TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN QUỲNH PHỤ, TỈNH THÁI BÌNH
BẢN ÁN 59/2021/HNGĐ-ST NGÀY 26/08/2021 VỀ TRANH CHẤP THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU KHI LY HÔN
Ngày 26 tháng 8 năm 2021, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 86/2021/TLST-HNGĐ ngày 31 tháng 3 năm 2021về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 60/2021/QĐXX-ST ngày 28/7/2021 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Anh Phan Trung K, sinh năm 1979 Địa chỉ: Số 9x/2xx, đường Đ, phường L, quận Ng, thành phố Hải Phòng.
2. Bị đơn: Chị Nguyễn Thị D, sinh năm 1986 Địa chỉ: Thôn T, xã A, huyện Q, tỉnh Thái Bình.
(Anh K, chị D đều có mặt tại phiên tòa).
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Theo đơn khởi kiện, bản tự khai và các tài liệu chứng cứ đã xuất trình thì nguyên đơn là anh Phan Trung K có yêu cầu khởi kiện như sau:
Anh và chị Nguyễn Thị D đã được Tòa án nhân dân quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng giải quyết ly hôn theo Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 338/2018/QĐST-HNGĐ ngày 28/9/2018. Theo nội dung quyết định về phần con chung hai bên thỏa thuận: Anh K trực tiếp nuôi dưỡng con chung Phan Thanh Hà Ng, sinh ngày 16/02/2011; chị D trực tiếp nuôi dưỡng con chung Phan Thanh Bảo Ng1, sinh ngày 31/3/2012. Nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con hai bên tự thỏa thuận, không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Tuy nhiên, quá trình chị D nuôi dưỡng cháu Ng1, anh K thấy chị D không đủ điều kiện chăm sóc con do chị D phải nuôi hai con nhỏ (gồm cháu Ng1 và 01 cháu bé sinh năm 2018 là con riêng của chị D với người đàn ông Trung Quốc). Sau những lần anh đón cháu Ng1 về chơi, anh thấy cháu không được chăm sóc đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần. Anh đã trực tiếp gặp đề nghị chị D để anh trực tiếp nuôi, chăm sóc cho cả hai con chung nhưng chị D không nhất trí. Xét thấy quyền lợi của cháu Ng1 không được đảm bảo nên anh đề nghị Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi cháu Ng1 từ chị D sang cho anh để có thể chăm sóc cho cháu Ng1, đảm bảo cả vật chất và tinh thần cho cháu.
Anh K cũng trình bày: Hiện nay anh làm lái xe tải đường dài cho Công ty cổ phần thương mại vận tải và du lịch Phương Thành, địa chỉ: đường Nguyễn Sơn Hà, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng, thu nhập được trả theo từng chuyến đi. Trung bình mỗi tháng thu nhập của anh khoảng 20.000.000 đồng. Công việc không có thời gian nghỉ cố định, cứ có chuyến thì đi làm, xong chuyến thì về nghỉ. Gia đình anh có nhà cửa ổn định tại phường L, quận Ng, thành phố Hải Phòng. Hiện nay anh chưa lập gia đình, sống cùng mẹ đẻ và con gái lớn Phan Thanh Hà Ng. Mẹ anh (bà Trần Thị D1) là cán bộ viên chức nghỉ hưu nên có thời gian và điều kiện để chăm sóc các cháu giúp anh khi anh đi làm. Mặt khác cháu Ng1 mỗi khi về với bà và bố, cháu luôn có mong ước được ở cùng bố, bà và chị của cháu. Anh cũng muốn cháu Ng1 về ở cùng cháu Ng cho có chị có em, không bị chia cách. Nếu được quyền nuôi cháu Ng1 anh K vẫn nhờ mẹ đẻ chăm sóc giúp khi anh đi làm, còn anh sẽ chăm lo về vật chất đầy đủ cho cháu và sẽ trực tiếp chăm sóc, quan tâm đến cháu những ngày anh được nghỉ (do đặc thù công việc lái xe).
