TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 44/2023/KDTM-PT NGÀY 24/05/2023 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ
Ngày 24 tháng 5 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số: 86/2022/TLPT-KDTM ngày 26 tháng 12 năm 2022 về việc “Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ”.Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 13/2022/KDTM-ST ngày 07 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 651/2023/QĐ-PT ngày 27 tháng 3 năm 2023 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: L;
Địa chỉ: Cộng hòa Pháp.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Mai Duy L1, sinh năm 1985 (có mặt) Địa chỉ : Phòng số 5, Tầng 15, Tòa nhà H, số 4A L, phường T, quận B, thành phố Hà Nội.
Người đại diện ủy quyền lại:
1/Ông Bạch Hoàng G, sinh năm 1990 (có mặt);
Địa chỉ: Tầng 9, Tòa nhà Văn phòng Tổng Công ty 789, số 147 đường H, phường N, quận C, thành phố Hà Nội.
2/Bà Nguyễn Thị Anh T1, sinh năm 1984 (vắng mặt);
Địa chỉ: Tầng 9, Tòa nhà Văn phòng Tổng Công ty 789, số 147 đường H, phường N, quận C, thành phố Hà Nội.
- Bị đơn: Công ty Cổ phần Dược phẩm Đ;
Địa chỉ: Lô M7A, đường D17, Khu công nghiệp M, phường T, thị xã B, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn:
1/Ông Vũ Tuấn L2 (có mặt);
Địa chỉ liên lạc: Công ty Cổ phần Dược phẩm Đ; địa chỉ: Lô M7A, đường D17, Khu công nghiệp M, phường T, thị xã B, tỉnh Bình Dương.
2/Bà Từ Thị Hồng H3 (vắng mặt);
Địa chỉ: Tầng 5M Tòa nhà H, số 1 N, phường N, quận T, thành phố Hà Nội.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn:
1/Luật sư Phan Thị Lam H3 – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội (vắng mặt).
2/Luật sư Nhâm Mạnh H4 – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội (có mặt).
- Người kháng cáo: Bị đơn Công ty Cổ phần Dược phẩm Đ.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Theo đơn khởi kiện, quá trình tố tụng và tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn L trình bày:
Nguyên đơn L (sau đây viết tắt là S) yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương giải quyết các vấn đề sau:
- Buộc bị đơn Công ty Cổ phần Dược phẩm Đ chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sáng chế được bảo hộ theo Điểm 1 của Yêu cầu bảo hộ, bao gồm nhưng không giới hạn ở hành vi sản xuất, nhập khẩu, khai thác công dụng, lưu thông, buôn bán, vận chuyển, quảng cáo, chào hàng và tàng trữ để lưu thông sản phẩm xâm phạm Bằng độc quyền sáng chế số 7181 của nguyên đơn, bao gồm nhưng không giới hạn bởi các sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg) và Nisten - F (Ivabradine 7.5mg).
- Buộc bị đơn Công ty Cổ phần Dược phẩm Đ thu hồi toàn bộ các sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg) và Nisten - F (Ivabradine 7.5mg) đã phân phối trên thị trường; đồng thời tiêu hủy toàn bộ sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg), Nisten - F (Ivabradine 7.5mg) đã thu hồi cũng như còn tồn kho và các nguyên, vật liệu được sử dụng để sản xuất hoặc kinh doanh các sản phẩm xâm phạm Bằng độc quyền sáng chế số 7181.
- Buộc bị đơn Công ty Cổ phần Dược phẩm Đ tiến hành thủ tục rút số đăng ký VD-20362-13 đối với sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg) và số đăng ký VD-21061-14 đối với sản phẩm thuốc Nisten - F (Ivabradine 7.5mg) tại Cục quản lý Dược - Bộ Y tế.
- Buộc bị đơn Công ty Cổ phần Dược phẩm Đ bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn số tiền 500.000.000 đồng theo điểm c khoản 1 Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ.
- Buộc bị đơn Công ty Cổ phần Dược phẩm Đ thanh toán chi phí hợp lý trị giá 300.000.000 đồng mà nguyên đơn bỏ ra để thuê Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn nhằm chống lại hành vi xâm phạm.
- Buộc bị đơn Công ty Cổ phần Dược phẩm Đ phải xin lỗi nguyên đơn và cải chính công khai trên tạp chí Dược và Mỹ phẩm; tạp chí Khoa học và Đời sống và Báo Thanh niên trong 03 kỳ liên tiếp về các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế.
Lý do:
- Thứ nhất: Bằng độc quyền sáng chế số 7181 của nguyên đơn đã và đang có hiệu lực:
Nguyên đơn là chủ sở hữu Bằng độc quyền sáng chế số 7181, là một trong những tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới. Với vị trí như vậy, S luôn chú trọng đến công tác nghiên cứu phát triển và hiện đang sở hữu rất nhiều bằng độc quyền sáng chế trên toàn cầu.
Ivabradin Hydroclorua (tên quốc tế (INN) là Ivabradine Hydrochloride) và các đối tượng liên quan đã được bảo hộ độc quyền sáng chế là một trong số những sáng chế quan trọng nhất của S. Ivabradin là chất làm giảm chuyên biệt nhịp tim. Tác dụng trên tim của thuốc là đặc hiệu với nút xoang mà không ảnh hưởng tới thời gian dẫn truyền trong nhĩ, trong nhĩ-thất, sự tái cực thất hoặc co cơ tim.
Tại Việt Nam, S là chủ sở hữu của nhiều quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến hợp chất Ivabradin Hydroclorua, bao gồm nhưng không giới hạn bởi Bằng độc quyền sáng chế số 7181. Bằng độc quyền sáng chế số 7181 có thời hạn bảo hộ đến hết ngày 15 tháng 02 năm 2026, bảo hộ bao gồm nhưng không giới hạn cho các đối tượng sau đây: Hợp chất Ivabradin Hydroclorua dạng tinh thể gamma, quy trình điều chế và dược phẩm chứa nó.
Phạm vi bảo hộ của sáng chế được xác định theo 6 điểm yêu cầu bảo hộ, trong đó có 5 điểm độc lập (Điểm 1, 2, 4, 5, 6) và 1 điểm phụ thuộc (Điểm 3). Đối tượng được bảo hộ theo Bằng độc quyền sáng chế số 7181 bao gồm nhưng không giới hạn ở hợp chất Ivabradin Hydroclorua dạng tinh thể gamma, quy trình điều chế và dược phẩm chứa nó.
Theo quy định của pháp luật, S có độc quyền sử dụng và ngăn cấm người khác sử dụng các sáng chế đang được bảo hộ (Khoản 1 Điều 125 Luật Sở hữu trí tuệ). Phạm vi quyền ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế được quy định rõ tại khoản 1 Điều 124 Luật Sở hữu trí tuệ, theo đó sử dụng sáng chế bao gồm nhưng không giới hạn bởi việc sản xuất, nhập khẩu, khai thác công dụng, lưu thông, bán, vận chuyển, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để lưu thông sản phẩm được bảo hộ hoặc sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ.
Chiếu theo các quy định pháp luật nêu trên, mọi hành vi sử dụng sáng chế đang được bảo hộ của S mà không được phép của S với tư cách là chủ sở hữu được coi là hành vi xâm phạm quyền đối với các sáng chế đang được bảo hộ (khoản 1 Điều 126 Luật Sở hữu trí tuệ).
- Thứ 2: Bị đơn phải chấm dứt hành vi xâm phạm quyền đối với Bằng độc quyền sáng chế số 7181 (yêu cầu khởi kiện số 1):
+ Hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế:
Nguyên đơn là chủ sở hữu của Bằng độc quyền sáng chế số 7181. Do đó, nguyên đơn được độc quyền sử dụng sáng chế, ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế và định đoạt đối với sáng chế.
