Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất số 23/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN

BẢN ÁN 23/2023/DS-PT NGÀY 29/03/2023 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 29 tháng 3 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên, mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 117/2022/DS-PT ngày 12 tháng 12 năm 2022 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất”. Do bản án dân sự sơ thẩm số: 28/2022/DS-ST ngày 18/10/2022 của Toà án nhân dân huyện Tuy An bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 38/2023/QĐ- PT ngày 23/02/2023 và Thông báo mở phiên tòa trực tuyến ngày 07/3/2023, giữa:

* Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn C, sinh năm 1973; Địa chỉ: Thôn T, xã A, huyện T, tỉnh Phú Yên. Có mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn G, sinh năm 1964; Địa chỉ: Thôn T, xã A, huyện T, tỉnh Phú Yên. Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Trịnh Bình T – Luật sư Văn phòng luật sư D thuộc Đoàn Luật sư, tỉnh Phú Yên; Địa chỉ: Số 76, đường N, phường N, thành phố T, tỉnh Phú Yên. Có mặt.

* Bị đơn:

1. Ông Đoàn Văn M, sinh năm 1969; Địa chỉ: Thôn T, xã A, huyện T, tỉnh Phú Yên. Có mặt.

2. Bà Lê Thị H, sinh năm 1964; Địa chỉ: Thôn T, xã A, huyện T, tỉnh Phú Yên. Có mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông Đoàn Văn M: Ông Đoàn Văn B, sinh năm 1956; Địa chỉ: Thôn T, xã A, huyện T, tỉnh Phú Yên. Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn ông Đoàn Văn M: Ông Trần Danh T - Luật sư Văn phòng luật sư Trần D, thuộc Đoàn Luật sư, tỉnh Phú Yên; Địa chỉ: Số 73, đường T, thị trấn C, huyện T, tỉnh Phú Yên. Có mặt.

* Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

1. Ủy ban nhân dân huyện T, tỉnh Phú Yên, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt

2. Ủy ban nhân dân xã A, huyện T, tỉnh Phú Yên, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

3. Người đại diện Hạt Kiểm Lâm huyện T, tỉnh Phú Yên: Ông Phạm Ngọc P sinh năm 1969 – Chức vụ kiểm lâm viên, vắng mặt.

* Người làm chứng:

1. Ông Nguyễn Văn S, sinh năm 1941; Địa chỉ: Thôn T, xã A, huyện T, tỉnh Phú Yên. Vắng mặt.

2. Ông Nguyễn L, sinh năm 1950; Địa chỉ: Thôn T, xã A, huyện T, tỉnh Phú Yên. Vắng mặt.

3. Ông Trần Văn G, sinh năm 1950; Địa chỉ: Thôn L, xã P, huyện T, tỉnh Bình Thuận. Có mặt.

