Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất số 34/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

BẢN ÁN 34/2023/DS-PT NGÀY 12/09/2023 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 12 tháng 9 năm 2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 22/2023/TLPT-DS, ngày 21 tháng 7 năm 2023 về việcTranh chấp quyền sử dụng đất”. Do bản án dân sự sơ thẩm số 07/2023/DS-ST ngày 12/5/2023 của Toà án nhân dân huyện TH, tỉnh Thái Bình bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 58/2023/QĐ-PT, ngày 29 tháng 8 năm 2023 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Cụ Hồ Văn P, sinh năm 1926; Địa chỉ: Thôn HLN, xã ĐL, huyện TH, tỉnh Thái Bình (vắng mặt);

- Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Lại Quốc K, sinh năm 1963 và bà Hồ Thị M, sinh năm 1963. Đều có địa chỉ: Thôn HLN, xã ĐL, huyện TH, tỉnh Thái Bình (có mặt) 2. Bị đơn: - Bà Trần Thị C, sinh năm 1958 (vắng mặt có đơn ủy quyền cho ông H);

- Ông Hồ Văn H, sinh năm 1961 (có mặt) - Ông Hồ Xuân P, sinh năm 1966 (có mặt) Đều có địa chỉ: Thôn HLN, xã ĐL, huyện TH, tỉnh Thái Bình.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Cụ Hồ Sỹ N (Hồ Văn N), sinh năm 1933. Địa chỉ: Thôn HLN, xã ĐL, huyện TH, tỉnh Thái Bình (vắng mặt);

+ Người đại diện theo ủy quyền của cụ N là ông Hồ Xuân P, sinh năm 1966; Địa chỉ: Thôn HLN, xã ĐL, huyện TH, tỉnh Thái Bình (có mặt) - Cụ Hồ Thị T, sinh năm 1943. Địa chỉ: Thôn HT, xã ĐL, huyện TH, tỉnh Thái Bình (vắng mặt);

+ Người đại diện theo ủy quyền của cụ T là Ông Hồ Văn H, sinh năm 1961; Địa chỉ: Thôn HLN, xã ĐL, huyện TH, tỉnh Thái Bình (có mặt);

- Bà Hồ Thị T, sinh năm 1955 ( có mặt);

- Bà Hồ Thị M, sinh năm 1963 (có mặt);

- Ông Hồ Xuân A, sinh năm 1967 (có mặt);

- Anh Hồ Huy T, sinh năm 1981 (vắng mặt, có đơn ủy quyền cho ông H);

Đều có địa chỉ: Thôn HLN, xã ĐL, TH, tỉnh Thái Bình.

- Bà Hồ Thị H, sinh năm 1960. Địa chỉ: Thôn HLB, xã ĐL, TH, tỉnh Thái Bình (có mặt);

