Bản án về tranh chấp quyền sở hữu tài sản và bồi thường thiệt hại tài sản số 58/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

BẢN ÁN 58/2023/DS-PT NGÀY 17/04/2023 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TÀI SẢN

Ngày 17 tháng 4 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh B xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 182/2022/TLPT-DS, ngày 02/12/2022 về việc “Tranh chấp quyền sở hữu tài sản và bồi thường thiệt hại về tài sản”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 38/2022/DS-ST ngày 10 tháng 8 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh B bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 33/2023/QĐPT-DS ngày 28 tháng 02 năm 2023, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Ông Điểu Đ, sinh năm 1948 (có mặt) Địa chỉ: Thôn C, xã D, huyện Đ, tỉnh B Người đại diện theo ủy quyền của Ông Điểu Đ: Ông Điểu Duy Đ1, sinh năm 1962; Địa chỉ: Thôn E, xã G, huyện Đ, tỉnh Bình phước. (có mặt) Bị đơn: Ông Trần Văn M, sinh năm 1962 (vắng mặt) Bà Mai Thị T, sinh năm 1964 (vắng mặt) Địa chỉ: Thôn H, xã D, huyện Đ, tỉnh B.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1/ Ban quản lý rừng phòng hộ Đ, tỉnh B (vắng mặt) Người đại diện theo pháp luật: Ông Lê H, sinh năm 1962.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Văn C, sinh năm 1976. Địa chỉ: Thôn 5, xã I, huyện Đ, tỉnh B.

2/ Ông Điểu Ma R, sinh năm 1953 (vắng mặt) 3/ Bà Nguyễn Thị T1, sinh năm 1964 (vắng mặt) Địa chỉ: Thôn K, xã D, huyện Đ, tỉnh B.

4/ Công ty Cổ Phần S – Xây dựng – Thương mại và Nông nghiệp V (vắng mặt) Địa chỉ: Khu nhà điều hành khách sạn, phường L, thị xã M, tỉnh B.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Huỳnh Thành C1 – Tổng giám đốc Người đại diện theo ủy quyền: Ông Phan Văn C2 và Bà Thân Thị Phương T2.

Địa chỉ: Số 247 Ung Văn Khiêm, phường 25, quận N, TP.H.

5/ Bà Lưu Thị N, sinh năm 1971 (vắng mặt) 6/ Ông Nguyễn Văn H, sinh năm 1970 (vắng mặt) Nơi cư trú: Thôn C, xã D, huyện Đ, tỉnh B.

7/ Bà Vũ Thị N1, sinh năm 1966 (có mặt) 8/ Ông Nguyễn Văn D, sinh năm 1964 (vắng mặt) Nơi cư trú: Thôn P, xã D, huyện Đ, tỉnh B.

9/ Bà Đoàn Thị N2, sinh năm 1973 (có mặt) Nơi cư trú: Thôn 5, xã Đường 10, huyện Đ, tỉnh B. Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Điểu Đ.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện đề ngày 10 tháng 7 năm 2019 của nguyên đơn ông Điểu Đ và quá trình giải quyết vụ án đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Điểu Duy Đ1 trình bày: Vào năm 2003 ông Điểu Đ khai phá được diện tích đất 1.367ha tọa lạc tại tiểu khu 175 khoảnh 3 thuộc sự quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Đ, tỉnh B. Sau khi khai phá, ông Điểu Đ tiến hành trồng cây điều và cây hoa màu. Ông Điểu Đ chăm sóc, thu hoạch đến ngày 25/3/2012 thì có nhóm người đe dọa không cho gia đình ông Điểu Đ vào diện tích đất nói trên. Sau đó, ông Điểu Đ biết được diện tích đất này hiện do ông Trần Văn M và bà Mai Thị T quản lý, thu hoạch hoa lợi. Sự việc này đã được ông Điểu Đ khiếu nại và giải quyết lâu nay nhưng vẫn không có kết quả. Nhận thấy việc ông Trần Văn M, bà Mai Thị T tự ý vào lấn chiếm đất và thu hoạch hoa lợi, lợi tức của của ông Điểu Đ đã xâm phạm đến quyền về tài sản của ông Điểu Đ. Do đó, ông Điểu Đ khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết công nhận quyền sở hữu tài sản đối với 312 cây điều trồng năm 2003 và 50 bụi chuối trồng năm 2003. Yêu cầu ông Trần Văn M, bà Mai Thị T bồi thường hoa lợi, lợi tức thu được từ năm 2012 cho đến năm 2019 với số tiền 520.000.000đ. Đối với quyền sử dụng diện tích đất 1.367ha, ông Điểu Đum không yêu cầu giải quyết. Tại phiên tòa, ông Điểu Đ thống nhất với kết quả đo đạc là 12.050,0m2.

