Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất số 28/2023/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

BẢN ÁN 28/2023/DS-PT NGÀY 25/04/2023 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 25 tháng 4 năm 2023, tại Trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Phú Thọ xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 14/2023/DSPT ngày 09 tháng 02 năm 2023 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất” theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 27/2023/QĐXXPT-DS ngày 27 tháng 3 năm 2023 giữa các đương sự:

Đồng nguyên đơn: 1. Ông Dương Văn B, sinh năm 1944 2. Bà Lê Thị C, sinh năm 1946 Người đại diện theo uỷ quyền của ông B, bà C là: Anh Dương Văn M, sinh năm 1983. Đều có địa chỉ: Khu P, xã T, huyện C, tỉnh Phú Thọ (Theo giấy uỷ quyền của ông B ngày 23/11/2021, Giấy uỷ quyền của bà Chỉ ngày 30/11/2021).

(bà C vắng mặt, ông B có mặt, anh M đại diện theo uỷ quyền của ông bảo, bà C có mặt).

Đồng bị đơn: 1. Ông Đỗ Đình C1, sinh năm 1962 Địa chỉ: Khu P, xã T, huyện C, tỉnh Phú Thọ Người đại diện theo uỷ quyền của ông Cầu l: Ông Hà Văn V, sinh năm 1957. Địa chỉ: Số nhà C, khu T, phường T, thị xã P, tỉnh Phú Thọ. Theo Hợp đồng uỷ quyền ngày 19/9/2022. (ông C1, ông V đều có mặt).

2. Bà Phạm Thị S, sinh năm 1964 Người đại diện theo uỷ quyền của bà S: Anh Đỗ Ngọc D, sinh năm 1989. Đều có địa chỉ: Khu P, xã T, huyện C, tỉnh Phú Thọ. Theo giấy uỷ quyền ngày 24/6/2022. (bà S vắng mặt, ông D có mặt).

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là:

1. Ủy ban nhân dân huyện C, tỉnh Phú Thọ Người đại diện theo uỷ quyền: Ông Bùi Ngọc H - Chức vụ: Phó Trưởng phòng TNMT huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ (theo giấy uỷ quyền số 1035 ngày 31/5/2022). Có đơn xin xét xử vắng mặt.

 2. Ủy ban nhân dân xã T, huyện C, tỉnh Phú Thọ Người đại diện theo pháp luật: Ông Mai Tiến Đ - Chức vụ: Chủ tịch UBND xã T, huyện C, tỉnh Phú Thọ. Có đơn xin xét xử vắng mặt.

3. Ông Nguyễn Hắc T, sinh năm 1957 và bà Nguyễn Thị C2, sinh năm 1956. Đều có địa chỉ: Khu P, xã T, huyện C, tỉnh Phú Thọ (đều vắng mặt).

4. Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1950 Người đại diện theo uỷ quyền của bà L: Anh Phạm Văn L1, sinh năm 1971. Đều có địa chỉ: Khu P, xã T, huyện C, tỉnh Phú Thọ. (đều vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện và trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn ông Dương Văn B trình bày:

Gia đình ông có 02 thửa đất vườn đều thuộc tờ bản đồ số 30 gồm các thửa đất: Thửa số 122 diện tích 88 m2 và thửa số 123 diện tích là 98 m2 được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 22/12/1999. Gia đình ông vẫn trồng trọt hoa màu trên đất. Năm 2006, gia đình ông Đỗ Đình C1 ở cùng khu (giáp với đất vườn của gia đình ông) được bà Nguyễn Thị L (tên khác là Nguyễn Thị L2) cắt cho 01 thửa đất vườn nhưng không có đường đi vào đất vườn, ông C1 đến hỏi ông để đi nhờ, vì lòng nhân ái nên ông đồng ý. Tháng 9/2020, gia đình ông B xây tường rào thì gia đình ông C1 ra giữ, chửi bới, xúc phạm gia đình ông và không cho gia đình ông xây tường rào, biến đường đi nhờ thành đường đi của gia đình ông C1, ông C1 còn làm đơn yêu cầu giải quyết việc tranh chấp quyền sử dụng đất đối với gia đình ông B đến UBND xã T, huyện C, tỉnh Phú Thọ yêu cầu giải quyết.

Ngày 22/9/2020, UBND xã T, huyện C, mời ông B và ông C1 đến UBND xã T để giải quyết tranh chấp giữa hai bên. Trong biên bản làm việc của UBND xã T đã có kết luận: Không có đường đi, nhưng ông C1 không nghe. Ông B khởi kiện đề nghị Tòa án xác định toàn bộ diện tích hai thửa đất trên là của gia đình ông và đề nghị ông C1 phải trả lại toàn bộ diện tích đất của hai thửa đất trên cho gia đình ông B, ông B không đồng ý cho ông C1 sử dụng làm đường đi của gia đình ông C1.

- Anh Dương Văn M người đại diện theo ủy quyền của ông B trình bày: Gia đình anh được gia đình bà L, anh L1 cho đất và được gia đình ông Nguyễn Hắc T đổi đất (việc cho đất và đổi đất đều bằng lời nói, không có giấy tờ, không qua chính quyền địa phương). Hiện nay, gia đình anh đang sử dụng ổn định và xin tiếp tục sử dụng. Gia đình ông C1 được cấp quyền sử dụng đất sau nhà anh. Khi gia đình ông C1 được UBND huyện C cấp quyền sử dụng đất, gia đình ông C1 đi qua cổng và đất của bà L, năm 2010, hai ông C1, bà L mâu thuẫn với nhau nên bà L không cho ông C1 đi qua đất nhà bà. Bố mẹ anh có lối đi xuống ao giáp đất nhà ông C1 nên ông C1 đã hỏi bố mẹ anh để đi nhờ từ thửa đất vườn để đi ra đường xóm.

