TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN HÀM YÊN, TỈNH TUYÊN QUANG
BẢN ÁN 58/2021/DS-ST NGÀY 17/08/2021 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Ngày 17/8/2020, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Hàm Yên mở phiên toà xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 08/2020/TLST-DS, ngày 24 tháng 02 năm 2020 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất” theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 04/2021/QĐXX-ST, ngày 25 tháng 6 năm 2021 và quyết định hoãn phiên tòa số: 09/2021/QĐST - DS, ngày 20 tháng 7 năm 2021, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty Lâm nghiệp T;
Địa chỉ: Thôn 20, xã N, huyện Y, tỉnh Tuyên Quang.
- Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn Ph - C/vụ: Phó Giám đốc phụ trách Công ty. Người đại diện theo ủy quyền: Ông Phạm Minh T - Chức vụ: Phó trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật.
- Bị đơn: Ông Nịnh Văn H, sinh năm 1972;
- Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Anh Bàn Văn Th, sinh năm 1989 và anh Nịnh Văn M, sinh năm 1992;
Cùng địa chỉ: Thôn Th, xã L, huyện Y, tỉnh Tuyên Quang.
(Ông T có đơn xin xét xử vắng mặt, ông H, anh Th, anh M vắng mặt không có lý do).
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Theo đơn khởi kiện, quá trình giải quyết vụ án đại diện nguyên đơn trình bày:
Ngày 21/11/2012 UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành Quyết định số 384/QĐ-UBND về việc thu hồi giao đất và cho thuê đất thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Công ty Lâm nghiệp T trên địa bàn xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn và các xã Đức Ninh, Thái Sơn, Thái Hòa, Thành Long, Hùng Đức huyện Hàm Yên giai đoạn 1. Ngày 16/9/2013 Công ty Lâm nghiệp T được UBND tỉnh Tuyên Quang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BN 787093 với diện tích được cấp quyền sử dụng là 4.697.410m2 tại xã Thành Long, huyện Hàm Yên (kèm theo bản đồ giao đất và cho thuê đất giai đoạn 1). Quá trình sử dụng đất ngày 31/12/2012 Công ty Lâm nghiệp T có ký Hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng nguyên liệu giấy năm 2012 với hộ gia đình ông Nịnh Văn H - Trú tại thôn Th, xã L, huyện Y, tỉnh Tuyên Quang (HĐ số 29BV/HĐKT/2012) và có các biên bản nghiệm thu thanh lý hợp đồng. Theo quy định đã thỏa thuận sau khi được khai thác bên nhận khoán ( Bên B) phải bàn giao lại rừng cho Công ty Lâm nghiệp T (Bên A) để khai thác và (Bên B) sẽ được ưu tiên nhận lại đất trồng rừng chu kỳ tiếp theo. Nhưng sau khi thanh lý hợp đồng khoán trồng chăm sóc bảo vệ rừng với chủ nhận khoán ông Nịnh Văn H, Công ty Lâm nghiệp T đã tiến hành khai thác gỗ và bàn giao lại đất cho gia đình ông H để tiếp tục trồng rừng khoán với Công ty Lâm nghiệp T theo phương án thiết kế trồng rừng năm 2017. Sau khi nhận đất gia đình ông H vẫn tuân thủ quy định kỹ thuật trồng cây mà đội 27 của công ty hướng dẫn, tuy nhiên khi cuốc hố xong gia đình ông H tự ý mua cây về trồng mà không làm theo hướng dẫn cấp phân và cây theo như quy định và không tiến hành tiếp tục ký Hợp đồng với Công ty Tân Phong. Công ty Lâm nghiệp T đại diện là đơn vị đội 27 đã yêu cầu gia đình ông H làm theo như trước đây nhưng ông H cố tình không thực hiện.
Do vậy Công ty Lâm nghiệp T yêu cầu ông Nịnh Văn H phải có nghĩa vụ khai thác cây trồng trên diện tích đất lấn chiếm và trả lại diện tích đất lấn chiếm cho Công ty Lâm nghiệp T theo kết quả thẩm định là 4.348m2 tại lô 1 khoảnh 21 thuộc thôn Th, xã L, huyện Y, tỉnh Tuyên Quang.
