Bản án về tranh chấp thừa kế số 341/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

 BẢN ÁN 341/2023/DS-PT NGÀY 20/07/2023 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ

 Ngày 20/7/2023, tại trụ sở TAND Thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 541/2022/DSPT ngày 24/11/2022 về việc “Tranh chấp thừa kế”. Do bản án dân sự sơ thẩm số 29/2022/DS-ST ngày 05/10/2022 của TAND huyện Thanh Oai, Thành phố Hà Nội bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 235/2023/QĐXX-PT ngày 26/5/2023 và Thông báo mở lại phiên tòa của TAND Thành phố Hà Nội giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Cụ Đỗ Thị T1, sinh năm 1924. Đại diện theo ủy quyền của cụ T1 là ông Nguyễn Trung H1, sinh năm 1963. Cùng trú tại: Xóm Côn, Thôn Đống, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Có mặt ông H1.

2. Bị đơn: Bà Đào Thị N1, sinh năm 1950. Trú tại: Xóm Đậu, Thôn Đống, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn:

- Chị Nguyễn Thị B1, sinh năm 1973. Trú tại: Xóm Âm, Thôn Vỹ, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội;

- Ông Nguyễn Đức H1, sinh năm 1949. Trú tại: Xóm An Lạc, Thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội;

- Ông Đào Huy X1, sinh năm 1960. Trú tại: Xóm Côn, Thôn Đống, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Vắng mặt bà N1. Có mặt chị B1, ông H1, ông X1.

3.Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Vợ cH1 ông Nguyễn Trung H1, sinh năm 1963 - bà Lê Thị Hà, sinh năm 1963 (con đẻ, con dâu cụ T1) và các con của ông H1 - bà Hà gồm:

- Anh Nguyễn Trung S1, sinh năm 1986;

- Chị Nguyễn Thị L1, sinh năm 1988;

- Chị Nguyễn Thị T2, sinh năm 1992;

- Anh Nguyễn Trung Nguyên, sinh năm 1995.

Cùng trú tại: Xóm Côn,Thôn Đống, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Có mặt ông H1. Vắng mặt bà Hà, anh S1, chị L1, chị T2, anh Nguyên.

3.2. Bà Nguyễn Thị T3, sinh năm 1959 (con đẻ cụ T1). Trú tại: Xóm Chợ, Thôn Đống, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Có mặt.

3.3. Chị Nguyễn Thị B1, sinh năm 1973 (con đẻ ông T5- bà N1). Trú tại: Xóm Âm, Thôn Vỹ, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Có mặt.

4. Người kháng cáo:

4.1. Cụ Đỗ Thị T1 là nguyên đơn trong vụ án. Vắng mặt cụ T1. Có mặt người đại diện theo ủy quyền của cụ T1 là ông H1.

4.2. Bà Nguyễn Thị T3, ông Nguyễn Trung H1; chị Nguyễn Thị B1 là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Có mặt Bà T3, ông H1, chị B1.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo hồ sơ vụ án sơ thẩm. Tại cấp sơ thẩm:

1. Nguyên đơn – cụ T1 (Chãi) và đại diện theo ủy quyền trình bày:

Cụ T1 và cH1 là cụ Nguyễn Trung D2 (Chết năm 1995), được cụ Nguyễn Trung Y (Chết năm 1940), vợ cả của cụ Ý là cụ Đỗ Thị N2 (Chết năm 1945) vợ hai của cụ Ý là cụ Nguyễn Thị Choe (Đã chết) để lại cho thửa đất số 189, tờ bản đồ số 9, diện tích 432m2 tại xóm Đậu, thôn Vĩ, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội, nay là thửa đất số 387, tờ bản đồ số 13, diện tích 355 m2 tại xóm Đậu, thôn Vĩ, Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội (Sau đây viết tắt là thửa đất số 387). Sau khi cụ Ý, cụ N2, cụ Choe chết vợ cH1 cụ T1, cụ D2 quản lý, sử dụng thửa đất số 387.

Vợ cH1 cụ T1 có 02 người con đẻ là Bà T3 và ông H1. Năm 1953 hai cụ nhận ông Nguyễn Trung (sau này đi bộ đội đổi tên là Nguyễn Trung T5) làm con nuôi. Hai cụ không còn con đẻ, con nuôi nào khác. Năm 1972 ông T5 kết hôn với bà N1. Ông T5 - bà N1 có 01 con đẻ là chị Nguyễn Thị B1. Năm 1974 ông T5 đi bộ đội, đến năm 1980 hy sinh tại chiến trường Campuchia. Cụ D2, cụ T1, ông H1, bà N1 và chị B1 tiếp tục ở và quản lý, sử dụng thửa đất số 387. Năm 1979 - 1980 cụ T1 và ông H1 chuyển lên ở tại thửa đất số 102, tờ bản đồ số 13, diện tích 793m2 tại xóm Côn, thôn Đống, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội (Sau đây viết tắt là thửa đất số 102). Năm 1995, cụ D2 chết không để lại di chúc. Bà N1, chị B1 tiếp tục ở tại nhà đất thửa đất số 387, cụ T1 vẫn thường xuyên qua lại thăm nom và thu hoạch rau quả trên thửa đất mà bà N1 đang ở.

Năm 1997, cụ T1 tổ chức cuộc họp nội tộc phân chia tài sản (Đơn xin giao quyền sử dụng đất thổ cư ngày 24/4/1997) với nội dung: Chia thửa đất số 387 thành 02 phần, cho ông T5 và ông H1; phần đất của ông T5 sẽ do bà N1 thừa kế thay; khi cụ T1 còn sống thì vẫn thuộc quyền sử dụng của cụ T1, khi cụ T1 chết thì việc chia đất mới thực hiện, trong đơn có chữ ký của cụ T1, ông H1, Bà T3 và bà N1 được UBND xã Cao Viên xác nhận ngày 28/9/1997.