Bị đơn là ông Đỗ Đình C1 trình bày: Nguồn gốc của thửa đất vườn 39a, tờ bản đồ 38, diện tích 300 m2 (Bản đồ 299) gia đình ông đang sử dụng, ông được bố mẹ vợ cho canh tác từ khoảng năm 1992, 1993 đến nay. Liền kề với thửa đất vườn của ông là thửa đất thổ cư bố mẹ vợ ông cho chị dâu của vợ ông là bà Nguyễn Thị L (tên khác là bà Nguyễn Thị C3). Bố mẹ vợ ông có để lại một khoảng đất để ông làm đường đi. Đến năm 1999, bà Nguyễn Thị L được UBND huyện S (nay là huyện C) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp luôn diện tích đất mà gia đình ông được bố mẹ vợ ông cho vào thửa đất thổ cư của bà L. Do vậy, năm 2001, ông đề nghị UBND xã T tách thửa đất mà gia đình ông được bố mẹ vợ ông cho thành thửa riêng để thuận tiện sử dụng. Đến năm 2006, ông được UBND huyện C cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó có ghi rõ (đường xóm 4,0 m). Từ khi gia đình ông được cấp quyền sử dụng thửa đất 39a không có tranh chấp với ai. Lối đi được ghi: đường xóm 4,0 m là một phần đất mà bố mẹ vợ ông để lại làm lối đi cho gia đình ông, có một phần là bờ ruộng do bà con làm ruộng phía trong đi, một phần là bờ đường giáp đồng để làm lối đi vào thửa đất số 125 của Ủy ban xã. Lối đi trước đây vẫn được bà con trong khu đi lại, tắm giặt ở đầm D. Trước đây ông vẫn thầu nuôi Cá dưới đầm, sau khi ông không thầu đầm Dộc Cỏ nữa thì ông chỉ sử dụng phần đất đang tranh chấp với ông B để làm lối đi vào thửa đất vườn số 39a và canh tác trên thửa đất, gia đình ông không tranh chấp với ai. Đến năm 2018, gia đình ông B lấp ao trồng cây thì không có ai đi qua, chỉ có gia đình ông đi qua, chăn nuôi và canh tác trên thửa đất 39a. Hiện nay gia đình ông vẫn đi lại canh tác, chăn nuôi, không có thỏa thuận gì với gia đình ông B. Thửa đất mà gia đình ông đang sử dụng không có lối đi nào khác, chỉ có lối đi duy nhất mà gia đình ông vẫn đi từ trước đến nay. Nay ông B yêu cầu ông trả lại lối đi mà gia đình ông đang sử dụng làm cổng đi thì ông không nhất trí. Vì lối đi đó không phải là đất của gia đình ông B. Đề nghị gia đình ông B không được rào lối đi và tháo rỡ phần gạch xây trên lối đi để ông được đi lại cho dễ dàng.

Hiện nay, gia đình ông B xây tường rào lấn chiếm lối đi của ông. Căn cứ vào bản đồ 299 chỉ rõ thửa đất 125 thuộc diện tích đất của UBND xã T ra mặt đường bê tông không thể hiện đất của ông B. Căn cứ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì việc sử dụng đất của ông là chưa đúng ranh giới và mốc giới. Việc sử dụng đất của gia đình ông không ảnh hưởng gì tới quyền lợi hay đất đai của gia đình ông B vì đất của ông phía đông giáp ranh giới hộ bà L, phía Bắc giáp với đầm Dộc Cỏ, phía tây giáp với thửa đất 125 của UBND xã T và phía nam giáp với phần bờ ruộng trước đây bà con đi lại sản xuất dưới đồng, phần đất này do mẹ vợ ông cho ông làm lối đi. Nay ông B đang chiếm đất của gia đình ông làm đất vườn nên ông đề nghị ông B trả lại cho ông làm lối đi và ông không đồng ý việc bà L và anh L1 cho ông B đất vì phần đất bà L cho ông B là đất mà gia đình ông đang làm lối đi.

Ngày 21/7/2022, ông C1 có đơn phản tố với nội dung: Tuy phần đất ông đang sử dụng làm lối đi không thể hiện trên bản đồ 299 nhưng ông khẳng định diện tích đất mà gia đình ông B yêu cầu ông trả lại cho ông B là không đúng mà diện tích đất này là của gia đình ông. Căn cứ vào bản đồ 299 chỉ rõ từ thửa đất số 125 của UBND xã T ra mặt đường bê tông không thể hiện diện tích đất của ông Dương Văn B. Căn cứ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông được cấp ngày 29/8/2006 đã chỉ rõ: đường xóm 4 m. Do đó, việc sử dụng đất của ông theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đúng. Nay ông yêu cầu TAND huyện Cẩm Khê xem xét giải quyết buộc ông B sử dụng đất đúng vị trí, mục đích, ranh giới để trả lại phần đất ông đang sử dụng làm lối đi và buộc ông B tháo dỡ tường rào xây gây ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của ông.

Ngày 02/8/2022, ông C1 có đơn bổ sung nội dung phản tố: Theo nội dung biên bản kiểm tra hiện trạng của UBND xã T ngày 22/11/2020 thì diện tích đất ông B lấn chiếm của UBND xã T là 90 m2, thuộc thửa số 125, tờ bản đồ 30. Đây là thửa đất thuộc phần lối đi trước đây bà con vẫn sử dụng đi lại sản xuất dưới đồng Dộc C. Sau khi UBND xã T nước hồ làm hồ thủy lợi và cho thầu hồ thì người dân vẫn đi lại trên thửa đất để xuống hồ tắm, giặt; khoảng năm 2004, gia đình ông thầu hồ nuôi cá, vẫn sử dụng lối đi trên xuống đồng Dộc Cỏ. Khoảng năm 2018, ông B lấp ao để trồng cây lâu năm đã trồng cây lên thửa đất trên.

Ông B không chấp nhận yêu cầu phản tố của ông C1 vì yêu cầu phản tố của ông C1 trùng lặp với đơn khởi kiện của ông.

Ngày 26/9/2022, ông Đỗ Đình C1 có đơn xin rút yêu cầu phản tố và đề nghị ông B phải giữ lối đi chung trước kia người dân trong khu sử dụng làm lối đi xuống đồng, đồng thời cũng là lối đi vào đất của gia đình ông. Do ông nhận thức chưa đúng nên đã yêu cầu phản tố đối với yêu cầu khởi kiện của ông B. Nay ông không tranh chấp quyền sử dụng đất với ông B mà đề nghị ông B phải giữ nguyên lối đi chung, diện tích như cũ và đề nghị bác yêu cầu khởi kiện của ông B.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông Hà Văn V trình bày:

Ông nhất trí với ý kiến của ông C1. Căn cứ vào những lời trình bày của những người nhiều tuổi sinh sống trong khu làm chứng cung cấp trước đây vị trí đất tranh chấp giữa ông B và ông C1 có lối đi và người dân trong khu vẫn đi lối đi này để xuống các thửa ruộng phía dưới đồng Dộc Cỏ sản xuất và cũng căn cứ vào hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông C1 năm 2006 thể hiện có một con đường đi rộng 4,0 m. Vậy nay con đường biến mất, bở ruộng không thấy đâu. Điều này chứng tỏ hộ ông B đang bao chiếm diện tích đất đang tranh chấp. Ông nhất trí với đề nghị rút yêu cầu phản tố của ông C1. Yêu cầu ông B phải trả lại lối đi chung.