- Bà Hồ Thị N, sinh năm 1971. Địa chỉ: Số nhà 167, tổ 2, phường PH, thành phố LC, tỉnh Lào Cai (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện, bản tự khai, biên bản lấy lời khai và trong quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án, nguyên đơn là cụ Hồ Văn P do ông Lại Quốc K và bà Hồ Thị M là người đại diện theo ủy quyền của cụ P trình bày: Cụ Hồ Văn P và vợ là cụ Phạm Thị N (chết năm 2021) có diện tích đất ở là 400m2, đất vườn tạp 591m2, đất ao là 214m2 tại thôn HLN, xã ĐL, huyện TH, tỉnh Thái Bình. Đất đã được Ủy ban nhân dân huyện TH cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 12/11/1996 mang tên Hồ Văn P. Toàn bộ diện tích đất trên cụ P đã sinh sống và sử dụng ổn định từ năm 1945 không có ai tranh chấp gì với cụ P, hằng năm cụ P là người đóng thuế cho nhà nước. Năm 2012, cụ P có cho vợ chồng ông Hồ Văn T và bà Trần Thị C diện tích đất vườn là 60m2 để xây nhà thờ, sau khi cho đất xong thì ông T, bà C đã xây tường bao bốn xung quanh và sử dụng diện tích đất đó để trồng hoa màu, còn nhà thờ của dòng họ Hồ đã được xây dựng trên đất của nhà ông T, bà C. Diện tích đất còn lại khoảng 300m2 cụ P sử dụng ổn định và trồng hoa. Nhưng đến năm 2019, ông Hồ Văn H, ông Hồ Xuân P và bà Trần Thị C đã tự ý chở đất cát đổ vào vườn của cụ P và xây tường bao, cụ P đã ngăn cản và đề nghị cơ sở thôn, chính quyền địa phương can thiệp, giải quyết nhưng ông H, ông P và bà C cho rằng cụ P đã viết giấy chuyển nhượng vào năm 2012, chuyển nhượng diện tích đất 360m2 (diện tích đất đó là của cụ K - cụ K là bố đẻ cụ P đã chết năm 1945 chứ không phải đất của cụ P) cho dòng họ Hồ để xây nhà thờ của dòng họ. Cụ P khẳng định tại thời điểm cho đất, cụ chỉ nói là cho 60m2 chứ không phải là 360m2 như nội dung giấy chuyển nhượng đề ngày 19/4/2012, tờ giấy này do chị T là vợ anh Hồ Văn H viết và bảo cụ ký, tại thời điểm ký giấy chuyển nhượng cụ P đã 86 tuổi, không đọc lại nội dung trong giấy mà tin tưởng con cháu nên đã ký vào giấy chuyển nhượng. Tại đơn khởi kiện và bản tự khai, cụ P và người đại diện theo ủy quyền của cụ P yêu cầu bà C, ông H và ông P phải thu dỡ các công trình xây dựng để trả lại diện tích đất 300m2 cho cụ P. Tại biên bản hòa giải, người đại diện theo quỷ quyền của cụ P đề nghị bà C, ông H và ông P trả lại đất cho cụ P. Tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của cụ P đề nghị Tòa án tỉnh Thái Bình buộc ông Hồ Văn H, ông Hồ Xuân P và bà Trần Thị C phải trả lại cho cụ P diện tích đất 303,8m2 và tự nguyện thanh toán cho dòng họ Hồ số tiền mà ông H, ông P đã lấy từ quỹ của dòng họ H để san lấp và xây tường gạch phía tây của thửa đất (giáp đất cụ P) theo kết quả định giá của Hội đồng định giá tài sản ngày 12/01/2023 là 30.546.350 đồng. Đối với ý kiến của ông H trình bày về việc hằng năm cụ P vẫn trả sản cho dòng họ 70 kg thóc đối với diện tích đất thổ của cụ K, ông K và bà M trình bày từ trước năm 1997 do cụ P canh tác đất ruộng của cụ Q là mẹ đẻ cụ P nên cụ P trả sản để hương khói vào nhà thờ chứ không phải là trả sản do canh tác diện tích đất ở 300m2 như ông H trình bày, đến sau năm 1997 thì cụ P đã chuyển 1,6 sào ruộng của cụ Q cho ông N canh tác, hằng năm ông N trả sản cho dòng họ.

