Bản án về tranh chấp thừa kế số 63/2023/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

 BẢN ÁN 63/2023/DS-PT NGÀY 22/09/2023 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ

Ngày 18 và ngày 22 tháng 9 năm 2023 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Thái Nguyên mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 28/2023/TLPT- DS ngày 24/5/2023 về việc "Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng theo di chúc". Do bản án dân sự sơ thẩm số 03/2023/DS-ST ngày 20/04/2023 của Tòa án nhân dân huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 42/2023/QĐ-PT ngày 22 tháng 6 năm 2023 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn:

1.1. Bà Dương Thị L, sinh năm 1948, có mặt 1.2. Chị Hà Thị N, sinh năm 1984 (đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của bà L), có mặt Cùng địa chỉ: Xóm Phúc Hòa, xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

2. Bị đơn: Ông Hà Đình T, sinh năm 1969, có mặt Địa chỉ: Xóm S, xã H (nay là xóm V, thị trấn H), huyện Đ, tỉnh Thái Nguyên.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông T: Ông Trần Ngọc T1, sinh năm 1963; Địa chỉ: Số E, tổ dân phố B, phường M, thành phố Đ, tỉnh Điện Biên, có mặt

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Ông Hà Văn P, sinh năm 1961, có đơn xin xét xử vắng mặt Địa chỉ: Xóm S, xã H (nay là xóm V, thị trấn H), huyện Đ, tỉnh Thái Nguyên.

3.2. Anh Hà Đình T2, sinh năm 1971, có đơn xin xét xử vắng mặt Địa chỉ: Tổ dân phố Ấ, xã H (nay là thị trấn H), huyện Đ, tỉnh Thái Nguyên.

3.3. Anh Hà Đình T3 (P1), sinh năm 1974, có mặt Địa chỉ: Số nhà C, tổ F, phường C, TP ., tỉnh Thái Nguyên.

3.4. Chị Hà Thị N1, sinh năm 1960, vắng mặt Địa chỉ: Ngõ B, đường T, tổ A phường M, quận N, thành phố Hà Nội.

3.5. Chị Hà Thị H, sinh năm 1950, có đơn xin xét xử vắng mặt Địa chỉ: Xóm V, xã H (nay là thị trấn H), huyện Đ, tỉnh Thái Nguyên;

3.6. Chị Dương Thị T4, sinh năm 1964 và chị Hà Thị Tú A (là vợ, con anh Hà Đình M); Cùng địa chỉ: Xóm Sông C, xã H (nay là xóm V, thị trấn H), huyện Đ, tỉnh Thái Nguyên (đều có đơn xin xét xử vắng mặt);

3.7. Anh Ngô Trung K, sinh năm 1990 (con bà Hà Thị L1) Địa chỉ: Tổ dân phố Ấ, xã H (nay là thị trấn H), huyện Đ, tỉnh Thái Nguyên (có đơn xin xét xử vắng mặt);

3.8. Ông Ngô Văn T5, sinh năm 1957 (là chồng bà Hà Thị L1) Địa chỉ: Đ, xã Y, huyện Ý, tỉnh Nam Định (vắng mặt);

3.9. Cháu Ngô Thị Thanh L2, sinh năm 1996 (con bà Hà Thị L1) Địa chỉ: Đ, xã Y, huyện Ý, tỉnh Nam Định (vắng mặt);

3.10. Bà Hoàng Thị H1, sinh năm 1953; anh Hà Đức H2, sinh năm 1974; Chị Hà Thị H3, sinh năm 1981; Chị Hà Thị L3, sinh năm 1984 (là vợ và các con của ông Hà Tiến M1); Cùng địa chỉ: Tổ G, phường C, thành phố T, tỉnh Thái Nguyên. (đều có đơn xin xét xử vắng mặt)

4. Người làm chứng:

4.1. Ông Phạm Văn H4, sinh năm 1954; Địa chỉ: Xóm V, xã H (nay là thị trấn H), huyện Đ, tỉnh Thái Nguyên; vắng mặt) 4.2. Ông Nguyễn Ngọc B, sinh năm 1955 - nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã H (nay là thị trấn H); Địa chỉ: Tổ dân phố T, thị trấn H, huyện Đ, tỉnh Thái Nguyên có mặt);

4.3. Ông Nguyễn Văn B1, sinh năm 1950 - nguyên trưởng xóm S (nay là xóm V) xã H (nay là thị trấn H), huyện Đ, tỉnh Thái Nguyên vắng mặt);

4.4. Ông Hoàng Nghĩa Đ, sinh năm 1968 - Công an viên, phó xóm S (nay là xóm V), xã H (nay là thị trấn H), huyện Đ, tỉnh Thái Nguyên vắng mặt);

5. Người kháng cáo: H, Hà Đình T3

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm phía nguyên đơn trình bày: Bà L3 là công nhân Nông trường chè đội 5, đã nghỉ hưu. Năm 1982, bà xây dựng gia đình với ông Hà Đình T6 và có một con chung là Hà Thị N, sinh năm 1984. Khi lấy nhau ông T6 vẫn ở riêng, còn bà L3 ở nhà của bà tại đội 5. Năm 1999, bà về ở cùng nhà với ông T6 tại đội 3. Khi về ở chung, ông bà đã cùng nhau xây một ngôi nhà cấp 4 ba gian, có bếp để ở cùng (tiền xây nhà là do bà bán căn nhà cũ để xây). Trước khi lấy bà L3, ông T6 đã có một đời vợ là bà Nguyễn Thị H5, cũng là công nhân nông trường chè sông cầu, nhưng đã ra tòa ly hôn năm 1977, ông bà có 9 người con chung đều đã trưởng thành và tách ra ở riêng hoặc đi làm ăn xa nhà, gồm: Hà Đình M (đã chết năm 2017), Hà Thị H, Hà Thị N1, Hà Văn P, Hà Đình T2, Hà Đình T3, Hà Đình B2 (đã chết khi còn nhỏ), Hà Đình T, Hà Thị L1 (đã chết năm 2012).

