Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất, yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản, di dời tài sản gắn liền với đất số 24/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

BẢN ÁN 24/2023/DS-PT NGÀY 23/03/2023 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TÀI SẢN, DI DỜI TÀI SẢN GẮN LIỀN VỚI ĐẤT

Ngày 23 tháng 3 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 93/2022/TLPT-DS ngày 02 tháng 12 năm 2022 về việc Tranh chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản, yêu cầu di dời tài sản gắn liền với đất.Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 17/2022/DS-ST ngày 29 tháng 9 năm 2022 của Toà án nhân dân huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 16/2023/QĐ-PT ngày 13 tháng 02 năm 2023; Quyết định hoãn phiên tòa số 31/2023/QĐ-PT ngày 27 tháng 02 năm 2023, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Triệu Hữu P. Nơi cư trú: Thôn N, xã A, huyện L, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.

Người đại diện theo ủy quyền: Anh Triệu Tiến D sinh năm 1988. Nơi cư trú: Thôn N, xã A, huyện L, tỉnh Lạng Sơn (văn bản ủy quyền ngày 24/02/2022); có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của anh Triệu Tiến D: Bà Bạch Ánh T, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Lạng Sơn; có mặt.

- Bị đơn: Ông Triệu Tài M, sinh ngày 30/9/1983. Nơi cư trú: Thôn N, xã A, huyện L, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Triệu Tài M: Bà Lương Thị Hương L, Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Lạng Sơn; có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Triệu Thị V sinh năm 1960; vắng mặt.

2. Chị Triệu Thị L sinh năm 1985; vắng mặt.

3. Chị Triệu Thị H sinh năm 1994; vắng mặt.

4. Chị Triệu Thị T sinh năm 1994; vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của bà Triệu Thị V, chị Triệu Thị L, chị Triệu Thị H, chị Triệu Thị T: Anh Triệu Tiến D (văn bản ủy quyền ngày 07/3/2022); có mặt.

5. Anh Triệu Tiến D sinh năm 1988; có mặt.

6. Bà Triệu Thị N sinh năm 1981; có mặt.

7. Ông Triệu Tiến L sinh năm 1964; có mặt.

8. Bà Triệu Thị M sinh năm 1968; có mặt.

9. Anh Triệu Văn Đ sinh năm 1993; vắng mặt.

10. Chị Đặng Thị M sinh năm 1994; vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của ông Triệu Tiến L, chị Triệu Thị M, anh Triệu Văn Đ, chị Đặng Thị M: Anh Triệu Tiến D (văn bản ủy quyền ngày 11/7/2022.

11. Anh Triệu Sinh Đ sinh năm 2003; có mặt.

12. Chị Triệu Thị V sinh năm 2001; vắng mặt.

Cùng nơi cư trú: Thôn N, xã A, huyện L, tỉnh Lạng Sơn.

13. Ủy ban nhân dân huyện L, tỉnh Lạng Sơn.

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Phạm Thị Phương T, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện L, tỉnh Lạng Sơn (văn bản ủy quyền số 751/QĐ-UBND ngày 11/3/2022); vắng mặt.

14. Công ty Điện Lực L.

Người đại diện hợp pháp: Ông Đàm Văn P - Giám đốc Công ty Điện Lực L; vắng mặt.

15. Ông Triệu Hữu T. Nơi cư trú: Thôn K, xã T, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.

- Người kháng cáo: Ông Triệu Tài M, là bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và Bản án dân sự sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Diện tích đất tranh chấp là 12.742m2 thuộc một phần thửa đất số 70 và 71, tờ bản đồ số 02, bản đồ địa chính lâm nghiệp xã A, huyện L, tỉnh Lạng Sơn thuộc đồi N, thôn N, xã A, huyện L, tỉnh Lạng Sơn. Tài sản gắn liền với đất gồm: Cây keo đường kính nhỏ hơn 05 cm: 12 cây có giá là 96.000 đồng; đường kính từ 05-10 cm: 21 cây có giá là 504.000 đồng; cây thông đường kính nhỏ hơn 05 cm: 182 cây có giá là 2.912.000 đồng; đường kính từ 05-10 cm: 109 cây, có giá là 2.616.000 đồng; đường kính trên 10-20 cm: 94 cây, có giá là 6.580.000 đồng; cây tạp thông thường đường kính gốc trên 10 cm-20 cm: 11 cây, có giá là 770.000 đồng; đường kính gốc trên 20 - 30 cm: 17 cây, có giá là: 1.989.000 đồng; đường kính gốc trên 30 cm: 07 cây có giá là 1.785.000 đồng. Cây tạp thông thường đã bị chặt chỉ còn gốc đường kính gốc 10-20 cm: 41 cây, có giá là 70.000 đồng/cây; đường kính gốc trên 20-30 cm đã bị chặt chỉ còn gốc 15 cây, có giá 117.000 đồng/cây; đã bị chặt chỉ còn gốc đường kính gốc trên 30 cm: 01 cây có giá là 255.000 đồng/cây. Cây ngoài diện tích đất tranh chấp đã bị chặt chỉ còn gốc, cây tạp thông thường đường kính gốc trên 10-20 cm: 08 cây, có giá là 70.000 đồng/cây; đường kính gốc trên 20-30 cm: 05 cây có giá là 117.000 đồng/cây đường kính gốc trên 30 cm: 01 cây có giá 255.000 đồng/cây.