Người đại diện của bị đơn bà S là anh Đỗ Ngọc D trình bày:

Bố mẹ tôi có thửa đất vườn số 39a, tờ bản đồ 38, được ông bà ngoại của tôi cho. Từ nhỏ tôi theo bố mẹ xuống canh tác đến nay gần 30 năm. Khoảng năm 1999, nhà nước cấp sổ đỏ đã gộp chung thửa đất của bố, mẹ tôi với diện tích của của bác Nguyễn Thị L. Đến năm 2001, bố mẹ tôi làm thủ tục đề nghị tách quyền sử dụng đất và cấp sổ đỏ cho bố mẹ tôi. Năm 2006, bố mẹ tôi được UBND huyện C cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khoảng tháng 02/2019, bố mẹ tôi cho tôi mượn để canh tác, tôi dựng nhà tạm để ở trông nom hoa màu và chăn nuôi. Khoảng tháng 6, tháng 7 năm 2020, gia đình ông Dương Văn B có thửa đất gần đất của gia đình tôi tự nhiên thuê người xây tường rào bịt lối đi mà gia đình tôi vẫn đi từ trước đến nay. Giữa gia đình tôi và gia đình ông B từ trước đến nay không có tranh chấp gì. Không hiểu sao ông B lại không cho nhà tôi đi. Tôi đề nghị Toà án nhân dân huyện Cẩm Khê xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật để gia đình tôi có lối đi lại.

Lời trình bày của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Bà Nguyễn Thị C3 (tên khác là bà Nguyễn Thị L) trình bày: Bà là chị dâu của ông C1. Nguồn gốc đất của gia đình bà là do bố mẹ chồng bà để lại (bao gồm cả 300 m2 đất vườn của ông C1 hiện tại đang sử dụng làm đất vườn và chăn nuôi). Thửa đất ông C1 đang sử dụng trước đây gia đình bà làm vườn không có lối đi vào. Trước đây ông C1 thầu đầm Dộc Cỏ để nuôi C4, ông vẫn đi qua nhà bà để đi xuống đầm. Sau đó, gia đình bà và gia đình ông C1 có xảy ra mâu thuẫn nên ông C1 không đi qua nhà bà để xuống đầm nữa mà đến hỏi đi nhờ bên phía nhà ông B. Bà sinh sống tại khu P từ năm 1971, bà không thấy có lối đi nào rộng như bây giờ, trước đây chỉ là bờ ruộng nhỏ khoảng 30 cm, ngăn cách thửa ruộng của gia đình bà và gia đình ông N (sau này ông N đổi đất cho ông B), trên bờ ruộng trồng cây dứa gai làm hang rào nên ai muốn đi thế nào cho tiện thì đi, phía trong còn có tràn ruộng trũng của các hộ dân. Sau này do nhu cầu tưới tiêu nên đắp thành đập nước gọi là đầm Dộc Cỏ. Trước đây gia đình bà đã cho gia đình ông B 1,5 m đất chạy dài theo đường bê tông xóm (hiện nay là vị trí ông B đang tranh chấp với ông C1). Nay gia đình bà không yêu cầu gia đình ông B phải trả lại 1,5 m đất đã cho gia đình ông B.

Anh Phạm Văn L1 đại diện theo uỷ quyền cho bà C3 (bà L) trình bày: Diện tích đất 1.572 m2 là đất của bố mẹ ông là bà Nguyễn Thị C3 (bà L) và ông Phạm Công Í. Nguồn gốc diện tích đất là do bố mẹ của ông khai hoang và được nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 22/12/1999. Từ khi ông sinh ra và lập gia đình đến hiện nay, ông vẫn ở trên thửa đất này thì ông thấy đất tranh chấp giữa ông B và ông Cầu l không có lối đi mà chỉ là bờ ruộng trồng dứa gai, người dân tự ý đi lại chứ không có đường, do ở phía bên trong là đồng Dộc Cỏ nên người dân tự tạo lối đi để đánh bắt cá, chăn nuôi gia súc, đi nhiều tạo thành lối mòn nhỏ ở đầu các thửa ruộng của ông B, ngăn cách giữa 2 thửa đất của gia đình tôi và ông B là bờ cây dứa gai. Khi ông C1 thầu đầm và thả vá thì ông vẫn đi qua cổng và sân của gia đình anh để xuống đầm và những người dân muốn sử dụng sinh hoạt dưới đầm thì vẫn đi qua cổng, sân nhà anh để vào đầm. Đây là lối đi duy nhất xuống đầm D.

Năm 1999, gia đình ông B nắn ranh giới giữa đất của ông B và nhà ông cho thẳng nên gia đình ông đã cho gia đình ông B khoảng 1,5 m theo chiều dài mặt đường xóm để làm vườn và trồng cây trên đất. Nay gia đình ông không yêu cầu gia đình ông B phải trả lại diện tích đất mà gia đình ông đã cho gia đình ông B. Thời điểm gia đình ông cho nhà ông B đất thì nhà ông C1 chưa mở lối đi mới mà vẫn đi qua sân nhà ông. Sau này khi mâu thuẫn với gia đình ông thì ông C1 hỏi gia đình ông B cho đi nhờ sang lối đi mà hiện nay hai gia đình đang tranh chấp ông chỉ đồng ý đổi đất cho ông C1. Ông không đồng ý mở lối đi cho ông C1 sang đất của gia đình ông.

Ông Nguyễn Hắc T trình bày: Thửa đất hiện nay ông C1 đang sử dụng làm lối đi trước đây không có đường đi. Trước kia ông C1 nuôi Cá dưới đầm Dộc Cỏ vẫn đi qua đất nhà bà L để đi xuống đầm. Khi bà L không cho ông C1 đi qua thì ông C1 đi sang phần đất nhà ông B. Tại vị trí đất tranh chấp hiện nay giữa ông B, ông C1, trước đây có lối đi bộ xuống đồng, rộng khoảng 0,3- 0,5 m, sau đó không ai đi nữa thì gia đình ông B tiến hành san đất, lấy mặt bằng thì mới có lối đi rộng như hiện nay. Năm 2007 gia đình ông và gia đình ông B đổi đất cho nhau, mục đích là để gia đình ông B nắn ranh giới cho thẳng, còn diện tích đổi bao nhiêu, đổi như thế nào, bao nhiêu mét thì đã đổi từ lâu nên ông không nhớ rõ.