Năm 2009, UBND huyện Thanh Oai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AP985352 (Sau đây viết tắt là GCNQSDĐ số AP 985352), diện tích 355 m2 cho bà Đào Thị N1 được quyền sử dụng thửa đất số 387. Khi biết bà N1 được cấp GCNQSDĐ số AP 985352, cụ T1 đã làm đơn khiếu nại. Ngày 12/10/2017, UBND huyện Thanh Oai ban hành Quyết định số 2279/QĐ-UBND thu hồi GCNQSDĐ số AP 985352 mang tên bà N1. Tuy đã có Quyết định về việc thu hồi GCNQSDĐ số AP985352 nhưng bà N1 không trả lại diện tích đất này cho cụ T1. Ngày 25/10/2017, cụ T1 đã họp gia đình nội, ngoại tộc tuyên bố về việc chấm dứt quan hệ mẹ con với bà N1, hủy việc chia thừa kế cho bà N1. UBND Thành phố Hà Nội đã giải quyết khiếu nại lần 2 với nội dung: Giữ nguyên Quyết định thu hồi GCNQSDĐ số AP 985352 mà UBND huyện Thanh Oai đã ban hành.

cụ T1 khởi kiện đề nghị Tòa án buộc bà N1 phải trả quyền sử dụng thửa đất số 387. Ngày 20/4/2021 cụ T1 đã sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện buộc bà N1 trả lại quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 387 và chia 1/2 diện tích thửa đất cho 03 người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ D2 là cụ T1, ông H1 và Bà T3 theo pháp luật và không nhất trí chia cho ông T5 (người thừa kế của ông T5).

2. Bị đơn- bà N1 và người đại diện theo ủy quyền trình bày:

Về quan hệ gia đình của cụ T1, cụ D2 đúng như nguyên đơn trình bày.

Ông T5  làm con nuôi cụ D2, cụ T1 từ khi ông mới 08 tháng tuổi cùng chung sống với cụ D2, cụ T1, Bà T3, ông H1 tại nhà, đất thửa đất số 387. Ông T5 kết hôn với bà N1, có 01 con đẻ duy nhất là chị B1. Ông T5 đi bộ đội hy sinh năm 1980. Chị B1 sinh ra và lớn lên tại nhà đất này cho đến năm 1993 kết hôn về nhà cH1; bà N1 vẫn ở tại nhà đất này cho đến nay.

Năm 1980, cụ T1, cụ D2 cùng gia đình ông H1 chuyển đến ở tại thửa đất số 102 là tài sản chung của cụ D2 và cụ T1. Năm 2009, UBND huyện Thanh Oai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AP985302 (Sau đay viết tắt là GCNQSDĐ số AP 985302) cho hộ ông H1, nên không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của của nguyên đơn và ông H1, Bà T3. Đề nghị: Tòa án xem xét chia di sản thừa kế của cụ D2 là: Quyền sử dụng thửa đất số 387, diện tích 355 m2 (Bà N1 quản lý) và thửa đất số 102, diện tích 818m2 (gia đình ông H1 và cụ T1 đang quản lý, sử dụng) theo pháp luật . Vì hai thửa đất này đều là tài sản chung của cụ D2 và cụ T1 nên 1/2 quyền sử dụng hai thửa đất trên là di sản thừa kế của cụ D2.

Đề nghị Tòa án xem xét chia cho bà N1 người quản lý di sản và người thừa kế của ông T5 là chị B1 được hưởng phần di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế để làm nơi thờ cúng liệt sỹ ông T5.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Ông Nguyễn Trung H1 trình bày:

Giữ nguyên ý kiến về quan hệ huyết thống và nguồn gốc thửa đất số 387 mà ông đã đại diện theo ủy quyền của cụ T1 trình bày. Bổ sung thêm:

Nguồn gốc thửa đất số 102 ban đầu của bố mẹ ông chỉ có 14 thước = 336 m2, số đất còn lại là do cụ D2 được chia do đổi đất %, khi cụ D2 còn sống thì cụ D2 giao cho ông thì diện tích đất mới tăng lên 793 m2 như hiện nay, cụ D2 chỉ giao miệng cho ông toàn bộ thửa đất số 102; không có văn bản, giấy tờ gì. Năm 2009, UBND huyện Thanh Oai cấp GCNQSDĐ số AP 985302 mang tên hộ ông Nguyễn Trung H1. Thành viên trong sổ hộ khẩu gia đình ông gồm: Vợ cH1 ông (H1 - Hà) và các con là: S1, L1,T2 và Nguyên. Quá trình sinh sống ông đã xây nhà ở kiên cố và tạo dựng những tài sản gắn liền trên đất như hiện nay. Nay ông không chấp nhận yêu cầu của bà N1 về việc xác định 1/2 thửa đất số 102 là di sản cụ D2 để lại để chia thừa kế theo pháp luật.

3.2. Bà Nguyễn Thị T3 trình bày:

Nhất trí với toàn bộ quan điểm trình bày của ông Nguyễn Trung H1. Đề nghị Tòa án giải quyết theo pháp luật.

3.3. Bà Lê Thị Hà cùng các con gồm là Nguyễn Thị L1, Nguyễn Trung S1, Nguyễn Trung Nguyên, Nguyễn Thị T2 cùng có quan điểm: Nhất trí với toàn bộ quan điểm trình bày của ông H1 và Bà T3. Đề nghị giải quyết theo pháp luật.

