Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 819/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 819/2023/DS-PT NGÀY 11/12/2023 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT VÀ YÊU CẦU HUỶ GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 11 tháng 12 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 434/2023/TLPT- DS ngày 31/7/2023, về việc “Tranh chấp tranh chấp quyền sử dụng đất và huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 11/2023/DS-ST ngày 04/4/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 2554/2023/QĐPT-DS ngày 03 tháng 11 năm 2023; giữa các đương sự:

- Nguyên đơn:

1. Bà Trần Thị P, sinh năm 1929; Địa chỉ cư trú: 270, khu phố P, thị trấn P, huyện H, tỉnh Bình Thuận (vắng mặt);

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Trần Thị P: Ông Nguyễn Văn B, là Luật sư của Văn phòng L5, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh BThuận (có mặt);

2. Bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1956; Địa chỉ cư trú: 07, khu phố P, thị trấn P, huyện H, tỉnh Bình Thuận (vắng mặt);

3. Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1963; Địa chỉ cư trú: 26, khu phố P, thị trấn P, huyện H, tỉnh Bình Thuận (vắng mặt);

4. Bà Nguyễn Thị G, sinh năm 1964; Địa chỉ cư trú: 14, khu phố P, thị trấn P, huyện H, tỉnh Bình Thuận (vắng mặt);

5. Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1967; Địa chỉ cư trú: Thôn C, xã H, huyện H, tỉnh Bình Thuận (vắng mặt);

6. Bà Nguyễn Thị Đ, sinh năm 1968; Địa chỉ cư trú: 4 Tuyên Quang, khu phố B, phường P, thành phố P, tỉnh Bình Thuận (vắng mặt);

7. Ông Nguyễn Văn C, sinh năm 1972;

8. Ông Nguyễn Văn C1, sinh năm 1975;

Cùng địa chỉ cư trú: 270, khu phố P, thị trấn P, huyện H, tỉnh Bình Thuận (cùng vắng mặt);

9. Bà Nguyễn Thị L1, sinh năm 1994;

10. Bà Nguyễn Thị L2, sinh năm 1996;

11. Ông Nguyễn Văn L3, sinh năm 2000;

Cùng địa chỉ cư trú: Khu phố P, thị trấn P, huyện H, tỉnh Bình Thuận (cùng vắng mặt);

Người đại diện hợp pháp của các ông bà P, T, G, H, L, Đ, C, C1, L1, L2 và L3: Ông Nguyễn Văn Đ1, sinh năm 1962; Địa chỉ cư trú: Khu phố P, thị trấn P, huyện H, tỉnh Bình Thuận (Văn bản ủy quyền ngày 20/5/2019 và ngày 24/6/2019, có mặt).

- Bị đơn:

1. Ông Hồ Đ2, sinh năm 1948;

2. Bà Trần Thị T1, sinh năm 1953;

Cùng địa chỉ cư trú: Khu phố P, thị trấn P, huyện H, tỉnh Bình Thuận (cùng có mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ủy ban nhân dân huyện H, tỉnh Bình Thuận;

Người đại điện theo pháp luật: Ông Nguyễn Ngọc T2, Chức vụ: Chủ tịch (vắng mặt);

2. Bà Phan Thị H1, sinh năm 1967; Địa chỉ cư trú: Khu phố P, thị trấn P, huyện H, tỉnh Bình Thuận (vắng mặt);

Người đại diện hợp pháp của bà Phan Thị H1: Ông Nguyễn Văn Đ1 (có căn cước nêu trên, theo văn bản ủy quyền ngày 13/9/2021, có mặt).

- Người kháng cáo: Bà Trần Thị P là nguyên đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện và quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn và ông Nguyễn Văn Đ1 là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Phan Thị H1 trình bày:

Nguyên vào năm 1960, vợ chồng ông Nguyễn Văn C2 (chết năm 1998), bà Trần Thị P nhận chuyển nhượng của ông Trần Văn C3 một căn nhà gỗ lợp tranh, tọa lạc tại P, huyện H, tỉnh Bình Thuận, diện tích khu đất 800m2, có tứ cận như sau: Đông giáp đất của bà Sáu C4, T3 giáp ruộng làng P, Nam giáp con mương, Bắc giáp ranh đất ông Bộ Ú.