4. Ông Trần C, sinh năm 1941; Địa chỉ: Thôn L, xã P, huyện T, tỉnh Bình Thuận. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện, các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án và tại phiên tòa, ông Nguyễn Văn G người đại diện theo ủy quyền cùng ông Trịnh Bình T người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày: Năm 1975, ông Nguyễn B, bà Trần Thị L là cha mẹ ông C khai hoang một diện tích đất trồng rừng tại Bãi Dài toạ lạc thôn T, xã A, huyện T, tỉnh Phú Yên. Đến năm 1982, do mưa bão, khó khăn, khắc nghiệt nên về xóm Giã, thôn T sinh sống nhưng vẫn qua lại Bãi Dài canh tác, sản xuất trên diện tích đất khai hoang. Đến năm 1996, cha mẹ ông C đăng ký trồng rừng theo dự án PAM-4304, được cấp sổ lâm bạ và Ủy ban nhân dân huyện T Quyết định về việc giao đất lâm nghiệp cho gia đình ông C do ông Nguyễn M đứng tên có diện tích 01 ha. Sau khi nhận quyền sử dụng đất, gia đình ông Nguyễn B trực tiếp canh tác, sử dụng. Đất có giới cận: Phía Đông giáp đất xóm dừa, phía Tây giáp đất trồng phi lao của ông Nguyễn Hoàng P, phía Nam giáp sông cái, phía Bắc giáp bãi cát ngoài, hiện trên đất trồng cây phi lao, bạch đàn, dừa. Hiện nay do ông C trực tiếp quản lý, sử dụng diện tích đất nói trên. Năm 1999 bà L chết, năm 2009 ông B chết cả hai không để lại di chúc. Đến năm 2013 ông M chết, khi ông M chết không để lại di chúc nên các anh chị em ông C cùng vợ, con ông M thống nhất để lại thửa đất nêu trên cho ông C trọn quyền canh tác, sử dụng ổn định, không ai tranh chấp. Đến năm 2018, ông Đoàn M (Đoàn Văn M), bà Lê Thị H đã tự ý trồng trụ bê tông lấn chiếm khoảng 500m2 thuộc một phần diện tích đất của ông C đang quản lý sử dụng, có giới cận: phía Đông giáp đất còn lại của ông C đang sử dụng, phía Tây giáp đất ông Nguyễn Hoàng P, phía Nam giáp Sông cái, phía Bắc giáp bãi cát ngoài. Qua Biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ của Tòa án nhân dân huyện T ngày 24/02/2021 và đo đạc thực tế diện tích đất theo mảnh trích đo chỉnh lý bản đồ địa chính khu đất có tổng diện tích 6.558,2m2 (trong đó, diện tích 2.267,4m2 đất tranh chấp), có giới cận: Đông giáp đất bà Nguyễn Thị Đ, Tây giáp Lăng B, Nam giáp đất ông Nguyễn Văn S, Bắc giáp Vịnh X. Ông C thống nhất với diện tích đất đo đạc theo thực tế. Ông C giữ nguyên yêu cầu khởi kiện đề nghị Tòa án công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp cho ông C. Trên đất đang tranh chấp có một số cây bạch đàn do ông M trồng, ông C nghĩ số cây bạch đàn này do bà Đ trồng để làm củi, lấy gỗ sửa Lăng nên đồng ý để tồn tại trên đất nhưng nay biết số cây bạch đàn do ông M trồng, ông C yêu cầu Tòa án buộc bị đơn chấm dứt hành vi cản trở quyền sử dụng đất; phải tháo dở các trụ bê tông và thu hoạch các cây bạch đàn để trả lại quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Văn C.

* Bị đơn ông Đoàn Văn M, bà Lê Thị H cùng ông Đoàn Văn B được ông M ủy quyền và ông Trần Danh T người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn thống nhất trình bày: Nguồn gốc diện tích đất đang tranh chấp của ông Đoàn S, bà Trần Thị T là cha mẹ ông M, bà H khai hoang từ năm 1942. Sau khi khai hoang ông S, bà T sử dụng diện tích đất khai hoang cho đến năm 1960, ông S, bà T không sử dụng diện tích đất này nữa, do phải đi tản cư, từ khi khai hoang ông S, bà T không được cấp giấy công nhận quyền sử dụng đất (do chiến tranh nên không có cá nhân nào được cấp giấy công nhận quyền sử dụng đất). Sau ngày giải phóng, ông S, bà T quay lại tiếp tục sử dụng diện tích đất để trồng khoai, sắn (đến nay ông S, bà T đều đã chết). Từ năm 2008, ông M trực tiếp canh tác sử dụng diện tích đất nêu trên và trồng thêm cây bạch đàn, đào, dừa (có 02 cây dừa cổ thụ, trên 70 năm tuổi). Ông Đoàn Văn M đã làm đơn xin phép trồng cây gây rừng chắn sóng viết năm 2007, được Ủy ban nhân dân xã xác nhận vào ngày 24/6/2008., được xem như đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Đoàn Văn M. Bị đơn ông M, bà H không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, không đồng ý tháo dở các trụ bê tông và thu hoạch cây bạch đàn. Đề nghị Tòa án công nhận diện tích đất nêu trên thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông M, bà H; yêu cầu huỷ sổ lâm bạ của Hạt kiểm lâm huyện T và Quyết định giao đất của Uỷ ban nhân dân huyện T cấp cho ông Nguyễn M.

