TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
BẢN ÁN 40/2023/DS-PT NGÀY 24/02/2023 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, YÊU CẦU HỦY GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Trong ngày 24 tháng 02 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh A xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 241/2022/TLPT-DS ngày 05/12/2022 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất; yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 272/2022/QĐ-PT ngày 26/12/2022, Quyết định hoãn phiên tòa số 27/2023/QĐ- PT ngày 01/02/2023, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: bà Đào Thị G, sinh năm 1940 (chết ngày 24/6/2011);
Người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bà G gồm:
1. Ông Trần Ngọc P, sinh năm 1977; nơi cư trú: xã HB, huyện CM, tỉnh A (có mặt);
2. Ông Trần Ngọc Hoài Po, sinh năm 1967; nơi cư trú: Quận 10, TP. Hồ Chí Minh; nơi ĐKHKTT: xã HB, huyện CM, tỉnh A (xin vắng mặt).
3. Bà Trần Thị Ngọc Mi, sinh năm 1971; nơi cư trú: xã LA, huyện LT, tỉnh Đồng Nai (xin vắng mặt);
4. Bà Trần Thị Ngọc H1, sinh năm 1975; nơi cư trú: xã HB, huyện CM, tỉnh A (xin vắng mặt);
- Bị đơn: ông Trần Hữu H, sinh năm 1938; bà Thái Thị A, sinh năm 1943;
cùng nơi cư trú: xã HB, huyện CM, tỉnh A (tất cả có mặt).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông H, bà A: Luật sư P – Văn phòng luật sư P, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh A; địa chỉ: phường MB, thành phố LX, tỉnh A (có mặt).
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Ủy ban nhân dân huyện CM, tỉnh A; địa chỉ: huyện CM, tỉnh A (đề nghị xét xử vắng mặt, đơn đề ngày 30/12/2022).
2. Ông Thái Hưng L, sinh năm 1920 (chết);
3. Bà Trần Thị T2, sinh năm 1924 (chết);
Người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông L, bà T2 gồm:
- Ông Thái Văn Q, sinh năm 1950; nơi cư trú: xã MK, thành phố LX, tỉnh A (vắng mặt).
- Bà Thái thị A, sinh năm 1943 (có mặt);
- Ông Thái Minh S, sinh năm 1959 (có mặt);
- Bà Thái Kim T, sinh năm 1961 (có mặt);
- Bà Thái Thị Thanh T1, sinh năm 1961 (có mặt);
- Bà Thái Thị G, sinh năm 1947 (vắng mặt);
- Ông Thái Thanh N, sinh năm 1962 (vắng mặt);
- Ông Thái Văn B, sinh năm 1954 (vắng mặt); Cùng nơi cư trú: xã HB, huyện CM, tỉnh A.
Người kháng cáo: Bị đơn Thái Thị A kháng cáo yêu cầu Tòa phúc thẩm hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 1.626,10m2 do Ủy ban nhân dân huyện CM cấp cho bà Đào Thị G ngày 10/7/2001 (do cấp sai thực tế đất sử dụng); xem xét lại tòan diện chứng cứ pháp lý về thủ tục ký tứ cận cho bà G khi cấp quyền sử dụng đất.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Căn cứ vào hồ sơ phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh A; tại đơn khởi kiện lại, tờ tự khai ngày 29/02/2009 trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn bà Đào Thị G, người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bà G trình bày:
Bà có một phần đất giáp ranh với gia đình ông H, bà A, đất tọa lạc tại xã HB, huyện CM, tỉnh A. Năm 2000 theo chủ trương của Nhà nước về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đại trà cho nhân dân, ông H đã cắm mốc ranh đất giữa bà với ông H để địa chính đo đạc cấp giấy đỏ. Năm 2002 Ủy ban nhân dân huyện CM cấp quyền sử dụng đất cho bà 1.626,10m2 vào ngày 10/7/2001 thì ông H tự ý phá bỏ cột mốc cũ, trồng lại trụ ranh ở khoảng giữa ranh đất và trồng cây lấn qua đất của bà, không những thế ông H còn thường xuyên chặt phá các cây lâu năm trên đất của bà như: cây xoài, gòn, bình bát, mít, mai vàng.
