TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN HÀ ĐÔNG, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 109/2021/DS-ST NGÀY 21/10/2021 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN
Trong ngày 21 tháng 10 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân quận Hà Đông xét xử công khai sơ thẩm vụ án Dân sự thụ lý số 15/2020/TLST-DS ngày 11/02/2020 về việc: Tranh chấp về thừa kế tài sản theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 09/2021/QĐXXST-DS ngày 14/01/2021; Quyết định hoãn phiên tòa số: 05/2021/QĐST- DS ngày 29/01/2021, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn Chị Đỗ Thị Ngọc D1, sinh năm 1973.
Địa chỉ: Số 89 phố Y, tổ dân phố số 4, phường P, quận H, thành phố Hà Nội. Có mặt.
- Bị đơn: Anh Đỗ Mạnh T1, sinh năm 1969.
Địa chỉ: Số 89 phố Y, tổ dân phố số 4, phường P, quận H, thành phố Hà Nội.
Vắng mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1/ Chị Đỗ Thị H1, sinh năm 1959.
Địa chỉ: Tổ 15, phường P, thành phố H, tỉnh Hòa Bình. Có mặt.
2/ Anh Đỗ Mạnh D2, sinh năm 1961.
Địa chỉ: Số 89 phố Y, tổ dân phố số 4, phường P, quận H, thành phố Hà Nội. Có mặt.
3/ Bà Nguyễn Thị Thanh H2, sinh năm 1972. Vắng mặt.
4/ Anh Đỗ Mạnh H3, sinh năm 1996. Vắng mặt.
5/ Chị Đỗ Huyền L, sinh năm 2003.
Chị Đỗ Huyền L do ông Đỗ Mạnh T1 và bà Nguyễn Thị Thanh H2 đại diện. Vắng mặt. Cùng cư trú tại: Số nhà 89 phố Y, tổ dân phố số 4, phường P, quận H, thành phố Hà Nội.
NỘI DUNG VỤ ÁN
*Trong đơn khởi kiện ngày 26/12/2019 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, cũng như tại phiên tòa sơ thẩm. Nguyên đơn chị Đỗ Thị Ngọc D1 trình bày:
Bố mẹ chị là ông Đỗ Mạnh H4, sinh năm 1929 (chết năm 1999) và bà Đỗ Thị T, sinh năm 1935 (chết năm 2019). Bố mẹ chị có 04 người con chung là Đỗ Thị H1, Đỗ Mạnh D2, Đỗ Mạnh T1 và Đỗ Thị Ngọc D1. Ngoài 04 người con đẻ ra bố mẹ chị không có người con nuôi, con riêng nào khác. Khi chết bố mẹ chị không để lại di chúc.
Khi còn sống ông H4 và bà T có tạo dựng được 01 khối tài sản là thửa đất số 118, tờ bản đồ số 2, diện tích 175 m2 tại địa chỉ số 89, tổ 4, phường P, quận H, thành phố Hà Nội. Trên đất có 03 gian nhà cấp 4 và một gian đổ mái bằng. Nguồn gốc đất là do cha ông để lại.
Sau khi ông H4 chết thì chị và bà T sống tại gian nhà đổ mái bằng, còn ông T1 cùng vợ con sống tại 03 gian nhà cấp 4.
Năm 2019 bà T chết thì nhà đất trên do anh Đỗ Mạnh D2 và anh Đỗ Mạnh T1 trực tiếp quản lý và sử dụng.
Quá trình sinh sống tại nhà đất trên thì anh T1 thường xuyên có thái độ cư xử vô văn hóa đối với các anh, chị em trong nhà. Anh T1 chửi bới và đuổi các anh chị em đi không cho vào nhà để thực hiện nghi lễ thờ cúng, giỗ cho ông, bà. Sự việc này xảy ra nhiều lần và đã đưa ra để hòa giải tại xã, phường nhưng không thành.
