TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
BẢN ÁN 48/2022/DS-PT NGÀY 28/02/2022 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT VÀ TÀI SẢN GẮN LIỀN VỚI ĐẤT, TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG
Trong các ngày 21 và 28 tháng 02 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Long An xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 07/2022/TLPT-DS ngày 04 tháng 01 năm 2022, về việc “Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tranh chấp hợp đồng tín dụng”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 106/2021/DS-ST ngày 18 tháng 11 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện Đ bị kháng cáo và kháng nghị.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 28/2022/QĐ-PT ngày 08 tháng 02 năm 2022 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Cụ Phạm Thị S, sinh năm 1930. Địa chỉ: Ấp M, xã M, huyện Đ, tỉnh Long An. Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn:
1. Ông Nguyễn Văn H, sinh năm 1966, địa chỉ: Khu phố A, thị trấn T, huyện T, tỉnh Long An.
2. Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1964, địa chỉ: Ấp M, xã M, huyện Đ, tỉnh Long An.
(Được uỷ quyền theo văn bản ủy quyền ngày 14/5/2021);
3. Ông Nguyễn Văn H1, sinh năm 1954, địa chỉ: Ấp M, xã M, huyện Đ, tỉnh Long An.
(Được uỷ quyền theo văn bản ủy quyền ngày 04/5/2021) - Bị đơn: Bà Đỗ Thị G, sinh năm: 1975.
Địa chỉ: Ấp M, xã M, huyện Đ, tỉnh Long An.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn:
1. Luật sư Bùi Trường C, Văn phòng Luật sư Bùi Trường C thuộc Đoàn luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh.
2. Luật sư Lê Kim D, Văn phòng Luật sư Lê Quang H thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Long An.
- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam.
Địa chỉ: đường L, Quận B, Thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Tiết Văn T, Tổng giám đốc. Người đại diện hợp pháp của Ngân hàng:
1. Ông Nguyễn Trung N, Phó phòng phụ trách tín dụng (Theo Văn bản ủy quyền số 34/ NHNoĐH-TD ngày 18/01/2021).
2. Ông Lâm Hữu C, Phó Giám đốc (Theo văn bản uỷ quyền số 111/NHNoĐH-TD ngày 18/02/2022)
- Người kháng cáo: Nguyên đơn cụ Phạm Thị S, bị đơn bà Đỗ Thị G và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh huyện Đ Long An.
- Viện Kiểm sát kháng nghị: Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đ, tỉnh Long An.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện ngày 12/5/2020, đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện ngày 20/10/2021 và ngày 26/5/2021 cùng các lời khai trong quá trình tham gia tố tụng tại Toà án cấp sơ thẩm, nguyên đơn cụ Phạm Thị S cũng như người đại diện hợp pháp của nguyên đơn các ông bà Nguyễn Văn H, Nguyễn Thị H và Nguyễn Văn H1 trình bày:
Cụ Phạm Thị S và cụ Nguyễn Văn H2 là vợ chồng. Vào năm 1969, cụ S và cụ H2 có tạo lập được quyền sử dụng đất các thửa 23 và 36 thuộc tờ bản đồ số 05 tọa lạc tại Ấp M, xã M, huyện Đ, tỉnh Long An. Năm 1988, cụ H2 chết, cụ S tiếp tục sử dụng đất, kê khai đăng ký và được Uỷ ban nhân dân huyện Đ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1997. Cụ S chung sống với người con là Nguyễn Hữu H3, trong quá trình chung sống do ông H3 cần vốn làm ăn nên thường xuyên yêu cầu cụ S vay tiền. Đến năm 2007, do cụ S tuổi cao đi lại khó khăn và Ngân hàng không cho những người trên 70 tuổi vay tiền nên ông H3 mới làm thủ tục để cụ S ký hợp đồng tặng cho nhà đất cho ông H3 để ông H3 đứng tên quyền sử dụng đất vay Ngân hàng. Đến ngày 04/3/2020, ông Nguyễn Hữu H3 chết đột ngột không để lại di chúc nên bà Đỗ Thị G là vợ của ông H3 tự ý làm thủ tục sang tên nhà đất cho bà G, cụ S phát hiện thì giữa bà G và cụ S phát sinh mâu thuẫn.
Cụ S uỷ quyền cho các con gồm các ông bà Nguyễn Văn H, Nguyễn Thị H và Nguyễn Văn H1 khởi kiện xin chia thừa kế quyền sử dụng đất mà ông H3 chết để lại. Phần đất qua đo đạc thực tế là 337,5m2 đất ONT và 928m2 đất CLN thuộc hai thửa 36, 23 tờ bản đồ số 05 Ấp M, xã M, huyện Đ, tỉnh Long An trên đất có nhà cụ S và nhà của vợ chồng bà G. Nguồn gốc đất của cụ S và cụ H2 tạo lập gìn giữ đến nay nên các ông bà đại diện cụ S đề nghị Tòa án chia cho cụ S 12,6m đất chiều ngang cập đường công cộng, dài hết diện tích đất, giao cho bà G 5m ngang x dài hết đất gắn liền với nhà của bà G (đến phần đất có khu mã). Về phần căn nhà trên đất đề nghị Tòa án chia thừa kế theo qui định pháp luật. Đối với khoản nợ Ngân hàng do vợ chồng bà G vay chăn nuôi bò và xây nhà, do ông H3 chết thì bà G tự chịu trách nhiệm trả nợ, mẹ các ông bà là cụ S không đồng ý trả nợ Ngân hàng thay cho ông H3.