Trong quá trình giải quyết vụ án ngày 24/6/2011 bà G chết, người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bà gồm: ông P, bà H1, ông Po, bà Mi yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông H và bà A đốn cây trồng trên đất lấn chiếm để trả lại diện tích đất lấn chiếm là khoảng 45,3m2 theo bản vẽ hiện trạng khu đất tranh chấp của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất ngày 10/8/2012 (theo kết quả thẩm định tại chỗ bằng hình thức đo đạc), diện tích đất lấn chiếm thuộc thửa số 66 được Ủy ban nhân dân huyện CM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 02827 QSDĐ/mB ngày 10/7/2001 cho bà G. Tại đơn khởi kiện bổ sung ngày 23/02/2018 các đương sự khai nguồn gốc đất tranh chấp do cha mẹ (bà G, đã chết năm 2011 và ông Ho, đã chết năm 1992) nhận chuyển nhượng từ gia đình ông H và bà A, bà T2, ông L vào năm 1980 mà có, diện tích tại thời điểm chuyển nhượng là khoản 03 công (3000m2), việc mua bán có làm giấy tay, không có xác nhận của chính quyền địa phương, có người làm chứng ký xác nhận. Đến năm 2001 bà G được Ủy ban nhân dân huyện CM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, theo giấy chứng nhận QSDĐ số 02827 QSDĐ/mB, tờ bản đồ số 18, thửa số 66, diện tích 1.626,10m2 vào ngày 10/7/2001, phần còn lại cấp cho ông M (do bà G cho ông M, phần diện tích đất này không có tranh chấp nên không đề cập đến (vì phần đất ông M hiện đã sang bán lại cho ông P nên không tranh chấp). Trong quá trình sử dụng đất bà G tranh chấp với ông H, bà A, bởi theo bản vẽ của Văn phòng Đăng ký đất đai - Chi nhánh CM đo vẽ thì ông H, bà A đã lấn chiếm qua phần diện tích đất bà G được cấp giấy chứng nhận với diện tích 111,7m2, đất tranh chấp hiện là đất trống theo sơ đồ hiện trạng khu đất tranh chấp do Văn phòng Đăng ký đất đai - chi nhánh CM, tỉnh A cung cấp ngày 30/11/2020 (tại phiên tòa sơ thẩm ông P tự nguyện rút lại một phần yêu cầu khởi kiện đối với: phần yêu cầu di dời hoặc chặt bỏ các cây lâu năm là bạch đàn đã trồng trên phần đất ở phía sau hậu tiếp giáp mương công cộng và tiền bồi thường 2.000.000 đồng đối với bị đơn).
Trong quá trình giải quyết vụ án bị đơn ông H trình bày:
Ông không thống nhất trả đất theo yêu cầu của nguyên đơn kiện đòi diện tích đất theo bản vẽ hiện trạng ngày 04/12/2017 và không đồng ý bản vẽ ngày 30/11/2020, vì trước đây ông có trồng cây ranh hai đầu đất, hiện nay cây đã chết chỉ còn gốc nên phải căn cứ ranh đất tại các gốc cây xác định đất tranh chấp. Ông Bi đại diện theo ủy quyền của ông H, bà A trình bày: ông không đồng ý trả lại diện tích đất như ông P yêu cầu, vì đất này do ông H (chồng bà G) mua diện tích 3.000m2 của ông L, bà T2 (cả 02 đều đã chết), trong quá trình sử dụng ông H đã bán 1.500m2. Khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà G tuy ông H ký tứ cận cho bà G là có thật, nhưng việc ký tên là không đúng tư cách pháp lý bởi khi bà G kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không được các hộ tứ cận ký tên, khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà G thì có thừa 126,1m2 so với diện tích thực tế bà G sử dụng, đất bà G được cấp nằm trên đất ông H đang sử dụng. Ông H với bà A yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 02827/mB ngày 10/7/2001 mà Ủy ban nhân dân huyện CM cấp cho bà G.
