Bản án về tranh chấp thừa kế số 601/2021/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ H

BẢN ÁN 601/2021/DS-PT NGÀY 17/11/2021 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ

Ngày 17 tháng 11 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố H xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 48/2021/TLPT-DS ngày 27 tháng 01 năm 2021 về việc “tranh chấp thừa kế”. Do Bản án dân sự sơ thẩm số 462/2020/DS-ST ngày 10 tháng 12 năm 2020 của Tòa án nhân dân quận T nay là thành phố T, Thành phố H bị kháng cáo và kháng nghị.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 3516/2021/QĐ-PT ngày 08 tháng 10 năm 2021 và Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số 8141/2021/QĐ-PT ngày 25 tháng 10 năm 2021, giữa các đương sự;

1. Nguyên đơn: Bà Đặng Thị V, sinh năm 1967 (có mặt).

Địa chỉ: Số 434/46/17B đường BQ, Phường HT, quận BT, Thành phố H.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị M - Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư Trần Văn Vvà Cộng sự, Đoàn Luật sư Thành phố H (có mặt).

Địa chỉ: Số 9, đường HĐH, Phường MB, quận BT, Thành phố H.

2. Bị đơn: Ông Đặng Văn H, sinh năm 1965.

Địa chỉ: Số 13/33/13, đường B, khu phố B, phường LX, quận T nay là thành phố T, Thành phố H.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Đức D, sinh năm 1968 (theo giấy ủy quyền công chứng số 007034 quyển số 05/2021 TP/CC- SCC/HĐGC do Văn phòng Công chứng lập ngày 27/5/2021) (có mặt).

Địa chỉ: Số 14, đường HTK, phường HP, thành phố T, Thành phố H.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Trịnh Bá Th– Luật sư Văn phòng Luật sư TL– Đoàn luật sư Thành phố H (có mặt).

Địa chỉ: Số 14 đường HTK, phường HP, thành phố T, Thành phố H

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1/ Bà Đặng Thị L, sinh năm 1970 (có mặt).

Địa chỉ: Số 21/5, ấp BL, xã LN, huyện ĐQ, tỉnh ĐN.

Địa chỉ liên lạc: Số 9, đường HĐH, Phường MB, quận BT, Thành phố H.

3.2/ Bà Đặng Thị L1, sinh năm 1977 (có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

Địa chỉ: Số 13/33/9, đường số B, khu phố B, phường LX, quận T nay là thành phố T, Thành phố H.

Địa chỉ liên lạc: Số 39/59/8, đường số M, phường phường LX, thành phố T, Thành phố H.

3.3/ Bà Huỳnh Thị Hồng H, sinh năm 1968.

3.4/ Chị Đặng Thị Thu H1, sinh năm 1995 (vắng mặt).

3.5/ Anh Đặng Hoàng T, sinh năm 1998 (vắng mặt).

3.6/ Chị Đặng Thị Thu T, sinh năm 2002 (vắng mặt).

3.7/ Chị Đặng Thị Thu Th, sinh năm 2004 (vắng mặt).

3.8/ Trẻ Lê Hoàng Tuấn A, sinh năm 2016.

Người đại diện hợp pháp của trẻ Lê Hoàng Tuấn A: Bà Đặng Thị Thu H (là mẹ ruột).

Cùng địa chỉ: Số 13/33/13, đường số B, khu phố B, phường LX, quận T nay là thành phố T, Thành phố H.

Người đại diện hợp pháp của bà Huỳnh Thị Hồng H: Ông Nguyễn Đức D, sinh năm 1968 (theo giấy ủy quyền công chứng số 007034 quyển số 05/2021 TP/CC-SCC/HĐGC do Văn phòng Công chứng lập ngày 27/5/2021) (có mặt).

Địa chỉ: Số 14, đường HTK, phường HP, thành phố T, Thành phố H.

3.9/ Ủy ban nhân dân quận T nay là thành phố T, Thành phố H.

Người đại diện hợp pháp của Ủy ban nhân dân quận T nay là thành phố T: Bà Đoàn Thị Thu N- Chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường quận T nay là thành phố T (Giấy ủy quyền số 5439/GUQ-UBND ngày 11/11/2020) (có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

Địa chỉ: Số 168, đường TVB, phường TML, Quận Hnay là thành phố T, Thành phố H.

4. Người làm chứng:

4.1/ Ông Đặng Minh H, sinh năm 1968 (vắng mặt).

Địa chỉ: Số 13/33/1 đường B, khu phố B, phường LX, thành phố T, Thành phố H.

4.2/ Ông Mai Ngọc D, sinh năm 1940 (vắng mặt) Địa chỉ: Số 3 đường B, khu phố B, phường LX, thành phố T, Thành phố H.

Người kháng cáo: Nguyên đơn bà Đặng Thị V và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Đặng Thị L, bà Đặng Thị L.

Và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H.

NỘI DUNG VỤ ÁN

[1] Theo nội dung đơn khởi kiện, các đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu ngày 08/7/2015, ngày 07/8//2015, ngày 31/3/2017 và lời khai của nguyên đơn bà Đặng Thị V thể hiện:

Trước năm 1975, gia đình bà V sinh sống tại nhà 22/6 ấp XH 2, LX, nay là nhà số 13/33/13 đường số B, khu phố B, phường LX, quận T, Thành phố H, gồm có:

Cha Đặng Văn N, sinh năm 1936, chết ngày 19/10/2009, Mẹ Hà Thị K, sinh năm 1939, chết năm 1972, Mẹ kế Nguyễn Thị M, sinh năm 1941, chung sống với ông N từ năm 1976, có 01 con chung là Đặng Thị L1, đến năm 1983 bà M bỏ nhà đi không rõ lý do. Bà M chết năm 2000. Bà M và ông N không có tài sản chung.