Tại biên bản lấy lời khai, quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án bị đơn là bà Trần Thị C trình bày: Diện tích đất mà ông P khởi kiện yêu cầu bà C phải trả lại cho ông P có nguồn gốc là của ông bà nội chồng bà là cụ H K và Phạm Thị Q (cụ K chết năm 1945, cụ Q chết khoảng năm 1992, 1993). Khi hai cụ còn sống thì hai cụ sinh sống trên diện tích đất đó, khi hai cụ chết thì ông P sử dụng để trồng hoa màu. Đến năm 2012 ông P đã viết giấy trả lại diện tích đất 360m2 cho dòng họ Hồ để xây khuôn viên nhà thờ, mặc dù trong giấy chuyển nhượng ghi là trả lại cho anh Hồ Văn T nhưng thực chất là trả lại cho dòng họ Hồ, vì lúc đó chồng bà là ông T đang là trưởng họ. Tại thời điểm viết giấy chuyển chượng, chồng bà là ông T còn sống và ký vào giấy chuyển nhượng. Do ông P không viết được nên đã nhờ chị T là con dâu của dòng họ viết hộ, ông P ký vào giấy và đã ra Ủy ban nhân dân xã ĐL xin xác nhận. Đến năm 2019 tại lần giỗ tổ họ Hồ ông P đã gọi em trai ông P là HN và em gái là Hồ Thị T cùng các con cháu chắt của dòng họ thông báo trả lại diện tích đất thổ cư của cụ K là 360m2 cho dòng họ Hồ, ông P là người trực tiếp cúng và làm lễ động thổ, con trai ông P là Hồ Xuân A trực tiếp thi công, cháu ngoại ông P là người đổ cát lên diện tích đó. Chi phí cho việc san lấp, và xây tường là lấy từ quỹ của dòng họ Hồ và do ông H cầm quỹ trực tiếp chi trả. Việc san lấp do ông H đứng ra mua cát, thuê xe chở cát về san lấp, bà là người lo cơm nước. Việc san lấp cát không họp họ để bàn bạc về việc san lấp. Chồng bà là ông Hồ Xuân T (chết tháng 9 năm 2012), ông bà sinh được ba người con là Hồ Thị T, Hồ Thị T và Hồ Văn T (là trưởng họ Hồ hiện nay). Bà C không nhất trí với yêu cầu khởi kiện của ông P về việc đòi lại diện tích đất 300m2 tại thôn HLN, xã ĐL, huyện TH, tỉnh Thái Bình.

