TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
BẢN ÁN 114/2021/DS-PT NGÀY 28/04/2021 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN
Ngày 28 tháng 4 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 33/2021/TLPT-DS ngày 15 tháng 01 năm 2021 về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 26/2020/DS-ST ngày 25/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 102/2021/QĐPT-DS, ngày 10/3/2021, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Vũ Văn T, sinh năm 1959; địa chỉ: Số nhà 05, tổ 58, ấp H, xã L, huyện L1, tỉnh Bình Phước;
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Bà Lê Thị T1, sinh năm 1959; địa chỉ: Số nhà 05, tổ 58, ấp H, xã L, huyện L1, tỉnh Bình Phước, là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày 29/11/2020).
- Bị đơn: Bà Vũ Thị H, sinh năm 1962 (đã chết ngày 22/01/2020).
Người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bà Vũ Thị H:
1. Ông Nguyễn Tấn P, sinh năm 1956;
2. Ông Nguyễn Thanh G, sinh năm 1981;
3. Bà Nguyễn Thị Lệ T2, sinh năm 1982;
Cùng địa chỉ: Ấp B, xã A, huyện P, tỉnh Bình Dương.
4. Bà Nguyễn Thị Kim C, sinh năm 1987; địa chỉ: Khu phố 5, phường M, thị xã B, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện hợp pháp của ông Nguyễn Tấn P, ông Nguyễn Thanh G, bà Nguyễn Thị Lệ T2, bà Nguyễn Thị Kim C: Ông Lê Văn L, sinh năm 1984; địa chỉ: Khu phố 5, phường M, thị xã B, tỉnh Bình Dương, là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày 27/02/2021).
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Ông Nguyễn Tấn P, sinh năm 1956;
2. Ông Nguyễn Thanh G, sinh năm 1981;
3. Bà Nguyễn Thị Lệ T2, sinh năm 1982;
Cùng địa chỉ: Ấp B, xã A, huyện P, tỉnh Bình Dương.
4. Bà Nguyễn Thị Kim C, sinh năm 1987; địa chỉ: Khu phố 5, phường M, thị xã B, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện hợp pháp của ông Nguyễn Tấn P, ông Nguyễn Thanh G, bà Nguyễn Thị Lệ T2, bà Nguyễn Thị Kim C: Ông Lê Văn L, sinh năm 1984; địa chỉ: Khu phố 5, phường M, thị xã B, tỉnh Bình Dương, là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày 27/02/2021).
5. Bà Lê Thị T1, sinh năm 1959; địa chỉ: Số nhà 05, tổ 58, ấp H, xã L, huyện L1, tỉnh Bình Phước.
- Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Vũ Văn T; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Tấn P, đồng thời là người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn bà Vũ Thị H.
NỘI DUNG VỤ ÁN
[1] Trong đơn khởi kiện ngày 22/5/2018, đơn khởi kiện bổ sung ngày 25/02/2019, bản tự khai, biên bản lấy lời khai, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Phạm Hữu Tuấn Minh trình bày:
Mẹ ông T là cụ Phạm Thị H, sinh năm 1930, cha ông T là cụ Võ Văn H1 chết năm 1969. Cụ H và cụ H1 sinh được 02 người con là ông Vũ Văn T và bà Vũ Thị H, ngoài ra không có con đẻ, con nuôi nào khác. Cụ H1 chết không rõ năm. Năm 1988, cụ H bị bệnh nặng, đến ngày 22/11/1988 cụ H chết không để lại di chúc. Hàng thừa kế thứ nhất của cụ H là ông T và bà H. Khi còn sống, cụ H tạo lập được tài sản gồm các thửa đất sau: Thửa số 179, tờ bản đồ số 11; thửa số 152, tờ bản đồ số 6; thửa số 33, tờ bản đồ số 13; thửa số 01, tờ bản đồ số 13 và các thửa số 67, 68, 69; thửa số 38, tờ bản đồ số 11. Nguồn gốc các thửa đất trên như sau: Thửa số 01 và thửa số 152, khi còn sống ông T và mẹ là cụ H khai phá khu đất này vào năm 1983 trồng điều. Sau này, ông P làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cưa điều trồng cao su; thửa số 179 do ông T, bà H và mẹ là cụ H khai phá vào năm 1976, về cất nhà lá để ở và trồng điều, tầm vông. Năm 2002, bà H dỡ nhà chuyển lên thửa số 152 để sinh sống, ông P, bà H trồng cao su; thửa số 33 do ông T, bà H và mẹ là cụ H khai phá vào năm 1977, trồng bắp và lúa. Sau này, gia đình ông P quản lý rồi trồng cao su; các thửa số 67, 68, 69 nguồn gốc là của ông bà để lại cho nên gia đình trồng lúa. Sau này, gia đình ông P, bà H trồng cao su.