Trước giải phóng năm 1975, dưới sự đàn áp, dồn dân lập ấp của địch, gia đình ông, bà phải ở trong ấp chiến lược. Tuy nhiên, gia đình ông, bà vẫn liên tục quản lý, chăm sóc cây trồng có trên đất. Đến năm 1976, ông Hồ Đ2 và ông Lê Hữu Đ3 đến chiếm dụng phần đất nói trên chia nhau ở. Gia đình ông, bà có lên hỏi để lấy lại đất thì ông Đ3 nài nỉ xin ở tạm, do không có đất ở. Vì tình người, gia đình ông, bà cho ông Đ3 tiếp tục ở tạm. Đến năm 1979, ông Đ3 trả đất lại cho gia đình ông, bà. Riêng ông Đ2 cố tình không trả, muốn chiếm đoạt luôn nên cất một cái chòi tạm (chòi vách đất lợp tranh) cho bà Lê Thị L4 (thường gọi là bà M), là mẹ của ông Đ2 ở giữ đất. Gia đình ông, bà tiếp tục lên đòi lại đất thì bà L4 có nói với gia đình ông, bà cho bà L4 ở mãn đời, sau đó sẽ trả lại đất, nhưng sau đó bà L4 không trả đất. Đến năm 1993, gia đình ông, bà gửi đơn đến UBND xã H (nay là thị trấn P), huyện H yêu cầu buộc ông Đ2 phải trả lại phần đất mà ông Đ2 đã chiếm giữ.

Ngày 03/6/1993, UBND xã H tổ chức hòa giải do ông Lê Phước Đ4, Phó Chủ tịch UBND xã H làm chủ tọa. Tại cuộc hòa giải, UBND xã H đã kết luận và quyết định như sau:

- Thừa nhận việc sang nhượng đất giữa bà P và ông C3 là có thật. Lô đất chính quyền cách mạng lâm thời cấp cho ông Đ4, hiện nay ông Đ4 không sử dụng cho nên UBND xã sẽ giao lại cho bà P sử dụng.

- Việc ông Đ2 đang sử dụng lô đất thổ cư do chính quyền cách mạng cấp thì hiện nay vẫn sử dụng. Còn việc đất đó của bà P mua trước kia thì cũng đề nghị ông Đ2 nên xem xét và hoàn lại cho bà P một ít thành quả công sức của bà P đã bỏ ra mua, UBND xã sẽ chịu trách nhiệm phân chia lại ranh giới giữa 02 lô cho 02 hộ sử dụng.

Tại văn bản số 11/XKT-TTr ngày 29/11/1993 của Thanh tra huyện H trả lời đơn cho gia đình ông, bà về cơ bản thống nhất như nội dung hòa giải của UBND xã H. Không thống nhất cách giải quyết này, ngày 01/12/1993, gia đình ông, bà tiếp tục làm đơn gởi đến các cấp có liên quan xem xét giải quyết buộc ông Đ2 trả lại đất. Năm 1998, ông C2 chết. Đến ngày 27/4/2006, bà P tiếp tục làm đơn khiếu nại gởi UBND thị trấn P, Ban Đ5 và huyện H. Ngày 22/03/2007, UBND thị trấn P có Báo cáo số 15/BC-UBND gởi UBND huyện H, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện về việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa bà P và ông Đ2. Ngày 01/01/2010, bà P tiếp tục làm đơn khiếu nại gởi Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh, Sở T5 tỉnh, Thanh tra Nhà nước tỉnh, HĐND huyện H, UBND huyện H, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện H, Ban Thanh tra nhân huyện H yêu cầu buộc ông Đ2 trả lại đất cho gia đình ông, bà. Ngày 10/01/2019, bà P tiếp tục làm đơn gởi UBND thị trấn P, Ban Đ5 và huyện H, tỉnh Bình Thuận.

