Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất số 67/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

BẢN ÁN 67/2022/DS-PT NGÀY 29/11/2022 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 29 tháng 11 năm 2022, tại Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai, xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 61/2022/TLPT-DS ngày 29 tháng 8 năm 2022 về “Tranh chấp quyền sử dụng đất”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 18/2022/DS-ST ngày 20 tháng 7 năm 2022 của Tòa án nhân dân thị xã A, tỉnh Gia Lai bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 61/2022/QĐ-PT ngày 18 tháng 11 năm 2022, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Anh Trần Kim Tr và chị Trương Thị Vân Th; cùng địa chỉ: Thôn 1, xã Thành A, thị xã A, tỉnh Gia Lai. Có mặt.

2. Bị đơn: Ông Lê Đình H và bà Phạm Thị H; cùng địa chỉ: Thôn 1, xã Thành A, thị xã A, tỉnh Gia Lai. Có mặt

3. Người kháng cáo: Nguyên đơn là anh Trần Kim Tr và chị Trương Thị Vân Th.

NỘI DUNG VỤ ÁN

1. Nguyên đơn anh Trần Kim Tr và chị Trương Thị Vân Th trình bày:

Anh chị được công nhận quyền sử dụng 1.204m2 đất, trong đó 100m2 đất ở và 1.104m2 đất trồng cây lâu năm thuộc thửa đất số 269b, tờ bản đồ số 21 tại xã Thành An, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số W187682 do Ủy ban nhân dân huyện An Khê cấp ngày 27-5-2003. Nguồn gốc thửa đất là của cha anh Tr là ông Trần Văn M tặng cho.

Theo trích lục thì thửa đất của anh, chị có tứ cận: Phía Đông giáp đất ông Phạm Văn Dũng, có chiều dài 12m; phía Tây giáp đường đi, có chiều dài 16m; phía Nam giáp đất ông H, có chiều dài 88m; phía Bắc giáp đất của ông Trần Văn M, có chiều dài 84m.

Đến tháng 5 năm 2021, khi đo đạc để tặng cho đất cho con, thì anh chị phát hiện đất bị thiếu so với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp và phần đất bị thiếu là do vợ chồng ông H, bà H lấn chiếm, bởi vì: Trước đây ranh giới đất giữa của anh chị với gia đình ông H bắt đầu từ bụi cây tre ra phía trước có hàng rào bằng trụ sắt và lưới kẽm gai, dọc theo hàng rào này còn có hàng cây Bạch đàn của cha anh Tr là ông Trần Văn M trồng từ năm 1990, hàng cây Bạch đàn được trồng từ sau ra trước; năm 2000, khi ông H làm nhà đã ủi hàng cây bạch đàn ở phía trước, hàng cây phía sau hiện vẫn còn; mặt khác; theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì đất của cha anh Tr có tổng chiều dài theo mặt đường là 60m, nhưng hiện nay theo khảo sát của địa chính xã Thành An thì chiều dài chỉ còn 53m; cán bộ địa chính xã Thành An cũng trên cơ sở đo đất ông H trên tờ bản đồ và nhân với tỷ lệ bản đồ để xác định thì chiều dài đất của ông H chỉ có 12m nhưng thực tế đo đạc nhiều hơn 12m.

Khi Tòa án tổ chức việc xem xét, thẩm định tại chỗ anh chị đã chỉ vị trí đất ông H, bà H lấn chiếm, theo kết quả đo đạc xác định phần đất bị lấn chiếm có diện tích 96m2, tứ cận: Phía Đông tại vị trí hàng rào ranh giới giữa đất củ anh chị và gia đình ông H, là tại vị trí bụi tre là điểm xác định ranh giới trước đây; phía Tây giáp đường đi, cách tim đường 10m, có chiều dài 2,1m + 4m; phía Nam giáp đất ông H có chiều dài 40,5m; phía Bắc giáp đất của anh chị, có chiều dài 3,4m + 9,65m + 15,45m + 4,6m + 6m.

