TÒA ÁN NHÂN DÂNTỈNH HẬU GIANG
BẢN ÁN 90/2020/DS-PT NGÀY 06/08/2020 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Ngày 06 tháng 8 năm 2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 62/2020/TLPT-DS ngày 11 tháng 3 năm 2020 về “Tranh chấp quyền sử dụng đất”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 203/2019/DS-ST ngày 18 tháng 12 năm 2019 của Toà án nhân dân thành phố V, tỉnh Hậu Giang bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 120/2020/QĐPT-DS ngày 15 tháng 6 năm 2020, Quyết định hoãn phiên tòa số 57/2020/QĐPT-DS ngày 30 tháng 6 năm 2020, Thông báo dời ngày xét xử phúc thẩm số 110/TB-TA ngày 27 tháng 7 năm 2020 giữa các đương sự:
Nguyên đơn:
1. Bà NguyễnThị K.
Địa chỉ: khu vực 6, phường III, thành phố V, tỉnh Hậu Giang.
2. Bà Nguyễn Thị L.
3. Bà Nguyễn Thị A.
4. Bà Nguyễn Thị S.
5. Bà Nguyễn Thị C.
Địa chỉ: khu vực 2, phường I, thành phố V, tỉnh Hậu Giang.
Người đại diện hợp pháp của các nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Hồng V1 (đại diện theo ủy quyền).
Địa chỉ: Số 162/5 Phạm Ngũ Lão, phường An H, quận N, thành phố Cần Thơ.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn bà Nguyễn Thị C:
Luật sư Lâm Văn Kh - Văn phòng luật sư Vân Đ thuộc Đoàn luật sư thành phố Cần Thơ.
Địa chỉ: số 595, đường 30/4, phường Hưng L1, quận N, thành phố Cần Thơ.
- Bị đơn: Bà Nguyễn Thị Mười H.
Địa chỉ: ấp 4, xã Vị T, thành phố V, tỉnh Hậu Giang.
- Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Kiều Thanh Ph Địa chỉ: ấp 4, xã Vị T, thành phố V, tỉnh Hậu Giang. (Văn bản ủy quyền ngày 19/11/2019).
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Nguyễn Thị Ch.
Địa chỉ: ấp 4, xã Vị T, thành phố V, tỉnh Hậu Giang.
2. Ủy ban nhân dân thành phố V, tỉnh Hậu Giang.
Địa chỉ: Quốc lộ 61C, khu vực 6, phường III, thành phố V, tỉnh Hậu Giang.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm và các tài liệu có trong hồ sơ thì nội dung vụ án như sau:
Theo đơn khởi kiện và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn trình bày: Nguồn gốc phần đất của mẹ nguyên đơn là bà Nguyễn Thị L2 nhận chuyển nhượng của ông Hai H1 từ năm 1952, sinh sống liên tục đến thời chiến tranh ác liệt thì gia đình chuyển ra ấp 10, V (nay là khu vực 6, phường III, thành phố V) sinh sống. Đến khoảng năm 1977 – 1978, chính quyền đưa đất vào tập đoàn, thực hiện chính sách xâm canh, buộc gia đình bà phải di dời ra phường III. Sau đó, Nhà nước giao lại cho bà Mười H và ông Bé H2. Gia đình bà cũng sợ nên không có tranh chấp. Thời điểm này, chính quyền yêu cầu chỉ được chọn một trong hai phần đất. Vì vậy, gia đình bà đã chọn phần đất ở phường III. Sau đó, Nhà nước mới có chủ trương chính sách trả lại đất gốc thì bà Nguyễn Thị L2 được trả lại phần đất gốc nêu trên nhưng bà Nguyễn Thị Mười H và ông Nguyễn Văn Bé H2 không đồng ý nên phát sinh tranh chấp. Vào ngày 05/7/1993, Ủy ban nhân dân xã Vị T đã hòa giải theo hướng nếu không trả lại đất thì trả hoa lợi, ngược lại nếu không trả hoa lợi thì trả lại đất. Do bà Mười H và ông Bé H2 không có khả năng trả hoa lợi nên đồng ý trả lại đất cho bà L2. Sau ngày 30/11/1993, ông Bé H2 thống nhất trả lại đất, riêng bà Mười H hẹn chờ hốt cốt phần mộ của chồng bà Mười H nhưng sau đó, bà Mười H vẫn hứa hẹn và vẫn tiếp tục sử dụng phần đất có của bà L2. Vì vậy, bà L2 đã khiếu nại đến Ủy ban nhân dân xã Vị T, tại biên bản ngày 27/7/1995 và ngày 04/11/1995 về việc giải quyết tranh chấp đất đai thì vẫn giữ nguyên quan điểm giải quyết như biên bản hòa giải ngày 05/7/1993. Năm 1994, bà L2 có đăng ký làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng Ủy ban nhân dân trả lời do đất có tranh chấp nên không làm được. Đến năm 1995 thì bà Mười H được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Vào năm 1996, Ủy ban nhân dân huyện V ban hành Quyết định số 248/QĐ.Ct.UBH.96 ngày 14/8/1996 về việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa bà L2 và bà Mười H. Theo đó, ổn định phần đất cho bà Mười H và không phải trả hoa lợi.
