành dồn điền đổi ruộng theo quyết định của UBND huyện Ân Thi. Hộ Ông Th được chia 6 tiêu chuẩn gồm cụ D, cụ Lùng, cụ Tr, Ông Th, bà T, Anh T bằng 4.320m2 gồm xứ đồng Bến Hai 3.805,8 m2 và xứ đồng Phần Trăm 514,2 m2. Mỗi tiêu chuẩn 2 sào bằng 720 m2. Do nhận ruộng tiện canh tác ở Bến Hai nên hộ Ông Th phải nộp cho thôn số tiền là 21.500.000 đồng, việc nộp số tiền trên là tự nguyện không bắt buộc.

Ông S yêu cầu chia thừa kế đối với 6 sào ruộng do các cụ để lại.

Bị đơn Ông Trương Văn Th và bà Phùng Thị T trình bày:

Khi cụ D, cụ Tr, cụ Lùng còn sống được chia mỗi người 02 sào ruộng. Do hoàn cảnh khó khăn nên các cụ nợ tiền sản phẩm nên bị xã treo 3,5 sào ruộng của các cụ, trong đó cụ D 01 sào, còn cụ Lùng, cụ Tr là 2,5 sào. Cuối năm 2002, vợ chồng ông bà đã nộp tiền sản phẩm cho các cụ là 5.633.280 đồng để chuộc lại 3,5 sào ruộng. Ruộng của các cụ do ông bà sử dụng từ năm 2000 cho đến nay.

Năm 2003 chia lại thì tiêu chuẩn ruộng của cụ Lùng, cụ Tr, cụ D gồm 6 sào được nhận chung vào hộ Ông Th nên hộ Ông Th được chia 4.841,5 m2 gồm 6 tiêu chuẩn của cụ D, cụ Lùng, cụ Tr, Ông Th, bà T, Anh T. Mỗi người 806,9 m2. Năm 2013, thôn Anh Nhuệ tiến hành dồn điền đổi ruộng theo quyết định của UBND huyện Ân Thi. Hộ Ông Th được chia 6 tiêu chuẩn (cụ D, cụ Lùng, cụ Tr, Ông Th, bà T, Anh T) bằng 4.320m2 tại: xứ đồng Bến Hai 3.805,8 m2 và xứ đồng Phần Trăm 514,2 m2. Mỗi tiêu chuẩn 02 sào bằng 720 m2. Cũng trong năm 2013, ông bà đã phải bỏ ra 21.500.000 đồng để được lấy chân ruộng loại 2 tại xứ đồng Bến Hai. Toàn bộ ruộng của hộ ông bà được Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho chuyển đổi mục đích sử dụng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản trên đất trồng lúa.

Nay ông S khởi kiện chia di sản thừa kế là 6 sào ruộng canh tác của cụ D, cụ Tr, cụ Lùng, ông có quan điểm 3,5 sào ruộng vợ chồng ông bà chuộc về và phần ruộng cụ Lùng cho là của ông bà, số ruộng còn lại đề nghị chia theo luật nhưng phải xem xét công sức của vợ chồng ông bà trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng cụ Lùng, cụ D khi các cụ về già và công sức trông nom quản lý phần ruộng của các cụ để lại.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:

- Ông Trương Tuấn Ng: Ông Ngh khai thống nhất với ông S và Ông Th về huyết thống gia đình gồm: ông bà nội là Cụ Trương Văn T và cụ Nguyễn Thị D; bố mẹ đẻ là cụ Trương Văn Tr và Nguyễn Thị L; thời gian chết của các cụ, việc các cụ chết đều không để lại di chúc cũng như các anh chị em ruột của ông: Ông Ngh, Ông V, ông S, Ông Th, Bà N, Bà H.

Năm 1993, hộ cụ Trương Văn Tr được chia 03 tiêu chuẩn ruộng gồm: Cụ Nguyễn Thị D (mẹ đẻ của cụ Tr); cụ Trương Văn Tr, cụ Nguyễn Thị L. Mỗi tiêu chuẩn được 02 sào ruộng, tổng là 6 sào ruộng. Hiện nay số ruộng của các cụ gia đình Ông Th đang quản lý sử dụng. Trước đây cụ Lùng có cho vợ chồng Ông Th cấy rẽ số ruộng của các cụ. Khi các cụ còn sống chưa cho ai số ruộng này nên ông đề nghị Toà án phân chia thừa kế 6 sào ruộng của các cụ và mong muốn nhận bằng hiện vật.

