TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN LỆ THỦY, TỈNH QUẢNG BÌNH
BẢN ÁN 09/2023/DS-ST NGÀY 18/08/2023 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN
Trong ngày 18 tháng 8 năm 2023, tại trụ sở, Tòa án nhân dân huyện L mở phiên toà xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 08/2023/TLST-DS ngày 28 tháng 3 năm 2023 về tranh chấp về thừa kế tài sản theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 12/2023/QĐXXST-DS ngày 26/6/2023, quyết định hoãn phiên tòa số 14/2023/QĐST-DS ngày 26/7/2023, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Bà Phạm Thị M, sinh năm 1936 Địa chỉ: Thôn N, xã Th, huyện L, tỉnh Q. Có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Ông Hoàng Minh T, Trợ giúp viên Trung tâm trợ giúp Pháp lý Nhà nước tỉnh Q.
Địa chỉ: Trung tâm trợ giúp Pháp lý Nhà nước tỉnh Q. Có mặt.
Đồng bị đơn: Anh Phạm Văn X, sinh năm 1965 Địa chỉ: Thôn N, xã Th, huyện L, tỉnh Q. Vắng mặt.
Anh Phạm Văn D, sinh năm 1982 Địa chỉ: Thôn N, xã Th, huyện L, tỉnh Q. Vắng mặt.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án:
Chị Phạm Thị X, sinh năm 1962 Địa chỉ: Thôn 4 E, huyện C, tỉnh Đắk Lắk. Vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Anh Phạm Văn N, sinh năm 1969 Địa chỉ: Thôn N, xã Th, huyện L, tỉnh Q. Vắng mặt.
Chị Phạm Thị X, sinh năm 1972 Địa chỉ: Thôn V, xã Tr, huyện L, tỉnh Q. Có mặt.
Anh Phạm Văn X, sinh năm 1975 Địa chỉ: Thôn N, xã Th, huyện L, tỉnh Q. Vắng mặt.
Chị Phạm Thị Y, sinh năm 1978 Địa chỉ: Thôn V, xã Tr, huyện L, tỉnh Q. Vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện ngày 21/3/2023, nguyên đơn bà Phạm Thị M trình bày: Bà có chồng là ông Phạm Văn M, tên gọi khác: Phạm Xuân M, sinh năm 1932, chết năm 2001; bà và ông M chung sống với nhau có đăng ký kết hôn và sinh được 07 người con là Phạm Văn X, Phạm Thị X, Phạm Thị X1, Phạm Thị Y, Phạm Văn N, Phạm Văn X và Phạm Văn D. Sau khi kết hôn với nhau, vợ chồng bà khai hoang thửa đất để sinh sống, đến năm 2002 thì được Ủy ban nhân dân huyện L cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Phạm Văn M tại thửa đất số 124, tờ bản đồ số 22, diện tích 1.300m2. Bà M muốn cắt bớt một phần đất trên thửa đất của vợ chồng để bán lấy tiền lo cho bản thân nhưng hai con là Phạm Văn D và Phạm Văn X không đồng ý. Vì vậy bà M yêu cầu Tòa án giải quyết chia di sản thừa kế của ông Phạm Văn M là thửa đất nói trên. Tại bản tự khai, biên bản lấy lời khai và tại phiên tòa, nguyên đơn bà Phạm Thị M trình bày: Bà không nhớ bà và ông Phạm Văn M đăng ký kết hôn năm nào, bà và ông M có 07 người con là Phạm Văn X, Phạm Thị X, Phạm Thị X1, Phạm Thị Y, Phạm Văn N, Phạm Văn X và Phạm Văn D; bà và chồng bà không có con nuôi hay con riêng. Khi ông M còn sống, bà và ông M sống chung với anh D, sau khi ông M chết khoảng bốn năm thì anh D làm nhà ra ở riêng trên phần đất của vợ chồng bà để sống cùng vợ con. Việc bà cho đất để anh D làm nhà ở riêng các con của bà không có ý kiến gì. Khi cho anh D đất để làm nhà bà M không chỉ ranh giới nhưng giữa đất bà và đất anh D có một hàng cây M, khoảng cách từ nhà anh D ra hàng cây khoảng 3 đến 5 mét. Bà M chỉ cho anh D phần đất đã xây nhà còn phần đất trống do công sức của bà khai hoang nên bà lấy lại. Chồng bà là ông M chết không để lại di chúc, bà M yêu cầu Tòa án giải quyết ½ tài sản chung là của bà M;
½ tài sản chung của ông M đề nghị Tòa án giải quyết chia 8 phần gồm bà M và 07 người con.