Năm 2000, bà L3 có đứng ra kê khai tất cả các thửa đất, trong đó có 02 thửa đất là tài sản chung của bà L3 và ông T6 (là thửa đất số 449 diện tích 1809m2 và thửa đất số 450 diện tích 2101m2 đều thuộc tờ bản đồ số 5) và có cả tài sản của ông T6 bà H5 khi ly hôn chưa chia cho ai, gồm: Thửa đất số 162 diện tích 661m2, Thửa 108 diện tích 885m2, Thửa 126 diện tích 241m2, Thửa 182 diện tích 140m2, Thửa 184 diện tích 248m2, Thửa 185 diện tích 215m2, Thửa 210 diện tích 316 m2 đều thuộc tờ bản đồ số 9. Các thửa đất đều do bà đứng tên kê khai và nộp thuế cho Công ty từ năm 2000 (Hóa đơn nộp thuế hiện tại bà vẫn còn lưu giữ).

Năm 2002, ông T6 bệnh tật liên miên cho nên có gọi con riêng là anh Hà Đình T và con gái là Hà Thị N về để làm di chúc chia đất đang ở và có ngôi nhà trên đất tại xóm S, xã H, huyện Đ. Trong di chúc ghi rõ nội dung là chia cho anh Hà Đình T thửa đất 449 tờ bản đồ số 5 diện tích 1809m2 loại đất sử dụng lâu dài; Chia cho con gái là chị Hà Thị N thửa đất 450 tờ bản đồ số 5 diện tích 2101m2 loại đất sử dụng lâu dài trên đó có một ngôi nhà cấp 4. Việc lập di chúc trên là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật đồng thời được sự chứng kiến của nhiều thành phần trong đó có anh Hà Đình T đã ký, xác nhận vào bản di chúc.

Bà L3 và con gái Hà Thị N theo di chúc được chia thửa số 450 diện tích 2101m2. Bà L3 đồng ý cho tặng hết thửa đất đó cho con gái Hà Thị N cho nên đã xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa trên theo di chúc nhưng không thành, do chủ sử dụng đất giáp ranh là anh Hà Đình T không đồng ý xác nhận phần diện tích bà L3 được hưởng theo di chúc, vì vậy không đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận QSD đất theo quy định. Anh T đã rất nhiều lần gây sức ép, chửi bới, đe dọa khiến bà L3 lo sợ bất an, cho nên năm 2010 bà đã phải chuyển đến ở cùng con gái (N) và con rể, tại xóm P, xã T, thành phố T để đảm bảo an toàn cho bản thân.

Các thửa đất số 162 diện tích 661m2, Thửa 108 diện tích 885m2, Thửa 126 diện tích 241m2, Thửa 182 diện tích 140m2, Thửa 184 diện tích 248m2, Thửa 185 diện tích 215m2, Thửa 210 diện tích 316 m2 đều thuộc tờ bản đồ số 9 là tài sản của ông T6 bà H5 và ông T6 bà H5 đã chia cho các con bà H5 sinh sống, bà L3 không có ý kiến gì phần đất đó.

Bà L3 làm đơn khởi kiện anh Hà Đình T, đề nghị được công nhận quyền sở hữu đối với diện tích 2101m2 đất, tại thửa 450, tờ bản đồ số 5, loại đất ONT vì đây là tài sản chung của bà và ông Hà Đình T6 trong di chúc của ông T6 năm 2002, để mẹ con bà có cơ sở xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Còn anh Hà Đình T được sử dụng thửa đất 449, tờ bản đồ số 5, diện tích 1809 m2. Bà nhất trí để lại một phần diện tích đất tại thửa 450, để làm đường đi vào thửa 449 của anh T như trước đây.

Bị đơn ông Hà Đình T trình bày: Ông không nhất trí với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì: Di chúc lập không hợp pháp, chữ ký bản di chúc không phải chữ ký của ông Hà Đình T6, việc làm di chúc do chị Hà Thị N tự viết, khi đó bố ông ốm bị tai biến nằm liệt giường, di chúc không ghi ngày tháng năm, việc công chứng di chúc không đúng quy định của pháp luật, ba bản di chúc đều do ông Nguyễn Văn B1 trưởng xóm xác nhận ngày 03/5/2002 với nội dung như nhau, cô N tự viết giả mạo chữ ký của ông Hà Đình T6 nhằm mục đích tranh giành tài sản.

Về nguồn gốc đất: Bố mẹ ruột của ông là Hà Đình T6 và Nguyễn Thị H5 đều là công nhân nông trường chè sông C, bố mẹ ông sinh được 9 người con, hiện nay còn 4 người con trai và 2 người con gái. Năm 1977 bố mẹ ông ly hôn nhưng không chia tài sản mà chỉ chia con và trách nhiệm nuôi con, ông được về ở với bố cùng anh B2. Bố ông chuyển đến đội 5 Nông trường chè S (nay là xóm E thuộc xã S) ở và lấy bà Dương Thị L năm 1983, có một người con là Hà Thị N sinh 1984. Bà L và con gái ở trên xóm E, thỉnh thoảng mới về xóm C, sau khi nghỉ hưu bố ông mới đón hai mẹ con bà L về ở tại căn nhà bố mẹ ông đã làm trước đây tại xóm C. Ngày 19/02/2002 âm lịch, bố ông bị tai nạn xe máy chấn thương sọ não, nên sống thực vật không biết gì, đến ngày 27/9/2003 âm lịch bố ông chết không viết một tờ di chúc nào để chia đất cho vợ và các con. Đến năm 2012, thì mẹ đẻ của ông cũng chết, không để lại di chúc nào về đất đai cho các con. Đất của bố mẹ ông khai vỡ từ năm 1967, đất thuộc công ty C quản lý để tăng gia nuôi các con, không tranh chấp với ai. Sau khi ly hôn bố mẹ ông cũng không chia đất, đất chưa được pháp luật công nhận do vậy ông Hà Đình T6 không được phép làm thừa kế cho vợ 2 và con riêng.

Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

- Các ông bà Hà Văn P, Hà Thị H, Hà Đình T2 đều cùng xác định: Các ông bà là con đẻ của ông Hà Đình T6 và bà Nguyễn Thị H5, bố mẹ ông bà sinh được 9 người con như anh T đã trình bày là đúng. Năm 1977, bố mẹ ông bà ly hôn, nhưng chỉ phân chia con, còn tài sản thì không phân chia, mà ông T6 giao hết toàn bộ cho bà H5 gồm nhà và đất để nuôi dậy con cái, còn ông T6 không nhận bất cứ tài sản gì và chuyển lên tập thể Nông trường chè Sông C sinh sống.

