Bản án về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ số 19/2023/KDTM-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 19/2023/KDTM-ST NGÀY 22/06/2023 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Trong các ngày 19 và 22 tháng 6 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 35/2020/TLST-KDTM ngày 04/11/2020 về việc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ; theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 294/2023/QĐXXST-KDTM ngày 24/5/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Lê Tuấn K, sinh năm 1984 Địa chỉ: Số 666 Đường X, Phường Y, Quận Z, Thành phố Hồ Chí Minh Người đại diện theo uỷ quyền: Văn phòng Luật sư P. Địa chỉ: 38 PKI, phường TP, Quận B, Thành phố Hồ Chí Minh. Người đại diện theo pháp luật: Luật sư Phan Vũ T – Trưởng Văn phòng.

Người đại diện theo uỷ quyền lại: Bà Hà Thị Kim L, sinh năm 1991. Địa chỉ: Số 91 NK, phường VM, quận ĐĐ, thành phố Hà Nội; có mặt

 - Bị đơn: Công ty TNHH V Địa chỉ: Số 57 TP, phường ĐB, quận BĐ, thành phố Hà Nội Người đại diện theo pháp luật: Ông Ngô Quang H – Giám đốc Người đại diện theo uỷ quyền: Bà Đinh Thị H, sinh năm 1976. Địa chỉ: Số 40 phường QH, quận CG, thành phố Hà Nội; có mặt

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và các lời khai, nguyên đơn và người đại diện của nguyên đơn trình bày:

Bản ghi âm bài hát “Mãi mãi bên nhau” do nhạc sĩ Đỗ Ngọc H (nghệ danh Đỗ H) sáng tác và được biểu diễn bởi ca sĩ Nguyễn Phước T (nghệ danh NPT) (sau đây gọi là “Bản ghi âm”) được chính ông Lê Tuấn K (sau đây gọi là nguyên đơn) đề nghị nhạc sĩ Đỗ H sáng tác ca từ, giai điệu, hòa âm phối khí và đồng thời thực hiện thu âm Bản ghi âm cho bài hát này thông qua hợp đồng dịch vụ ngày 24 tháng 9 năm 2014 được ký giữa ông Lê Tuấn K và nhạc sĩ Đỗ Ngọc H.

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 (sau đây gọi là Luật Sở hữu trí tuệ) thì “Cá nhân sử dụng thời gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để sản xuất bản ghi âm, ghi hình là chủ sở hữu đối với bản ghi âm, ghi hình đó”. Như vậy, căn cứ vào hợp đồng dịch vụ nói trên, nguyên đơn chính là chủ sở hữu quyền liên quan đến quyền tác giả đối với Bản ghi âm “Mãi mãi bên nhau”.

Vào ngày 30 tháng 8 năm 2019, ngày công chiếu phim “Ngôi nhà bươm bướm” của đạo diễn Huỳnh Tuấn A (sau đây gọi là “Bộ phim”), nguyên đơn đã phát hiện Công ty TNHH V (sau đây gọi là bị đơn) đã sử dụng nội dung Bản ghi âm bài hát “Mãi mãi bên nhau” vào đoạn kết của Bộ phim. Bên cạnh đó, nguyên đơn ghi nhận được tại nội dung phần credit cuối phim, bị đơn cũng khẳng định việc sử dụng Bản ghi âm này.

Với tư cách là chủ sở hữu quyền đối với quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, nguyên đơn khẳng định hành vi sử dụng Bản ghi âm đưa vào Bộ phim của bị đơn hoàn toàn không được sự đồng ý và cho phép của chủ sở hữu. Căn cứ theo các khoản 3, 5 Điều 35 Luật Sở hữu trí tuệ thì hành vi của bị đơn là hành vi vi phạm quyền liên quan đến quyền tác giả đối với Bản ghi âm, cụ thể là hành vi:

- Sản xuất và phân phối bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình.

- Sao chép, trích ghép đối với bản ghi âm, ghi hình mà không đươc phép của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ, khoản 3 Điều 32 Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan thì hành vi sử dụng Bản ghi âm của bị đơn không thuộc vào các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao.