Tại bản tự khai ngày 13/4/2023, đồng bị đơn là anh Phạm Văn X trình bày: Bố mẹ anh sinh bảy người con, sáu người đã có gia đình riêng còn lại Phạm Văn D. Bố anh chết không để lại di chúc; tài sản của bố mẹ anh là thửa đất số 126, tờ bản đồ số 22 với diện tích 1.300m2 tại đội 2, thôn N, xã Th, huyện L. Sau khi bố mất, mẹ và em út là Phạm Văn D sinh sống trên mảnh đất này; quá trình sinh sống ổn định lâu dài; tất cả anh em đều có nguyện vọng giao cho D và mẹ toàn quyền sử dụng, quản lý và không có tranh chấp gì kể từ khi bố anh mất cho đến nay; bản thân anh X không liên quan gì trong việc quản lý, sử dụng diện tích đất của bố mẹ anh, nên khi Tòa án phân chia phần đất của anh được hưởng, anh X từ chối nhận và tự nguyện giao lại cho em là Phạm Văn D.
Tại bản tự khai ngày 13/4/2023, đồng bị đơn là anh Phạm Văn D trình bày: Bố anh là Phạm Văn M, tên gọi khác là Phạm Xuân M, mẹ là Phạm Thị M sinh sống trên mảnh đất số 126, tờ bản đồ số 22 với diện tích 1.300m2 tại đội 2, thôn N, xã Th, huyện L. Hiện nay mẹ anh muốn chia tài sản nói trên do bố anh không để lại di chúc. Hiện tại trên đất có 01 ngôi nhà ba gian và 01 ngôi nhà ống không kiên cố và có ít keo tràm; đất này anh chị để lại cho anh D để sau này anh thờ phụng, không tranh chấp.
Tại bản tự khai ngày 13/4/2023, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là chị Phạm Thị X trình bày: Bố chị là Phạm Văn M, tên gọi khác là Phạm Xuân M, mẹ là Phạm Thị M sinh sống trên mảnh đất số 126, tờ bản đồ số 22 với diện tích 1.300m2 tại đội 2, thôn N, xã Th, huyện L. Khi chết bố chị X không để lại di chúc, hiện tại trên mảnh đất có 01 căn nhà cấp 4 do mẹ chị X làm. Hiện nay mẹ chị muốn chia tài sản thừa kế là quyền sử dụng đất của thửa đất nói trên. Chị là con của bố mẹ chị nên được hưởng di sản của bố chị để lại; nguyện vọng của chị X giao lại phần di sản được hưởng cho mẹ là bà Phạm Thị M.
Tại bản tự khai ngày 13/4/2023, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là anh Phạm Văn N trình bày: Bố anh là Phạm Văn M, tên gọi khác là Phạm Xuân M, mẹ là Phạm Thị M sinh sống trên mảnh đất số 126, tờ bản đồ số 22 với diện tích 1.300m2 tại đội 2, thôn N, xã Th, huyện L Khi chết bố anh N không để lại di chúc, hiện nay mẹ anh muốn chia tài sản cho các con, bản thân anh N không liên quan gì trong việc quản lý, sử dụng diện tích đất của bố mẹ anh, nên khi Tòa án phân chia phần đất của anh được hưởng, anh N xin tự nguyện giao lại cho em là Phạm Văn D.
Tại đơn đề nghị xét xử vắng mặt đề ngày 08/8/2023, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là chị Phạm Thị X1 trình bày: Đề nghị được vắng mặt tại phiên tòa, phần đất chị được phân chia theo pháp luật chị tặng lại cho mẹ là bà Phạm Thị M; phần diện tích đất khai hoang chưa được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là của mẹ chị bà Phạm Thị M và đề nghị Tòa án giải quyết giao phần đất này cho mẹ của chị X, không nên phân chia phần đất khai hoang này vì khi cha chị mất đi, các con đã ở riêng, phần đất này có được do công sức của mẹ chị hàng năm khai hoang.
Ngày 18/5/2023, Toà án nhân dân huyện L tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản trên đất của thửa đất số 124, tờ bản đồ số 22 tại thôn N, xã Th, huyện L, tỉnh Q theo yêu cầu của bà Phạm Thị M, kết quả như sau:
I. Về kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ:
1. Kết quả xem xét, thẩm định thửa đất:
- Hướng Bắc tiếp giáp đường sắt Bắc - Nam với chiều dài lần lượt là: 43,26m; 129,80m;
- Hướng Đông tiếp giáp với đường đất với chiều dài lần lượt là: 22,56m;
25,62m; 21,92m; 12,84m; 15,43m; 15,44m; 6,92m; 31,68m và 2,55m;
- Hướng Nam tiếp giáp đường rãi nhựa với chiều dài lần lượt là: 38,26m;
21,24m; 15,08m; 21,47m; 11,30m;16,49m; 3,13m và 15,87m Tổng diện tích thửa đất xem xét thẩm định tại chỗ trên thực tế là 9.997,3m2.