Bị đơn bà Đỗ Thị G trình bày:
Bà và ông Nguyễn Hữu H3 chung sống với nhau từ năm 1995 đến năm 2007 bà với ông H3 mới đăng ký kết hôn do vay Ngân hàng nên Ngân hàng yêu cầu phải có giấy chứng nhận kết hôn nên vợ chồng bà mới đăng ký kết hôn. Bà là dâu út của cụ Phạm Thị S nên vợ chồng chung sống với cụ S. Ngày 13/8/2007, chồng bà là ông Nguyễn Hữu H3 được mẹ chồng là cụ Phạm Thị S tặng cho quyền sử dụng đất các thửa 23 và 36 thuộc tờ bản đồ số 05 tọa lạc tại Ấp M, xã M, huyện Đ, tỉnh Long An diện tích 1.265m2. Ông H3 được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 26/9/2007. Ngày 04/3/2020, ông H3 chết không để lại di chúc. Trước yêu cầu khởi kiện của mẹ chồng bà là cụ Phạm Thị S đối với bà, bà đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật, cụ thể: toàn bộ hai thửa đất số 23 và 36 thuộc tờ bản đồ số 05 tọa lạc tại Ấp M, xã M, huyện Đ, tỉnh Long An diện tích 1.265m2 là tài sản chung của vợ chồng bà, trong đó phần của bà là ½ diện tích đất và ½ trị giá nhà. Phân nửa còn lại là di sản của ông H3 chia đôi cho bà và cụ S. Về nợ Ngân hàng, bà chịu trách nhiệm ¾ còn cụ S chịu trách nhiệm ¼ số nợ.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Huyện Đ, tỉnh Long An do ông N đại diện trình bày:
Ông Nguyễn Hữu H3 và bà Đỗ Thị G đã ký kết với Agribank Chi nhánh huyện Đ Long An – Phòng giao dịch khu vực G (nay là PGD Đ) hợp đồng tín dụng số G181333/HĐTD ngày 31/10/2018 và hợp đồng tín dụng số G191182/HĐTD ngày 29/10/2019.
Đối với hợp đồng tín dụng số G181333/HĐTD ngày 31/10/2018, ông H3 và bà G vay số tiền 500.000.000 đồng, ngày nhận tiền là ngày 01/11/2018 với mục đích chăn nuôi bò; thời hạn vay 48 tháng; thời hạn trả cuối cùng vào ngày:
31/10/2022. Lãi suất trong hạn: tại thời điểm vay 9%/năm (hiện tại 10%/năm). Hình thức bảo đảm tiền vay: Cho vay có bảo đảm bằng tài sản theo Hợp đồng thế chấp số G181332/HHĐTC ngày 31/10/2018. Phân kỳ trả nợ ngày 31/10/2020 ông H3 và bà G phải thanh toán gốc là 110.000.000 đồng và lãi vay. Tuy nhiên ông H3, bà G chỉ thanh toán gốc 100.045.624 đồng, dẫn đến phần nợ gốc theo phân kỳ 9.954.367 đồng và toàn bộ dư nợ còn lại chuyển sang nợ quá hạn. Đến 18/01/2021, tổng nợ gốc và lãi ông H3, bà G phải trả theo hợp đồng tín dụng trên là 393.275.606 đồng, trong đó nợ gốc 369.954.376 đồng và lãi tạm tính (đến 18/01/2021) là 23.321.230 đồng.
Đối với hợp đồng tín dụng số G191182/HĐTD ngày 29/10/2019, số tiền vay:
1.500.000.000 đồng; mục đích vay: sửa chữa nhà ở và xây hàng rào; thời hạn vay 60 tháng; ngày nhận tiền vay: ngày 29/10/2019; thời hạn trả cuối cùng vào ngày:
29/10/2024. Số tiền vay gốc được định kỳ trả nợ như sau: 29/10/2020 trả gốc 300.000.000 đồng, 29/10/2021 trả gốc 300.000.000 đồng, 29/10/2022 trả gốc 300.000.000 đồng, 29/10/2023 trả gốc 300.000.000 đồng, 29/10/2024 trả gốc 300.000.000 đồng. Lãi suất trong hạn: tại thời điểm vay 11,5%/năm. Hình thức bảo đảm tiền vay: Cho vay có bảo đảm bằng tài sản theo hợp đồng thế chấp số G181332/HHĐTC ngày 31/10/2018. Phân kỳ trả nợ ngày 29/10/2020 ông H3 và bà G phải thanh toán gốc là 300.000.000 đồng và lãi vay, tuy nhiên ông H3 bà G không thực hiện, dẫn đến phần nợ gốc theo phân kỳ 300.000.000 đồng và toàn bộ dư nợ còn lại chuyển sang nợ quá hạn. Đến 18/01/2021, tổng nợ gốc và lãi ông H3 bà G phải trả theo hợp đồng tín dụng trên là 1.702.665.391 đồng, trong đó nợ gốc 1.500.000.000 đồng và lãi tạm tính (đến 18/01/2021) là 202.665.391 đồng.