Bị đơn ông Trần Văn M, bà Mai Thị T vắng mặt tại phiên tòa, nhưng quá trình giải quyết vụ án ông Trần Văn M trình bày: Ông có quản lý, sử dụng diện tích đất khoảng 5,5ha tại tiểu khu 175 thuộc sự quản lý của ban quản lý rừng phòng hộ huyện Đ. Nguồn gốc của diện tích đất này là do ông Điểu Ma R được Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Đ giao khoán. Đến năm 2012 thì ông Điểu Ma R chuyển nhượng diện tích đất giao khoán 5,5ha cho ông. Việc chuyển nhượng có làm giấy tờ sang nhượng. Ngoài ra, giữa các bên có làm giấy ủy quyền có nội dung ông Điểu Ma R ủy quyền cho ông quản lý sử dụng để hợp pháp hóa việc bàn giao đất cho ông. Đến năm 2013, sau khi trả đủ tiền chuyển nhượng cho ông Điểu Ma R thì ông được quản lý, sử dụng đất từ năm 2013 cho đến nay. Khi ông nhận đất từ ông Điểu Ma R thì trên đất đã có trồng cây điều năm 2013 nhưng số lượng ít nên ông tiến hành trồng thêm cây điều trên toàn bộ diện tích đất nhận chuyển nhượng. Ông quản lý đến năm 2018 thì mới xảy ra tranh chấp. Còn thời gian về trước không có ai tranh chấp.

Đối với phần diện tích đất 12.050,0m2 gồm các điểm 1,2,3,4,5,6,7,8,9 ghi nhận trong bản đồ trích đo lập ngày 7/4/2021 (phần đất giáp với vườn cao su của ông T3) thì ông không có nhận chuyển nhượng phần diện tích đất này từ ông Điểu Ma R và cũng không có canh tác, sử dụng, trồng cây lâu năm hay tạo dựng tài sản nào trên diện tích đất này. Khi ông nhận chuyển nhượng diện tích đất của ông Điểu Ma R thì phần đất 12050,0m2 ông Nguyễn Văn D, bà Vũ Thị N1 đã quản lý, sử dụng, dựng 01 căn nhà chòi và chuẩn bị mì để gieo trồng. Quá trình sử dụng thì ông Nguyễn Văn D, bà Vũ Thị N1 trồng thêm cây cà phê xen với cây điều. Còn phần đất ông quản lý, sử dụng trồng cây điều. Giữa ông và vợ chồng ông Nguyễn Văn D, bà Vũ Thị N1 không có tranh chấp về ranh giới. Ông khẳng định số cây lâu năm trên diện tích đất 12050,0m2 hiện đang do ông Nguyễn Văn D, bà Vũ Thị N1 quản lý sử dụng không phải là tài sản của ông nên việc ông Điểu Đ khởi kiện ông là không đúng. Ông không có tranh chấp hay yêu cầu gì đối với diện tích đất và tài sản có trên đất mà ông Nguyễn Văn D, bà Vũ Thị N1 đang sử dụng.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ban quản lý rừng hộ Bù Đăng (sau đây gọi tắt là Ban quản lý) vắng mặt tại phiên tòa, nhưng quá trình giải quyết vụ án Ban quản lý rừng hộ Bù Đăng và đại diện theo ủy quyền ông Nguyễn Văn C trình bày: Từ kết quả chồng bản đồ gồm (bản đồ giao khoán của đơn vị, bản đồ phục vụ công tác giải quyết tranh chấp do Công ty TNHH MTV đo đạc bản đồ và trắc địa công trình 401) toàn bộ diện tích đất 12.050,0m2 không được Ban quản lý giao khoán cho cá nhân, cơ quan, tổ chức nào.

