TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 705/2023/DS-PT NGÀY 29/09/2023 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ
Ngày 29 tháng 9 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 369/2009/TLPT-DS ngày 03/12/2009, về việc “Tranh chấp thừa kế”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 31/2009/DS-ST ngày 28/9/2009 của Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 1939/2023/QĐPT-DS ngày 07 tháng 8 năm 2023; giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Trần Văn T, sinh năm 1913 (chết 03/11/2009).
Những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông Trần Văn T:
1. Ông Trần Văn H, sinh năm 1956
2. Bà Trần Thị H1, sinh năm 1958
3. Ông Trần Thành P, sinh năm 1965
4. Ông Trần Văn Đ, sinh năm 1959 (chết năm 2020) Những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông Trần Văn Đ:
4.1 Bà Trần Thị Thu V, sinh năm 1960
4.2 Bà Trần Đức Vân K, sinh năm 1998 Cùng địa chỉ: Ấp T, xã T, huyện C, tỉnh Tiền Giang (cùng vắng mặt).
Người đại diện hợp pháp của những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông Trần Văn T: Ông Võ Thành N, sinh năm 1992; Địa chỉ: sinh năm 1992; địa chỉ: A, Ông Í, Phường E, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh (Văn bản uỷ quyền ngày 22/9/2023), (có mặt).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Võ M, là Luật sư của Văn phòng L7, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố H (có mặt).
- Bị đơn: Ông Trần Văn S, sinh năm 1957 (chết 2016) Những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông Trần Văn S: Ông Trần Văn Đ1, sinh năm 1962; Địa chỉ: Ấp T, xã T, huyện C, tỉnh Tiền Giang (có mặt).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Phi L, là Luật sư của Văn phòng Luật sư Huỳnh Phi L1, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh T (có mặt).
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Ông Lê Công B, sinh năm 1929
2. Bà Lê Thị N1, sinh năm 1942
3. Ông Lê Văn L2, sinh năm 1952 Cùng địa chỉ: B H, Phường A, quận P, Thành phố Hồ Chí Minh (cùng vắng mặt).
4. Bà Lê Thị Đ2, sinh năm 1933; Địa chỉ: 4 H, Phường G, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt).
5. Ông Lê Văn Đ3, sinh năm 1936; Địa chỉ: 7 N, Phường D, quận P, Thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt).
6. Ông Lê Văn L3, sinh năm 1948; Địa chỉ: C, T, xã Đ, huyện L, tỉnh Đồng Nai (vắng mặt).
7. Ông Trần Thiện H2, sinh năm 1946; Địa chỉ: ấp T, xã T, huyện C, Tiền Giang (vắng mặt).
8. Ông Nguyễn Hữu Ý, sinh năm 1947; Địa chỉ: ấp H, xã H, huyện C, tỉnh Tiền Giang (vắng mặt).
9. Bà Nguyễn Thị Kim Đ4, sinh năm 1950; Địa chỉ: Ấp H, xã H, huyện C, Tiền Giang (vắng mặt).
10. Bà Ngô Yến A, sinh năm 1949 11. Bà Ngô Thị Yến S1, sinh năm 1952 12. Bà Ngô Thị Yến V1, sinh năm 1964 13. Bà Ngô Thị Yến O, sinh năm 1967 Cùng địa chỉ: F C, Phường F, Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh (cùng vắng mặt).
14. Ông Ngô Minh M1, sinh năm 1954 15. Ông Ngô Minh T1, sinh năm 1958 Cùng địa chỉ: ấp K, xã T, huyện C, Tiền Giang (cùng vắng mặt).
16. Ông Ngô Minh Đ5, sinh năm 1961; Địa chỉ: phường A, thị xã R, tỉnh Kiên Giang (vắng mặt).
17. Ông Trần Hùng D, sinh năm 1954; Địa chỉ: Ấp P, xã P, C, Tiền Giang (vắng mặt).
