TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU
BẢN ÁN 119/2024/DS-PT NGÀY 12/03/2024 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Trong các ngày 05, 29 tháng 01 và ngày 12 tháng 3 năm 2024 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 431/2023/TLPT-DS ngày 03 tháng 11 năm 2023 về việc: Tranh chấp quyền sử dụng đất.
Do bản án dân sự sơ thẩm số: 305/2023/DS-ST ngày 30 tháng 8 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 297/2023/QĐ-PT ngày 22 tháng 11 năm 2023 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn :
1. Ông Trần Công T1, sinh năm 1973 (Vắng mặt);
2. Bà Lê Kim X, sinh năm 1972 (Vắng mặt);
Cùng địa chỉ cư trú: Khóm 6B, thị trấn S, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Người đại diện hợp pháp theo ủy quyền của ông T1 và bà X:
Ông Đường Minh T3, sinh năm 1970 (Có mặt);
Địa chỉ cư trú: Khóm 7, thị trấn S, huyện T, tỉnh C.
Bà Trần Nhật T4, sinh năm 1994 (Có mặt);
Địa chỉ cư trú: Khóm 1, thị t, huyện P, tỉnh C ..
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông T1 và bà X: Ông Trần Văn Đ, là Luật sư của Chi nhánh Công ty Luật TNHH MTV Công Hùng và Cộng sự tại Cà Mau (Có mặt).
- Bị đơn :
1. Ông Nguyễn Văn D, sinh năm 1967 (Có mặt);
2. Bà Nguyễn Thị T2, sinh năm 1969 (Có mặt);
Cùng địa chỉ cư trú: Ấp B, xã K, huyện T, tỉnh C ..
Người đại diện hợp pháp theo uỷ quyền của ông D và bà T2:
Ông Phan Hoàng B, sinh năm 1959 (Có mặt);
Địa chỉ cư trú: Đường H, khóm 6, phường 6, thành phố C, tỉnh C.
Ông Nguyễn Giang Tr, sinh năm 1966 (Có mặt);
Địa chỉ cư trú: Tổ 4, khu phố 2, thị trấn Ph, huyện P, tỉnh B .
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Ủy ban nhân dân huyện T, tỉnh C (Vắng mặt); Địa chỉ: Khóm 9, thị trấn T, huyện T, tỉnh C.
2. Ông Nguyễn Quốc Q (Vắng mặt);
3. Bà Phan Diễm P (Vắng mặt);
Cùng địa chỉ cư trú: Ấp B, xã K, huyện T, tỉnh C ..
Người đại diện theo ủy quyền của ông Q và bà P: Ông Nguyễn Văn D (là bị đơn trong vụ án) 4. Ngân hàng N – Chi nhánh huyện T , tỉnh C;
Địa chỉ: Đường L, phường T, quận B, thành phố H (Vắng mặt)
- Người kháng cáo: Ông Nguyễn Văn D và bà Nguyễn Thị T2, là bị đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Theo nguyên đơn trình bày: Vào khoảng năm 1960, bà Trần Thị H và ông Nguyễn Văn B (là cha, mẹ của ông D; là cô, dượng của ông T1) có cho ông, bà nội của ông T1 là ông Trần Công Minh và bà Lê Thị Thảo phần đất ngang 6m, dài từ mặt tiền (kênh Bảy Ghe) đến cuối hậu đất của bà H và ông B (giáp với đất ông Minh, bà Thảo) khoảng 400m để là đường đi và đường xổ nước làm ruộng (do phần đất của ông Minh và bà Thảo nằm ở phía trong), việc cho đất không làm giấy tờ. Sau đó, ông Minh và bà Thảo cho lại cha ông T1 là Trần Văn Trọng; ông Trọng sử dụng đến năm 1994 cho lại ông T1. Ông T1 sử dụng đất đến tháng 9/2021 thì xảy ra tranh chấp, do ông T1 cho em ông T1 cất nhà trên phần đất thì ông D và bà T2 ngăn cản, cho rằng phần đất của ông D và bà T2 được cấp quyền sử dụng đất. Do đó, ông T1 và bà X khởi kiện yêu cầu ông D và bà T2 tách quyền sử dụng đất, giao lại phần đất ngang 6m, dài 400m (diện tích theo đo đạc thực tế là 2.243,9m2 ) cho ông T1 và bà X để làm lối đi.
