Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất số 73/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

BẢN ÁN 73/2023/DS-PT NGÀY 14/12/2023 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Toà án nhân dân huyện T, tỉnh N Ngày 14 tháng 12 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh N xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 44/2023/TLPT-DS ngày 03 tháng 10 năm 2023 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất; Chia di sản thừa kế theo pháp luật”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 03/2023/DS-ST ngày 23/06/2023 của Toà án nhân dân huyện T, tỉnh N bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 73/2023/QĐ-PT ngày 29 tháng 11 năm 2023, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Kiều Thị X, sinh năm 1953 (có mặt); Địa chỉ: Thôn V, xã P, huyện T, tỉnh N.

Đại diện hợp pháp của nguyên đơn:

- Ông Đàm Văn H, sinh năm: 1994 (có mặt);

- Ông Trần Anh H1, sinh năm: 1997 (vắng mặt, có yêu cầu vắng mặt).

Cùng địa chỉ: Tầng F Tòa nhà S, số E đường Đ, Phường B, quận T, Thành phố H.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Lê Đình V - Luật sư Công ty L1 chi nhánh S2 (có mặt).

Địa chỉ: Tầng F, số B P, Phường E, quận T, Thành phố H.

2. Bị đơn: Bà Kiều Thị N, sinh năm: 1951 (có mặt); Địa chỉ: Thôn V, xã P, huyện T, tỉnh N.

Đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Lê Khắc H2, sinh năm: 1961 (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Bà Trần Thanh T – Luật sư Văn phòng L2, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh N (có mặt).

Cùng địa chỉ: Số I đường H, thị trấn P, huyện N, tỉnh N.

3. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Những người kế thừa quyền, nghĩa vụ của ông Bá Văn T1:

- Bà Bá Thị U, sinh năm: 1968 (vắng mặt, có yêu cầu vắng mặt);

- Bà Bá Thị C, sinh năm: 1968 (vắng mặt, có yêu cầu vắng mặt); Cùng địa chỉ: Thôn V, xã P, huyện T, tỉnh N.

- Ông Bá Trung T2, sinh năm: 1974 (vắng mặt, có yêu cầu vắng mặt);

- Bà Bá Thị M, sinh năm 1976 (vắng mặt, có yêu cầu vắng mặt); Cùng địa chỉ: Thôn V, xã P, huyện T, tỉnh N.

- Ông Bá Văn T3, sinh năm: 1977 (vắng mặt, có yêu cầu vắng mặt); Địa chỉ: Thôn V, xã P, huyện T, tỉnh N.

- Bà Bá Thị T4, sinh năm: 1978 (vắng mặt, có yêu cầu vắng mặt); Địa chỉ: Thôn V, xã P, huyện T, tỉnh N;

- Ông Bá Văn N1, sinh năm: 1983 (vắng mặt, có yêu cầu vắng mặt); Địa chỉ thường trú: Thôn T, xã P, huyện N, tỉnh N.

Hiện nay làm việc tại: Số B tổ H, đường B, Thành phố B, tỉnh Đồng Nai;

- Bà Bá Thị C1, sinh năm: 1982 (có mặt).

Địa chỉ: Thôn V, xã P, huyện T, tỉnh N.

3.2. Ông Thập Văn K, sinh năm: 1944 (vắng mặt, có yêu cầu vắng mặt); Địa chỉ: Thôn V, xã P, huyện T, tỉnh N.

3.3. Những người thừa kế quyền, nghĩa vụ của ông Thập Trần Ô Bà Thập Thị B1 (vợ ông Ô), Thập Thị C2, Thập Thị V1 (chết), Thập Thị T5, Thập Thị Đ, Thập H, Thập Hữu S, Thập Hữu D, Thập Thị S1, Thập Thị T6 và Thập Văn X1 (từ chối tham gia tố tụng).

Cùng địa chỉ: Thôn V, xã P, huyện T, tỉnh N.

4. Người làm chứng: Ông Đạt Mưng Ô1, sinh năm 1963 (có mặt). Địa chỉ: Thôn V, xã P, huyện T, tỉnh N.

5. Người kháng cáo: Bà Kiều Thị N là bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện và trong quá trình tố tụng, đại diện hợp pháp của nguyên đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn thống nhất trình bày:

Thửa đất số 112, tờ bản đồ số 18 xã P, huyện T, hiện bà X đang tranh chấp với bà Kiều Thị N có nguồn gốc như sau:

Thửa đất 112 có tổng diện tích là 34.523m2, trong đó có 5000m2 đất có nguồn gốc là ông Thập Văn K (cậu ruột bà X) tặng cho vợ chồng bà X năm 1970. Nguồn gốc của 5000m2 đất này là do ông K khai hoang mà có. Vị trí 5000m2 đất ông K tặng cho vợ chồng bà X có tứ cận như sau: Phía đông giáp đất bà Báo Thị X2; phía tây giáp đất Bạch Thanh T7; phía nam giáp đất bà Thị N2; phía bắc giáp đất ông Thập D1.