- Tại bản tự khai, các tài liệu, chứng cứ đã xuất trình và tại phiên tòa, bị đơn là chị Nguyễn Thị D thể hiện quan điểm như sau:
Chị và anh K đã được Tòa án nhân dân quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng giải quyết ly hôn từ tháng 9/2018. Theo Quyết định của Tòa án, anh K được nuôi cháu Ng còn chị được nuôi cháu Ng1, nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con hai bên tự thỏa thuận, không yêu cầu Tòa án giải quyết. Nay anh K yêu cầu thay đổi quyền nuôi con Ngọc từ chị sang cho anh K, chị hoàn toàn không đồng ý vì:
Khi chị mang bầu cháu Ng1 được 02 tháng, bà D1 (mẹ anh K) đã đuổi chị ra khỏi nhà và nói chỉ là giọt máu thôi bỏ đi nhưng chị đã giữ lại và nuôi cháu từ lúc mới mang thai đến bây giờ. Hiện tại cháu Ng1 ở với chị điều kiện sống đầy đủ, cháu khỏe mạnh, phát triển bình thường. Chị có công việc với mức lương ổn định từ 08- 10 triệu đồng/tháng và làm việc ở gần nhà sáng đi, tối về và được nghỉ tất cả các ngày chủ nhật, ngày Lễ, Tết theo quy định nên có điều kiện trực tiếp chăm sóc, nuôi dạy con. Chị khẳng định chị không có hành vi hành hạ, ngược đãi cháu Ng1, luôn yêu thương, chăm sóc cho cháu, không phân biệt đối xử giữa các con. Hiện cháu Ng1 học tại trường tiểu học xã A, cháu học tập và phát triển như các bạn cùng lứa tuổi.
Chị D cũng trình bày: Trong thời gian qua, chị không cản trở mà luôn tạo điều kiện để anh K và bà nội được thăm nom cháu Ng1 nhưng mỗi lần về thăm cháu Ng1 bà nội cháu thường gây rắc rối và đòi nuôi cháu Ng1 bằng được, ảnh hưởng đến gia đình, hàng xóm xung quanh. Còn đối với cháu lớn là cháu Ng, anh K và bà nội rất ít khi cho chị thăm gặp, mỗi lần chị muốn đón cháu bà nội đều lấy lý do là cháu bị say xe để cản trở không cho chị đón. Về điều kiện nơi ăn, chốn ở của chị đảm bảo, hiện nay mẹ con chị đang ở cùng ông bà ngoại là Nguyễn Văn Kh và Vũ Thị T, ở thôn T, xã A, huyện Q, nơi ở gần trường, gần bệnh viện, an ninh trật tự tốt nên rất an toàn cho cháu sinh sống. Bố mẹ chị còn khỏe để phụ chị chăm sóc cháu. Về việc chị có con riêng là 01 bé trai, sinh năm 2018. Đây là con của chị với người Trung Quốc, tuy không đăng ký kết hôn nhưng hàng tháng anh đều gửi tiền về chu cấp cho chị nuôi bé trai là 4.500 nhân dân tệ (khoảng hơn 14.000.000đ) nên toàn bộ thu nhập của chị, chị dành riêng để lo cho cháu Ng1.
Về phía anh K hoàn cảnh gia đình chỉ có mẹ già, bố sống ở miền Nam. Anh K đi làm lái xe, thu nhập không ổn định, sau này anh K còn phải lấy vợ và hiện đang nuôi con lớn Phan Thanh Hà Ng nên không đảm bảo điều kiện nuôi cả hai con. Do đó chị D không nhất trí với yêu cầu khởi kiện của anh K.