- Ông Trương Quốc V: Ông là con của cụ Tr và cụ Lùng. Cụ D và cụ Tích chỉ có 01 người con là cụ Tr. Các cụ chết đều không để lại di chúc. Số ruộng của cụ D, cụ Tr, cụ Lùng được chia bao nhiêu ông không nắm được nhưng chỉ biết Ông Th là người sử dụng ruộng của các cụ. Việc các cụ nợ tiền sản phẩm bị xã treo một phần ruộng ông không biết. Ông đề nghị Toà án phân chia thừa kế thành 6 phần cho 6 anh chị em.

- Bà Trương Thị N và Bà Trương Thị H: Các bà là con gái của cụ Tr và cụ Lùng. Về ông bà, bố mẹ và các anh chị em, hai bà trình bày thống nhất với lời khai của nguyên đơn và bị đơn.

Cụ D, cụ Tr, cụ Lùng được chia 6 sào ruộng. Do các cụ nợ tiền sản phẩm nên Ông Th đã bỏ tiền ra chuộc lại ruộng cho các cụ. Khi cụ Lùng chết có tuyên bố cho vợ chồng Ông Th ruộng của các cụ nhưng không có văn bản gì. Toà án phân chia thừa kế, nếu các bà được hưởng thì các bà tự nguyện nhường kỷ phần của mình cho Ông Th vì vợ chồng Ông Th có công chăm sóc các cụ lúc tuổi già.

Người làm chứng trình bày:

- Ông Nguyễn Văn Nh: Trước đây ông là kế toán Hợp tác xác dịch vụ nông nghiệp trong ban thu hồi nợ của xã từ năm 1998 đến năm 2004 thì ông nghỉ. Đối với giấy biên nhận nợ ngày 20/12/2002 là do ông viết nội dung đúng như giấy biên nhận. Theo thông báo nợ số 01 ngày 23/12/2002 của UBND xã thì số nợ của cụ Tích là 349.440 đồng nhưng ông chỉ thu 249.480 đồng là do gia đình chỉ nộp dịch vụ nước với thuốc bảo vệ thực vật, còn tiền đường và nợ cũ của Uỷ ban xã gia đình không nộp. Đối với số ruộng của cụ D, cụ Lùng, cụ Tr bị treo thì ông chỉ nắm được là bị treo 3,5 sào còn cụ thể thế nào ông không biết.

- Ông Trương Đức Q: Năm 1985, ông là Thư ký đội sản xuất, liên quan đến việc nợ tiền sản phầm của các hộ gia đình thì theo chủ trương chung của xã thời điểm đó hộ gia đình nào nợ tiền sản phẩm sẽ bị treo ruộng. Khi nào các hộ thanh toán hết nợ thì sẽ được trả lại ruộng. Năm 2013 ông là phó thôn tham gia công tác chia ruộng, thời điểm đó thôn có nghị quyết hộ nào chọn chân ruộng loại 1 thì phải nộp 3.000.000 đồng/sào, chọn chân ruộng loại 2 thì phải nộp 2.000.000 đồng/sào, chân ruộng loại 3 thì không phải nộp tiền, mục đích lấy tiền để kiến thiết thôn. Khi đó hộ Ông Th nộp 2.000.000 đồng/sào để lấy ruộng ở xứ đồng Bến Hai.

Xác minh với UBND xã V: Cụ Trương Văn T chết trong kháng chiến chống Pháp và cụ Nguyễn Thị D chết năm 2008. Hai cụ có 01 con chung là Trương Văn Tr. Cụ Trương Văn Tr có vợ là Nguyễn Thị L. Cụ Tr chết năm 1996, cụ Lùng chết năm 2018. Hai cụ có 6 con chung gồm: Ông Trương Tuấn Ng, Ông Trương Quốc V, Ông Trương Văn S, Ông Trương Văn Th, Bà Trương Thị N, Bà Trương Thị H. Ngoài ra, các cụ Tích – Diệp; Trước - Lùng không có con nuôi, con riêng nào.