Sau khi được ông K tặng cho 5000m2, vợ chồng bà X canh tác và cùng trong năm 1970 vợ chồng bà X khai hoang thêm (thuê máy ủi) nâng tổng diện tích từ 5000m2 lên 34.523m2 (Toàn bộ thửa 112 hiện nay).

Quá trình sử dụng thửa 112 như sau:

Sau khi được tặng cho và khai hoang, vợ chồng bà X đã sử dụng liên tục từ năm 1970 cho đến khi phát sinh tranh chấp với bà N (năm 2019). Năm 1997, vợ chồng bà X đến Ủy ban nhân dân (viết tắt là UBND) xã P để đăng ký vào sổ mục kê của xã đối với thửa 112. Do phần đất này không có hệ thống mương tưới tiêu mà ăn nước trời nên bà X thường trồng cây ngắn ngày như dưa lấy hạt, bắp, đậu ván vào mùa mưa còn các mùa khác không có nước thì bỏ hoang.

Năm 2019, bà Kiều Thị N là chị ruột bà X tranh chấp một phần diện tích nêu trên, bà N cho rằng toàn bộ diện tích đất 34.630 m2 trên có nguồn gốc là do cha mẹ bà X khai hoang để lại cho bà X và bà N nên phải chia cho bà N khoảng 10.000 m2 đất (tương đương 01 ha) nhưng bà X không đồng ý với yêu cầu này của bà N. Hiện, bà N đã lấn chiếm 7.500m2 đất nằm trong diện tích 34.630m2 nên bà X khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết buộc bà N trả lại cho bà X toàn bộ diện tích đất bà N đã lấn chiếm.

Tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, bà X xác định lại yêu cầu khởi kiện như sau:

- Yêu cầu Toà án giải quyết buộc bà N trả lại diện tích đất lấn chiếm là 7.500m2 thuộc thửa đất số 412, 413, 414 nằm trong diện tích đất 34.523m2 thuộc thửa đất số 112, tờ bản đồ số 18 xã P theo Trích lục đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính số 634/2021 của Văn phòng đăng ký đất đai N chi nhánh T.

- Công nhận cho bà X được quyền sử dụng 34.523m2 thuộc thửa đất số 112, tờ bản đồ số 18 xã P, nay thuộc thửa đất số 410, 411, 412, 413, 414, tờ bản đồ số 18 xã P theo Trích lục đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính số 634/2021 của Văn phòng đăng ký đất đai N chi nhánh T.

- Bà Xanh không đồng ý tặng cho cho bà N 2.500m2 đất thuộc một phần thửa đất 112, tờ bản đồ số 18 xã P, nay thuộc thửa 414, tờ bản đồ số 18 xã P, huyện T theo Trích lục đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính số 634/2021 của Văn phòng đăng ký đất đai N chi nhánh T.

Tại phiên toà ngày 26/5/2023, bà X trình bày nguồn gốc đất 5.000m2 trong tổng số diện tích đất tranh chấp có nguồn gốc do ông Thập Trần Ô (cậu ruột) khai hoang và để lại cho cha mẹ bà, sau đó cha mẹ bà bỏ hoang thành rừng cho đến khi bà lập gia đình và là con út nên cha mẹ bà để lại cho vợ chồng bà vào canh tác và khai hoang mở rộng thêm diện tích như hiện nay. Trước đây, bà khởi kiện yêu cầu Toà án buộc bà Kiều Thị N trả lại 7.500m2 đất lấn chiếm, tuy nhiên tại phiên toà, bà cho rằng bà N không còn hành vi lấn, chiếm đất của bà mà chỉ có hành vi ngăn cản quyền sử dụng đất của bà, nhưng bà vẫn giữ nguyên yêu cầu này. Bà đồng ý tặng cho bà N diện tích 5.000m2 thuộc thửa đất 413, 414 (đã tách ra theo trích lục bản đồ ngày 21/4/2023 của Văn phòng đăng ký đất đai N chi nhánh T).

Bà không đồng ý với yêu cầu phản tố của bà N về việc chia thừa kế.