Theo hợp đồng tín dụng số G181333/HĐTD ngày 31/10/2018 và hợp đồng tín dụng số G191182/HĐTD ngày 29/10/2019 nêu trên thì ông Nguyễn Hữu H3 bà Đỗ Thị G còn phải thanh toán cho Ngân hàng tổng số tiền nợ gốc và lãi tạm tính đến 18/01/2021 là 2.095.940.997 đồng, trong đó tổng nợ gốc là 1.869.954.376 đồng và lãi tạm tính (đến 18/01/2021) là 225.986.621 đồng. Mặc dù ngân hàng đã nhiều lần gọi điện thông báo, đến nhà nhắc nhở, đôn đốc nhưng đến nay ông H3 – bà G vẫn cố tình vi phạm hợp đồng, không thanh toán nợ vay theo hợp đồng trên. Điều này dẫn đến toàn bộ số nợ vay và lãi đã chuyển sang nợ quá hạn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Đến ngày 04/3/2020, ông Nguyễn Hữu H3 chết đột ngột. Ngân hàng khởi kiện yêu cầu bà G và những người thừa kế của ông H3 là bà G, cụ S phải liên đới thanh toán cho Ngân hàng số tiền gốc 1.869.954.376 đồng và tiền lãi cho đến ngày xét xử (tiền lãi tạm tính đến ngày 18/11/2021 là 423.137.833 đồng) và tiền lãi phát sinh cho đến khi người thừa kế ông H3, bà G trả hết nợ theo hai hợp đồng tín dụng số G181333/HĐTD ngày 31/10/2018 và G191182/HĐTD ngày 29/10/2019 đã ký kết. Tổng cộng vốn lãi tính đến ngày 18/11/2021 là 2.293.092.209 đồng.
Nếu bà G và những người thừa kế của ông H3 là cụ S không thanh toán số tiền trên đề nghị Tòa án nhân dân huyện Đ phát mãi tài sản đã thế chấp cho Ngân hàng theo hợp đồng thế chấp số G181332/HHĐTC ngày 31/10/2018.
Vụ án được Toà án cấp sơ thẩm tiến hành giải nhưng các đương sự không thoả thuận được với nhau.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 106/2021/DS-ST ngày 18 tháng 11 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện Đ đã căn cứ Điều 26, Điều 35, Điều 39, Điều 91, Điều 147, Điều 271, Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; căn cứ khoản Điều 100, Điều 167 Luật Đất đai năm 2013; Điều 649, Điều 650, Điều 660, Điều 651, Điều 623, Điều 615; Điều 299, Điều 466, Điều 468 Bộ luật dân sự 2015; Điều 33 và Điều 34 Luật hôn nhân và Gia đình năm 2014; Điều 91, Điều 95 Luật các tổ chức tín dụng; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án đã tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ Phạm Thị S do ông Nguyễn Văn H, bà Nguyễn Thị H và ông Nguyễn Văn H1 đại diện về việc“Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” với bà Đỗ Thị G.
1.1. Cụ Phạm Thị S được thừa hưởng quyền sử dụng đất diện tích 859,6m2 và sở hữu toàn bộ nhà và tài sản gắn liền với đất thuộc phần thửa 23 và 36 tờ bản đồ 5 xã M, huyện Đ, tỉnh Long An loại đất ONT và CLN. Vị trí đất tại Khu B theo Mảnh trích đo do Công ty TNHH nhà đất T lập ngày 18/11/2021 dựa trên Mãnh trích đo do Chi nhánh Văn Phòng đăng ký đất đai tại huyện Đ duyệt ngày 23/10/2020. Cụ Phạm Thị S được liên hệ cơ quan có thẩm quyền khai khai đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định.
1.2. Bà Đỗ Thị G được hưởng quyền sử dụng diện tích đất 406,7 m2 và sở hữu nhà, hàng rào gắn liền với đất thuộc phần thửa 23 và 36 tờ bản đồ 5 xã M, huyện Đ, Long An loại đất ONT và CLN. Vị trí đất tại Khu A theo Mãnh trích đo do Công ty TNHH nhà đất T lập ngày 18/11/2021 dựa trên Mãnh trích đo do Chi nhánh Văn Phòng đăng ký đất đai tại huyện Đ duyệt ngày 23/10/2020. Bà G được liên hệ cơ quan có thẩm quyền khai khai đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định.