Năm 1979, ông Hà Đình T6 ra khai hoang và có làm một ngôi nhà 3 gian tường đất trên diện tích đất. Đến năm 1982, ông T6 kết hôn với bà Dương Thị L, năm 1984 ông bà sinh được chị Hà Thị N, năm 2001 khi bà Dương Thị L về hưu có bán ngôi nhà trên xóm E thị trấn S về và làm nhà cấp 4 ở cạnh nhà ông T6 đang ở để hai vợ chồng và con gái (N) sinh sống, hiện nay bà Dương Thị L và chị Hà Thị N đang tranh chấp với anh Hà Đình T, là thửa 450 vị trí đất thuộc xóm V xã H, huyện Đ, tỉnh Thái Nguyên. Trước năm 2000 ông T6 đã làm đơn gửi Công ty C đến tách thửa đất ông T6 đang ở thành hai thửa là 449, 450. Khoảng năm 2001 ông T6 có hỏi về việc lập di chúc chia cho hai con về diện tích đất mà ông đã khai phá được. Đến năm 2002, ông Hà Đình T6 làm bản di chúc cho hai con là Hà Đình T và Hà Thị N theo ý nguyện mà ông đã bàn bạc với các con.

Quan điểm của các ông bà là đồng ý với bản di chúc ông T6 đã lập, diện tích đất mà ông T6 lập di chúc là tài sản của riêng ông T6, việc lập di chúc chia cho hai con về diện tích đất mà ông T6 đã khai phá được là theo ý nguyện của ông và ông T6 hoàn toàn minh mẫn, khoẻ mạnh. Đề nghị chia cho anh Hà Đình T thửa đất 449 tờ bản đồ số 5 diện tích 1809m2 loại đất sử dụng lâu dài, chia cho chị Hà Thị N thửa đất 450 tờ bản đồ số 5 diện tích 2101m2, đây là ý nguyện của ông T6 mọi người không có ý kiến gì.

- Anh Hà Đình T3 khai:Anh là con đẻ của ông Hà Đình T6 và bà Nguyễn Thị H5, bố mẹ anh sinh được 9 người con. Việc bà L, em N kiện ông Hà Đình T là không đúng. Vì đất không phải của anh T, anh T chỉ là người trông nom đất đai trong gia đình, cũng không phải của bà L và cô N. Bà L và em N đòi chia di sản theo thừa kế là không đúng, vì bản di chúc do bà L, anh T và N tự viết, bản di chúc không có chữ ký của bố tôi, theo anh T khai thì ba người là bà L, N và anh T tự viết bản di chúc. Đề nghị Tòa án hủy bỏ di chúc.

- Chị Hà Thị N1 khai: Chị là con đẻ của ông Hà Đình T6 và bà Nguyễn Thị H5, việc bà L và em N đòi chia di sản theo thừa kế là không đúng. Vì bản di chúc do bà L, anh T và chị N tự viết, bản di chúc tự chia đất do bố mẹ tôi khai vỡ từ năm 1967-1968 không bàn bạc gì với anh chị em trong gia đình là không phù hợp với quy định của pháp luật, không có chữ ký của bố tôi. Đề nghị toà lấy phần đất bố mẹ tôi khai vỡ chia đều cho bà L, cô N và mẹ tôi cùng tất cả các con riêng của ông T6.

- Bà Hoàng Thị H1 khai: Bà là vợ của ông Hà Đình M (con của ông Hà Đình T6 và bà Nguyễn Thị H5). Ông M và bà kết hôn năm 1972, sau khi kết hôn về sống với bố mẹ chồng. Năm 1977 ông T6 bà H5 ly hôn, tài sản để lại hết cho bà H5 nuôi con, còn ông T6 đưa 2 con B2 và T đến ở tại nhà tập thể của nông trường chè Sông C. Bà và ông M có 03 người con chung gồm: Hà Đức H2, Hà Thị H3 và Hà Thị L3, năm 2000 bà và ông M ly hôn, năm 2017 ông M chết. Bà và ông M đã ly hôn nên không liên quan đến việc tranh chấp tài sản trên.

Các anh chị Hà Đức H2, Hà Thị H3, Hà Thị L3 đều xác định là con đẻ của ông Hà Tiến M1 (H) và bà Hoàng Thị H1. Quan điểm của các anh chị nếu Tòa án chia di sản của ông T6, thì đề nghị được hưởng tài sản thừa kế của ông M1 từ ông T6 theo pháp luật.

- Bà Dương Thị T4 khai: Chị lấy anh Hà Tiến M1 năm 2001 có đăng ký kết hôn tại UBND xã H, huyện Đ, tỉnh Thái Nguyên. Anh chị sinh được cháu gái là Hà Thị Tú A sinh năm 2002. Sau khi kết hôn xong về nhà ông T6 và bà H5 ở. Khi ông T6, bà H5 ly hôn năm 1977, ông T6 để lại toàn bộ nhà cửa đất đai cho bà H5 để nuôi con, hiện nay diện tích đất này chưa được cấp giấy chứng nhận QSD đất, đất thuộc thửa bao nhiêu thì chị không được biết. Về diện tích đất đang tranh chấp giữa bà Dương Thị L chị Hà Thị N với anh Hà Đình T chị không liên quan và chị không biết gì. Đề nghị Tòa án xem xét giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật.

- Chị Hà Thị Tú A khai: Chị là con của ông Hà Tiến M1 (H) và bà Dương Thị T4. Ông M1 và bà T4 có đăng ký kết hôn. Chị là người thừa kế theo pháp luật của ông M1 và chị từ chối nhận di sản của ông M1 được thừa kế từ ông T6. Tuy nhiên, bà T4 đã có bản tự khai ngày 16/8/2021 thể hiện việc bà T4 không đồng ý phân chia di sản thừa kế theo di chúc vì di chúc không hợp pháp, đề nghị chia di sản thừa kế do ông T6 để lại theo pháp luật.

- Ông Ngô Văn T5 khai: Ông T5 là chồng của bà Hà Thị L1 (là con của ông Hà Đình T6 và bà Nguyễn Thị H5, bà L1 chết năm 2012). Ông và bà L1 có 02 con chung là Ngô Trung K và Ngô Thị Thanh L2. Quan điểm của ông là nếu di chúc của ông T6 hợp pháp thì chia di sản theo di chúc, nếu không hợp pháp thì di sản của bà L1 được thừa kế từ ông T6 sẽ do cháu K và cháu L2 thừa kế theo pháp luật.