Toàn bộ các thửa đất trên, khi cụ H chết vào năm 1988 thì ông T không còn canh tác nữa mà chuyển nhà lên huyện L1, tỉnh Bình Phước sinh sống và để lại cho vợ chồng bà H, ông P canh tác sử dụng. Khi cụ H chết chưa có giấy tờ về ruộng đất nên không để lại giấy tờ gì đối với các thửa đất trên, chỉ có những người làm chứng biết sự việc ông T và mẹ là cụ H khai phá, trồng tỉa trên đất. Quyền sử dụng đất là của mẹ ông T để lại cho anh em ông T, do không tự phân chia được nên ông T khởi kiện yêu cầu Toà án chia thừa kế theo quy định của pháp luật đối với các thửa đất trên và yêu cầu nhận bằng hiện vật là quyền sử dụng đất. Các tài sản trên đất là nhà và cây cao su do ông P, bà H tạo lập ông T không tranh chấp, đề nghị Toà án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tại phiên toà sơ thẩm, nguyên đơn có đơn xin rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với thửa số 01, tờ bản đồ số 13; thửa số 69, thửa số 38, tờ bản đồ số 11. Do Ủy ban nhân dân huyện P cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Nguyễn Tấn P không phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 1993 nên đề nghị Toà án kiến nghị thu hồi đất của hộ ông P và chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
[2] Tại bản tự khai ngày 29/6/2018, biên bản lấy lời khai ngày 19/7/2018, bản tự khai ngày 28/8/2018, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên toà, người đại theo uỷ quyền của bị đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đồng thời là người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn ông Nguyễn Đình Khiêm trình bày:
Bà Giang, bà T2, bà C, ông P thống nhất với nguyên đơn về hàng thừa kế thứ nhất của cụ H theo như nguyên đơn trình bày, không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn về việc chia di sản thừa kế. Lý do, các thửa đất trên là do ông P, bà H khai phá năm 1980 và sử dụng ổn định từ trước đến nay. Khi ông P kê khai đăng ký quyền sử dụng đất trên thì không ai tranh chấp hay khiếu nại gì. Năm 1980, ông T làm Công an huyện C. Năm 1987, ông T chuyển về L1 sinh sống cho đến nay và nguyên đơn không có giấy tờ chứng minh các thửa đất trên là di sản thừa kế của cụ H để lại. Khi cụ H chết, diện tích đất này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến ngày 12/8/1993, ông Nguyễn Tấn P mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong hồ sơ cấp đất toàn bộ đều ghi nguồn gốc khai phá; toàn bộ các tài sản trên đất do ông P và bà H tạo lập.