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ thì chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải:

- Xin lỗi, cải chính công khai chủ sở hữu quyền - Bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu quyền Căn cứ vào các nội dung trên, nguyên đơn đã liên hệ với bị đơn nhằm yêu cầu bị đơn phải xin lỗi cải chính công khai đích danh nguyên đơn một cách chính quy trên các phương tiện thông tin đại chúng và đồng thời yêu cầu bị đơn phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm của mình đã gây ra. Trong quá trình làm việc giữa đại diện của các bên, bị đơn xác nhận hành vi vi phạm đối với Bản ghi âm của nguyên đơn.

Tuy nhiên nguyên đơn không đồng ý với cách giải quyết của bị đơn đối với các yêu cầu của nguyên đơn. Cụ thể:

Đối với yêu cầu xin lỗi cải chính công khai, bị đơn cho rằng đã rất cầu thị xin lỗi thông qua các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, trên thực tế, việc các phương tiện truyền thông đưa ra thông tin là bị đơn xin lỗi về hành vi vi phạm là thông qua việc tường thuật lại của các phóng viên. Nguyên đơn không nhận được sự xin lỗi một cách trực tiếp của bị đơn.

Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật, cụ thể là theo tiểu mục 2.1, 2.1 và mục 4 phần IV Mục B Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT- TANDTC- VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án nhân dân, Tòa án hướng dẫn rằng, yêu cầu buộc xin lỗi, cải chính công khai được áp dụng cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm.

Theo đó, trong trường hợp các bên không thỏa thuận được với nhau về nội dung, cách thức thực hiện, thì Tòa án căn cứ vào tính chất hành vi xâm phạm và mức độ, hậu quả do hành vi đó gây ra quyết định về nội dung, thời lượng xin lỗi, cải chính công khai và chi phí thực hiện. Việc xin lỗi, cải chính công khai có thể được thực hiện trực tiếp nơi có địa chỉ chính của người bị thiệt hại hoặc đăng công khai trên báo hàng ngày của cơ quan Trung ương, báo địa phương nơi có địa chỉ chính của người bị thiệt hại trong ba số liên tiếp.

Do đó, việc báo chí đưa tin như vậy là không đáp ứng đúng quy định về việc xin lỗi cải chính công khai của một đơn vị có hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

- Đối với yêu cầu về bồi thường thiệt hại, giữa đại diện của nguyên đơn và đại diện của bị đơn đã liên hệ và làm việc với nhau nhiều lần, tuy nhiên bị đơn không đồng ý với mức bồi thường thiệt hại mà nguyên đơn đưa ra. Do đó, đến thời điểm hiện tại, bị đơn vẫn chưa thực hiện việc bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của bị đơn gây ra cho nguyên đơn.

Căn cứ vào hành vi vi phạm của bị đơn và căn cứ vào quyền của chủ sở hữu quyền được nêu trên, nguyên đơn đề nghị quý Tòa xem xét và buộc bị đơn phải:

- Xin lỗi công khai ông Lê Tuấn K trên các phương tiện thông tin đại chúng vì hành vi vi phạm quyền của chủ sở hữu đối với bản ghi âm nhạc “Mãi mãi bên nhau”.

- Bồi thường thiệt hại cho ông Lê Tuấn K số tiền là: 500.000.000 đồng do hành vi vi phạm gây ra.

- Thanh toán chi phí hợp lí thuê luật sư nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Lê Tuấn K trong vụ việc này là: 80.000.000 đồng.

Bị đơn và người đại diện của bị đơn trình bày:

Về thiệt hại và bồi thường thiệt hại: Bị đơn thừa nhận hành vi xâm phạm quyền và ngay thời điểm đó, bị đơn đã thực hiện các bước: chấm dứt ngay hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai và đưa ra mức bồi thường thiệt hại ở một mức độ hợp lý là 100.000.000 đồng nhưng nguyên đơn không chấp nhận số tiền bồi thường trên.

Cụ thể:

+ Trong ngày 29/08/2019, ekip đã nhanh chóng gửi mail và tin nhắn đến quản lý của Ca sĩ NPT – ông Lê Tuấn K, nhưng không nhận được phản hồi từ phía ông K.