Năm 1993, hộ cụ Trương Văn Tr được chia 03 tiêu chuẩn ruộng gồm: Cụ Nguyễn Thị D (mẹ đẻ của cụ Tr); cụ Trương Văn Tr, cụ Nguyễn Thị L. Mỗi tiêu chuẩn được 02 sào ruộng, tổng là 6 sào ruộng. Năm 2000 cụ D và cụ Lùng cho vợ chồng Ông Th cấy rẽ toàn bộ 6 sào ruộng. Trước năm 2003, hộ cụ Lùng, cụ D nợ tiền sản phẩm của xã Văn Nhuệ nên bị treo 3,5 sào ruộng của hộ cụ Lùng, cụ D.

Năm 2003 chia lại ruộng cho hộ cụ Lùng thì Ông Th tự nguyện trả nợ cho hộ cụ Lùng tổng là 5.633.280 đồng để cho hộ cụ Lùng được sử dụng 3,5 sào ruộng. Đối với việc nợ tiền sản phẩm nếu không trả thì vẫn là ruộng của hộ cụ Lùng, Nhà nước không thu hồi. Việc Ông Th nộp tiền nợ sản phẩm cho hộ cụ Lùng, cụ D là tự nguyện, không bắt buộc bởi vì từ năm 2000 đến nay Ông Th vẫn là người sử dụng ruộng của hộ cụ Lùng, cụ D. Vì vậy 3,5 sào ruộng vẫn là tiêu chuẩn của hộ cụ Lùng, cụ D, cụ Tr không phải của hộ Ông Th.

Cùng trong năm 2003, tiêu chuẩn ruộng của cụ Lùng, cụ Tr, cụ D là 6 sào được nhận chung vào hộ Ông Th nên hộ Ông Th được chia 4.841,5 m2 gồm tiêu chuẩn của cụ D, cụ Lùng, cụ Tr, Ông Th, bà T, Anh T. Mỗi người 806,9 m2 .

Năm 2014, thôn Anh Nhuệ tiến hành dồn điền đổi thửa theo quyết định của UBND huyện Ân Thi. Hộ Ông Th được chia 6 tiêu chuẩn gồm cụ D, cụ Lùng, cụ Tr, Ông Th, bà T, Anh T bằng 4.320m2 gồm: xứ đồng Bến Hai 3.805,8 m2 và xứ đồng cánh Phần Trăm 514,2 m2. Mỗi tiêu chuẩn 02 sào bằng 720 m2. Do nhận ruộng để tiện canh tác ở xứ đồng Bến Hai nên theo thống nhất của thôn Anh Nhuệ, hộ Ông Th nộp cho thôn số tiền là 21.500.000 đồng.

Xác minh với ông Th, bà H, bà Q, bà N cho biết: Gia đình ông, bà có ruộng canh tác ở xứ đồng Bến Hai cạnh ruộng của hộ Ông Th từ trước đến nay, các bên sử dụng đúng mốc giới, không ai lấn chiếm, tranh chấp gì.

Kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản thể hiện:

Thửa đất hộ gia đình Ông Th đang sử dụng được chia ở xứ đồng Bến Hai diện tích 3805,8m2 thuộc các thửa số 2,9,5 tờ bản đồ số 3 đứng tên chủ hộ là Trương Văn Th và xứ đồng cánh Phần trăm 514,2 m2 đứng tên chủ hộ Trương Văn Thành. Riêng xứ đồng Bến Hai hộ Ông Th tự nguyện nộp cho thôn là 21.500.000 đồng để được nhận ruộng tiện canh tác.

Phần diện tích tranh chấp 2160 m2 tại xứ đồng Bến Hai. Trên đất có 01 lán lợp tôn diện tích 13 m2 trị giá 6.526.000 đồng; 02 lán lợp Proximang diện tích 258 m2 trị giá 200.982.000 đồng.

Các cây trên đất: 01 cây cam đường kính 5cm trị giá 200.000 đồng; 04 cây cam đường kính 8 cm trị giá 2.000.000 đồng; 02 cây cam đường kính 6cm trị giá 400.000 đồng; 01 cây cam đường kính 3cm trị giá 200.000 đồng; 01 cây cam đường kính 9cm trị giá 500.000 đồng.