Trong tổng diện tích đất 12.050m2, UBND tỉnh B đã cho Hợp tác xã Dịch vụ thương mại Tổng hợp Nông lâm nghiệp Đăng Lâm thuê diện tích đất 5.226m2 theo Quyết định số 274/QĐ-UBND ngày 26/01/2011. Do Hợp tác xã Dịch vụ thương mại Tổng hợp Nông lâm nghiệp Đăng Lâm triển khai chậm tiến độ, UBND tỉnh B đã ban hành Quyết định số 2508/QĐ-UBND ngày 20/12/2013 về việc thu hồi đất của Hợp tác xã Dịch vụ thương mại Tổng hợp Nông lâm nghiệp Đăng Lâm, giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng quản lý và đưa vào sử dụng đúng mục đích nhưng do toàn bộ diện tích đất đã bị xâm canh nên Ban quản lý chưa đưa vào sử dụng được. Ngày 02/8/2019, UBND tỉnh B ban hành Quyết định số 1613/QĐ-UBND về việc thu hồi, hủy bỏ Quyết định số 2508/QĐ-UBND ngày 20/12/2013. Lý do thu hồi, hủy bỏ: Thực hiện theo Quyết định số 775/QĐ-BTNMT ngày 29/3/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc giải quyết khiếu nại của Hợp tác xã Dịch vụ thương mại Tổng hợp Nông lâm nghiệp Đăng Lâm (lần 2). Đến ngày 07/9/2021 Ủy ban nhân dân tỉnh B đã ban hành Quyết định số 2267/QĐ-UBND-NC về việc hủy bỏ Quyết định số 274/QĐ-UBND ngày 26/01/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thu hồi đất của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Đ, cho thuê và cấp giấy CNQSDĐ cho Hợp tác xã Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Nông lâm nghiệp Đăng Lâm. Do đó, hiện nay diện tích đất 5.226m2 đang được quản lý bởi Ban quản lý.

Trong diện tích đất 12.050,0m2 UBND tỉnh B đã phê duyệt dự án khoanh nuôi, bảo vệ rừng nghèo kiệt sang trồng rừng keo lai cho Công ty Cổ phần Nông nghiệp V với diện tích đất 6.824m2 theo Quyết định số 740/QĐ-UBND ngày 30/3/2010. Tuy nhiên, do toàn bộ diện tích đất bị xâm canh nên chủ dự án chưa triển khai thực hiện được nên vẫn đang thuộc đất lâm phần của Ban quản lý, thuộc đối tượng phải thu hồi để trồng lại rừng. Tuy nhiên, hiện nay chưa có chủ trương cụ thể nên đối với các loại cây trồng trên đất lâu năm, đang cho thu hoạch thì Ban quản lý đồng ý đề nghị Tòa án nhân dân huyện Đ giải quyết theo thẩm quyền. Đối với đất, đương sự có nghĩa vụ phải giao trả lại cho Ban quản lý khi Nhà nước cho yêu cầu.

Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty Cổ Phần S – Xây dựng – Thương mại và Nông nghiệp V (sau đây gọi tắt là Công ty V) trình bày: Trong tổng diện tích đất 12.050,0m2 thuộc khoảnh 3 tiểu khu 175 (xã G, huyện Đ) mà nguyên đơn tranh chấp với ông Trần Văn M, bà Mai Thị T thì có diện tích đất 6.824m2 được UBND tỉnh B phê duyệt dự án khoanh nuôi, bảo vệ rừng nghèo kiệt sang trồng rừng keo lai cho Công ty V theo Quyết định số 740/QĐ- UBND ngày 30/3/2010 và ngày 04/8/2011 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1817/QĐ-UBND về điều chỉnh Quyết định số 740/QĐ-UBND ngày 30/3/2010 của UBND tỉnh về phê duyệt dự án khoanh nuôi, bảo vệ rừng nghèo kiệt sang trồng rừng keo lai. Công ty V đã triển khai thực án dự án như: Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, ngày 21/6/2011 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1468/QĐ-UBND phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án; Tiến hành việc hỗ trợ, thu hồi đất xâm canh, lấn chiếm trên diện tích thực hiện dự án thể hiện qua việc ngày 17/8/2010 UBND tỉnh có văn bản số 2608/UBND-SX về chấp thuận cho Công ty V được phối hợp với UBND huyện Đ và các đơn vị có liên quan hỗ trợ, thu hồi đất xâm canh, lấn chiếm trên diện tích đất thực hiện dự án, ngày 10/6/2021 UBND huyện Đ có văn bản số 500/UBND-KT về thống nhất phương án hỗ trợ, tái định canh khi thu hồi đất đối với các hộ dân xâm canh đất lâm nghiệp trong vùng dự án của Công ty V, ngày 12/7/2013 UBND tỉnh có văn bản số 2250/UBND-KTN về việc hỗ trợ Công ty V giải tỏa đất xâm canh, lấn chiếm để tiếp tục thực hiện dự án trồng rừng nguyên liệu giấy tại Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng theo đúng quy định..... Đến nay, Công ty V chưa thể triển khai thực hiện dự án được do toàn bộ khu đất thuộc quy hoạch dự án đều đã bị các hộ dân xâm canh, lấn chiếm. Công ty V đã phối hợp cùng với các đơn vị, cơ quan nhà nước có thẩm quyền để điều tra xâm canh, họp bàn với các hộ dân về phương án bồi thường, hỗ trợ nhưng chưa đạt được sự đồng thống nhất và chưa thực hiện được công tác thu hồi đất. Hiện Công ty V chưa được UBND tỉnh cho thuê đất và cấp Giấy CNQSDĐ. Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, ý kiến của Công ty V như sau: Đối với yêu cầu công nhận quyền sở hữu tài sản là cây điều, cây chuối trên đất và yêu cầu bồi thường hoa lợi, lợi tức thu được từ cây trồng của nguyên đơn, Công ty V đề nghị quý Tòa căn cứ hồ sơ và giải quyết vụ án theo đúng quy định pháp luật. Đối với quyền sử dụng đất, khu đất này đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án khoanh nuôi, bảo vệ rừng và chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng rừng keo lai cho Công ty V làm chủ dự án và đã có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Do đó, hộ gia đình/ cá nhân đang trực tiếp sử dụng đất phải bàn giao đất cho Nhà nước để Công ty V có cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo Quyết định đã được phê duyệt. Công ty V không có yêu cầu độc lập trong vụ án tranh chấp giữa ông Điểu Đ và ông Trần Văn M, bà Mai Thị T.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Điểu Ma R, bà Nguyễn Thị T1 vắng mặt tại phiên tòa nhưng quá trình giải quyết vụ án ông Điểu Ma R, bà Nguyễn Thị T1 trình bày: Ông và Ban quản lý rừng phòng hộ Thọ Sơn cũ (nay là Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng) có ký kết hợp đồng giao khoán sử dụng đất vào mục đích sản xuất đất nông nghiệp, lâm nghiệp vào năm 2009. Diện tích đất giao khoán là 12ha tọa lạc tại khoảnh 3, tiểu khu 175 thuộc sự quản lý của Ban quản lý. Khi Ban quản lý rừng giao khoán thì hiện trạng đất là rừng chồi. Khi đi bàn giao đất thì có đi chỉ ranh nhưng không đo đạc và không có vật cắm ranh cụ thể do tại thời điểm giao khoán là đất rừng. Sau khi nhận đất giao khoán thì gia đình ông tiến hành phát dọn và trồng cây điều, cây mít, cây xoài và trồng chuối để làm ranh. Thời gian trồng cây lâu năm là trong năm 2009. Sau đó, ông tiến hành trồng dặm thêm cây chết. Ông sử dụng đất đến khoảng năm 2012 thì ông chuyển nhượng lại cho vợ chồng ông Nguyễn Văn H, bà Lưu Thị N. Diện tích đất chuyển nhượng khoảng 01 ha, giá chuyển nhượng bao nhiêu không nhớ do đã lâu. Phần đất ông chuyển nhượng cho bà Lưu Thị N có tứ cận: Một bên giáp lô cao su của ông O (nay là ông M1), đằng sau giáp với suối (cách suối khoảng 50m), hai mặt còn lại giáp phần đất ông nhận giao khoán. Hiện trạng đất khi giao khoán cho bà Lưu Thị N là trên đất đã trồng điều thưa, rải rác khoảng 1 đến 2 năm tuổi và có ít chuối trồng ở gần ranh giáp lô cao su của ông O. Sau đó, bà Lưu Thị N chuyển nhượng lại cho người khác. Việc chuyển nhượng giữa bà Lưu Thị N với người nhận chuyển nhượng, ông không biết không chứng kiến và không có ý kiến gì đối với việc chuyển nhượng này. Ông xác định phần diện tích đất giáp với lô cao su của ông M1 mà trên đất có trồng cây điều xen cây cà phê là phần đất ông chuyển nhượng cho bà Lưu Thị N. Phần diện tích đất này nằm trong phần diện tích đất giao khoán. Phần diện tích đất ông chuyển nhượng cho bà Lưu Thị N không nằm trong phần diện tích đất ông ủy quyền hay chuyển nhượng lại cho ông Trần Văn M. Hiện nay, ông Điểu Đ tranh chấp với ông Trần Văn M về diện tích đất này ông không có ý kiến hay yêu cầu gì.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lưu Thị N, ông Nguyễn Văn H vắng mặt tại phiên tòa nhưng quá trình giải quyết vụ án bà Lưu Thị N trình bày: Trước đây bà có nhận chuyển nhượng diện tích đất tọa lạc tại tiểu khu 175 thuộc xã G, huyện Đ, tỉnh B của ông Điểu Ma R. Diện tích đất nhận chuyển nhượng bà không nhớ. Khi nhận chuyển nhượng không có đo đạc cụ thể mà chỉ áng chừng. Khi nhận chuyển nhượng thì trên đất chủ yếu là cỏ tranh và một vài cây điều nhỏ. Sau khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông Điểu Ma R thì bà không có trồng gì thêm trên đất mà chỉ tiến hành phát dọn cỏ. Sau đó khoảng 3 đến 4 tháng thì bà chuyển nhượng diện tích đất trên bà Đoàn Thị N2 và bà Vũ Thị N1 (hai người nhận chuyển nhượng chung). Tuy nhiên, khi làm giấy viết tay thì chỉ có một mình bà Đoàn Thị N2 đứng tên bên mua, giá chuyển nhượng là 78.000.000đ. Các bên đã giao đủ tiền và bà đã bàn giao đất cho bà Đoàn Thị N2, bà Vũ Thị N1. Bà không biết diện tích đất nói trên được giao khoán hay như thế nào. Khi bà nhận chuyển nhượng thì không có tranh chấp gì. Đối với yêu cầu khởi kiện của ông Điểu Đ, bà không có ý kiến gì.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Đoàn Thị N2 vắng mặt tại phiên tòa nhưng quá trình giải quyết vụ án bà Đoàn Thị N2 trình bày: Bà và bà Lưu Thị N không có quan hệ họ hàng, giữa bà và bà Vũ Thị N1 là bà con cô bác ruột. Vào năm 2012, bà và bà Vũ Thị N có nhận chuyển nhượng chung 01 diện tích đất 1,7ha của bà Lưu Thị N. Đất tọa lạc tại thôn E, xã G, huyện Đ, tỉnh B. Khi nhận chuyển nhượng có làm giấy tờ viết tay. Tuy nhiên, chỉ có mình bà đứng tên nhận chuyển nhượng. Số tiền chuyển nhượng khoảng bảy mươi mấy triệu (bà không nhớ rõ số tiền). Sau khi nhận chuyển nhượng thì bà Vũ Thị N1 khai phá thêm phần diện tích đất giáp suối nên tổng diện tích đất khoảng 2,6ha. Khi nhận chuyển nhượng thì hiện trạng trên đất chủ yếu là cỏ tranh, cỏ mỹ, đất trống và một vài cây điều nhỏ (không nhớ bao nhiêu cây). Đến khoảng năm 2014 bà và bà Vũ Thị N1 chia đôi diện tích đất trên làm hai phần và trong năm 2016 bà không có nhu cầu sử dụng nên chuyển nhượng lại phần đất của bà cho người phụ nữ ở tỉnh Hà Nam (không nhớ rõ họ tên). Khi chuyển nhượng có làm giấy tờ tay nhưng bà không có giữ, giá chuyển nhượng bao nhiêu bà không nhớ. Từ đó đến nay bà không còn vào đất, không tranh chấp gì với ai.

Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Vũ Thị N1, ông Nguyễn Văn D thống nhất trình bày: Vợ chồng ông bà sinh sống ngoài Bắc. Đến năm 2012 thì vợ chồng vào Nam sinh sống, canh tác, sử dụng, quản lý diện tích đất tại tiểu khu 175, khoảnh 3 thuộc địa phận xã G, huyện Đ, tỉnh B (là diện tích đất Tòa án tiến hành xem xét, thẩm định). Nguồn gốc của diện tích đất này là do vợ chồng bà và bà Đoàn Thị N2 cùng góp tiền nhận chuyển nhượng từ bà Lưu Thị N vào năm 2012. Diện tích đất nhận chuyển nhượng khoảng 1,7ha. Mặt dù vợ chồng bà cùng góp tiền để nhận chuyển nhượng QSDĐ chung với bà Đoàn Thị N2 nhưng giấy tờ nhận chuyển nhượng do một mình bà Đoàn Thị N2 ký nên bà Đoàn Thị N2 giao cho vợ chồng bà giữ giấy mua bán. Đến năm 2014 thì các bên chia diện tích đất ra sử dụng. Phần đất của vợ chồng bà thì vợ chồng bà khai phá thêm phần giáp suối. Phần diện tích đất của vợ chồng bà giáp với vườn cao su của ông M1. Phần diện tích đất còn lại là của bà Đoàn Thị N2. Đến năm 2016 thì bà Đoàn Thị N2 không sử dụng diện tích đất này nữa nên chuyển nhượng lại cho người khác (không biết họ tên). Người này sử dụng được mấy tháng thì chuyển nhượng lại cho bà Vi Thị D1. Phần diện tích đất giữa vợ chồng bà và bà Vi Thị D1 được ngăn cách bằng hai cọc gỗ ở hai đầu. Quá trình sử dụng giữa vợ chồng bà và bà Vi Thị D1 không có tranh chấp gì.