Trong vụ việc này, trong khi chưa được sự cho phép của nguyên đơn, bị đơn đã tiến hành sản xuất, lưu thông, buôn bán, vận chuyển, quảng cáo, chào hàng, và tàng trữ để lưu thông sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg) và Nisten - F (Ivabradine 7.5mg) có chứa hoạt chất Ivabradin Hydroclorua dạng tinh thể gamma được bảo hộ theo Bằng độc quyền sáng chế số 7181. Theo quy định tại khoản 1 Điều 124 Luật Sở hữu trí tuệ, các hành vi nêu trên của bị đơn là hành vi sử dụng sáng chế.
Sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg) và Nisten - F (Ivabradine 7.5mg) có chứa hoạt chất Ivabradine cùng tên gọi, trùng công thức cấu tạo với hoạt chất Ivabradin Hydroclorua dạng tinh thể gamma được bảo hộ của Bằng độc quyền sáng chế số 7181. Thông qua phân tích bột nhiễu xạ tia X và ý kiến chuyên môn của GS.TS Gerard Coquerel tại Đại học Rouen, Pháp thì sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg) chứa hoạt chất Ivabradine có cấu tạo hóa học trùng với cấu tạo hóa học của hợp chất được bảo hộ theo Điểm 1 của Bằng độc quyền sáng chế số 7181. Ngoài ra, hoạt chất trong sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg) cũng là dạng tinh thể gamma trùng với dạng tinh thế của hoạt chất Ivabradine được bảo hộ theo Điểm 1 của Bằng độc quyền sáng chế số 7181.
Bên cạnh đó, theo ghi nhận trong phần Chỉ định của Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc thì sản phẩm thuốc Nisten được dùng để điều trị chứng đau thắt ngực ổn định mãn tính. Như vậy, sản phẩm thuốc Nisten có chung mục đích sử dụng với sáng chế đang được bảo hộ tại Bằng độc quyền sáng chế số 7181 vì đều là sản phẩm được dùng để điều trị/phòng ngừa các triệu chứng của bệnh tim mạch.
Trong vụ việc này, bị đơn cho rằng sản phẩm thuốc Nisten có chứa hoạt chất Ivabradin Hydroclorua dưới dạng bột vô định hình là không chính xác. Trên thực tế, hoạt chất Ivabradin Hydroclorua trong thuốc Nisten là dạng tinh thể gamma, trùng với sáng chế đang được bảo hộ tại điểm 1 Yêu cầu bảo hộ của Bằng độc quyền sáng chế số 7181. Phòng thí nghiệm của Đại học Rouen, một trong những phòng thí nghiệm thuốc hàng đầu thế giới, đạt tiêu chuẩn chứng nhận Châu Âu và được phê chuẩn mã số EA 3233 bởi Bộ Nghiên cứu của Pháp, đã thực hiện kiểm nghiệm thuốc Nisten do bị đơn sản xuất. Phòng thí nghiệm đã sử dụng phương pháp nhiễu xạ tia X, một phương pháp hiện đại bậc nhất hiện nay, để xác định rằng hoạt chất Ivabradin Hydroclorua trong thuốc Nisten là ở dạng tinh thể gamma chứ không phải là dạng vô định hình. Do đó, sản phẩm thuốc Nisten là yếu tố xâm phạm quyền đối với Bằng độc quyền sáng chế số 7181. Ngoài ra, S xin lưu ý bị đơn đưa ra nhận định rằng sản phẩm thuốc Nisten có chứa hoạt chất Ivabradin Hydroclorua dưới dạng bột vô định hình mà không hề đưa ra bất cứ bằng chứng xác đáng nào chứng minh cho vấn đề này. Do đó, nhận định của bị đơn là hoàn toàn vô căn cứ.
Ngày 26/9/2016, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã ra Kết luận giám định số SC015-16YC/KLGĐ với nội dung khẳng định sản phẩm thuốc Nisten là yếu tố xâm phạm quyền đối với sáng chế đang được bảo hộ tại Yêu cầu bảo hộ số 1 của Bằng độc quyền sáng chế số 7181.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP của Chính phủ, khoản 1 Điều 16 Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ, Điều 11 Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN ngày 26/6/2015 thì sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg) và Nisten - F (Ivabradine 7.5mg) bị coi là yếu tố xâm phạm quyền đối với Bằng độc quyền sáng chế số 7181 của nguyên đơn.
Do đó, hành vi sản xuất, lưu thông, bán, quảng cáo, tàng trữ để lưu thông sản phẩm thuốc nêu trên của bị đơn là hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế đang được bảo hộ của nguyên đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật Sở hữu trí tuệ. Căn cứ theo khoản 1 Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ, bị đơn phải chấm dứt các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, bao gồm nhưng không giới hạn bởi hành vi sản xuất và phân phối sản phẩm thuốc Nisten - F và Nisten.
+ Việc được cấp số đăng ký lưu hành không có nghĩa sản phẩm Nisten không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với Bằng độc quyền sang chế số 7181:
Quy định của pháp luật về vấn đề đã nêu rất rõ ràng, theo đó cơ sở đăng ký thuốc chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ của thuốc đăng ký lưu hành. Cục Quản lý Dược không chịu trách nhiệm về vấn đề sở hữu trí tuệ khi thực hiện việc đăng ký lưu hành thuốc.
Cụ thể, Điều 14 Thông tư số 22/2009/TT-BYT (“Thông tư 22”), là thông tư có hiệu lực tại thời điểm đăng ký lưu hành thuốc Nisten, quy định rằng:
“Điều 14. Nguyên tắc chung 1. Cơ sở đăng ký thuốc chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ của thuốc đăng ký lưu hành.
2. Bộ Y tế khuyến khích các cơ sở đăng ký thuốc xác lập các quyền về sở hữu trí tuệ hoặc tiến hành tra cứu các đối tượng sở hữu trí tuệ có liên quan trước khi đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam.
3. Trường hợp có tranh chấp về sở hữu trí tuệ trong khi xem xét cấp số đăng ký, bên phản đối việc cấp số đăng ký cho thuốc có tranh chấp về sở hữu trí tuệ phải cung cấp kết luận của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ hoặc cơ quan có chức năng thực thi quyền sở hữu trí tuệ về hành vi xâm phạm. Bộ Y tế sẽ từ chối cấp số đăng ký lưu hành cho thuốc đó nếu có đủ cơ sở để khẳng định thuốc khi được cấp số đăng ký lưu hành sẽ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của cá nhân, cơ sở khác đang được bảo hộ.
4. Trường hợp có tranh chấp về sở hữu trí tuệ sau khi đã cấp số đăng ký lưu hành, trên cơ sở xem xét đề nghị của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc bên thứ ba có lợi ích liên quan và căn cứ vào phán quyết của Tòa án hoặc kết luận cuối cùng của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ hoặc cơ quan chức năng thực thi quyền sở hữu trí tuệ về hành vi xâm phạm, Bộ Y tế sẽ quyết định đình chỉ hoặc rút số đăng ký lưu hành đối với thuốc bị kết luận là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.”.
Điều 13 Thông tư số 44/2014/TT-BYT, là thông tư thay thế Thông tư 22, cũng có quy định tương tự như quy định nêu trên của Thông tư 22.