Bị đơn là ông Hồ Văn H và ông Hồ Xuân P trình bày: Diện tích đất mà ông P khởi kiện yêu cầu các ông phải trả lại cho ông P có nguồn gốc là của ông bà nội các ông là cụ Hồ K và Phạm Thị Q (cụ K chết năm 1945, cụ Q chết khoảng năm 1992, 1993). Khi hai cụ còn sống thì hai cụ sinh sống trên diện tích đất đó, khi hai cụ chết thì ông P sử dụng để trồng hoa màu. Đến năm 2012 ông P đã viết giấy trả lại diện tích đất 360m2 cho dòng họ Hồ để xây khuôn viên nhà thờ. Do ông P không viết được nên đã nhờ chị T là con dâu của dòng họ viết hộ, ông P ký vào giấy và đã ra Ủy ban nhân dân xã Đông Long xin xác nhận. Do điều kiện kinh tế chưa cho phép nên các con cháu của dòng họ chưa có điều kiện để xây dựng lại nhà thờ sau khi có giấy chuyển nhượng. Năm 2019 tại lần giỗ tổ họ Hồ ông P đã gọi em trai ông P là HN và em gái là Hồ Thị T cùng các con cháu chắt của dòng họ thông báo trả lại diện tích đất thổ cư của cụ K là 360m2 cho dòng họ Hồ, ông P là người trực tiếp cúng và làm lễ động thổ, con trai ông P là Hồ Xuân A trực tiếp thi công, cháu ngoại ông P là người đổ cát lên diện tích đó. Nhưng đến nửa tháng sau thì ông P và gia đình lại có ý kiến đòi lại đất và đề nghị cơ sở thôn Hưng Long Nam giải quyết, sau đó gửi đơn đề nghị Ủy ban nhân dân xã Đông Long giải quyết. Tại thời điểm ông P ký giấy chuyển nhượng trả đất cho dòng họ là vào ngày giỗ của họ, có đông con cháu chắt của họ Hồ chứng kiến, ông P trả lại diện tích đất 360m2 của cụ K cho dòng họ chứ không phải là 60m2 như ông P trình bày, số diện tích được ghi trong giấy chuyển nhượng không hề có sửa chữa gì. Ông H, ông P đề nghị Tòa án đưa cụ Hồ Văn N và cụ Hồ Thị T (là con trai và con gái của cụ K, cụ Q) vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đối với số tiền đã chi trả cho việc san lấp cát và xây tường bao được lấy từ quỹ của dòng họ, ông H trực tiếp chi trả nhưng do thời gian đã lâu nên không nhớ số tiền cụ thể và không có ý kiến gì về việc xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản. Nay ông P khởi kiện yêu cầu các ông phải trả lại diện tích đất 300m2 tại thôn Hưng Long Nam, xã Đông Long, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình là không có căn cứ, do đó các ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông P, việc ông P khởi kiện là vu khống cho các ông. Tại phiên tòa, ông H yêu cầu ông Lại Quốc K phải bồi thường cho ông H số tiền chi phí do ông không lao động trong những ngày ông phải lên Tòa án làm việc.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cụ Hồ Văn N (Hồ Sỹ N) trình bày: Bố cụ N là cụ Hồ K (chết năm 1945), mẹ là cụ Phạm Thị Q (chết năm 1996), sinh được 07 người con gồm: Hồ Văn P (chết năm 1976), Hồ Văn Ph, Hồ Thị T (đã chết), Hồ Thị R (đã chết), Hồ Văn N, Hồ Thị T (đã chết) và Hồ Thị T. Khi bố mẹ cụ còn sống thì các cụ có ngôi nhà đã cũ xây dựng trên diện tích đất 300m2 mà hiện tại ông P đang có đơn khởi kiện tại Tòa án. Đến khi mẹ cụ chết thì con cháu đã phá nhà đi và toàn bộ gạch của ngôi nhà mang ra nghĩa trang để xây tường bao quanh mộ cho các cụ. Ngoài ra bố mẹ cụ không có tài sản gì khác. Cụ N không có yêu cầu chia thừa kế đối với diện tích đất của bố mẹ cụ để lại. Cụ N chỉ yêu cầu ông P tôn trọng tờ giấy chuyển nhượng vào năm 2012 ông P đã ký có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã Đông Long là trả lại diện tích đất 360m2của bố mẹ cụ tại thôn Hưng Long Nam, xã Đông Long cho các con cháu họ Hồ để xây dựng khuôn viên nhà thờ cho khang trang, đẹp đẽ. Cụ N không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông P bởi vì, diện tích đất ông P khởi kiện tại Tòa có nguồn gốc là đất của bố mẹ đẻ cụ.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cụ Hồ Thị T trình bày: Bố cụ T là cụ Hồ K (chết năm 1945), mẹ là cụ Phạm Thị Q (chết năm 1994). Khi bố mẹ cụ còn sống thì các cụ có ngôi nhà đã cũ xây dựng trên diện tích đất 300m2 mà hiện tại ông P đang có đơn khởi kiện tại Tòa án, ngoài ra không có tài sản gì khác. Cụ T không có yêu cầu chia thừa kế đối với diện tích đất đang có tranh chấp mà chỉ có nguyện vọng để lại diện tích đất của bố mẹ cụ để xây nhà thờ của gia đình làm nơi thờ cúng ông bà, tổ tiên và bố mẹ cụ. Nhà thờ của dòng họ Hồ xây dựng trên diện tích đất nhà ông T, bà C. Đây là nhà thờ của anh em, con cháu cụ K (bố đẻ cụ).