- Chị Ngô Thị Thanh L2 và anh Ngô Trung K cùng khai: Anh, chị là con của ông Ngô Văn T5 và bà Hà Thị L1. Anh chị nhất trí với ý kiến của ông T5, nếu di chúc của ông T6 hợp pháp thì chia di sản theo di chúc, nếu không hợp pháp thì chia di sản của bà L1 được thừa kế từ ông T6, theo pháp luật.

Những người làm chứng có ý kiến:

- Ông Phạm Văn H4 theo lời đề nghị của anh T, con ông T6 thì tôi là người ký vào 3 bản di chúc, vào buổi trưa ngày tháng nào tôi không nhớ rõ, bà L vợ ông T6 có lên nhà tôi cầm theo 3 bản di chúc viết tay, có nhờ tôi ký là người làm chứng hộ bà, khi xem 3 bản di chúc nội dung giống nhau do chị N viết, di chúc không ghi ngày tháng năm, không có chữ ký, điểm chỉ của ông T6, không có xác nhận của công ty chè và xã H, chỉ có xác nhận của ông B1, ông Đ đều ghi ngày 3/5/2002, tôi không được dự họp nào trong gia đình ông T6 vì tình làng nghĩa xóm bảo tôi ký nên tôi ký… Ông Nguyễn Văn B1: Ông làm trưởng xóm S (nay là xóm V) từ năm 2001 đến năm 2012, ngày 3/5/2002 có được bà L vợ ông T6 gọi sang nhà để chứng kiến ông T6 làm di chúc cho con, ông sang thì ông T6 vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn, ông nghe chị N đọc bản di chúc có mặt bà L, ông Đ, ông H4, sau đó ông đã xác nhận vào bản di chúc với tư cách là trưởng xóm…..

Ông Hoàng Nghĩa Đ: Ông làm phó xóm Sông C (nay là xóm V) và công an viên, ông không nhớ ngày tháng nhưng khi ông T6 làm bản di chúc thì được ông B1 trưởng xóm S gọi ông sang nhà, để chứng kiến ông T6 làm di chúc cho con. Ông sang thì ông T6 ốm nằm trên giường nhưng hoàn toàn minh mẫn, sáng suốt, ông nghe chị N đọc bản di chúc có mặt ông T6, bà L, ông B1, ông H4, sau đó ông xác nhận vào bản di chúc với tư cách là phó xóm kiêm công an viên…..

Ông Nguyễn Ngọc B: Ông làm Chủ tịch xã H từ năm 2000 đến năm 2010… đối với bản di chúc của ông Hà Đình T6 sau khi cán bộ tư pháp trình lên thì ông ký và cán bộ vào sổ theo quy định, ông xác định khi ký xác nhận vào bản di chúc là đúng quy định của pháp luật….

Ý kiến của UBND xã H, huyện Đ, tỉnh Thái Nguyên:

Về việc xác định quyền sử dụng đất tại thửa đất số 449 và 450 tờ bản đồ số 5. Qua kiểm tra hồ sơ địa chính xã H thì theo sổ dã ngoại năm 2000, thửa đất số 449 tờ bản đồ số 5 thể hiện tên chủ sử dụng đất là ông Hà Đình T6, thửa đất số 450 tờ bản đồ số 5 thể hiện tên chủ sử dụng đất là bà Dương Thị L. Theo sổ mục kê năm 2013, thửa đất số 449 tờ bản đồ số 5, thể hiện tên chủ sử dụng đất là ông Hà Đình T6, thửa đất số 450 tờ bản đồ số 5 thể hiện tên chủ sử dụng đất là bà Dương Thị L. Diện tích đất này chưa được cấp giấy chứng nhận QSD đất.

Với nội dung trên, tại bản án dân sự sơ thẩm số 03/2023/DS-ST ngày 20/04/2023 của Tòa án nhân dân huyện Đồng Hỷ đã quyết định: Áp dụng:

khoản 9 Điều 26, khoản 1 Điều 35, Điều 39, các Điều 147, 157, 158, 165, 166, 227 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Các Điều 634, 637, 641, 650, 651, 652, 655, 661 Bộ luật dân sự năm 1995; Các Điều 611, 612, 620, 650, 651, 652, 660 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 66 Luật hôn nhân gia đình 2014; Điều 26, Điều 100, 106, 166 và Điều 203 Luật đất đai năm 2013; Pháp lệnh số 10/2009/PL-UBTVQH12 ngày 27/2/2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 về án phí. Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Dương Thị L chia di sản thừa kế là tài sản chung của vợ chồng. Bà L có quyền sử dụng diện tích đất là 1948m2 theo sơ đồ: 1, 2, 4, 5, 6, 7, 27, 28, 29, 33, 34, 15, 1 tại thửa 450 tờ bản đồ số 5 thuộc xóm V, xã H (nay là thị trấn H), huyện Đ, tỉnh Thái Nguyên (có bản trích đo hiện trạng sử dụng đất kèm theo). Anh T phải thu hoạch toàn bộ cây trồng trên diện tích đất mà bà L được hưởng.

2. Về án phí: Bà L phải chịu án phí dân sự sơ thẩm nhưng do bà L là người cao tuổi nên được miễn án phí theo quy định. Hoàn trả bà L chị N số tiền tạm ứng án phí 2.500.000đ đã nộp, theo biên lai thu số 0016352 ngày 13 tháng 6 năm 2019 tại Chi cục THA dân sự huyện Đ, tỉnh Thái Nguyên.

Anh T không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm .

- Về chi phí tố tụng bà L phải chịu 13.500.000đ (Mười ba triệu, năm trăm nghìn đồng) tiền thẩm định, đo đạc, định giá tài sản (được trừ vào số tiền bà L đã nộp).