Đến ngày 04/01/2013, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố V ban hành Quyết định số 20/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại và thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Mười H (trong đó có phần đất tranh chấp).
Đến ngày 04/11/2015, chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố V ban hành Quyết định giải quyết số 3516/QĐ-UBND về việc thu hồi Quyết định số 248/QĐ.Ct.UBH.96 ngày 14/8/1996 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện V.
Sau đó, nguyên đơn có liên hệ đến Phòng Tài nguyên và Môi trường để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không được.
Nay nguyên đơn yêu cầu bà Nguyễn Thị Mười H phải trả lại phần đất tranh chấp có diện tích theo đo đạc thực tế là 1.795,6m2 cho đồng thừa kế của bà L2 gồm: bà Nguyễn Thị C, bà NguyễnThị K, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị A, bà Nguyễn Thị S. Ngoài ra, không yêu cầu gì thêm.
Trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn bà Nguyễn Thị Mười H trình bày: Phần đất này có nguồn gốc là của bà Nguyễn Thị L2 nhưng do bà L2 được cấp phần đất khác tại phường III nên bỏ hoang phần đất này. Do có chính sách hai nơi phải chọn một, bà L2 đã chọn sinh sống tại phường III nên không còn sinh sống tại phần đất tranh chấp. Sau đó, tập đoàn Nhà nước họp dân lại và cấp cho bà vào năm 1977 theo chính sách trang trải ruộng đất. Đến năm 1978, bà có cất chòi ở trên phần đất này và canh tác liên tục không ai tranh chấp. Đến năm 1993, Nhà nước có chủ trương trả về đất gốc, chính quyền địa phương hòa giải theo hướng trả về cho bà L2, còn nếu sử dụng đất thì trả hoa lợi một công một chỉ vàng. Bà có đem 02 (hai) chỉ ra chính quyền xã để trả cho bà L2 nhưng bà L2 đòi 02 cây vàng. Do không đủ khả năng để trả nên bà không đồng ý. Việc bà đồng ý trả hoa lợi là do tình nghĩa cô cháu (bà L2 là cô của bà) và theo Ủy ban nhân dân xã đã hòa giải nên bà mới đồng ý trả hoa lợi, hơn nữa, mộ của chồng bà còn đang ở trên phần đất tranh chấp. Sau khi hòa giải, bà L2 yêu cầu bà dỡ mộ ngay nên bà có gửi đơn yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện V (nay là thành phố V) giải quyết. Vào ngày 14/8/1996, Ủy ban nhân dân thành phố V ban hành Quyết định số 248/QĐ.Ct.UBH.96 về việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa bà L2 và bà. Theo đó, ổn định cho bà phần đất tranh chấp và bà không phải trả hoa lợi. Đến năm 1995, Nhà nước có chủ trương làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chính quyền địa phương nói đất ở trên 10 năm thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên bà đã đăng ký làm giấy. Sau đó, Ủy ban nhân dân nói Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp sai trình tự nên thu hồi và hướng dẫn làm lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi bà làm thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phía nguyên đơn ngăn cản nên không làm được.
