Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản số 47/2021/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN

BẢN ÁN 47/2021/DS-PT NGÀY 15/06/2021 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT VÀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TÀI SẢN

Ngày 15 tháng 6 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 92/2020/DS-PT ngày 05 tháng 11 năm 2020 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 18/2020/DS-ST ngày 28/8/2020 của Toà án nhân dân huyện T bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 13/2021/QĐ-PT ngày 03/3/2021, Thông báo thời gian mở lại phiên tòa số 84/2021/TB-TA ngày 13/5/2021 giữa:

1.Nguyên đơn: Ông Lê Vạn T – sinh năm 1952; Nơi cư trú: thôn C, xã HT, huyện T, tỉnh Phú Yên. Có mặt.

2.Bị đơn:

2.1.Ông Ngô Xuân B – sinh năm 1954;

2.2.Ông Lưu Văn C – sinh năm 1953;

Đều cư trú: thôn X, xã HT, huyện T, tỉnh Phú Yên. Đều có mặt.

3.Người có quyền lời nghĩa vụ liên quan:

3.1.UBND xã HT, huyện T, tỉnh Phú Yên; Vắng mặt.

3.2.Bà Nguyễn Thị Ch – sinh năm 1958; Vắng mặt.

3.3.Bà Nguyễn Thị L – sinh năm 1958; Vắng mặt Đều cư trú: thôn X, xã HT, huyện T, tỉnh Phú Yên.

- Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Lê Vạn T.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo Đơn khởi kiện, tài liệu có tại hồ sơ và tại phiên toà, nguyên ông Lê Vạn T trình bày:

Năm 1995, ông được Nhà nước cấp đất rừng có sổ lâm bạ quyền sử dụng 20.000m² tại khu vực H, thôn C, xã HT, huyện T, tỉnh Phú Yên. Ông trồng cây được nhà nước cấp gồm 2.500 cây keo lá tràm và 2.500 cây bạch đàn; ông được ông H - Lâm nghiệp xã cho 12.000 cây keo lá tràm và trồng thêm 2.000 cây bạch đàn, tổng cộng 19.000 cây. Do hoàn cảnh khó khăn nên ông đi làm ăn xa. Năm 1999, ông về ăn tết và đến thăm rừng thì thấy ông Ngô Xuân B lấn chiếm phần đất phía Tây Nam và đường mòn phía Nam đất của ông, ông Lưu Văn C lấn chiếm phần đất phía Đông Nam và đường mòn phía Nam đất ông. Theo đo đạc thực tế thì ông B lấn 8.648m², ông C lấn 1.884m²; diện tích đất thực tế của ông đang sử dụng 28.451m2 (chưa tính hai diện tích đất đang tranh chấp) là do ông tự lấn chiếm đất của Nhà nước khoảng 18.000m2. Nay ông khởi kiện yêu cầu ông B và ông C trả lại các diện tích đất đã lấn chiếm nêu trên và yêu cầu ông B phải bồi thường giá trị cây đã khai thác là 6.500 cây x 20.000đ/cây = 130.000.000đ, ông C bồi thường 1.500 cây x 20.000đ/cây = 30.000.000đ (ông chỉ yêu cầu bồi thường về lứa cây khai thác lần thứ hai vào năm 2004).

Theo các tài liệu có tại hồ sơ và tại phiên tòa, bị đơn ông Ngô Xuân B trình bày: Năm 1989, Hợp tác xã HT, huyện T có hợp đồng với 04 xã viên gồm: Lương Vĩnh A, Lưu Văn C, Võ Th và Võ Nh để trồng cây bạch đàn tại núi H. Sau đó, B ông A, Th và Nh đã chuyển nhượng lại cho ông canh tác toàn bộ diện tích khoảng 02ha đất rừng theo hợp đồng viết tay giữa các bên. Năm 1993, ông có nhận cây bạch đàn con của Hợp tác xã đầu tư theo hợp đồng ngày 01/11/1989. Từ năm 1993 đến năm 1995, ông đã trồng bạch đàn trên diện tích nêu trên, có giới cận: Đông giáp đường đèo và đất rừng ông C, phía Tây giáp đất rừng nguyên sinh, phía Nam giáp đất ruộng, phía Bắc giáp đất ruộng. Năm 1995 có dự án Pam, ông đăng ký và được cấp sổ lâm bạ diện tích 1,5ha. Lúc này, ông đã trồng cây bạch đàn được 02 năm tuổi. Khi có dự án hồ Hóc Răm mở đường đi qua đất rừng của ông làm thiệt hại về cây và được bồi thường gần 5.000.000đ theo biên bản ngày 22/3/1995. Theo dự án Pam thì ông T mới đăng ký trồng rừng giáp ranh đất rừng của ông. Từ đó đến nay ông đã được nhà nước hai lần cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Lần 1 cấp theo sổ lâm bạ với diện tích 1,5ha; lần 2 thì cấp đổi theo diện tích đo đạc thực tế có biên bản các hộ giáp ranh cùng ký, diện tích đất của ông lúc này là 28.243m². Do đó, ông không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Bị đơn ông Lưu Văn C trình bày: Ông nhận hợp đồng canh tác đất rừng trước ông Ngô Xuân B, sau đó ông có chuyển nhượng lại một phần đất cho ông B canh tác. Trường hợp của ông cũng như của ông B, đất đã được cấp sổ lâm bạ, sau đó nhà nước thu lại sổ lâm bạ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần 1 với diện tích 20.000m². Khi cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần 2 có đo đạc hiện trạng thực tế và có biên bản xác nhận ranh giới giữa các hộ liền kề là hộ ông T, ông B và hộ ông, diện tích đất thực tế của ông lúc này là 20.745m2. Ông T đã thống nhất với diện tích đo đạc, không có ý kiến gì. Do đó, nay ông T cho rằng ông lấn đất, yêu cầu trả lại đất và bồi thường cây, ông không chấp nhận.