+ Ngày 30/08, đại diện Nhà sản xuất phim “Ngôi nhà Bươm Bướm” lại gửi mail cho ông Lê Tuấn K hẹn gặp mặt trực tiếp để xin lỗi và có những hướng giải quyết phù hợp giữa hai bên, nhưng vẫn không nhận được phản hồi.

+ Đến ngày 31/08, bị đơn nhận được mail từ phía ông Lê Tuấn K nói sẽ thông qua luật sư để làm việc với bị đơn, gửi kèm công văn thông cáo báo chí về cảnh báo quyền tác giả, quyền liên quan và bắt bị đơn bồi thường 500.000.000 đồng.

+ Ngày 01/09 bị đơn có liên lạc với ông Lê Tuấn K về việc xin liên hệ với luật sư bên ông K để bị đơn trao đổi và đưa ra hướng giải quyết phù hợp, ông K đã phản hồi mail rằng vào ngày 03/09 bên phía luật sư của ca sĩ NPT sẽ làm việc với ekip đoàn làm phim.

+ Nhưng vào ngày 01/09, ca sĩ NPT lại chia sẻ trên trang vov.vn: “Nhà sản xuất phim vứt đó một lời xin lỗi rồi xem như không có chuyện gì xảy ra” hay trên trang zing.vn: “đoàn làm phim không những vẫn sử dụng ca khúc trong phim mà còn không phản hồi về việc yêu cầu xin lỗi, bồi thường thiệt hại, vật chất tinh thần”, điều này là hoàn toàn sai sự thật.

Bị đơn đã ngừng sử dụng Bản ghi âm ngay khi phát hiện vi phạm và đã xin lỗi với thái độ cầu thị để giải quyết vụ việc (bao gồm thông cáo báo chí, thư xin lỗi và gửi email cá nhân).

Số tiền bồi thường bên ông Lê Tuấn K đưa ra rất không hợp lý, phần bồi thường thiệt hại vẫn còn đang trong quá trình bàn bạc. Đại diện nhà sản xuất, ông M (giám đốc sản xuất) sẽ tiến hành gặp và giải quyết vụ việc vào ngày 03/09 theo lịch hẹn của phía luật sư nguyên đơn. Nhà sản xuất bộ phim không phải không có động thái xin lỗi, bồi thường như lời của NPT chia sẻ trên các trang báo.

Như vậy, hành động này của Ca sĩ NPT, ông Lê Tuấn K đã trực tiếp gây bất lợi không nhỏ đến danh dự của Nhà sản xuất trong lúc phim đã được quảng bá và ảnh hưởng nặng nề đến việc giảm sút doanh thu của bộ phim sau đó, hệ lụy dẫn đến việc đơn vị sản xuất bộ phim, nhà đầu tư cũng như hàng trăm người thuộc ekip đoàn phim bị mất thu nhập và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống.

+ Vào ngày 07/09, luật sư đại diện của nguyên đơn và bị đơn đã có buổi làm việc trực tiếp để thỏa thuận về vấn đề xin lỗi và bồi thường. Bên bị đơn đưa ra mức đề xuất hợp lý 100.000.000 đồng nhưng nguyên đơn không đồng ý, bị đơn đã cố gắng tiếp xúc, liên lạc nhiều lần. Ngày 11/09 luật sư của bị đơn có gửi thư xin lỗi kèm theo đề nghị bồi thường nhưng bên nguyên đơn vẫn không trả lời, trong khi đó là thời điểm vàng cho doanh thu của bộ phim. Bị đơn buộc phải hiểu rằng đó là hành vi cố tình gây bất lợi cho doanh nghiệp.

+ Thời điểm đó là thời điểm quyết định cho doanh thu của bộ phim khi được chiếu rộng rãi trên toàn quốc, việc vi phạm không chỉ sử dụng một phần Bản ghi âm “Mãi mãi bên nhau” cho phần credit cuối của nhạc sĩ Đỗ H và ca sĩ NPT mà bao gồm Bản ghi âm “Taxi” và “Đường cong” của nhạc sĩ Nguyễn Hải P và ca sĩ Thu M được sử dụng trong phim. Bị đơn cũng đã thu xếp ổn thỏa với sự chứng kiến của luật sư hai bên và thông cáo báo chí cũng như thư xin lỗi. Nhạc sĩ Nguyễn Hải P và ca sĩ Thu M cũng hiểu rằng đó là sự cố đáng tiếc và các bên đã chọn cách giải quyết nhẹ nhàng vì cùng là người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật.

