Bản án về tranh chấp tài nguyên nước số 15/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

BẢN ÁN 15/2022/DS-PT NGÀY 14/01/2022 VỀ TRANH CHẤP TÀI NGUYÊN NƯỚC

Ngày 14 tháng 01 năm 2022 tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 09/2021/TLPT-DS ngày 25 tháng 10 năm 2021 về Tranh chấp tài nguyên nước.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 03/2021/DS-ST ngày 08 tháng 9 năm 2021 của Toà án nhân dân huyện BY bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 05/2021/QĐ-PT ngày 01 tháng 11 năm 2021 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Anh Thào A M và chị Mùa Thị V.

Đều trú tại: Bản CT, xã H, huyện BY, tỉnh Sơn La. Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Chị Trần Thị Bích Ngọc – Luật sư thuộc Công ty Luật Bình Minh, chi nhánh Lai Châu. Có mặt.

2. Bị đơn: Anh Thào Vàng T và chị Mùa Thị S.

Đều trú tại: Bản CT, xã H, huyện BY, tỉnh Sơn La. Có mặt.

3. Người kháng cáo: Nguyên đơn anh Thào A M. Có mặt.

4. Người phiên dịch: Chị Mùa Thị M, công tác tại: Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sơn La. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện, bản tự khai, quá trình giải quyết vụ án anh Thào A M và chị Mùa Thị V trình bày:

Gia đình anh M có 07 anh chị em cùng chung sống với bố mẹ. Năm 1999, anh lấy vợ và ra ở riêng, được bố mẹ giao cho một mảnh đất ruộng và mương dẫn nước đi qua đất ruộng nhà anh Thào Vàng T và cùng nhau sử dụng chung nguồn nước tự nhiên từ khe suối chảy ra. Đến năm 2019, anh Thào Vàng T tranh chấp và cho rằng con mương dẫn nước đó là của anh T nhưng anh M không đồng ý chia mương dẫn nước để anh T cùng sử dụng nên có đơn đề nghị Ủy ban nhân dân xã H giải quyết nhưng không thành. Ngày 05/5/2021 anh M khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết không cho anh T sử dụng chung nguồn nước, ngoài ra không yêu cầu gì thêm.

Bị đơn anh Thào Vàng T trình bày: Năm 1990, gia đình anh có khai hoang được 01 thửa ruộng, quá trình sử dụng gia đình anh và anh Thào A M cùng dùng chung nguồn nước để canh tác, đến khi anh M nghe tin đâu đó và đi theo Hội Đạo thiên chúa về thì phát sinh tranh chấp, anh Thào A M không cho anh sử dụng chung nguồn nước mà trước kia hai gia đình cùng sử dụng và anh M có đơn đề nghị Ủy ban nhân dân xã H giải quyết (cả hai gia đình đều được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu vực bản CT, xã H vào năm 2017). Kết quả xã đã giải quyết 03 lần đều không thành, nay đề nghị Tòa án xem xét giải quyết theo quy định.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 03/2021/DS-ST ngày 08/9/2021, Tòa án nhân dân huyện BY, tỉnh Sơn La đã Quyết định:

Căn cứ Điều 5, khoản 3 Điều 17, Điều 171 Luật đất đai năm 2013; khoản 8 Điều 26, Điều 48, Điều 271, Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 252, Điều 253 Bộ luật Dân sự; điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án:

Không chấp nhận đơn khởi kiện ngày 05/5/2021 của anh Thào A M về việc Tranh chấp về khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Ngoài ra Bản án sơ thẩm còn tuyên án phí và quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 13/9/2021, nguyên đơn anh Thào A M có đơn kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện BY.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Anh Thào A M và người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của anh M: Giữ nguyên kháng cáo cho rằng cấp sơ thẩm xác định không đúng quan hệ tranh chấp; đưa chị Mùa Thị S (vợ anh T) và chị Mùa Thị V (vợ anh M) vào tham gia tố tụng với tư cách là đồng nguyên đơn và đồng bị đơn là không đúng mà phải xác định tư cách tham gia tố tụng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; yêu cầu bị đơn để một phần đất cho nguyên đơn mở lối dẫn nước thuận tiện cho việc canh tác trồng lúa. Về xác định diện tích đất còn mâu thuẫn chưa có cơ quan nào xác định quyền sử dụng đất của anh T vì theo biên bản xem xét thẩm định tại chỗ xác định diện tích đất của anh T lớn hơn so với diện tích đất được cấp. Do vậy đề nghị hủy bản án sơ thẩm.

Anh Thào Vàng T không nhất trí nội dung kháng cáo của nguyên đơn, đề nghị giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án được thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về việc giải quyết vụ án, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử: Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự xử không chấp nhận kháng cáo của anh Thào A M, đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa và ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

[1] Về tố tụng:

Ngày 05/05/2021, anh Thào A M có đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện BY về việc Yêu cầu đòi lại mương nước. Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật là Tranh chấp về khai thác, sử dụng tài nguyên nước là đúng quy định tại khoản 8 Điều 26, khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Anh Thào A M là người đứng đơn khởi kiện anh Thào Vàng T, quá trình giải quyết cấp sơ thẩm xác định và đưa chị Mùa Thị S (vợ của anh T) và chị Mùa Thị V (vợ của anh M) vào tham gia tố tụng với tư cách là đồng nguyên đơn và đồng bị đơn là không đúng. Cần xác định tư cách tố tụng của chị S và chị V là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mới đúng quy định. Tuy việc này không làm ảnh hưởng đến bản chất của vụ án nhưng cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.