Như vậy, khi nộp hồ sơ xin đăng ký lưu hành thuốc, chủ thể đăng ký phải tự chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ cả trong quá trình đăng ký lẫn sau khi sản phẩm thuốc đã được cấp số đăng ký lưu hành. Cục Quản lý Dược chỉ giải quyết hậu quả của vụ việc xâm phạm sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm thuốc tùy theo từng tình huống cụ thể khi có quyết định, kết luận của cơ quan có thẩm quyền về sở hữu trí tuệ (Tòa án hoặc Thanh tra Khoa học và Công nghệ). Trong những trường hợp này, hồ sơ xin đăng ký thuốc có thể bị từ chối cấp số lưu hành hoặc giấy phép lưu hành thuốc đang tồn tại có thể bị đình chỉ hoặc rút số đăng ký.
Pháp luật sở hữu trí tuệ là pháp luật chuyên ngành nên về nguyên tắc phải áp dụng các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ để giải quyết các tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ. Điều 5 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 cũng quy định rằng: “trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về sở hữu trí tuệ của Luật này với quy định của luật khác thì áp dụng quy định của Luật này”.
Theo Điều 2 Luật Sở hữu trí tuệ thì Luật Sở hữu trí tuệ áp dụng cho mọi tổ chức, cá nhân Việt Nam cũng như tổ chức, cá nhân nước ngoài. Pháp luật sở hữu trí tuệ, cụ thể là Điều 9 Luật Sở hữu trí tuệ, yêu cầu các cá nhân và tổ chức có trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác. Như vậy, mọi cá nhân, tổ chức, bao gồm cả bị đơn trong vụ án này là Công ty Đ phải có nghĩa vụ tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền đối với sáng chế được bảo hộ tại Bằng độc quyền sáng chế số 7181 của S nói riêng.
Căn cứ theo Điều 14 Thông tư số 22, Công ty Đ phải tự chịu hoàn toàn trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ. Cho đến hiện nay, Bằng độc quyền sáng chế số 7181 vẫn đang có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Do đó, việc được Cục Quản lý Dược cấp số đăng ký lưu hành thuốc chỉ liên quan đến việc phê duyệt, cấp phép của cơ quan chức năng về tính an toàn, hiệu quả của sản phẩm mà không, trong bất kỳ trường hợp nào, bao gồm cả các khía cạnh về sở hữu trí tuệ của sản phẩm nói chung và của thuốc Nisten của Công ty Đ nói riêng.
- Thứ ba: Bị đơn phải thu hồi và tiêu hủy toàn bộ các sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg) và Nisten - F (Ivabradine 7.5mg) được thu hồi và còn tồn; tiêu hủy các nguyên liệu, vật liệu cũng như các và các phương tiện chính được sử dụng để sản xuất và/hoặc kinh doanh các sản phẩm xâm phạm Bằng độc quyền sáng chế số 7181 (liên quan đến yêu cầu khởi kiện số 2):
Căn cứ theo khoản 5 Điều 202 của Luật Sở hữu trí tuệ và các khoản 1 Điều 29 và Điều 31 Nghị định số 105, toàn bộ sản phẩm thuốc toàn bộ sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg) và Nisten - F (Ivabradine 7.5mg), các nguyên liệu, vật liệu và các phương tiện chính khác để sản xuất và kinh doanh sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg) và Nisten - F (Ivabradine 7.5mg), bao gồm nhưng không giới hạn bởi nguyên liệu thuốc, màng nhôm, vỉ thuốc, hướng dẫn sử dụng, hộp thuốc, tài liệu kinh doanh, đều phải được tiêu hủy dưới sự chứng kiến của nguyên đơn cũng như các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
- Thứ 4: Bị đơn phải rút số đăng ký các sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg) và Nisten - F (Ivabradine 7.5mg) tại Cục Quản lý Dược (liên quan đến yêu cầu khởi kiện số 3):
Căn cứ theo Quyết định số 414/QĐ-QLD ngày 27/12/2013 và Quyết định số 296/QĐ-QLD ngày 12/06/2014 của Cục trưởng Cục quản lý Dược thì bị đơn đã đăng ký sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg) theo số đăng ký VD- 20362-13 và số đăng ký VD-21061-14 đối với sản phẩm thuốc Nisten - F (Ivabradine 7.5mg) với Cục Quản lý Dược.
Căn cứ theo quy định tại các Điều 13.4, 32.6, 33.2 Thông tư số 44/2014/TT-BYT ngày 25/11/2014, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, nguyên đơn yêu cầu bị đơn rút hoặc hủy bỏ hai đăng ký thuốc nêu trên do hai sản phẩm này là yếu tố xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, nguyên đơn cũng yêu cầu bị đơn không được đăng ký bất kỳ loại thuốc nào xâm phạm quyền đối với sáng chế đang được bảo hộ tại Bằng độc quyền sáng chế số 7181 trong thời hạn bảo hộ của sáng chế này.
- Thứ 5: Bị đơn phải bồi thường thiệt hại về vật chất cho nguyên đơn (liên quan đến yêu cầu khởi kiện số 4):
Hành vi xâm phạm Bằng độc quyền sáng chế số 7181 của bị đơn đã, đang và sẽ gây ra thiệt hại trong tương lai về vật chất cho nguyên đơn với tư cách là chủ sở hữu Bằng độc quyền sáng chế số 7181. Các thiệt hại trên bao gồm các tổn thất về tài sản, mức giảm sút về thu nhập và lợi nhuận, tổn thất về cơ hội kinh doanh cũng như các chi phí khác mà nguyên đơn phải gánh chịu để ngăn chặn và khắc phục thiệt hại.
Nhìn chung, các thiệt hại của nguyên đơn là không thể định lượng, không thể khắc phục và không thể bù đắp được. Tuy nhiên, không ảnh hưởng đến yêu cầu này và cho các mục đích của yêu cầu này, nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn, bao gồm các thiệt hại sau:
+ Thiệt hại vật chất gây ra bởi việc sản xuất và phân phối các sản phẩm thuốc Nisten và Nisten-F ra thị trường;
+ Thiệt hại vật chất mà nguyên đơn đã phải bỏ ra để ngăn chặn các thiệt hại gây ra bởi hành vi xâm phạm quyền trước khi khởi kiện, bao gồm chi phí để xử lý vụ việc trước Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương;
+ Thiệt hại vật chất gây ra sẽ là việc giảm sút lợi nhuận và tổn thất về cơ hội kinh doanh; và + Các thiệt hại phát sinh khác, ví dụ như nếu nguyên đơn buộc phải giảm giá thành các sản phẩm của mình nếu Bị đơn lưu hành các sản phẩm vi phạm.