Tại phiên toà, đại diện người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn ông Nguyễn Đình Khiêm cho rằng: Ông P và bà H kết hôn năm 1979, năm 1980 ông T đi làm xa và về quê vợ ở L1 sinh sống, bà H và ông P phải chăm sóc mẹ già bệnh tật. Nếu nguyên đơn cho rằng đất của mẹ tại sao không đăng ký kê khai cấp sổ trắng và khi ông P kê khai đăng ký lại không có ý kiến tranh chấp, việc Ủy ban nhân dân huyện P cấp đất cho ông P là đúng trình tự thủ tục. Nguyên đơn không đưa ra được các chứng cứ chứng minh là tài sản của cụ Phạm Thị H để lại nên đề nghị Hồi đồng xét xử tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
[3] Tại bản tự khai ngày 29/6/2018, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên toà, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lê Thị T1 trình bày:
Mẹ chồng bà T1 là bà Hồi chết năm 1988, thời điểm đó chưa có chính sách cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Ông T có quản lý canh tác các thửa đất trên từ năm 1976 đến năm 1988. Sau khi mẹ ông T chết, ông T và bà T1 chuyển về L1 sinh sống, để lại các thửa đất đó cho vợ chồng ông P, bà H canh tác. Bà T1 cho rằng các tài sản trên đất trước đây là cây điều, sau này gia đình ông P tự cưa điều trồng cao su nên bà T1 yêu cầu chia quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho ông T và bà H theo quy định.
[4] Tại biên bản lấy lời khai ngày 05/7/2019, người làm chứng ông Nguyễn Minh Xây trình bày:
Ông Xây là hàng xóm của ông T và bà H, đất đai hai bên tranh chấp ông Xây biết nguồn gốc do mẹ ông T và bà H là bà Phạm Thị H khai phá. Sau giải phóng, gia đình bà Hồi về A sinh sống rồi khai phá diện tích đất ở khoảng 04 sào, còn khai phá thêm đất cạnh sông Bé khoảng 03 sào, đất cao su ông P, bà H đang quản lý khoảng 1,3ha; 01 thửa ruộng nữa ông Xây không biết khoảng 04 sào, ông Xây không biết số tờ bản đồ, số thửa đất tranh chấp. Năm 1980, ông T lên L1 sinh sống nhưng vẫn qua lại thăm mẹ là bà Hồi. Khi bà Hồi chết, ông P, bà H về ở rồi đăng ký, ông P không khai phá diện tích đất này mà do mẹ con bà Hồi khai phá.
[5] Tại biên bản lấy lời khai ngày 05/7/2019, người làm chứng ông Huỳnh Văn Vân trình bày:
Ông Vân là hàng xóm của ông T, bà H, đất đai hai bên tranh chấp nguồn gốc do mẹ ông T là bà H và bà Phạm Thị H khai phá năm 1983. Năm 1984, trồng điều, đậu phộng diện tích khoảng 1,1 ha, ngoài ra không biết gì thêm.
[6] Tại biên bản lấy lời khai ngày 05/7/2019, người làm chứng bà Phạm Thị Phe trình bày:
Bà Phe là cô của ông T và bà H, nguồn gốc đất tranh chấp là do mẹ ông T và ông T khai phá khoảng năm 1976-1977, diện tích khoảng 01 sào, còn đất ruộng bà Phe không biết, sau này ông T đi buôn bán ở xa nay về tranh chấp bà Phe mong muốn anh em hoà thuận.
[7] Tại biên bản lấy lời khai ngày 08/7/2019, người làm chứng ông Nguyễn Văn Út trình bày:
Ông Út là hàng xóm của ông T và bà H, đất đai hai bên tranh chấp nguồn gốc do mẹ của ông T và bà H là cụ Phạm Thị H khai phá năm 1982 trồng điều, đậu. Đến năm 1992, ông T về L1 sinh sống thì bà H quản lý, sử dụng.
[8] Tại biên bản lấy lời khai ngày 05/7/2019, người làm chứng ông Nguyễn Văn A trình bày:
Ông Nguyễn Văn A là anh bà con bạn dì với ông T và bà H, nguồn gốc đất hai bên tranh chấp do mẹ ông T là cụ Phạm Thị H cùng ông T khai phá. Đất giáp sông Bé do bà Hồi với con là ông T khai phá, thời điểm đó trỉa bắp. Năm 1980, ông T đi làm ở L1 nên để lại cho mẹ là cụ H và em là bà H canh tác. Lúc đó, đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông P khai phá thêm đất ruộng cặp mương thoát nước, hiện tại ông P đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hai khu đất này kế đất ông Nguyễn Văn A nên biết, còn các thửa khác ông không biết.