Ngoài ra bản án còn tuyên nghĩa vụ thi hành án, quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 04/5/2023, anh Hà Đình T và anh Hà Đình T3 cùng làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 03/2023/DS-ST ngày 20/4/2023 của Tòa án nhân dân huyện Đồng Hỷ với lý do: (+) Đánh giá chứng cứ không khách quan, toàn diện, chưa đầy đủ và chính xác, cụ thể: Xác định nguồn gốc đất là di sản thừa kế…; định đoạt tài sản không đúng Luật đất đai năm 1993 và luật hôn nhân; chưa thực hiện việc sao chụp chứng cứ là bản di chúc; không công bố bản di chúc là vô hiệu; thẩm định tài sản không làm rõ con đường chung; chưa cho đối chất người làm chứng; chưa làm rõ việc kê khai tách đất của ông T6, bà H5 thành hai thửa 449 và 450. (+) Có những thiếu sót về tố tụng: Chia di sản thừa kế là vượt quá yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn… Tại phiên tòa phúc thẩm, anh T và anh T3 giữ nguyên kháng cáo.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh T nhất trí với các căn cứ kháng cáo của anh T và anh T3. Đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm theo hướng Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Dương Thị L, chị Hà Thị N và đình chỉ giải quyết vụ án, do thu thập đánh giá chứng cứ không khách quan, đầy đủ; giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện của đương sự; di chúc không hợp pháp không tuyên vào bản án; không có căn cứ xác định bà H5 và ông T6 đã ly hôn; đất đang tranh chấp là tài sản của ông T6 bà H5 chưa chia; chưa làm rõ việc bà L và ông T6 có kết hôn không; chưa làm rõ việc ai là người đã đi tách đất làm hai thửa… Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên phát biểu về sự tuân theo pháp luật của Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử, đương sự từ khi thụ lý vụ án đến trước khi nghị án đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Quan điểm giải quyết vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của anh Hà Đình T và anh Hà Đình T3. Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 03/2023/DS-ST ngày 20/4/2023 của Tòa án nhân dân huyện Đồng Hỷ theo khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và nghe lời trình bày của các đương sự; ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Hội đồng xét xử nhận xét:

[1] Về tố tụng:

[1.1.] Đơn kháng cáo của các anh Hà Đình T, Hà Đình T3 đã đảm bảo hình thức, thời hạn, đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.

[1.2.] Tại phiên tòa những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không kháng cáo và người làm chứng đều vắng mặt, nhưng đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai, trong hồ sơ đã có lời khai và đã có đơn xin xét xử vắng mặt. Căn cứ Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng tiếp tục xét xử vụ án.

[1.3.] Về quan hệ pháp luật tranh chấp được xác định là "Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng theo di chúc" [2] Xét kháng cáo của anh Hà Đình T, Hà Đình T3, thấy:

[2.1.] Từ lời khai của các đương sự và các con chung của ông T6, bà H5 có đủ căn cứ xác định: Năm 1977, ông Hà Đình T6 và bà Nguyễn Thị H5 đã ra Tòa ly hôn. Khi ly hôn chỉ phân chia và giao quyền nuôi con, không giải quyết về tài sản chung. Ông T6 đã để lại toàn bộ khối tài sản chung là nhà và các thửa đất (đều chưa được cấp giấy chứng nhận QSD) cho bà H5 nuôi 04 người con chung gồm anh P, chị L1, anh T2, anh T3. Ông T6 đưa 02 người con chung được giao để trực tiếp nuôi dưỡng là anh B2 và anh T về sống cùng ông tại tập thể của Nông trường chè Sông C. Năm 1979, ông T6 ra khai hoang được một diện tích đất và đã làm một ngôi nhà 3 gian tường đất để ở. Năm 1983, ông T6 kết hôn với bà Dương Thị L. Năm 1984, ông T6, bà L có con chung là Hà Thị N, lúc này bà L vẫn ở tại nhà riêng của mình tại Đội 5 Nông trường chè Sông C. Năm 1999, theo ý kiến ông T6 và các con bà L đã bán nhà cũ của mình, lấy tiền về làm một căn nhà và bếp trên một phần diện tích đất khác mà ông T6 đã khai hoang, bà L ông T6 và chị N đã cùng chung sống tại căn nhà này đến khi ông T6 chết. Năm 2000, diện tích đang ở được tách làm 02 thửa là thửa đất 449 và 450, căn nhà do bà L, ông T6 xây dựng nằm trên thửa đất 450. Năm 2002, ông T6 lập di chúc cho chị N thửa 450 và anh T thửa 449. Năm 2003, ông T6 chết, bà L vẫn ở tại căn nhà đã xây và hàng năm vẫn đóng thuế với Nhà nước theo quy định. Năm 2010, bà L phải về sống cùng với con gái là Hà Thị N thì đất và nhà do anh T quản lý. Khoảng năm 2014, khi có chủ trương kê khai cấp giấy CNQSD đất bà L đi kê khai, anh T không đồng ý nên đã xảy ra tranh chấp.

[2.2.] Tại sổ dã ngoại đăng ký chủ sử dụng đất năm 2000 của xã H, huyện Đ (BL 242-243, 290-291) thể hiện: Thửa 449 đứng tên chủ sử dụng đất ông Hà Đình T6 (có chữ ký của ông T6), Thửa 450 đứng tên chủ sử dụng đất bà Dương Thị L (có chữ ký của bà L).

[2.3.] Tại biên bản xác minh (BL 81-82) thể hiện: Bản đồ địa chính của UBND xã H vẽ năm 2000, chỉnh lý năm 2013, trên bản đồ diện tích đất của ông Hà Đình T6 và bà Dương Thị L đã thành hai thửa riêng biệt. Thửa 449 theo bản đồ địa chính năm 2000 là đất thổ cư T 449/1809, theo bản đồ chỉnh lý năm 2013 là đất ở nông thôn và đất cây lâu năm diện tích 1813,5m2; Thửa 450 theo bản đồ địa chính năm 2000 là đất thổ cư T 450/2101, theo bản đồ chỉnh lý năm 2013 là đất ở nông thôn và đất cây lâu năm diện tích 2101m2 đều thuộc tờ bản đồ số 5.