Do vậy nguyên đơn yêu cầu vợ chồng ông H, bà H phải tháo dỡ toàn bộ công trình, vật kiến trúc và trả lại phần đất lấn chiếm nêu trên.

2. Bị đơn ông Lê Đình H và bà Phạm Thị H trình bày:

Nguồn gốc thửa đất 395 (21) mà vợ chồng bị đơn đang sử dụng là mua của ông Trần Thanh Ph khoảng năm 1991. Thửa đất có ranh giới phía Bắc giáp với đất của ông Trần Văn M (cha của anh Tr). Thời điểm này ranh giới đất của bị đơn mua và đất của Ông M đã được xác định, ở phía sau là bụi cây tre, hàng cây Bạch đàn; ở phía trước là hàng rào dây kẽm gai tạm bợ. Phần đất ông Ph bán cho bị đơn có một bờ đất cao và một bờ đất thấp, căn nhà ông Ph bán cho họ thuộc bờ đất thấp, trên bờ đất cao gần sát với ranh giới đất Ông M còn có chuồng bò của ông Ph làm. Khi mua đất, bị đơn đã tháo dỡ chuồng bò để canh tác hoa màu trên bờ đất cao. Sau này, khi vợ chồng anh Tr sống cùng nhà với Ông M, đã trồng cây Xương rồng ở phía trước để làm ranh giới giữa đất của Ông M và đất của bị đơn.

Năm 2000, bị đơn xây dựng nhà mới trên bờ đất cao, liền kề với ranh giới đất của Ông M (lúc này anh Tr đang sử dụng). Họ xây nhà mới trên nền chuồng bò cũ của ông Ph trước đây. Do gà nhà anh Tr nuôi thường xuống phá hoa màu của bị đơn, nên bị đơn có trao đổi với anh Tr để hai bên cùng làm hàng rào lưới B40, lúc đầu anh Tr đồng ý nhưng sau đó anh Tr nói không có tiền làm. Đến khoảng năm 2014, bị đơn tự làm hàng rào lưới B40, hàng rào này làm cách hàng cây xương rồng mà vợ của anh Tr trồng để làm ranh giới khoảng 40cm. Ranh giới này ổn định từ đó đến nay, giữa hai gia đình cũng không có tranh chấp gì.

Bị đơn cho rằng việc vợ chồng anh Tr cho rằng bị đơn lấn chiếm 96m2 đất là vô lý. Bởi vì khi bị đơn mua nhà và đất của ông Ph thì ranh giới đất giữa hai bên đã xác định rõ ràng; hàng rào ranh giới bị đơn làm hiện nay cũng trên cơ sở hàng rào cũ trước đây các bên đã thừa nhận, theo kết quả xem xét, thẩm định thì vẫn còn một cây Xương rồng ở vị trí gần với hàng rào ranh giới giữa hai bên, hàng xóm, láng giềng xung quanh ai cũng biết việc này; nhà của bị đơn xây dựng từ năm 2000 đến nay đã hơn 20 năm, nhưng ngay lúc xây nhà, anh Tr không ngăn cản; anh Tr xác định vị trí đất lấn chiếm có chiều dài theo mặt đường là 6,1m tức là đã lấy đi cả một phần căn nhà của bị đơn; anh Tr cũng không có ý kiến gì khi bị đơn ủi bỏ hàng cây bạch đàn làm ranh giới đất năm 2000; anh Tr cho rằng diện tích đất của bị đơn nhiều hơn trong giấy chứng nhận để cho rằng bị đơn lấn chiếm là không đúng, bởi vì thời điểm năm 2000, nhà nước thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng loạt cho tất cả người dân trên địa bàn, cụ thể giấy chứng nhận của họ và của Ông M cấp trong cùng một ngày; việc đo đạc không được các chủ sử dụng chứng kiến để xác định ranh giới, việc sơ đồ thửa đất khi cấp giấy chứng nhận không tôn trọng ranh giới thực tế của người sử dụng nên ranh giới thực tế giữa các thửa đất không thẳng hàng nhưng trong sơ đồ thửa đất kèm theo giấy chứng nhận đều vẽ theo đường thẳng; sơ đồ thửa đất cũng không có kích thước các cạnh thửa đất; Địa chính xã chỉ căn cứ vào việc đo đạc trên bản đồ để tính kích thước cho thửa đất của họ và so sánh với thực tế là không chính xác; nếu thực tế diện tích đất của họ có nhiều hơn là do việc đo đạc khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không chính xác, bị đơn khẳng định họ không lấn chiếm đất của gia đình ông Tr, ranh giới đất hiện nay là ranh giới đất giữa ông Ph và Ông M đã xác định từ năm 1991 khi họ mua nhà đất của ông Ph. Do vậy bị đơn không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