Nay bà yêu cầu công nhận phần đất tranh chấp có diện tích theo đo đạc thực tế là 1.795,6m2 thuộc quyền sử dụng hợp pháp cho bà. Ngoài ra, không yêu cầu gì thêm.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan Ủy ban nhân dân thành phố V trình bày:
Vào năm 1952, bà L2 có mua của ông Hai H1 phần đất vườn diện tích 5.200m2 đất để canh tác, đến năm 1968, do chiến tranh nên gia đình bà L2 sơ tán ra ấp 10, thị trấn V (nay là phường III, thành phố V) sinh sống, đến năm 1975, đất nước được giải phóng, bà L2 cùng con rể về dọn vườn tạp trồng mía, chính quyền địa phương phát hiện con rể bà L2 tên Tr có tham gia đi lính chế độ cũ nên gia đình không dám làm và để đất trống. Đến năm 1977, chính quyền cấp cho 02 hộ để canh tác là bà Nguyễn Thị Mười H diện tích 1.600m2 và ông Nguyễn Văn Bé H2 3.600m2.
Đến khi Nhà nước có chủ trương trả lại đất gốc thì ông Bé H2 và bà Mười H không trả lại nên phát sinh tranh chấp.
Ngày 05/7/1993, Ủy ban nhân dân xã Vị T tổ chức giải quyết tranh chấp theo hướng: Bà Mười H và ông Bé H2 không trả lại đất thì trả hoa lợi; nếu không trả hoa lợi thì trả lại đất cho bà L2.
Ngày 30/11/1993, ông Bé H2 chấp hành nội dung giải quyết của Ủy ban nhân dân xã Vị T giao trả lại đất cho bà L2. Riêng bà Mười H chưa thực hiện trả lại đất và tiếp tục sử dụng. Bà L2 tiếp tục khiếu nại đến Ủy ban nhân dân xã Vị T và được Ủy ban nhân dân xã Vị T hòa giải nhưng không thành.
Ngày 26/9/1995, Ủy ban nhân dân huyện V (cũ) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Nguyễn Thị Mười H, trong có có phần đất đang tranh chấp chưa được giải quyết.
Ngày 14/8/1996, chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện V ký Quyết định số 248/QĐ.Ct.UBH.96 về việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa bà L2 và bà Mười H, theo đó, ổn định cho bà Mười H phần đất tranh chấp, bà Mười H không phải trả hoa lợi, với Lý do: phần đất này bà L2 đã bỏ đi rất lâu (từ năm 1968 đến năm 1993), nhưng đến sau ngày giải phóng bà L2 không trở về sản xuất mà bỏ đất hoang, đến năm 1977, chính quyền quản lý đất hoang cấp lại những hộ không có đất ở địa phương. Đây không thuộc diện đất bị cắt xâm canh để trang trải nên không thuộc diện trả lại đất hay hoa lợi.
Ngày 04/01/2013, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố V ký Quyết định số 20/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại của bà C, theo đó, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà Nguyễn Thị Mười H. Việc thu hồi là thu hồi Giấy chứng nhận để cấp lại cho đúng trình tự thủ tục theo quy định.
Ngày 04/11/2015, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố V ký Quyết định số 3516/QĐ-UBND về việc thu hồi Quyết định số 248/QĐ.Ct.UBH.96 ngày 14/8/1996 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện V, lý do thu hồi là do giải quyết tranh chấp đất đai không đúng thẩm quyền (bởi vì tại thời điểm giải quyết vào năm 1996, thì phần đất tranh chấp đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc quyền giải quyết của Tòa án, không phải của Ủy ban nhân dân); bà Nguyễn Thị L2 nhưng ghi sai họ là Trần Thị L2 (quá trình giải quyết vẫn chỉ là một người nhưng do sai sót, nhầm lẫn trong quá trình đánh máy nên ghi sai họ “Nguyễn” thành họ “Trần”).
Ngày 27/02/2018, Ủy ban nhân dân thành phố V ban hành Quyết định số 607/QĐ-UBND về việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà Nguyễn Thị Mười H.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị Ch trình bày: Bà thống nhất với ý kiến của đồng nguyên đơn. Tuy nhiên, bà từ chối nhận di sản đối với phần đất tranh chấp và nhường quyền lại cho các chị em của bà là Nguyễn Thị C, Nguyễn Thị K, Nguyễn Thị L, Nguyễn Thị A, Nguyễn Thị S. Vì vậy, bà không có ý kiến hay yêu cầu gì trong vụ án này.