Người có quyền lời nghĩa vụ liên quan:

UBND xã HT trình bày: Năm 1995, khi xây dựng hồ Hóc Răm có mở đường kề theo đường cũ phía Tây thửa đất của ông T và mặt bằng đã lấy đất làm hồ ở phía Đông đất ông T, hai vị trí này có diện tích khoảng 4.000m² đến 5000m² do UBND xã HT quản lý. Việc ông T tự ý lấn chiếm diện tích đất giao thông và đất đồi chưa sử dụng do xã quản lý để trồng cây là không đúng. UBND xã yêu cầu ông Lê Vạn T thu hoạch cây trồng giao trả lại hai diện tích đất nêu trên cho UBND xã quản lý sử dụng theo quy định, nhưng không có yêu cầu trong vụ án này.

Bà Nguyễn Thị Ch: Thống nhất như bị đơn Lưu Văn C trình bày, không bổ sung gì thêm.

Bà Nguyễn Thị L: Thống nhất như bị đơn Ngô Xuân B trình bày, không bổ sung gì thêm.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 18/2020/DS-ST ngày 28/08/2020 của Toà án nhân dân huyện T đã quyết định:

Căn cứ các Điều 26, 35, 39, 147, 165, 227 và 228 Bộ luật tố tụng dân sựĐiều 5, 26, 95, 100, 166 và 170 Luật đất đai; Điều 584, 589 Bộ luật dân sự; Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTVQH về án phí Tòa án.

Tuyên xử: Không chấp nhận toàn bộ các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Lê Vạn T về việc:

1. Yêu cầu bị đơn Ngô Xuân B phải trả lại diện tích đất trồng rừng 8.648m², có giới cận: Đông giáp đất nguyên đơn T và phần đất nguyên đơn T đang tranh chấp với bị đơn C, Tây giáp đất bị đơn B, Nam giáp đường đi, Bắc giáp đất nguyên đơn T, thuộc thửa đất số 123, tờ bản đồ số 1, tại H, xã HT, huyện T, tỉnh Phú Yên;

2. Yêu cầu bị đơn Lưu Văn C phải trả lại diện tích đất trồng rừng 1.884m², có giới cận: Đông giáp đất bị đơn C, Tây giáp đất nguyên đơn T và bị đơn B, Nam giáp đường đi, Bắc giáp đất nguyên đơn T, thuộc thửa đất số 125, tờ bản đồ số 1, tại H, xã HT, huyện T, tỉnh Phú Yên;

3. Yêu cầu bị đơn Ngô Xuân B phải thanh toán số tiền 130.000.000đ về khoản: Bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm;

4. Yêu cầu bị đơn Lưu Văn C phải thanh toán số tiền 30.000.000đ về khoản: Bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm;

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về nghĩa vụ chịu án phí, chi phí định giá tài sản và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 11/9/2020, nguyên đơn ông Lê Vạn T có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo.

- Bị đơn giữ nguyên ý kiến trình bày.

- Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm của Thẩm phán, HĐXX và những người tham gia tố tụng là đúng quy định. Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 BLTTDS, không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu tài liệu chứng cứ có tại hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, ý kiến các bên đương sự, kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]Xét kháng cáo của nguyên đơn ông Lê Vạn T về việc buộc bị đơn Ngô Xuân B phải trả lại diện tích đất 8.648m² và bị đơn Lưu Văn C phải trả lại diện tích đất 1.884m²: Nguyên đơn T căn cứ Sổ lâm bạ số 894 do Hạt kiểm lâm huyện T cấp ngày 14/12/1995, Biên bản giao nhận đất lâm nghiệp, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện T cấp ngày 28/3/2003 (đóng dấu chưa kiểm tra), Bản đồ giao đất lâm nghiệp (BL 11,12) và Trích đo bản đồ giao đất lâm nghiệp để xác định diện tích đất nhà nước giao cho ông sử dụng là 20.000m2 (02ha), tại số thửa 21, tờ bản đồ số 110B, đất trồng rừng, thời hạn sử dụng đến năm 2053, tại H, xã HT, huyện T, đây là diện tích chưa kiểm tra, khi được giao đất đo bằng thước dây, chụp không ảnh và khi đo đạc lại không có mặt ông nên chưa chính xác, quá trình sử dụng ông có khai phá thêm nhưng hình thể đất khi được giao, ranh giới, mốc giới các hộ liền kề không thay đổi nên theo đo đạc tổng diện tích đất thực tế ông đang quản lý, sử dụng là 28.451m2, cộng thêm phần các ông B, C lấn chiếm thì diện tích thực tế của ông là 38.983m2 mới chính xác.

[2]Xét thấy: Tại văn bản Xác nhận tình hình sử dụng đất lâm nghiệp của các hộ liên quan đến đơn khiếu nại của nguyên đơn do UBND xã HT lập ngày 10/11/2010 (BL112) có nội dung: Theo sổ lâm bạ do Hạt kiểm lâm cấp ngày 15/12/1995 (theo chương trình PAM) thì ông Lê Vạn T được giao 02ha, ông Lưu Văn C được giao 1.2ha , ông Ngô Xuân B được giao 1.5ha. Đến năm 2002, thực hiện Nghị định 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999, UBND huyện T cấp GCNQSDĐ ngày 28/3/2003 cho toàn bộ số hộ có diện tích rừng theo chương trình PAM với diện tích chưa kiểm tra trong đó có ông T, C, B. Năm 2009, Công ty đo đạc ảnh địa hình thuộc Bộ Tài nguyên và môi trường đo đạc bằng ảnh hàng không theo dự án của Bộ và đổi lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo diện tích đất thực tế được kiểm tra có sự chứng kiến của nguyên đơn thì diện tích đất của ông T chỉ còn 18.142m2, tờ bản đồ số 01, số hiệu 124; diện tích đất của ông C 20.745m2 (Bo gồm cả diện tích đất đang có tranh chấp 1.884m²) và của ông B 28.243m2 (Bo gồm diện tích đất đang có tranh chấp 1.884m²); đồng thời các thửa đất có thay đổi về hình thể. Diện tích đất thực tế này được chính ông T xác nhận tại BL110: “… Hôm nay ngày 05-8-2009 qua xác định ranh giới đất lâm nghiệp giữa B hộ: T - C – B. Tôi thống nhất diện tích đã được đo đạc như trong bản đồ với diện tích là 18.142m2 ”; tuy ông T cho rằng viết theo hướng dẫn của cô Thúy (cán bộ UBND xã HT) nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh. Phù hợp Biên bản làm việc ngày 16/11/2009 (BL110), Biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất của ông C (BL96), ông B (BL75) có chữ ký của ông T, tuy ông T không thừa nhận chữ ký của mình nhưng không yêu cầu giám định chữ ký. Năm 2010, ông C và ông B làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất, có cả diện tích đất đang có tranh chấp nêu trên, ông T không có ý kiến gì và cả hai bị đơn đều được Nhà nước cấp giấy chứng nhận theo đúng quy định của pháp luật. Tại Biên bản xác minh ngày 21/8/2018 (BL56), địa chính xã HT cung cấp sự chênh lệch diện tích là do sai số, diện tích của ông T giảm là do diện tích đất rừng được đo tính từ 15 độ dốc rừng trở lên còn phần dưới 15 độ trở xuống không được đưa vào diện tích đất rừng, thực tế ông T vẫn canh tác trên 20.000m2 chứ không bị thiếu diện tích, phù hợp bản vẽ sơ đồ khu đất tranh chấp được đo vẽ ngày 07/11/2018 (BL101). Quá trình giải quyết vụ án, ông T cho rằng khai hoang 14.000m2 nhưng không phù hợp với hình thể tại Bản đồ giao đất lâm nghiệp về việc khai hoang, chiếm dụng trái phép của Nhà nước khoảng 4.000m2 phù hợp nội dung Công văn số 115/UBND ngày 18/10/2019 UBND xã HT, huyện T (BL128). Theo đo đạc thực tế, đất ông T đang sử dụng có diện tích 28.451m2, so với diện tích được giao theo sổ lâm bạ 20.000m2 chưa cộng diện tích đang tranh chấp với bị đơn B 8.648m² và bị đơn C 1.884m² thì đã thừa 8.451m2, còn tính trừ lại diện tích đo năm 2009 là 18.142m2 + diện tích lấn chiếm của xã là 4.000m2 thì vẫn còn thừa 6.309m2. Do đó, cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ.