- Theo bị đơn trình bày: Phần đất tranh chấp có nguồn gốc là của ông Nguyễn Văn B và bà Trần Thị H (cha, mẹ ông D), được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 28/02/1995 đứng tên ông Nguyễn Văn B. Đến năm 2002, ông D được ông B và bà H cho lại diện tích đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 13.570m2, trong đó có phần đất hiện nay tranh chấp mà cha mẹ ông D cho ông Minh và bà Thảo mượn làm lối đi từ trước đến nay (thửa 74, diện tích là 2.900m2). Ông D xác định phần đất tranh chấp nêu trên là của cha mẹ ông trước đây chỉ cho ông Minh và bà Thảo mượn để làm lối đi, chứ không phải cho vĩnh viễn. Ông D và bà T2 không đồng ý theo yêu cầu của nguyên đơn; ông D và bà T2 vẫn thống nhất cho nguyên đơn tiếp tục mượn phần đất tranh chấp để sử dụng làm lối đi đến suốt đời, nhưng nguyên đơn không được cất nhà trên phần đất này.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 305/2023/DS-ST ngày 30 tháng 8 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời quyết định:
Chấp nhận yêu cầu nguyên đơn ông Trần Công T1 và bà Lê Kim X.
Buộc bị đơn ông Nguyễn Văn D, bà Nguyễn Thị T2 và ông Nguyễn Quốc Q, Phan Diễm P phải tách quyền sử dụng và giao lại diện tích đất là 2.343,9m2 (loại đất nuôi trồng thủy sản) cho ông Trần Công T1 và bà Lê Kim X, phần đất tại thửa 74 tờ bản đồ số 9 tọa lạc tại ấp Bảy Ghe, xã Khánh Hải, huyện Trần văn Thời, tỉnh Cà Mau (theo giấy chứng nhận quyền sử dụng do ông Nguyễn Văn D đứng tên). Cụ thể các cạnh như sau: cạnh ngang M1 – M2 là 6.00m (giáp phần đất ông T1); cạnh dài M2 – M3 là 345,20m (giáp đất ông D); cạnh dài M3- M4 là 46.85m (giáp đất ông D), cạnh ngang M4- M5 là 6.00m (giáp lộ giao thông), cạnh dài M5- M6 là 46,13m (giáp đất ông Y), cạnh dài M6-M1 là 344,91m (giáp đất ông Y).
Buộc Ngân hàng N- Chi nhánh huyện T, tỉnh C, giao lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số số 17092/QSDĐ cấp ngày 10/6/2002 của ông Nguyễn Văn D cho cơ quan có thẩm quyền để tách quyền sử dụng đất cho ông Trần Công T1 và bà Lê Kim X.
Nguyên đơn có quyền đến cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Kiến nghị Ủy ban nhân dân huyện Trần Văn Thời điều chỉnh lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 17092/QSDĐ cấp ngày 10/6/2002 cho ông Nguyễn Văn D đúng với diện tích thực tế sử dụng.
Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về chi phí tố tụng, lãi suất chậm trả, án phí và quyền kháng của đương sự.
Ngày 11/9/2023, ông Nguyễn Văn D và bà Nguyễn Thị T2 có đơn kháng cáo, yêu cầu sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Trần Công T1 và bà Lê Kim X.
Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện của ông Nguyễn Văn D và bà Nguyễn Thị T2 giữ nguyên kháng cáo.