Ông N và bà K có 05 người con:

1. Đặng Thị V, sinh năm 1960, chết tại nhà năm 1983, 2. Đặng Văn N1, sinh năm 1964, bỏ nhà đi biệt tích năm 1991, được Tòa án nhân dân quận T tuyên đã chết ngày 01/01/1992, 3. Đặng Văn H, sinh năm 1965, 4. Đặng Thị V, sinh năm 1967, 5. Đặng Thị L, sinh năm 1970, Ngoài ra ông N và bà M có 01 con gái là Đặng Thị L1, sinh năm 1977.

Khi còn sống, ông N có tài sản là các căn nhà ở và quyền sử dụng đất tại địa chỉ 22/6 ấp XH 2, LX, nay là nhà số 13/33/13 đường số B, khu phố B, phường LX, quận T, Thành phố H. Tài sản có nguồn gốc là của ông nội để lại cho cha bà là Đặng Văn N, đã được cấp Giấy chứng nhận số R970320 do Ủy ban nhân dân quận T cấp ngày 21/5/2001, diện tích 1.462,7m2 thuộc thửa 107 và 115, tờ bản đồ số 71 (bản đồ địa chính năm 2004) và thửa 335, tờ bản đồ số 2 (tài liệu 02/CT). Hiện nay ông H đang cất giữ giấy chứng nhận và các giấy tờ liên quan đến tài sản.

Năm 2009, ông N chết, nhà và đất do ông H quản lý, trông coi di sản, các chị em trong gia đình nhiều lần yêu cầu ông H thực hiện việc phân chia di sản nhưng ông H không thực hiện. Ông N và bà K chết đều không để lại di chúc. Khi còn sống, ông N không biết đọc và không biết chữ Quốc ngữ là tiếng Việt. Vì vậy, bà V yêu cầu Tòa án:

1. Xác định 04 người con của ông N gồm: Ông Đặng Văn H, bà Đặng Thị V, bà Đặng Thị L, bà Đặng Thị L1 là người thừa kế hợp pháp thuộc hàng thừa kế thứ nhất;

2. Yêu cầu Tòa xem xét hủy Giấy chứng nhận số BC 473032 do Ủy ban nhân dân quận T cấp ngày 30/7/2010.

3. Tuyên buộc ông H tháo dỡ phần diện tích nhà tự cơi nới gồm 10m2 trên nền nhà cũ và 126,1m2 nhà tạm không phù hợp kiến trúc.

4. Phân chia di sản của ông N, tài sản gồm:

4.1. Quyền sử dụng đất 263m2 của ông Đặng Văn N đứng tên, 4.2. Quyền sở hữu căn nhà và quyền sử dụng đất với diện tích nhà 120m2 và diện tích đất 200m2 tại nhà số 13/33/11A đường số B, khu phố B, phường LX, quận T, Thành phố H, 4.3. Quyền sử dụng đất 1.462,7m2 tại địa chỉ 13/33/13 đường số B, khu phố B, phường LX, quận T, Thành phố H.

Trị giá nhà đất tạm tính 1.800.000 đồng/m2 x (263m2 + 200m2 + 1.462,7m2) = 1.925,7m2 = 3.466.260.000 đồng.

Vì vậy, đề nghị Tòa án xác định quyền thừa kế của bà Đặng Thị V được hưởng là ¼ (1.925,7 m2) = 481m2.

Tại phiên họp ngày 18/11/2020, bà V xác định lại yêu cầu khởi kiện như sau: Yêu cầu Tòa án giải quyết chia thừa kế đối với tài sản là nhà và đất của ông Đặng Văn N để lại tại các thửa sau: Thửa 107-1 diện tích 891,3m2 (bao gồm cả thửa 335, 336 tổng diện tích 263m2 thuộc tờ bản đồ số 2 (theo tài liệu năm 1992), thửa 115-1 diện tích 141,9m2; thửa 640-1 diện tích 197,3m2, tờ bản đồ số 71 (tài liệu năm 2004), phường LX, quận T), tổng cộng là 1.230,5m2; Yêu cầu Tòa án tuyên hủy Giấy chứng nhận số BC 473032 ngày 30/7/2010 cấp cho ông H, bà H. Bà V không yêu cầu Tòa án giải quyết đối với thửa 108-1 diện tích 54,8m2 và suối (a), (b), (c) diện tích 1,6m2 + 2,1m2 + 56,5m2 = 60,2m2.

Bị đơn ông Đặng Văn H có người đại diện hợp pháp trình bày:

Nguồn gốc đất là của cha mẹ ông H là ông Đặng Văn N, bà Hà Thị K, như sau:

Phần đất có giấy chứng nhận gồm 02 thửa: Thửa 336 có 431m2 và thửa 335 có 236m2.

Phần đất nhà thờ gồm 180m2, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Phần đất 4,3m x 14,3m = 61,49m2 hiện tại Đặng Thị L1 đang sử dụng và xây cất nhà ở.

Phần đất 4,2m x 13m = 52,60m2 do Đặng Thị V sử dụng, năm 2008 bị đền bù giải tỏa làm đường, đã được nhận đền bù 120 triệu đồng.

Sử dụng vào tình trạng hiện nay:

Phần đất có giấy chứng nhận 667m2 và đất có nhà thờ 180m2 trước đây ông N tạo lập, sau đó ông H quản lý sử dụng canh tác. Ông H ở cùng và phụng dưỡng bố mẹ còn 03 người con là V, L1, L đã đi lấy chồng ở riêng.