14 cây bưởi đường kính 12cm trị giá 10.780.000 đồng; 06 cây bưởi đường kính 18cm trị giá 4.620.000 đồng; 12 cây bưởi đường kính 10cm trị giá 6.600.000 đồng; 12 cây bưởi đường kính 15cm trị giá 9.240.000 đồng; 05 cây bưởi đường kính 13cm trị giá 3.850.000 đồng; 01 cây bưởi đường kính 16cm trị giá 770.000 đồng; 04 cây bưởi đường kính 9cm trị giá 2.200.000 đồng; 02 cây bưởi đường kính 6cm trị giá 440.000 đồng.

02 cây mít đường kính 18cm trị giá 1.040.000 đồng; 01 cây mít đường kính 20cm trị giá 600.000 đồng; 01 cây mít đường kính 16cm trị giá 520.000 đồng.

04 cây vải đường kính 10cm trị giá 1.480.000 đồng; 11 cây vải đường kính 12cm trị giá 5.720.000 đồng; 01 cây vải đường kính 8cm trị giá 370.000 đồng.

17 cây hồng xiêm đường kính 10cm trị giá 1.445.000 đồng; 04 cây hồng xiêm đường kính 8cm trị giá 340.000 đồng; 01 cây hồng xiêm đường kính 15cm trị giá 120.000 đồng.

05 cây nhãn đường kính 15cm trị giá 18.750.000 đồng; 01 cây nhãn đường kính 10cm trị giá 2.700.000 đồng; 01 cây nhãn đường kính 8cm trị giá 2.700.000 đồng.

Trị giá đất 342.000 đồng/m2 x 2160 m2 = 738.720.000 đồng.

Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2022/DS-ST ngày 27 tháng 7 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên đã quyết định:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ông Trương Văn S về việc đề nghị Toà chia thừa kế đối với diện tích đất nông nghiệp của cụ Tr, cụ Lùng và cụ D.

Xác định di sản thừa kế của cụ D, cụ Lùng và cụ Tr là phần đất ABCD có diện tích đất 2160 m2 tại cánh đồng Bến Hai thôn Anh Nhuệ, xã Văn Nhuệ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên trị giá 738.720.000 đồng.

2. Chia di sản của cụ D, cụ Tr, cụ Lùng theo pháp luật, việc phân chia hiện vật như sau: Giao cho Ông Th, bà T quản lý, sử dụng phần đất ABCD có diện tích 2160 m2 (trong đó 1557 m2 là phần công sức, 603 m2 là phần di sản) cùng cây cối, tài sản trên đất do vợ chồng Ông Th trồng, tạo dựng.

Việc giao đất có sơ đồ kèm theo.

3. Trả chênh lệch tài sản: Ông Th có trách nhiệm trả cho ông S, Ông V, Ông Ngh mỗi người số tiền 34.373.333 đồng.

Bản án còn quyết định về án phí, chi phí tố tụng và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 01 tháng 8 năm 2022 nguyên đơn Ông Trương Văn S kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm số 05/2022/DSST ngày 27/7/2022 của Tòa án nhân dân huyện Ân Thi.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Các đương sự đều thống nhất diện tích 6 sào ruộng tiêu chuẩn của 3 người: Cụ D, cụ Tr, cụ Lùng đều đã được dồn điền về xứ đồng Bến Hai cùng với tiêu chuẩn của ba khẩu nhà Ông Th (Ông Th, bà T, Anh T) thuộc các thửa 2,5,9 tờ bản đồ số 3.

Ngoài diện tích 2160m2 đất ruộng đã được thẩm định và gia đình Ông Th đã chuyển đổi để trồng cây và đào ao thả cá. Số diện tích còn lại của 3 khẩu của gia đình Ông Th và ruộng tại xứ đồng Phần trăm (514,2m2 ) đều được nhập vào các thửa 2,5,9 tờ bản đồ số 3 đứng tên chủ hộ là Trương Văn Thành; và cũng đã được chuyển đổi để trồng cây ăn quả (Cam, Nhãn, Bưởi, Mít, Hồng Xiêm và Vải). Ông S, bà T nhất trí xem xét di sản của 3 cụ là phần diện tích 2160m2 đã được Tòa án hai cấp thẩm định và vẽ sơ đồ hiện trạng mà không yêu cầu xem xét lại.