2. Kết quả xem xét thẩm định tài sản trên đất:
* Nhà ở của bà Phạm Thị M, đặc điểm:
- Nhà ở 01 tầng 03 gian mái lợp ngói, nhà kết cấu tường xây bằng blô dày 15cm, tô trát hoàn chỉnh có trụ bê tông giằng cốt thép gia cố. Móng trụ bê tông cốt thép, móng tường xây đá hộc. Tường cao không quét sơn, mái lợp ngói không đóng trần nền láng xi măng, tường nhà cao 3,2m cửa khung bằng sắt và gỗ ván ghép nhóm 4. Hệ thống điện đi nổi đầy đủ. Kích thước 8,4m x 7,65m. Trị giá 170.353.260 đồng.
- Sân nhà: Nền đổ bê tông sạn ngang dày 10cm, trên láng xi măng, có kích thước 5,7m x 8,3m. Trị giá 8.846.970 đồng.
- Nhà bếp: Mái lợp brô xi măng, tường xây bằng blô chưa tô trát, có trụ, giằng bê tông cốt thép móng tường xây đá hộc. Tường cao 3m, không đóng trần nền láng xi măng cửa bằng sắt, hệ thống điện đi nổi đầy đủ, có kích thước 3,8m x 4,9m. Trị giá 49.361.620 đồng.
* Nhà ở của anh Phạm Văn D, đặc điểm:
- Nhà ở 01 tầng, nhà kết cấu tường xây bằng gạch dày 15cm, tô trát hoàn chỉnh không quét sơn, có trụ bê tông giằng cốt thép gia cố. Móng trụ bê tông cốt thép, móng tường xây đá hộc. Tường cao không quét sơn, mái lợp ngói không đóng trần nền láng xi măng, tường nhà cao 3,3 m, cửa gỗ đơn giản nhóm 4. Hệ thống điện đi nổi đầy đủ. Kích thước 4,8m x 10,8m. Trị giá 137.427.840 đồng.
- Nhà bếp kết cấu tường xây bằng gạch dày 15cm, tô trát hoàn chỉnh không quét sơn, có trụ bê tông giằng cốt thép gia cố. Móng trụ bê tông cốt thép, móng tường xây đá hộc. Tường cao không quét sơn, mái lợp ngói không đóng trần nền láng xi măng, tường nhà cao 3m, cửa gỗ đơn giản nhóm 4. Hệ thống điện đi nổi đầy đủ. Kích thước 3,5m x 3,4m. Trị giá 31.546.900 đồng.
- Mái hiên trước nhà: Mái lợp bờ rô xi măng, sườn khung sắt trụ bê tông cốt thép, nền bê tông, sạn ngang dày 10cm, trên láng xi măng, có kích thước: 8,2m x 8,5m. Trị giá 57.711.600 đồng.
- Mái che bên hè (phải) nhà: Mái lợp bờ rô xi măng, sườn khung sắt trụ bê tông cốt thép, nền bê tông, sạn ngang dày 10cm, trên láng xi măng, có kích thước: 7,6m x 3,5m. Trị giá 22.024.800 đồng.
3. Số cây trên đất và trị giá:
+ Chuối có buồng: 06 bụi, trị giá 693.000 đồng;
+ Chuối sắp có buồng: 16 bụi, trị giá 404.800 đồng;
+ Chuối con: 47 cây, trị giá 361.900 đồng;
+ Mít đã có quả: 10 cây (phi lớn hơn 30cm), trị giá 9.600.000 đồng;
+ Mít chưa có quả: 02 cây, trị giá 231.800 đồng;
+ Bưởi đã có quả: 03 cây, trị giá 1.983.600 đồng;
+ Sim trên 3 năm tuổi: 05 cây, trị giá 750.000 đồng;
+ Chè dưới 10 năm tuổi: 51 bụi, trị giá 3.162.000 đồng;
+ Hoa mẫu đơn hơn 1 năm tuổi: 04 bụi, trị giá 105.600 đồng;
+ Đào hơn 3 năm tuổi: 02 cây, trị giá 753.600 đồng;
+ Bưởi sắp có quả: 02 cây, trị giá 753.600 đồng;
+ Chanh đã có quả: 02 cây, trị giá 728.000 đồng;
+ Đu đủ đã có quả: 03 cây, trị giá 318.900 đồng;
+ Khế đã có quả: 01 cây, trị giá 211.200 đồng;
+ Mãng cầu (na) cao hơn 1 mét: 06 cây, trị giá 226.800 đồng;
+ Mớc (phi nhỏ hơn 10cm): 10 cây, trị giá 320.000 đồng;
+ Mớc (phi lớn hơn 10cm): 07 cây, trị giá 554.400 đồng;
4. Diện tích đất 1.300m2, trong đó gồm 300m2 đất ở, 1.000m2 đất vườn và trị giá:
- Đất ở diện tích 300m2 x 36.000 đồng/m2 = 10.800.000 đồng;
- Đất vườn diện tích 1.000m2 x 20.000 đồng/m2 = 20.000.000 đồng; Tổng diện tích đất có trị giá: 30.800.000 đồng;
Tổng giá trị tài sản định giá: 751.288.104đ (Bảy trăm năm mươi mốt triệu hai trăm tám mươi tám nghìn một trăm linh bốn đồng).