3. Người làm chứng:

- Ông Trần Thanh Ph trình bày: Vào năm 1990, ông chuyển nhượng cho ông H thửa đất hiện nay ông H đang ở, thửa đất chuyển nhượng có ranh giới phía Bắc giáp với đất của ông Trần Văn M. Vào thời điểm chuyển nhượng ranh giới giữa đất của ông và đất Ông M đã được xác định, ở phía sau là một lùm cây tre và hàng cây Bạch đàn; phía trước là hàng rào dây kẽm gai tạm bợ. Thửa đất có một phần bờ đất cao, một phần bờ đất thấp. Căn nhà của ông ở bờ đất thấp, trên bờ đất cao ông có làm chuồng bò ở sát với ranh giới đất với Ông M. Sau này ông H dỡ bỏ nhà cũ, làm lại nhà mới trên phần bờ đất cao ở vị trí có chuồng bò cũ trước đây. Hiện nay ông H đã làm lại hàng rào ranh giới kiên cố hơn, nhưng do ông ít khi đến nên không xác định được ranh giới hiện nay có ở vị trí ranh giới trước kia hay không.

- Anh Trần Kim T, anh Trần Kim H và chị Trần Thị Xuân Ch cùng trình bày: Họ là anh chị em ruột của anh Trần Kim Tr, là con của ông Trần Văn M. Ông M được cấp quyền sử dụng đất thửa 269, tờ bản đồ số 21, diện tích 4.719m2. Khi còn sống Ông M đã tách thửa đất trên thành 03 thửa và tặng cho các con, trong đó thửa đất cho anh Trần Kim T có chiều dài mặt đường là 12m, thửa đất cho anh Trần Kim H có chiều dài mặt đường là 32m, thửa đất cho anh Tr có chiều dài mặt đường là 16m. Năm 2010, anh H tách một phần thửa đất của anh H có chiều dài theo mặt đường 08m cho chị Ch. Hiện nay anh Tiền, anh H, chị Ch và anh Tr đều đã xây dựng nhà ở trên đất (nhà của anh H là nhà của Ông M trước đây); ranh giới đất giữa anh Tiền, anh H, chị Ch và anh Tr đều được xác định rõ ràng, tuy nhiên vì là anh chị em trong gia đình với nhau nên ranh giới thực tế này không đúng so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp. Trước đây ranh giới đất giữa gia đình ông Ph với đất của gia đình Ông M được xác định phía sau bắt đầu từ bụi cây tre và một hàng cây Bạch đàn Ông M trồng từ trước ra sau, ngoài ra phía trước còn có trụ sắt và lưới kẽm gai làm hàng rào. Sau khi vợ chồng ông H nhận chuyển nhượng đất và canh tác thì cho rằng hàng cây Bạch đàn ở phía trước làm rợp đất nên đã chặt bỏ dần, sau đó ông H phá bỏ nhà cũ, xây dựng nhà mới và làm hàng rào lấn vào phần đất của gia đình Ông M. Sau này khi đo đạc thấy tổng diện tích đất của gia đình ít hơn so với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên mới phát hiện là ông H đã lấn đất.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 18/2022/DS-ST ngày 20 tháng 7 năm 2022, Tòa án nhân dân thị xã A, tỉnh Gia Lai đã quyết định:

Áp dụng Điều 166, Điều 170 và Điều 203 của Luật Đất đai;