Phần đất có giấy chứng nhận hiện ông H đã làm thủ tục sang tên từ cha mình là ông N theo quy định 431m2 vào năm 2008 và vợ chồng ông H đã được cấp giấy chứng nhận.

Phần 236m2 trước đây là ruộng trũng, sình lầy, ông H đã tôn tạo để cất nhà trọ cho thuê.

Phần đất có nhà thờ và nhà ở của ông H hiện tại có diện tích 180m2 là đất nông nghiệp, ông H trực tiếp quản lý, sử dụng, canh tác, đóng thuế đất.

Phần đất 61,49m2 hiện tại Đặng Thị L1 đang sử dụng.

Phần đất 52,60m2 do Đặng Thị V sử dụng, năm 2008 bị đền bù giải tỏa làm đường, đã được nhận đền bù 120 triệu đồng.

Đề nghị Tòa án bác yêu cầu của nguyên đơn vì ông N đã để lại di chúc với nội dung: Ông Đặng Văn H được hưởng toàn bộ di sản của ông N.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Đặng Thị L, bà Đặng Thị L1 trình bày:

Thống nhất với trình bày của bà V, về quan hệ nhân thân hàng thừa kế và nguồn gốc tài sản do ông N và bà K để lại chưa chia như bà V trình bày là đúng. Nay các bà đều có cùng ý kiến với nguyên đơn đề nghị Tòa chia thừa kế theo pháp luật xác định quyền thừa kế của bà L, bà L1 mỗi người được hưởng là ¼ (1.925,7m2) = 481m2.

Ngoài ra bà L1 khai: Bà là con ruột của ông N và bà M. Bà M sống chung với ông N từ năm 1976 đến năm 1983 thì bỏ đi, bà L1 không biết lý do, bà không biết thông tin gì về bà M do bà M bỏ đi từ khi bà còn rất nhỏ. Bà L1 có lên phường xin nên có giấy chứng tử của bà M, theo giấy chứng tử thì bà M có nơi cư trú cuối cùng ở 20/2 tổ 9, khu phố S, phường LĐ, quận T. Trong giấy khai sinh của bà L1 ghi tên cha là Đặng Văn N do hộ khẩu cũ của ông N ghi tên Nêu, bà đã có yêu cầu cải chính hộ tịch tên cha là Đặng Văn N.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Đặng Hoàng T, bà Đặng Thị Thu T, bà Huỳnh Thị Hồng H đồng thời là người đại diện theo pháp luật của Đặng Thị Thu Th, bà Đặng Thị Thu H1 đồng thời là người đại diện theo pháp luật của Lê Hoàng Tuấn A trình bày:

Thống nhất với ý kiến và lời khai của ông Đặng Văn H, do bận công việc nên bà H, bà H1, anh T, chị T, chị Th xin được vắng mặt tại tất cả các buổi làm việc, hòa giải, xét xử của Tòa án.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ủy ban nhân dân quận T có văn bản trình bày:

Về nguồn gốc nhà đất số 13/33/11A đường số B, khu phố B, phường LX, quận T: Đất do ông Đặng Văn N sử dụng từ trước năm 1975. Năm 2002, ông N cho con là ông Đặng Văn H sử dụng (không có giấy tờ). Cùng năm 2002, ông H xây dựng nhà (không phép) và tiếp tục sử dụng. Năm 2010, Ủy ban nhân dân quận T cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BC 473032 (số vào sổ cấp Giấy chứng nhận CH00344) ngày 30/7/2010 cho ông Đặng Văn H, bà Huỳnh Thị Hồng H, công nhận diện tích đất 200m2, diện tích xây dựng 130,3m2. Căn cứ khoản 6 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003, việc Ủy ban nhân dân quận T cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BC 473032 ngày 30/7/2010 cho ông Đặng Văn H, bà Huỳnh Thị Hồng H là đúng trình tự thủ tục pháp luật quy định.

Người làm chứng ông Đặng Minh H khai:

Ngày 28/7/2008, ông H có chứng kiến việc ông Đặng Văn N có lập tờ di chúc cho con là ông Đặng Văn H đúng như nội dung ông đã xác nhận mặt sau tờ di chúc. Lúc đó ông N còn minh mẫn nói chuyện bình thường và ngồi được. Ông H không biết chữ viết trên tờ di chúc là của ai, ông chỉ làm chứng sự việc ông N có lập di chúc ngày 28/7/2008.

Người làm chứng ông Mai Ngọc D khai:

Ngày 28/7/2008, ông D có chứng kiến việc ông Đặng Văn N có lập tờ di chúc cho con là ông Đặng Văn H và có ký xác nhận ở mặt sau tờ di chúc. Ông N lúc lập di chúc ngày 28/7/2008 thì còn minh mẫn, nói chuyện bình thường, ngồi được. Ông D không biết chữ viết trên nội dung tờ di chúc là của ai. Lúc đó ông D là Trưởng ban điều hành khu phố, ông N nhờ ông D làm chứng lập di chúc thì ông D làm chứng sự việc chứ không rõ ai viết tờ di chúc.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 462/2020/DS-ST ngày 10/12/2020 của Tòa án nhân dân quận T đã quyết định:

1. Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn bà Đặng Thị V về việc yêu cầu chia di sản thừa kế của ông Đặng Văn N tại thửa 107-1 diện tích 891,3m2 (bao gồm cả thửa 335, 336 tổng diện tích 263m2, tờ bản đồ số 2, tài liệu 02/CT- UB, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số R 970320 ngày 21/5/2001 cho ông Đặng Văn N, cập nhật biến động ngày 09/01/2002), thửa 115-1 diện tích 141,9m2; thửa 640-1 diện tích 197,3m2, tờ bản đồ số 71, tài liệu năm 2004, phường LX, quận T, Thành phố H, tổng cộng là 1.230,5m2.

2. Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn bà Đặng Thị V về việc hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BC 473032 vào sổ số CH00344 ngày 30/7/2010 do Ủy ban nhân dân quận T cấp cho ông Đặng Văn H, bà Huỳnh Thị Hồng H.

3. Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn bà Đặng Thị V về việc buộc ông Đặng Văn H phải tháo dỡ phần xây dựng trên phần đất được chia thừa kế cho bà Đặng Thị V, bà Đặng Thị L, bà Đặng Thị L1.

Ngoài ra còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 23/12/2020, bà Đặng Thị V, bà Đặng Thị L và bà Đặng Thị L1 có đơn kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm số 462/2020/DS-ST ngày 10/12/2020 với lý do việc thu thập chứng cứ và chứng minh ở Tòa sơ thẩm không theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, việc đánh giá chứng cứ thiếu khách quan nên đã quyết định không đúng pháp luật, cụ thể: Không làm rõ nghĩa vụ chứng minh của bị đơn về di chúc hợp pháp dẫn đến việc Tòa áp dụng pháp luật không đúng thể hiện khi Tòa nhận định cho rằng;“…ông H xây nhà không phép từ năm 2002, khi ông N còn sống, ông N cũng không có ý kiến gì cho đến khi ông N chết vào năm 2009 và ông H được cấp giấy chứng nhận vào năm 2010”.

Mặt khác, tại di chúc ông N cũng xác định cho toàn bộ tài sản của ông cho ông H.”.

Từ nhận định chủ quan này Tòa cấp sơ thẩm đã không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc hủy giấy chứng nhận do Ủy ban nhân dân quận T cấp cho ông H. Việc này đã gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bà, bởi Tòa chưa làm rõ số tiền xây nhà là của ai, có chứng cứ gì chứng minh tại thời điểm xây nhà năm 2002 ông N cho ông H đất, ngoài lời khai của ông H thì không có chứng cứ nào khác, Tòa căn cứ vào bản di chúc nhưng bản di chúc này hoàn toàn không hợp pháp. Phòng Tài nguyên và Môi trường xác nhận nguồn gốc đất theo lời khai của ông H được ông N tặng cho và căn cứ khoản 6 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 để cho rằng ông H đã sử dụng đất trước ngày 01/7/2004 làm cơ sở cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở cho ông H là vi phạm pháp luật cho tặng, thừa kế quyền sử dụng đất vì không có giấy tờ tặng cho hoặc văn bản khai nhận di sản thừa kế và tại thời điểm năm 2002 Luật Đất đai không cho phép người sử dụng đất cho tặng hoặc để thừa kế quyền sử dụng đất nên di chúc lập ngày 13/8/2003 có nội dung trái pháp luật. Năm 2004 ông H tự đăng ký kê khai mình là chủ sử dụng các lô đất thuộc thửa 115 có diện tích 342,1m2 đất khi lập bản đồ địa chính năm 2004 theo Thông tư số 29/2004/TT-BTNMT ngày 01/11/2004 hướng dẫn lập hồ sơ địa chính trên cả nước. Như vậy, chứng minh ông H đăng ký sử dụng đất sau ngày Thông tư 29/TT có hiệu lực, tức là ông H sử dụng đất sau ngày Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực.

Về tính hợp pháp của di chúc năm 2008, Tòa dẫn chiếu Điều 20 Hiến pháp năm 1980 để cho rằng ông N có quyền sử dụng toàn bộ các thửa đất trên vì là đất do gia tộc ông N để lại, ông N có quyền sử dụng riêng là không đúng. Vì căn cứ Điều 19 Hiến pháp năm 1980 quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân Nhà nước chưa xác lập, công nhận hoặc trao quyền sử dụng đất cho bất cứ tổ chức cá nhân nào, tại điều 73 Luật Đất đai năm 1993 chỉ quy định người có sử dụng đất có quyền góp đất làm ăn chứ chưa có chế định để thừa kế. Chỉ đến khi có Luật Đất đai năm 2003 nhà nước mới thừa nhận quyền của người sử dụng đất trong đó có quyền để thừa kế nhưng phải có giấy chứng nhận (điểm a khoản 1 Điều 106).

Ông N và bà K xác lập quan hệ hôn nhân từ năm 1964 nên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959.

Điều 15 luật này quy định: “Vợ, chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới”, căn cứ vào Điều 16 và Điều 29 luật này thì khi bà K chết đất đai thuộc quyền sử dụng chung của ông N và các con, nên việc ông N lập di chúc định đoạt toàn bộ tài sản là đất đai của vợ chồng ông N và bà K là trái quy định của pháp luật.

Tòa căn cứ vào Điều 146 Luật Đất đai năm 2003 và Điều 66 Nghị định 184/2007/NĐ-CP để xác định ông N thuộc trường hợp được thực hiện quyền để thừa kế đối với đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là trái với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 106 Luật Đất đai năm 2003.

