TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
BẢN ÁN 06/2021/DS-PT NGÀY 06/01/2021 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ
Ngày 06 tháng 01 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 368/2020/TLPT-DS ngày 30/11/2020 về “Tranh chấp thừa kế”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 64/2020/DS-ST ngày 30/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện B bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 321/2020/QĐ-PT ngày 23/12/2020 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn:
1.1. Ông Phùng Văn T, sinh năm 1949 Địa chỉ: Ấp Giồng Đắc, xã N, huyện B, tỉnh Bến Tre.
1.2. Ông Phùng Văn K, sinh năm 1963 Địa chỉ: Ấp Giồng Trôm, xã N, huyện B, tỉnh Bến Tre.
1.3. Bà Phùng Thị Thúy H, sinh năm 1968 Địa chỉ: Ấp Hội Thành, xã T, huyện N, tỉnh Bến Tre.
Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Chị Võ Thị Minh T, sinh năm 1982; địa chỉ: Ấp Tân An, xã B, huyện B, tỉnh Bến Tre.
2. Bị đơn: Bà Phùng Thị L, sinh năm 1968 Địa chỉ: Ấp Giồng Trôm, xã N, huyện B, tỉnh Bến Tre.
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Ông Nguyễn Văn Đệ N, sinh năm 1962; địa chỉ: Số nhà 443, Khu phố 5, phường P, thành phố B, tỉnh Bến Tre.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
3.1. Bà Mai Thị H, sinh năm 1926 (đã chết);
Người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bà Mai Thị H:
3.1.1. Ông Phùng Văn T, sinh năm 1949 Địa chỉ: Ấp Giồng Đắc, xã N, huyện B, tỉnh Bến Tre.
3.1.2. Ông Phùng Văn K, sinh năm 1963 Địa chỉ: Ấp Giồng Trôm, xã N, huyện B, tỉnh Bến Tre.
3.1.3. Bà Phùng Thị Thúy H, sinh năm 1968 Địa chỉ: Ấp Hội Thành, xã T, huyện N, tỉnh Bến Tre.
Người đại diện theo ủy quyền của ông Phùng Văn T, ông Phùng Văn K, bà Phùng Thị Thúy H: Chị Võ Thị Minh T, sinh năm 1982; địa chỉ: Ấp Tân An, xã Tân Bình, huyện B, tỉnh Bến Tre.
3.2. Ông Trịnh Văn N1, sinh năm 1967
3.3. Chị Trịnh Thị Mỹ N2, sinh năm 1990 Cùng địa chỉ: Ấp Giồng Trôm, xã N, huyện B, tỉnh Bến Tre.
Người đại diện theo ủy quyền của ông Trịnh Văn N1, chị Trịnh Thị Mỹ N2: Ông Nguyễn Văn Đệ N, sinh năm 1962; địa chỉ: Số nhà 443, Khu phố 5, phường P, thành phố B, tỉnh Bến Tre.
3.4. Bà Nguyễn Thị T1, sinh năm 1960 3.5. Chị Đào Thị N3, sinh năm 1979 3.6. Chị Đào Kim H2, sinh năm 1981 3.7. Chị Đào Kim N4, sinh năm 1984 3.8. Anh Đào Minh T2, sinh năm 1986 3.9. Anh Đào Minh T3, sinh năm 1989 Cùng địa chỉ: Ấp Giồng Trôm, xã N, huyện B, tỉnh Bến Tre.
Người đại diện theo ủy quyền của chị Đào Thị N3, chị Đào Kim H2, chị Đào Kim N4, anh Đào Minh T3: Bà Nguyễn Thị T1, sinh năm 1960; địa chỉ: Ấp Giồng Trôm, xã N, huyện B, tỉnh Bến Tre.