1.3. Bà Đỗ Thị G hoàn trả phần tiền chênh lệch cho cụ Phạm Thị S là 1.776.584.707 đồng.
Áp dụng khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 tính lãi chậm thi hành.
2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam về việc: “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” với bà Đỗ Thị G và người thừa kế ông Nguyễn Hữu H3.
Buộc bà Đỗ Thị G phải trả Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam vốn và lãi tính đến ngày 18/11/2021 là 2.293.092.209 đồng. Kể từ ngày 19/11/2021 đến khi thi hành án xong, bà G phải chịu thêm tiền lãi theo lãi suất nợ quá hạn theo Hợp đồng tín dụng mà các bên đã ký kết. Trong trường hợp bà G chậm trả thì Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam có quyền yêu cầu phát mãi một phần tài sản thế chấp là kỷ phần quyền sử dụng đất bà G được hưởng tại phần 1.2 để thanh toán nợ Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam.
3. Về chi phí giám định, đo đạc, thẩm định, định giá: Cụ Phạm Thị S phải chịu 10.000.000 đồng tiền giám định (đã nộp xong); Cụ Phạm Thị S phải chịu 32.690.000 đồng (đã nộp xong và chi phí hết). Bà G chịu 14.010.000 đồng. Bà G phải nộp hoàn trả Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam 2.000.000 đồng và trả cụ S 12.010.000 đồng.
Áp dụng khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 tính lãi chậm thi hành.
4. Về án phí dân sự sơ thẩm: Bà Đỗ Thị G phải chịu 114.932.718 đồng án phí được hưởng di sản, 65.297.541 đồng án phí hoàn trả tài sản phần chênh lệch, 56.715.298 đồng án phí trả nợ. Tổng số tiền phải nộp là 236.945.557 đồng án phí dân sự sơ thẩm sung vào Ngân sách Nhà nước.
Bà Phạm Thị S thuộc trường hợp được miễn tiền tạm ứng án phí, án phí.
Hoàn lại Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam 36.960.000 đồng theo biên lai số 0007434 ngày 21/01/2021 tại Chi cục thi hành án huyện Đ.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về quyền và nghĩa vụ thi hành án, quyền kháng cáo của các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 30/11/2021 bị đơn bà Đỗ Thị G làm đơn kháng cáo không đồng ý toàn bộ bản án sơ thẩm. Trong văn bản bổ sung đơn kháng cáo, bà G yêu cầu được hưởng thừa kế 13.803.586.300đồng, có nghĩa vụ trả nợ ngân hàng 2.293.092.209 đồng, cụ S được chia thừa kế 3.434.495.148đồng.
Ngày 01/12/2021 cụ Phạm Thị S làm đơn kháng cáo không đồng ý chia công sức đóng góp cho bà G với số tiền 1.781.289.200đồng.
Ngày 02/12/2021 Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam kháng cáo không đồng ý với nội dung quyết định của bản án sơ thẩm về phần phát mãi một phần tài sản thế chấp tại Agribank. Các tài sản thế chấp nêu trong bản án được Agribank đăng ký giao dịch bảo đảm, được ưu tiên thanh toán theo quy định. Do đó Agribank đề nghị Toà tuyên buộc cụ S và bà G phải thực hiện thanh toán toàn bộ nợ vay và lãi, phí liên quan trước khi thực hiện cắt chia, chuyển quyền tài sản thừa kế.
Ngày 02/12/2021 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Đ ban hành Quyết định số 611/QĐ-VKS-DS kháng nghị Bản án dân sự sơ thẩm, đề nghị Toà án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, đề nghị xác định thửa đất số 23 và 36 là tài sản chung của vợ chồng, xác định di sản thừa kế được phân chia cho những người thừa kế, về quyền phát mãi tài sản và về án phí.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự không thoả thuận được với nhau, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn ông Nguyễn Văn H, bà Nguyễn Thị H trình bày đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm, chỉ không đồng ý phần đánh giá công sức, cho rằng bà G không có công sức trong việc tạo lập quyền sử dụng hai thửa đất nên không đồng ý chia công sức cho bà G. Bị đơn bà Đỗ Thị G không đồng ý với yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn và giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Người đại diện cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Lâm Hữu C trình bày đề nghị Toà án chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Ngân hàng, khoản nợ của ông H3 vay đến nay đã quá hạn, cần phải trả nợ trước khi chia di sản.
Luật sư Lê Kim D phát biểu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trình bày: Quyền sử dụng hai thửa đất số 23 và 36 tờ bản đồ số 5 là tài sản chung của vợ chồng ông H3 bà G không phải là tài sản riêng của ông H3 nên không phải là di sản, di sản của ông H3 là ½ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất sau khi chia công sức đóng góp cho bà G. Như vậy bà G được chia ½ tài sản, ½ còn lại là di sản bà G và cụ S mỗi người được hưởng ½. Như vậy bà G được chia 2/3 tài sản, 1/2 còn lại chia cho cụ S. Ai nhận được tài sản nhiều hơn thì có nghĩa vụ thối hoàn tiền chênh lệch. Ngoài ra đề nghị Hội đồng xét xử xem xét tính lại phần án phí.