3.4. Chị B1 trình bày: Chị giữ nguyên quan điểm đã đại diện bà N1 trình bày.

Ngày 21/6/2022, chị B1 có đơn đề nghị Tòa án xác minh nguồn gốc hai thửa đất số 387 và 102. Đề nghị phân chia di sản do cụ D2 để lại theo pháp luật Biên bản Thẩm định – định giá tài sản ngày 19/8/2022, Hội đồng thẩm định, định giá tài sản huyện Thanh Oai đã kết luận:

1/ Thửa đất số 102 có diện tích đo đạc thực tế: 818m2 x 8.000.000 đồng/m2 = 6.544.000.000 đồng. UBND xã Cao Viên cung cấp: Việc chênh lệch diện tích từ 793 m2 theo GCNQSDĐ số AP 985302 thành 818 m2 là do cách đo đạc qua các thời kỳ, không lấn chiếm xung quanh, không lấn chiếm đất công. Trên đất có các tài sản gắn liền trên đất do ông H1, bà Hà phát triển gồm: 01nhà cấp 4 lợp ngói khung gỗ 4,5 gian (xây dựng năm 1990); 01 nhà xây 2,5 tầng kết cấu bê tông cốt thép, diện tích 100m2/01 sàn, (xây dựng năm 2018); Sân lát gạch men hoa, 10 cây cau, 01 cây dừa, 13 cây sưa, 01 cây sấu, xung quanh tường bao, bổ trụ.

2/ Thửa số 387, diện tích đo đạc thực tế là 334,1m2 x 10.000.000đồng/m2 = 3.341.000.000 đồng. UBND xã Cao Viên cung cấp: Việc chênh lệch diện tích từ 335 m2 theo GCNQSDĐ số AP 985352 thành 334,1 m2 là do cách đo đạc qua các thời kỳ, không có việc bị các hộ xung quanh lấn chiếm. Trên đất có các tài sản gắn liền trên đất, gồm: Nhà cấp 4 làm 3 gian hết khấu hao; Nhà cấp 4 + công trình phụ; Bể nước mưa 3,6m3; Sân lát gạch bát hết khấu hao; 01 cây Mít; 01 cây Na; 03 cây Xoan; 01 cây Roi; 01 cây Xoài; 01 cây Ổi; 01 cây Sung; 01 cây Bưởi; 01 cây Cau.

Bản án dân sự sơ thẩm số 29/2022/DS-ST ngày 05/10/2022, TAND huyện Thanh Oai quyết định:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của cụ Đỗ Thị T4, người đại diện theo ủy quyền là bà Lê Thị Định, về việc: Chia di sản thừa kế, tại thửa đất số 387, tờ bản đồ số 13,địa chỉ: xóm Đậu, thôn Vĩ, Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội.

Chấp nhận yêu cầu chia di sản thừa kế của bị đơn, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn tại thửa đất số 102 tờ bản đồ số 13, có địa chỉ: xóm Côn, thôn Đống, Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội.

Xác nhận di sản thừa kế của cụ Nguyễn Trung D2 để lại tại hai thửa, thửa đất số 387 là 100 m2, có trị giá:1.000.000.000đồng và thửa 102 là 409 m2, có trị giá:

3.272.000.000đồng. Tổng giá trị tài sản: 4.272.000.000đồng.

Xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ Nguyễn Trung D2 gồm: Cụ Đỗ Thị T4, ông Nguyễn Trung H1, bà Nguyễn Thị T3, ông Nguyễn Trung T5, người thừa kế thế vị của ông T5 là chị Nguyễn Thị B1. Tổng là 4 kỷ phần, mỗi kỷ phần được hưởng là: 4.272.000.000đồng /04 kỷ phần = 1.068.000.000đồng.

- Giao cho bà Đào Thị N1 và chị Nguyễn thị B1 được sử dụng chung: 200m2 đất ở (trong đó 67 m2 đất là công sức duy trì tài sản của bà N1 và133 m2 đất chị B1 được hưởng thừa kế của cụ D2.Tổng trị giá: 2.000.000.0000đồng) tại thửa đất số 387, tờ bản đồ số 13, được giới hạn bởi các điểm: 1,2,3,4,5,6,7,8,9,10,1 có địa chỉ:

xóm Đậu, thôn Vĩ, Cao Viên, Thanh Oai, thành phố Hà Nội.

- Giao bà Nguyễn Thị T3 được sử dụng:134 m2 đất tại thửa đất số 387, tờ bản đồ số 13, được giới hạn bởi các điểm: 1,10,11,12,13,14,15,1 có địa chỉ: xóm Đậu, thôn Vĩ, Cao Viên, Thanh Oai, thành phố Hà Nội có trị giá: 1.340.000.000đồng và 01 nhà cấp 4 làm 3 gian, công trình phụ, bể nước, sân gạch, có tổng giá trị 8.939.800đồng. Bà Nguyễn Thị T3 không phải thanh toán giá trị các tài sản xây dựng trên đất cho bà Đào Thị N1.

- Giao ông Nguyễn Trung H1 được sử dụng: 204,5 m2 đất tại thửa đất số 102, tờ bản đồ số 13, địa chỉ: xóm Côn, thôn Đống, Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội có trị giá: 1.636.000.000đồng cùng 01 nhà cấp 4, lợp ngói, khung gỗ, 4,5 gian, do ông H1 bà Hà xây dựng năm 1990; 01 nhà cấp 4, kết cấu bê tông cốt thép, xây 2,5 tâng, diện tích 100m2/01 sàn, do ông H1 bà Hà xây dựng năm 2018; Sân lát gạch men hoa, 10 cây cau,01 cây dừa, 13 cây sưa, 01 cây sấu, xung quanh tường bao, bổ trụ.

- Giao cụ Đỗ Thị T4 được sử dụng: 204,5 m2 đất tại thửa đất số 102, tờ bản đồ số 13, địa chỉ: xóm Côn, thôn Đống, Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội có trị giá:

1.636.000.000đồng và 409 m2 đất phần tài sản riêng trong khối tài sản chung với cụ Nguyễn Trung D2. Kỷ phần của cụ T1, ông H1 được giao tại thửa 102, không có tranh chấp nên tiếp tục giao cho cụ T1, ông H1 sử dụng và không phân chia.

Buộc chị Nguyễn Thị B1 phải thanh toán trả cụ Đỗ Thị T4: 262.000.000 đồng (hai trăm sáu mươi hai triệu) .