Tuyên xử: Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn anh Trần Kim Tr và chị Trương Thị Vân Th về việc buộc bị đơn ông Lê Đình H và bà Phạm Thị H phải tháo dỡ công trình, vật kiến trúc, trả lại diện tích đất lấn chiếm là 96m2.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí dân sự sơ thẩm, nghĩa vụ chịu chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản và tuyên quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 29-7-2022, nguyên đơn là anh Trần Kim Tr và chị Trương Thị Vân Th kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện, buộc ông Lê Đình H và bà Phạm Thị H phải trả lại toàn bộ 96m2 đất đã lấn chiếm (tứ cận: Phía Đông là điểm tại bụi tre của anh Tr và chị Th; phía Tây giáp đường cách tim đường 10m có chiều dài là 2,1m + 4m; phía Nam giáp đất ông Lê Văn Hùng và bà Phạm Thị H có chiều dài là 40,5m; phía Bắc giáp đất của vợ chồng anh Tr chị Thủy có chiều dài là 3,4m +9,65m+15,45m +4,6m+06m); buộc vợ chồng ông Lê Đình H và bà Phạm Thị H phải tháo gỡ toàn bộ tài sản gắn liền trên phần đất đã lấn chiếm theo kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 08-4-2022; buộc ông H, bà H phải liên đới chịu toàn bộ án phí, chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản.

Tại phiên toà phúc thẩm:

- Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và giữ kháng cáo.

- Bị đơn không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

- Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

- Kiểm sát viên phát biểu việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Thư ký, Hội đồng xét xử, người tham gia tốn tụng đảm bảo quy định của pháp luật tố tụng dân sự và đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Nguyên đơn là anh Trần Kim Tr và chị Trương Thị Vân Th khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bị đơn là ông Lê Đình H và bà Phạm Thị H phải trả 96m2 đất đã lấn chiếm (tứ cận: Phía Đông là điểm tại bụi tre của anh Tr và chị Th; phía Tây giáp đường cách tim đường 10m có chiều dài là 2,1m + 4m; phía Nam giáp đất ông Lê Văn Hùng và bà Phạm Thị H có chiều dài là 40,5m;

phía Bắc giáp đất của vợ chồng anh Tr chị Thủy có chiều dài là 3,4m +9,65m+15,45m +4,6m+06m);

Kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ tại Biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ do Toà án cấp sơ thẩm lập ngày 8-4-2022 thể hiện thửa đất mà anh Tr và chị Th đang sử dụng là thửa số 269b, tờ bản đồ số 21, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số W187682 do Ủy ban nhân dân huyện An Khê cấp ngày 27-5-2003 cho hộ anh Trần Kim Tr; trên đất đã xây dựng nhà ở kiên cố; phía Bắc của thửa đất này giáp với thửa đất của chị Trần Thị Xuân Ch (chị Ch đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), nguyên đơn cho rằng vì là chị em, nên giữa nguyên đơn và chị Ch có sự nhượng đất qua lại với nhau chứ tường nhà của nguyên đơn không phải là ranh giới đất giữa nguyên đơn với chị Ch. Tuy nhiên, theo hiện trạng sử dụng đất và lời khai của anh Tiền, anh H, chị Ch thì thực tế ranh giới đất giữa nhà anh Tiền và anh H, giữa nhà anh H và chị Ch, giữa nhà chị Ch và nguyên đơn đều đã được các bên xác định rõ ràng bằng công trình xây kiên cố (Ranh giới giữa đất anh H và chị Ch là hàng rào xây gạch, trụ bê tông do anh H làm; ranh giới giữa đất nguyên đơn và chị Ch được xác định là tường nhà của nguyên đơn).

Như vậy, bằng việc xây dựng công trình kiên cố trên vị trị giáp ranh giữa hai thửa đất trong khi cả hai thửa đất đều đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì giữa nguyên đơn và chị Ch đã xác định ranh giới đất của họ là tường nhà của nguyên đơn xây năm 2014.

