Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất số 06/2022/DS-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TRÙNG KHÁNH, TỈNH CAO BẰNG

BẢN ÁN 06/2022/DS-ST NGÀY 19/09/2022 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 19 tháng 9 năm 2022, tại Trụ sở Toà án nhân dân huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 07/2022/TLST-DS ngày 11/3/2022 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 19/2022/QĐXXST-DS ngày 31 tháng 8 năm 2022 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Anh Vi Nông Văn N, sinh năm 199x. Đại diện theo ủy quyền: Chị Triệu Thị Th, sinh năm 199x (Giấy quyển quyền ngày 12/4/2022). Cùng nơi cư trú: Xóm B, xã Đ, huyện T, tỉnh Cao Bằng. Cùng có mặt.

2. Bị đơn: Ông Ngôn Văn T, sinh năm 196x. Nơi cư trú: Xóm B, xã Đ, huyện T, tỉnh Cao Bằng. Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Bà Hà Thị Hạnh - Trợ giúp viên pháp lý, thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cao Bằng. Có mặt.

3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

- Ông Vi Văn T, sinh năm 195x.

- Hoàng Thị T, sinh năm 196x.

Cùng nơi cư trú: Xóm B, xã Đ, huyện T, tỉnh Cao Bằng. Cùng có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 19/02/2022 và quá trình tố tụng tại Tòa, nguyên đơn anh N và người đại diện theo ủy quyền chị Th khai: Gia đình có một mảnh đất mồ mả tại thửa 149, tờ bản đồ 16 có diện tích 135,1 m2 do tổ tiên để lại tại ngã ba Cốc Lại - Bản Chang, miếng đất hình tam giác bên trái giáp đường, bên phải giáp nhà ông Toả. Tại mảnh đất gia đình tôi có chôn cất 02 ngôi mộ tổ từ rất lâu đời, bên cạnh 02 ngôi mộ còn trống một phần đất các cụ nhà tôi vẫn hay canh tác trồng cây chàm, gieo mạ ở đó từ nhưng năm 1943 đến năm 1960, có bá ruột của tôi là Vi Thị Thèm, sinh năm 1940 là người trực tiếp được canh tác ở đây cho đến khi bá đi lấy chồng thì nhà tôi không canh tác ở đó nữa. Bỏ đất để trống, hằng năm gia đình vẫn đi nhổ cỏ, thắp hương mồ mả dịp mùng 3 tháng 3 âm lịch. Vì thửa đất gia đình muốn để làm đất hương khói nên không kê khai để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Đến năm 2004 ông T mới ra xây nhà ở gần thửa đất tranh chấp, rồi tự ý cho là đất của gia đình ông, rồi trồng rau, củ ở đó gia đình tôi không nói gì. Đến giữa tháng 8 năm 2021 gia đình tôi thấy có cán bộ địa chính đến đo đạc đất tôi có nhờ họ xem hộ nhưng chưa kịp xem thì bị ông T can thiệp, chửi bới và nói là đất này là đất của nhà ông. Lúc đó gia đình tôi cũng không nói gì lớn tiếng, chỉ nói chuyện bình thường nhưng ông T vẫn khăng khăng nói là đất của mình. Được mấy hôm sau, ông T lại cho người về đào móng xây hàng rào, quây hết đất vào, chặn lối đi lại vào thắp hương, còn dỡ cả bờ rào ranh giới giữa hai miếng đất nữa. Khi ông T đào móng chuẩn bị xây hàng rào tôi đã nhờ chính quyền xóm xuống can thiệp nhưng ông T nhất quyết không nghe vẫn cho người tiếp tục xây hàng rào, vợ chồng tôi xuống còn dọa đánh tôi, không cho gia đình tôi vào thắp hương. Hiện nay ông T xây hàng rào cao, gia đình tôi không có lối đi lại. Nay nguyên đơn yêu cầu tòa án giải quyết buộc ông T tháo dỡ hàng rào mở lối đi lại cho gia đình và trả lại thửa đất cho gia đình nguyên đơn.

Sau khi có kết quả thẩm định ngày 29/7/2022, nguyên đơn bổ sung yêu cầu bị đơn trả lại thửa đất 149, tờ bản đồ 83 (tờ bản đồ cũ là 16), có diện tích 189,2m2.