Nay chị D1 đề nghị Tòa án giải quyết về việc chia di sản thừa kế của bố, mẹ chị để lại bằng hiện vật cụ thể: Chia phần tài sản thừa kế làm 04 phần. Phần di sản của chị được hưởng thì bà yêu cầu được chia bằng hiện vật.
Đối với chi phí tố tụng xem xét thẩm định và định giá tài sản chị và anh D2, chị H1 tự nguyện nộp không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Về án phí: Chị D1 đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Ngoài các vấn đề trên chị D1 không yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề gì khác.
*Tại bản tự khai ngày 10/3/2020 bị đơn anh Đỗ Mạnh T1 trình bày:
Ông có bố là ông Đỗ Mạnh H4 (chết năm 1999) và mẹ là bà Đỗ Thị T (chết năm 2019). Khi chết bà T có để lại tiền tiết kiệm là 120.000.000 đồng ở Ngân hàng B quận H, Hà Nội từ năm 2013 và lãi suất ngân hàng chưa tính; tiền tử tuất, tiền bảo hiểm xã hội do chị Đỗ Thị Ngọc D1 cầm; 01 điều hòa Daikin; 01 mâm đồng và nồi, xoong, chảo.
Ngày 24/02/2020 ông đã nhận được thông báo của Tòa án về việc thụ lý vụ án Dân sự số: 15/TBTL về việc: Tranh chấp về thừa kế tài sản.
Ông xác nhận tài sản tranh chấp là mảnh đất do tổ tiên bên ngoại để lại từ thời cụ ông đến bố mẹ ông và đã được cấp giấy chứng nhận mang tên bố ông là Đỗ Mạnh H4 và theo di nguyện của bố mẹ ông thì đây là mảnh đất để thờ cúng tổ tiên giữ nguyên, không bán, không chia, không cho.
Ngoài các vấn đề trình bày trên ông D2 không giao nộp cho Tòa án bất cứ tài liệu, chứng cứ gì khác.
* Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Đỗ Mạnh D2, bà Đỗ Thị H1 trình bày:
Ông Đỗ Mạnh H4, sinh năm 1929 (chết năm 1999) và bà Đỗ Thị T, sinh năm 1935 (chết năm 2019). Ông H4, bà T có 04 người con chung là Đỗ Thị H1, Đỗ Mạnh D2, Đỗ Mạnh T1 và Đỗ Thị Ngọc D1. Ngoài 04 người con ra ông H4, bà T không có người con nuôi, con riêng nào khác. Khi chết ông H4, bà T không để lại di chúc.
Khi còn sống ông H4 và bà T có tạo dựng được 01 khối tài sản là thửa đất số 118, tờ bản đồ số 2, diện tích 175 m2 tại địa chỉ số 89, tổ 4, phường P, quận H, thành phố Hà Nội. Trên đất có 03 gian nhà cấp 4 và một gian đổ mái bằng. Nguồn gốc đất là do cha ông để lại. Nhà đất trên đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Đỗ Mạnh H4.
Sau khi ông H4, bà T chết thì ông Đỗ Mạnh D2 quản lý và sử dụng 01 gian nhà trần đổ mái bằng để làm nơi thờ cúng bố mẹ và ông Đỗ Mạnh T1 trực tiếp quản lý và sử dụng 03 gian nhà cấp 4.
Quá trình sinh sống tại nhà đất trên thì anh T1 thường xuyên có thái độ cư xử vô văn hóa đối với các anh, chị em trong nhà. Anh T1 chửi bới và đuổi các anh chị em đi không cho vào nhà để thực hiện nghi lễ thờ cúng, giỗ cho ông, bà. Sợ việc này xảy ra nhiều lần và đã đưa ra để hòa giải tại xã, phường nhưng không thành.
Nay ông D2, bà H1 đề nghị Tòa án giải quyết về việc chia di sản thừa kế của ông H4, bà T để lại bằng hiện vật cụ thể: Chia phần tài sản thừa kế làm 04 phần. Phần di sản của ông, bà được hưởng thì bà yêu cầu được chia bằng hiện vật.