Về chi phí định giá, thẩm định tại chỗ: Bà yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tại giai đoạn phúc thẩm và phiên tòa phúc thẩm, bà X trình bày bổ sung:

Ông bà nội bà là ông Thập P và bà Thị N3, cha mẹ bà là ông Kiều H3 (chết năm 1998) và bà Thị E (chết năm 2011), cha mẹ bà có 02 người con là Kiều Thị X (bà) và Kiều Thị N, cha mẹ bà không có con nuôi, không có con riêng.

Bà xác định trong 34.523m2 đất có 5000m2 đất có nguồn gốc là của ông Thập Trần Ô, chứ không phải của ông Thập Văn K.

Trong năm 1970, bà có 02 lần thuê máy ủi về san ủi đất nhưng giá tiền thuê san ủi là bao nhiêu và họ tên, địa chỉ của người ủi đất là gì, ở đâu thì bà không nhớ, bà chỉ nhớ bà trả công san ủi bằng tiền, không phải bằng vàng nhưng cụ thể là bao nhiêu tiền thì không nhớ.

Trước khi kết hôn với ông T1, bà ở với ông bà nội, bà làm việc nhà và phụ ông bà nội làm ruộng. Bà kết hôn với ông T1 năm 1969 (bà 16 tuổi), khi bà và ông T1 kết hôn thì cả hai đều không có tài sản riêng.

Bà là người trực tiếp canh tác, quản lý toàn bộ diện tích 34.523m2 từ đó cho đến nay. Quá trình canh tác, bà không thấy Nhà nước thu thuế nông nghiệp đối với phần diện tích đất trên.

Tại bản tự khai, biên bản lấy lời khai và tại phiên tòa, bị đơn, đại diện hợp pháp của bị đơn và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trình bày:

Nguồn gốc thửa 112 là của ông bà nội bà là ông Thập P và bà Thị N3 khai hoang trước giải phóng, diện tích cụ thể bao nhiêu thì bà không biết chính xác, sau đó ông bà nội bà để lại cho cha mẹ bà là ông Kiều H3 và bà Thị E canh tác. Quá trình canh tác, cha mẹ bà cùng bà có khai hoang thêm nhưng cụ thể diện tích khai hoang là bao nhiêu thì bà không biết.

Năm 1985, cha mẹ bà chia thửa đất 112 thành 02 phần: Cho em gái bà là Kiều Thị X 01 phần, phần còn lại 17.000m2 cha mẹ bà cho bà 10.000m2, cha mẹ bà giữ lại khoảng 7.000m2. Sau khi phân chia đất thì bà và cha mẹ bà cùng canh tác trên diện tích đất khoảng 17.000m2. Vì cha mẹ bà cùng ở chung với bà, do bà chăm sóc nuôi dưỡng nên sau này phần đất của cha mẹ cũng tặng cho bà.

Năm 1998, cha bà chết không để lại di chúc. Đến năm 2011, mẹ bà chết, cũng không để lại di chúc. Khoảng năm 2004 - 2005, bà X cùng bà thống nhất mời địa chính xã đến đo đạc lại thửa đất đã chia (địa chính là ông Thập V2) có sự chứng kiến của bà X và con là Mã Lê Diễm N4 cùng với bà.

Trong đơn khởi kiện, bà X trình bày đất này do ông Thập Văn K khai hoang từ thời Pháp thuộc (thời Pháp thuộc chấm dứt từ năm 1954) mà ông Thập Văn K, sinh năm 1944 nên lời khai của bà X về nguồn gốc đất là hoàn toàn sai sự thật.

Trước yêu cầu khởi kiện của bà X, bà không đồng ý vì đất này là của cha mẹ bà để lại. Bà có yêu cầu phản tố đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế của cha mẹ bà để lại là toàn bộ diện tích thửa 112 và bà yêu cầu nhận hiện vật là đất để canh tác.

Tại giai đoạn phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, bà N và đại diện hợp pháp của bà N trình bày bổ sung:

Bà xác định diện tích đất thửa 112 không phải của ông Thập Văn K. Sau khi cha mẹ bà phân chia cho hai chị em bà, bà đã canh tác trên đất đến năm 1985 thì không canh tác nữa vì diện tích đất này không có nước tưới tiêu mà hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời. Sau khi không canh tác thì hàng năm bà vẫn đến thăm đất và rấp ranh, do bà đi buôn bán nên sau này đất bỏ trống và bà X trực tiếp canh tác, tuy nhiên bà X không canh tác thường xuyên vì không có nước tưới. hần đất của cha mẹ bà để lại là toàn bộ thửa 112, bà X không khai hoang thêm vì xung quanh thửa 112 đều là đất của các hộ dân khác.