* Những người làm chứng do bị đơn yêu cầu: Ông Nguyễn Văn S, ông Nguyễn L, ông Trần Văn G, ông Trần C thống nhất cùng trình bày có biết ông B và ông S đều canh tác ở Bãi Dài nhưng không xác định được nguồn gốc đất đang tranh chấp do ai sử dụng.

* Những người có quyền lợị, nghĩa vụ liên quan:

- Đại diện Ủy ban nhân dân xã A vắng mặt, nhưng có lời trình bày về nguồn gốc đất đang tranh chấp: Năm 1995 đo đạc đất theo Chỉ thị 299 của Chính phủ. Diện tích đất tại khu xóm Bà Bĩnh không có nhà ở. Theo chương trình PAM (trồng cây gây rừng, vùng biển), ông Nguyễn B kê khai với Ban quản lý dự án PAM, tại Ủy ban xã A. Ông B kê khai có dừa đang trồng trên đất và thời điểm đó không ai sử dụng, xung quanh trồng cây bàn chải nên Hạt kiểm lâm huyện T giao cho ông Nguyễn M (thực tế giao cho ông Nguyễn B người trồng cây nhưng do cách gọi của địa phương thường gọi tên của người con đầu nên ghi là Nguyễn M). Đặc điểm Bãi dài lúc bồi, lúc lở nên diện tích giao cho ông B đến thời điểm hiện nay có thể không đủ diện tích 1 ha. Khoảng năm 2008, ông M có xin trồng rừng chắn sóng, Ủy ban nhân dân xã xác nhận cho ông M trồng rừng chắn sóng và hưởng lợi trên cây trồng. Ủy ban nhân dân xã khẳng định không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Đoàn S, bà Trần Thị T tại xóm Bình Sa (xóm Bà Bĩnh), thuộc thôn T, xã A, huyện T. Nhà nước không công nhận việc đòi lại đất cũ của bất kỳ cá nhân nào.

- Đại diện Hạt kiểm lâm huyện T vắng mặt, nhưng có lời trình bày việc cấp sổ lâm bạ: Năm 1996 Nhà nước có chương trình trồng rừng PAM, ông Nguyễn B kê khai xin được cấp đất trồng rừng nên đăng ký tại địa phương, tổng hợp danh sách gửi cho Hạt kiểm lâm huyện T cấp sổ lâm bạ và trình Ủy ban nhân dân huyện T ra Quyết định. Đến năm 1999 - 2000 toàn bộ hồ sơ đất đai do phòng Tài nguyên và Môi trường huyện T quản lý nên Hạt kiểm lâm đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho phòng Tài nguyên và Môi trường. Hạt kiểm lâm huyện T không lưu giữ hồ sơ đất đai.