- Tại phiên toà hôm nay, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình có quan điểm cho rằng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử đã tuân theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án. Nguyên đơn, bị đơn đã chấp hành đúng pháp luật trong quá trình tham gia tố tụng. Về ý kiến giải quyết vụ án, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào các Điều 82, Điều 84 của Luật Hôn nhân và gia đình giải quyết theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Đại diện Viện kiểm sát không có yêu cầu, kiến nghị gì thêm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về tố tụng: Tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn giữa anh Phan Trung K và chị Nguyễn Thị D là tranh chấp hôn nhân và gia đình được quy định tại khoản 3 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự và khoản 1 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Bị đơn có hộ khẩu thường trú tại thôn T, xã A, huyện Q nên Tòa án nhân dân huyện Quỳnh Phụ thụ lý giải quyết là đúng thẩm quyền theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã thực hiện việc thu thập chứng cứ, xác minh về tình trạng, điều kiện nuôi con, vì vậy đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên toà là đúng theo Điều 21 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2] Xét yêu cầu xin thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn của anh K, Hội đồng xét xử thấy rằng: Tại Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 338/2018/QĐST-HNGĐ ngày 28/9/2018 của Tòa án nhân dân quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng đã công nhận sự thỏa thuận về việc nuôi con chung cụ thể như sau: “Anh Phan Trung K và chị Nguyễn Thị D có hai con chung là Phan Thanh Hà Ng, sinh ngày 16/02/2011 và Phan Thanh Bảo Ng1, sinh ngày 31/3/2012. Anh K và chị D thỏa thuận giao con Phan Thanh Hà Ng cho anh Phan Trung K trực tiếp nuôi đến khi con đủ 18 tuổi hoặc có sự thay đổi khác theo quy định của pháp luật; giao con Phan Thanh Bảo Ng1 cho chị Nguyễn Thị D trực tiếp nuôi đến khi con đủ 18 tuổi hoặc có sự thay đổi khác theo quy định của pháp luật. Nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, anh K và chị D tự thỏa thuận, không yêu cầu Tòa án giải quyết...”. Nay anh K cho rằng chị D không đủ điều kiện chăm sóc con Phan Thanh Bảo Ng1 do chị D phải một mình nuôi hai con nhỏ (gồm con Bảo Ng1 và 01 con riêng của chị D sinh năm 2018). Những lần anh đón con về chơi, anh thấy con không được chăm sóc đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần và con có mong muốn được ở cùng chị và bố. Hiện nay anh làm lái xe đường dài cho công ty và thu nhập (tính theo chuyến) trung bình khoảng 20.000.000 đồng/tháng, mẹ anh là viên chức nghỉ hưu nên có điều kiện chăm sóc các con giúp anh khi anh đi làm. Bản thân anh hiện chưa lập gia đình, không có con riêng, có nhà cửa ổn định nên anh đủ điều kiện để chăm sóc nuôi dưỡng cho cả hai con chung, không yêu cầu chị D phải góp tiền cấp dưỡng nuôi con cho anh.
Xét thấy, theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình: khi có yêu cầu của cha, mẹ thì Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con. Việc thay đổi khi có một trong các căn cứ sau đây: “Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con; Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên”.
Nhận thấy, anh K và chị D không thỏa thuận được về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con. Qua các tài liệu mà hai bên tự xuất trình và tài liệu, chứng cứ Tòa án thu thập xác minh tại cơ sở thôn nơi cháu Ng1 sinh sống và trường Tiểu học xã A nơi cháu Ng1 đang theo học thì: hiện cháu Bảo Ng1 sống cùng mẹ đẻ và ông bà ngoại ở thôn T, xã A, huyện Q. Cháu được mẹ và ông bà ngoại chăm sóc chu đáo, cháu vẫn khỏe mạnh, phát triển tâm sinh lý và học tập bình thường như các bạn cùng trang lứa, cháu sống vui vẻ, hòa đồng, không có biểu hiện bị mẹ hay người thân hành hạ, ngược đãi. Hàng ngày cháu Ng1 được ông bà ngoại đưa đón đi học, các khoản đóng góp ở trường, ở lớp của cháu đều được chị D đóng góp đầy đủ. Địa phương và cơ sở thôn cũng không nhận được bất cứ phản ánh hay thông tin gì về việc chị D cản trở quyền thăm nom con của anh K hay gia đình anh K.