Quá trình giải quyết vụ án, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Bá Thị U, bà Bá Thị C3, ông Bá Trung T2, bà Bá Thị M, ông Bá Văn T3, bà Bá Thị T4, ông Bá Văn N1 trình bày:

Các ông/bà là con ruột của bà Kiều Thị X, ông Bá Văn T1 (đã chết). Các ông/bà đã lập gia đình, có cuộc sống và nơi ở riêng, không chung sống cùng nhà với bà X. Các ông/bà đồng ý yêu cầu khởi kiện của bà X và không đồng ý với yêu cầu phản tố của bà N.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Bá Thị C1 trình bày:

Bà là con của bà X, bà không trực tiếp sử dụng các thửa đất 410, 411, 412, 413, 414 cùng tờ bản đồ số 18 xã P đang tranh chấp. Bà chỉ thấy bà X trực tiếp canh tác, đóng góp, sử dụng các thửa đất trên, ngoài ra không còn ai khác. Hiện nay, vợ chồng bà cùng các con đều có chung hộ khẩu với bà X, chung sống với bà X trong một nhà. Bà đồng ý yêu cầu khởi kiện của bà X và không đồng ý với yêu cầu phản tố của bà N.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Thập Văn K trình bày:

Tại bản tự khai ngày 25/11/2020 và ngày 18/12/2021, ông Thập Văn K xác nhận ông K là cậu ruột của bà Kiều Thị X và Kiều Thị N. Diện tích 34.630m2 mà bà X khởi kiện trong đó có khoảng 5.000m2 để canh tác, trồng trọt. Khoảng năm 1970, ông thấy vợ chồng bà X mới kết hôn không có nhiều đất để canh tác nên ông tặng cho vợ chồng bà X diện tích đất ông đã khai hoang. Quá trình canh tác, vợ chồng bà X khai hoang mở rộng thêm diện tích đất khoảng 35.000m2 (diện tích thực tế 34.630m2). Bà N không tham gia khai hoang, không có đóng góp công sức vào việc mở rộng diện tích đất. Tuy nhiên, tại biên bản lấy lời khai ngày 25/5/2023, ông K xác định nguồn gốc đất mà hiện nay bà X và bà N đang tranh chấp có khoảng 5.000m2 (5 sào) là do cha mẹ ông khai hoang từ rất lâu, sau đó canh tác một thời gian thì bỏ hoang do chiến tranh loạn lạc.

Tại phiên toà ngày 26/5/2023, ông Thập Văn K xác nhận lại lời khai: Nguồn gốc diện tích đất 5.000m2 không phải do ông khai hoang mà do cha mẹ ông cùng anh ông là Thập Trần Ôn khai hoang, ông còn nhỏ chỉ đi phụ giúp cha mẹ. Sau đó khi có chiến tranh thì toàn bộ các thửa đất tại khu vực đó đều bị bỏ hoang. Sau đó khi anh ông lập gia đình thì giao lại cho cha mẹ bà X, bà N và cho đến khi bà X lập gia đình thì giao cho vợ chồng bà X canh tác. Ông không biết diện tích khoảng 5.000m2 thuộc thửa đất nào và tại vị trí nào vì đã quá lâu, ông chỉ nhớ nằm trong diện tích mà hiện nay hai bên đang tranh chấp.

Những người thừa kế quyền và nghĩa vụ của ông Thập Trần Ô (đã chết), gồm bà Thập Thị B1 (vợ ông Ô), Thập Thị C2, Thập Thị V1 (chết), Thập Thị T5, Thập Thị Đ, Thập H, Thập Hữu S, Thập Hữu D, Thập Thị S1, Thập Thị T6 và Thập Văn X1:

Tại biên bản làm việc ngày 31/5/2023, ông Thập Hữu X3 và các bản tự trình bày của các ông/bà trên đều xác định: Các ông bà là con ruột của ông Thập Trần Ôn . Ông Thập Trần Ô đã chết gần 30 năm nay, các ông/ bà đề nghị Toà án không đưa các ông/bà vào vụ việc tranh chấp đất giữa bà X với bà N vì ông/ bà không biết gì về đất đai. Khi còn sống, cha các ông/ bà không nói gì tới phần đất mà hai bà đang tranh chấp. Các ông/bà đề nghị Toà án không đưa các ông/bà vào tham gia trong vụ việc tranh chấp.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 03/2023/DS-ST ngày 23/6/2023 của Tòa án nhân dân huyện T đã quyết định:

Căn cứ vào: Điều 5, Điều 6, khoản 5, 9 Điều 26, khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 165, Điều 227, Điều 228, Điều 244, Điều 271, Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 169, Điều 459 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 203 Luật đất đai; Điều 91 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ; Điều 12, Điều 26, Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội về án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Kiều Thị X.

- Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn bà Kiều Thị N về việc yêu cầu chia di sản thừa kế theo pháp luật đối với toàn bộ diện tích đất 34.523m2.

- Ghi nhận việc tặng cho quyền sử dụng đất của bà Kiều Thị X cho bà Kiều Thị N.

1. Bà Kiều Thị X được quyền tiếp tục sử dụng các thửa đất số 410, 411, 412 (tách từ thửa đất số 112), tờ bản đồ số 18, xã P, huyện T diện tích đất 29.523m2. Trên đất không có tài sản, vật kiến trúc hoặc cây trồng.

2. Buộc bà Kiều Thị N phải chấm dứt và không được cản trở quyền sử dụng đất của bà Kiều Thị X.

3. Ghi nhận việc tặng cho quyền sử dụng đất của bà Kiều Thị X cho bà Kiều Thị N với diện tích 5.000m2 thuộc thửa đất số 413, 414 (tách từ thửa 112) tờ bản đồ 18 xã P. Bà N được quyền sử dụng diện tích 5.000m2 thuộc thửa đất số 413, 414, tờ bản đồ 18 xã P, huyện T. Trên đất không có tài sản, vật kiến trúc hoặc cây trồng.

Bà Kiều Thị X, bà Kiều Thị N được quyền liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để đăng ký đất đai theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí, chi phí tố tụng, lãi suất chậm thi hành án, quyền, nghĩa vụ của các bên thi hành án và quyền kháng cáo của đương sự.

Ngày 06/7/2023, bà Kiều Thị N làm đơn kháng cáo với nội dung đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đề nghị Tòa án bác toàn bộ kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn không đồng ý toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định 34.523m2 đất tranh chấp là của ông Kiều Văn H3 (Kiều H3) bà Thị E là cha mẹ bà N và bà X khai hoang từ trước năm 1975 và chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn về chia thừa kế theo pháp luật đối với diện tích đất này cho bà X, bà N mỗi người ½. Bà N yêu cầu được nhận hiện vật là đất để canh tác.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh N phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án:

Về thủ tục tố tụng: Hội đồng xét xử, Thư ký và những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự từ khi Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý vụ án cho đến thời điểm xét xử tại phiên tòa hôm nay.

Về nội dung: Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, xét thấy: Cấp sơ thẩm đã xét xử vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu và công nhận 34.523m2 là vượt quá hạn điền do đất tranh chấp là đất trồng cây hàng năm. Ngoài ra, lời khai của người làm chứng về nguồn gốc đất, đặc biệt là lời khai ông K có nhiều mâu thuẫn, vì vậy đối chiếu với các chứng cứ khác thì việc xác định 34.523m2 đất là đất do cha mẹ bà X, bà N khai hoang là phù hợp hơn. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận kháng cáo của bị đơn, bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 03/2023/DS-ST ngày 23/6/2023 của Toà án nhân dân huyện T, tỉnh N.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về thủ tục tố tụng:

[1.1] Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn không rút đơn khởi kiện, bị đơn không rút hoặc thay đổi, bổ sung nội dung kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án, đơn kháng cáo của bị đơn hợp lệ nên được xem xét, giải quyết.

[1.2] Về người tham gia tố tụng: Tại phiên tòa, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt và có ý kiến trình bày từ chối tham gia tố tụng, không yêu cầu Tòa án triệu tập và xin vắng mặt. Xét thấy, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã từ bỏ quyền và lợi ích hợp pháp của mình nên Hội đồng xét xử căn cứ Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự xét xử vắng mặt các đương sự này.

[2] Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, xét thấy: Cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật cần giải quyết “Tranh chấp quyền sử dụng đất; Chia di sản thừa kế theo pháp luật” là phù hợp.