18. Ông Trần Văn D1, sinh năm 1952
19. Ông Trần Văn T2, sinh năm 1955
20. Bà Trần Thị Thu H3, sinh năm 1959
21. Bà Trần Thị Bạch T3 (Trần Thị Thu H4 ), sinh năm 1961 Cùng địa chỉ: tổ A, ấp T, xã T, huyện C, Tiền Giang (cùng vắng mặt).
22. Bà Trần Thị Bạch L4 (Trần Thị Tuyết L5) sinh năm 1966; Địa chỉ: tổ E, ấp T, xã T, huyện C, Tiền Giang (vắng mặt).
23. Ông Trần Văn Đ1, sinh năm 1962 (có mặt)
24. Ông Trần Văn Ý1, sinh năm 1956 (vắng mặt)
26. Bà Trần Thị Huỳnh H5, sinh năm 1980 (vắng mặt) 27. Bà Trần Thị Bích H6, sinh năm 1982 (vắng mặt) Cùng địa chỉ: ấp T, xã T, huyện C, Tiền Giang.
- Người kháng cáo: Ông Trần Văn S là bị đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và bản tự khai, nguyên đơn ông Trần Văn T uỷ quyền cho ông Trần Thành P trình bày:
Cha mẹ của ông T là cụ Trần Văn M2 ( chết năm 1954) và cụ Hồ Thị T4 ( chết năm 1935) có tổng cộng 10 người con, 04 người chết lúc còn nhỏ, không có chồng hoặc vợ, 06 người còn lại là:
1/ Ông Trần Văn T
2/ Bà Trần Thị M3 (chết năm 2005)
3/ Bà Trần Thị H7 (chết năm 1975)
4/ Bà Trần Thị K1 (chết năm 1984)
5/ Ông Trần Văn C (chết năm 1982)
6/ Ông Trần Văn T5 (chết năm 1982).
Cụ M2 và cụ T4 chết đều không có để lại di chúc.
Khối tài sản cụ M2 và cụ T4 để lại gồm: 01 căn nhà 3 gian 02 chái, mái lợp tol, vách ván trên tổng diện tích 8.390m2 đất ( trong đó 300m2 đất ở;
2.248,4m2 đất trồng cây lâu năm, 4.903,4m2 đất ao và 938,2m2 đất mồ mã, theo số liệu đo đạc thực tế hiện nay) toạ lạc tại ấp T, xã T, huyện C, Tiền Giang; 02 bộ ván, 01 tủ, 01 ghế trường kỷ.
Khi cụ M2 còn sống, ông T ở cùng cụ M2 và quản lý tài sản. Đến năm 1957 ông T5 cùng con là Trần Văn S xin ở tạm căn nhà và quản lý toàn bộ tài sản (ông T5 ra làm một căn nhà nhỏ kề bên nhà bố mẹ để ở, hiện ông S đã sửa chữa lại nhà nhỏ để ở tạm và có sử dụng 02 cây cột xi măng của ông T cho). Năm 1982 ông T5 chết, ông S tiếp tục ở và quản lý di sản cho đến nay.
Ông T yêu cầu ông S phải giao lại di sản cho ông T quản lý. Ông T tự nguyện cho di dời ngôi nhà tạm, 01 bộ ván gỗ, 01 ao nhỏ bên hông nhà thờ để nuôi cá và một tủ đứng xưa.
Bị đơn ông Trần Văn S trình bày: Không đồng ý với yêu cầu của ông T vì cho rằng trong thời gian ở tại ngôi nhà, ông T5 và ông đã tu sửa nhiều lần và quản lý sử dụng đất rất nhiều năm. Ông S yêu cầu được quản lý toàn bộ di sản của cụ M2, cụ T4 để lại để thờ cúng ông bà vì công sức của cha con ông rất nhiều. Diện tích đất ao, ông đồng ý chia đôi.