4. Người kháng cáo: Bị đơn bà Phùng Thị L.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện của các nguyên đơn ông Phùng Văn T, ông Phùng Văn K, bà Phùng Thị Thúy H và trong quá trình tố tụng người đại diện theo ủy quyền của các nguyên đơn là chị Võ Thị Minh T trình bày:
Ông Phùng Văn T, ông Phùng Văn K, bà Phùng Thị Thúy H là con ruột của cụ Phùng Văn P (chết năm 2016) và cụ Mai Thị H (chết năm 2019). Cụ P có 04 người con ruột gồm Phùng Văn T, Phùng Văn K, Phùng Thị Thúy H, Phùng Thị L và 01 người con của vợ sau (cụ Đào Thị Tề) nhưng sống với cụ P từ nhỏ đến lớn được cụ P xem như con ruột tên Đào Văn Đ. Như vậy, hàng thừa kế thứ nhất của cụ P gồm có Phùng Văn T, Phùng Văn K, Phùng Thị Thúy H, Phùng Thị L, Mai Thị H, Đào Văn Đ.
Nay, các nguyên đơn yêu cầu chia di sản thừa kế do cụ P để lại bao gồm 03 thửa đất: Thửa 166, tờ bản đồ số 8, diện tích 192,7m2; thửa 149, tờ bản đồ số 8, diện tích 1.431,9 m2, thửa 35, tờ bản đồ số 8, diện tích 3.858,9 m2, cùng tọa lạc ấp Giồng Trôm, xã N, huyện B, tỉnh Bến Tre. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi cấp cho hộ cụ Phùng Văn P nhưng thực tế là của cá nhân cụ P. Vì phần đất có nguồn gốc do cụ P đổi đất với cụ Nghệ. Các nguyên đơn yêu cầu chia di sản thành 06 phần bằng nhau cho ông T, ông K, bà H2, bà H, bà L, ông Đ. Trong đó: Bà L nhận 759,9 m2 một phần thửa 35, trong đó có 300 m2 đất thổ cư; bà T1 nhận 879 m2 thửa 35 liền kề đất bà L được nhận; ông K nhận 879 m2 thửa 35 liền kề đất bà T1 được nhận; ông T nhận 879 m2 thửa 35 liền kề đất ông K được nhận; bà H nhận 469 m2 thửa 35 liền kề đất ông K được nhận và 410 m2 một phần thửa đất số 149;
bà H2 nhận 192,7 m2 thửa đất 166 và 1.021,9 m2 thửa đất 149. Trên thửa đất số 35 có nhà, vật kiến trúc của gia đình bà L và 03 ngôi mộ của cụ Phùng Văn P, ông Đào Văn Đ, anh Trịnh Minh Quới. Cây trồng trên thửa đất 166 do gia đình bà L trồng. Trên thửa đất số 35 có 55 cây dừa 30 năm tuổi, 03 cây vú sữa, 01 cây xoài, 01 cây nhãn là do cụ P trồng, các cây trồng còn lại do gia đình bà L trồng. Trên thửa đất số 149 có dừa, tràm, bạch đằng là do cụ P trồng. Các nguyên đơn đồng ý chia tiền làm mộ, mai táng phí của ông P làm 06 phần bằng nhau, các nguyên đơn và những người kế thừa quyền và nghĩa vụ cho bà H mỗi người thanh toán cho bà L 9.612.500 đồng. Cụ P có bệnh nhưng sau đó được điều trị và tự sinh hoạt được, không cần phải có người chăm sóc như bà L trình bày nên các nguyên đơn không đồng ý phân chia tiền chăm sóc, ăn uống cho cụ P và những người trực tiếp nuôi cụ P. Các nguyên đơn đồng ý cùng liên đới bồi thường giá trị cây trồng do vợ chồng bà L trồng trên phần đất được nhận và cát san lấp. Từ khi cụ P chết đến nay bà L trực tiếp quản lý di sản. Trong trường hợp vị trí đất Tòa xem xét phân chia cho ông T, ông K, bà H2 không đúng như vị trí yêu cầu thì ông T, ông K, bà H2 đồng ý cùng đồng sở hữu thửa đất 149, giữa 03 người sẽ tự thỏa thuận phân chia sau.
Trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn bà Phùng Thị L trình bày:
Bà là con ruột của cụ Phùng Văn P và cụ Đào Thị Tề. Về các con của cụ P bà thống nhất với trình bày của các nguyên đơn. Cụ Mai Thị H là vợ trước của cụ P nhưng từ khi cụ P sống với cụ Tề thì đã không còn sống với cụ H. Vì vậy, hàng thừa kế thứ nhất của cụ P gồm Phùng Văn T, Phùng Văn K, Phùng Thị Thúy H, Phùng Thị L, Đào Văn Đ. Cụ P chết vào năm 2016, khi chết không có để lại di chúc. Bà không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn và yêu cầu độc lập của cụ H. Các thửa đất số 166, tờ bản đồ số 8, diện tích 192,7 m2; thửa đất số 149, tờ bản đồ số 8, diện tích 1.431,9 m2 và thửa đất số 35, tờ bản đồ số 8, diện tích 3.858,9 m2, cùng tọa lạc ấp Giồng Trôm, xã N, huyện B, tỉnh Bến Tre là tài sản chung của hộ gia đình cụ Phùng Văn P bao gồm bà, cụ Phùng Văn P, và 02 người con của bà là Trịnh Minh Qưới (đã chết, không vợ con) và Trịnh Thị Mỹ N2. Phần đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1997. Vì vậy, bà yêu cầu chia toàn bộ diện tích đất này làm 04 phần bằng nhau cho bà, cụ P, anh Quới, chị N4. Phần của cụ P nhận sẽ chia thừa kế làm 05 phần bằng nhau cho ông T, ông K, bà H2, bà L, ông Đ (do bà T1 nhận). Bà xin được nhận phần đất có ngôi nhà bà đang ở. Trên phần đất đang tranh chấp bà và chồng bà là ông Trịnh Văn N1 có bơm cát, trồng cây nên yêu cầu ai nhận đất phải bồi thường giá trị cây trồng và chi phí bơm cát, công sức lên bờ đất cho vợ chồng bà. Bà bơm cát làm 02 đợt, đợt 1 từ năm 2006 đến năm 2016 thì ngưng, đợt 2 vào năm 2019. Phần cát bơm vào năm 2019 trên thửa đất số 35 là 11 xà lang, mỗi xà lang 90 m3, trên thửa đất số 166 là 05 xà lang, mỗi xà lang 90 m3, trên thửa đất số 166 là 01 ghe 50m3. Trong thời gian ông P bệnh đến khi chết thì bà có chăm sóc, làm đám tang, làm mộ và bà yêu cầu những ai được nhận di sản phải thanh toán chi phí cho bà, chia đều thành các phần bằng nhau. Những chi phí chăm sóc, tiền ăn uống, mất thu nhập của bà và cụ Tề, mai tang phí thì bà chỉ trình bày để Tòa án xem xét, bà không làm đơn yêu cầu phản tố. Chi phí thuốc, ăn uống, đi lại cho ông P từ năm 2002 đến 2016 là 150.000.000 đồng; tiền ăn uống, chi phí sinh hoat hằng ngày ông P từ năm 1985 đến năm 2016 là 1.488.000.000 đồng; tiền mất thu nhập của bà L, cụ Tề từ năm 1985 đến năm 2016 là 1.116.000 đồng; chi phí hàn gương, chôn cất ông P là 57.675.000 đồng.
Tại đơn yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cụ Mai Thị H và trong quá trình tố tụng người đại diện theo ủy quyền của những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cụ H trình bày:
Cụ H là vợ của cụ Phùng Văn P. Cụ P và cụ H có 03 người con tên Phùng Văn T, Phùng Văn K, Phùng Thị Thúy H. Tại đơn yêu cầu độc lập, cụ H yêu cầu chia di sản của cụ P để lại, cụ H nhận thửa đất số 166, tờ bản đồ số 8 và 715,9 m2 đất thuộc một phần thửa đất số 149, tờ bản đồ số 8, cùng tọa lạc ấp Giồng Trôm, xã N, huyện B, tỉnh Bến Tre. Trong quá trình giải quyết vụ án, cụ H chết nên những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của cụ H gồm ông T, ông K và bà H2 yêu cầu cùng được nhận phần đất bà H được nhận khi chia thừa kế của cụ P, cụ thể nhận 469 m2 đất thuộc thửa 35 liền kề đất ông K được nhận và 410 m2 một phần thửa đất số 149.