Người kế thừa quyền và nghĩa vụ của ông L, bà T2 gồm: ông Q, bà A, ông S, bà T, bà T1, bà G, ông N, ông B thống nhất theo lời trình bày và yêu cầu của ông H, bà A yêu cầu phản tố là yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSD đất do UBND huyện CM cấp cho bà G diện tích 1.626,10m2 ngày 10/7/2001, không chấp nhận nội dung yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án UBND huyện CM có ý kiến như sau:
Tại Công văn số 05 ngày 31/01/2012 của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện CM được Ủy ban nhân dân huyện CM ủy quyền đã xác định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà G diện tích 1.626,10m2, ngày 10/7/2001 là đúng đối tượng và đúng trình tự thủ tục.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 57/2022/DS-ST ngày 14/7/2022 của Tòa án nhân dân huyện CM, tỉnh A căn cứ Điều 166 Bộ luật Dân sự; các Điều 105, 166 và Điều 203 Luật Đất đai; các Điều 26, 34, 35, 39, 147, 157, 244, 227, 228 và Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị Quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà G, buộc ông H, bà A trả lại diện tích đất 111,7 m2 cho người thừa kế là ông Po, bà Mi, bà H1 và ông P. Trong đó 71,8m2 thể hiện tại các mốc điểm 1,2,5,6 và diện tích 39,9m2 thể hiện tại các mốc điểm 2,3,4 theo sơ đồ hiện trạng của Văn phòng Đăng ký đất đai - Chi nhánh CM ngày 30/11/2020 (Bản vẽ ngày 30/11/2020 của Văn phòng Đăng ký đất đai - Chi nhánh CM, tỉnh A là một phần không thể tách rời của Bản án).
2. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của bà G do người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng tại phiên tòa ông P rút lại không yêu cầu đối với cây trồng trên đất trong phạm vi diện tích đất 39,9m2 (thể hiện tại các mốc điểm 2,3,4 theo sơ đồ hiện trạng của Văn phòng Đăng ký đất đai - Chi nhánh CM ngày 30/11/2020) và số tiền yêu cầu bồi thường 2.000.000 đồng.
3. Về chi phí đo đạc và xem xét, thẩm định tại chỗ: chi phí đo đạc 5.154.996 đồng, bà G đã tạm nộp. Do ông P, người thừa kế của bà G tự nguyện chịu và đã nộp xong.
- Ông H tự nguyện chịu 1.000.000 (một triệu) đồng; chi phí đo đạc và xem xét, thẩm định tại chỗ và chi phí nhận bản vẽ 1.509.200 (một triệu năm trăm lẻ chín ngàn hai trăm) đồng; ông H đã nộp xong.
4. Về án phí dân sự sơ thẩm: hoàn trả cho bà G án phí dân sự sơ thẩm 200.000 (hai trăm ngàn) đồng; cho người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của bà G nhận, theo biên lai thu tiền số 0008744 ngày 05/11/2009 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện CM, tỉnh A.
5. Miễn toàn bộ tiền án phí dân sự sơ thẩm cho ông H, bà A; do ông H và bà A là người cao tuổi.
Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định pháp luật.
Tòa sơ thẩm tuyên án ngày 14/7/2022, ngày 25/7/2022 bị đơn A kháng cáo yêu cầu Tòa phúc thẩm hủy giấy chứng nhận QSD đất 1.626,10m2 do Ủy ban nhân dân huyện CM cấp cho bà G ngày 10/7/2001 (do cấp sai thực tế đất sử dụng); xem xét lại tòan diện chứng cứ pháp lý về thủ tục ký tứ cận cho bà G khi cấp QSD đất; những người tham gia tố tụng khác trong vụ án không kháng cáo, Viện Kiểm sát không kháng nghị.
Tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm:
Bà A xác định giữ nguyên yêu cầu kháng cáo là yêu cầu Tòa phúc thẩm hủy giấy chứng nhận QSD đất 1.626,10m2 do Ủy ban nhân dân huyện CM cấp cho bà G ngày 10/7/2001 do cấp sai thực tế đất sử dụng; xem xét lại tòan diện chứng cứ của vụ án, xem xét lại thủ tục ký tứ cận cho bà G khi cấp QSD đất là không hợp pháp, Tòa sơ thẩm không giải quyết yêu cầu phản tố của bà về yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSD đất của bà G là gây thiệt hại quyền lợi của bà.
Ông H cho rằng Tòa sơ thẩm chưa điều tra, thu thập chứng cứ, đối chất làm rõ nguồn gốc đất tranh chấp, hiện trạng sử dụng đất thực tế của các bên đương sự, thủ tục cấp QSD đất cho bà G không hợp pháp, án sơ thẩm không nhận định giải quyết yêu cầu phản tố của ông là yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSD đất của bà G là gây thiệt hại quyền lợi của ông, nhưng lại xử buộc ông, bà A trả đất cho những người thừa kế của bà G là ông Po, bà Mi, bà H1 và ông P diện tích đất 111,7 m2 là không phù hợp pháp luật.
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông H, bà A tại Tòa phúc thẩm cho rằng tài liệu trong vụ án thể hiện thủ tục cấp QSD đất cho bà G là không hợp lệ, không thực hiện đủ thủ tục ký tứ cận ranh đất, án sơ thẩm chưa thu thập chứng cứ làm rõ nguồn gốc đất, hiện trạng đất thực tế sử dụng đất của hộ gia đình ông H, bà A, lại tuyên xử buộc ông H, bà A trả lại diện tích đất 111,7 m2 cho người thừa kế bà G là chưa có căn cứ. Hơn nữa trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm ông H, bà A yêu cầu phản tố là yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSD đất của bà G, nhưng án sơ thẩm không nhận định giải quyết yêu cầu phản tố của ông H, bà A là vi phạm tố tụng, nên đề nghị Tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm, giao vụ án cho Tòa sơ thẩm xét xử lại vụ án để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông H, bà A theo quy định pháp luật.
Ông H, bà A thống nhất ý kiến phát biểu và đề nghị của Luật sư, ông H, bà A đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm, để Tòa sơ thẩm giải quyết lại vụ án cho đúng quy định pháp luật.
Ông P xác định đúng là ông H, bà A có yêu cầu phản tố, là yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSD đất của bà G là mẹ ông, nhưng không rõ vì sao án sơ thẩm không nhận định xét xử yêu cầu này, ông không tranh luận với các ý kiến của ông H, bà A, Luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông H, bà A, nhưng ông không đồng ý các lập luận của ông H, bà A, Luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông H, bà A. Ông xác định mẹ ông là bà G nhận chuyển nhượng đất hợp pháp từ gia đình ông L, bà T2, ông H, bà A vào năm 1980 với diện tích 03 công đất, đất tranh chấp mẹ ông đã được cấp QSD đất đúng pháp luật (UBND huyện CM đã xác định nội dung này), nên ông đề nghị Tòa phúc thẩm giải quyết vụ án theo pháp luật.
Phát biểu kiểm sát việc tuân theo pháp luật, về nội dung vụ án của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phúc thẩm:
- Việc tuân theo pháp luật tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, những người tham gia tố tụng trong vụ án thực hiện đúng quy định Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
- Về nội dung vụ án: Trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm, bị đơn ông H, bà A có yêu cầu phản tố là yêu cầu Tòa án hủy giấy chứng nhận QSD đất diện tích 1.626,10m2 do Ủy ban nhân dân huyện CM cấp cho bà G ngày 10/7/2001 (chính nguyên đơn ông P đã thừa nhận tại phiên tòa phúc thẩm), nhưng khi giải quyết, xét xử vụ án này, Tòa sơ thẩm không nhận định giải quyết yêu cầu phản tố của ông H, bà A là vi phạm nghiêm trọng về tố tụng. Do đó, Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 3 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 phúc xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà A, hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện CM, giao hồ sơ vụ án này cho Tòa án nhân dân huyện CM giải quyết lại theo thủ tục chung do pháp luật quy định.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án; ý kiến trình bày của các đương sự; căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa, ý kiến đề nghị của Luật sư, của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử tòa phúc thẩm nhận thấy:
[1] Về thủ tục tố tụng:
[1.1] Tòa sơ thẩm tuyên án ngày 14/7/2022, ngày 25/7/2022 bị đơn A kháng cáo trong hạn luật định (được miễn nộp tạm ứng án phí phúc thẩm do là người cao tuổi) là đúng quy định, nên kháng cáo của bà A được xét xử theo trình tự phúc thẩm.