Tại bản tự khai ngày 06/4/202022 ông Mai Tiến Đ đại diện cho UBND xã T trình bày:

+ Gia đình ông B sử dụng các thửa đất số 120, 121, 122, 123, 124, tờ bản đồ số 30, loại đất vườn, được UBND huyện S (nay là C) cấp GCNQSDĐ với tổng diện tích 1.277m2 (trong đó đất vườn: 563m2, đất ao 714 m2). Hiện trạng ông B sử dụng là 1.486,5 m2. Diện tích lấn chiếm chênh lệch so với diện tích được nhà nước cấp 209,5 m2. Trong quá trình sử dụng đất, năm 2018, gia đình ông B tự ý lấp ao để chuyển sang đất trồng cây lâu năm 714 m2. Tuy nhiên, đến nay ông B vẫn đang sử dụng lấn chiếm một phần đất của UBND xã quản lý tại thửa đất số 125, tờ bản đồ số 30 và xây bờ rào vào thửa đất của UBND xã quản lý.

+ Bà Nguyễn Thị L được UBND huyện S (nay là C) cấp GCNQSDĐ năm 1999 đối với thửa đất số 39, tờ bản đồ số 38, diện tích 1.572m2 (trong đó đất ở 400m2, đất vườn 1.172m2), địa chỉ: khu P, xã T, huyện C, tỉnh Phú Thọ. Thửa đất có nguồn gốc là của ông Phạm Văn D1 (ông D1 là bố đẻ của ông Phạm Công Í - chồng bà C3) cho vợ chồng bà C3 (tên khác là bà Nguyễn Thị L) từ trước khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến năm 1999, bà C3 (bà L) được kê khai đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bà L. Năm 1993 ông D1 cũng cắt cho vợ chồng bà Phạm Thị S (là con gái của ông D1) và chồng là ông Đỗ Đình C1 300 m2 loại đất vườn. Gia đình ông C1, bà S vẫn sử dụng và đóng thuế theo quy định. Đến năm 1999 bà C3 (bà L) kê khai toàn bộ diện tích mà ông C1 được cho vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà L thì ông C1 không nộp thuế mà phải nhờ bà L nộp hộ. Năm 2001, gia đình ông C1 có đơn đề nghị UBND xã T tách riêng phần đất của ông để ông sử dụng và đóng thuế riêng và đã được UBND xã T làm thủ tục phân chia đất để ông C1 nộp thuế, tuy nhiên, diện tích ông C1 nộp thuế vẫn nằm trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà L. Năm 2006, gia đình ông C1 và bà L thống nhất đề nghị UBND huyện C, tỉnh Phú Thọ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông C1 để sử dụng riêng.

+ Gia đình ông Đỗ Đình C1 đang sử dụng thửa đất vườn số 39a, tờ bản đồ 38 diện tích 300 m2, địa chỉ: khu P, xã T, huyện C, tỉnh Phú Thọ. Có nguồn gốc được tách ra từ gia đình bà L và được UBND huyện cấp GCNQSDĐ ngày 22/8/2006, loại đất vườn nhưng không có cổng đi. Trước đây khi gia đình ông C1 và ông B chưa có mâu thuẫn thì ông C1 vẫn cho ông B đi vào phần đất hiện nay hai bên đang tranh chấp, sau khi hai bên có mâu thuẫn xảy ra thì ông B không cho ông C1 đi qua đất nữa nên dẫn đến tranh chấp. Để thuận lợi cho việc canh tác và sử dụng đề nghị Tòa án mở lối đi cho gia đình ông C1 vào vị trí đất hiện tại đang tranh chấp giữa gia đình ông B cùng ông C1 đang sử dụng và buộc ông C1 thanh toán một phần tiền cho ông B.

+ Khoảng đất trống tạo ra khe hở: Lý do của việc có khe hở là để thuận lợi cho việc theo dõi và giải quyết tranh chấp, UBND xã T đã ghép bản đồ về đất ở và bản đồ số về đất ruộng ghép lại với nhau để thể hiện là gia đình ông cầu không có lối đi. Tuy nhiên khi ghép hai bản đồ vào với nhau thì tạo thành 01 đường cong và khoảng trống nên gia đình ông C1 cho rằng đây là lối cổng đi của nhà ông do bố mẹ vợ ông để lại cho gia đình ông làm lối đi.

Tại báo cáo ngày 08/8/2022 ông Mai Tiến Đ trình bày: Năm 2006, khi thực hiện trích đo đạc để lập biên bản kiểm tra hiện trạng, hoàn thiện hồ sơ làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông C1 (tách ra từ đất của bà L2) thì ông đã sơ suất trích lục vẽ kiểm tra hiện trạng thể hiện đường đi vào phần đất nông nghiệp của ông B, lúc đó do ông B cho ông C1 mượn đất để ông C1 lấy lối đi ra đường xóm, thực tế không phải là đường đi và cũng không thể hiện cắt đường trên bản đồ giải thửa 299. Phần ghi chú trong biên bản kiểm tra hiện trạng có ghi rõ: Phần đất chuyển nhượng theo chỉ giới ABCDG = 300 m2 (đất vườn), phần còn lại theo chỉ giới ABCEFPQMN là 1.272m2 (đất ở 400m2, đất vườn 872 m2 là đất của bà L2). Do có sơ suất trong bản vẽ trích lục thể hiện đường đi nên dẫn đến ông C1 tưởng được cấp đường đi riêng vào thửa đất của ông đang sử dụng, từ đó mâu thuẫn với gia đình ông B nên mới xảy ra tranh chấp giữa hai bên.

Giữa các thửa ruộng chỉ có bờ nhỏ để ngăn cách với nhau, người dân tự ý đi lại để thuận tiện cho việc sử dụng chứ không có đường đi. Thực tế vị trí đất tranh chấp giữa ông B, ông C1 không có đường đi, lối đi mà chỉ là lối mòn do người dân đi tự phát vào bờ ruộng lâu thành lối mòn nhỏ rộng khoảng 30- 40 cm.

Tại Biên bản xác minh ngày 08/12/2022, ông Đ cung cấp như sau:

Ô thửa đất trống tại bản đồ giải thửa năm 1986 (không thể hiện diện tích, số thửa, loại đất) được vẽ từ đường bê tông vào phía trong dọc theo bờ rào bà L hướng xuống phía đập Dộc Cỏ, phần diện tích này nằm trong bản đồ 1986 không thể hiện số tờ, thửa đất, diện tích. Khi sang bản đồ 299 một phần phía trong ô thửa trống chính là thửa đất số 125, tờ bản đồ 30, diện tích 90 m2 thuộc loại đất hoang do UBND xã quản lý, phần diện tích đất trống phía bên ngoài thửa đất số 125 hiện nay ông B và ông C1 đang tranh chấp là đất giao thông do UBND xã quản lý để đi vào thửa đất 125 của UBND xã và đi xuống đầm D, có diện tích được xác định là 27.0 m2, hiện nay ông C1 đang sử dụng làm lối đi. Thửa đất 125 do UBND xã quản lý và phần diện tích đất giao thông do UBND xã đang quản lý, hai diện tích đất trên chính là ô thửa đất trống tại bản đồ năm 1986. Hiện nay vẫn chưa cấp quyền sử dụng cho ai. Hiện nay, phần diện tích đất tranh chấp đang bị gia đình ông B bao chiếm và ông C1 sử dụng làm lối đi.