Về hình thức của di chúc không tuân thủ quy định tại các điều 652, 653, 656 Bộ luật Dân sự năm 2005 vì có đủ chứng cứ xác định ông N không biết chữ chính là các nguyên đơn và bị đơn đều là con ruột của ông N thừa nhận việc này, nên di chúc do ông N nhờ người khác viết hộ chỉ được coi là hợp pháp khi được công chứng hoặc chứng thực theo quy định tại khoản 3 Điều 652. Ngày tháng năm lập di chúc xác nhận của người làm chứng không cùng ngày thể hiện ngày lập di chúc 13/8/2003 nhưng cuối trang lại ghi ngày 28/7/2008, người làm chứng không ký vào cuối trang, tại thời điểm ký làm chứng không đủ ít nhất là 02 người làm chứng theo quy định của pháp luật thể hiện chính bị đơn ông H khai trước phiên tòa “người làm chứng ký tên Đặng Ngọc D ký tên vào di chúc tại nhà ông N, còn nhân chứng Đặng Minh H 03 ngày sau mới ký tại trụ sở ban dân phố”. Như vậy, cho thấy thời điểm lập di chúc và ký tên làm chứng ở nhiều thời điểm khác nhau không đúng quy định tại Điều 656. Nội dung xác nhận của người làm chứng không thể hiện việc xác nhận chữ ký hay điểm chỉ của người lập di chúc.

Về nội dung ghi không đúng về quan hệ nhân thân thể hiện bà L1 là con của ông N và bà K trong khi bà L1 là con riêng của ông N với bà M, còn bà L là con chung của ông N với bà K không được ghi vào trong bản di chúc này. Điều đó thể hiện bản di chúc này không phải do ông N viết ra và nội dung đã thể hiện tại thời điểm lập di chúc ông N không minh mẫn, sáng suốt.

Từ những lý do trên nên bà V, bà L và bà L1 kháng cáo yêu cầu Tòa phúc thẩm sửa án sơ thẩm cụ thể xác định:

Di sản của ông N để lại là diện tích đất 1.230,5m2 tại số 13/33/13 đường số B, khu phố B, phường LX, quận T theo bản vẽ hiện trạng do Trung tâm Đo đạc bản đồ thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố H lập ngày 18/12/2017.

Xác định hàng thừa kế của ông N theo pháp luật gồm: Ông Đặng Văn H, bà Đặng Thị V, bà Đặng Thị L, bà Đặng Thị L1.

Yêu cầu Tòa phúc thẩm chia thừa kế cho 04 người nêu trên mỗi người được ¼ di sản của ông N để lại là quyền sử dụng đất nêu trên 1.230,5m2: 4 = 307,6m2, buộc ông H phải tháo dỡ phần diện tích nhà và vật kiến trúc do ông H tự xây dựng trái phép trên phần diện tích đất mà các đồng thừa kế khác được chia.

Yêu cầu Tòa hủy Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất số CH00344 ngày 30/7/2010 của căn nhà số 13/33/11A do ông H và bà H đứng tên chủ sở hữu.

Ngày 08/01/2021, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H có Quyết định kháng nghị số 1294/QĐKNPT-VKS - DS đối với Bản án sơ thẩm số 462/2020/DS-ST ngày 10/12/2020 của Tòa án nhân dân quận T với các lý do:

Về tố tụng: Tòa chưa xác minh làm rõ ai là người ghi hộ di chúc cho ông N để đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền, nghĩa vụ liên quan là vi phạm khoản 4 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự. Tòa sơ thẩm xác định ông Đặng Minh H và ông Mai Ngọc D là nhân chứng của vụ án là chưa đúng. Ông H, ông D phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án vì việc làm chứng của hai ông trong di chúc của ông N đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự trong vụ án.

Về nội dung:Tòa xác định di chúc lập ngày 28/7/2008 thay thế cho di chúc lập ngày 13/8/2003 và di chúc này có hiệu lực pháp luật là không đúng. Căn cứ Điều 659 Bộ luật Dân sự năm 1995 thì di chúc do người khác viết hộ phải có ít nhất hai người làm chứng nhưng trong Bản di chúc ngày 13/8/2003 chỉ có điểm chỉ của ông N không có người làm chứng nên bản di chúc này không có giá trị pháp lý.

Đối với bản di chúc mà Tòa cho rằng lập ngày 28/7/2008 là không chính xác vì phần tiêu đề của di chúc ghi: “Hôm nay ngày 13/8/2003…” chỉ có cuối di chúc mới ghi ngày 28/7/2008. Như vậy, di chúc ngày 28/7/2008 không xác định được ngày lập di chúc nên không có giá trị pháp lý. Việc Tòa sơ thẩm chỉ căn cứ vào lời khai của hai người làm chứng và dấu vân tay để xác định di chúc có hiệu lực là chưa đánh giá khách quan, toàn diện các tình tiết của vụ án để làm rõ tính hợp pháp của di chúc, di chúc được viết chính xác vào thời điểm nào, ai là người viết di chúc, hai người làm chứng có chứng kiến việc điểm chỉ tại thời điểm ngay khi lập di chúc hay không? Về hiện trạng vị trí đất theo nội dung di chúc không có thửa 640 nhưng trong Bản vẽ hiện trạng vị trí ngày 27/11/2019 thì ngoài thửa 107, 111 còn có thửa số 640 về việc này chưa được cấp sơ thẩm làm rõ.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Nguyên đơn không rút đơn khởi kiện, không rút đơn kháng cáo.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn xác định các bản di chúc nêu trên không hợp pháp như đã được phân tích trong nội dung đơn kháng cáo của nguyên đơn và trong đơn kháng cáo của người liên quan là bà L và bà L1 nên vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đề nghị Tòa cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia thừa kế của nguyên đơn.