Nguyên đơn, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn cũng như người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày:

Đất tranh chấp có địa danh địa điểm là đồi N thuộc thôn N, xã A, huyện L, tỉnh Lạng Sơn. Nguồn gốc đất tranh chấp: Do ông Triệu Hữu P và ông Triệu Tiến L góp tiền mua của ông Triệu Hữu T vào năm 1999. Ông Triệu Hữu T đã được Nhà nước cấp sổ bìa xanh lô 319 vào năm 1996. Khi đó hai bên có làm giấy tờ mua bán viết bằng chữ Nho tuy nhiên nguyên đơn không đề nghị dịch sang tiếng Việt. Việc bị đơn cho rằng gia đình nguyên đơn chỉ mua ruộng với ông Triệu Hữu T không được mua rừng là không đúng vì năm 1999 đất rừng không có giá trị, hai bên giao cho nhau Sổ bìa xanh và tự thỏa thuận là mua ruộng thì được quản lý luôn cả phần rừng theo Sổ bìa xanh. Khi mua thì trên đất chỉ có cây gỗ tạp gia đình nguyên đơn vẫn quản lý, sử dụng, không ai tranh chấp gì đến năm 2008-2009 thì gia đình nguyên đơn đi kê khai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Năm 2011 thì được Ủy ban nhân dân huyện L cấp GCNQSDĐ số BC 386737, số vào sổ: CH00480, cấp ngày 10/7/2011, thửa 71 (GCNQSDĐ thửa 71), mang tên hộ ông Triệu Hữu P và bà Triệu Thị V. Năm 2017 bị đơn cố ý trồng cây trên đất gia đình nguyên đơn đã nhắc nhở, báo thôn giải quyết, có lập biên bản nhưng đã bị thất lạc, bị đơn không trồng thông, keo nữa. Đến năm 2018 2019 thì bị đơn lấn chiếm bìa rừng, chặt cây tự nhiên và khoanh đẽo cho cây chết.

Nay nguyên đơn yêu cầu:

Được quản lý, sử dụng diện tích đất tranh chấp là 11.362 m2 thuộc thửa 71, tờ bản đồ số 02, bản đồ địa chính đất lâm nghiệp xã A, huyện L, tỉnh Lạng Sơn mà gia đình nguyên đơn đã được cấp GCNQSDĐ, ký hiệu thửa tạm: 71.1; 71.2; 71.3 gồm 2461m2 + 230m2 +8711m2= 11.402 m2, trừ đi phần diện tích 20m2 (đỉnh thửa A26; A27; A7, do không thuộc lô 319 đã cấp sổ bìa xanh cho ông Triệu Hữu T) và phần diện tích 20m2 (đỉnh thửa là M1; M2; M6 có cột điện cao thế trên đất).

Đối với cây thông, keo do bị đơn trồng nguyên đơn không yêu cầu bị đơn phải di dời mà nguyên đơn sở hữu và sẽ thanh toán giá trị keo, thông cho bị đơn với tổng số tiền là 11.416.000 đồng.

Yêu cầu bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn số cây tạp thông thường đã bị chặt trên diện tích đất tranh chấp tổng số tiền là 4.693.000 đồng.

Nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện đối với việc yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại số cây gỗ tạp thông thường bị chặt ngoài diện tích đất tranh chấp tổng số tiền là 1.400.000 đồng; rút yêu cầu khởi kiện được quản lý sử dụng diện tích đất 1.380 m2 rừng sản xuất tại khu đồi N, thôn N, xã A, huyện L, tỉnh Lạng Sơn thuộc một phần thửa 71 tờ bản đồ số 02 bản đồ địa chính đất lâm nghiệp xã A, huyện L, tỉnh Lạng Sơn tỉ lệ 1/10000, lập năm 2011 đã được Ủy ban nhân dân huyện cấp GCNQSDĐ số BC 386737, số vào sổ: CH00480, cấp ngày 10/7/2011 mang tên hộ ông Triệu Hữu P và bà Triệu Thị V và một phần thửa 70 tờ bản đồ số 02 bản đồ địa chính đất lâm nghiệp xã A, huyện L, tỉnh Lạng Sơn tỉ lệ 1/10000, lập năm 2011 đã được Ủy ban nhân dân huyện cấp GCNQSDĐ số BC 386781, số vào sổ: CH00666, mang tên hộ ông Đặng Hữu T1 và bà Triệu Thị V, ký hiệu: 70.1; 70.2; 70.3 gồm: 698m2 + 56m2+ 276m2+ 310m2 = 1340m2 + diện tích đất 20m2 thuộc một phần thửa 71 (đỉnh thửa M1, M2, M3, M6 có cột điện cao thế trên đất) + 20m2 thuộc một phần thửa 71 (đỉnh thửa A26, A27, A7 do không thuộc lô 319 đã cấp sổ bìa xanh cho ông Triệu Hữu T), rút yêu cầu khởi kiện về việc yêu cầu di dời tài sản gắn liền với đất trên diện tích đất đã rút gồm: Cây keo, cây thông, rút yêu cầu về việc yêu cầu sở hữu tài sản gắn liền với đất trên diện tích đất đã rút (Cây tạp thông thường), rút yêu cầu khởi kiện về việc yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại số cây tạp thông thường đã bị chặt chỉ còn gốc trên diện tích đất đã rút tổng số tiền là 187.000 đồng. Về chi phí tố tụng đề nghị theo quy định. Về án phí đề nghị được miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm do nguyên đơn là người dân tộc thiểu số, sống vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

Bị đơn trình bày: Không nhất trí với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Về nguồn gốc đất tranh chấp: Theo dự án hỗ trợ sản xuất, bị đơn không biết là dự án gì, của cấp cơ quan nào. Cả thôn N gồm xóm T (xóm nguyên đơn sinh sống) và xóm N (xóm của bị đơn) mỗi người được chia 01 lô đất để quản lý, sử dụng. Dự án được thực hiện bắt đầu từ năm 2007 đến năm 2009 chia làm 03 đợt. Chính quyền xã và thôn đến để phổ biến trực tiếp đến các nhà dân. Đối với phần diện tích đang tranh chấp với nguyên đơn là dự án đợt 3, còn dự án đợt 1 và đợt 2 gia đình bị đơn đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Phần đất tranh chấp là đợt 3, bản thân gia đình bị đơn nói riêng và tất cả mọi người được phân đất theo dự án đều chưa nhà nào được cấp GCNQSDĐ vì đợi xã xuống làm cho như đợt 1 và đợt 2. Không biết lý do gì mà gia đình nguyên đơn lại được cấp GCNQSDĐ vào phần đất dự án của gia đình bị đơn. Năm 2018 - 2019 bị đơn tiến hành trồng thông trên đất cũng không thấy nguyên đơn có ý kiến gì. Đến năm 2021 thì mới quay sang tranh chấp đất với gia đình bị đơn. Khi thôn và xã lên giải quyết tranh chấp cũng khẳng định việc cấp GCNQSDĐ cho gia đình nguyên đơn là nhầm. Năm 2021 sau khi tranh chấp xảy ra gia đình bị đơn có đi đẽo vỏ của cây sau sau, gỗ tạp mọc tự nhiên trên đất tranh chấp chỗ bìa rừng để cho cây tạp, sau sau chết đi cho cây thông trồng phát triển. Do năm 2009 gia đình chưa có điều kiện nên chưa trồng được hết đất dự án chỉ trồng được một phần như trích đo thửa đất đã thể hiện. Về chi phí tố tụng đề nghị theo quy định. Về án phí đề nghị được miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm do bị đơn là người dân tộc thiểu số, sống vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

