Bản án về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn số 09/2020/HNGĐ-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU

BẢN ÁN 09/2020/HNGĐ-PT NGÀY 26/05/2020 VỀ TRANH CHẤP THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU KHI LY HÔN

 Ngày 26 tháng 5 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu xét xử phúc thẩm công khai vụ án Hôn nhân và gia đình thụ lý số 03/2020/TLPT- HNGĐ ngày 24 tháng 4 năm 2020 về tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

Do Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 06/2020/HNGĐ-ST ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Bạc Liêu bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 05/2020/QĐ-PT ngày 06 tháng 05 năm 2020 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Chị Bùi Thoại M, sinh năm 1989, (có mặt) Địa chỉ: Ấp T, xã Đ, huyện D, tỉnh Cà Mau.

Chỗ ở hiện nay: Quốc Lộ 1A, phường A, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh.

- Bị đơn: Anh Trần Tự N, sinh năm 1987, (có mặt) Địa chỉ: Ấp P, xã A, huyện Đ, tỉnh Bạc Liêu.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Ngô Thị C, sinh năm 1961.

Địa chỉ: Ấp P, xã A, huyện Đ, tỉnh Bạc Liêu. (có mặt) - Người kháng cáo: Bị đơn anh Trần Tự N.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 01/10/2019, lời khai trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa sơ thẩm chị Bùi Thoại M trình bày:

Trước đây chị và anh Trần Tự N là vợ chồng, tuy nhiên sau thời gian chung sống giữa chị và anh N xảy ra nhiều mâu thuẫn không thể sống chung với nhau được nữa, nên chị và anh N thống nhất thuận tình ly hôn. Tại Quyết định công nhận thuận tình ly hôn số 196/2018/QĐST-HNGĐ ngày 16/10/2018 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Bạc Liêu, thể hiện chị và anh N thống nhất về con chung giao 02 con chung tên Trần Kim T, sinh ngày 31/01/2015 và Trần Tự H, sinh ngày 14/01/2013 cho anh N trực tiếp nuôi dưỡng, chị có quyền và nghĩa vụ đến thăm nom con chung không ai được cản trở. Tuy nhiên, khi chị đến thăm con thì mẹ anh N là bà Ngô Thị C chỉ cho chị thăm con mà không cho chị dẫn con về nhà mẹ ruột của chị chơi vài ngày, đến ngày 30/9/2019, chị đến nhà bà C thăm con thì cha anh N là ông Trần Văn Đ không cho chị thăm con mà còn dùng lời lẽ xúc phạm chị và gia đình chị, ông Đ còn hăm dọa lấy cây đánh chị, do quá bức xúc với hành động của ông Đ nên chị đã mời chính quyền địa phương đến lập biên bản, sự việc này xảy ra rất nhiều lần. Mặt khác, anh N không là người trực tiếp nuôi con mà đi làm ở Bình Dương giao 02 con do bà Ngô Thị C trực tiếp nuôi dưỡng, không đảm bảo được sự phát triển của các con chị. Ngoài ra, bà C còn nuôi dưỡng 02 người con của chị anh N trong khi bà C đã lớn tuổi, thu nhập từ việc làm vuông không ổn định. Do gia đình anh N cản trở việc chị thăm nom con và anh N cũng không trực tiếp nuôi con đúng như quyết định thỏa thuận trước đây tại Tòa án nhân dân huyện Đ, hiện nay chị đi làm có thu nhập ổn định nên chị yêu cầu Tòa án giải quyết cho chị được quyền nuôi 02 con chung tên Trần Kim T và Trần Tự H, chị không yêu cầu anh N cấp dưỡng nuôi con.