Tại đơn yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị T1 đồng thời là đại diện theo ủy quyền của chị Đào Thị N3, chị Đào Thị Kim H2, chị Đào Thị Kim N4, anh Đào Minh T3 trình bày:
Bà là vợ của ông Đào Văn Đ. Ông Đ là con riêng của cụ Đào Thị Tề, chung sống với cụ Phùng Văn P từ nhỏ đến lớn, được cụ P xem như con. Cụ P gồm có 05 người con như bà L trình bày. Bà không đồng ý phân chia di sản của cụ P cho cụ H vì từ khi cụ P sống với cụ Tề đã không còn sống với cụ H. Ông Đ đã chết và có 05 người con tên Đào Thị N3, Đào Thị Kim H2, Đào Thị Kim N4, Đào Minh T3, Đào Minh T2. Phần đất đang tranh chấp cấp cho hộ cụ Phùng Văn P vào năm 1996, thời điểm này có gia đình bà nhưng gia đình bà đã được cụ P cho đất ở riêng nên gia đình bà không có liên quan đến các thửa đất này. Bà yêu cầu chia toàn bộ diện tích đất đang tranh chấp làm 05 phần bằng nhau cho ông T, ông K, bà H2, bà Phùng Thị L, ông Đào Văn Đ (do bà đại diện nhận), bà nhận phần đất có diện tích 913 m2, bà xin nhận phần đất có mộ ông Đào Văn Đ. Bà chỉ xác định được ranh đất thửa 35 có phần giáp với đất của bà, các vị trí ranh khác bà không xác định được. Bà đồng ý thanh toán chi phí làm mộ, mai táng phí cho bà L theo yêu cầu của bà L với số tiền là 9.612.500 đồng.
Trong quá trình tố tụng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trịnh Văn N1 trình bày:
Ông là chồng của bà Phùng Thị L. Ông sống với bà L trên phần đất này từ năm 1987 cho đến nay. Trong thời gian chung sống với bà L, ông cùng với bà L chăm sóc cho cụ P vì cụ P bị bệnh, không lao động được. Ông đề nghị Tòa xem xét phần công sức vợ chồng ông nuôi dưỡng cho cụ P, ông giao cho bà L đại diện nhận. Trên phần đất đang tranh chấp có nhà ở, cây trồng, cát san lấp là của vợ chồng ông và ông yêu cầu ai nhận phần đất phải bồi thường giá trị cây trồng và cát san lấp cho vợ chồng ông. Tuy nhiên, ông giao cho bà L được đại diện ông nhận số tiền bồi thường này.
Trong quá trình tố tụng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Đào Minh T2 trình bày:
Anh là con của ông Đào Văn Đ, ông Đ đã chết. Nay phần đất ông Đ được nhận khi chia di sản thừa kế của ông Phùng Văn P thì anh giao lại cho mẹ bà Nguyễn Thị T1 được nhận, anh không có tranh chấp.
Trong quá trình tố tụng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Trịnh Thị Mỹ N2 trình bày:
Chị là con ruột của bà Phùng Thị L và ông Trịnh Văn N1. Phần đất tranh chấp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ cụ Phùng Văn P. Hộ của cụ P gồm có cụ P, bà L, chị và anh Trịnh Minh Quới nên chị yêu cầu xem xét chia các thửa đất làm 04 phần, chị nhận 01 phần nhưng chị không làm đơn yêu cầu độc lập. Phần cây trồng và công sức cải tạo đất là do cha mẹ chị trồng và san lấp cát, lên bờ, chị không có đóng góp.
Do hòa giải không T, Tòa án nhân dân huyện B đã đưa vụ án ra xét xử.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 64/2020/DS-ST ngày 30/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện B đã áp dụng các Điều 147, 157, 244, 227, 228 Bộ luật Tố tụng Dân sự; các Điều 649, 650, 651, 652 và 660 Bộ luật Dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Phùng Văn T, Phùng Văn K, Phùng Thị Thúy H.
Chấp nhận yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cụ Mai Thị H (do Phùng Văn T, Phùng Văn K, Phùng Thị Thúy H là người kế thừa quyền và nghĩa vụ).