Sau khi nhận phần diện tích đất, vợ chồng ông bà tiến hành trồng cây điều trong năm 2012. Đến năm 2015 thì trồng cây cà phê xen cây điều và trồng 80 nọc tiêu (ở phần giáp suối) và trồng dặm thêm cây điều. Vợ chồng ông bà canh tác sử dụng từ năm 2012 cho đến năm 2017 thì không có ai tranh chấp. Đến năm 2017 thì gia đình ông Điểu Đum vào diện tích đất này và chặt phá 460 cây cà phê, 300 cây điều và 80 nọc tiêu sống. Việc này vợ chồng ông bà đã trình báo ở Công an có thẩm quyền và hiện nay đang được Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an huyện Đ giải quyết. Sau sự việc bị chặt cây, trong năm 2017 vợ chồng ông bà tiến hành trồng lại cây điều, cây cà phê (trồng xen), một số ít cây điều, cây cà phê mọc lại ở phần thân cây bị chặt. Hiện nay, diện tích đất ông bà sử dụng, quản lý là 12.050,0m2, trên đất có 1200 cây cà phê, 300 cây điều trồng năm 2015 và 112 cây điều trồng năm 2017 và một ít trụ tiêu. Tổng số lượng cây lâu năm có trên đất nói trên là do vợ chồng ông bà trồng trọt, chăm sóc, quản lý nên đối với yêu cầu khởi kiện của ông A tranh chấp về quyền sở hữu tài sản là không đúng.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 38/2022/DS-ST ngày 10 tháng 8 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh B tuyên xử:

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Điểu Đ đối với ông Trần Văn M, bà Mai Thị T về việc tranh chấp quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về bồi thường thiệt hại về tài sản.

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo.

Ngày 31/8/2022 nguyên đơn ông Điểu Đ có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh B xem xét sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

* Tại phiên tòa phúc thẩm:

Người kháng cáo giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, các bên đương sự giữ nguyên yêu cầu, ý kiến đã trình bày không bổ sung gì thêm; các đương sự không tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.

Các đương sự không tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.

* Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh B:

- Về việc tuân thủ pháp luật tố tụng: Quá trình giải quyết vụ án của Tòa án từ khi thụ lý đến khi xét xử phúc thẩm của Thẩm phán, Thư ký Tòa án, Hội đồng xét xử và các đương sự đã tuân thủ đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Về nội dung giải quyết vụ án: Đề nghị HĐXX căn cứ vào khoản 1 Điều 308 của BLTTDS không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn; giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 38/2022/DS-ST ngày 10 tháng 8 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh B.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

[1] Về thủ tục kháng cáo: Đơn kháng cáo của nguyên đơn ông Điểu Đ làm trong thời gian luật định, hình thức và nội dung phù hợp quy định tại các Điều 272, Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự.

[2] Xét kháng cáo của nguyên đơn ông Điểu Đ, Hội đồng xét xử nhận thấy:

Nguyên đơn yêu cầu công nhận quyền sở hữu tài sản đối với 312 cây điều và 50 bụi chuối trồng năm 2003:

Ông Điểu Đ và đại diện theo ủy quyền ông Điểu Duy Đ1 khai vào năm 2003 ông Điểu Đ khai phá được diện tích đất 1.367ha tại khoảnh 3 tiểu khu 175 thuộc địa phận xã G, huyện Đ, tỉnh B. Sau khi khai phá thì ông Điểu Đ trồng 312 cây điều, 50 cây chuối và hàng năm trồng thêm cây thơm, cây mì. Ông Điểu Đ chăm sóc, quản lý, thu hoạch hoa lợi đến năm 2012 thì bị ông Trần Văn M, bà Mai Thị T xâm chiếm và quản lý diện tích đất cùng tài sản trên đất cho đến nay. Nay ông Điểu Đ yêu cầu công nhận quyền sở hữu đối với 312 cây điều và 50 cây chuối trồng năm 2003.