Phần tranh luận tại phiên toà:
Ông B phát biểu: Nguyên đơn cho rằng bà H và ông B cho đất ông Minh và bà Thảo nhưng không có giấy tờ gì chứng minh việc cho đất. Do trước đây ông Minh và bà Thảo được cho phần đất ở phía trong không có lối đi ra mặt tiền nên bà H và ông B cho mượn phần đất ngang 06m dài từ mặt tiền (giáp kênh Bảy Ghe) đến phần đất ông Minh và bà Thảo để làm lối đi. Phần đất tranh chấp ngang 06 gồm phần kênh và bờ; trong đó phần bờ khoảng 02m, phía bị đơn trồng dừa và trồng chuối trên phần bờ từ trước đến nay, phần kênh hàng năm phía bị đơn vẫn bắt cá, nhưng phía nguyên đơn cũng không có ý kiến gì. Nếu phần đất tranh chấp là của nguyên đơn thì vì sao nguyên đơn phải xây cống để ngăn giữa phần đất tranh chấp với phần đất còn lại phía trong của nguyên đơn. Trước đây nguyên đơn bơm nước từ phía trong đất của nguyên đơn ra phần đất tranh chấp, nước thấm qua đất ông Y, ông Y thưa, nên nguyên đơn mới đặt máy bơm phía giáp lộ để bơm nước ra kênh Bảy Ghe. Theo biên bản xem xét thẩm định ngày 06/3/2024 thể hiện ở phần đất tranh chấp phía trong, gần cống của nguyên đơn có trụ đá cắm tại vị trí giáp ranh giữa phần đất tranh chấp với đất của bị đơn, trụ đá này cắm sau khi đo đạc đất tranh chấp, nhưng cắm khi nào bị đơn không biết, vì theo Bản vẽ Trích đo hiện trạng không thể hiện có trụ đá ở vị trí này. Phía bị đơn có làm cống thoát nước xuyên ngang phần bờ bị đơn và phần bờ tranh chấp để thoát nước từ phần đất của bị đơn ra phần kênh tranh chấp từ khi có chủ trương làm lúa 02 vụ, bị đơn đặt máy bơm ở mặt tiền giáp lộ để bơm nước ra kênh Bảy Ghe cũng từ thời điểm đó. Phần đất tranh chấp này, ông B là cha bị đơn đã đăng ký kê khai và được cấp quyền sử dụng đất từ năm 1995, đến năm 2022 cho lại bị đơn, bị đơn được cấp quyền sử dụng đất từ năm 2022 đến nay nhưng nguyên đơn cũng không có ý kiến gì; trong khi đó phần đất này từ khi ông Minh và bà Thảo (ông, bà nội của nguyên đơn) sử dụng đến ông Trọng (cha nguyên đơn) và đến nguyên đơn sử dụng cũng không ai đăng ký kê khai, không được cấp quyền sử dụng đất. Bản án sơ thẩm xác định phần đất tranh chấp là của nguyên đơn, buộc bị đơn tách quyền sử dụng đất và giao đất cho nguyên đơn là không có căn cứ. Do đó, kiến nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị đơn, sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Ông Tr phát biểu: Thống nhất với ý kiến tranh luận của ông B.