Ủy ban nhân dân huyện L, tỉnh Lạng Sơn trình bày: Thửa 71 tờ bản đồ số 02, bản đồ địa chính đất lâm nghiệp xã A, huyện L đã được cấp GCNQSDĐ cho hộ ông Triệu Hữu P và bà Triệu Thị V; trình tự, thủ tục cấp GCNQSDĐ thửa 71 chưa đảm bảo theo quy định do có những sai sót: Chỉ có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã A, tại Đơn xin cấp GCNQSDĐ chưa có ký xác nhận của người thẩm tra hồ sơ Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và chưa có ý kiến của cơ quan Tài nguyên và Môi trường. Hồ sơ cấp GCNQSDĐ thửa 71 cấp lần đầu. Thời điểm thực hiện các thủ tục cấp GCNQSDĐ thì Ủy ban nhân dân huyện không nhận được ý kiến tranh chấp, khiếu nại nào. Năm 2008 -2009 trên địa bàn thôn N, xã A có thực hiện Chương trình hỗ trợ trồng rừng sản xuất (dự án 661 huyện L) do Lâm trường L (nay là Công ty TNHH Lâm nghiệp L) làm chủ dự án; diện tích thời điểm thực hiện dự án không có tranh chấp. Hộ ông Triệu Tài M năm 2008 thực hiện trồng rừng tại lô e, khoảnh 1, tiểu khu 430, diện tích 4 3 ha; năm 2009 thực hiện trồng 1,6 ha tại lô d, khoảnh 1, tiểu khu 430. Hộ ông Triệu Tài M (a) năm 2008 thực hiện trồng rừng tại lô d, khoảnh 10, tiểu khu 431, diện tích 3 1 ha và năm 2009 thực hiện trồng rừng tại lô I, khoảnh 8, tiểu khu 431, diện tích 2, 7 ha. Bị đơn ông Triệu Tài M (sinh năm 1983) đã được cấp GCNQSDĐ đối với thửa 33, thửa 42, thửa 74, bản đồ lâm nghiệp số 02, xã A.

Công ty Điện Lực L trình bày: Cột điện cao thế thuộc thửa 70, tờ bản đồ lâm nghiệp số 02, xã A địa chỉ: Thôn N, xã A, huyện L. Công trình cấp điện được thực hiện tại Quyết định số 608/QĐ-UBND ngày 22/5/2012 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc phê duyệt báo cáo kinh tế, kỹ thuật và kế hoạch đấu thầu xây dựng Công trình: Cấp điện xã A, huyện L, tỉnh Lạng Sơn. Diện tích đất thu hồi là 16,56 m2. Ông Triệu Tài M là người nhận bồi thường, khi kiểm đếm và lập dự án bồi thường thì không ai có ý kiến khiếu nại hay thắc mắc gì. Cột điện này vẫn do điện lực huyện L quản lý. Tuy nhiên hiện nay cột điện lại không nằm ở vị trí đất được bồi thường. Do vậy đối với diện tích đất này điện lực huyện L không yêu cầu quản lý, sử dụng. Đối với cột điện trên đất do các bên đương sự không ai yêu cầu tháo dỡ, di dời và quản lý cột điện nên điện lực L cũng nhất trí và không có ý kiến gì.

Ông Triệu Tiến L trình bày: Ông được góp tiền mua đất cùng ông Triệu Hữu P với ông Triệu Hữu T, hiện nay đất được cấp GCNQSDĐ mang tên ông Triệu Hữu P và bà Triệu Thị V nhưng cả ông và gia đình nguyên đơn đang cùng nhau quản lý, sử dụng. Nếu chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông vẫn nhất trí giao cho hộ gia đình nguyên đơn quản lý, sử dụng theo GCNQSDĐ đã được cấp.

Ông Triệu Hữu T trình bày: Năm 1999 ông không bán rừng cho ông Triệu Hữu P mà chỉ được bán ruộng, ông giao cho ông Triệu Hữu P quản lý, sử dụng rừng sau này bán được thì chia nhau. Khi giao thì trên đất chỉ có cây tạp mọc tự nhiên. Ông không có yêu cầu và đề nghị gì.

Bà Triệu Thị N, anh Triệu Sinh Đ và chị Triệu Thị V: Cùng ý kiến với bị đơn không nhất trí với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì đây là đất của gia đình được cấp theo chuơng trình hỗ trợ sản xuất.

Người làm chứng phía bị đơn ông Triệu Tiến B và ông Triệu Tiến H trình bày: Đất tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn là đất thuộc dự án hỗ trợ sản xuất vào đợt 3, cấp cho gia đình bị đơn không nhớ là dự án gì.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 17/2022/DS-ST ngày 29-9-2022 của Tòa án nhân dân huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đã quyết định:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Triệu Hữu P, cụ thể:

1.1. Hộ ông Triệu Hữu P và bà Triệu Thị V được quản lý, sử dụng diện tích đất là 11.362m2 đất rừng sản xuất tại khu đồi N, thôn N, xã A, huyện L, tỉnh Lạng Sơn thuộc một phần thửa đất số 71 tờ bản đồ số 02 bản đồ địa chính đất lâm nghiệp xã A, huyện L, tỉnh Lạng Sơn tỉ lệ 1/10000, lập năm 2011 đã được Ủy ban nhân dân huyện cấp GCNQSDĐ số BC 386737, số vào sổ: CH00480, cấp ngày 10/7/2011 mang tên hộ ông Triệu Hữu P và bà Triệu Thị V. Diện tích đất được mô tả bằng hình vẽ nối các điểm (đỉnh thửa):

Thửa tạm 71.1, diện tích 2461m2; thuộc một phần thửa 71, vị trí đỉnh thửa A1, A2, A24, A20, A21, A22, A23.