Bị đơn ông T khai: Gia đình tôi có mảnh đất tại ngã ba Cốc Lại - Bản Chang về lịch sử mảnh đất là đất tổ tiên để lại và bản thân vẫn thường xuyên canh tác ổn định liên tục không có tranh chấp. Trừ những năm quy vào hợp tác xã gia đình tôi hàng năm vẫn đóng thuế đầy đù. Thời kỳ còn thu thuế đất nông nghiệp, trong sổ 64a vẫn thuộc đất nhà tôi cho vào hợp tác xã. Năm 1999 xã quy hoạch mô hình trồng cây hạt dẻ, gia đình tôi cũng đã tham gia trồng. Hiện mô hình dẻ đã tan, trên đất hiện nay vẫn còn một cây dẻ của mô hình do gia đình trồng. Năm 2002 gia đình tôi ra làm nhà gần ở mảnh đất trên. Trước khi làm nhà để bảo vệ mô hình cây dẻ tôi đã lấy đá và cây về rào xung quanh đám đất bờ đến đâu tôi rào đến đó. Tuy nhiên, đến ngày 28/8/2021 trong lúc tôi vắng nhà thì N cùng một số người đã đến tự ý vào vườn của gia đình tôi đo đạc. Với lý do N lợi dụng có 2 ngôi mộ chôn xuống đất của gia đình tôi trong thời kỳ hợp tác và coi đó là đất của N. Mảnh đất gia đình tôi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2007. Vì vậy việc Vi Nông Văn N đến tranh quyền sử dụng đất là vô lý nên không nhất trí với yêu cầu của nguyên đơn.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông T khai: Ông là bố đẻ của Vi Nông Văn N, mảnh đất hiện nay đang tranh chấp có 02 ngôi mộ tổ của gia đình, hàng năm chỉ đi tảo mộ, không canh tác gì trên đất vì nhà ở xa. Thửa đất này ông đã chia cho vợ chồng N canh tác. Nay nhất trí với yêu cầu của con trai là đòi lại đất.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà T khai: Bà là vợ của ông T, thửa đất đang tranh chấp gia đình đã quản lý, sử dụng từ ngày xưa không có tranh chấp. Vì vậy không nhất trí với yêu cầu của nguyên đơn.

Tòa án đã tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau giải quyết vụ án nhưng không thành. Ngày 29/7/2022, Tòa án tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ theo đơn yêu cầu của nguyên đơn với kết quả:

*. Kiểm tra trên bản đồ: Thửa đất đang tranh chấp là thửa 149, tờ bản đồ 83 (tờ bản đồ cũ là 16), diện tích 135,1 m2.

*. Kiểm tra trên thực địa bằng bằng máy toàn đạc điện tử của Trung tâm kỹ thuật Sở Tài nguyên môi trường thửa đất có diện tích 189,2 m2 ranh giới, tứ cận như sau:

- Phía Đông giáp đất nhà ông Tỏa có chiều dài 21,46m;

- Phía Tây bắc giáp mương nước có chiều dài 17,56m;

- Phía Nam giáp đường liên xã có chiều dài 23,91m;

Trên đất hiện nay có một bụi chuối, một cây hạt dẻ và một cây vải cùng dây lang do gia đình ông Tỏa trồng (cây dẻ và vải có đường kính khoảng 30cm). Ngoài ra, trên đất còn có 02 ngôi mộ của gia đình nguyên đơn. Toàn bộ phía Nam giáp đường liên xã được xây bằng gạch vồ cao 1,4m. (có sơ đồ kèm theo).

Tại phiên tòa:

Nguyên đơn khai: Thửa đất 149, tờ bản đồ 83, diện tích 189,2m2 là do ông bà tổ tiên để lại, tuy gia đình không quản lý, sử dụng ổn định thửa đất này, nhưng trên đất vẫn còn 02 ngôi mộ tổ, hàng năm vẫn đi lại thắp hương, tảo mộ ngày 3 tháng 3 âm lịch. Anh N, chị Th xác nhận từ trước đến giờ hai vợ chồng chưa canh tác thửa đất này bao giờ, hằng năm chỉ đến tảo mộ dịp mùng 3 tháng 3 âm lịch. Trước đó ông bà, bố mẹ chồng có canh tác trồng chàm, mạ nhưng canh tác thời gian nào đến thời gian nào thì anh N, chị Th không biết. Khoảng cách từ nhà đến thửa đất tranh chấp khoảng 02km, hằng ngày gia đình vẫn đi lại qua con đường sát thửa đất tranh chấp, có biết gia đình ông T trồng cây, rau lang trên đất nhưng chỉ nghĩ trồng cho râm mát vườn, chứ không nghĩ ông T có ý định chiếm lấy đất, nên gia đình không có ý kiến. Nay nguyên đơn yêu cầu tòa án giải quyết buộc ông T tháo dỡ hàng rào mở lối đi lại cho gia đình và trả lại thửa đất 149, tờ bản đồ 83, có diện tích 189,2m2 cho gia đình nguyên đơn.

