Bản án về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn số 27/2023/HNGĐ-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ H

BẢN ÁN 27/2023/HNGĐ-PT NGÀY 28/02/2023 VỀ TRANH CHẤP THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU KHI LY HÔN

Ngày 28/02/2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố H xét xử phúc thẩm công khai vụ án Hôn nhân và gia đình thụ lý số 184/2022/TLPT-HNGĐ ngày 05/12/2022 về việc Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

Do Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 19/2022/HNGĐ-ST ngày 28/6/2022 của Tòa án nhân dân quận C bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 06/2023/QĐXX-PT ngày 01/02/2023 và Quyết định hoãn phiên tòa số 16/QĐ-HPT ngày 21/02/2023, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Anh NNT sinh năm 1989; địa chỉ: Số 28/228 T, quận L, thành phố P; điện thoại (Vắng mặt)

Bị đơn: Chị NTPN sinh năm 1989; địa chỉ: Phòng 301, ngõ 31 M, tổ 32 phường Y, quận C, thành phố H; điện thoại (Có mặt)

Người kháng cáo: Bị đơn chị NTPN.

NỘI DUNG VỤ ÁN

 Theo Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 106/2015/QĐST-HNGĐ ngày 21/8/2015 của Tòa án nhân dân thành phố V tỉnh P, chị NTPN trực tiếp nuôi dưỡng con chung là NNGB sinh ngày 29/7/2013; anh NNT cấp dưỡng nuôi con 1.000.000đ/tháng kể từ tháng 9/2015 cho đến khi con 18 tuổi.

Anh NNT yêu cầu thay đổi nuôi con vì trong khoảng thời gian giãn cách Covid-19 con về Thành phố P sống cùng anh và ông bà nội con có nguyện vọng được ở với bố, con không muốn tiếp tục sống chung với chú H là chồng mới của mẹ vì chú H đã mắng con khi con chơi với em là con của mẹ N và chú H. Hiện nay anh là kỹ sư xây dựng, có thu nhập trên 20.000.000đ/tháng, đã mua bảo hiểm riêng cho con, có nhà riêng. Anh có đủ điều kiện nuôi dưỡng con một cách tốt nhất nên anh không yêu cầu chị N phải cấp dưỡng nuôi con.

Chị NTPN không đồng ý để anh T trực tiếp nuôi con với lý do: Anh T không thường xuyên trực tiếp chăm sóc, trông nom con vì công việc luôn phải đi công tác xa với thời gian dài, phải làm ca đêm, luôn phải để con cho ông bà nội trông nom; không đảm bảo được việc đưa đón con đi học, cho con ăn uống. Ông bà nội sống không gương mẫu, thường xuyên nói tục, chửi bậy và có lời lẽ xúc phạm, chửi chị trước mặt con. Nghỉ hè chị cho con về nhà anh T chơi nhưng anh T cố tình kéo dài việc con ở lại từ tháng 5/2021 cho đến khi ảnh hưởng của dịch Covid, H phong tỏa nên không cho con trở lại sống với chị. Đến tháng 9/2021 con phải nhập học online nhưng anh T và gia đình không hợp tác và hỗ trợ con học online theo lớp con đang học tại H mà tự ý xin cho con học trực tiếp tại trường ở Thành phố P. Chị ở H không di chuyển ra khỏi thành phố để đón con được nên đành để con học tạm cho đến hết kỳ 1 của năm học; anh T đồng ý, hứa hẹn rất nhiều lần cho cháu lên sau khi hết kỳ 1 vào tháng 12 nhưng sau đó lại lấy rất nhiều lý do để không đưa con lên cho chị. Từ tháng 4/2022 cho đến nay, chị đã đưa con lên H và con đang học tại Trường tiểu học Trung Yên, quận C. Trong khoảng thời gian con ở với anh T, anh T và gia đình đã cản trở chị nói chuyện, gặp và đón con.

Tại biên bản tự khai ngày 16/02/2022, cháu NNGB trình bày nguyện vọng được ở với bố. Tại biên bản xác minh ngày 14/4/2022 cháu NNGB lại có nguyện vọng muốn ở với mẹ.

Từ năm 2019 đến nay, chị NTPN chung sống như vợ chồng với anh ĐCH và có con chung là ĐNHC sinh năm 2020. Hiện cháu NNGB đang sống cùng chị N, anh H và cháu ĐNHC ở nhà thuê tại phòng 301 Tập thể đcnđ, phường Y, quận C, thành phố H có diện tích khoảng 70m2 gồm 02 phòng ngủ. Anh H thương yêu cháu B như con đẻ, chỉ duy nhất có một lần anh quát cháu B là do cháu đùa nghịch với cháu C còn nhỏ nên anh sợ gãy tay cháu C.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận C đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh T.

Tại Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 19/2022/HNGĐ-ST ngày 28/6/2022 của Tòa án nhân dân quận C đã xử chấp nhận yêu cầu của anh T, giao con NNGB sinh ngày 29/7/2013 cho anh T nuôi dưỡng với nhận định: Cả hai đều có thu nhập hợp pháp như nhau nhưng chị N hiện đang phải thuê nhà ở với giá 7.000.000đ/tháng (Bảy triệu đồng), còn anh T đã có nhà riêng; chị N đã có gia đình mới, có sự hỗ trợ của chồng mới nhưng đang phải chăm sóc con nhỏ, còn anh T thì chưa có gia đình mới và có sự hỗ trợ tích cực từ cha mẹ ruột. Tuy nhiên, lý do phát sinh chính của vụ án này có liên quan đến mâu thuẫn giữa cháu B với bố dượng trong quá trình sinh sống, mặc dù chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng cũng gây ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển bình thường về mặt tâm thần của cháu thể hiện có sự thay đổi bất thường về tâm lý của cháu qua sự trình bày của chị N về việc cháu B sau khi được chị đón từ Thành phố P về H ở với chị thì không muốn nghe điện thoại của bố và từ chối về thăm nhà trong thời gian nghỉ hè mặc dù chị có khuyên cháu nhưng cháu nhất mực từ chối.