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Trần Văn S yêu cầu Tòa án xem xét công sức của ông T5 và ông đã có công gìn giữ thửa đất vườn và nhà thờ để xem xét chia cho kỷ phần của ông T5 là 02 công đất vườn.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 31/2009/DS-ST ngày 28/9/2009 của Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang đã tuyên xử:
Căn cứ các điều 634, 638, 674, 675, 676, 677 Bộ luật Dân sự;
Căn cứ khoản 3 điều 13 Nghị định số 70/CP, ngày 12/6/1997 của Chính Phủ;
Căn cứ Văn bản số 98/TANDTC-KHXX, ngày 30/6/2009 của Tòa án nhân dân tối cao,
[1] Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Văn T (đại diện ủy quyền là ông Trần Thành P).
[2] Xác định giá trị di sản thừa kế của cụ Trần Văn M2 và Hồ Thị T4 là 837.203.600 đồng.
[3] Ghi nhận sự tự nguyện của các ông, bà: Lê Công Đ6, Lê Thị N1, Lê Văn L2, Lê Thị Đ2, Lê Văn Đ3, Lê văn L6 (con bà Trần Thị H7). Trần Văn H8, Nguyễn Hữu Ý, Nguyễn Thị Kim Đ4 (con bà Trần Thị K1); Ngô Yến A, Ngô Thị Yến S1, Ngô Thị Yến V1, Ngô Thị Yến O; Ngô Minh M1, Ngô Minh T1, Ngô Minh Đ5 (con bà Trần Thị M4). Trần Hùng D, Trần Văn D1, Trần Văn T2, Trần Thị Thu H3, Trần Thị Bạch T3 (T), Trần Thị Bạch L4 (T) (con ông Trần Văn C) nhượng kỷ phần thừa kế cho ông Trần Văn T được hưởng.
[4] Chia cho ông Trần Văn T được hưởng 5/6 khối di sản thừa kế có giá trị 697.669.666 đồng, được sở hữu bằng hiện vật gồm 4903,4m2 đất ao, 1548,4m2 đất vườn và đất thổ cư.
Có tứ cận: Bắc giáp đất Võ Văn H9 34,49m. Nam giáp đất Trần Văn H 31,02m. Đông giáp đất Trần Văn T 45,22m. Tây giáp đất Trần Văn S 48,22m.
Và toàn bộ ngôi nhà thờ chính, cùng các tài sản khác gồm: 1 bộ ván sao 1,6m x 2,6m, dầy 0,065m (4 miếng ghép + chân bò); 1 bộ ghế tràng kỷ (gồm 1 bàn nước và 2 ghế dài).
[5] Chia cho anh Trần Văn S (đại diện cho 5 anh em) nhận và quản lý sử dụng 1 kỷ phần thừa kế có giá trị 139.533.933 đồng. Trong đó nhận bằng hiện vật 1.000m đất vườn – thành tiền 116.000.000 đồng; tủ và ván gõ 220.000 đồng, tổng cộng 116.220.000 đồng và lượng tiền mặt là 23.313.933 đồng. Đất có từ cận: Bắc giáp Lê Văn D2 23,69m, Nam giáp Trần Văn H 18m, Đông giáp Trần Văn T 48,22m, Tây giáp đường công cộng 51,46m (có sơ đồ kèm theo).
[6] Ghi nhận sự tự nguyện của ông Trần Văn T cho ông Trần Văn S 1 bộ cột xi măng 12 cây gồm: 3 cột cái kích thước dài 5,00m (0,013 x 0,013), 6 cột hàng nhì dài 3,7m (0,013 x 0,013); 3 cột hàng ba dài 2,5m (0,013 x 0,013), hiện anh S đang quản lý sử dụng.
[7] Buộc ông S phải giao phần đất vườn + thổ cư 1548,4m2 và toàn bộ nhà thờ chính, 01 bộ ghế tràng kỷ, 01 bộ ván sao (dầy 0,065m) cho ông T sở hữu.
[8] Buộc ông Trần Văn T phải giao khoản tiền 23.313.933 đồng cho anh Trần Văn S.
[9] Buộc ông Trần Văn S phải hoàn trả ông Trần Văn T khoản tiền 3.269.000 đồng đã nhận ngày 12/5/2000.