Ông T khai: mảnh đất hiện nay đang tranh chấp do ông bà tổ tiên để lại, trên đất có 02 ngôi mộ tổ của gia đình. Trước đó gia đình có trồng chàm, gieo mạ nhưng sau khi tan Hợp tác xã thì gia đình không canh tác thửa đất này nữa, hàng năm chỉ đi tảo mộ. Khi đi lại có biết gia đình ông T trồng cây Dẻ, Vải và hoa màu trên đất nhưng ông cũng không có ý kiến. Thửa đất này ông đã chia cho vợ chồng N quản lý. Nay nhất trí với yêu cầu của con trai là đòi lại thửa đất trên.

Bị đơn ông T khai: Nguồn gốc thửa đất tranh chấp là do ông bà để lại, gia đình đã quản lý, sử dụng ổn định thửa đất trên từ trước đến khi xảy ra tranh chấp. Khi Nhà nước làm đường thu hồi một phần đất thì gia đình ông là người được thông báo và nhận tiền đền bù. Trong quá trình canh tác gia đình anh N không có ý kiến gì, ông thừa nhận trên đất có 02 ngôi mộ của gia đình anh N, hàng năm chỉ đến tảo mộ dịp 3 tháng 3 âm lịch. Về hai ngôi mộ này ông nhất trí để nguyên cho gia đình anh N quản lý sử dụng với diện tích theo quy định của Nhà nước, còn về lối đi thì gia đình vẫn có lối vào cho việc thắp hương qua hai cổng gia đình ông, không cản trở. Vì vậy ông không nhất trí với yêu cầu cảu nguyên đơn.

Bà T xác nhận những lời khai của chồng là đúng và cũng không nhất trí lại đất cho nguyên đơn.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn trình bày: Năm 1999 UBND xã có mô hình trồng Dẻ thì gia đình ông T đã đăng ký và hiện nay trên đất vẫn còn một cây Dẻ và cây Vải, chuối, rau lang…Để thuận tiện cho việc quản lý thì gia đình ông T đã xây hàng rào bao quanh, khi Nhà nước thu hồi đất làm đường thì bị đơn là người được nhận tiền bồi thường. Nguyên đơn thừa nhận không có quá trình quản lý, canh tác mà chỉ đến tảo mộ hằng năm, có biết gia đình bị đơn trồng cây, rau trên đất nhưng cũng không có ý kiến. Do đó yêu cầu trả lại đất của nguyên đơn là không có căn cứ để chấp nhận, nhưng tự nguyện để lại nguyên trạng hai ngôi mộ cho nguyên đơn quản lý. Hiện nay vẫn có lối đi qua cổng nhà bị đơn để vào tảo mộ nên cũng không chấp nhận tháo dỡ hàng rào mở lối đi như yêu cầu của nguyên đơn.

Đại diện Viện kiểm sát phát biểu: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, thư ký trong quá trình giải quyết vụ án và đương sự đều tuân theo và chấp hành đúng pháp luật tố tụng dân sự. Về hướng giải quyết vụ án: Áp dụng khoản 9 Điều 26, khoản 1 Điều 35, Điều 39, 147, 157, 158, 271, 273 BLTTDS; Điều 101, 203 Luật Đất đai; Điều 26, 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, anh N, chị Th được quyền quản lý, sử dụng hai ngôi mộ trên thửa đất 149, tờ bản đồ 83, diện tích 189,2 m2.

- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc đòi lại thửa đất 149, tờ bản đồ 83, diện tích 189,2 m2.

- Buộc nguyên đơn chịu chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và án phí theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Về tố tụng: Tại phiên tòa vắng mặt đại diện UBND xã Đức Hồng, huyện Trùng Khánh. Tuy nhiên, tại đơn xin xét xử vắng mặt thì đại diện theo pháp luật của UBND xã xác nhận thửa đất đang tranh chấp không phải do UBND xã quản lý như biên bản hòa giải ngày 11/11/2021. Vì vậy không cho UBND xã tham gia với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là có căn cứ.