Ông Đ phát biểu: Nguồn gốc đất trước đó là của cha mẹ chồng bà Thảo, sau khi bà H được cho đất mới cắt ra cho bà Thảo và ông Minh ngang 06 để làm đường xổ nước và lối đi. Về quá trình sử dụng đối với phần đất tranh chấp, gia đình nguyên đơn sử dụng ổn định liên tục thời gian dài từ năm 1960 đến nay. Phần đất tranh chấp là đường xổ nước và lối đi duy nhất của gia đình nguyên đơn từ trước đến nay và các thế hệ sau này. Giáp giữa phần đất tranh chấp với đất bị đơn có cắm trụ đá, khi cắm có bị đơn đồng ý, bị đơn cho rằng không biết là không đúng. Trước đây có mâu thuẫn việc sử dụng đất nên mới họp gia đình, ông D đồng ý tách quyền sử dụng đất cho nguyên đơn, còn bà T2 không đồng ý. Tại biên bản hoà giải, biên bản phiên toà, bị đơn cũng trình bày cho mượn đất vĩnh viễn; bị đơn cho rằng đất cho mượn thì bị đơn phải chứng minh. Về việc cấp quyền sử dụng đất cho ông B, ông B không quản lý sử dụng đất nhưng đăng ký kê khai. Theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật dân sự, phần đất tranh chấp nguyên đơn đã chiếm hữu sử dụng ổn định liên tục trên 30 năm nên thuộc quyền sở hữu của nguyên đơn. Từ những căn cứ nêu trên, kiến nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau tham gia phiên toà phát biểu: Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án, của Hội đồng xét xử và những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng tại phiên tòa đúng quy định pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự, chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Văn D và bà Nguyễn Thị T2, Sửa bản án sơ thẩm: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Công T1 và bà Lê Kim X.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Xét kháng cáo của ông Nguyễn Văn D và bà Nguyễn Thị T2, Hội đồng xét xử xét thấy:
[1] Phần đất tranh chấp theo theo đo đạc thực tế diện tích 2.343,9m2 thuộc thửa số 231, tờ bản đồ số 12 thành lập năm 2006 (trước đây thửa 74, tờ ản đồ số 9) có nguồn gốc trước đây là của ông Nguyễn Văn B và bà Trần Thị H (là cha, mẹ của ông D). Ông Trần Công T1 cho rằng, vào khoảng năm 1960 do phần đất của ông Trần Công Minh và bà Lê Thị Thảo (là cha, mẹ ông Trọng; là ông, bà nội của ông T1) nằm ở phía trong không có đường đi và đường xổ nước làm ruộng, nên bà H và ông B (là cha, mẹ của ông D) có cho ông bà, nội của ông T1 là ông Minh và bà Thảo phần đất ngang 6m, dài từ mặt tiền (kênh Bảy Ghe) đến cuối hậu đất của bà H và ông B (giáp với đất ông Minh, bà Thảo) để là đường đi và đường xổ nước làm ruộng; sau đó, ông Minh và bà Thảo cho lại phần đất cho ông Trọng là cha ông T1; đến năm 1994 ông Trọng cho lại phần đất cho ông T1, ông T1 quản lý sử dụng đến tháng 9/2021 thì xảy ra tranh chấp, do ông T1 cho ông Tẹn là em ông T1 cất nhà trên phần đất, ông D ngăn cản. Ông T1 xác định phần đất bà H và ông B cho ông Minh và bà Thảo là cho vĩnh viễn. Ông D xác định phần đất mà cha mẹ ông D (ông B và bà H) cho ông Minh và bà Thảo sử dụng làm đường đi và đường xổ nước là cho mượn để sử dụng chứ không phải cho vĩnh viễn. Do việc bà H và ông B cho ông Minh và bà Thảo sử dụng phần đất hiện nay tranh chấp chỉ thỏa thuận với nhau bằng lời nói, nên phía ông T1 và ông D không cung cấp được giấy tờ để chứng minh cho đất vĩnh viễn hay chỉ cho mượn như các bên đã trình bày. Ông T1 cũng không cung cấp được giấy tờ thể hiện việc ông Minh và bà Thảo cho lại phần đất cho ông Trọng, ông Trọng cho lại ông T1 phần đất hiện nay tranh chấp.
[2] Tuy nhiên, qua các tài liệu chứng cứ thu thập có trong hồ sơ thấy rằng:
[2.1] Phần đất tranh chấp mặc dù gia đình ông T1 có thời gian dài sử dụng, từ ông Minh và bà Thảo, sau đó đến ông Trọng và sau này đến ông T1, nhưng ông Minh và bà Thảo, ông Trọng, ông T1 đều không thực hiện việc đăng ký kê khai và không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất này. Trong khi đó, phần đất này do ông B đăng ký kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1995; đến năm 2002, ông B tặng cho ông D diện tích đất 13.570m2 có cả phần đất hiện nay tranh chấp, ông D cũng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2002, nhưng ông T1 cũng không có ý kiến gì đối với việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông B và ông D đối với phần đất này.