[1.2] Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, Ủy ban nhân dân huyện CM, tỉnh A xin xét xử vắng mặt (đơn đề ngày 30/12/2022 theo đấu công văn đến của TAND tỉnh A số 172 ngày 11/01/2023), ông Po, bà M, bà H1 xin vắng mặt, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác trong vụ án đã triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai, nhưng vắng mặt không lý do, xét thấy việc xét xử vắng mặt những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan này không làm ảnh hưởng đến việc xét xử vụ án, nên Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vụ án là đúng quy định pháp luật tố tụng.
[2] Về nội dung vụ án:
[2.1] Quan hệ pháp luật phải xem xét giải quyết trong vụ án theo yêu cầu của các đương sự là tranh chấp QSD đất, yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSD đất của bà G, theo đó đối tượng giải quyết trong vụ án này là diện tích đất lấn chiếm là 111,7m2 đất thuộc thửa số 66 được Ủy ban nhân dân huyện CM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số vào sổ: 02827 QSDĐ/mB cấp cho bà G ngày 10/7/2001.
[2.2] Xét nội dung yêu cầu kháng cáo của bà A, Hội đồng xét xử Tòa phúc thẩm nhận thấy:
Bà G yêu cầu ông H, bà A trả lại đất lấn chiếm 111,7m2, đất tranh chấp tọa lạc tại xã HB, huyện CM, tỉnh A thuộc thửa số 66 được Ủy ban nhân dân huyện CM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 02827 QSDĐ/mB cho bà G ngày 10/7/2001 (bà G chết ngày 24/6/2011). Người thừa kế của bà G gồm ông P, ông Po, bà Mi, bà H1 khởi kiện bổ sung yêu cầu ông H, bà A trả lại diện tích đất lấn chiếm là 111,7m2 theo bản vẽ ngày 30/11/2020 của Văn phòng Đăng ký đất đai - Chi nhánh CM, chứng cứ làm căn cứ khởi kiện là kết quả đo đạc của cơ quan chuyên môn và kết quả xem xét thẩm định tại chỗ phần đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của bà G được cấp QSD đất, theo đó ông P còn khai nhận trên phần đất tranh chấp có 01 cây bạch đàn hoành 80cm của bị đơn là ông H trồng nhưng trong quá trình giải quyết lại vụ án sau khi vụ án bị cấp phúc thẩm hủy án (lần đầu) thì ông P xác nhận bị đơn đã chặt cây trồng trên đất này, nay rút lại yêu cầu này, không yều ông H cầu bồi thường số tiền 2.000.000 đồng.