* Bị đơn vắng mặt tại phiên tòa, nhưng tại biên bản ghi lời khai ông Nịnh Văn H trình bày:
Năm 2012 ông có ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng dưới hình thức liên doanh với Công ty Lâm nghiệp T, theo đó Công ty bỏ vốn đầu tư, giống và ông bỏ công sức ra chăm sóc cây trồng. Đến năm 2017 cây được khai thác ông hưởng lợi 30% và Công ty hưởng lợi 70%. Sau năm 2017 trở đi ông khác tự trồng cây và Lâm trường không đầu tư nữa với lý do sau khi khai thác không được nhiều tiền, nên ông không tiếp tục liên doanh với Lâm trường Tân Phong.
Về nguồn gốc đất do ông nội của ông khai phá từ lâu, thời gian cụ thể ông không nhớ, nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên ông mới liên doanh với Lâm trường. Về giấy tờ liên quan đến việc sử dụng đất ông không có. Nay Công ty Lâm nghiệp T yêu cầu ông trả lại diện tích đất ông không nhất trí với lý do ông cũng đầu tư một nửa vào rừng trồng này và đã trồng cây được 03 năm.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan :
Anh Bàn Văn Th và anh Nịnh Văn M qua xác minh với chính quyền địa phương xác định có đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn Th, xã L, huyện Y. Anh M thường xuyên có mặt ở địa phương, anh Th đi làm ăn xa nhưng thỉnh thoảng ngày nghỉ vẫn về địa phương. Tòa án đã triệu tập hợp lệ nhiều lần, nhưng vẫn vắng mặt thuộc trường hợp cố tình trốn tránh.
* Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến:
- Về tố tụng: Việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước khi Hội đồng xét xử vào nghị án đều đảm bảo đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Đối với nguyên đơn chấp hành quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Đối với bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chưa chấp hành việc triệu tập tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ, hòa giải và tham gia phiên tòa của Tòa án.
- Về nội dung: Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đại diện Viện kiểm sát nhận định: Về diện tích đất tranh chấp đã được UBND tỉnh Tuyên Quang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Lâm nghiệp T. Ngày 31/12/2012 Công ty Lâm nghiệp T có ký Hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng nguyên liệu giấy năm 2012 với hộ gia đình ông Nịnh Văn H. Năm 2017 Công ty và ông Nịnh Văn H tiến hành thanh lý Hợp đồng khoán trồng rừng. Sau khi nghiệm thu và khai thác gỗ Công ty bàn giao lại đất cho gia đình ông H để tiếp tục trồng rừng khoán với Công ty Lâm nghiệp T theo hồ sơ thiết kế trồng rừng năm 2017. Tuy nhiên sau khi nhận đất gia đình ông H vẫn tuân thủ quy định kỹ thuật trồng cây mà đội 27 của Công ty hướng dẫn, nhưng khi cuốc hố xong gia đình ông H tự ý mua cây về trồng mà không làm theo hướng dẫn cấp phân và cây theo như quy định. Như vậy có đủ căn cứ xác định ông Nịnh Văn H có hành vi lấn chiếm đất của Công ty Lâm nghiệp T. Căn cứ vào các quy định của Luật đất đai và Bộ luật Tố tụng dân sự đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty Lâm nghiệp T và buộc ông Nịnh Văn H, anh Nịnh Văn M và anh Bàn Văn Th phải có nghĩa vụ khai thác toàn bộ số cây trồng trên diện tích đất tranh chấp và trả lại cho Công ty Lâm nghiệp T 4.348m2 diện tích đất lấn chiếm là phù hợp với quy định của pháp luật.
Ngoài ra đại diện Viện kiểm sát còn đề nghị Hội đồng xét xử buộc ông Nịnh Văn H phải chịu án phí, chi phí thẩm định và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng: Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn có đơn xin xét xử vắng mặt; bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng. Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 227, Điều 228 và Điều 238 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt các đương sự.
[2] Về nguồn gốc diện tích đất tranh chấp:
Ngày 01/8/2012 UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành Quyết định số 220/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất thực hiện đề án sắp xếp, đổi mới và phát triên Công ty Lâm nghiệp T. Ngày 21/11/2012 UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành Quyết định số 384/QĐ-UBND về việc thu hồi giao đất và cho thuê đất thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Công ty Lâm nghiệp T trên địa bàn xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn và các xã Đức Ninh, Thái Sơn, Thái Hòa, Thành Long, Hùng Đức huyện Hàm Yên giai đoạn 1. Ngày 16/9/2013 Công ty Lâm nghiệp T được UBND tỉnh Tuyên Quang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BN 787093 với diện tích được cấp quyền sử dụng là 4.697.410m2 tại xã Thành Long, huyện Hàm Yên (kèm theo bản đồ giao đất và cho thuê đất giai đoạn 1).