Đối với chi phí tố tụng xem xét thẩm định và định giá tài sản ông, bà tự nguyện nộp không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Về án phí: Ông D2, bà H1 đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Ngoài các vấn đề trên ông D2, bà H1 không yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề gì khác.
Tại phiên tòa ngày hôm nay:
Nguyên đơn chị D1 vẫn giữ nguyên giữ nguyên quan điểm ý kiến đã trình bày và không có yêu cầu gì khác.
Đối với các ý kiến trình bày của ông T1 chị D1 có ý kiến:
Số tiền tiết kiệm là 120.000.000 đồng ở Ngân hàng B quận H, Hà Nội từ năm 2013 và lãi suất ngân hàng như ông T1 trình bày là do chị D1 cầm tiền là không đúng vì sổ tiết kiệm mang tên ông Đỗ Mạnh T1 và số tiền chỉ có là 110.000.000 đồng. Khi bà T còn sống ngày 28/11/2014 bà T đã bảo ông T1 ra Ngân hàng rút 100.000.000 đồng về để bà T chi tiêu cá nhân nên số tiền gốc và lãi chỉ còn lại 19.228.150 đồng. Sổ tiết kiệm mang tên ông T1 nên chỉ khi nào ông T1 ra rút tiền, có chữ ký của ông T1 thì mới rút được tiền, còn chị D1 chỉ cầm sổ không liên quan gì đến tiền.
Đối với tiền tử tuất, tiền bảo hiểm xã hội của bà T thì hiện nay vẫn chưa thanh toán được là vì trong gia đình tôi ông T1 chưa ký nên chưa thanh toán được. Còn các tài sản khác như 01 điều hòa Daikin; 01 mâm đồng và nồi, xoong, chảo thì hiện nay vẫn để ở trong ngôi nhà trần ông D2 khóa cửa và các tài sản này cũng đã cũ không còn giá trị gì.
bày.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên các ý kiến như đã trình Vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Hà Đông tham gia phiên tòa hôm nay có ý kiến:
Về tố tụng: Quá trình tòa án tiến hành thụ lý vụ án cho đến khi đưa quyết định đưa vụ án ra xét xử Thẩm phán, thư ký đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, tại phiên tòa hôm nay Hội đồng xét xử đã tiến hành tố tụng theo đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Nguyên đơn , người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan chấp hành đúng các quy định của pháp luật; Bị đơn không chấp hành các quy định của pháp luật.
Về thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án: Tòa án đã vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định tại Điều 203 của bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Về nội dung:Vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Hà Đông nhận định, đánh giá và đề nghị Hội đồng xét xử:
Căn cứ các Điều 623; Điều 649; Điều 650; Điều 651 của Bộ luật dân sự 2015; Điều khoản 5 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 147; Điều 271; Điều 273; Điều 280 của Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTV Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Đỗ Thị Ngọc D1 về việc yêu cầu chia thừa kế đối với di sản của ông H4, bà T để lại là nhà đất và tài sản khác gắn liền với đất tại thửa đất số 118, tờ bản đồ số 2, diện tích 175 m2 tại địa chỉ số 89, tổ 4, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
- Di sản của ông H4, bà T để lại là thửa đất số 118, tờ bản đồ số 2, diện tích 175 m2 tại địa chỉ số 89, tổ 4, phường P, quận H, thành phố Hà Nội và được chia đều cho bà H1, ông D2, ông T1, chị D1. Các đồng thừa kế có trách nhiệm thanh toán cho ông T1 công sức duy trì, cải tạo tài sản.
- Bà H1, ông D2, ông T1, chị D1 được hưởng di sản bằng hiện vật.
- Về án phí: Các bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1].Về thủ tục tố tụng: Quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa hôm nay bị đơn , người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án tống đạt triệu tập hợp lệ nhưng vẫn vắng mặt. Vì vậy Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan theo quy định tại khoản 2 Điều 227 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 .