Đối với đồng bị đơn anh Phạm Văn X, anh Phạm Văn D; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan anh Phạm Văn N: Quá trình giải quyết vụ án, anh X, anh D và anh N đến Tòa án viết bản tự khai, những lần Tòa án triệu tập tiếp theo đều vắng mặt.
Đối với những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là chị Phạm Thị X1, chị Phạm Thị Y, anh Phạm Văn X: Sau khi thụ lý vụ án, Toà án nhân dân huyện L đã thông báo thụ lý vụ án, tống đạt giấy triệu tập, thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hoà giải đến chị X1, chị Y, anh D hợp lệ nhưng những người này đều vắng mặt.
Do đồng bị đơn anh Phạm Văn X, anh Phạm Văn D; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan anh Phạm Văn N, chị Phạm Thị X1, chị Phạm Thị Y, anh Phạm Văn X vắng mặt nên Tòa án không tiến hành hòa giải vụ án được.
Toà án tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử, giấy triệu tập tham gia phiên toà đến đồng bị đơn anh Phạm Văn X, anh Phạm Văn D; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan anh Phạm Văn N, chị Phạm Thị X1, chị Phạm Thị Y, chị Phạm Thị X, anh Phạm Văn X hợp lệ nhưng những người này vẫn vắng mặt tại phiên toà lần thứ nhất và không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên toà và thực hiện việc tống đạt quyết định hoãn phiên toà cho các đương sự hợp lệ. Ngày 11/8/2023, Tòa án nhận được đơn đề nghị xét xử vắng mặt của chị Phạm Thị X1 gửi theo dịch vụ bưu chính.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn, ông Hoàng Minh T trình bày: Ông Phạm Văn M chết không để lại di chúc, di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật theo quy định của Bộ luật dân sự. Theo đó tài sản chung của ông M và bà M được chia đôi, bà Miền được 650m2 đất, 650m2 đất còn lại là di sản thừa kế của ông M để lại, được chia thừa kế theo pháp luật, cụ thể là chia theo hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự gồm 07 người con và bà M. Theo đó 650m2 đất là di sản thừa kế sẽ được chia 8 phần, mỗi kỷ phần là 81,25m2. Anh Phạm Văn X, Phạm Văn N có ý kiến bằng văn bản nhường lại toàn bộ kỷ phần di sản thừa kế của mình cho anh Phạm Văn D; chị Phạm Thị X1, Phạm Thị X nhường lại toàn bộ kỷ phần di sản thừa kế của mình cho bà Phạm Thị M là hoàn toàn tự nguyện, được pháp luật cho phép nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận. Đối với chị Phạm Thị Y, anh Phạm Văn X không có ý kiến về việc phân chia thừa kế, đề nghị Hội đồng xét xử giao kỷ phần thừa kế của những người này cho bà Phạm Thị M và bà M giao giá trị tài sản bằng tiền cho chị Y, anh X theo quy định của pháp luật. Bà M được hưởng kỷ phần thừa kế di sản cộng với 02 kỷ phần của chị X1, chị X và 02 kỷ phần của chị Y, anh X, tổng cộng 05 phần x 81,25m2 = 406,25m2, cộng với diện tích 650m2 của bà M thì bà M được sử dụng 1.056,25m2. Bà M thừa nhận có cho anh Phạm Văn D 01 thửa đất để làm nhà ở và vợ chồng anh D đã làm nhà ở với diện tích 160m2, do đó bà M sử dụng diện tích còn lại là 896,25m2. Hiện tại trên thửa đất của bà M đang có ngôi nhà cấp 4 với tổng diện tích 155,93m2 nên đề nghị Hội đồng xét xử cần chia vị trí đất phù hợp để bà M tiếp tục sử dụng nhà cửa và đất đai phục vụ cuộc sống hàng ngày được thuận lợi. Từ những căn cứ trên, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 649, điểm a khoản 1 Điều 650, điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị M. Về án phí, căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12, điểm a khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét miễn án phí dân sự sơ thẩm cho bà Phạm Thị M vì bà M là người cao tuổi và có đơn đề nghị miễn án phí.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự kể từ khi thụ lý vụ án đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án như sau:
1. Việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Thẩm tra viên, Hội đồng xét xử vụ án, Thư ký phiên tòa trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án: Đảm bảo quy định pháp luật.