Phía ông S giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và đề nghị được nhận hiện vật. Bà T đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm, trong trường hợp phải chia thừa kế thì gia đình bà nhất trí trả cho các đồng thừa kế bằng tiền.

Các đương sự không thỏa thuận được về việc giải quyết vụ án.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên phát biểu ý kiến:

- Việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm: Thẩm phán, Hội đồng xét xử phúc thẩm, thư ký phiên tòa thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Các đương sự đã chấp hành đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình nhưng còn đương sự chưa chấp hành nghiêm nội quy phiên tòa.

- Về nội dung: Căn cứ khoản 2 Điều 308 và Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự; Chấp nhận kháng cáo của Ông Trương Văn Th. Sửa bản án sơ thẩm của TAND huyện Ân Thi theo hướng: Trích trả công sức cho gia đình Ông Th với mức từ 1 đến 1,5 sào ruộng. Phần còn lại chia thừa kế theo pháp luật. Giao cho ông S một phần đất ruộng tương ứng với kỷ phần được hưởng; đối với Ông Ngh, Ông V sẽ chia bằng tiền; chấp nhận sự tự nguyện của hai Bà N, Hương nhường kỷ phần của mình cho Ông Th. Trừ phần đã giao cho ông S, toàn bộ hiện vật còn lại sẽ giao cho Ông Th. Buộc Ông Th phải trả chênh lệch kỷ phần cho hai Ông Ngh, Vương.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Về tố tụng:

Kháng cáo của nguyên đơn Ông Trương Văn S trong thời hạn luật định, ông S đã nộp tiền tạm ứng dân sự phúc thẩm nên được xem xét, giải quyết.

Bị đơn vắng mặt nhưng có mặt đại diện theo ủy quyền; một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án vắng mặt nhưng không kháng cáo và đều được triệu tập hợp lệ lần thứ hai. Căn cứ khoản 3 Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án tiếp tục xét xử vụ án theo thủ tục chung.

[2]. Về nội dung:

[2.1]. Thời điểm mở thừa kế và thời hiệu khởi kiện: Cụ D chết ngày 28/01/2008; cụ Tr chết ngày 15/6/1996; cụ Lùng chết ngày 28/12/2017 nên thời điểm mở thừa kế là ngày 15/6/1996, ngày 28/01/2008; ngày 28/12/2017. Theo khoản 1 Điều 623 Bộ luật dân sự thì thời hiệu khởi kiện là 30 năm đối với bất động sản. Do vậy, ông S khởi kiện trong thời hiệu theo quy định.

[2.2]. Diện và hàng thừa kế:

Vợ chồng cụ Tích, cụ D có 01 con chung là cụ Tr. Cụ Tích chết từ thời kháng chiến chống Pháp. Cụ Tr có vợ là cụ Lùng.

Cụ Tr chết năm 1996 không để lại di chúc: Diện và hàng thừa kế di sản của cụ Tr là cụ D, cụ Lùng và 6 con là Ông Ngh, ông S, Ông V, Ông Th, Bà N và Bà H.

Cụ D chết năm 2008 không để lại di chúc: Diện và hàng thừa kế di sản của cụ D là các con của cụ Tr gồm Ông Ngh, ông S, Ông V, Ông Th, Bà N và Bà H (được thừa kế thế vị do cụ Tr là con duy nhất nhưng chết trước mẹ là cụ D).

Cụ Lùng chết năm 2018 không để lại di chúc nên các con của cụ Tr, cụ Lùng là Ông Ngh, ông S, Ông V, Ông Th, Bà N và Bà H được hưởng di sản thừa kế do cụ Lùng để lại.

Do vậy theo quy định của các Điều 651, 652 Bộ luật dân sự thì những người được hưởng di sản thừa kế của ba cụ (Diệp, Trước, Lùng) là Ông Ngh, ông S, Ông V, Ông Th, Bà N và Bà H và đều được hưởng bằng nhau.

[2.3]. Di sản thừa kế:

Năm 1993, hộ cụ Tr được giao 03 tiêu chuẩn ruộng nông nghiệp gồm cụ D, cụ Tr, cụ Lùng tổng được giao là 2.160m2. Năm 2003 chia lại ruộng, tiêu chuẩn ruộng của cụ D, cụ Tr, cụ Lùng được chia chung với hộ Ông Th. Đến năm 2014 dồn điền đổi thửa vẫn chung với hộ Ông Th ở xứ đồng Bến Hai diện tích 3805,8m2 thuộc các thửa số 2,9,5 tờ bản đồ số 3 và xứ đồng Phần trăm 514,2m2 đứng tên chủ hộ Trương Văn Thành.