Luật sư Bùi Trường C phát biểu bảo vệ quyền lợi cho bị đơn trình bày cho rằng kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đ cho rằng quyền sử dụng hai thửa đất 23 và 36 là tài sản chung của vợ chồng và phân tích các căn cứ là đúng pháp luật, bà G có công sức lớn trong việc duy trì tôn tạo quyền sử dụng đất, san lấp mặt bằng để xây dựng nhà như hiện trạng hiện nay, đồng thời cũng đồng ý với quan điểm về xử lý tài sản của phía Ngân hàng. Về thủ tục tố tụng, bà G và phía Ngân hàng không nhận được thông báo kháng cáo của Toà án cấp sơ thẩm, việc xác định tư cách tham gia tố tụng, xác định quan hệ tranh chấp về thừa kế, tranh chấp về hợp đồng tín dụng khi nhập vụ án cũng có vi phạm tố tụng. Về nội dung: tại mục [2.1] đến [2.5] của bản án sơ thẩm, Toà án cấp sơ thẩm tính toán có sự sai lệch số, áp giá quyền sử dụng đất chưa chính xác gây thiệt thòi quyền lợi cho bà G. Đề nghị Hội đồng xét xử huỷ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án về Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.
Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An rút một phần kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Đ về phần xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng, đồng thời phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc chấp hành pháp luật trong giai đoạn xét xử phúc thẩm cho rằng: Toà án cấp phúc thẩm và các đương sự chấp hành đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn luật định, hợp lệ nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.
Xét kháng cáo của các đương sự và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đ, nhận thấy:
Về công sức đóng góp của bà G trong việc giữ gìn và duy trì quyền sử dụng đất:
Nguồn gốc của thửa đất số 23 và 36 của cụ S và cụ H2 tạo lập. Sau khi cụ H2 chết gia đình thống nhất để cụ S kê khai và đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bà G về chung sống với ông H3 từ năm 1995 đến ngày 15/10/2007 mới đăng ký kết hôn. Thực tế ông H3 đã được cụ S tặng cho quyền sử dụng đất ngày 26/9/2007. Từ sau khi được tặng cho quyền sử dụng đất thì ông H3 liên tục thế chấp quyền sử dụng đất để vay ngân hàng. Bà G không có chứng cứ gì chứng minh là trong quá trình chung sống đã có công sức trong việc gìn giữ tu bổ làm tăng giá trị đất nên việc bà G cho rằng bà có công sức đóng góp, gìn giữ và duy trì quyền sử dụng đất là không có cơ sở. Kháng cáo của cụ S không đồng ý trích 1/10 giá trị quyền sử dụng đất để bù đắp công sức đóng góp cho bà G là có cơ sở xem xét.
Về xác định tài sản chung, tài sản riêng:
Căn cứ vào khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, đối chiếu với Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa cụ Phạm Thị S với ông Nguyễn Hữu H3 được Ủy ban nhân dân xã M chứng thực ngày 13/8/2007 chỉ có một ông Nguyễn Hữu H3 đứng tên bên mục người được tặng cho, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng chỉ mang tên Nguyễn Hữu H3. Ông H3 và bà G sống chung từ năm 1995 đến ngày 15/10/2007, ông H3, bà G mới đăng ký kết hôn là sau thời điểm ông H3 đứng tên quyền sử dụng đất.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 18/11/2021, bà G trình bày bà G và ông H3 sống chung từ năm 1995 đến năm 2007 mới đăng ký kết hôn để hoàn thành thủ tục vay ngân hàng và thực tế sau khi đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ông H3 liên tục thế chấp quyền sử dụng đất vay tiền của ngân hàng. Bà G ký tên là đồng sở hữu trong hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất. Do đó có cơ sở xác định bà G ký tên với tư cách là đồng sở hữu chỉ là thủ tục đăng ký thế chấp theo quy định của Ngân hàng.
Từ ngày 26/9/2007 đến ngày ông H3 chết (ngày 04/3/2020) thì giữa ông H3 và bà G không có thỏa thuận sáp nhập tài sản chung hoặc đăng ký chung theo quy định tại Điều 12 Nghị định 126/2014/NĐ-CP ngày 13/12/2014 về việc quy định tiết một số Điều và Biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình. Ngoài việc ký tên với tư cách là đồng sở hữu trong hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất thì bà G không có giấy tờ nào khác chứng minh ông H3 đồng ý sáp nhập hai thửa đất 23 và 36 vào khối tài sản chung của vợ chồng. Do đó, bà G cho rằng quyền sử dụng đất hai thửa đất 23 và 36 nói trên là tài sản chung của vợ chồng là không có cơ sở. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xác định hai thửa đất 23 và 36 là tài sản riêng của ông H3 là phù hợp. Kháng cáo của bà G và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân huyện Đ cho rằng quyền sử dụng đất hai thửa đất 23 và 36 là tài sản chung của bà G với ông H3 là chưa đủ cơ sở. Viện kiểm sát thay đổi rút lại phần nội dung này.