Ngày 07/4/2021, Tòa án tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ, ông Điểu Đ, bà Vũ Thị N1, bà Vi Thị D1 xác định phần diện tích đất tranh chấp là 12.050,0m2 và trên đất trồng 1200 cây cà phê trồng năm 2017, 10 trụ tiêu sống, 300 cây điều trồng năm 2015 và 112 cây điều. Ông Điểu Đ cho rằng 112 cây điều trồng năm 2003, còn bà Đoàn Thị N2 112 cây điều trồng năm 2012 (bút lục số 244). Bà N1 khai nhận vợ chồng bà nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất 12.050,0m2 từ bà Đoàn Thị N2 và tiến hành trồng cây điều từ năm 2012, đến năm 2015 thì trồng xen cây cà phê vào cây điều. Xét, lời khai của bà N1 phù hợp với lời khai của bà N2, bà D1 và bà N (bút lục số 53, 49, 45). Theo báo cáo kết quả xác định độ tuổi cây rừng của Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Nam bộ ngày 29/4/2021 xác định độ tuổi của cây điều được trưng cầu giám định là 09 tuổi (bút lục số 164). Như vậy, kết quả trưng cầu giám định phù hợp với lời khai của bà B4. Quá trình giải quyết vụ án ngoài việc cung cấp cho Tòa án 01 tờ giấy có tiêu đề tờ trình về việc xin khoanh nuôi và 3 khu vực mồ mả và đất rẫy khai hoang tháng 1/2003, nguyên đơn không cung cấp giấy tờ, tài liệu nào khác chứng minh về nguồn gốc, độ tuổi của cây điều đang tranh chấp. Mặt khác, nguyên đơn thừa nhận không xác định được số cây điều nào và cây chuối nào trồng năm 2003 và không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến năm 2012 thì trên diện tích đất 12.050,0m2 có 312 cây điều trồng năm 2003 và 50 cây chuối trồng năm 2003.

Về việc chăm sóc, quản lý, canh tác, thu hoạch cây lâu năm: Bà N1 cho rằng sau khi nhận chuyển nhượng diện tích đất 12.050,0m2 thì vợ chồng bà đã tiến hành trồng cây điều vào năm 2012, đến năm 2015 thì trồng xen cây cà phê vào hàng điều. Đến năm 2017 thì vợ chồng ông Điểu Đ chặt hạ 300 cây điều và 460 cây cà phê nên vợ chồng bà N1 tiến hành trồng lại cây cà phê, cây điều và một số cây lâu năm thì tiếp tục mọc lại chồi ở phần thân bị chặt hạ. Theo kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 07/4/2021 thì trên phần diện tích đất 12.050,0m2 trồng 1200 cây cà phê trồng năm 2017, 10 trụ tiêu sống, 300 cây điều trồng năm 2015 và 112 cây điều. Tại biên bản ghi lời khai lập ngày 21/01/2017 (bút lục số 74) ông Điểu Đ khai nhận “những cây trồng mà chúng tôi chặt bỏ là do người khác trồng trên đất của tôi”. Theo biên bản khám nghiệm hiện trường lập ngày 16/02/2017 ghi nhận: “300 gốc cây điều có đường kính từ 0,03m đến 0,1m bị đối tượng sử dụng vật một lưỡi sắt dày (nghi dao rựa) tác động vào thân cây theo hướng làm thân cây rời hoàn toàn khỏi cây….có 460 cây cà phê bị đối tượng sử dụng vật một lưỡi sắt dày (nghi dao rựa) tác động vào thân cây theo hướng làm thân cây rời hoàn toàn khỏi cây”.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Điểu Duy Đ1 cũng thừa nhận từ năm 2012 cho đến nay, ông Điểu Đ không canh tác, sử dụng diện tích đất 12.050,0m2 và không gieo trồng, chăm sóc cây trồng trên đất nên đây là tình tiết không phải chứng minh theo quy định tại khoản 2 Điều 92 của Bộ luật Tố tụng Dân. Như vậy, có đủ cơ sở xác định ông Nguyễn Văn D, bà Vũ Thị N1 là người trực tiếp canh tác, quản lý, chăm sóc cây trên thửa đất có diện tích 12.050,0m2. Ông Điểu Đ không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền sở hữu của ông đối với 312 cây điều và 50 cây chuối trồng năm 2003 nên không có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Điểu Đ.