Ông Th trình bày cụ D cho cụ Lùng ruộng và sau đó cụ Lùng cho Ông Th ruộng nhưng ông không đưa ra được căn cứ chứng minh nên không được chấp nhận.

Đối với việc địa phương quản treo 3,5 sào ruộng của hộ cụ Lùng, cụ D và việc Ông Th nộp tiền nợ đọng sản phẩm của các cụ với số tiền 5.633.800 đồng + 249.480 đồng = 5.882.760 đồng là có thật (BL 41- 43). Tuy nhiên theo quy định thì ruộng của các cụ vẫn được trả lại mà không bị thu hồi. Cho nên, việc Ông Th tự nguyện nộp tiền nợ sản phẩm cho các cụ để UBND xã trả lại cho các cụ 3,5 sào ruộng sẽ được xem xét công sức cho Ông Th.

Hai bên đương sự đều thừa nhận tiêu chuẩn ruộng của 3 cụ là 6 sào tại xứ đồng Bến Hai. Vì vậy cấp sơ thẩm xác định di sản của cụ D, cụ Tr, cụ Lùng để lại là 2.160 m2 đất nông nghiệp trị giá 738.720.000đ theo như sơ đồ thẩm định là có căn cứ.

[2.4]. Về công sức của gia đình Ông Th:

Đối với chi phí mai táng cho các cụ, các đương sự không yêu cầu nên hội đồng xét xử không xem xét.

Trên cơ sở các tài liệu có trong hồ sơ, có căn cứ xác định gia đình Ông Th đã trả tiền nợ đọng sản phẩm cho ba cụ với số tiền 5.882.760 đồng để xã trả lại 3,5 sào ruộng. Ngoài ra, để thuận tiện cho việc canh tác và theo chủ trương của thôn Anh Nhuệ, hộ Ông Th đã nộp cho thôn số tiền là 21.500.000 đồng để được chia 3805,8m2 đất ruộng tại xứ đồng Bến Hai. Trong đó có 2160m2 của 3 cụ D, cụ Tr, cụ Lùng; và 1645,8m2 của gia đình Ông Th. Chia theo tỉ lệ tương ứng của số ruộng thì số tiền Ông Th đã nộp cho 3 cụ là 12.202.428 đồng, còn lại 9.297.572 đồng là tiền của gia đình Ông Th phải chịu.

Bên cạnh đó, tại xứ đồng Bến Hai, vợ chồng Ông Th theo Quyết định của UBND huyện Ân Thi đã chuyển đổi đất, cải tạo trồng cây, đào ao thả cá, xây lán nuôi vịt, nộp thuế đât. Đồng thời, vợ chồng Ông Th có thời gian hỗ trợ chăm sóc các cụ khi ốm đau về già.

Việc cấp sơ thẩm áng trích công sức cho vợ chồng Ông Th với mức 3,5 sào (1260m2) + 180m2 + 117m2 = 1.557m2 là quá nhiều không phù hợp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các đồng thừa kế còn lại.

Nhận thấy, Ông Th đã đóng cho các cụ 5.882.760 đồng + 12.202.428 đồng = 18.085.188 đồng là số tiền lớn tại thời điểm bấy giờ; có công chăm sóc hỗ trợ cụ Lùng, cụ D khi về già, công sức trong việc bảo quản, trông nom, tôn tạo di sản, đóng thuế cho nhà nước. Để đảm bảo quyền lợi cho gia đình Ông Th, cần áng trích từ di sản của các cụ cho gia đình Ông Th 2 sào ruộng = 720 m2 đất nông nghiệp trị giá 246.240.000đồng là phù hợp.

Như vậy, di sản của cụ D, cụ Tr, cụ Lùng để lại còn 4 sào ruộng bằng 1440 m2 trị giá 492.480.000 đồng.

[2.5]. Phân chia di sản theo pháp luật:

Hàng thừa kế của các cụ gồm 6 người là Ông Ngh, ông S, Ông V, Ông Th, Bà N, Bà H được được hưởng kỷ phần bằng nhau tương ứng với số tiền 82.080.000 đồng/1 kỷ phần.