Nguyên đơn cho rằng tường nhà này không phải là ranh giới đất giữa nguyên đơn với chị Ch, nhưng ngoài ranh giới này nguyên đơn không xác định được ranh giới nào khác giữa đất của mình với đất của chị Ch, hơn nữa với ranh giới đất phía Bắc (giáp chị Ch) là tường nhà của nguyên đơn xây dựng năm 2014, thì chiều dài cạnh phía Tây thửa đất của chị Ch mới phù hợp với chiều dài được ghi nhận trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các căn cứ trên cho thấy lời trình bày của nguyên đơn là không có cơ sở.

Như vậy với ranh giới phía bắc được xác định là tường nhà của nguyên đơn xây dựng năm 2014, thì hiện trạng thửa đất của nguyên đơn có phía Đông giáp đất ông Phạm Văn Dũng, kích thước 12m; phía Tây giáp đường đi, ở vị trí cách tim đường 10m, có kích thước 7,05m + 7,4m + 2,5m; phía Nam giáp đất ông Lê Đình H, kích thước 3,4m + 9,65m + 15,45m + 4,6m + 06m + 44,5m; phía Bắc giáp đất chị Trần Thị Xuân Ch, kích thước 27,5m + 52,2m; diện tích 1.229,6m2. Nếu xác định theo chiều rộng đường từ trước năm 2009 (thời điểm anh Tr được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chiều dài phía Tây không trừ đi tim đường mà tính từ mép đường) thì chiều dài phía Tây thửa đất là 8m + 8,3m; diện tích 1.314,8m2.

Đối chiếu các kích thước trên với kích thước thửa đất mà nguyên đơn được cấp quyền sử dụng theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bút lục 02, 03, 49) thì diện tích theo hiện trạng nhiều hơn so với diện tích đất được cấp là 110,8m2 (1.314,8m2 - 1.204m2); diện tích nếu tính theo vị trí tim đường như hiện nay thì vẫn nhiều hơn so với Giấy chứng nhận được cấp là 25,6m2 (1.229,6m2 - 1.204m2); chiều dài phía Tây nhiều hơn so với giấy chứng nhận được cấp là 0,3m (8m + 8,3m – 16m); nếu tính theo vị trí tim đường hiện nay thì chiều dài phía Tây nhiều hơn so với Giấy chứng nhận là (7,05m + 7,4m + 2,5m) – 16m = 0,95m.

Do đó việc nguyên đơn cho rằng mình bị thiếu đất do bị đơn lấn chiếm là không có cơ sở.

[2] Mặc dù, kết quả xem xét, thẩm định ngày 8-4-2022 xác định hiện trạng thửa đất số 395, tờ bản đồ số 21 mà bị đơn đang sử dụng có diện tích nhiều hơn so với diện tích được cấp giấy chứng nhận là 135m2 (1.060m2 - 925m2); diện tích nếu tính theo vị trí tim đường như hiện nay, thì nhiều hơn so với Giấy chứng nhận được cấp là 47m2 (972m2 - 925m2), nhưng Hội đồng xét xử phúc thẩm không có căn cứ xác định phần đất bị đơn sử dụng nhiều hơn so với giấy chứng nhận là đất lấn chiếm của nguyên đơn.

- Mặc khác, trên 96m2 đất đang tranh chấp (có chiều dài theo mặt đường 6,1m) có nhà ở bị đơn xây dựng và sử dụng ổn định đã 22 năm (xây dựng năm 2000). Nguyên đơn trình bày trước đây ranh giới bắt đầu từ bụi tre ra phía trước thì ngoài hàng rào dây kẽm gai, trụ sắt còn có hàng cây Bạch đàn của Ông M trồng từ năm 1990 để làm ranh giới; đến năm 2000 (cây Bạch đàn đã 10 năm tuổi), ông H đã ủi đất để xây nhà thì ủi luôn hàng cây Bạch đàn này; thời điểm này Ông M bị đau nặng anh em trong gia đình thay phiên chăm sóc và đi làm ở trong rừng nên đã không thể có ý kiến gì. Tuy trình bày như vậy, nhưng nguyên đơn xuất trình được tài liệu gì chứng minh cho lời trình bày của mình.