Bị đơn và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn cho rằng Bản di chúc do ông N lập là hợp pháp vì thỏa mãn theo quy định tại các Điều 652, 653, 654, 655 Bộ luật Dân sự năm 2005 nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bà V, bà L, bà L1 và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H. Đề nghị Tòa giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm nêu trên; Trường hợp Tòa chấp nhận yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật thì phía bị đơn yêu cầu tòa phải xem xét tính công sức quản lý, gìn giữ tôn tạo khối tài sản là di sản nêu trên và công sức phụng dưỡng ông N cho bị đơn và cho người liên quan là bà H vợ ông H.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Đặng Thị L, bà Đặng Thị L1 giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của chủ tọa, thư ký, Hội đồng xét xử, việc chấp hành pháp luật của các đương sự và về nội dung như sau:

+ Về tố tụng: Trong giai đoạn phúc thẩm, Thẩm phán, thư ký và Hội đồng xét xử đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Các bên đương sự đã thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

+ Về nội dung:

Phía Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quyết định kháng nghị nêu trên và cho rằng 02 bản di chúc nêu trên có nhiều sự mâu thuẫn về thời gian lập di chúc chưa có bằng chứng xác định chính xác ông N lập di chúc kết thúc chính xác vào thời điểm nào và ông H, ông D có thực sự là người chứng kiến việc ông N lập di chúc hay không, vì chính ông H và ông D đều khai không biết chữ viết trong bản di chúc là của ai, điều đó đã chứng minh tại thời điểm người viết di chúc hộ ông N là người khác và ông H, ông D không chứng kiến việc ông N đọc cho người khác viết di chúc hộ mình.Và có việc ông H vay tiền của Ngân hàng hay không, nếu có thì đã trả hay chưa, nếu chưa thì phải đưa Ngân hàng vào tham gia tố tụng, về việc này chưa được cấp sơ thẩm làm rõ nên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án dân sự sơ thẩm nêu trên;

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về tố tụng:

[1.1]. Về thời hạn kháng cáo của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H đều còn trong thời hạn luật định.

[1.2]. Tại phiên tòa phúc thẩm phía nguyên đơn, đại diện bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà L và các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn và bị đơn có mặt, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà L1 có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt, còn những người liên quan khác vắng mặt nhưng đều đã được tòa án triệu tập hợp lệ, nên căn cứ vào Điều 227, Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.

[2]. Về nội dung:

[2.1] Xét nội dung kháng cáo của bà V, bà L1 và bà L:

Tại mục [2] trong phần nhận định của Bản án sơ thẩm đã xác định hàng thừa kế hợp pháp của ông N là bà Đặng Thị V, ông Đặng Văn H, bà Đặng Thị L, bà Đặng Thị L và xác định toàn bộ phần đất tranh chấp thừa kế là di sản của ông Đặng Văn N có nguồn gốc ông N được thừa kế từ cha là ông Đặng Văn V. Thấy, nhận định này của cấp sơ thẩm là chính xác có căn cứ, nhưng chưa làm rõ nhà đất nêu trên ông N được thừa kế từ thời điểm nào, trước hay sau thời điểm bà K vợ ông chết để xác định đất này thuộc quyền sử dụng riêng của ông N hay là tài sản chung của ông N và bà K trong thời kỳ hôn nhân, từ đó có cơ sở xác định ông N có được toàn quyền định đoạt toàn bộ khối tài sản và xác định di chúc có hợp pháp hay không? Khi đánh giải quyết vụ án, cấp sơ thẩm chỉ chủ yếu căn cứ vào 02 Bản di chúc để đánh giá mà không thu thập các chứng cứ khác dẫn đến việc đánh giá thu thập chứng cứ không khách quan toàn diện tất cả các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì nguyên đơn yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật không thừa nhận bản di chúc do bị đơn cung cấp là di chúc hợp pháp. Trong trường hợp này, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn thì ngoài việc đánh giá tính hợp pháp của bản di chúc nêu trên, Tòa án vẫn phải tiến hành thu thập các chứng cứ khác nếu trong truờng hợp yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận chia thừa kế theo pháp luật; thể hiện trong quá trình giải quyết hòa giải nguyên đơn yêu cầu chia thừa kế bằng hiện vật, cụ thể là yêu cầu được hưởng ¼ trên phần đất có diện tích 1.230,5m2, Tòa cấp sơ thẩm đã cho cơ quan tiến hành đo vẽ toàn bộ hiện trạng vị trí phần đất tranh chấp nhưng lại không làm rõ phần diện tích mà nguyên đơn yêu cầu chia thừa kế thuộc vị trí nào và có ảnh gì đến công trình trên đất hay không, nếu chấp nhận chia đất thì phải mở lối đi chung cho các bên với diện tích bao nhiêu là phù hợp, về nội dung này trong các biên bản hòa giải và công khai chứng cứ Tòa cấp sơ thẩm mới chỉ ghi nhận ý kiến của nguyên đơn mà không thấy có nội dung nào thể hiện tòa phân tích hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc này, trong trường hợp không thỏa thuận được thì cũng không thấy có văn bản nào thể hiện việc Tòa yêu cầu cơ quan chuyên môn có thẩm quyền xác định về diện tích tối thiểu mở lối đi chung cụ thể như thế nào, nếu chỉ căn cứ vào bản vẽ hiện trạng vị trí xác định ranh do Trung tâm Đo đạc bản đồ lập ngày 27/11/2019 thì không đảm bảo tính khả thi trong quá trình thi hành án.

Tòa cấp sơ thẩm chưa làm rõ xác định có hay không việc ông N cho ông H đất năm 2005 và nếu có thì diện tích cụ thể là bao nhiêu? để làm căn cứ xác định di sản thừa kế thực tế còn lại của ông N là bao nhiêu sau khi trừ đi các phần diện tích đất thuộc quyền sử dụng riêng của ông H, bà H, các phần công sức đóng góp, quản lý, xây dựng nhà và các công trình khác trên đất và công sức chăm sóc, phụng dưỡng ông N.