Ông Dương Văn B có các thửa đất vườn thuộc tờ bản đồ số 30, được UBND huyện S (nay là huyện C) tỉnh Phú Thọ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 22 tháng 12 năm 1999, diện tích 1.286 m2. Nguồn gốc đất gồm các thửa ruộng 120, 121, 122, 123, 124 và đất ao được chuyển đổi thành đất vườn. Địa chỉ thửa đất: khu P, xã T, huyện C, tỉnh Phú Thọ. Hiện trạng sử dụng thì thửa đất vườn của ông B có tổng diện tích là 1569,2 m2, tăng so với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 283,2 m2. Nguyên nhân tổng diện tích của ông B tăng so với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp năm 1999 là do ông sử dụng bao chiếm thửa đất 125 của UBND xã quản lý và một phần lấn ra đầm Dộc Cỏ, một phần do ông đổi đất cho hộ ông Nguyễn Hắc T. Hiện trạng chiều dài của thửa đất, cạnh chạy song song với đường bê tông xóm của hộ ông B là 45,20 m, tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1999 dài là 45.0 m, hiện trạng sử dụng đất tăng so với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 0,20 m. Nguyên nhân tăng chiều mặt đường là do sai số đo đạc. Ngoài ra ông B còn bao chiếm phần đất giao thông của UBND xã T quản lý để đi vào thửa đất 125 của UBND xã quản lý ở phía trong có chiều dài là 2,90 m diện tích 27.0 m2.

Chiều dài cạnh chạy song song với đường bê tông xóm của thửa đất bà Nguyễn Thị L (tên gọi khác: bà Nguyễn Thị C3), có hiện trạng sử dụng là 77,5 m, trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cạnh này có chiều dài chạy song song với đường bê tông xóm là 77,76 m. Hiện trạng sử dụng tăng so với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 0,26 m, nguyên nhân tăng do sai số đo đạc. Do đó, cả bà L và ông B đều không thiếu đất theo chiều mặt đường.

Ông T đổi đất cho ông B không có giấy tờ nhưng qua kiểm tra hiện trạng sử dụng thì đất của ông T chiều mặt đường không bị thiếu mà chỉ thể hiện sự biến động về mốc giới giữa ông B, ông T ở ranh giới bên trong tại thửa đất 118.

Kết quả đo đạc để giải quyết tranh chấp và tiến hành hoà giải tiền tố tụng của UBND xã T thì các hộ bà L, anh L1 đều chỉ mốc giới của gia đình anh là từ mép bên này của cống thoát nước kéo dài đến giáp mép đất hiện tại đang tranh chấp giữa ông B và ông C1 nên kết quả đo đạc đất nhà bà L thiếu theo chiều dài mặt đường. Hộ ông T chỉ mốc giới nhưng không trừ đi phần diện tích mà ông đã hiến để làm đường giao thông đi liên khu sang gò Chín Giỗ nối với đường C, khu P, tại thửa đất số 118, tờ bản đồ 30, diện tích 225 m2, loại đất 1 lúa. Thửa phía ngoài, chiều dài cạnh giáp mặt đường xóm khi đo đạc không có sự biến động nhưng thửa số 118 ở phía trong có sự biến động về ranh giới (một phần đất của ông B, ông T đang sử dụng). Vì vậy, việc ông B trình bày gia đình ông đổi đất cho ông Thể t chiều dài mặt đường là không có căn cứ. Ông Thể hiện n sử dụng 02 thửa đất của UBND xã Tạ Xá quản lý gồm các thửa 118, 119 (bản đồ 299). Lý do ông sử dụng là do UBND xã đổi đất của gia đình ông để làm trường học. Hiện nay, ông T vẫn đang sử dụng thửa đất 118, 119 chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

UBND xã T, huyện C, đề nghị Toà án nhân dân huyện Cẩm Khê căn cứ vào các tài liệu chứng cứ yêu cầu ông B trả lại cho UBND xã phần đất mà ông đã lấn chiếm có chiều dài theo mặt đường bê tông xóm là 2,90 m, diện tích 27.0 m2, thuộc tờ bản đồ 299 để UBND xã T quản lý và sử dụng vào mục đích chung.

Ông Bùi Ngọc H đại diện theo ủy quyền của UBND huyện C trình bày:

Hộ ông C1 và bà S đã được UBND huyện cấp GCNQSDĐ ngày 29/8/2008 tại thửa đất số 39a, tờ bản đồ số 38 (bản đồ 299) diện tích 300,0m2 loại đất trồng cây lâu năm khác 300,0m2, địa chỉ thửa đất ở khu D (nay là khu P), xã T Nguồn gốc đất: Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ hộ bà L2 (bà L).

Hộ ông B đã được UBND huyện cấp GCNQSDĐ ngày 22/12/1999 tại các thửa số 120 đến 124 đều thuộc tờ bản đồ số 30 (bản đồ 299) tổng diện tích 1.277,0m2, trong đó đất trồng cây lâu năm khác 563,0m2, đất nuôi trồng thủy sản 714,0m2, địa chỉ thửa đất ở khu D (nay khu P), xã T, huyện C.

Việc cấp GCNQSDĐ của UBND huyện đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 254 Bộ luật dân sự thì “Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần diện tích của họ”.

Tại Biên bản xác minh ngày 24/11/2022, ông Bùi Ngọc H có ý kiến: Căn cứ vào kết quả đo vẽ hiện trạng ngày 10/11/2022 nhận thấy ô thửa đất trống thể hiện tại bản đồ giải thửa năm 1986 chưa cấp quyền sử dụng đất cho ai, thửa đất hiện nay ông Dương Văn b đang bao chiếm. Thửa đất thuộc quyền quản lý của UBND xã T, huyện C. Do đó, căn cứ vào quan điểm của UBND xã T là cơ quan quản lý nhà nước về đất đai ở địa phương để giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Những người làm chứng trình bày:

Bà Nguyễn Thị V1 trình bày: Khi bà còn nhỏ thì các hộ gia đình trong khu vẫn đi xuống hồ D để tắm giặt, gặt lúa, canh tác hoa màu. Lối đi xuống Hồ lúc đó chỉ là bờ ruộng rộng khoảng 30 – 40 cm, chỉ đi bộ được, bờ ruộng này nằm trên đất của ông N, bà K (đã bán cho ông B, hiện nay ông N, bà K đều đã chết). Ông B, sau khi mua đất của ông N, bà K đã rào toàn bộ đất nên không ai đi qua bờ ruộng để xuống đầm nữa. Bà không đến Toà án tham gia tố tụng được đề nghị Toà án giải quyết xét xử vắng mặt bà.