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Hồ Thị M, bà Hồ Thị H và bà Hồ Thị N trình bày: Các bà là con gái của cụ Hồ Văn P và Phạm Thị N. Mẹ các bà là cụ Phạm Thị N chết năm 2021. Bố mẹ các bà có tài sản là diện tích đất ở 400m2, đất vườn tạp 591m2, đất ao là 214m2 tại thôn Hưng Long Nam, xã Đông Long, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Năm 2012 bố các bà có cho anh chị T C diện tích đất 60m2 để làm nhà thờ họ, sau khi bố các bà cho đất thì anh chị T C đã xây tường bao phần diện tích đất bố các bà đã cho, anh chị T cẩm không xây nhà thờ trên diện tích đất đã được bố các bà cho mà sử dụng trồng cấy hoa màu từ năm 2012 cho đến nay, không ai có tranh chấp gì với anh chị T C. Đối với phần diện tích đất còn lại thì bố mẹ các bà vẫn sử dụng ổn định không ai ai tranh chấp gì với bố mẹ các bà. Đến năm 2020 thì chị C, anh H và anh P tự ý chở đất cát và gạch đổ vào diện tích đất vườn của bố mẹ các bà và nói là bố các bà đã chuyển nhượng diện tích đất 360m2 cho dòng họ. Nay bố đẻ các bà khởi kiện yêu cầu chị C, anh H và anh P trả lại diện tích đất 300m2 cho bố các bà, quan điểm của bà M, bà H và bà N đề nghị Tòa án xem xét giải quyết buộc chị C, anh H và anh P phải trả lại diện tích đất cho bố các bà. Còn đối với phần diện tích đất mà các bà đã cho anh chị T C sử dụng do đã cho rồi và anh chị TC đã sử dụng ổn định nên các bà cũng đồng ý cho anh chị T C và không có ý kiến gì.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Hồ Thị T trình bày: Bà T không có ý kiến gì đối với yêu cầu khởi kiện của bố đẻ bà là cụ Hồ Văn P.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Hồ Xuân A trình bày: Ngày 19/4/2012 hôm đó là ngày giỗ của cụ K (ông nội ông), bố ông là cụ Hồ Văn P đã gọi ông Hồ Văn N và bà Hồ Thị T là em trai và em gái lên để bàn bạc về việc cho đất và ủy quyền cho bác T là cháu đích tôn của cụ K đứng lên nhận đất để xây nhà thờ. Năm 2012 khi bố ông viết giấy chuyển nhượng diện tích đất 360m2 để xây nhà thờ dòng họ Hồ, ông có mặt chứng kiến việc bố ông viết giấy và chở bố ông ra xã để xin xác nhận vào ngày 20/4/2012. Đến năm 2019 vào ngày giỗ tổ thì bố ông có nói con cháu là vượt đất lên và bố ông là người làm lễ cúng động thổ, anh H bảo ông gọi con rể ông để chở cát về san lấp trên diện tích đất đang tranh chấp. Số tiền mua cát là do ông H trả và được lấy từ quỹ của dòng họ Hồ. Nay bố ông khởi kiện yêu cầu đòi lại đất ông không có ý kiến gì. Đất bố ông đã trả cho họ thì là đất của họ.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh Hồ Huy T trình bày: Anh là trưởng họ Hồ, anh T có biết việc tranh chấp đất đai giữa cụ P với bà C, ông P, ông H nhưng anh T không có ý kiến gì. Việc san lấp cát tại phần diện tích đất đang có tranh chấp là việc của chú H, chú P. Việc cụ P trả lại đất là trả đất cho dòng họ Hồ chứ không phải là trả đất cho bố anh. Anh T đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Tại biên bản xác minh ngày 10/11/2022, Ủy ban nhân dân xã Đông Long và đại diện thôn Hưng Long Nam, xã Đông Long, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình cung cấp như sau:

1) Về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của cụ Hồ Văn P: Tại bản đồ 299 đo năm 1980, tại tờ bản đồ số 05 thể hiện: Số thửa 173, diện tích 639m2, loại đất thổ; số thửa 174, diện tích 322m2, không ghi loại đất; số thửa 172, diện tích 403m2, loại đất ao. Hiện tại không tìm được sổ mục kê, theo vị trí thửa đất, chủ sử dụng là cụ Hồ P. Tại bản đồ năm 1990 thể hiện: Số thửa 1794, diện tích 1065m2, loại đất thổ (thửa 1794 đo gộp cả thửa 173, 174 của bản đồ năm 1990); số thửa 1782, diện tích 445m2, loại đất ao. Chủ sử dụng là cụ Hồ Văn P. Tại bản đồ năm 1995 thể hiện: Số thửa 553, diện tích 991m2, loại đất thổ; số thửa 552, diện tích 214m2, loại đất ao. Diện tích đất ao bị giảm là do trong khoảng thời gian 1990 đến 1993 cụ P đã chuyển nhượng một phần diện tích đất ao là 188m2 cho ông Trần Cao S. Ông S đã chuyển mục đích sử dụng diện tích đất ao sang đất ở và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến ngày 12/11/1996 cụ Hồ Văn P được Ủy ban nhân dân huyện Tiền Hải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích đất theo bản đồ năm 1995, số vào sổ 596, số phát hành giấy chứng nhận H807605, theo thông báo của gia đình cụ P thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng trên bị mất.

2) Về nội dung giấy chuyển nhượng ngày 19/4/2012 có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã Đông Long: Năm 2012 cụ P có đơn xin chuyển nhượng sang cho ông Hồ Xuân T diện tích đất thổ 360m2, trong đơn có chữ ký của cụ P và ông T. Đơn chuyển nhượng được Ủy ban nhân dân xã Đông Long, huyện Tiền Hải chứng thực ngày 20/4/2012. Cả hai bên gia đình chưa làm thủ tục đăng ký biến động về đất đai đối với phần đất cụ P viết giấy chuyển nhượng.

3) Về nguồn gốc, diện tích đất cụ Hồ K và đất của dòng họ Hồ: Từ bản đồ 299 năm 1980, bản đồ năm 1990, bản đồ năm 1995 cho đến thời điểm hiện tại, không có diện tích đất nào mang tên cụ Hồ K và mang tên dòng họ Hồ. Hiện trạng, nhà thờ họ Hồ được xây dựng trên diện tích đất của ông Hồ Xuân T (là cháu đích tôn của cụ K).

4) Về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quá trình sử dụng đất của cụ P: Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cụ P được thực hiện theo quy định của Luật đất đai năm 1993. Tổng diện tích đất cụ P được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gồm: Thửa 553, diện tích 991m2, trong đó đất ở là 400m2, đất vườn tạp là 591m2 bao gồm cả phần diện tích đất đang có tranh chấp.

Thửa 552, diện tích 214m2, loại đất ao. Từ năm 1945 cho đến năm 2022 cụ P đã sinh sống và sử dụng toàn bộ diện tích đất đó, không có ai tranh chấp với cụ P. Diện tích đất đang có tranh chấp chưa xây dựng công trình kiên cố.

Tại biên bản xác minh ngày 06/01/2023, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình cung cấp như sau: Theo sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lưu tại phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiền Hải thể hiện: Cụ Hồ Văn P, sinh năm 1926, địa chỉ: Thôn Hưng Long Nam, xã Đông Long, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình được Ủy ban nhân dân huyện Tiền Hải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số vào sổ 596, xê ri số 76 807606, cấp ngày 12/11/1996. Phòng Tài nguyên và Môi trường không xác định được vị trí từng loại đất và không lưu giữ bản sao của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 596. Qua tra cứu sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lưu tại phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiền Hải thì không có thửa đất nào được cấp cho cụ Hồ K.

Tại biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 12/01/2023 thể hiện: Đất đang tranh chấp có diện tích là 303,8m2, có tứ cận như sau: Phía đông giáp đường liên thôn dài 13,74m; Phía tây giáp phần đất còn lại của cụ P dài 21,82m; phía nam giáp đường giao thông xóm dài 19,86m; Phía bắc giáp thửa đất nhà bà C dài 13,56m. Trên diện tích đất không có công trình xây dựng kiên cố mà chỉ xây tường bao gạch xung quanh thửa đất. Đất được san lấp cát có khối lượng là 113,8m2 và có 58 cây ngô đã thu hoạch, ngoài ra có 18m2 đất cụ P trồng rau ngắn ngày.