Từ những thông tin công khai trên các website của các Sở Y Tế, nguyên đơn đã biết được bị đơn đã sản xuất và cung cấp số lượng thuốc Nisten như sau cho một số Sở Y Tế:
STT | Sở Y Tế | Thuốc | Số lượng thuốc Nisten (viên) | Đơn giá (Đồng) | Tổng (Đồng) | Năm |
1 | Bà Rịa Vũng Tàu | NISTEN | 22000 | 3149 | 69.278.000 | Năm 2016 |
NISTEN-F | 15000 | 6290 | 94.350.000 | |||
2 | Bình Phước | NISTEN | 15500 | 3149 | 48.809.500 | |
NISTEN-F | 30500 | 6290 | 48.809.500 | |||
3 | Bắc Ninh | NISTEN | 5000 | 3880 | 19.400.000 | |
4 | Hà Nam | NISTEN | 45000 | 3150 | 141.750.000 | |
5 | Long An | NISTEN | 26500 | 3490 | 92.485.000 | |
6 | Đắc Nông | NISTEN | 500 | 3200 | 1.600.000 |
NISTEN-F | 500 | 6390 | 3.195.000 | |||
7 | Thanh Hóa | NISTEN | 7300 | 3180 | 23.214.000 | |
8 | Sóc Trăng | NISTEN | 2000 | 3149 | 6.298.000 | |
NISTEN-F | 50000 | 6290 | 6.298.000 | |||
9 | Hưng Yên | NISTEN | 8000 | 3150 | 25.200.000 | |
10 | Bình Dương | NISTEN | 10000 | 3390 | 33.900.000 | |
11 | An Giang | NISTEN | 24500 | 3149 | 77.150.500 | |
NISTEN-F | 3500 | 6290 | 22.015.000 | |||
12 | Ninh Thuận | NISTEN-F | 50000 | 6290 | 314.500.000 | |
13 | Tiền Giang | NISTEN | 55200 | 3149 | 173.824.800 | |
NISTEN-F | 12000 | 6290 | 75.480.000 | |||
14 | Sơn La | NISTEN-F | 21500 | 7000 | 150.500.000 | |
15 | Đồng Tháp | NISTEN | 12000 | 3149 | 37.788.000 | |
16 | Đắc Lắc | NISTEN | 150 | 3290 | 493.500 | Năm 2017 |
17 | Ninh Thuận | NISTEN-F | 50000 | 6290 | 314.500.000 | |
18 | Đồng Tháp | NISTEN | 12000 | 3149 | 37.788.000 | |
19 | Hồ Chí Minh | NISTEN | 40950 | 3145 | 128.787.750 | |
NISTEN-F | 45500 | 6290 | 286.195.000 |
Như vậy, bị đơn đã sản xuất thuốc Nisten vi phạm để cung cấp cho các cơ sở y tế trong 19 tỉnh thành nêu trên với tổng giá trị là 2.233.609.550 đồng (bằng chữ: Hai tỷ hai trăm ba mươi ba triệu sáu trăm không chín nghìn năm trăm năm mươi đồng). Trên đây là những thông tin mà nguyên đơn biết được từ năm 2016 đến năm 2017. Rất có thể, bị đơn còn cung cấp ra thị trường cũng như cho các Sở Y tế các tỉnh, thành phố khác một số lượng lớn thuốc Nisten vi phạm. Nếu không có sản phẩm thuốc của bị đơn thì nguyên đơn đã có thể cung cấp sản phẩm của mình cho các Sở Y tế và các bệnh viện trên cả nước bởi vì nguyên đơn là người duy nhất nắm giữ Bằng độc quyền sáng chế số 7181 bảo hộ cho, cùng với những đối tượng khác, Ivabradin Hydroclorua dạng tinh thể gamma. Như vậy, tính sơ bộ, thiệt hại vật chất của nguyên đơn trong việc cung cấp sản phẩm ra thị trường có thể lên đến hàng tỷ đồng.
Hiện nay, nguyên đơn đang tiếp tục thu thập bằng chứng về các thiệt hại nêu trên và cũng giám sát liên tục các hành vi vi phạm đang và sẽ xảy ra trong tương lai của bị đơn. Nguyên đơn sẽ tiếp tục nỗ lực thu thập thông tin và tài liệu cần thiết để chứng minh các thiệt hại phát sinh từ việc xâm phạm quyền đối với sáng chế. Với tình hình như vậy, tại thời điểm này, căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ, nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn với số tiền là 500.000.000 đồng (bằng chữ: năm trăm triệu đồng chẵn).
Nguyên đơn sẽ yêu cầu tăng mức bồi thường thiệt hại trên cơ sở các chứng cứ mới được thu thập và/hoặc hành vi xâm phạm tiếp tục hoặc sẽ diễn ra trong tương lai của bị đơn.
- Thứ 6: Bị đơn phải bồi thường chi phí hợp lý mà nguyên đơn đã bỏ ra để thuê luật sư (liên quan đến yêu cầu khởi kiện số 5):
Bên cạnh các thiệt hại vật chất mà nguyên đơn như đã nêu, do hành vi xâm phạm quyền của bị đơn, nguyên đơn đã phải bỏ ra ít nhất là 300.000.000 đồng để thuê Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong vụ án này.Theo quy định tại khoản 3 Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ, nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải thanh toán khoản chi phí hợp lý là 300.000.000 đồng chẵn mà nguyên đơn đã phải bỏ ra để thuê Luật sư.
- Thứ 7: Bị đơn phải xin lỗi công khai nguyên đơn vì hành vi xâm phạm quyền (liên quan đến yêu cầu khởi kiện số 6):
Hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế thực hiện bởi bị đơn không những trực tiếp gây thiệt hại lớn về vật chất cho nguyên đơn mà còn ảnh hưởng đến uy tín và danh tiếng của nguyên đơn với tư cách là chủ sở hữu hợp pháp của Bằng độc quyền sáng chế số 7181. Do đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ, nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải xin lỗi công khai nguyên đơn trên các phương tiện thông tin đại chúng, cụ thể là đăng lời xin lỗi công khai trên Tạp chí Dược và Mỹ phẩm, Tạp chí Sức khỏe và Đời sống và báo Thanh niên trên ba số báo liên tiếp về hành vi xâm phạm quyền.
* Tại bản tự khai, quá trình tố tụng và tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của bị đơn Công ty Cổ phần Dược phẩm Đ trình bày:
Công ty Cổ phần Dược phẩm Đ (sau đây gọi tắt là Công ty Đ) cho rằng các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là hoàn toàn không có căn cứ, không đúng quy định pháp luật, bởi các lý do sau:
Thứ nhất: Sản phẩm Nisten (Ivabradine 5mg) và Nisten - F (Ivabradine 7.5mg) của Công ty Đ đã được đăng ký, sản xuất, lưu hành theo đúng quy định pháp luật và đã được Cục quản lý Dược - Bộ Y tế cấp phép lưu hành thuốc.
Công ty Đ được thành lập và hoạt động từ năm 2004, trong suốt quá trình hoạt động, sản xuất kinh doanh, Công ty luôn tuân thủ, chấp hành các quy định pháp luật và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước. Không những tạo nguồn công việc ổn định cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh kế của tỉnh Bình Dương nói riêng và đất nước nói chung, Công ty còn có những đóng góp trong việc giảm nhẹ nỗi lo về bệnh tật và gánh nặng tài chính cho người bệnh với những sản phẩm thuốc có chất lượng và hiệu quả điều trị cao.
Để được lưu hành sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg) và Nisten - F (Ivabradine 7.5mg), Công ty Đ đã tiến hành đăng ký theo quy định pháp luật và được Cục quản lý Dược - Bộ Y tế cấp Giấy phép lưu hành số đăng ký VD- 20362-13 đối với sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg) và số đăng ký VD- 21061-14 đối với sản phẩm thuốc Nisten - F (Ivabradine 7.5mg).
Như vậy, trong suốt quá trình nghiên cứu, đăng ký, sản xuất và lưu hành sản phẩm thuốc, Công ty Đ đã thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý theo quy định pháp luật, các sản phẩm thuốc mang tên Nisten đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép lưu hành.
Thứ hai: Sản phẩm Nisten (Ivabradine 5mg) và Nisten - F (Ivabradine 7.5mg) của Công ty Đ không vi phạm bằng độc quyền sáng chế 7181 của Công ty L:
- Một là, hoạt chất Ivabradin hydroclorua trong sản phẩm Nisten (Ivabradine 5mg) và Nisten - F (Ivabradine 7.5mg) Công ty Đ sử dụng là dạng bột vô định hình (amorphous poweder form) chứ không phải là dạng tinh thể gama.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ thì yếu tố xâm phạm quyền đối với sáng chế thuộc một trong các dạng sau đây:
“- Sản phẩm hoặc bộ phận (phần) sản phẩm trùng hoặc tương đương với sản phẩm hoặc bộ phận (phần) của sản phẩm thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế;
- Quy trình trùng hoặc tương đương với quy trình thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế;
- Sản phẩm hoặc bộ phận (phần) của sản phẩm được sản xuất theo quy trình trùng hoặc tương đương với quy trình thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế”.