- Tại bản án sơ thẩm số 203/2019/DS-ST ngày 18 tháng 12 năm 2019 của Toà án nhân dân thành phố V, tỉnh Hậu Giang tuyên xử như sau:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của đồng nguyên đơn bà Nguyễn Thị C, bà NguyễnThị K, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị A, bà Nguyễn Thị S về việc yêu cầu bị đơn bà Nguyễn Thị Mười H trả lại phần đất tranh chấp có diện tích tổng cộng là 1.795,6m2.
2. Chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn bà Nguyễn Thị Mười H.
Công nhận phần đất tranh chấp có diện tích tổng cộng là 1.795,6m2, theo mãnh trích đo địa chính số 33-2019/TT.KTTN&MT ngày 19/7/2019 của Công ty TNHH TVTK XD Hiện đại, phần đất tọa lạc tại ấp 4, xã Vị T, thành phố V, tỉnh Hậu Giang thuộc quyền sử dụng của bà Nguyễn Thị Mười H. (Có mảnh trích đo địa chính kèm theo).
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, chi phí tố tụng, quyền kháng cáo và quyền yêu cầu thi hành án của các đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 31 tháng 12 năm 2020, nguyên đơn bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị K, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị A, bà Nguyễn Thị S có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm số 203/2019/DS-ST ngày 18 tháng 12 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố V, tỉnh Hậu Giang. Yêu cầu sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn, bác yêu cầu phản tố của bị đơn.
Tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của các nguyên đơn bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị K, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị A, bà Nguyễn Thị S vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo sửa bản án sơ thẩm, Căn cứ vào xác nhận của ông Lý Hùng Điệp vào ngày 16/01/2020 xác định ngày 05/7/1993 Ủy ban nhân dân xã Vị T hòa giải tranh chấp đất giữa bà L2 và ông Nguyễn Văn Bé H2 cùng bà Mười H. Bà Hai và ông Bé H2 đồng ý trả hoa lợi đối với phần đất tranh chấp. Do vậy, Đất tranh chấp là đất đưa vào tập đoàn sau đó có chủ trương trả lại đất gốc chứ không phải đất bỏ hoang như bị đơn trình bày. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của các nguyên đơn, buộc bị đơn trả lại đất cho các nguyên đơn.
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn trình bày: Bị đơn thừa nhận nguồn gốc đất là của bà L2 (mẹ ruột các nguyên đơn) sang nhượng từ năm 1952. Sau năm 1975 đến năm 1977 thì gia đình bà L2 vẫn quản lý sử dụng. Bị đơn đưa ra năm 1977 thu hồi đất để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà H. Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân không đưa ra được bất kỳ chứng cứ nào về quyết định thu hồi đất hoang hóa của bà L2 để cấp cho bà H. Năm 1993, có chủ trương trả lại đất gốc thì bà Mười H đồng ý trả hoa lợi. Vì vậy, có căn cứ cho rằng đất của bà L2 đã đưa vào tập đoàn và sau đó có chủ trương trả lại đất gốc chứ không phải là đất hoang hóa do nhà nước quản lý. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của các nguyên đơn, buộc bị đơn trả lại đất cho các nguyên đơn.
Bị đơn tại phiên tòa cho rằng đất bà L2 bỏ hoang nhà nước hợp dân vào năm 1977 cấp cho bà chứ không phải đất đưa vào tập đoàn mà trả lại cho bà L2.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang phát biểu quan điểm từ giai đoạn thụ lý đến khi đưa vụ án ra xét xử, Tòa án đã tiến hành đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Về nội dung vụ án, đề nghị áp dụng khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự không chấp nhận kháng cáo của các nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Sau khi xét xử sơ thẩm, các nguyên đơn bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị K, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị A, bà Nguyễn Thị S kháng cáo trong thời hạn luật định nên được xem là hợp lệ.
[2] Đối với yêu cầu kháng cáo của các nguyên đơn bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị K, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị A, bà Nguyễn Thị S Hội đồng xét xử nhận thấy:
[2.1] Về nguồn gốc phần đất tranh chấp:
Nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận phần đất tranh chấp theo đo đạc thực tế có diện tích là 1.795,6m2 tọa lạc tại khu vực 6, phường IV, thành phố V, tỉnh Hậu Giang có nguồn gốc của bà Nguyễn Thị L2 (mẹ của các đồng nguyên đơn).