Bị đơn anh Trần Tự N trình bày: Anh N xác định lời trình bày của chị M về quan hệ hôn nhân, nguyên nhân ly hôn và điều kiện giao con cho anh nuôi khi ly hôn là đúng như lời chị M trình bày. Từ khi giao con cho anh nuôi thì anh vẫn chăm sóc, nuôi dưỡng các con rất tốt, cháu Trần Kim T đến tuổi đi học vẫn được đi học, còn cháu Trần Tự H chưa đến tuổi đi học nên chưa đi học. Tuy nhiên, do kinh tế gia đình khó khăn và ở địa phương không có việc làm ổn định, nên anh lên Thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân trong công ty hơn 01 năm nay để phụ giúp cha mẹ anh nuôi các con, mặc dù anh gửi các con cho cha mẹ nuôi nhưng anh vẫn thường xuyên gọi điện thoại hỏi thăm, khoảng 2-3 tháng anh về thăm con 3-4 ngày. Gia đình anh vẫn cho chị M thăm và rước con về nhà chị M chơi, nhưng chị M không mang con về trả cho anh mà anh phải tự đi rước về, chị M cũng có hành vi xô đẩy khi các con nên anh không cho chị M dẫn con về nhà chị M chơi nữa. Hiện anh vẫn chăm sóc, nuôi dưỡng các con rất tốt nên anh không đồng ý để chị M nuôi 02 con chung, anh yêu cầu được tiếp tục nuôi con và không yêu cầu chị M cấp dưỡng nuôi con.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Ngô Thị C trình bày: Bà là người trực tiếp nuôi 02 con chung của chị M và anh N sau khi anh chị ly hôn, trong thời gian vợ chồng anh N, chị M còn sống chung thì bà cũng là người trực tiếp chăm sóc, nên tình cảm bà cháu gắn bó không thể tách rời, trong thời gian bà nuôi các cháu, bà chăm sóc cho các cháu tốt, cho các cháu đi học, còn anh N thì đi làm gửi tiền về cho bà nuôi các cháu, hiện nay các cháu đang sống ổn định nên bà không đồng ý giao các cháu lại cho chị M nuôi theo yêu cầu của chị M.

Từ những nội dung trên, tại Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 06/2020/HNGĐ-ST ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Bạc Liêu đã quyết định:

Áp dụng khoản 3 Điều 28; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; các Điều 58, 81, 82, 83 và 84 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị Bùi Thoại M về việc yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn với anh Trần Tự N.

Tiếp tục giao cháu Trần Tự H, sinh ngày 14/01/2013 cho anh Trần Tự N nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.

Giao cháu Trần Kim T, sinh ngày 31/01/2015 cho chị Bùi Thoại M trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục, cháu T hiện đang sống chung với anh N nên buộc anh Trần Tự N có nghĩa vụ giao cháu Trần Kim T cho chị Bùi Thoại M nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.

Chị Bùi Thoại M và anh Trần Tự N có quyền, nghĩa vụ thăm nom chăm sóc con chung không ai được quyền cản trở.

Về cấp dưỡng nuôi con: Chị Bùi Thoại M và anh Trần Tự N không đặt ra yêu cầu, nên không xem xét giải quyết trong vụ án này.

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn tuyên về quyền yêu cầu thi hành án, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định pháp luật.

Ngày 17/3/2020 và ngày 27/3/2020, Tòa án nhận được đơn kháng cáo của anh Trần Tự N yêu cầu được tiếp tục nuôi dưỡng hai con chung, tại phiên tòa phúc thẩm anh N vẫn giữ nguyên kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu phát biểu ý kiến và đề xuất giải quyết vụ án:

- Về thủ tục tố tụng: Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán và Thư ký từ khi thụ lý tới thời điểm này thấy rằng: Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa, Thư ký Tòa án và Hội đồng xét xử, các đương sự đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm.

- Về nội dung: Xét thấy, việc chăm sóc, giáo dục con chung là quyền và nghĩa vụ của cha mẹ sau khi ly hôn, người đươc nuôi con phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của con. Tuy nhiên, mỗi lần chị M đến thăm con thì gia đình anh N cản trở, đồng thời anh N không trực tiếp nuôi con mà giao các cháu H và cháu T cho bà C là mẹ ruột của anh N nuôi dưỡng do anh đi làm xa, nên Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu thay đổi người nuôi con của chị M, giao cháu Trần Kim T cho chị M nuôi dưỡng là phù hợp quy định tại khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2004. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, giữ nguyên Bản án số 06/2020/HNGĐ-ST ngày 05/3/2020 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Bạc Liêu.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm; sau khi nghị án. Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Tại Quyết định công nhận thuận tình ly hôn số 196/2018/QĐST- HNGĐ ngày 16/10/2018 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Bạc Liêu thể hiện: Ghi nhận sự thỏa thuận giữa anh Trần Tự N và chị Bùi Thoại M, giao hai con chung là Trần Tự H, sinh ngày 14/01/2013 và cháu Trần Kim T, sinh ngày 31/01/2015 cho anh Trần Tự N tiếp tục trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục. Chị Bùi Thoại M có quyền, nghĩa vụ thăm con chung không ai được cản trở.

[2] Xét nội dung kháng cáo của anh Trần Tự N về quyền trực tiếp nuôi dưỡng con chung. Trong quá trình tố tụng cũng như tại phiên tòa phúc thẩm, anh N xác định, sau khi ly hôn anh là người trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục hai con chung, nhưng do kinh tế gia đình khó khăn, ở địa phương không có việc làm ổn định, nên anh phải gửi con lại cho mẹ anh là bà Ngô Thị C trực tiếp nuôi dưỡng để đi Tp. Hồ Chí Minh tìm việc làm để có thu nhập nuôi sống bản thân và gửi về cho bà C nuôi dưỡng con anh, vài tháng anh mới về thăm các con 01 lần và chỉ ở gần các con trong thời gian vài ba ngày.