[3] Xét kháng cáo của bị đơn bà Kiều Thị N yêu cầu cấp phúc thẩm bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Kiều Thị X về việc đòi lại đất và đề nghị xác định diện tích 34.523m2 thuộc thửa đất số 112, tờ bản đồ số 18 xã P là di sản của ông Kiều H3 và bà Thị E chết để lại, nhận thấy:

[3.1] Quá trình giải quyết vụ án, bà X xác nhận trong 34.523m2 đất thuộc thửa 112 có 5000m2 là của ông Thập Văn K tặng cho vợ chồng bà. Đối với phần diện tích 5000m2 này, Hội đồng xét xử xét thấy:

[3.1.1] Về nguồn gốc: Bà Xanh cho rằng 5000m2 là của ông Thập Văn K khai hoang, sau đó tặng cho vợ chồng bà vào năm 1970, tuy nhiên cả bà X và ông K đều không cung cấp được chứng cứ chứng minh về nguồn gốc 5000m2 đất và có sự việc tặng cho này.

Mặt khác, quá trình giải quyết vụ án, lời khai của bà X về nguồn gốc 5000m2 có nhiều mâu thuẫn, cụ thể: Tại bút lục (viết tắt là BL) số 68, bà X khai nguồn gốc 5000m2 đất là của cha mẹ bà khai hoang, còn tại các BL số 02, 31, 171 và tại phiên tòa ngày 26/5/2023 bà X xác định 5000m2 đất là của ông Thập Văn K, tuy nhiên tại phiên tòa sơ thẩm ngày 23/6/2023 và tại phiên tòa phúc thẩm, bà X lại khai 5000m2 đất có nguồn gốc là của ông Thập Trần Ô.

[3.1.2] Về quá trình sử dụng 5000m2 cũng có nhiều mâu thuẫn: Tại các BL số 68, 582, bà X cho rằng 5000m2 đất là của cha mẹ bà khai hoang và bỏ hoang thành rừng, tại phiên tòa phúc thẩm, bà X cũng xác định 5000m2 này bị bỏ hoang thành rừng, tuy nhiên ở một số lời khai khác, bà X lại khẳng định ông K tặng cho vợ chồng 5000m2 đất từ năm 1970 và vợ chồng bà đã canh tác từ đó cho đến nay (BL số 171).

[3.1.3] Như vậy, lời khai của bà X về nguồn gốc cũng như quá trình sử dụng 5000m2 trong tổng số 34.523m2 không thống nhất, có sự mâu thuẫn rõ rệt và tất cả các lời khai này bà X đều không đưa ra được căn cứ để chứng minh.

[3.2] Đối với phần diện tích 29.523m2 trong tổng số 34.523m2 bà X cho rằng diện tích đất này là do vợ chồng bà trực tiếp khai hoang. Bà trình bày vợ chồng bà tiến hành khai hoang bằng cách thuê máy ủi, san ủi toàn bộ phần đất, tuy nhiên bà không đưa ra được chứng cứ chứng minh có việc thuê người san ủi (thông tin của người được thuê san ủi, số tiền thuê san ủi….). Tại phiên tòa, bà X xác nhận bà và ông T1 kết hôn năm 1969, trước khi kết hôn bà và ông T1 đều không có tài sản riêng, đến năm 1970 thì vợ chồng bà tự thuê máy ủi để san ủi đất, như vậy, bà X đã không chứng minh được khả năng tài chính để trả tiền cho người san ủi đất (nếu có) vào thời điểm năm 1970.

[3.3] Về quá trình sử dụng diện tích đất 34.523m2: Bà X khai nhận bà canh tác trên toàn bộ diện tích đất này liên tục từ năm 1970 cho đến khi phát sinh tranh chấp vào năm 2019, tuy nhiên, qua xác minh, các nhân chứng đều cho biết phần đất của bà X cũng như những đất vùng xung quanh đều bỏ hoang từ đó cho đến nay vì không có nước để canh tác.

[3.4] Đối với ý kiến của UBND cấp xã về nguồn gốc đất, xét thấy: Mặc dù UBND xã P khẳng định nguồn gốc đất là của bà X nhưng UBND xã P đã không đưa ra được các căn cứ để làm cơ sở khẳng định thửa 112 là của bà X theo yêu cầu của Tòa án. Bà X cho rằng bà có tên trong sổ mục kê từ năm 1997 là căn cứ để khẳng định diện tích 34.523m2 đất là của bà là không có cơ sở chấp nhận, bởi: Theo Công văn số 1568/TNMT-ĐKTKĐĐ ngày 25/4/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì Sổ mục kê không được coi là một trong các loại giấy tờ theo Điều 50 của Luật đất đai năm 2003, hơn nữa bà X chỉ có tên trong sổ mục kê nhưng lại không có tên trong bản đồ địa chính của xã P (BL 260).