Bị đơn ông H, bà A, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là bà T2 (đã chết), kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bà T2 là bà A, ông Q, ông S, bà T, bà T1, bà G, ông N, ông B phản đối lại yêu cầy khởi kiện của các nguyên đơn, không thống nhất trả đất theo yêu cầu của nguyên đơn diện tích đất theo bản vẽ hiện trạng ngày 04/12/2017, bản vẽ ngày 30/11/2020 vì: đất tranh chấp trước đây gia đình ông có trồng cây ranh ở hai đầu ranh đất, hiện nay cây đã chết nhưng còn gốc cây chứng minh là ranh đất thực tế gia đình ông sử dụng, nguồn gốc đất tranh chấp do ông H (chồng bà G) mua diện tích 3.000m2 của ông L và T2 (cả 02 đều đã chết), sau đó bà G cho lại ông M một phần diện tích, hiện ông M đã bán lại cho ông P dang sử dụng, trong quá trình sử dụng ông M đã bán lại khoản 1.500m2 cho ông P. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ông H ký tứ cận cho bà G là có thật nhưng việc ký tên là không đúng tư cách pháp lý bởi lẽ khi bà G kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này các hộ tứ cận khu đất không ký tên trong biên bản xác định ranh đất, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà G thừa 126,1m2 không đúng thực tế hiện trạng đất hai hộ đang sử dụng đó là (hộ bà G, hộ ông H), việc UBND huyện CM cấp QSD đất diện tích 1.626,10m2 cho bà G ngày 10/7/2001 không đúng hiện trạng sử dụng đất, cấp sai thực tế đất bà G sử dụng, ông H cho rằng đất cấp QSD đất cho bà G chồng lên QSD đất ở của ông H, nên ông H, bà A yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 02827/mB ngày 10/7/2001 do Ủy ban nhân dân huyện CM cấp cho bà G đối với diện tích 1.626,10m2. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 14/7/2022 ông Bi đại diện theo ủy quyền của ông H, bà A xác định đất bà G kê khai khi cấp QSD đất vượt rất nhiều so với phần đất sử dụng là 111,7m2, nên không đồng ý yêu cầu của nguyên đơn.
[3] Chứng cứ có tại hồ sơ vụ án xác định, đất bà G được cấp QSD đất diện tích 1.626,10m2 năm 2001 (bà G đã chết năm 2011) nay do anh, chị em ông P quản lý sử dụng giáp ranh với diện tích đất 4.112,3m2 do gia đình ông H sử dụng chưa được cấp QSD đất vì đang tranh chấp (bản vẽ của Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh CM lập ngày 30/11/2020 mô tả 02 diện tích đất, BL295), diện tích đất 111,7m2 tranh chấp do G (chết năm 2011) và ông H (chết năm 1992) là cha, mẹ nguyên đơn ông P, Po, bà Mi, bà H1 chết để lại cho các đương sự sử dụng. Diện tích đất này do bà G, ông H nhận chuyển nhượng từ gia đình ông L, bà T2, ông H, bà A vào năm 1980 với diện tích 03 công đất (công tầm cắt, hay công tầm điền 1.000m2 thì không ghi rõ diện tích, tại phiên tòa các đương sự xác định là 3.000m2), các bên đương sự có lập giấy tay sang nhượng đất (giấy tay nhượng đất không có xác nhận của UBND nơi có đất, BL110), tứ cận khu đất thể hiện (phía Đông đất giáp ông H, phía Tây giáp đất ông T, phía Nam giáp đất ông N, phía Bắc giáp đường lộ) nhưng trong giấy tay sang nhương đất không ghi nhận mốc ranh, vị trí đất chuyển nhượng, không có thông số đo đạc xác định chính xác diện tích bà G nhận chuyển nhượng, từ diện tích đất sang nhượng này bà G cho ông M một phần diện tích trong diện tích khoảng 03 công do nhận chuyển nhượng mà có, nhưng không có thông số đo đạc xác định chính xác diện tích đất bà G cho ông M tại thời điểm tặng cho đất là bao nhiêu mét vuông, đất bà G cho ông M tại vị trí nào, hiện phần đất này của ông M, ông M đã bán lại cho ông P, vậy diện tích bà G cho ông M là bao nhiêu mét vuông nằm trong diện tích 03 công do bà G nhận chuyển nhượng của ông L, bà T2, ông H, bà A hay đất nào; bà G cho ông M phần đất ở vị trí nào trong 3 công đất nêu trên, diện tích đất thực tế ông M chuyển nhượng cho ông P trước khi tranh chấp là bao nhiêu mét vuông chưa được thu thập chứng cứ làm rõ. Theo đó ranh đất liền kề đất bà G với đất ông H hiện đang tranh chấp là các gốc cây trồng ranh đất (do ông H khai), đây là tình tiết khách quan cần phải làm rõ để xác định diện tích khi cấp giấy chứng nhận QSD đất cho bà G có chồng lấn lên QSD đất của ông H hay không, cấp có đúng hiện trạng đất bà G và ông H, bà A đang sử dụng hay không, Tòa sơ thẩm chưa điều tra xác minh, thu thập chứng cứ, đối chất, làm rõ các sự kiện pháp lý được phân tích, viện dẫn nêu trên.