[2.4.] Văn bản số 07 ngày 15/1/2002 của giám đốc công ty C xác định diện tích đất thổ cư và vườn tạp (BL20), có nội dung: “…Ông Hà Đình T6 đã khai hoang và sử dụng ổn định nhiều năm nay không có tranh chấp) một diện tích đất đồi gò, được thể hiện ở bản đồ địa chính của Công ty C đo vẽ năm 1990): TBĐ 07-III, Số thửa 22, diện tích 3.978m2. Nay ông Hà Đình T6 xin chia diện tích đất nói trên cho con trai con riêng của ông T6) là Hà Đình T và con chung với bà L là chị Hà Thị N để hai người làm đất thổ cư và vườn tạp. Đề nghị UBND xã H căn cứ vào bản đồ địa chính của xã đo vẽ năm 2000, xác định chính xác diện tích đất cho anh T và chị N. Công ty C1 xác nhận diện tích đất 3978m2 theo bản đồ của Công ty) của ông Hà Đình T6 là đúng để UBND xã xem xét chứng thực vào bản di chúc của ông T6 theo thẩm quyền của Ủy ban xã”.

[2.5.] Tại công văn số 10/CV/VNT-TN ngày 27/4/2021 của Chi nhánh Tổng công ty C2- Công ty cổ phần T8 (BL 107) đã xác định: Công ty không có quyết định giao đất nào liên quan đến thửa đất số 22, TBĐ 07-III, diện tích 3.978m2 và thửa đất số 22 cũng không thuộc quản lý của Công ty.

[2.6.] Tại Văn bản thỏa thuận họp gia đình về việc cấp giấy CNQSD đất ngày 11/11/2019 (BL 168 đến 172) đã thể hiện các con chung của ông T6, bà H5 đã cũng nhau thống nhất xác định các thửa đất là tài sản chung của ông T6, bà H5 để lại gồm: Thửa đất số 144 diện tích 403,7m2, thửa 161 diện tích 334,1m2, thửa 184 diện tích 248m2, thửa 210 diện tích 316 m2, thửa 185 diện tích 215m2 đều thuộc tờ BĐ số 9 (trong đó thửa 185 và 210 đã được cấp QSD cho ông Hà Văn P; thửa 184 được cấp QSD cho bà Phạm Thị T7 và ông Phạm Văn B3, các thửa đất còn lại chưa có giấy chứng nhận QSD đất).

[2.7.] Tại Đơn xin xác nhận đất của bố mẹ Hà Đình T6, Nguyễn Thị H5 để lại ngày 09/10/2013 (BL 49;145) của anh Hà Đình T có các thửa đất 162 diện tích 661m2, thửa 147 diện tích 733m2 (anh T đã làm nhà trên 02 thửa đất này), thửa 108 diện tích 885m2, thửa 126 diện tích 241m2 đều thuộc tờ bản đồ số 9. Ngoài ra, còn có thửa 449 diện tích 1809m2 và thửa 450 diện tích 2101m2 tờ bản đồ số 5.

[2.8.] Tại văn bản cam kết về tài sản ngày 28/10/2020 (BL 174-175) bà Dương Thị L và chị Hà Thị N cùng xác định các thửa đất 144, 161, 184, 210, 185 đều thuộc tờ bản đồ số 9, có tổng diện tích 1602,2m2 là của ông T6, bà H5, bà và chị N không có công sức đóng góp gì vào khối tài sản này, và cũng như không yêu cầu quyền lợi gì đối với khối tài sản này.

[2.9.] Như vậy có thể khẳng định: Năm 1983, ông T6 và bà Liên kết h với nhau và có một con chung là Hà Thị N (bà L không nộp được đăng ký kết hôn, nhưng có đơn kê khai xin đăng ký kết hôn và được chính quyền địa phương xác nhận -BL140), nên được công nhận là hôn nhân thực tế về con chung và tài sản chung được giải quyết theo các quy định của Luật hôn nhân gia đình.

Theo Luật hôn nhân gia đình năm 1986 quy định tại các điều: “Điều 14: Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ hoặc chồng tạo ra…và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân…; Điều 16: Đối với tài sản mà vợ hoặc chồng có trước khi kết hôn, tài sản được thừa kế riêng hoặc được cho riêng trong thời kỳ hôn nhân thì người có tài sản đó có quyền nhập hoặc không nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng”.

Theo Luật hôn nhân gia đình năm 2000 quy định: “Điều 32. Tài sản riêng của vợ, chồng: 1. Vợ, chồng có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn…2. Vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung; Điều 33. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng: 1. Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này”.

Mặc dù, trước khi kết hôn với bà L, năm 1979 ông T6 đã khai hoang được một diện tích đất (chưa được kê khai đăng ký QSH), nhưng năm 1999 ông T6 đã đồng ý và cùng bà L xây nhà trên phần đất (là thửa 450) để ông và bà L cùng chung sống, nguồn tiền để xây nhà do bà L bán căn nhà riêng của mình mà có, ông T6 và bà L đã cùng con chung sinh sống tại căn nhà này đến khi ông T6 chết vào năm 2003. Như vậy, ông T6 đã thể hiện ý chí và quyền tự định đoạt khối tài sản riêng của mình bằng việc tự nguyện sáp nhập khối tài riêng thành khối sản chung của vợ chồng ông và bà L. Ngoài ra quyền tự định đoạt của ông T6 còn được thể hiện bằng việc ông đã tách đất khai hoàng thành 2 thửa và có ý nguyện chia cho hai con T, N được cụ thể hóa trong sổ dã ngoại và bản đồ địa chính năm 2000 của xã H (thửa 449 ghi tên chủ sử dụng đất là ông T6, có chữ ký của ông T6 và thửa 450 ghi tên chủ sử dụng đất là bà L, có chữ ký của bà L) (tại BL81-82, 242-243, 290-291) và Tại văn bản xác nhận nguồn gốc đất được lãnh đạo Nông trường chè Sông C xác nhận vào tháng 01 năm 2002 (BL 20).

Tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định: thửa đất 449 và 450 đều thuộc tờ bản đồ số 5, vị trí đất thuộc xóm V xã H, huyện Đ, tỉnh Thái Nguyên là tài sản chung của vợ chồng ông T6, bà L mà không phải là tài sản chung của ông T6 và bà H5 là có căn cứ, đúng pháp luật.