Thửa tạm 71.2, diện tích 230m2 ; thuộc một phần thửa 71, vị trí đỉnh thửa A19, A20, A24, A25.

Diện tích 8671m2 ; thuộc một phần thửa 71, vị trí đỉnh thửa A8, M3, M2, M1, M6, A9, A11, A12, A13, A14, A15, A16, A17, A18, A19, A25, A27, A26.

1.2. Hộ ông Triệu Hữu P và bà Triệu Thị V được quyền sở hữu các cây trên diện tích đất trên diện tích đất nêu tại 1.1 gồm: Cây keo: 10 cây (đường kính nhỏ hơn 05cm); 19 cây (đường kính từ 05-10 cm); Cây thông: 170 cây (đường kính nhỏ hơn 05 cm); 95 cây (đường kính từ 05-10 cm); 84 cây (đường kính trên 10 cm- 20 cm); cây tạp thông thường: 10 cây (đường kính gốc trên 10 cm- 20 cm) 16 cây (đường kính gốc trên 20 cm- 30 cm); 06 cây (đường kính gốc trên 30 cm).

1.3. Buộc bị đơn và gia đình bị đơn ông Triệu Tài M phải chấm dứt hành vi tranh chấp quyền sử dụng diện tích đất nêu tại mục 1.1 và tài sản gắn liền với đất nêu tại mục 1.2 với hộ ông Triệu Hữu P và bà Triệu Thị V.

1.4. Ông Triệu Hữu P phải thanh toán giá trị cây trồng (keo, thông tại mục 1.2) cho ông Triệu Tài M với tổng số tiền là 11.416.000.

1.5. Ông Triệu Tài M phải bồi thường cho ông Triệu Hữu P số cây tạp thông thường đã bị chặt (40 cây: Đường kính gốc trên 10 cm – 20 cm; 14 cây: Đường kính gốc trên 20 cm- 30 cm; 01 cây: Đường kính gốc trên 30 cm) trên diện tích đất tại mục 1.1 , tổng số tiền là 4.693.000 đồng.

2. Về đình chỉ xét xử:

2.1. Đình chỉ xét xử yêu cầu khởi kiện của ông Triệu Hữu P về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại số cây gỗ tạp thông thường bị chặt ngoài diện tích đất tranh chấp (08 cây đường kính gốc trên 10 cm- 20 cm; 05 cây: Đường kính gốc trên 20cm - 30cm; 01 cây: Đường kính gốc trên 30cm), tổng số tiền là: 1.400.000 đồng.

2.2. Đình chỉ xét xử yêu cầu khởi kiện của ông Triệu Hữu P về việc yêu cầu quản lý sử dụng diện tích đất 1.380 m2 rừng sản xuất tại khu đồi N, thôn N, xã A, huyện L, tỉnh Lạng Sơn thuộc một phần thửa 71 tờ bản đồ số 02 bản đồ địa chính đất lâm nghiệp xã A, huyện L, tỉnh Lạng Sơn tỉ lệ 1/10000, lập năm 2011 đã được Ủy ban nhân dân huyện cấp GCNQSDĐ số BC 386737, số vào sổ: CH00480, cấp ngày 10/7/2011 mang tên hộ ông Triệu Hữu P và bà Triệu Thị V và một phần thửa 70 tờ bản đồ số 02 bản đồ địa chính đất lâm nghiệp xã A, huyện L, tỉnh Lạng Sơn tỉ lệ 1/10000, lập năm 2011 đã được Ủy ban nhân dân huyện cấp GCNQSDĐ số BC 386781, số vào sổ: CH00666, mang tên hộ ông Đặng Hữu T1 và bà Triệu Thị V. Diện tích đất được mô tả bằng hình vẽ nối các điểm (đỉnh thửa) gồm:

Thửa (tạm) 70.1, diện tích 698m2; thuộc một phần thửa 70, vị trí đỉnh thửa A2, A3, A28, A4, A24.

Thửa (tạm) 70.2, diện tích 56m2 ; thuộc một phần thửa 70, vị trí đỉnh thửa A4, A5, A25, A24.

Thửa (tạm) 70.3, diện tích 276m2 ; thuộc một phần thửa 70, vị trí đỉnh thửa A5, A6. A7, A27, A25.

Thửa (tạm) 70.4, diện tích 310m2 ; thuộc một phần thửa 70, vị trí đỉnh thửa A9, A10, A11.

Diện tích 20m2 ; thuộc một phần thửa 71, vị trí đỉnh thửa M1, M2, M3, M6.

Diện tích 20m2 ; thuộc một phần thửa 71, vị trí đỉnh thửa A26, A27, A7.

2.3. Đình chỉ xét xử yêu cầu khởi kiện của ông Triệu Hữu P về việc yêu cầu di dời tài sản gắn liền với đất trên diện tích đất nêu tại mục 2.2 gồm: Cây keo: 02 cây (đường kính nhỏ hơn 05 cm); 02 cây (đường kính 5-10 cm); cây thông: 12 cây (đường kính nhỏ hơn 05 cm); 14 cây (đường kính từ 5-10 cm); 10 cây (đường kính từ 10-20 cm).

2.4. Đình chỉ xét xử yêu cầu khởi kiện của ông Triệu Hữu P về việc yêu cầu sở hữu tài sản gắn liền với đất trên diện tích đất nêu tại mục 2.2 gồm: Cây tạp thông thường: 01 cây (đường kính 10-20cm); 01 cây (đường kính trên 30cm).