Tại biên bản định giá tài sản ngày 12/01/2023, Hội đồng định giá tài sản huyện Tiền Hải định giá phần diện tích đất đang tranh chấp, khối lượng cát san lấp và hàng gạch xây dựng năm 2019: Diện tích đất đang tranh chấp có diện tích 303,8m2, đất trồng cây lâu năm, giá đất 45.000đồng/1m2 x 303,8m2= 13.671.000 đồng; Khối lượng cát san lấp 113,8m3 x204.520 đồng/1m3 = 23.274.376 đồng; tường gạch xây phía đông và phía nam của thửa đất ( xây từ năm 2004 và 2010) đã hết khấu hao nên Hội đồng định giá không định giá; về hàng gạch xây phía tây năm 2019 dài 21,82m, giá trị là 7.271.974 đồng.

Bản án dân sự sơ thẩm số 07/2023/DS-ST ngày 12/5/2023 của Tòa án nhân dân huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đã quyết định:

Căn cứ vào Điều 256 Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 50 Luật đất đai năm 2003; Khoản 9 điều 26, khoản 1 Điều 35, Điều 147, Điều 228, Điều 271, Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự; Khoản 2 điều 26, điểm a khoản 2 điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội.

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ Hồ Văn P về việc buộc bà Trần Thị C, ông Hồ Văn H và ông Hồ Xuân P phải trả lại đất cho cụ Hồ Văn P.

2. Buộc bà Trần Thị C, ông Hồ Văn H và ông Hồ Xuân P phải trả lại cho cụ Hồ Văn P diện tích đất 303,8m2 nằm trong tổng diện tích đất 991m2 mà cụ Hồ Văn P đã được Ủy ban nhân dân huyện Tiền Hải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 19/11/1996 tại thôn Hưng Long Nam, xã Đông Long, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Đất có các chiều như sau: Phía đông giáp đường liên thôn dài 13,74m; Phía tây giáp phần đất còn lại của cụ P dài 21,82m; phía nam giáp đường giao thông xóm dài 19,86m; Phía bắc giáp thửa đất nhà bà Cẩm dài 13,56m.

3. Chấp nhận sự tự nguyện của ông Lại Quốc K và bà Hồ Thị M về việc ông K và bà M tự nguyện thanh toán cho dòng họ Hồ, xã Đông Long giá trị phần diện tích cát đã san lấp và phần tường bao với số tiền là 30.546.350 đồng (Ba mươi triệu năm trăm bốn mươi sáu nghìn ba trăm năm mươi đồng). Số tiền này được giao cho anh Hồ Huy T là trưởng họ Hồ thay mặt dòng họ Hồ nhận.

4. Về án phí: Cụ Hồ Văn P không phải nộp án phí dân sự sơ thẩm. Bà Trần Thị C, ông Hồ Văn H và ông Hồ Xuân P phải nộp 300.000đồng (Ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo cho các bên đương sự. Ngày 23/5/2023 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cụ Hồ Sỹ N (Văn N) và cụ Hồ Thị T kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm với nội dung: Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình xác định rõ nguồn gốc đất thổ cư của bố mẹ cụ N, cụ T để lại và yêu cầu chia di sản thừa kế đối với diện tích đất thổ cư của bố mẹ cụ N, cụ T.

Tại phiên toà giữa nguyên đơn và bị đơn không có thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án, người đại diện theo ủy quyền cho cụ N và cụ T vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của đương sự, Thẩm phán và Hội đồng xét xử, đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình sau khi phân tích nội dung vụ án, đề nghị Hội đồng xét áp dụng khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự để không chấp nhận kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cụ Hồ Sỹ N (Văn N) và cụ Hồ Thị T, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tố tụng: Đơn kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quanlàm trong hạn luật định là hợp lệ, được xem xét giải quyết theo trình tự phúc thẩm.

