Bản án về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn số 16/2022/HNGĐ-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 16/2022/HNGĐ-PT NGÀY 21/07/2022 VỀ TRANH CHẤP THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU LY HÔN

Ngày 21 tháng 7 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 13/2022/HNGĐ-PT ngày 09 tháng 5 năm 2022 về việc “tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn”. Do Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 19/2022/HNGĐ-ST ngày 24/3/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 11/2022/QĐ-PT ngày 11 tháng 6 năm 2022, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Phạm Huy N, sinh năm 1977. Thường trú: xóm 6, xã Q, huyện Q, tỉnh N, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

- Bị đơn: Bà Trương Thị S, sinh năm 1987. Thường trú: xóm 6, xã Q, huyện Q, tỉnh N; địa chỉ tạm trú: số 59/12, khu phố Tây A, phường Đ, thành phố D, tỉnh B, có mặt.

- Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Phạm Huy N.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn ông Phạm Huy N trình bày: Ông Phạm Huy N và bà Trương Thị S đã ly hôn theo Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 18/2021/HNGĐ- ST ngày 28/4/2021 của Tòa án nhân dân huyện Q, tỉnh N. Cả hai có 01 con chung tên Phạm Thanh Th, sinh ngày 16/10/2018. Sau ly hôn, Tòa án giao cháu Th cho bà S trực tiếp nuôi dưỡng, ông N không phải cấp dưỡng nuôi con. Bà S một mình nuôi con, mỗi ngày đi làm từ 6 giờ 30 phút sáng và phải gửi con cho người ngoài nuôi cho đến tối 20 giờ 30 phút mới đón về, cháu Th thiếu đi tình thương yêu chăm sóc của người thân, nhiều lần ông N và bà nội gọi điện thoại nói chuyện thì cháu buồn và khóc. Trước khi ly hôn gần một năm bà S đưa con đi, không cho ông N biết nơi ở, ông N không liên lạc được với con đến khi ra Tòa án ly hôn thì bà S mới cho biết địa chỉ nơi ở của con. Ngoài ra, bà S còn phụ nuôi một con trai 9 tuổi của chồng trước hiện đang ở với ông bà nội tại huyện Yên Thành, tỉnh N. Bà S làm công nhân may thu nhập một tháng khoảng 8.000.000 đồng bao gồm chi phí nhà trọ một tháng 1.500.000 đồng, tiền nuôi con một tháng 2.500.000 đồng. Ông N là người có điều kiện hơn, việc làm ổn định, thu nhập một tháng khoảng 9.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra, ông N còn có tiền thuê nhà mỗi tháng 18.000.000 đồng là số tiền thuê nhà do mẹ ông N ủy quyền cho thu tiền hàng tháng. Hiện nay, ông N vẫn đang ở với mẹ, hàng tháng mẹ ông N có lương hưu 3.500.000 đồng. Ông N làm việc ngày 8 giờ nên có nhiều thời gian ở với con, ngoài ra còn có bà nội có kinh nghiệm nuôi dạy cháu Th tốt hơn hơn về mọi mặt cho tương lai lâu dài cho cháu Th. Vì vậy, ông N yêu cầu Tòa án buộc bà S giao con là cháu Th cho ông N trực tiếp nuôi dưỡng. Ông N không yêu cầu bà S phải cấp dưỡng nuôi con.

Bị đơn bà Trương Thị S trình bày:

Bà S thống nhất về tình trạng hôn nhân giữa bà S và ông N, về người trực tiếp nuôi con chung và cấp dưỡng nuôi con như nội dung ông Sỹ trình bày. Nay ông Sỹ yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì bà S không đồng ý vì: Hiện tại bà S có công việc ổn định thu nhập hàng tháng khoảng 10.000.000 đồng, bà S là công nhân vận hành máy may tại Công ty TNHH Spring Vina. Bà S nuôi con và cũng có sự trợ giúp của bà nội cháu (tức là mẹ ruột của ông N), ông N đi làm nhưng không đưa tiền về cho lo cho vợ con, thu nhập của ông N chỉ dành cho việc ăn chơi, lô đề, bài bạc, cá độ đá bóng. Kể từ lúc ly hôn cho đến nay, bà S vẫn nuôi con tốt, cháu vẫn đi học đầy đủ. Cháu Th sống với mẹ từ nhỏ nếu vì lý do gì mà chia cắt tình mẫu tử thì sẽ ảnh hưởng đến tâm lý cháu. Hơn nữa cháu Th là bé gái ở với mẹ sẽ tốt hơn ở với cha. Bà S có một con riêng 9 tuổi với chồng trước đang ở với cha ruột tại huyện Yên Thành, tỉnh N nhưng bà S không phải cấp dưỡng nuôi con. Còn ông N công việc không ổn định, hiện nay đang làm công việc giao bưu phẩm ăn lương theo sản phẩm. Ông N tốt nghiệp đại học có bằng kỹ sư nhưng do bản tính ham chơi nên làm ở đâu cũng làm thâm hụt tiền của Công ty và bị đuổi việc. Trước đây ông N làm việc ở Công ty điện than nhưng vì lấy tiền Công ty chơi bài bạc dẫn đến bị đuổi việc, sau đó ông N làm việc tại một công ty tư của bạn và được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc một thời gian sau cũng bị đuổi việc. Ông N nhiều lần vay tín dụng đen, thiếu tiền nên phải cầm xe, điện thoại, nhẫn cưới, về nhà đập phá đồ đạc. Do nợ nần nhiều nên cha mẹ ông N đã đưa ông N từ Thành phố Hồ Chí Minh về quê ở huyện Q, tỉnh N để cầu cứu anh em bên nội để dạy dỗ lại tư cách đạo đức. Với những hành vi đạo đức như trên bà S cho rằng ông N không có phẩm chất đạo đức để nuôi dạy con tốt. Bà S đề nghị Tòa án cho bà tiếp tục được nuôi cháu Th để cháu được yêu thương và phát triển tốt hơn.