[9] Tại phiên toà, người làm chứng ông Nguyễn Văn Hải trình bày:
Ông Hải là hàng xóm của ông T và bà H, đất đai hai bên tranh chấp nguồn gốc do ông T, bà H và cụ Phạm Thị H khai phá năm 1982 trồng điều, đậu. Đến năm 1992, ông T về L1 sinh sống thì bà H quản lý, sử dụng.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 26/2020/DS-ST ngày 25/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Bình Dương, đã tuyên xử:
- Căn cứ khoản 5 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm c khoản 1 Điều 39; khoản 1 Điều 147, các Điều 157, 227, 228, 229, 266, 271 và Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
- Căn cứ các Điều 610; Điều 611; Điều 612; Điều 613; Điều 614; Điều 649; Điều 650; Điều 651 của Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Căn cứ các Điều 1, 2 của Luật Đất đai năm 1987; Điều 2 của Luật Đất đai năm 1993, các Điều 10, 50 của Luật Đất đai năm 2003; Điều 26, Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013;
- Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
1. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện đối với yêu cầu về thừa kế tài sản của nguyên đơn ông Vũ Văn T đối với bị đơn bà Vũ Thị H về thửa đất số 01 tờ bản đồ số 13 và các thửa số 69, 38, tờ bản đồ số 11 toạ lạc tại xã A, huyện P, tỉnh Bình Dương.
2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Vũ Văn T đối với bị đơn bà Vũ Thị H (người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn bà Vũ Thị H) về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản”.
3. Buộc người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn ông Nguyễn Tấn P, ông Nguyễn Thanh G, bà Nguyễn Thị Lệ T2, bà Nguyễn Thị Kim C có trách nhiệm liên đới thanh toán cho nguyên đơn số tiền 98.934.000đ (chín mươi tám triệu chín trăm ba mươi bốn nghìn đồng).
Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí, chi phí tố tụng, trách nhiệm thi hành án và quyền kháng cáo.
Sau khi có án sơ thẩm, ngày 06/10/2020 nguyên đơn ông Vũ Văn T kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chia thừa kế đối với 02 thửa đất số 67, 68 tờ bản đồ số 11 và số tiền 140.000.000 đồng mà bị đơn đã nhận bồi thường từ năm 2010.
Ngày 08/10/2020, ông Nguyễn Tấn P là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đồng thời là người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn bà Vũ Thị H kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn do bà Lê Thị T1 đại diện vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo; người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Tấn P do ông Lê Văn L đại diện vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, không đồng ý toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương phát biểu quan điểm:
- Về tố tụng: Kháng cáo của các đương sự là trong thời hạn quy định. Những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
- Về nội dung: Về quan hệ huyết thống: Các bên đương sự thống nhất với nhau về quan hệ huyết thống và hàng thừa kế của cụ H. Về di sản thừa kế của cụ H: Nguyên đơn yêu cầu chia thừa kế tài sản của cụ Phạm Thị H chết để lại là quyền sử dụng đất thuộc thửa số 179, tờ bản đồ số 11; thửa 152, tờ bản đồ số 6; thửa 33, tờ bản đồ số 13; các thửa 67, 68, tờ bản đồ số 11, toạ lạc tại xã A, huyện P, tỉnh Bình Dương, yêu cầu chia theo quy định của pháp luật và xin nhận bằng hiện vật, đối với tài sản trên đất không tranh chấp.