Về việc xác định di sản thừa kế và chia thừa kế:
Như đã phân tích ở trên, xác định hai thửa đất 23 và 36 là tài sản riêng của ông H3 nên di sản của ông H3 được xác định:
Các thửa đất 23 và 36 diện tích 1.266m2 do Ủy ban nhân dân huyện Đ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông H3 ngày 26/9/2007, tổng giá trị là 17.812.892.000đồng.
½ giá trị nhà, tường rào, cổng chính nhà do bà G quản lý, tổng giá trị là 914.550.075đồng, trong đó ½ là phần của bà G, ½ là di sản của ông H3 là 457.275.037 đồng, mỗi kỷ phần được chia là 228.637.518 đồng và phần này các đương sự thống nhất nên không đề cập.
Hàng thừa kế thứ nhất của ông H3: Quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm ngày 21/02/2022 bà G xác định thủ tục nhận nuôi con nuôi chưa hoàn thành nên không yêu cầu Tòa án xem xét chia thừa kế cho cháu Đào Thanh Thảo N và thống nhất hàng thừa kế thứ nhất gồm bà G và cụ S. Xét nguồn gốc thửa đất ông H3 có được là nhận tặng cho từ cụ S nên bản án sơ thẩm nhận định nguồn gốc đất ông H3 đứng tên là tài sản duy nhất của cụ S trong khối tài sản chung với cụ H2 nên chia cho cụ S được thừa kế nhiều hơn là phù hợp. Tuy nhiên, về cách chia tại bản án sơ thẩm chia 1/10 giá trị quyền sử dụng đất cho công sức đóng góp của bà G, xác định phần di sản còn lại chia cho cụ S hưởng 7 phần, bà G hưởng 3 phần là chưa phù hợp với quy định của pháp luật về xem xét công sức đóng góp chia thừa kế theo pháp luật. Thấy rằng nguồn gốc đất là của cụ S, trước đây cụ S sống chung với vợ chồng ông H3 nên mới lập hợp đồng tặng cho ông H3 hết phần đất còn lại của cụ S. Tuy hợp đồng tặng cho không thể hiện điều kiện tặng cho nhưng xét về đạo lý thì vợ chồng ông H3 cần có nghĩa vụ phụng dưỡng cụ S. Nay ông H3 đã chết, hàng thừa kế thứ nhất của ông H3 chỉ có bà G với cụ S mà giữa bà G với cụ S phát sinh mâu thuẫn không thể sống chung. Vì vậy, xét về đạo lý và lẽ công bằng khi xem xét chia thừa kế theo pháp luật cần xem xét nguồn gốc của tài sản chia cho cụ S nhiều hơn bà G tương đương một suất thừa kế theo pháp luật mà bà G và cụ S được hưởng mới hợp tình, hợp lý. Do đó phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đ “Về xác định di sản và phân chia cho những người thừa kế” là có cơ sở. Bà G kháng cáo yêu cầu chia cho cụ S hưởng ¼ tài sản là không có cơ sở chấp nhận.
Về trách nhiệm trả nợ ngân hàng và phát mãi tài sản thế chấp:
Khoản 1 Điều 615 BLDS quy định “Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác” và Điều 618 về thứ tự ưu tiên thanh toán thì bà G và cụ S phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc, tiền lãi cho Ngân hàng theo tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ tài sản được hưởng thừa kế của ông H3. Trong trường hợp bà G và cụ S chậm trả thì ngân hàng có quyền phát mãi quyền sử dụng đất mà bà G và cụ S được hưởng thừa kế để thanh toán nợ cho ngân hàng. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm chỉ chấp nhận cho ngân hàng có quyền phát mãi một phần tài sản thế chấp là kỷ phần quyền sử dụng đất bà G được hưởng là không đúng quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của bà G và Ngân hàng. Do đó kháng nghị của Viện kiểm sát nhân huyện Đ, kháng cáo của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam là có cơ sở.
Về án phí:
Căn cứ vào điểm b khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 “Đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần tài sản họ được chia sau khi trừ đi giá trị tài sản thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba; các đương sự phải chịu một phần án phí ngang nhau đối với phần tài sản thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba theo quyết định của Tòa án”. Như vậy, bà G phải chịu án phí đối với đối với phần tài sản được chia sau khi trừ đi giá trị tài sản thực hiện nghĩa vụ với ngân hàng nhưng bản án sơ thẩm buộc bà G chịu án phí trên toàn bộ phần tài sản được chia và chịu án phí đối với phần tài sản thực hiện nghĩa vụ với ngân hàng là không đúng quy định.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn buộc bà G chịu án phí phần hoàn trả phần chênh lệch tài sản với số tiền là 65.297.541đồng là không đúng ảnh hưởng quyền lợi của bà G. Do đó kháng nghị của Viện kiểm sát nhân huyện Đ là có cơ sở.