Theo khoản 1 Điều 204 Luật Sở hữu trí tuệ quy định nguyên tắc xác định thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và theo quy định của pháp luật, cụ thể là theo tiểu mục 1.3 phần 1 mục B Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT- TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP hướng dẫn một số quy định pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ.

Đề nghị nguyên đơn đưa ra các bằng chứng thiệt hại về vật chất và tinh thần của Bản ghi âm do bị đơn xâm phạm, dẫn đến việc bồi thường số tiền phi lý, lên đến 500.000.000 đồng trong khi Bản ghi âm đã được phổ biến từ năm 2014.

Về nội dung xin lỗi:

- Bị đơn đã cầu thị xin lỗi nguyên đơn là ông Lê Tuấn K từ ngày 29/08/2019 đến ngày 11/09/2019 trên các phương tiện truyền thông như: Kênh 14, báo Pháp Luật, báo Tuổi trẻ, Vnexpress… và cả văn bản luật sư gửi đến ông Lê Tuấn K - Đại diện của nhà sản xuất là ông M liên tục gửi lời xin lỗi trực tiếp qua mail của ông Lê Tuấn K - Việc xin lỗi, cải chính công khai của bên bị đơn đã đúng với yêu cầu của pháp luật về bảo vệ quyền nhân thân của tác giả quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ (bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm) và khôi phục danh dự, uy tín cho tác giả. Việc vi phạm chưa gây tác hại gì về danh dự, uy tín của bên sở hữu bản quyền, thế nhưng bên nguyên đơn vẫn chưa đồng ý và bắt phải “đăng công khai trên báo hàng ngày của cơ quan trung ương, báo địa phương nơi có địa chỉ của người bị thiệt hại trong ba số liên tiếp”.

Về việc nguyên đơn chứng minh mình là chủ sở hữu Bản ghi âm:

- Bên nguyên đơn vẫn chưa đưa ra hợp đồng dịch vụ ngày 24/09/2014 giữa ông Đỗ Ngọc H và ông Lê Tuấn K.

- Theo giấy xác nhận đề ngày 10/12/2019 của ông Nguyễn Phước T thì ông Lê Tuấn K là nhà đầu tư toàn bộ cơ sở vật chất và chi phí cho việc thu âm phần biểu diễn bài hát “Mãi mãi bên nhau” và đã hoàn tất toàn bộ nghĩa vụ thanh toán và các nghĩa vụ khác có liên quan đến việc sản xuất bài hát nói trên. Như vậy, nguyên đơn cần đưa ra các giấy tờ, hồ sơ có liên quan, đặc biệt là các chứng từ về thuế, để chứng minh ông K là chủ sở hữu chính thức và hợp pháp của Bản ghi âm trên theo đúng pháp luật khi tranh chấp trước tòa án.

Sau khi biết mình đã xâm phạm đến quyền của Bản ghi âm, bị đơn đã ngay lập tức sửa chữa sai phạm, xin lỗi và đưa ra phương án bồi thường phù hợp, nhưng trong quá trình chờ đợi phản hồi từ phía nguyên đơn và luật sư đại diện của nguyên đơn, bị đơn đã bị ca sĩ NPT và nhạc sĩ Đỗ H đăng những thông tin không đúng sự thật về diễn biến của quá trình sự việc xảy ra, dẫn đến sự chỉ trích đồng loạt của các trang báo mạng và cả cộng đồng mạng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự và tổn hại về mặt tinh thần cũng như tổn thất nặng nề về mặt kinh tế không chỉ riêng của bị đơn mà còn của các nghệ sĩ tham gia, toàn bộ ekip sản xuất,… tác hại của bên nguyên đơn gây ra cho bên bị đơn là rất lớn.

Tại phiên toà hôm nay:

- Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện - Bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tham gia phiên toà nhận xét và đề nghị:

- Về tố tụng: Thẩm phán và Hội đồng xét xử thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Những người tham gia tố tụng chấp hành tốt các quy định của pháp luật.

- Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận đơn khởi kiện của ông Lê Tuấn K, buộc bị đơn phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009. Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm, đề nghị tuyên theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu do các bên đương sự cung cấp và Toà án thu thập được trong quá trình tiến hành tố tụng, sau khi được thẩm tra công khai tại phiên toà. Căn cứ vào kết quả hỏi và tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận thấy:

[1]. Về thủ tục tố tụng:

- Về thẩm quyền giải quyết:

Tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn phát sinh từ việc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ và bị đơn Công ty TNHH V có địa chỉ tại số 57 TP, phường ĐB, quận BĐ, thành phố Hà Nội, nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

[2]. Về nội dung vụ án:

Về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả và xin lỗi công khai:

- Quyền tác giả bài hát “Mãi mãi bên nhau” của nhạc sĩ Đỗ H mà bị đơn đã mua theo hợp đồng số 2588/2018/HĐQTGAN-PN/MR ngày 06/11/2018 của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), theo đó bị đơn được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật bao gồm: đầu tư, sản xuất bản ghi âm khác dựa trên ca khúc theo cách trình bày, thể hiện của một nghệ sĩ khác.

Bản ghi âm ca khúc “Mãi mãi bên nhau” là tác phẩm âm nhạc do ông Đỗ H sáng tác và được ca sĩ NPT trình bày, được ông Lê Tuấn K – nguyên đơn là người đầu tư toàn bộ cơ sở vật chất, chi phí để sản xuất Bản ghi âm này.

Căn cứ Điều 44 Luật Sở hữu trí tuệ, thì nguyên đơn ông Lê Tuấn K là chủ sở hữu hợp pháp và duy nhất đối với Bản ghi âm “Mãi mãi bên nhau” do ca sĩ Nguyễn Phước T trình bày.

Căn cứ Điều 30 Luật Sở hữu trí tuệ, nguyên đơn ông Lê Tuấn K có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây:

(i) Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình;

(ii) Nhập khẩu, phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao bản ghi âm, ghi hình của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được Căn cứ Điều 35 Luật Sở hữu trí tuệ thì hành vi của bị đơn là hành vi vi phạm quyền liên quan đến quyền tác giả đối với Bản ghi âm, cụ thể:

(i) Sản xuất và phân phối bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình (ii) Sao chép, trích ghép đối với bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình Vì vậy, bị đơn sử dụng bản ghi âm “Mãi mãi bên nhau” do ca sĩ Nguyễn Phước T trình bày trong bộ phim “Ngôi nhà bươm bướm” khi chưa được sự đồng ý của nguyên đơn là vi phạm quyền liên quan đến quyền tác giả. Công ty TNHH V cần chấm dứt hành vi vi phạm, thực hiện nghiêm túc Luật Sở hữu trí tuệ.

Căn cứ vào Luật Sở hữu trí tuệ và Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT- TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP quy định trường hợp các bên không thỏa thuận được thì bị đơn phải thực hiện xin lỗi cải chính công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật, nên chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn, buộc Công ty TNHH V xin lỗi công khai ông Lê Tuấn K trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.

Về yêu cầu bồi thường thiệt hại:

Nguyên đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại số tiền 500.000.000 đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 202 ; Điều 204 ; khoản 1, khoản 2 Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ.

Hội đồng xét xử thấy:

- Theo khoản 1 Điều 204 Luật Sở hữu trí tuệ quy định nguyên tắc xác định thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:

“a) Thiệt hại về vật chất bao gồm các tổn thất về tài sản mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, tổn thất về cơ hội kinh doanh chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại;

b) Thiệt hại về tinh thần bao gồm các tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng và những tổn thất khác về tinh thần gây ra cho tác giả của tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học; người biểu diễn;” - Theo quy định tại tiểu mục 1.3 phần I mục B Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT – TANDTC – VKSNDTC – BVHTT & DL – BKH & CN – BTP hướng dẫn một số quy định pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ:

“Thiệt hại về vật chất là sự tổn thất thực tế về vật chất và tinh thần do hành vi xâm phạm trực tiếp gây ra cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và được xác định theo các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 16 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP. Khi áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 16 của Nghị định 105/2006/NĐ-CP, cần phân biệt một số điểm sau đây:

Chỉ được coi là tổn thất thực tế nếu có đầy đủ ba căn cứ sau đây:

a) Lợi ích vật chất hoặc tinh thần là có thực và thuộc về người bị thiệt hại Lợi ích vật chất hoặc tinh thần là kết quả(sản phẩm) của người có quyền sở hữu trí tuệ và người bị thiệt hại là người có quyền hưởng lợi ích vật chất hoặc tinh thần đó.

b) Người bị thiệt hại có khả năng đạt được lợi ích vật chất hoặc tinh thần.

