TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ C, TỈNH QUẢNG NINH
BẢN ÁN 03/2023/KDTM-ST NGÀY 11/09/2023 VỀ TRANH CHẤP THANH TOÁN HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA
Ngày 11 tháng 9 năm 2023 tại Hội trường xét xử Tòa án nhân dân thành phố C, tỉnh Quảng Ninh xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 02/2023/TLST- KDTM ngày 02 tháng 3 năm 2023 về “Tranh chấp thanh toán hợp đồng mua bán hàng hóa” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 04/2023/QĐXXST-KDTM ngày 08 tháng 8 năm 2023; Quyết định hoãn phiên tòa số: 04/2023/QĐST-KDTM, ngày 25 tháng 8 năm 2023, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Công ty cổ phần S Địa chỉ: lô XN 4, khu công nghiệp Đ, phường T, thành phố H, tỉnh Hải Dương.
Người đại diện theo pháp luật: ông S - Chức vụ: Tổng giám đốc. Người đại diện theo ủy quyền: ông Vũ Trung K, ông Bùi Đình H, bà Hoàng Thị H (nhân viên Công ty, theo Hợp đồng ủy quyền số 08/2023/HĐUQ-SR-BAOCHAU ngày 05 tháng 01 năm 2023).
Vắng mặt (có đơn xin xét xử vắng mặt).
2. Bị đơn: Công ty TNHH một thành viên thương mại và dịch vụ B Địa chỉ: tổ M, khu T, phường C, thành phố C, tỉnh Quảng Ninh. Vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện ngày 26 tháng 10 năm 2022, quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn và người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày: ngày 04/8/2013, Công ty cổ phần S (gọi tắt là Công ty S) và Công ty TNHH một thành viên thương mại và dịch vụ B (gọi tắt là Công ty B) đã ký kết hợp đồng nguyên tắc số 162/HĐ-SILKROAD, nội dung: Công ty S bán cho Công ty B các sản phẩm phụ gia bê tông gồm phụ gia siêu hóa dẻo, kéo dài thời gian ninh kết 200lit/phuy, đơn giá 14.000đ/lit; phụ gia siêu dẻo, kéo dài thời gian ninh kết ROADCON SSA2000 200lit/phuy, đơn giá 15.500đ/lit (đơn giá trên đã bao gồm phí vận chuyển nhưng chưa bao gồm 10% thuế VAT). Hai bên sẽ cùng chốt số lượng giao hàng vào cuối tháng. Sau đó bên bán xuất hóa đơn và phiếu đề nghị thanh toán cho bên mua, bên mua có nghĩa vụ thanh toán 100% giá trị hợp đồng cho bên bán vào trước ngày cuối cùng của tháng tiếp theo. Việc thanh toán có thể được thực hiện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản vào tài khoản của bên bán số 0341001912578 được mở tại Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - chi nhánh Hải Dương. Trong trường hợp bên mua thanh toán chậm so với thời hạn thanh toán nêu trên, sẽ phải chịu phí chậm trả theo mức lãi suất cho vay hiện hành của ngân hàng trên tổng số tiền nợ quá hạn. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, hai bên đã thống nhất ký các phụ lục hợp đồng bổ sung các loại hàng hóa mua bán, cụ thể: phụ lục số 01 ngày 01/11/2017, sản phẩm ROADCON HR1000 đóng gói 1.000 lít/thùng, đơn giá 18.500đ/lít; phụ lục số 02 ngày 01/4/2018, sản phẩm ROADCON LF3000 đóng gói 1.000 lít/thùng, đơn giá 24.000đ/lít; phụ lục số 03 ngày 01/4/2019, sản phẩm ROADCON SSA đóng gói 1.000 lít/thùng, đơn giá 12.500đ/lít và ROADCON SSA2000 đóng gói 1.000 lít/thùng, đơn giá 15.000đ/lít.
Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty S đã giao đầy đủ hàng hóa theo như cam kết tại hợp đồng số 162 và các phụ lục hợp đồng cho Công ty B, với tổng số tiền là 4.054.765.000 đồng nhưng Công ty B mới chỉ thanh toán cho Công ty Ssố tiền 3.609.930.000 đồng, còn nợ lại số tiền 444.835.000 đồng; hình thức thanh toán đều là chuyển tiền vào tài khoản của Công ty S, số tài khoản 03410019125xxx tại Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam - chi nhánh Hải Dương. Công ty S đã nhiều lần yêu cầu Công ty B thanh toán dứt điểm số tiền nợ trên nhưng phía Công ty B vẫn không thực hiện. Vì vậy, Công ty Sđề nghị Tòa án giải quyết, buộc Công ty B phải trả cho Công ty Stoàn bộ số tiền còn nợ tạm tính đến hết ngày 15/3/2023 là: 547.703.094 đồng, trong đó nợ gốc là 444.835.000 đồng; lãi chậm trả của số tiền chưa thanh toán tính từ ngày 01/9/2020 đến ngày 15/3/2023, mức lãi suất 9%/năm là 102.868.094 đồng và lãi phát sinh cho đến khi thanh toán xong nợ gốc.
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án và tại đơn đề nghị xét xử vắng mặt, sau khi đối chiếu lại số liệu, do nhầm lẫn trong tính toán nên Công ty S thay đổi số tiền yêu cầu Công ty B phải thanh toán, cụ thể: nợ gốc là 400.835.000 đồng; đồng thời, thay đổi thời điểm tính lãi của tổng số nợ chưa thanh toán, yêu cầu Công ty B phải thanh toán tiền lãi chậm trả 9%/năm, tính từ ngày 16/01/2021 (sau ngày thanh toán nợ gốc cuối cùng của Công ty B ngày 15/01/2021) đến ngày 11/9/2023 (9%/năm = 0.75%/tháng = 0.025%/ngày x 968 ngày) là 97.002.070 đồng, yêu cầu bị đơn tiếp tục chịu lãi chậm trả cho đến khi thanh toán xong công nợ gốc.
Bị đơn Công ty B vắng mặt tại phiên tòa hôm nay mặc dù đã được Tòa án tống đạt hợp lệ các văn bản tố tụng: Thông báo thụ lý vụ án; Giấy triệu tập; Thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải; Quyết định đưa vụ án ra xét xử, Quyết định hoãn phiên tòa, nhưng đều vắng mặt không có lý do; không trình bày ý kiến, quan điểm đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tòa án đã tiến hành xác minh tại Phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Quảng Ninh và Chi Cục thuế khu vực C –V - C, tỉnh Quảng Ninh thì được biết: Công ty B có địa chỉ trụ sở chính tại tổ M, khu T, phường C, thành phố C, tỉnh Quảng Ninh, hiện tại doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ trên và chưa đăng ký thủ tục giải thể tại phòng đăng ký kinh doanh.
Tại Văn bản số 476/HDU-DVKH ngày 17/4/2023 và Văn bản số 715/HDU- DVKH ngày 25/7/2023 của Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - chi nhánh Hải Dương thể hiện nội dung: tài khoản số 0341001912578 của Công ty cổ phần S; từ ngày 11/9/2013 đến ngày 15/01/2021 có 66 giao dịch chuyển tiền từ tài khoản của Công ty B đến tài khoản của Công ty S. Trong đó, từ sau ngày 31/12/2019, có 4 giao dịch chuyển tiền từ Công ty B đến Công ty S, số tiền 200.000.000 đồng (ngày 27/3/2020 chuyển khoản 50.000.000 đồng, ngày 06/5/2020 chuyển khoản 20.000.000 đồng, ngày 06/7/2020 chuyển khoản 30.000.000 đồng, ngày 15/01/2021 chuyển khoản 100.000.000 đồng); từ ngày 16/01/2021 đến ngày 24/7/2023 không phát sinh nội dung chuyển tiền đến tài khoản của Công ty S có thông tin của Công ty B.
Đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm: việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; về thẩm quyền: xác định đúng quan hệ pháp luật tranh chấp và đúng tư cách tố tụng của các đương sự tham gia tố tụng; về thời hạn chuẩn bị xét xử và các thủ tục tố tụng khác. Nguyên đơn đã thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo đúng quy định của pháp luật. Bị đơn được triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt, vi phạm khoản 16 Điều 72 BLTTDS. Về quan điểm giải quyết vụ án: chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn quy định tại Điều 50, 55, 306 Luật thương mại năm 2005, Điều 357, 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết vụ án: Hợp đồng nguyên tắc số 162/HĐ-Sngày 04/8/2013 về mua bán hàng hóa các sản phẩm phụ gia bê tông, được ký kết giữa Công ty S và Công ty B, có địa chỉ tại tổ M, khu T, phường C, thành phố C, tỉnh Quảng Ninh nên Công ty S khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố C giải quyết. Quan hệ pháp luật tranh chấp thanh toán hợp đồng mua bán hàng hóa; thẩm quyền giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố C, tỉnh Quảng Ninh theo quy định tại khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35 và khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2] Nguyên đơn, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn vắng mặt tại phiên tòa nhưng có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; bị đơn Công ty B đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt, nên căn cứ vào khoản 2 Điều 227; Điều 228; Điều 238 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt nguyên đơn, bị đơn theo quy định của pháp luật.
[3] Về nội dung tranh chấp: Công ty Svà Công ty B ký kết hợp đồng nguyên tắc số 162/HĐ-S ngày 04/8/2013 và các phụ lục hợp đồng về việc mua bán hàng hóa các sản phẩm phụ gia bê tông. Xét thấy, giao dịch dân sự giữa Công ty Svà Công ty B được lập thành văn bản, tại thời điểm ký kết các đương sự có đầy đủ năng lực chủ thể, hoàn toàn tự nguyện, mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, do đó giao dịch này có hiệu lực pháp luật theo quy định tại Điều 405 Bộ luật Dân sự năm 2005.
Sau khi ký hợp đồng, Công ty S giao đầy đủ hàng hóa cho Công ty B với tổng giá trị tiền hàng là 4.049.485.000 đồng (4.054.765.000 đồng - 5.280.000 đồng do Công ty B trả lại hàng thể hiện tại biên bản trả lại hàng bán ngày 16/7/2018) và xuất đầy đủ hóa đơn giá trị gia tăng. Tại văn bản xác nhận công nợ ngày 08/01/2020, hai bên đã thống nhất đến ngày 31/12/2019, Công ty B còn nợ Công ty Ssố tiền 600.835.000 đồng. Sau ngày 31/12/2019, Công ty B đã chuyển tiền thanh toán tiếp cho Công ty S 200.000.000 đồng, thể hiện tại các giao dịch: ngày 27/3/2020 chuyển tiền 50.000.000 đồng, ngày 06/5/2020 chuyển tiền 20.000.000 đồng, ngày 06/7/2020 chuyển tiền 30.000.000 đồng, ngày 15/01/2021 chuyển tiền 100.000.000 đồng. Từ ngày 16/01/2021 đến nay không phát sinh nội dung chuyển tiền đến có thông tin của Công ty B; phù hợp với văn bản xác nhận của Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Chi nhánh Hải Dương nơi mở tài khoản của Công ty S. Như vậy, tính đến ngày 15/01/2021, Công ty B còn nợ Công ty S số tiền là 600.835.000 đồng - 200.000.000 đồng = 400.835.000 đồng.
Do đó, có cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty S.
Đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty S buộc Công ty B phải thanh toán số tiền lãi chậm trả 9%/năm (từ ngày 16/01/2021 đến 11/9/2023) là 97.002.070 đồng. Tại mục 6.3 Điều 6 của Hợp đồng nguyên tắc số 162/HĐ-SILKROAD, hai bên thống nhất thỏa thuận về lãi chậm trả như sau: “Trong trường hợp bên mua thanh toán chậm so với thời hạn thanh toán nêu trên, bên bán sẽ tính phí chậm trả theo lãi suất cho vay hiện hành của ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên tổng số tiền nợ quá hạn…”. Như vậy, tính đến ngày 15/01/2021, bị đơn còn nợ nguyên đơn số tiền là 400.835.000 đồng. Do đó, nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải thanh toán lãi chậm trả của số tiền 400.835.000 đồng, thời hạn tính từ ngày 16/01/2021 là có cơ sơ chấp nhận.
Đối với mức lãi suất 9% năm mà Công ty S đưa ra: Tòa án đã có văn bản đề nghị Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (đều ở chi nhánh Quảng Ninh) cung cấp mức lãi suất cho vay, lãi suất quá hạn (bằng đồng Việt Nam) áp dụng đối với doanh nghiệp tại thời điểm hiện nay, để làm căn cứ tính lãi suất trong vụ án. Từ văn bản trả lời của các ngân hàng đã xác định được mức sàn lãi suất quá hạn trung bình đối với doanh nghiệp tại thời điểm xét xử là trên 9%/năm. Theo quy định tại Điều 306 Luật thương mại; Điều 357, 468 Bộ luật Dân sự, mức lãi suất chậm trả mà Công ty Syêu cầu 9%/năm (9%/năm = 0.75%/tháng = 0.025%/ngày x 968 ngày) là có căn cứ chấp nhận.
Tiền lãi Công ty B phải thanh toán cho Công ty Sdo chậm trả số tiền 400.835.000 đồng tính từ ngày 16/01/2021 đến ngày 11/9/2023 được tính như sau:
400.835.000 đồng x 0.025%/ngày x 968 ngày = 97.002.070 đồng. Do đó, chấp nhận số tiền lãi mà nguyên đơn Công ty Syêu cầu bị đơn Công ty B thanh toán.
[4] Về án phí: do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty Sđược chấp nhận nên bị đơn Công ty B phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm theo quy định của pháp luật. Trả lại cho nguyên đơn Công ty S tiền tạm ứng án phí đã nộp.
[5] Về quyền kháng cáo: các đương sự có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35 và khoản 1 Điều 39; khoản 2 Điều 227; Điều 228; Điều 238; Điều 271; Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 290; Điều 405; Điều 428; Điều 438 của Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 357; Điều 468; khoản 1 Điều 688 của Bộ luật Dân sự năm 2015; các điều 50, 55; Điều 306 của Luật Thương mại.
Căn cứ Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty cổ phần S buộc bị đơn Công ty TNHH một thành viên thương mại và dịch vụ B có nghĩa vụ hoàn trả cho Công ty cổ phần S số tiền tính đến ngày 11/9/2023 là 497.837.070đ (bốn trăm chín mươi bảy triệu, tám trăm ba mươi bảy nghìn, không trăm linh bảy đồng), trong đó: nợ gốc 400.835.000 đồng, lãi chậm trả 97.002.070 đồng.
Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, Công ty TNHH một thành viên thương mại và dịch vụ B còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền nợ gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
2. Về án phí: Bị đơn Công ty TNHH một thành viên thương mại và dịch vụ B phải chịu 23.913.482đ (hai mươi ba triệu, chín trăm mười ba nghìn, bốn trăm tám mươi hai đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.
Trả lại cho nguyên đơn Công ty cổ phần S số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 10.896.000đ (mười triệu tám trăm chín mươi sáu nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 000xxxx ngày xx tháng xx năm 2023 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố C, tỉnh Quảng Ninh.
3. Về quyền kháng cáo: nguyên đơn, bị đơn có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; thời hạn thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án về tranh chấp thanh toán hợp đồng mua bán hàng hóa số 03/2023/KDTM-ST
Số hiệu: | 03/2023/KDTM-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thành phố Cẩm Phả - Quảng Ninh |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 11/09/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về