Bà N và Bà H tự nguyện để lại phần di sản thừa kế được hưởng cho Ông Th nên được chấp nhận.

Do vậy, cộng với phần công sức, Ông Th được hưởng 492.480.000đ. Ông Ngh, ông S, Ông V mỗi người được hưởng 82.080.000đồng. [2.6]. Chia di sản bằng hiện vật:

Ông Ngh, Ông V hiện đang cư trú và sinh sống tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên nên không có điều kiện để canh tác hay sử dụng đất nông nghiệp. Hơn nữa, bản án sơ thẩm đã chia cho hai ông bằng tiền và các ông đồng thuận không kháng cáo.

Ông S kháng cáo yêu cầu được chia thừa kế bằng hiện vật, xét thấy diện tích đất ruộng của các cụ đủ điều kiện chia bằng hiện vật nên yêu cầu kháng cáo của ông S là có căn cứ được chấp nhận.

Ông S và bà T đều nhất trí với khối di sản của 3 cụ D, Trước và Lùng là diện tích 2160m2 đất nông nghiệp như kết quả thẩm định của Tòa sơ thẩm.

Nhận thấy, gia đình Ông Th đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền là UBND huyện Ân Thi cho phép chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đất trồng cây hàng năm kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Thực tế trên đất, gia đình Ông Th trồng rất nhiều cây gồm Cam, Nhãn, Bưởi, Mít, Hồng Xiêm và Vải đều đã cho thu hoạch, xây lán nuôi vịt trên một phần đất, đào ao thả cá. Để tránh việc phải phá dỡ các công trình trên đất và chặt phá cây cối gây thiệt hại không cần thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của gia đình Ông Th trong việc thu hoạch hoa lợi và đầu tư cải tạo đất. Căn cứ hiện trạng đất ruộng và tài sản trên đất, việc phân chia cụ thể như sau:

- Giao cho Ông Trương Văn S 240 m2 đất ruộng nông nghiệp tại xứ đồng Bến Hai thuộc thửa số 2,5,9 tờ bản đồ số 03 theo hình ABCD (là một phần đất ruộng hiện đã đào thành ao). Trị giá 82.080.000 đồng.

Ông Th phải thu hoạch thủy sản trong ao để trả phần đất ao cho ông S quản lý, sử dụng.

- Giao cho Ông Trương Văn Th 1.920 m2 ruộng nông nghiệp tại xứ đồng Bến Hai thửa số 2,5,9 tờ bản đồ số 03 theo hình CDEFGH. Trị giá 656.640.000đồng.

(Việc phân chia có sơ đồ kèm theo) Người được chia đất có trách nhiệm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

[2.7]. Trả chênh lệch tài sản:

Ông Trương Văn Th phải trả cho Ông Trương Quốc V và Ông Trương Tuấn Ng mỗi người 82.080.000 đồng. [3]. Về chi phí tố tụng:

Chi phí tố tụng tại giai đoạn sơ thẩm là 6 triệu đồng, tại giai đoạn phúc thẩm là 5 triệu đồng; tổng là 11.000.000 đồng. Ông S đã nộp toàn bộ số tiền này.

Chia theo phần: ông S, Ông Th, Ông V, Ông Ngh, Bà N, Bà H mỗi người phải chịu 1.833.333 đồng. Do hai Bà N, Hương đã nhường kỷ phần của mình cho Ông Th nên Ông Th phải trả cho ông S chi phí tố tụng mà Bà N và Bà H phải chịu.

Vì vậy, Ông Th phải trả ông S 5.499.999 đồng; Ông V, Ông Ngh mỗi người phải trả cho ông S là 1.833.333 đồng.

[4]. Án phí: Do sửa bản án sơ thẩm nên ông S không phải chịu án phí phúc thẩm;

Về án phí dân sự sơ thẩm: Ông Ngh là người cao tuổi có đơn xin miễn giảm án phí nên miễn toàn bộ án phí cho Ông Ngh. Ông S có hoàn cảnh khó khăn, có đơn xin miễn giảm án phí hợp lệ nên sẽ giảm 50% án phí cho ông.