[2] Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ, nhưng vắng mặt và có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Căn cứ Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án xét xử vắng mặt đối với họ.

[3] Xét nội dung kháng cáo của cụ Hồ Sỹ N (Văn N) và cụ Hồ Thị T, Hội đồng xét xử thấy:

[3.1] Về nguồn gốc thửa đất:

Các biên bản xác minh tại chính quyền địa phương cung cấp theo bản đồ 299 (năm 1980) tờ bản đồ số 5, số thửa 173 diện tích 639m2, số thửa 174 diện tích 322m2, số thửa 172 diện tích 403m2, hiện tại không tìm được sổ mục kê, theo vị trí thửa thì chủ sử dụng là cụ Hồ P. Theo bản đồ năm 1990 đến bản đồ năm 1995 các thửa đất đều mang tên cụ Hồ Văn P, không có tài liệu nào thể hiện chủ sử dụng đất là cụ Hồ K. Kết quả xác minh tại Phòng tài nguyên và môi trường huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình cũng thể hiện không có thửa đất nào được cấp cho cụ Hồ K. Ngày 12/11/1996 cụ P đã được Ủy ban nhân dân huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích đất gồm: thửa 553, diện tích 991 m2 trong đó đất ở 400m2, đất vườn tạp là 591m2 bao gồm cả phần diện tích đất đang có tranh chấp; thửa 552 diện tích 214 m2, loại đất ao mang tên cụ Hồ Văn P. Trên thực tế, cụ P đã sinh sống trên diện tích đất đó từ năm 1945, quá trình sử dụng không có tranh chấp, hàng năm cụ là người đóng thuế cho Nhà nước, do đó có đủ căn cứ để xác định diện tích đất đang tranh chấp thuộc quyền sở hữu của cụ Hồ Văn P. Bị đơn và những người có quyền lợi liên quan không cung cấp được các tài liệu chứng cứ gì để chứng minh nguồn gốc đất đang có tranh chấp là của cụ Hồ K. Do đó không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu kháng cáo của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan về việc xác định nguồn gốc đất có tranh chấp là di sản của cụ Hồ K và cụ Q để lại.

[3.2] Về yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ K, cụ Q để lại: Tại các giai đoạn tố tụng sơ thẩm, nguyên đơn là cụ Hồ Văn P khởi kiện đề nghị Toà án buộc các bị đơn phải trả lại đất cho cụ, đây là tranh chấp về quyền sử dụng đất. Nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không ai có yêu cầu chia thừa kế đối với diện tích đất đang có tranh chấp do đó Toà án cấp sơ thẩm không giải quyết về vấn đề này. Điều 293 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về phạm vi xét xử phúc thẩm “Toà án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần của bản án sơ thẩm, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo kháng nghị”. Do bản án sơ thẩm không giải quyết về vấn đề chia di sản vì vậy cấp phúc thẩm không có cơ sở để xem xét, giải quyết đối với nội dung này.

[4] Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cụ Hồ Sỹ N (Văn N) và cụ Hồ Thị T, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[5] Những quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không giải quyết, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[6] Về án phí: Cụ Hồ Sỹ N (Văn N) và cụ Hồ Thị T là người cao tuổi có đơn xin miễn án phí, nên cụ N và cụ T không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Áp dụng khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng Dân sự, không chấp nhận kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cụ Hồ Sỹ N (Văn N) và cụ Hồ Thị T, giữ nguyên bản án dân sự số 07/2023/DS - ST, ngày 12/5/2023 của Tòa án nhân dân huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

2. Về án phí dân sự phúc thẩm: Áp dụng Điều 148 của Bộ luật Tố tụng Dân sự; Điều 12, Điều 14, Điều 15 và Điều 29 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội. Miễn án phí dân sự phúc thẩm cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cụ Hồ Sỹ N (Văn N) và cụ Hồ Thị T.

3. Những quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

45
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

 Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất số 34/2023/DS-PT

Số hiệu:34/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thái Bình
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 12/09/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về