[2.10.] Tại phiên tòa phúc thẩm anh Hà Đình T cho rằng: Bố mẹ anh không ly hôn mà chỉ chia nhà ra để sống; thửa đất 449 và 450 là của bố mẹ anh vì anh được sinh ra lớn lên tại căn nhà xây trên thửa đất này; ông T6 và bà L chỉ về ở với nhau chứ không có đăng ký kết hôn; năm 2000 bà L đã lừa ông T6 để tự ý đi tách đất của ông T6 bà H5 thành hai thửa đất 449 và 450 là có âm mưu cướp đất…Còn anh Hà Đình T3 cũng có ý kiến giống như anh T và cho rằng thửa 449, 450 là đất do ông T6 bà H5 đã khai phá từ năm 1967, anh T chỉ là người quản lý đất không được quyền định đoạt, việc anh T bà L chị N cùng nhau lập di chúc năm 2002 là không được phép. Nhưng ngoài lời khai thì anh T3, anh T không cung cấp được cho Tòa án căn cứ để chứng minh thửa đất 449, 450 tài sản chung của ông T6 bà H5 khai hoang và sống trên đất này từ năm 1967 cho đến nay.

[2.11.] Đối với nội dung kháng cáo về việc đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm 03/2023/DS-ST ngày 20/4/2023 của Tòa án huyện Đồng Hỷ theo hướng không chấp nhận đơn khởi kiện của bà Dương Thị L và chị Hà Thị N và đình chỉ giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện.., thấy rằng:

[2.11.1] Tại đơn khởi kiện ngày 07/5/2019, bà Dương Thị L và chị Hà Thị N đề nghị Tòa án “Công nhận quyền sử dụng đất cho bà và chị N với diện tích 2101m2 đất, tại thửa 450 tờ bản đồ số 5, loại đất ONT mà mẹ con bà được hưởng, được thể hiện trong di chúc của ông Hà Đình T6 để lại để có cơ sở xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. (BL 01-03).

[2.11.2.] Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm bà L, chị N đều có ý kiến “Nếu di chúc của ông Hà Đình T6 không hợp pháp, thì bà vẫn đề nghi chia di sản thừa kế của ông T6 là tài sản chung của bà và ông T6 theo quy định của pháp luật và công nhận quyền sử dụng đất thửa 450 tờ bản đồ số 5 diện tích 2101m2 cho bà và chị N để có cơ sở xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì đấy là tài sản chung của vợ chồng bà ”.

[2.11.3.] Tại phiên tòa phúc thẩm bà L và chị N cũng xác định yêu cầu khởi kiện của mình là chia di sản thừa kế là tài sản chung của bà và ông T6 theo quy định của pháp luật và đề nghị công nhận quyền sử dụng đất thửa 450 diện tích 2101m2 đất là của bà, để cho hai mẹ con có căn cứ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

[2.11.4.] Bản án sơ thẩm nhận định Bản di chúc lập ngày 06/9/2002 của ông Hà Đình T6 là không hợp pháp theo quy định của pháp luật tại các Điều 634, 637, 641, 650, 651, 652, 655, 661 của Bộ luật dân sự năm 1995 và đánh giá Mặc dù bản di chúc này không được pháp luật công nhận, nhưng vẫn thể ý chí về quyền định đoạt tài sản của ông T6, điều này được các đồng thừa kế của ông T6 thừa nhận trong đó anh T cũng là người ký tên vào bản di chúc) và cũng phù hợp với ý chí, nguyện vọng của ông T6 được thể hiện trong văn bản đề nghị xác định nguồn gốc đất số 07 ngày 15.01.2002 của giám đốc công ty C xác định diện tích đất là của ông T6, xin được chia cho con trai là T và con chung với bà L là chị N. Nhận định này là có cơ sở.

[2.11.5.] Thửa đất 449 và 450 đến nay đều chưa được cấp QSD đất, người nộp thuế đất thể hiện tại các tài liệu có trong hồ sơ là bà L. Căn nhà của bà L được xây dựng trên thửa 450 từ năm 1999, các đồng thừa kế theo pháp luật của ông T6 trong đó có anh T) đều biết và nhất trí, không ai có ý kiến phản đối. Nguyện vọng của ông T6 khi còn sống là giao cho bà L sở hữu thửa đất số 450 và được phần đông hàng thừa kế thứ nhất của ông T6 thừa nhận. Trên thực tế đã được thể hiện trong bản đồ địa chính của xã H từ năm 2000 (tại các bút lục 81- 82, 242-243, 290-291, 20 đã được phân tích ở trên). Năm 2013, bà L cũng tiến hành kê khai xin cấp giấy CNQSD đất đối với thửa đất số 450.

[2.11.6.] Trong suốt quá trình giải quyết vụ án bà L và chị N đều từ chối nhận kỷ phần được hưởng đối với các di sản thừa kế của ông Hà Đình T6 để lại và cũng đồng ý nhất trí giao thửa đất số 449 tờ bản đồ số 5 cho anh Hà Đình T như theo nguyện vọng của ông T6. Còn đối với anh Hà Đình T, xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án anh T không có yêu cầu phản tố, không yêu cầu được công nhận QSH đối với thửa đất 449 tờ bản đồ số 5 xã H, huyện Đ, cũng không đề nghị chia di sản thừa kế của ông T6 để lại. Các đồng thừa kế theo pháp luật của ông Hà Đình T6 cũng không có ai có yêu cầu độc lập, yêu cầu chia di sản thừa kế của ông Hà Đình T6 để lại. Do vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xem xét giải quyết đối với thửa đất số 450 là có căn cứ. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm đã có thiếu sót khi không xem xét giải quyết đến di sản thừa kế khác của ông T6, không giành cho họ quyền khởi kiện chia di sản thừa kế bằng vụ kiện dân sự khác. Những thiếu sót này của cấp sơ thẩm chưa dẫn đến làm mất quyền lợi của các đồng thừa kế theo pháp luật của ông Hà Đình T6. Hội đồng xét xử phúc thẩm đưa nội dung này vào trong bản án, những người thừa kế theo pháp luật của ông Hà Đình T6 được quyền khởi kiện chia di sản thừa kế của ông Hà Đình T6 bằng vụ kiện dân sự khác khi có đơn yêu cầu theo quy định của pháp luật. [2.12.] Từ những phân tích trên thấy, việc Hội đồng xét xử sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Dương Thị L và chia di sản thừa kế là các thửa đất là tài sản chung của ông Hà Đình T6, bà Dương Thị L và giao cho bà L được quyền quản lý, sử dụng thửa đất số 450 tờ bản đồ số 5 xã (nay là thị trấn ), huyện Đ tài sản chung giữa bà L và ông T6 là có căn cứ, đảm bảo được quyền lợi của các đương sự và không trái pháp luật.