- Hội đồng xét xử xét thấy, khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con” và khoản 2 Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”.

- Khi ly hôn anh chị đã thỏa thuận được người trực tiếp nuôi con, nhưng trong thời gian nuôi con, anh N và gia đình anh đã cản trở việc chị M thực hiện quyền thăm nom con là không thực hiện đúng theo quy định tại khoản 2 Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và việc anh N giao con lại cho bà C trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục các con mà không có sự thỏa thuận của chị M là không thực hiện đúng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Do đó, để đảm bảo tốt nhất cho sự phát triển của con, chị M khởi kiện yêu cầu thay đổi việc nuôi con là có căn cứ theo quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

[3] Xét về điều kiện vật chất, chị M hiện nay có thu nhập ổn định và cháu Trần Kim T, sinh ngày 31/01/2015 đang trong độ tuổi còn rất nhỏ, rất cần đến sự trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của người mẹ nhiều hơn để phát triển toàn diện về thể chất cũng như tinh thần và thực tế hiện nay anh N cũng không trực tiếp nuôi con mà giao cho bà C là bà nội của cháu đã ngoài 60 tuổi sẽ không đảm bảo được lợi ích tốt nhất của cháu trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục. Do đó, cấp sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị M giao cháu Trần Kim T cho chị M trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục là có căn cứ, phù hợp pháp luật, nên cấp phúc thẩm không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của anh Trần Tự N, giữ nguyên Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Bạc Liêu. Buộc anh Trần Tự N và bà Ngô Thị C cùng có trách nhiệm giao cháu Trần Kim T cho chị M trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục. Chị Bùi Thoại M không yêu cầu anh Trần Tự N cấp dưỡng nuôi con, nên không đặt ra xem xét giải quyết.

[4] Trong thời gian chị Bùi Thoại M trực tiếp nuôi cháu Trần Kim T, anh Trần Tự N có căn cứ cho rằng chị M không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì anh có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con theo quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Trường hợp anh Trần Tự N lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con.

[5] Xét đề nghị của Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, không chấp nhận kháng cáo của anh Trần Tự N, giữ nguyên Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 06/2020/HNGĐ-ST ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Bạc Liêu. Hội đồng xét xử xét thấy, đề nghị của Kiểm sát viên là có căn cứ, phù hợp pháp luật nên được chấp nhận.

[6] Các phần Quyết định khác của Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 06/2020/HNGĐ-ST ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Bạc Liêu không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.

[7] Án phí dân sự phúc thẩm: Anh Trần Tự N kháng cáo không được chấp nhận nên phải chịu.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của anh Trần Tự Nhiên, giữ nguyên Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 06/2020/HNGĐ-ST ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.

Áp dụng khoản 3 Điều 28; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 58, 81, 82, 83, 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị Bùi Thoại M yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn với anh Trần Tự N.

- Giao cháu Trần Kim T, sinh ngày 31/01/2015 cho chị Bùi Thoại M trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục.

- Buộc anh Trần Tự N và bà Ngô Thị C cùng có trách nhiệm giao cháu Trần Kim T, sinh ngày 31/01/2015 cho chị Bùi Thị M.

- Anh Trần Tự N có quyền, nghĩa vụ thăm nom chăm sóc con chung không ai được quyền cản trở.

- Trường hợp anh Trần Tự N lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con.

- Người không trực tiếp nuôi con có quyền thay đổi việc nuôi con theo quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

2. Về cấp dưỡng nuôi con: Chị Bùi Thoại M không đặt ra yêu cầu, nên không xem xét giải quyết.

3. Về án phí:

- Án phí sơ thẩm dân sự chị Bùi Thị M phải chịu 300.000đ, chị M đã nộp tạm ứng án phí 300.000đồng, theo biên lai thu số 0003997 ngày 10 tháng 10 năm 2019, tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đ, tỉnh Bạc Liêu được chuyển thu án phí.

- Án phí phúc thẩm dân sự anh Trần Tự N phải chịu 300.000đ, anh N đã nộp tạm ứng án phí 300.000đồng, theo biên lai thu số 0007545 ngày 03 tháng 4 năm 2020, tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đ, tỉnh Bạc Liêu được chuyển thu án phí.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án Dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và Điều 9 của Luật Thi hành án Dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án Dân sự.

Án xử phúc thẩm công khai có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

85
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn số 09/2020/HNGĐ-PT

Số hiệu:09/2020/HNGĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bạc Liêu
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 26/05/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về