Ngày 15/3/2019, UBND thị trấn P do ông Đỗ Thanh C5 là Phó Chủ tịch UBND thị trấn chủ trì tổ chức hòa giải tranh chấp quyền sử dụng đất giữa bà Trần Thị P với ông Hồ Đ2. Tại phần kết luận chủ trì cuộc họp có ý kiến như sau:

- Phần diện tích đang tranh chấp đã được UBND huyện H cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Đ2 gồm 200m2, loại đất ODT và một phần diện tích đất nông nghiệp khoảng 250,7m2.

- Các bên tự thỏa thuận, thương lượng đối với phần diện tích đang tranh chấp trong thời hạn 10 ngày, nếu các bên không thỏa thuận được thì các bên được quyền gởi đơn đến Tòa án nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc để được xem xét thụ lý giải quyết theo quy định.

Vì vậy, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết:

- Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BA 472001 do UBND huyện H cấp cho ông Đ2 ngày 25/12/2009.

- Buộc vợ chồng ông Đ2, bà T1 trả lại cho gia đình ông, bà thửa đất số 63, tờ bản đồ số 46(215459-3-9700), diện tích 200m2 theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên và 250,7m2 đất nông nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận, cùng tọa lạc tại khu phố P, thị trấn P, huyện H, tỉnh Bình Thuận.

Quá trình giải quyết vụ án, bị đơn ông Hồ Đ2, bà Trần Thị T1 trình bày:

Vợ chồng ông, bà không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Với lý do sau:

Nguyên vào năm 1976, vợ chồng ông, bà không có đất để ở và canh tác, nên ông, bà có làm đơn đến chính quyền địa phương để xin đất ở. Sau đó, vào tháng 4/1976, chính quyền cách mạng lâm thời thôn đã đồng ý cấp đất cho vợ chồng ông, bà theo sự chỉ dẫn của ông Đinh T4 (lúc đó là Thôn phó) và ông Nông Hữu X (lúc đó là Nông hội thôn) để vợ chồng ông, bà nhận đất ở.

Kể từ đó về sau, vợ chồng ông, bà đã đóng thuế các loại đất cho nhà nước. Mãi đến khoảng năm 1993 thì ông Nguyễn Văn C2 mới tranh chấp và được Ủy ban nhân dân xã H hòa giải và gia đình ông, bà được tiếp tục quản lý trên diện tích hiện có.

Đến năm 1998, vợ chồng ông, bà không biết ông Nguyễn Văn C2 có tranh chấp hay không, nhưng vợ chồng ông, bà lại nhận được giấy thông báo của Thanh tra huyện là vợ chồng ông, bà được quyền quản lý diện tích trên.

Đến năm 2009, vợ chồng ông, bà mới xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lúc đó vợ chồng ông, bà mới giao giấy thông báo của Thanh tra huyện để làm hồ sơ cấp giấy.

Tóm lại, tất cả diện tích trên vợ chồng ông, bà đã ở và sử dụng từ năm 1976 đến nay, nên không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ủy ban nhân dân huyện H có ý kiến tại Công văn số 649/UBND-NC ngày 26/3/2020:

Thửa đất số 63, diện tích 200m2 có nguồn gốc do ông Đ2 sử dụng ổn định từ năm 1976 đến nay. Năm 1984, ông Đ2 kê khai, đăng ký trong sổ đăng ký ruộng đất là thửa số 94, diện tích 224m2, loại đất ở (T). Năm 2009, ông Đ2 là người đang sử dụng đất, được UBND thị trấn P đề nghị và UBND huyện H cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BA 472001 ngày 25/12/2009 đứng tên ông Đ2 đối với thửa đất 63, diện tích 200m2 loại đất ở đô thị.