[2].Về quan hệ pháp luật tranh chấp: Chị D1 khởi kiện yêu cầu chia thừa kế di sản của bố mẹ chị là ông H4, bà T để lại đối với ông Đỗ Mạnh T1. Do vậỵ, cần xác định quan hệ pháp luật trong vụ án này là Tranh chấp về thừa kế tài sản được quy định tại khoản 5 Điều 26 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
[3]. Về thời hiệu khởi kiện: Ông Đỗ Mạnh H4 chết ngày 02/6/1999 và bà Đỗ Thị T chết ngày 18/4/2019. Ngày 26/12/2019 chị D1 khởi kiện yêu cầu chia thừa kế di sản của ông H4, bà T để lại là đảm bảo về thời hiệu khởi kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 623 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
[4].Về thẩm quyền giải quyết của Tòa án: Ông Đỗ Mạnh T1 có địa chỉ tại: Số 89 phố Y, tổ dân phố số 4, phường P, quận H, thành phố Hà Nội. Vì vậy, căn cứ vào khoản 5 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, vụ án nêu trên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
[5]. Về nội dung vụ án:
[5.1]. Về quan hệ huyết thống: Theo tài liệu có trong hồ sơ và lời khai của các đương sự, có căn cứ để xác định: Ông Đỗ Mạnh H4, sinh năm 1929 (đã chết năm 1999) và bà Đỗ Thị T, sinh năm 1935 (đã chết năm 2019). Ông H4 và bà T có 04 người con đẻ gồm: Bà Đỗ Thị H1, ông Đỗ Mạnh D2, ông Đỗ Mạnh T1 và chị Đỗ Thị Ngọc D1. Ngoài 04 người con chung ông H4, bà T không có người con nuôi, con riêng nào khác. Khi chết ông H4, bà T không để lại di chúc.
[5.2]. Về nguồn gốc thửa đất số 118, tờ bản đồ số 2, diện tích 175 m2 tại địa chỉ số 89, tổ 4, phường P, quận H, thành phố Hà Nội. Theo biên bản cung cấp của Phòng tài nguyên và môi trường quận Hà Đông về nguồn gốc nhà đất tại thửa đất số 118, tờ bản đồ số 2 và sự xác nhận của các bên đương sự thì thửa đất số 118, tờ bản đồ số 2 có nguồn gốc là của ông cha ông H4, bà T để lại. Nhà đất này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Đỗ Mạnh H4 theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 01/33-QSDĐ do Ủy ban nhân dân thị xã Hà Đông cấp ngày 20/12/1990 nên có căn cứ xác định nhà đất trên là tài sản chung của ông Đỗ Mạnh H4 và bà Đỗ Thị T.
Ông Đỗ Mạnh H4 chết ngày 02/6/1999 và bà Đỗ Thị T chết ngày 18/4/2019 không để lại di chúc, do vậy di sản để lại của ông H4, bà T sẽ được chia thừa kế theo hàng thừa kế.
Hàng thừa kế thứ nhất của ông H4, bà T gồm: Bà Đỗ Thị H1, ông Đỗ Mạnh D2, ông Đỗ Mạnh T1 và chị Đỗ Thị Ngọc D1.
[5.3]. Xét yêu cầu chia thừa kế tài sản của ông H4, bà T để lại tại thửa đất số 118, tờ bản đồ số 2, diện tích 175 m2 tại địa chỉ số 89, tổ 4, phường P, quận H, thành phố Hà Nội có nguồn gốc là tài sản chung vợ chồng của ông H4 và bà T, vì vậy chị D1 yêu cầu chia di sản trên của ông H4, bà T theo quy định của pháp luật là có căn cứ chấp nhận.