Xét về điều kiện kinh tế của anh K, chị D: cả nguyên đơn và bị đơn đều có công việc làm, thu nhập và nơi ở ổn định để nuôi dưỡng con. Tuy nhiên, kể từ khi ly hôn đến nay, cháu Bảo Ng1 vẫn sinh sống ổn định cùng mẹ, khả năng thực tế của chị D hiện nay vẫn đảm bảo điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục tốt cho con. Việc chị D có con riêng không ảnh hưởng đến việc nuôi dưỡng cháu Bảo Ng1. Mặt khác xét về điều kiện thời gian, chị D có nhiều thời gian hơn để chăm sóc quan tâm đến cháu Ng1 do chị D làm gần nhà, sáng đi, tối về và được nghỉ vào các ngày chủ nhật, lễ, Tết… còn anh K làm lái xe đường dài, không có thời gian nghỉ cố định để trực tiếp chăm sóc cho con, thực tế hiện nay việc chăm sóc đối với con gái lớn là cháu Phan Thanh Hà Ng anh K vẫn phải nhờ mẹ đẻ là bà Trần Thị D1 giúp đỡ. Anh K muốn quan tâm, chăm sóc thêm cho cháu Bảo Ng1 thì vẫn hoàn toàn có thể thực hiện được thông qua quyền thăm nom con mà Luật Hôn nhân và gia đình và Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 338/2018/QĐST-HNGĐ ngày 28/9/2018 của Tòa án nhân dân quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng đã ghi nhận.
Xét nguyện vọng của cháu Phan Thanh Bảo Ng1 thấy: khi nộp đơn khởi kiện, anh K có nộp kèm đơn đề nghị của cháu Ng1 đề ngày 08/3/2021 là có nguyện vọng được ở với bố. Tại Biên bản ghi lời khai ngày 29/4/2021 của Tòa án cháu Ng1 có nguyện vọng được ở cùng chị gái là Phan Thanh Hà Ng, chị ở cùng với ai thì cháu xin ở cùng người đó. Còn tại đơn đề nghị đề ngày 17/7/2021 cháu Ng1 lại thay đổi nguyện vọng là xin được ở cùng mẹ. Như vậy nguyện vọng của cháu Ng1 có sự thay đổi ở mỗi thời điểm khác nhau.
Từ những phân tích, đánh giá nêu trên, Hội đồng xét xử khẳng định việc chị D nuôi dưỡng cháu Phan Thanh Bảo Ng1 hiện nay vẫn đảm bảo tốt cho sự phát triển của cháu, do đó không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu khởi kiện thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn của anh Phan Trung K.
Về án phí sơ thẩm: Do yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận nên anh K phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự khoản 1 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 3 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, Điều 271, Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 82, Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình; khoản 1 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; Tuyên xử:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Phan Trung K đối với chị Nguyễn Thị D về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con Phan Thanh Bảo Ng1, sinh ngày 31/3/2012.
Chị Nguyễn Thị D được tiếp tục trực tiếp nuôi dưỡng con chung Phan Thanh Bảo Ng1 cho đến khi con chung đủ 18 tuổi hoặc có thay đổi theo quy định của pháp luật. Anh Phan Trung K có quyền, nghĩa vụ thăm nom con chung.
2. Về án phí: Anh Phan Trung K phải nộp 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm nhưng được trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) tại biên lai số 0001864 ngày 31/3/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Anh K đã nộp đủ tiền án phí.
3. Về quyền kháng cáo: Các đương sự được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (26/8/2021)./
Bản án về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn số 59/2021/HNGĐ-ST
Số hiệu: | 59/2021/HNGĐ-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Quỳnh Phụ - Thái Bình |
Lĩnh vực: | Hôn Nhân Gia Đình |
Ngày ban hành: | 26/08/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về