Như vậy, việc UBND huyện H cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BA 472001 ngày 25/12/2009 đứng tên ông Đ2 đối với thửa đất số 63, diện tích 200m2, loại đất ở đô thị là đúng quy định. Vì tại thời điểm cấp giấy, ông Đ2 đang sử dụng đất ổn định, không tranh chấp, có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất (có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất) nên được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003.

Do đó, không chấp nhận nội dung khởi kiện của nguyên đơn về yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BA 472001 ngày 25/12/2009 đứng tên ông Đ2.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 11/2023/DS-ST ngày 04/4/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận đã tuyên xử:

Căn cứ vào khoản 9 Điều 26, khoản 4 Điều 34, điểm a khoản 1 Điều 37, điểm c khoản 1 điều 39, khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 157, khoản 2 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ vào khoản 4 Điều 32 Luật Tố tụng hành chính; Căn cứ vào khoản 2 Điều 2 Luật Đất đai năm 1993;

Căn cứ vào khoản 2 Điều 10, khoản 1 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003; Căn cứ vào khoản 5 Điều 26, khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013;

Căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 1 Điều 26, điểm a khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, [1] Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, về vệc yêu cầu buộc vợ chồng ông Hồ Đ2, bà Trần Thị T1 trả lại cho gia đình nguyên đơn diện tích 250,7m2 đất nông nghiệp, tọa lạc tại khu phố P, thị trấn P, huyện H, tỉnh Bình Thuận (đo đạc theo hiện trạng là 140,2m2 được giới hạn bởi các mốc tọa độ 1-2-3-11 theo bản Trích đo bản đồ vị trí khu đất tranh chấp do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai đo vẽ và xác nhận ngày 05/5/2020).

[2] Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, về việc yêu cầu Tòa án giải quyết:

[2.1] Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BA 472001 do UBND huyện H cấp cho ông Hồ Đ2 ngày 25/12/2009.

[2.2] Buộc vợ chồng ông Hồ Đ2, bà Trần Thị T1 trả lại cho gia đình gia đình nguyên đơn thửa đất số 63, tờ bản đồ số 46 (215459-3-9700), diện tích 200m2, tọa lạc tại khu phố P, thị trấn P, huyện H, tỉnh Bình Thuận, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BA 472001 do UBND huyện H cấp cho ông Hồ Đ2 ngày 25/12/2009.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, các chi phí tố tụng, các quy định về thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 19/4/2023, bà Trần Thị P kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà P.

Diễn biến tại phiên tòa phúc thẩm:

Ông Nguyễn Văn Đ1 với tư cách là người đại diện hợp pháp của các nguyên đơn không thay đổi, bổ sung, không rút đơn khởi kiện; với tư cách là người đại diện hợp pháp của bà Trần Thị P không thay đổi, bổ sung và giữ nguyên yêu cầu kháng cáo ban đầu. Ông Hồ Đ2 và bà Trần Thị T1 không đồng ý với yêu cầu kháng cáo của bà P. Các đương sự không tự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Trong phần tranh luận, các đương sự trình bày như sau:

1. Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn trình bày: Phần đất mà bà P tranh chấp với ông Đ2 có nguồn gốc của ông Trần Văn C3 bán cho ông C2, bà P vào năm 1960. Năm 1976, bà Lê Thị L4 là mẹ của ông Đ2 mượn để ở nhờ, việc mượn đất này không làm giấy tờ. Vợ chồng ông Đ2 không sử dụng phần đất này mà do bà L4 sử dụng cho đến năm 2001 thì bà L4 chết. Ông C2, bà P liên tục khiếu nại từ năm 1993, nhưng đến năm 2009 thì UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Đ2 là không đúng pháp luật. Ông Đ4 cũng là người ở nhờ trên phần đất này và đã trả lại đất cho bà P, riêng ông Đ2 thì không đồng ý trả. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bà P, sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

2. Ông Nguyễn Văn Đ1 trình bày: Đồng ý với trình bày và yêu cầu của Luật sư.