[3]Xét kháng cáo của nguyên đơn Lê Vạn T về yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm đối với bị đơn B 6.500 cây x 20.000đ/cây = 130.000.000đ và bị đơn C 1.500 cây x 30.000đ/cây = 30.000.000đ (lứa cây khai thác lần thứ hai năm 2004). Nguyên đơn căn cứ Giấy xác nhận trồng rừng bạch đàn (BL01), Đơn xin xác nhận (BL03), Giấy khen thành tích trồng rừng (BL06), Văn bản Xác nhận tình hình sử dụng đất lâm nghiệp do UBND xã HT lập (BL122) có nội dung xác nhận các bị đơn khai thác cây của nguyên đơn 04-05 lần, ông vẫn dẫn người đi mua nhưng kiện sau. Xét thấy: Theo các văn bản ông T cung cấp không khẳng định được phần cây đang tranh chấp được trồng trên đất của ai, các cây này là của nguyên đơn hay của các bị đơn, tại Văn bản ở BL112 cũng ghi “Từ khi nhận diện tích trồng rừng theo hợp đồng với HTX đến nay, ông B và ông C đã 04 đến 05 lần khai thác cây trồng nhưng ông T không ý kiến gì mà còn dẫn người đi mua giùm số cây trồng của hai ông” chứ không phải nội dung xác nhận ông C, ông B khai thác cây trồng của ông T. Mặt khác, diện tích đất đang có tranh chấp không phải của nguyên đơn nên cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là có căn cứ.

Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn Lê Vạn T, giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

[4] Về án phí: Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Không chấp nhận kháng cáo nguyên đơn ông Lê Vạn T, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Căn cứ các Điều 26, 35, 39, 147, 165, 227 và 228 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 5, 26, 95, 100, 166 và 170 Luật đất đai; Điều 584, 589 Bộ luật dân sự; Điều 27, 29 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTVQH về án phí Tòa án.

Tuyên xử: Không chấp nhận toàn bộ các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Lê Vạn T về việc:

1. Yêu cầu bị đơn Ngô Xuân B phải trả lại diện tích đất trồng rừng 8.648m², có giới cận: Đông giáp đất nguyên đơn T và phần đất nguyên đơn T đang tranh chấp với bị đơn C, Tây giáp đất bị đơn B, Nam giáp đường đi, Bắc giáp đất nguyên đơn T, thuộc thửa đất số 123, tờ bản đồ số 1, tại H, xã HT, huyện T, tỉnh Phú Yên;

2. Yêu cầu bị đơn Lưu Văn C phải trả lại diện tích đất trồng rừng 1.884m², có giới cận: Đông giáp đất bị đơn C, Tây giáp đất nguyên đơn T và bị đơn B, Nam giáp đường đi, Bắc giáp đất nguyên đơn T, thuộc thửa đất số 125, tờ bản đồ số 1, tại H, xã HT, huyện T, tỉnh Phú Yên;

3. Yêu cầu bị đơn Ngô Xuân B phải thanh toán số tiền 130.000.000đ về khoản: Bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm;

4. Yêu cầu bị đơn Lưu Văn C phải thanh toán số tiền 30.000.000đ về khoản: Bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm;

Về chi phí đo đạc, định giá tài sản cấp sơ thẩm: Nguyên đơn Lê Vạn T phải chịu 3.000.000đ, đã nộp đủ.

Về án phí sơ thẩm: Nguyên đơn Lê Vạn T phải chịu các khoản:

5.188.000đ đối với diện tích đất tranh chấp với bị đơn B, 1.130.000đ đối với diện tích đất tranh chấp với bị đơn C, 6.500.000đ đối với tài sản tranh chấp với bị đơn B và 1.500.000đ đối với tài sản tranh chấp với bị đơn C nhưng trừ vào số tiền tạm ứng án phí 8.300.000đ tại Biên lai thu số 0005759 ngày 23/11/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, tỉnh Phú Yên; số tiền còn lại nguyên đơn phải nộp tiếp.

Về án phí phúc thẩm: Nguyên đơn Lê Vạn T phải chịu 300.000đ án phí phúc thẩm nhưng trừ vào số tiền tạm ứng án phí 300.000đ tại Biên lai thu số 0002073 ngày 23/9/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, tỉnh Phú Yên;

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án Dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án được thực hiện theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án Dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án Dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

368
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản số 47/2021/DS-PT

Số hiệu:47/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Phú Yên
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:15/06/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về