Bà Đỗ Thị U trình bày: 02 thửa đất đứng tên ông B trước đây là thuộc quyền sử dụng của bà, thời điểm bà sử dụng từ năm 1975, 1976 đến năm 1993 thì bà chuyển nhượng lại cho ông B. Bà xác nhận từ khoảng năm 1975, 1976 đến năm 1993 thì diện tích đất tranh chấp giữa ông B và ông C1 có lối đi kéo dài từ mép đường giao thông thẳng xuống các ruộng phía sau các thửa đất. Lối đi này rộng khoảng 1,5 m và là đường đất. Bà không đến Toà án tham gia tố tụng được đề nghị Toà án giải quyết xét xử vắng mặt bà.

Ông H1, ông L3, ông L4, bà Đ1 đều thống nhất trình bày: Tại vị trí đất tranh chấp giữa ông B và ông C1 trước kia có bờ ruộng người dân trong khu vẫn đi qua bờ ruộng này để vào canh tác các thửa ruộng ở bên dưới đồng Dộc Cỏ, nhiều người đi qua lại thành thói quyen, lâu dần tạo thành một lối mòn nhỏ, chứ thực chất ở vị trí này không có đường đi. Sau này khi các thửa ruộng phía dưới được tích nước lại trở thành đầm Dộc Cỏ thì không ai đi xuống canh tác nữa, gia đình ông B đã rào lại cải tạo, san lấp đất và sử dụng toàn bộ lối mòn đó. Nay ông B khởi kiện ông C1 thì các ông, bà đề nghị Toà án giải quyết theo quy định của pháp luật. Các ông, bà đều đề nghị Toà án xét xử vắng mặt của ông, bà những gì cần cung cấp thì ông, bà đã cung cấp hết.

Quá trình giải quyết tại Toà án, hai bên đều có đơn đề nghị Tòa án không tiến hành hòa giải đối với việc tranh chấp quyền sử dụng đất giữa hai gia đình. Nguyên đơn ông Dương Văn B đề nghị Toà án nhân dân huyện Cẩm Khê tiến hành xem xét thẩm định và định giá tài sản trên đất để giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.

Căn cứ vào đơn đề nghị xem xét thẩm định của nguyên đơn ông Dương Văn B, ngày 25/02/2022 Toà án nhân nhân huyện C đã tiến hành xem xét thẩm định vị trí, hình thể của diện tích đất tranh chấp và định giá các tài sản trên đất. Tại Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ xác định được phần diện tích đất vườn hộ ông Đỗ Đình C1 đang sử dụng theo hiện trạng là 761,7m2; phần diện tích hộ ông Dương Văn B đang sử dụng theo hiện trạng là 1.585,7m2. Phần diện tích đất đang tranh chấp giữa hộ ông C1 và ông B có diện tích là 32,4 m2. Trên đất có tài sản là 02 đoạn tường gạch đỏ do gia đình ông B xây, đã được Hội đồng định giá huyện C định giá ngày 23/6/2022, gồm:

+ Đoạn 1: có kích thước dài 5,56 m, rộng 0,11 m, cao 1,34 m, có giá 1.620.000 đồng.

+ Đoạn 2: có kích thước dài 0,5 m, rộng 0,11 m, cao 1,34 m, có giá 148.000 đồng.

Tổng cộng: 1.768.000 đồng.

Ngoài ra, trên diện tích đất tranh chấp không có tài sản gì khác.

Tuy nhiên, trong quá trình Toà án đưa vụ án ra xét xử thì UBND xã T đã cung cấp cho Toà án bản đồ giải thửa năm 1986 nền màu xanh nét vẽ trong bản đồ có màu trắng (còn gọi là bản đồ phơ xanh hay bản đồ xanh chỉ trắng). Sau khi xem xét bản đồ nhận thấy: Tại vị trí đất tranh chấp hiện nay (theo bản đồ 299) trước đây, ở vị trí đó tại bản đồ 1986 có một ô thửa đất trống (không có số tờ bản đồ, số thửa đất, diện tích cụ thể) nhưng khi sang bản đồ 299 thì ô thửa đất trống không còn. Do đó, Tòa án xét thấy cần phải tiến hành xem xét thẩm định để xác định vị trí của ô thửa trống tại bản đồ 299 và xác định thửa đất số 125, tờ bản đồ 30 (bản đồ 299) và diện đất đang tranh chấp giữa ông B, ông C1 có phải là ô thửa đất trống tại bản đồ 1986 không và làm rõ quá trình biến động của ô thửa đất trống tại bản đồ 1986 thì mới có đủ cơ sở để giải quyết vụ án.

Do đó, căn cứ Điều 101 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, xét thấy cần thiết phải tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ đối với chiều dài theo mặt đường của đất thổ cư của hộ bà Nguyễn Thị L (tên khác: Nguyễn Thị C3) và đất vườn ông Dương Văn B mà không cần các đương sự phải có yêu cầu xem xét thẩm định.

Ngày 10/11/2022, Toà án nhân dân huyện Cẩm Khê phối hợp với UBND xã T và Phòng Tài nguyên môi trường huyện C tiến hành xem xét thẩm định bằng máy đo điện tử toàn đạc đối với toàn bộ thửa đất thổ cư của hộ bà Nguyễn Thị L, thửa đất vườn hộ ông Dương Văn B và xác định ranh giới giữa đất vườn của ông B với các thửa đất ruộng 118, 119 của ông Nguyễn Hắc T và xác định vị trí, hình thể, diện tích đất đang tranh chấp giữa ông B, ông C1.

Tại buổi làm việc nguyên đơn, đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn, bị đơn đại diện theo uỷ quyền của bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là anh L1 đại diện cho bà L có mặt, ông T được báo làm việc mặc dù đã nhận được giấy triệu tập của Toà án do cán bộ giao công văn của xã T giao nhưng ông T không đến tham gia buổi xem xét thẩm định với lý do không liên quan đến vụ án.

Kết quả xem xét thẩm định ngày 10/11/2022 xác định được như sau: Diện tích đất tranh chấp có chiều dài theo mặt đường xóm là 2,90 m, diện tích 27.0 m2 là loại đất giao thông của UBND xã T quản lý (có sơ đồ trích lục kèm theo). Trên diện tích đất tranh chấp có những tài sản sau: 02 đoạn tường rào xây gạch chỉ, không trát do ông B xây dựng, gồm:

+ Đoạn 1: Có kích thước: dài 5,56 m, rộng 0,11m, cao 1,34m.