Theo bản đồ thu hồi giao đất và cho thuê đất (giai đoạn 1) có thửa đất số 186 và thửa đất số 197. Ngày 31/12/2012 Công ty Lâm nghiệp T ký Hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng nguyên liệu giấy năm 2012 với hộ gia đình ông Nịnh Văn H, trong đó có một phần diện tích đất thuộc thửa số 186 và một phần diện tích đất thuộc thửa 197.
Qua xác minh tại chính quyền địa phương xác định diện tích đất tranh chấp giữa Công ty Lâm nghiệp T với ông Nịnh Văn H đã được UBND tỉnh Tuyên Quang thu hồi và giao cho Công ty Lâm nghiệp T và hiện tại vẫn thuộc quyền sử dụng của Công ty Lâm nghiệp T chứ không thuộc diện tích đất mà UBND tỉnh trả lại cho địa phương hay thuộc quyền sử dụng của ông Nịnh Văn H. Như vậy diện tích đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của Công ty Lâm nghiệp T theo quyết định giao đất của UBND tỉnh Tuyên Quang.
[3] Về việc lấn chiếm quyền sử dụng đất:
Ngày 31/12/2012 Công ty Lâm nghiệp T có Hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng nguyên liệu giấy năm 2012 với ông Nịnh Văn H. Địa chỉ: Thôn Th, xã L, huyện Y (HĐ số 29BV/HĐKT/2012) với thời hạn từ ngày 31/12/2012 đến ngày 31/12/2017. Theo nội dung chính của Hợp đồng thì Công ty Lâm nghiệp T (bên A) đầu tư chi phí trồng rừng và ông Nịnh Văn H (bên B) có trách nhiệm đầu tư công sức để chăm sóc, bảo vệ rừng trồng. Sau khi diện tích rừng được khai thác thì (bên B) phải bàn giao lại rừng cho (bên A) tổ chức thiết kế khai thác và thanh lý Hợp đồng giữa (bên A) và (bên B). (Bên B) bán lại sản phẩm cho (bên A) theo giá thỏa thuận tại thời điểm khai thác và được ưu tiên nhận lại đất trồng rừng chu kỳ tiếp theo.
Ngày 24/3/2017 Công ty Lâm nghiệp T và ông Nịnh Văn H ký biên bản thanh lý Hợp đồng giao khoán trồng rừng nguyên liệu giấy năm 2012. Nhưng sau khi thanh lý hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với chủ nhận khoán ông Nịnh Văn H, Công ty Lâm nghiệp T đã tiến hành khai thác gỗ và bàn giao lại đất cho gia đình ông H để tiếp tục trồng rừng khoán với Công ty Lâm nghiệp T theo hồ sơ thiết kế trồng rừng năm 2017. Sau khi nhận đất gia đình ông H vẫn tuân thủ quy định kỹ thuật trồng cây mà đội 27 của Công ty hướng dẫn, tuy nhiên khi cuốc hố xong gia đình ông H tự ý mua cây về trồng mà không làm theo hướng dẫn cấp phân và cây theo như quy định. Công ty Lâm nghiệp T đại diện là đơn vị đội 27 đã yêu cầu gia đình ông Nịnh Văn H thực hiện việc ký kết hợp đồng nhưng ông H không thực hiện. Vụ việc được Công ty báo cáo UBND xã L giải quyết, nhưng ông Nịnh Văn H không hợp tác giải quyết mà cố tình tự ý lấn chiếm đất để trồng cây.