2.5. Đình chỉ xét xử yêu cầu khởi kiện của ông Triệu Hữu P về việc yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại số cây tạp thông thường đã bị chặt chỉ còn gốc (01 cây đường kính gốc trên 10 cm – 20 cm; 01 cây đường kính gốc trên 20 cm- 30 cm) trên diện tích đất nêu tại mục 2.2, tổng số tiền là 187.000 đồng.

3. Về nghĩa vụ chịu chi phí tố tụng: Nguyên đơn phải chịu chi phí tố tụng là 3.616.000 đồng (ba triệu sáu trăm mười sáu nghìn đồng), xác nhận nguyên đơn đã nộp đủ.

Bị đơn phải chịu chi phí tố tụng là 26.158.000 đồng. Nguyên đơn đã tạm ứng 26.158.000 đồng, do vậy buộc bị đơn có trách nhiệm hoàn trả lại cho nguyên đơn 26.158.000 đồng.

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn tuyên về, án phí, lãi suất chậm trả, quyền yêu cầu thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.

Trong thời hạn luật định, bị đơn ông Triệu Tài M kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm giao toàn bộ đất tranh chấp 11.362m2 tại đồi N, thôn N, xã A, huyện L cho ông Triệu Tài M quản lý, sử dụng và sở hữu các tài sản trên đất. Yêu cầu ông Triệu Hữu P phải chịu toàn bộ tiền chi phí tố tụng.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Triệu Tài M và bị đơn ông Triệu Tài M thay đổi nội dung kháng cáo yêu cầu hủy Bản án sơ thẩm.

Nguyên đơn ông Triệu Hữu P yêu cầu giữ nguyên bản án sơ thẩm và không chấp nhận nội dung kháng cáo của bị đơn.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến về việc chấp hành pháp luật tố tụng và giải quyết vụ án cụ thể như sau:

1. Về việc chấp hành pháp luật tố tụng: Quá trình thụ lý, giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, Thẩm phán, Hội đồng xét xử Thư ký phiên tòa chấp hành đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa đã được thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

2. Về việc giải quyết kháng cáo:

Về nguồn gốc, theo nguyên đơn trình bày nguồn gốc đất do ông mua của ông Triệu Hữu T vào năm 1999, ông Triệu Hữu T được giao quyền quản lý và sử dụng đất rừng và đất trồng rừng (sổ bìa xanh) lô 319 diện tích 27,8ha và lô 320 diện tích 20,2ha theo Quyết định số 239/UB-QĐ ngày 10/12/1996 của UBND huyện L. Tuy nhiên, ông Thắng trình bày không được bán rừng cho ông Phượng mà chỉ bán ruộng nhưng có được giao Sổ bìa xanh cho ông Phượng quản lý với mục đích để cùng nhau trồng cây hoặc sau này bán lấy tiền chia nhau và thực tế gia đình nguyên đơn đã cung cấp bản sao chứng thực Sổ bìa xanh khi khởi kiện. Nguyên đơn cung cấp 01 Giấy viết bằng chữ Nho nhưng không yêu cầu dịch ra Tiếng Việt vì cho rằng không có tọa độ đất. Bị đơn trình bày nguồn gốc đất là dự án hỗ trợ sản xuất, không nhớ dự án gì năm bao nhiêu nhưng có được thôn chỉ đất để trồng cây, giao cho gia đình quản lý từ năm 2009, mặc dù không có văn bản nhưng có người làm chứng. Tuy nhiên, theo UBND huyện L cho biết năm 2008 -2009 trên địa bàn thôn N, xã A có thực hiện Chương trình hỗ trợ trồng rừng sản xuất (dự án 661 huyện L) do Lâm trường L (nay là Công ty TNHH Lâm nghiệp L) làm chủ dự án. UBND xã A cho biết xã không nắm được nguồn gốc đất tranh chấp do nguyên đơn mua bán hay do bị đơn được giao theo chương trình hỗ trợ sản xuất vì không có tài liệu giấy tờ mua bán hay hồ sơ dự án nào lưu tại UBND xã.

UBND huyện L xác định: Các quyết định về giao đất giao rừng (Sổ bìa xanh) cho hộ gia đình cá nhân trước đây trên địa bàn xã A đã bị thu hồi và hết hiệu lực nhưng sổ bìa xanh là một trong những căn cứ để xem xét về nguồn gốc đất. Theo tài liệu số hóa, chồng ghép bản đồ thiết kế trồng rừng của Công ty S thì lô e và lô d khoảnh 1 tiểu khu 430 mà bị đơn trồng cây theo dự án không thuộc diện tích đất tranh chấp, còn diện tích đất tranh chấp thuộc lô 319 đã được giao quyền quản lý rừng và đất trồng rừng cho ông Triệu Hữu T năm 1996. Do đó xác định về nguồn gốc đất tranh chấp các bên đương sự đều không có tài liệu chứng minh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng phần đất tranh chấp nằm trong lô 319 phù hợp với Sổ bìa xanh của ông Triệu Hữu T. Ông Thắng cũng thừa nhận đã giao Sổ bìa xanh cho nguyên đơn quản lý từ năm 1999 và không có ý kiến tranh chấp với nguyên đơn.