[10] Cấn trừ ông T còn phải trả ông S 20.044.933 đồng (hai mươi triệu không trăm bốn mười bốn ngàn chín trăm ba mươi ba đồng).
[11] Thực hiện khi án có hiệu lực pháp luật.
[12] Ông S và ông T6 được phép lưu cư trong ngôi nhà thờ trong thời hạn 3 tháng, kể từ khi án có hiệu lực pháp luật. Đồng thời ông S phải di dời ngôi nhà tạm bên hông nhà thờ và 01 chòi cất tạm cạnh đường đi vô nhà thờ, để trả đất thổ cư cho ông T sử dụng khi án có hiệu lực pháp luật.
[13] Buộc ông S phải di dời 40 cây cau kiểng và 21 cây xanh các loại trên 1.548,42 đất V+ T chia cho ông T khi bản án có hiệu lực pháp luật.
[14] Giao cho ông Trần Văn T đại diện cho họ tộc (cụ Trần Văn M2) tiếp tục quản lý diện tích 938,2m đất mồ mã (có sơ đồ kèm theo).
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, các chi phí tố tụng và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 01/10/2009, ông Trần Văn S kháng cáo một phần bản án sơ thẩm. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm thì ông Trần Văn T chết 03/11/2009, ông Trần Văn S chết 2016 nên Toà án cấp phúc thẩm đã ban hành Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án số 07/2010/QĐPT-DS ngày 05/7/2010.
Diễn biến tại phiên tòa phúc thẩm:
Ông Võ Thành N là người đại diện hợp pháp của những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn không thay đổi, bổ sung, không rút đơn khởi kiện. Ông Trần Văn Đ1 là người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bị đơn không thay đổi, bổ sung, giữ nguyên yêu cầu kháng cáo ban đầu. Các đương sự khác vắng mặt tại phiên toà nên không thể hiện ý kiến. Các đương sự không tự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Trong phần tranh luận, các đương sự trình bày như sau:
1. Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Trần Văn Đ1:
Đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận 02 yêu cầu kháng cáo cụ thể của bị đơn như sau:
- Yêu cầu được chia 1.200m2 đất tranh chấp: Diện tích đất tranh chấp được đo đạc thực tế là 8.390m2, trừ đi 938m2 đất thổ mộ, còn lại là 7.452m2, chia làm 6 kỷ phần, mỗi kỷ phần là 1.242m2. Bản án sơ thẩm chỉ chia cho ông S 1.000m2 là không đúng.
- Đối với căn nhà: Ông Đ1 không yêu cầu chia căn nhà, nhưng phải tính toán công sức gìn giữ, tôn tạo căn nhà cho ông S. Vì ông Trần Văn T5 (là cha của ông và ông S) ở tại căn nhà này từ lúc sinh ra cho đến khi chết vào năm 1982. Tiếp đó ông S ở cho đến thời điểm tranh chấp (1999) mới dời ra ở riêng cũng trong khuôn viên đất tranh chấp. Yêu cầu chia cho những người thừa kế của ông S 1/10 giá trị phần xây dựng của căn nhà và 1/10 giá trị nền nhà.
2. Ông Trần Văn Đ1: Đồng ý với yêu cầu của Luật sư.
3. Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn:
- Nếu chia đúng thì mội kỷ phần phải là 1.242m2 như Luật sư của nguyên đơn trình bày. Tuy nhiên, 1.000m2 mà bản án sơ thẩm đã chia cho ông S có giá trị cao hơn, phần đất đã chia cho ông T hiện nay nằm dưới đường dây điện cao thế và là đất ao nên giá trị thấp.
- Không đồng ý với yêu cầu thứ 2 của bị đơn, vì toàn bộ nhà đất đều do ông T quản lý; ông T5 và ông S chỉ ở một phần trong phần đất của nhà thờ; công sức đóng góp của ông T lớn hơn ông S.
Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông S, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
4. Ông Võ Thành N: Đồng ý với Luật sư.