2. Hướng giải quyết vụ án: Đề nghị HĐXX áp dụng khoản 5 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 271 và Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự; các Điều 609, 610, 611, 612, 613, 620, 623, 649; điểm a khoản 1 Điều 650, điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự, Điều 97 Luật đất đai; điểm đ khoản 1 Điều 12, điểm a khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Phạm Thị M về việc yêu cầu chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất, thửa đất số 126, tờ bản đồ số 22, diện tích 1.300m2 được Ủy ban nhân dân huyện L cấp ngày 12/12/2002 mang tên ông Phạm Văn M. Chấp nhận yêu cầu của anh Phạm Văn X, Phạm Văn N về việc nhường phần di sản thừa kế được hưởng cho anh Phạm Văn D; chấp nhận yêu cầu của chị Phạm Thị X1, chị Phạm Thị X về việc nhường phần di sản thừa kế được hưởng cho bà Phạm Thị M. Công nhận diện tích đất ở 160,04m2 bà Phạm Thị M tặng cho anh Phạm Văn D. Chia cho bà Phạm Thị M được sở hữu, sử dụng diện tích 896,21m2; trong đó gồm 83,71m2 đất ở và 756,25m2 đất vườn. Buộc bà Phạm Thị M phải thanh toán giá trị quyền sử dụng đất cho chị Phạm Thị Y, anh Phạm Văn X mỗi người số tiền 1.925.000đ (Một triệu chín trăm hai mươi lăm nghìn đồng). Tạm giao cho bà Phạm Thị M quản lý, sử dụng diện tích 6.944,49m2 đất khai hoang vượt quá diện tích đất đã cấp theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được Ủy ban nhân dân huyện L cấp ngày 12/12/2002 mang tên ông Phạm Văn M. Chia cho anh Phạm Văn D được sở hữu, sử dụng diện tích 403,79m2; trong đó gồm 216,29m2 đất ở và 187,5m2 đất vườn. Tạm giao cho anh Phạm Văn D quản lý, sử dụng diện tích 1.752,81m2 đất khai hoang vượt quá diện tích đất đã cấp theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được Ủy ban nhân dân huyện L cấp ngày 12/12/2002 mang tên ông Phạm Văn M. Miễn án phí cho bà M và buộc anh D, chị Y, anh X chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thủ tục tố tụng: Sau khi thụ lý vụ án, Toà án nhân dân huyện L đã tống đạt thông báo về việc thụ lý vụ án, giấy triệu tập, thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hoà giải; tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử, giấy triệu tập tham gia phiên toà hợp lệ nhưng đồng bị đơn anh Phạm Văn X, anh Phạm Văn D; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan anh Phạm Văn N, chị Phạm Thị X1, chị Phạm Thị Y, anh Phạm Văn X đều vắng mặt, do đó vụ án không thể tiến hành hoà giải được; đồng bị đơn anh Phạm Văn X, anh Phạm Văn D; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan anh Phạm Văn N, chị Phạm Thị X1, chị Phạm Thị Y, anh Phạm Văn X vắng mặt tại phiên toà lần thứ nhất ngày 26/7/2023 và không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt, Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên toà. Tại phiên toà lần thứ hai, đồng bị đơn anh Phạm Văn X, anh Phạm Văn D; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan anh Phạm Văn N, chị Phạm Thị Y, anh Phạm Văn X vẫn vắng mặt, mặc dù Toà án đã thực hiện tống đạt quyết định hoãn phiên toà hợp lệ. Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 227 và khoản 3 Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt đồng bị đơn anh Phạm Văn Xa, anh Phạm Văn D; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan anh Phạm Văn N, chị Phạm Thị Y, anh Phạm Văn X.
[2] Về thẩm quyền: Bà Phạm Thị M khởi kiện tranh chấp về thừa kế tài sản đối với anh Phạm Văn X và Phạm Văn D. Anh X và anh D cư trú tại xã Th, huyện L nên theo quy định tại khoản 5 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự, đây là tranh chấp về thừa kế tài sản thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện L, tỉnh Q.
[3] Về thời hiệu khởi kiện: Về thời hiệu khởi kiện: Ông Phạm Văn M, tên gọi khác Phạm Xuân M chết năm 2001, khi chết ông M không để lại di chúc. Năm 2023, bà M khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế. Tại khoản 1 Điều 623 của Bộ luật dân sự quy định: “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế”. Bà M khởi kiện yêu cầu chia thừa kế di sản của ông M ngày 21/3/2023 nên còn thời hiệu khởi kiện.