3. Ông Hồ Đ2 và bà Trần Thị T1 trình bày: Phần đất đang tranh chấp có nguồn gốc do chính quyền cách mạng lâm thời cấp cho ông vào năm 1976, việc cấp không có giấy tờ, nhưng tại các văn bản giải quyết khiếu nại của bà P, ông C2 đều thể hiện nội dung này; không có việc mẹ của ông là bà L4 ở nhờ trên đất của ông C2, bà P. Gia đình ông trực tiếp sử dụng đất, có kê khai đăng ký sử dụng đất, nộp thuế đầy đủ và đã được cấp giấy chứng nhận. Ông Đ4 cũng là người được cấp đất cùng ông, nhưng do ông Đ4 đi kinh tế mới nên nhà nước thu hồi, chứ không phải ông Đ4 trả lại đất cho bà P. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bà P, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

4. Phần đối đáp, Luật sư Nguyễn Văn B cho rằng theo biên bản thẩm định thì ngoài cái chòi lá ra, không còn công trình xây dựng nào khác. Sau khi có Công văn số 11 giải quyết khiếu nại của ông C2 thì vợ chồng ông C2 tiếp tục khiếu nại nhưng không được giải quyết.

5. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên toà phát biểu ý kiến:

- Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo của bà P làm trong hạn luật định nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận về mặt hình thức.

- Về việc chấp hành pháp luật: Xét thấy, Thẩm phán chủ toạ phiên toà, các thành viên Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự từ giai đoạn thụ lý đến giai đoạn xét xử phúc thẩm.

- Về yêu cầu kháng cáo của bà P: Mặc dù phần đất tranh chấp có nguồn gốc của bà P, ông C2 mua của ông C3 vào năm 1960, nhưng đã được chính quyền cách mạng lâm thời cấp cho ông Đ2 vào năm 1976. Ông Đ2 trực tiếp sử dụng, kê khai đăng ký và đã được cấp giấy chứng nhận. Do đó, bản án sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện của bà P là có căn cứ. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bà P và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo của bà Trần Thị P làm trong hạn luật định. Bà P sinh năm 1929 là người cao tuổi nên được miễn nộp tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm. Do đó, đơn kháng cáo của bà P đủ điều kiện để thụ lý và xét xử theo trình tự phúc thẩm.

[2] Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết vụ án: Các nguyên đơn khởi kiện yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BA 472001 do UBND huyện H cấp cho ông Hồ Đ2 ngày 25/12/2009 và buộc vợ chồng ông Hồ Đ2, bà Trần Thị T1 trả lại cho nguyên đơn thửa đất số 63, tờ bản đồ số 46 (215459-3-9700), diện tích 200m2 theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên và 250,7m2 đất nông nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận nằm phía sau thửa đất số 63, cùng tọa lạc tại khu phố P, thị trấn P, huyện H, tỉnh Bình Thuận. Do đó, Toà án nhân dân tỉnh Bình Thuận thụ lý, xét xử và xác định quan hệ pháp luật “Tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” là có căn cứ, phù hợp với quy định tại khoản 9 Điều 26, Điều 34, điểm a khoản 1 Điều 37 và điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[3] Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Nguyễn Văn Đ1 là người đại diện hợp pháp của nguyên đơn tự nguyện rút một phần yêu cầu khởi kiện, nên bản án sơ thẩm quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu đã rút là có căn cứ, phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[4] Xét kháng cáo của bà P, nhận thấy:

[4.1] Căn cứ vào Giấy xác nhận của ông Trần Văn C3 được UBND xã T xác nhận ngày 10/3/1993, Biên bản giải quyết ngày 03/6/1993 tại UBND xã H, Văn bản số 114/CV-KT ngày 23/11/1993 của Phòng Kinh tế huyện H, Văn bản số 11/XKT-TTr ngày 29/11/1993 của Thanh tra huyện H (các bút lục số 65, 66, 68-70, 71) và lời trình bày của các đương sự, Hội đồng xét xử nhận thấy có đủ căn cứ pháp lý để kết luận: Phần đất thổ cư có diện tích 200m2 đang tranh chấp có nguồn gốc của ông Trần Văn C3 bán cho vợ chồng ông Nguyễn Văn C2 và bà Trần Thị P vào năm 1960. Năm 1976, Chính quyền cách mạng lâm thời thôn N đã cấp diện tích đất này vợ chồng ông Hồ Đ2 và bà Trần Thị T1. Ông Đ2, bà Thanh quản l, sử dụng đất từ khi được cấp đến nay; có kê khai, đăng ký trong Sổ đăng ký ruộng đất là thửa số 94, diện tích 224m2, loại đất ở (T) năm 1984 và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BA 472001 ngày 25/12/2009.

[4.2] Tại thời điểm năm 1976 chưa có Luật Đất đai nên việc Chính quyền cách mạng lâm thời thôn N cấp diện tích đất này cho vợ chồng ông Đ2, bà T1 là phù hợp với bối cảnh lịch sử tại giai đoạn này. Tại khoản 2 Điều 2 Luật Đất đai năm 1993, khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai năm 2003 và khoản 5 Điều 26 Luật Đất đai năm 2013 đều quy định: Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của N dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền N Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do đó, bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn là có căn cứ, đúng pháp luật.

[5] Từ những phân tích nêu trên, xét thấy tại phiên toà phúc thẩm, người đại diện hợp pháp của các nguyên đơn không xuất trình được tài liệu chứng cứ nào mới so với cấp sơ thẩm, do đó kháng cáo của bà P là không có căn cứ để chấp nhận. Cần giữ nguyên bản án sơ thẩm như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên toà.

[6] Về án phí dân sự phúc thẩm: Bà P là người cao tuổi nên được miễn.

[7] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo luật định.

Bởi các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Không chấp nhận kháng cáo của bà Trần Thị P. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 11/2023/DS-ST ngày 04/4/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận.

Căn cứ vào khoản 9 Điều 26, khoản 4 Điều 34, điểm a khoản 1 Điều 37, điểm c khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 157, khoản 2 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ vào khoản 4 Điều 32 Luật Tố tụng hành chính; Căn cứ vào khoản 2 Điều 2 Luật Đất đai năm 1993;

Căn cứ vào khoản 2 Điều 10, khoản 1 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003; Căn cứ vào khoản 5 Điều 26, khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013;

Căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 1 Điều 26, điểm a khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội,

[1] Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, về vệc yêu cầu vợ chồng ông Hồ Đ2, bà Trần Thị T1 trả lại cho gia đình nguyên đơn diện tích 250,7m2 đất nông nghiệp, tọa lạc tại khu phố P, thị trấn P, huyện H, tỉnh Bình Thuận (đo đạc theo hiện trạng là 140,2m2 được giới hạn bởi các mốc tọa độ 1-2-3-11 theo bản Trích đo bản đồ vị trí khu đất tranh chấp do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai đo vẽ và xác nhận ngày 05/5/2020).

[2] Không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện sau đây của nguyên đơn:

[2.1] Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BA 472001 do UBND huyện H cấp cho ông Hồ Đ2 ngày 25/12/2009.

[2.2] Buộc vợ chồng ông Hồ Đ2, bà Trần Thị T1 trả lại cho gia đình gia đình nguyên đơn thửa đất số 63, tờ bản đồ số 46 (215459-3-9700), diện tích 200m2, tọa lạc tại khu phố P, thị trấn P, huyện H, tỉnh Bình Thuận, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BA 472001 do UBND huyện H cấp cho ông Hồ Đ2 ngày 25/12/2009.

[3] Về án phí dân sự phúc thẩm: Miễn án phí dân sự phúc thẩm cho bà Trần Thị P.

[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo luật định.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

[5] Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

54
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 819/2023/DS-PT

Số hiệu:819/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 11/12/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về