Người bị thiệt hại có thể đạt được (thu được) lợi ích vật chất hoặc tinh thần đó trong Điều kiện nhất định, nếu không có hành vi xâm phạm xảy ra.

c) Có sự giảm sút hoặc mất lợi ích của người bị thiệt hại sau khi hành vi xâm phạm xảy ra so với khả năng đạt được lợi ích đó khi không có hành vi xâm phạm và hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự giảm sút, mất lợi ích đó; cụ thể là:

Trước khi xảy ra hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, người bị thiệt hại đã có lợi ích vật chất hoặc tinh thần. Sau khi hành vi xâm phạm xảy ra người bị thiệt hại bị giảm sút hoặc mất lợi ích mà họ đạt được trước khi có hành vi xâm phạm và giữa hành vi xâm phạm và giảm sút, mất lợi ích đó phải có mối quan hệ nhân quả. Sự giảm sút, mất lợi ích đó là kết quả tất yếu của hành vi xâm phạm và ngược lại hành vi xâm phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự giảm sút, mất lợi ích đó.” Từ những quy định trên, nguyên đơn không đưa ra được các tài liệu, chứng cứ chứng minh những thiệt hại vật chất và tinh thần. Mặt khác bộ phim “Ngôi nhà bươm bướm” mới trong giai đoạn chiếu thử, chưa được chiếu ra công chúng nên bị đơn chưa thu được lợi nhuận, vì vậy không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc bị đơn bồi thường thiệt hại số tiền 500.000.000 đồng.

Về thanh toán chi phí thuê luật sư:

Căn cứ tại khoản 3 Điều 205 Luật sở hữu trí tuệ: “Ngoài khoản bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu Toà án buộc tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải thanh toán chi phí hợp lý để thuê luật sư.” Xét yêu cầu của nguyên đơn về việc đề nghị bị đơn phải thanh toán 80.000.000 đồng chi phí thuê luật sư, Hội đồng xét xử thấy bị đơn có hành vi xâm phạm quyền liên quan đến quyền tác giả và buộc phải công khai xin lỗi, tuy nhiên sự vi phạm chưa gây ra thiệt hại về mặt vật chất cho nguyên đơn, nên chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn chi phí thuê luật sư 40.000.000 đồng.

Bác các yêu cầu khác của đương sự.

Về án phí: Đương sự phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Từ những phân tích trên và theo đề nghị của vị đại diện của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 30, Điều 37; Điều 38, Điều 147, Điều 271, Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Căn cứ các Điều 16, Điều 17, Điều 29, Điều 30, Điều 35, Điều 44, Điều 202, Điều 204, Điều 205 Luật Sở hữu Trí tuệ;

Căn cứ các Điều 584, Điều 585 và Điều 589 Bộ luật Dân sự năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Lê Tuấn K đối với Công ty TNHH V:

- Buộc Công ty TNHH V xin lỗi công khai ông Lê Tuấn K trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.

- Buộc Công ty TNHH V phải trả cho ông Lê Tuấn K chi phí thuê luật sư:

40.000.000 đồng

 2. Bác các yêu cầu khác của đương sự

 3. Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án dân sự của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trường hợp bản án có hiệu lực pháp luật được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án, hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

4. Về án phí sơ thẩm:

- Công ty TNHH V phải chịu 3.000.000 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm, - Ông Lê Tuấn K phải chịu 25.600.000 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm, được trừ vào 13.600.000 đồng tạm ứng án phí (đã nộp) theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2018/0020454 ngày 13/10/2020 tại Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội, nên còn phải nộp 12.000.000 đồng.

5. Các đương sự có mặt được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2716
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ số 19/2023/KDTM-ST

Số hiệu:19/2023/KDTM-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:22/06/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về