[2]. Về quan hệ tranh chấp: Căn cứ vào yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, Hội đồng xét xử xác định quan hệ tranh chấp phải giải quyết là “Tranh chấp quyền sử dụng đất” theo khoản 9 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[3]. Về yêu cầu tòa án giải quyết buộc ông Tỏa tháo dỡ hàng rào mở lối đi lại cho gia đình và trả lại thửa đất có diện tích 189,2m2 cho gia đình nguyên đơn. Hội đồng xét xử thấy rằng:

Về nguồn gốc đất tranh chấp cả hai bên đương sự đều cho rằng do ông bà, tổ tiên để lại, nhưng không ai có giấy tờ chứng minh cho lời khai của mình.

Về quá trình quản lý, sử dụng: Gia đình bị đơn có quá trình quản lý, sử dụng ổn định một thời gian dài đến năm 2021 mới xảy ra tranh chấp, trong quá trình canh tác gia đình nguyên đơn biết nhưng cũng không có ý kiến. Điều này cũng được nguyên đơn thừa nhận do ở xa, gia đình cũng không có nhu cầu canh tác nên việc ông T canh tác trồng cây, trồng rau phía nguyên đơn cũng không có ý kiến, chỉ nghĩ nếu ông T trồng cây càng làm cho vườn thêm râm mất, chứ không nghĩ là ông T có ý định chiếm đoạt thửa đất này. Nguyên đơn cũng thừa nhận từ trước đến giờ chưa canh tác thửa đất trên bao giờ, trước đây có ông bà, rồi bố mẹ nguyên đơn canh tác nhưng thời điểm nào dừng thì cũng không biết. Ông T - Bố nguyên đơn cũng xác nhận từ khi tan hợp tác xã thì gi đình không quản lý, canh tác thửa đất này nữa, hằng năm chỉ đến tảo mộ, có biết gia đình bị đơn trồng cây, trồng rau nhưng cũng không có ý kiến. Việc nguyên đơn để gia đình ông T quản lý, canh tác ổn định một thời gian dài trên 30 năm không có ý kiến đã mặc nhiên thừa nhận quyền sử dụng thửa đất cho ông T, cũng là mặc nhiên từ bỏ quyền của mình đối với thửa đất trên. Cho là đất của mình, nhưng khi nhà nước làm đường liên xã bồi thường một phần thửa đất trên cho gia đình ông T thì nguyên đơn cũng không có ý kiến. Nguyên đơn cho rằng do nhà xa thửa đất, khi nhà nước làm đường thu hồi và đền bù phía nguyên đơn không biết. Nhưng khoảng cách từ nhà nguyên đơn đến thửa đất chỉ khoảng 02km, mặt khác hằng ngày gia đình nguyên đơn vẫn đi lại trên con đường cạnh thửa đất tranh chấp. Khi nhà nước mở rộng con đường liên xã thì không chỉ thu hồi thửa đất đang tranh chấp mà thu hồi một loạt đất của các hộ dân dọc hai bên đường. Do đó lời khai do nhà xa, không biết nhà nước thu hồi và đền bù một phần nhỏ thửa đất là không có căn cứ.

Từ những phân tích và nhận định trên đây, Hội đồng xét xử thấy rằng yêu cầu trả lại toàn bộ thửa đất 149, tờ bản đồ 83, diện tích 189,2 m2 của nguyên đơn không có căn cứ để chấp nhận.

Tuy nhiên, hiện nay trên đất có 02 ngôi mộ của gia đình nguyên đơn đã được chôn cất từ lâu và phía bị đơn cũng nhất trí để nguyên trạng cho nguyên đơn quản lý, chăm sóc 02 ngôi mộ này. Về diện tích đặt mộ quy định tại Điều 4 Nghị định 23/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng do Chính phủ ban hành thì diện tích tối đa một ngôi mộ không được vượt quá 5m2. Do đó, gia đình nguyên đơn được tiếp tục quản lý, chăm sóc 02 ngôi mộ có diện tích 10m2 (mỗi ngôi mộ 5m2). Về lối vào chăm sóc mộ, hiện nay gia đình ông T đã xây hàng rào cao 1,4m theo dọc đường liên xã, gia đình nguyên đơn phải đi vòng qua cổng rồi tiếp tục đi qua đất nhà ông T mới đến vị trí hai ngôi mộ. Đây là đường đi không thuận lợi cho việc chăm sóc, thanh minh ngôi mộ những dịp mùng 3 tháng 3 âm lịch. Theo hiện trạng hiện nay thì 02 ngôi mộ đều gần đường liên xã, trong đó có một ngôi mộ sát với hàng rào cạnh đường. Do đó việc tháo dỡ một phần hàng rào gần mộ làm lối vào cho nguyên đơn là phù hợp. Vì vậy buộc gia đình ông T tháo dỡ 1m hàng rào ở khoảng giữa hai ngôi mộ làm lối vào cho nguyên đơn (vị trí 1m này được thể hiện trên trích lục bản đồ đo vẽ ngày 10/8/2022 của Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên và Môi trưởng Cao Bằng).