Buộc bà Nguyễn Thị T3 phải thanh toán trả cụ Đỗ Thị T4: 272.000.000 đồng (hai trăm bảy mươi hai triệu) .

Buộc ông Nguyễn Trung H1 phải thanh toán trả cụ Đỗ Thị T4:

568.000.000 đồng (năm trăm sáu tám triệu).

Bà N1 được ở lại ngôi nhà cấp 4 hiện nay cho đến khi có chỗ ở mới thì phải di rời trả lại cho bà Nguyễn Thị T3. Đối với các cây trồng trên đất khi phân chia thuộc kỷ phần nào thì kỷ phần đó được hưởng.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về nghĩa vụ chịu án phí; quyền yêu cầu thi hành án, T5 thuận thi hành án; quyền kháng cáo của các đương sự.

Không đồng ý với bản án sơ thẩm.

cụ T1 là nguyên đơn; ông H1, Bà T3, chị B1 là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan kháng cáo bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Ông H1 là người kháng cáo đồng thời là đại diện theo ủy quyền của cụ T5 trinh bay tranh luận:

+ Giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Xác định khi còn sống cụ D2 và cụ T1 đã cho riêng ông H1 thửa đất số 102 do đó nay thuộc của riêng ông H1, cụ D2 không còn phần di sản tại thửa đất này. Cấp sơ thẩm xác định 1/2 thửa đất số 102 là di sản cụ D2 để lại, chia thừa kế nhưng không xác định công sức duy trì của cụ T1 và ông H1 là không đúng pháp luật.

- Cấp sơ thẩm xác định thửa đất 387 là tài sản chung vợ cH1 cụ D2 – cụ T1; di sản của cụ D2 là 1/2 thửa đất số 387 và chia thừa kế là đúng. Nhưng cấp sơ thẩm tính công sức cho bà N1, chị B1 bằng 67 m2 đất; chia cho chị B1 được hưởng 200 m2 đất nhưng lại được ở trên nhà cấp 4 đã chia cho Bà T3 cho đến khi có nhà mới và chỉ thanh toán chênh lệch hơn hai trăm triệu đồng là không đúng. Đề nghị cấp phúc thẩm sửa lại án sơ thẩm giao cho bà N1 chị B1 được hưởng phần đất trên có nhà cấp 4 với diện tích đất đúng bằng phần mà họ được hưởng; phần đất không có nhà còn lại giao cho Bà T3. Các tài sản trên đất nằm trên phần đất giao cho ai thì người đó được hưởng, không tính giá trị, không thanh toán chênh lệch.

- Phần đất, tài sản trên đất mà cụ T1 và ông H1 được hưởng, được phân chia đề nghị nhập chung thành một khối không phân chia riêng biệt và cụ T1 tự nguyện tặng cho toàn bộ ông H1 được hưởng. Đề nghị phần đất còn lại tại thửa đất 387 phân chia cho Bà T3, Bà T3 phải thanh toán chênh lệch kỷ phần cho ông H1 được hưởng.

Bà T3 nhất trí toàn bộ ý kiến trình bày của ông H1.

Chị B1: Đề nghị cấp phúc thẩm giữ nguyên việc xác định di sản thừa kế của cụ D2, công sức của mẹ con chị và cách chia vị trí đất như cấp sơ thẩm đã quyết định. Đề nghị cấp phúc thẩm phân chia phần đất trống (phía trước) cho mẹ con chị đúng bằng kỷ phần mà mẹ con chị được hưởng để không phải thanh toán chênh lệch. Đồng thời chị khẳng định chị và bà N1 sẵn sàng bàn giao ngay nhà cấp 4 và các tài sản trên đất không thuộc phần đất được chia cho người được phân chia ngay; không cần phải ở lại nhà cấp 4 cho đến khi xây dựng được nhà mới như cấp sơ thẩm tuyên.

Người đại diện theo ủy quyền của bà N1 là ông H1, ông X1: Cùng đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận toàn bộ ý kiến trình bày của chị B1. Bà N1 sẵn sàng chuyển đến nhà khác ở để bàn giao ngay nhà cấp 4 và các tài sản trên đất không thuộc phần được phân chia. Thực tế nhà cấp 4 cũ đã sập xệ không thể ở được, bà N1 phải chuyển đến chỗ khác ở.

Các đương sự vắng mặt tại phiên tòa không gửi văn bản trình bày quan điểm, ý kiến với Hội đồng xét xử.

Các đương sự không T5 thuận được với nhau về cách giải quyết vụ án.

* Kiểm sát viên VKSND Thành phố Hà Nội phát biểu quan điểm: Về tố tụng:

- Hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa tiến hành phiên tòa đúng quy định Bộ luật tố tụng dân sự.

- Người kháng cáo thực hiện việc kháng cáo trong thời hạn luật định.

- Tại phiên tòa, một số đương sự không kháng cáo, được tống đạt hợp lệ Quyết định đưa vụ án ra xét xử, thông báo mở lại phiên tòa nhưng vắng mặt tại phiên tòa lần thứ hai, Hội đồng xét xử tiến hành phiên tòa vắng mặt họ là đúng quy định tại Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Về Nội dung: Sau khi phân tích nội dung vụ án. Đề nghị Hội đồng xét xử:

Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của người kháng cáo. Áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự sửa bản án dân sự sơ thẩm theo hướng: Phân chia phần đất trống (phía trước) cho mẹ con chị B1 đúng bằng kỷ phần mà mẹ con chị được hưởng để không phải thanh toán chênh lệch. Chấp nhận sự tự nguyện của chị B1 và người đại diện theo ủy quyền của bà N1 đề nghị được bàn giao ngay nhà cấp 4 và các tài sản trên đất không thuộc phần đất mà họ được chia và không cần ở lại nhà cấp 4 cho đến khi xây dựng được nhà mới như cấp sơ thẩm tuyên.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về Tố tụng:

- Cấp sơ thẩm thụ lý, giải quyết vụ án đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

- Người kháng cáo thực hiện việc kháng cáo trong thời hạn luật định.