- Đại diện Ủy ban nhân dân huyện T vắng mặt, nhưng có lời trình bày: Diện tích đất 6.558,2m2 (trong đó có 2.267,4m2 đất tranh chấp), theo mảnh trích đo chỉnh lý bản đồ địa chính khu đất tại biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 24/02/2021 của Tòa án nhân dân huyện T. Tại Quyết định giao đất của Ủy ban nhân dân huyện T, tỉnh Phú Yên đã giao quyền sử dụng đất khoảng 01 ha cho ông Nguyễn M; Địa chỉ: Thôn T, xã A, huyện T, tỉnh Phú Yên, theo bản đồ đo đạc năm 1993, 1997 thể hiện đo bao. Năm 2012, bản đồ lâm nghiệp thể hiện thửa số 01, diện tích 7.616,3 m2, loại đất trồng rừng sản xuất. Đất có nguồn gốc do ông Nguyễn B, bà Trần Thị L khai hoang. Năm 1995 đo đạc đất theo Chỉ thị 299 của Chính phủ, diện tích đất tranh chấp là diện tích đo bao nên không thể hiện trên bản đồ. Ủy ban nhân dân huyện T thống nhất lời trình bày của Ủy ban nhân dân xã A về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất, tình trạng tranh chấp sử dụng đất. Diện tích đất nêu trên đo đạc năm 2012 thể hiện 7.616,3m2, đo đạc thực tế theo mảnh đo chỉnh lý bản đồ địa chính năm 2022 (tại biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ của Tòa án nhân dân huyện T) có diện tích thực tế 6.558,2m2 (diện tích đất các bên đang tranh chấp 2.267,4m2). Lý do có sự thay đổi số liệu là do sai số trong quá trình đo đạc và sự xâm lấn của nước biển nên có sự biến động về diện tích. Diện tích đất tại thửa đất nêu trên, hiện nay chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đất không thuộc diện quy hoạch, đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân theo Điều 99 Luật đất đai năm 2013.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 28/2022/DS-ST ngày 18/10/2022 của Toà án nhân dân huyện T đã quyết định:

Áp dụng Điều 35; Điều 147; Điều 227, Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 105, Điều 107; Điều 115 và Điều 199 của Bộ luật dân sự; Điều 99, Điều 166 Luật đất đai; Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Văn C. Công nhận quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Văn C và giao diện tích đất 2.267,4m2 thuộc một phần trong thửa 01 bản đồ ảnh lâm nghiệp hàng không, đo dạc năm 2012, đất có giới cận: Bắc giáp Vịnh X, Nam giáp đất ông nguyễn Bá C, Tây giáp đất lăng B, Đông giáp đất ông Nguyễn Văn C cho ông Nguyễn Văn C quản lý, sử dụng (Có sơ đồ thửa đất kèm theo).

Ông Nguyễn Văn C có trách nhiệm liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Về các tài sản trên đất: Buộc ông M, bà H có nghĩa vụ di dời các trụ bê tông do ông, bà trồng trên đất đang tranh chấp, thu hoạch 13 cây bạch đàn. Ông Nguyễn Văn C được tiếp tục quản lý, sử dụng 03 cây dừa đang có trái; 01 cây keo lá tràm.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về nghĩa vụ chịu án phí, chi phí tố tụng khác, quyền yêu cầu thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 31/10/2022, bị đơn ông Đoàn Văn M có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện.

Bị đơn giữ nguyên ý kiến trình bày và nội dung kháng cáo.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và Người làm chứng giữ nguyên ý kiến trình bày.

Ý kiến của Kiểm sát viên, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký trong quá trình giải quyết vụ án tại phiên tòa tiến hành tố tụng đúng pháp luật tố tụng dân sự, các đương sự tham gia tố tụng chấp hành đúng pháp luật.Về giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu tài liệu chứng cứ có tại hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến các bên đương sự, Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng: Mặc dù một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai nhưng vắng mặt và đều có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Xét sự vắng mặt của họ không gây trở ngại cho việc xét xử, không ảnh hưởng đến quyền lợi của họ nên chấp nhận ý kiến của các đương sự và Kiểm sát viên. Căn cứ Điều 227, 228 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án tiến hành xét xử vụ án.