Chấp nhận yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị T1.
Cụ thể tuyên:
Chia thừa kế di sản của cụ Phùng Văn P là thửa đất số 166, tờ bản đồ số 8, diện tích 192,7 m2; thửa đất số149, tờ bản đồ số 8, diện tích 1.431,9 m2 và thửa đất số 35, tờ bản đồ số 8, diện tích 3.858,9 m2, cùng tọa lạc ấp Giồng Trôm, xã N, huyện B, tỉnh Bến Tre như sau:
Bà Phùng Thị L được quyền sử dụng phần đất có diện tích 3.858,9 m2, thuộc thửa đất số 35, tờ bản đồ số 8, tọa lạc ấp Giồng Trôm, xã N, huyện B, tỉnh Bến Tre và nhà ở, công trình kiến trúc, cây trồng trên đất do bà Phùng Thị L, ông Trịnh Văn N1, chị Trịnh Thị Mỹ N2 đang quản lý.
Bà Phùng Thị Thúy H, ông Phùng Văn T, ông Phùng Văn K được quyền đồng sử dụng phần đất có diện tích 192,7 m2, thuộc thửa đất số 166, tờ bản đồ số 8 và phần đất có diện tích 1.431,9 m2, thuộc thửa đất số 149, tờ bản đồ số 8, cùng tọa lạc ấp Giồng Trôm, xã N, huyện B, tỉnh Bến Tre cùng cây trồng trên đất do bà Phùng Thị L, ông Trịnh Văn N1, chị Trịnh Thị Mỹ N2 có trách nhiệm giao lại.
Buộc bà Phùng Thị L có nghĩa vụ thanh toán cho bà Phùng Thị Thúy H, ông Phùng Văn T, ông Phùng Văn K giá trị chênh lệch số tiền 429.162.856 đồng.
Buộc bà Phùng Thị L có nghĩa vụ thanh toán cho bà Nguyễn Thị T1 giá trị phần đất bà T1 được nhận số tiền 188.520.714 đồng.
Buộc các đương sự phải giữ nguyên hiện trạng phần đất đang tranh chấp thuộc thửa đất số 35, 149, 166, tờ bản đồ số 8, cùng tọa lạc ấp Giồng Trôm, xã N, huyện B, tỉnh Bến Tre để đảm bảo thi hành án.
Các đương sự được quyền liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất được nhận nêu trên theo quy định của pháp luật khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho cá nhân cụ Phùng Văn P để cấp lại cho bà Phùng Thị L, bà Phùng Thị Thúy H, ông Phùng Văn K, ông Phùng Văn T cho phù hợp với bản án tuyên.
Buộc bà Phùng Thị Thúy H, ông Phùng Văn K, ông Phùng Văn T phải liên đới bồi thường cho bà Phùng Thị L tổng giá trị cây trồng và cát san lấp trên phần đất được nhận số tiền 171.810.000 đồng.
Buộc ông Phùng Văn T, ông Phùng Văn K, bà Phùng Thị Thúy H, bà Nguyễn Thị T1, mỗi người có nghĩa vụ thanh toán cho bà Phùng Thị L chi phí mai táng phí cụ P tương ứng với số tiền 9.612.500 đồng.
Buộc những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của cụ Mai Thị H gồm có ông Phùng Văn T, ông Phùng Văn K và bà Phùng Thị Thúy H phải có nghĩa vụ liên đới thanh toán cho bà L chi phí mai táng phí tương ứng số tiền 9.212.500 đồng.
Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí, chi phí tố tụng nghĩa vụ chậm thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 14/10/2020, bị đơn bà Phùng Thị L kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Nội dung kháng cáo bà L cho rằng: (1) Bản án ghi nhận bà là người có công quản lý, giữ gìn, tu bổ đất từ trước đến nay nhưng việc phân chia di sản theo bản án sơ thẩm là rất thiệt thòi cho quyền lợi của bà; (2) Bà không đồng ý chia di sản thừa kế cho cụ H vì cụ H không có công sức trong phần di sản, bà cũng không đồng ý chia di sản cho ông Đ vì ông Đ chết trước cụ P; (3) Phần di sản có công sức của cụ Tề trong thời gian chung sống với cụ P nên việc phân chia di sản như cấp sơ thẩm là chưa đảm bảo cho quyền lợi của bà; (4) Thửa 149, tờ bản đồ số 8, diện tích 1431,9m2 trước đây là đất trồng lúa nước, có đưa vào tập đoàn sản xuất, sau đó giao khoán lại cho hộ của cụ P nên thuộc quyền quản lý của bà; (5) Cấp sơ thẩm không trích 01 phần đất trong di sản do cụ P để lại để thờ cúng ông bà. Do đó, đề nghị cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại theo thủ tục chung.
Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn giữ nguyên nội dung kháng cáo, ông N trình bày: Cấp sơ thẩm chưa làm rõ được các vấn đề như việc đổi đất, phần đất lúa đưa vào tập đoàn sản xuất sau đó khoán lại, cũng như công sức của cụ Tề trong việc hình thành di sản vì thời gian chung sống giữa cụ P với cụ Tề từ năm 1965 là hôn nhân thực tế. Do đó, đề nghị hủy bản án sơ thẩm để làm rõ các vấn đề này để đảm bảo quyền lợi cho bà L, đồng thời đề nghị để lại một phần di sản để dùng vào việc thờ cúng.
Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn không đồng ý với nội dung kháng cáo, chị T trình bày: Bị dơn cho rằng toàn bộ đất lúa trên địa bàn tỉnh Bến Tre đều vào tập đoàn sản xuất là không có căn cứ. Đất tranh chấp là tài sản chung của cụ H và cụ P do đổi đất từ cụ Nghệ, đồng thời hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng thể hiện đất cấp cho cá nhân cụ P. Bà L cũng đã được nhận hai kỷ phần nên cấp sơ thẩm đã xem xét về công sức đóng góp, giữ gìn di sản của bà L. Đề nghị hội đồng xem xét không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:
Về tố tụng: Những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
Về nội dung: Các bên đương sự thống nhất cụ H và cụ P có 03 người con chung, theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 thì cụ H là vợ hợp pháp của cụ P, ông Đ được các bên thừa nhận là con riêng nhưng được xem như con ruột nên hàng thừa kế thứ nhất của cụ P theo nhận định của cấp sơ thẩm là có căn cứ. Theo hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ cụ P thì các tờ trình có nội dung cấp cho 2089 cá nhân trong đó có cụ P, do đó tuy giấy chứng nhận ghi hộ nhưng thực tế là cấp cho cá nhân cụ P, chỉ có cụ Phương điểm chỉ kê khai. Cụ P chết không để lại di chúc, cấp sơ thẩm chia thừa kế theo quy định pháp luật là có căn cứ. Bà T1 được các con thống nhất giao phần di sản của mình được nhận cho bà nên cấp sơ thẩm giao cho bà T1 là phù hợp. Cụ H có yêu cầu độc lập, khi cụ H chết những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cụ H tiếp tục yêu cầu nên được chia thừa kế là có căn cứ. Bị đơn cho rằng trong các thửa đất tranh chấp có thửa 149 là đất lúa, có đưa vào tập đoàn sản suất, sau đó khoán lại cho hộ gia đình bà nhưng tại cấp sơ thẩm bị đơn không trình bày vấn đề này, tại phiên tòa phúc thẩm cũng không cung cấp được chứng cứ chứng minh nên không có căn cứ để xem xét. Bị đơn cho rằng cụ Tề có công sức đóng góp trong việc hình thành di sản nhưng không có chứng cứ chứng minh. Việc trích di sản dùng vào việc thờ cúng do không có di chúc nên cũng không có cơ sở để xem xét. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, không chấp nhận kháng cáo của bà Phùng Thị L, giữ nguyên Bản án sơ thẩm số: 64/2020/DS- ST ngày 30/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện B.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa; kết quả tranh tụng tại phiên tòa; ý kiến đề nghị của Kiểm sát viên; xét kháng cáo của bà Phùng Thị L; Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Phần đất tranh chấp thuộc các thửa đất số 35 (bao gồm 300 m2 đất ONT và 3.558,9 m2 đất CLN); thửa đất số 149 có diện tích đất là 1.431,9 m2; thửa đất số 166 có diện tích là 192,7 m2 cùng tờ bản đồ số 8, tọa lạc ấp Giồng Trôm, xã N, huyện B, tỉnh Bến Tre đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ cụ Phùng Văn P. Các phần đất trên do gia đình bà L đang quản lý, sử dụng.