- Tại phiên tòa, một số đương sự không kháng cáo, được tống đạt hợp lệ Quyết định đưa vụ án ra xét xử, thông báo mở lại phiên tòa nhưng vắng mặt tại phiên tòa lần thứ hai, Hội đồng xét xử tiến hành phiên tòa vắng mặt họ là đúng quy định tại Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

[2]. Về nội dung:

2.1. Những nội dung mà cấp sơ thẩm đã xác định đúng, các bên đương sự cùng thống nhất không phải chứng minh và không kháng cáo:

- Cụ D2 và cụ T1 có hai người con đẻ là ông H1, Bà T3 và một người con nuôi là ông T5 , liệt sĩ hi sinh năm 1980; ông T5 có 01 con đẻ duy nhất là chị B1. Bố mẹ cụ D2 đều đã chết trước cụ D2.

- Cụ D2 chết năm 1995; không để lại di chúc. Thời điểm mở thừa kế của cụ D2 là năm 1995. Hàng thừa kế thứ nhất của cụ D2 gồm 04 người là: cụ T1 (Chãi), Bà T3, ông H1 và chị Nguyễn Thị B1 là thừa kế thế vị ông (T5). Bà N1 không phải là người thừa kế đối với di sản của cụ D2 để lại.

- Thửa đất số 387 là tài sản do cụ D2 được thừa kế từ bố mẹ để lại.

2.2. Xét yêu cầu kháng cáo của cụ T1, ông H1, Bà T3. Hội đồng xét xử thấy:

Mặc dù cụ T1 là nguyên đơn, ông H1, Bà T3 là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nhưng nội dung kháng cáo như nhau nên được xét chung.

- Về thửa đất số 387. Cấp sơ thẩm xác định: Quyền sử dụng thửa đất số 387 (tài sản trên đất các đương sự đề nghị không xem xét phân chia) là tài sản chung vợ cH1 cụ D2- cụ N1, các đương sự đều không kháng cáo về nội dung này. Hội đồng xét xử giữ nguyên về nội dung này của cấp sơ thẩm.

- Về thửa đất số 102, diện tích 793 m2 đo thực tế là 818 m2. Căn cứ biên bản xác minh ngày 06/7/2022, UBND xã Cao Viên cung cấp: Tại sổ mục kê quản lý đất đai thôn Đống, xã Cao Viên năm 1983 – 1985 thể hiện có hai thửa gồm: Thửa đất ao số 174, diện tích 323m2 và thửa đất số 175, diện tích 532 m2 đều có nguồn gốc do cha ông để lại, hiện đang mang tên H1. Tại bản đồ năm 1997 thì hai thửa đất trên được gộp thành 01 thửa có diện tích được tính là 793m2. Ngày 05/8/2009 UBND huyện Thanh Oai cấp GCNQSDĐ số AP 985302 mang tên hộ ông Nguyễn Trung H1. Do đó ông H1 cho rằng thửa đất này có một phần do các cụ để lại; một phần do đổi đất % nhưng không có tài liệu chứng cứ chứng minh nên không có căn cứ chấp nhận.

Mặt khác: Cac đương sư đều thưa nhân thưa đất số 102 la tai san đươc hình thành trong thơi ky hôn nhân cua cu Trai - cu Dần, không có tài liệu nào xác định ông H1 được cấp đất, sau đó nhập chung vào thửa đất 102. Ông Hoan cho rằng ông đươc cụ D2 – cụ T1 đã nói miêng là tặng cho riêng ông. Ngoai lơi khai, ông H1 không co bất kỳ tai liêu, chứng cứ chưng minh viêc cụ D2- cụ T1 tăng cho riêng ông. Việc ông Hoan đươc ghi nhân tên chủ sử dụng trong sô muc kê, ban đồ điạ chinh không phai la căn cư chưng minh chu sư dung hơp phap thửa đất số 102. Theo quy định tại Công văn 1568/BTNMT-ĐKTKĐĐ ngày 25/4/2007 (về việc sử dụng sổ dã ngoại và sổ mục kê đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường) thì sổ mục kê được lập để phục vụ cho Nhà nước thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai theo quy định của pháp luật đất đai; thông tin của thửa đất thể hiện theo kết quả điều tra, đo đạc hiện trạng đang sử dụng đất mà chưa có giá trị pháp lý về quyền sử dụng đất. Do đo cấp sơ thẩm xác định thửa đất số 102, diện tích đo thực tế là 818m2 là tài sản chung cua vợ cH1 cu D2- cụ T5 là có căn cứ. Năm 1995 cụ D2 chết không để lại di chúc. Theo quy định tại Điều 15,16 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959. Cấp sơ thẩm chia Quyền sử dụng thửa đất số 102 cho cụ D2, cụ T1 mỗi người được hưởng 1/2 thửa đất số 102 và theo yêu cầu của nguyên đơn, chia thừa kế theo pháp luật phần di sản của cụ D2 cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất (người thừa kế thế vị hàng thừa kế thứ nhất ) của cụ D2 là đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên: cụ T1 và gia đình ông H1 quản lý, sử dụng và có công duy trì phát triển thửa đất số 102 từ năm 1979 – 1980 đến nay, nhưng cấp sơ thẩm không tính công sức duy trì của cụ T1 và gia đình ông H1 là không đảm bảo quyền lợi của người quản lý di sản. Do đó cần chấp nhận yêu cầu kháng cáo về nội dung này của cụ T1, ông H1 và Bà T3. Tính công sức duy trì phần di sản của cụ D2 để lại tại thửa đất 102 cho cụ T1 và gia đình ông H1 tương ứng một kỷ phần thừa kế là đúng quy định tại quy định tại Điều 618, Điều 658 Bộ luật dân sự năm 2015 và Án lệ số 05/2016/AL ngày 06/4/2016 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.