Về quá trình quản lý, sử dụng: Nguyên đơn trình bày khi mua đất rừng với ông Triệu Hữu T trên đất chỉ có cây mọc tự nhiên gia đình nguyên đơn vẫn quản lý sử dụng. Năm 2008 -2009 gia đình nguyên đơn kê khai đến năm 2011 thì được cấp GCNQSDĐ. Từ khi mua đến năm 2017 thì mới xảy ra tranh chấp với bị đơn nhưng chỉ báo thôn giải quyết năm 2017 thôn có lập biên bản và đã thỏa thuận mốc giới nhưng biên bản đã thất lạc và bị đơn cũng không thực hiện theo thỏa thuận và bị đơn cũng thừa nhận năm 2017 thôn đã giải quyết tranh chấp giữa hai bên nhưng không cung cấp được văn bản. Đến năm 2021 thì bị đơn phát cây tự nhiên trên đất thì nguyên đơn mới báo xã giải quyết tranh chấp và lập biên bản. Ông Triệu Hữu T cũng thừa nhận khi giao sổ bìa xanh cho ông Phượng thì trên đất chỉ có các cây tự nhiên. Bị đơn cho rằng đất cấp theo dự án từ năm 2009 ông đã trồng keo từ năm 2009- 2010 nhưng do keo chưa phát triển nên đến năm 2017- 2018 ông đã phát keo để trồng thông. Bị đơn xác định chỉ tranh chấp phần đất đồi không tranh chấp phần đất rừng. Theo kết quả trích đo diện tích đất tranh chấp thể hiện phần diện tích nguyên đơn đang quản lý sử dụng có số thửa tạm 71.5 diện tích 28.777m2 không tranh chấp nằm liền kề với diện tích đang tranh chấp còn diện tích bị đơn trồng thông năm 2009 lại không nằm trong phần đất tranh chấp. Theo bản án sơ thẩm xác định trên đất tranh chấp có 84 cây thông có đường kính từ 10 – 20cm nhưng bị đơn không yêu cầu giám định tuổi cây nên cũng không có căn cứ xác định các cây này được trồng từ thời gian nào trên trích đo cũng không thể hiện có trồng năm 2009 của bị đơn trên phần đất tranh chấp. Ông Triệu Tài M thừa nhận do chưa có điều kiện nên đến khoảng 2017 – 2018 ông mới trồng thông trên phần đất được giao theo dự án và cho rằng chính là phần đất tranh chấp hiện nay. Như vậy về tài sản trên đất có căn cứ xác định do bị đơn ông Triệu Tài M trồng khoảng năm 2017 – 2018 sau khi gia đình ông Triệu Hữu P đã được cấp GCNQSDĐ năm 2011 và khi gia đình bị đơn trồng cây thì gia đình nguyên đơn đã có ý kiến.Theo kết quả trích đo thể hiện phần giữa phần diện tích 71.3 và diện tích 71.1 có 01 đoạn đường đất ký hiệu thửa tạm 71.2 ngăn cách hai phần đất nhưng các bên đương sự đều thừa nhận đây không phải là ranh giới giữa hai diện tích đất không phải đường giao thông mà chỉ là đường mòn do người dân đi lại tạo nên cũng không có cơ sở xác định đây là phần ranh giới phân chia quyền sử dụng đất giữa hai hộ gia đình.

Ủy ban nhân dân huyện L và Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Lạng Sơn đều có ý kiến cho rằng việc cấp GCNQSDĐ cho hộ ông Triệu Hữu P đối với thửa 71 tờ bản đồ 02 là chưa đảm bảo về trình tự thủ tục và việc hủy ha y không hủy GCNQSDĐ do Tòa án quyết định. Tuy nhiên căn cứ các tài liệu trong hồ sơ thấy rằng không chỉ riêng thửa 71 mà ông Triệu Hữu P đã được cấp GCNQSDĐ thiếu các nội dung này mà các thửa đất khác ông Triệu Hữu P được cấp GCNQSDĐ cùng thời điểm và các thửa đất mà ông Triệu Tài M B được cấp GCNQSDĐ đều không có xác nhận của Văn phòng đăng ký đất đai và cơ quan Tài nguyên và môi trường.

Bị đơn không chứng minh được nguồn gốc quá trình quản lý sử dụng chưa được cấp GCNQSDĐ trong khi phần diện tích đất liền kề của nguyên đơn đang quản lý sử dụng liền kề với phần đất tranh chấp nguyên đơn đã kê khai và được cấp GCNQSDĐ bị đơn trồng cây thông cây keo khoảng năm 2017 - 2018 khi nguyên đơn đã được cấp GCNQSDĐ. Phần diện tích mà bị đơn trồng thông năm 2009 cũng thuộc một phần thửa 71 tờ bản đồ 02 nhưng không thuộc phần đất tranh chấp. Do đó bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được quản lý sử dụng diện tích đất tranh chấp và có nghĩa vụ thanh toán giá trị cây thông cây keo do bị đơn trồng là có căn cứ. Bị đơn kháng cáo yêu cầu hủy Bản án sơ thẩm là không có cơ sở chấp nhận. Tại cấp phúc thẩm bị đơn có cung cấp thêm 01 Biểu thống kê diện tích thể hiện ông Triệu Tài M nhận khoán lô s khoảnh 2 Tiểu khu 430 diện tích 2 8ha và cho rằng đây chính là phần đất tranh chấp. Tuy nhiên tại cấp sơ thẩm bị đơn không xuất trình tài liệu này và cũng không có cơ sở chồng ghép số hóa.

Về chi phí tố tụng: Do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận nên bị đơn phải chịu chi phí tố tụng đối với phần yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận nguyên đơn phải chịu chi phí tố tụng đối với diện tích đã rút yêu cầu khởi kiện theo quy định tại Điều 157 Điều 165 Bộ luật Tố tụng dân sự. Tổng chi phí tố tụng là 29.774.000 đồng tổng diện tích đất tranh chấp là 12.742m2, nguyên đơn được chấp nhận yêu cầu khởi kiện đối với diện tích 11.362m2 nên sẽ phải chịu chi phí tố tụng là 26.541.000 đồng bị đơn rút yêu cầu khởi kiện đối với diện tích 1.380m2 nên sẽ phải chịu chi phí tố tụng là 3.223.000 đồng.

Tuy nhiên bản án sơ thẩm buộc nguyên đơn phải chịu 3.616.000 đồng và bị đơn phải chịu chi phí tố tụng là 26.158.000 đồng là không chính xác nhưng nội dung chênh lệch không nhiều nguyên đơn không kháng cáo và tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn cũng đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm không có ý kiến khiếu nại hay thắc mắc gì và nội dung này có lợi cho bị đơn. Do đó không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị đơn về việc buộc nguyên đơn phải chịu toàn bộ chi phí tố tụng.

Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không chấp nhận kháng cáo của ông Triệu Tài M B giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 17/2022/DS-ST ngày 29/9/2022 của Tòa án nhân dân huyện L tỉnh Lạng Sơn.