[2.2] Quá trình sử dụng đất:
Nguyên đơn cho rằng bà Nguyễn Thị L2 nhận chuyển nhượng của ông Hai H1 từ năm 1952, sinh sống liên tục đến thời chiến tranh ác liệt thì gia đình chuyển ra khu vực 6, phường III sinh sống. Vào khoảng năm 1977 – 1978, chính quyền đưa đất vào tập đoàn và giao lại một phần đất cho bà Mười H.
Bị đơn cho rằng lý do bà được ở trên đất là do thời điểm đó có chính sách hai nơi phải chọn một nên bà L2 đã chọn và được cấp phần đất khác tại phường III nên bỏ hoang phần đất này. Vì vậy, Nhà nước họp dân lại và cấp cho bà vào năm 1977 theo chính sách trang trải ruộng đất.
Những người làm chứng như ông Lê Văn T (BL 313), ông Lê Văn T1 (BL 308) trình bày phần đất tranh chấp được đưa vào tập đoàn và cấp lại cho bà Mười H.
Những người làm chứng ông Lý Hoàng Điệp, ông Nguyễn Văn Bé H2 (BL 234), ông Trương Công L (BL 229), ông Trần Văn O (BL 224), ông Lương Văn T2 (BL 219), ông Trương Văn L3 (BL 242) cho rằng phần đất tranh chấp không đưa vào tập đoàn mà do bà L2 được cấp phần đất khác ở phường III, thành phố V nên bỏ hoang phần đất này. Vì vậy, Nhà nước đã quản lý và cấp lại cho bà Mười H.
Người làm chứng ông Lê Văn A1 (BL 316) cho rằng đất đưa vào tập đoàn, tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, ông A1 lại khẳng định đất không đưa vào tập đoàn. Như vậy, lời khai của ông A1 có sự mâu thuẫn, không thống nhất trong quá trình giải quyết vụ án.
Mặc dù lời khai của các nhân chứng có sự mâu thuẫn với nhau về việc phần đất tranh chấp có đưa vào tập đoàn hay không có đưa vào tập đoàn thì những người làm chứng đều xác nhận việc bà Mười H được cấp phần đất này, điều này thể hiện việc bà Mười H được sử dụng phần đất tranh chấp không phải do có hành vi gian dối, lừa đảo... để được giao quyền sử dụng đất, không phải là người sử dụng đất do ở nhờ, mượn, thuê, lấn, chiếm đất hoặc bằng các giao dịch dân sự khác trái pháp luật, trái đạo đức xã hội (theo quy định tại tiểu mục 2.4 mục 2 phần I của Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao). Ủy ban nhân dân thành phố V cũng xác định nguồn gốc phần đất tranh chấp không đưa vào tập đoàn, mà do bà L2 bỏ hoang nên Nhà nước cấp lại cho bà Nguyễn Thị Mười H (BL 280-283).
Mặt khác, Nội dung công văn số 15 ngày 15/4/2004 của Ủy ban nhân dân thành phố V cũng xác định “Đất này bà L2 đã bỏ đi rất lâu (từ năm 1968 đến năm 1993), nhưng đến sau ngày giải phóng bà L2 không trở về sản xuất mà bỏ đất hoang, đến năm 1977, chính quyền quản lý đất hoang cấp lại những hộ không có đất ở địa phương. Đây không thuộc diện đất bị cắt xâm canh để trang trải nên không thuộc diện trả lại đất hay hoa lợi” (BL 373-374). Điều này thể hiện bà L2 không canh tác liên tục trên phần đất tranh chấp mà bỏ hoang.
Ngoài ra, Theo Công văn số 2309/UBND-NC ngày 12/9/2019 của Ủy ban nhân dân thành phố V xác định phần đất tranh chấp là đất trồng cây hàng năm (BL 213-214), Theo quy định tại khoản 5 Điều 14 Luật đất đai năm 1987, khoản 3 Điều 26 Luật đất đai năm 1993 thì Nhà nước sẽ thu hồi đất nếu người sử dụng đất không sử dụng quá 6 tháng hoặc 12 tháng mà không được Nhà nước cho phép. Theo quy định tại khoản 11 Điều 38 Luật đất đai năm 2003 và điểm h khoản 1 Điều 64 Luật đất đai năm 2013 thì một số trường hợp sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai sẽ bị Nhà nước thu hồi như: “đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục…”. Như vậy, trường hợp bà L2 và các thừa kế của bà L2 không trực tiếp quản lý, sử dụng nên đất hàng năm này thuộc diện bị Nhà nước thu hồi là đúng theo quy định.