Cấp sơ thẩm xác định bà N1 và chị B1 có công sức duy trì phần di sản của cụ D2 để lại tại thửa đất 387 tương ứng 67m2 đất là chưa có căn cứ. Như nhận định về công sức của cụ T1, ông H1 nêu trên. Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định công sức của bà N1, chị B1 tại thửa đất 387 tương ứng một kỷ phần thừa kế. Do đó kháng cáo của cụ T1, ông H1 và Bà T3 về việc không đồng ý với việc cấp sơ thẩm tính công sức duy trì phần di sản của cụ D2 tại thửa đất 387 cho bà N1 và chị B1 được chấp nhận một phần. Hội đồng xét xử phúc thẩm tính lại công sức của bà N1 và chị B1 tương ứng một kỷ phần thừa kế tại thửa đất số 387.

Cấp sơ thẩm giao cho bà N1 và chị B1 được hưởng thừa kế, hưởng công sức duy trì là phần diện tích đất trống tại thửa đất số 387 lớn hơn kỷ phần và công sức mà họ được thực hưởng và giao cho họ được ở tại nhà cấp 4 trên phần đất đã chia cho Bà T3 “Cho đến khi có chỗ ở mới”, buộc họ phải thanh toán chênh lệch là không hợp lý và khó khăn cho việc thi hành án.

Tại phiên tòa phúc thẩm chị B1 và đại diện theo ủy quyền của bà N1 đều trình bày: Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm phân chia phần đất trống (phía trước) cho mẹ con chị B1 đúng bằng kỷ phần mà mẹ con chị được hưởng để không phải thanh toán chênh lệch. Mẹ con chị B1 tự nguyện bàn giao ngay nhà cấp 4 và các tài sản trên đất không thuộc phần đất được chia và không cần ở lại nhà cấp 4 cho đến khi xây dựng được nhà mới như cấp sơ thẩm tuyên. Do đó Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của cụ T1, ông H1 và Bà T3 về nội dung này: Phân chia lại phần đất cho bà N1 và chị B1 được sử dụng chung đúng bằng kỷ phần họ được hưởng tại phần đất trống.

2.3. Xét kháng cáo của chị B1. Hội đồng xét xử thấy:

Như nhận định đối với kháng cáo của cụ T1, ông H1, Bà T3; căn cứ sự tự nguyện của chị B1 và đại diện theo ủy quyền của bà N1. Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của chị B1. Sửa lại cách phân chia bằng hiện vật; phân chia cho bà N1 và chị B1 được phân chia hiện vật đúng bằng trị giá kỷ phần mà chị B1 được hưởng thừa kế thế vị và phần bà N1, chị B1 được thanh toán công sức tại phần đất trống và được hưởng các tài sản, cây cối gắn liền trên đất được chia.

2.4. Quan điểm của Hội đồng xét xử:

Chấp nhận một phần kháng cáo của các đương sự.

Như các nhận định tại điểm 2.1; 2.2; 2.3. và căn cứ Biên bản định giá ngày 19/8/2022. Xác định di sản của cụ D2 trị giá thành tiền và phân chia như sau:

- Thửa 387 là: 334,1m2.x 10.000.000 đồng/m2 =3.341.000.000 đồng. Phần của cụ D2, cụ T1 mỗi người được chia tài sản chung vợ cH1 là 1.670.500.000 đồng. Xác định công sức trông nom, quản lý của bà N1, chị B1 đối với phần di sản của cụ D2 tại thửa đất số 387 tương ứng 01 kỷ phần. Do đó trích công sức trông nom, quản lý của bà N1, chị B1 trị giá thành tiền là 1.670.500.000 đồng/5 (04 kỷ phần thừa kế và 01 kỷ phần công sức của bà N1, chị B1) = 334.100.000 đồng. Sau khi trích công sức, phần di sản của cụ D2 tại thửa đất số 387 còn lại trị giá thành tiền là 1.336.400.000 đồng.

- Thửa 102 là: 818 m2 x8.000.000 đồng/m2 = 6.544.000.000 đồng. Phần của cụ D2, cụ T1 mỗi người được chia tài sản chung vợ cH1 là 3.272.000.000 đồng. Xác định công sức trông nom quản lý, phát triển của cụ T1 và gia đình ông H1 đối với phần di sản của cụ D2 tại thửa đất số 102 tương ứng 01 kỷ phần. Do đó trích công sức của cụ T1 và gia đình ông H1 trị giá thành tiền là 3.272.000.000 đồng/5 (04 kỷ phần thừa kế và 01 kỷ phần công sức của cụ T1 và gia đình ông H1) = 654.400.000 đồng. Sau khi trích công sức, phần di sản của cụ D2 tại thửa đất số 102 còn lại trị giá thành tiền là 2.617.600.000 đồng.

Sau khi trích công sức trông nom quản lý di sản. Tổng di sản của cụ D2 tại 02 thửa đất còn lại là [1.336.400.000 đồng (phần di sản còn lại tại thửa đất số 387) + 2.617.600.000 đồng (phần di sản còn lại tại thửa đất số 102)] = 3.954.000.000 đồng.

Chia di sản của cụ D2 trị giá bằng tiền cho: cụ T1, ông H1, Bà T3, chị B1 (hưởng thừa kế thế vị ông T5) mỗi kỷ phần được 3.954.000.000 đồng/04 kỷ phần = 988.500.000 đồng.

Ghi nhận việc bà N1 tự nguyện nhập chung phần công sức của bà với chị B1, không phân chia riêng biệt nên bà N1 chị B1 được hưởng chung là [988.500.000 đồng (kỷ phần chị B1 được hưởng thừa kế của cụ D2) +334.100.000 đồng (phần công sức bà N1 và chị B1 được hưởng chung đối với phần di sản của cụ D2 tại thửa đất số 387)] = 1.322.600.000 đồng.