5. Ông Trần Văn Đ1 và Luật sư: Đề nghị được chia 1.200m2 đất và 300.000.000 đồng giá trị nhà và giá trị nền nhà.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên toà phát biểu ý kiến:
1. Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo của ông Trần Văn S làm trong hạn luật định nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận về mặt hình thức.
2. Về việc chấp hành pháp luật: Xét thấy, Thẩm phán chủ tọa phiên toà, các thành viên Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự từ giai đoạn thụ lý đến giai đoạn xét xử phúc thẩm.
3. Về yêu cầu kháng cáo: Xét thấy tại phiên toà phúc thẩm, ông Đ1 yêu cầu chia lại đất và giá trị nhà. Tuy nhiên do thời gian từ khi xét xử sơ thẩm đến nay thời gian đã lâu, giá cả thị trường có nhiều biến đổi. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo của ông Trần Văn S làm trong hạn luật định và đã nộp tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm nên đủ điều kiện để thụ lý và xét xử theo trình tự phúc thẩm.
[2] Về thủ tục tố tụng:
[2.1] Ông Trần Văn S tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn và là người có kháng cáo bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, ông S chết năm 2016. Cha mẹ ông S là ông Trần Văn T5, bà Lê Thị H10 và người anh ruột tên Trần Văn N2 đều chết trước ông S. Ông S còn 03 anh em ruột là Trần Văn Ý1, Trần Văn T7 và Trần Văn Đ1. Ông Ý không tiếp tục kháng cáo, ông T7 chết năm 2013 không có vợ con. Do đó, người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông S chỉ còn duy nhất ông Trần Văn Đ1.
[2.2] Ông Trần Văn T tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn. Tuy nhiên ông T đã chết ngày 03/11/2009. Ông T có 04 người con là Trần Văn H, Trần Thị H1, Trần Thành P, Trần Văn Đ. Ông Đ chết năm 2020, có những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng là bà Trần Thị Thu V và bà Trần Đức Vân K. Như vậy những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông T gồm các ông bà Trần Văn H, Trần Thị H1, Trần Thành P, Trần Thị Thu V và Trần Đức Vân K.
[3] Về yêu cầu kháng cáo: Tại phiên toà phúc thẩm, ông Đ1 yêu cầu được chia đất, chia giá trị căn nhà và giá trị đất là nền nhà. Cụ thể yêu cầu được chia 1.200m2 đất và giá trị căn nhà, giá trị đất là nền của căn nhà tổng cộng 300.000.000 đồng. Xét thấy vụ án này được xét xử sơ thẩm vào năm 2009, tính đến thời điểm hiện tại đã hơn 14 năm. Thời gian quá lâu, hiện trạng nhà, đất có nhiều thay đổi, đặc biệt giá đất, giá nhà có sự chênh lệch theo hướng tăng rất cao so với thời điểm xét xử sơ thẩm. Do đó, cần huỷ bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên toà. Trường hợp này Toà án cấp sơ thẩm không có lỗi.
[4] Từ những phân tích nêu trên, nhận thấy yêu cầu của ông Đ1 và người đại diện hợp pháp của nguyên đơn là không có căn cứ để chấp nhận.
[5] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do huỷ bản án sơ thẩm nên các đương sự không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
Bởi các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 3 Điều 308, Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
Căn cứ vào Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án,
[1] Không chấp nhận kháng cáo của ông Trần Văn S có ông Trần Văn Đ1 là người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng.
[2] Huỷ Bản án dân sự sơ thẩm số 31/2009/DS-ST ngày 28/9/2009 của Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang. Chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Tiền Giang để giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
[3] Về án phí dân sự phúc thẩm: Trả cho ông Trần Văn S có ông Trần Văn Đ1 là người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng số tiền 200.000 đồng theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 143 ngày 12/10/2009 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Tiền Giang.
[4] Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp thừa kế số 705/2023/DS-PT
Số hiệu: | 705/2023/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 29/09/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về