Việc Tòa án cấp sơ thẩm chỉ chấp nhận lời khai của những người làm chứng phù hợp với các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án là có căn cứ. Có căn cứ xác định quyền sử dụng của bà L2 và các đồng thừa kế của bà L2 đối với diện tích đất tranh chấp đã không còn tồn tại. Mặt khác, tại phiên tòa phía nguyên đơn vẫn không chứng minh được sau giải phóng có về quản lý và sử dụng đất dù biết bà Mười H bắt đầu sử dụng phần đất này từ năm 1978.
[2.3] Về việc đăng ký, kê khai quyền sử dụng đất:
Hồ sơ thể hiện trong một thời gian dài, bà L2 và đồng thừa kế của bà L2 không kê khai đăng ký quyền sử dụng đối với phần đất tranh chấp để đảm bảo quyền của chủ sử dụng đất. Cụ thể, trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn thừa nhận bà L2 và các đồng thừa kế không có một trong các loại Giấy tờ quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật đất đai năm 2003 (nay là khoản 1 Điều 100 Luật đất đai năm 2013) (BL 381-382) và theo Công văn số 2309/UBND-NC ngày 12/9/2019 của Ủy ban nhân dân thành phố V (BL 214). Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Mười H có tên trong sổ địa chính đối với phần đất tranh chấp và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1995. Mặc dù, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho bà Mười H hiện đã bị thu hồi, tuy nhiên, Ủy ban nhân dân thành phố V xác định việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là sai sót trong trình tự cấp giấy, không phải thu hồi lại quyền sử dụng đất của bà Mười H (BL 277-279). Theo Quyết định thu hồi cũng có nội dung hướng dẫn cho bà Nguyễn Thị Mười H làm thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định.
Bà Mười H có kê khai đăng ký quyền sử dụng đối với phần đất mình đang quản lý, có nộp thuế cho Nhà nước và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị thu hồi nhưng không phải do lỗi của bà Mười H. Quá trình giải quyết vụ án, các đương sự đều thừa nhận bà Mười H quản lý, sử dụng phần đất tranh chấp là do được Nhà nước giao theo quy định, nói cách khác, phần đất tranh chấp đã được Nhà nước thực hiện theo chính sách đất đai. Luật đất đai qua các thời kỳ và tại khoản 5 Điều 26 Luật đất đai năm 2013 quy định: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai...” và tại Điều 1 Nghị quyết số 23 ngày 26/11/2003 của Quốc hội có quy định: “Nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến Nhà đất đã ban hành trước ngày 01/07/1991, Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến đất”; tại Công văn số 169/2002/KHXX ngày 15/12/2002 hướng dẫn đường lối giải quyết các tranh chấp đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng cũng có quy định: “Chủ đất cũ hoặc người thừa kế không kê khai, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Tòa án không nhận đơn khởi kiện nếu đã thụ lý thì bác yêu cầu đòi lại đất của chủ cũ”. Như vậy, việc các đồng thừa kế của bà L2 đòi lại quyền sử dụng đất là không có cơ sở.
[2.4] Về cây trồng và vật kiến trúc trên đất: Nguyên đơn cho rằng gia đình bà Nguyễn Thị L2 có trồng dừa, mía, chuối, cây tạp… từ trước năm 1975, trên đất có 02 ngôi mộ của gia đình bà Mười H, ngoài ra, không có vật kiến trúc nào khác.
Hội đồng xét xử xét thấy, nguyên đơn không cung cấp được chứng cứ để chứng minh trong khi lời khai của một số người người làm chứng và chính quyền địa phương đều xác định tại thời điểm cấp đất cho bà Mười H thì phần đất tranh chấp là đất hoang và toàn bộ cây trồng trên đất đều là do bà Mười H trồng sau này. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét là phù hợp.
[2.5] Tại phiên tòa hôm nay các đồng nguyên đơn cũng không cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ gì mới chứng minh cho yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo của mình.