[3.5] Ngoài ra, các nhân chứng là người cao tuổi và có đất liền kề hoặc nằm gần đất tranh chấp là các ông/bà Đạt Mưng Ô1, Thị N2, Nguyễn Văn D2, Thiên Thị K1, La Thanh L, Thập Văn V3 đều xác định nguồn gốc là của cha mẹ bà X khai hoang (BL số 240, 242, 244, 456, 457, 458, 459). Một số nhân chứng khác là ông Nguyễn E, ông Thập Văn K, bà Báo Thị Xuân D3 thì cho rằng bà X có khai hoang và canh tác trên đất (BL số 159, 170, 168), tuy nhiên, lời khai của ông E, ông K mâu thuẫn với lời khai của bà X vì bà X xác nhận nguồn gốc đất là của ông Thập Trần Ô. Riêng đối với lời khai của ông Thập D1 có mâu thuẫn với lời khai của bà X và giữa các lời khai của ông D1 cũng có mâu thuẫn với nhau (khi thì khai đất là của ông Kiều H3 - BL số 87, khi thì khai đất là của bà X - BL số 164).

Từ những phân tích, đánh giá chứng cứ nêu trên, có cơ sở khẳng định diện tích 34.523m2 đất thuộc thửa 112 không phải là của vợ chồng bà X, Hội đồng xét xử xác định diện tích 34.523m2 là di sản của cha mẹ bà N, bà X là ông Kiều H3, bà Thị E chết để lại, vì vậy yêu cầu kháng cáo của bà N về việc bác yêu cầu khởi kiện tranh chấp quyền sử dụng đất của bà X là có căn cứ.

[4] Xét kháng cáo về yêu cầu chia thừa kế đối với diện tích 34.523m2:

[4.1] Như đã phân tích ở mục [3], có căn cứ để xác định diện tích 34.523m2 là di sản của cha mẹ bà N, bà X là ông Kiều H3 (chết năm 1998) và bà Thị E (chết năm 2011) để lại. Do thời hiệu khởi kiện chia thừa kế đối với bất động sản là 30 năm kể từ thời điểm ông H3, bà E chết nên tính đến ngày 03/12/2020 bà N khởi kiện chia thừa kế là còn thời hiệu khởi kiện, vì vậy yêu cầu chia thừa kế của bà N được chấp nhận.

[4.2] Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, bà X và bà N thống nhất các tình tiết sau:

Xác định cha mẹ bà X, bà N là ông Kiều H3 (Kiều Văn H3) chết năm 1998 và bà Thị E chết năm 2011. Ông H3, bà E có 02 người con là bà X và bà N, ngoài ra, không có con nuôi, không có con riêng. Trước khi chết, ông H3, bà E không để lại di chúc. Căn cứ Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự, đây là tình tiết, sự kiện không phải chứng minh.

[4.3] Tại biên bản xác minh thì diện tích đất 34.523m2 do hạn hán nên các bên đương sự không canh tác từ đó cho đến nay, tuy nhiên thì bản thân bà N và bà X cũng đều có khoảng thời gian quản lý đất, vì vậy không tính công sức bảo quản, giữ gìn tài sản cho bà X, bà N mà chia đều diện tích đất này cho bà X và bà N.

[4.4] Tại biên bản đo đạc, thẩm định tại chỗ ngày 17/4/2023 của Tòa án nhân dân huyện T thì diện tích đo đạc thực tế là 34.523m2 đất và trên đất không có cây trồng gì, do đó di sản được chia như sau: 34.523m2 : 2 = 17.261,5m2.

Hiện nay, bà X và bà N không ai trực tiếp quản lý toàn bộ thửa 112, vì vậy giao cho bà N 17.261m2 đất theo các điểm 1,2,3,9 của Trích lục bản đồ địa chính ngày 17/4/2023 của Văn phòng đăng ký đất đai N chi nhánh T và giao cho bà X 17.261,5m2 theo các điểm 9,3,4,5,6,7,8 của Trích lục bản đồ địa chính ngày 17/4/2023 của Văn phòng đăng ký đất đai N chi nhánh T.

[5] Đối với việc Tòa án nhân dân huyện T đã quyết định buộc bà N phải chấm dứt hành vi cản trở quyền sử dụng đất của bà X là không chính xác, bởi: Tại đơn khởi kiện, tại phiên hòa giải, bà X không có yêu cầu này, hơn thế nữa, tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bà X đều xác định hiện nay bà N không quản lý, không có hành vi cản trở quyền sử dụng đất của bà.