Kháng cáo của nguyên đơn: Cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chia thừa kế đối với các thửa số 179, 152, 33 là có căn cứ bởi lẽ nguyên đơn không có chứng cứ gì chứng minh những thửa đất trên là di sản thừa kế của cụ H để lại. Khi cụ H còn sống cũng không đăng ký kê khai, trên phần đất tranh chấp cũng không có tài sản nào của cụ H (chết 1988) để lại. Hồ sơ vụ án thể hiện và nguyên đơn cũng thừa nhận toàn bộ tài sản trên các thửa đất đều do vợ chồng bị đơn tạo lập. Theo hồ sơ cấp đất, sổ đăng ký địa chính, nguồn gốc các thửa đất trên do ông Nguyễn Tấn P và bà Vũ Thị H khai phá đất từ năm 1980. Lời khai của người làm chứng không rõ ràng, mâu thuẫn nhau. Nguyên đơn kháng cáo cũng không cung cấp được chứng cứ nào chứng minh cho yêu cầu kháng cáo của mình nên không có căn cứ chấp nhận. Bị đơn kháng cáo một phần bản án đối với thửa đất thửa số 67, 68, tờ bản đồ số 11, nguyên đơn cũng không có chứng cứ nào chứng minh các thửa đất này là di sản của cụ H để lại. Tài sản trên đất tranh chấp đều do vợ chồng bị đơn tạo lập. Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào lời khai của những người làm chứng, Ủy ban nhân dân xã A xác nhận và Biên bản hoà giải năm 2010 tại Ủy ban nhân dân xã A các bên đã thống nhất, bị đơn trả cho nguyên đơn 10.000.000 đồng để chấp nhận yêu cầu chia di sản thừa kế của nguyên đơn là chưa phù hợp, bởi lẽ:
+ Lời khai của người làm chứng trong hồ sơ vụ án khai mâu thuẫn nhau, nội dung khai chung chung cho rằng đất do cụ H, ông T khai phá nhưng không biết cụ thể diện tích, vị trí nào. Ông Huỳnh Văn Vân được xác định là người làm chứng (bút lục 42) khai nguồn gốc đất do ông T, cụ H khai phá tuy nhiên ông Vân cũng là thành viên trong cuộc họp lấy ý kiến khu dân cư (bút lục 181) xác định nguốn gốc đất khi ông P kê khai xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là khai phá năm 1990. Do đó, việc Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào lời khai của người làm chứng là không có cơ sở.
+ Đối với biên bản hòa giải ngày 29/7/2010 có thỏa thuận, hòa giải giữa ông T với ông P về tranh chấp tiền giải tỏa một phần đất vào lòng hồ Phước Hòa nhưng biên bản này ông P không tham gia, không thừa nhận (thời điểm này ông P đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa số 67, 68) mà bà H (vợ ông P) tham gia. Biên bản chỉ ghi nhận bà Hồi đồng ý cho con ông T 10.000.000 đồng xác định đất hương quả của ông bà 0.6ha (không phải ý chí của ông P) cũng không xác định cụ thể diện tích nào. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với thửa số 67, 68 là không có căn cứ vì không có tài liệu, chứng cứ nào thể hiện nguồn gốc đất. Cụ H chết 1988, ông T thừa nhận chuyển lên Bình Phước sinh sống từ năm 1988 và cũng không sinh sống, quản lý đăng ký kê khai gì đối với phần đất này.
Từ những phân tích trên, xét kháng cáo của nguyên đơn là không có cơ sở, kháng cáo của bị đơn là có căn cứ, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng khoản 2 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự, sửa Bản án sơ thẩm số 26/2020/DSST ngày 25/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Bình Dương theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, lời trình bày của đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên,
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng: Tại phiên toà sơ thẩm, nguyên đơn có đơn xin rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với bị đơn bà Vũ Thị H về yêu cầu chia thừa kế tài sản là thửa số 01, tờ bản đồ số 13 và thửa số 69, thửa số 38, tờ bản đồ số 11, việc rút một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là hoàn toàn tự nguyện và phù hợp với quy định của pháp luật. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận và đình chỉ xét xử một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ. Phần quyết định này của Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị nên đã phát sinh hiệu lực pháp luật.