Về án phí phúc thẩm: Đề nghị miễn án phí cho bị đơn vì thuộc trường hợp được miễn án phí theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 [1] Về thủ tục tố tụng: Phiên tòa mở lần thứ hai và đã được triệu tập hợp lệ có đương sự người đại diện hợp pháp của đương sự tuy vắng mặt nhưng đã có người đại diện theo uỷ quyền có mặt hoặc đã có đơn xin xét xử vắng mặt. Căn cứ Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án vắng mặt những người này.

[2] Về việc rút một phần yêu cầu khởi kiện: Tại cấp sơ thẩm nguyên đơn rút yêu cầu buộc bị đơn bồi thường thiệt hại số cây gỗ tạp thông thường bị chặt ngoài diện tích đất tranh chấp; rút yêu cầu quản lý sử dụng diện tích đất 1.380m2 rừng sản xuất tại khu đồi N, thôn N, xã A, huyện L, tỉnh Lạng Sơn; rút yêu cầu di dời tài sản gắn liền với đất và yêu cầu sở hữu tài sản trên diện tích đất 1.380 m2 nếu trên; rút yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại số cây tạp thông thường đã bị chặt Hội đồng xét xử nhận thấy việc rút yêu cầu trên là hoàn toàn tự nguyện, phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 244 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cấp sơ thẩm đình chỉ đối với các yêu cầu này là có căn cứ.

[3] Xét kháng cáo của bị đơn ông Triệu Tài M đề nghị cấp phúc thẩm hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và bên bị đơn cho rằng: Việc cấp GCNQSDĐ cho gia đình nguyên đơn là không đúng quy định; gia đình nguyên đơn không trồng cây trên đất, sau khi được cấp GCNQSDĐ cho gia đình nguyên đơn cũng không trồng cây tạo lập tài sản trên đất; gia đình bị đơn đã trồng cây trên đất thể hiện quá trình quản lý, sử dụng đất; Tòa án sơ thẩm không hủy GCNQSDĐ làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bị đơn là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong việc đánh giá chứng cứ. Cũng tại phiên Tòa phúc thẩm bên nguyên đơn cho rằng: Gia đình nguyên đơn đã quản lý đất tranh chấp từ năm 1999 không cho ai chặt phá; lý do không trồng cây vì UBND xã không cho chặt cây gỗ tạp đã có những trường hợp chặt cây bị UBND xã phạt hành chính gia đình nguyên đơn chấp hành đúng quy định của UBND xã. Hội đồng xét xử nhận thấy:

[4] Về nguồn gốc đất tranh chấp: Ông Triệu Hữu T được giao quyền quản lý và sử dụng đất rừng và đất trồng rừng (sổ bìa xanh) lô 319 với tổng diện tích được giao là 48 ha, theo quyết định số 239/UB-QĐ ngày 10/12/1996 trong đó có phần đất tranh chấp. Ông Triệu Hữu T đã giao cho bên nguyên đơn quản lý, sử dụng từ năm 1999 đồng thời giao Hồ sơ quản lý và sử dụng đất rừng và đất trồng rừng (sổ bìa xanh) cho bên nguyên đơn. Ông Triệu Hữu T thừa nhận đã giao cho ông Triệu Hữu P quản lý, sử dụng đất rừng từ năm 1999 gia đình ông không quản lý, sử dụng từ khi giao đến nay nên ông không có yêu cầu và đề nghị gì. Bị đơn cho rằng, nguồn gốc đất tranh chấp là dự án hỗ trợ sản xuất, không nhớ dự án gì, giao cho gia đình quản lý từ năm 2009. Ủy ban nhân dân xã A không nắm được nguồn gốc đất tranh chấp do nguyên đơn mua của ông Triệu Hữu T hay bị đơn được giao theo chương trình hỗ trợ sản xuất vì không có tài liệu giấy tờ mua bán hay hồ sơ dự án nào lưu tại Ủy ban, thửa 71 đã được cấp GCNQSDĐ cho gia đình ông Triệu Hữu P trước khi được cấp không có khiếu nại, tranh chấp gì.

[5] Về quá trình quản lý, sử dụng đất tranh chấp: Ủy ban nhân dân xã A không nắm được phần diện tích đất tranh chấp do ai đang quản lý, sử dụng. Nguyên đơn trình bày khi mua đất rừng với ông Triệu Hữu T trên đất chỉ có cây mọc tự nhiên gia đình nguyên đơn vẫn quản lý, sử dụng. Năm 2008 -2009 gia đình nguyên đơn kê khai cấp GCNQSDĐ đến năm 2011 thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ khi mua đến năm 2017 thì mới xảy ra tranh chấp nhưng chỉ báo thôn giải quyết, có biên bản nhưng đã thất lạc. Đến năm 2021 thì bị đơn phát cây tự nhiên trên đất thì nguyên đơn mới báo xã giải quyết tranh chấp. Bị đơn cho rằng đất cấp theo dự án từ năm 2009 do chưa có điều kiện nên phần tranh chấp vẫn để cây tự nhiên đến năm 2017 thì gia đình mới có điều kiện trồng thông, keo như trích đo thể hiện vào phần tranh chấp lý do chưa được cấp GCNQSDĐ của gia đình bị đơn là đợi xã tự làm GCNQSDĐ cho.

[6] Về trình tự, thủ tục cấp GCNQSDĐ cho hộ ông Triệu Hữu P đối với thửa đất số 71, tờ bản đồ số 02, bản đồ địa chính lâm nghiệp xã A, Ủy ban nhân dân huyện L trình bày chưa đảm bảo theo quy định do có những sai sót. Các quyết định về giao đất, giao rừng (Sổ bìa xanh) cho hộ gia đình cá nhân trước đây trên địa bàn xã A đã bị thu hồi và hết hiệu lực tuy nhiên để xác định nguồn gốc đất do nguyên đơn hay bị đơn trình bày là có căn cứ thì Tòa án đã tiến hành chồng ghép, số hóa phần diện tích đất tranh chấp với 02 bản đồ giao đất giao rừng và bản đồ dự án hỗ trợ sản xuất mà Tòa án đã thu thập được tại Ủy ban nhân dân huyện L trên địa bàn xã A để xác định đất tranh chấp trùng với vị trí nào theo lời trình bày của các bên về nguồn gốc đất tranh chấp.