[5.4]. Theo biên bản xem xét thẩm định ngày 19/6/2020 thì nhà đất tại thửa đất số 118, tờ bản đồ số 2, diện tích 175 m2 tại địa chỉ số 89, tổ 4, phường P, quận H, thành phố Hà Nội có hiện trạng như sau: Ngay sát cổng vào bên phía tay phải có 01 lán lợp tạm prô, có cửa sắt cũ bên trong chứa đồ lặt vặt có diện tích khoảng 10 m2. Từ cổng thẳng vào có 01 gian nhà đổ trần, nhà xây năm 1977 đã cũ. Sát bên nhà trần có 01 gian nhà 03 gian xây năm 1977, tường 10, lợp ngói. Tiếp theo là 01 gian bếp tạm và 03 gian công trình phụ do bà T xây năm 2008, trước đây lợp Brô xi măng, sau này anh T1, chị H2 lợp mái tôn. Từ cổng vào phía bên tay phải có 01 khoảng trống có trồng các cây ăn quả như: Cây bưởi, cây khế, cây trứng gà đều trồng từ khi bà T còn sống. Đất có các vị trí tứ cận như sau: Phía Nam giáp đường Y, phía tây giáp nhà ông B (nhà số 87). Phía Đông giáp nhà anh T (nhà số 91), phía Bắc giáp nhà anh C, chị H1.
Theo biên bản định giá ngày 15/9/2020 Hội đồng định giá quận Hà Đông đã thẩm định có giá trị như sau:
1/ Giá trị đất:
Giá trị thực tế tại địa phương thì nhà đất trên có giá trị là 40.000.000 đồng/m2. Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì nhà đất tại địa chỉ trên có diện tích là 175 m2 nên giá trị đất là: 175 m2 x 40.000.000 đồng/m2 = 7.000.000.000 đồng.
2/ Giá trị nhà:
-01 nhà 3 gian cấp 4 xây năm 1977 có diện tích là 47,1 m2; Giá trị nhà còn lại là 10%; Giá trị xây dựng là 2.278.000 đồng/1m2 .
Giá trị nhà là: 41,7 m2 x 2.278.000 đồng/1m2 x 10% = 10.729.380 đồng.
-01 nhà đổ trần xây năm 1977 có diện tích là 14,9 m2; Giá trị nhà còn lại là 10%; Giá trị xây dựng là 3.466.000 đồng/1m2 .
Giá trị nhà là: 14,9 m2 x 3.466.000 đồng/1m2 x 10% = 5.164.340 đồng.
-01 nhà tạm lợp mái Prô có diện tích 7,8 m2 ; Giá trị nhà còn lại là 10%; Giá trị xây dựng là 1.415.000 đồng/1m2 .
Giá trị nhà là: 7,8 m2 x 1.415.000 đồng/1m2 x 10% = 1.103.700 đồng.
-01khu công trình phụ xây năm 2008 có diện tích là 37,3 m2 ; Giá trị nhà còn lại là 10%; Giá trị xây dựng là 2.538.000 đồng/1m2 .
Giá trị công trình phụ là: 37,3 m2 x 2.538.000 đồng/1m2 x 10% = 9.466.740 đồng.
-01 lán tạm ở cổng có diện tích là 10m2; Giá trị nhà còn lại là 10%; Giá trị xây dựng là 1.415.000 đồng/1m2 .
Giá trị là 10 m2 x 1.415.000 đồng/1m2 x 10% = 1.415.000 đồng.
-01 sân bê tông, 01 cổng sắt đã cũ hết giá trị sử dụng.
-Tổng giá trị xây dựng là 27.879.160 đồng.
Tổng giá trị đất và giá trị xây dựng là: 7.000.000.000 đồng + 27.879.160 đồng = 7.027.879.160 đồng.
Giá trị các cây ăn quả gồm:
1/ Cây trứng gà có giá trị: 300.000 đồng.
2/ Cây bưởi có giá trị: 200.000 đồng.
3/ Cây khế có giá trị: 100.000 đồng.