Thấy, mặc dù trong quá trình giải quyết vụ án do phía bị đơn ông H cho rằng Bản di chúc là hợp pháp và ông H là người được thừa kế toàn bộ di sản do ông N để lại nên không đồng ý chia thừa kế, mặc dù Tòa có lập biên bản giải thích pháp lý cho ông H, bà H (Bụt lục số 399) phải có đơn yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập nhưng họ vẫn không có đơn yêu cầu. Trong trường hợp này cần phải xác định mặc dù ông H, bà H không có yêu cầu xem xét về công sức đóng góp trong việc việc quản lý tôn tạo di sản thừa kế nhưng Tòa vẫn phải xem xét về công sức đóng góp của họ vì yêu cầu không chia thừa kế đối với di sản thừa kế lớn hơn yêu cầu xem xét về công sức nhưng Tòa cấp sơ thẩm lại chưa thu thập chứng cứ về phần này thể hiện trong Biên bản định giá ngày 29/5/2020 (Bút lục số 340, 341) chỉ thể hiện định giá giá trị quyền sử dụng đất mà không định giá giá trị xây dựng và tài sản trên đất là vi phạm trong việc thu thập chứng cứ, dẫn đến việc nếu trong trường hợp chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia thừa kế theo pháp luật mà không xem xét công sức cho ông H, bà H là chưa giải quyết triệt để yêu cầu của đương sự (theo Án lệ số 05/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thông qua ngày 06/4/2016).

Khi đánh giá tính hợp pháp của các bản di chúc Tòa cấp sơ chỉ căn cứ vào Kết luận giám định dấu vân tay (BL 412) và căn cứ vào bản di chúc có 02 người làm chứng và đưa ra nhận định cho rằng “việc ông N không biết chữ chỉ là suy đoán mà không có căn cứ;”. Trong khi tất cả những người thừa kế hợp pháp là con ruột của ông N trong đó có ông H là bị đơn đều thừa nhận ông N là người không biết chữ Quốc ngữ. Việc Tòa sơ thẩm nhận như trên nhưng lại không đưa ra được chứng cứ gì chứng minh ông N là người biết chữ. Trong trường hợp này lẽ ra Tòa cấp sơ thẩm phải căn cứ điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự để xác định ông N là người không biết chữ. Tòa cấp sơ thẩm không triệu tập người viết hộ bản di chúc của ông N vào tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng để làm rõ thời điểm ông N lập di chúc và kết thúc việc lập di chúc cũng như ông H và ông D có thực sự là người chứng kiến việc ông N lập bản di chúc ngày 28/7/2008 hay không.

Mặt khác, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải đánh giá tính hợp pháp của bản di chúc năm 2008 chưa được Tòa cấp sơ thẩm xem xét đánh giá. Đó là Bản di chúc được lập chính xác vào thời điểm nào, Bản di chúc được lập thành 04 bản hay chỉ có 01 bản duy nhất, tại sao Bản di chúc ông H nộp ngày 28/02/2019 chỉ thể hiện năm 2008 mà không ghi ngày tháng nào (Bút lục số 285), còn bản di chúc ông H nộp để giám định lại thể hiện ngày 28/7/2008 (Bút lục số 304) đã cho thấy bản chính bản di chúc này không được lập vào ngày 27/8/2008. Ngoài ra, ông H và ông H còn xác nhận 03 ngày sau ông H mới xác nhận vào bản di chúc nhưng ông H vẫn ghi là ngày 28/7/2008 là không đúng với quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 653 Bộ luật Dân sự năm 2005“Di chúc phải ghi rõ: ngày, tháng, năm lập di chúc”.

Thấy, Tòa cấp sơ thẩm nhận định: “việc phần đầu di chúc ghi ngày 13/8/2003 nhưng phần cuối ghi ngày 28/7/2008 không làm mất đi tính hiệu lực của di chúc, bởi lẽ người làm chứng trên phần ghi của mình cũng đã xác nhận ghi ngày 28/7/2008 vào ngày lập di chúc, nên ngày lập di chúc được xác định là ngày 28/7/2008. Đây là sự suy đoán chủ quan không có căn cứ.

Nhận thấy, Tòa cấp sơ thẩm không xem xét đánh giá khách quan nội dung của di chúc để xác định tại thời điểm ông N lập di chúc có còn minh mẫn sáng suốt hay không hay việc người viết di chúc hộ ông N có đọc lại bản di chúc cho ông N nghe và xác nhận đúng nội dung mà di chúc là đúng di nguyện của ông N hay không, bằng chứng là trong phần xác nhận quan hệ nhân thân ông N có hai người vợ nhưng trong bản di chúc chỉ thể hiện có 01 một người là bà Hà Thị K, về con chung có tất cả 06 người con với 02 người vợ nhưng chỉ xác định có 04 người con, trong khi bà L1 là con chung của ông N với bà M thì lại xác nhận bà L1 là con chung của ông N với bà K, còn bà L là con chung của bà K và ông N thì không được thể hiện trong bản di chúc này, như vậy đã chứng minh tại thời điểm ông N lập di chúc chưa thỏa mãn quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 3 Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2005.

Từ những căn cứ phân tích viện dẫn nêu trên, có đủ cơ sở để xác định bản di chúc ngày 28/7/2008 mà Tòa án cấp sơ thẩm nhận định là hợp pháp để từ đó không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có căn cứ.