[2] Xét kháng cáo của bị đơn ông Đoàn Văn M, Hội đồng xét xử thấy:

Nguồn gốc diện tích 2.267,4m2 đất tranh chấp thuộc một phần trong diện tích đất 6.558,2m2, theo mảnh trích đo chỉnh lý bản đồ địa chính khu đất tại biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 24/02/2021 của Tòa án nhân dân huyện T đã được Ủy ban nhân dân huyện T ban hành Quyết định giao quyền sử dụng đất 01 ha cho ông Nguyễn M; Địa chỉ: Thôn T, xã A, huyện T, tỉnh Phú Yên. Qua đối soát bản đồ địa chính đo đạc năm 1993, 1997 thể hiện đo bao. Năm 2012, bản đồ lâm nghiệp thể hiện thửa số 01, diện tích 7.616,3 m2, loại đất trồng rừng sản xuất, do ông Nguyễn B, bà Trần Thị L khai hoang. Năm 1995 đo đạc theo Chỉ thị 299 của Chính phủ, diện tích đất tranh chấp là diện tích đo bao nên không thể hiện trên bản đồ.

[3] Mặt khác, Ủy ban nhân dân huyện T đã cung cấp, xác nhận cụ thể sự biến động diện tích hằng năm của thửa đất đang tranh chấp phù hợp với lời trình bày của Ủy ban nhân dân xã A về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất, tình trạng tranh chấp sử dụng đất, diện tích đo đạc năm 2012 đều thể hiện 7.616,3m2, đúng với sự biến động, đo đạc thực tế tại mảnh trích đo chỉnh lý bản đồ địa chính năm 2022 phù hợp với mảnh trích đo chỉnh lý bản đồ địa chính khu đất tại biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 24/02/2021của Tòa án nhân dân huyện T có diện tích thực tế 6.558,2m2 (trong đó diện tích đất các bên đang tranh chấp 2.267,4m2) hiện nay chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lý do có sự thay đổi số liệu là do sai số trong quá trình đo đạc và sự xâm lấn của nước biển nên có sự biến động về diện tích. Diện tích đất tại thửa đất nêu trên, không thuộc diện quy hoạch, đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định tại Điều 99 Luật đất đai năm 2013.

[4] Hơn nữa, bị đơn ông M cho rằng khoảng năm 2008, ông M có xin trồng rừng chắn sóng, Ủy ban nhân dân xã xác nhận cho ông M trồng rừng chắn sóng và hưởng lợi trên cây trồng nên việc ban hành Quyết định và cấp sổ lâm bạ cho ông Nguyễn M là không đúng giới cận, yêu cầu huỷ cả sổ lâm bạ của Hạt kiểm lâm huyện T cùng với Quyết định giao đất của Uỷ ban nhân dân huyện T đã cấp cho ông Nguyễn M. Hội đồng xét xử thấy, quá trình xác minh, thu thập chứng cứ tại Tòa án cấp sơ thẩm đều thể hiện rõ trong bản vẽ đo đạc thực tế đúng theo ranh giới tứ cận, không ảnh hưởng đến quyền lợi của bị đơn. Xét việc cấp đất, giao rừng theo dự án PAM Ủy ban nhân dân xã A thực hiện đúng quy trình, thành lập Ban quản lý có đoàn trực tiếp đi kiểm tra, khảo sát thực tế theo hiện trạng đã xác định ông Nguyễn B có trồng rừng dừa và dương nên đưa vào chương trình PAM. Tuy nhiên, diện tích thửa đất có tăng giảm là công nghệ đo đạc nhưng ranh giới, tứ cận không thay đổi. Do đó, mặc dù ông S, bà T có sử dụng diện tích đất tranh chấp trong một thời gian nhưng không đăng ký, không kê khai đất đai tại địa phương qua các kỳ đo đạc nên không có cơ sở xem xét. Tuy nhiên, vào năm 2007 ông M có đơn đề nghị trồng rừng, được xã xác nhận ngày 24/6/2008, bản thân cán bộ địa chính trực tiếp đi kiểm tra thực tế. Lúc đó đã có cây dừa và dương của ông B trồng. Lúc kiểm tra, đại diện của người họ Đoàn có xin đất trồng rừng và chỉ ngoài ranh giới của ông Nguyễn B nên Ủy ban nhân dân xã A đồng ý cho phép. Quá trình trồng cây do xâm lấn nước biển nên diện tích đất trồng rừng của ông M hiện nay bị xói mòn, không còn thực tế nên không chấp nhận yêu cầu của bị đơn như nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm là có cơ sở, đúng pháp luật.