[2] Về hàng thừa kế: Quá trình tố tụng và tại phiên tòa, các đương sự đều thống nhất về quan hệ huyết thống và thừa nhận cụ Phạm Thị H chết ngày 22/11/1988, hàng thừa kế thứ nhất của cụ H gồm: Cha Phạm Văn Khuôn (chết không giấy khai tử); mẹ Nguyễn Thị Lý (chết không giấy khai tử), chồng Vũ Văn Hựu (chết không giấy khai tử), con là ông Vũ Văn T và bà Vũ Thị H. Ngoài ra, cụ H không còn người con nuôi hay con riêng nào khác; cụ H và Cụ H1 chết không để lại di chúc. Xét thấy, sự thừa nhận của các đương sự là những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh theo quy định tại Điều 92 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Như vậy, hàng thừa kế thứ nhất của cụ H gồm ông Vũ Văn T và bà Vũ Thị H theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 651 của Bộ luật Dân sự.
[3] Về di sản thừa kế: Nguyên đơn yêu cầu chia thừa kế đối với di sản của cụ Phạm Thị H tạo lập được là quyền sử dụng đất thuộc thửa số 179, tờ bản đồ số 11; thửa số 152, tờ bản đồ số 6; thửa số 33, tờ bản đồ số 13; các thửa số 67, 68, tờ bản đồ số 11, toạ lạc tại xã A, huyện P, tỉnh Bình Dương, yêu cầu chia theo quy định của pháp luật và xin nhận bằng hiện vật, đối với tài sản trên đất nguyên đơn không tranh chấp. Bị đơn không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, không thừa nhận các thửa đất trên là của cụ H khai phá và cho rằng các thửa đất trên do bị đơn tự khai phá và canh tác trồng cây trên đất từ năm 1980 đến nay. Do nguyên đơn không đưa ra được các chứng cứ chứng minh là tài sản của cụ Phạm Thị H để lại nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Theo biên bản đo đạc, xem xét thẩm định tại chỗ ngày 27/9/2018, trên đất đang tranh chấp có các tài sản như sau: Thửa số 179, tờ bản đồ số 11, diện tích 2.633,3m2, trên đất có 150 cây cao su trồng năm 1993; thửa số 33, tờ bản đồ số 13, diện tích 5.867m2, trên đất có 300 cây cao su trồng năm 1993; thửa số 68, tờ bản đồ số 11, diện tích 1.494.1m2 trên đất có 150 cây cao su trồng năm 1993; thửa số 67, tờ bản đồ số 11, diện tích 1.648,9m2, trên đất có 100 cây cao su trồng năm 1993; thửa số 152, tờ bản đồ số 6, diện tích 11.074,3m2, trên đất có nhà cấp 04 và 500 cây cao su trồng năm 1993, toàn bộ tài sản trên đất là của ông P và bà H tạo lập. Tại biên bản định giá ngày 27/9/2018, Hội đồng định giá xác định: Đất thổ cư khu vực 02, vị trí 01 có giá 360.000 đồng/m2, vị trí 02 có giá 300.000 đồng/m2; đất nông nghiệp khu vực 02, vị trí 01 có giá 70.000 đồng/m2, vị trí 02 có giá 60.000 đồng/m2. Các đương sự đều thống nhất với kết quả đo dạc và định giá.