Đối với ý kiến của Kiểm sát viên là chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện cho nguyên đơn được quản lý, sử dụng 02 ngôi mộ là không đúng. Vì tại phiên tòa bị đơn đã nhất trí để lại nguyên trạng 02 ngôi mộ với diện tích 5m2/01 mộ cho nguyên đơn quản lý, sử dụng. Vì vậy cần ghi nhận sự tự nguyện này của bị đơn mới đúng quy định của pháp luật. Còn ý kiến bác yêu cầu đòi lại toàn bộ thửa đất của Kiểm sát viên và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị đơn phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử cần được chấp nhận.

[4]. Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ: Nguyên đơn tạm nộp trước 6.000.000đ, số tiền này, Hội đồng đã chi phí hết. Do phần lớn yêu cầu của nguyên đơn không được chấp nhận nên nguyên đơn phải chịu chi phí xem xét thẩm định tại chỗ số tiền 6.000.000đ. Xác nhận nguyên đơn đã nộp đủ.

[5]. Về án phí: Do Phần lớn yêu cầu của nguyên đơn không được chấp nhận nên phải chịu án phí số tiền 300.000đ để sung quỹ Nhà nước. Xác nhận nguyên đơn đã nộp đủ theo biên lai số 0004126 ngày 11/3/2022 do Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trùng Khánh thu.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 9 Điều 26, Điều 157, 158, 271, 273 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Các Điều 26, 100, 166 và khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013; Điều 236 Bộ luật Dân sự 2015.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc gia đình ông Ngôn Văn T tháo dỡ 1m hàng rào ở khoảng giữa hai ngôi mộ làm lối vào cho gia đình anh Vi Nông Văn N chăm sóc quản lý 02 ngôi mộ có tổng diện tích 10m2 (05m2/01 ngôi mộ, vị trí 1m này giáp đường liên xã được thể hiện trên trích lục bản đồ đo vẽ ngày 10/8/2022 của Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên và Môi trưởng Cao Bằng).

2. Ghi nhận sự tự nguyện của ông T tự nguyện giữ nguyên hiện trạng 02 ngôi mộ có tổng diện tích 10m2 cho gia đình anh N quản lý, sử dụng.

3. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc bị đơn trả lại toàn bộ thửa đất 149, tờ bản đồ 83, diện tích 189,2 m2. Ông Ngôn Văn T được quyền quản lý, sử dụng thửa đất 149, tờ bản đồ 83, diện tích 179,2 m2 (đã trừ đi 10m2 của hai ngôi mộ) cùng 01 cây dẻ, 01 cây vải, 01 bụi chuối và rau lang trên đất. Thửa đất tọa lạc tại xóm Bản Chang, xã Đức Hồng, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng có ranh giới tứ cận như sau:

- Phía Đông giáp đất nhà ông Tỏa có chiều dài 21,46m;

- Phía Tây bắc giáp mương nước có chiều dài 17,56m;

- Phía Nam giáp đường liên xã có chiều dài 23,91m; Có trích lục thửa đất kèm theo Bản án.

Ông Ngôn Văn T có trách nhiệm liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để đăng ký kê khai cấp GCNQDĐ đất theo quy định của pháp luật.

4. Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ: Buộc anh Vi Nông Văn N phải chịu số tiền 6.000.000đ (Sáu triệu đồng chẵn). Xác nhận anh đã nộp đủ.

5. Về án phí: Áp dụng khoản 3 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Anh Vi Nông Văn N phải chịu án phí dân sự sơ thẩm số tiền 300.000đ để sung quỹ Nhà nước. Xác nhận anh N đã nộp đủ theo biên lai số 0004126 ngày 11/3/2022 do Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trùng Khánh thu.

6. Về quyền kháng cáo: Các bên đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo Bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

395
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất số 06/2022/DS-ST

Số hiệu:06/2022/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Trùng Khánh - Cao Bằng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:19/09/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về