Như vậy, để khẳng định một sản phẩm có yếu tố xâm phạm quyền đối với sáng chế hay không thì phải xem xét sản phẩm, bộ phận của sản phẩm, quy trình sản xuất có trùng hay tương đương với sản phẩm hoặc bộ phận, quy trình thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế hay không.
Theo nội dung Bằng độc quyền sáng chế 7181 thì phạm vi bảo hộ của sáng chế là “Hợp chất Ivabradin Hydroclorua dạng tinh thể gama, quy trình điều chế và dược phẩm chứa nó”. Trên thực tế, Ivabradin hydroclorua có rất nhiều dạng kết tinh như α, β, βd, γ, γd, δ, δd, hoặc dạng vô định hình tùy thuộc vào quy trình tổng hợp và tinh chế hoạt chất này và cũng được bảo hộ bằng nhiều patent EP. Qua việc tra cứu thông tin trên trang web http://iplib.noip.gov.vn/WebUI/Wlogin.php cho thấy hoạt chất Ivabradin hydroclorua đã được đăng ký bảo hộ rất nhiều như Ivabradin hydroclorua dạng tinh thể β, Ivabradin hydroclorua dạng tinh thể βd... Như vậy, cùng là dạng tinh thể nhưng hoạt chất Ivabradin hydroclorua được xem xét bảo hộ tùy thuộc vào dạng kết tinh của nó.
Đối chiếu với sản phẩm Nisten (Ivabradine 5mg) và Nisten - F (Ivabradine 7.5mg) do Công ty Đ sản xuất, theo kết quả thử nghiệm hoạt chất Ivabradin hydroclorua do Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm Thành phố Hồ Chí Minh - Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp thì hoạt chất chất Ivabradin hydroclorua Công ty Đ sử dụng là dạng bột vô định hình (amorphous poweder form) chứ không phải là dạng tinh thể gama. Ngoài ra, quy trình tổng hợp và tinh chế Ivabradin hydroclorua amorphous form hoàn toàn không trùng hoặc tương đương với Bằng độc quyền sáng chế 7181. Do đó, sản phẩm Nisten (Ivabradine 5mg) và Nisten - F (Ivabradine 7.5mg) do Công ty Đ sản xuất không xâm phạm Bằng độc quyền sáng chế 7181 của nguyên đơn.
- Hai là, Kết luận giám định về sở hữu công nghiệp số SC015-16YC/KLGĐ ngày 26/9/2016 của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ kết luận sản phẩm Nisten (Ivabradine 5mg) và Nisten - F (Ivabradine 7.5mg) của Công ty Đ xâm phạm Bằng độc quyền sáng chế 7181 là không có giá trị pháp lý.
Quá trình giám định, Giám định viên Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đã không tiến hành thực hiện các thí nghiệm, phân tích nhiễu xạ bột tia X hoạt chất Ivabradin hydroclorua có trong sản phẩm Nisten (Ivabradine 5mg) và Nisten - F (Ivabradine 7.5mg) do Công ty Đ sản xuất.
Hơn nữa, cũng không có bất cứ tài liệu nào chứng minh rằng mẫu vật giám định đúng là sản phẩm thuốc Nisten do Công ty Đ sản xuất, lưu hành bởi căn cứ hồ sơ vụ án thì Kết luận giám định số SC015-16YC/KLGĐ được Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ thực hiện ngày 26/9/2016 trong khi Vi bằng về việc thu thập mẫu vật giám định là sản phẩm thuốc Nisten được lập ngày 12/10/2016, sau thời điểm thực hiện giám định.
Theo Kết luận giám định về sở hữu công nghiệp số SC015-16YC/KLGĐ ngày 26/9/2016 của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan này đã sử dụng tài liệu giám định là tài liệu số 2 Báo cáo phân tích nhiễu xạ bột tia X sản phẩm thuốc Nisten do GS. TS. Gerard Coquerel - Đại học Rouen, Pháp thực hiện và ý kiến đánh giá của giáo sư này về các vấn đề liên quan đến sáng chế và đối tượng giám định (bằng tiếng Anh) và bản dịch tiếng Việt của tài liệu này được chứng nhận bởi Văn phòng công chứng Vũ Đào, thành phố Hà Nội, là tài liệu cơ bản và quan trọng nhất để so sánh bản chất kỹ thuật của sáng chế được bảo hộ (Bắng độc quyền sáng chế số 7181) và đối tượng giám định (thuốc Nisten). Chúng tôi cho rằng việc Giám định viên Viện Khoa học sở hữu trí tuệ sử dụng kết quả Báo cáo phân tích nhiễu xạ bột tia X sản phẩm thuốc Nisten do GS. TS. Gerard Coquerel - Đại học Rouen, Pháp thực hiện để ban hành Kết luận giám định số SC015-16YC/KLGĐ ngày 26/9/2016 là không khách quan, không đúng quy định pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi hợp pháp của Công ty Đ bởi:
+ Nội dung Báo cáo Kết quả xét nghiệm không thể hiện đầy đủ các thông tin về phương pháp, đối tượng nghiên cứu cũng như thể hiện được năng lực chuyên môn, thẩm quyền của GS. TS. Gerard Coquerel.
+ Quá trình xét nghiệm của GS. TS. Gerard Coquerel không được bất cứ cá nhân, tổ chức nào kiểm chứng, giám sát. Mẫu vật mà GS. TS. Gerard Coquerel tiến hành thí nghiệm là do phía nguyên đơn cung cấp. Vậy căn cứ nào để xác định mẫu vật thí nghiệm mà GS. TS. Gerard Coquerel thực hiện đúng là sản phẩm thuốc Nisten do Công ty Đ sản xuất?
+ Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP: “Để được công nhận và sử dụng tại Việt Nam, các giấy tờ, tài liệu của nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp quy định tại Điều 9 Nghị định này” thì để tài liệu bằng tiếng Anh về Báo cáo phân tích nhiễu xạ bột tia X sản phẩm thuốc Nisten được công nhận và sử dụng tại Việt Nam thì tài liệu này phải được hợp pháp hóa lãnh sự tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế tài liệu này đã không được hợp pháp hóa lãnh sự để được công nhận và sử dụng tại Việt Nam. Hơn nữa, Công ty Đ không thấy bất kỳ bằng chứng nào chứng minh rằng tài liệu bằng tiếng Anh về Báo cáo phân tích nhiễu xạ bột tia X sản phẩm thuốc Nisten là của GS. TS. Gerard Coquerel - Đại học Rouen, Pháp (không tìm thấy bất kỳ chữ ký nào của người này hoặc được xác thực của bất kỳ tổ chức nào khác). Do vậy, Công ty Đ cho rằng ai cũng có thể chuẩn bị được tài liệu này và tự công bố rằng nó là do GS. TS. Gerard Coquerel - Đại học Rouen thực hiện. Việc dịch tài liệu này từ tiếng Anh sang tiếng Việt và được chứng nhận tại Văn phòng công chứng Vũ Đào, thành phố Hà Nội chỉ đơn giản là xác nhận chữ ký của người dịch của một tài liệu bất kỳ bằng tiếng Anh sang tiếng Việt và theo quy định của pháp luật hiện hành, Văn phòng công chứng này chỉ xác nhận bản dịch chính xác, không vi phạm pháp luật, không trái với đạo đức xã hội chứ không chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của tài liệu tiếng Anh tại Việt Nam.