Tại Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 19/2022/HNGĐ-ST ngày 24/3/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã tuyên xử:

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Phạm Huy N đối với bị đơn bà Trương Thị S về việc “tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn”.

Ngoài ra bản án còn tuyên về nghĩa vụ nộp án phí và quyền kháng cáo cho các đương sự.

Sau khi án tuyên, ngày 07/4/2022 ông Phạm Huy N có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm với nội dung yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa án theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông N.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, bị đơn không đồng ý với yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, đề nghị Hội đồng xét xử y án sơ thẩm.

Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát tỉnh Bình Dương:

Về tố tụng: những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng tại cấp phúc thẩm đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về nội dung: Nguyên đơn kháng cáo nhưng không đưa ra được chứng cứ chứng minh, bị đơn chứng minh được điều kiện về sức khỏe, chỗ ở, khả năng kinh tế và quá trình nuôi dưỡng cháu Phạm Thanh Th rất tốt; ngoài ra cha ruột của nguyên đơn cũng có ý kiến xác định nếu nguyên đơn được nuôi con thì sẽ không tốt. Do đó, đề nghị không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: Ngày 24/3/2022, Tòa án nhân dân thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm vụ án. Ngày 07/4/2022, nguyên đơn ông Phạm Huy N có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm là trong thời hạn theo quy định tại Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự. Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt, do đó Hội đồng xét xử xét xử vắng mặt nguyên đơn theo Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2] Về nội dung: Nguyên đơn (ông Phạm Huy N) và bị đơn (bà Trương Thị S) trước đây là vợ chồng nhưng đã ly hôn theo Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 18/2021/HNGĐ-ST ngày 28/4/2021 của Tòa án nhân dân huyện Q, tỉnh N. Cháu Phạm Thanh Th, sinh ngày 16/10/2018 là con chung của ông N và bà Sỹ. Theo Quyết định của Bản án số 18/2021/HNGĐ-ST ngày 28/4/2021 nêu trên thì cháu Th được giao cho bà S trực tiếp nuôi dưỡng, ông N không phải cấp dưỡng. Nay ông N khởi kiện yêu cầu được trực tiếp nuôi dưỡng cháu Th và ông N không yêu cầu bà S cấp dưỡng.

Xét kháng cáo của ông Phạm Huy N:

[3] Từ khi sinh ra cháu Th đã được mẹ là bà S chăm sóc, nuôi dưỡng; cháu Th hiện nay mới hơn 03 tuổi và là cháu gái nên rất cần sự quan tâm, giáo dục, dạy dỗ của mẹ để phát triển về mọi mặt, nhất là tâm sinh lý một cách tốt nhất. Bà S vẫn quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng cháu Th đầy đủ về dinh dưỡng cũng như đảm bảo việc học hành, vui chơi cho cháu. Theo ý kiến của cô giáo chủ nhiệm của cháu Th cho biết cháu Th ngoan ngoãn, phát triển bình thường về thể chất lẫn tinh thần. Bà S chứng minh được nguồn thu nhập ổn định, đủ điều kiện để nuôi dưỡng cháu Th; bà S cũng không có hành vi bạo hành, ngược đãi gì đối với cháu Th. Vì vậy, không nên làm xáo trộn, thay đổi môi trường sống, sinh hoạt, học tập của cháu Th để tránh ảnh hưởng đến tâm lý của cháu. Mặt khác chính ý kiến của người thân gia đình ông N cũng khẳng định việc bà S nuôi cháu Th là tốt hơn giao cháu Th cho ông N nuôi dưỡng. Do đó, Tòa án sơ thẩm căn cứ Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông N là có căn cứ. Tại tòa án phúc thẩm, người kháng cáo không cung cấp thêm được tài liệu, chứng cứ gì mới chứng minh cho yêu cầu kháng cáo. Do vậy Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông N, giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

[4] Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm là phù hợp.

[5] Án phí phúc thẩm: do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận nên nguyên đơn phải nộp theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 308 và Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự;

- Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, 1. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn ông Phạm Huy N.

2. Giữ nguyên Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 19/2022/HNGĐ- ST ngày 24/3/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

3. Án phí hôn nhân và gia đình phúc thẩm: Ông Phạm Huy N phải nộp 300.000 đồng được khấu trừ vào số tiền ông đã nộp tạm ứng theo Biên lai thu số 0003758 ngày 22/4/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

211
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn số 16/2022/HNGĐ-PT

Số hiệu:16/2022/HNGĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Dương
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 21/07/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về