Tại phiên tòa ngày 21/02/2022, Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm với những phân tích như trên. Tuy nhiên, tại phiên tòa ngày 28/02/2022 phát sinh thêm các tài liệu, chứng cứ mới do bà G cung cấp “Giấy thỏa thuận về việc cho và nhận con nuôi”, “Đơn xin xác nhận” ngày 19/6/2020 về việc ông H3 và bà G có nhận nuôi cháu Đào Thanh Thảo N. Xét thấy, các tài liệu, chứng cứ này có liên quan đến việc xem xét chia thừa kế mà chưa được thẩm tra xác minh để đưa cháu Thảo N vào tham gia tố tụng. Do đó, để giải quyết vụ án toàn diện cần hủy bản án sơ thẩm giao hồ sơ về cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Kháng cáo của nguyên đơn cụ Phạm Thị S, của bị đơn bà Đỗ Thị G, của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Đ làm đúng theo quy định tại Điều 272, 279 và được gửi đến Tòa án trong thời hạn quy định tại Điều 273, 280 Bộ luật Tố tụng dân sự nên được chấp nhận để xem xét theo trình tự phúc thẩm.
[2] Cụ Phạm Thị S khởi kiện tranh chấp thừa kế với bà Đỗ Thị G, sau nhiều lần thay đổi yêu cầu khởi kiện, cụ S do các ông bà Nguyễn Thị H, Nguyễn Văn H, Nguyễn Văn H1 đại diện xác định yêu cầu khởi kiện, yêu cầu chia di sản thừa kế của ông Nguyễn Hữu H3 đối với quyền sử dụng các thửa đất số 23 và 36 tờ bản đồ số 5 trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AK 83132 và AK 683133 do Uỷ ban nhân dân huyện Đ cấp cho ông Nguyễn Hữu H3 vào ngày 26/9/2007 thửa đất 23 diện tích 520m2 diện tích đo đạc thực tế 337,8m2, thửa đất số 36 diện tích 1.352m2 diện tích đo đạc thực tế 928.5m2 cùng căn nhà gắn liền với đất. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam khởi kiện yêu cầu bà G và những người thừa kế của ông H3 phải thanh toán khoản tiền vay từ hai hợp đồng tín dụng. Toà án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ S sau khi tính công sức cho bà G, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng nhưng chỉ xử lý đối với phần tài sản bà G được chia khi khoản nợ không được thanh toán, vì vậy cụ S, bà G và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam kháng cáo, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Đ đã kháng nghị.
[3] Về thủ tục tố tụng: Cụ Phạm Thị S tranh chấp thừa kế di sản của con ruột là ông Nguyễn Hữu H3, bà Đỗ Thị G tranh chấp tài sản chung của vợ chồng đồng thời cũng xin được nhận di sản của ông H3, Toà án cấp sơ thẩm xác định cụ S và bà G là các đồng thừa kế của ông H3 là đúng quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự.
[4] Trong quá trình xét xử, các đương sự đều trình bày thống nhất, ông H3 và bà G có nhận nuôi cháu Đào Thanh Thảo N, sinh ngày 27/01/2014, các bên chưa làm thủ tục nhận con nuôi. Trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, bà Đỗ Thị Thuỳ T là mẹ ruột của Thảo N và bà Đỗ Thị G thống nhất trình bày, Thảo N đã được bà G và ông H3 nuôi từ nhỏ, các bên đã lập giấy thoả thuận về việc cho và nhận con nuôi, Thảo N đã được nhập vào hộ khẩu của bà G và ông H3 vào ngày 11/9/2019 nên cần phải bảo vệ quyền lợi của Thảo N về xác định chia di sản thừa kế, yêu cầu được tham gia tố tụng, đơn xin xác nhận của bà G có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã M vào ngày 22/6/2020. Xét thấy chứng cứ bà G bà T cung cấp là văn bản cho nhận con nuôi giữa các bên có chữ ký của ông H3 và đơn xin xác nhận của bà G, các đương sự chưa cung cấp cho Toà án cấp sơ thẩm, chưa làm rõ ý chí của ông H3. Vì vậy cũng cần đưa Đào Thanh Thảo N vào tham gia tố tụng trong vụ án để xem xét có phải là một trong các đồng thừa kế của ông H3 hay không.