[7] Cấp sơ thẩm đã tiến hành chồng ghép bản đồ. Kết quả chồng ghép xác định phần diện tích đất 11.362m2 tranh chấp hoàn toàn trùng với một phần lô 319 mà ông Triệu Hữu T được giao quyền quản lý và sử dụng đất rừng và đất trồng rừng (sổ bìa xanh). Phần diện tích 11.362m2 đất tranh chấp không trùng với Chương trình hỗ trợ trồng rừng sản xuất (dự án 661 huyện L) mà bị đơn trình bày năm 2008 thực hiện trồng rừng tại lô e, khoảnh 1, tiểu khu 430, diện tích 4 3 ha; năm 2009 thực hiện trồng 1,6 ha tại lô d, khoảnh 1, tiểu khu 430. Hộ ông Triệu Tài M (a) năm 2008 thực hiện trồng rừng tại lô d, khoảnh 10, tiểu khu 431, diện tích 3,1 ha và năm 2009 thực hiện trồng rừng tại lô I, khoảnh 8, tiểu khu 431, diện tích 2,7 ha. (ông Triệu Tài M (a) là người trùng tên với bị đơn Triệu Tài M nên ghi thành Triệu Tài M (a) để phân biệt) [8] Tại cấp phúc thẩm bị đơn có cung cấp thêm 01 Biểu thống kê diện tích thể hiện ông Triệu Tài M nhận khoán lô s khoảnh 2 Tiểu khu 430 diện tích 2 8ha và cho rằng đây chính là phần đất tranh chấp. Căn cứ vào kết quả chồng ghép số hóa nêu trên thì lô s khoảnh 2 Tiểu khu 430 diện tích 2 8ha nêu trên không thuộc diện tích đất tranh chấp của vụ án.

[9] Những người làm chứng ông Triệu Tiến B và ông Triệu Tiến H đều cho rằng đất tranh chấp là của bị đơn được giao theo chương trình hỗ trợ sản xuất, không nhớ là chương trình gì. Ngoài lời trình bày cũng không có tài liệu chứng cứ nào chứng minh nguồn gốc đất như người làm chứng và bị đơn trình bày. Qua các tài liệu chứng cứ thu thập được thì bị đơn không được cơ quan có thẩm quyền giao đất, không xuất trình được tài liệu nào chứng minh đất tranh chấp được giao theo dự án hỗ trợ sản xuất.

[10] Sở tài nguyên và môi trường tỉnh Lạng Sơn có văn bản trả lời về trình tự, thủ tục cấp GCNQSDĐ thửa số 71 của nguyên đơn như sau: Tại đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất đối với thửa 71, tờ bản đồ số 02 (bản đồ địa chính đất Lâm nghiệp) của ông Triệu Hữu P và bà Triệu Thị V, kết quả thẩm tra của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện L chưa ký xác nhận các nội dung theo quy định. Như vậy việc Ủy ban nhân dân huyện L cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Triệu Hữu P và bà Triệu Thị V, số seri BC 386737, số vào sổ CH 00480, cấp ngày 10/7/2011 đối với thửa 71, tờ bản đồ số 02 là chưa đảm bảo theo quy định. Việc xác định hủy hay không thì do Tòa án xem xét, giải quyết.

[11] Từ những phân tích nêu trên có căn cứ xác định nguyên đơn đã quản lý, sử dụng đất tranh chấp từ năm 1999. Việc cấp GCNQSDĐ cho nguyên đơn chưa đảm bảo về trình tự, thủ tục nhưng đã cấp đúng đối tượng. Việc cấp GCNQSDĐ cho bên nguyên đơn không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của bên bị đơn cũng như các đương sự; nên không cần thiết phải hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bên nguyên đơn.

[12] Như vậy, cấp sơ thẩm xác định toàn bộ diện tích 11.362 m2 đất rừng sản xuất tại khu đồi N, thôn N, xã A, huyện L, tỉnh Lạng Sơn thuộc một phần thửa đất số 71 thuộc quyền quản lý, sử dụng của hộ gia đình nguyên đơn là có căn cứ.

[13] Về phần xử lý tài sản trên đất, bồi thường thiệt hại, về chi phí tố tụng, án phí sơ thẩm; Hội đồng xét xử nhận thấy, cấp sơ thẩm đã quyết định là có căn cứ.

[14] Từ những nhận định trên nhận thấy không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông Triệu Tài M.

[15] Do kháng cáo không được chấp nhận nên người kháng cáo phải chịu tiền án phí dân sự phúc thẩm. Tuy nhiên, bị đơn ông Triệu Tài M được miễn tiền án phí dân sự phúc thẩm vì là người dân tộc thiểu số thường xuyên sinh sống tại vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

[16] Xét đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn và những người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự; đề nghị nào phù hợp với nhận định nêu trên thì được chấp nhận đề nghị nào không phù hợp thì không được chấp nhận.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông Triệu Tài M về việc yêu cầu hủy Bản án dân sự sơ thẩm số: 17/2022/DS-ST ngày 29-9-2022 của Tòa án nhân dân huyện L, tỉnh Lạng Sơn; giữ nguyên quyết định Bản án dân sự sơ thẩm số: 17/2022/DS-ST ngày 29-9-2022 của Tòa án nhân dân huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

2. Về án phí dân sự phúc thẩm: Căn cứ khoản 1 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12 Điều 14, khoản 6 Điều 15 Điều 24, khoản 4 Điều 26 điểm b khoản 2 Điều 27, khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án. Ông Triệu Tài M được miễn án phí dân sự phúc thẩm.

3. Bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

405
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất, yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản, di dời tài sản gắn liền với đất số 24/2023/DS-PT

Số hiệu:24/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Lạng Sơn
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 23/03/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về