Theo đó, chứng cứ trong vụ án còn thể hiện (tại tờ giấy tay nhượng đất năm 1980) đất bà G nhận chuyển nhượng của ông L, bà T2, ông H, bà A, thì đất bà G có vị trí đất có tứ cận đó là (phía Đông đất giáp ông H, phía Tây giáp đất ông T, phía Nam giáp đất ông N, phía Bắc giáp đường lộ), nhưng trong biên bản xác định ranh giới, mốc ranh (BL332) để làm căn cứ xét cấp QSD đất diện tích 1.626,1m2 cho bà G chỉ có ông H, ông Sa ký tên không có ông T, ông N ký tứ cận ranh đất; ông Sa là ai và liên quan gì trong vụ án này lại tham gia ký tứ cận cho bà G cũng chưa được Tòa sơ thẩm xác minh làm rõ để xác định tính hợp pháp, tính pháp lý của biên bản xác định ranh giới, mốc ranh (BL332). Từ cơ sở pháp lý này cho thấy việc UBND huyện CM xác định việc cấp QSD đất cho bà G đúng quy định là chưa có căn cứ vững chắc, chưa phù hợp với pháp luật về đất đai về trình tự thủ tục đăng ký kê khai xin cấp QSD đất của bà G.
Mặt khác, tài liệu, chứng cứ tại hồ sơ còn thể hiện vị trí nguồn gốc diện tích đất tranh chấp trong vụ án này do bà G nhận chuyển nhượng từ ông L, bà T2 (nay cả hai đã chết) thì đất của ông L chuyển nhượng cho bà G có tình tiết khác đó là, đất bà G nhận chuyển nhượng còn giáp đất ông S, ông T trong đó có một cái mương ngang khoảng 1,2 mét dài hết đất, là do gia đình ông L đào để làm ranh (lời khai của người làm chứng H4, T); còn bà H2 (con ông S) khai do cha bà làm giấy tờ cho ông M, nên ông M cho ông S đất cái mương này, sao đó cha bà là ông S lấp đất mương này lại, nay đã bán đất này cho người khác, như vậy diện tích đất mương này ông S bán cho ai, đất này có nằm trong QSD đất của bà G đang tranh chấp không, hay nằm trong đất của ai, ông H thì cho rằng đất Nhà Nước làm đường là đất của dân, đất làm đường mở rộng là diện tích phần đất mương nước thuộc đất của bà G và đất ông M, nên đất bà G và đất ông M không thiếu so với diện tích nhận chuyển nhượng ban đầu vào năm 1980, đây cũng là sự kiện pháp lý khách quan cần thu thập chứng cứ làm rõ khi giải quyết vụ án. Tòa sơ thẩm chưa điều tra xác minh, thu thập chứng cứ, đối chất, làm rõ các tình tiết này để xác định đất tranh chấp nằm trong QSD đất của bà G hay nằm trong đất của ông M, hay nằm trong đất ông H, đất ông M được bà G tặng cho, sau đó ông M chuyển nhượng lại cho ông P chưa đo vẽ xác định diện tích, mà tuyên xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc ông H, bà A giao trả diện tích đất 111,7m2 đất cho các nguyên đơn là chưa đủ căn cứ.