Hộ ông Nguyễn Tấn P được Ủy ban nhân dân huyện B (nay là huyện P), tỉnh Bình Dương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 122/GCNSB ngày 23/8/1993, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00122/QSDĐ ngày 25/8/1998 diện tích 23.275m2 và được Ủy ban nhân dân huyện P, tỉnh Bình Dương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00226/QSDĐ/PG ngày 24/5/2002, diện tích 86.178m2. Xét thấy, nguồn gốc các thửa đất đang tranh chấp theo lời khai của những người làm chứng đều cho rằng ông T, bà H cùng mẹ là cụ H khai phá từ năm 1975 -1976, có thửa khoảng 03 đến 04 sào, có thửa khoảng 01ha... nhưng những người làm chứng không biết chính xác diện tích đất, số thửa, số tờ bản đồ. Ông Huỳnh Văn Vân được xác định là người làm chứng (bút lục 42) khai nguồn gốc đất do ông T, cụ H khai phá tuy nhiên ông Vân cũng là thành viên trong cuộc họp lấy ý kiến khu dân cư (bút lục 181) xác định nguồn gốc đất khi ông P kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là khai phá năm 1990. Do vậy, không có căn cứ để Hội đồng xét xử chấp nhận lời khai của những người làm chứng. Nguyên đơn ông T cho rằng ông T, bà H và mẹ là cụ H cùng khai phá các thửa đất đang tranh chấp từ năm 1975. Năm 1977, ông T vào ngành Công an và công tác tại Công an huyện C, tỉnh Sông Bé thỉnh thoảng mới về nhà. Năm 1981, ông T về làm ở xã A, đến năm 1986 hết nhiệm kỳ nên nghỉ hưu. Đến năm 1987, ông T về L1 sinh sống nên đã giao các thửa đất trên cho mẹ là cụ H và bà H quản lý, sử dụng. Xét thấy, bị đơn không thừa nhận lời trình bày trên của nguyên đơn, nguyên đơn cũng không có tài liệu, chứng cứ nào khác chứng minh các thửa đất đang tranh chấp của cụ H khai phá, cũng như không có tài liệu, chứng cứ nào thể hiện các thửa đất tranh chấp thuộc quyền quản lý, sử dụng của bà H trước khi chết và trên các thửa đất tranh chấp cũng không có tài sản là cây lâu năm hoặc công trình xây dựng của cụ H để lại. Hơn nữa, tính đến thời điểm cụ H chết vào năm 1988 thì cụ H vẫn chưa tiến hành đăng ký kê khai và cũng chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp một trong các loại giấy tờ về đất theo quy định tại Điều 100; khoản 1 Điều 168 của Luật Đất đai năm 2013 (Điều 2 của Luật Đất đai năm 1993; khoản 1, 2, 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003). Do vậy, không có căn cứ xác định các thửa đất nguyên đơn tranh chấp trên là di sản thừa kế do cụ Phạm Thị H chết để lại.
Theo hồ sơ cấp đất do Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện P cung cấp và theo Biên bản xác minh tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện P thể hiện: Tại sổ đăng ký quyền sử dụng đất thì thửa số 179, tờ bản đồ số 11; thửa số 152 tờ bản đồ số 6; thửa số 33, tờ bản đồ số 13; các thửa số 67, 68, tờ bản đồ số 11 đều do ông Nguyễn Tấn P đăng ký. Ông Nguyễn Tấn P và bà Vũ Thị H là người khai phá các thửa đất đang tranh chấp từ năm 1980 và quản lý, sử dụng ổn định từ đó cho đến nay. Đồng thời, theo Biên bản xác minh ngày 15/9/2020, tại Ủy ban nhân dân xã A cho biết ông P và bà H canh tác các thửa đất trên từ năm 1985 - 1986, điều này cũng phù hợp với lời khai nguyên đơn cho rằng ông T đi lên L1 từ năm 1986 - 1987. Ngoài ra, tại Công văn số 1021/UBND-NC ngày 17/10/2019, Uỷ ban nhân dân huyện P xác định việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Nguyễn Tấn P đúng trình tự thủ tục theo quy định của Luật Đất đai năm 1993, sửa đổi bổ sung năm 1998; Luật Đất đai năm 2003. Do đó, không có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc đề nghị Toà án kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho hộ ông Nguyễn Tấn P.