[5] Riêng về tài sản trên đất: Tại thời điểm Tòa án cấp sơ thẩm định giá tài sản, gồm: 03 cây dừa đang có trái; 13 cây bạch đàn; 01 cây keo lá tràm và một số trụ bê tông do ông M, bà H trồng. Các đương sự thống nhất, không yêu cầu định giá trụ bê tông. Nên có đủ căn cứ chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, cần buộc ông M, bà H có nghĩa vụ di dời các trụ bê tông do ông, bà trồng và thu hoạch 13 cây bạch đàn trả lại diện tích đất tranh chấp cho ông Nguyễn Văn C sử dụng theo quy định pháp luật.

[5] Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử thấy nội dung kháng cáo của bị đơn là không có căn cứ và tại phiên tòa phúc thẩm người kháng cáo cũng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh nào mới; xét lời đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa là có cơ sở. Nên Hội đồng xét xử không chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của bị đơn ông Đoàn Văn M. Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm là phù hợp với quy định pháp luật.

[6] Về án phí phúc thẩm: Do kháng cáo của bị đơn ông Đoàn Văn M không được chấp nhận nên ông M phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; không chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của bị đơn ông Đoàn Văn M. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm.

Căn cứ Điều 35, Điều 147, Điều 227, Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Áp dụng Điều 105, Điều 107, Điều 115, Điều 199 Bộ luật dân sự năm 2015;

Điều 99, Điều 166 Luật đất đai năm 2013; các Điều 26, 27, 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Văn C. Công nhận quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Văn C và giao diện tích đất 2.267,4m2 thuộc một phần trong thửa 01, bản đồ ảnh lâm nghiệp hàng không, đo dạc năm 2012, đất có giới cận: Bắc giáp Vịnh X, Nam giáp đất ông nguyễn Bá C, Tây giáp đất Lăng B, Đông giáp đất ông Nguyễn Văn C cho ông Nguyễn Văn C quản lý, sử dụng (Có sơ đồ thửa đất kèm theo).

Ông Nguyễn Văn C có trách nhiệm liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

2. Về các tài sản trên đất: Buộc ông M, bà H có nghĩa vụ di dời các trụ bê tông do ông, bà trồng trên đất đang tranh chấp, thu hoạch 13 cây bạch đàn. Ông Nguyễn Văn C được tiếp tục quản lý, sử dụng 03 cây dừa đang có trái; 01 cây keo lá tràm.

3. Về chi phí tố tụng khác: Ông Đoàn Văn M, bà Lê Thị H mỗi người phải chịu 4.500.000đ (Bốn triệu năm trăm nghìn đồng) chi phí đo vẽ; xem xét, thẩm định tại chỗ; định giá tài sản. Nguyên đơn đã tạm ứng nên mỗi bị đơn phải hoàn trả cho nguyên đơn số tiền 4.500.000đ (Bốn triệu năm trăm nghìn đồng).

4. Về án phí: Bị đơn ông Đoàn Văn M phải chịu 300.000đ tiền án phí dân sự phúc thẩm nhưng được khấu trừ 300.000đ tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp tại Biên lai thu tiền số 0005669 ngày 09/11/2022 của Chi cục thi hành án dân sự huyện T. Bị đơn ông Đoàn Văn M, bà Lê Thị H mỗi người phải chịu 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Hoàn lại cho ông Nguyễn Văn C 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí tại Biên lai thu tiền số 0011591, ngày 12/6/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện T.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

147
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất số 23/2023/DS-PT

Số hiệu:23/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Phú Yên
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 29/03/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về