Xét người thừa kế theo pháp luật đối với di sản của ông H4, bà T gồm có: Bà Đỗ Thị H1, ông Đỗ Mạnh D2, ông Đỗ Mạnh T1 và chị Đỗ Thị Ngọc D1 thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 651 của Bộ luật dân sự mỗi người được hưởng 1/4 phần di sản.
Trước khi chia di sản thừa kế của ông H4, bà T để lại cần trích công sức bảo quản di sản cho ông T1 là người đang trực tiếp quản lý với giá trị là 100.000.000 đồng.
Như vậy di sản thừa kế của ông H4, bà T để lại là: (7.027.879.160 + 300.000 + 200.000 + 100.000) – 100.000.000 = 6.928.479.160 đồng.
Do vậy mỗi người thừa kế được hưởng phần di sản của ông H4, bà T là 6.928.479.160 : 4 = 1.732.120.000 đồng, nhưng các đương sự đều yêu cầu chia bằng hiện vật. Tổng diện tích thửa đất 118 đo thực tế có diện tích là 175 m2 chia cho 4 phần, mỗi phần di sản được hưởng là: 175 : 4 = 43,75 m2.
Cụ thể:
Ông D2 được chia sở hữu và sử dụng có diện tích đất là 43,75 m2 được giới hạn bởi các điểm 7, 8, 9, 10, 11 (có sơ đồ kèm theo).
Bà H1 được chia sở hữu và sử dụng có diện tích đất là 43,75 m2 được giới hạn bởi các điểm 7, 11, 12, 6 (có sơ đồ kèm theo).
Chị D1 được chia sở hữu và sử dụng có diện tích đất là 43,75 m2 được giới hạn bởi các điểm 6, 12, 13, 4, 5 (có sơ đồ kèm theo).
Ông T1 được chia sở hữu và sử dụng có diện tích đất là 43,75 m2 được giới hạn bởi các điểm 4, 13, 1, 2, 3 (có sơ đồ kèm theo).
Đối với yêu cầu của ông T1 về số tiền bà T để lại tiền tiết kiệm là 120.000.000 đồng ở Ngân hàng B quận H, Hà Nội từ năm 2013 và lãi suất ngân hàng chưa tính; tiền tử tuất, tiền bảo hiểm xã hội do chị Đỗ Thị Ngọc D1 cầm; 01 điều hòa Daikin; 01 mâm đồng và nồi, xoong, chảo. Quá trình giải quyết vụ án Tòa án đã yêu cầu ông T1 cung cấp tài liệu chứng cứ để giải quyết, nhưng ông T1 không đến Tòa để thực hiện nghĩa vụ của mình, mặt khác chị D1 cung không thừa nhận nên không có căn cứ chấp nhận. Giành quyền khởi kiện cho ông T1 nếu sau này ông T1 có yêu cầu.
Các đương sự có quyền xây ngăn phần diện tích nhà đất được chia, tài sản nằm trên phần đất của ai được giao thì người đó có quyền sở hữu, phí tổn bên nào xây thì bên đó chịu và tự tháo dỡ phần xây dựng và trồng cây trước đó.
Các đương sự có trách nhiệm hoàn tất thủ tục nhà đất tại cơ quan có thẩm quyền.
[6].Về chi phí tố tụng: Các bên đương sự tự nguyện nộp chi phí xem xét thẩm định và định giá tài sản không yêu cầu Tòa án giải quyết nên ghi nhận.
[7].Về án phí:
Xét ông D2, bà H1 thuộc trường hợp là người cao tuổi. Vì vậy theo quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội miễn toàn bộ án phí cho ông D2, bà H1.
Chị D1 được hưởng phần di sản của ông H4, bà T để lại là 1.732.120.000 đồng, do vậy phải chịu 63.963.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Ông T1 được hưởng phần di sản của ông H4, bà T để lại là 1.832.120.000 đồng, do vậy phải chịu 66.963.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm Các đương sự có quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên.