- Nguyên đơn còn cho rằng thửa đất của Ông M (cha anh Tr) có tổng chiều dài theo mặt đường là 60m, nhưng theo khảo sát của địa chính xã thì chiều dài chỉ còn 53m; chiều dài đất của ông H chỉ có 12m nhưng thực tế đo đạc nhiều hơn 12m…nhưng lời trình bày này của nguyên đơn cũng không phải là cơ sở để xác định bị đơn có lấn chiếm đất của nguyên đơn.

[3] Mặt khác, tại phiên tòa, nguyên đơn trình bày do nguyên đơn xây nhà sai vị trí, lấn sang phần đất của các anh, em của mình nên nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn phải trả lại phần đất đã lấn chiếm để đảm bảo thửa đất của Ông M mà nguyên đơn và các anh, em của mình đã nhận tặng cho đủ kích thước và diện tích; chứ thực tế thửa đất mà mình đang sử dụng là không thiếu so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp. Sự việc trên cho thấy quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trong việc sử dụng thửa đất số 269b, tờ bản đồ số 21 là không bị xâm phạm.

[4] Các phân tích và đánh giá trên cho thấy, nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả lại 96m2 đất lấn chiếm nhưng không xuất trình được tài liệu chứng cứ chứng minh rằng bị đơn có hành vi lấn chiếm đất của mình. Do đó, chỉ với những chứng cứ mà nguyên đơn xuất trình khi khởi kiện, thì việc Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về buộc bị đơn phải trả 96m2 đất tại xã Thành An, thị xã A, là có căn cứ, đúng pháp luật.

[5] Từ nhận định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[6] Do Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm bị kháng cáo, nên người kháng cáo phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 148, khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn là anh Trần Kim Tr và chị Trương Thị Vân Th; giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 18/2022/DS-ST ngày 20 tháng 7 năm 2022 của Tòa án nhân dân thị xã A, tỉnh Gia Lai;

Áp dụng Điều 166, Điều 170 và Điều 203 của Luật Đất đai; Điều 164, 166, khoản 1 Điều 175 của Bộ luật dân sự năm 2015;

- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Trần Kim Tr và chị Trương Thị Vân Th về buộc ông Lê Đình H và bà Phạm Thị H phải tháo dỡ công trình, vật kiến trúc, trả lại 96m2 đất lấn chiếm (tứ cận: Phía Đông là điểm tại bụi tre của anh Tr và chị Th; phía Tây giáp đường cách tim đường 10m có chiều dài là 2,1m + 4m; phía Nam giáp đất ông Lê Văn Hùng và bà Phạm Thị H có chiều dài là 40,5m; phía Bắc giáp đất của vợ chồng anh Tr chị Thủy có chiều dài là 3,4m +9,65m+15,45m +4,6m+06m);

- Buộc anh Trần Kim Tr và chị Trương Thị Vân Th phải chịu 4.000.000 đồng chi phí xem xét, thẩm định và định giá tài sản; anh Trần Kim Tr và chị Trương Thị Vân Th đã nộp đủ tiền chi phí xem xét, thẩm định và định giá tài sản.

- Buộc anh Trần Kim Tr và chị Trương Thị Vân Th phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp là 300.000 đồng theo Biên lai số 0011617 ngày 17-12-2021 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã A; anh Trần Kim Tr và chị Trương Thị Vân Th đã nộp đủ án phí dân sự sơ thẩm.

2. Về án phí dân sự phúc thẩm:

Buộc anh Trần Kim Tr và chị Trương Thị Vân Th phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm; nhưng được trừ vào 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo Biên lai số 0011834 ngày 3-8-2022 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã A, tỉnh Gia Lai; anh Trần Kim Tr và chị Trương Thị Vân Th đã nộp đủ án phí dân sự phúc thẩm.

3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

117
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất số 67/2022/DS-PT

Số hiệu:67/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Gia Lai
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 29/11/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về