[4] Về di sản thừa kế, tài sản của bà M:
Về quyền sử dụng đất: Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được Ủy ban nhân dân huyện L cấp cho ông Phạm Văn M ngày 12/12/2002 thửa đất số 126, tờ bản đồ số 22, diện tích 1.300m2; địa chỉ tại đội x, thôn N, xã Th, huyện L.
Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2000 thì tài sản chung của vợ chồng được quy định: Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng.
Do đó quyền sử dụng đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được Ủy ban nhân dân huyện L cấp cho ông Phạm Văn M ngày 12/12/2002, thửa đất số 126, tờ bản đồ số 22, diện tích 1.300m2, trong đó 300m2 đất ở và 1.000m2 đất vườn; địa chỉ thửa đất tại đội x, thôn N, xã Th, huyện L là tài sản chung của ông Phạm Văn M và bà Phạm Thị M. Về các tài sản trên đất: Theo bà M trình bày, trừ nhà ở, nhà bếp, mái hiên, mái che của vợ chồng anh Phạm Văn D; các tài sản còn lại đều của bà M, hình thành sau khi ông M chết.
Như vậy, di sản thừa kế của ông M là 650m2 đất, trong đó gồm 150 m2 đất ở và 500m2 đất vườn; trị giá di sản thừa kế của ông M là 15.400.000đ (Mười lăm triệu bốn trăm nghìn đồng). Tài sản của bà M là 650m2 đất, trong đó gồm 150m2 đất ở và 500m2 đất vườn và các tài sản trên đất (trừ nhà ở, nhà bếp, mái hiên và mái che của anh D).
[5] Về tài sản của anh Phạm Văn D: Trước khi ông M chết, anh D sống chung với ông M và bà M; sau khi ông M chết, anh D sống với mẹ là bà M đến năm 2007 thì ra ở riêng; bà M đã cho anh D làm nhà và các công trình trên thửa đất của bà M và ông M; do đó, các tài sản này không liên quan đến di sản thừa kế. Các tài sản anh D đã xây dựng trên thửa đất thửa đất số 126, tờ bản đồ số 22 theo kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ, diện tích anh D xây dựng nhà ở, nhà bếp, mái hiên và mái che là 160,04m2; đây là ý chí của bà M, được xem là bà M cho anh D diện tích đất ở của bà M trong khối tài sản chung của bà Miền và ông M; tuy nhiên, phần diện tích đất ở anh D xây dựng là 160,04m2, vượt quá diện tích đất ở của bà M 10,04m2 trong diện tích đất chung của bà M và ông M (150m2); từ khi anh D xây nhà và công trình trên đất đến nay bà M không có ý kiến gì về phần diện tích đất ở anh D xây vượt quá diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng của bà M trong khối tài sản chung với ông M; do đó, Hội đồng xét xử sẽ trừ 10,04m2 đất ở của bà M trong phần di sản bà M được chia thừa kế.
[6] Về hàng thừa kế và phân chia di sản thừa kế:
Về hàng thừa kế: Theo xác nhận của Ủy ban nhân dân xã Th, trình bày của bà M; căn cứ quy định tại Điều 613, điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự, hàng thừa kế thứ nhất của ông M là bà Phạm Thị M và các con chung của ông M, bà M gồm: Phạm Văn X, Phạm Thị X, Phạm Thị X1, Phạm Thị Y, Phạm Văn N, Phạm Văn X và Phạm Văn D; ông M và bà M không có con riêng; cha, mẹ của ông M đã chết trước ông M.