[6] Đối với ý kiến của đại diện Viện kiểm sát về việc Tòa án nhân dân huyện T đã xét xử vượt quá yêu cầu khởi kiện và việc công nhận quyền sử dụng đối với diện tích đất không tranh chấp, nhận thấy:

Tại đơn khởi kiện, bà X chỉ yêu cầu bà N phải trả lại cho bà 7.500m2 đất đã lấn chiếm và yêu cầu bà N chấm dứt hành vi cản trở việc sử dụng đất của bà. Tại phiên hòa giải và tại phiên tòa, bà X yêu cầu bà N phải trả lại cho bà 7.500m2 đất đã lấn chiếm và yêu cầu công nhận quyền sử dụng 34.523m2 đất cho bà. Trong phần quyết định, Tòa án huyện T công nhận quyền sử dụng 34.523m2 đất cho bà X là chưa chính xác, bởi: bà X chỉ khởi kiện yêu cầu bà N trả lại 7.500m2 đất, như vậy thực tế phần diện tích đất tranh chấp giữa bà X và bà N là 7.500m2, phần diện tích đất còn lại bà X không tranh chấp nên không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, việc công nhận quyền sử dụng đối với phần diện tích đất không tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm do bác yêu cầu khởi kiện của bà X về yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất và chấp nhận yêu cầu phản tố về chia thừa kế của bị đơn nên Tòa án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm vấn đề này.

Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ kháng cáo của bà N, chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, không chấp nhận ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn. Sửa bản án sơ thẩm.

[7] Về chi phí định giá tài sản, tổng cộng 3.752.000 đồng, trong đó: bà N nộp tạm ứng 3.000.000 đồng và bà X nộp tạm ứng 752.000 đồng. Do bà N đồng ý chịu toàn bộ chi phí định giá là 3.752.000 đồng nên buộc bà N phải hoàn trả cho bà X số tiền 752.000 đồng mà bà X đã nộp tạm ứng.

[8] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do chấp nhận kháng cáo và sửa án sơ thẩm nên bà N không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Án phí dân sự sơ thẩm được xác định lại như sau: Do bà N, bà X là người cao tuổi, có đơn xin miễn án phí nên được miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng khoản 2 điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, Chấp nhận toàn bộ kháng cáo của bà Kiều Thị N. Sửa bản án sơ thẩm số 03/2023/DS-ST ngày 23/6/2023 của Tòa án nhân dân huyện T.

Căn cứ các điều 169, 612, 613, 623, 649, 951 Bộ luật dân sự năm 2015; Các điều 100, 203 Luật đất đai năm 2013; Điều 91 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ; Các điều 12, 26, 27 và 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà X về việc tranh chấp đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất đối với bà Kiều Thị N.

2. Chấp nhận yêu cầu phản tố của bà Kiều Thị N về chia thừa kế theo pháp luật.

3. Bà Kiều Thị N được quyền sử dụng diện tích 17.261,5m2 thuộc thửa đất số 498, tờ bản đồ số 18 xã P, huyện T. Diện tích 17.261,5m2 được xác định theo các điểm 1,2,3,9 của Trích lục bản đồ địa chính ngày 17/4/2023 của Văn phòng đăng ký đất đai N chi nhánh T.

4. Bà Kiều Thị X được quyền sử dụng 17.261,5m2 thuộc thửa đất số 499, tờ bản đồ số 18 xã P, huyện T. Diện tích 17.261,5m2 được xác định theo các điểm 3,4,5,6,7,8,9 của Trích lục bản đồ địa chính ngày 17/4/2023 của Văn phòng đăng ký đất đai N chi nhánh T.

5. Về chi phí đo đạc và định giá: Bà Kiều Thị N phải hoàn trả chi phí đo đạc, định giá cho bà Kiều Thị X 752.000 đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

6. Về án phí:

Miễn án toàn bộ phí dân sự sơ thẩm cho bà Kiều Thị X. Hoàn trả cho bà Kiều Thị X 300.000 đồng tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp (do bà Bá Thị C1 nộp thay) theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí số 0023544 ngày 13-10-2020 của Chi cục thi hành án dân sự huyện T, tỉnh N.

Miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm cho bà Kiều Thị N. Hoàn trả cho bà Kiều Thị N 300.000 đồng tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp (do bà Mã Lê Diễm N4 nộp thay) theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí số 0023597 ngày 08- 12-2020 của Chi cục thi hành án dân sự huyện T, tỉnh N.

Bà Kiều Thị N không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Án xử phúc thẩm công khai, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (ngày 14/12/2023).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

14
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất số 73/2023/DS-PT

Số hiệu:73/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Ninh Thuận
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 14/12/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về