+ Đoạn 2: Có kích thước: dài 0,5 m; rộng 0,11m; cao 1,34 m.

Quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên toà nguyên đơn là ông Dương Văn B do anh Dương Văn M đại diện theo uỷ quyền vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện buộc ông C1 phải trả lại diện tích đất đang tranh chấp hiện nay ông C1 đang sử dụng làm lối đi cho gia đình ông. Ông không đồng ý mở lối đi cho ông C1 vào đất của gia đình ông và ông không nhận khoản tiền gì từ phía gia đình ông C1, ông không đồng ý trả lại diện đất đang tranh chấp có diện tích là 27.0 m2 và một phần thửa đất 125 của UBND xã T quản lý có diện tích là 56,9 m2 mặc dù chưa được cấp quyền sử dụng đất nhưng gia đình ông đã cải tạo và sử dụng diện tích đất từ lâu.

Ông Đỗ Đình C1 và người đại diện theo uỷ quyền của ông C1 giữ nguyên quan điểm rút yêu cầu phản tố đối với yêu cầu khởi kiện của ông Dương Văn B và đề nghị ông B phải giữ nguyên lối đi chung của các hộ dân trong khu đã đi trước để xuống dầm Dộc Cỏ. Đề nghị Hội đồng xét xử bác yêu cầu khởi kiện của ông Dương Văn B. Anh Đỗ Ngọc D đại diện cho bà Phạm Thị S nhất trí với ý kiến của ông C1 và người đại diện theo uỷ quyền của ông C1 tại phiên toà.

Quá trình giải quyết vụ án, người đại diện theo uỷ quyền của ông B là anh M, bị đơn ông Đỗ Đình C1 có đơn đề nghị Toà án không tiến hành hòa giải việc tranh chấp quyền sử dụng đất và được Toà án chấp nhận.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2022/DS-ST ngày 23 tháng 12 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ đã:

Căn cứ khoản 9 Điều 26, khoản 1 Điều 147; Điều 156; khoản 1 Điều 157; khoản 2 Điều 158; khoản 1, 3 Điều 165; khoản 2 Điều 166; Điều 219; Điều 244; Điều 271; Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Khoản 1 Điều 170, khoản 1 Điều 164 Luật đất đai.

Điểm đ khoản 1 Điều 12; khoản 1 Điều 26 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Dương Văn B về việc đòi lại diện tích đất tranh chấp có diện tích là 27 m2. Địa chỉ: Khu P, xã T, huyện C, tỉnh Phú Thọ.

Có vị trí tiếp giáp như sau: Phía Bắc giáp đất ông B, phía Nam giáp đường bê tông liên thôn; Phía Đông giáp đất bà L (bà C3) và ông C1; Phía tây giáp đất của UBND xã T quản lý. Chiều dài các cạnh, hình thể đất tranh chấp (có sơ đồ trích lục kèm theo bản án).

Trên diện tích đất tranh chấp có tài sản của ông Dương Văn B xây dựng, gồm:

02 đoạn tường rào xây gạch chỉ, không trát:

- Đoạn 1: dài 5,56 m, rộng 0,11m, cao 1,34 m.

- Đoạn 2: dài 0,5 m; rộng 0,11m; cao 1,34 m.

Đình chỉ yêu cầu phản tố của ông Đỗ Đình C1 (do tự nguyện rút yêu cầu phản tố).

Ngoài ra, Bản án còn tuyên về chi phí tố tụng, án phí, quyền đề nghị thi hành án và quyền kháng cáo.

Ngày 23 tháng 12 năm 2022, ông Dương Văn M là người được ông Dương Văn B và bà Lê Thị C ủy quyền có đơn kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm ngày 23 tháng 12 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.

Ngày 23 tháng 12 năm 2022, ông Dương Văn B kháng cáo một phần bản án dân sự sơ thẩm về buộc gia đình ông phải trả lại cho UBND xã T 27m2 đất để xử dụng vào mục đích công cộng. Do phần diện tích đất này là thuộc quyền sử dụng của gia đình nhà ông.

Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết buộc UBND xã T phải trả lại đất cho gia đình ông.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Dương Văn M trình bày 02 đơn kháng cáo của ông đề ngày 23/12/2022, tại cấp sơ thẩm, ông đã rút 02 đơn kháng cáo này, ông chỉ nhất trí theo đơn kháng cáo của ông Dương Văn B đề nghị Ủy ban nhân dân xã T, huyện C trả lại cho ông bảo 27m2 đất. Tại phiên tòa hôm nay, ông M vẫn đề nghị xin rút 02 đơn kháng cáo của ông đề ngày 23/12/2022. Đề nghị Tòa án xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của ông B.

Phía ông Dương Văn B giữ nguyên yêu cầu kháng cáo của ông đề ngày 23/12/2022 và đề nghị Ủy ban nhân dân xã T trả lại cho gia đình ông 27m2 đất.

Bị đơn ông Đỗ Đình C1 và người được người được ông C1 ủy quyền là ông Hà Văn V, ông Đỗ Ngọc D là người đại diện theo ủy quyền của bà S đều có ý kiến: Do ông B kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm buộc Ủy ban nhân dân xã T, huyện C trả lại 27m2 đất, do đối tượng theo yêu cầu kháng cáo của ông B không liên quan đến vụ án nên đều không có quan điểm gì.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng dân sự kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án đều tuân theo Bộ luật tố tụng dân sự.

Phát biểu về quan điểm nội dung vụ án: Không chấp nhận kháng cáo của ông Dương Văn B và ông Dương Văn M.

Áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự: Giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 01/2022/DS-ST ngày 23 tháng 12 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Về án phí phúc thẩm: Ông Dương Văn B là người cáo tuổi nên không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được xem xét tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở ý kiến trình bày của các bên đương sự, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ tham gia phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận thấy:

[1] Về tố tụng: Về hình thức đơn kháng cáo của ông Dương Văn M và ông Dương Văn B làm trong luật định, đơn hợp lệ.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 27/2023/QĐXXPT-DS ngày 27/3/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ mở phiên tòa vào hồi 13 giờ 30 phút ngày 14/4/2023, tại phiên tòa ngày 14/4/2023, ông Dương Văn B và bà Lê Thị C nguyên đơn, anh Dương Văn M là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn; UBND xã T, huyện C; UBND huyện C; ông Nguyễn Hắc T và bà Nguyễn Thị C2, anh Phạm Quang L5 là người đại diện theo ủy quyền của bà L là người có quyền, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa. Căn cứ Điều 277, 233, 235 và Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa. Tại phiên tòa phúc thẩm và ấn định mở lại phiên tòa vào hồi 14 giờ 00 phút ngày 25/4/2023. Tại phiên tòa ngày 25/4/2023, đại diện theo ủy quyền của UBND huyện C có đơn xin xét xử vắng mặt, đại diện UBND xã T có đơn xin xét xử vắng mặt, ông Nguyễn Hắc T và bà Nguyễn Thị C2 đã được triệu tập hợp lên nhưng vắng mặt phiên tòa lần 2 nên Hội đồng tiếp tục đưa vụ án ra xét xử theo quy định theo khoản 3 Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự.