Đối với biên bản hòa giải ngày 29/7/2010, nội dung có thỏa thuận, hòa giải giữa ông T với ông P về tranh chấp tiền giải tỏa một phần đất vào lòng hồ Phước Hòa nhưng biên bản này ông P không tham gia, không thừa nhận (thời điểm này ông P đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa số 67 và 68) mà bà H (vợ ông P) tham gia khi không được sự ủy quyền của ông P. Biên bản chỉ ghi nhận bà H đồng ý cho con ông T 10.000.000 đồng, xác định đất hương quả của ông bà 0,6ha (không phải ý chí của ông P) và cũng không xác định cụ thể diện tích nào, thuộc số thửa, tờ bản đồ nào.
Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với thửa 67, 68 là không có căn cứ vì không có tài liệu chứng cứ nào thể hiện nguồn gốc vì cụ H chết 1988, ông T thừa nhận chuyển lên Bình Phước sinh sống từ năm 1988 và cũng không sinh sống, quản lý đăng ký kê khai gì đối với các thửa đất này.
Từ những phân tích trên, không có căn cứ để Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn.
[4] Quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương là phù hợp nên được chấp nhận.
5 Về chi phí tố tụng: Chi phí đo đạc, định giá và sao lục hồ sơ tổng cộng số tiền là 7.850.000 đồng. Nguyên đơn ông Vũ Văn T phải nộp, được trừ vào số tiền nguyên đơn đã nộp tạm ứng trước đây tại Toà án cấp sơ thẩm.
[6] Về án phí dân sự sơ thẩm: Nguyên đơn ông Vũ Văn T là người cao tuổi và có đơn xin miễn án phí. Do vậy, căn cứ theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án thì ông T được miễn án phí.
[7] Về án phí dân sự phúc thẩm:
- Ông Vũ Văn T được miễn toàn bộ tiền án phí phúc thẩm.
- Hoàn trả cho ông Nguyễn Tấn P số tiền 300.000 đồng.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ vào các Điều 3, 4, 5, 24, 25 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990; các Điều 611, 612, 650, 651 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 2 của Luật Đất đai năm 1993; khoản 1, 2, 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003; Điều 100; khoản 1 Điều 168 của Luật Đất đai năm 2013;
- Căn cứ vào Điều 147; Khoản 1 Điều 148; Khoản 2 Điều 308; Điều 309; Điều 313 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
- Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án;
1. Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Nguyễn Tấn P là người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn bà Vũ Thị H, đồng thời là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 26/2020/DS-ST ngày 25/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Bình Dương như sau:
1.1. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Vũ Văn T đối với bị đơn bà Vũ Thị H về yêu cầu chia thừa kế tài sản là thửa đất số 01, tờ bản đồ số 13 và các thửa số 69, 38, tờ bản đồ số 11, toạ lạc tại xã A, huyện P, tỉnh Bình Dương.
1.2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Vũ Văn T đối với bị đơn bà Vũ Thị H (người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn bà Vũ Thị H gồm ông Nguyễn Tấn P, ông Nguyễn Thanh G, bà Nguyễn Thị Lệ T2 và bà Nguyễn Thị Kim C) về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản”.
1.3. Về chi phí tố tụng: Tổng số tiền là 7.850.000 đồng, nguyên đơn ông Vũ Văn T phải chịu, được trừ vào số tiền đã nộp tạm ứng trước đây tại Toà án cấp sơ thẩm.
1.4. Về án phí dân sự sơ thẩm: Ông Vũ Văn T được miễn toàn bộ tiền án phí sơ thẩm. Hoàn trả cho ông Vũ Văn T số tiền 10.000.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tiền số 0007404 ngày 28/5/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện P, tỉnh Bình Dương.
2. Về án phí dân sự phúc thẩm:
- Ông Vũ Văn T được miễn toàn bộ tiền án phí phúc thẩm.
- Chi cục Thi hành án dân sự huyện P hoàn trả cho ông Nguyễn Tấn P số tiền 300.000 đồng tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo Biên lai thu tiền số 0043602 ngày 14/10/2020.
3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 114/2021/DS-PT
Số hiệu: | 114/2021/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bình Dương |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 28/04/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về