[4] Về diện tích lấn chiếm:
Hội đồng xét xử thấy rằng tại đơn khởi kiện Công ty Lâm nghiệp T yêu cầu ông Nịnh Văn H trả lại diện tích đất lấn chiếm tại thửa số 186, lô 1, khoảnh 21 thuộc thôn Th, xã L, huyện Y. Sau khi đo đạc và có sơ đồ diện tích đất tranh chấp Công ty Lâm nghiệp T áp sơ đồ đo đạc vào bản đồ xác định diện tích đất tranh chấp thuộc thửa số 186 là 3.655,3m2 và thửa 197 là 692,7m2. Mặc dù diện tích đất tranh chấp thuộc hai thửa đất khác nhau, tuy nhiên cùng là diện tích đất nằm trong diện tích 0,6ha đất mà Công ty khởi kiện đồng thời cùng là diện tích đất trước đây Công ty ký Hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với ông Nịnh Văn H. Lý do: Số thửa đất thể hiện trên bản đồ thu hồi giao đất và cho thuê đất (giai đoạn 1) thực hiện đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển Công ty Lâm nghiệp T trên địa bàn xã Thành Long, huyện Hàm Yên ban hành kèm theo Quyết định số 384/QĐ-UB ngày 21/12/2012 của UBND tỉnh Tuyên Quang về việc thu hồi giao đất và cho thuê đất thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Công ty Lâm nghiệp T. Trong khi đó Công ty khởi kiện là theo hồ sơ thiết kế trồng rừng (hồ sơ thiết kế trồng rừng không thể hiện số thửa) và theo bản đồ nội bộ của Tổng Công ty giấy Việt Nam. Theo hồ sơ thiết kế trồng rừng lô số 1 (Hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với ông Nịnh Văn H ký kết năm 2012) có một phần đất thuộc thửa số 186 và một phần thuộc thửa 197.
Về diện tích theo bản đồ thu hồi thì thửa 186 có diện tích 17.238m2, trong đó có 3.655,3m2 trước đó Công ty ký Hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với ông Nịnh Văn H, diện tích còn lại hiện tại Công ty vẫn đang ký kết Hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với các hộ gia đình khác.
[5] Về sự khác nhau giữa số lô và số khoảnh:
Hội đồng xét xử thấy rằng tại đơn khởi kiện Công ty Lâm nghiệp T yêu cầu ông Nịnh Văn H trả lại diện tích đất lấn chiếm tại thửa số 186, lô 1, khoảnh 21 thuộc thôn Th, xã L, huyện Y. Tuy nhiên theo kết quả thẩm định các cơ quan chuyên môn xác định diện tích đất tranh chấp thuộc vị trí 2, khu vực 3 và khoảnh 376.
Thấy rằng tại công văn số 37/BC-CTLNTP ngày 29/3/2021 Công ty Lâm nghiệp T xác định khoảnh 21 là theo bản đồ nội bộ của Tổng Công ty giấy Việt Nam, còn khoảnh 376 là do cơ quan chuyên môn xác định theo Quyết định số 40/2019/QĐ-UB ngày 20/12/2019 của UBND tỉnh Tuyên Quang về việc ban hành quy định phân loại đường phố, phân khu vực, phân vị trí và bảng giá đất 5 năm (2020-2024).
[6] Về quan điểm của ông Nịnh Văn H xác định diện tích đất tranh chấp do khai phá và liên doanh trồng rừng với Công ty Lâm nghiệp:
Hội đồng xét xử thấy rằng mặc dù ông H xác định diện tích đất tranh chấp do ông nội của ông khai phá từ lâu và đưa vào liên doanh trồng rừng với Lâm trường, nhưng quá trình giải quyết vụ án ông H không xuất trình được tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp của mình.
Về việc liên doanh trồng rừng thấy rằng đúng nghĩa với việc liên doanh là sự hợp tác giữa các bên, theo đó bên có đất đưa đất vào trồng rừng, bên không có đất có thể đầu tư vốn, kỹ thuật...để cùng trồng rừng. Tuy nhiên theo HĐ số 29BV/HĐKT/2012 thể hiện “Hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng nguyên liệu giấy năm 2012”, như vậy Công ty chỉ giao khoán bảo vệ rừng cho ông Nịnh Văn H chứ không phải là hợp tác liên doanh và tại Điều 3 của Hợp đồng có thể hiện nội dung “Sau khi diện tích rừng trên đã được các cấp có thẩm quyền cho phép khai thác thì bên B phải bàn giao lại rừng cho bên A tổ chức thiết kế khai thác và thanh lý Hợp đồng giữa bên A và bên B. Bên B bán lại sản phẩm cho bên A theo giá thỏa thuận tại thời điểm khai thác và được ưu tiên nhận lại đất trồng rừng chu kỳ tiếp theo”. Như vậy có căn cứ cho rằng diện tích đất trồng rừng thuộc quyền sử dụng của bên bên A (Công ty Lâm nghiệp T).