Nguyên đơn Thành, ông K, bà H2 cho rằng các thửa đất tranh chấp là di sản do cụ Phùng Văn P để lại nên yêu cầu chia thừa kế toàn bộ diện tích đất nêu trên cho những người thừa kế của cụ P gồm cụ H, ông T, ông K, bà H2, ông Đ, bà L. Bị đơn bà Phùng Thị L cho rằng đất cấp cho hộ cụ Phùng Văn P gồm cụ P, bà L, chị Trịnh Thị Mỹ N2, anh Trịnh Minh Quới (đã chết) nên yêu cầu chia làm 04 phần, trong đó cụ P được nhận 01 phần sẽ chia thừa kế cho ông T, ông K, bà H2, ông Đ, bà L.
[2] Theo hồ sơ vụ án thể hiện cấp sơ thẩm đã thu thập chứng cứ để giải quyết vụ án nhưng chưa đầy đủ, chưa làm rõ nguồn gốc đất là của cụ P và cụ H đổi với cụ Nghệ như trình của nguyên đơn hay là của cụ P và cụ Tề giữ canh như trình của bị đơn để xác định đúng di sản do người chết để lại, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự khi chia thừa kế. Ngoài ra, tại cấp phúc thẩm, bị đơn cho rằng thửa đất 149, tờ bản đồ số 8 diện tích 1431,9m2 là đất lúa đã đưa vào tập đoàn sản xuất sau đó khoán lại cho hộ cụ P, đây là tình tiết mới phát sinh cần tiến hành xác minh, làm rõ.
Đối với ông Đ, cả nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận mặc dù là con riêng của cụ Tề nhưng được cụ P xem như con ruột và đồng ý chia thừa kế cho ông Đ như những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ P. Tuy nhiên, ông Đ chết năm 2014, cụ P chết năm 2016, những người con của ông Đ được thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015, lẽ ra cấp sơ thẩm phải thông báo và hướng dẫn cho những người con của ông Đ yêu cầu chia thừa kế mới phù hợp. Trong khi đó, bà T1 là vợ ông Đ lại có yêu cầu độc lập, cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu độc lập và chia thừa kế cho bà T1 phần của ông Đ tương đương với một kỷ phần thừa kế, đồng thời cấp sơ thẩm còn nhận định bà T1 là người cao tuổi nên được miễn án phí là xác định sai tư cách tham gia tố tụng, chia thừa kế không đúng quy định, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Từ nhận định trên, xét thấy cấp sơ thẩm chưa thu thập đầy đủ chứng cứ, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được, đồng thời cũng phát sinh tình tiết mới tại cấp phúc thẩm nên hủy bản án, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục chung. Kháng cáo của bị đơn có căn cứ nên được chấp nhận.
[3] Đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre không phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên không được chấp nhận.
[4] Về án phí phúc thẩm: Do kháng cáo được chấp nhận nên bà Phùng Thị L không phải chịu án phí.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;
Hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 64/2020/DS-ST ngày 30/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện B xét xử vụ án “Tranh chấp thừa kế” giữa nguyên đơn ông Phùng Văn T, ông Phùng Văn K, bà Phùng Thị Thúy H với bị đơn bà Phùng Thị L, giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân huyện B để xét xử lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
Án phí phúc thẩm: Hoàn trả cho bà Phùng Thị L số tiền tạm ứng án phí đã nộp 300.000 đồng theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0003725 ngày 21 tháng 10 năm 2020 của Chi cục thi hành án dân sự huyện B, tỉnh Bến Tre.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp thừa kế số 06/2021/DS-PT
Số hiệu: | 06/2021/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bến Tre |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 06/01/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về