Ông V, Ông Th phải chịu án phí dân sự trên phần di sản được hưởng.

Ông Th phải chịu án phí dân sự trên phần di sản và công sức được hưởng.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308; Điều 309; Điều 147, 148, 157 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Các Điều 611, 612, 613, 614, 618, 623, 649, điểm a khoản 1 Điều 650; Điều 651, 652, 658, 660 và khoản 1 Điều 357 Bộ luật dân sự. Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

Tuyên xử: Chấp nhận kháng cáo của Ông Trương Văn S. Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 05/2022/DS-ST ngày 27 tháng 7 năm 2022 của Toà án nhân dân huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên như sau:

1. Xác nhận cụ Nguyễn Thị D chết năm 2008, cụ Trương Văn Tr chết năm 1996, cụ Nguyễn Thị L chết năm 2018 đều không có di chúc. Hàng thừa kế của các cụ là Ông Trương Văn S, Ông Trương Tuấn Ng, Ông Trương Quốc V, Ông Trương Văn Th, Bà Trương Thị N, Bà Trương Thị H.

2. Xác nhận di sản thừa kế của cụ D, cụ Tr, cụ Lùng để lại là 2.160 m2 đất nông nghiệp trong hộ Ông Trương Văn Th thuộc các thửa 2,5,9 tờ bản đồ số 03, xứ đồng Bến Hai, thôn Anh Nhuệ, xã Văn Nhuệ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.

3. Áng trích công sức cho vợ chồng Ông Trương Văn Th, bà Phùng Thị T 720m2 đất nông nghiệp của cụ D, cụ Tr, cụ Lùng.

4. Chấp nhận sự tự nguyện của Bà Trương Thị N và Bà Trương Thị H tặng cho Ông Trương Văn Th kỷ phần thừa kế được hưởng.

5. Phân chia thừa kế và chia hiện vật như sau:

5.1. Giao cho Ông Trương Văn S 240m2 ruộng nông nghiệp tại xứ đồng Bến Hai thửa số 2,5,9 tờ bản đồ số 03 thôn Anh Nhuệ, xã Văn Nhuệ theo hình ABCD (là một phần đất ao). Ông Th phải thu hoạch thủy sản trong ao để trả phần đất ao cho ông S quản lý, sử dụng.

5.2. Giao cho Ông Trương Văn Th được quản lý, sử dụng 1.920 m2 ruộng nông nghiệp tại xứ đồng Bến Hai thửa số 2,5,9 tờ bản đồ số 03 thôn Anh Nhuệ, xã Văn Nhuệ theo hình CDEFGH. Cùng toàn bộ các tài sản trên đất.

Đối với phần ruộng còn lại thuộc tiêu chuẩn được chia của Ông Th, bà T, Anh T. Gia đình Ông Th được tiếp tục quản lý, sử dụng.

5.3. Ông Trương Văn S và Ông Trương Văn Th có trách nhiệm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

5.4. Ông Trương Văn Th phải trả chênh lệch kỷ phần thừa kế bằng tiền cho Ông Trương Quốc V và Ông Trương Tuấn Ng mỗi người 82.080.000 đồng.

6. Về chi phí tố tụng:

Buộc Ông V, Ông Ngh mỗi người phải trả cho ông S 1.833.333 đồng. Ông Th phải trả cho ông S 5.499.999 đồng.

7. Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

8. Án phí:

8.1. Án phí sơ thẩm:

Giảm 50% án phí cho ông S. Số tiền án phí sơ thẩm còn lại ông S phải chịu là 2.052.000 đồng. Đối trừ với số tiền 5.000.000 đồng ông S đã nộp theo biên lai thu số 0003041 ngày 28/12/2021 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Ân Thi. Hoàn trả ông S 2.948.000 đồng.

Miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm cho Ông Trương Tuấn Ng.

Ông Trương Văn Th phải chịu 23.699.200 đồng.

Ông Trương Quốc V phải chịu 4.104.000 đồng.

8.2. Án phí phúc thẩm:

Ông Trương Văn S không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Trả lại ông S số tiền tạm ứng 300.000 đồng theo biên lai thu số 0004214 ngày 01/8/2022 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Ân Thi.

* Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6, 7, 7a, 7b và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

32
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 13/2023/DS-PT

Số hiệu:13/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hưng Yên
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:29/03/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về