[2.2] Qua xem xét thẩm định tại chỗ của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau đối với phần đất tranh chấp ngày 06/3/2024 thể hiện: Phần đất tranh chấp gồm phần kênh và bờ; phần kênh giáp ranh với phần bờ của đất ông Nguyễn Văn Y, phần bờ giáp ranh liền kề với phần bờ của đất ông D. Trên phần bờ tranh chấp có trồng dừa và chuối, do ông D trồng. Tại vị trí giáp giữa phần đất ruộng và phần đất vườn của ông D, ông D có xây 01 cống thoát nước kích thước ngang 0,5m đi ngang qua phần bờ của ông D và phần bờ tranh chấp để thoát nước từ trong phần đất của ông D ra phần kênh tranh chấp. Ông D xác định ông D xây cống từ năm 2002; phía ông T1 cho rằng ông D xây cống từ khoảng năm 2019. Tại vị trí mặt tiền giáp lộ, ông D có đặt 01 ống bọng, ông T1 có đặt 01 ống bọng dùng để thoát nước; ông D và ông T1 đều có đặt máy bơm để bơm nước ra Kênh Bảy Ghe. Ông D xác định ông D đặt máy bơm từ năm 2002, còn ông T1 đặt máy bơm từ năm 2019; Ông T1 xác định ông T1 đặt máy bơm từ năm 2009, còn ông D đặt máy bơm cách nay khoảng 4-5 năm. Tuy ông T1 và ông D trình bày không thống nhất nhau về thời gian ông D làm cống, đặt ống bọng, đặt máy bơm nước, nhưng thời gian đều trước khi ông T1 và ông D xảy ra tranh chấp. Như vậy trước thời điểm xảy ra tranh chấp ông D đã có sử dụng phần đất này, cấp sơ thẩm cho rằng ông D không có sử dụng đất là chưa phù hợp.
[2.3] Tại vị trí phần bờ giáp giữa phần bờ tranh chấp giáp với phần bờ của đất ông D tính từ cống giáp giữa phần đất ông T1 với phần đất tranh chấp trở ra mặt tiền khoảng 10m có cắm trụ đá, trụ đá được cắm cách mé kênh tranh chấp 01m. Phía ông T1 cho rằng trụ đá này cắm từ năm 2004-2005 để xác định ranh, khi cắm có mặt ông D thống nhất. Phía ông D cho rằng trụ đá cắm sau khi đo đạc đất tranh chấp, nhưng cắm lúc nào, do ai cắm thì ông D cũng không biết. Qua kiểm tra Bản vẽ hiện trạng phần đất tranh chấp, Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất, biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 07/10/2022 đều không thể hiện có trụ đá ở vị trí này.
[2.4] Tại Tờ tường thuật của ông Nguyễn Văn Q (là anh ruột của ông D) ngày 09/7/2022 trình bày: Ông Q có nghe cha mẹ ông Q (ông B, bà H) nói lại, khoảng năm 1960 cha mẹ ông có cho bà ngoại ông (bà Lê Thị Thảo) và cậu ông (ông Trần Văn Trọng) phần đất ngang 06m, chiều dài từ kênh Bảy Ghe đến hậu đất của cha ông để làm đường đi vĩnh viễn. Tại Tờ tường thuật của bà Trần Thị A (là dì của ông D) ngày 19/9/2022 trình bày: Vào khoảng năm 1960, ông B và bà H có cho ông Minh và bà Thảo phần đất chiều ngang 06m giáp kênh Bảy Ghe, chiều dài khoảng 400m từ kênh Bảy Ghe đến đất ông Minh để làm đường đi và xổ nước làm ruộng, cho vĩnh viễn. Theo Tờ tường thuật của ông Q và bà A trình bày cũng chỉ nghe bà H nói lại; ông Q trình bày bà H nói cho đất bà Thảo và ông Trọng, còn bà A trình bày bà H nói cho đất ông Minh và bà Thảo; trình bày giữa ông Q và bà A cũng chưa thống nhất với nhau; ông Q và bà A cũng không có tài liệu chứng cứ chứng minh việc bà H nói cho đất như ông Quyên và bà A trình bày.