[2] Về nội dung:

Gia đình nguyên đơn có làm mương dẫn nước từ khe suối tự nhiên (suối Chông Dê) thuộc bản CT đi qua một thửa ruộng của bị đơn sau đó mới đến thửa ruộng của nguyên đơn. Thời gian đầu, hai gia đình cùng sử dụng chung nguồn nước để trồng lúa ruộng bậc thang. Đến đầu năm 2019, gia đình nguyên đơn không đồng ý chia nguồn nước cho gia đình bị đơn cùng sử dụng. Ủy ban nhân dân xã đã tiến hành hòa giải nhiều lần nhưng gia đình nguyên đơn không nhất trí, còn gia đình bị đơn nhất trí chia nguồn nước để cùng nhau canh tác lúa ruộng. Nguyên đơn anh Thào A M cho rằng mương nước đó là của bố anh làm từ trước để lại nay không nhất trí cho anh T dùng chung nguồn nước, yêu cầu bị đơn mở một lối đưa hết nguồn nước để canh tác riêng. Anh T cho rằng đây là nguồn nước tự nhiên, mương nước dẫn về được chảy qua một thửa ruộng của bị đơn, khi nước đầy thửa ruộng đó thì mới chảy qua mương dẫn nước của nguyên đơn, việc anh M yêu cầu dẫn hết mương nước chảy về thửa ruộng của mình là không hợp tình hợp lý.

Thấy rằng, việc anh M cho rằng mương nước này do bố anh để lại và sau đó anh có khai phá mở rộng mương để dẫn nước về ruộng của gia đình nên không nhất trí cho anh T cùng sử dụng là không có căn cứ chấp nhận. Bởi lẽ, nguồn nước này là tự nhiên được chảy ra từ một khe suối nhỏ thuộc bản CT, lượng nước chảy ra phụ thuộc vào thiên nhiên, lúc có, lúc không, mương nước dẫn về được chảy qua một thửa ruộng của bị đơn khi nước đầy thửa ruộng đó mới chảy qua mương dẫn sang nương của nguyên đơn, nên không thể xác định được lượng nước để chia đều cho các bên sử dụng, hơn nữa, nước là tài nguyên quốc gia không phải riêng sở hữu của ai. Tại cấp phúc thẩm, anh M đề nghị xem xét thẩm định lại mương nước đang tranh chấp kết quả đo đạc xác định được vị trí từ đầu nguồn khe suối có mương dẫn nước đến ruộng của bị đơn (đến gốc tre) có diện tích 35,5m2, rộng 0,75m (đều nằm trong diện tích đất gia đình bị đơn đang sử dụng) sau đó dẫn nước đi qua khu đất trống dài 85m về ruộng lúa của nguyên đơn, quá trình sử dụng nguồn nước anh T không cản trở hay bịt đường dẫn để sử dụng riêng mà vẫn để nước chảy tự nhiên cùng nhau sử dụng chung và nhất trí để anh M mắc đường ống dẫn nước đi qua đất của gia đình về ruộng của anh M. Tuy nhiên, anh M không nhất trí mà chỉ muốn sử dụng riêng là không có căn cứ để chấp nhận. Xét thấy, cấp sơ thẩm không chấp nhận đơn khởi kiện của anh Thào A M là có căn cứ.

Từ những phân tích trên, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn anh Thào A M. Cần giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

[3] Về chi phí thẩm định: Ngày 23/12/2021, Tòa án cấp phúc thẩm đã tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ theo yêu cầu của nguyên đơn, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ là 12.821.000đ. Do kháng cáo của nguyên đơn không được chấp nhận nên phải chịu chi phí thẩm định nêu trên.

[4] Về án phí: Anh Thào A M sinh sống tại vùng kinh tế đặc biệt khó khăn nên được miễn án phí dân sự phúc thẩm theo quy định.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự; điểm đ Khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

1. Không chấp nhận kháng cáo của anh Thào A M, giữ nguyên Bản án sơ thẩm số: 03/2021/DS-ST ngày 08/9/2021 của Tòa án nhân dân huyện BY, tỉnh Sơn La như sau:

Không chấp nhận đơn khởi kiện ngày 05/5/2021 của anh Thào A M về việc Tranh chấp về khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

2. Về chi phí thẩm định: Anh Thào A M phải chịu chi phí xem xét thẩm định tại chỗ là 12.821.000 đồng (anh M đã nộp đủ).

3. Án phí dân sự: Anh Thào A M và chị Mùa Thị V được miễn án phí dân sự sơ thẩm và án phí dân sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án phúc thẩm (ngày 14/01/2022)./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

647
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp tài nguyên nước số 15/2022/DS-PT

Số hiệu:15/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Sơn La
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 14/01/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về