[7] Về tài sản trên diện tích đất tranh chấp:
Theo kết quả thẩm định và định giá xác định tài sản trên diện tích đất tranh chấp là cây keo trồng cùng loài cùng tuổi với mật độ là 2.500 cây/01ha (tổng 4.348m2 = 1.087cây) trị giá là 6.522.000đồng (Sáu triệu năm trăm hai mươi hai nghìn đồng).
Từ những phân tích nêu trên Hội đồng xét xử thấy rằng có đủ căn cứ để xác định ông Nịnh Văn H, anh Nịnh Văn M và anh Bàn Văn Th có hành vi lấn chiếm đất của Công ty Lâm nghiệp T. Do vậy cần chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty Lâm nghiệp T và buộc ông Nịnh Văn H, anh Nịnh Văn M và anh Bàn Văn Th phải có nghĩa vụ khai thác hoặc di chuyển toàn bộ số cây trồng trên diện tích đất tranh chấp và trả lại cho Công ty Lâm nghiệp T 4.348m2 diện tích đất lấn chiếm là phù hợp với quy định của pháp luật.
[8] Về chi phí thẩm định, định giá: Do yêu cầu khởi kiện của Công ty Lâm nghiệp T được chấp nhận toàn bộ, nên ông Nịnh Văn H phải chịu chi phí thẩm định, đo đạc. Do Công ty Tân Phong đã tạm chi số tiền 5.070.465đồng (năm triệu không trăm bảy mươi nghìn bốn trăm sáu mươi lăm đồng) để lấy kết quả đo đạc, vì vậy ông Nịnh Văn H phải có nghĩa vụ trả lại cho Công ty Lâm nghiệp T.
[9] Về án phí: Ông Ninh Văn H phải chịu chi phí thẩm định và chịu án phí theo quy định do toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty Lâm nghiệp T được chấp nhận.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
- Áp dụng các Điều 26; 147; 157; 227; 228; 235; 266; 267; 271; 273 - Bộ luật tố tụng dân sự; các Điều 4, 5, 12, 99, 102, 166, 202 và 203 Luật đất đai 2013; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
* Tuyên xử:
Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty Lâm nghiệp T. Buộc ông Nịnh Văn H, anh Nịnh Văn M và anh Bàn Văn Th phải có nghĩa vụ di chuyển hoặc khai thác toàn bộ số cây trồng trên diện tích đất tranh chấp và trả lại cho Công ty Lâm nghiệp T 4.348m2 đất lấn chiếm tại thôn Th, xã L, huyện Y được thể hiện tại các điểm nối liền 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 1 theo sơ đồ thẩm định ngày 09 tháng 7 năm 2020. (Có sơ đồ thẩm định kèm theo không tách rời bản án).
Buộc ông Nịnh Văn H phải có nghĩa vụ trả cho Công ty Lâm nghiệp T số tiền 5.070.465đồng (Năm triệu không trăm bảy mươi nghìn bốn trăm sáu mươi lăm đồng).
Khoản tiền phải trả kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật và đại diện Công ty Lâm nghiệp T có đơn yêu cầu thi hành án, nếu ông Nịnh Văn H chậm trả tiền thì phải chịu thêm khoản tiền lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất chậm trả thực hiện theo quy định tại Điều 357 Bộ luật dân sự.
- Về án phí dân sự sơ thẩm: Ông Nịnh Văn H phải nộp số tiền án phí dân sự sơ thẩm là 300.000đồng (Ba trăm nghìn đồng), Công ty Lâm nghiệp T không phải chịu án phí. Hoàn trả cho Công ty Lâm nghiệp T số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp là 300.000đồng (Ba trăm nghìn đồng) theo biên lai thu tiền số 0002526 ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hàm Yên.
Các đương sự được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày nhận được hay niêm yết bản án./.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận việc thi hành án. Người được thi hành án có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án phải chấp hành việc thi hành án, nếu không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu yêu cầu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự
Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất số 58/2021/DS-ST
Số hiệu: | 58/2021/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Hàm Yên - Tuyên Quang |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 17/08/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về