Về phân chia di sản thừa kế: Bà Phạm Thị M và các con chung của ông M, bà M là Phạm Văn X, Phạm Thị X, Phạm Thị X1, Phạm Thị Y, Phạm Văn N, Phạm Văn X và Phạm Văn D đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông M, vì vậy đều được hưởng phần di sản thừa kế của ông M bằng nhau là đúng theo quy định tại khoản 2 Điều 651 Bộ luật dân sự, cụ thể là bà M, anh X, chị X, chị X1, chị Y, anh N, anh X, anh D mỗi người được chia 18,75m2 đất ở và 62,5m2 đất vườn. Theo diện tích đất được chia, nếu giao quyền sử dụng đất cho các thừa kế thì sẽ không đủ diện tích đất ở để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Quá trình giải quyết vụ án, các đồng thừa kế Phạm Thị X1, Phạm Thị Y, Phạm Văn N đều vắng mặt mặc dù đã được Tòa án thông báo, triệu tập hợp lệ, thể hiện không có nguyện vọng về việc được nhận quyền sử dụng đất để sử dụng. Đến ngày 11/8/2023, Tòa án nhận được đơn đề nghị xét xử vắng mặt của chị Phạm Thị X1 với nội dung: Đề nghị được vắng mặt tại phiên tòa, phần đất chị được phân chia theo pháp luật chị tặng lại cho mẹ là bà Phạm Thị M; phần diện tích đất khai hoang chưa được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là của mẹ chị bà Phạm Thị M và đề nghị Tòa án giải quyết giao phần đất này cho mẹ của chị X1, không nên phân chia phần đất khai hoang này vì khi cha chị mất đi, các con đã ở riêng, phần đất này có được do công sức của mẹ tôi hàng năm khai hoang. Đối với anh Phạm Văn X, Phạm Văn N từ chối nhận di sản thừa kế mà cho em trai là phạm Văn D; chị Phạm Thị X có nguyện vọng giao lại phần di sản được thừa kế cho mẹ là bà Phạm Thị M vì những người này đã có chỗ ở ổn định. Đối với anh Phạm Văn X và chị Phạm Thị Y không có ý kiến về việc phân chia di sản thừa kế. Hội đồng xét xử chấp nhận ý kiến của các đồng thừa kế về việc tặng cho kỷ phần thừa kế của mình cho mẹ và em trai; không chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất cho những người thừa kế vắng mặt là Phạm Thị Y, Phạm Văn X mà giao cho bà M sử dụng, định đoạt và buộc bà M thanh toán giá trị quyền sử dụng đất theo phần cho các đồng thừa kế vắng mặt. Như vậy, sau khi được chia và nhận phần di sản thừa kế của anh X và anh N tặng cho, anh D được nhận diện tích 243,75m2, trong đó gồm 56,25m2 đất ở và 187,5m2 đất vườn; anh D được nhận thêm phần đất ở bà M cho riêng diện tích 160,04m2 đã xây dựng nhà ở và công trình trên đất; toàn bộ diện tích anh D được nhận là 403,79m2; trong đó gồm 216,29m2 đất ở, trị giá 7.786.440 đồng và 187,5m2 đất vườn, trị giá 3.750.000 đồng; tổng trị giá tài sản anh D được nhận 11.536.440đ (Mười một triệu năm trăm ba mươi sáu nghìn bốn trăm bốn mươi đồng);
trên diện tích đất anh D được chia có các tài sản nhà ở, nhà bếp, mái hiên và mái che như mô tả tại biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ và không liên quan đến di sản thừa kế. Bà M được chia 93,75m2 đất ở nhưng phải trừ diện tích 10,04m2 đất ở cho anh D xây dựng nhà cửa công trình trên đất vượt quá 150m2 đất ở thuộc tài sản riêng của bà M. Dó đó, bà M được chia tổng diện tích 396,21m2; trong đó gồm 83,71m2 đất ở, trị giá 11.250.000 đồng; 312,5m2 đất vườn; trị giá 8.500.000đ (Tám triệu năm trăm nghìn đồng) và diện tích 500m2 đất vườn trong phần tài sản chung với ông M; toàn bộ diện tích đất bà M được nhận là 896,21m2; trong đó gồm 83,71m2 đất ở, trị giá 3.913.560 đồng và 756,25m2 đất vườn, trị giá 15.125.000 đồng; tổng trị giá tài sản bà M được nhận 19.038.560đ (Mười chín triệu không trăm ba mươi tám nghìn năm trăm sáu mươi đồng). Trên diện tích đất bà M được chia có nhà ở ba gian lợp ngói, diện tích 64,26m2; sân nhà diện tích 47,31m2 và nhà bếp diện tích 18.62m2; toàn bộ cây trồng như mô tả tại biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ và không liên quan đến di sản thừa kế; buộc bà M phải thanh toán giá trị quyền sử dụng đất cho chị Phạm Thị Y, anh Phạm Văn X mỗi người số tiền 1.925.000đ (Một triệu chín trăm hai mươi lăm nghìn đồng).
[7] Đối với diện tích đất 8.697,3m2 vượt quá diện tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo xác nhận của Ủy ban nhân dân xã Th, huyện L thì phần diện tích đất tăng thêm bà M đang sử dụng không có tranh chấp và đất có hành lang đường dây thông tin của đường sắt, chưa xác định ranh giới cụ thể theo bản đồ đo đạc năm 2017. Diện tích đất này bà M trình bày do một mình bà khai hoang; tuy nhiên, anh D là con út trong gia đình, sinh sống với vợ chồng bà M cho đến khi ra ở riêng, còn lại những người con khác của bà M đều đã ở riêng khi lập gia đình. Do đó, cần xem xét công sức đóng góp của anh D trong việc khai hoang phần diện tích đất tăng so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông M để tạm giao cho anh D một phần diện tích đất khai hoang là phù hợp với hiện trạng sử dụng đất của anh D đang sử dụng; Hội đồng xét xử tạm giao cho anh D quản lý, sử dụng diện tích 1.752,81m2 trong tổng diện tích 8.697,3m2 vượt quá diện tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tạm giao cho bà M quản lý, sử dụng diện tích 6.944,49m2 trong tổng diện tích 8.697,3m2 vượt quá diện tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
[8] Về chi phí tố tụng: Bà Phạm Thị M đã nộp tạm ứng chi phí tố tụng, tại phiên tòa bà M trình bày không yêu cầu Tòa án giải quyết buộc các đồng thừa kế cùng chịu chi phí tố tụng nên Hội đồng xét xử không xem xét, giải quyết.