Tại phiên tòa phía đại diện bị đơn có đưa ra yêu cầu đề nghị Tòa trong trường hợp chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn sửa án sơ thẩm theo hướng chia thừa kế theo pháp luật thì đề nghị Tòa xem xét tính công sức quản lý tôn tạo xây dựng nhà và các công trình tài sản trên đất và công sức phụng dưỡng ông N cho bị đơn ông H và người liên quan là bà H vợ của ông H.

Xét thấy, đây là tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa. Tại cấp sơ thẩm phía ông H, bà H không yêu cầu vì vậy cấp phúc thẩm không thể xem xét yêu cầu này của đại diện bị đơn vì không đảm bảo hai cấp xét xử.

[2.1]. Xét nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát:

Thấy, trong quá trình giải quyết vụ án tất cả các con của ông N đồng thời là nguyên đơn và bị đơn trong vụ án này đều xác định ông N không biết chữ, chính ông H là người đang giữ các bản di chúc nêu trên cũng xác nhận việc này và tại phiên tòa sơ thẩm ông H trình bày chữ viết trong cả hai bản di chúc nêu trên đều do ông Mười Tr viết. Thấy, việc Viện kiểm sát kháng nghị yêu cầu phải đưa người viết hộ bản di chúc vào tham gia tố tụng trong vụ án này để làm rõ lý do cụ Nên nhờ người khác viết hộ là có căn cứ chấp nhận. Trong trường hợp này thì ông Mười Tr sẽ tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng.

Xét, việc kháng nghị đưa ông D và ông H vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mới đúng. Thấy căn cứ Điều 77 Bộ luật Tố tụng quy định Người làm chứng: “Là người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ án được đương sự đề nghị, Tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng.” Căn cứ vào Điều 78 quy định về quyền và nghĩa vụ của người làm chứng: Phải khai báo đầy đủ toàn bộ thông tin, tài liệu… có liên quan đến vụ án, khai báo trung thực…. Phải bồi thường thiệt hại và chịu trách nhiệm trước pháp luật do khai báo sai sự thật gây thiệt hại cho đương sự.

Căn cứ vào các điều luật này đã quy định rất rõ ràng quyền và nghĩa vụ của người làm chứng, họ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu lời khai của họ không trung thực. Thấy, Tòa cấp sơ thẩm xác định ông H và ông D là người làm chứng là chính xác. Do đó, không chấp nhận lý do kháng nghị của Viện kiểm sát cho rằng phải đưa ông H và ông D vào tham gia tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Về nội dung kháng nghị cho rằng Tòa sơ thẩm chưa làm rõ nguồn gốc thửa đất 640 là không chính xác vì trong phần nhận định của Bản án sơ thẩm đã nêu rất rõ:“Xem xét Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BC 473032 vào sổ số CH00344 cấp ngày 30/7/2020 cho ông H, bà H đối với thửa đất số 640, tờ bản đồ số 71 có diện tích 200m2. Phần ghi chú ghi nhận: “Thửa cũ: mpt 115; Diện tích đất 142,1m2 thuộc hành lang bảo vệ mương và nằm ngoài ranh công nhận, không được công nhận. Như vậy, thửa 640 theo giấy chứng nhận được cấp cho ông H có diện tích 200m2, diện tích đo vẽ lại 197,3m2 chính là một phần của thửa 115 và diện tích 142,1m2 thuộc hành lang bảo vệ mương đo vẽ lại 141,9m2 cũng là một phần thửa 115 được ghi nhận là thửa 115-1.” Xét, ý kiến của Kiểm sát viên đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H tại phiên tòa phúc thẩm đề nghị hủy án sơ thẩm vì cho rằng cấp sơ thẩm còn có những vi phạm tố tụng trong quá trình thu thập và đánh giá chứng cứ như đã nêu trên là có căn cứ.

Xét, việc nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà L1, bà L kháng cáo yêu sửa án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ. Tuy nhiên, như đã nhận định nêu trên cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình thu thập đánh giá chứng cứ mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được, do đó để đảm bảo hai cấp xét xử khi giải quyết việc tranh chấp chia thừa kế theo pháp luật, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét cần phải hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 462/2020/DS-ST ngày 10 tháng 12 năm 2020 của Tòa án nhân dân quận T nay là thành phố T, Thành phố H, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố T, Thành phố H giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

[5] .Về án phí dân sự phúc thẩm: Do hủy án sơ thẩm nên các đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật. Hoàn lại tiền tạm ứng án phí phúc thẩm cho các đương sự theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 38, khoản 3 Điều 148, khoản 3 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Căn cứ Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội qui định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án;

1/ Chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H.

2/ Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn bà Đặng Thị V và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Đặng Thị L, bà Đặng Thị L1.

3/ Hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 462/2020/DS-ST ngày 10 tháng 12 năm 2020 của Tòa án nhân dân quận T nay là thành phố T, Thành phố H. Chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố T, Thành phố H giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

4/ Án phí dân sự phúc thẩm: Bà Đặng Thị V, bà Đặng Thị L, bà Đặng Thị L1 không phải chịu án phí phúc thẩm.

Hoàn lại bà Đặng Thị V 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai thu số AA/2019/0058544 ngày 30/12/2020 do Chi cục Thi hành án dân sự quận T nay là thành phố T lập.

Hoàn lại bà Đặng Thị L1 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai thu số AA/2019/0058546 ngày 30/12/2020 do Chi cục thi hành án dân sự quận T nay là thành phố T lập.

Hoàn lại bà Đặng Thị L 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai thu số AA/2019/0058545 ngày 30/12/2020 do Chi cục thi hành án dân sự quận T nay là thành phố T lập.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

324
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp thừa kế số 601/2021/DS-PT

Số hiệu:601/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 17/11/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về