Từ căn cứ pháp luật như đã phân tích, viện dẫn, nhận định rõ phần trên thấy rằng, Tòa sơ thẩm chưa thu thập đầy đủ chứng cứ, chưa đối chất làm rõ những lời khai mâu thuẫn của các đương sự trong vụ án, nên việc tuyên xử chấp một nhận yêu cầu khởi kiện các thừa kế bà G, cụ thể là ông P, ông Po, bà Mi, bà H1 và buộc ông H, bà A trả lại diện tích đất 111,7 m2 cho người thừa kế bà G là ông Po, bà Mi, bà Po và ông P. Trong đó 71,8m2 (thể hiện tại các mốc điểm 1,2,5,6) và diện tích 39,9m2 (thể hiện tại các mốc điểm 2,3,4) theo sơ đồ hiện trạng của Văn phòng Đăng ký đất đai - Chi nhánh CM ngày 30/11/2020) là chưa có căn cứ vững chắc.
Theo đó, trong quá trình giải quyết vụ án này Tòa sơ thẩm còn vi phạm tố tụng đó là, trong quá trình tố tụng ở giai đoạn sơ thẩm ông H, bà A có yêu cầu phản tố là yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 02827/mB ngày 10/7/2001do Ủy ban nhân dân huyện CM cấp cho bà G diện tích 1.626,10m2 (chính ông P đã thừa nhận tại phiên tòa phúc thẩm ông H, bà A có yêu cầu phản tố là yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSD đất của mẹ ông là bà G), nhưng khi xét xử vụ án này (phần nhận định của bản án từ cuối trang 6 đến trang 9 của Bản án, BL334 đến BL336) Tòa sơ thẩm không nhận định giải quyết yêu cầu phản tố của ông H, bà A, không nhận định rõ lý do chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSD đất của bà G của ông H, bà A (Bản án phát hành phần nhận định của bản án sơ thẩm từ BL354 đến BL 358) là vi phạm nghiêm trọng tố tụng vì chưa xem xét nhận định giải quyết yêu cầu phản tố của ông H, bà A yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSD đất của bà G, đây cũng chính là nội dung kháng cáo của bà A. Hơn nữa trong biên bản phiên tòa sơ thẩm ngày 14/7/2022, Hội đồng xét xử sơ thẩm không hỏi gì phần yêu cầu phản tố của ông H, bà A yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà G đối với đại diện bị đơn trong vụ án (Biên bản phiên tòa BL341 đến BL344) gây thiệt hại quyền lợi của ông H, bà A và những người liên quan trong vụ án.
Từ phân tích, nhận định trên thấy rằng, việc thiếu sót và vi phạm tố tụng của cấp sơ thẩm, Tòa phúc thẩm không thể khắc phục được (vì giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn ông H, bà A yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSD đất của bà G mẹ các nguyên đơn trong vụ án này tại cấp phúc thẩm) thì các thừa kế của bà G là nguyên đơn trong vụ án mất quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật tố tụng. Do đó, để vụ án được giải quyết triệt để, đảm bảo đúng quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án cần áp dụng khoản 3 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà A, hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện CM, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện CM, tỉnh A giải quyết sơ thẩm lại vụ án theo thủ tục chung như Viện kiểm sát đề nghị là đúng pháp luật.
[4] Do hủy án sơ thẩm nên án phí, chi phí tố tụng của các đương sự trong vụ án này sẽ được xem xét lại khi giải quyết, xét xử sơ thẩm lại vụ án theo quy định pháp luật. Do hủy án sơ thẩm, chấp nhận kháng cáo của bà A, nên bà A không phải chịu án phí phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 3 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án,
Phúc xử:
- Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà A.
- Hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 57/2022/DS-ST ngày 14/7/2022 của Tòa án nhân dân huyện CM, tỉnh A.
- Gao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện CM, tỉnh A giải quyết sơ thẩm lại vụ án theo thủ tục chung.
- Về án phí sơ thẩm, chi phí tố tụng: nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm, chi phí tố tụng của các đương sự trong vụ án này được xác định lại khi giải quyết sơ thẩm lại vụ án theo quy định pháp luật.
- Bà A không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 40/2023/DS-PT
Số hiệu: | 40/2023/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân An Giang |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 24/02/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về