Ghi nhận việc cụ T1 tự nguyện nhập chung phần của cụ được hưởng (bao gồm: Công sức của cụ đối với phần di sản của cụ D2 tại thửa đất số 102; kỷ phần được hưởng thừa kế của cụ D2 và phần tài sản chung vợ cH1 được chia) với phần ông H1 được hưởng (bao gồm: Công sức của gia đình ông H1 đối với phần di sản của cụ D2 tại thửa đất số 102; kỷ phần ông được hưởng thừa kế của cụ D2). Ghi nhận các thành viên trong hộ gia đình ông H1 xác định công sức duy trì phần di sản của cụ D2 tại thửa đất số 102 cho ông H1 được hưởng và quản lý sử dụng và không phân chia riêng biệt. Nên ông H1 được hưởng [988.500.000 đồng (kỷ phần cụ T1 được hưởng thừa kế của cụ D2 ) +1.670.500.000 đồng (phần tài sản chung vợ cH1 cụ T1 được chia tại thửa đất số 387) + 3.272.000.000 đồng (phần tài sản chung vợ cH1 cụ T1 được chia tại thửa đất số 102) + 654.400.000 đồng (phần công sức của cụ T1 và gia đình ông H1 đối với phần di sản của cụ D2 tại thửa đất số 102 ) + 988.500.000 đồng ( kỷ phần ông H1 được hưởng thừa kế của cụ D2 )] = 7.573.900.000 đồng.

Bà T3 được hưởng thừa kế của cụ D2 trị giá thành tiền là 988.500.000đồng.

Chia bằng hiện vật:

- Chia (Giao) cho bà N1 và chị B1 được quyền sử dụng chung 132,26m2 đất tại thửa đất số 387 và được sở hữu các tài sản gắn liền trên phần đất được giao.

- Chia (Giao) cho Bà T3 được sử dụng 201,84 m2 đất tại thửa đất số 387 và được sở hữu các tài sản gắn liền trên phần đất được giao;

- Chia (Giao) ông H1 (Bao gồm phần của ông H1 và phần của cụ T1 được hưởng) được quyền sử dụng toàn bộ thửa đất số 102, GCNQSDĐ số AP 985302 mang tên hộ ông Nguyễn Trung H1 và được sở hữu toàn bộ các tài sản gắn liền trên thửa đất số 102 được phân chia.

Về thanh toán chênh lệch.

Do ông H1 được chia (Bao gồm phần của ông H1 và phần của cụ T1 được hưởng) quyền sử dụng 818 m2 đất tại thửa đất số 102 trị giá 6.544.000.000 đồng. Đối chiếu với 7.573.900.000 đồng mà cụ T1 và ông H1 được hưởng thì còn thiếu 1.029.900.000 đồng. Do cụ T1 đã cho ông H1 được hưởng toàn bộ phần của cụ nên ông H1 được thanh toán khoản chênh lệch này.

Bà T3 được chia 201,84 m2 đất ở tại thửa đất số 387 trị giá 2.018.400.000 đồng. So với kỷ phần được hưởng là 988.500.000 đồng. Thì Bà T3 được chia nhiều hơn 1.029.900.000 đồng nên phải thanh toán cho ông H1 số tiền chênh lệch này.

Quan điểm của Kiểm sát viên là có căn cứ pháp luật và phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử.

[3]. Về án phí:

Do cụ T1, Bà T3, bà N1, ông H1 là người cáo tuổi và chị B1 là con Liệt sĩ, đều đề nghị miễn án phí nên được Hội đồng xét xử miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm và không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Trả lại cho ông Nguyễn Trung H1 tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp .

Vì các lẽ trên, Căn cứ vào:

QUYẾT ĐỊNH

- Các Điều 147;148 khoản 2 Điều 308; 309 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

- Các Điều: 609,610,611,612,613,616,618,623,649,650,651,652,658,660,688 Bộ luật dân sự năm 2015.

- Các Điều: 5,15,16,29 Luật hôn nhân và gia đình năm 1959.

- Nghị quyết số 326 ngày 30/12/2016 của UBTVQH về án phí, lệ phí; Điều 2 Luật người cao tuổi.

- Án lệ số 05/2016/AL ngày 06/4/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Xử: Chấp nhận một phần kháng cáo của cụ Đỗ Thị T4, bà Nguyễn Thị T3, ông Nguyễn Trung H1 và chị Nguyễn Thị B1. Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 29/2022/DS-ST ngày 05/10/2022 của TAND huyện Thanh Oai, Thành phố Hà Nội.

Quyết định cụ thể như sau:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của cụ Đỗ Thị T4; yêu cầu của bà Nguyễn Thị N1 và chị Nguyễn Thị B1 về việc chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Trung D2 theo pháp luật.

1. Xác định cụ Nguyễn Trung D2 chết năm1995, không để lại di chúc. Thời điểm mở thừa kế của cụ Nguyễn Trung D2 là thời điểm cụ D2 chết. Hàng thừa kế thứ nhất của cụ Nguyễn Trung D2 gồm 04 người là: Cụ Đỗ Thị T1, bà Nguyễn Thị T3, ông Nguyễn Trung H1 và chị Nguyễn Thị B1 thừa kế thế vị của ông Nguyễn Trung (Nguyễn Trung T5).

2. Xác định tài sản chung vợ cH1 cụ Nguyễn Trung D2- cụ Đỗ Thị T1 gồm:

2.1. Quyền sử dụng thửa đất số 387, tờ bản đồ số 13, diện tích 335 m2 (đo thực tế là 334,1m2) tại xóm Đậu, thôn Vĩ, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội; trị giá thành tiền là 3.341.000.000 đồng. Chia tài sản chung vợ cH1 cho cụ Nguyễn Trung D2- cụ Đỗ Thị T1; mỗi cụ được chia 1/2 Quyền sử dụng thửa đất số 387 này trị giá thành tiền là 1.670.500.000 đồng. Trích công sức trông nom duy trì phần di sản của cụ Nguyễn Trung D2 tại thửa đất số 387 cho bà Nguyễn Thị N1 và chị Nguyễn Thị B1 là 334.100.000 đồng. Phần di sản của cụ D2 còn lại tại thửa đất 387 này là 1.336.400.000 đồng.