[2.5] Đối với bà H, Toà án có tiến hành xác minh đối với bà H, nhưng gia đình xác định bà H hiện nay đã lớn tuổi, không còn minh mẫn, khi nhớ, khi quên nên không thể thực hiện được việc xác minh đối với bà H phần đất cho mượn hay cho vĩnh viễn.
[2.6] Đối với biên lai thu tiền làm lộ giao thông nông thôn ngày 15/8/2022 thể hiện ông T1 là người nộp tiền làm lộ đối phần đất làm lộ đi qua do ông T1 cung cấp cũng chỉ chứng minh nghĩa vụ nộp tiền của người sử dụng đất, cũng chưa phải là chứng cứ để chứng minh phần đất tranh chấp được bà H cho vĩnh viễn.
[2.7] Ngoài phần đất tranh chấp, tại hồ sơ còn thể hiện ngày 06/7/1995al, ông B còn có lập giấy cho đất, cho thêm ông T1 và bà X phần đất ngang 05m, dài 09m và ngày 26/12/2003 ông D và bà T2 có lập giấy cho thêm ông T1 và bà X phần đất ngang 02m chạy dài từ tiền tới hậu, do ông T1 cung cấp để làm căn cứ chứng minh phần đất tranh chấp được cho. Đối với hai phần đất tặng cho này các bên không tranh chấp, nên cấp sơ thẩm không xem xét. Tuy nhiên, tại cấp phúc thẩm, ông D không thừa nhận hai giấy cho đất này; phía ông T1 cũng xác định hiện nay cũng không có quản lý sử dụng đất. Do đó, chưa có cơ sở xác định ông B và ông D có cho đất ông T1 và bà X theo hai giấy cho đất nêu trên hay không để làm căn cứ xem xét đối với phần đất đang tranh chấp.
[3] Tại cấp phúc thẩm, phía nguyên đơn cho rằng vào ngày 31/8/2020 có họp gia đình ông D thống nhất tách quyền sử dụng đất cho ông T1, còn bà T2 không thống nhất. Phía nguyên đơn có trích ghi âm các cuộc nói chuyện cung cấp để chứng minh. Tuy nhiên, phía nguyên đơn không cung cấp được biên bản họp gia đình chỉ là trích các cuộc ghi âm, khi đó phía ông D cũng không thừa nhận. Hơn nữa, như nguyên đơn trình bày tại cuộc họp gia đình ngày 31/8/2020 bà T2 không thống nhất tách quyền sử dụng đất cho ông D. Do đó, chưa thể xem đây là căn cứ để buộc ông D tách quyền sử dụng đất và giao phần đất cho ông T1.
[4] Với các chứng cứ như trên thấy rằng: Quá trình giải quyết vụ án phía ông T1 cũng như ông D không cung cấp được giấy tờ để xác định phần đất hiện nay tranh chấp là trước đây bà H cho bà Thảo và ông Minh vĩnh viễn hay chỉ cho mượn là đường đi và đường xổ nước. Về quá trình sử dụng đất, phía gia đình ông T1 vẫn sử dụng từ trước đến nay, nhưng không đăng ký kê khai, không được cấp quyền sử dụng đất; mà phần đất này do ông B là cha của ông D đăng ký kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1995; đến năm 2002 ông B cho lại ông D và ông D được cấp quyền sử dụng đất cũng từ năm 2002. Về mặt pháp lý, ông D là người được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đối với phần đất tranh chấp. Trước thời điểm tháng 9/2021 (khi ông B cho ông Tẹn cất nhà trên đất, ông D ngăn cản nên phát sinh tranh chấp) thì phía ông D cũng sử dụng phần kênh hiện nay tranh chấp tranh để bơm nước làm ruộng, ông D và ông T1 cùng sử dụng ổn định, không có tranh chấp; hiện nay ông D vẫn cùng sử dụng phần kênh tranh chấp này. Ngoài ông D và ông T1 còn các hộ bên trong vẫn sử dụng phần kênh này để bơm nước làm ruộng. Tại phiên toà, ông D cũng xác định, gia đình ông vẫn thống nhất cho gia đình ông T1 tiếp tục sử dụng phần đất tranh chấp này để bơm nước làm ruộng và làm lối đi không thời hạn, gia đình ông không ngăn cản việc sử dụng của gia đình ông T1; như vậy cũng không ảnh hưởng gì đến việc sử dụng lối đi và bơm nước làm ruộng đối với phần đất của gia đình ông T1 bên trong. Trường hợp chấp nhận yêu cầu của ông T1 và bà X, buộc ông D và bà T2 tách quyền sử dụng đất và giao phần đất tranh chấp cho ông T1 và bà X sẽ ảnh hưởng đến việc bơm nước để làm ruộng đối với phần đất của gia đình ông D, gia đình ông D phải sử dụng nhờ của gia đình ông T1 phần đường kênh để bơm nước, trong khi đó ông D là người được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp. Do đó, xét yêu cầu khởi kiện của ông T1 và bà X là chưa có căn cứ, cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T1 và bà X là chưa phù hợp.