Về yêu cầu bồi thường hoa lợi, lợi tức thu được từ năm 2012 đền năm 2019: Quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, nguyên đơn khai nhận từ năm 2012 cho đến nay bị đơn ông Trần Văn M, bà Mai Thị T trực tiếp thu hoạch hoa lợi, lợi tức thu được từ cây điều, cây mít, cây chuối. Vì vậy, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu ông Trần Văn M, bà Mai Thị T bồi thường hoa lợi, lợi tức thu được từ năm 2012 đến năm 2019 tương đương với số tiền 520.000.000đ. Xét, ông Trần Văn M khai nhận ông không có canh tác, sử dụng trồng cây lâu năm hay tạo dựng tài sản gì trên diện tích đất 12050,0m2 mà người trực tiếp quản lý, chăm sóc cây lâu năm có trên diện tích đất này là vợ chồng ông Nguyễn Văn D, bà Vũ Thị N1 (bút lục số 51, 48). Tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Điểu Duy Đ1 cũng thừa nhận hoa lợi, lợi tức trên diện tích đất này do vợ chồng ông Nguyễn Văn D và bà Vũ Thị N1 thu hoạch. Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Điểu Duy Đ1 không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh ông Trần Văn M, bà Mai Thị T là người chăm sóc, thu hoạch hoa lợi, lợi tức có trên đất.

Mặt khác, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn cho rằng việc vợ chồng ông Nguyễn Văn D, bà Vũ Thị N1 canh tác, sử dụng diện tích đất này và chăm sóc, thu hoạch hoa lợi có trên đất thực chất chỉ là việc hợp pháp hóa việc chuyển giao việc canh tác, sử dụng diện tích đất này từ ông Điểu Ma R sang ông Trần Văn M, bà Mai Thị T và chuyển giao sang cho bà Vũ Thị N1, ông Nguyễn Văn D. Tuy nhiên, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn cũng thừa nhận ông không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh việc hợp pháp hóa này. Như vậy, có đủ cơ sở xác định ông Trần Văn M, bà Mai Thị T không có xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của ông Điểu Đ. Do đó, việc ông Điểu Đ khởi kiện, yêu cầu ông Trần Văn M, bà Mai Thị T bồi thường hoa lợi, lợi tức thu được là không đúng đối tượng khởi kiện.

Về quyền sử dụng đất: Các đương sự đều xác định phần diện tích đất 12.050,0m2 là đất lâm phần thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Đ và không có yêu cầu giải quyết về quyền sử dụng đất nên Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết.

Đối với việc ông Điểu Đ chặt hạ cây điều và cây cà phê trên diện tích đất 12.050,0m2 đang được Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an huyện Đ, tỉnh B giải quyết. Ông Nguyễn Văn D, bà Vũ Thị N1 không có yêu cầu gì nên Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn ông Điểu Đ và người đại diện theo ủy quyền của ông có yêu cầu được miễn án phí, xét thấy ông Điểu Đ sinh năm 1948 là người cao tuổi, đồng thời là người đồng bào dân tộc thiểu số nên ông Điểu Đ được miễn nộp tiền án phí theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/ UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội nên đề nghị của nguyên đơn có cơ sở cần được chấp nhận.

Từ những phân tích trên, xét thấy việc kháng cáo của nguyên đơn có căn cứ một phần nên được Hội đồng xét xử chấp nhận một phần, sửa quyết định của Bản án sơ thẩm đối với phần án phí sơ thẩm.

[3] Án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo của nguyên đơn ông Điểu Đ được chấp nhận một phần nên không phải chịu.

[4] Quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh B phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

Vì các lẽ nêu trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự;

Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn ông Điểu Đ.

Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 38/2022/DS-ST ngày 10 tháng 8 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh B.

Căn cứ vào Điều 221 của Bộ luật Dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH16 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí của Tòa án ngày 30/12/2016.

Tuyên xử:

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Điểu Đ đối với ông Trần Văn M, bà Mai Thị T về việc tranh chấp quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về bồi thường thiệt hại về tài sản.

Về chi phí tố tụng: Buộc ông Điểu Đ phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí đo đạc là 5.857.000đ và chi phí trưng cầu giám định là 7.900.000đ (đã nộp xong).

Về án phí dân sự sơ thẩm: Nguyên đơn ông Điểu Đ được miễn toàn bộ. Hoàn trả cho ông Điểu Đ số tiền tạm ứng án phí mà ông đã nộp là 12.700.000 đồng theo biên lai thu tiền số 0009646 ngày 09 tháng 8 năm 2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đ, tỉnh B.

Án phí dân sự phúc thẩm: Nguyên đơn ông Điểu Đ không phải chịu. Hoàn trả cho ông Điểu Đ số tiền 300.000 đồng theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0000606 ngày 09/9/2022 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Đ, tỉnh B.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

67
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp quyền sở hữu tài sản và bồi thường thiệt hại tài sản số 58/2023/DS-PT

Số hiệu:58/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Phước
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:17/04/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về