Chị N kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu của anh T với lý do: Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét đến nguyện vọng của cháu B đã trên 7 tuổi muốn được ở với mẹ; không xem xét đến các tình tiết: anh T có nhà riêng nhưng chật hẹp, còn chị N đang trong quá trình mua nhà riêng; cháu B ở với mẹ thì bố và ông bà nội không bị cản trở thăm nom nhưng ở bố thì chị N bị anh T và gia đình anh T cản trở; chị N không phải đi làm xa, không phải đi công tác nên có thời gian trực tiếp chăm sóc con, còn anh T làm xây dựng thường xuyên phải xa nhà, không trực tiếp chăm sóc con mà để con cho ông bà nội chăm; anh T sử dụng chất cấm, thua cá độ bóng đá nhiều tiền, bố mẹ phải trả nợ thay và còn lấy vàng của chị N để trả nợ.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Chị NTPN giữ yêu cầu kháng cáo, bổ sung tài liệu về việc chị đã mua nhà riêng, đã thuê người chăm em bé; bổ sung văn bản trình bày nguyện vọng của cháu NNGB.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố H đề nghị Hội đồng xét xử sửa toàn bộ bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh NNT.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Đơn kháng cáo của chị NTPN làm trong thời hạn kháng cáo, đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định tại Điều 273, Điều 276 Bộ luật tố tụng dân sự.

[2] Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình quy định, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây: Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con hoặc người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Anh T và chị N không thỏa thuận được việc thay đổi người trực tiếp nuôi con nên theo quy định của Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình, Tòa án xem xét việc chị N còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hay không để quyết định có thay đổi người trực tiếp nuôi con hay không trên cơ sở xem xét nguyện vọng của con đã trên 07 tuổi.

Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét chị N còn đủ điều kiện trực tiếp nuôi con theo quy định tại Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn hay không mà lại xem xét điều kiện về mọi mặt của các bên có đảm bảo quyền lợi về mọi mặt của con theo Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình về người trực tiếp nuôi con khi ly hôn là không đúng. Việc chị N có con mới sinh và chồng mới của chị N mắng cháu B 1 lần không làm mất đi các điều kiện trực tiếp nuôi con của chị N đã có trước đây.

Tòa án cấp sơ thẩm quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con nhưng không trên cơ sở xem xét nguyện vọng của con đã trên 7 tuổi muốn được ở với mẹ là không đúng.

Theo quy định tại các Điều 69, Điều 70, Điều 71, Điều 72 Luật hôn nhân và gia đình: Việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con, chăm lo, tạo điều kiện cho con học tập, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội là nghĩa vụ và quyền của cha mẹ; cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền Nng nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên; con chưa thành niên có quyền sống chung với cha mẹ, được cha mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc. Theo quy định tại Điều 104 Luật hôn nhân gia đình, ông bà nội, ông bà ngoại chỉ có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng cháu khi cháu không có người nuôi dưỡng. Do đó, trường hợp anh T được giao trực tiếp nuôi con nhưng thường xuyên không trực tiếp nuôi con do thường xuyên phải đi làm tại các công trình xây dựng, thời gian làm việc không ổn định nên để con ở nhà cùng ông bà nội là vi phạm quyền trực tiếp nuôi con; gây cản trở quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con của chị N; hạn chế quyền của con được sống chung với cha hoặc mẹ; khiến con đã không được mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc nay lại thường xuyên vắng cha.

Do đó, yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con của anh T là không chính đáng, không phù hợp quy định của pháp luật và không phù hợp nguyện vọng của cháu NNGB. Tòa án cấp sơ thẩm quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con từ chị N sang anh T là không có căn cứ pháp luật, không xem xét nguyện vọng của cháu Gia Bảo muốn ở với mẹ. Tòa án cấp phúc thẩm cần chấp nhận kháng cáo của chị N, sửa toàn bộ bản án sơ thẩm.

[3] Ngoài ra, cấp sơ thẩm còn sai sót khác như áp dụng Điều 371 về kháng cáo, kháng nghị quyết định giải quyết việc dân sự đối với bản án giải quyết vụ án; không quyết định về việc cấp dưỡng nuôi con khi thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn.

[4] Chị N không phải chịu án phí phúc thẩm, hoàn trả chị N tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp. Anh T phải chịu án phí sơ thẩm nhưng được trừ vào tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 147, Khoản 2 Điều 148, Khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; các Điều 83, 84, 116 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Xử: Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của chị NTPN.

Sửa toàn bộ Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 19/2022/HNGĐ-ST ngày 28/6/2022 của Tòa án nhân dân quận C.

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh NNT về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn.

Anh NNT phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) án phí hôn nhân gia đình sơ thẩm nhưng được trừ vào 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) tạm ứng án phí đã nộp tại Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 17722 ngày 14/7/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự quận C.

Hoàn trả chị NTPN 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp tại Biên lai thu tạm ứng án phí số 18602 ngày 15/7/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự quận C.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

43
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn số 27/2023/HNGĐ-PT

Số hiệu:27/2023/HNGĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 28/02/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về