2.2. Quyền sử dụng thửa đất số số 102, tờ bản đồ số 13, diện tích 793 m2 (đo thực tế là 818m2); Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AP98530 do UBND huyện Thanh Oai cấp cho hộ ông Nguyễn Trung H1 tại xóm Côn, thôn Đống, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội trị giá thành tiền là 6.544.000.000 đồng. Chia tài sản chung vợ cH1 cho cụ Nguyễn Trung D2- cụ Đỗ Thị T1; mỗi cụ được chia 1/2 Quyền sử dụng thửa đất số 102 này trị giá thành tiền là 3.272.000.000 đồng. Trích công sức trông nom duy trì phần di sản của cụ Nguyễn Trung D2 tại thửa đất số 102, cho cụ Đỗ Thị T1 và gia đình ông Nguyễn Trung H1 là 654.400.000 đồng. Phần di sản của cụ D2 còn lại tại thửa đất này là 2.617.600.000 đồng.

2.3. Xác định tổng di sản của cụ Nguyễn Trung D2 để lại trị giá thành tiền là 3.954.000.000 đồng. Chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Trung D2 trị giá bằng tiền cho: Cụ Đỗ Thị T1, bà Nguyễn Thị T3, ông Nguyễn Trung H1 và chị Nguyễn Thị B1 thừa kế thế vị của ông Nguyễn Trung Ngếch (Nguyễn Trung T5) mỗi kỷ phần được hưởng 988.500.000 đồng.

3. Ghi nhận việc: Bà Nguyễn Thị N1 tự nguyện nhập chung phần công sức của bà với chị Nguyễn Thị B1, không phân chia riêng biệt và sử dụng chung; cụ Đỗ Thị T1 tự nguyện nhập chung phần của cụ được hưởng (bao gồm: Công sức duy trì được hưởng; kỷ phần được hưởng thừa kế di sản của cụ D2 và phần tài sản chung vợ cH1 được chia) với phần ông Nguyễn Trung H1 được hưởng và giao cho ông Nguyễn Trung H1 được hưởng toàn bộ phần tài sản được nhập chung này.

4. Chia bằng hiện vật:

4.1. Chia (Giao) cho bà Nguyễn Thị N1 và chị Nguyễn Thị B1 được quyền sử dụng chung 132,26m2 đất (phần đất phía trước sân, nhà) tại thửa đất số 387 tờ bản đồ số 13, tại xóm Đậu, thôn Vĩ, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội; được giới hạn bởi các điểm 5’,6,7,8,9,10,11,11’,5’ trong sơ đồ kèm theo bản án và được sở hữu toàn các tài sản, cây cối gắn liền trên phần đất được giao.

4.2. Chia (Giao) cho bà Nguyễn Thị T3 được quyền sử dụng 201,84 m2 đất tại thửa đất số 387 tại xóm Đậu, thôn Vĩ, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội; được giới hạn bởi các điểm 1,2,3,4,5,5’,11’,12,13,1 trong sơ đồ kèm theo bản án và được sở hữu toàn các tài sản (nhà cấp 4, các tài sản xây dựng trên đất và cây cối) gắn liền trên phần đất được chia.

Ghi nhận việc bà Nguyễn Thị N1 và chị Nguyễn Thị B1 tự nguyện bàn giao ngay nhà cấp 4 và các tài sản gắn liền trên đất tại phần đất mà bà Nguyễn Thị T3 được phân chia.

4.3. Chia (Giao) ông Nguyễn Trung H1 (Bao gồm phần của ông H1 và phần của cụ T1 được hưởng) được quyền sử dụng toàn bộ thửa đất số 102, tờ bản đồ số 13, diện tích 793 m2(đo thực tế là 818m2); Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AP98530 do UBND huyện Thanh Oai cấp cho hộ ông Nguyễn Trung H1 tại xóm Côn, thôn Đống, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội và được sở hữu toàn bộ các tài sản gắn liền trên thửa đất số 102 được phân chia này.

5. Những người được chia (Giao) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại các điểm 4.1; 4.2; 4.3 khoản 4 Quyết định của bản án có quyền, nghĩa vụ chủ động đến Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đăng ký kê khai quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; yêu cầu cấp mới (hoặc đính chính, bổ sung) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quyết định của bản án và theo quy định của pháp luật.

6. Buộc bà Nguyễn Thị T3 phải thanh toán trả ông Nguyễn Trung H1 1.029.900.000 (một tỷ, không trăm hai mươi chín triệu, chín trăm nghìn) đồng, tiền chênh lệch tài sản.

Kể từ khi người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải trả tiền chưa thi hành án xong khoản tiền phải thanh toán thì còn phải chịu lãi đối với số tiền chưa thi hành xong theo mức lãi suất 10%/năm theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự 2015.

7. Về án phí:

7.1. Cụ Nguyễn Thị T4 (Chãi), bà Nguyễn Thị T3, ông Nguyễn Trung H1, chị Nguyễn Thị B1 được miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm.

7.2. Cụ Nguyễn Thị T4 (Chãi), bà Nguyễn Thị T3, ông Nguyễn Trung H1, chị Nguyễn Thị B1 không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

7.3. Trả lại ông Nguyễn Trung H1 300.000 đồng tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo “Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án” số AA/2020/0053921 ngày 17/10/2022 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Thanh Oai.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án Dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền Thỏa thuận thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều: 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Án xử công khai phúc thẩm, có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án.

 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

78
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp thừa kế số 341/2023/DS-PT

Số hiệu:341/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 20/07/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về