[5] Từ phân tích trên, cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo ông Nguyễn Văn D, bà Nguyễn Thị T2, sửa bản án sơ thẩm: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T1 và bà X là phù hợp.
[6] Do sửa bản án sơ thẩm nên phần chi phí đo đạc, án phí sơ thẩm ông T1 và bà X phải chịu. Chi phí xem xét thẩm định tại cấp phúc thẩm 400.000 đồng, ông D và bà T2 phải chịu (đã nộp xong).
[7] Án phí dân sự phúc thẩm: Ông D và bà T2 không phải chịu, đã dự nộp được nhận lại.
[8] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị nên không đặt ra xem xét.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
Chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Văn D và bà Nguyễn Thị T2.
Sửa bản án dân sự sơ thẩm số: 305/2023/DS-ST ngày 30 tháng 8 năm 2023 của Toà án nhân dân huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Tuyên xử:
Không chấp nhận yêu cầu của ông Trần Công T1 và bà Lê Kim X về việc buộc ông Nguyễn Văn D, bà Nguyễn Thị T2 và anh Nguyễn Quốc Q, chị Phan Diễm P phải tách quyền sử dụng đất và giao lại diện tích đất tranh chấp theo đo đạc là 2.343,9m2 cho ông Trần Công T1 và bà Lê Kim X; đất tọa lạc tại ấp B, xã K, huyện T, tỉnh C .. Vị trí, ranh giới, kích thước phần đất được thể hiện tại Bản vẽ hiện trạng ngày 28/12/2022 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Tài nguyên và Thương mại gỗ Tân Thành.
(Có Bản vẽ hiện trạng kèm theo).
Chi phí tố tụng: Chi phí đo đạc, định giá tại cấp sơ thẩm 4.600.000 đồng ông Trần Công T1 và bà Lê Kim X phải chịu (đã nộp xong). Chi phí thẩm định tại cấp phúc thẩm 400.000 đồng ông Nguyễn Văn D, bà Nguyễn Thị T2 phải chịu (đã nộp xong).
Án phí dân sự sơ thẩm: Ông Nguyễn Văn D, bà Nguyễn Thị T2 không phải chịu; Ông Trần Công T1 và bà Lê Kim X phải chịu 300.000 đồng. Ngày 12/8/2022, ông T1 và bà X đã dự nộp 1.800.000 đồng theo biên lai thu số 0005292 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Trần Văn Thời, đối trừ được nhận lại 1.500.000 đồng.
Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Nguyễn Văn D, bà Nguyễn Thị T2 không phải chịu. Ngày 11/9/2023, ông D và bà T2 mỗi người đã dự nộp 300.000 đồng theo biên lai thu số 0007355, 0007356 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Trần Văn Thời được nhận lại.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất số 119/2024/DS-PT
Số hiệu: | 119/2024/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Cà Mau |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 12/03/2024 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về