[2.13.] Quan điểm, đề nghị của người kháng cáo anh T, anh T3 và người bảo vệ quyền và lợi ích của anh T cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện của đương sự, đề nghị không chấp nhận yêu cầu khởi kiện, trả lại đơn khởi kiện và đình chỉ giải quyết vụ án là không có căn cứ chấp nhận.

[2.14.] Về việc giao cho bà L được quyền sở hữu, sử dụng thửa đất 450 tờ bản đồ số 5 xã H, huyện Đ diện tích sau khi đã trừ đường đi vào thửa 449 là 1948m2, lớn hơn diện tích tại thửa đất 449 tờ bản đồ số 5 xã H là 113,3m2. Thấy rằng, từ năm 1999 ông T6 đã thực hiện quyền định đoạt của mình bằng việc giao cho bà L thửa đất số 450, thể hiện ở chỗ: đồng ý cho bà L xây nhà trên đất để cùng ở chung đến khi ông chết; đăng ký kê khai tách đất và tên chủ sử dụng của từng thửa đất tại sổ dã ngoại, được nhà nước công nhận thể hiện trên bản đồ địa chính năm 2000 chỉnh lý năm 2013; văn bản đề nghị được Lãnh đạo nông trường ch Sông C xác nhận tháng 01 năm 2002.

[3.] Từ những phân tích trên thấy kháng cáo của anh Hà Đình T và anh Hà Đình T3 về việc Tòa án cấp sơ thẩm đánh giá chứng cứ không khách quan, toàn diện, chưa đầy đủ và chính xác về xác định nguồn gốc đất là di sản thừa kế, định đoạt tài sản không đúng Luật đất đai năm 1993 và luật hôn nhân; chưa làm rõ việc kê khai tách đất của ông T6, bà H5 thành hai thửa 449 và 450; chia di sản thừa kế là vượt quá yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn... là không có căn cứ để chấp nhận.

[4.] Bản án dân sự sơ thẩm số 03/2023/DS-ST ngày 20/4/2023 của Tòa án nhân dân huyện Đồng Hỷ đã buộc anh Hà Đình T phải thu hoạch toàn bộ cây trồng trên diện tích đất mà bà L được hưởng, để trả lại đất cho bà L. Tuy nhiên không ấn định thời gian thu hoạch là thiếu sót, sẽ gây khó khăn trong việc thi hành án, nên cần phải sửa lại nội dung này, cần ấn định thời gian thu hoạch mới đảm bảo được quyền lợi của các đương sự. Ngoài ra, do phần quyết định của bản án tuyên chưa được rõ ràng, nên Hội đồng xét xử sửa lại cho đúng.

[5] Về án phí và chi phí tố tụng:

[5.1.] Án phí sơ thẩm: Do yêu cầu khởi kiện của bà L, chị N được chấp nhận, nên không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Bà L, chị N được nhận lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0016352 ngày 13 tháng 6 năm 2019 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên + Bà L phải chịu án phí dân sự có giá nghạch đối với phần tài sản được nhận. Do bà L là người cao tuổi, nên miễn án phí cho bà L theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016 ngày 30/12/2016.

+ Ông Hà Đình T không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm .

[5.2.] Án phí phúc thẩm: Tuy kháng cáo của ông Hà Đình T, Hà Đình T3 không được chấp nhận, nhưng Hội đồng phúc thẩm có sửa lại phần quyết định của bản án sơ thẩm, nên anh T và anh T3 không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, được nhận số tiền tạm ứng phúc thẩm đã nộp.

[5.3.] Về chi phí tố tụng: Bà Dương Thị L tự nguyện chịu 13.500.000đ (Mười ba triệu, năm trăm nghìn đồng) tiền thẩm định, đo đạc, định giá tài sản. Bà L đã nộp xong.

[6.] Quan điểm và ý kiến tranh luận của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của anh Hà Đình T tại phiên tòa là không có căn cứ, nên không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Quan điểm về việc giải quyết vụ án của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên là có căn cứ, đảm bảo quy định của pháp luật được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308, khoản 1 Điều 148 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Không chấp nhận kháng cáo của anh Hà Đình T và anh Hà Đình T3. Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 03/2023/DS-ST ngày 20/4/2023 của Tòa án nhân dân huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Cụ thể:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Dương Thị L và chị Hà Thị N.

2. Chia di sản thừa kế là tài sản chung của vợ chồng bà Dương Thị L và ông Hà Đình T6.

3. Bà L có quyền sở hữu, sử dụng diện tích đất là 1948m2 (theo sơ đồ là các điểm 1, 2, 4, 5, 6, 7, 27, 28, 29, 33, 34, 15, 1) tại thửa đất số 450, tờ bản đồ số 5, thuộc xóm V, xã (nay là thị trấn ), huyện Đ, tỉnh Thái Nguyên có bản trích đo hiện trạng sử dụng đất k m theo).

4. Anh Hà Đình T phải thu hoạch toàn bộ cây trồng trên diện tích đất mà bà L được hưởng, để trả lại đất cho bà L. Thời gian thu hoạch ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

5. Về án phí dân sự và chi phí tố tụng:

- Án phí sơ thẩm: Bà Dương Thị L, chị Hà Thị N không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Bà L, chị N được nhận lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 2.500.000đ, theo biên lai thu số 0016352 ngày 13 tháng 6 năm 2019 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên + Miễn án phí dân sự có giá nghạch đối với phần tài sản được nhận cho bà L do là người cao tuổi.

+ Anh Hà Đình T không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm .

- Án phí phúc thẩm: Anh Hà Đình T và Hà Đình T3 không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Anh T và anh T3 được nhận lại 300.000đ tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp, theo biên lai thu tiền số 0003771 ngày 17/5/2023 và số 0003774 ngày 23/5/2023 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

- Về chi phí tố tụng: Bà Dương Thị L chịu 13.500.000đ (Mười ba triệu, năm trăm nghìn đồng) tiền thẩm định, đo đạc, định giá tài sản, đã nộp xong.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định các Điều 6,7,9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

112
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp thừa kế số 63/2023/DS-PT

Số hiệu:63/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thái Nguyên
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 22/09/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về