Trên thực tế, Bộ Y tế là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế, bao gồm các lĩnh vực: khám bệnh, chữa bệnh, dược, an toàn thực phẩm, v.v... nên bất kỳ ý kiến chuyên môn nào trong lĩnh vực (ví dụ như dược phẩm) từ bất kỳ tổ chức, cá nhân nước ngoài nào, để có giá trị pháp lý và được sử dụng tại Việt Nam thì trước tiên phải được công nhận bởi Bộ Y tế. Như vậy, đối với tài liệu Báo cáo phân tích nhiễu xạ bột tia X sản phẩm thuốc Nisten, muốn có giá trị pháp lý và được sử dụng tại Việt Nam thì phải được Bộ Y tế công nhận, phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định. Trong khi đó, Công ty Đ không thấy bất kỳ sự công nhận nào của Bộ Y tế đối với Báo cáo phân tích nhiễu xạ bột tia X sản phẩm thuốc Nisten. Vì vậy, tài liệu giám định là tài liệu số 2 Báo cáo phân tích nhiễu xạ bột tia X sản phẩm thuốc Nisten do GS. TS. Gerard Coquerel - Đại học Rouen, Pháp thực hiện và ý kiến đánh giá của giáo sư này về các vấn đề liên quan đến sáng chế và đối tượng giám định (bằng tiếng Anh) là không có giá trị pháp lý, không được công nhận và sử dụng tại Việt Nam.
Với những lý do đã nêu ở trên, Công ty Đ khẳng định rằng Kết luận giám định về sở hữu công nghiệp số SC015-16YC/KLGĐ ngày 24/9/2016 của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ là không có giá trị pháp lý do sử dụng tài liệu giám định (tài liệu số 2) không có giá trị pháp lý, không được công nhận và sử dụng tại Việt Nam.
Từ những căn cứ và phân tích nêu trên, Công ty Đ cho rằng yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có căn cứ. Do vậy, Công ty Đ kính đề nghị Tòa án bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
* Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 04/2019/KDTM-ST ngày 17/7/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã quyết định: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
* Tại Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 17/2020/KDTM-PT ngày 08/6/2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã hủy bản án sơ thẩm số 04/2019/KDTM-ST ngày 17/7/2019, chuyển hồ sơ vụ án về cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án với lý do: Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào các Tài liệu không được hợp pháp lãnh sự, mà theo quy định tại Điều 26 Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Pháp phải được hợp pháp hóa lãnh sự.
*Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 13/2022/KDTM-ST ngày 07 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã quyết định như sau:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn L đối với bị đơn Công ty Cổ phần Dược phẩm Đ về việc “tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ”.
1.1. Buộc Công ty Cổ phần Dược phẩm Đ phải chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sáng chế được bảo hộ theo Điểm 1 của Yêu cầu bảo hộ Bằng độc quyền sáng chế số 7181.
1.2. Buộc bị đơn Công ty Cổ phần Dược phẩm Đ bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn L số tiền 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng) theo điểm c khoản 1 Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ.
1.3. Buộc bị đơn Công ty Cổ phần Dược phẩm Đ thanh toán cho nguyên đơn L chi phí hợp lý số tiền 300.000.000 đồng (ba trăm triệu đồng).
Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chậm thanh toán số tiền trên thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.
1.4. Buộc bị đơn Công ty Cổ phần Dược phẩm Đ phải xin lỗi nguyên đơn L và cải chính công khai trên tạp chí Dược và Mỹ phẩm; tạp chí Khoa học và Đời sống và Báo Thanh niên trong 03 kỳ liên tiếp về các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế.
1.5. Buộc bị đơn Công ty Cổ phần Dược phẩm Đ phải tiến hành các thủ tục rút số đăng ký VD-20362-13 đối với sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg) và số đăng ký VD-21061-14 đối với sản phẩm thuốc Nisten - F (Ivabradine 7.5mg) tại Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế.
2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc bị đơn Công ty Cổ phần Dược phẩm Đ thu hồi toàn bộ các sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg) và Nisten - F (Ivabradine 7.5mg) đã phân phối trên thị trường; đồng thời tiêu hủy toàn bộ sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg), Nisten - F (Ivabradine 7.5mg) đã thu hồi cũng như còn tồn kho và các nguyên, vật liệu được sử dụng để sản xuất hoặc kinh doanh các sản phẩm xâm phạm Bằng độc quyền sáng chế số 7181.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, chi phí tố tụng và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 13/9/2022 bị đơn Công ty cổ phần Dược phẩm Đ kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn Công ty cổ phần Dược phẩm Đ (có ông Vũ Tuấn L2 là đại diện theo ủy quyền) giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, với các lý do: Do bản án sơ thẩm có vi phạm tố tụng khi chưa xem xét tư cách tham gia tố tụng của nguyên đơn. Vì đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn không có quyền ủy quyền lại, Tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành thu thập chứng cứ và tạm đình chỉ giải quyết vụ án để chờ kết quả khiếu nại bằng sáng chế là không đủ căn cứ để giải quyết vụ án. Vì theo khoản 3 Điều 96 Luật sở hữu trí tuệ thì trong trường hợp khiếu nại của bị đơn được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận thì bằng sáng chế của nguyên đơn không có hiệu lực, nên nguyên đơn không có quyền khởi kiện đối với bị đơn và không có căn cứ xác định bị đơn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nguyên đơn L (có ông Mai Duy L1 là đại diện theo ủy quyền) không đồng ý yêu cầu kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Trong phần tranh luận:
Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho bị đơn phát biểu:
- Về phạm vi ủy quyền của nguyên đơn: Theo giấy ủy quyền của nguyên đơn thì không có ủy quyền cho ông Mai Duy L1 làm việc với bị đơn, vì chỉ ủy quyền làm việc với Tòa án và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Vì vậy, ông L1 không được tham gia hòa giải, tranh tụng nên vi phạm quy định của Bộ luật tố tụng về hòa giải, thỏa thuận, tranh tụng trong xét xử. Do không thể hòa giải, không tham gia hỏi, không tranh luận, nên đề nghị Hội đồng xét xử tạm dừng phiên tòa để triệu tập nguyên đơn hoặc yêu cầu nguyên đơn bổ sung phạm vi ủy quyền của ông L1. Do vậy, ông L1 không có quyền tranh luận với bị đơn.
- Trường hợp Tòa án không chấp nhận yêu cầu của người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của bị đơn, thì người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của bị đơn tiếp tục tranh luận về nội dung giải quyết vụ án: Tại bản tuyên bố của công ty có nội dung chỉ định các cá nhân đại diện theo ủy quyền của công ty. Việc ủy quyền của nguyên đơn cho ông L1 là không hợp pháp theo quy định pháp luật Việt Nam, vì pháp luật Việt Nam không có quy định việc chỉ định ủy quyền, nên không có hiệu lực pháp luật.
Từ những phân tích trên thì, Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng vì tại cấp sơ thẩm không có người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm vẫn công nhận tư cách người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là không đúng quy định pháp luật, nên đề nghị hủy bản án sơ thẩm. Về nội dung khác thì người đại diện theo ủy quyền của bị đơn đã trình bày đầy đủ, nên người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của bị đơn không bổ sung.
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày: Tại phiên tòa sơ thẩm, thì ông G bà T1 có mặt, ông L1 vắng mặt, nhưng theo giấy ủy quyền của nguyên đơn thì ông L1 là người đại diện ủy quyền và không có quyền ủy lại, nên đề nghị xem xét lại tư cách ông G, bà T1 tại phiên tòa sơ thẩm. Về nội dung thì quá trình giải quyết vụ án thì bị đơn khẳng định bị đơn không vi phạm quyền sáng chế, không vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ.
Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn (ông Mai Duy L1) trình bày: Ông L1 có toàn quyền thay mặt nguyên đơn tham gia tố tụng tại Tòa án thể hiện tại giấy ủy quyền, ông L1 có quyền khởi kiện, quyết định toàn bộ nội dung vụ việc và liên hệ tổ chức, cá nhân. Ông L1 có tham gia hòa giải tại Tòa án cấp sơ thẩm, có trình bày đã ủy quyền lại cho ông G, bà T1. Hồ sơ vụ án có nhiều chứng cứ chứng minh sản phẩm của bị đơn là thuộc bảo hộ sáng chế của nguyên đơn theo kết luận giám định, và các phiên tòa sơ thẩm. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm giải quyết vụ án:
- Về tố tụng: Vụ án từ khi Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý đến khi xét xử đã thực hiện đầy đủ các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
- Về nội dung: Ngày 10/6/2019 bị đơn có đơn đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Nguyên đơn là chủ sở hữu sáng chế đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế tại Việt Nam. Trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn không có ý kiến về văn bằng sáng chế, hiện tại văn bằng sáng chế của nguyên đơn vẫn đang có hiệu lực pháp luật, nên yêu cầu tạm đình chỉ là không có căn cứ.
Theo kết luận giám định ngày 26/9/2019 sáng chế được bảo hộ hợp chất (đối tượng giám định), thì sản phẩm của bị đơn có dùng công thức, biểu đồ nhiễu xạ được bảo hộ của nguyên đơn. Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và hướng dẫn Nghị định 99 thì sản phẩm của bị đơn có xâm phạm sáng chế của nguyên đơn. Theo kết luận giám định sở hữu công nghiệp thì thuốc của bị đơn có thành phần trùng với hợp chất sáng chế của nguyên đơn, là xâm phạm quyền đối với sáng chế đang được bảo hộ. Vậy, bị đơn đã sản xuất thuốc và phân phối tại thị trường Việt Nam có áp dụng sáng chế của nguyên đơn mà không xin phép là vi phạm quyền sở hữu công nghiệp. Bản án sơ thẩm đã xét xử là có căn cứ. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn cho rằng ủy quyền của nguyên đơn là không hợp pháp, nhưng hồ sơ vụ án thể hiện tư cách người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là đúng quy định pháp luật, nên không có căn cứ chấp nhận lời trình bày của người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho bị đơn. Từ đó, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến phát biểu của Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Theo Đơn khởi kiện 21/11/2016, nguyên đơn L khởi kiện yêu cầu bị đơn Công ty cổ phần dược phẩm Đ phải chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sáng chế; Thu hồi toàn bộ các sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg), Nisten - F (Ivabradine 7.5mg) đã phân phối trên thị trường và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg), Nisten - F (Ivabradine 7.5mg) đã thu hồi cũng như còn tồn kho và các nguyên, vật liệu được sử dụng để sản xuất hoặc kinh doanh các sản phẩm xâm phạm Bằng độc quyền sáng chế số 7181; Tiến hành thủ tục rút số đăng ký VD-20362-13 đối với sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg) và số đăng ký VD-21061-14 đối với sản phẩm thuốc Nisten - F (Ivabradine 7.5mg) tại Cục quản lý Dược - Bộ Y tế; bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn số tiền 500.000.000 đồng theo điểm c khoản 1 Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ; Thanh toán chi phí hợp lý trị giá 300.000.000 đồng; Phải xin lỗi nguyên đơn và cải chính công khai trên tạp chí Dược và Mỹ phẩm, tạp chí Khoa học và Đời sống và Báo Thanh niên trong 03 kỳ liên tiếp về các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế.
[2] Bản án sơ thẩm nhận định:
- L là chủ sở hữu Bằng độc quyền sáng chế số 7181 được Cục Sở hữu trí tuệ cấp ngày 15/7/2008 theo Quyết định số 13701/QĐ-SHTT, có hiệu lực 20 năm (kể từ ngày 15/02/2006), bảo hộ đối với sáng chế: Hợp chất Ivabradin Hydroclorua dạng tinh thể gama, quy trình điều chế và dược phẩm chứa nó. Ivabradin là chất làm giảm chuyên biệt nhịp tim. Tác dụng trên tim của thuốc là đặc hiệu với nút xoang mà không làm ảnh hưởng tới thời gian dẫn truyền trong nhĩ, trong nhĩ - thất, sự tái cực thất hoặc co cơ tim.
- Nguyên đơn có tranh chấp với bị đơn vì bị đơn đã sản xuất, lưu hành, tàng trữ trên thị trường sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg) và Nisten-F (Ivabradine 7.5mg) có chứa hoạt chất Ivabradin Hydroclorua dạng tinh thể gamma đã được bảo hộ bởi Bằng độc quyền sáng chế số 7181.
Bị đơn cho rằng, hoạt chất Ivabradin Hydroclorua trong sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg) và Nisten-F (Ivabradine 7.5mg) của bị đơn sử dụng là dạng bột vô định hình (amorphous poweder form) chứ không phải là dạng tinh thể gamma và sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg) và Nisten- F (Ivabradine 7.5mg) đã được đăng ký sản xuất, lưu hành theo đúng quy định của pháp luật, được Cục quản lý Dược - Bộ Y tế cấp Giấy phép lưu hành số đăng ký VD- 20362-13 đối với sản phẩm Nisten (Ivabradine 5mg) và số đăng ký VD-21061- 14 đối với sản phẩm Nisten - F (Ivabradine 7.5mg), nên không vi phạm Bằng độc quyền sáng chế số 7181 của nguyên đơn.
- Xét, tại Kết luận Giám định về sở hữu công nghiệp ngày 03/5/2019 do Giám định viên độc lập ông Phạm Phi Anh đối với 02 mẫu thuốc Nisten (Ivabradine 5mg) và Nisten - F (Ivabradine 7.5mg) do bị đơn cung cấp, xác định:“Sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg) và Nisten - F (Ivabradine 7.5mg) do Công ty Cổ phần Dược phẩm Đ sản xuất chứa hoạt chất Ivabradine trùng với hợp chất thuộc phạm vi bảo hộ của các điểm Yêu cầu bảo hộ của Bằng độc quyền sáng chế số 7181 và do đó, sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg) và Nisten - F (Ivabradine 7.5mg) bị coi là yếu tố xâm phạm quyền đối với sáng chế đang được bảo hộ theo Bằng độc quyền sáng chế số 7181”. Đồng thời, tại Văn bản số 11611/QLD-TTra ngày 21/6/2018 của Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã xác định: “việc sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg) và Nisten - F (Ivabradine 7.5mg) được Bộ Y tế cấp Giấy phép lưu hành không phải là căn cứ để khẳng định thuốc Nisten (Ivabradine 5mg) và Nisten - F (Ivabradine 7.5mg) có hay không vi phạm các bằng độc quyền sáng chế có liên quan”. Vì vậy, có đủ căn cứ xác định bị đơn đã vi phạm Bằng độc quyền sáng chế số 7181 của nguyên đơn.
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 124, khoản 1 Điều 126 Luật Sở hữu trí tuệ, việc bị đơn tiến hành tàng trữ, sản xuất, lưu thông, buôn bán, vận chuyển, quảng cáo, chào hàng trên thị trường sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg) và Nisten - F (Ivabradine 7.5mg) có chứa hoạt chất Ivabradin Hydroclorua dạng tinh thể gama đang được bảo hộ tại Bằng độc quyền sáng chế số 7181, khi chưa được sự cho phép của nguyên đơn là hành vi sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, xâm phạm quyền đối với sáng chế của S.