[3] Về án phí dân sự sơ thẩm: Do không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn nên các nguyên đơn bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị K, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị A, bà Nguyễn Thị S mỗi người phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch là 300.000đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự, khoản 1, khoản 5 Điều 26, điểm a, khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án. Việc Tòa án cấp sơ thẩm buộc bà Nguyễn Thị C và bà Nguyễn Thị S phải liên đới chịu số tiền án phí dân sự sơ thẩm là 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng). Trả lại cho đồng nguyên đơn bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị K, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị A, bà Nguyễn Thị S 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí nguyên đơn đã nộp theo biên lai số 0020206 ngày 27 tháng 02 năm 2019 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố V do bà K, bà L, bà A là người cao tuổi được miễn tiền tạm ứng án phí, án phí là chưa đúng, do bà K, bà L, bà A là người cao tuổi nhưng không có đơn xin miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 và Điều 14 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án nên vẫn phải chịu án phí mỗi người là 300.000đồng. Do vậy, cấp phúc thẩm điều chỉnh lại cho phù hợp cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm. Cụ thể: Các nguyên đơn bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị K, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị A, bà Nguyễn Thị S mỗi người phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch là 300.000đồng. Bà C được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0020335 ngày 17 tháng 5 năm 2019 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố V thành án phí.
[4] Từ những nhận định trên, Việc Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn, công nhận phần đất tranh chấp cho bị đơn là có căn cứ, phù hợp quy định. Do vậy, xét kháng cáo của các nguyên đơn là không có căn cứ chấp nhận. Hội đồng xét xử chấp nhận đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát y án sơ thẩm về nội dung, sửa phần án phí dân sự sơ thẩm.
[5] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do không chấp nhận kháng cáo của các nguyên đơn bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị K, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị A, bà Nguyễn Thị S nên mỗi người phải chịu là 300.000 đồng. Do bà K, bà L, bà A là người cao tuổi nhưng không có đơn xin miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí theo quy định nên không được miễn tiền án phí phúc thẩm. Bà C, bà S được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm 300.000đồng theo biên lai thu số 0002933; 0002934 ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố V tỉnh Hậu Giang thành án phí.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 2 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự.
Áp dụng:
Điều 26, Điều 37, Điều 39, Điều 147, Điều 148, Điều 157, Điều 227, Điều 228, Điều 244 và Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
Điều 166, Điều 182, Điều 184 và Điều 221 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 14 Luật đất đai năm 1987; Điều 64, Điều 99 Luật đất đai năm 2013;
Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản L1 và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án;
Tuyên xử:
Không chấp nhận kháng cáo của các nguyên đơn bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị K, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị A, bà Nguyễn Thị S. Sửa bản án sơ thẩm số 203/2019/DS-ST ngày 18 tháng 12 năm 2019 của Toà án nhân dân thành phố V, tỉnh Hậu Giang về án phí.
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị K, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị A, bà Nguyễn Thị S về việc yêu cầu bị đơn bà Nguyễn Thị Mười H trả lại phần đất tranh chấp có diện tích tổng cộng là 1.795,6m2.
2. Chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn bà Nguyễn Thị Mười H.
Công nhận phần đất tranh chấp có diện tích tổng cộng là 1.795,6m2, theo mãnh trích đo địa chính số 33-2019/TT.KTTN&MT ngày 19/7/2019 của Công ty TNHH TVTK XD Hiện đại, phần đất tọa lạc tại ấp 4, xã Vị T, thành phố V, tỉnh Hậu Giang thuộc quyền sử dụng của bà Nguyễn Thị Mười H. (Có mảnh trích đo địa chính kèm theo).
3. Về án phí: Buộc bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị K, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị A, bà Nguyễn Thị S mỗi người phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch là 300.000đồng (ba trăm nghìn đồng). Bà C được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0020335 ngày 17 tháng 5 năm 2019 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố V thành án phí.
4. Về chi phí tố tụng: Buộc các nguyên đơn bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị K, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị A, bà Nguyễn Thị S phải chịu 5.324.416đ (năm triệu ba trăm hai mươi bốn nghìn bốn trăm mười sáu đồng) (đã nộp xong).
5. Án phí dân sự phúc thẩm: Các đồng nguyên đơn bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị K, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị A, bà Nguyễn Thị S mỗi người phải chịu 300.000đồng. Bà C, bà S được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm 300.000đồng theo biên lai thu số 0002933; 0002934 ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố V tỉnh Hậu Giang thành án phí.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án dân sự, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và Điều 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất số 90/2020/DS-PT
Số hiệu: | 90/2020/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hậu Giang |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 06/08/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về