Tại phiên tòa phúc thẩm, anh Dương Văn M là người được ông Dương Văn B và bà Lê Thị C ủy quyền tham gia tố tụng và ông Dương Văn B xin rút yêu cầu kháng cáo theo đơn kháng cáo đề ngày 23/4/2023 có nội dung kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm ngày 23 tháng 12 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.

[2] Xét về nội dung kháng cáo, Hội đồng xét xử xét thấy:

Đối với kháng cáo của anh Dương Văn M: Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Dương Văn M trình bày 02 đơn kháng cáo của anh đề ngày 23/12/2022 có nội dung kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, tại cấp sơ thẩm anh đã rút 02 đơn kháng cáo này, anh chỉ nhất trí theo đơn kháng cáo của ông Dương Văn B đề nghị Ủy ban nhân dân xã T, huyện C trả lại cho ông B 27m2 đất. Tại phiên tòa phúc thẩm, anh M và ông B đều trình bày đã rút từ khi hồ sơ còn ở cấp sơ thẩm, do vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét nội dung kháng cáo này.

Đối với kháng cáo của ông Dương Văn b đề ngày 23 tháng 12 năm 2022, ông B kháng cáo một phần bản án dân sự sơ thẩm về buộc gia đình ông phải trả lại cho UBND xã T 27m2 đất để sử dụng vào mục đích công cộng do phần diện tích đất này là thuộc quyền sử dụng của gia đình nhà ông. Ông yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết buộc Ủy ban nhân dân xã T, huyện C phải trả lại đất cho gia đình ông, Hội đồng xét xử xét thấy:

Theo đơn khởi kiện của ông Dương Văn B và bà Lê Thị C yêu cầu ông C1 trả lại cho gia đình ông diện tích 27m2 đất và không cho gia đình ông C1 sử dụng làm lối đi nữa. Tòa án cấp sơ thẩm đã thu thập các tài liệu, chứng cứ tại một số hộ dân xung quang, sơ đồ xem xét thẩm định tại chỗ, căn cứ vào biên bản cung cấp chứng cứ và biên bản xác minh của UBND xã T và UBND huyện C thì phần đất đang tranh chấp giữa ông B và ông Cầu là phần đất công thuộc quyền quản lý của UBND xã T, huyện C. Do vậy, cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông B và bà C. Do vậy, xác định yêu cầu khởi kiện của ông B và bà C buộc ông C1 trả lại phần đất mà ông C1 làm cổng đi cho gia đình ông B và bà C. Việc ông B kháng cáo với nội dung buộc Ủy ban nhân dân xã T, huyện C phải trả lại cho gia đình ông 27m2 đất là không đúng theo yêu cầu khởi kiện và vượt quá yêu cầu kháng cáo, vì vậy, kháng cáo của ông không được chấp nhận nên cần bác yêu cầu kháng cáo của ông và giữ nguyên bản án của cấp sơ thẩm.

[3] Về án phí: Do yêu cầu kháng cáo của ông B không được chấp nhận nhưng ông B là người cao tuổi nên được miễn án phí dân sự phúc thẩm.

[4] Về quan điểm việc giải quyết vụ án của Kiểm sát viên trình bày tại phiên tòa là có căn cứ nên được chấp nhận.

[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị, Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự.

[I] Xử: Không chấp nhận kháng cáo của ông Dương Văn B.

[II] Giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 01/2022/DS-ST ngày 23 tháng 12 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.

[1]. Căn cứ khoản 9 Điều 26, khoản 1 Điều 147; Điều 156; khoản 1 Điều 157; khoản 2 Điều 158; khoản 1, 3 Điều 165; khoản 2 Điều 166; Điều 219; Điều 244; Điều 271; Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Khoản 1 Điều 170, khoản 1 Điều 164 Luật đất đai. Điểm đ khoản 1 Điều 12; khoản 1 Điều 26 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

[2]. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Dương Văn B về việc đòi lại diện tích đất tranh chấp có diện tích là 27 m2. Địa chỉ: khu P, xã T, huyện C, tỉnh Phú Thọ.

Có vị trí tiếp giáp như sau: Phía Bắc giáp đất ông B, phía Nam giáp đường bê tông liên thôn; Phía Đông giáp đất bà L (bà C3) và ông C1; Phía Tây giáp đất của UBND xã T quản lý. Chiều dài các cạnh, hình thể đất tranh chấp (có sơ đồ trích lục kèm theo bản án).

Trên diện tích đất tranh chấp có tài sản của ông Dương Văn B xây dựng, gồm:

02 đoạn tường rào xây gạch chỉ, không trát:

- Đoạn 1: dài 5,56 m, rộng 0,11m, cao 1,34 m.

- Đoạn 2: dài 0,5 m; rộng 0,11m; cao 1,34 m.

[3]. Đình chỉ yêu cầu phản tố của ông Đỗ Đình C1 (do tự nguyện rút yêu cầu phản tố).

[4]. Về án phí dân sự sơ thẩm: Ông Dương Văn B, bà Lê Thị C được miễn án phí dân sự sơ thẩm.

Trả lại cho ông Đỗ Đình C1 tiền tạm ứng lệ phí dân sự sơ thẩm của việc phản tố đã nộp là 300.000 đ (Ba trăm nghìn đồng) theo biên lại thu tiền tạm ứng lệ phí số 0007875 ngày 21/7/2022 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Cẩm Khê.

[5]. Về chi phí tố tụng: Xác nhận ông B, bà C đã nộp xong tiền chi phí tố tụng cho việc xem xét thẩm định và định giá tài sản số tiền là 2.400.000đ (Hai triệu bốn trăm nghì đồng).

Ông Đỗ Đình C1 không phải chịu chi phí tố tụng theo quy định tại các Điều 165, Điều 166 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[6]. Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông B là người cao tuổi nên được miễn án phí dân sự phúc thẩm.

Trường hợp bản án được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự , người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

7
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất số 28/2023/DS-PT

Số hiệu:28/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Phú Thọ
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:25/04/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về