Do đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật Sở hữu trí tuệ thì nguyên đơn có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền buộc bị đơn phải chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sáng chế được bảo hộ theo Điểm 1 của Bằng độc quyền sáng chế số 7181 của nguyên đơn; phải xin lỗi nguyên đơn và cải chính công khai trên tạp chí Dược và Mỹ phẩm; tạp chí Khoa học và Đời sống và Báo Thanh niên trong 03 kỳ liên tiếp về các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế của nguyên đơn theo quy định tại khoản 2 Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ; phải bồi thường thiệt hại số tiền 500.000.000 đồng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ và thanh toán số tiền 300.000.000 đồng chi phí hợp lý mà nguyên đơn đã bỏ ra để thuê Luật sư theo quy định tại khoản 3 Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ.
- Đối với yêu cầu buộc bị đơn Công ty Cổ phần Dược phẩm Đ thu hồi toàn bộ các sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg) và Nisten - F (Ivabradine 7.5mg) đã phân phối trên thị trường; đồng thời tiêu hủy toàn bộ sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg), Nisten - F (Ivabradine 7.5mg) đã thu hồi cũng như còn tồn kho và các nguyên, vật liệu được sử dụng để sản xuất hoặc kinh doanh các sản phẩm xâm phạm Bằng độc quyền sáng chế số 7181: Xét thấy, nguyên đơn không xác định được số lượng cụ thể sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg) và Nisten - F (Ivabradine 7.5mg) đã phân phối trên thị trường, đồng thời không định danh, định lượng được chính xác nguyên liệu thô, vật liệu và máy móc cũng như nơi bảo quản và người đang quản lý, sử dụng các nguyên, vật liệu được sử dụng để sản xuất hoặc kinh doanh các sản phẩm xâm phạm Bằng độc quyền sáng chế số 7181 nên không có tính khả thi khi thi hành án. Do đó, yêu cầu này của nguyên đơn là không có căn cứ chấp nhận.
Từ những phân tích trên, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
[3] Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:
Tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định, đánh giá đầy đủ tài liệu chứng cứ trong hồ sơ và xét xử là có căn cứ, đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của các đương sự. Ngoài ra, Hội đồng xét xử nhận định thêm:
- Bị đơn kháng cáo cho rằng Bản án sơ thẩm đã có vi phạm tố tụng khi công nhận tư cách người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn tại cấp sơ thẩm, và đề nghị tạm đình chỉ giải quyết vụ án để chờ kết quả giải quyết của Cục Sở hữu trí tuệ đối với Bằng độc quyền sáng chế số 7181 của nguyên đơn.
Xét, theo Giấy chỉ định đại diện ngày 21/11/2016, L đã chỉ định ông Mai Duy L1 là người đại diện, với nội dung: “Ông Mai Duy L1 là người đại diện theo ủy quyền của chúng tôi có toàn quyền được ủy quyền lại, hủy bỏ việc ủy quyền lại, để thực hiện các công việc sau nhân danh cho L...” là phù hợp Điều 138 Bộ luật Dân sự năm 2015. Căn cứ Giấy chỉ định đại diện ngày 21/11/2016, ông Mai Duy L1 đã ủy quyền lại cho ông Bạch Hoàng G và bà Nguyễn Thị Anh T1 tham gia tố tụng (theo Văn bản ngày 22/7/2022) là không trái pháp luật. Tại cấp phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Mai Duy L1 có mặt, xác định người được ủy quyền của nguyên đơn tại cấp sơ thẩm đã thực hiện đúng quy định pháp luật, không ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp của nguyên đơn. Do vậy, Hội đồng xét xử xác định Tòa án cấp sơ thẩm không vi phạm tố tụng trong trường hợp này.
Đối với yêu cầu tạm đình chỉ giải quyết vụ án của phía bị đơn đã được Tòa án cấp sơ thẩm nhận định không chấp nhận là đúng. Do vậy, yêu cầu kháng cáo của bị đơn đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm tạm đình chỉ giải quyết vụ án là không có căn cứ chấp nhận. Hơn nữa, theo quy định của pháp luật thì từ khi biết được hành vi hoặc văn bản hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình mà không được giải quyết theo quy định pháp luật, thì đương sự có quyền khởi kiện vụ án hành chính. Theo bị đơn trình bày từ năm 2019 bị đơn đã có văn bản đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ xem xét hủy bỏ hiệu lực Bằng độc quyền sáng chế số 0007181, đến nay chưa có kết quả giải quyết nhưng bị đơn không yêu cầu khởi kiện vụ án hành chính là đã hết thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 116 Luật tố tụng hành chính năm 2015.
[4] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử xét thấy Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử là có căn cứ. Bị đơn có kháng cáo nhưng không có tài liệu, chứng cứ chứng minh. Do vậy, Hội đồng xét xử chấp nhận quan điểm của đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa; Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn; Giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[6] Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm:
Do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận nên người có kháng cáo phải chịu.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự,
I. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn Công ty cổ phần dược phẩm Đ.
Giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 13/2022/KDTM- ST ngày 07/9/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương.
Áp dụng khoản 1 Điều 123, khoản 1 Điều 124, khoản 1 Điều 125, khoản 1 Điều 126, Điều 201, Điều 202, Điều 204, Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009; Các Điều 16, 20 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
Tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn L đối với bị đơn Công ty Cổ phần Dược phẩm Đ về việc “tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ”.
1.1. Buộc Công ty Cổ phần Dược phẩm Đ phải chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sáng chế được bảo hộ theo Điểm 1 của Yêu cầu bảo hộ Bằng độc quyền sáng chế số 7181.
1.2. Buộc bị đơn Công ty Cổ phần Dược phẩm Đ bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn L số tiền 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng) theo điểm c khoản 1 Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ.
1.3. Buộc bị đơn Công ty Cổ phần Dược phẩm Đ thanh toán cho nguyên đơn L chi phí hợp lý số tiền 300.000.000 đồng (ba trăm triệu đồng).
Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chậm thanh toán số tiền trên thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.
1.4. Buộc bị đơn Công ty Cổ phần Dược phẩm Đ phải xin lỗi nguyên đơn L và cải chính công khai trên tạp chí Dược và Mỹ phẩm; tạp chí Khoa học và Đời sống và Báo Thanh niên trong 03 kỳ liên tiếp về các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế.
1.5. Buộc bị đơn Công ty Cổ phần Dược phẩm Đ phải tiến hành các thủ tục rút số đăng ký VD-20362-13 đối với sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg) và số đăng ký VD-21061-14 đối với sản phẩm thuốc Nisten - F (Ivabradine 7.5mg) tại Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế.
2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc bị đơn Công ty Cổ phần Dược phẩm Đ thu hồi toàn bộ các sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg) và Nisten - F (Ivabradine 7.5mg) đã phân phối trên thị trường; đồng thời tiêu hủy toàn bộ sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg), Nisten - F (Ivabradine 7.5mg) đã thu hồi cũng như còn tồn kho và các nguyên, vật liệu được sử dụng để sản xuất hoặc kinh doanh các sản phẩm xâm phạm Bằng độc quyền sáng chế số 7181.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
II. Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm:
Công ty cổ phần dược phẩm Đ phải chịu 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng), được trừ vào 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0000247 ngày 28/9/2022 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương.
Trường hợp bản án được thi hành theo Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án, hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7, 7a, 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ số 44/2023/KDTM-PT
Số hiệu: | 44/2023/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 24/05/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về