[9] Về án phí: Bà Phạm Thị M có đơn xin Tòa án miễn án phí vì bà thuộc đối tượng người cao tuổi; căn cứ quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, Hội đồng xét xử quyết định miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm cho bà Phạm Thị M. Anh Phạm Văn D phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
[10] Về quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền kháng cáo theo Điều 271 và Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 5 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 271 và Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự;
Căn cứ vào các Điều 609, 610, 611, 612, 613, 620, 623, 649; điểm a khoản 1 Điều 650, điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự, Điều 97 Luật đất đai;
Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12, điểm a khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Phạm Thị M về việc yêu cầu chia di sản thừa kế là ½ quyền sử dụng đất, thửa đất số 126, tờ bản đồ số 22, diện tích 650m2; địa chỉ thửa đất tại đội x, thôn N, xã Th, huyện L, được Ủy ban nhân dân huyện L cấp ngày 12/12/2002 mang tên ông Phạm Văn M.
2. Chấp nhận yêu cầu của anh Phạm Văn X, Phạm Văn N về việc nhường phần di sản thừa kế được hưởng cho anh Phạm Văn D; chấp nhận yêu cầu của chị Phạm Thị X1, chị Phạm Thị X về việc nhường phần di sản thừa kế được hưởng cho bà Phạm Thị M. Giao phần di sản thừa kế của chị Phạm Thị Y, anh Phạm Văn X cho bà Phạm Thị M sử dụng, định đoạt và buộc bà M thanh toán giá trị quyền sử dụng đất cho chị Phạm Thị Y, anh Phạm Văn X theo phần chị Phạm Thị Y và anh Phạm Văn X được hưởng.
3. Công nhận diện tích đất ở 160,04m2 bà Phạm Thị M tặng cho anh Phạm Văn D.
4. Chia cho bà Phạm Thị M được sở hữu, sử dụng diện tích 896,21m2; trong đó gồm 83,71m2 đất ở và 756,25m2 đất vườn; tổng trị giá tài sản bà M được nhận 19.038.560đ (Mười chín triệu không trăm ba mươi tám nghìn năm trăm sáu mươi đồng). Tạm giao cho bà Phạm Thị M quản lý, sử dụng diện tích 6.944,49m2 đất khai hoang vượt quá diện tích đất đã cấp theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được Ủy ban nhân dân huyện L cấp ngày 12/12/2002 mang tên ông Phạm Văn M.
Chia cho anh Phạm Văn D được sở hữu, sử dụng diện tích 403,79m2; trong đó gồm 216,29m2 đất ở và 187,5m2 đất vườn; tổng trị giá tài sản anh D được nhận 11.536.440đ (Mười một triệu năm trăm ba mươi sáu nghìn bốn trăm bốn mươi đồng). Tạm giao cho anh Phạm Văn D quản lý, sử dụng diện tích 1.752.81m2 đất khai hoang vượt quá diện tích đất đã cấp theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được Ủy ban nhân dân huyện L cấp ngày 12/12/2002 mang tên ông Phạm Văn M.
Buộc bà Phạm Thị M phải thanh toán giá trị quyền sử dụng đất cho chị Phạm Thị Y, anh Phạm Văn X mỗi người số tiền 1.925.000đ (Một triệu chín trăm hai mươi lăm nghìn đồng).
Diện tích đất bà Phạm Thị M và anh Phạm Văn D được chia được thể hiện theo sơ đồ kèm theo bản án sơ thẩm, là một phần không tách rời của bản án sơ thẩm.
Bà Phạm Thị M và anh Phạm Văn D có trách nhiệm liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện các quyền và nghĩa vụ về đất đai theo quy định của pháp luật.
5. Về án phí dân sự: M toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm cho bà Phạm Thị M. Anh Phạm Văn D phải chịu 576.800đ (Năm trăm bảy mươi sáu nghìn tám trăm đồng); chị Phạm Thị Y, anh Phạm Văn X mỗi người phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm để sung ngân sách nhà nước.
6. Về chi phí tố tụng: Không xem xét.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải trả cho bên được thi hành án khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
7. Quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (18/8/2023); đương sự vắng mặt được 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết, để yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Q giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.
Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 09/2023/DS-ST
Số hiệu: | 09/2023/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Lệ Thủy - Quảng Bình |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 18/08/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về