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 147; Điều 271; Điều 273; Điều 280 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Căn cứ Điều 623; Điều 649; Điều 650; Điều 651 của Bộ luật dân sự 2015 Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 Quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
Xử:
1/ Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là chị Đỗ Thị Ngọc D1 về việc Tranh chấp về chia thừa kế tài sản đối với bị đơn là ông Đỗ Mạnh T1.
2/ Xác nhận ông Đỗ Mạnh H4 chết ngày 02/6/1999 và bà Đỗ Thị T chết ngày 18/4/2019 không để lại di chúc .
3/ Xác nhận hàng thừa kế thứ nhất ông H4, bà T gồm: Bà Đỗ Thị H1, ông Đỗ Mạnh D2, ông Đỗ Mạnh T1 và chị Đỗ Thị Ngọc D1.
4/ Xác nhận nhà đất tại thửa đất số 118, tờ bản đồ số 2, diện tích 175 m2, địa chỉ số 89, tổ 4, phường P, quận H, thành phố Hà Nội là di sản của ông Đỗ Mạnh H4 và bà Đỗ Thị T có diện tích đo thực tế là 175 m2 .
5/ Chia thừa kế tài sản cho những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Đỗ Mạnh H4 và bà Đỗ Thị T gồm: Bà Đỗ Thị H1, ông Đỗ Mạnh D2, ông Đỗ Mạnh T1 và chị Đỗ Thị Ngọc D1 mỗi người được hưởng phần thừa kế có diện tích đất là 43,75 m2. Cụ thể các đương sự được quyền sở hữu và sử dụng phần diện tích nhà đất như sau:
Ông Đỗ Mạnh D2 được chia sở hữu và sử dụng có diện tích đất là 43,75 m2 được giới hạn bởi các điểm 9, 10, 11, 7, 8 (có sơ đồ kèm theo).
Bà Đỗ Thị H1 được chia sở hữu và sử dụng có diện tích đất là 43,75 m2 được giới hạn bởi các điểm 7, 11, 12, 6 (có sơ đồ kèm theo).
Chị Đỗ Thị Ngọc D1 được chia sở hữu và sử dụng có diện tích đất là 43,75 m2 được giới hạn bởi các điểm 6, 12, 13, 4, 5 (có sơ đồ kèm theo).
Ông Đỗ Mạnh T1 được chia sở hữu và sử dụng có diện tích đất là 43,75 m2 được giới hạn bởi các điểm 4, 13, 1, 2, 3 (có sơ đồ kèm theo).
Các đương sự có quyền xây ngăn phần diện tích nhà đất được chia, tài sản nằm trên phần đất của ai được giao thì người đó có quyền sở hữu, phí tổn bên nào xây thì bên đó chịu và tự tháo dỡ phần xây dựng và trồng cây trước đó.
Các đương sự có trách nhiệm hoàn tất thủ tục nhà đất tại cơ quan có thẩm quyền.
6/ Về án phí:
Miễn nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm đối với ông Đỗ Mạnh D2 và bà Đỗ Thị H1. Ông Đỗ Mạnh T1 phải nộp 66.963.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Chị Đỗ Thị Ngọc D1 phải nộp 63.963.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm, nhưng được trừ số tiền 18.000.000 đồng đã nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số: 0008738 ngày 10/02/2020 của Chi cục thi hành án dân sự quận Hà Đông. Chị D1 còn phải nộp 45.963.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Án xử công khai sơ thẩm có mặt chị D1, ông D2, bà H1. Vắng mặt ông T1, bà H2, anh H3 và chị L do ông T1 và bà H2 đại diện.
Chị D1, ông D2, bà H1 có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Ông T1, bà H2, anh H3 và chị L do ông T1 và bà H2 đại diện có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được tống đạt hợp lệ bản án.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự
Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 109/2021/DS-ST
Số hiệu: | 109/2021/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quận Hà Đông - Hà Nội |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 21/10/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về