[5] Về sự tham gia tố tụng của Đỗ Thị Thuỳ T: Bà Đỗ Thị Thuỳ T và bà Đỗ Thị G trình bày, vào cuối năm 2019 bà Thuỳ T cùng chồng là ông Đào Thanh T có cho bà G và ông H3 vay số tiền 2.600.000.000đồng để xây dựng nhà, Toà án cấp sơ thẩm có lấy lời khai và để thời hạn cho bà T làm đơn yêu cầu khởi kiện nhưng bà T không thực hiện nên Toà án cấp sơ thẩm không xem xét yêu cầu khởi kiện của bà T là đúng quy định tại Điều 5 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Tuy nhiên tại phiên toà phúc thẩm, bà Thuỳ T yêu cầu tham gia tố tụng, do khi Toà án chia thừa kế căn nhà thì bà G không còn khả năng để trả nợ. Hội đồng xét xử xét thấy rằng, tại phiên toà phúc thẩm phía nguyên đơn trình bày thừa nhận ông H3 là người không có nguồn thu nhập, nguồn tiền xây dựng nhà để lại thừa kế không xác định nên nếu mang toàn bộ căn nhà chia thừa kế sẽ ảnh hưởng đến khoản nợ vay để xây dựng nhà nếu có, vì vậy để giải quyết toàn diện vụ án cần đưa bà Đỗ Thị Thuỳ T vào tham gia tố tụng trong vụ án.
[6] Về di sản thừa kế và tài sản tranh chấp: Các đương sự tranh chấp thừa kế di sản và tài sản chung đối với thửa đất số 23 và 36 tờ bản đồ số 5. Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 8/3/1997 của cụ Phạm Thị S thì thửa đất số 23 là đất ONT diện tích 670m2 và thửa 36 diện tích 1418m2. Trong hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng ngày 26/9/2007 của ông Nguyễn Hữu H3 thì thửa đất số 23 diện tích 520m2, thửa đất số 36 diện tích 1.352m2 đúng với diện tích đất ông H3 nhận tặng cho từ cụ S. Đối chiếu hoạ đồ vị trí trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông H3 đối với hai thửa đất số 23 và 36 thì thửa đất 36 giáp liền với thửa đất 24 và thửa 23 giáp liền với một thửa đất khác không có khoảng đất trống còn lại của thửa 36 và 23. Tuy nhiên trong mảnh trích đo địa chính ngày 18/11/2021 thì thửa đất số 23 và 36 các đương sự tranh chấp chỉ là một phần, một phần thửa 23 diện tích 337,5m2 và một phần thửa 36 diện tích 928m2, còn một phần diện tích đất diện tích 182,5m2 (thửa 23: 520m2 – 337,5m2) và 424m2 (thửa 36: 1.352m2 – 928m2) chưa được đề cập đến, phần đất này có thể hiện trong hoạ đồ vị trí là phần đất trống không ghi chú thửa đất chưa được xác định.
[7] Xét nội dung kháng cáo và kháng nghị: Các đương sự đều trình bày thống nhất, hai thửa đất số 23 và 36 tờ bản đồ số 5 có nguồn gốc của cụ Phạm Thị S và cụ Nguyễn Văn H2, Toà án cấp sơ thẩm xác định việc cụ S tặng cho quyền sử dụng đất cho ông H3 là tặng cho riêng, đất là di sản thừa kế nhưng lại chia cho cụ S 7 phần, bà G 3 phần là không đúng quy định tại khoản 2 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015, đồng thời giao hết trách nhiệm nợ cho bà G cũng như xử lý riêng phần tài sản chia cho bà G là chưa đúng quy định về xử lý tài sản tại Điều 658 Bộ luật Dân sự. Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Đ, kháng cáo của bà Đỗ Thị G, của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, phát biểu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn có cơ sở để xem xét.
[8] Với các nhận định trên, cần thiết phải huỷ bản án sơ thẩm giao hồ sơ vụ án về Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.
[9] Về án phí dân sự sơ thẩm và chi phí tố tụng: Được xác định lại khi giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
[10] Về án phí dân sự phúc thẩm: Bị đơn bà Đỗ Thị G và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh huyện Đ Long An không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm do kháng cáo được chấp nhận theo Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 3 Điều 308, Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự; Chấp nhận kháng cáo của bị đơn bà Đỗ Thị G;
Chấp nhận kháng cáo của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam;
Chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân nhân huyện Đ.
1. Huỷ Bản án dân sự sơ thẩm số 106/2021/DS-ST ngày 18 tháng 11 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Long An.
Giao hồ sơ vụ án về Tòa án nhân dân huyện Đ giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
2. Về án phí dân sự sơ thẩm và chi phí tố tụng: Được xác định lại khi giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
3. Về án phí dân sự phúc thẩm:
Hoàn trả cho bà Đỗ Thị G 300.000đồng tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí tòa án số 0009141 ngày 30/11/2021 hoàn trả cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh huyện Đ Long An 300.000đồng tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí tòa án số 0009177 ngày 03/12/2021 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Đ, tỉnh Long An.
4. Về hiệu lực của bản án: Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tranh chấp hợp đồng tín dụng số 48/2022/DS-PT
Số hiệu: | 48/2022/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Long An |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 28/02/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về